Giang Nam. Địa linh nhân kiệt. Sơn thanh thuỷ tú. Nước non ngàn dặm nơi đây đã sinh ra bao nhiêu tài tử?
“Thuỷ quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bả Tây Hồ tỉ Tây Tử
Đạm trang nồng mạt tổng tương nghi” (1)
Bài thơ này ví Tây Hồ với mỹ nhân Tây Thi, do vậy, Tây Hồ còn có thêm một nhã hiệu khác, là “Tây Tử Hồ”. Tháng ba, Tây Hồ mỹ cảnh. Cùng một lúc có biết bao văn nhân nhã khách tới đây du thưởng, vô hình đã điểm thêm phong vị cho Tây Tử Hồ. Còn Liễu Dật, hoàn toàn chỉ vì nhà ở gần, y mới chạy ra chen vào cái đám nhiệt náo này. Đi cùng y là Thập Kiệt Nhất, một tên thô lỗ, chữ nghĩa gom góp lại chưa đầy một “bồ”, sở dĩ gã tới Tây Hồ chỉ vì lão đại của gã, Liễu Dật, cũng tới đây. Đúng lúc đang định ngồi xuống một chỗ trong đình viên để thưởng thức cảnh đẹp, đột nhiên một thanh âm vang lên: “Ô la la, đây chẳng phải là tiểu công tử của Liễu phủ
(1) Ẩm Hồ Thượng Sơ Tình Phục Vũ (Tô Đông Pha – Nguyễn Hiến Lê dịch)
Trời tạnh long lanh hồ đã đẹp
Mưa phùn mịt mịt núi càng xinh
Tây hồ đâu khác nàng Tây tử
Trang điểm cùng không nét vẫn tình
sao? Ôi, nhầm, là Liễu đại tài tử chứ, sao hôm nay lại có hứng đến đây du hí vậy? Xem ra phong quang của Tây Hồ nhờ Liễu công tử mà đã tăng thêm không ít hương sắc rồi!” Liễu Dật nghe tiếng, bèn quay sang nhìn, thấy cách mình chừng mười trượng, có một người mình mặc áo dài màu tím, đầu đội mũ kiểu thư sinh, mày mỏng mắt ti hí, tướng mạo rất tối tăm, dáng lùn tịt thấp bé, niên kỷ ước độ hai mươi.
Liễu Dật nào lạ gì tên lùn này. Học phủ “Quảng An Các” có danh khí nhất Giang Nam hiện nay là do phụ thân hắn lập ra, còn hắn, đương nhiên là đại tài tử của Quảng An Các. Tuy tướng mạo bần tiện xấu xí, nhưng cứ ra đường hỏi: “Có biết Lý Dẫn không?“,
bảo đảm cả một đám đông nhận có. Lý Dẫn vốn không phải là người xấu, chỉ vì tài tử nổi tiếng nhất ở Giang Nam lại là Liễu Dật, hai bên xã giao còn tạm được, nhưng đồng hành lại là oan gia. Đều là tài tử nhưng Lý Dẫn không sao chấp nhận nổi Liễu Dật. Đúng là, cừu nhân chạm mặt, hai mắt đỏ vằn. Lý Dẫn vốn tâm tình thoải mái, muốn đến ngoạn cảnh Tây Hồ, bất giác trông thấy Liễu Dật cũng ở đây, lòng đâm khó chịu. Liễu Dật nghe giọng Lý Dẫn, cũng tự nhiên bực mình, y cung tay đáp lễ: “Cứ tưởng cơn gió lành vừa rồi thổi ai tới, thì ra là Lý đại công tử!” Thập Kiệt Nhất đứng bên ngây ngô bảo: “Lão đại, đệ đâu có thấy cơn gió nào… Với lại, vừa rồi đệ mới để sút một cái rắm.” Mấy tên gia nhân sau lưng Lý Dẫn nghe thấy, hầu như cùng xông lên một lượt, xem ra muốn nện cho tên ngốc kia một trận, chỉ là chưa nói thẳng ra mà thôi. Lý Dẫn cũng tức, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để ngăn đám gia nhân lại, vì hắn biết tên Thập Kiệt Nhất này, tuy ngu muội nhưng đã học được mấy năm công phu ở đâu đó, lợi hại vô cùng. Những lần trước chưa biết, nên đã ăn đòn đủ, hầu như bị tên ngốc đánh cho tàn tạ, sau đó còn phải nghe gã huênh hoang: “Ta chính là một trong đương kim thập đại kiệt xuất thiếu niên, thiên hạ gọi ta là Thập Kiệt Nhất, không phục thì đi kêu thêm người nữa đến đây đánh nhau.” Lý Dẫn vừa ngăn đám gia nhân, vừa nhìn Thập Kiệt Nhất đang trợn trừng ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống hắn, u ám bảo: “Liễu huynh, huynh xem, chuyện gì thế này, chúng ta đều là văn nhân, sao có thể thô lỗ thế. Hành vi của những kẻ ngu xuẩn kia, ta nghĩ Liễu huynh cũng không thể tán thành!”
Liễu Dật nhìn tên lùn có nét mặt biến đổi còn nhanh hơn con tắc kè thay màu da ấy: “Lý công tử nói sai rồi, khoái ý ân cừu trong giang hồ, thực ra chính là tưởng vọng của Liễu mỗ.” Lý Dẫn nghe thấy câu đó, lại nhìn Thập Kiệt Nhất có vẻ như đang muốn phát tác: “Liễu huynh, lâu nay vẫn nghe về các mặt cầm – kỳ – thư – họa, huynh đã đạt tới trình độ rất cao, Lý mỗ lấy làm bội phục, không biết… Liễu huynh có chịu cùng tiểu đệ tỷ thí một chút không?” Liễu Dật ngắm quả cầu thịt, không biết hắn đang định giở trò gì, đáp: “Lý huynh nói sao, những thứ đó là sở thích của Liễu mỗ, học để rèn luyện bồi đắp tâm tính, chứ không phải là để tỷ thí với người.” Lúc này, bên cạnh họ đã bu quanh một đám đông, trong ba vòng, ngoài ba vòng. Người Giang Nam ai mà không biết đại tài tử Liễu Dật và Lý Dẫn là oan gia, mỗi lần gặp nhau đều có kịch vui để xem, hôm nay cũng không ngoại lệ, mọi người cùng chong chong ánh mắt đợi chờ. Lý Dẫn giơ cái quạt gấp trong tay lên, nhè nhẹ mở ra, chậm rãi nói: “Những môn mà Liễu huynh dùng để bồi dưỡng tâm tính ấy, tiểu đệ tất nhiên không thể so bì, hay là chúng ta tỷ thí bằng các câu đối?” Nguyên là Lý Dẫn đã có tính toán, hắn biết Liễu Dật rất giỏi cầm – kỳ – thư – họa, vì vậy mới cố ý ra đề khó, là làm câu đối. Lý Dẫn thấy Liễu Dật không có phản ứng, bèn xoay mình hỏi đám đông xung quanh: “Các vị, các vị có muốn xem Liễu đại tài tử và tiểu sinh so tài bằng câu đối không?” Đám đông tức thì hô lên như điên, chẳng bao giờ thấy câu đối của Liễu đại tài tử, bây giờ mà được chứng kiến, thì đúng là cơ hội ngàn năm có một. Liễu Dật không phải loại ngốc, đương nhiên nhận ra thâm ý của Lý Dẫn không muốn cho mình đường rút lui, bắt mình phải lộ mặt xấu. Nhưng y có coi cái việc đối đáp cỏn con này là cái gì, nhất thời máu nóng dâng lên, y nói: “Được, Lý huynh đã có nhã hứng, Liễu mỗ cũng đành chịu tiếng kém cỏi vậy.” Lời vừa nói ra, lập tức xung quanh người ta hô vang, vỗ tay như sấm: “Hay lắm, hay lắm!” Lý Dẫn cầm chiếc quạt gấp, phẩy khe khẽ: “Liễu huynh, vậy Lý mỗ không tự lượng sức đành bắt đầu trước.” Liễu Dật chìa quạt về phía Lý Dẫn: “Mời!”
Lý Dẫn bước lên mấy bước, ngẩng đầu nhìn trời cao, khe khẽ phe phẩy chiếc quạt, đoạn quay mình, ngâm: “Từ trào mặc tận, thiên tình vạn oán, anh kiệt sầu.”(2) Đám đông vừa nghe, đã cùng kêu lên: “Hay, quả nhiên là vế ra rất hay!” Liễu Dật thở dài, lắc lắc đầu, không cân nhắc lâu đáp liền: “Khúc chung nhân tán, phát hoa mấn bạch, hồng nhan một.”(3) Mọi người vừa nghe, còn kêu to hơn, vế đối thật tinh tế, hai câu hợp lại quả là một cặp tuyệt đối. Liễu Dật chẳng thèm nghĩ ngợi gì, tung ngay vế dưới ra, có thể thấy văn tài trác tuyệt dường nào. Lý Dẫn nghe xong, lòng đâm hoang mang, tay vẫy cây quạt, lại ra một vế trên khác: “Oanh oanh yến yến túy túy hồng hồng xứ xứ dung dung kháp kháp.”(4) Vế trên vừa đưa ra, xung quanh bỗng lặng ngắt, câu này khó quá. Liễu Dật khe khẽ đưa cây quạt gấp, tiếp ngay: “Phong phong vũ vũ hoa hoa diệp diệp niên niên mộ mộ triêu triêu.”(5) Vế dưới vừa xuất, đám đông lại một lần nữa rộn lên tiếng vỗ tay giòn giã. Lý Dẫn chẳng còn lòng dạ nào mà nghe, vừa xoay mình, vừa bật ra vế đối trên đã chuẩn bị sẵn: “Thời thời hội nhất nhật, nhật nhật hội nhất nguyệt, nguyệt nguyệt hội nhất niên, niên phục nhất niên.”(6) Liễu Dật nhè nhẹ giơ quạt lên, lông mày cau lại, Lý Dẫn ngó thấy, phá ra cười lớn: “Liễu huynh, có tìm được vế dưới không?” Liễu Dật lắc đầu: “Lý công tử, xem câu này ra sao nhé! Nhất nhật tư nhất nguyệt, nhất nguyệt tư nhất niên, nhất niên tư nhất sinh, sinh sinh thế thế.”(7) Lý Dẫn gấp quạt, không biết đáp lại thế nào. Xung quanh tức thì vang lên tiếng rào rào. Có người nói thật to: “Hay lắm!”, có người giục Lý Dẫn mau ra câu đối khác, lại có người khích bác Lý Dẫn: “Gã này không còn câu đối nào rồi, Liễu đại tài tử là người mà hắn có thể so bì được sao? Đúng là không biết tự soi gương mà!”
(2) Chữ cạn mực kiệt, trăm ngàn tình oán, anh kiệt sầu.
(3) Khúc hết người tan, tóc mai nhuốm bạc, hồng nhan muộn.
(4) Oanh oanh yến yến xanh xanh đỏ đỏ nơi nơi ríu rít rộn ràng.
(5) Gió gió mưa mưa hoa hoa lá lá ngày ngày chiều chiều sớm sớm.
(6) Nhiều giờ dồn thành ngày, nhiều ngày dồn thành tháng, tháng tháng dồn lại một năm, năm này sang năm nọ.
(7) Một ngày nhớ một tháng, một tháng nhớ một năm, một năm nhớ một đời, đời đời kiếp kiếp.
Lý Dẫn biết hôm nay không muốn xấu cũng không được, bèn nghiến răng nói: “Vẫn còn một vế ra nữa, mời Liễu huynh đối.” Liễu Dật ung dung: “Xin mời!” Lý Dẫn phe phẩy cây quạt: “Tiếu ni cô hạnh nhãn hàm xuân mạch mạch hàm tình xuân tâm đãng dạng uyển chuyển oánh đề thiên kiều bách mị tình bất tự cấm hỉ bất tự thắng quyết ý dục tư xuân.”(8) Vế ra đã hết, mọi người nghe xong một lúc lâu, rồi cùng phá ra cười, bảo nhau, Lý Dẫn này cùng đồ mạt lộ rồi, mới xuất một câu đối hạ lưu đến thế. Chỉ có điều không biết Liễu Dật có thể đối lại một câu dài như vậy không? Liễu Dật đi xung quanh Lý Dẫn hai vòng, rồi kề sát vào tai hắn bảo: “Tuấn hoà thượng hổ mục sinh sân hận sinh thán phật ý kiên đỉnh khảng khái bi ca vạn niệm câu hôi tâm như mao thạch bi tùng trung lai đoạn nhiên yếu ngộ không.”(9) Vế đối vừa dứt, Liễu Dật phẩy chiếc quạt, cười ha ha thật sảng khoái, xoay mình sải bước ra bên ngoài nói: “Thập Kiệt Nhất, đi nào, về nhà ăn cơm thôi!” Thập Kiệt Nhất gật đầu, cùng Liễu Dật đi về hướng một quán ăn. Ở chỗ cũ chỉ còn Lý Dẫn đứng sững, vế đối cuối cùng là hắn đã mất ba ngày nghiền ngẫm mới viết ra được, không ngờ bị cái tên tiểu tử kia đối mất. Còn những người vây quanh, tuy họ không biết Liễu Dật có đối được không, nhưng nhìn thái độ của cả hai, cũng đoán được tám chín phần. Chỉ có điều không biết câu đối của Liễu Dật là gì, đáng tiếc… Nhưng hôm nay xem được màn vui ra trò này, kể cũng đã không tệ. Họ trông theo bóng Liễu Dật tiêu sái đi xa dần, ai nấy không ngớt khen ngợi, tài tử như vậy, làm sao có thể là người trần.
Đương nhiên, nói Liễu Dật là tài tử, tất nhiên không phải là vô bằng vô cớ, ai cũng biết y là tam công tử nhà họ Liễu. Cho dù là ở kinh thành hay ngoại ô, danh tiếng của y cũng rất nổi. Liễu Dật từ nhỏ đã thích cầm – kỳ – thư – họa, lại thêm có thiên tư, cái gì cũng chỉ nhìn qua một lần là nhớ, điều duy nhất y không thích là luyện võ. Mười ba tuổi đã nổi danh tiểu tài tử, mười tám tuổi vẽ bức tranh đầu tiên “Long Phụng Trình Tường Đồ” được đương kim hoàng thượng đánh giá rất cao, được vời vào cung, từ đó danh tiếng Giang
(8) Ni cô tươi cười, mắt hạnh long lanh đăm đắm, rành rành lòng xuân rạo rực, thỏ thẻ oanh vàng, yêu kiều mỹ lệ, tình vụt
bay bổng, hoan hoan hỉ hỉ yêu xuân mến xuân.
(9) Hòa thượng tuấn tú, mắt hổ hờn hờn giận giận, trách than Phật ý kiên định, khẳng khái bi ca, thất vọng vùi chôn, lòng
như đá nặng, xót tận ruột gan, chán Ngộ ghét Ngộ.
Nam Thư Sinh của Liễu Dật không ngừng bay xa. Năm hai mươi tuổi, đã vẽ được mười lăm bức tuyệt thế trân phẩm, hiện lưu giữ tại nhà các hoàng thân quý tộc, cao quan trọng thần, cho dù họ không phải là những người yêu tranh. Nguyên nhân khá đơn giản, tranh của Liễu Dật vạn lạng cũng khó mua, tổng cộng mới có mười lăm bức, lấy được một bức chứng tỏ thực lực đã rất không tầm thường, hàng ngày đem ra khoe khoang cũng tốt. Còn Liễu Dật, từ năm hai mươi tuổi trở đi, y không động đến bút vẽ nữa, thành ra mười lăm bức kia càng trân quý đến bực nào, chẳng cần nghĩ cũng biết. Vậy mới nói Liễu Dật là tài tử, hoàn toàn không phải vô bằng vô cớ. Tài tử, trong giới giang hồ ở Giang Nam cái không đáng tiền nhất chính là tài tử. Giới giang hồ kiếm ít mà ăn nhiều kia đời nào thèm để ý đến một tên tài tử nhỏ nhoi? Nhưng Liễu Dật thì khác, địa vị tài tử trong giới giang hồ của y đã được khẳng định, vì chỉ cần lấy được của y một bức hoạ, là nửa đời còn lại sẽ không phải nỗ lực cướp bóc, cũng không phải phóng hỏa giết người làm gì nữa. Đã là tài tử, đương nhiên rất nhiều người chú ý đến y, kiểu như Lý Dẫn hãy còn tàm tạm, nghiêm trọng hơn là có những kẻ trong giang hồ, tham luyến tranh của y, đã nghĩ cách cưỡng ép y vẽ. Nhưng bọn họ cũng vì việc đó mà lao tâm khổ tứ, bởi bên mình Liễu Dật lúc nào cũng có Thập Kiệt Nhất, một trong thập đại kiệt xuất thiếu niên, gã tiểu tử ngốc nghếch này không biết học ở đâu mà võ công rất cao cường, lại không rời Liễu Dật lấy nửa bước, kể cả lúc ngủ, hai người cũng bên nhau… Điều này khiến cho bao nhiêu kẻ trong giang hồ phải từ bỏ tà niệm với Liễu Dật, cái danh tài tử của y, vì thế cũng trở thành một truyền thuyết trong nhân gian…