Lolita

Chương 36



Khi, qua những họa tiết sáng tối, chúng tôi lái xe tới nhà số 14 phố Thayer, một chú choai choai nghiêm nghị đón chúng tôi với những chiếc chìa khóa và bức thư ngắn từ ông Gaston, người đã thuê nhà cho chúng tôi. Lo của tôi, không thèm ban cho những thứ mới mẻ xung quanh nàng dù chỉ một cái liếc thoáng qua, với ánh mắt vô hồn bật chiếc radio mà bản năng dẫn nàng đến và thả mình xuống trên chiếc sô pha phòng khách cùng xấp tạp chí cũ mà theo cũng một cách chính xác mù lòa như thế nàng thu hoạch được bằng cách thò tay vào moi hạ thể chiếc bàn đèn.

Tôi thực lòng không quan tâm đến chuyện sống ở đâu miễn là tôi có thể nhốt kỹ Lolita của tôi vào chỗ nào đó; nhưng tôi cho rằng, trong quá trình trao đổi thư từ với ông Gaston lờ mờ, tôi có lờ mờ hình dung về ngôi nhà gạch mọc đầy cây thường xuân. Quả thật, nơi này mang những nét giống đến phát ngán với nhà Haze (cách chỉ 400 dặm mà thôi): cùng một loại cấu trúc buồn thảm có nóc lợp ván và mái hiên bọc vải thô màu xanh lục xỉn; còn những căn phòng, dù nhỏ hơn và nội thất nhất quán hơn theo phong cách vải nhung-và-đĩa ăn, nhưng cũng được sắp xếp theo cùng một trật tự chẳng khác gì nhau. Mặc dù vậy, phòng làm việc của tôi hóa ra là căn phòng rộng hơn nhiều, chồng chất thành hàng từ sàn lên đến trần khoảng hai ngàn cuốn sách về môn hóa học mà ông chủ nhà (tạm thời đang trong kỳ nghỉ phép) giảng dạy ở Đại Học Beardsley.

Tôi đã hy vọng Trường nữ sinh Beardsley, một trường bán trú đắt tiền, với bữa ăn trưa đã bao gồm trong giá và phòng tập thể dục đẹp mê hồn, trong lúc nuôi dưỡng tất cả những thân thể trẻ trung ấy, cũng bổ sung đôi chút học vấn có tính hình thức cho trí óc của chúng. Gaston Godin, một người hiếm khi đúng trong các nhận định của mình về lối sống Mỹ, đã cảnh báo tôi rằng nhà trường có thể thành ra một trong những nơi mà bọn con gái, theo như ông ta diễn đạt với vẻ thích thú của người ngoại quốc đối với những câu như thế: “học ăn học nói thì ít, mà học gói học mở thì nhiều.” Tôi không nghĩ là họ thực hiện được cả chuyện ấy.

Tại cuộc gặp mặt đầu tiên của tôi với hiệu trưởng Pratt, bà ta đã chấp thuận vì “đôi mắt xanh tuyệt đẹp” của con gái tôi (xanh! Lolita!) và vì tình bạn của tôi với “thiên tài người Pháp” ấy (thiên tài! Gaston!) — và sau đó, giao Dolly cho Cô Cormotant nào đó, bà ta cau mày tỏ vẻ như đang recueillement[1] và nói:

“Chúng tôi không quan tâm nhiều lắm, thưa ông Humbird, đến việc học sinh của chúng tôi trở thành những con mọt sách hoặc có khả năng đọc như vẹt tất cả các thủ đô Châu Âu mà đằng nào thì cũng chẳng có ai phân biệt được, hoặc thuộc lòng ngày tháng diễn ra những trận chiến đã bị lãng quên. Điều chúng tôi quan tâm là tạo điều kiện cho các em quen với sinh hoạt nhóm. Đây là lý do tại sao mà chúng tôi nhấn mạnh bốn chữ K: Kịch Nghệ, Khiêu Vũ, Kỹ Năng Tranh Luận và Kết Giao. Chúng tôi phải đối mặt với những thực tế nhất định. Dolly đáng yêu của ông sắp tới sẽ bước vào lứa tuổi, mà hẹn hò, gặp gỡ, trang phục hẹn hò, nhật ký hẹn hò, nghi thức hẹn hò, cũng quan trọng với cô bé giống như, giả dụ, chuyện làm ăn, những mối quan hệ làm ăn, thành công trong chuyện làm ăn, quan trọng với ông, hoặc giống như [mỉm cười] hạnh phúc của các cô bé của tôi quan trọng với tôi. Dorothy Humbird đã bị lôi cuốn vào cả một hệ thống sinh hoạt xã hội bao gồm, dù chúng tôi có thích hay không, quầy bán xúc xích nóng, tiệm tạp hóa góc phố, rượu mạch nha và coke, phim, khiêu vũ bốn cặp, dạ tiệc trùm chăn bên bờ biển[2], và thậm chí là dạ tiệc cắt tóc[3]! Đương nhiên là tại Trường Beardsley chúng tôi không tán thành một số trong những hoạt động này; và chúng tôi tái định hướng những cái khác vào những phương diện có tính chất xây dựng hơn. Nhưng chúng tôi sẽ luôn cố gắng quay lưng lại với sương mù và hướng mặt thẳng về phía ánh mặt trời. Diễn đạt một cách ngắn gọn, trong lúc tuân thủ theo những phương pháp giảng dạy nhất định, chúng tôi vẫn lưu tâm đến giao tiếp nhiều hơn là bài viết. Điều đó có nghĩa là, với sự kính trọng thích đáng trước Shakespeare và những người khác, chúng tôi muốn các cô gái của chúng tôi giao tiếp tự do với thế giới sống động xung quanh chúng hơn là đắm mình vào những cuốn sách cũ mốc meo. Chúng tôi có lẽ vẫn đang dò dẫm, nhưng chúng tôi dò dẫm một cách thông minh, như bác sỹ phụ khoa sờ mó khối u. Chúng tôi tư duy, thưa Tiến sỹ Humburg, bằng các thuật ngữ hữu cơ và có tổ chức. Chúng tôi gạt bỏ hàng loạt chủ đề vô tích sự mà ngày xưa theo truyền thống thường được bày ra cho các cô gái trẻ, không nhường lại chỗ nào cho những kiến thức, những kỹ năng, và những thái độ họ sẽ cần đến để lo liệu cuộc đời họ và — như một kẻ hay nhạo báng có lẽ sẽ thêm vào — cuộc đời những người chồng của họ. Thưa Ông Humberson, hãy cho phép chúng tôi trình bày thế này: vị trí ngôi sao thì đúng là quan trọng, nhưng nơi hợp lý nhất để đặt chiếc tủ lạnh trong bếp có thể lại còn quan trọng hơn với cô thiếu nữ chủ nhà. Ông nói rằng tất cả những gì mà ông kỳ vọng đứa trẻ nhận được từ trường học là học vấn đến nơi đến chốn. Nhưng chúng ta hiểu thế nào về khái niệm học vấn? Ngày xưa, nó chủ yếu là hiện tượng được diễn tả bằng từ ngữ; tôi muốn nói là, ông có thể bắt con cái học thuộc lòng một cuốn bách khoa toàn thư tốt và cậu bé hoặc cô bé chắc sẽ hiểu biết ngang bằng hoặc nhiều hơn là trường học có thể đem lại. Thưa Tiến sỹ Hummer, ông có nhận thức được rằng với những đứa trẻ hiện đại ở lứa tuổi tiền-dậy thì, lịch sử trung cổ có ít giá trị thiết thực hơn là lịch hẹn cuối tuần [nháy mắt]? — đấy là tôi nhắc lại ngón chơi chữ mà tôi nghe thấy nhà phân tâm học ở đại học Beardsley tự cho phép hôm nọ. Chúng ta sống không chỉ trong thế giới của những ý niệm, mà còn trong thế giới người thật việc thật. Lời nói thiếu trải nghiệm là vô nghĩa. Dorothy Hummerson cần quái gì phải quan tâm đến Hy Lạp và Phương Đông với những hậu cung và đám nữ nô của chúng? “


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.