Thiệp mời do Giang Miểu tự tay thiết kế, ngay chính giữa chạm nổi một chiếc lọ thuỷ tinh đựng những hoa thơm cỏ lạ, một cô gái nhắm mắt ngồi trong đó, có con rồng lượn quanh thân bình, luồn đầu vào trong, treo mình chơ vơ trên đỉnh đầu cô gái. Ngoài ra còn có dòng chữ in lồi phía dưới, “Till Death Do Us Apart”
(Cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta)
. Hai người viết thiệp chiếu theo văn bản mẫu, vì việc này mà họ đã luyện chữ được một thời gian. Edwin nhét hai tấm ảnh cưới vào mỗi phong thiệp, sau này Giang Miểu có chừa thêm hai chỗ trống dự bị cho anh. Họ đặt hẹn quay chụp với người bạn từ sớm. Một bộ ảnh lấy phông xám, Giang Miểu mặc chiếc váy tối giản dáng hoa calla lily mà cô hằng mong, trong khi Edwin bận bộ tây trang có phom dáng hiện đại với những đường cắt bất đối xứng. Cả hai đứng trên nền đất bằng của khu vui chơi bỏ hoang với vẻ mặt tự nhiên và hờ hững, tay đan tay nhìn vào ống kính, sau lưng là đống máy trò chơi lốm đốm những vết rỉ sét. Trong hình, Giang Miểu là màu trắng, Edwin là màu xanh lam nhã nhặn. Bộ hình còn lại sôi nổi hơn. Người bạn thân chộp được khoảnh khắc hân hoan của Giang Miểu khi trông thấy ruộng hoa cải dầu. Cô cười toe toét xách tà váy lụa chạy băng qua cánh đồng cải, khăn voan tốc lên, áo cashmere trượt xuống một góc, Edwin quay đầu trông sang bóng dáng mơ hồ bên trái, nhưng có thể nhận ra anh đang nhìn về phía Giang Miểu với nụ cười chân thành.
Dưới danh nghĩa tổ chức tiệc độc thân, Giang Miểu đưa mấy cô bạn ra đảo nghỉ mát, cũng coi như hoàn thành câu nói đùa thuở cắp sách. Edwin hệt như tổ chức một chuyến lưu diễn toàn cầu, mang theo xấp ảnh đến các thành phố lớn nhằm thông báo cho từng người một.
Hôn lễ được tổ chức đúng hạn. Một đêm trước, vài người cùng nhóm phụ tá hoàn thành công việc kiểm tra lần cuối, xem bát đĩa, đèn, hoa và váy cưới có cần chỉnh sửa không, cố gắng đạt đến mức hoàn hảo. Tại chỗ ngoặt trước khi chia tay, ba Ed lấy một tấm bản đồ từ trong túi. Bản đồ mở ra, vài địa điểm được khoanh tròn đánh dấu. Edwin nhìn ông cười ngây ngô, tiến lên ôm cha mẹ. Trên đường về, Edwin chỉ vào một chỗ và bảo: “Có thời gian mẹ thích chỗ này lắm, nhà anh đến đó hàng năm. Nơi này sở hữu vườn cây ăn quả, lúc họ nghỉ trưa anh sẽ chạy vào đó. Có lần anh ngủ quên trên cây, cha mẹ tưởng anh rớt xuống giếng, anh bị đánh thức bởi tiếng hét của chú nông dân ở đó.” Sau này Giang Miểu mới hay, bên thông gia cân nhắc chu toàn, bà Thành nhận được một chiếc ghim cài áo hồng ngọc, ba Giang nhận đồng hồ đắt giá. Về phía nhà họ, ba mẹ Giang cũng chuẩn bị đâu ra đó, chu đáo trao một đôi bình cổ, một vòng tay ngọc cho bên sui gia.
Cô dâu và chú rể ở hai nơi riêng biệt. Edwin đưa Giang Miểu và bà Thành về tận nơi. Theo lý thuyết, ngày đó đôi vợ chồng sắp cưới không thể gặp mặt, nhưng hôn lễ đã tối giản nhường này, nếu không suy xét đến việc dành cho nhau bất ngờ và ngăn anh vướng bận, e là đêm đó mỗi người một toà nhà đã bị phủ quyết. Ngay trong đêm, bố Giang về nhà, ông không nói gì hơn ngoài khuyên nhủ hãy bao dung và nâng đỡ lẫn nhau, dứt lời ông lúng túng ngồi với cô một lúc lâu. Ba Giang có biết chi đâu, bình thường hay nghe bà vợ mới than “mắt thâm quầng”, “mặt sưng”, cắt câu lấy chữ bịa chuyện rồi rời đi với lý do để cô nghỉ ngơi sớm. Bà Thành chờ ông ta về mới bước xuống từ lầu hai, bà hừ lạnh, không muốn nói chuyện mất vui trước ngày mừng của con gái. Trông thấy người vừa đi là cô nằm ườn ra sô pha trợn mắt nhìn xà gỗ, bà kéo dậy đến bàn gương, lấy chiếc lược ngọc cũ chải tóc cho Giang Miểu, nói mấy lời cát tường. Giọng điệu như đang ngâm nga khúc hát ru bà hát thuở ấu thơ, với chất giọng miền quê hiếm thấy. Bà Thành không dám xưng mình là một
mệnh bà
chuẩn chức, nhưng xét đến sự nghiệp và giáo sư Lý, bà có tự tin mình không đến nỗi nào. Hai mẹ con nằm chung giường, hồi lâu Giang Miểu cứ tưởng bà Thành ngủ rồi, dợm trả lời tin nhắn của Edwin – người căng thẳng đến mất ngủ, chợt nghe bà Thành nói: “Nhân cách Ed khá tốt, nhưng đâu ai lường được tương lai thế nào. Gần đây hay có mấy tin bạo lực gia đình các kiểu, người nó cao nghều nghệu, con đừng lo bị chà đạp sau khi cưới, không thoát được thì phải bảo đảm mình an toàn hẵng chạy ra, về nhà mẹ chống lưng cho con.”
命婆: mệnh bà. Theo phong tục đám cưới bên Trung, người được xưng là mệnh bà có gia đình ấm êm, con cháu hoà thuận, người này sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ phong tục và quy trình cưới, ngoài ra còn dạy chuyện giường chiếu và những điều kiêng kỵ của cặp đôi. Ngày xưa, không phải ai cũng được làm mệnh bà, vì họ phải có “phúc phận”, bởi người ta tin rằng chỉ có họ mới có thể mang lại phước lành cho cặp đôi mới cưới.
Giang Miểu vừa định nói giỡn, lại nghe bà nói: “Mẹ nuôi con lớn ngần này còn không nỡ đánh, nếu nó dám động tay chân với con, mẹ sẽ tìm người xử nó. Có vô khám mẹ cũng nhận.”
Dường như bà đang tính xem tìm ai, nước mắt Giang Miểu đã chảy “rào rào”, nức nở đến mức bốn chữ “Xã hội pháp quyền” nói không ra hơi.
Sáng sớm ngày thứ hai, phu nhân Thành dẫn thợ làm đẹp, thợ làm móng, chuyên viên trang điểm, làm tóc vào biệt thự, mọi người tìm một góc đâu vào đấy, lấy thiết bị ra, đặt lên bàn.Khi bà Thành mở cửa phòng, Giang Miểu đang rầm rì che gối, dáng vẻ khó tin của bà Thành chỉ duy trì trong một phút, bà càm ràm trong khi đi kéo rèm. Thấy cô chưa chịu dậy, bà ngồi một bên, đề nghị cực kỳ chân thành rằng: “Hay không cưới nữa?” Giọng điệu nghiêm túc hoàn toàn doạ tỉnh Giang Miểu.
Nhạc công đã sớm đợi trước nhà thờ, tiết mục do hai người lựa chọn, thời gian rất ngắn, chỉ mất hai mươi phút. Trong ngày cưới ấy, Giang Miểu đeo một bộ trang sức ngọc trai và kim cương, cô không xỏ lỗ tai, bà Thành đi sửa khuyên tai thành loại kẹp. Nhẫn do Edwin đặt.Anh thiết kế tạo hình giản lược trước sau như một, có cơ chế ẩn bên trong. Lúc trao nhẫn, Giang Miểu ngó thấy cái của mình khắc chữ “Mein”. Chả biết Giang Miểu liên hệ với bên chế tác hồi nào mà cái của Edwin càng thẳng thừng, khắc hàng chữ bé tẹo “Phòng khi đánh mất, xin liên hệ
[email protected]
”. Hai người nhìn nhau, ngay cả linh mục cũng không thèm để tâm. Sau khi tuyên thệ, Giang Miểu mỉm cười dâng lên nụ hôn.
Trong tiếng vỗ tay, bà Thành không ngừng lau khóe mắt. Giang Miểu hôn lên má mẹ, bà Thành không muốn người khác thấy mình khóc, phất tay đuổi cô đi. Các khách mời đang trò chuyện với nhau, mấy người họ tụ ở bãi đất trống trước giáo đường. Giang Miểu rút điếu thuốc trên tay Edwin, mồi lửa từ điếu của anh. Edwin phủi cánh hoa trên đầu cô. Giang Miểu câu lấy tay Edwin, tựa người nghe họ nói, thỉnh thoảng phụ họa vài câu. Có cô bé nắm tay mẹ đi ngang đang nghỉ chân đánh giá họ, trông có vẻ ngây thơ tò mò. Edwin tán gẫu, Giang Miểu kẹp thuốc vào kẽ tay anh, rút một bông từ bó hoa cưới, ngồi xổm xuống tặng cô bé.
Tại buổi triễn lãm sau khi cưới của Giang Miểu có một bức tranh sơn dầu. Dưới hoàng hôn, tia nắng ấm áp sắc cam chiếu lên bệ cửa sổ rộng mở màu nâu đỏ, rọi xuyên qua khối pha lê xanh lạnh giá, như khối nước đá bị đục vỡ, lại như ánh lửa rực cháy. Bức tranh này tên “Für Ihn”.
(Hết phần chính)
Chú thích:
Mein: tiếng Đức nghĩa là “của tôi”, nhưng nếu nói “Vợ của tôi” sẽ chuyển thành “meine Frau”theo sau danh từ; f für ihn: nghĩa là for him (tặng/ dành cho anh)
Ghi chú của editor: mein là từ cho giống đực trong khi meine là từ dung cho giống cái.
Về phần tạo hình: bộ vest Edwin tham khảo từ BST Dior Tailleur Oblique; bộ thứ hai của Giang Miểu tham khảo từ BST váy cưới của nhãn hiệu Tây Ban Nha – Cortana, vòng cổ tham khảo bộ Waterfall nhà Tasaki.
Phần chính kết thúc tại đây, sau còn bốn phiên ngoại, ít ngày sẽ cập nhật. Cảm ơn mọi người:)