*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Công ty nước ngoài nghỉ lễ Giáng Sinh, vừa khéo hai ngày nữa là cuối tuần, Edwin xin nghỉ phép, gộp kì nghỉ và những ngày còn lại thành một chuỗi cuối tuần kéo dài —— Anh đã hứa sẽ về nhà nghỉ lễ.
Chuyến bay định vào buổi tối, tan sở là đi thẳng ra sân bay. Anh chưa từng nghĩ đến việc Giang Miểu sẽ tiễn mình. Trên đường nhận được tin nhắn hỏi anh đang ở sân bay à, anh có thể mường tượng ra cảnh cô đang nghiêng người rúc trên sô pha lướt di động, hoặc ngồi trên ghế cao lấy điện thoại từ xe đẩy gỗ, có lẽ còn đẩy mắt kính xuống. Song vẫn không tránh khỏi sự hụt hẫng vì thất bại ngoài mong đợi. Nhưng, cô đã đến và hỏi anh đang ở đâu. Khi nhìn thấy cô ở quầy thủ tục của hãng hàng không, thậm chí anh còn bùng lên ý định huỷ chuyến.
Giang Miểu mặc áo khoác và quàng khăn, xách theo một túi thức ăn, khi nó đến tay anh vẫn còn âm ấm. Nhận thẻ bay, gửi hành lý, đưa đến cổng, không giống những cặp đôi khác rơi lệ hay hôn nhau, Edwin ôm cô hệt như đứa trẻ lần đầu rời khỏi vòng tay gia đình. Anh ghé vào tai cô nguyện cầu, hi vọng năm tới có thể ở bên người anh yêu.
Cô khẽ vỗ lưng anh, và khi buông tay thì Edwin đã quay về vẻ chững chạc thường lệ.
Edwin vẫy tay với cô khi soát vé, cô phất trả hai lần. Giang Miểu không giỏi nói lời tạm biệt. Chả hạn hồi tiệc tốt nghiệp, mọi người cùng bàn đứng dậy hoan hô lúc bóng bay thả xuống, cô để lại một một tấm thiệp viết tay rồi lặng lẽ rời bàn. Song Edwin yên lòng, khác với những lần chia xa trước đây, lần này anh vững tin, bởi anh biết có người đợi anh về.
==============================================
Một ngày sau Lễ Giáng Sinh, Giang Miểu và bà Thành bay đến Tokyo để đón giao thừa. Giáo sư Lý và con trai Lý Bân đã hẹn dùng bữa cơm tân niên, Lý Bân chu toàn lễ nghĩa đã mời bà Thành, bà cám ơn ý tốt nhưng lấy lý do chuyến đi tới Nhật với Giang Miểu đã sớm lên lịch để khước từ, hòng để Giáo sư Lý dễ tiếp nhận. Bà không quen góp mặt tại mấy dịp thế này, “Không ai trên bàn ăn nuốt trôi cơm. Bỏ mặc con gái ruột thì tính gì đến mẹ hiền con hiếu”, bà Thành càm ràm trong khi thay dép lê.
Hai mẹ con đã đến Nhật nhiều lần, hoa anh đào ven bờ sông Meguro, lá phong ở Kyoto, bãi biển ở Okinawa, tuyết ở Hokkaido…… Hễ xếp top trên các blog du lịch là họ đã đi mòn chân. Chạng vạng đến nơi, bà Thành than mệt, bỏ bữa rồi đi nghỉ. Giang Miểu gọi phần súp ở một nhà hàng Tây, chẳng qua bà Thành không vượt qua rào cản dùng bữa một mình, thành ra phải chờ có mặt cô mới bằng lòng ăn. Cô xác nhận lịch tham quan bằng máy bay trực thăng vào đêm hôm sau, tranh thủ thời gian đi spa để lấy hên. Xông mặt xong, di động đã truyền đến tin nhắn của bà Thành. Phu nhân Thành hễ đi đến chỗ nào cũng phải nghiên cứu thiết kế nhà người ta, dù ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn chụp đủ các thiết bị trong khách sạn, còn gửi ảnh cho Giang Miểu bình luận. Cô nhắn “tới ngay”, ký hợp đồng tham quan rồi đi tìm bà.
Theo lý thuyết lễ lạt du khách nhiều, nhưng có lẽ họ tới muộn nên lấy được bàn trống dành cho hai người bên cửa sổ. Bà Thành hài lòng ngắm cảnh đêm, Giang Miểu nhắc tới chuyến bay khám phá tối mai, bà gật gù, lên lịch ban ngày đi dạo phố trước.
Hình thể bà Thành không phù hợp với thiết kế kiểu Tây, thành ra bà rất khoái các nhà thiết kế Nhật. Cuối ngày, tất thảy túi hàng lớn bé đều được trung tâm bách hoá gửi về khách sạn, sau đó họ cuống cuồng ra sân bay. Thời gian hẹn cố tình làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh hoàng hôn Hôm đó, bầu trời trong xanh lan ra sắc lục cam, ai đó từng thấy núi Phú Sĩ, tháp Sky Tree và tháp Tokyo sừng sững giữa lòng thành phố, trong lời giới thiệu đã kể cảnh đêm ở Tokyo giống như “hộp châu báu chất đầy sao trời và đá quý”, quả đúng là thế.
Ngày thứ hai đổi thành Giang Miểu làm chủ, hai người loanh quanh thăm thú trước khi lễ hội thường niên diễn ra tại các ngôi đền. Chiều tà, họ đến cửa hàng của Kamitaro Saito để nhận bộ kimono, chất liệu denim in trúc và phần gấu có hoạ tiết ngôi sao dập nổi. Nhân viên giới thiệu loại guốc gỗ cải tiến vừa ra mắt, thay vật liệu để chống trượt hiệu quả hơn. Giang Miểu chọn kiểu nam khiến bà Thành cau mày liên miên. Bà nương cớ mua cho cô mấy bộ từ một cửa hàng thiết kế gần đó, nào ren, thêu, pha lê, lông vũ, rặt phong cách thiếu nữ mà bà Thành ưa chuộng. Giang Miểu gửi tin nhắn cho Edwin trong phòng thay đồ, thoáng nhìn thấy bà Thành đang ngồi trò chuyện rạng rỡ với hướng dẫn viên mua sắm người Trung, một lát sau, anh ta đặt hai đôi giày và một chiếc túi không bên ngoài. Cô thở dài, bất lực đi ra ngoài với bồ đồ mới thay, xoay tròn theo lời bà Thành chỉ huy.
Ở đầu dây kia, Edwin mỉm cười ngắm bức ảnh, hồi âm: “Đẹp lắm”.
Ngày đầu năm mới, bà Thành cố tình tránh ngôi chùa Sensoji, điểm đến được viếng thăm nhiều nhất, thay vào đó, hai mẹ con ghé chùa Kiyomizu. Người khác tới cúng bái thần linh, bà Thành đến để hưởng ké không khí lễ hội, làm hết lễ nghĩa thì bắt đầu ngắm người, hết khen cô gái vừa kết bạn bới tóc đẹp tới khen mẫu kimono của người kia thú vị. Giang Miểu xin sâm được quẻ đại cát, nhờ một người biết tiếng Nhật phiên dịch hộ, nghe thấy mọi điều lành, bà Thành mừng rỡ, cuộn nhiều tiền mặt nhét vào thùng osaisen, trước khi về còn chắp tay cám ơn lia lịa.
Ở Tokyo thêm hai ngày, Giang Miểu mua ít giấy và hoạ cụ, gặp một chiếc áo khoác ưng ý mà cỡ lớn quá không vừa, bèn mua nó cho Edwin luôn. Vào một ngày trước khi về, Giang Miểu dậy sớm, dẫn bà Thành đến tiệm Omurice Matsumotoro tại công viên Hibiya mà bà mãi nhớ thương. Ông trời nể tình, mấy nay trời nắng ráo, bà Thành thắt khăn cho cô, nắm tay nhau dạo công viên, đi được mấy bước thì quệt nước mắt, Giang Miểu khựng mình rồi vờ không hay. Cuối cùng cô không kìm được, lấy khăn giăn lau nước mắt cho bà, “Tết đến việc chi phải khóc, phúc lành bị mẹ hù chạy hết cho coi.”
Một đĩa Omurice điển hình tại Hibiya Matsumotoro Grill Tokyo
Bà Thành trách cô, lầm bầm niệm: “Trẻ nhỏ nói dại trẻ nhỏ nói dại”.
Giang Miểu buồn cười, mình đã đủ tuổi hợp pháp để làm mẹ mà còn bị bà dùng lý do này hòng chạy tội.
“Bà chủ Thành ơi, con sai rồi.” Dùng cái cớ tối nay ghé cửa hàng tàu hủ để dỗ bà, rằng dưới chân Tháp Tokyo có một toà nhà cổ kiểu Nhật, đình viện đẹp nhường nào.
Ngồi uống trà, bà Thành bảo: “Mẹ chỉ muốn có người làm bạn bên con, trai gái đều được. Một mình con thui thủi miết, mốt già rồi sao? Mẹ với ông già con……” Biết cô không thích nghe lời này, bà Thành cố tình dùng “già” thay vì “chết”.
Giang Miểu cụp mắt, e rằng dĩ vãng sẽ vừa đấm vừa xoa, nhấn mạnh chủ trương không cưới không đẻ, nhưng nay cô hớp miếng trà, đáp: “Tính sau đi ạ”.
Bà Thành liếc mắt nhìn cô, lấy làm lạ.
Chú thích:
heliport:
sân bay trực thăng, sao chép hơi kỳ, cứ xem là sân bay vậy
賽銭箱 Thùng osaisen:
“hòm công đức” trong các ngôi đền Nhật