Hôm sau, Nhạc Lan Anh và Vương nhũ mẫu làm đại lễ cúng vong linh Nhạc tướng công và phu nhân thiệt linh đình.
Lam Y nữ hiệp và Âu Dương Bích Nữ tiếp tay đóng vai nữ hỏa đầu
nhanh nhẹn, khéo léo chẳng kém chi người nội trợ sành sỏi. Nghỉ một
ngày, Tam hiệp, Âu Dương Tòng Đức nhờ Dương Hoài Ngọc hướng dẫn đi săn.
Bảo Quốc và Nhạc Lan Anh ở lại gia trại.
Khởi hành từ sáng sớm, cuối giờ đến giờ Mùi, đoàn người đi săn mới trở về, người nào cũng chặt cành cây gánh mồi săn nặng trĩu.
– Tổng cộng được mười cáo nhị thể, lông trắng muốt, đốm hay loang vàng cháy thiệt đẹp.
Bảo Quốc xem kỹ từng con một :
– Sao bắn toàn giống đực cả thế này?
Chu Đức Kiệt đáp :
– Chúng tôi theo chỉ dẫn của Dương đại ca. Mùa này các con cái
phần nhiều có bụng, bắn e phương hại tới sự sanh tồn của giống động vật
này. Mà quả vậy, những con cái đều lớn bụng.
Ngay hôm ấy, mọi người xúm lại lột da cáo rắc diêm sinh, căng ngoài trời phơi khô.
Được tám hôm, Bảo Quốc nóng lên Yên Kinh nói với mọi người để khởi hành trước.
Theo lời bàn của Lam Y, Chu Đức Kiệt nói riêng với Tòng Đức :
– Nhị huynh tôi muốn thưa một chuyện này, cảnh anh em trai với nhau nên thiệt tình nhé.
Tòng Đức ngạc nhiên :
– Việc chi vậy? Hiền đệ cứ dạy.
– Đây là một chuyện tâm tình, tôi đã bàn với Bích Nữ và gia muội. Hai người ấy đồng ý nên bữa nay mới bộc lộ cùng nhị huynh.
Tòng Đức nghi ngờ :
– Phải chăng là vụ Dương Hoài Ngọc và Địch Phượng Tiên.
– Không phải. Chẳng chóng thì chầy, mối duyên hai họ ấy có nếp rồi. Đây là việc Nhạc tiểu thơ…
– Ô hay! Việc Nhạc tiểu thơ can dự gì tới ngu huynh?
Chu Đức Kiệt mỉm cười :
– Can dự lắm! Số là ít lâu nay gần gũi, chúng tôi thấy Lan Anh
có cảm tình, chú ý đến hiền huynh rất nhiều, nếu không lầm, hiền huynh
cũng không đến nỗi thờ ơ trước thiếu nữ đảm đang và tài ba ấy.
Đưa mắt nhìn Tòng Đức nét mặt đỏ, Đức Kiệt nói tiếp :
– Phần huynh trưởng Tòng Cát vuông tròn rồi, trong các anh em
chỉ còn một hiền huynh lẻ bạn, tôi chắc song thân cũng mong hiền huynh
an bài gia thất mà không nói ra, chi bằng nhân dịp này, hiền huynh hỏi
nàng loan phượng đẹp duyên có hơn không?
– Sao các người biết ngu huynh có cảm tình với họ Nhạc mà dám cả quyết nói vậy?
Chu Đức Kiệt phì cười :
– Người ta có mắt để nhìn và hiểu chớ! Hiền huynh thấy chúng tôi nhận xét có sai lạc bao giờ chưa?
– Đành rằng, nhưng ít ra nàng ưng thuận mới được chớ! Lỡ cự tuyệt, sau này khó nhìn nhau lắm.
– Việc đó chúng tôi vui lòng cáng đáng. Bây giờ chỉ cần một điều…
– Hiền đệ nói xem nghe có trôi không?
– Nhân tiện chuyến này Bảo Quốc lên Yên Kinh, đàng nào cũng qua
Tô Châu, hiền huynh nên cùng y song hành rủ về gia trang ít bữa. Tôi bảo Bích Nữ viết thơ về bộc lộ tự sự với song thân. Người sẽ lo liệu cho.
– Ai cầm thơ đó về?
– Hiền huynh chớ còn ai vào đó nữa.
Suy nghĩ giây lát Tòng Đức nói :
– Dù thế nào, Lan Anh cũng là dưỡng nữ của Thuận Vương, ít nhất
nàng cũng phải trình bày và theo sự định đoạt của dưỡng phụ, dưỡng mẫu
chớ.
– Chớ sao! Nhưng Bảo Quốc sẽ nói với Thuận Vương thay nàng, là
vì khi nhận được thơ của Bích Nữ, tất phụ thân bàn định với Bảo Quốc và
nhờ y nói với Thuận Vương. Như vậy đỡ mất nhiều thì giờ. Riêng phần
chúng tôi lát nữa sẽ nói riêng cho y nghe. Bởi vậy cần có sự ưng thuận
của hiền huynh trước đã.
Tòng Đức ngượng nghịu gật đầu :
– Hiền đệ bàn vậy, ngu huynh xin nghe theo. Chủ chốt là Lan Anh đồng ý vui lòng mới được.
– Nàng vui lòng đến đâu ấy chứ lị! Xứng đáng, đẹp đôi quá rồi.
Trong khi Chu Đức Kiệt nói chuyện với Tòng Đức, Lam Y nữ hiệp cùng bàn riêng với Chu Bảo Quốc.
Nàng nhập đề luôn và thêm rằng :
– Trại Mạnh Thường lão anh hùng rất được Hoàng đế sủng ái, mối
duyên Lan Anh và Tòng Đức là lợi điểm của Vương gia, riêng đối với nhà
vua tôn huynh nên nhấn mạnh điểm ấy.
Trước lời lẽ cứng rắn, hợp tình phải lý của Nữ hiệp, Bảo Quốc rủ cả Dương Hoài Ngọc lên đường đem theo bọc da cáo nhị thể phơi khô về Âu Dương trang.
Lan Anh nhờ Tòng Đức cho cả Vương nhũ mẫu và A hoàn Tố Vân đi theo về Tô Châu trước.
Nhũ mẫu tần ngần muốn đi sau với Lan Anh nhưng nàng khuyên :
– Nhũ mẫu an lòng đi trước, tôi đồng hành với Tam hiệp du ngoạn phong cảnh ít bữa sẽ lên Tô Châu ngay.
Tòng Đức đi khỏi mấy ngày, Nhạc Lan Anh lễ tạ mộ phần và sửa soạn lên đường.
Nàng gọi vợ chồng Tạ Chấn nhắn nhủ :
– Tạ đại ca cứ tiếp tục trông nom phần mộ cho đàng hoàng tử tế, hàng năm tôi sẽ trở về cúng tế và tiếp tế cho nhé.
Tạ Chấn nhất nhất vâng lời.
Nàng lấy mười đĩnh bạc cho lão bộc trung thành và để lại xe ngựa cùng các vật liệu cho lão dùng.
Bốn người lên ngựa ra khỏi cổng trại, trên đường mới do Dương
Hoài Ngọc chỉ trước đây tiến ra Kỳ Hầu Sơn. Ngọn Kỳ Hầu hùng vĩ ngoạn
mục lạ thường. Bốn người phóng ngựa lên mô đất cao ngắm địa thế. Làng
Thanh Phiêu ở gần ngay chân núi Thôn Thanh Phiêu có tới hơn hai trăm nóc nhà ngói, tranh lẫn lộn, cây cao bóng cả rườm rà. Một ngọn suối bạc
quanh co bắt nguồn từ núi Kỳ Hầu chảy qua phía Đông, rồi mất hút trong
thung lũng đầy lau sậy nhởn nhơ trước gió Người trong thôn kẻ gánh nước, người giặt giũ tấp nập bên bờ suối dưới bóng cây râm mát.
Lam Y nói :
– Nếu không nhờ Dương Hoài Ngọc chỉ điểm thì chúng ta cũng phải lần theo đường cũ mới ra khỏi khu Vũ Hồ.
Chu Đức Kiệt cười vang :
– Y trầm lặng, ít nói nhưng hay quan sát tìm tòi không khác chi địa lý gia.
Âu Dương Nữ giục ngựa đi trước :
– Đói bụng rồi, tìm Củng gia điếm dùng bữa thôi!
Bốn người xuống khỏi mỏm đất cao, tiến về phía suối cho ngựa
băng qua. Gặp nước trong mát, bốn tuấn mã ngừng lại giữa dòng sông thỏa
thuê.
Dân làng thấy bọn người lạ đi tới đều ngừng công việc tò mò nhìn.
Chu Đức Kiệt hỏi lớn :
– Gần đây có tửu điếm nào không? Làm ơn chỉ giùm.
Một thanh niên chỉ tay ra hướng Bắc :
– Đầu thôn có quán rượu, quý vị đi vòng lối này sẽ tới ngay.
Đức Kiệt nói mấy lời cảm ơn, thúc ngựa vượt suối lên bờ. Bốn người thả lỏng cương mặc ngựa theo đường mòn ra phía cổng thôn.
Lát sau Lam Y chỉ lá chiêu bài phất phơ phía trước :
– Tửu điếm kia rồi. Khang trang quá nhỉ!
Quả vậy, tửu điếm mái tranh có lầu ở ngay dưới bóng ba cây hòe
lá sum suê. Bốn người xuống ngựa toan cột cương vào gốc cây nhỏ, thì hai tiểu nhị đã chạy ra đón lấy ân cần mời chào.
Lam Y đi trước bước lên thềm nhà. Trong tửu điếm có vài ba thực khách.
Bỗng một lão trượng đang ngồi trong quầy hàng, vội chạy ra vái chào, rồi hướng vào Lam Y và Chu Đức Kiệt niềm nở hỏi :
– Chao ôi! Nhị vị đại hiệp còn nhớ tôi không?
Anh em Chu gia chú ý nhìn chủ quán, đoạn cùng reo lên :
– A! Củng lão! Mạnh khỏe chớ?
Họ Củng mừng rỡ :
– Dạ, chính tôi đây. Mời quý vị ngồi nghỉ đã.
Dứt lời, Củng lão bước vào phía trong gọi :
– Trần hiền điệt và A Hoành ơi! Có khách quen ra mau!
Hai thanh niên trạc hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi chạy vội ra, người nào cũng thắt tấm khăn ngang bụng ra dáng đầu bếp.
Trần Nhị nhỏ nhắn hơn A Hoành, hỏi :
– Ai vậy lão bá?
Củng lão chỉ về phía bốn người, ngồi ở thồi trong góc thực phòng rộng rãi :
– Nhận ra ai kia không?
Hai người chú ý giây lát rồi rảo bước tới trước mặt anh em Chu gia quỳ lạy.
Trần Nhị nói :
– Trần Nhị kính chào nhị vị ân nhân!
Chu Đức Kiệt đỡ hai người dậy :
– Chà! Phát tài có khác, hai người cùng mập mạp cơ hồ tôi không
nhận ra nữa. Di cư đến thôn này từ bao giờ? Ngồi chơi nói chuyện tự
nhiên.
Củng lão và hai thanh niên khúm núm kéo đôn ghế ghé bên thồi.
Trần Nhị nói :
– Từ ngày nhị vị trừ tam chi hồ, ít lâu sau đại lâm tại Sơn Phu
bỗng nhiên động rừng, mãnh thú về nhiều quá, không dám ở nữa, Củng lão
bá và chúng con bỏ nghề đốn củi lên Kim Lăng sinh nhai, song không cạnh
tranh nổi với dân đại trấn, nên kéo nhau đi nơi khác. Qua đây thấy cảnh
đẹp thanh bình bèn nán lại lập quán lấy tên là Củng gia điếm. Được cái,
con sành nghề nấu ăn và biết nấu rượu, trên cho kiếm ăn được tạm đủ.
Chẳng mấy khi qua đây, xin mời ân nhân nán lại vài ngày cho con được
thừa tiếp. Trên lầu có phòng lớn, sạch sẽ lắm.
Lam Y nói với mọi người :
– A, thứ rượu mà Dương Hoài Ngọc mua uống bữa nọ y hệt mùi vị
rượu ngon ở hắc điếm Sơn Phu! Phải chăng Trần Nhị học được phương pháp
nấu rượu đó?
Họ Trần gật đầu :
– Dạ, chính vậy. Nhưng ân nhân an tâm, Củng gia điếm hiền lành lương thiện chớ không phải Sơn Phu hắc điếm.
Mọi người cùng cười vang.
Lam Y bèn đem chuyện Sơn Phu điếm ra kể cho Nhạc Lan Anh nghe vì nàng bỡ ngỡ không hiểu đầu đuôi ra thế nào cả.
Chu Đức Kiệt giải thích rõ hơn :
– Người lập ra hắc điếm là Xích Hoa Đà Đới Vĩnh Khang, thân phụ của Đới Ngọc Hoàn trong Vương phủ.
Trần Nhị ngạc nhiên :
– Ủa, ân nhân còn gặp Hoa cô nương (tước hiệu của Ngọc Hoàn) nữa sao?
Đức Kiệt mỉm cười :
– Phải. Gặp Ngọc Hoàn ở Kim Lăng và một lần nữa, chúng tôi dong cho y chạy thoát.
– Vậy ra ân nhân từ Kim Lăng qua đây?
– Chúng tôi từ Kim Lăng đi Tô Châu.
– Ủa, sao người lại đi lối này vòng mất một ngày đường?
Chu Đức Kiệt không muốn nói rõ :
– Vì tiễn một người quen nên qua khu Kỳ Hầu Sơn. Nhờ vậy, chúng
ta mới có dịp tái kiến và nếm lại hương vị rượu ngon hắc điếm Sơn Phu
chớ.
Trần Nhị lặp lại lời mời hồi nãy. Tam hiệp và Lan Anh nghỉ lại
Củng gia điếm. Họ Trần mời bốn người lên lầu, hối tiểu nhị lấy nước rửa
mặt và dọn thồi rượu ngay ngoài hiên lầu cho mát. Củng lão và Trần Nhị
ngồi hầu rượu. Bốn người thong thả ăn uống, ngắm cảnh đẹp thiên nhiên.
Ăn xong, mọi người đang chuyện vãn thì chợt thấy một đoàn người võ trang gươm giáo, từ đâu kéo về qua trước tửu điếm.
Họ thấy Củng lão và Trần Nhị ngồi ngoài hiên lầu, một tráng niên gọi lớn :
– Trần đại ca ơi, không cứu nổi tiểu nhi đâu. Ác thú dũng mãnh
quá và khôn hơn người họp đàn đuổi, chúng tôi chạy bán sanh bán tử mới
về thoát.
Trần Nhị đứng dậy hỏi vọng xuống :
– Các đại ca có trông thấy tiểu nhi không?
– Có trông thấy như hôm qua mà không thể nào cứu được mới ức chớ! Chỉ khổ cho vợ chồng Vương Lục khóc dở mếu dở.
Nhìn bốn vị nam nữ anh hùng, Trần Nhị chợt nghĩ ra điều gì, bèn bảo tráng niên :
– Các đại ca cứ về nhà đi, lát nữa tôi sẽ bàn một việc hay lắm.
Đoàn người bèn tản về mấy căn nhà lân cận Củng gia điếm.
Thắc mắc về câu chuyện giữa Trần Nhị và bọn tráng đinh, Lam Y hỏi :
– Cứu tiểu nhi nào? Câu chuyện thế nào?
Trần Nhị chỉ dãy nương ngô và khoai ở phía bên tả cách tửu điếm chừng vài trăm thước mà rằng :
– Ân nhân trông các nương ngô kia kìa. Cớ sự đã xảy ra tại đó
chiều hôm qua. Nguyên mấy nương ngô ấy là của những dân thôn ở ngay đầu
thôn Thanh Phiêu. Xưa nay họ vẫn trồng trọt không hề xảy ra chuyện gì
đáng tiếc, ngoại trừ mấy con hầu tử trong rừng thỉnh thoảng ra ngắt trộm khoai. Cách đây năm hôm, Vương Lục, một trong những người trồng ngô,
khoai đánh bẫy được một con hầu khá lớn, ngay trong nương, và đem con
thú đó về nhà bỏ vào cũi. Chẳng ngờ sáng hôm sau, vợ chồng Vương Lục trở dậy thì thấy con hầu đó đã mở cũi trốn đi lúc nào không biết.
Mọi sự tưởng êm, Vương Lục và vợ là Trương thị vẫn ra nương làm
việc như thường ngày. Họ Vương chỉ có một con trai ba tuổi tên là Vương
Chi, nên đem theo ra ngoài nương trông coi cho tiện. Chẳng dè, chiều hôm rồi lúc vợ chồng họ Vương đang sửa soạn ra về thì chợt có một bầy hầu
hơn một trăm con, dẫn đầu bởi một con hầu lớn hơn người từ trong rừng
cây tràn ra tàn phá các nương ngô, và bắt tiểu nhi Vương Chi cõng vào
rừng cây đi mất. Vợ chồng Vương Lục và một số người khác cũng bị chúng
cào xé thương tích đầy mình, quần áo tả tơi.
Lam Y hỏi :
– Trai tráng trong làng không ai ra cứu họ ư?
– Thưa có. Nhưng việc xảy ra thiệt mau lẹ. Tráng đinh vác khí
giới ra đến nơi thì bầy hầu bỏ đi được một lúc rồi. Họ liền kéo nhau vào rừng tìm kiếm tiểu nhi, khốn nỗi trời chiều ngả hoàng hôn, trong rừng
tối âm u, họ tìm quanh quẩn một hồi vô hiệu quả, không ai dám tiến sâu
đành kéo nhau ra về.
Hôm qua, tráng đinh họp lại đông hơn vào rừng tìm kiếm và đi sâu hơn trước, thì thấy bầy hầu ở trong một khu có nhiều hang đá, cây cối
chằng chịt. Chúng thấy người bèn từ từ phía xông ra đánh đuổi. Phần vì
bầy ác hầu đông hơn, phần vì chúng lanh lẹ, độc dữ, mọi người sợ hãi bỏ
chạy tản mát. Có kẻ lạc lõng mãi đến gần tối may mắn tìm được lối ra.
– Không ai thấy Vương Chi phải không?
– Có người quả quyết thoáng thấy tiểu nhi ngồi trong lòng con
mãnh hầu trên cành cây cao, nhưng vừa tới nơi thì bị bầy hầu tấn công
ngay, mạnh ai nấy chạy, làm gì còn tinh thần nhận ra tiểu nhi nữa. Hôm
nay, đoàn người lại vào rừng. Như ân nhân vừa nghe rõ, họ nói đích xác
trông thấy Vương Chi ở trên cành cao nhưng không thể cứu được đành ra
về. Khổ một nỗi, vợ chồng Vương Lục khóc chảy máu mắt. Tiểu nhi không có thức ăn đến chết đói mất.
– Xưa nay Thanh Phiêu thôn có bao giờ bị nạn hầu quấy phá không?
– Từ ngày con tới ngụ cư không hề xảy chuyện gì cả. Theo lời các vị bô lão trong thôn không những không có nạn hầu mà ngay trong rừng
cũng không có thứ mãnh hầu dữ dội, to lớn như con đã bắt Vương tiểu nhi. Họ nói rằng có lẽ bầy thú này mới từ xa đến chiếm ngụ khu rừng. Các
tiều phu cả quyết như vậy.
Chu Đức Kiệt hỏi :
– Dãy núi này có tên là Kỳ Hầu, tất phải có nguyên do liên hệ tới giống thú đó chứ?
Trần Nhị đáp :
– Quả có vậy, nhưng không ngụ ý tới mãnh hầu. Trên núi có một
giống hầu nhỏ bé thiệt xinh, lông đen mượt như nhung, ngực lông trắng
muốt, và trước cổ khoang màu đỏ hung, đuôi ngắn, trái hẳn với loại hầu
đuôi dài. Tạo hóa sanh ra để đánh đu trên cành cây. Giống hầu này không ở trong khu rừng sau thôn mà ở ngay lưng chừng núi đá. Thỉnh thoảng có
một vài con lạc xuống rừng chân núi, người đi rừng bắt được đem lên
Thạch Tấn huyện bán đắt tiền lắm. Từ ngày định cư Thanh Phiêu thôn, con
trông thấy có một người bắt được con nhỏ xíu. Tên Kỳ Hầu Sơn có lẽ ngụ
chỉ giống thú xinh đẹp hiền lành ấy.
Lam Y hỏi :
– Lẽ cố nhiên rồi. Không yêu cầu, bọn tôi cũng có nhiệm vụ giúp
đỡ. Phiền Trần đại ca báo cho vợ chồng Vương Lục biết và tổ chức lấy
mươi người nhanh nhẹn khỏe mạnh, mang đầy đủ dây nhợ và đóng tạm lấy một cái cũi tre hay gỗ cho chắc chắn để nhốt con mãnh hầu đã bắt Vương tiểu nhi. Sáng mai vào rừng, dẫn tới chỗ bầy ác hầu tụ họp.
Trần Nhị sung sướng xin phép đi ngay cho kịp thì giờ.
Tam hiệp rủ Lan Anh ra bên suối ngồi chơi, ung dung nhàn nhã,
cảnh sắc khu Kỳ Hầu sơn tuyệt đẹp chẳng khác chi bức tranh họa màu.
Chiều tà bóng ngả hoàng hôn, bốn người trở về Củng gia điếm, tới cửa thì vừa gặp Trần Nhị đi với hai người nam nữ dân thôn mắt sưng húp, nét mặt ủ dột đoán ngay là vợ chồng họ Vương.
Quả vậy Trần Nhị nói :
– Đây là vợ chồng Vương Lục nhờ con dẫn đến đây tạ ơn quý vị đại hiệp.
Lam Y toan gạt đi thì Vương Lục và vợ đã mếu máo quỳ lạy, xin cứu mạng cho tiểu nhi Vương Chi.
Chu Đức Kiệt nói :
– Vương đại ca cứ yên tâm ra về, chúng tôi sẽ cố hết sức. Khóc lóc không ích lợi gì?
Được lời như cởi tấm lòng, vợ chồng họ Vương ra về.
Trần Nhị nói :
– Sáng mai, trai tráng và một số tiều phu thuộc khu rừng sẽ tề tựu cả ở đây. Xin phép quý vị ân nhân, con vào xem bếp nước.
Lam Y mỉm cười nhìn Trần Nhị tất tưởi đi vào nhà trong :
– Trông họ Trần ai dám bảo y đã từng ở Sơn phu hắc điếm, thường ngày trông thấy cảnh róc thịt người nấu món ăn?…
Nhạc Lan Anh hỏi :
– Việc đánh tam chi hổ ở khu đại lâm Sơn Phu thế nào? Thơ thơ nói cho nghe với. Tiểu muội cũng mong được theo đòi hành hiệp.
Lam Y cả cười, vỗ vai Lan Anh :
– Chà! Hiền muội không có tướng mạo kiếm khách giang hồ. Theo
như khoa tướng số, tôi nhận thấy hiền muội nếu không là bậc vương phi,
Quận chúa thì ít ra cũng là vị phu nhân tiền lắm bạc nhiều, thuộc một
thế gia địch quốc.
Nói đoạn nàng nhìn Âu Dương Nữ, Chu Đức Kiệt cười ròn rã.
Nhạc Lan Anh má ửng hồng càng tăng thêm vẻ đẹp cao quý.
Lan Anh không tha :
– Hồng diện tất hữu thí, diện tướng này có việc vui mừng đến nơi rồi mà vị phu quân ít ra cũng là tay anh hùng quán thế, trí dũng song
toàn.
– Kìa, Chu huynh và tẩu tẩu coi. Cứ trông cặp mắt bồ câu long
lanh kia, lúc thì sáng ngời, nhưng cũng có khi mơ màng đăm chiêu như nhớ nhung tới ai xa xôi dặm trường, đủ hiểu hình bóng vị lang quân tương
lai đã từng vương vấn tim người đẹp, sau nhịp cầu duyên nợ.
Lan Anh sắc diện đỏ gay, đấm nhẹ vào vai Lam Y :
– Gớm đi thôi bà thầy! Khi cầm kiếm thì dữ dội khủng khiếp, mà lúc đùa cũng đùa ghê. Nói câu ấy thẹn chết đi được!
Âu Dương Nữ tiếp lời :
– Thẹn tức là “có” rồi. Gián tiếp mặc nhận như vậy đủ tỏ Lam Y quả đã đặc biệt am tường khoa tướng số.
Lan Anh nguýt nhẹ Âu Dương Nữ :
– Hết Lam Y, nay lại Âu Dương thơ thơ hùn nhau cợt tôi đó phải không?
Chu Đức Kiệt chua :
– Âu Dương muội muội mới đúng chớ sao lại “thơ thơ”? Gọi gần đi thì vừa…
Lan Anh nhìn Tam hiệp :
– Còn hai người nữa, bao giờ mới cho uống rượu đây? Riêng phần Lam Y, tôi sẽ coi tướng hộ nhá!
Lam Y đáp :
– Việc của Chu huynh hiển nhiên công khai rồi, uống rượu lúc nào cũng được. Riêng tôi, hiện giờ thì tình yêu là nhân loại, và hương gió
muôn phương, đố Lan Anh coi được tướng số tôi đấy.
– Thôi xin thua! Kìa Trần Nhị đã dọn bữa chiều, mời quý khách chiếu cố cho.
Sáng hôm sau, các tráng đinh tề tựu cả trước Củng gia điếm. Người nào cũng cầm theo khí giới.
Tin Lam Y nữ hiệp giúp họ Vương vào rừng bắt mãnh hầu cứu tiểu
nhi lan tràn khắp Thanh Phiêu thôn, nên dân chúng tò mò kéo ra đứng chật cả khu trước cửa tửu điếm để xem vị nữ hiệp có khác người thường không.
Con trai Củng lão là Củng Hoành vốn sức lực, nên cũng nhập bọn tráng đinh theo hiệp khách vào rừng.
Đoàn người đi tới cửa rừng, Lam Y hỏi :
– Ai thuộc lối dẫn đến hang hầu hãy đi trước, đừng e ngại, chúng tôi coi chừng.
Một người tên là Triệu Bật cầm đoản đao nhận việc dẫn lo.
Lam Y căn dặn :
– Khi nào gần tới nơi, mọi người đứng cả vào một chỗ, và đừng xôn xao. Mặc chúng tôi hành động nhé!
Rừng già cây lớn hàng ôm, những lớp lá dầy kết vào nhau thành
lớp mái khổng lồ đen kịt. Tuy vậy cũng có nhiều đường mòn, dấu vết tiều
phu hạ cây đốn củi. Được một quãng khá xa, tới một khu cầu lớn thưa dần, ánh sáng lọt qua soi khắp nơi đây đó. Lối đi bắt đầu lởm chởm có đá.
Tiếng bầy hầu ríu rít vọng tới.
Triệu Bật chỉ tay chênh chếch sang phía tả :
– Gần tới hang hầu rồi. Đi thẳng hướng này sẽ đến.
Bốn người tiến lên trước. Tiếng hầu nghe mỗi lúc một rõ hơn.
Đoàn người lặng lẽ tiến chừng ba trăm bước nữa, tới một khu đất đá nhấp
nhô, nhìn qua bụi cây thưa, thấy rõ hang hầu ở ngay phía trong.
Lam Y xua tay ra hiệu cho đoàn trai tráng ngừng bước. Bốn người lanh lẹ lẫn sau các bụi cây vừa tiến, vừa quan sát.
Bây giờ thì trông rõ lắm rồi. Có bốn miệng hang ở ngay chân núi. Ngay khu đất trống khá rộng trước cửa hang, bầy hầu nhỏ độ vài chục
con, con ngồi con đứng, chạy tung tăng. Giữa bầy hầu ấy, tiểu nhi Vương
Chi tay cầm mấy trái rừng ngồi ghé trên khúc cây khô nhìn ngó nghiêng.
Những con hầu lớn hơn ngồi dàn cả trước miệng hang, hoặc leo lên các mặt đá lớn và cành cây ngổn ngang.
Trên mỏm đá cao, một con hầu thiệt lớn bằng người ta nhưng dãy
ngang hơn, lông dài mượt đang ngồi vắt vẻo giữa mấy con khác cỡ bằng trẻ nít mười tuổi.
Âu Dương Nữ ghé tai Lam Y nói nhỏ :
– Sao lại có thứ hầu lớn thế nhỉ, hay là đười ươi?
– Khỉ đột, đười ươi lông thẫm gần như đen, trái lại con này lông vàng hoe. Chắc con hầu bị Vương Lục bắt sổ cũi thoát về, báo đồng bọn
báo thù. Giống hầu thù dai dẳng lắm. Điều cốt yếu là chúng không hại
tiểu nhi.
Chu Đức Kiệt nhắc :
– Hành động đi! Tiểu nhi đang lảng vảng giữa bầy hầu nhỏ dễ bắt
lắm, nhưng con hầu khổng lồ và bầy hầu lớn thế nào cũng can thiệp.
Lam Y phân công :
– Âu Dương tẩu tẩu nhào tới cần nhất bắt lại tiểu nhi chạy trở ra phía này, còn thì mặc chúng tôi…
Nàng vừa dứt lời thì con đại hầu đã từ trên mỏm đá nhảy xuống quãng đất trống nhìn ngang, nhìn ngửa như giống thú đánh hơi lạ.
Biết không thể trù trừ được nữa, nếu chờ mãnh hầu đến gần tiểu
nhi Vương Chi hành động thêm khó khăn. Lam Y vội ra hiệu cùng bỏ bụi
rậm, nơi đang núp ào tới. Bốn người dùng thuật nhảy xa, băng mình vào
giữa khu đất trống, Âu Dương Bích Nữ vội bế lấy tiểu nhi lên tay hữu,
tay tả rút kiếm phòng bị.
Bầy hầu nhỏ hốt hoảng chạy tứ tung, kêu chói tai. Mãnh hầu tức
giận gầm lên dữ dội nhào tới. Những con hầu khác cũng gầm gừ vang dậy từ cành cây, mỏm đá, trong hang ùa cả ra nạt nộ.
Lam Y nói lớn :
– Để mãnh hầu này mặc tôi.
Nàng chặn trước con mãnh hầu, nhưng ghê gớm, nó chồm thẳng vào
Lam Y, vươn hai cánh tay dài phượt, lông lá xù xì bóp cổ nàng nhe răng
nhọn hoắt gầm lên, như sấm, mắt long sòng sọc đổ lửa, vỗ ngực như trống
trận.
Lam Y quát :
– Ác hầu không được làm dữ!
Nàng đón bắt trúng cổ mãnh hầu, tự ngã ngửa xuống đất theo cả mãnh hầu.
Sức hầu đã mạnh gặp phải dũng lực của Lam Y cũng không vừa, con
thú bị kéo mạnh quá sắp đổ lên người nàng, nhưng Lam Y đã đạp tung mãnh
hầu lộn nhào ra phía sau, tự mình cũng lộn đi mấy vòng chồm dậy. Bị thế
đánh bất ngờ, mãnh hầu quật trúng mấy viên đá lởm chởm trên mặt đất. Đau quá nó gầm thét quăng mình nhào vào định ôm địch thủ, hơi thở gớm
khiếp. Lẹ như vượn, Lam Y tránh sang bên dùng bàn tay “Cương đao” chém
mạnh vào ngang sườn mà bật hẳn sang bên. Bị cánh tay cứng như sắt ấy,
mãnh hầu rú lên đau đớn. Nhưng ỷ sức mạnh nó lăn xả vào đối phương, chụp đại.
Lam Y nhảy vọt lên cao khiến ác thú chụp hụt nhào ra phía trước. Thừa dịp, Lam Y quơ tay bắt trúng cổ chân mãnh hầu nhấc rộc lên khỏi
mặt đất và vung tròn, trước còn chậm, hai ba vòng sau thì bắt đầu quay
tít như chong chóng. Mãnh hầu rống lên vang dậy cả khu rừng núi.
Trong khi Lam Y giao đấu cùng ác thú, bầy hầu cũng xông bừa vào
đàn áp dữ dội, nhưng Chu Đức Kiệt, Âu Dương Nữ, Lan Anh đã rút đao kiếm
ra hoa múa, làn kiếm vi vu lạnh ngắt khiến bầy hầu hoa cả mắt sợ hãi tản mát vào rừng hay chui vào hang trốn tránh.
Bọn trai tráng mới đầu nghe tiếng mãnh hầu gầm thét thì kinh sợ, toan kéo nhau chạy, nhưng Củng Hoành tin tưởng ở tài lực các vị hiệp
khách ngăn cản lại. Họ đành núp cả vào sau các bụi rậm theo dõi trận
đánh cho tới lúc Lam Y nữ hiệp buông chân con mãnh hầu nó lăn lông lốc
trên mặt đất. Bị chóng mặt, nó loạng choạng, quờ quạng chậm chạp không
dậy nổi nữa. Củng Hoành biết được dịp tốt, hô mọi người xông vào đánh
nhàu mãnh hầu vào cũi, đóng chốt cột chặt lại.
Ngồi gọn trong tay Âu Dương Nữ, tiểu nhi Vương Chi trước còn khóc, sau nín thinh.
Âu Dương Nữ vỗ về :
– Ta bế về với ba má nhé!
Vương Chi gật đầu có vẻ bằng lòng lắm.
Chu Đức Kiệt bảo các tráng đinh lấy các cành lá khô chất gần các miệng hang nổi lửa đốt.
Âu Dương Nữ nói :
– Bầy hầu sợ rồi thì thôi, đốt hại chúng làm chi?
– Giống hầu khôn lắm. Nếu không có lửa có khói cho chúng sợ hãi
hơn nữa, thì chúng lại kéo nhau ra phá nương bắt trẻ sau này thêm tội.
Mà ngu huynh không đốt chết chúng đâu mà e ngại.
Củng Hoành khéo léo chất đống cành khô phóng hỏa không cho lan tràn ra cháy rừng. Xong việc, đoàn người kéo nhau ra về.
Ra khỏi rừng, một số tráng đinh chạy về thôn trước báo cho mọi
người hay tin cứu tiểu nhi Vương Chi và bắt mãnh hầu. Thành thử khi đoàn người về đến cổng thôn thì mọi người đã kéo ra rất đông, đi đầu là vợ
chồng Vương Lục.
Hai người mừng rỡ nửa khóc, nửa cười khi nhận được đứa con thân
yêu do Âu Dương Bích Nữ đưa cho. Họ quỳ xuống hướng vào bốn vị anh hùng
tạ ơn cứu sống tiểu nhi.
Lúc đó con mãnh hầu đã tỉnh. Nó chạy ngang quay dọc trong chiếc
cũi gióng dây thiệt chắc, nhe răng gầm gừ, thỉnh thoảng lại rống lên
kinh khủng khiến những kẻ tò mò đi gần nhìn cho rõ giật mình sợ hãi,
chạy bạt cả sang hai bên.
Mãnh hầu cầm những gióng cây lớn bằng ống chân lay đùng đùng như muốn phá cũi nhảy xổ ra báo thù, nhưng gióng cây lớn quá cứng ngắt.
Đoàn trai tráng khiêng cũi về để ngay dưới gốc cây hòe lớn trước cổng thôn. Nam phụ, lão ấu kéo ra xem rất đông vòng trong vòng ngoài
chật ních. Những người qua lại trên đường cái giữa hai huyện Thái Bình
và Thạch Tấn thấy đám đông cũng rẽ vào coi…
Lam Y và Chu Đức Kiệt muốn kiếu từ để sáng hôm sau lên đường
nhưng các bô lão trong Thanh Phiêu thôn ra tận Củng gia điếm mời tối hôm sau vào thôn dự tiệc. Biết không thể từ chối được, Tam hiệp và Lan Anh
vui vẻ nhận lời.
Hôm sau vào khoảng giờ Tỵ, trong khi Tam hiệp cùng họ Nhạc vào
thăm cảnh trong thôn, thì có hai người một nam một nữ từ lối Thái Bình
huyện về qua khu Kỳ Hầu Sơn rẽ vào Củng gia điếm dùng bữa.
Cả hai cùng vận võ phục, lưng đeo đơn đao. Thanh niên vào khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi khôi ngô tuấn tú, nước da bánh mật khỏe mạnh, vóc người tầm thước. Thiếu nữ tuổi đời quãng đôi mươi, da trắng
nuột vẻ anh thư cân quắc.
Lúc đó Củng lão ngồi quầy hàng. Thiếu nữ hỏi :
– Có việc gì mà người bu đông ở cổng thôn vậy hả lão tiên sinh?
– Người ta xem con mãnh hầu đó cô nương. Hiếm có thứ hầu lớn như vậy.
Thanh niên rủ thiếu nữ :
– Chúng ta ra coi xem sao đi!
Chàng nhắn Củng lão :
– Tiên sinh bảo dọn bữa ngay nhé. Chúng tôi nhìn qua xem con hầu thế nào, sẽ trở vào ăn ngay mới kịp về nhà trước tối.
– Dạ nhị vị quý khách trở vào sớm kẻo nguội món ăn. Tôi cho bày thồi ngay.
Hai người rảo bước rẽ vào đám đông xem.
Thiếu nữ la :
– Chà! Mãnh hầu dữ và lớn quá đa!
Thanh niên gật đầu :
– Ờ, chưa bao giờ được thấy một con hầu lớn thiệt như vậy. Thiệt hiếm có!
Thiếu nữ nhắm người đứng bên hỏi :
– Chắc giống đại hầu này ở trong núi Kỳ Hầu, dân thôn bẫy được phải không?
Người nọ đáp :
– Cô nương hỏi Củng Hoành, người đứng gần cũi hầu kia thì rõ.
Vốn khâm phục đến cực điểm anh em Chu gia, nên thỉnh thoảng Củng Hoành lảng vảng ra gốc hòe để cũi hầu, lỡ gặp người hỏi chuyện thì y
lại tán dương công trạng của anh em Chu gia mà y tôn sùng như thần
thánh.
Nghe thấy người nói đến tên mình, Củng Hoành quay ngoắt người lại hỏi :
– Ai gọi tôi vậy? Củng Hoành đây?
Người nọ đáp :
– Củng đại ca ơi, có cô nương đây muốn hỏi thăm về vụ con mãnh hầu.
Củng Hoành nhìn thiếu nữ mà người nọ vừa chỉ :
– Ai muốn biết điều chi về con mãnh hầu này, xin cứ hỏi tôi, Củng mỗ rành chuyện nhất và rất sẵn lòng trả lời hết thảy.
Tiến lại gần thiếu nữ, y hỏi :
– Thưa cô nương, có điều gì cần dạy?
– Tôi muốn biết qua về vụ bẫy con hầu này, đại ca làm ơn chỉ giùm.
Củng Hoành giãy nảy :
– Ấy chết! Đâu có bẫy! Bắt được đấy chớ! Vị Nữ hiệp tài ba quán chúng đã bắt được nó sáng qua trong chân núi Kỳ Hầu kia kìa.
– Chao ôi! Bắt được à! Vị Nữ hiệp nào mà oai dũng thế?
Được hỏi đúng kiểu, Củng Hoành sung sướng đáp :
– Đã nói đến nữ hiệp khách thì trên đời này chỉ có một Lam Y nữ
hiệp nghĩa là hiệp nữ vận áo lam, chớ còn ai đây nữa. Củng mỗ này được
“quen” Nữ hiệp từ hai năm nay rồi, mà cũng chưa thấy vị nữ hiệp nào khác xuất hiện… võ dũng, thần lực, ghê gớm quá! Lúc trông Lam Y nữ hiệp
cầm chân con mãnh hầu này quay tít như cái chong chóng. Củng mỗ này đứng ngoài mà cũng hoa cả mắt…
Thiếu nữ ngắt lời :
– Củng đại ca ơi, Nữ hiệp còn ở đây không?
– Để Củng mỗ kể cho mà nghe, con hầu bị quay tít…
Thiếu nữ ngắt lời lần nữa :
– Làm ơn trả lời, tôi còn gấp đi ăn cơm kẻo nguội.
Củng Hoành ngơ ngác :
– Nhưng cô nương vừa hỏi gì mới được chứ?
Thiếu nữ cố nhịn cười :
– Tôi hỏi rằng Lam Y nữ hiệp còn ở đây không và ở đâu.
– À!… Tưởng chuyện gì, Nữ hiệp còn ở đây chứ lị! Đêm nay dự
tiệc trong thôn. Vị nữ anh hùng nghĩa hiệp ấy trọ tại bổn điếm Củng gia
kia kìa. Ngựa còn để cả đây. Hừ chủ nào ngựa nấy, con tuấn mã trắng như
tuyết, thiệt hay! À, nhưng bây giờ có xin yết kiến cũng không gặp đâu,
nữ hiệp vào chơi trong thôn rồi…
Thiếu nữ đưa mắt nhìn thanh niên tráng sĩ.
Nàng cố nhịn để khỏi phì cười :
– Củng đại ca ơi, đêm nay trong quý thôn ăn tiệc mừng Nữ hiệp lớn lắm à?
– Mời Nữ hiệp thì tiệc phải lớn chứ! Tiếc thay người không có nhà, nếu có thì tôi rất vui lòng “giới thiệu”.
Nhìn qua con mãnh hổ một lần nữa, thiếu nữ bảo thanh niên :
– Nào, về tửu điếm ăn cơm, nguội hết rồi.
Củng Hoành gọi với :
– Cô nương chưa nghe hết chuyện bắt mãnh hầu, về điếm làm gì rồi, nếu nguội thì sẵn lửa hâm lại cần chi.
Thiếu nữ ngoái cổ lại :
– Chịu khó kể cho mọi người nghe cũng vậy.
Củng Hoành ngẩng cổ cố nói với theo :
– Nhưng họ nghe cả rồi cô nương ơi…
Thiếu nữ cười khúc khích, bảo thanh niên :
– Tên Củng Hoành nói dai quá, ngang phè! Nếu Lam Y nữ hiệp biết vậy, y sẽ được lãnh một bài học “kín chuyện”.
Tiểu muội muốn bàn với hiền huynh điều này…
Thanh niên hất hàm có ý hỏi. Nàng nói nhỏ mấy câu.
Thanh niên mỉm cười gật đầu :
– Chuyện đó nghe được. Thử coi…
Về tới tửu điếm, thiếu nữ bảo với Củng lão :
– Tầu ngựa ở đây có lớn không? Mấy bữa nữa tôi có bầy ngựa qua đây, có lẽ phải trọ lại một đêm.
– Dạ tầu ngựa bổn điếm chứa được bốn chục con, rộng rãi, có lối
đi riêng phía sau vườn. Có mã phu chuyên môn trông nom cẩn thận.
Thiếu nữ gật đầu :
– Bốn mươi con vừa đủ. Tôi muốn coi qua có được không?
Củng lão lật đật bước ra khỏi quầy hàng :
– Dạ, mời cô nương tự tiện, tôi dẫn lối.
Thiếu nữ theo Củng lão vào tới vườn sau rộng rãi.
Tầu ngựa dựng thành một dãy dài ở mé vườn bên tả.
Củng lão chỉ cổng sau mà rằng :
– Dắt ngựa vòng ngoài tửu điếm vào lối cổng sau rất gọn gàng.
Tầu ngựa tuy dài rộng thế này mà thiếu chỗ. Khách thương dừng lại đây
thường có hàng trăm ngựa thồ…
– Bốn con tuấn mã này của ai vậy?
– Của Lam Y nữ hiệp, người đã bắt con mãnh hầu trong khu rừng
chân núi Kỳ Hầu hôm qua giúp vợ chồng họ Vương tìm đứa tiểu nhi đó…
– A! Một mình Lam Y nữ hiệp sao có tới bốn tuấn mã?
– Thưa có một vị tráng sĩ và hai thiếu nữ cùng đi với nữ hiệp.
Thiếu nữ trở ra ngoài tiệm cùng thanh niên dùng bữa rất lẹ, trả
tiền lên ngựa đi ngay. Hai người vừa đi khuất nẻo đường, thì Tam hiệp và Lan Anh trở về.
Sẩm tối hôm ấy, bốn người sửa soạn vào thôn dự tiệc.
Thấy Tam hiệp đeo võ khí, Lan Anh hỏi :
– Dự tiệc mà đem theo đao kiếm ư?
Lam Y nữ hiệp nói :
– Bán đao, bán kiếm là linh hồn của khách giang hồ, bất ly thân. Thời buổi này biết thế nào được. Mất tiền bạc không sao chớ bảo kiếm
thì không được. Chắc gì tửu điếm? Vả lại rời thanh kiếm ra, thấy người
chống chếnh thế nào ấy.
Củng lão, Trần Nhị và Củng Hoành cũng được mời vào thôn dự tiệc, nhưng vì ngoài điếm còn khách trọ và ít ra cũng phải có một người ở
lại, cùng hai tên tiểu nhị coi nhà, nên ba người rút thăm trúng tên ai
người nấy phải ở lại.
Củng Thiện bèn biên tên ba người vào ba miếng giấy, gập nhỏ lại bỏ vào chiếc chén. Củng Hoành tranh lấy bóc.
Y vẫn nhắm mắt, mở mảnh giấy ra chìa cho Củng lão và Trần Nhị xem. Họ Trần vỗ tay sung sướng đọc lớn :
– A Hoành.
Củng Hoành giãy nẩy như đỉa phải vôi :
– Dọa nhau chi vậy? Đời nào lại thế được.
Nhưng y mở bừng mắt đọc rõ ràng tên y trên mặt giấy thì mặt xịu lại.
– Đen quá! Hầu hạ nữ hiệp ngay từ buổi đầu mà bây giờ trượt đi ăn tiệc đãi nữ hiệp thời có ức không.
Không tin, A Hoành mở luôn cả hai mảnh giấy kia đọc, rõ ràng tên Củng Thuận và Trần Nhị.
Họ Trần mỉm cười :
– Thôi đại ca chịu khó ở lại coi nhà, chuyến sau nữ hiệp qua đây, tôi tình nguyện ở nhà, nhường đại ca đi nhé.
A Hoành hậm hực :
– Nói gì chuyến sau nữa! Thế mà hai hôm nay “giảng nghĩa” đến
khan cổ về vụ mãnh hầu! Ức thật! Đêm nay phải nốc rượu say nhừ tử mới
chịu nổi.
Củng Thuận nháy Trần Nhị :
– Sẩm tối rồi, sửa soạn theo Nữ hiệp đi thì vừa.
Hai người vào nhà trong mặc A Hoành ngồi đờ người ra đó.
A Hoành vùng đứng dậy vào bếp lục lọi lấy rượu.
Củng Thuận từ trong phòng gọi vọng ra :
– Hoành nhi! Hoành nhi!
A Hoành lẳng lặng bước vào, đứng ỳ ra đó.
– Cha có tuổi rồi chẳng muốn rượu chè lôi thôi, nhường con đi thay và liệu lời cáo lỗi cùng các lão hộ cha nhé.
Nét mặt tươi hẳn lên, Củng Hoành nhảy vút ra khỏi phòng la :
– Trần đại ca ơi! Chờ tôi với. Có thế chứ lị! Bữa tiệc mà không có A Hoành thì không nổi đình đám. Sướng quá!
Trần Nhị ló đầu ra hỏi :
– Củng đại ca làm chi mà la lối rền lên như vậy
– Đi dự tiệc chớ còn chi nữa! Chờ tôi đấy!
… Sáng hôm sau, ai nấy đều dậy trễ, đêm hôm trước bữa tiệc kéo dài đến khuya mới ra về, rượu vào chếnh choáng ngủ say A Hoành ít say
hơn hết vì mải “giảng nghĩa” vụ mãnh hầu nên nói nhiều hơn là uống.
Bọn tiểu nhị dậy sớm hơn hết, ra vườn.
Một tên nói :
– Mấy thằng mã phu trời đánh này ngủ không biết đường dậy cho ngựa ăn. Lát nữa khách hàng lấy ngựa đi mới cuống cà kê.
Tên khác nói :
– Đánh thức chúng dậy, ai chả có khi ngủ quên.
Tên kia bèn gọi lớn :
– Liễu Tam, Điền Thất ơi! Dậy chớ, sáng bảnh mắt rồi.
Trong gian đầu tầu ngựa im lìm, không tiếng trả lời. Tên tiểu
nhị bèn bước vào gọi, nhưng cảnh diễn ra trước mắt khiến y giật nẩy
mình.
Liễu Tam, Điền Thất miệng bị nhét đầy giẻ, tứ chi bị trói gò nằm lên trên phản cây.
Sợ quá, Tiểu nhị chạy vội ra gọi đồng bọn và lên nhà trên báo cho cha con họ Củng và Trần Nhị biết.
Ba người lật đật kéo nhau xuống tầu ngựa cởi trói cho hai mã phu.
Củng lão hỏi :
– Ai vào đây trói các ngươi thế này?
Liễu Tam nắm cổ tay, cổ chân bị đau vì lằn dây siết chặt.
– Đêm qua, tôi đang ngủ say bỗng thấy lạnh buốt trên má, giật
mình vùng dậy thì ra có người áp lưỡi đao lên mặt tôi uy hiếp bắt không
được kêu, và ép buộc tôi lấy dây ghì trói, nhét giẻ vào miệng Điền Thất. Tôi đành phải theo lời người đó tưởng được tha, chẳng dè y lại trói
tôi. Hành động xong, y bỏ sang bên tầu ngựa. Chúng tôi lắng tai nghe,
thấy tiếng chân ngựa đi từ tầu ra lối cổng sau dông mất. Chắc nó lấy
trộm ngựa rồi.
Đoàn người vội vàng sang bến tầu ngựa đêm, thấy thiếu mất một con.
Củng Hoành vội la lên :
– Chết rồi! Tên đạo chích lấy mất con tuấn mã của Lam Y nữ hiệp.
Đồng thời, Trần Nhị cũng trông thấy mảnh giấy trắng mắc vào đầu rui nhà :
– Kìa, có mảnh giấy gì ở đầu rui, bắc thang lên lấy coi!
Liễu Tam bắc thang tre lấy tấm giấy đưa cho Trần Nhị đọc.
“Mượn tuấn mã nối dây liên lạc. Hạ Hầu ký”.
Đọc xong, Trần Nhị hỏi Liễu Tam :
– Ngươi nhận được mặt kẻ trộm ngựa không?
– Dưới ánh đèn bấc dầu lờ mờ, tôi chỉ biết y vận dạ hành phục
màu đen. Mặt bịt khăn đen trông không rõ, riêng thấy cặp mắt long lanh
sáng quắc.
Biết hỏi thêm cũng vô ích, Trần Nhị bảo Củng Hoành :
– Phiền đại ca lên lầu báo vụ này cùng các vị đại hiệp. Tôi ra xem cổng hậu.
Trúng ý, A Hoành vội vàng trở lên nhà trên tót lên lầu gõ cửa phòng.
Lúc đó bốn người đang sửa soạn hành trang.
Chu Đức Kiệt mở cửa thấy nét mặt A Hoành ngơ ngác liền hỏi :
– Làm sao vậy? Mãnh hầu bẻ cũi trốn mất rồi à?
– Thưa không, nhưng nguy lắm, đêm qua có kẻ trộm mất ngựa rồi.
– Ủa, nó lấy cả bốn con à?
– Không ạ, nó lấy mất con tuấn mã của nữ hiệp Lam Y. Con Bạch mã…
Lam Y, Âu Dương Nữ, Lan Anh nghe nói mất ngựa vội bước ra :
– A Hoành có chắc mất con tuấn mã của ta không?
– Thưa chắc lắm. Con bắt mã phu nuôi bốn con tuấn mã riêng một
khu trong tầu, hiện giờ thiếu hẳn con Bạch mã. Tên trộm cả gan để lại
một mảnh giấy trắng giắt trên đầu rui nhà.
– Giấy đâu, đưa ta coi!
– Trần Nhị cầm ở dưới tầu ngựa.
Bốn người vội vàng lần ra vườn sau vừa lúc gặp Củng Thuận và Trần Nhị đi vào.
Trần Nhị đưa mảnh giấy cho Lam Y coi và kể chuyện hai tên mã phu bị trói.
Bốn người xúm lại đọc hàng chữ viết rất hoạt, rồi trở ra tầu ngựa.
Lam Y thấy quả nhiên con Bạch mã của mình bị lấy trộm thật.
Nàng theo vết chân ngựa từ trong tầu ra đến cổng hậu, và từ cổng hậu ra trước Củng gia điếm đi độ hai mươi thước đến một chỗ có nhiều
vết chân ngựa rồi mất hút.
Lam Y hỏi Trần Nhị :
– Nẻo đường này lên Thái Bình huyện hay Thạch Tấn?
– Thưa lên Thạch Tấn.
– Đêm qua có mấy người trọ trong điếm?
– Có hai người trọ từ ba bữa nay rồi. Họ chờ đoàn khách thương
và hiện đang uống trà ở trong quán. Xảy ra vụ này thiệt đáng tiếc! Từ
ngày khai trương đến nay chưa hề bị mất trộm lần nào.
– Sáng qua, hay tối qua trong lúc chúng tôi vào thăm trong thôn, có ai lạ vào tửu điếm dò hỏi gì không?
Trần Nhị ngơ ngác không hiểu nhưng Củng Thuận nói :
– Tôi luôn luôn ngồi quầy hôm qua lác đác có thực khách vào hàng ăn xong, họ đi ngay.
Chợt nghĩ ra điều gì, Củng Thuận nói tiếp :
– A, hay là hai nam nữ thanh niên vào điếm trưa hôm qua…?
Lam Y vội hỏi :
– Nam nữ thanh niên ra làm sao? Hồi nào?
– Lúc đó quý vị còn ở cả trong thôn vào quãng cuối giờ Tị. Họ
bảo dọn thồi ăn, nhưng trước khi ăn, họ thấy đám đông bèn rủ nhau ra
cổng thôn xem mãnh hầu. Lúc trở vào họ nói sẽ có bầy ngựa qua khu vực
này nên đòi vào xem tầu ngựa. Nhìn qua, họ trở ra ngay dùng bữa và lên
đường, nẻo đường Thạch Tấn.
– Hai người ấy có dò hỏi chi khác không? Hình dáng thế nào?
– Họ không hỏi chi cả. Thanh niên trạc hai mươi lăm, hai mươi
sáu tuổi, thiếu nữ mười chín, hai mươi tuổi, võ phục, đeo đơn đao, dáng
điệu thế gia chi tử.
Lúc đó, A Hoành mới nói theo :
– A, con có thấy họ ra xem mãnh hầu. Họ tưởng mãnh hầu đó sa bẫy, nhưng con cải chánh là nữ hiệp đã bắt nó.
Nghe vậy, Lam Y lắc đầu, nhìn Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ rồi đủng đỉnh trở về Củng gia điếm.
Trần Nhị lo ngại hỏi Lam Y :
– Trong thôn này cũng có ngựa, con vào lấy để ân nhân dùng tạm, tới nơi nào gặp ngựa tốt sẽ mua sau, có được không?
Lam Y mỉm cười :
– Không cần. Có lẽ hôm nay chưa lên đường được. Đem điểm tâm lên lầu cho chúng tôi và nếu đại ca không mắc bận, tôi sẽ nhờ vào trong
thôn hỏi hộ chút việc.
– Dạ, cần điều gì, ân nhân cứ tùy tiện sai bảo. Bây giờ A Hoành làm bếp thạo lắm rồi.
Lát sau bốn người ngồi trên phòng lầu ăn sáng.
Âu Dương Nữ nói với Chu Đức Kiệt :
– Tiểu muội nghi đây không phải là một vụ trộm. Có kẻ nào muốn thử thách chi đó…
Chu Đức Kiệt gật đầu :
– Đúng vậy. Kẻ đó chỉ lấy riêng con Bạch mã của Lam Y trong khi
nó đủ thì giờ dắt cả bốn con tuấn mã đi, còn cả gan để giấy lại nữa.
– Kẻ đó nghe danh Lam Y muội muội từ trước rồi! Hôm qua bất chợt qua đây, y nghe chuyện bắt mãnh hầu nên cố ý mượn con ngựa để được gặp
Lam Y đó.
Lam Y nói :
– Chung quy chỉ tại A Hoành bép xép phô trương. Chuyến trước ở
Sơn Phu im lìm chậm chạp, không hiểu sao bây giờ nó nói luôn miệng.
Chu Đức Kiệt phì cười :
– Trước kia, y làm tiều phu, nhà ở ngay cửa rừng, chẳng im lìm
thì nói với cây cối hay muông thú sao? Nay lên chức hỏa đầu, con chủ
quán thì phải biết ngôn ngữ giao dịch chớ.
– Tiểu muội nghi hai nam nữ thanh niên bữa qua là thủ phạm vụ trộm.
– Chắc chắn rồi, còn nghi gì nữa! Hai người ấy họ “Hạ Hầu”.
– Lát nữa, Trần Nhị lên sẽ nhờ y vào thôn thăm dò xem gần đây có người nào mang họ Hạ Hầu không. Y khá lắm, không láu táu như A Hoành.
Vừa lúc ấy, Trần Nhị lên tới nơi hỏi Lam Y nữ hiệp :
– Ân nhân có điều gì sai bảo?
– Đại ca vào trong thôn hỏi thăm xem có người nào biết từ đây
lên Thạch Tấn huyện có gia đình nào họ Hạ Hầu không, hoặc có thôn trang
nào đáng chú ý không. Nên hỏi những ai thường qua lại Thạch Tấn huyện
cho khỏi mất công.
Trần Nhị tươi tỉnh :
– Tưởng việc gì, chứ người thuộc lối Thái Bình và Thạch Tấn
huyện không ai hơn con. Từ Thanh Phiêu lên Thạch Tấn do đại lộ đúng ba
mươi bốn dặm. Ngoại trừ những xóm lèo tèo chừng mươi, mười lăm cái nhà
không đáng kể, đi mười dặm đường tới thôn Hòa Lạc, thêm chín dặm nữa tới trại Lục gia, và chặng cuối cùng là Kỳ Hầu Ổ, cách Thạch Tấn bốn dặm.
Tam hiệp ngạc nhiên :
– Ủa? Kỳ Hầu Ổ?
Trần Nhị gật đầu :
– Dạ, Kỳ Hầu Ổ lớn nhất trong các thôn trang trên con đường này, ở mé bên hữu cách mặt lộ chừng vài trăm thước. Đại trang ấy có ruộng
nương bao bọc khắp chung quanh, và sau lớp ruộng là chặng núi này kéo
dài qua đó. Cảnh sắc phong quang hùng vĩ như đây.
Lam Y phì cười :
– Chắc lại nhiều hầu như khu Thanh Phiêu nên thành tên Kỳ Hầu Ổ chứ gì?
– Không phải. Nếu vì loài hầu mà thành tên, tất dân Thanh Phiêu cũng được nghe đồn.
– Còn vụ họ Hạ Hầu?
– Tuyệt nhiên không nghe nói tới họ ấy, để con vào thôn thăm dò xem có ai biết không.
– Ờ, phiền đại ca giúp tôi việc ấy càng mau lẹ càng hay.
– Đó là bổn phận của con.
Trần Nhị đi ngay đến trưa mới về, thưa rằng :
– Không một ai biết họ Hạ Hầu hay thôn xóm nào mang tên như vậy
cả. Nhưng về Kỳ Hầu Ổ hình như khu ấy là đất đai của dòng dõi tướng môn
gì đó.
Không do dự, Lam Y bảo Trần Nhị :
– Thôi, sửa soạn thắng ngựa, chúng tôi khởi hành lên Thạch Tấn huyện ngay bây giờ.
– Để con lấy tạm con ngựa Nữ hiệp cưỡi.
– Cám ơn, tôi cưỡi chung với gia tẩu được rồi.
Chờ Trần Nhị đi khỏi, Lam Y nói với Chu Đức Kiệt và Âu Dương Nữ :
– Chúng ta lên huyện vào quán trọ. Sáng mai, tiểu muội thân hành vào Kỳ Hầu Ổ xem thế nào. Linh tính báo rằng đáng để ý tới trang trại
đó.
Âu Dương Nữ nói :
– Chúng tôi cùng đi với. Tiểu tâm vẫn hơn.
Lam Y giảng giải :
– Từ trước đến nay, chúng ta hiệp ý hành động rất vui, nhưng vụ trộm ngựa này hoàn toàn có tánh cách riêng biệt.
Tất cả có bốn tuấn mã, tên Hạ Hầu lựa trúng con Bạch mã của tiểu muội, tức là có ý thách thức riêng mình Lam Y nữ hiệp. Tẩu tẩu vui lòng để tiểu muội tự hành động xem tên Hạ Hầu bản lãnh cao siêu dường nào.
Chu Đức Kiệt nói :
– Lam Y đơn thân hành động là phải. Vụ này có tánh cách trêu
đùa, phần đua tài và danh dự nhiều hơn là nguy hiểm. Lam Y dư sức trả
lời.
Lam Y mỉm cười :
– Theo linh tánh đoán liều họ Hạ Hầu ở Kỳ Hầu Ổ, nếu không có họ đó ở thôn trang ấy thì cũng đành mất toi con Bạch mã! Chẳng lẽ tới
trang trại nào, chúng ta cũng ngừng bước mất thì giờ thăm dò sao? Theo
nét chữ mềm mại tuyệt đẹp. Hạ Hầu có lẽ là một cân quắc tiểu thư.
Suy nghĩ giây lát, nàng nói tiếp :
– Dù sao cũng cố tìm lấy lại con bảo mã trung thành ấy. Gươm
linh, tuấn mã là hai vật chí bảo của bọn giang hồ. Kiếm thanh hoa ảnh
giúp ta vẫy vùng trong thiên hạ, cũng như ta đã nhờ vó câu thần mã thâu
ngắn tạm trường. Lẽ nào bỏ nó được.
Nói tới đây, cặp phượng nhỡn xếch ngược long lanh sáng ngời như
ánh kiếm, giả thử chàng hay nàng Hạ Hầu nào đó lúc này đứng trước mặt
nàng, cũng đủ hạ khí giới vì luồng kiếm nhỡn ấy, chớ không cần nàng phải ra công tranh đấu nữa.
Trần Nhị lên bảo ngựa đã đóng yên sẵn sàng. Bốn người đeo hành
lý và đao kiếm xuống lầu. Chu Đức Kiệt ra quầy hàng trả tiền trọ. Củng
lão và Trần Nhị nhất định không lấy. Đức Kiệt để tiền trên mặt quầy mà
rằng :
– Buôn bán thế này, lãi lời bất quá được bao nhiêu? Muốn trả ơn
chúng tôi, lão trượng và Trần đại ca cứ lương thiện, sống theo lẽ phải
là được rồi.
Củng, Trần và A Hoành líu ríu tạ ơn. Vừa lúc ấy, vợ chồng Vương
Lục cũng ẵm tiểu nhi Vương Chi đến bái tạ cứu mạng. Lam Y đỡ dậy khuyên
nhủ mấy điều. Nàng để ý thấy vợ Vương Lục vóc dáng người dong dỏng giống mình, thì chợt nghĩ ra một ý kiến hỏi nhà ở đâu.
Trương thị đáp ở kế cận, cách Củng gia điếm mấy nhà.
Lam Y yêu cầu mọi người chờ, đoạn bảo Trương Thị dẫn nàng về nhà.
Tới nơi, Lam Y hỏi :
– Đại nương có dư bộ y phục nào để lại cho tôi được không?
Trương thị bỡ ngỡ không hiểu :
– Y phục thì có, nhưng đã cũ, và ân nhân dùng sao được?
– Được, cứ lấy ra đây tôi coi. Có giầy hay hài xảo nữ càng hay.
Trương thị đành chiều ý, vào phòng lấy mấy thứ y phục và cặp
thôn hài tốt nhất của mình đưa ra cho Lam Y. Nàng lựa một bộ so lên
người thấy vừa vặn bèn để riêng ra và thử đến cặp hài.
Trương thị đỏ mặt nói :
– Cặp hài này của gia mẫu cho nhưng nhỏ quá, con đi không vừa
Lam Y kín đáo nhìn, quả nhiên hai bàn chân Trương thị thô kệch quá
chừng.
– Làm việc đồng áng thì phải thế chứ, chân lớn là lẽ thường… Coi này, vừa cỡ chân tôi quá. Nhường tất cả lại cho tôi nhé!
– Dạ, ân nhân cứ lấy dùng.
Lam Y gói bộ y phục và thôn hài vào bọc hành trang, móc túi lấy mười lượng bạc đưa cho Trương thị.
– Cầm lấy tiền này mua quà cho Vương Chi, đừng chối từ tôi giận đấy.
– Ân nhân cho con nhiều quá…
Trương thị chưa nói hết lời thì Lam Y đã vỗ má tiểu nhi quay
ngoắt ra khỏi cửa rồi, mặc Trương thị bỡ ngỡ sung sướng với số bạc trắng xóa trong tay.
Nàng về thẳng Củng gia điếm. Ba người đã lên ngựa chờ sẵn.
Lam Y vẫy tay chào bọn Củng, Trần nhảy phắt lên ngồi phía sau Âu Dương Nữ, giục lên đường.
A Hoành đờ người ra nhìn theo, đầu lắc lư khen :
– Hay quá…
Trần Nhị nhìn bạn thiết hỏi :
– Hay cái gì?
A Hoành vẫn nhìn theo đoàn lữ khách kiệu nhỏ trên đường xa :
– Nữ hiệp phi thân lên ngựa hay quá, thiệt tài tình!
Trần Nhị nguýt bạn :
– Thôi đi ông! Vì ông ba hoa nhiều quá nên kẻ đạo chích biết nữ hiệp có Bạch mã mới nẫng tay trên đó. Còn hay với dở nỗi gì.
A Hoành tặc lưỡi phân trần :
– Nào, tôi có nói gì đâu? Chỉ khen đề cao nữ hiệp cưỡi Bạch mã thiệt hào hùng. Có vậy thôi.
– Chao ôi! Cái “vậy” của ông đủ dẫn đường cho kẻ trộm ngựa rồi! Sao hồi sáng ông không nói rõ?
– Tôi đâu cò dè!
Trần Nhị chép miệng :
– Mỗi chuyến đại ca “không dè” là đủ hết nghiệp rồi còn gì. Ngựa luyện, ngựa quý của người ta chớ đâu phải ngựa bụng ủng đít von đã mua
đâu.
… Xế chiều hôm ấy, Tam hiệp và Lan Anh đi qua khu Kỳ Hầu Ổ.
Chu Đức Kiệt nói :
– Đại thôn này lớn thật! Tường hoa, mái ngói như bát úp.
Lam Y im lặng nhận xét.
Bóng tà gác sớm đầu non khiến dãy núi đá nhấp nhô trở nên tím
thẫm vạch ngang nền trời xanh ngắt. Đám thôn phu vác cuốc hò nhau trở về thôn. Đây đó, mấy chú mục đồng đủng đỉnh, an nhàn dẫn trâu hồi ổ. Tiếng sáo du tử véo von, trầm bổng hòa với tiếng mõ trâu rung tạo thành bản
nhạc chiều bất hủ trong gió mát dịu dàng nhẹ kẽ lá ngàn cây.
Lam Y buông xõng :
– Cảnh chiều cô thôn đẹp thật, tình hoài vương vấn khách giang hồ.
Chu Đức Kiệt trầm lặng nhìn em.
Âu Dương Nữ hỏi Lam Y :
– Bình Dương cảnh sắc thế nào?
– Kỳ mỹ như khúc hùng ca bất diệt! Cảnh thì suối mát, non cao,
nương lúa. Vật dù có mãnh thú, thịt mối. Nam, phụ, lão, ấu người Sơn
Đông rất thượng võ, ai cũng biết chút ít côn, quyền, cung, mã. Tẩu tẩu
sẽ được thăm thú xứ sở ấy.
Bốn người lỏng cương chuyện vãn bất giác đến Thạch Tấn huyện thì vừa sẩm tối.
Thạch Tấn là huyện lỵ nhỏ, so với nhiều nơi mà Tam hiệp đã từng
qua chỉ bằng một phần tư, nên tìm hồi lâu mới thấy quán trọ vừa ý.
Chủ quán thắc mắc hỏi :
– Quý khách bốn người mà cưỡi ngựa, có lẽ giữa đường gặp cường đạo?
Lam Y đáp :
– Không. Một con đau phải để lại ngoài thành. Huyện này có bình an không?
– Dạ, bổn huyện tuy nhỏ nhưng tương đối bình an, không hề xảy ra chuyện đạo chích.
Sáng hôm sau, Lam Y cải trang thành một thôn nữ, vai đeo gói hành lý nhỏ đựng một bộ võ phục, và võ ủng, sửa soạn đến Kỳ Hầu Ổ.
Âu Dương Nữ phì cười :
– Cô muội lấy ở đâu ra bộ áo thôn nữ vừa vặn thế này?
Lam Y chưa kịp đáp lời, thì Chu Đức Kiệt đã nói :
– Hiền muội lại mua của Trương thị, vợ Vương Lục ở thôn Thanh Phiêu chớ gì?
Lam Y gật đầu :
– Chính vậy, Trương thị và tiểu muội vóc người bằng nhau. Cải trang thế này được không?
Nhạc Lan Anh mỉm cười :
– Y hệt một thôn nữ kiều diễm, khéo nhỉ! Đến Kỳ Hầu Ổ lỡ gặp Trang chủ có khiếu thẩm mỹ thì rầy rà lắm đấy.
– Nếu vậy chắc Trang chủ ấy đến ngày tận số rồi!
– Thơ thơ không đem hảo kiếm theo sao?
– Thôn nữ mà giắt trường kiếm thì còn gì trái ngược hơn? Có túi
phi đao đây rồi. Trong trường hợp không thấy gì lạ, sẩm tối tôi sẽ về.
“Nếu dò la được tin tức Bạch mã, nội nhật ngày mai mới có thể về được. Đừng nóng ruột nhé”.
Nói đoạn, nàng vẫy tay chào mọi người rồi xuống lầu.
Lúc nàng đi qua quầy hàng, chủ quán giật mình, tưởng người lạ nào, nhưng trấn tĩnh ngay khi nhận ra nữ khách đến chiều qua.
Lam Y mặc chủ quán ở lại với sự bỡ ngỡ của y, đi vụt ra khỏi tửu quán, theo đường cũ ra thành.
Theo đại lộ, lúc gặp người, Lam Y đi như thường, trái lại khi
vắng vẻ nàng hoặc chạy, hoặc bước đi vùn vụt. Chẳng bao lâu, đã tới khúc rẽ vào Kỳ Hầu Ổ.
Nàng thản nhiên hỏi một nông phu đang cuốc đất :
– Đại ca làm ơn chỉ giùm trang trại của họ Hạ Hầu.
Người nọ nhìn Lam Y giây lát :
– Cô từ đâu tới đây :
– Tôi từ Lục gia thôn tới, cầm thơ cần của người bạn họ Hạ Hầu tiểu thư.
– Vào trong thôn hỏi mới biết được, trong ấy nhà cửa nhiều, đường lối ngoắt ngoéo, nói ở đây nhớ sao nổi.
– Nhưng đích thôn này có họ Hạ Hầu?
– Không đích xác, ai chỉ đường cho mất công.
Lam Y cảm ơn đi thẳng vào Kỳ Hầu Ổ.
Nàng mừng rỡ đã dự đoán trúng, không những tìm thấy họ Hạ Hầu ở Kỳ Hầu Ổ mà kẻ lấy trộm Bạch mã là một thiếu nữ.
Vào tới trang, nàng chưa biết đi ngả nào thì có mấy người đàn bà già, trẻ đi qua. Họ trâng tráo nhìn người lạ.
Lam Y nhằm người có tuổi hỏi :
– Lão bà, làm ơn chỉ giúp Hạ Hầu tiểu thư ở nơi nào.
Bà già nhìn nàng từ đầu tới chân, trong khi mấy cô gái khác thì thầm ghé tai nhau nói chuyện.
Lam Y nghĩ bụng, người trong thôn này kỳ lạ, mình cũng như họ
chớ có ba đầu sáu tay, mười hai con mắt đâu mà họ nhìn dữ vậy! Lạ thì lạ chớ! Nghĩ vậy, nhưng nàng vẫn điềm tĩnh mỉm cười chờ trả lời.
Bà già nói :
– May cho cô đó. Tiểu thư đi chơi xa mới về. Định xin việc làm hả?
Lam Y gật đầu :
– Dạ, tiểu nữ nhà nghèo, nghe đồn Hạ Hầu tiểu thư nhân đức nên đến xin hầu hạ.
– Trắng trẻo dễ coi thế này chắc Hạ Hầu tiểu thư ưng ý lắm.
Đường lối trong Kỳ Hầu Ổ quanh co khó kiếm, vậy cứ đi thẳng đây độ trăm
bước tới ngã ba, quẹo tay tả đi đến cây đề lớn.
“Dưới gốc cây đề có máng nước lớn, nơi giặt công cộng. Chịu khó
hỏi thăm một lần nữa, thế nào người nhà Hạ Hầu tướng công dẫn về tới
nơi”.
Lam Y gặng hỏi thêm :
– Phiền lão bà cho biết, Hạ Hầu tiểu thư là con quan hay sao?
Bà già trừng mắt làm như thôn nữ ngớ ngẩn nọ đã phạm vào một tội lớn vì không biết họ Hạ Hầu là nhà quan :
– Trời ơi, biết đường vào Kỳ Hầu Ổ mà hỏi câu ngớ ngẩn thế ư!
Tướng công là dòng dõi Kỳ Dũng Hầu khi xưa đó. Được chấp nhận làm tôi
bộc họ ấy tha hồ sung sướng. Cố đi!
– Dòng dõi nhà quan thì chắc tướng công ở nơi đế kinh chớ không ở nhà.
– Dòng dõi nhà quan chớ không phải làm quan, vậy tướng công ở
nhà chớ sao lại ở kinh đô? Trông cô sáng sủa thế kia sao mà tối dạ thế.
Lam Y mỉm cười :
– Xin lỗi làm phiền lão bà, tiểu nữ quê mùa không thuộc thể cách quan liêu.
Dứt lời, nàng chào đi thẳng. Lão bà nhìn theo. Mấy thiếu phụ, thiếu nữ thôn dân nói với nhau :
– Người ở đâu mà xinh đẹp chẳng kém gì Hạ Hầu tiểu thư nhỉ?
– Cùng khổ mặt, cùng nước da trắng muốt, nhưng tiểu thư làm gì
có chiếc mũi cao dọc dừa ấy? Vậy vẻ đẹp còn kém người này chứ lị.
Lam Y cố làm ra vẻ quê mùa ngờ nghệch, kéo chiếc khăn bịt đầu buộc quàng xuống cằm che kín thêm mặt đều đặn của nàng.
Quanh co mấy khúc, nàng đi đến máng nước thật. Đó là một mái
ngói cột gạch, ở giữa xây mấy hàng bậc giặt. Nước chảy theo máng từ
ngoài suối vào một cái hồ lớn trong veo Một đoàn người toàn phụ nữ, già
có, trẻ có, trang phục ra dáng nô tỳ và thôn dân đang giặt giũ quần áo.
Họ vừa làm việc, vừa chuyện trò cười nói vui vẻ. Thấy thôn nữ Lam Y đeo
hành lý đi tới, không ai bảo ai, họ đồng loạt ngừng tay, yên lặng nhìn.
Họ nhìn chăm chú vì Lam Y thôn nữ lạ mặt hay vì nàng kiều diễm. Có lẽ vì cả hai lý do, nhưng riêng Lam Y thì nghĩ rằng những người trong Kỳ Hầu Ổ tò mò thiệt, và chẳng tế nhị chút nào.
Nàng thản nhiên vái chào hỏi thăm đường vào Hạ Hầu trang.
Một người trạc ngoài hai mươi tuổi hỏi :
– Thơ thơ hỏi thăm ai đó?
– Tôi đến xin việc làm. Thơ thơ làm ơn chỉ giúp.
– Biết làm việc gì?
– Việc gì tôi cũng làm được.
– Chân tay trắng nuột thế kia có dám làm việc nặng nhọc không?
Mọi người nhìn nhau tủm tỉm cười, Lam Y hỏi bực mình hỏi lại :
– Thơ thơ là người nhà đại quan hay sao mà chất vấn dữ vậy?
Một lão bà chỉ cô gái nọ mà rằng :
– Chị Liêm Hoa đây là người làm trong nhà Hạ Hầu, tử tế chị ấy sẽ giới thiệu cho.
Lam Y niềm nở hỏi Liêm Hoa :
– Xin lỗi thơ thơ, để tôi giặt cùng cho mau lẹ nhé!
– Được, giặt xong đi cùng tôi về nhà.
Lam Y treo bọc hành lý lên cành cây, xắn cao tay áo, đứng vào bên Liêm Hoa, giặt ồ ạt mồi hồi hết cả hai lố quần áo.
Mọi người nhìn nhau tỏ ý ngạc nhiên, khen ngợi Lam Y giặt khỏe.
Liêm Hoa hỏi :
– Tên chị là gì? Biết tên gọi nhau tiện hơn.
– Tôi họ Lam tên Anh, sanh quán ở Thái Bình huyện.
Hai thế nữ nữa xếp các quần áo giặt sạch vào hai chiếc giành mây rồi xỏ đòn gánh khiêng về nhà. Liêm Hoa và Lam Y theo sau. Nàng nói
chuyện :
– Lúc ở ngoài đầu lộ hỏi thăm vào đây, có người lực điều nói rằng Hạ Hầu tiểu thư mới du lịch xa về, phải không?
Liêm Hoa đáp :
– Phải rồi. Tiểu thơ và đại công tử mới đi Hàng Châu thăm người cô cửu về hồi trưa hôm qua.
Lam Y vờ hỏi :
– Nghe nói Hàng Châu là một đại trấn, chắc đại công tử và tiểu thư mua được nhiều thứ đẹp về nhà lắm nhỉ?
– Đi như vậy mấy khi ai chịu mua gì thêm bận tay đường trường. Tôi chỉ thấy dắt được một con Bạch mã cực đẹp về nhà thôi.
– Chắc nhà thiếu ngựa nên tiểu thư mới chịu khó mua thêm về dùng chứ gì?
Liêm Hoa phản đối :
– Đâu có! Tầu ngựa nhà có dư ngựa, có lẽ vì thiếu Bạch mã nên mua về cho đủ bộ.
– Kim chi ngọc diệp như tiểu thư mà xông pha kỵ mã kể cũng hiếm có.
Liêm Hoa phì cười :
– Lam thơ hỏi ngớ ngẩn thật. Hạ Hầu là dòng dõi võ tướng khai
quốc công thần, tiểu thư và đại công tử võ nghệ gia truyền, dũng lực vô
song. Cung mã là nghề nhà mà! Thơ thơ được thâu nhận làm việc ở đây sẽ
mục kích hai vị ấy luyện tập thường ngày.
– Đại công tử và tiểu thư danh hiệu là gì nhỉ?
– Hạ Hầu Hùng và Hạ Hầu Ánh. Trông thơ thơ gọn gàng thế này chắc sẽ được hầu cận tiểu thư đó. Tôi biết ý tiểu thư và sẽ nói giúp cho.
Lam Y làm ra vẻ mừng rỡ :
– Ơn ấy bao giờ tôi dám quên.
– Ồ, có gì mà ơn với huệ. Bọn công nhân chúng mình giúp nhau là thường.
Hai người vãn chuyện, đi vòng vèo qua mấy dãy nhà tá điền, đến
một trang môn đồ sộ, có tấm biển vắt ngang đề ba chữ “Kỳ Dũng Hầu”. Bên
trong đình đài mấy lớp khang trang, hoa viên cây cối rườm rà, nào giả
sơn, nào hồ bán nguyệt, cực kỳ sang trọng.
Liêm Hoa nói :
– Nam nữ công nhân ở trong nhà này đông và do bà Dương Kim quản
gia điều xuất. Theo lệ phải trình diện với quản gia trước, nhưng Lam thơ theo tôi về phòng riêng ở hậu viên, chờ tôi nói với tiểu thơ trước cho
thì chắc chắn hơn.
Lam Y theo Liêm Hoa đi vòng vèo vào tới khu hậu đình, thì vừa thấy một thiếu nữ đứng trên hành lang nhìn xuống.
Liêm Hoa nói nhỏ với Lam Y :
– May quá tiểu thư kia kìa, chắc thế nào cũng hỏi. Đó là Mai Hương đình có phòng của tiểu thư.
– Tiểu thơ ở nhà mà không vận xiêm y thường phục à?
– Ít khi lắm. Luôn luôn dùng võ phục.
Quả nhiên, Hạ Hầu Ánh vẫy tay gọi Liêm Hoa.
Liêm Hoa dặn Lam Y đứng đó chờ, rồi rảo bước sang đình Mai Hương.
Hạ Hầu Ánh hỏi Liêm Hoa :
– Ai đi với ngươi vậy?
– Con đang giặt ở máng nước thì thôn nữ này vào Kỳ Hầu Ổ kiếm
việc làm. Thấy người gọn gàng dễ coi bảo theo về xem tiểu thư có bằng
lòng không.
Hạ Hầu Ánh chăm chú nhìn Lam Y thôn nữ giây lát :
– Tên y là gì? Gọi sang đây ta coi!
– Y họ Lam tên Anh, người Thái Bình huyện.
Hạ Hầu Ánh nhìn Lam Y không chớp mắt trong khi nàng vờ khép nhìn xuống nền gạch bông. Tuy vậy, Nữ hiệp đã thừa thì giờ quan sát tiểu thơ họ Hạ Hầu rồi. Nàng phảng phất như Nhạc Lan Anh cao hơn, nhưng cũng chỉ đứng đến tai Lam Y.
Hạ Hầu Ánh nghĩ thầm sao lại có thôn nữ xinh đẹp, trắng trẻo ngà ngọc chẳng kém chi một vị thiên kim tiểu thư thế này? Được người này
hầu cận thì còn chi bằng, nhưng biết đâu y không là gian tế, là Lam Y nữ hiệp tìm đến đây lấy lại Bạch mã.
Đoán được ngay ý nghĩ của Hạ Hầu Ánh, Lam Y vờ ngơ ngác nhìn y hệt một thôn nữ lần đầu mới được đặt chân tới cấm đình danh gia.
Bỗng Hạ Hầu Ánh cất tiếng trong trẻo hỏi :
– Lam Anh một mình từ Thái Bình huyện tới đây, mà không sợ đường trường thân gái sao?
– Thưa tiểu thư, con côi cút đi với vợ chồng người biểu huynh
qua Lục gia thôn, được nghe nói tướng công và phu nhân bên Kỳ Hầu Ổ nhân đức, nên biểu huynh dẫn con sang đây xin việc làm.
– Vợ chồng biểu huynh ngươi đâu? Không thấy đi cùng?
– Biểu huynh và biểu tẩu vào Thạch Tấn huyện, chiều mai mới về qua đây rước.
– Giá tỉ không kiếm được việc làm, đêm nay ngươi định ngủ ở đâu?
– Biểu huynh con dặn rằng xin ngủ nhờ một nhà nào trong Kỳ Hầu Ổ và chiều mai sẽ ra đại lộ chờ.
– Nếu ta thâu nhận, ngươi có ưng ý theo ta không?
– Thưa tiểu thư, con mong muốn được như vậy. Phước đức quá!
Bỗng Hạ Hầu Ánh hỏi ngang :
– Bên Thái Bình huyện rộng lớn, không kiếm nổi chỗ làm sao?
– Con có đi làm mấy nơi, nhưng các nam công nhân… sỗ sàng quá nên đành phải bỏ việc.
Hạ Hầu Ánh nhận xét thấy Lam Y sắc diện đỏ ửng vẻ mắc cỡ thì tin là nàng thật tình, nghĩ thầm “Phải rồi, nhan sắc thế kia, bọn nam bộc
không trêu cợt sao được”.
– Được rồi, ta nhận ngươi làm hầu cận ta. Nếu bọn nam bộc lả lơi trêu ghẹo, ngươi cứ việc mách để ta trừng phạt. Các thể nữ trong nhà
đều vận xiêm y, chịu khó ngoan ngoãn ta sẽ may cho.
Lam Y bẽn lẽn :
– Con vận y phục thôn dã đã quen, tiện làm việc hơn. Dùng xiêm y không được gọn gàng.
Hạ Hầu Ánh mỉm cười :
– Nếu thế ta sẽ cho vận võ phục, hầu đao mã, chịu khó ta sẽ
truyền dạy võ nghệ cho. Hiện thời, ta có nhiều võ phục cũ, ta sẽ đưa cho mà dùng.
– Dạ, con xin cố theo.
Nói câu ấy, Lam Y không khỏi cười thầm: “Mày thấp hơn ngót ngang tay và nhỏ cân hơn, chị mày đây vặn vừa sao”.
Hạ Hầu Ánh thấy mến ngay Lam Y thôn nữ, bèn bảo Liêm Hoa :
– Để Lam Anh ở đây với ta. Có gặp quản gia Dương Kim thì bảo cho y hay việc thâu nạp này nghe chưa?
Liêm Hoa đi khỏi, Hạ Hầu Ánh nói :
– Nguyên tòa Mai Hương đình này thuộc về ta, vào đây chỉ phòng
riêng cho cất hành lý. Hiện có hai nữ tì làm việc vặt, hiềm vì chúng ủy
mị lắm, chớ không khỏe mạnh như Lam Anh.
Lúc hai người đi gần nhau, Hạ Hầu Ánh mới chợt nhận ra thôn nữ cao lớn hơn mình :
– A, Lam Anh lớn hơn ta nhiều, phải may võ phục khác mới vừa.
Mai Hương đình có một tầng lầu. Ở trên là tư phòng của Hạ Hầu Ánh và một căn phòng xép. Dưới là khách phòng bày giá võ khí.
Hạ Hầu Ánh dẫn Lam Y vào căn phòng nhỏ sau khách phòng mà rằng :
– Từ nay Lam Anh ở đây. Khỏe mạnh thế này, không theo tập cũng phí. Biết kỵ mã không?
Lam Y đáp :
– Trước kia gia đình chưa sa sút, nhà có ngựa nên con có tập cưỡi qua loa và biết đóng yên ngựa.
Giữa lúc hai người đang nói chuyện, thì có tiếng gọi :
– Hiền muội có nhà không?
Hạ Hầu Ánh lên tiếng trả lời, và bảo Lam Y :
– Công tử Hạ Hầu Hùng, anh ta đó. Lam Anh theo ra đây.
Dứt lời, nàng đi trước ra khách phòng. Một thanh niên tuấn kiệt đang ngồi trên cẩm đôn.
Thấy Lam Y, Hạ Hầu Hùng hỏi em :
– Ai đây?
– Tiểu muội mới kiếm được một người hầu đao mã đó, thôn nữ Lam Anh.
Lam Y kín đáo nhận xét Hạ Hầu Hùng, tiến lên vái chào.
Hạ Hầu Hùng lẳng lặng nhìn Lam Y một hồi, đoạn bảo em :
– Con Bạch mã vẫn không chịu ở chung tàu với bầy ngựa nhà. Nó đá luôn, ngu huynh nhốt riêng ra rồi. Chắc nó nhớ chủ.
– Hoặc nhớ chủ, hoặc dữ tánh. Ngựa nhà bị thương không.
– Chúng giạt sang bên nên không hề gì. Ngu huynh cột Bạch mã vào ổ riêng.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Ta ra coi xem thế nào, nhân tiện chỉ cho Lam Anh biết nơi tàu ngựa luôn thể.
Nàng vẫy Lam Y đi theo.
Ra tới nơi, tiếng ngựa hí vang ầm. Hạ Hầu Hùng nói :
– Con Bạch mã hí đó, chắc nó nhớ chủ chớ không sai.
Lam Y cười thầm: “Bây ngu quá! Nó đánh hơi biết ta tới nên mừng rỡ, chớ nhớ gì. Ngựa nhớ phải bỏ ăn chớ sao lại hí vang”.
Bạch mã giậm bốn vó, giựt dây cột như muốn tháo chạy.
Tên gia nhân mã phu chạy ra nói :
– Bạch mã dữ quá! Kỳ một điều là sao bây giờ nó mới hung hãn vậy.
Anh em Hạ Hầu tiến vào tàu ngựa, Lam Y sợ Bạch mã giựt đứt dây chạy ra với nàng sẽ bị lộ chân tướng, bèn ngăn lại :
– Trước kia biểu huynh con có giữ tàu ngựa, nên con học theo
biết tánh ngựa. Con Bạch mã này nổi hung có lẽ bị cột dây ngắn quá. Để
con thử coi!
Hạ Hầu Hùng nghe vậy lại chăm chú nhìn Lam Y.
Hạ Hầu Ánh mỉm cười bảo rằng :
– Lam Anh thạo về mã tánh như vậy ư? Thử coi, nhưng cẩn thận kẻo nó đá đó.
Lam Y vờ lấy nắm cỏ tươi đi thẳng vào trong tàu cho Bạch mã và nới dài dây cột.
Bạch mã thấy chủ đứng yên ngay. Lam Y vỗ lên cổ nó mấy cái :
– Ăn cỏ đi kẻo bị đánh đa!
Tuấn mã ngoan ngoãn cúi đầu ăn cỏ như thường, yên trí là chủ đã tới.
Lam Y ra khỏi tàu ngựa.
– Công tử và tiểu thư coi, vì dây cột ngắn quá, nó không cúi đầu được xuống tới máng ăn.
Hạ Hầu Hùng nói một mình :
– Lạ quá nhỉ! Vừa rồi chính tay ta cột nó, dây dài đủ cỡ mà.
Hạ Hầu Ánh vô tình khen :
– Không ngờ Lam Anh lại thạo về môn mã tánh như vậy. Khá lắm!
Hạ Hầu Hùng bảo em :
– Ngu huynh mừng thay cho hiền muội gặp được người hầu vừa ý.
Hạ Hầu Ánh vui vẻ :
– Tiểu muội nghĩ rằng Lam Anh có thể thành người bạn hơn là người hầu.
Trong khi anh em Hạ Hầu mải nói chuyện, Lam Y nhận xét địa thế
khu vườn sau, thấy có hai cổng bằng cây đóng kín, còn tên mã phu thì ở
cùng với gia đình y trong căn nhà nhỏ cách tàu ngựa chừng vài sải tay.
Lát sau, về đến Mai Hương đình, Hạ Hầu Ánh bảo nàng :
– Tôi có cảm tưởng là Lam Anh thạo nghề cung mã, lai lịch của em thế nào thuật rõ tôi nghe, chỗ chị em bạn gái đừng ngại Lam Y nghĩ thầm mày đã trộm ngựa trêu ta thì ta sẽ trêu lại cho mà coi! Nàng đáp :
– Tiểu thư biết nhìn người, tôi đâu dám giấu diếm. Khi xưa nội
tổ ở trong quân binh nên tôi biết qua loa về nghề cung mã. Sau đó gia
đình sa sút tôi phải đi làm mướn ăn, ngoài ra không có gì đáng nói thêm
bận tai tiểu thư.
Hạ Hầu Ánh cả cười :
– Như thế cũng thừa đủ cho chúng ta thành thân nhau. Tôi ưa
chuộng võ nghệ và hàng ngày luyện tập. Lam Anh chịu khó ở đây giúp việc, tôi truyền nghề cho. Khỏe mạnh thế này chắc mau tấn tới lắm.
– Tiểu thơ cùng tập với đại công tử, tôi mắc cỡ và ngại vô cùng.
– Việc chi mà ngại. Các a hoàn trong trại được lệnh luyện võ
nghệ theo các nam công nhân, nhưng người nào cũng ẻo lả, e thẹn trốn
tránh, nên tôi bực mình không tin dùng ai cả. Mong rằng Lam Anh bạo dạn
hơn.
– Tôi theo tiểu thư tất bị các đồng nghiệp chê cười ghen tị.
Cùng là bạn tôi đòi với nhau, lẽ nào mình tôi múa may trên sân trong khi họ phải rán sức làm việc, các bạn không đố kỵ sao được? Mong rằng tiểu
thư cho tôi được tự nhiên hầu hạ thì hơn.
Hạ Hầu Ánh lắc đầu :
– Ý tôi đã quyết, Lam Anh đừng cản tôi. Có ai cấm đoán họ tập võ nghệ đâu? Trách Lam Anh sao được? Nếu chúng điều nặng, tiếng nhẹ, mách
tôi hay. Trốn luyện võ là trái lệnh tướng công. Người muốn rằng tất cả
nam nữ tráng niên trong trang đều phải biết võ nghệ sơ đẳng. Học võ giữ
mình há không phải là điều hay cho phụ nữ sao?
– Tiểu thư dạy như vậy, tôi sẽ cố gắng theo đòi, nhưng võ sảnh ở đâu?
– Trong khu hậu viên hồi nãy có hai cổng, một thông sang võ sảnh có cả vòng luyện mã, một lối thông ra cánh đồng tới suối tắm ngựa, mai
tôi sẽ chỉ cho, nhưng phải dậy sớm mới mong thành công.
Đêm hôm ấy, tiếng kiểng ở vọng canh đầu thôn vừa đổ canh ba, Lam Y lẹ làng mở cửa phòng lẻn ra ngoài nghe ngóng, thì vừa lúc toán tránh
đinh tuần phòng từ phía hậu viên tiến về hướng Mai Hương đình.
Nàng vội nấp vào bóng tối chờ chúng đi khỏi mới vùn vụt chạy
thẳng ra tàu ngựa. Vốn đã thuộc đường, nàng không mất công tìm kiếm.
Lẹ tay mở gióng cây, Lam Y vào tàu vỗ nhẹ lên má Bạch mã cho nó
biết là chủ tới khỏi kinh hoàng. Đoạn nàng gài mảnh giấy bữa nọ của Hạ
Hầu Ánh lên vách tường, tháo dây cột dắt Bạch mã ra khỏi tàu ngựa.
Đi vòng trên cỏ, tránh xa căn mã phu, Lam Y dắt ngựa ra tới cổng mà nàng đoán là ăn thông ra cánh đồng.
Trước khi mở cổng, nàng phi thân lên mặt tường nhìn ra ngoài nhận xét. Quả nhiên, phía ngoài đồng rộng bát ngát mênh mông.
Yên trí, Lam Y nhẹ tay rút then cổng, dắt Bạch mã ra ngoài, vỗ lên má con vật tinh khôn nói nhỏ :
– Ngươi đứng dậy, ta đóng cổng đã!
Nàng vượt tường vào trong gài cổng lại như cũ rồi nhảy ra ngoài. Cẩn thận, nàng dắt Bạch mã cách khỏi Kỳ Hầu Ổ một quãng xa để tránh
tiếng chân ngựa, đoạn theo phương hướng đi tréo ra lối đại lộ, tránh hẳn lối vào thôn ổn. Tới đại lộ, Lam Y lên ngựa cho đi bước một về phía
Thạch Tấn huyện.
Chợt từ cành cây bên đường có tiếng cú rúc, Lam Y dừng ngựa lại
nhìn quanh, một bóng đen từ cành cây nhảy xuống mặt đại lộ, tiến thẳng
đến phía Lam Y. Nàng xuống ngựa hỏi :
– Sao tẩu tẩu không cùng đi?
Bóng đen chính là Chu Đức Kiệt đáp :
– Đáng lẽ nàng cùng đi, nhưng nghĩ vì hiền muội muốn dành sự bất ngờ cho Nhạc Lan Anh, lỡ họ Nhạc tỉnh dậy không thấy hai người đâu,
kinh động nơi quán trọ thì sao? Vì thế Âu Dương Bích Nữ ở lại.
– Hiền huynh chờ lâu chưa?
– Tới vừa lúc kiểng đổ canh ba, đúng lời hiền muội hẹn.
– Hiền huynh về thành đi. Chiều mai cuối giờ Thân đến cả Kỳ Hầu Ổ nhé!
– Lấy lại Bạch mã rồi, sao không đi ngay, ở lại làm chi?
– Hiền huynh quên rằng họ Hạ Hầu muốn làm quen với chúng ta à?
Sáng mai, tiểu muội còn trêu giỡn họ chút đỉnh cho bỏ công vất vả.
– Chúng đông thì sao?
– Không, có hai anh em. Hạ Hầu Hùng và cô em Hạ Hầu Aùnh.
Đức Kiệt lên Bạch mã, Lam Y vẫy tay chào rồi phi hành về Kỳ Hầu Ổ.
Nàng hành động lặng lẽ như bóng vượn.
Tảng sáng hôm sau, Hạ Hầu Ánh đai nịt gọn ghẽ xuống lầu. Thấy cửa phòng thôn nữ còn đóng chặt, nàng lẩm bẩm :
– Cô ả này ngủ say không biết đường dậy, phải luyện cho y thức sớm mới được.
Nhẹ tay, nàng khẽ mở cửa phòng, ló đầu nhìn vào. Lam Y ngủ say,
mặt quay vào tường. Rón rén, Hạ Hầu Ánh mở mùng đập nhẹ vào vai gọi :
– Lam Anh! Lam Anh! Sáng rồi dậy chớ!
Lam Y vờ ư hử, vươn vai rồi lại ngủ nữa.
Hạ Hầu Ánh mỉm cười, cù vào sườn thiếu nữ mãi ngủ.
Lam Y giả vờ giật mình choàng dậy, dụi mắt, ngáp dài.
– Ủa tiểu thư! Dậy sớm vậy?
– Còn sớm à! Tảng sáng rồi. Định tập luyện phải dậy sớm giờ này chớ.
– Trời ơi! Sáng thật rồi ư? Đệm ấm ngủ ngon quá! Xin lỗi tiểu thư, tôi rửa mặt cho tỉnh sẽ ra hầu ngay.
– Hôm nay trễ đó. Có lẽ đại công tử chờ ở võ sảnh.
Lam Y rửa mặt quấy quá, bịt khăn lên đầu, vội vã theo Hạ Hầu Ánh.
– Mấy hôm hành trình mệt mỏi, ngủ quên không nghe nổi tiếng gà gáy sáng nữa.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Nếu còn mệt, ra võ sảnh coi cho biết thể thức, vài ngày tinh
thần điều hòa sẽ bắt đầu luyện tập cũng được. Cố gắng có hại cho sức
khỏe.
– Thưa tiểu thư hô hấp khí trời trong sạch ban sảng khoái lắm.
Bỗng Hạ Hầu Ánh lắng tai nghe, rồi bảo Lam Y :
– Kìa! Sao lại có tiếng ồn ào ở hậu viên? Rảo bước coi!
– Chắc công tử và tráng đinh luyện tập, nên tiếng ồn ào vọng tới đây…
– Không, tập luyện, phận sự ai nấy lo? Mọi sáng có thế đâu…
Hạ Hầu Hùng và các tráng đinh đang xúm xít quanh nơi tàu ngựa.
Thấy tiểu thư đi tới, bọn tráng đinh vội tản sang hai bên, chăm chú nhìn thôn nữ xinh đẹp đi phía sau.
Hạ Hầu Hùng bảo em :
– Đêm qua có kẻ trộm bạch mã rồi, y để lại tờ giấy này.
Chàng đưa tờ giấy cho em xem.
Hạ Hầu Ánh nhận ra tờ giấy do chính mình đã gài trong tàu ngựa
Củng gia điếm mấy bữa trước, khi nàng trộm bạch mã của Lam Y nữ hiệp.
Nàng nhìn qua thấy không ghi thêm câu nào, bèn nói :
– Lam Y nữ hiệp trả đũa lẹ nhỉ! Hiền huynh kiếm dấu chân ngựa chưa?
– Dấu chân còn rành rành từ trong tầu ngựa đi ra tới mảnh đất này, nhưng mất hút trên làn cỏ tiên. Trước cổng sau cũng có dấu.
– Cổng để ngỏ ư?
– Cổng đóng. Thì có khó khăn gì, nàng mở cổng dắt ngựa ra rồi
vượt tường đóng lại như cũ. Chúng ta khờ khạo để trang dinh canh phòng
nơi cổng hậu, xem nàng hành động thế nào.
Hạ Hầu Ánh phì cười.
– Bất ngờ ở điểm Nữ hiệp đến quá sớm thôi. Nếu để bọn tráng đinh canh phòng, bất quá chúng lại bị nàng lập mẹo trói gà chớ ăn thua gì!
Nhân vật ấy hành động thiên hình vạn trạng phòng ngừa sao nổi.
Hạ Hầu Hùng cười theo :
– Hiền muội phí công toi. Tưởng mượn Bạch mã nối dây liên lạc làm quen, ngờ đâu nàng đi thẳng. Bây giờ biết kiếm phương nào?
Lam Y cười thầm: “Ta đứng ngay nhãn tiền mà bây giờ không biết gì cả”.
Hạ Hầu Hùng kéo em ra một chỗ nói nhỏ :
– Sao hiền muội dễ tánh thế? Có nghi ngờ gì không?
– Hiền huynh ngờ Lam Anh chớ gì. Không phải đâu. Sáng nay cô ả còn ngủ say.
– Nó vờ thế, biết đâu?
– Lẽ nào Lam Y lại mất công giả đò tới đây xin việc làm chi.
Nàng đích thân tới đòi, không những chúng ta phải trả ngựa mà còn khẩn
khoản tiếp đãi. Thôi đừng bận tâm nữa, tiếc rằng chúng ta vô duyên không được làm quen với nàng.
Lam Y hỏi Hạ Hầu Ánh :
– Có kẻ trộm táo gan vào đây đoạt bạch mã phải không tiểu thư? Sao không tra cứu?
Hạ Hầu Ánh gật đầu :
– Kẻ trộm đó là một nhân vật hữu danh trong giới giang hồ.
– Ủa, hữu danh mà đi trộm ngựa của người ta ư?
– Không. Lấy lại chớ không lấy trộm. Bạch mã chính là của y do tôi lấy về đây để mong được gặp người ấy.
– Nhân vật giang hồ đó là ai?
– Lam Y nữ hiệp.
– A! Tôi được thấy mặt người ấy rồi.
Hạ Hầu Ánh ngạc nhiên :
– Thiệt ư? Gặp ở đâu, hình dáng thế nào?
– Hình dáng y hệt tiểu thư. Mới đây khi qua Thanh Phiêu thôn,
biểu huynh bị cảm nóng lạnh nằm lại đó, nên tôi được thấy Nữ hiệp giúp
người thôn ấy bắt con mãnh hầu to lớn dị thường.
– Tôi cũng trộm bạch mã của Nữ hiệp tại Củng gia điếm bên Thanh
Phiêu. Nhưng Lam Anh còn may mắn hơn tôi là được trông thấy nàng…
Thôi, sang võ sảnh, trễ quá rồi.
Thao trường Kỳ Hầu Ổ là một khu đất khá rộng, các bực đá tập
nhảy cao, vòng luyện mã ở xung quanh. Võ sảnh là một mái đình trống, nền đất phẳng lì cao hơn mặt thao trường độ một thước.
Các tráng đinh đứng thành hàng ba đang đồng đều luyện một bài
quyền theo sự hướng dẫn của viên Trưởng đinh. Họ biểu diễn từng thế
quyền một rất thong thả theo từng tiếng đếm Nhất, Nhị, Tam của Trưởng
đinh.
Thí dụ, khởi bài quyền bằng “Bài Tổ”, rồi chuyển sang thế thứ
nhất. Từ thế bài Tổ sang thế “chánh” thứ nhất, phải qua một “thế biến”
thì Trưởng đinh đếm “Nhất” ở thế Biến, và đếm “Nhị” khi chuyển sang thế
chánh. Đoạn từ thế chánh nọ chuyển sang thế chánh kia nếu phải qua hai
thế biến, thì viên Trưởng đinh hô nhất ở thế biến thứ Nhất, hô Nhị ở
biến thứ hai, và hô tam lúc nhập thế chánh. Đó là lối tập đồng đều người học để luyện thuộc một bài quyền.
Bọn tráng đinh cởi trần, quấn thắt lưng vải thôn quần bịt ống
chân dận hài thảo tết bằng gai. Người nào cũng nở nang, khỏe mạnh. Hạ
Hầu Hùng cũng cởi trần, cổ to, vai rộng lưng chét, có sức vài trăm cân.
Chàng đang cử hai bánh xe bằng đá cỡ lớn, gân bắp nổi lên cuồn cuộn. Cử
bánh xe đá xong, chàng thong thả hô hấp theo mấy thế đầu của bài “Nội
công”.
Hạ Hầu Ánh bỏ áo ngoài. Bên trong, nàng vận sẵn chiếc trấn thủ
bằng vải ngắn tay nọt chặt lấy người. Hai cánh tay nõn nà nhưng chắc
nịch. Nàng đi đi lại lại hô hấp, rồi chuyển thần lực cử hai bánh xe đá
như anh.
Cử tạ xong, nàng lại hô hấp điều hòa.
Hạ Hầu Hùng hỏi em :
– Lam Anh chịu ra đây luyện tập đó ư?
– Dạ, Lam Anh ra đây cho dạn với cảnh thao trường, và sẽ bắt đầu luyện. Tiểu muội quyết luyện cho nàng thành người bạn tập thân tín.
Hạ Hầu Hùng mỉm cười, nhìn cô thôn nữ đang bỡ ngỡ e thẹn :
– Đã ra đây, phải mạnh bạo tự nhiên mới mong thành công được.
Quay sang Hạ Hầu Ánh, chàng nói :
– Chúng ta cầm tay Lam Anh kéo nàng nhảy lên bực cao kia đi, cho quen hoạt động chỗ đông người.
Lam Anh vờ vĩnh :
– Ấy chết! Cao thế kia nhảy lên đó sao được! Té người chết.
Hạ Hầu Ánh phì cười :
– Ý kiến ấy hay đó. Phải vẫy vùng cho dạn chỗ đông người, vài bận quen ngay. Công tử và tôi kèm hai bên té sao được?
Dứt lời, nàng cầm tay Lam Y kéo đại ra góc thao trường, nơi có các bực đá tập phi thân.
Hạ Hầu Hùng theo ra, cầm tay tả Lam Y, Hạ Hầu Ánh cầm tay hữu dặn rằng :
– Tự nhiên, đừng gò lại nhé. Chúng ta sẽ nhảy lên bực đá cao nhất kia kìa.
Lam Y vờ nói :
– Trời, trông rợn cả tóc gáy!
Hạ Hầu Hùng bảo :
– Sợ thì nhắm mắt lại. Sẽ như bay đó. Lúc mở mắt thì đã đứng chót vót trên kia rồi. Nào nhảy!
Lam Y nhắm mắt sợ hãi.
Anh em Hạ Hầu cầm tay phi thân lên mặt bực đá cao nhất.
Cả ba người cùng như ba con chim bay.
Tới mặt tường, Hạ Hầu Hùng kêu :
– Lam Anh nặng quá! Thiếu chút nữa không tới mặt tường.
Hạ Hầu Ánh nhắc :
– Đừng co tay lại mà.
Hạ Hầu Hùng nói :
– Lam Anh có co tay đâu, nhưng sao mà nặng vậy? Nào nhảy xuống.
Hai người cầm tay Lam Y nhảy xuống và cùng cảm tưởng như vị một sức nặng ngàn cây kéo buột cả hai xuống mặt đất.
Hạ Hầu Ánh la lớn :
– Lam Anh để tay tự nhiên mà sao nặng quá vậy? Suýt trượt chân. Cố mềm mại toàn thân, thử nhảy lần nữa coi nào.
Anh em Hạ Hầu cầm tay Lam Y hô nhảy.
Họ co chân lấy trớn tưởng nhảy ngay lên mặt tường như vừa rồi, nhưng chẳng nhúc nhích được chút nào cả.
Lam Y vờ kêu :
– Kìa, sao công tử và tiểu thư không nhảy?
Hạ Hầu Hùng bảo Lam Y :
– Tôi bê một bánh xe đá còn phi thân lên mặt tường rất nhẹ nhàng huống chi Lam Anh.
– Chắc công tử và tiểu thư phi thân sai phép thế nào đó chứ? Lẽ nào tôi nặng đến thế được?
Hạ Hầu Ánh phản đối :
– Ai lại nhảy sái phép bao giờ! Thử lại coi nào!
Lam Y đưa tay cho hai người cầm. Lần này tới mặt tường cao và cả hai cùng cảm thấy như có sức vô hình kéo vút lên cao mà không phải dùng sức nữa.
Hạ Hầu Hùng vội hỏi em :
– Nhẹ quá phải không? Người Lam Anh thế nào ấy! Lúc như phiến đá ngàn cân, lúc nhẹ bỗng như nắm bông vậy. Kỳ thật!
Hạ Hầu Ánh nói :
– Đúng thế, hay Lam Anh có pháp thuật gì trêu chúng tôi đấy?
Lam Y đáp :
– Trời ơi, tiểu thư gán cho tôi tội tày đình. Sợ lắm chẳng tập nữa, nhảy xuống đi, đứng chênh vênh chóng mặt quá chừng.
Anh em Hạ Hầu cầm tay Lam Anh nhảy xuống nhẹ nhàng như lúc phi thân.
Nhưng lần này chưa kịp buông tay ra thì đã bị Lam Y cầm chặt, phi thân kéo vụt cả hai người lên mặt tường lẹ làng như chim én.
Buông anh em Hạ Hầu ra, Lam Y lảo đảo dùng thế “Hồ Điệp Phiên
Hoa” tuyệt đẹp, xòe hai tay cánh bướm nhào người xuống mặt đất tuyệt
đẹp.
Thế nhảy đó là một công phu cực kỳ điêu luyện của tay thượng thặng môn phi hành.
Lam Y khoanh tay cười duyên dáng nhìn anh em Hạ Hầu.
Hai người kinh ngạc nhảy xuống đất cung bái. Hạ Hầu Ánh nói :
– Chúng tôi hữu nhãn vô ngươi, múa rìu qua mắt thợ, mong Nữ hiệp lượng thứ.
Lam Y giả vờ luống cuống :
– Ấy chết! Công tử và tiểu thư lầm tưởng tôi là Lam Y nữ hiệp.
Hạ Hầu Ánh nhìn nàng mà rằng :
– Không là Nữ hiệp thì là ai nữa? “Khinh thân thuật” thiệt cao
siêu. Lúc nặng như Thái Sơn, khi nhẹ như chim Hồng, chim Hộc. Bản lãnh
tuyệt vời!
– Tôi đích thị là Lam Anh, đồ đệ của Nữ hiệp. Sư phụ phái tôi tới đây trước và chiều nay người mới đến.
Hạ Hầu Ánh ngạc nhiên nhìn anh, không ai bảo ai mà cùng nghĩ thầm “Đồ đệ mà bản lãnh thế này thì sư phụ chắc ghê gớm lắm!”
Hạ Hầu Hùng nghi ngờ :
– Nữ hiệp trêu giỡn anh em tôi mãi, gia muội trộm Bạch mã không ngoài mục đích được diện kiến tôn nhan.
Lam Y mỉm cười :
– Công tử khăng khăng tôi là Nữ hiệp thì tôi biết nói sao?
Giọng nói thật thà và nét mặt tự nhiên của nàng khiến hai người tin ngay.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Bản lãnh chúng tôi còn kém xa tài nghệ môn đệ của Lam Y nữ
hiệp thật đáng hổ ngươi. Thế mới biết, Nữ hiệp danh quả bất hư truyền.
Từ nay, yêu cầu thơ thơ coi chúng tôi là bằng hữu, đừng dùng danh từ
công tử, tiểu thư nữa khiến tôi đắc tội muôn phần.
– Nhị vị ngang hàng với gia sư, tôi đâu dám nhận hân hạnh ấy?
Bản lãnh của nhị vị đạt mức cao độ rồi đó, nhiều người không bằng, chớ
quá nhún nhường.
Anh em Hạ Hầu mặc áo, mời Lam Y về Mai Hương đình.
Hạ Hầu Ánh hỏi Lam Y :
– Phải chăng đêm qua, Lam thơ thơ đem Bạch mã đi? Để ngựa đâu mà mau lẹ vậy?
– Tôi không đem Bạch mã đi đâu cả. Sư phụ tôi đích thân đến lấy
đi, chính tôi cũng không ngờ. Người đến sớm như vậy vì Người hẹn tôi
chiều nay mới tới.
– Lam thơ cải trang khéo quá, y hệt thôn nữ xinh đẹp.
– Tiểu thơ cho phép tôi đổi lại y phục.
Dứt lời, Lam Y vào phòng thay áo Hạ Hầu Hùng bảo em gái :
– Giới giang hồ kiếm khách hành động thiệt khôn lường! Ngờ đâu
Lam Anh khỏe đến thế! Lúc ghì anh em ta không cất nổi chân khỏi mặt đất, lúc nhấc bổng lên như cầm hai vật nhẹ vậy.
Hạ Hầu Ánh gật đầu :
– Lam Anh đóng vai thôn nữ ngớ ngẩn khéo quá đến nỗi tiểu muội
hết ngờ vực ngay từ lúc mới gặp nàng. Thầy nào trò ấy cũng ghê gớm cả.
Hai người đang mải chuyện trò bỗng có vật gì bay cắm phập vào cánh cửa ra vào.
Cả hai cùng vội chạy ra xem. Hạ Hầu Ánh kêu :
– Ủa, ai liệng Liễu Diệp phi đao thế này?
Hạ Hầu Hùng với tay rút ngọn phi đao xuống :
– Có chữ trắng ở giải đao màu lam đây nè. Coi nào!
Chàng đọc :
– “Lam”. Lam Y cợt ta phóng ngọn phi đao này, kiếm mau, nàng chưa chạy đi xa được đâu.
Dứt lời, Hạ Hầu Hùng chỉ tay vào phòng có ý bảo em coi chừng Lam Anh, đoạn chạy vụt ra sân ngó quanh quẩn, rồi phi thân lên mái đình tìm kiếm.
Hạ Hầu Ánh nhón nhén qua phòng khác ló đầu nhìn căn phòng nhỏ.
Lam Y đã gọn gàng trong bộ võ phục tuyệt đẹp và đang xõa tóc chải đầu, vẻ mặt rất tự nhiên.
Nàng mỉm cười khi thấy Hạ Hầu Ánh ngó vào phòng mình.
– Tôi chải tóc xong sẽ ra ngay. Có việc gì gấp không?
Nét mặt nghi ngờ và sửng sốt của Hạ Hầu Ánh khiến nàng cười thầm, thản nhiên hỏi :
– Kìa, tiểu thơ làm sao đờ người ra vậy? Tinh thần bất an phải không?
Hạ Hầu Ánh lắc đầu. Giữa khi ấy Hạ Hầu Hùng bước tới hất hàm hỏi em.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Lúc tiểu muội vào thì Lam Anh đang xõa tóc chải đầu.
Lam Y vờ ngạc nhiên :
– Tôi chải đầu thì sao, hả tiểu thơ? Có điều gì lạ vậy?
Hạ Hầu Ánh hỏi :
– Nãy giờ, thơ thơ có rời phòng này lúc nào không?
– Tôi vừa thay y phục xong, đang chải đầu thì tiểu thơ vào. Chuyện gì thế?
Hạ Hầu Hùng giơ cao ngọn Liễu Diệp phi đao :
– Lam cô nương có nhận ra ngọn phi đao này không?
Lam Y gật đầu không do dự :
– Ủa! Lưỡi phi đao của Lam Y nữ hiệp! Công tử bắt được ở đâu thế?
– Không bắt được ở đâu cả. Vừa đây lưỡi đao do bàn tay bí mật nào phòng cắm phập ở cánh cửa phòng khách kia kìa. Hay là ma quỷ?
Lam Y tự nhiên :
– Chắc Nữ hiệp tới giỡn chơi, lẽ nào có chuyện ma quỷ giữa ban ngày?
– Nếu tôi là nhị vị thì chạy luôn ra ngoài tìm trước, hơn là vào đây.
Hạ Hầu Hùng đáp :
– Tôi tìm kiếm khắp nơi rồi mới vào đây. Thiệt tình, tôi ngờ thơ thơ quá.
Lam Y mỉm cười :
– Trời ơi! Ngờ tôi ư? Công tử coi kìa. Phòng này có hai cửa sổ
thì còn đóng kín y nguyên, cửa ra vào ăn thông với phòng khách, không lẽ tôi chui qua ngói sao? Dầu tôi có bản lãnh cao siêu cũng không thể mau
lẹ bằng Nữ hiệp.
Dứt lời, nàng bước ra khách phòng, tay bới tóc gài trâm :
– Vết đao của Nữ hiệp đâu?
Hạ Hầu Ánh chỉ vào cánh cửa chạm trổ bên tả :
– Đây này, vết đao sâu lắm.
Lúc bấy giờ, Hạ Hầu Ánh mới nhận ra điều gì lạ và la lên :
– Lam Y nữ hiệp phóng đao thật tài tình! Trúng mắt con ốc chạm nổi.
Hạ Hầu Hùng và Lam Y xúm lại nhìn.
Lam Y tặc lưỡi vờ vĩnh :
– Nói đến tài phóng đao của sư phụ tôi thì tuyệt hảo. Bách phát
bách trúng. Bất cứ đứng, ngồi, chạy, nhảy, lộn cũng sử dụng được như
thường. Một điều khiến tôi thắc mắc không hiểu vì lẽ gì Nữ hiệp đến Kỳ
Hầu Ổ giờ này? Phóng ngọn phi đao xong bỏ đi đâu? Ban ngày, ban mặt,
trang trại đông người thế này mà qua lại không ai biết cả, biểu hiện như ma quỷ. Nhiều khi chính tôi cũng khổ sở vì tánh chất bất thường của Nữ
hiệp nhị vị ạ.
Anh em Hạ Hầu nghi nghi, hoặc hoặc, bực mình vì bị giỡn chơi như một trẻ nít. Ba người trở vào khách phòng.
Lúc đó, Hạ Hầu Hùng mới chăm chú ngắm kỹ Lam Y thực kiêu hùng trong bộ võ phục màu lam tuyền.
Cả đôi võ ủng ngắn cổ cùng đồng màu với y phục. Màu lam thẫm tôn nước da trắng mịn của nàng không những là trang cân quắc anh thư mà còn đáng bậc thiên hương quốc sắc.
Hạ Hầu Hùng mải miết nhìn khuôn mặt trái xoan đẹp như vị tiên cô trong bức họa treo trên tường khách phòng Mai Hương đình.
Lam Y biết vậy tảng lờ như không. Hạ Hầu Ánh cũng nhìn nàng
không chớp mắt. Màu lam quả rất hợp với thiếu nữ kỳ vỹ đang ngồi trước
mặt nàng.
Lam tuyền…! Không, đâu có lam tuyền. Đầu giải đai lưng có
đường triện màu trắng kia kìa, thiệt là nổi, Lam Anh khéo dùng màu sắc
lắm!
Hạ Hầu Ánh chú ý nhìn. A! Không phải đường triện thường! Đó là
một dải chữ thêu theo kiểu triện nối nhau ngang đầu hai giải thắt lưng.
Nàng cố đọc ra chữ “Y” và đoán ra chữ “Lam” bị gấp lại trông không rõ.
Kỳ thiệt! Sao Lam Anh lại thắt lưng thêu triện hai chữ “Lam Y”? Hạ Hầu
Ánh nhìn lại một lần nữa suốt từ cặp võ hài gọn gàng lên đến mớ tóc mây
huyền ánh.
Bất chợt nàng gặp đôi mắt phượng xênh xếch đang dịu dàng nhìn
lại nàng và cặp môi đỏ thắm chúm chím cười. Thôi đích thật rồi! Đích
thật Lam Y nữ hiệp đang ngồi trước mặt nàng chớ không phải Lam Anh đồ đệ nào cả. Nữ hiệp đích thân trêu cợt anh em nàng. Bản lãnh của chính Lam Y nữ hiệp mới xuất quỷ nhập thần như vậy chớ!
Nghĩ đoạn, Hạ Hầu Ánh bảo anh lúc đó cũng đang mải miết ngắm
nhìn người đẹp quên cả mình là chủ, và vị anh thư nữ kiệt là khách.
– Hiền huynh cố đọc dòng chữ triện trắng ở đầu giải đai lưng sẽ biết đích danh người ngồi trước mặt chúng ta đây.
Lam Y cả cười :
– Bây giờ mới nhận ra hai hàng chữ này ư? Đọc cho rõ đi kẻo lầm nữa.
Nàng vừa nói vừa căng đầu giải lưng cho anh em Hạ Hầu đọc.
Hạ Hầu Hùng la lớn :
– Lam Y! Có thế chứ, tôi ngờ ngay từ lúc mới được diện kiến, nhưng không đủ yếu tố để ghép buộc nên đành phải thôi.
Anh em Hạ Hầu cùng đứng lên vái chào. Hạ Hầu Ánh nói :
– Bao lâu nay nghe đại danh, tôi hằng ao ước được gặp nên mới mạo muội trộm ngựa nối dây liên lạc, xin Nữ hiệp lượng thứ cho.
Lam Y đáp lễ mà rằng :
– Nếu tôi không nhận là Lam Y thì nhị vị tính sao? Đai lưng này của sư phụ tôi đó.
Hạ Hầu Hùng đáp :
– Nữ hiệp cợt chúng tôi thế đủ rồi. Lẽ nào trên đời này đã có Lam Y lại còn Lam Anh nữa…
Lam Y nghiêm nét mặt :
– Nào nhị vị muốn gặp thì nay tôi đã tới, có điều gì dạy bảo không?
Hạ Hầu Ánh nói :
– Nghe đại danh Lam Y nữ hiệp từ lâu, ao ước được kết giao. Nay
người không nề hà tới đây, xin mời ở lại tệ trang nghỉ ngơi ít lâu. Hình như có lệnh huynh cùng đi phải không?
– Gia huynh Chu Đức Kiệt hiện ở Thạch Tấn huyện cùng với gia tẩu và một người bạn.
– Để tôi cho tráng đinh lên huyện mời về đây.
– Đừng, mất công. Chiều nay ba người ấy sẽ tới. Tướng công và phu nhân hiện có ở nhà không? Người là hữu quan chăng?
– Gia phụ, gia mẫu hiện có nhà. Cho đến nay, gia phụ vẫn vui thú điền viên sơn dã. Trước kia nội tổ và tam đại có xuất chán Lam Y hỏi :
– Trên Thanh Phiêu thôn có Kỳ Hầu Sơn, quý trang đây là Kỳ Hầu Ổ, vậy có liên lạc gì giữa hai danh từ ấy không?
Hạ Hầu Hùng đáp :
– Kỳ Hầu Sơn chỉ định một loài hầu dị thường. Còn Kỳ Hầu Ổ là do tước Kỳ Dũng hầu của nội tổ Hạ Hầu Thiên khi xưa dày công hạn mã, nên
Minh Thành tổ phong tước và cắt đất này cho con cháu Hạ Hầu tập ấm. Bởi
vậy mới thành danh từ Kỳ Hầu Ổ.
– A! Thế ra nhị vị là dòng dõi danh tướng, thảo nào võ dũng gia truyền.
Hạ Hầu Ánh mỉm cười :
– Nữ hiệp giễu anh em tôi làm chi?
– Tôi nói thiệt tình dâu dám giễu? Lẽ tự nhiên nhị vị không có
công phu khổ luyện như bọn giang hồ chúng tôi, nhưng dòng dõi tướng môn
luyện tập được như vậy cũng không phải dễ dàng. Trên đường du hiệp, anh
em tôi thường giấu tên tuổi, nhị vị làm thế nào biết được hành tung của
chúng tôi.
Hạ Hầu Hùng nói :
– Nữ hiệp còn nhớ đã hành động những gì ở Dương Châu không?
– Có chứ! Quên sao được?
– Một người rất thân với nhị vị đại hiệp đã kể chuyện cho anh em tôi nghe.
– Phải chăng Thiên Lý Mã Tào Chí? Lúc qua Dương Châu tôi ở Tào gia trang.
Hạ Hầu Hùng lắc đầu :
– Không. Cuối năm ngoái, chúng tôi sang Trấn Giang có quen với
Phàn Thế Hùng. Tuy mới quen biết nhau nhưng tánh tình họ Phàn hào hiệp
nên thành tâm giao. Chúng tôi kể chuyện vụ kỵ mã hội ở Kim Lăng thì họ
Phàn nhân đó nói lai lịch vị hiệp khách lúc qua Trấn Giang cả phá Xuân
Phong lầu, nào hạ Phi Không Đầu Đà Kim Cương tự ở Dương Châu, hỏa thiêu
Xích Hoa viện ở Sơn Phu, và báo thù cho Phàn Mộng Liên em của Thế Hùng.
Lam Y nói :
– Trận đánh ở Kim Cương tự, anh em họ Phàn gia có tham dự. Bởi
vậy tên Hắc Đầu Đà trốn thoát, về sau bất chợt gặp Mộng Liên và Thế Hùng ở Trấn Giang nó mới theo dõi ám sát. Mộng Liên trúng độc đao chết. Tiếc thay! Hồi ấy nếu chúng tôi xuống Thái An huyện sớm độ mười ngày thì cứu được tính mạng Mộng Liên khỏi tay tử thần! Mỗi khi nghĩ tới thiếu nữ
bạc số ấy, tôi ân hận thương tiếc vô cùng. Mọi sự chẳng qua tránh không
được số trời! Vợ Thiên Lý Mã Tào Chí bên Dương Châu là biểu muội của anh em Phàn gia đấy.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Dạ, Thế Hùng nói chính vì cứu người biểu muội ấy mới tìm ra vụ đầu đà Kim Cương tự.
– Họ Phàn được mạnh khỏe không?
– Thế Hùng mời chúng tôi về Thái An huyện chơi. Phàn mẫu và tẩu
nương được mạnh khỏe. Lão mẫu nhắc đến nhị vị luôn… À, Thế Hùng còn
nói tới một vị hiệp nữ họ Âu Dương hồi đó đi cùng Nữ hiệp mà.
Lam Y gật đầu :
– Vị đó là ái nữ của lão anh hùng Trại Mạnh Thường bên Tô Châu,
và là cao đồ Thiếu Lâm tự. Gia huynh đính hôn cùng Âu Dương tiểu thơ hồi cuối năm ngoái. Từ ngày kỵ mã hội Kim Lăng, ba chúng tôi vẫn cùng nhau
du hiệp. Lát nữa, gia tẩu sẽ tới. Thiếu nữ hiện thời cùng đi với ba
chúng tôi cũng không xa lạ với nhị vị đâu Hạ Hầu Ánh ngơ ngác nhìn anh
không hiểu.
Lam Y giải thích :
– Đã dự khán kỵ mã hội tất nhị vị biết mặt Quận chúa Lan Anh.
Hạ Hầu Ánh đáp :
– Có. Hiện thời Quận chúa Lan Anh đồng hiệp cùng với Nữ hiệp đó ư?
– Phải. Chính nàng. Chuyện dài lắm, tôi kể nhị vị nghe.
Lam Y kể lai lịch Nhạc Lan Anh và các vụ lộn xộn trong Vương phủ Kim Lăng cho anh em Hạ Hầu nghe.
Hạ Hầu Hùng nói :
– Trời ơi! Việc xảy ra ở kế bên mà chúng tôi hoàn toàn không biết gì.
Lam Y nói :
– Vụ đó có tánh cách quân sự, bí mật, ai biết được mà nói.
Chiều hôm đó, Chu Đức Kiệt, Âu Dương Bích Nữ và Nhạc Lan Anh dắt Bạch mã đến Kỳ Hầu Ổ cho Lam Y nữ hiệp. Lam Y giới thiệu, mọi người hân hoan mừng rỡ.
Anh em Hạ Hầu mời bốn người lên đại sảnh ra mắt song thân là Hạ
Hầu Đồng và Từ thị phu nhân. Thấy con gặp bạn anh hùng hào kiệt. Hạ Hầu
tướng công vui mừng vô hạn, giữ Tam hiệp và Nhạc Lan Anh ở lại Kỳ Hầu Ổ.
Khu này, cảnh sắc phong quang đẹp mắt, nhân không có việc gì gấp bốn người vui vẻ nhận lời lưu lại Kỳ Hầu Ổ ít lâu, ngày ngày cùng cha
con Hạ Hầu thao luyện, đàm luận cổ kim, hoặc vào núi săn bắn thú rừng.
Anh em Hạ Hầu bấy giờ mới trông thấy Thất Tinh đao, Thái Dương
kiếm, và thanh Trảm Lư của Tam hiệp. Hai người trầm trồ khen ngợi, ao
ước có được một bảo vật như thế.
Hạ Hầu Hùng nói :
– Nội tổ tứ đại tôi có để lại một cây trường kiếm đã từng giúp
Người xông pha chinh chiến, lập nhiều kỳ công, uống máu Nguyên quân
không biết bao nhiêu mà kể. Thanh kiếm đó có tốt, nhưng so với mấy bảo
vật này còn kém xa một vực một trời. Để tôi lấy xuống các vị coi.
Lát sau Hạ Hầu Hùng cầm thanh trường kiếm vỏ đồng bọc da cá sấu đặt trên bàn.
Lam Y đỡ lấy đọc chữ “Kỳ Dũng Hầu” nạm ở chuôi kiếm. Nàng hỏi :
– Ba chữ này hình như được nạm vào chuôi kiếm sau khi quân binh của Minh Thái Tổ đã bình định xong Trung Quốc?
Hạ Hầu Hùng đáp :
– Chính vậy, tuy đuổi quân Mông Cổ ra khỏi lãnh thổ, song gia tổ cũng còn chinh phạt các phiên trấn lúc đó còn lưu luyến Nguyên triều,
mấy năm sau mới hoàn toàn được hưởng thái bình.
Lam Y rút trường kiếm ra coi, lấy khăn lau hết lớp dầu bôi trên lưỡi kiếm. Nàng nhìn kỹ rồi đưa cho mọi người luân tay coi.
Chu Đức Kiệt hỏi Hạ Hầu Hùng :
– Lưỡi kiếm này không bôi dầu thì bị han sao?
– Để lâu sẽ bị han tuy không đến nỗi han dễ dàng như thứ thép thường.
Lam Y nói :
– Lưỡi kiếm có vết mài tức là sử dụng nhiều, thép trui không
đúng mức độ nên bị lụt. Để lâu bị han tức là thép không nguyên chất.
Chẳng như những thanh báu kiếm, dù ngâm vào trong nước hay chôn xuống
đất ướt ẩm bất kể thời gian cũng không bao giờ bắt han; chém những vật
rắn chắc dễ như chẻ tre và lưỡi vẫn sắc bén thổi sợi tóc đứt như thường.
Hạ Hầu Ánh nói :
– Người xưa đúc nổi những thanh báu kiếm dẻo sắc như gỗ, chắc phải có thuật pháp khác người gì?
Lam Y mỉm cười :
– “Không! Phương pháp thì có nhưng làm gì có chuyện tà thuật hay tiên thuật. Như ba thứ võ khí của chúng tôi, chỉ có thanh Trảm Lư hùng
kiếm là được đúc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Thanh Thất Tinh đao và Thái Dương kiếm cũng là hai món báu khí
đúc ngay trong thời đại này, chém sắt đá như chém bùn, chém sinh vật
không hề vấy máu, so sánh về phẩm đâu có thua sút thanh Trảm Lư.
Trái lại về hình thức, cân lượng hai thanh Thái Dương và Thất
Tinh còn mỹ thuật cân đối hơn cây Trảm Lư. Tại sao? Vì kỹ thuật gia hiện đại, biết cách bổ khuyết những cái thiếu sót của người xưa. Tôi dám nói chắc chắn như vậy là vì ngươi tạo ra Thái Dương kiếm không phải ai xa
lạ, mà là thúc phụ của tôi. Hạ Hầu hiền muội thử sử dụng thanh Trảm Lư,
sau đó cầm Thanh Thái Dương kiếm xem thế nào”.
Hạ Hầu Ánh liền rút Trảm Lư kiếm chém ngang, lia dọc, hoa lên
mấy đường, đoạn tra vào bao trả Âu Dương Nữ, và rút thanh Thanh Thái
Dương đi thử vài thế.
Nàng thâu kiếm, gật đầu mà rằng :
– Quả vậy. Thanh Trảm Lư hơi hẹp đầu mũi kiếm một chút, trái lại Thái Dương kiếm cầm rất vừa tay.
– Chuôi Thái Dương kiếm dài hơn, cầm vừa tay. Chuôi cây Trảm Lư
hơi rộng ngang, nếu không có bản lãnh, người sử dụng dễ bị đánh bật
kiếm.
– Nhưng thôi, được thanh Trảm Lư cũng là việc thế gian hãn hữu
rồi. Nếu là Âu Dương thơ thơ, tôi sẽ đổi hai miếng đáp ở chuôi kiếm cho
dài ra và gọn lại.
Chu Đức Kiệt nói :
– Thanh Trảm Lư báu ở phẩm là một chuyện không chối cãi được
rồi, nhưng nó còn “quý” ở chỗ cổ. Nếu thay đổi đi thì còn gì đáng quý
nữa.
Hạ Hầu Hùng nói :
– Tôi đồng ý với Chu đại ca, không nên sửa đổi cán thanh Trảm
Lư. Vả lại đánh bật được kiếm ở tay Âu Dương thơ thơ thiết tưởng không
phải dễ.
Lam Y đăm chiêu nhìn mọi người :
– “Ba thứ bảo vật này toàn là thứ “Xuy Mao Kiếm” (thổi tóc đứt
qua lưỡi kiếm) chặt sắt như bùn, kiếm sắc như thu phong, kiếm khí như
băng tuyết, kiếm thanh như sấm động, kiếm quanh như điện chớp.
Bất cứ đao hay kiếm, phải đủ bốn thứ Sắc, Khí, Thanh, Quang như thế mới có thể gọi là báu vật được.
Nghe những câu chuyện hoang đường về đúc kiếm báu mà phát tức
cười. Đại thể như dùng ba trăm mạng hài nhi bỏ vào lò đúc kiếm, hoặc
luyện kiếm đến nỗi mất một con ngươi mới thành báu kiếm. Thật ra luyện
kiếm có phương pháp hẳn hoi, và đòi hỏi nhiều công phu lớn lao, khó khăn hơn cả câu chuyện hoang đường quái đản, tuy không ghê rợn khủng khiếp
bằng”.
Hạ Hầu Ánh hỏi :
– Sao ba vị không theo lệnh thúc học phương pháp đúc bảo kiếm có hơn không?
Chu Đức Kiệt đáp :
– Có chớ! Hiện chúng tôi đang nghiên cứu về thuyết pháp và chỉ
có thể thực hành được sau khi đã du hiệp đầy đủ khắp mọi nơi như thúc
phụ khuyên bảo.
Tam hiệp, Nhạc Lan Anh rất tâm đầu ý hiệp với anh em Hạ Hầu, ở lại Kỳ Hầu Ổ chơi thấm thoắt được trên mười ngày.
Một hôm, Lam Y từ tạ, xin phép lên đường về Tô Châu.
Anh em Hạ Hầu cố giữ không được, đành lưu mọi người lại một ngày làm tiệc linh đình tiễn hành, có cả Hạ Hầu tướng công và phu nhân dự.
Âu Dương Nữ nói với họ Hạ Hầu :
– Bữa nào bá phụ, bá mẫu và nhị vị huynh muội đây qua Tô Châu
chơi thưởng ngoạn, thế nào cũng mời đến tệ trang Âu Dương nghỉ ngơi.
Tướng công Hạ Hầu Dũng gật đầu :
– Thế nào cũng có chuyến tôi đến yết kiến Trại Mạnh Thường lão
huynh, nhờ nhị vị hiền điệt chuyển lời chào của tôi lên lệnh phụ.
– Dạ tiểu nữ sẽ y lời.
– Và chừng nào các hiền điệt qua đây cũng vui lòng ngừng gót giang hồ ở lại Kỳ Hầu Ổ cho chúng tôi được rước khách anh hùng.
Tam hiệp khiêm tốn từ tạ lên đường. Anh em Hạ Hầu tiễn lên đến Thạch Tấn huyện.