Lam Y Nữ Hiệp

Chương 17: Giữa tiệc, Đức Kiệt Lam Y biểu diễn Phong Vũ đao Ngoài sân, Thế Hùng Mộng Liên trổ tài Liên Châu pháp



Bích Nữ bỗng có cảm giác là Lam Y quan sát nàng từ
lâu rồi nên sắc diện từ hồng hào chuyển sang hồng tía, quay nhìn ra phía cửa sổ.

Lam Y không còn ngờ vực nữa. Sự nhận xét của nàng đã có phần nào xác thực rồi! Phàn Mộng Liên dịu dàng bao nhiêu thì Bích Nữ kiêu hùng
bấy nhiêu. Hai người tuy cùng đẹp nhưng hai sắc đẹp ấy khác nhau xa.
Trong khi Lam Y quan sát, suy nghĩ về Âu Dương Bích Nữ và Đức Kiệt, thì
mọi người hẹn hò nhau, bàn tán việc đi Kim Lăng.

Dùng đồ ngọt xong, mọi người ra phòng khách uống trà. Nhân lúc ấy, Lam Y bấm Bích Nữ cùng ra huê viên…

° ° °

Hai người lẳng lặng ra tới huê viên. Lam Y chỉ phiếm đá sau ngọn giả sơn :

– Ngồi kia hóng gió đi. Mấy bữa tiệc tùng liên miên, uống nhiều rượu quá nhức cả đầu…

Nhìn hai chiếc chim sát cánh bay trong bầu trời xanh ngắt, Bích Nữ nói :

– Tụ họp thì như vậy, nhưng mai mốt đây chia tay lại mỗi người một phương trời chẳng biết ngày nào mới tái hội!

Nói đoạn, nàng khẽ thở dài.

Lam Y vội nói :

– Đâu có! Chúng ta còn tái hội ở Kim Lăng mà!…

Bích Nữ nhìn thẳng mặt Lam Y :

– Sau kỳ hội ở Kim Lăng thì cũng vẫn thế, chúng ta có khác chi
cá nước chim trời không? Thiên hạ rộng mênh mông, thư thư và Chu huynh
lại tiếp tục bước giang hồ hành hiệp vô địch, biết ngày nào chúng ta mới được liên miên uống những bữa rượu đến nhức đầu như ngày nay nhỉ?

Lam Y xây người lại cầm tay Bích Nữ ôn tồn :

– Chúng tôi sẽ sang Tô Châu bái yết bá phụ và tái kiến cùng hiền muội. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ đàm đạo cơ mà.

– Thấy Trương tiên sinh nói nhị vị sẽ từ Kim Lăng đi Thái An huyện qua thăm Phàn gia phải không?

– Có thể vì đã hứa trước với Phàn Thế Hùng và Mộng Liên rồi. Từ Thái An huyện, chúng tôi sẽ sang thẳng bên Tô Châu.

– Nếu vậy, Phàn thư thư có phúc được gặp trước nhỉ?

Lam Y mỉm cười :

– Trước sau có chi đáng kể! Như chúng tôi từ miền Bắc xuống
Giang Nam chưa bao lâu thì đã hữu duyên được kết giao cùng kỳ nữ xứ Tô
Châu rồi đó! Thiên hạ tuy rộng lớn thiệt nhưng theo ý riêng tôi vẫn còn
chật hẹp cho bọn võ biền chúng ta, phải không? Đường xa vạn dặm, bọn ta
trùng phùng vẫn chẳng khó khăn gì.

Bích Nữ lẳng lặng suy nghĩ.

Lam Y nói tiếp :

– Trong đám đông người loạn đã gươm đao sáng quắc, hiện muội vẫy vùng dữ dội như giao long trên mặt nước, lúc bình thản này lại đa cảm
đa sầu chẳng khác thiếu nữ phòng the, tôi thấy mến hiền muội vô cùng!…

Bích Nữ thấy Lam Y đoán trúng tâm lý mình thì cả thẹn, đánh trống lấp :

– Thiệt nhé, ngu muội trông chờ thư thư bên Tô Châu nhé?

Lam Y gật đầu :

– Xin hứa, hiền muội yên trí, chừng nào tiện dịp chúng tôi còn
muốn mời hiền muội về sanh quán ở Sơn Đông thăm tệ trang luôn thể…

– Ủa! Thư thư và Chu huynh giang hồ hành hiệp như thế này, ai trông nom trang trại?

– Đã có Vương quản gia. Gia huynh nhiều tuổi rồi mà chẳng chịu
lập gia đình, lúc nào cũng bắt chước người xưa du hiệp. Nghĩ tới dòng họ chưa người nối dõi nhiều lúc tôi cũng thấy nao tấc dạ…

– Đi cho biết đó biết đây, viếng giang san đất nước một thời gian rồi trở về cố hương cũng chưa muộn…

Hai người đang chuyện trò chợt có tiếng chân và tiếng người gọi :

– Hai người đi đâu rồi mà kín tiếng vậy.

Nhận ra tiếng Phàn Mộng Liên, Lam Y và Bích Nữ cùng ra khỏi hòn
giả sơn thấy Phàn Mộng Liên và Hạ Thái Phượng dắt tay nhau đi tìm.

– Chúng tôi đây, đang ngồi hóng gió.

Phàn Mộng Liên nói :

– Hóng gió mà chẳng gọi chúng tôi với.

Lam Y đáp :

– Chúng tôi là khách mời có quyền nhàn rỗi thế này, chớ hai
người là người nhà phải trông coi mọi việc dọn dẹp chớ! Cũng đòi rong
chơi sao?

Bốn người cùng cười vang.

Ở trong nhà, Tào Chí nói với Thiết Xích Tử và Chú Đức Kiệt :

– Tiên sinh và Chu huynh đã nhất định lên đường tôi không dám
cản, nhưng ngày mai xin mời quý vị qua Tào gia trang cho chúng tôi được
nâng ly rượu tiễn hành.

Thiết Xích Tử và Chu Đức Kiệt cùng nhận lời. Đến xế chiều, vợ
chồng Tào Chí và anh em Âu Dương mới ra về, Thiết Xích Tử cũng bái biệt
Hạ thái thái đi cùng bọn Tào Chí sang Tào gia trang trước.

Hạ thái thái tiễn Thiết Xích Tử ra cửa :

– Tiên sinh đã góp phần trừ bọn đầu đà Kim Cương tự lại còn gây
dựng cho tiểu nữ thành vợ nên chồng, ơn này tôi xin ghi xương khắc cốt.
Chừng nào qua Dương Châu, thế nào cũng mời tiên sinh tới nhà cho chúng
tôi được thù tiếp.

Thiết Xích Tử nói mấy lời từ biệt mọi người rồi ra đi.

Hôm sau, anh em Chu gia cũng cáo biệt sang bên Tào gia trang để
hôm sau lên đường. Hạ thái thái và vợ chồng Lý Trung rất quyến luyến hai người. Phàn Thế Hùng và Mộng Liên còn ở lại Dương Châu ít ngày giúp cô
mẫu thu xếp việc nhà, nhưng vì có lời của Tào Chí nên cùng đi với anh em Chu gia sang Tào gia trang uống rượu.

Xế chiều hôm ấy, rượu được vài tuần, Tào Chí và anh em Âu Dương
ngỏ lời yêu cầu Chu Đức Kiệt và Lam Y biểu diễn mấy đường đao kiếm để
mọi người được thưởng thức tài nghệ.

Nói về tài nghệ của họ Chu thì Thiết Xích Tử và họ Phàn hiểu
biết quá lắm rồi, nhưng Tào Chí và họ Âu Dương mới quen, không lẽ từ
chối. Vả lại cũng muốn cho anh em Âu Dương biết về mình hơn nữa. Lam Y
nữ hiệp nhận lời ngay, khiến Đức Kiệt không kịp chối từ. Đức Kiệt kín
đáo nhìn Lam Y tỏ vẻ trách nhưng lại mỉm cười ngay, vào nhà lấy Thất
Tinh đao và Thái Dương kiếm ra.

Hai người đeo khí giới gọn gàng, ra trước bàn tiệc bái tổ rồi
cùng nhảy lùi lại tuốt báu đao, báu kiếm ra khỏi vỏ dùng lối song đấu
của bài gia truyền Chu Gia Phong Vũ Đao tận tình biểu diễn. Ngọn Thất
Tinh đao tỏa ra luồng sáng xanh lè vun vút bay lượn bốn phương tám hướng biến hiện vô chừng, quây lấy Lam Y vừa đánh vừa đỡ toàn những thế hay,
đòn hiểm bí truyền. Không kém, cây Thái Dương kiếm hoa lên tỏa ra luồng
sáng trắng mờ mờ như khói tỏa sương tan, đâm chém tơi bời, tiến thoái,
biến hóa thiên hình vạn trạng xoắn láy ngọn Thất Tinh đao, không chịu
nhường bước. Tiếng đao, kiếm va vào nhau chan chát nẩy nửa, rít lên như
tiếng lụa xé rợn người quỷ khiếp, thần sầu, luồng sáng tỏa ra gió lạnh
vi vu hay tới bàn tiệc.

Anh em Âu Dương và Tào Chí mải miết xem rất lấy làm thích thú.
Trong lúc bất ngờ, bỗng mọi người giật mình cúi đầu xuống nhau linh tính báo tránh nguy hiểm.

Thật vậy, Lam Y và Chu Đức Kiệt bỗng lùi lại vung tay liên tiếp
hai cái. Hai luồn sáng xanh và trắng vút qua phía trên bàn tiệc bay vụt
lên xà nhà…

“Phập, phập”.

Mọi người định thần nhìn lên chiếc xà ngang thì thấy Thất Tinh đao và Thái Dương kiếm đã cắm ngang hàng tại đó.

Chu Đức Kiệt và Lam Y từ chỗ đứng phi thân lẹ làng tựa hai bóng
đen qua bà tiệc rút đao kiếm ra, móc hai chân vào xà ngang chổng ngược
đầu xuống như hai con voi, đoạn buông chân ra lộn đi một vòng thả người
xuống hai chân đậu xuống mặt đất như cặp én liệng, mặt không biến sắc,
hơi không thở mạnh. Tháo bao ra, tra đao, kiếm vào vỏ để lên mặt án thư
gần đó, Chu Đức Kiệt và Lam Y trở lại bàn tiệc giữa tiếng vỗ tay ca ngợi của mọi người.

Âu Dương và Tòng Đức nói :

– Chúng tôi xuất từ Trương Lãng Tử mục kích tuy đã nhiều, nhưng
đường đao thế kiếm của nhị vị thiệt đã nhập thần danh bất hư truyền, xin bái phục. Nhất là lối phóng đao kiếm như vừa rồi quả chưa từng thấy.

Anh em Chu gia nói mấy lời khiêm tốn.

Tào Chí rót rượu mời hai người giải lao.

Lam Y nói :

– Nghe Trương tiên sinh nói ba vị là tay kỵ mã đại tài vậy xin biểu diễn trước là mua vui, sau đó cho bọn tôi học hỏi đôi chút.

Tào Chí sai gia đinh thắng hai con Phi Vân, Thần Phong của chàng và hai con Long Câu, Bạch Hồng Mã của anh em Âu Dương dắt ra sân rộng
trước sảnh.

Lát sau gia đình dắt bốn con tuấn mã tới, Chu Đức Kiệt và Lam Y ngắm kỹ mấy con ngựa dũng mãnh, tấm tắc khen thầm.

Tào Chí xin phép biểu diễn trước xốc áo bước ra sân. Mọi người
theo ra xem Tào Chí coi lại yên cương cẩn thận, vỗ về hai tuấn mã nói
mấy câu như là nói với bạn vậy, đoạn chàng vỗ mạnh vào mông ngựa quát
lớn :

– Chạy mau!

Hai con Phi Vân và Thần Phong chồm lên, hí vang, và song song
phi nước đại vòng quanh sân. Chờ tới lúc hai tuấn mã phi đến gần, Tào
Chí chạy theo nắm trụ yên nhảy vụt lên cưỡi con Phi Vân, Thần Phong vẫn
phi nước đại bên cạnh. Bỗng Tào Chí bỏ bàn đạp, co chân nhảy vụt sang
cưỡi con Thần Phong. Hai tuấn mã vẫn phi song song như vậy. Tào Chí cứ
nhảy đi nhảy lại đổi ngựa như vậy năm lần. Sau cùng chàng cầm dây cương
cả Phi Vân và Thần Phong rồi đứng hẳn lên mỗi chân một bên yên trong lúc hai tuấn mã vẫn phi như bay, tới vòng thứ ba qua gần chỗ mọi người, Tào Chí mới nhảy xuống đất, thả cương cho hai tuấn mã chạy ra chỗ bọn gia
đinh đứng mới dừng lại.

Thiết Xích Tử, Chu, Phào khen ngợi Tào Chí kỳ tài về môn kỵ mã.

Tào Chí khiêm nhượng, nói với anh em Âu Dương :

– Nghề của tôi chỉ có thế thôi, đến lượt đại ca và hiền muội.

Tòng Đức, Bích Nữ vâng lời. Tòng Đức chạy vào nhà lấy hai cây
cung và hai ống tên ra đưa cho Bích Nữ một cây cung và một ống tên. Đai
nịt gọn ghẽ, anh em Âu Dương bảo gia nhân kiếm cho hai miếng gỗ cỡ lớn
bằng hai chiếc đĩa. Đoạn hai người hút gió gọi hai con Long Câu và Bạch
Hồng tới.

Biết hiệu của chủ, hai tuấn mã chạy đến sát chỗ hai người đứng.
Tòng Đức nhảy lên Long Câu còn Bích Nữ lên Bạch Hồng Mã, rồi thúc ngựa
đi rẽ sang hai bên cách nhau đọ tám trượng, ghìm ngựa lại đứng đều nhau, Bích Nữ vẫy tay ra hiệu.

Hai người liền đồng thời thúc ngựa phi thiệt lẹ sang cuối sân
bên kia rồi quay ngựa lại vẫn phi thiệt lẹ. Tòng Đức cầm tấm gỗ giơ lên
khỏi đầu, Bích Nữ giương cung lắp tên bắn liên tiếp tám phát, mũi tên
nào cũng trúng tấm gỗ thì vừa vặn ngựa phi tới chỗ mọi người đứng.

Tòng Đức liệng tấm gỗ đó xuống chân Thiết Xích Tử rồi lại thúc
ngựa sang cuối sân cùng Bích Nữ như lúc đầu. Nhưng lần này đến lượt Bích Nữ giơ tấm gỗ lên. Tòng Đức bắn luôn tám phát trúng đích thì vừa vặn
ngựa phi tới trước sảnh. Hai người kềm ngựa lại nhảy xuống. Bích Nữ đưa
tấm gỗ có tám mũi tên cắm cho mọi người coi.

Thiết Xích Tử, Chu, Phàn xúm lại xem thì thấy bảy mũi tên quay
lại thành hình tròn và một mũi tên cắm ngay chính giữa. Cả hai tấm gỗ
cũng y như nhau không sai mảy may. Ai nấy đều khen ngợi Tào Chí và anh
em Âu Dương có tài vô địch về kỵ mã phóng tên. Bích Nữ sung sướng nhìn
Chu Đức Kiệt, nhưng chợt gặp cặp mắt sáng như sao của Lam Y nên nhìn
lảng đi nơi khác.

Lam Y mỉm cười vỗ vai Bích Nữ.

– Chu thư thư và Đức Kiệt đại huynh trước đây không ưa môn kỵ mã hay sao?

Tòng Đức nói theo :

– Ủa! Tôi cứ tưởng nhị vị cũng chuyên luyện về môn này, vì hai con Ô Mã và Bạch Tuyết của nhị vị đâu có phải giống ngựa thường.

Chu Đức Kiệt nói :

– Vâng, con Ô mã là giống ngựa Sơn Đông do tôi nuôi ở tệ trang
từ hồi chưa cất bước giang hồ. Còn con Bạch Tuyết của gia muội đây là
giống ngựa Mông Cổ. Cả hai con này cùng khỏe lắm, thuần thục nhưng không được đặc biệt chuyên luyện như các tuấn mã Tào gia và Âu Dương gia. Hơn nữa, Ô mã Bạch Tuyết cũng trên mười ba tuổi cả rồi, còn độ vài năm nữa
sẽ bắt đầu yếu. Nếu chỉ dùng trên đường lúc chạy, lúc đi thì còn có thể
dùng được trong một thời gian nữa, còn như xông trận chắc chắn không
bằng những tuấn mã đương tơ của quý vị.

Theo lời các bực lão thành, giống ngựa Sơn Đông và Mông Cổ tốt
ngang Kỳ Kỳ và Hoa Lưu. Có thể dùng được tới năm mười tám tuổi, nhưng
phải chọn lọc.

Bích Nữ nói :

– Chu huynh và thư thư thử cỡi Bạch Hồng và Long Câu xem thế nào.

– Không tiện chối từ, Đức Kiệt và Lam Y nhận lời. Bích Nữ hút gió gọi hai con tuấn mã tới.

Lam Y hỏi :

– Chúng có chịu người lạ lên yên không?

– Tự nhiên thì không được, nếu có chủ nhân giữ cương thì nó chịu.

– Khôn quá nhỉ!

Anh em Âu Dương mỗi người giữ cương một con ngựa.

Lam Y có ý đi trước nhảy lên Long Câu nhường Chu Đức Kiệt lên Bạch Hồng mã do Bích Nữ giữ cương.

Lúc trao cương, Bạch Hồng mã lùi lại một bước nên Chu Đức Kiệt chạm phải tay Bích Nữ giữ cương khiến nàng hai má đỏ ửng.

Lam Y lanh mắt trong thấy, mỉm cười quay đi nơi khác.

Anh em Lam Y thúc ngựa chạy song song. Thừa dịp, Lam Y khẽ nói :

– Chúng ta tập thử lối liệng và bắt phi đao như vẫn tập trước đây xem sao.

Chu Đức Kiệt gật đầu, phóng ngựa chạy ra cuối sân, trong khi Lam Y quay ngựa lại đầu sân bên này.

Mọi người đang ngơ ngác chưa hiểu anh em Chu gia định làm gì thì đã thấy cả hai cùng giơ tay ra hiệu rồi thúc ngựa phi vùn vụt ngược
chiều nhau. Tới lúc hai ngựa còn cách nhau độ ba trượng. Lam Y vút một
ngọn phi đao vào mặt Đức Kiệt bay tới. Đức Kiệt giơ tay bắt lấy gài phi
đao vào dây lưng. Ngựa phi tới đầu sân, hai người vòng trở lại tới gần
nhau, Lam Y vung tay ném luôn hai ngọn phi đao một lúc. Đức Kiệt né
tránh một ngọn và quày tay lại bắt một ngọn cài vào dây lưng. Tới vòng
ngựa thứ ba, Lam Y dùng lối liên châu ném luôn ba mũi phi đao cùng một
lúc. Đức Kiệt né tránh cả ba nhưng liệng trả lại một ngọn nhằm mặt Lam
Y. Lam Y vươn người lên hé miệng cắn chặt lấy cái tua xanh buộc ở chuôi
ngọn Liễu Diệp đao nhỏ xíu. Anh em Chu gia liền quay ngựa lại trở về chỗ mọi người đang vỗ tay hoan hô.

Tào Chí nói :

– Thế mà nhị vị giấu nghề mãi.

Âu Dương Bích Nữ nói xen :

– Lối phi ngựa phóng và bắt đao đến thế là nhập diệu rồi, giản tiện hơn cung tên.

Chu Đức Kiệt cười :

– Hiền muội quá khen, dùng cung tên lợi ở chỗ bắn xa hơn nhiều.
Chúng tôi cũng có luyện tập môn xạ tiễn nhưng lối bắn chân phương chứ
không tài tình biến hóa như Âu Dương đại ca và hiền muội.

Lam Y nói :

– Long Câu và Bạch Hồng mã kiệu êm như ru, đang thời sung sức có khác.

Bích Nữ nói :

– Dạ, mấy con ngựa này được luyện ngay từ nhỏ nên thuần lắm. Bên Tô Châu, chúng tôi gặp được cả một tầu ngựa luyện tập thuần thục. Chừng nào Chu huynh và thư thư qua chơi, sẽ xin biếu một cặp ô và bạch cao
lớn không kém chi ngựa Sơn Đông, Mông Cổ.

– Đa tạ. Chúng tôi xin nhận và cứ giữ đó. Ô mã và Bạch Tuyết còn đắc lực được mấy năm nữa. Chừng nào cần phải đổi sẽ xin bái lãnh.

Quay sang chỗ anh em Phàn gia, Bích Nữ nói :

– Phàn huynh và thư thư cũng nên biểu diễn cho vui.

Phàn Mộng Liên nói :

– Chúng tôi tài mọn biết biểu diễn chi bây giờ?

Phàn Thế Hùng vẫy tay gọi Mộng Liên :

– Biểu diễn tập luyện chơi cho vui. Anh em nhà cả, có dở cũng không ai chê mà! Giấu dốt, hiền muội học hỏi sao được?

Nói đoạn, Phàn Thế Hùng vào bàn tiệc lấy sáu trái mận, cho Mộng
Liên ba trái, và ba mũi phi đao. Mộng Liên đứng cách Thế Hùng độ hai
trượng, tung một trái mận lên cao. Lẹ như cắt, Phàn Thế Hùng phóng một
mũi đao cắt đôi trái mận ra rơi xuống đất. Mộng Liên tung luôn một lúc
cả hai trái mận lên không trung, Thế Hùng phóng luôn hai mũi phi đao cắm đúng hai trái mận rớt xuống. Đồng thời, Thế Hùng tung liên tiếp ba trái mận lên cao. Mộng Liên cũng phóng liên tiếp ba mũi đao rất lẹ làng,
không mũi nào trật ra ngoài. Mọi người vỗ tay vang ầm khen ngợi.

Lam Y cười lớn :

– Trước đây tôi cứ yên trí chỉ có Phi Đao Thái Bảo Thế Hùng biết phóng đao bách phát bách trúng, ai ngờ Song Đao Nữ Mộng Liên cũng luyện được nghề riêng này. Khá quá! Khá quá!

Chu Đức Kiệt nói :

– Có thế mới gọi là bất ngờ chứ?

Phàn Thế Hùng lượm đao bỏ vào túi, nói :

– Gia muội có luyện nhưng ít dùng tới trong trận đấu.

Lam Y nói :

– Gia huynh cũng vậy, có luyện mà không bao giờ dùng. Theo thiện ý thì môn ngoại luyện này giúp ta rút ngắn trận đấu lại, nếu cần. Hoặc
có thể thắng kẻ địch ngang tay một cách bất ngờ. Gọi phi đao thuật là
một môn đánh không chánh đáng thì tôi nhất định phản đối. Mỗi người một ý thích, nói không hết được.

Ai nấy đều trở vào bàn tiệc.

Thiết Xích Tử nói :

– Quý vị người nào cũng có tài nghệ riêng biệt, riêng Trương mỗ này không biết gì cả, đành xem không vậy.

Âu Dương Tòng Đức mỉm cười :

– Nghề riêng của bá phụ độc quá nên không thể biểu diễn được. Ai lại dại dột đưa cổ cho bá phụ liệng xích sắt thắt gãy cổ để biểu diễn
bây giờ!

Mọi người cười vang.

Lam Y bảo Thái Phượng :

– Tào phu nhân cũng nên nói với đức phu quân dạy võ nghệ cho
nhé. Sư phụ ở liền bên cạnh mà không chịu luyện tập thì có thể liệt vào
hạng lười biếng được đó!

Ai nấy lại cười vang khiến Hà Thái Phượng thẹn thùng đỏ mặt.

Thiết Xích Tử nói :

– Mấy bữa nay phải y phục chỉnh tề theo gót quý vị thấy bó buộc
bực bội quá vì áo dài quần cùng quá. Mai lên đường tái lốt hành khất nhẹ nhàng dễ chịu biết chừng nào.

Âu Dương Tòng Thiện hỏi :

– Bá phụ định đi đâu trước khi đến Kim Lăng?

– Trước kia, định đi Phong Dương, nhưng nay đổi ý đi Tô Châu thăm Trại Mạnh Thường rồi cùng xuống Kim Lăng.

– Cháu sẽ viết một phong thư nhờ bá phụ đưa cho gia phụ.

– Được lắm. Ta sẽ kể chuyện bên Dương Châu này cho thân phụ nghe.

Bích Nữ vội nói :

– Bá phụ nhắc rằng anh em cháu sẽ mời nhị vị Chu gia về chơi Tô Châu.

Phàn Mộng Liên ngạc nhiên, nhìn Lam Y có ý hỏi.

Lam Y biết ý nói ngay :

– Từ Kim Lăng, chúng tôi qua Thái An chào Phàn mẫu như đã hứa rồi từ đó sẽ qua Tô Châu.

Tào Chí nói :

– Từ nãy tới giờ chỉ nói tới chỗ nọ chỗ kia mà không nghĩ tới
đường đi. Nhị vị Chu hiệp chuyến này du Giang Nam thì phải từ Kim Lăng
đi Tô Châu, rồi từ Tô Châu đi Thái An huyện mới không ngược đường chớ.
Đỡ công trình đi lợi biết nhường nào!…

Chu Đức Kiệt gật đầu :

– Tôi đồng ý với Tào đệ, trước hay sau đằng nào cũng một chuyến đi, nhưng nên đi cho phải đường có thuận tiện không?

Câu nói vô tình của Chu Đức Kiệt khiến Mộng Liên không vui. Trước sự thật rõ ràng về cuộc hành trình, nàng đành nhượng bộ :

– Nếu vậy, nhị vị Chu hiệp sẽ đi Tô Châu sau sẽ xuống Thái An huyện cho tiện đường.

Sáng hôm sau, Tào Chí, anh em Âu Dương, anh em họ Phàn tiễn
Thiết Xích Tử, Chu Đức Kiệt, và Lam Y ra tận ngoài thành Dương Châu mới
chia tay. Thiết Xích Tử đội lốt hành khất như trước, lưng đeo xích và
bầu rượu, tay chống gậy tập tễnh theo đường hướng tây bắc đi Tô Châu.
Anh em Chu gia chờ Thiết Xích Tử đi khuất mới lên ngựa đi nẻo Kim Lãng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.