Lã Mai Nương

Chương 14: Miếu Hắc Ma Thần, Thiên tử lập kế trừ thủy tặc Tại Trần gia trang, Hoàng đế đồ mưu bắt gian nhân



Sau khi từ biệt Cửu môn Đề đốc, Nhan Như Lâm rời khỏi Hải Biên quan, Vua Càn long và Chu Nhật Thanh ngày đi đêm nghỉ, lúc tiện chân đi bộ, khi
mệt mỏi thuê xe, non xanh nước biếc hữu tình, qua các đại, tiểu trấn nhà cửa san sát như bát úp, dân cư đông đảo vui vẻ trong cảnh phồn thịnh
thái bình.

Một hôm đi tới mé Trường Giang rộng lớn thì trời vừa hoàng hôn.

Đứng trên bờ đá nhấp nhô, hai cha con nhà Vua khoan khoái nhìn dòng nước uốn éo rọi bóng liễu mịn màng rung rinh trong gió thoảng.

– Cảnh Trường Giang đẹp tuyệt! Không biết được non sông gấm vóc thanh
bình!… Nhật Thanh con, kiếm quán trọ nghỉ lại đêm nay, mai sẽ quá
giang.

Nhật Thanh chỉ khóm nhà ẩn hiện đã lên đèn le lói dưới bóng liễu xanh rờn cách hai người đứng độ hơn trăm thước :

– Tâu Hoàng thượng…

Nhà Vua tức thì ngắt lời :

– Ấy đó! Ta dặn thế nào? Lỡ miệng như vậy ở giữa nơi đông đúc cực kỳ nguy hiểm!

Nhật Thanh vội chữa :

– Thưa phụ thân, ở khóm nhà kia chắc có tửu quán.

Hai cha con lững thững rẽ qua hương đó, quả nhiên có tới năm sáu chục
nóc nhà vừa rơm vừa ngói xây dựng gọn gàng sạch sẽ dưới những gốc cây cỏ liễu thướt tha. Ngay phía trước, năm, sáu tửu quán dàn kế bên nhau,
chiêu bài phất phơ dưới mái hiên rộng rãi. Từ tửu quán ra tới bến sông
còn độ vài chục thước, nên quán nào cũng đua nhau bày bán dưới gốc liễu, treo lồng đèn ngũ sắc trên cành để khách hàng có chỗ thảnh thơi dùng
rượu.

Nhà Vua nhằm Trường Giang tửu điếm khoáng đạt hơn cả, bước vào hỏi mướn phòng và kêu rượu.

Đang khoan khoái uống rượu, Càn Long chợt thấy một người vóc dáng khỏe
mạnh, y phục ngắn theo kiểu dân chài lưới đi từng thồi thâu tiền. Thực
khách nào cũng ưng thuận đưa tiền cho y.

Nhà Vua ngạc nhiên hỏi tiểu nhị đứng hầu gần đó :

– Tên kia dáng dấp khỏe mạnh như vậy mà hành khất sao?

– Thưa không. Đó là anh lái đò Tôn Tiểu Bát có chiếc ghe lớn nhất ở bến này đi thâu tiền chở chuyến đò sớm mai đó ạ.

– A! Ra vậy đó. Được sớm mai ta đi chuyến đò của y.

Qua hết thồi nọ đến thồi kia, Tôn Tiểu Bát đến chỗ nhà Vua :

– Thưa khách quan qua đò sớm mai?

Càn Long hỏi :

– Đò qua sông sang địa phận Nam Kinh không?

– Dạ. Chính vậy. Nếu không bị sương mù thì đầu giờ Thìn ghe rời bến.

– Mỗi suất bao nhiêu?

– Thưa, mỗi xuất đò năm quan và hai quan lễ vật. Tổng cộng nhị vị là mười bốn quan ạ.

Nhà Vua ngạc nhiên :

– Tiền đò trả rồi, còn lễ vật thì để biếu ai?

– Thưa, lễ vật để cúng thần chứ không phải để biếu.

– Cúng thần nào? Làm sao cúng?

Tôn Tiểu Bát biết là khách lạ không hiểu tục lệ, bèn giải thích :

– Nguyên khúc sông lớn này nước chảy xiết và có nhiều xoáy nước, ghe
không thể qua ngay được, mà phải ngược dòng độ hai dặm tới chỗ nước ít
xoáy hơn mới dám sang bờ…

Càn Long nóng ruột :

– À! Cúng Hà Bá phải không?

– Thưa không! Khách quan tới đây lần đầu tiên nên chưa rõ phong tục thể
thức quá giang. Dọc theo bờ cách đây trên một dặm, có miếu Hắc Ma Thần
vô cùng linh hiển, bất cứ ai qua đò cũng phải hùn nạp tiền nong lên miếu cúng lễ. Có vậy qua sông mới được an ổn, nếu không thì Hắc Ma Thần sẽ
biến thành thủy quái bất chợt gây sóng gió ba đào đánh đắm ghe. Từ trước tới nay, hay xảy ra tai nạn cũng vì có những người không tôn trọng tục
lệ cúng thần trên khúc sông này, thành thử uổng mạng theo dòng nước.

Nhà Vua nghe chuyện Hắc Ma Thần hoang đường chợt nẩy ra một ý kiến, bèn nói :

– Ghe của nhà ngươi chở được mấy người?

– Thưa, được hai chục người ạ.

– Ta muốn đi một mình một ghe và ưng chịu trả đủ suất tiền, chịu không?

Mừng rỡ được món khách bở, Tôn Tiểu Bát đáp :

– Như vậy cũng được. Khách quan dùng thứ ghe chở mười người cho đỡ tốn
tiền, còn ghe lớn để chở khách quá giang khác. Tôi có mấy chiếc ghe đủ
cỡ.

– Nhưng với điều kiện là chính người phải chèo bên ghe ta.

– Tưởng gì, chớ thế cũng được. Nặng thì phải hai người chèo, nhưng khách quan chỉ có hai người, mình tôi dư sức rồi.

Càn Long móc túi lấy năm lượng bạc đưa cho Tôn Tiểu Bát :

– Đây, ta trả tiền đò trước. Chừng nào khởi hành thì vô đây kêu, nghe?

– Thưa, còn tiền mua lễ vật dâng lên miếu Hắc Ma Thần?

– Cúng tiền cho đỡ lôi thôi có được không? Ta không muốn để lễ vật kềnh càng trên ghe.

Tôn Tiểu Bát mừng rỡ :

– Dạ, được lắm.

– Mai xuống ghe ta sẽ đưa tiền cho, hiện thời hết tiền lẻ ở đây rồi.

Nét ngần ngại thoảng qua mặt Tôn Tiểu Bát nhưng y nói ngay :

– Dạ khách quan nhớ cho kẻo quên thì tai họa lớn lắm đó.

– An tâm. Ta không quên đâu mà lo.

Tôn Tiểu Bát bỏ năm lượng bạc vào túi, chào ông khách quá giang sang trọng rồi lần lượt đi thâu tiền các thồi khác.

Hôm sau, quá giờ Thìn, Tôn Tiểu Bát vào tửu quán trước Nhà Vua.

Trời quang mây tạnh, vừng Thái dương le lói mọc cao được non một trượng
đánh tan dần màn sương mai phủ nhẹ. Trên bến, khách quá giang đã tụ tập
đông đủ, kéo nhau xuống chiếc ghe lớn do hai lái đó vạm vỡ điều khiển.

Chiếc ghe lớn kéo neo đi trước. Tôn Tiểu Bát tháo dây cột ghe, ngần ngừ
đôi chút, nhưng cũng bắt đầu khua mái chèo theo chiếc ghe lớn.

Được một quãng sông, Tôn Tiểu Bát hỏi Vua :

– Xin khách quan cho nốt số tiền cúng thần…

– Được, cứ chèo đi, đến miếu ngươi theo ta lên cúng cũng được chứ sao!

Ngừng tay chèo, Tôn Tiểu Bát nghiêm nét mặt :

– Theo tục lệ ở đây, người lái đò có trách nhiệm thâu tiền cúng thần
trước là để bảo vệ tánh mạng cho khách quá giang, sau là bảo vệ tánh
mạng của người lái, vậy mong khách quan vui lòng cho tiền ngay, trái
lại, tôi buộc lòng phải quay ghe về bến, tùy ý người lựa ghe khác quá
giang.

Càn Long trừng mắt gắt :

– Ta đã nói là sẽ lên miếu cúng, hẹp hòi chi mấy lượng bạc, người không
tin sao? Tục lệ với chẳng tục lệ, nếu ngươi quay mũi về bến thì đừng có
trách ta, nghe?

Trước cặp mắt long lanh dữ dội của khách, Tôn Tiểu Bát cực chẳng đã,
đành chép miệng chèo ghe đi trước. Ghe chở nhẹ nên chẳng mấy chốc lại
theo kịp chiếc ghe trước. Được hai dậm trường, quả nhiên tới một bến có
đường dẫn thẳng lên tòa miếu cổ khá rộng rãi, sừng sững ở ngay dưới chân đồi cây rậm rạp. Ghe lớn ghé vào bờ. Hành khách lũ lượt kéo xuống theo
lái đò bê lễ vật vào miếu. Tôn Tiểu Bát cũng định ghé vào bờ theo chiếc
ghe lớn, nhưng nhà Vua đã đứng ngay sau lưng y lúc nào không rõ, đưa tay nắm lấy gáy y, dằn giọng :

– Biết điều đi thẳng và qua sông, trái lời ta bẻ gãy cổ.

Bị năm ngón tay cứng như sắt túm gáy đau quá và trước câu đe dọa cực kỳ
cương quyết của khách quá giang, Tôn Tiểu Bát sợ hãi, không ngờ ông
khách trắng trẻo phì nộn thế kia mà lại có sức khỏe nhường ấy, y đành
run rẩy theo lời chèo ghe đi thẳng. Mọi người vừa lên bờ, thấy vậy vội
vàng ngừng bước nhìn theo kinh ngạc, lo sợ thay cho người khách bướng
bỉnh trên ghe nhỏ không chịu theo tục lệ lễ thần, chắc thế nào cũng gặp
thủy quán nguy hiểm đến tánh mạng thôi.

Tôn Tiểu Bát tái mặt, vừa chèo vừa run rẩy :

– Thế này thì chết mất thôi! Tôi trả lại tiền đò, xin khách quan cho quay về mướn ghe khác vậy!

– Không được! Nếu ngươi không nghe lời ta, ta đánh gãy cổ trước khi gặp thủy quái! Bằng mà biết nghe lời ta sẽ thưởng tiền thêm.

Tôn Tiểu Bát xanh xám cả mặt đành theo lời nhà Vua chèo ghe tiến thẳng.

Càn Long buông y ra, dặn thêm :

– Nếu thủy quái hiện lên, ngươi khá giữ vững tay chèo, mặc ta đối phó.

Không nói không rằng, Tôn Tiểu Bát thoa gáy rồi ra sức chèo. Ghe chở nhẹ tiến vùn vụt trên mặt sông. Trên bờ, mọi người quên cả lễ thần, bảo
nhau đứng lên mỏm đá cao nhìn theo.

Một người khách nói :

– Người khách lạ cứng cổ không theo tục lệ lễ thần tất thế nào cũng bị đắm ghe.

Người khác đáp :

– Khách lạ đó coi diện mạo phương phi quý tướng mà sao lại rồ dại đến mức ấy!

– Kẻ rồ dại tự rước lấy cái chết đã đành nhưng chú lái mới đáng ái ngại chớ.

Mọi người còn đang bàn tán, kẻ điều này, người điều nọ xôn xao thì bỗng một người la lên :

– Trời ơi! Coi kìa! Thủy quái đã hiện lên mặt nước vỗ sóng ầm ầm!…

Ai nấy đều chăm chú nhìn theo, mặt tái mét tưởng như chính họ đang ở
trong chiếc ghe nhỏ của nhà Vua. Ghe nhỏ lướt nhẹ trên sông sắp tới chỗ
sang ngang và lúc đó cách bờ độ trên mươi sải tay, bỗng sóng bắt đầu nổi mạnh ở phía trước mũi ghe chừng bảy tám sãi. Từ dưới sông nổi lên một
động vật gì trông không rõ hình dạng, nhưng chỉ biết con vật đó đen
tuyền nhào lên nhào xuống thật lanh lẹ, vỗ sóng ầm ầm, nước vọt lên tung tóe.

Tôn Tiểu Bát run sợ, mặt cắt không còn hột máu, rên la :

– Tôi đã bảo mà! Khách quan không nghe, Hắc Ma Thần nổi giận hiện thành
thủy quái đánh đắm ghe, làm thế nào bây giờ? Trời hỡi Trời!

Nhà Vua điềm tĩnh nhận xét rồi bảo Nhật Thanh!

– Con khá giúp lái đò giữ vững tay chèo!

Tôn Tiểu Bát rên lên :

– Kìa! Thủy quái ngụp xuống nước rồi! Nó lặn xuống vòng đến đây vỗ sóng đấy. Coi chừng nó lật ghe!…

Càn Long tuốt bảo kiếm cầm ngược trong tay sẵn sàng đối phó. Quả nhiên,
sóng nước bỗng dội lên ở mạn ghe bên tả, rồi một con vật gì mình mẩy
bóng loáng, sống lưng dựng toàn gai góc phát khiếp quẫy lộn trong nước
bơi vòng quanh ghe gây sóng lớn. Con vật đó nhào lộn quá lẹ, lúc nào
cũng ngâm úp nửa mình trong sóng lớn nên nhà Vua cố nhìn cũng không nhận rõ là giống vật gì. Nó vòng vào gần mạn ghe. Chiếc ghe bồng bềnh
nghiêng ngả đáng sợ.

Tôn Tiểu Bát và Chu Nhật Thanh ngồi xuống bám chặt vào mạn ghe cho khỏi
bị văng ra ngoài. Nhà Vua cũng bám chặt vào cuối ghe, bình tĩnh. Thủy
quái bơi vòng vừa tới phía đuôi ghe, sống lưng nó gai góc lập lờ trong
sóng lớn tung tóe, hắt nước vào mặt nhà Vua. Chiếc ghe gần nghiêng hẳn
đi, nhưng vừa tầm tay, Càn Long nhằm lưng thủy quái xả mạnh một lát kiếm trúng đích. Máu tuôn ra đỏ lòm mặt nước. Kỳ thay! Sóng nước không dội
lên nữa và tan dần. Thủy quái cũng không lặn xuống đáy sông như Tôn Tiểu Bát lầm tưởng, mà trái lại nó lập lờ trên mặt sông hết cựa quậy, máu
vẫn tuôn đỏ mặt nước, loang rộng.

Càn Long đứng trên ghe chống kiếm đăm đăm nhìn.

Tôn Tiểu Bát mừng quá la lớn :

– A! Có lẽ thủy quái bị tử thương rồi!

Nhà Vua lắc đầu mỉm cười :

– Ngươi khá bơi ghe lại gần vớt nó lên xem mặt mũi nó ghê gớm đến thế nào!

Tôn Tiểu Bát còn ngần ngại thì Chu Nhật Thanh đã cầm chèo bơi nhẹ tới.
Nhà Vua với tay xuống nước lôi lên mạn ghe một con vật to lớn, dáng dấp
như người, có gai từ đỉnh đầu xuống đến sống lưng.

Càn Long cười lớn :

– Đây, con thủy quái của Hắc Ma Thần mà các ngươi cúng vái cho nó khỏi đánh đắm ghe đây.

Vừa nói, nhà Vua vừa lật ngửa xác đó lên, thì ra đó là một người mặt mũi hẳn hoi, nhưng trên mặt bôi lọ đen tẩm dầu nên không bị nước làm phai.
Bộ da bóng loáng ở dưới nước hồi nãy chỉ là bộ áo bằng da dầu.

Thủ miếu đỏ mặt, chỉ mặt Tôn Tiểu Bát mắng lớn :

– Ngươi làm ăn trên bến sông này mà gian ngoan không sợ tội trước bệ
thần linh sao? Hoặc giả ngươi là đồng bọn sát nhân rồi qua đây kiếm
chuyện đổ vấy?

Không nhịn được nữa, nhà Vua lên tiếng quát :

– Bọn thủy khấu chúng bây đội lốt thủ đền, bày mưu kế lừa đức tín ngưỡng của dân lành, thâu thập vàng bạc, lễ vật của khách giang đò từ bao năm
nay tích góp rồi, nay cớ sợ bị đổ bể, còn múa mép khua môi nữa hay sao?
Biết điều quỳ xuống, nhận tội, chịu trói nạp mình, đừng hòng thoát khỏi
tay ta đâu!

Dứt lời, nhà Vua thộp áo vàng tên thủ miếu. Lẹ làng, viên thủ miếu đưa tay gạt mạnh rồi lùi lại mấy bước la lớn :

– Anh em đâu! Bắt tên sát nhân này nộp quan mau!

Bị cái gạt, nhà Vua biết ngay là tên thủ miếu ít nhất cũng có luyện tập
võ nghệ, bèn xông tới điểm luôn ngọn “Song Chỉ Thủ Châu” tay hữu vào mắt tên thủ miếu thủy khấu gian ngoa nọ. Thủ miếu đưa tay tả gạt nữa, tay
hữu lúng túng đưa tay cởi áo vàng thủ đền. Chẳng ngờ Càn Long cất chân
phóng mạnh một ngọn cước theo thế “Kim Kê Độc Lập” trúng bụng, khiến tên gian đạo chỉ kịp kêu hự một tiếng té nhào ra mặt gạch ngất lịm. Các
người phụ thủ miếu cũng bị cha con nhà Vua bắt trói luôn.

Mọi người ca ngợi bàn tán không ngớt miệng. Cha con nhà Vua lục soát
khắp trong miếu và bên căn nhà nhỏ của tên giả thủy quái họ Tiết bị tử
thương hồi nãy trên sông. Lát sau, hai người lấy ra được một rương đầy
toàn vàng, bạc và ba bộ áo da quái dị. Càn Long nói :

– Mấy tên tặc đạo này đều giỏi bơi lội. Với những bộ da này chúng thay
phiên nhau giả thủy quái đánh đắm ghe thuyền chở người nào không vào
miếu cúng tiền dâng lễ vật.

Một người có tuổi hỏi nhà Vua :

– Làm thế nào tiên sinh dự đoán được bọn thủ miếu Hắc Ma Thần là gian đảng?

– Dễ lắm! Nếu chỉ nói tới thủy quái không thôi thì tin được, vì trên
non, dưới biển thiếu gì động vật kỳ lạ. Nhưng thủy quái chỉ hiện lên làm hại người nào không vào miếu van vái, dâng lễ vật, luận lý ra, tin sao
được? Cũng vì vậy tôi mới muốn xem thủy quái hình dạng thế nào. Kể về
tài lội nước, gây sóng lên trên mặt địa giang, chúng giỏi thật. Lúc khởi sự, tôi đã tưởng thật. Mãi sau, thấy nó không ngóc đầu lên tôi mới chắc chắn là có sự gian dối bên trong. Bây giờ mọi sự đã hiển nhiên, ai muốn qua sông xin tự tiện, riêng cha con tôi trở về quán trọ nhờ người lên
huyện báo quan lập biên bản rồi sẽ khởi hành sau.

Tôn Tiểu Bát tình nguyện :

– Tôi xin chở khách quan về quán trọ loan tin lành cho mọi người trên bến biết, sau đó sẽ đi trình quan.

Càn Long bảo bọn đò khiêng rương bạc và giải bọn thủy tặc xuống ghe. Chu Nhật Thanh cầm mấy bộ áo da thủy quái của bọn gian đạo, theo mọi người
về bến lớn.

Trên bến, dân chúng thấy hai ghe lớn nhỏ cùng chở toàn thể khách qua đò
quay về, lấy làm ngạc nhiên gọi nhau kéo ra bờ hỏi chuyện.

Một người hỏi lớn :

– Tôn đại ca ơi, gặp thủy quái nên đành trở về phải không?

Tôn Tiểu Bát ghé thuyền vào bờ, chỉ mấy tên thủy tặc mà rằng :

– Thủy quái là bọn thủ miếu gian đạo này. Chính vị quan khách đi trên ghe tôi khám phá ra đó.

Càn Long bảo ba lái đò trói bọn thủy tặc vào gốc liễu trước quán rồi về
thẳng nhà trọ đêm qua. Các lái đò khiêng rương bạc vào theo.

Lúc đó bọn Tôn Tiếu Bát và các khách qua đò thuật chuyện cha con vị
khách đạo mạo nọ giết thủy quái giả, đánh bọn thủ miếu cho dân chúng
nghe.

Họ Tôn nhanh nhẩu nhận lên huyện báo quan, nhưng chủ quán trọ nói :

– Tôn đại ca vất vả nhiều rồi, nhà có sắn ngựa, để con tôi đi thế cho lẹ.

Từ bến lên huyện không bao xa, Giang Trung huyện quan là Đới Thành Lang
được tin lấy làm lạ, tức khắc đem theo hai giáo đầu và đội lính đẩy hai
cỗ tù xa cấp tốc xuống bến đò.

Tới nơi, huyện quan hỏi :

– Vị anh hùng khám phá ra vụ Hắc Ma Thần miếu đâu?

Mọi người khúm núm dẫn huyện quan và Trường Giang tửu điếm. Chủ quán
giới thiệu nhà Vua. Đới Thành Lang không biết mặt nhà Vua nhưng thấy
tướng mạo ông khách uy nghi lẫm liệt bèn chào hỏi cùng nhau thi lễ đàng
hoàng.

– Chẳng hay cao danh quý tánh là chi? Từ đâu tới đây?

Càn Long cười thầm, thản nhiên đáp :

– Tôi họ Cao tên Thiên Tứ, từ Bắc Kinh xuống Nam du ngoạn và nhân thể
thăm người bà con, chẳng ngờ tới quý huyện bị gặp chuyện này.

– Hảo hán hành nghề gì ở kinh sư?

– Thưa, tôi là Trưởng vụ Biện lý cuộc trong phủ Đại học sĩ Lưu Dung.

Đới Thành Lang giật mình nghĩ thầm Cao Thiên Tứ còn hơn mình nhiều trật, nếu y báo cáo vụ Hắc Ma Thần miếu với Lưu đại học sĩ thì chắc chắn mình sẽ bị khiển trách, bèn vội vàng đứng lên vái dài :

– Chao ơi! Hạ quan hữu nhỡn vô ngươi, không ngờ lại được diện kiến tôn
huynh nơi đây. Sao tôn huynh không rẽ vào bổn nha nghỉ ngơi mà lại vào
tửu quán như vậy?

Càn Long mỉm cười đáp lễ :

– Tôi du hành không tư cách công khai, hà tất vào quấy quá quý huyện làm chi. Xin tôn huynh cho tự nhiên và sửa soạn lập biên bản vụ thủy quái
kẻo trễ giờ. Rương bạc, ba tên thủy tắc và đồ dẫn chứng tôi đều đã đem
cả về đây. Hiện bên miếu còn xác tên họ Tiết bị tôi đánh trúng tử
thương. Nếu cần ký nhận vào biên bản để phúc trình cấp trên, tôi rất sẵn lòng.

Đới Thành Lang nói; – Bất tất phiền tôn huynh. Tôi sẽ ghi vào biên bản là đủ rồi.

Càn Long tặc lưỡi lắc đầu :

– Không ngờ bọn thủy tặc này gan dạ đến thế! Dám hoành hành rên bến sông lớn cận ngay huyện thành!

Biết là ông bạn quý trách nhẹ mình, Đới Thành Lang lựa lời nói mấy câu
cho xuôi chuyện rồi gọi giáo đầu truyền giam thủy khấu vào tù xa, đếm
bạc trong rương niêm phong lại sung công và sửa soạn ghe sang bên thần
miếu để xem xét. Trước khi huyện quan xuống ghe, Càn Long điềm đạm chỉ
rương bạc :

– Thiết nghĩ rương bạc này sung công nằm trong ngân khố cũng vô ích.
Theo thiển kiến, tôn huynh nên dùng số bạc này xây đắp bến sông quan
trọng này cho được rộng lớn, tiện cho dân chúng quá giang có lẽ hay hơn. Ít lâu nữa về qua đây, tôi sẽ tùy theo công trình xây đắp thưa lại với
quan Đại học sĩ, tất tôn huynh sẽ được khen thưởng đó.

– Tôn huynh dạy chí phải, tôi sẽ phân công thi hành ngay.

Nói đoạn, Đới Thành Lang từ tạ ông khách quý cùng hai giáo đầu xuống ghe do Tôn Tiểu Bát chèo sang bên Hắc Ma Thần miếu.

Tuy nóng nảy về phương diện dùng người, Càn Long lại rất đỗi mềm dẻo
khéo léo, không câu nệ cố chấp. Như vụ Đới Thành Lang chẳng hạn. Trái
lại nhà Vua rất cương quyết thằng tay như việc trừng phạt nặng nề Diệp
Thiệu Hồng trên Hải Biên quan. Dân chúng Hán tốc tôn sùng vị Hoàng đế
người Mãn cũng vì lẽ ấy.

Đới Thành Lang xây bến Giang Trung cực kỳ lớn. Nhờ đó người ta kéo đến
đó lập cơ sở doanh thương phồn thịnh ngày một đông đúc, không bao lâu
nhà cửa mọc lên như nấm, đường sá khang trang, huyện thành lan rộng đến
tận bờ sông.

Tới đời Dân quốc, Giang Trung trở thành thương cảng lớn trên tả ngạn
Trường Giang, tàu bè xuất nhập như mắc cửi, ít ai ngờ được chính Càn
Long đã qua đây trừ thủy khấu, nhờ vậy bến Giang Trung thơ mộng với
những chặng liễu cổ thướt tha soi bóng nước đã bước vào một thời kỳ tân
tiến sau này.

Điều mà người Hán trách Càn Long sau này là trong cuộc du hành Giang
Nam, nhà Vua chủ ý diệt tan phái Thiếu Lâm để ngăn mầm cách mạng Diệt
Thanh Hưng Hán.

Nếu không có điều bất ngờ sau này đảo lộn cả chương trình gây nội chiến
giữa các võ phái thì ngôi chùa Thiếu Lâm cổ kính rộng lớn uy nghi đã
chẳng tồn tại tới ngày nay, gây nên một thiên trường hận cho bao nhiêu
môn đồ của phái võ danh giá ấy.

Đó là chuyện sau.

Chiều hôm đó, sau khi huyện quan Giang Trung đi khỏi, các chủ quán bên
sông hùn nhau bày một bữa tiệc linh đình khao vị anh hùng Cao Thiên Tứ.

Yến tiệc thì nhà Vua thiếu gì trong chốn Hoàng Thành, nhưng bữa tiệc tự
nhiên của nhân gian, hẳn vị Hoàng đế chí tôn trị vì muôn dân quả chưa
bao giờ được hưởng. Nên vui chén, Càn Long tuy tửu lượng khá nhưng vẫn
bị say mèm túy lúy càn khôn bất chấp cả Thiên, Địa. Chu Nhật Thanh phải
săn sóc vực nhà Vua vào phòng ngủ một mạch hôm sau mới tỉnh dậy, sửa
soạn quá giang vào địa phận Nam Kinh.

Nhà Vua cùng Chu Nhật Thanh vào thành dạo qua mấy phố, thấy Kiến Tân tửu lầu ở Thạch Đàn lộ khang trang vừa ý liền rẽ vào lấy phòng trọ luôn mấy ngày, dạo khắp đó đây rất mực đắc ý.

Một hôm hai cha con nhà Vua đang đủng đỉnh xem phong cảnh nơi ngoại
thành giáp với vùng trang trại, bỗng đâu có một người đứng tuổi không
hiểu chủ ý hay vô tình lầm lủi xốc tới vội vàng đâm sầm đụng phải nhà
Vua.

Giựt mình, người đó vái dài xin lỗi rồi gấp rút đi ngay, lo âu ra mặt.

Càn Long thấy thái độ dị kỳ của y lấy làm lạ, liền kéo áo người ấy lại :

– Này đi đâu mà vội vàng thế?

Vái dài lần nữa, người ấy nói :

– Tôi vội vàng gấp đi lo việc cứu mạng một người nên đụng nhằm tiên
sinh, mong người vui lòng bỏ qua. Thật tình tôi gấp rút e lỡ dịp may.
Xin lỗi…!

Dứt lời người ấy vội quay đi ngay nhưng tay áo bị nhà Vua nắm cứng ngắt :

– Sá chi việc nhỏ mọn mà phải xin lỗi nhiều như vậy? Nhưng tôi muốn hỏi
tiên sinh điều chi thắc mắc, cơ sự thế nào, nói cho tôi hay, biết đâu
lại giúp được phần nào chăng?

Người đó hơi bực mình vì bị quấy rối mất thì giờ, nhưng chợt nhìn kỹ thấy tướng mạo bệ vệ uy nghi của nhà Vua nên kính nể hỏi :

– Tôi tên Trần Đăng, người Nam Kinh, chẳng hay cao danh quý tánh tiên sinh là chi?

Nhà Vua ôn tồn :

– Tôi họ Cao tên Thiên Tứ, tòng sự trong phủ Đại học sĩ Lưu Dung ở Bắc Kinh.

– Hân hạnh, tiên sinh xuống Nam Kinh làm gì?

– Tôi xin nghỉ dài hạn đang du ngoạn miền Nam. Việc tiên sinh đi cứu
mạng người ra sao? Xin kể cho biết, may ra tôi giúp được chăng?

Trần Đăng nói :

– Tôi gấp là vì cần đi tìm người hiền để cứu đứa cháu gái hiện ở trong tình trạng có thể nguy hiểm tới tánh mạng.

– Trần tiên sinh cứ kể tiếp cho nghe.

– Nguyên gia huynh là Trần Thanh hiếm hoi, chỉ sinh được một cháu gái
năm nay vừa tuổi trăng tròn và mới đây có hứa gả cho một người họ Sái.
Chẳng ngờ độ ngót tháng nay, một hôm cháu tôi thấy yêu quái hiện về hăm
dọa, cháu tôi sợ quá thành bịnh mê sảng, uống thuốc gì cũng không khỏi,
thay đổi đã bốn danh y rồi…

Nhà Vua ngắt lời :

– Yêu quái hiện vào lúc nào?

– Thưa, nó thường hiện về vào quãng quá nửa đêm, hình thù ghê gớm lắm!

– Tiên sinh trông thấy nó rồi ư? Nó hăm lệnh điệt nữ ra sao?

– Dạ, đầu nó lớn như cái đấu, lưỡi dài lê thê, mình đầy lông vàng hoe,
lại biết nói tiếng người. Nó bảo cháu tôi không được kết duyên cùng họ
Sái, mà trái lại có túc trái lương duyên cùng họ Tiền, phải chờ họ Tiền
hỏi mới được lấy, nếu trái lời nó sẽ hành chết.

Nhà Vua phì cười :

– Vô lý! Lệnh điệt nữ kết duyên với họ nào thì yêu quái ăn thua gì vào
đó mà cần hăm dọa? Chắc có ẩn tình chi đây. Làm gì có thứ yêu quái lạ
lùng như vậy?

Trần Đăng quả quyết :

– Vụt cái là nó tới, vụt cái nó đi, biến hiện không chừng, vậy không là
yêu quái sao được? Chúng tôi đã mời hòa thượng về tụng niệm, đạo sĩ về
cúng bái, bắt bùa ếm mà con yêu đó dữ lắm, khiến họ táng đởm không dám
đến tệ trang cúng nữa. Bàn thờ bị yêu quái giựt đổ loảng xoảng, hòa
thượng, đạo sĩ chạy trối chết mới thoát thân. Chúng tôi có mời những
thầy khác nhưng ai cũng từ chối xin chịu.

– Thế bây giờ tiên sinh đi đâu?

– Hôm qua, gia huynh nghe nói có một thầy bùa rất cao tay từ Hàng Châu
tới, hiện ở tạm tại Sơn Hỏa Linh am ngoài Tây môn, nên cho tôi thân đến
mời về nhà cúng. Bây giờ xin phép tiên sinh tôi phải đi kẻo trễ, kẻo gia huynh mong đợi.

Nhà Vua nghiêm nét mặt :

– Thôi tiên sinh khỏi phải đi đâu thêm mất công. Cao mỗ này có phép yểm
tà trừ quái gia truyền, đã từng đuổi hàng trăm yêu quái đủ các hạng mà
chưa có con nào dám ở lại hoành hành, vậy để tôi giúp cho. May cho tiên
sinh lắm đó. Nhiều nơi mời nhưng tôi không đi được vì bận việc quan.

Trần Đăng mừng rỡ nghĩ thầm: “Không những họ Cao là thầy bùa cao tay gia truyền mà còn làm quan trong phủ Lưu học sĩ, có lẽ yêu quái ngoài việc
bị bùa ra còn bị ảnh hưởng quan tước mà bỏ chạy không chừng! Âu là thỉnh luôn đại nhân này còn không hơn thầy bùa Hàng Châu kia sao?”

Nghĩ đoạn Trần Đăng vái nhà Vua :

– Cao đại nhân đã có lòng tế độ, xin người theo tôi về tệ trang.

Nhà Vua đáp :

– Để tôi về quán trọ lấy hành lý đã. Yêu quái bất chợt hiện hình, có lẽ còn phải chờ lâu.

– Đại nhân trọ ở đâu? Nội thành hay ngoại thành?

– Nội thành, tại Kiến Tân tửu lầu, Thạch Đàn lộ.

Chu Nhật Thanh nghe vậy liền nói :

– Thưa phụ thân, cha con ta cứ đến Trần gia trang cho biết chỗ rồi vào thành lấy hành lý có lẽ sẽ tiện hơn.

Trần Đăng khen phải nói với nhà Vua :

– Tệ trang cách đây có một quãng đường, vậy mời Cao đại nhân về thằng
đó, tôi sẽ cho phu kiệu đưa công tử vào thành lấy hành lý thì tiện hơn.

Càn Long ưng thuận cùng Nhật Thanh theo Trần Đăng về nhà. Họ Trần cung
kính mời hai cha con lên khách sảnh rồi vào báo cho Trần Thanh hay. Nghe em kể tự sự, Trần Thanh mừng rỡ chạy ra quỳ lạy Cao đại nhân sẵn lòng
chiếu cố trừ tà yểm quái. Vì đã có ý định về vụ yêu quái này nên nhà Vua thản nhiên chuyện trò. Anh em họ Trần thấy tướng mạo quý khách uy dũng
lại càng tin tưởng kính mến. Họ bèn dọn phòng riêng để cha con nhà Vua
ở. Một mặt gọi kiệu phu đưa Chu Nhật Thanh về Kiến Tân tửu lầu lấy hành
lý.

Dùng trà được vài tuần, nhà Vua hỏi Trần Thanh :

– Yêu quái hay xuất hiện ở đâu, Tiên sinh chỉ dẫn tôi coi.

– Mời đại nhân theo tôi ra hậu viên.

Hai người cùng đứng lên đi quanh co qua mấy dãy hành lang kiến trúc tao nhã ra tới hậu viên.

Trần Thanh chỉ tay :

– Đại nhân coi, dãy nhà ngang có lầu tiếp liền với ngọn giả sơn lớn kia
là Ngọc Hoa đình, tư phòng của tiện nữ. Tố Xuân ở trên lầu đầu bên hữu.
Yêu quái thường từ những cây lớn um tùm ngã gần hành lang trên lầu kia
vào lầu. Có một lần tôi thấy nó bay từ lầu xuống đầu ngọn giả sơn cao
lớn kia rồi biến mất vào trong đêm tối. Đạo sĩ đứng làm phép ở hành lang gần cửa phòng tiện nữ bị nó rượt nghiêng ngửa xách bổng để lên mái lầu, gia nhân phải bắc thang thòng dây đưa đạo sĩ xuống đất. Thế là đạo sĩ
lủi thằng không kịp lấy tiền công nữa.

Nhà Vua phì cười :

– Còn hòa thượng thì sao? Có bị yêu quái bỏ lên nóc lầu không?

– Không, nhưng hòa thượng đang tụng kinh ở phòng bên thì yêu quái chọi đá bể mất cái mõ khá lớn.

– Bể chiếc mõ khá lớn? Con yêu này khỏe quá nhỉ! Vì vậy hòa thượng bỏ tụng niệm?

– Thưa không. Hòa thượng gan dạ lắm, điềm nhiên sai người về chùa lấy
chiếc mõ khác thế, rồi tiếp tục tụng niệm như thường. Cũng như lần
trước, yêu quái chọi bể mõ lần thứ hai. Hòa thượng không nao núng, thay
mõ và, chẳng hơn gì hai chuyến trước, bị chọi nữa. Thế là một đêm hư mất ba chiếc mõ của nhà chùa và tôi phải mua thường, không lẽ để nhà chùa
thiệt hại hay sao?

Nhà Vua ngắt lời :

– Bị yêu quái trêu chọc luôn ba lần như vậy, hòa thượng chịu thua bỏ cuộc?

Trần Thanh lắc đầu :

– Hòa thượng là người của nhà Phật, tâm ngay, tánh thẳng, sợ chi loài tà yêu quỷ quái? Nên suốt ngày hôm sau vẫn tụng niệm như thường cho đến
nửa đêm, yêu quái lại xuất hiện…

– … Và chọi bể mõ nữa?

– Thưa không! Chuyến này nó chọi ngay vào đầu hòa thượng, cũng may là
cục gạch nhỏ nên nhà chùa chỉ bị thương chảy máu đau lắm, đủ cho hòa
thượng không dám tin tưởng yên trí tụng niệm như trước nữa, thu xếp kinh kệ ra về.

Nhà Vua gật đầu :

– Hòa thượng có lý lắm! Rút lui là phải, nếu không yêu quái chọi đá lớn
nguy hiểm đến tánh mạng chớ chẳng chơi đâu!… Tôi có thể xem qua căn
phòng của lệnh ái không?

– Xin tùy tiện. Tố Xuân cũng như con cháu của đại nhân.

Trần Thanh dẫn nhà Vua lên lầu vào phòng Tố Xuân. Thiếu nữ xanh mét, bạc nhược nằm đắp mền trên giường. Càn Long nhìn qua, bảo họ Trần – Ngay từ bây giờ, tiên sinh dời lệnh ái về nằm cùng với lệnh phu nhân, thuốc
thang tử tế. Vì sợ hãi nên Trần tiếu thớ mất tinh thần đau ốm chớ không
sao đâu.

Trần Thanh hỏi :

– Đại nhân cần những lễ vật gì để trừ tà?

– Một cây mộc côn thật chắc, đèn đuốc cho nhiều, chờ chừng nào yêu quái
tới tôi đón đánh thì thắp lên cho đủ sức sáng. Có vậy thôi.

Ngạc nhiên về lối trừ tà kỳ dị của quý khách, không cần dùng đến đàn
tràng cúng lễ mà chỉ hỏi cây mộc côn thật chắc, Trần Thanh muốn hỏi cho
rõ nhưng thấy Cao đại nhân thản nhiên không chút lo âu, họ Trần đành im
lặng không dám hé lời. Tuy vậy trước thái độ đàng hoàng bình tĩnh của
quý khách, Trần Thanh nghĩ thầm có lẽ họ Cao pháp thuật siêu việt, nên
không cần bày vẽ như các thầy pháp, thầy bùa nhan nhản trong thị trấn.

Đêm hôm ấy, Càn Long bảo Chu Nhật Thanh vào phòng Trần Tố Xuân nằm, giữ
lấy thanh kiếm phòng thân, còn tự mình gác mộc côn nghỉ trong căn phòng
kế bên ở trên lầu. Trần Thanh và Trần Đăng đốc xuất gia nhân phục xung
quanh nhà, chừng nào thấy động sẽ đốt đèn cho sáng, tiếp tay cha con Cao đại nhân bắt tà quái.

Càn Long dặn Nhật Thanh :

– Con đã kinh nghiệm vụ thủy quái bên bến Giang Trung? Vậy vụ tà quái
hiện hình ở đây ắt có ẩn tình chi đó. Đừng cài then cửa, nằm trên giường coi chừng, hễ có yêu quái vào, con cứ việc bạo dạn đánh đuổi như khi
đấu với một người thường. Ngoài ra, mặc ta xử trí.

Nhật Thanh nhất nhất vâng lời.

Đêm hôm ấy không xảy ra chuyện gì cả. Mọi người canh phòng đến ngót canh năm. Nhà Vua bảo Trần Thanh :

– Tiên sinh khá cho phép gia nhân ngủ bù lấy sức canh phòng đêm tới, và
cứ như vậy cho đến khi yêu quái trở lại nạp mình mới thôi.

Đêm hôm sau, vào khoảng quá canh ba, Chu Nhật Thanh đang nằm trong phòng Tố Xuân leo lét với ngọn đèn dầu khêu nhỏ, chợt nghe thấy tiếng động
nhỏ ngoài hành lang. Chàng cầm lấy thanh kiếm tuốt trần lăm lăm sẵn sàng đối phó. Cửa từ từ hé ra. Chàng chú ý nhìn, thấy một bàn tay lông lá
vàng hoe đẩy cửa, đủ chỗ cho một quái vật lông lá đầy mình, đầu lớn như
chiếc đấu, mắt trợn trắng dã, miệng rộng đỏ lòm lộ hai hàm răng trắng
nhởn gớm khiếp. Thảo nào mà Trần Tố Xuân không khỏi khiếp đởm đau liệt
giường liệt chiếu! Quái vật xoay lưng nhẹ khép cửa. Đồng thời Chu Nhật
Thanh nhìn thấy sau lưng quái vật có gài song đao để trần sáng loáng.
Chàng hiểu ngay nhà Vua đã đoán đúng ẩn tình trong vụ yêu quái hiện hình này. Quái vật từ từ tiến đến bến giường toan đưa tay vén cửa màn, nhưng dường như y đã nhận thấy qua lớp mùng the người lạ nằm giường, chớ
không phải là thiếu nữ yêu kiều họ Trần, nên vội lùi bước chăm chú nhận
xét.

Biết rằng không khi nào quái vật đến gần nữa, Chu Nhật Thanh bèn vùng dậy vén mùng nhảy xuống sàn gạch bông quát lớn :

– Yêu quái, coi kiếm ta đây!

Vội lùi lại mấy bước, quái vật rút song đao, đầu lắc la lắc lư gớm
khiếp. Nhật Thanh xả luôn một nhát kiếm ngang vai con quái vật ấy. Quái
vật rút đao gạt mạnh, đoạn dùng chân đẩy cánh cửa mở toang nhảy vụt ra
ngoài hành lang.

Nhưng giữa lúc ấy, Càn Long thét long trời lở đất :

– Đạo tặc còn chờ chi nữa mà không nộp mình!

Tức thì ngọn côn hạ chéo xuống đỉnh đầu yêu quái. Lanh lẹ dị thường.
Quái vật hoa song đao lên gạt côn và chém trả đòn. Càn Long trở đốc côn
gạt. Thừa thế, quái vật phóng mình qua lan can ra mái ngói từng dưới
toan tẩu thoát. Nhà Vua vội theo sát thúc luôn ngọn côn nữa. Bị theo
đòn, quái vật đàng múa song đao gạt, đánh. Một người, một vật hỗn chiến
trên mái nhà. Côn, đao va chạm xoang xoảng trong đêm tối nghe thật ghê
rợn. Chu Nhật Thanh không thạo môn phi thiềm tẩu bích, đành cầm kiếm áp
trận trên lan can.

Lúc đó ở dưới sân Trần Thanh và Trần Đăng đốc thúc bọn gia nhân bật
hồng, đốt đuốc sáng rực như ban ngày. Càn Long biết đối phương là một
tên gian đạo lợi hại sau máy hiệp qua lại nên đánh riết không để y có
lợi thế để tẩu thoát. Song đao loang loáng chống với cây côn chuyển như
vũ bão, gây nên một chiến trường chiến đấu thật gay go trên mái dốc.

Càn Long đứng phía trên cao hơn, lợi thế hơn, đánh toàn đòn thượng áp
đảo quái vật ra rìa mái. Trái lại, quái vật luôn luôn lia đao xuống chân địch thủ quyết hạ đối phương ngay trên mái cho tiện đào tẩu. Nhưng côn
dài, đao đoản, Càn Long che chở không chút sơ hở. Đao qua côn lại trên
ba chục hiệp, Càn Long ra đòn như vũ bão bắt buộc đối phương nhường thế
trận ra tới ven mái và sau đó phải nhảy xuống hoa viên. Nhà Vua liệng
mình theo ngay, Chu Nhật Thanh cũng vội theo thang lầu xuống nhà dưới,
chạy ra hoa viên nhập chiến, tiếp tay cha nuôi.

Đánh với nhà Vua, quái vật chỉ ngang tay, nay thêm Chu Nhật Thanh, dĩ
nhiên y phải cố gắng công phu gấp đôi, ra sức mong thoát hiểm. Được
ngoài hai chục hiệp nữa, nhà Vua thừa lúc quái vật mải đỡ lát kiếm của
Nhật Thanh là thấp ngang cổ chân, thúc ngược đốc côn vào mang tai y.
Quái vật vội né đầu tránh nhưng đốc côn đã đánh trượt hất cái đầy giả
lỏng lẻo của y rớt xuống đất, lộ ra đầu thật của một tên diện mạo hung
ác đen thui, mặt rỗ chằng chịt, râu quai nón lởm chởm. Mọi người trong
Trần gia trang thấy vậy reo la ầm ầm.

Không cần giấu diếm e ngại nữa, tên gian đạo liều mạng dồn đòn đánh mạnh về phía Chu Nhật Thanh yếu hơn nhà Vua, bắt buộc Nhật Thanh phải lùi
bước.

Thừa dịp y cắp đao chạy, Càn Long tức tốc đuổi theo.

Bắt chợt y chập song đao sang bên tay tả, rút trong túi ra một viên đá,
nhắm ngực nhà Vua chọi mạnh. Càn Long vội né. Viên đá vọt ra rất xa bất
đồ trúng ngay một gia nhân gia nhân cầm đuốc kêu đau ầm ĩ. Tên gian đạo
liệng liên tiếp ba lần. Càn Long biết y lợi hại về môn chọi đá nên đề
phòng tránh được cả, theo sát không rời một bước. Túng thế, chạy được
một quãng ngắn, y quay lại đánh thục mạng, song đao loang loáng khá lợi
hại. Cây côn của nhà Vua cũng không vừa, quằn quại như giao long uốn
khúc trả đòn ráo riết. Chu Nhật Thanh theo tới nơi xông vào đánh tiếp.

Trận đấu kéo dài, nhà Vua e đối phương chạy mất bèn hạ độc thủ quật mạnh một đường côn theo thế Cuồng Phong Tảo Lạc Diệp ngang mắt cá chân địch
thủ. Tên nọ nhảy vụt lên khỏi mặt đất tránh đòn trong lúc y phải gạt một lát kiếm của Nhật Thanh. Cơ hội tốt, nhà Vua đảo ngược đốc côn hất mạnh trúng ngay đầu địch. Tiếng bốp khô khan dội lên. Gian đạo bể sọ dời
song đao té ngửa trên mặt cỏ quằn quại rồi nằm lịm. Anh em họ Trần và
gia nhân kéo ùa đến gần xem. Tên nọ nằm thoi thóp thở vì trúng tử
thương.

Càn Long hỏi :

– Có ai nhận được mặt tên này không?

Mọi người nhìn kỹ nhưng không ai nhận ra tên giả yêu quái là ai cả. Trần Thanh, Trần Đăng xem chừng y có vẻ khó sống nên tỏ vẻ lo ngại.

Nhà Vua biết ý liền nói :

– Nhị vị tiên sinh chớ lo, việc tên gian tặc này giả yêu quái vào quý
trang quấy rồi nhiều lần, ai ai cũng đều biết. Cứ việc trình quan điều
tra, tôi nhận cho, không hề chi. Nó bị tử thương cũng đáng tội không
oan.

Nói đoạn, Càn Long sai gia nhân khiêng gian đạo và căn nhà cỏ ở vườn
sau, để hai người canh phòng, chờ đến sáng thân bút viết lá trạng cho
Chu Nhật Thanh cùng Trần Đăng vào thành báo quan.

Trên trấn vội cho Giáo đầu đem quân lính xuống Trần gia trang xem xét và lập biên bản. Giáo đầu trấn thấy nhà Vua tướng mạo phi phàm biết không
phải thường nhân, vả lại chứng cớ rành rành, đành lập biên bản tại chỗ,
mời Cao đại nhân ký nhận có can thiệp giúp họ Trần bắt yêu quái, chẳng
dè tên gian giả quái dị trúng tử thương trong cuộc giao đấu gay go. Làm
giấy tờ xong xuôi, Giáo đầu cho quân khiêng tên gian đạo đi, nhưng lên
đến nha thì y tắt thở. Thế là vụ án đành bị bỏ qua. Nhà họ Trần cũng
không biết vì lẽ gì tên gian bị tử thương lại can thiệp ngăn cản Trần Tố Xuân lấy họ Sái, nhà Vua bảo anh em Trần Thanh :

– Theo ý tôi, chắc có kẻ nào muốn kết thân với lệnh ái nên mướn tên côn
đồ có bản lãnh nọ đến quý trang quấy phá chớ chẳng sai. Vậy sau sau khi
lệnh ái hồi phục, tiên sinh nên lo liệu việc cưới xin, ván đã đóng
thuyền, không còn ai dòm ngó sanh sự nữa.

Trần Thanh mừng rỡ thoát khỏi ách yêu ma quấy rối cả tháng trường, bèn
đặt tiệc lớn tẩy trần tạ ơn Cao đại nhân ra tay cứu giúp, lưu nhà Vua ở
lại chơi vài ngày. Càn Long nhân dịp nán lại Trần gia trang thăm thú
vùng quê, thấy dân chúng an cư lạc nghiệp thì rất đỗi hoan hỉ từ biệt
anh em họ Trần ra đi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.