Đi ước khoảng mười dặm nhìn lại thì chẳng còn thấy thành trì của Lang Trung Hiệp nữa. Lang Trung Hiệp kéo nón cỏ sau lưng đội lên đầu, chạy theo đường lớn về phía đông.
Hắc mã của Tiểu Nhạn cũng theo sát bạch mã ở phía trước đồng thời ngưỡng mộ nhìn Lang Trung Hiệp ngồi trên lưng ngựa.
Lúc nãy ở nhà trông Lang Trung Hiệp người phong thái lãng du giống như một trang tuấn kiệt thường xông pha chốn giang hồ.
Chiếc nón rộng vành dệt cực kỳ tinh xảo phối hợp với chiếc áo dài màu xanh đẹp đẽ, gương mặt thanh tú, đôi mắt sáng lấp lánh có thần, bảo kiếm vang lên lách cách. Phong thái, thần sắc này Giang Tiểu Nhận thêm ái mộ bái phục, lòng nghĩ: “Dù là người võ lâm đi lại chốn giang hồ cũng phải nên có khí phách như vậy. Về đến Tử Dương hay Trấn Ba, nếu bọn Côn Lôn phái nhìn thấy ắt chẳng dám coi thường”.
Trời sắp vào chính ngọ. Hai người đi ước khoảng bốn mươi dặm đường bèn tìm một tiểu trấn điếm ngừng lại vào dùng cơm trưa.
Thức ăn ở tiếu điếm này tuy không ngon nhưng Tiểu Nhạn thấy Lang Trung Hiệp ăn thật ngon lành, hơn nữa một chút rượu cũng không uống. Tiểu Nhạn vốn muốn dùng một chút rượu nhưng thấy Lang Trung Hiệp như vậy, hắn bất giác cau mày cảm thấy vô cùng hổ thẹn.
Lang Trung Hiệp ăn cơm xong nói với Tiểu Nhạn :
– Chúng ta đi thôi!
Rồi Từ Lân đến tính tiền cùng nhau lên đường.
Phía đông đổi sang hướng bắc mà đi. Trên đường mấy lần gặp bảo tiêu.
Tiêu đầu vừa nhìn thấy Lang Trung Hiệp toàn bộ dừng lại cung kính ôm quyền chào hỏi :
– Từ đại gia đi đâu vậy?
Lang Trung Hiệp cũng xuống ngựa vòng tay, mỉm cười nói :
– Tại hạ đi về phía đông có một chút việc để làm.
Chờ cho ngựa của họ Từ đi khỏi, phe bảo tiểu ở phía sau mới dám đi.
Lúc này, trời rất nóng. Tiểu Nhạn không những mặt đầy mồ hôi mà lưng áo cũng đã ướt đẫm. Con hắc mã hết sức cường liệt, thu cương thế nào cũng không chế phục được nó. Thế nhưng dù hắc mã phi phi nhanh thế nào cũng không đuổi kịp bạch mã của Từ Lân. Tiểu Nhạn thở hồng hộc còn Lang Trung Hiệp ở phía trước vẫn an nhiên tự tại, chốc chốc ngoảnh đầu nhìn lại cười :
– Tiểu Nhạn mau lên.
Tiểu Nhạn lại nỗ lực khống chế ngựa cho nó phi nhanh về phía trước.
Lại chạy ước khoảng năm sáu mươi dặm thì thấy trước mặt phía xa xa có một sơn lãnh xanh biếc.
Lang Trung Hiệp thúc ngựa đi vào trong núi. Giờ này người đi đường rất ít. Núi trước mặt càng lúc càng hiện rõ. Thoáng chốc, ngựa đã phi đến chân núi, nhìn thấy sơn khẩu Đột nhiên Lang Trung Hiệp ghìm cương ngựa lại. Tiểu Nhạn sợ thót người cũng vội vã thu cương ghìm ngựa. Hắc mã còn chưa ngừng hẳn chân, cờ hồ muốn hất Tiểu Nhạn xuống đất.
Lang Trung Hiệp lấy bên người ra một bao nhỏ mở ra, bên trong có hai vật rất nhỏ, Lang Trung Hiệp ngoảnh người nói với Tiểu Nhạn :
– Chụp lấy.
Tiểu Nhạn vội giơ tay chụp lấy, mở ra xem thì ra đó là một cái chuông nhỏ bằng bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Lang Trung Hiệp ở phía trước mỉm cười nói :
– Cột trên ngựa đi!
Tiểu Nhạn cảm thấy rất kỳ dị nhưng vẫn đeo chuông vào cổ ngựa. Lang Trung Hiệp cũng đã cột chuông xong. Chuông kêu leng keng. Lại thúc ngựa tiếp tục đi vào sơn khẩu. Tiểu Nhạn vội đuổi theo.
Hai ngựa mang hai cái chuông kêu leng keng lại thêm thanh âm vó ngựa giẫm lên đá, vang lên tiếng lách cách giống tiết tấu bản hùng ca. Tiếng vang trong sơn cốc nghe thật dễ chịu.
Tiểu Nhạn khoan khoái cười vui trên lưng ngựa lòng cao hứng thầm nghĩ: “Lang Trung Hiệp thực là một đại hiệp khách hơn nữa lại phong lưu nho nhã. Nếu ta không bái người làm sư phụ thật uổng cả một đời”.
Theo sơn lộ chạy vòng vo khoảng hai ba mươi dặm đường cũng không gặp được một bóng người.
Lúc ra khỏi sơn khẩu, nhìn trước mặt thấy bảy, tám người đều đang chờ ở đó. Tiểu Nhạn thầm kêu: “Không xong, đạo tặc rồi”.
Chạy đến gần, Tiểu Nhạn mới nhìn thấy bọn người này không mang vũ khí nhưng người nào cũng cầm bình rượu với chung rượu. Thấy Lang Trung Hiệp đến, tất cả ôm quyền cung kính.
Đại hán dẫn đầu mặc một cái áo rộng bước lên cười nói :
– Từ đại gia đi về đâu? Trời hôm nay nóng như vậy xin mời uống chung rượu. Nếu không xin mời lên núi nghỉ ngơi một chút.
Long Trung Hiệp mỉm cười khoát tay rồi ôm quyền như ngầm nói đa tạ :
– Tại hạ không dám uống rượu.
Rồi nhẹ nhàng thúc ngựa chạy đi, Tiểu Nhạn cũng chạy theo hơn nửa dặm mới quay người lại nhìn thì bọn kia vẫn còn đứng nơi sơn cốc nhìn theo.
Long Trung Hiệp quay người nói với Tiểu Nhạn :
– Cất chuông đi, chừng nào gặp núi thì hãy đeo vào.
Giờ đây Tiểu Nhạn mới biết chuông là ám hiệu của Lang Trung Hiệp. Bọn cường đạo trên núi nghe tiếng chuông bạc biết Lang Trung Hiệp đến không những không dám hạ sơn đánh cướp mà còn cung kính tiễn rượu.
Tiểu Nhạn lúc này xem Lang Trung Hiệp như thần nhân lòng thầm nghĩ: “Một người đi trên giang hồ muốn được như vậy phải có bản lĩnh như thế nào nhỉ. Người như vậy nếu có đến Tử Dương, Trấn Ba còn lo gì không đánh bại huynh đệ họ Long và Bào lão đầu chứ. Đại thù sát phụ không thể tự mình rửa hận phải đi nhờ người khác thì ta là người gì? Dù sau này ta có tuyệt nghệ như thế nào vĩnh viễn cũng không thể xưng anh hùng trước mặt người khác”.
Vì thế lòng hắn rất buồn phiền, lại nghĩ: “Đến Tử Dương huyện gặp huynh đệ họ Long dù Lang Trung Hiệp có ngăn cản ta động thủ, dù võ nghệ ta không đủ, hơn nữa nhỏ người sức yếu nhưng ta cũng quyết một phen liều mạng với bọn chúng. Không tự tay giết kẻ đại thù sát phụ thì không được”.
Lòng hắn càng nóng nảy thúc ngựa càng nhanh hơn.
Lang Trung Hiệp dường như không muốn hắc mã phía sau vượt qua bạch mã nên hắc mã càng phi nhanh thì bạch mã càng tăng tốc độ lao vùn vụt.
Chạy thẳng đến lúc này hoàng hôn đã đi ước khoảng hai trăm dặm đã đến địa giới Thiểm Nam.
Lang Trung Hiệp dẫn Tiểu Nhạn không vào khách điếm mà đến một thôn trang. Trong thôn có mười mấy con chó lớn chạy theo hai người sủa loạn xạ.
Thoáng chốc, bước ra mấy tráng đinh, nhất tề giận dữ lên tiếng hỏi :
– Là ai? Sao dám vào thôn mà không xuống ngựa?
Lang Trung Hiệp vẫn ngạo mạn nói :
– Là ta. Ta họ Từ.
Bọn tráng đinh vừa nghe tiếng nói này, thanh âm giận dữ biến thành cung kính nói :
– Thì ra là Từ đại gia. Bọn tại hạ không nghĩ là đại gia đến đây.
Lúc đó Lang Trung Hiệp và Giang Tiểu Nhạn mới xuống ngựa. Bọn tráng đinh dẫn hai con ngựa đi đồng thời đuổi mấy con chó lớn vào trong. Còn một tráng đinh khác cung kính mời Lang Trung Hiệp và Tiểu Nhạn vào trong một trang viện to lớn.
Vừa vào đến đã có hai trang chủ ra tiếp nghinh.
Hai người này đối với Lang Trung Hiệp thập phần cung kính.
Lang Trung Hiệp cũng khách sáo chỉ Tiểu Nhạn giới thiệu :
– Đây là đồ đệ của ta.
Tiểu Nhạn nghe lời này cảm thấy thập phần hân hoan nên cũng vội cung kính chào lại trang chủ. Rồi hai trang chủ cùng mọi người vào khách đình.
Vào trong khách sảnh, Tiểu Nhạn mới nhìn kỹ thấy hai người này niên kỷ khoảng trên bốn mươi. Một người mặt tròn, thân mập, râu đen xồm xoàm. Một người mặt vàng, thân thấp dáng dấp như một thư sinh yếu nhược.
Lang Trung Hiệp nói với Tiểu Nhạn :
– Hai vị trang chủ này là thúc điệt. Vị này là Tử Diện Sư Viên Dũng, còn vị này là Sấu Bá Vương Viên Tử Chiêu là những nhân vật lừng danh vùng Xuyên Bắc.
Tiểu Nhạn đối với họ thập phần cung kính.
Thúc điệt nhà Viên gia đều rất chú ý đến Giang Tiểu Nhạn rồi hỏi Lang Trung Hiệp tiếp nhận đồ đệ này lúc nào. Lần trước gặp sao không nghe nói đến.
Lang Trung Hiệp mỉm cười nói :
– Tuy hắn đã bái ta làm sư phụ nhưng ta vẫn chưa dạy cho hắn võ nghệ. Hai người hãy bảo người chuẩn bị cơm rượu trước rồi hãy từ từ kể lại.
Thế là Viên Tử Chiêu dặn dò gia nhân chuẩn bị cơm rượu. Thúc điệt họ Viên rót rượu mời Lang Trung Hiệp nhưng Lang Trung Hiệp không uống.
Tiểu Nhạn nhiều ngày vẫn chưa uống một giọt rượu, thấy rượu cũng thèm nhưng vì thấy Lang Trung Hiệp không uống, thì thân là đồ đệ làm sao dám uống, còn Viên Tử Chiêu đích thân mang rượu đến mới :
– Sư phụ huynh đệ sẽ chẳng nói gì đâu.
Tiểu Nhạn cung kính chối từ :
– Tại hạ thực không biết uống.
Đến lúc Viên Tử Chiêu cầm ly rượu trở về, hắn cảm thấy có chút hối tiếc.
Lang Trung Hiệp đem lai lịch gia cảnh của Tiểu Nhạn sơ lược kể qua, lại nói :
– Lần này ta định đi về phía Bắc đến Tử Dương rồi trở lại Trấn Ba quyết đấu với Bào Côn Lôn.
Thúc điệt họ Viên nghe xong đều biến sắc.
Lang Trung Hiệp cũng nghiêm giọng nói :
– Sáng hôm nay bọn ta khởi hành tại gia trang đi cả ngày hơn hai trăm dặm, nghỉ ở đây một đêm, sáng mai sẽ lên đường đi khỏi Ba Cốc quan vượt qua Mễ Thượng sơn đi về Tử Dương huyện. Ta cũng biết lần này khiêu chiến với ba, bốn mươi người của Bào Côn Lôn không phải là việc dễ, ta chẳng dám xem thường chúng nhưng chúng đã ép ta thái thậm. Tuy mười năm trước ta không thắng Côn Lôn phái nhưng chưa phải là thua. Hôm nay ta quyết sống mái với chúng một trận. Nếu bọn chúng không thắng được ta thì buộc người Côn Lôn phái không được đi về Xuyên Bắc. Nếu ta có tử thương hay bại trận, ta cũng vĩnh viễn không qua Ba Sơn.
Khi Lang Trung Hiệp nói, khí thế hiên ngang hào hùng khiến thúc điệt họ Viên cũng ngẩn người.
Viên Tử Chiêu chau mày nói :
– Đại thúc, người chỉ có hai sư đồ đi lên phía trước e rằng có chút cô thế rồi.
Viên Dũng vội trợn mắt ngăn điệt tử.
Lang Trung Hiệp lại mỉm cười nói :
– Nếu mời thêm người giúp thì thà ta đừng đi chuyến này có hơn không.
Viên Dũng lại hỏi :
– Từ đại gia đi chuyến này nhất định đại thắng. Bào Côn Lôn đã già rồi, riêng bọn đồ đệ của lão lại không có người võ nghệ cao cường.
Lang Trung Hiệp nói :
– Ta thì không muốn ép Bào Chấn Phi vì lão già, còn môn đồ của lão, ta có nghe qua có Chí Cường, Chí Trung võ nghệ họ không kém đâu.
Viên Dũng lại mỉm cười, rót một chung rượu nói với Lang Trung Hiệp :
– Mấy mươi năm nay, lần thứ nhất tại hạ mới thấy Lang Trung Hiệp nhận đồ đệ. Vị Giang tiểu huynh đệ này dung mạo quả thật hơn người. Tại hạ nghĩ sau này hắn nhất định sẽ đem vinh quang về cho Từ đại gia. Còn tiểu hài tử của ta năm nay tròn mười tuổi, lần trước Từ đại gia đến đây còn chưa gặp nó.
Nói rồi quay qua Viên Tử Chiêu bảo :
– Cháu mau dẫn biểu đệ ra đây.
Viên Tử Chiêu “vâng” một tiếng đi ra khỏi phòng, Tiểu Nhạn cũng chờ xem tiểu trang chủ như thế nào, so với mình ra sao.
Chờ một lát, Viên Tử Chiêu dẫn huynh đệ thúc bá của gã ra.
Tiểu Nhạn nhìn xem thì ra đó là một tiểu hài tử khoảng mười tuổi vừa ốm vừa thấp, mặc áo nhung lụa.
Viên Dũng nói :
– Hài tử mau đến bái kiến Từ đại thúc. Không phải hài tử thường nói muốn học võ nghệ hơn người sao. Nếu hài tử không bái Từ đại thúc làm sư phụ thì không được.
Tiểu hài tử đó bèn khom người ra mắt Lang Trung Hiệp, sau đó phụ thân hắn giới thiệu Giang Tiểu Nhạn. Tiểu Nhạn vòng tay đáp lễ nhưng tên hài tử đó không thèm lý gì đến Tiểu Nhạn, chỉ chớp mắt đứng nhìn.
Viên Dũng ngại Tiểu Nhạn giận nên nói :
– Tên tiểu hài thật quá kiêu ngạo, cũng vì nó không được đi lại trên giang hồ, tiểu điệt cũng đừng nên trách hắn Tiểu Nhạn chỉ cười không nói.
Lang Trung Hiệp lại hỏi :
– Hài tử này tên gì? Đã học võ chưa?
Viên Dũng nói :
– Tên hắn là Kính Nguyên, từ năm bảy tuổi ta đã dạy võ nghệ nhưng vì thân thể yếu nhược, học ba năm mà chẳng thu hoạch được gì. Tại hạ nghĩ hài tử chắc không học được những công phu nặng nề nên chỉ dạy khinh công cho hắn.
Lang Trung Hiệp nói :
– Võ nghệ khinh công thì đáng được gì trừ khi biết thêm phép điểm huyệt nhưng phép điểm huyệt phải là người có tâm mới học được.
Viên Dũng trầm tư một lát rồi nói :
– Bất luận thế nào cũng phải cho hài tử ra ngoài tầm sư học võ, bằng như chỉ học ở ta thì chẳng thu được kết quả gì.
Lang Trung Hiệp cười nói :
– Huynh quá khách sáo rồi.
Viên Dũng cười khanh khách rồi bảo nhi tử của mình cùng nhập tiệc ngồi ở cuối bàn.
Cơm rượu đã xong, đàm đạo một hồi, hai người cùng ở lại Viên gia ngơi nghỉ.
Sáng sớm hôm sau cùng nhau thức dậy. Người ở Viên gia cùng nhau đưa tiễn, vòng tay cáo biệt.
Lang Trung Hiệp vẫn giục ngựa chạy lên phía trước còn Tiểu Nhạn cho ngựa chạy theo sau.
Chạy khoảng ba, bốn mươi dặm đã ra khỏi Ba Cốc quan. Chạy không xa ra đến Mễ Thương sơn. Đây là ranh giới giữa Xuyên Bắc và Thiểm Nam.
Lang Trung Hiệp và Tiểu Nhạn lại cột chuông bạc vào cổ ngựa, tiếng chuông vang lanh canh, cả hai đi vào trong núi.
Tư thế Lang Trung Hiệp ngang nhiên, nhìn chung quanh đi thẳng vào sơn đạo không gặp một cường tặc nào.
Ra khỏi núi là địa giới của Hán Trung phủ. Tử Dương huyện ở phía đông, Trấn Ba huyện về phía Đông nam.
Đi đến đây Giang Tiểu Nhạn cũng không biết đường, cứ một mực chạy theo Lang Trung Hiệp, thầm nghĩ: “Sắp đến quê hương ta rồi, cũng sắp gặp được A Loan. Nếu Lang Trung Hiệp đánh với Bào Côn Lôn, ta đương nhiên phải giúp Từ gia, làm sao A Loan không nổi giận cho được”.
Hắn nghĩ thế nên lòng buồn bã, sau cùng hắn nghĩ: “Bao lão đầu đã sáu mươi bảy tuổi rồi, thật là đáng thương, vả lại lão đối đãi với ta không tệ, phụ thân ta lại không do lão giết, ta phải khuyên Lang Trung Hiệp hạ thủ lưu tình mới được, không nên sát hại lão. Còn lúc tỷ võ cũng nên tìm nơi khác mới được không thể đánh trong nhà để tránh cho A Loan kinh hãi”.
Tiểu Nhạn bèn đem ý nghĩ này thỉnh cầu với Lang Trung Hiệp nhưng thấy người vẫn không màng đến thúc ngựa chạy đi. Hơn nữa gương mặt của Từ Lân hết sức nghiêm khắc.
Chuông ngựa vẫn không tháo ra vang lên tiếng leng keng dường như để người trên đường chú ý, ngụ ý thông báo rằng Lang Trung Hiệp đã đến Thiểm Nam rồi.
Tiểu Nhạn thấy vậy lòng sinh sợ hãi, không dám nói thêm câu nào nữa thúc ngựa về hướng đông trên mười dặm Thình lình, thấy một đoàn xe hàng đi từ phía bắc về phía nam, Tiểu Nhạn bất giác thất thanh kêu lên :
– Sư phụ… Mau nhìn. Đây là xe hàng của bọn Bào Côn Lôn.
Lang Trung Hiệp ngoảnh đầu cười với Tiểu Nhạn :
– Đừng sợ.
Rồi Lang Trung Hiệp liên tiếp thúc ngựa vung roi chạy đến. Tiểu Nhạn cũng chẳng dám chậm trễ thúc ngựa chạy theo.
Thoáng chốc, bạch mã đã xông đến trước đoàn xe, tách đoàn xe lớn này thành hai đoạn. Tiểu Nhạn cũng chạy theo.
Tiếng chuông trên ngựa kêu leng keng. Tiêu xa và ngựa đều dừng lại.
Mười mấy tiêu đầu đưa mục quang kinh ngạc lẫn tức giận nhìn bọn họ.
Lang Trung Hiệp trên lưng ngựa ngoảnh đầu lại cười ngạo nghễ.
Bên này có mấy người bàn tán với nhau mấy câu rồi chúng nén nhịn cho xe ngựa đi về phía nam. Bọn chúng còn ngoảnh mặt nhìn lại một hồi.
Lang Trung Hiệp đắc ý cười nói :
– Bọn chúng đã nhận thấy ta nhưng không dám giao thủ. Mi biết không, xông thẳng đến tách xe hàng ra là điều cấm kỵ nhất trên giang hồ. Nếu không phải là ta, chúng không tha đâu.
Tiểu Nhạn nghe mấy lời này ngoảnh đầu nhìn lại phía sau có chút ngẩn ngơ. Đột ngột, Từ Lân chỉ về phía Tây nói :
– Lại có người đến nữa.
Tiểu Nhạn lại nhìn về phía tây, quả nhiên một đám bụi mù bốc lên, ước có mười mấy con ngựa. Giang Tiểu Nhạn kinh ngạc nói :
– Ai đây? Cũng là bọn Côn Lôn phái đến sao?
Lang Trung Hiệp ghìm cương ngựa lại, nhón cao người để nhìn rồi khẽ nói :
– Để xem người đến này ở phương nào?
Đoàn người ngựa từ phía tây chạy đến càng lúc càng gần, bụi mù bốc lên càng lúc càng cao. Thoáng chốc đã đến trước mặt họ.
Hai người đi đâu đột nhiên vung tay. Mặt Lang Trung Hiệp bất giác lộ vẻ không vui. Tiểu Nhạn lúc này đã nhận ra đoàn nhân mã đó chính là thúc điệt nhà Viên gia dẫn theo mấy tráng đinh tổng cộng khoảng chín con ngựa. Họ đều mang binh khí.
Tiểu Nhạn lòng rất hoan hỉ nghĩ thầm: “Có thêm mấy người này giúp đỡ thì tốt, không sợ người đông của Côn Lôn phái”.
Còn Lang Trung Hiệp trái lại vô cùng bực bội, cho ngựa bước lên, cao giọng hỏi :
– Các ngươi sao cũng đến đây?
Viên Dũng cười ha ha nói :
– Lang Trung Hiệp độc đấu Côn Lôn phái, việc mấy trăm năm không gặp. Náo nhiệt này không xem thật uổng cả đời ta. Bọn ta chỉ muốn xem chứ không phải đến hỗ trợ người đâu.
Viên Tử Chiêu cũng nói :
– Bọn tại hạ muốn đến xem trận long tranh hổ đấu này chứ chẳng có ý giúp đại thúc, Từ đại thúc đừng giận dữ như vậy.
Lang Trung Hiệp mỉm cười nói :
– Như vậy chúng ta hà tất phải đi chung một đường.
Viên Dũng nói :
– Được rồi. Chúng ta phân hai đường đi. Các người đi trước, bọn ta theo sau. Chúng ta không đi cùng nhau.
Viên Tử Chiêu đưa mắt nhìn Tiểu Nhạn. Lúc này Tiểu Nhạn mới biết thúc điệt này là bằng hữu của Lang Trung Hiệp, vì không an tâm bằng hữu một mình vào hang hổ nên hôm qua họ không nói, hôm nay mang tráng đinh âm thầm theo trợ lực. Nếu gặp phải Lang Trung Hiệp không đấu lại đám đông, họ sẽ ra mặt tiếp viện.
Long Trung Hiệp không nói nhiều với thúc điệt họ Viên mà ra hiệu cho Tiểu Nhạn thúc ngựa chạy đi.
Thúc điệt họ Viên cũng cố ý ghìm cương ngựa lại không đuổi theo họ.
Từ Lân và Tiểu Nhạn đi một mạch chạy về phía đông chừng mấy mươi dặm.
Trời đã gần trưa thì đến một tòa tiểu trấn.
Lang Trung Hiệp tìm một tửu điếm vội vã dùng cơm xong, liền dẫn Tiểu Nhạn đi về phía đông. Hắn thấy Lang Trung Hiệp không hỏi thăm người đi đường, dường như nơi này Lang Trung Hiệp rất quen thuộc khiến Tiểu Nhạn ngạc nhiên bước lên hỏi :
– Sư phụ, người thường đến Thiểm Nam phải không?
Từ Lân nói :
– Ta không đến thường đâu nhưng sáu, bảy năm trước có đi qua rồi, ba năm trước lại đến một lần nhưng bọn Bào Côn Lôn lại không biết.
Đi một lát, Từ Lân lại nói :
– Ta với Bào Côn Lôn có thù thâm sâu không phải một ngày một bữa. Những tiêu đầu Côn Lôn phái đi bảo tiêu về Xuyên Bắc rất đông, chúng hoành hành chẳng kiêng dè đều bị ta đánh giạt trở về. Ta nghĩ Bào Côn Lôn nhất định hận ta tận xương tủy. Lão hiện tại đã già rồi, nếu là hai mươi năm trước ta không đi tìm lão chắc rằng lão cũng quyết tìm ta.
Nói đến đây, Lang Trung Hiệp không nói gì nữa, im lặng phóng ngựa về phía đông. Đi đến hoàng hôn thì tới một thị trấn.
Lang Trung Hiệp thu ngựa ngoảnh đầu nói với Tiểu Nhạn :
– Nơi đây chỉ cách Tử Dương huyện hai mươi dặm. Chúng ta phải vào đây nghỉ ngơi. Sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ tìm huynh đệ họ Long giao đấu nhưng đêm nay trong khi ngủ đồ đệ phải vạn phần cảnh giác đề phòng ám toán vì bọn chúng biết chúng ta đến rồi.
Tiểu Nhạn nghe lời này lòng thấy khẩn trương.
Thế rồi, Lang Trung Hiệp tìm một khách điếm mướn phòng. Dùng cơm xong hai người nghỉ ngơi.
Quả thật, đêm nay Tiểu Nhạn không yên giấc được. Hắn cứ giật mình cơ hồ thấy có người Côn Lôn phái đến. Còn Lang Trung Hiệp cả đêm kiếm chẳng rời thân nhưng lại ngủ rất say sưa. Đến sáng hôm sau Lang Trung Hiệp thức dậy trông thản nhiên trong khi Tiểu Nhạn cảm thấy tinh thần rất mệt mỏi.
Hai người dùng bữa điểm tâm xong, Lang Trung Hiệp bảo Tiểu Nhạn đi chuẩn bị ngựa, trả tiền phòng xong dắt ngựa đi ra.
Lang Trung Hiệp nhìn thấy Tiểu Nhạn có vẻ uể oải, mệt mỏi nên mỉm cười :
– Mi không cần phải sợ. Huynh đệ họ Long ta xem như chó mèo, tuy nhiên Bào Côn Lôn dù đã già rồi nhưng ta không dám khinh thị đâu.
Nói xong thúc ngựa đi về phía đông. Đi ước khoảng hai mươi dặm thì thấy một tòa thành trì. Ngựa xe người qua lại thật là đông đúc.
Huyết mạch của Tiểu Nhạn dường như rất căng thẳng. Hắn hỏi :
– Sư phụ, phía trước là Tử Dương sao?
Lang Trung Hiệp nói :
– Không sai. Mi đừng sợ, cứ theo ta.
Tiểu Nhạn cũng ngạo nghễ nói :
– Đệ tử một chút cũng không sợ.
Tay chân hắn như không tự chủ, ngứa ngáy chốc chốc cứ muốn tuốt đao ra, nhảy xuống ngựa mà đi.
Từ Lân ở phía trước vẫn thản nhiên thúc ngựa đi chầm chậm vào tây môn.
Tiếng chuông bạc của hai người không ngừng leng keng vang lên. Mọi người không ngừng nhìn bọn họ.
Thoáng chốc đã đến trước một cánh cửa to lớn. Trên tường và cửa đều dùng mực đen viết Thành Viễn tiêu điếm.
Từ Lân ngoảnh đầu nhìn Tiểu Nhạn nói :
– Đến rồi!!
Rồi giục ngựa đi vào trong cửa.
Lúc này, trong tiêu điếm có đặt một cái ghế dài. Trên đó có một người đang ngồi dưỡng thương, mặt xanh, râu rậm chính là Xuyên Vân Yến Long Chí Đằng. Thì ra hắn chính là người lúc ở nhà sư phụ Bào Chấn Phi đã bị Tiểu Nhạn một đao cắm vào bụng đến nay thương thế chưa hết.
Vừa thấy Lang Trung Hiệp Từ Lân cưỡi ngựa đi vào tiêu điếm, hắn sợ quá “ái” một tiếng. Lại thấy Tiểu Nhạn cũng cưỡi ngựa xông vào. Cả hai đều đã tuốt kiếm ra.
Long Chí Đằng run rẩy đứng không nổi, cao giọng hét :
– Được rồi! Bọn mi đến báo thù phải không. Nếu muốn giết thì cứ giết ta đi.
Tiểu Nhạn lúc này trợn mắt phẫn hận vừa đỏ vừa to, nhảy xuống mình ngựa, cầm đao bước đến định giết Chí Đằng.
Từ Lân vội kêu lên :
– Không được giết một kẻ bị thương, như vậy đâu phải anh hùng.
Lúc này đã xuất hiện thêm ba tiêu đầu. Hai người cầm cương đao, một người mới đi đến giá binh khí mà tuốt thương. Tiểu Nhạn nhận ra người này chính là Trần Chí Tuấn.
Chí Tuấn cũng nhìn thấy Tiểu Nhạn, trợn mắt nói :
– Ra là tiểu tử mi.
Chí Tuấn cầm thương định đâm Tiểu Nhạn nhưng bị hai sư huynh đứng cạnh bên ngăn lại. Hai sư huynh này chính là Cổ Chí Minh và Thần Quyền Hầu Chí Quyền.
Cổ Chí Minh ôm quyền vòng tay hỏi :
– Bằng hữu quý tính là gì? Đến đây để làm chi?
Lang Trung Hiệp còn chưa đáp thì Long Chí Đằng từ trên trường y đã nói lớn :
– Hắn chính là Lang Trung Hiệp Từ Lân.
Chí Minh vừa nghe nói đến danh tính này thì mặt mày đã biến sắc.
Lang Trung Hiệp nhảy xuống mình ngựa, giao ngựa cho Tiểu Nhạn, bước lên mấy bước, mũi kiếm chĩa thẳng, phẫn nộ nói :
– Bọn ngươi đều là đồ đệ của Bào Côn Lôn phải không? Bọn ngươi bảo tiêu đi đến Xuyên Bắc việc gì cũng dám làm. Chí Đằng và huynh đệ của hắn lần trước thừa lúc ta không có nhà đã sát tử hai tráng đinh của ta. Hôm nay, nếu không vì hắn bệnh ta ngay tức khắc một kiếm giết chết hắn. Ta đến đây không có việc gì khác, chỉ muốn tỷ thí với bọn ngươi. Trừ phi bọn ngươi dập đầu nhận thua, nếu không một tên ta cũng không chừa. Sau đó, ta sẽ tìm đến Bào Côn Lôn lão thất phu.
Chí Minh, Chí Quyền nghe Từ Lân mắng Bào sư phụ tức thì hai khẩu đao vung ra phủ vào đơn kiếm của Từ Lân.
Chí Tuấn dùng trường thương hộ thân chạy đến đẩy trường kỷ của Chí Đằng ra. Sau đó, hắn hầm hầm chạy đến một thương đâm Tiểu Nhạn.
Nhưng lúc này Từ Lân đã một kiếm đâm trúng Chí Quyền nên Chí Tuấn vội vã chạy qua giúp. Mới ba hiệp, đã bị kiếm của Lang Trung Hiệp đánh rơi trường thương của hắn, lại một kiếm nữa vai của Chí Tuấn đã trúng thương máu chảy dầm dề. Chỉ còn lại Chí Minh thi triển đao pháp chống ngăn Từ Lân.
Bảo kiếm trong tay Lang Trung Hiệp như rồng bay phượng múa, tả xung hữu đột khiến người ta khó mà đề phòng.
Nhưng Chí Minh cũng là một môn đồ kiệt xuất trong Côn Lôn phái, đệ nhất cao thủ trong Tử Dương tam kiệt. Đao pháp của Chí Minh thi triển ra cũng không dễ gì mà Từ Lân có thể lập tức thắng được.
Bảo kiếm của Lang Trung Hiệp cứ tìm chỗ hiểm đâm vào, trên đầu bổ xuống.
Chí Minh cầm cương đao ngăn đỡ, cảm thấy nội lực của Từ Lân thật cường mạnh khiến cổ tay tê chồn, nên không dám chính diện nghênh địch. Mỗi lần kiếm đối phương bỏ xuống, Chí Minh lại né tránh thừa khe hở mà quét đao xuống dưới chân của Lang Trung Hiệp, nhưng Từ Lân không chỉ tùy lực mà tấn công đồng thời còn bảo vệ cho mình rất là chặt chẽ khiến cho Chí Minh không thể đắc thủ.
Giao thủ mười mấy hiệp, Chí Minh vừa đánh vừa lui. Lui ra gần đến cửa.
Tiểu Nhạn hét to :
– Sư phụ đừng để hắn chạy.
Bất ngờ, từ ngoài xông vào một đại hán thân thể như gấu, tay cầm cương đao chính là Long Chí Khởi. Gương mặt mập mạp đen đúa của hắn không còn chút sắc người, hét to :
– Hay cho Lang Trung Hiệp.
Rồi xông tới liên thủ với Chí Minh đánh Từ Lân. Hai người liên thủ, hai khẩu đao phân ra tả hữu, một chém, một kích mãnh liệt.
Lang Trung Hiệp một kiếm cũng không lui, bay tả chém hữu, thoáng mắt đã chiến đấu với hai người mười mấy chiêu nữa.
Bỗng nghe một tiếng hét thảm vang lên. Chí Minh thọ thương té nhào xuống đất, Chí Khởi gượng người định chạy ra ngoài. Từ Lân nhảy vọt qua khỏi người Chí Minh truy đuổi ra ngoài.
Tiểu Nhạn kéo hai con ngựa, cầm khẩu đao cũng chạy ra bên ngoài.
Lúc này, trên đường nhiều người kinh hoàng chạy tránh ra. Chí Khởi cầm đao liều mạng chạy về phía tây.
Lang Trung Hiệp từ phía sau đuổi gấp. Đuổi không xa thì thấy bên đường có một tiêu điếm khác chạy ra mười mấy người tay cầm đao thương nhường đường cho Chí Khởi rồi ngăn Lang Trung Hiệp lại.
Từ Lân biết bọn này là người Côn Lôn phái đâu dễ dung tình, vung kiếm lên chém đã thương hai người mới xông qua bọn này mà đuổi tiếp.
Tiểu Nhạn cưỡi lên lưng ngựa, dắt một con cầm đao hét lên xống qua đám người này chạy theo Lang Trung Hiệp mà đuổi Chí Khởi đồng thời miệng thét lên :
– Đừng để hắn chạy. Người Côn Lôn phái đáng hận nhất là tên này.
Chí Khởi chạy bất kể trời đất, cắm đầu chạy về phía tây. Chạy hơn một dặm thì thấy phía đối diện xông đến một đoàn nhân mã. Người trên lưng ngựa vừa thấy Chí Khởi đã tuốt đao ngăn cản.
Chí Khởi cũng nhận ra đây là thúc điệt họ Viên ở Xuyên Bắc, Nam Giang huyện. Chí Khởi tức giận vung đao nhảy qua giao thủ cùng với bọn tráng đinh và thúc điệt họ Viên.
Lúc này, Từ Lân và Tiểu Nhạn từ phía sau đã đuổi đến.
Chí Khởi trong lúc cực kỳ nguy hiểm, một mặt hắn điên cuồng hét to, một mặt vung đao chém tới muốn cướp đường bỏ chạy.
Chợt sau lưng Tiểu Nhạn phi đến một con hắc mã như tên bắn. Người trên ngựa chính là Lỗ Chí Trung.
Chí Trung thúc ngựa vượt qua Tiểu Nhạn đuổi đến Lang Trung Hiệp vung đao mà chém.
Lang Trung Hiệp quay người đưa kiếm mà đỡ.
Chí Trung và Lang Trung Hiệp giao chiến một hồi. Lang Trung Hiệp không muốn đánh lâu nên toàn dùng những độc chiêu nghĩa là chỉ trong ba kiếm có thể đánh ngã Chí Trung nhưng Chí Trung vẫn đủ sức tránh né và phản chiêu.
Từ Lân có chút kinh ngạc, kiếm pháp càng triển khai nhanh hơn, hàn quang lạnh lẽo luôn bức Chí Trung. Nhưng Chí Trung cũng vung cương đao như bay trên dưới chống đỡ.
Long Chí Khởi thấy cứu tinh đã đến, tinh thần phấn chấn bèn kéo một gia đinh của Viên gia đoạt lấy ngựa, phóng lên yên phi như bay về hướng tây.
Bọn người Viên gia không đuổi theo Chí Khởi mà quay ngựa lại vây chặt Chí Trung.
Tiểu Nhạn vội la lớn :
– Đừng đả thương Lỗ Chí Trung. Hắn là người tốt.
Chí Trung cũng vừa ngăn được một kiếm của Lang Trung Hiệp, vội nói :
– Lang Trung Hiệp hãy dừng tay. Cho ta biết các người đến đây quyết đấu với bọn ta là vì lý do gì?
Lang Trung Hiệp thu kiếm cười nhạt nói :
– Lý do gì? Các ngươi không tự biết sao. Bọn đồ đệ Côn Lôn phái các người mấy năm nay đến Xuyên Bắc hoành hành. Lần này ta đến đây là muốn chỉ giáo các ngươi.
Lại chỉ bọn người Viên gia nói :
– Bọn người này vô can. Ta quyết không để bọn họ giúp ta. Nếu ngươi không phục có thể cầm đao đến đây, chúng ta giao đấu một trận thắng bại.
Lỗ Chí Trung vòng tay nói :
– Lang Trung Hiệp, ta nghe nói từ lâu ngươi là hảo anh hùng ở đất Xuyên Trung. Một chút hiềm khích giữa hai nhà chúng ta có thể nói ra hà tất phải động gươm đao. Người thiên hạ biết được hẳn là sẽ cười hai nhà chúng ta.
Từ Lân vẫn cầm kiếm, cười lạnh nói :
– Mi lại muốn nói chuyện chính khí với ta sao? Mi quên rằng huynh đệ họ Long đã sát hại gia nhân của ta à? Hiên giờ ta chẳng có thời gian nói chuyện với mi vả lại mi chỉ có một người, ta chẳng muốn giao thủ với mi.
Từ Lân tiếp lấy bạch mã trong tay Tiểu Nhạn nhảy lên ngựa, thu đao quay lại nói :
– Chúng ta đến Trấn Ba huyện tìm Bào Côn Lôn.
Lỗ Chí Trung bất giác rùng mình kinh hãi :
– Tiểu Nhạn, ngươi phải suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng một phút bạo động.
Tuy lòng Tiểu Nhạn có chút khó xử nhưng hắn vẫn im lặng thúc ngựa theo Từ Lân đi về phía tây. Thúc điệt họ Viên cũng thống lĩnh gia đinh phi ngựa theo.
Tiếng chân ngựa đồm độp, bụi bay mù mịt từ đông chuyển sang tây đi về Trấn Ba huyện.
Sấu Bá Vương Viên Tử Chiêu thúc ngựa đến gần Tiểu Nhạn hỏi :
– Giang hiền điệt, phải chăng thân phụ của hiền điệt là Giang Chí Thăng.
Tiểu Nhan gật đầu trầm mặt nói :
– Không sai. Huynh đệ họ Long là kẻ thù sát hại phụ thân tại hạ.
Viên Tử Chiêu nói :
– Hiền điệt cũng đừng ôm hận đối với huynh đệ họ Long. Ta đã thám thính được trên đường, Giang Chí Thăng, phụ thân của hiền điệt là do chính tay Bào lão đầu giết chết. Việc này toàn bộ đồ đệ của lão đều biết những chẳng ai dám nói ra.
Tiểu Nhạn nghe lời này lòng đau đớn, đầu óc nặng nề, cơ hồ muốn té xuống đất vội ghìm cương ngựa lại, chảy nước mắt nói :
– Ta đã sớm biết rồi. Bào lão đầu chẳng những giết phụ thân ta mà lúc đầu lão còn định giết cả ta nữa đó.
Nói đến đây hắn buông tiếng khóc lớn, rồi lại nói tiếp :
– Vì lão giết phụ thân ta khiến mẫu thân phải đi cải giá. Ta còn có một bào đệ mà chẳng thể mang được họ Giang. Trước sát tử thân phụ sau muốn hại mạng ta nhưng không hiểu vì sao lão lại lưu ta cho nuôi heo chăn ngựa. Bào Chí Lâm nhi tử của lão hàng ngày đánh mắng sỉ nhục ta.
Lang Trung Hiệp ở phía trước ngoảnh đầu lại nói :
– Mi đừng khóc nữa. Hôm nay ta sẽ thay mi mà báo thù.
Tiểu Nhạn vẫn khóc ngất nói :
– Sư phụ, đồ đệ không mong muốn người báo thù thay con. Đồ đệ muốn tự mình đánh Bào Côn Lôn.
Lang Trung Hiệp mỉm cười nói :
– Việc đó đâu có dễ.
Rồi quay lại nghiêm khắc nói với mọi người :
– Lát nữa sẽ đến Trấn Ba, khi ta và Bào Côn Lôn giao đấu, các ngươi không được tương trợ nếu không ta chẳng niệm tình đâu.
Viên Dũng cười ha hả nói :
– Bọn ta quyết không giúp đỡ. Chúng ta đến đây cốt chỉ để xem náo nhiệt mà.
Đoàn nhân mã do Lang Trung Hiệp dẫn đầu phi như bay về phía Tây nam qua một dãy núi đã đến Trấn Ba.
Hiện giờ, đã xế chiều. Mọi người tuy chưa dùng cơm nhưng không dừng lại mà càng phi nhanh hơn. Thoáng chốc, Tiểu Nhạn đã nhìn thấy Trấn Ba huyện thành lại như thấy Bào Gia thôn, lòng hắn thật nôn nóng nhớ đến Bào gia thù nhân, lại nhớ đến Bào A Loan khả ái, nhớ đến bào đệ và mẫu thân ở trong thành.
Đoàn người ngựa vừa đến Bào Gia thôn đã nhìn thấy phía trước năm, sáu người cầm đao đứng chờ trước cửa.
Tiểu Nhạn nhận ra là Bào Chấn Phi lão sư, Long Chí Khởi, Mã Chí Hiền, Lâm Chí Bảo, Lưu Chí Viễn và một người không quen, không có Bào Chí Lâm, còn Bào A Loan đứng xa xa ở một gốc cây, tay cầm thanh kiếm nhỏ, trợn mắt nhìn Giang Tiểu Nhạn có vẻ căm hận lắm. A Loan mặc một chiếc áo màu hồng. Tiểu Nhạn bất giác đỏ mặt cúi đầu nhưng khi hắn nhìn thấy Bào lão sư mắt lại long lên sòng sọc như muốn thiêu chết lão.
Bào Chấn Phi tay cầm Côn Lôn đao ngăn bọn môn đồ, rồi đơn độc bước lên, mặt mày tím ngắt râu tóc dựng ngược, dáng vẻ như hết sức căm hận. Lão khoát tay lớn tiếng nói :
– Vị nào là Lang Trung Hiệp, xin mời xuống ngựa.
Lang Trung Hiệp một mặt ngăn thúc điệt Viên gia, một mặt xuống ngựa tay cầm bảo kiếm, nói :
– Tại hạ chính là Lang Trung Hiệp Từ Lân.
Bào lão sư trợn mắt ngắm nghía Lang Trung Hiệp một hồi rồi mới vòng tay chào hỏi. Lại hít một hơi chân khí mới hỏi :
– Từ đại hiệp đến đây phải chăng thay Giang Tiểu Nhạn báo phụ thù. Phụ thân Tiểu Nhạn là do lão giết chết. Từ gia cứ động thủ với với lão, nhưng đừng đả thương đồ đệ của lão.
Lang Trung Hiệp lắc đầu nói :
– Không phải, Giang Chí Thăng là đệ tử của Côn Lôn phái. Thù hận giữa sư đồ các người không liên quan gì đến tại hạ. Lúc này tuy Tiểu Nhạn đi theo ta nhưng không ai giúp ai. Tại hạ đến vì việc của riêng mình với lão sư.
Bào Chấn Phi nói :
– Ta chưa từng gây hấn với người.
Lang Trung Hiệp nói :
– Lão tuy chưa gây chuyện gì nhưng đồ đệ của lão hoành hành ở vùng Xuyên Bắc.
Bào lão sư nói :
– Vậy thì dễ rồi. Đại hiệp cứ chỉ tên nào đã phạm lỗi, lão sẽ bảo chúng ra tạ lỗi.
Lang Trung Hiệp nói :
– Trừ phi bảo hắn đền mạng. Hiện giờ Long Chí Đằng đang thọ thương, ta không muốn giết hắn. Còn Long Chí Khởi đang có mặt tại đây, tại hạ muốn mang hắn đi.
Bào lão sư lắc đầu nói :
– Lang Trung Hiệp đừng nên ép người thái thậm. Các đồ đệ của lão theo lão bao nhiêu năm như nhi tử, trừ khi chúng phạm tội dâm ô thì lão sẽ giết chết không chút dung tình nhưng phải do lão hạ thủ, người khác muốn giết hắn trước mặt lão cũng không được. Hừ! Đừng nói Lang Trung Hiệp chỉ là giang hồ vãn bối cả Thục Trung Long, Long Môn Hiệp cũng đừng mơ tưởng.
Lang Trung Hiệp nghe nói lập tức cầm kiếm đến gần.
A Loan đứng dưới gốc cây cầm kiếm chạy đến la lớn :
– Gia gia, coi chừng. Hắn muốn ám toán người.
Bào lão sư ngoảnh đầu mỉm cười nhìn tôn nữ :
– Điệt nữ, đừng lo. Lang Trung Hiệp không phải hạng người đó đâu.
Sau đó quay đầu nói với Lang Trung Hiệp :
– Ta biết võ nghệ của Từ đại hiệp hơn hẳn các đồ đệ ta nhưng Bào Chấn Phi này tự tin đủ sức thắng ngươi. Nếu hai mươi năm trước, Bào lão tự quyết không để ngươi tìm đến Trấn Ba để đả thương mấy đồ đệ của lão.
Nói đến đây, Bào lão sư trợn đôi mắt hung ác nhìn, Lang Trung Hiệp cũng giận dữ trợn mắt lại, nói :
– Bất tất nhiều lời. Chúng ta động thủ.
Bào lão sư một tay hoành đao, một tay khoát khoát nói :
– Đừng gấp. Ta có vài lời muốn nói.
Rồi lão vuốt râu nói tiếp :
– Ta đã già rồi. Đồ đệ rất đông, nhi tử có hai người nhưng tất cả võ nghệ đều tầm thường. Ta chẳng muốn chúng kết thù với ai. Nếu không khi ta chết chúng sẽ bị áp bức nên ngay cả với Giang Tiểu Nhạn cũng không muốn gây hấn.
Lang Trung Hiệp nói :
– Nếu vậy lão để tại hạ mang một mình Long Chí Khởi đi thôi, tất cả đồ đệ còn lại và cả lão cũng vô can.
Bào lão sư nói :
– Như vậy thì không được. Dù thế nào ta cũng phải bảo hộ đồ đệ của mình. Hiện giờ chỉ như vậy được thôi.
Nói đến đây, lão sư vung đao chém xuống.
Lang Trung Hiệp vội dùng kiếm đỡ đao nhưng cảm thấy sức lực của lão sư rất trầm trọng.
Bào lão sư lại đột nhiên trợn mắt nói :
– Chúng ta giao thủ mấy hiệp. Nếu ngươi thắng, ta sẽ dùng đao tự sát, đồ đệ ta do ngươi định liệu. Bằng như ta thắng thì sao.
Lang Trung Hiệp hậm hực nói :
– Ta vĩnh viễn không đến Thiểm Nam nữa, còn vùng Xuyên Bắc tùy các ngươi qua lại.
Bào lão sư cao giọng nói :
– Được.
Kiếm, đao lập tức chạm nhau vang leng keng. Rồi Lang Trung Hiệp thu kiếm về vung ra một chiêu ba thức bổ xuống, chân như không chạm đất từng bước tiến lên.
Ba kiếm đầu, lão sư hoàn bộ thoái lui tránh né. Đến kiếm thứ tư chém đến, Côn Lôn đao của lão sư mới vung lên. “Keng” một tiếng lớn, kiếm bị đánh bạt ra.
Lang Trung Hiệp vội rút tay về, một kiếm đâm vào vai phải của Bào lão sư.
Lão sư vội vã nghiêng người sang phải tránh né nhanh nhẹn vung đao bạt bảo kiếm ra đồng thời đao lại quét xuống hạ bộ đối phương.
Kiếm của Lang Trung Hiệp vội vã quét xuống, thân nhảy lên nhưng sức lực của Bào lão sư rất hùng hậu. Đao không bị kiếm tạt ra mà còn đè lấy bảo kiếm dùng sức mà đẩy.
Lang Trung Hiệp thu kiếm đằng không như một cánh chim bằng xòe cánh, bảo kiếm quét vào bụng Bào lão sư nhưng đã bị đao đánh giạt ra.
Qua lại năm, sáu hiệp người hai bên chăm chú theo dõi nhưng không phân biệt thắng bại.
Thình lình, Lang Trung Hiệp nhảy qua một bên, thu kiếm lại, Bào lão sư cũng vậy, thu chân khí.
Lang Trung Hiệp mặt mày trắng bệch, chạy đến bên ngựa phóng lên ra roi chạy mất.
Giang Tiểu Nhạn cùng bọn họ Viên đều kinh ngạc chẳng rõ có chuyện gì cũng tức tốc phi ngựa tất cả đuổi theo.
Lang Trung Hiệp đang chạy theo đại lộ về hướng nam nên Tiểu Nhạn cùng thúc điệt họ Viên cũng ra roi cho ngựa về hướng nam, nhưng không dám hỏi chuyện gì.
Một thoáng đã qua khỏi Nam Sơn, đi về Xuyên Bắc thì Lang Trung Hiệp ở phía trước mới ghìm cương ngựa lại. Tiểu Nhạn vượt lên hỏi :
– Sư phụ. Người chưa bại sao lại thoái lui?
Lang Trung Hiệp mỉm cười thảm não nói :
– Mi đừng gọi ta là sư phụ nữa.
Theo đó, giơ cánh tay áo lên, Tiểu Nhạn mới nhìn thấy cánh tay áo màu xanh đã bị cắt một khoảng lớn bên trong thấm ra một dòng máu tươi.
Lang Trung Hiệp nói :
– Đây là Bào Côn Lôn không muốn kết thù nên ra tay còn lưu tình bằng không cánh tay này đã bị tàn phế rồi. Bào lão tài nghệ quả danh bất hư truyền. Ngày nay lão đã già thân thể nặng nề sức lực đã kém trước, nếu là trước đây ta thật chẳng phải là đối thủ.
Nghe đến đây Tiểu Nhạn và thúc điệt họ Viên đều biến sắc. Lang Trung Hiệp tiếp tục nói :
– Từ giờ trở đi, ta sẽ chẳng bao giờ đặt chân đến Thiểm Nam này nữa.
Rồi quay sang nói với Tiểu Nhạn :
– Mi cũng đừng học võ với ta nữa, nếu không vĩnh viễn chẳng thể nào thắng được Bào Côn Lôn. Mi nên tìm một danh sư khác.
Giang Tiểu Nhạn nhảy xuống ngựa hỏi :
– Ở đâu còn có danh sư khác?
Lang Trung Hiệp trầm tư một lát nói :
– Khai Phong phủ có Thần Ưng Cao Khánh Húy tuyệt nghệ về môn điểm huyệt, võ nghệ hơn hẳn ta một bậc. Mấy năm trước, ta cùng hắn đánh cờ ở hậu viên Khai Phong phủ, hắn thường lấy thuật điểm huyệt ra trêu chọc ta. Mi cứ nói việc này chắc rằng hắn sẽ thu mi làm đồ đệ. Nếu mi không học điểm huyệt ngoài võ nghệ ra ta đoan chắc muôn đời mi cũng thất bại trước Bào Côn Lôn.
Lang Trung Hiệp khoát tay từ giã Tiểu Nhạn rồi cùng thúc điệt họ Viên đi khỏi.
Giang Tiểu Nhạn đứng nhìn đám bụi mù càng lúc càng xa, ngờ ngẩn hồi lâu rồi thầm nghĩ: “Lang Trung Hiệp nói không sai, trừ khi học điểm huyệt mới có thể báo phụ thù. May mà lộ phí ta có đủ. Ta phải mau đi Khai Phong phủ mới được”.
Vừa lên ngựa cảm thấy bụng đói, Tiểu Nhạn nghĩ phải tìm nơi ăn uống nghỉ ngơi nên thúc ngựa đi về phía đông không xa thì thấy một tiểu thôn trấn, thầm tính: “Nơi đây thật vắng vẻ, yên tĩnh có lẽ bọn Bào Côn Lôn không tìm đến đây, có thể dừng chân tạm nghỉ được”.
Tiểu Nhạn tìm một tửu điếm gọi rượu thịt ăn uống xong, lòng chợt sầu não, ưu tư nghĩ: “Lang Trung thật là một tay anh hùng hảo hán thế mà cũng không địch nổi Bào Côn Lôn. Võ nghệ Bào lão đầu quả thật đáng sợ. Trước đây ta không biết càng không đoán định được chính lão là thủ phạm đã hạ sát thân phụ”.
Nghĩ đến phụ thân bị giết lòng thực thảm thương lại nghĩ: “Ta đã mất không một chuyến về gia hương, cả mẫu thân và bào đệ Tiểu Lộc cũng không được gặp. Tuy mẫu thân đã cải giá với Đồng Đại nhưng vẫn là kẻ sinh thành ra ta, bất luận thế nào ta cũng phải về thăm họ mới được vì biết đâu sau này khó lòng gặp mặt”.
Hắn gạt nước mắt, định lén trở về Trấn Ba thăm mẫu thân. Hắn nghĩ phải hết sức lưu tâm nếu không bị bọn Bào Côn Lôn bắt được thì chẳng còn tính mạng. Lần này ta về cùng Lang Trung Hiệp không chừng bọn họ càng hận ta hơn. Nhìn thấy lúc nãy A Loan trợn mắt nghiến răng có vẻ căm hận. Lẽ ra A Loan không hận ta mới phải. Bao năm sống với Bào gia chịu bao nỗi khổ đau cực hình nhục nhã A Loan không biết sao. Tuy ta đối với A Loan thực lòng yêu mến nhưng cũng khó có thể ngăn ta báo thù.
Càng uống càng buồn nên đổ ly rượu, tính tiền, lên ngựa đi thẳng về hướng Bắc tìm một con đường vắng vẻ, len lén trở lại Ba Sơn. Sau đó định phương hướng ra đường lộ, cố ý đi tránh Bào Gia thôn, quất ngựa về phía bắc.
Lúc này trời đã chập choạng tối, khắp nơi đều nhuộm đỏ ánh tà dương.
Lại chạy một lúc ngoảnh đầu thì thấy Trấn Ba huyện đã ở phía sau. Tiểu Nhạn vội quay đầu ngựa lại, lấy can đảm thúc ngựa đi vào đông môn thành.
Nhìn thấy lại đường phố chốn cố hương lòng bần thần mang chút bị ai. Hắn cảnh giác cẩn thận tìm những đường không có người quen.
Thoáng chốc đã đến tiệm lụa của Đồng Đại. Tiệm này rất nhỏ, bên trong mờ mờ tối chỉ có Đồng Đại nằm ngủ cạnh quầy.
Tiểu Nhạn cột ngựa ngoài cửa, đi vào mặt mày đỏ bừng.
Đồng Đại đang định đứng dậy hỏi mua gì.
Tiểu Nhạn vòng tay nói :
– Đồng Đại thúc không nhận ra cháu sao? Tiểu điệt là Giang Tiểu Nhạn. Hôm nay đi ngang đây muốn vào thăm mẫu thân và bào đệ Tiểu Lộc, mong địa thúc cho gặp.
Đồng Địa nghe lời này ngẩng đầu quan sát Tiểu Nhạn một hồi, giận dữ mắng :
– Ai da! Thì ra là tiểu tử. Mi quên vừa rồi đã náo loạn Bào gia ra sao. Tiểu tử mi to gan thật. Đi mau! Đi mau! Ta không thèm nhận ra mi. Mẫu thân mi đã cải giá với ta thì là người của ta. Ta không cho ả gặp mi thì không thể gặp. Đi mau. Nếu không ta sẽ la lên là mi đã giết người ở Bào Gia thôn.
Tiểu Nhạn giận qua định nhảy vào đánh chết Đổng Đại. Nhưng lúc này bên ngoài bước vào một người kéo hắn lại. Tiểu Nhạn hoảng sợ giật mình ngoảnh đầu lại nhìn, thì ra đó là di phụ Mã Chí Hiền.
Mã Chí Hiền nói không ra tiếng :
– Chạy mau, Chí Khởi đang ở trong thành. Hôm nay điệt nhi kết thù hận lớn như vậy, chắc chắn hắn khó buông tha.
Giờ này, Tiểu Nhạn mới lo sợ vội vã chạy ra khỏi tiệm, mở ngựa, ngoảnh đầu nói với Chí Hiền :
– Di phụ, tạm biệt.
Thúc ngựa chạy ra khỏi tây môn, tìm đường đi về phương bắc. Qua một dãy núi, Tiểu Nhạn mới cho ngựa đi chậm lại, hai mắt không ngừng tuôn rơi lệ, lòng nghĩ: “Nếu không vì Bào lão đầu giết phụ thân ta để bây giờ ngay cả mẫu thân ta cũng không thể gặp mặt, ngay cả cố hương cũng chẳng dám dừng chân”.
Nghĩ vậy lòng như lửa đốt buông cương cho ngựa chạy nhanh về hương bắc.
Chẳng bao lâu, trời đã tăm tối. Tiểu Nhạn đi đến một tiểu thôn trấn, tìm một khách điếm nghỉ qua đêm.
Sáng hôm sau, hắn rời tiêu điếm đi về Tây Hương huyện rồi chuyển sang đông mà đi. Đến trưa đã vào Tử Ngưu trấn.
Tử Ngưu trấn cũng là một nơi náo nhiệt. Đi về phía bắc qua Tử Ngưu hà lại chạy bốn, năm mươi dặm thì đến Chung Nam. Chỉ cần qua Chung Nam sơn thì đến Chung Trung.
Hắn vừa đi vừa hỏi thăm đường đến Khai Phong phủ. Đến đây vì trời nóng, miệng khát lại đến lúc dùng cơm trưa nên hắn xuống ngựa trước một tửu điếm rồi đi vào.
Chân trước vừa bước vào quán, chân sau đã có người bước theo. Tiểu Nhạn lo lắng ngoảnh đầu lại nhìn thì ra đó là một lão tiên sinh, trạc tuổi lục tuần, mắt đeo cặp kính, râu đã hơi bạc, đầu đội một cái nón nhỏ, thân mặc áo bào màu lam.
Lão tiên sinh này ngồi đối diện với hắn. Tiểu Nhạn muốn uống rượu, lão tiên sinh đó cũng uống rượu đồng thời lão lấy ra một quyển sách trong bọc hành lý nhỏ, vừa uống rượu vừa xem sách đến độ xuất thần.
Tiểu Nhạn thầm ái mộ, lòng nghĩ: “Biết chữ thật là tốt quá! Cầm một quyển sách xem có thể tiêu sầu giải muộn, còn ta một chữ cũng không thông”.
Vì thế hắn cười hỏi :
– Lão tiên sinh đọc sách gì thế?
Lão tiên sinh rời mắt khỏi cuốn sách, ngửng lên nhìn Tiểu Nhạn rồi nói :
– Lão xem đường thi.
Giọng nói là khẩu âm phương nam nên Tiểu Nhạn nghe hiểu được, lòng nghĩ: “Có lẽ lão tiên sinh này là một tú tài, chắc tài học tuyệt luân”.
Hắn uống hai chung rượu thấy lão tiên sinh vẫn thích thú xem sách, Tiểu Nhạn không biết trong sách có những điều thú vị gì nên cung kính hỏi :
– Lão tiên sinh là tú tài phải không?
Lão tiên sinh đó lắc đầu nhưng không nói, vẫn thản nhiên xem sách.
Tiểu Nhạn uống rượu rất nhiều lại muốn ăn cơm trưa bèn hỏi :
– Lão tiên sinh cũng dùng chút thức ăn chứ?
Lão tiên sinh đó khoát tay nói :
– Ta không ăn.
Tiểu Nhạn bèn ăn một mình. Một hồi lâu, lão tiên sinh mới đặt sách xuống, nghiêng tay rót một chung rượu rồi nhìn Tiểu Nhạn.
Tiểu Nhạn mỉm cười hỏi :
– Lão tiên sinh làm quan à?
Lão tiên sinh lại lắc đầu :
– Lão phu trước nay chưa vào chốn quan trường. Ta đến đây chỉ để nhàn du thôi.
Tiểu Nhạn gật đầu nói :
– Tinh thần lão tiên sinh sảng khoái quá.
Tiểu Nhạn nghĩ: “Người đọc sách thái độ họ hòa nhã. Ví như lão tiên sinh này với Bào Côn Lôn thì vị tiên sinh này giống như một Bồ tát, còn Bào Côn Lôn tựa một hung thần”.
Lão tiên sinh mỉm cười nhìn Tiểu Nhạn :
– Tiểu hài, ngươi từ đâu đến đây, lại muốn đi về đâu?
Tiểu Nhạn nói :
– Tiểu bối từ Trấn Ba huyện đến, lại muốn đi về Khai Phong phủ.
Lão tiên sinh kinh ngạc nói :
– Ái chà! Xa như vậy hài tử mi có thể đi được sao?
Tiểu Nhạn chỉ ngoài cửa :
– Tiểu bối có ngựa!
Lão tiên sinh vội hỏi :
– Ngươi đến Khai Phong phủ làm gì? Phụ mẫu mi lại có thể mi đi vậy sao?
Lời nói này khiến Tiểu Nhạn càng thương tâm, thở dài lắc đầu nói :
– Tiểu bối không có phụ mẫu. Lão tiên sinh, tiểu bối chỉ là một khổ hài tử. Tiểu bối tuy năm nay mới chỉ mười bốn tuổi nhưng cái khổ nào cũng đã trải qua. Trên đời, người hòa nhã như lão nhân gia ở đây thực là hiếm có.
Lão tiên sinh càng kinh ngạc hỏi :
– Tại sao vậy? Mi làm việc gì? Nếu phụ mẫu chết rồi thì lấy gì mưu sinh. Lần này đến Khai Phong phủ để tìm ai?
Tiểu Nhạn đáp :
– Tiểu bối đến Khai Phong phủ là cốt tìm cho được Thần Ưng Cao Khánh Húy do Xuyên Bắc Lang Trung Trung Hiệp khuyên bảo tìm người đó để đầu sư.
– Ai da!
Tiểu Nhạn tiếp :
– Lão tiên sinh là người đọc sách nên tiểu bối mới nói rõ, tiểu bối là người học võ. Phụ thân của tiểu bối bị người giết chết, hại tan cửa nát nhà, mẫu thân và bào đệ cũng không được gặp mặt. Tiểu bối tìm đến Khai Phong phủ gặp Cao Khánh Húy để mong học điểm huyệt về báo thù thân phụ.
Nói đến đây hắn nghẹn ngào khóc.
Hiện giờ, chẳng có thực khách nào nữa, Tiểu Nhạn để mặc tâm tình kích động.
Lão tiên sinh nghe nói không ngừng gật đầu :
– Hài tử ngươi thật có chí khí.
Tiểu Nhạn lại nói :
– Lão tiên sinh có chuyện gì cần đến Khai Phong phủ không? Tiểu bối có thể thuận đường làm giúp.
Lão tiên sinh lắc đầu :
– Lão chẳng có việc gì phiền hài tử mi.
Tiểu Nhạn gọi tính tiền còn định trả thay cho lão tiên sinh nhưng lão khoát tay nói :
– Đừng khách sáo, lão hủ còn dùng cơm không biết bao nhiêu mà tính.
Tiểu Nhạn ôm quyền cung kính nói :
– Lão tiên sinh, tiểu bối xin cáo biệt.
Lão tiên sinh gật đầu không đứng dậy, Giang Tiểu Nhạn ra khỏi tửu điếm quất ngựa về hướng bắc tìm một bãi cỏ cho nó ăn. Sau đó, lên ngựa vung roi về Tử Dương hà.
Chạy thẳng về phía bắc ước khoảng hai, ba mươi dặm thì gặp núi Chung Nam.
Lúc này, trời hãy còn sớm. Người đi đường thưa thớt. Xe ngựa vắng tanh, Tiểu Nhạn cảm thấy khó khăn, lòng nghĩ: “Chung Nam sơn còn cao hơn núi cao nhất ở quê ta. Không biết sơn lộ bao nhiêu xa. Hiện giờ, trời còn sớm nhưng đi trong núi khoảng ba mươi dặm thì đã tối đen rồi. Nếu trong núi không có khách điếm ta sẽ nghỉ ở đâu? Gặp hùm beo thì ta biết làm sao?”.
Thế là tìm một nông phu gần đó, dắt ngựa hỏi :
– Xin hỏi đại ca, muốn qua Chung Nam sơn đi đến Quang Trung không biết vào núi đi bao xa mới có khách điếm.
Người nông phu đó nói :
– Trong núi không có khách điếm, chỉ có nhà người ta có thể nghỉ nhờ qua đêm được nhưng tiểu hài tử mi không thể một mình vào núi. Trong núi có…
Nói đến đây, nông phu bước đến cạnh ngựa chỉ vào núi cao phía bắc nói :
– Ngươi vào núi một mình là dâng mạng đó. Trên núi có mười mấy sơn trại. Trại chủ đều là người nổi tiếng, bản lĩnh Ngân Tiêu Hồ Lập không vừa, thường thường cưỡi ngựa ra ngoài du ngoạn. Ngươi đừng nên qua núi một mình, tốt nhất đến Từ Ngưu trấn mà chờ. Chờ đôi ba ngày có xe của tiêu đầu, ngươi xin đi nhờ theo sau. Bằng không chỉ cần mi đi chưa quá hai dặm là đã xảy ra chuyện.
Tiểu Nhạn vừa nghe vừa nghĩ thầm: “Xe hàng trên đường này đều là của Côn Lôn phái, ta đâu có thể theo được. Thôi ta cứ đành một mình lên núi cao. Chưa hẳn đã gặp cường đạo, chẳng may gặp thì trên ngựa ta có treo chuông bạc, lại cùng chúng nói mấy câu nghĩa khí giang hồ. Chúng biết ta là người của Lang Trung Hiệp chắc không đến nỗi đả thương ta”.
Nghĩ thế nên cảm tạ nông phu rồi phi ngựa theo hướng núi mà đi. Thoang chốc đã đến sơn khẩu.
Đi trên sơn lộ ước khoảng mười mấy dặm, Tiểu Nhạn mới nhìn ra thế núi Thái Lĩnh này thật khác với các núi ở Xuyên Bắc. Không chỉ núi cao hiểm trở, nhấp nhô trập trùng. Mỗi ngọn núi cao ước khoảng mấy trăm trượng, kéo dài bất tận. Hơn nữa, cây cối rậm rạp, um tùm, có nhiều chỗ cây mọc xanh biếc giống một rừng hoang dã chưa có dấu chân người.
Đi rất lâu cũng chẳng thấy người nhưng thỉnh thoảng lại thấy trong mấy hang động lững lờ bay lên những cụm khói mịt mờ. Trong đó có lẽ có người ở.
Theo sơn lộ khúc khủyu quanh co đi hơn hai mươi dặm đường đi càng lúc càng hẹp lại và dốc, Tiểu Nhạn không thể cưỡi ngựa nên xuống ngựa, từng bước từng bước đi lên. Lên càng cao thấy mình và ngựa sắp lên một đỉnh núi, ngẩng đầu nhìn xem đột nhiên nhìn thấy một người mang bao tải nhỏ nhẹ nhàng đi hướng lên trên, sắp gần đến đỉnh núi. Tiểu Nhạn thầm bái phục nghĩ thầm: “Người này sao lên núi nhẹ nhàng như vậy. Khi nãy nghe nông phu nói cường đạo trên núi này còn nhiều hơn đá núi. Mười bảy, mười tám người không dám đi còn người đó dám đi một mình, lưng lại mang hành lý quyết không giống người cư trú trong núi”.
Vừa đi vừa nghĩ lại đi thêm mấy bước, tỉ mỉ quan sát thì thấy người trước mặt rất quen thuộc, Tiểu Nhạn bất giác kinh ngạc “a” lên một tiếng. Thì ra người trước mặt chính là lão tiên sinh gặp nơi quán rượu.
Tiểu Nhạn thầm nghĩ: “Lúc ta lên đường thì lão còn ở đó chậm rãi ăn uống mà, còn ta không ngừng chân ngựa đi hơn năm, sáu mươi dặm đường lại đi nửa ngày trong núi, tại sao lão nho sinh lưng mang hành lý lại có thể đi trước ta. Thật khó tin”.
Cho nên hắn mở miệng gọi lớn :
– Lão tiên sinh.
Người đi trước sắp đến đỉnh núi, ngoảnh mặt lại nhìn. Giang Tiểu Nhạn kinh ngạc lại kêu lên, vội nhảy lên lưng ngựa chạy thục mạng lên đỉnh núi, không ngừng nói :
– Lão tiên sinh, sao người lại lên núi nhanh như vậy. Ái chà! Lão tiên sinh, người quả thật là thần cước đó.
Lão tiên sinh trước mặt nhìn xuống cười lớn, gật đầu. Gió núi thổi râu tóc lão bay bay trông tựa vị thần tiên. Tiểu Nhạn nghĩ: “Đây quả là một lão thần tiên”.
Hắn thúc ngựa khó khăn lắm mới lên được đỉnh núi, mệt đến độ không kịp thở, mồ hôi tuôn như mưa. Còn lão tiên sinh thì từ lâu đứng trên đỉnh núi chờ hắn, nét mặt thản nhiên chẳng lộ chút mệt nhọc, nhẹ nhàng như áng mây trôi, như cánh hạc từ ngàn dặm bay về đỉnh núi.
Tiểu Nhạn ghìm cương, thở hổn hển hỏi :
– Lão tiên sinh, sao người đi nhanh đến vậy? Chỉ cần có cước bộ như lão nhân gia, qua lại giang hồ đâu cần dùng ngựa.
Lão tiên sinh vẫn bình thản cười nói :
– Lão đi đường tắt đó mà.
Tiểu Nhạn hỏi :
– Lão tiên sinh, tiểu bối đi đường này có đúng không?
Lão tiên sinh gật đầu nói :
– Đúng rồi. Hài tử mi đi hết ngọn núi này, qua hai ngọn núi nữa, đường đi bên đó rộng rãi, có nhà người ta, có thể xin nước uống.
Tiểu Nhạn ôm quyền nói :
– Đa tại lão tiên sinh. Tạm biệt!
Hắn phóng ngựa thuận theo sơn lộ chập chùng mà đi xuống dưới. Chạy một lúc hắn ngoảnh đầu nhìn lại thì vẫn thấy lão tiên sinh còn đứng trên đỉnh núi.
Tiểu Nhạn tiếp tục ra roi đi về phía bắc ước khoảng năm, sáu mươi dặm thì gặp phải ngọn núi cao hơn ngọn núi vừa rồi. Đang suy nghĩ không biết có nên cưỡi ngựa lên không, thoáng ngẩng đầu nhìn lên chợt “á” lên một tiếng nữa. Lão tiên sinh tóc bạc, lưng mang hành lý đang thản nhiên đi trên đỉnh núi chập chùng, nhưng nháy mắt lại không thấy đâu nữa.
Tiểu Nhạn sững sờ một hồi, tay chân đổ mồ hôi dầm dề nhưng cảm thấy tay chân lạnh ngắt, thầm nghĩ: “Không xong, đây không phải thần tiên cũng là ma quỷ quyết chẳng phải người”.
Thể là hắn cho ngựa đi vào một sơn lộ khác.
Sơn lộ này âm u, cây cối um tùm. Tiểu Nhạn cảm thấy phát run nhìn mỗi một tảng đá, mỗi gốc cây giống như di nhân đó đang hiện diện chốn này.
Đi trên sơn lộ khúc khủyu, chập chùng phải gian nan vất vả mới vượt qua hai quả núi đó thì không còn thấy lão tiên sinh đó nữa.
Chợt nghe tiếng động véo von bên tai tựa như tiếng chim đêm lại tựa như tiếng sáo mà bọn tặc nhân thường gọi nhau trong núi. Tiểu Nhạn cảm thấy lo lắng, tuốt đao bên yên ngựa cầm tay, nhìn quanh cảnh giác. Chỉ thấy gió núi thổi lá cây xao động xào xạc nhưng Tiểu Nhạn cũng hết sức đề phòng, không dám tra đao vào vỏ vừa đi vừa ngoảnh lại đầu nhìn.
Lại chuyển qua hai, ba dốc núi thì nhận thấy sơn lộ dần rộng ra nhưng đi chưa xa thì chuyện tán đởm kinh tâm lại hiện ra trước mắt.
Hóa ra trên sơn lộ nằm ngang dọc mấy thi thể.
Tiểu Nhạn hãi sợ nghĩ: “Kỳ quái thật”.
Hắn dừng cương xuống ngựa chầm chậm đi về phía trước.
Hắn thấy tuy là trên mặt đất nằm la liệt năm, sáu người, đao còn văng tung tóe nhưng tuyệt nhiên chẳng có vết máu. Hắn bước đến gần hơn thì nghe người nằm trên mặt đất rên hừ hừ nói :
– Huynh đệ mau báo cáo trại chủ đi, bọn ta… không thể cử động được.
Tiểu Nhạn kinh ngạc đến thốt chẳng nên lời, cẩn thận quan sát thấy đám người này toàn bộ đều mặc áo ngắn giống như đám cường đạo mà hắn đã gặp qua ở Xuyên Bắc. Bọn họ chẳng bị thương, mắt mở to, có người nằm ngang có người nằm ngửa nhưng lại chẳng hề nhúc nhích như những tượng gỗ tuy nhiên có người nói chuyện được có người chỉ rên ư ử như người chịu sự gì thống khổ lắm.
Tiểu Nhạn trợn tròn hai mắt, ngạc nhiên nói :
– Các ngươi bị làm sao vậy? Đã động thủ với ai? Họ dùng cách gì đánh?
Bọn người bất động này nhìn thấy Tiểu Nhạn không phải là đồng bọn nói :
– Bằng hữu… xin nhờ giúp chút việc. Đến núi phía đông đưa giúp một tin. Bọn ta đều là thủ hạ của Ngân Tiêu Hồ Lập Hồ trại chủ. Vừa rồi có một lão đầu tử râu trắng thi triển điểm huyệt pháp khiến bọn ta té ngã nơi đây, bằng hữu bảo họ đến đưa bọn ta trở về.
Tiểu Nhạn vừa nghe điểm huyệt pháp hắn như bị điểm huyệt, lập tức chẳng nói chẳng rằng tra đao vào vỏ nhảy lên ngựa phi đi vừa nghĩ: “Đúng rồi! Lão tiên sinh mà ta gặp chính là một đại hiệp lừng danh. Lão biết thuật điểm huyệt không chừng đấy chính là Cao Khánh Húy. Ái da! Ta thật ngốc nghếch. Lý ra trên đỉnh núi ta đã có thể bái lão làm sư phụ. Giờ người đã đi rồi, biết tìm nơi đâu”.
Thế là hắn tiếc nuối nhìn đông ngó tây, càng lúc càng nóng nảy. Lại leo qua hai, ba đỉnh núi cao thì người mỏi ngựa mệt không còn đủ sức bò xuống.
Trời đã về chiều. Sương mù trong sơn cốc phủ đầy. Dần dần chẳng còn nhìn rõ cảnh vật nữa. May là con đường hắn đang đi vừa bằng phẳng, vừa rộng rãi. Tiểu Nhạn cứ thúc ngựa theo đường thẳng đi ước khoảng mười dặm. Chợt nghe phía trước có người cao giọng hỏi :
– Ai đó? Từ đâu đến đây? Ta hỏi mi đó?
Tiểu Nhạn đến gần một chút mới nhìn ra, trước mặt là một thung lũng bằng phẳng, có mấy nóc nhà cùng một đám đông người cùng xe ngựa lừa.
Người hỏi hắn giống như một tiêu đầu. Tiểu Nhạn thu ngựa đến gần nói :
– Tại hạ từ Tử Ngưu trấn đến đây, còn bằng hữu thì sao, quý tính là gì? Vì sao ở đây? Nơi đây là chốn nào?
Hán tử đó nói :
– Bọn ta từ Tây An phủ Lợi Thuận tiêu điếm theo các chưởng quỹ đi đến Hán Trung.
Tiểu Nhạn vừa nghe, bất giấc kinh hoàng nói thầm: “Không xong. Ta đã gặp phải Cát Chí Cường nổi tiếng còn hơn cả huynh đệ họ Long. Thế này thì làm sao?”.
Hán tử đó lại hỏi :
– Phía sau mi còn có ai không?
Tiểu Nhạn đáp :
– Không có ai chỉ một mình ta.
Đối phương ngạc nhiên hỏi :
– Một mình ngươi? Một mình ngươi mà dám qua núi sao? Tiểu tử ngươi đi trên giang hồ không thể tùy tiện mà đùa giỡn được được đâu?
Tiểu Nhạn không dám xuống ngựa, lẳng lặng gật đầu nói :
– Thật đấy, chỉ một mình ta, chẳng qua vì có việc gấp nên dù đao sơn núi lửa ở Tiêu Lĩnh này thì ta cũng phải vượt qua. Ta không thể ở đây nghỉ ngơi, phải mau chóng đi mới được.
Nói xong vội vã thúc ngựa muốn nhanh chóng rời khỏi bọn người Côn Lôn phái. Không ngờ đầu ngựa bị bọn họ giữ lại. Tiêu đầu đó nói :
– Tiểu tử ngươi không muốn sống nữa sao, ngươi quá lớn mật to gan. Ngươi vượt qua hơn ba mươi dặm đường núi, Ngân Tiêu Hồ Lập không phải không thấy ngươi, chắc tại gã thấy ngươi là một hài tử nên không đáng cướp. Ngươi hãy mở mắt mà nhìn, ở đây dừng lại bao nhiêu là xe hàng, các chưởng quỹ của ta tại sao không dám đi xuống, vì sợ ngân tiêu bách phát bách trúng của Hồ Lập. Nếu ngươi đi về phía bắc phải cẩn thận, bọn chúng còn có bắc trại. Đừng để chúng nhìn thấy, chẳng những đầu ngươi mà ngay cả đầu đá cũng có thể cắt gọn.
Tiểu Nhạn nghe hán tử này nhiều lời lòng nóng nảy giận dữ nhưng không tiện phát tác, nén giận cười nhạt nói :
– Bằng hữu đừng chen vào, dù chết ta cũng phải lo chuyện của ta.
Tiểu Nhạn định vọt ngựa thoát ra ngoài đột nhiên phía sau có người đánh vào vai của Tiểu Nhạn.
Trong lúc xuất kỳ bất ý, Tiểu Nhạn “á” một tiếng té nhào xuống ngựa.
Phía sau chính là nhi tử của Bào Côn Lôn là Bào Chí Lâm. Lần này được thư của huynh đệ họ Long đi Tây An phủ để mời Cát Chí Cường bảo tiêu thuận tiện đi về phía nam. Đến núi này vì úy kỵ phi tiêu của Hồ Lập không thể đi xuống phải dừng lại nơi đây, không ngờ hắn lại gặp Tiểu Nhạn.
Tuy Chí Lâm không biết hai ngày trước Tiểu Nhạn cùng Lang Trung Hiệp đại náo Tử Dương cùng Trấn Ba nhưng hắn vốn đã có ác ý với Tiểu Nhạn nên khi đẩy được Tiểu Nhạn té xuống ngựa bèn bước lên đạp một chân lên ngực Tiểu Nhạn nói :
– Con rùa rúc đầu, đến giờ mà ngươi vẫn còn sống sao? Đại gia họ Long bị một đao của mi đến giờ còn chưa đi được, đồ tạp chủng.
Tiểu Nhạn lăn người bật dậy, chạy đến bên mình ngựa, tuốt đao chỉ Chí Lâm mắng :
– Cẩu tạp chủng, mi dám đánh Giang đại gia. Đại gia đang tìm mi đây.
Bào Chí Lâm dang hai tay mà chạy. Vừa chạy vừa la :
– Đây là nhi tử của Giang Chí Thăng. Long nhị sư ca của chúng ta đã bị tặc tử này đả thương đó.
Lập tức có ba, bốn tiêu đầu của Lợi Thuận điếm cầm đao côn vây chặt Tiểu Nhạn.
Tiểu Nhạn biết mình người cô thế yếu nhưng việc đã như vậy nên liều mạng mà đánh, đao quang loang loáng.
Bọn tiêu đầu mấy người không phải là yếu nhưng nhất thời chưa thể tiếp cận được hắn.
Đánh nhau hơn mười mấy hiệp, chợt thấy Bào Chí Lâm kéo ra một người.
Trong sơn cốc, lúc hoàng hôn, tuy không nhìn rõ mặt người này nhưng nhìn thoáng qua thấy người này thân thể cường tráng, khí độ hiên ngang, tay cầm một Côn Lôn đao giống như Bào lão sư thường dùng.
Đến gần, người này cầm đao chỉ ra, hét lớn :
– Giang Tiểu Nhạn là ai?
Bọn kia vội vã giạt ra. Tiểu Nhạn hít một hơi hoành đao ngang người cười nói :
– Chính ta là Giang Tiểu Nhạn, còn ngươi là ai?
Bào Chí Lâm đứng bên cạnh người đó cười nói :
– Tiểu tử, ngay cả lục sư ca của ta mà cũng không biết. Đây chính là anh hùng nổi tiếng nhất trong đồ đệ của phụ thân ta chính là Thương Đao Ngân Tiên Thiết Bá Vương Cát Chí Cường.
Tiểu Nhạn giờ mới biết người này là Cát Chí Cường mà Lang Trung Hiệp từng nhắc qua. Hắn là môn đồ có bản lĩnh cao siêu nhất của Bào Chấn Phi, cho nên Tiểu Nhạn lo lắng nói :
– Ta không gây hấn với các người, vậy còn các người ỷ đông áp bức một hài tử như ta sao đáng mặt hào kiệt.
Chí Cường “hừ” lạnh, tay cầm Côn Lôn đao bước lên mấy bước, Tiểu Nhạn vội lui ra sau, Chí Cường nói :
– Bỏ cương đao trên tay mi xuống, đưa tay ngoan ngoãn chịu trói để bọn ta đưa về Trấn Ba cho sư phụ phát lạc, nếu ngoan cố kháng cự thì một đao này chẳng dung tính mạng. Đồ tặc tử! Phụ thân Giang Chí Thăng của mi đã khiến cho Côn Lôn phái mất hết thanh danh, tiểu tặc mi lại còn đả thương nhị sư huynh của ta rồi đào thoát, giờ xem mi chạy đâu cho thoát.
Dứt lời, một đao dũng manh, hung hiểm chém xuống.
Tiểu Nhạn vội đưa đao lên đỡ, chỉ nghe “keng” một tiếng, hổ khẩu Tiểu Nhạn tê chồn, khẩu cương đao rơi xuống đất. Hắn quay người định chạy nhưng Chí Cường phía sau vung chân đá một cước như bài sơn đảo hải khiến Tiểu Nhạn té lăn oằn oại như một côn trùng.
Bọn tiểu đầu chạy đến chụp lấy Tiểu Nhạn. Tiểu Nhạn giãy giụa rất dữ dội, lại la hét nhưng cổ hầu đã bị bóp chặt tựa con gà trước móng vuốt diều hâu.
Bào Chí Lâm la lớn :
– Đem dây, đem dây. Trói tên tiểu tử lại.
Hắn đang dương dương tự đắc chợt cảm thấy phía sau tê chồn, “ây da” một tiếng rồi té lăn xuống đất.
Hóa ra, phía sau hắn đột ngột xuất hiện một lão nhân sau lưng mang bao hành lý nhỏ.
Người chung quanh thất kinh, Cát Chí Cường giận dữ hét to vung đao chém tới.
Lão nhân đứng thản nhiên chẳng thèm tránh né chờ đao chém đến lão mới nhẹ nhàng dùng hai ngón tay kẹp chặt lấy lưỡi đao.
Chí Cường dùng hết sức giật lại nhưng lưỡi đao vẫn không nhúc nhích.
Còn hai ngón tay của lão nhân như ẩn tàng một nội lực kinh người chỉ giật nhẹ một chút là đã đoạt được cương đao của Chí Cường ném xuống đất, một chân dẫm lên. Chỉ nghe “rắc” cương đao đao gãy làm đôi.
Khẩu Côn Lôn đao dẻo dai, rắn chắc chỉ một cái đạp nhẹ đã gãy đôi!
Thiết bá vương Cát Chí Cường kinh hãi, biến sắc hỏi :
– Lão là ai?
Lão nhân vẫn thản nhiên chắp tay sau lưng mỉm cười nói :
– Lão phu là sư phụ của hài tử này, không thể an nhiên nhìn bọn ngươi áp bức nó.
Lúc này, người chung quanh đều khiếp vía. Người đang nắm giữ Tiểu Nhạn cũng vội buông hắn ra. Còn Chí Cường toàn thân phát run, chắp tay vái một cái :
– Lão tiền bối xin lưu lại đai danh.
Lão nhân lắc đầu nói :
– Lão phu không nói tính danh ra, chỉ cần mi quay về gặp sư phụ Bào Chấn Phi, hỏi lão mấy mươi năm trước ở Đồng Bách sơn đã gặp qua người nào. Lão tất rõ danh tính của ta.
Cát Chí Cường liên tiếp đáp “vâng vâng” không dám hỏi nhiều.
Lúc này Tiểu Nhạn đã khóc lớn, khấu đầu tạ lễ lão tiên sinh, lão nhân từ bi nói :
– Đừng sợ. Ngựa của mi đã đi xuống dưới. Lão giữ giùm mi này.
Tiểu Nhạn bò dậy, cả khẩu đao cũng không màng, dắt ngựa theo lão nhân dưới sắc trời tăm tối mà đi về phương bắc.
Sau khi họ đi khỏi, bọn tiêu đầu trong sơn cốc và Cát Chí Cường đều nhỏ giọng bàn tán, làm việc cũng nhẹ nhàng chẳng dám gây tiếng động, dường như hành động thần kỳ của lão hiệp đó khiến thần trí họ bay mất rồi. Chỉ còn lại tiếng gió núi thổi cây rừng xào xạc. Thanh Côn Lôn đao gãy đôi nằm chơ vơ trên mặt đất.
Bọn chúng khiêng Bào Chí Lâm giờ thân đã tàn phế đem vào nhà dân trong sơn cốc mà nghỉ một đêm. Sau đó đưa Bào Chí Lâm đi khỏi Tiên Lãnh.
Chí Cường mỗi lần đến Thiểm Nam đều khoa trương thanh thế rầm rộ vì hắn không chỉ là đồ đệ đắc ý nhất của Bào Côn Lôn hơn nữa còn là nhà cự phú ở Quang Trung, một nhà bảo tiêu nổi tiếng.
Nhưng lần này, đến đây không thanh không tiếng. Hắn lệnh cho thủ hạ đưa xe hàng lặng lẽ đi đi về Hán Trung. Hắn chỉ mang theo hai tiêu đầu, ba con ngựa, một chiếc xe, trên xe đặt Bào Chí Lâm thân bất động đưa về Trấn Ba huyện.
Lúc này Bào Chấn Phi vừa đuổi được Tiểu Nhạn vừa chế phục được Lang Trung Hiệp nên tinh thần có chút vui vẻ, vô buồn vô lo, oán thù đã giải.
Sáng nay, khi Cát Chí Cường về đến thì Bào lão sư cùng A Loan, Chí Hiền, Chí Tuấn, Chí Bảo, Chí Viễn đều ở trước cửa, thấy từ trên xe khiêng Bào Chí Lâm xuống, trông hắn như một tử thi, mọi người thất kinh.
Cát Chí Cường tinh thần bạc nhược, thần sắc bất an, gã làm lễ với lão sư phụ xong, bèn mời sư phụ bước sang một bên nói nhỏ thuật lại chuyện đêm qua.
Ban đầu, Bào lão sư nghe Tiểu Nhạn một mình đi vào núi Tiêu Lãnh, giận dữ nghiến răng kèn kẹt sắc mặt đỏ tía, đến khi nghe có một lão nhân một chỉ điểm huyệt Bào Chí Lâm ngã nhào, một cước đạp gãy Côn Lôn đao, lão thần sắc hoảng sợ, mặt biến sắc trắng bệch chừng nghe lão nhân bảo không cần xưng danh tính chỉ cho đồ đệ biết về hỏi sư phụ mấy mươi năm trước ở Đồng Bách sơn.
Nghe Chí Cường thuật đến đây, Bào Chấn Phi hốt hoảng kinh tâm la lên một tiếng hộc máu tươi ngã nhào bất tỉnh.
Bọn đồ đệ sợ hãi vội đỡ lão sư đưa vào trong.
A Loan chạy theo khóc lớn.
Bào Côn Lôn nằm trên giường đặt ở phòng lớn, bọn đệ tử cùng A Loan đều quây quần chung quanh lo lắng săn sóc.
Đại phu đổ thuốc gần nửa ngày, Bào lão sư mới từ từ tỉnh lại.
Bào A Loan nằm mọp trên người lão gia gia rấm rức khóc. Bào lão sư than thở hồi lâu mới thở dài nói :
– Hết rồi! Hết rồi. Bào Chấn Phi ta ngày trước đã làm nhiều việc ác độc khiến ngày nay di lụy đến các con phải nhận thay quả báo. Người đó ta biết, ba mươi năm trước khi ta còn là một thanh niên tráng kiện. Ở Hà Nam, Đồng Bách sơn từng gặp qua người này, từng bị giáo huấn. Người như ta, võ nghệ như vậy mà trong tay hắn chỉ như cỏ rác. Việc thua ở Đồng Bách sơn ta chưa từng nói qua với ai. Ta cho rằng lão đã chết rồi nào ngờ vẫn còn tại thế. Hơn nữa lại mang Tiểu Nhạn đi. Tiểu tử đó chịu khổ chịu cực, bền gan vững chí, có quyết tâm lớn, nếu trong ba năm tiểu tử đó học xong tuyệt nghệ trở về thì toàn gia họ Bào với hơn ba mươi môn đồ Côn Lôn phái chắc chẳng toàn tính mạng. Đây chỉ là bình sinh Bào Chấn Phi này làm nhiều việc quá ác, sau đó lại do dự không quyết nên mới lưu lại cái hậu quả khó giải này.
Lão sư nói xong, bọn đồ đệ thê thảm rơi lệ. Chí Hiền vội quẹt nước mắt, khuyên Bào lão sư :
– Sư phụ, xin đừng buồn bã. Sau này nếu như Tiểu Nhạn học xong võ nghệ về đây báo thù, đồ đệ sẽ gặp hắn mà khuyên nhủ mấy lời.
Bào lão sư nhìn Chí Hiền có chút giận, nói :
– Mi là di phụ của hắn, đem hắn về nhà nuôi dưỡng, tất nhiên hắn sẽ không hại mi. Còn Côn Lôn phái ta quyết không phải là đối thủ của hắn, nhưng dù chết chứ phục tùng hắn thì không thể.
Bào A Loan cũng dậm chân mắng lớn :
– Gia gia đừng sợ. Nếu Tiểu Nhạn đến đây, tôn nữ sẽ giết hắn.
Bọn Chí Khởi cũng giận dữ nói :
– Bọn ta cố gắng luyện tập võ nghệ, sau đó liên kết anh hùng thiên hạ mà đối phó hắn. Cho dù hắn cùng sư phụ hắn đến một lượt, cũng không thể đối địch.
Bào lão sư nằm dài suy nghĩ nửa ngày. Gương mặt trắng bệch không chút máu của lão từ từ đen tía. Bất ngờ, lão ngồi bật dậy, hiên ngang vỗ ngực nói :
– Không sợ!
Lão nắm chặt quyền đấm ngực, cao giọng nói :
– Võ nghệ của các con còn chưa học xong vì ta truyền thụ còn lưu lại bốn bộ quyền và tám bộ đao. Từ đây về sau, ta sẽ truyền thụ hết cho các con để mỗi đệ tử đều bằng sư phụ. Ba mươi Bào Chấn Phi lẽ nào không địch nổi một Tiểu Nhạn sao?
Tất cả bọn đồ đệ nghe vậy đều đổi buồn thành vui, nhất tề phấn chấn tinh thần.
Kể từ hôm đó, Bào lão sư tập hợp bọn Long Chí Khởi, Cổ Chí Minh, Cát Chí Cường, Lỗ Chí Trung, Mã Chí Hiền, Trần Chí Tuấn, Thái Chí Bảo, Tưởng Chí Diệu, Miêu Chí Anh, Hàn Chí Tín, Trương Chí Tài ngay cả đại nhi tử Bào Chí Văn tất cả mười bốn đệ tử, ngày ngày đến Bào Gia thôn tập luyện võ nghệ bí truyền của Bào lão sư.
Bào lão sư tinh thần phấn chấn, thân thể thêm tráng kiện, tay chân càng linh hoạt hơn, hồi phục tinh anh ngạo khí thời thiếu niên của lão.
Mỗi sớm tối, lão sư đều đem tuyệt kỹ ra dạy cho tôn nữ A Loan. Vì thế, mấy năm thanh thế của Côn Lôn phái càng thịnh vượng.
Còn trên giang hồ chẳng còn ai nghe tin tức của Giang Tiểu Nhạn.