Kim Ốc Hận

Quyển 4 - Chương 98: Ngoại truyện 1: Lên tận trời xanh hay xuống suối vàng



Trong điện Tín Hợp ở Thượng Lâm Uyển, nội thị bưng lên một
chén thuốc đã được các ngự y cẩn trọng điều chế rồi cho người thử độc. Lục Y
đón lấy, chăm chút đút cho Trần A Kiều. Qua một lúc khá lâu A Kiều vẫn không tỉnh
lại khiến Lưu Triệt bắt đầu lo lắng. Dù không hiểu y thuật nhưng y cũng biết rằng
chỉ đẻ non mà mê man lâu như vậy thì nhất định là không bình thường. Các ngự y
chỉ nói loanh quanh: “Nương nương có thai khi đã lớn tuổi nên vốn đã là nguy hiểm,
huống chi… lại bị chấn động mạnh như vậy làm thai nhi bị hỏng.”

Lưu Triệt nghe xong, mi mắt giần giật, cố gắng xua đi ý định
tru di cửu tộc đám ngự y luôn vô dụng trong lúc nguy cấp. Ngay cả Tiêu Phương
chẩn trị xong cũng nói rằng bệnh tình lần này của A Kiều rất kỳ lạ nên khó trách
bọn họ chẳng thể nói được điều gì.

“Bệ hạ”, Dương Đắc Ý đứng bên ngoài điện khẽ bẩm báo, Công
chúa trưởng Quán Đào tới.”

Y ừ một tiếng rồi bảo, “Mời cô cô vào.”

Trưởng công chúa Quán Đào vén rèm bước vào, chưa kịp bái
chào đã thấy A Kiều sắc mặt tái nhợt nằm trên giường thì lập tức nghẹn ngào chực
khóc. Lưu Triệt chỉ im lặng không nói gì, thầm nghĩ dù cô cô của mình có khát vọng
quyền lực mãnh liệt nhưng lại rất mực yêu thương A Kiều. Điều này cũng giống
như tình yêu thương vô điều kiện của A Kiều đối với Lưu Mạch và Lưu Sơ, kể cả…
đứa con trong bụng nàng nữa. Cho dù y xưa nay vốn cứng rắn nhưng nghĩ tới đứa
con vừa bị mất đi thì lòng bất giác lại nhói đau.

“Hoàng thượng”, Trưởng công chúa Quán Đào nói: “Người trở về
nghỉ đi. Để A Kiều đấy cho ta chăm sóc.”

Y đã mấy ngày không được ngủ tròn giấc nên nghe vậy liền gật
đầu. “Được rồi.” Nếu có ai đó trên cõi đời này không muốn để A Kiều xảy ra chuyện,
ngoài y ra thì chỉ có một mình cô cô thế nên y có thể an tâm phó thác A Kiều
cho bà. Trong một căn phòng ngách trống trải của ngôi điện, lại không có A Kiều
lặng lẽ kề bên khiến Lưu Triệt đột nhiên có cảm giác tĩnh mịch. Y sợ là sẽ
không thể nào ngủ được nhưng nào ngờ vẫn mặc nguyên y phục nằm xuống giường đã
nhanh chóng thiếp đi. Trong giấc ngủ mê man, y thấy mình đang đi một mình trên
hành lang dài có treo những bức vẽ hình chim đại bàng, rõ ràng là quen thuộc
nhưng nhất thời lại không nhớ ra đó là cung điện nào. Lưu Triệt khẽ nhíu mày, lẽ
ra y đang ở điện Tín Hợp tại Thượng Lâm Uyển chờ A Kiều tỉnh lại nhưng sao chớp
mắt một cái đã thấy mình đang ở trong cung điện hoa lệ nhưng trống trải này.

“Dương Đắc Ý”, y lên tiếng gọi nhưng viên Ngự tiền tổng quản
vẫn luôn theo sát bên cạnh y lại không lên tiếng trả lời. Có hai người cung nữ
tóc tết bím mặc áo ngắn đang từ cuối hành lang đi tới. Người bưng chậu nước
than thở, “Trần nương nương lại cáu kỉnh không chịu cho hầu hạ rửa mặt. Nhưng
nàng nổi giận với đám nô tỳ chúng ta thì có ích lợi gì chứ?”

Người cung nữ kia trầm ngâm một lát rồi nói: ‘Trần nương
nương cũng rất đáng thương, Nàng có thân phận tôn quý như vậy, làm mẫu nghi
thiên hạ rồi mà cuối cùng lại bị trục xuất khỏi Trường Môn.”

A Kiều? Lưu Triệt giật mình, thì ra nơi này là Trường Môn,
khó trách vừa rồi y không thể nhớ ngay. Trường Môn sau ngày A Kiều trở về thì
luôn náo nhiệt vui vẻ, sao lại hoang vắng như vậy? Như thể sầu khổ của thiên hạ
đều tập trung vào tòa cung điện nhỏ bé này. Y thấy hai cung nữ vẫn thản nhiên
đi ngang qua thì hiểu rằng mọi điều trước mắt chẳng qua chỉ là một giấc mộng.
Nhưng giấc mộng này là muốn để cho y nhìn thấy điều gì?

Ánh hoàng hôn phủ xuống Trường Môn đẹp đẽ mà thê lương. Y đã
bao nhiêu lần ở Trường Môn ngắm mặt trời lặn nhưng chưa từng chứng kiến cảnh
hoàng hôn thê lương như vậy. Một không gian tràn ngập mùi vị buồn bã hòa theo
tiếng đàn u hoài đứt quãng, Y lần tới chỗ phát ra tiếng đàn liền trông thấy A
Kiều. Là A Kiều ghi khắc trong lòng y.

Lúc đó, A Kiều đã rất gầy gò. Bộ lễ phục màu đỏ mặc trên người
nàng không hề toát ra một chút khí sắc mừng vui, phong thái ung dung của bậc mẫu
nghi thiên hạ đã hoàn toàn tiêu tán, chỉ thấy một bóng dáng nghiêng nghiêng cô
tịch. Nàng đang gảy Bạch đầu ngâm của Trác Văn Quân.

“Trắng như tuyết trên núi,

Sáng tựa nguyệt trong mây.

Nghe chàng sinh lòng khác,

Muốn cự tuyệt tình này.

Hôm nay chung chén rượu,

Mai tiễn biệt đầu sông.

Loạng choạng theo thuyền bước,

Nước cứ chảy tây đông.”

Tiếng đàn rời rạc không thành điệu, qua vài nốt thì giai điệu
chợt chuyển sang dồn dập nhưng khúc từ vẫn ai oán.

“Năm xưa kim ốc đổ,

Khiến hai hàng lệ rơi.

Nước mắt làm sao cạn,

Cho hận sầu chơi vơi.”

“Nương nương”, người cung nữ đứng hầu bên cạnh rơi lệ,
“Ngươi đừng hát nữa. Người muốn khóc thì cứ khóc đi.”

“Phật” một tiếng, dây đàn đứt tung cắt vào ngón trỏ của Trần
A Kiều làm rướm ra một vệt máu nhỏ. Nàng cười lặng lẽ, đứng dậy nặng nhọc quay
đầu, đưa cặp mắt trống rỗng nhìn xa xa, chợt trông thấy Lưu Triệt thì khẽ chớp
lên nhưng dường như không còn sức níu giữ nữa nên trong giây lát liền nhắm nghiền.

Đây là thời gian nào? Lưu Triệt tự hỏi, chẳng phải y đã quay
lại với A Kiều rồi ư? Nhưng sao cặp mắt của A Kiều lại còn sầu, còn khổ, còn cuồng
si như thể vừa phải chịu một nỗi uất ức cực độ? Phải rồi, nỗi uất ức y đã gây
cho nàng chẳng phải là nỗi uất ức cực độ hay sao? Nàng từng yêu y, từng tin y đến
như vậy mà y lại đi tìm niềm vui mới để rồi cuối cùng phế truất nàng, nhẫn tâm
gạt bỏ khỏi trí nhớ người con gái từng yêu kiều gọi y là Triệt Nhi, chẳng bao
giờ nhìn lại một lần.

Có lẽ, y cũng hiểu rằng nếu ngoảnh đầu lại sẽ không thể nào
nhẫn tâm được nữa. Đó là người con gái từ nhỏ đã gọi y là Triệt Nhi, từng có nụ
cười xán lạn hơn cả bầu trời thành Trường An vào ngày trong xanh nhất, thế
nhưng chỉ vì y mà dần vướng u sầu. Có lấy lý do nào cũng không thể phủ nhận được
sự thật là y đã từng rung động trước người con gái này. Nhưng rung động sâu sắc
tới đâu cũng không thể ngăn cản y bước về phía trước, để rồi dù có gặp người
con gái nào đẹp hơn đi chăng nữa thì cả cuộc đời y cũng sẽ không còn có được những
rung động như thuở ban đầu. A Kiều tựa như đang nhìn thấy những điều chưa hề
trông thấy nên không hề phát hiện ra tâm trạng biến động của y đang đứng gần
trong gang tấc, cứ thế đi thẳng qua. Màn đêm dần buông xuống.

A Kiều bảo tất cả đám người hầu đi hết ra ngoài, một mình ở
lại trong điện. Nàng mở cửa sổ ngước nhìn vầng trăng giữa không trung, chắp tay
nhắm mắt, khẽ khấn: “Hỡi ông trời.” Y không nghe rõ A Kiều nói những gì, chỉ
nhìn thấy vẻ mặt nàng rất thành kính. Ánh trăng biêng biếc soi nghiêng lên hàng
mi đen dày rợp trên gương mặt khiến Lưu Triệt chợt dâng lên niềm khao khát muốn
đặt môt nụ hôn lên đó. A Kiều, hãy tỉnh lại đi!

“Vũ hoàng đế có thật sự muốn biết Trần hoàng hậu đã nói những
gì không?”

Một giọng nói đột ngột vang lên ở phía sau nhưng Lưu Triệt
không hề sợ hãi, thản nhiên hỏi, “Cuối cùng thì ngươi cũng xuất hiện?”

“Vậy thì sao?” Một ông lão râu tóc bạc phơ cười ha hả, “Vũ
hoàng đế biết rằng lão sẽ tới ư?”

Lưu Triệt quay đầu lại, gằn giọng, “Trẫm nghĩ rằng ngươi có
thể làm cho trẫm nằm mộng quay về Trường Môn của nhiều năm trước thì ắt phải có
mưu đồ. Rốt cuộc ngươi là ai?”

“Ồ.” Ông lão khẽ mỉm cười, “Vũ hoàng đế nửa đời vẫn cầu thần
tiên, sao giờ trông thấy thật thì lại uy hiếp người như thế?”

“Huống chi”, ông lão trông thấy sắc mặt nửa tin nừa ngờ của
Lưu Triệt liền cười nhẹ, “tuy Vũ hoàng đế ở trong mộng nhưng cuộc trao đổi này
lại không phải là chuyện hoang đường. Đây là Trường Môn của một thời không
khác, nếu như không có tác động bên ngoài thì Hiếu Vũ hoàng hậu sẽ phải sống một
mình ở Trường Môn hơn hai mươi năm rồi ngậm hờn ra đi. Thế nên Trần A Kiều gặp
nạn ở Thượng Lâm Uyển cũng là số mệnh.”

Lòng y chợt nhói buốt, A Kiều lại có thể cứ thế này mà đi
sao? Ông lão không nhìn y, quay sang nhìn A Kiều đang ở trong điện nói: “Dù
ngươi không nghe thấy Trần hoàng hậu nói gì nhưng chúng ta lại nghe được. Nàng
nói đại ý rằng nàng nguyện giảm hai mươi năm tuổi thọ để mọi chuyện đổi khác.
Vì thế cho nên chúng ta đã chấp thuận yêu cầu của nàng.” Cần phải quyết tâm biết
nhường nào khi chịu giảm hai mươi năm tuổi thọ?

“Thần, Phật trên trời vốn công bằng, Trần A Kiều gặp cơ
duyên may mắn nên đã biết được một số chuyện, bởi vậy tất nhiên ta cũng phải tiết
lộ một chút cho ngươi. Huống chi, Hoàng đế vốn chính là con của trời.”

Y thấy thời gian bỗng nhiên trôi cực nhanh qua trước mắt,
loang loáng những cảnh huy hoàng tráng lệ lẫn chiến trường khốc liệt hào hùng,
rồi dừng lại ở một chỗ rất rộng rãi. Nơi đó có một sản phụ đang vật vã đau đớn
rồi sinh ra một bé gái. Một cô gái mặc trang phục trắng trông rất kỳ lạ, tóc
búi cao, bế bé gái ra cửa phòng sinh trao cho một người đàn ông dáng nho nhã
đeo cặp kính gọng vàng nói, “Chúc mừng Hàn tiên sinh, là một bé gái.”

“Con gái?” Hàn Thành hỏi vẻ ngỡ ngàng nhưng niềm vui làm cha
khiến hắn hiền từ ẵm lấy đứa bé, ngắm nhìn khuôn mặt con gái rồi bật thốt lên,
“Xinh quá!”

“Đúng vậy.” Cô hộ lý cười phụ họa theo: “Tôi làm ở khoa sản
bao nhiêu năm rồi nhưng mới là lần đầu tiên thấy một bé gái xinh xắn thế này đấy.”

“Đây là…” Lưu Triệt vốn có định lực rất mạnh, dù núi sập trước
mặt cũng không biến sắc nhưng lúc này lại kinh ngạc há hốc mồm miệng.

“Đây là thế giới của hai ngàn năm sau.” Giọng nói quen thuộc
kia lại vừa cười vừa lên tiếng giải thích. Y quay đầu lại nhưng không còn thấy
ông lão tóc bạc đâu nữa.

“Như vậy”, y trấn tĩnh lại rất nhanh, thản nhiên hỏi, “Đại
Hán truyền được bao nhiêu đời?”

Giọng nói kia chợt chững lại, có vẻ bất đắc dĩ, “Không hổ là
Vũ hoàng đế, quả nhiên chỉ muốn hỏi về vấn đề này. Nhưng lần này là để ngươi
làm quen với cô bé gái kia một chuyến chứ không phải vì chuyện đó. Ngươi hãy từ
từ xem đi.”

Bên kia, Hàn Thành ẵm con gái tới bên giường vợ mình, dịu
dàng nói, “Mai Mai, chắc em mệt lắm.”

“Cũng qua rồi.” Tiêu Mai nhìn con gái bọc trong tã lót, vẻ mặt
thanh thản, “A Thành, anh nói nên đặt tên con là gì?”

Hàn Thành nghĩ một lát rồi đáp: “Lúc được báo tin, anh chạy
tới bệnh viện thì vừa hay trông thấy một đàn chim nhạn bay ngang bầu trời, con
đầu đàn còn kêu to một tiếng. Vậy thì đặt tên con là Nhạn Thanh nhé.”

“Nhạn Thanh.” Tiêu Mai mỉm cười thì thầm, “Quy nhạn thanh
thanh, hàm ý rất hay, lại dễ nghe, được lắm.”

Nhạn Thanh! Lưu Triệt chấn động, chẳng phải năm xưa lưu lạc ở
bên ngoài thì A Kiều đã dùng một cái tên giả có đúng hai từ này sao? Thế giới
luôn luôn cân bằng một cách kỳ diệu.

Nhạn Thanh lớn dần lên, khuôn mặt giống A Kiều thuở nhỏ như
đúc. Nếu như nói, nét mặt Lưu Sơ giống A Kiều đến bảy phần, Lưu Yêu sau này giống
A Kiều đến chín phần thì Nhạn Thanh mà hiện giờ y đang chứng kiến lại như đúc
ra từ một khuôn, rõ ràng là A Kiều thuở nhỏ. Hồi đó A Kiều thường chạy nhảy dọc
theo hành lang cung Vị Ương, cả hai đều còn trẻ con, nàng thuần nhất như mặt trời
vừa mọc còn y cũng chưa nhiễm phải quá nhiều mưu mô quyền biến. Nàng thường rón
rén đi tới sau lưng, đưa cánh tay nhỏ nhắn mềm mại lên bịt mắt y rồi cười khanh
khách hỏi: “Triệt Nhi, đoán xem ta là ai?”

Khi đó, y sẽ dài giọng vẻ bất đắc dĩ, “A Kiều tỷ.” Trong
cung Vị Ương này, ngoài nàng ra thì còn ai có hứng thú lẫn can đảm dám nghĩ tới
chuyện bịt mắt y mà hỏi bằng cái chất giọng non nớt “Triệt Nhi đoán xem ta là
ai?”

Nhạn Thanh lớn lên từng ngày, nét mặt ngày càng thanh tú khiến
cha mẹ cũng phải ngỡ ngàng, vẻ đẹp của nàng đã vượt xa tất cả những nét thừa hưởng
từ cha mẹ. Nàng bắt đầu học thơ văn, dĩ nhiên nhập môn từ thơ của Lý Bạch thời
Đường, đọc đi đọc lại mấy câu thơ kinh điển như: “Đầu giường trăng sáng tỏ, Ngỡ
mặt đất phủ sương”[1]

[1] Trích bài Tĩnh dạ tứ (Nỗi nhớ trong đêm) của Lý Bạch.

Dần dần, nàng cảm thấy vô vị liền hỏi, “Mẹ ơi, bài thơ này
tên gì vậy?”

Tiêu Mai nhìn qua, ngẫm nghĩ một lúc. Bài thơ Nhạn Thanh hỏi
là bài Trường can hành của Lý Bạch. Bài thơ này khá dài lại không tuân thủ
nghiêm ngặt niêm luật nên quả thật hơi khó hiểu đối với Nhạn Thanh bây giờ.
Song bà vẫn giảng giải cho con gái, “Đây là bài thơ mà Lý Bạch viết về một đôi
thanh mai trúc mã.”

“Thiếp tóc xòa trên trán, trước cửa hái hoa chơi

Chàng cưỡi ngựa trúc đến, vòng quanh ghẹo đẹp đôi

Trường Can cùng chung xóm, còn bé chẳng quan hoài

Mười bốn nên chồng vợ, ngượng ngùng lắm chàng ơi

Quay tường đầu rúc gối, gọi ngàn lần kệ thôi

Mười lăm thì trổ dáng, nguyện muôn kiếp không rời

Giữ lòng tin son sắt, ngại chi vọng phu đài?’

Nhạn Thanh nghe chỉ hiểu được lõm bõm nhưng vẫn cảm thấy
thoáng bi ai không nói nên lời tràn ngập cõi lòng. Nàng im lặng một lúc lâu mới
hỏi: “Thanh mai trúc mã là gì ạ? Có phải là như con với mẹ không?”

Tiêu Mai phì cười: “Mấy từ này dùng để chỉ một đôi trai gái
còn nhỏ gần bằng tuổi nhau.”

“Vậy à.” Nhạn Thanh gật đầu, “Vậy thì có thể coi con và anh
Trầm là thanh mai trúc mã được không?”

Tiêu Mai trầm ngâm một lát rồi đáp: “Chắc là chưa phải đâu.
Thanh mai trúc mã là phải sống và lớn lên cùng nhau trong nhiều năm mới được.
Nhà chúng ta mới chuyển tới đây chưa đầy nửa năm mà.”

“Hai người cùng lớn lên với nhau thì thật là hạnh phúc.” Nhạn
Thanh mím môi vẻ cương quyết, “Được rồi, con sẽ đi tìm thanh mai trúc mã của
con.”

Tiêu Mai bật cười, đâu phải ai cũng có thanh mai trúc mã của
mình. Mà thanh mai trúc mã cũng không nhất định là sẽ hạnh phúc. Mấy năm sau Nhạn
Thanh mới hiểu được điều này.

Khi đó, nàng mặc váy công chúa màu hồng chạy trên đường, vấp
phải viên đá nhỏ, ngã trên mặt đất, sây sát từ khuỷu tay đến đầu gối, đau rát
chỉ chực òa khóc nức nở. Nàng ngẩng đầu lên thì thấy một người đàn ông mặc bộ đồ
kiểu dáng kỳ lạ may từ gấm đen đang nhìn mình, thở dài vẻ quan tâm.

Nàng quên bẵng hết đau đớn, hỏi, “Chú là ai?”

Nguòì đàn ông kia ngạc nhiên, hỏi lại: “Nàng nhìn thấy trẫm…
ta?”

“Tại sao lại không chứ? Chú.” Nàng nhìn mặt trời vẻ ngạc
nhiên, không chú ý cách dùng từ lạ lẫm của y. Ánh mặt trời chiếu từ phía sau
người đàn ông này khiến khuôn mặt bị khuất bóng làm nàng không thấy rõ dung mạo
của y.

Y dường như hơi nhếch miệng, muốn cười lại thôi, “Đừng gọi
là chú, nghe không được tự nhiên. Nếu cô bé đồng ý,” y chần chừ một lát rồi đề
nghị: “thì cứ gọi là ‘anh’ đi.”

Sau khi y mười tuổi liền cảm thấy A Kiều thật sự không hề giống
một biểu tỷ mà chỉ là một thiếu nữ đơn giản không hề biết đến những ưu sầu của
thế gian. Nàng cần gì phải biết những điều đó? Vốn từ khi sinh ra, nàng đã có
thân phận cao quý, có ngoại tổ mẫu che chở, có cữu cữu che chở, có y… che chở.
Đúng vậy, khi y lớn lên cũng là lúc bắt đầu học cách che chở cho biểu tỷ. Người
thiếu nữ này là vị hôn thê của y. Dù trong cuộc hôn nhân đó có xen vào rất nhiều
hàm ý chính trị, thì lúc ban đầu y vẫn muốn che chở cho nàng được bình an.
Nhưng sau này… sau khi trở về, nàng trở nên cực kỳ thông minh, vô cùng nhạy cảm
nhưng lại không hề giống những người phụ nữ đã từng trải chuyện đời có cùng độ
tuổi. Nàng khi thì nhanh nhẹn, khi thì ưu sầu khiến y đôi lúc phải thầm hỏi liệu
A Kiều của mình có phải là ba mươi tuổi thật không? Sao nàng có lúc còn duyên
dáng giống thiếu nữ hơn?

Nhạn Thanh thì lại không thể nào lý giải được tại sao y lại
suy tư nhiều như vậy nên chỉ nhíu mày nghĩ rằng y tuổi tác thế mà đòi làm anh
thì quá là già. Tuy nhiên Lưu Triệt lại toát ra một điều gì đó không giải thích
nổi khiến nàng cảm thấy an tâm, không muốn trái ý mà ngoan ngoãn gọi: “Anh!”

Ở đằng xa, Tiêu Mai cất tiếng gọi, “Nhạn Nhi.”

“Dạ.” Nàng đáp lời và nhảy dựng lên, phát hiện ra mình không
còn đau nữa. Nàng đi được vài bước thì quay đầu lại cười hỏi “Anh ở gần đây à?”

Y cũng mỉm cười, “Không vội, sau này chúng ta sẽ gặp lại
nhau” Đúng vậy, chẳng lẽ không phải bánh xe vận mệnh đã bắt đầu chuyển động rồi
sao?

Nàng gật đầu, an tâm đi về phía mẹ. Lần gặp mặt tình cờ như
chim trời cá nước này dần dà chìm xuống theo thời gian, cuối cùng nàng hoàn toàn
không nhớ tới nữa. Nhưng duyên phận đã được định đoạt.

Sau đó, Hàn Thành vứt bỏ vợ con đi theo niềm vui khác, buộc
Tiêu Mai phải ký giấy ly hôn. Nhạn Thanh chạy đuổi theo xe của cha thật lâu,
khóc hết nước mắt. Từ đó về sau nàng không còn cha nữa.

“Chỉ tổn thọ mà thôi.” Dì nhà bên đi ngang qua nói, “Chỉ mới
nghe nói ‘Kim ốc tàng kiều’ chứ chưa bao giờ thấy chuyện đòi lại được danh phận
vợ lớn.”

“Kim ốc tàng kiều?” Nhạn Thanh ngơ ngác hỏi.

“Đúng vậy. Có vợ còn nuôi lẽ bên ngoài chính là Kim ốc tàng
kiều.” Dì kia trề miệng.

Rõ ràng không phải như vậy. Có một năm, cô cô tới điện tìm A
Kiều, hỏi trêu Lưu Triệt: “Trong điện này có rất nhiều con gái, gả cho Triệt
Nhi một cô được không? Triệt Nhi thích ai nào?”

Y nhất quyết lắc đầu, những cung nữ này quá mức tầm thường,
không lọt vào mắt cho đến khi cô cô chỉ vào A Kiều. Nếu không thật sự thích biểu
tỷ thì y chỉ cần đồng ý là đủ rồi chứ nào phải nói ra lời hứa hẹn đó.

“Dạ! Nếu lấy được A Kiều, cháu sẽ xây lầu vàng cho nàng ở.”

Kim ốc tàng kiều.

Kim ốc tàng kiều.

Nào đâu biết lại trầm luân tới bước này?

Nhạn Thanh không thích Kim ốc tàng kiều. Nàng có thể khóc thảm
thiết nhưng khóc xong rồi vẫn phải đương đầu với cuộc sống, đối mặt với người
thân. Nàng mỉm cười nói “Cha không còn ở đây nữa thì Nhạn Thanh nhất định sẽ ở
với mẹ đến già.” Nàng không thấy có lý do gì khiến cho hai người không thể
thanh thản sống với nhau đến già cả.

“Kim ốc tàng kiều là gì vậy?”

“Ngày xưa, Vũ Đế nhà Hán hứa hẹn với biểu tỷ của y, ‘Nếu có
một ngày ta lấy được Trần A Kiều làm vợ, ta sẽ xây lầu vàng cho nàng ở’. Khi bọn
họ lớn lên, Vũ hoàng đế lãng quên lời hứa thời niên thiếu, lập hoàng hậu khác,
bỏ mặc A Kiều ở trong cung Trường Môn hơn hai mươi năm trời, đến chết cũng
không gặp. Người đời sau hay dùng điển tích này để chỉ người chồng bỏ bê vợ con
đi yêu thương tình nhân khác.”

Kim ốc tàng kiều! Lầu vàng giấu người ngọc! Đã thật sự có
tình yêu thì sao lại dùng chữ “tàng” đó chứ.

“Nhưng đã hứa ra miệng rồi mà lại có thể lãng quên đi được
sao?”

“A Kiều nhất định, nhất định sẽ rất thương tâm!”

Người đời thường nói Vũ hoàng đế lòng dạ sắt đá, nhưng tại
sao trong những chuyện liên quan đến A Kiều, chỉ cần y thoáng quay đầu nhìn lại
thì đều không thể nén được cảm giác đau đớn. Y hận cái cảm giác bất lực này,
vùng vẫy muốn thoát ra. Thoát ra được thì y lại là bậc đế vương có quyền uy bao
trùm thiên hạ, có thể bảo vệ cho A Kiều, dù A Kiều còn đang mê man thì y vẫn có
thể ôm được nàng. Song giấc mộng như cảnh biển trời mênh mang không biết đâu là
bến bờ.

Cuộc sống luôn khắc nghiệt, gia đình mất đi trụ cột nên một
mình Tiêu Mai không thể lo đủ học phí cho con gái. Nhạn Thanh bất đắc dĩ phải lựa
chọn thi vào trường cảnh sát, chịu đựng sự huấn luyện vất vả để lại vô số vết sẹo
trên tấm thân ngọc ngà.

Vì sao phải khổ thế chứ? Vì sao phải khổ thế chứ? A Kiều của
y được cưng chiều từ tấm bé, đã bao giờ phải chịu những nỗi khổ cực như vậy
đâu. Nhưng nàng vẫn cắn răng không hề kêu than, từng bước gắng sức vượt qua.
Lúc trông thấy Quý Đan Tạp và Liễu Duệ thì y mới hiểu vì sao ngày sau không ai
có thể chia rẽ quan hệ của bốn người này. Chỉ còn thiếu một mình Tang Hoằng
Dương nữa thôi. Đợi đến lúc hắn xuất hiện thì tất cả sẽ trở về quỹ đạo. Nhưng y
lại nổi lên một điều nghi vấn, cái gì mới là quỹ đạo, cái gì mới là thiên đạo?
Nếu Nhạn Thanh đã sống rất tốt ở cái thế giới kia rồi thì vì sao lại nhất định
phải trở về Đại Hán, trở về bên cạnh y. Chỉ là y không thể chịu đựng được cảnh
mất nàng, nếu như đã có lại được rồi thì không thể để mất đi một lần nữa.

Lúc Tiêu Mai qua đời, Nhạn Thanh khóc rất thương tâm nhưng y
không cách nào an ủi. Cũng may là Quý Đan Tạp vẫn luôn ở bên cạnh nàng. Khoảng
thời gian này sẽ trôi qua rất nhanh. Lần này nàng trở về với y thì y nhất định
sẽ không làm nàng bị tổn thương lần nữa.

Năm 2007, Nhạn Thanh và Đan Tạp tốt nghiệp trường cảnh sát
nhận nhiệm vụ đầu tiên và gặp Mạc Ung Niên. Lưu Triệt rốt cục có thể mỉm cười.
Trong chuyến trở lại lần này, y chỉ có thể quan sát, không nói chuyện với bọn họ.

Tại chùa Viên Giác trên núi Ly Sơn, hòa thượng Thiên Mi chắp
tay nói với ông lão tóc trắng, “Vận mệnh đã bắt đầu nghịch chuyển chưa?”

“Sai rồi.” Ông lão nói: “Vận mệnh đã không còn ở quỹ đạo ban
đầu sau này phát triển như thế nào còn tùy thuộc vào bọn họ.”

Trong thành cổ Tây An, một vụ tai nạn xe hơi đã làm mất đi
không khí lễ hội. Tại ngoại thành Trường An vào hai ngàn năm trước, một cô gái
tỉnh lại bên bờ sông.

Lôi Bị thu đội, điểm nhân số, phát hiện thấy thiếu một người
trong số phái ra truy tìm phế hậu liền bẩm báo với Quận chúa Lưu Lăng, “Có khả
năng phế hậu vẫn còn sống, có truy tìm tiếp hay không?”

Lưu Lăng vừa mới tỉnh lại, đã nhụt chí khí nên chỉ thở dài
đáp: ‘‘Bỏ đi.” Nếu có thể khoan dung tha thứ cho người khác thì ngày sau gặp
nhau sẽ được vui vẻ.

Còn Nhạn Thanh thì ngất xỉu ở trước mộ Sở Phục, đến khi tỉnh
lại thì gặp được Tiêu Phương. Lúc đó, Nhạn Thanh và Tiêu Phương đều còn trẻ,
nam thanh nữ tú gặp nhau nên dễ nảy sinh tình cảm. Cùng một thời gian, y còn
vui vầy với người mới trong cung Vị Ương gần kề gang tấc nhưng nào biết người vợ
kết tóc trong bụng mang cốt nhục của mình đã lưu lạc khỏi Trường Môn.

Y vén rèm bước vào phòng trên lầu Văn Nhạc, một cô gái mặc y
phục màu hồng phấn quay đầu lại, ngước cặp mắt trong trẻo như sao trời, mỉm cười
nói.

“Ta họ Trần.”

Y không để ý, chỉ khẽ chào đáp lễ: “Phu nhân”, rồi cúi đầu
không nhìn nàng thêm nữa. Nếu chịu nhìn kỹ thì liệu y có thể nhận ra đó là A Kiều
đã từng cùng lớn lên với mình, đã từng yêu, đã từng hận mình hay không? Nếu nhận
ra thì liệu y có ôm lấy nàng rồi hôn nàng hay không? Có lẽ y sẽ không làm vậy.
Nhiều khả năng là y sẽ giam nàng vào một nơi không ai biết, để nàng sống an ổn
cả quãng đời còn lại nhưng không bao giờ gặp mặt. Nếu vậy thì nàng sẽ càng hận
y nhiều hơn, vậy cứ để như hoàn cảnh hiện giờ cũng tốt. Cho nên y cũng chỉ có
thể nhìn nàng mỉm cười duyên dáng nũng nịu gọi sư phụ, giống như thuở nhỏ dịu
dàng gọi y là Triệt Nhi với niềm tin tưởng vô điều kiện. Bản thân đã tự tay vứt
đi thì còn có tư cách gì để tiếc nuối. Chỉ là nếu được trông cảnh này sớm hơn
thì đáng ra đã phải chém Tiêu Phương ở điện Tín Hợp ngày đó rồi.

“Bỏ đi.” Y thở dài, nếu thật nghĩ gì làm đó thì sẽ rất khó
giải thích sau khi A Kiều tỉnh lại. Mọi chuyện cứ để nó qua đi. Dù thế nào, Trần
A Kiều cũng là thê tử của y, trên trời dưới đất không một ai có thể phủ nhận được.

Năm Nguyên Quang thứ sáu, nàng gặp Tang Hoằng Dương, mở lầu
Thanh Hoan. Lúc đi một mình trên đường thì va phải xa giá của cô cô. Ngày hôm
đó cô cô vào cung xin được gặp A Kiều nhưng bị y cự tuyệt nên còn nổi cơn giận
dữ. Bọn họ không biết rằng A Kiều thật ra đang ở gần chỉ một tầm tay với. Vận mệnh
quả là quá trêu ngươi.

A Kiều bị động thai nên sinh nở cực kỳ nguy hiểm. Dù trước
đây y đã nghe kể về chuyện này nhưng khi tận mắt chứng kiến thì vẫn kinh hãi mặt
mũi tái nhợt. Cũng may là nàng vượt qua được. Đáng lẽ ra nàng phải trở về bên cạnh
y nhưng lại chọn cách rời xa y.

Y đã thoáng có linh cảm khi đi sát qua A Kiều ở lầu Thanh
Hoan vì dù sao thì đó cũng là ngưòi con gái thanh mai trúc mã đã cùng lớn lên với
y. Nhưng nàng quay đầu lại, nụ cười xa lạ, thản nhiên hỏi, “Công tử có chuyện
gì vậy?” Y cho là mình nhận lầm người nên quay mặt sang chỗ khác không nhìn lại
nữa. Vận mệnh vẫn luôn trêu ngươi. Một lần cách biệt là mấy năm trường.

Năm Nguyên Sóc thứ hai, Vệ Tử Phu sinh Lưu Cứ, y lập Tử Phu
làm hoàng hậu. Năm Nguyên Sóc thứ năm, Hán Hung đại chiến, Liễu Duệ bộc lộ tài
năng, Trần A Kiều một xe một ngựa trở về Trường An. Năm Nguyên Sóc thứ sáu, Lưu
Cứ nhiễm bệnh, Hoàng đế và Hoàng hậu đều lo lắng. Tang Hoằng Dương tiến cử thần
y của Tử Dạ y quán. A Kiều lại một lần nữa tiến vào tầm mắt của y.

A Kiều! Y chưa từng ngờ tới là nàng, lại càng chưa từng ngờ
tới nàng sẽ tiếp tục lựa chọn rời đi, chỉ để lại đứa con gái mà y chưa từng gặp
mặt và một bài Giai nhân khúc còn vang vọng để y nhớ nhung.

“Phương Bắc có giai nhân,

Thế gian này chỉ một.

Ngoảnh đầu lại nghiêng thành,

Ngoái lần nữa nghiêng nước.

Chẳng cần biết nghiêng thành hay nghiêng nước,

Khó gặp lại giai nhân.”

Thật khó trở lại. Thứ đã mất đi thật khó trở lại.

Trong vòng nửa năm, y đối diện với con gái giống hệt nàng,
nhớ lại những điểm tốt của nàng. Chẳng phải A Kiều của y rất thông minh sao? Nếu
như khi đó nàng không chọn lựa rời đi mà cứ thế xuất hiện trước mặt y thì y thực
sự sẽ không biết phải lựa chọn xử lý như thế nào? Nhưng có nửa năm làm bước đệm
khiến cho tâm hồn lạnh lẽo sắt đá của y dần trở nên hòa hoãn hơn. Y nghĩ nếu lần
sau gặp lại nàng có thể học được cách giảm bớt sự kiêu ngạo thì chưa hẳn là y sẽ
không dung thứ cho nàng. Nhưng một A Kiều có bản tính kiêu ngạo, một sự kiêu ngạo
đã ăn sâu vào xương cốt, thì có thể thu lại thế nào đây.

Sau lần bốn nước ở vùng Giao Đông làm loạn, nàng vì Lưu Lăng
mà cam tâm tình nguyện trở lại Trường An. Một lần nữa bước vào Trường Môn, thật
là… là một mối giao tình vĩ đại.

Y đang nghỉ hè ở cung Cam Tuyền thì nhận được tin này, chợt
cảm thấy ngạc nhiên, tự hỏi không biết biểu tỷ của mình được tháng năm rèn giũa
sẽ trở nên như thế nào. Nàng đã không ở bên cạnh y bảy năm, mãi đến năm Nguyên
Sóc thứ sáu mới trở lại trong vòng tay y. Cuối tháng Bảy năm Nguyên Sóc thứ
sáu, Hoàng đế rời ngự giá từ Cam Tuyền trở về Trường An.

Tháng Chín, y lần đầu tiên bước chân vào Trường Môn, đứng
bên cửa sổ điện Bát Nhã nhìn hai cô gái quen thuộc trong ký ức đang đánh cờ nơi
bàn đá bên ngoài rừng trúc. Gió thu thổi qua, cành trúc xào xạc, A Kiều mỉm cười
ngẩng đầu, đôi mắt trong suốt như giọt sương trên mặt hồ. Vận mệnh trong khoảnh
khắc này đã ngoặt khỏi lối rẽ để trở về như cũ.

“Bệ hạ, bệ hạ, nương nương tỉnh rồi.” Lục Y đi xuyên qua
hành lang đến ngoài điện bẩm báo, giọng nói không giấu được vẻ vui mừng.

“Suỵt”, Dương Đắc Ý nói khẽ, “Bệ hạ mới ngủ chưa được bao
lâu, hãy để cho bệ hạ nằm thêm lát nữa,”

Y tỉnh dậy từ trong giấc mộng hỗn loạn, chợt cảm thấy không
phân biệt được đâu là mộng là thực, day day thái dương, lên tiếng gọi “Dương Đắc
Ý!”

Dương Đắc Ý vén rèm đi vào, cúi đầu nói, “Chúc mừng bệ hạ,
Trần nương nương hồng phúc bằng trời, vừa mới tỉnh dậy, đã không còn gì đáng ngại
rồi.”

“Vậy à.” Sau khi được nội thị sửa sang lại y phục, y bước
nhanh về điện Tín Hợp.

Có thật vậy không? Y nhớ tới đủ loại biểu hiện kỳ lạ sau khi
A Kiều trở về. Có một năm, Liễu Duệ đã từng nói khi huấn luyện Hoàng tử Lưu Mạch
cưỡi ngựa bắn cung trên thao trường: “Chưa nói chuyện khác, năm xưa mẫu thân và
dì Lăng của cháu huấn luyện còn gian khổ hơn rất nhiều.” Lúc ấy y và Duyệt Trữ
đều cho là Liễu Duệ nói đùa, bây giờ nghĩ thì quả thật đã thấy trong mộng là A
Kiều luyện tập rất gian khổ, ngay cả những gian khổ của y hồi còn nhỏ luyện tập
cưỡi ngựa bắn cung cũng không thể sánh bằng.

Trong điện Tín Hợp, A Kiều vừa tỉnh lại, vô cùng yếu ớt, nhợt
nhạt như một chiếc bóng sẽ tan biến đi trong nháy mắt. Cung nữ dâng lên cháo
nóng đã chuẩn bị sẵn, A Kiều yếu đến nỗi cầm thìa không vững, đánh rơi xuống đất
vỡ tan. Tiếng đồ sứ vỡ vang lên giòn tan trong điện Tín Hợp và cũng vọng lên ở
một không gian khác. Cô cô vốn rất giỏi ứng biến, mỉm cười lui ra ngoài, nhân
tiện cũng vẫy đám cung nữ lui theo.

Lưu Triệt tự mình chăm sóc người con gái yếu ớt trên giường
bệnh.

Lúc này, A Kiều lại ngoan ngoãn, uống hết non nửa chén cháo
mới thôi.

Y rốt cuộc có thể ôm nàng vào lòng, không cần giống như
trong mộng, ngay cả vươn tay cũng không tới. Song A Kiều đang nằm trong lòng y
có sắc mặt tái nhợt, vậy thì đây là A Kiều câm lặng trong suốt hơn hai mươi năm
cho đến lúc chết ở Trường Môn hay là cô bé thanh mai trúc mã tóc xòa trước trán
mà mình đang tìm kiếm? Nhưng điều đó thì có quan hệ gì chứ? Người nằm trong
lòng vẫn là A Kiều của y.

“Kiều Kiều”, y dịu dàng hỏi: “Sao nàng thiếp đi lâu như vậy?”

Nàng ngơ ngác lắc đầu, y không để ý, nói tiếp: “Mới vừa rồi,
trẫm mặc nguyên cả quần áo nằm ngủ trong điện Thiên thì gặp một giấc mộng.”

‘‘Thế à?” Nàng hỏi, “Mộng thấy cái gì?”

Y mỉm cười không đáp, chỉ nhìn nàng đằm thắm, nhớ tới hai
người phụ nữ trong giấc mộng. Tại sao không thể ở bên nhau cho đến lúc già chứ?
Rõ ràng là đã có lời hứa ngay từ buổi ban đầu rồi. Cuối cùng, y đặt một nụ hôn
lên trán nàng, thì thầm, “Trẫm sẽ như nàng mong muốn.”

Y nghĩ, có lẽ A Kiều thật sự là một lễ vật trân quý mà trời
xanh ban cho y, một cơ duyên ấm áp để cho y mất đi mẫu hậu rồi vẫn có thể vĩnh
viễn không cô độc khi ngồi ở ngôi vị cao nhất trong thiên hạ. Chúng ta sẽ nắm
tay nhau đến lúc bạc đầu! Hãy thử xem nào. Đây là lần cuối cùng nàng bị thương
tổn trong tay trẫm, từ nay về sau trẫm sẽ là người che chở cho nàng, để nàng
không còn phải ưu sầu trước những phong ba của cuộc đời.

Rất nhiều năm sau.

“Mẹ ơi, Kim ốc tàng kiều là gì ạ?”

“Kim ốc tàng kiều à”, người mẹ trẻ mỉm cười quay đầu lại,
trong mắt lộ ra vẻ xa xăm, “Ngày xưa, nhà Hán có một vị hoàng đế tên gọi là Hán
Vũ Đế. Vũ Đế hứa hẹn với biểu tỷ của mình, ‘Nếu có một ngày ta lấy Trần A Kiều
làm vợ, ta sẽ xây lầu vàng cho nàng ở’, sau đó Hán Vũ Đế quả thật đã thực hiện
lời hứa thuở niên thiếu của mình xây cung Kiến Chương cho biểu tỷ. Bọn họ ở với
nhau trong điện Trường Môn cung Kiến Chương đến già. Mọi người tưởng nhớ tới cặp
vợ chồng đế vương ân ái mặn nồng hiếm thấy này, từ đó Kim ốc tàng kiều trở
thành một lời hứa tình yêu đẹp nhất.”

“Ôi”, cô bé nghe đến say mê, mơ màng nói: “Mẹ ơi, vậy sau
này con có thể tìm được người sẽ xây một chiếc lầu vàng cho con hay không?’’

Người mẹ bật cười, xoa chiếc mũi nhỏ nhắn của con gái, “Ngốc
nào, chuyện xưa đẹp đẽ là đẹp đẽ ở tấm chân tình. Sau này con gặp ai, chỉ cần
người đó có chân tình thì dù tặng con nhà cỏ hay nhà gỗ thì trong tình yêu cũng
chính là một lầu vàng rồi.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.