Kim Ốc Hận

Quyển 4 - Chương 83: Dưới vòm trời đất có hai người thương tâm



Sau khi chuyện này kết thúc, Lưu Triệt có ý muốn ở bên A Kiều
nhiều hơn, nào ngờ cả hai đều bận rộn trong những ngày tiếp theo, không rảnh để
nghỉ ngơi.

Năm Nguyên Đỉnh thứ năm, biên cương dấy loạn, Lưu Triệt phái
quân đánh dẹp. Về phần A Kiều thì mẫu thân của nàng là Trưởng công chúa Quán
Đào Lưu Phiếu cũng tuổi cao bệnh nặng không dậy nổi. Tuy họ Lý bị diệt là do tự
mình gieo gió gặt bão nhưng cũng gián tiếp dẫn đến cục diện ngoại thích họ Trần
độc bá thành Trường An. Từ sau năm Nguyên Đỉnh thứ năm, người nắm giữ uy quyền
lớn nhất, có thể áp chế con cháu của Trần gia là Trưởng công chúa Quản Đào bệnh
nặng, không thể quản việc trong nhà. Trần A Kiều thương mẫu thân nhất nên túc
trực bên giường hầu hạ thuốc thang, vất vả mệt nhọc. Trần Hi có kiến thức nhưng
thân phận lại thấp nên không thể kiềm chế con cháu họ Trần. Lâu ngày liền có
con cháu chi thứ của Trần gia ở trong thành Trường An làm càn, ỷ thế hiếp người,
càng lúc càng nghiêm trọng. Quan viên không tiện xử trí nên đành nhắm mắt làm
ngơ, cuối cùng thì Lưu Triệt cũng biết chuyện. Thiên tử nổi giận, đích thân ra
lệnh lôi đám con cháu làm bậy của Trần gia ra phạt trượng, không hề nể mặt. Một
gậy đánh xuống đã dập tắt khí thế coi trời bằng vung của Trần gia, cũng làm cho
giới quyền quý trong thành Trường An nhao nhao suy đoán xem rốt cuộc tình cảm
thiên tử dành cho thân thích của Trần nương nương nông sâu thế nào. Nếu ân vua
còn dày thì sao lại có thể không nể mặt Trần nương nương mà trách phạt con cháu
Trần gia nặng như thế. Nếu ân sủng đã cạn thì sao lại không thấy Vua gần gũi những
giai nhân khác trong hậu cung?

Chuyện còn chưa rõ đầu đuôi thì đến mùa xuân tháng Ba, bệnh
tình Trưởng công chúa Quản Đào lại trầm trọng hơn. Bà thường xuyên hôn mê, thỉnh
thoảng mới tỉnh lại, thân thể gầy yếu đến mức trông thấy rõ gân xanh dưới cổ.
Trần A Kiều chứng kiến như vậy, trong lòng sầu thảm. Bản thân nàng tinh thông y
lý nên không cần ai nói cũng biết rằng mẫu thân không còn sống được bao lâu nữa.
Trưởng công chúa Quản Đào Lưu Phiếu không chỉ là mẫu thân của Trần A Kiều mà
còn là cô cô kiêm nhạc mẫu của Lưu Triệt. Bệnh đến tình trạng thế này thì Lưu
Triệt đương nhiên phải đích thân đến thăm.

Cuối tháng Ba, đích thân bệ hạ đến phủ Đường Ấp hầu. Đường Ấp
hầu Trần Việt ra tận cửa quỳ đón, dẫn y vào phòng ngủ của mẫu thân. Cả phòng nồng
nặc mùi thuốc. Trần Việt vừa vén rèm lên thì Lưu Triệt liền thấy A Kiều đang hầu
hạ bên giường bệnh. Để tiện chăm sóc mẫu thân nên nàng chỉ mặc váy dài bình thường,
gương mặt có vẻ tiều tụy. Tiếp đó, y nhìn thấy cô cô Lưu Phiếu nằm trên giường
bệnh. Nô tỳ trong phòng đồng loạt quỳ xuống bái chào. A Kiều nhướng mày nhìn y,
khẽ gật đầu tỏ ý chào rồi ghé sát vào tai Lưu Phiếu khẽ nói, “Nương nương, bệ hạ
tới thăm người.”

Lúc này, Lưu Phiếu rất tỉnh táo, cố gắng mở mắt ra, thều
thào “A Kiều, đỡ ta ngồi dậy.”

Lưu Triệt nhìn thấy dấu hiệu tử vong đang đến gần ở trên
khuôn mặt cô cô, cũng giống như y đã từng nhìn thấy ở mẫu hậu của mình vào năm
đó.

“A Kiều”, Lưu Phiếu khó nhọc nói: “Trong kho của phủ có một
cuộn gấm trắng, con mang tới đây giúp mẫu thân.”

“Đã lâu rồi con không về phủ, e là đã quên đường. Việt Nhi,
con dẫn đường cho muội muội đi.”

Trần A Kiều biết rằng mẫu thân muốn mấy người nàng ra ngoài
chứ nàng làm sao có thể quên được đường trong phủ đệ nhà mình? Nếu nàng quên thật
thì cứ bảo thẳng ca ca lấy mang tới là được, cần gì phải bảo cả hai người đi.
Chẳng qua mẫu thân có mấy lời muốn nói riêng với Lưu Triệt mà thôi. Nàng thấy
lòng chua xót, thấp giọng đáp, “Dạ.”

Ra khỏi phòng mẫu thân, nàng thấy cảnh hoa đào trước đình đã
qua kỳ nở rộ, bắt đầu có xu hướng héo tàn, lòng chợt chùng lại, nói: “Ca ca, muội
ở đây chờ, ca ca đi lấy giúp muội nhé.”

Trần Việt không muốn làm trái ý nàng, gật đầu, “Được rồi, muội
cứ ở đây, ta đi một chút rồi quay lại.”

“Triệt Nhi có biết”, ở trong phòng, Lưu Phiếu mỉm cười hỏi,
“thứ quý giá nhất đời cô cô là gì không?”

“Biết.” Đối diện với người phụ nữ bây giờ đã là bậc trưởng bối
thân thiết nhất của mình, Lưu Triệt thoáng ngập ngừng, thấp giọng đáp, “Là A Kiều.”

“Đúng vậy, là A Kiều.” Lưu Phiếu cười lanh lảnh, “Khi giao A
Kiều cho con, lúc đầu thì rất đắc ý nhưng sau đó lại hối hận. Còn bây giờ, ta
đã yên tâm rồi.”

“Tốt cũng được, xấu cũng được nhưng các con đều phải tự mình
vượt qua.” Bà khẽ dựa vào thành giường, nhắm mắt giấu đi vẻ mệt mỏi.

“Cô cô yên tâm”, Lưu Triệt mỉm cười nói, “Sau này trẫm tất
không bạc đãi A Kiều.”

“Ừ.” Lưu Phiếu lại mở mắt ra nhìn Lưu Triệt nói: “Lần này
thì ta tin con.”

“Cô cô còn có gì muốn dặn dò nữa không?”

“Cũng chẳng còn gì nữa đâu”, Lưu Phiếu vẫn có vẻ mệt mỏi,
“Trong cuộc đời này, ta đã từng nếm trải lúc tôn quý, khi mất mát, khi đắc ý
cũng như lúc đau thương. Bây giờ già rồi thì còn gì để nói nữa đây.”

“Nếu như nói là có”, bà suy nghĩ một chút rồi nói, “Con hãy
cho phép Đổng Yến được chôn cùng chỗ với ta.”

Đó cũng không phải là chuyện to tát gì nên Lưu Triệt liền chấp
thuận, “Được.”

“Hãy chôn ta ở bên cạnh mộ mẫu hậu.” Bà buồn bã nói: “Còn cả
A Kiều nữa. Triệt Nhi, nếu sau này con trăm tuổi mà không thể cho A Kiều ở cùng
chung lăng mộ thì hãy để nó ở bên cạnh ta. Để nó ở phi viên[1] thì sẽ khiến nó
cô đơn, mà nó lại không bao giờ thích cô đơn tịch mịch.”

[1] Phi viên: Nơi an táng phi tử.

Ấn đường Lưu Triệt bất giác nhướng lên. “Chuyện này trẫm tự
biết tính toán”, y mỉm cười cự tuyệt, “không phiền cô cô phải quan tâm.”

“Như vậy cũng tốt.” Lưu Phiếu không nói gì thêm.

Lưu Triệt ra khỏi phòng cô cô thì thấy Trần A Kiều khoanh
tay đứng dưới một gốc đào ở bên đình. Nàng quay lưng về phía y, dáng vẻ gầy gò.
Một cơn gió nhẹ thổi qua làm vô số cánh hoa đào, cả sắp tàn và chưa tàn, rơi xuống
lả tả phủ đầy lên đầu, lên người nàng nhưng lại không hề toát lên sức sống mà
nhìn vào chỉ thấy càng thêm lạnh lẽo.

“Kiều Kiều không được ra gió kẻo nhiễm lạnh đấy.” Y từ từ bước
đến, phủi đi những cánh hoa đào còn vương trên vai nàng.

“Bệ hạ”, nàng ngoảnh lại, sắc mặt hơi có vẻ ngỡ ngàng.

“Mẫu thân thế nào rồi?” Nàng khẽ hỏi.

“Ngủ rồi.” Y đáp.

“Vậy à.”

Ở hành lang đằng xa, Trần Việt đang ôm một cuộn gấm màu trắng
bước nhanh tới, vừa ngẩng đầu lên thì trông thấy khung cảnh bên đình nên liền
nhón nhẹ bước chân.

“Gia gia.” Một cô bé khoảng chừng năm sáu tuổi chạy dọc theo
hành lang tới, ôm lấy chân Trần Việt rồi ngẩng đầu lên. Cô bé tuy còn rất nhỏ
nhưng gương mặt đã cực kỳ xinh đẹp.

“Suỵt”, Trần Việt khẽ nói, nắm lấy tay Trần Mạn rồi từ từ bước
lui lại.

“Mạn Nhi, cháu tới đây làm gì?”

“Cháu muốn thăm tổ nãi nãi[2].” Trần Mạn nũng nịu đáp, “Gia
gia, hình như cháu vừa nhìn thấy cô nãi nãi[3].”

[2] Tổ nãi nãi: Cụ.

[3] Cô nãi nãi: Bà, là cô của bố hoặc mẹ.

“Ừ”, Trần Việt đáp, “Tổ nãi nãi của cháu ngủ rồi. Cô nãi nãi
đang ở cùng với bệ hạ, cháu không được tới quấy rầy bọn họ.”

“Dạ.”

“Phụ thân”, Trần Mạn trông thấy phụ thân ở phía trước liền mừng
rỡ chạy đến nhào vào lòng Trần Hi.

“Ừ, Mạn Nhi.” Trần Hi ôm lấy con gái, mỉm cười hỏi phụ thân,
“Nãi nãi hôm nay thế nào rồi?”

“Vẫn thế thôi.” Trần Việt khẽ thở dài nói, “Bệ hạ đích thân
đến thăm, giờ đang ở cùng nương nương.”

“Vâng.” Trần Hi đáp, nghĩ tới những lời mọi người đang đồn đại
thì cảm thấy hơi tức cười. “Vậy là bệ hạ vẫn còn sủng ái cô cô lắm.”

Trần Mạn ở trong lòng hắn bỗng ngẩng đầu lên, tư lự hồi lâu
rồi cuối cùng bật hỏi, “Nếu như thế thì tại sao bệ hạ lại hạ lệnh trách phạt mấy
thúc thúc bá bá nhà ta?” Dù nó còn bé nhưng cũng nghe được một số điều bên
ngoài xì xào.

“Bởi vì”, Trần Hi liếc nhìn phụ thân rồi trả lời nghiêm túc,
“Bệ hạ nguyện ý sủng ái là cô cô chứ không phải là Trần gia.”

Trần A Kiều là người của Trần gia nhưng Trần A Kiều không phải
là Trần gia. Lưu Triệt có thể ân sủng, có thể yêu thương một mình Trần A Kiều
chứ y không nguyện ý thấy lại cảnh ngoại thích Trần gia độc bá. Thế nên y cố
tình phá tan khí thế của Trần gia. Người y sủng ái chỉ có A Kiều, nhiều nhất là
thêm mẫu thân và các con của A Kiều, vì ít nhất đó cũng là cô cô và con cái của
y. Còn những người khác của Trần gia, bao gồm cả Đường Ấp hầu Trần Việt, thì y
cũng chẳng muốn bảo vệ, nếu Trần Việt mà phạm tội thì e rằng y cũng trừng phạt
không chút lưu tình. Còn cô cô, chỉ cần Trần gia được bình an thì cô cô cũng
không để tâm đến việc bệ hạ trách phạt con cháu Trần gia. Có lẽ, trong mắt cô cô,
con cháu Trần gia có bị quản thúc thêm một chút thì ngược lại càng có thể có tiền
đồ.

Trần A Kiều độc chiếm ân sủng của thánh thượng là cơ duyên
nhưng cũng là tổn thương nặng nề đối với Trần gia. Vì có cô cô nên Trần gia nhất
định bị mang tiếng là ngoại thích. Hơn nữa, khi không có thế gia ngoại thích
khác cạnh tranh thì càng phải cẩn thận từng li từng tí, không thể bước nhầm để
người khác hiềm nghi. Hắn cũng phải suy nghĩ rất nhiều năm mới thông suốt những
điều này. Cho nên hắn nghĩ rằng việc cuối cùng mà nãi nãi phó thác cho bệ hạ chắc
chắn chỉ có cô cô chứ sẽ không có Trần gia. Trần gia quật khởi không phải dựa
vào ân sủng của Hoàng phi hay Hoàng hậu mà là dựa vào chính mình. Đến cuối cùng
thì phủ Đường Ấp hầu hiển hách suốt trăm năm nhưng chẳng qua cũng chỉ có ba người
sáng suốt mà thôi.

Nửa đầu năm Nguyên Đỉnh thứ năm, Lưu Triệt bận việc chính sự,
quân sự nên dù nghe nói Trưởng công chúa Quản Đào càng ngày càng yếu nhưng cũng
chỉ tới thăm được có một lần. Cuối tháng Tư, ngự y tới bẩm báo rằng bà chỉ còn
sống thêm được vài ngày nữa. Bậc trưởng bối năm xưa đang từng bước từng bước đi
tới điểm tận cùng của sinh mệnh. Lưu Triệt cảm nhận thấy trong buổi đầu mùa hạ
tươi xanh mát mắt bừng bừng sức sống vẫn có một tia bi ai đến tận xương cốt.
Song y không rảnh bận tâm đến bi ai của mình vì biết rằng A Kiều lúc này còn
đau thương hơn nhiều.

Phủ Đường Ấp hầu vào cung báo tang thì sắc trời đã muộn, y
đang vùi đầu xử lý công việc, nghe vậy liền lặng người đi. “Bệ hạ”, Dương Đắc Ý
lấy hết can đảm bước lên, khẽ nói, “Trần nương nương còn đang ở Hầu phủ chưa hồi
cung.”

Y vội vã xuất cung, tới phủ Đường Ấp hầu thì đã vào đêm. Hầu
phủ ngày xưa cẩm tú phồn hoa, hôm nay treo đầy trướng trắng.

“Bệ hạ”, Đường Ấp hầu Trần Việt dập đầu nghênh giá. Ập vào mắt
Lưu Triệt là một nhà toàn những người mặc đồ tang.

Người đến người đi trước linh cữu của cô cô, y nhìn thoáng
qua một vòng rồi hỏi. “A Kiều đâu?”

Y hỏi như vậy thì Trần Việt cũng không thấy bất ngờ, bình thản
đáp. “Nương nương quá đỗi đau thương, thần sợ nương nương bị tổn thương thân thể
nên sai tỳ nữ đưa người về lầu Mạt Vân nghỉ ngơi rồi.”

Đi trên hành lang dài dằng dặc dẫn từ phủ Đường Ấp hầu nhìn
trở về thì thấy lầu Mạt Vân xa xa hoàn toàn yên ắng, không đèn không nến cứ tựa
như chưa từng có một ai ở đó. Thị nữ đứng canh ngoài lầu mang vẻ mặt lo âu, thấy
ngự giá đến liền vội vàng quỳ gối. Lục Y thở một hơi thật dài, vội vàng bẩm, “Bệ
hạ, nương nương trở về đây rồi thì liền nói rằng muốn ở một mình yên tĩnh, bảo
tất chúng nô tỳ ra ngoài.”

Cô đứng bên ngoài gọi rất nhiều lần nhưng không nghe thấy tiếng
trả lời. Sự tĩnh mịch bên trong lầu Mạt Vân thật khiến cho lòng người sợ hãi.
Lưu Triệt gật đầu tỏ ý bảo đã biết, đón lấy chiếc đèn lồng Dương Đắc Ý chuyển
sang, đẩy cửa bước vào. Ánh đèn chập chờn chiếu lên tường một chiếc bóng âm u.
Y gọi khẽ, “Kiều Kiều.”

Y nhìn qua một lượt, thấy trên giường, cạnh án đều không có
bóng dáng quen thuộc. Y đảo một vòng quanh phòng mới thấy A Kiều ôm đầu gối, ngồi
trong góc. Y thở dài một tiếng, bao nhiêu năm đã qua rồi mà nàng vẫn không bỏ
được thói quen này. Năm xưa, tổ mẫu của y cũng là ngoại tổ mẫu của nàng là Đậu
thái hoàng thái hậu qua đời. Khi đó nàng còn là hoàng hậu của y, y cũng phải
tìm thật lâu khắp trong cung Vị Ương, đến điện Tiêu Phòng không có, đến cung
Trường Nhạc cũng không có, cuối cùng phải tìm tới ngọn giả sơn mà hai người gặp
nhau hồi nhỏ thì mới thấy.

“Kiều Kiều”, y ôm nàng vào lòng, qua ánh đền lồng yếu ớt chỉ
thấy khuôn mặt nàng trống rỗng. Sau khi nghe y gọi vài lần thì đôi mắt nàng mới
có chút linh động, ngẩng đầu nhìn y, một lát sau mới ngập ngừng gọi, “Triệt
Nhi?”

“Trẫm ở đây.” Y dịu dàng đáp.

Vào năm Vương thái hậu qua đời, chính nàng đã ở với y suốt cả
đêm. Lưu Triệt phải thừa nhận rằng nhờ có nàng ở bên cạnh đêm hôm đó mà y giảm
được rất nhiều đau đớn. Vì thế lần này đổi lại là y ở bên nàng.

“Kiều Kiều có muốn biết”, y mỉm cười nói, cố gắng chuyển hướng
suy nghĩ của nàng, “ngày hôm đó cô cô đã nói gì với trẫm không?”

“Không muốn.” Nàng hơi nghiêng đầu tựa vào vai y, cảm nhận
được sự kinh ngạc của y nên liền nói, “Thiếp cũng đoán được.”

Chẳng qua cũng là muốn y đối xử với nàng thật tốt mà thôi.
Xót thương thay cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ. Từ xưa vốn đã là như thế.
Những năm qua, mẫu thân ở bên cạnh nàng, yêu thương nàng, che chở nàng, làm hậu
thuẫn vững chắc cho nàng. Dần dần, nàng có cảm giác rằng bà chính là mẫu thân của
mình dù ở kiếp trước hay trong kiếp này. Đều cùng một tình yêu thương, đều cùng
sự chở che, đều cùng sự trả giá, đều cùng sự dâng hiến.

“Nói cho cùng thì tất cả những gì mẫu thân muốn đều là hư ảo,
chỉ có hạnh phúc của con và Triệt Nhi mới là thật sự.” Phút lâm chung, mẫu thân
đã nói như vậy.

Hai ngàn năm sau, khi mẹ qua đời thì nàng còn đang trong buổi
huấn luyện tại trường cảnh sát. Nàng đột nhiên cảm thấy có một thứ rất quan trọng
đã mất đi, sau đó nghe được tin dữ thì nàng khóc đến khàn cả giọng. Còn hôm
nay, nàng cứ đau đáu nhìn mẫu thân gầy đi rồi mất. Nàng đưa tay lên chạm vào má
mình mà thấy không hề có một giọt nước mắt. Điều này là do nàng thiếu tình yêu
với mẫu thân hay là mấy năm nay đã dần biến thành lạnh lùng?

“Từ nhỏ đến lớn, mẫu thân yêu thương thiếp nhất.” Nàng hồi
tưởng, “Còn yêu thương hơn cả ca ca nữa. Bà ngoại bảo thiếp ở lại cung Trường
Nhạc, mẫu thân thật ra không nỡ nên cứ ba ngày hai bận lui tới cung Trường Nhạc
để chào bà ngoại mà cũng là thăm thiếp.” Nàng có gì tốt mà khiến cho mẫu thân
yêu thương đến thế?

“Ừ.” Nàng nghe thấy người bên cạnh trầm giọng, “Khi còn bé,
trẫm… ta từng có lúc rất hâm mộ Kiều Kiều. Mẫu hậu cũng rất yêu thương ta nhưng
đó lại không chỉ là tình yêu thương đơn thuần.”

“Có một năm thiếp bị lên sởi mà mẫu thân gọi tất cả ngự y
trong cung đến. Rõ ràng là bệnh chẳng phải nặng gì nhưng bà lại lo lắng đến như
vậy. Có một năm…”

“Năm thiếp gả cho người, mẫu thân đưa thiếp lên xe, trong
lòng lưu luyến nhưng lại cười rất vui vẻ… Có một năm, thiếp thích một con búp
bê nhưng mẹ không mua được, thiếp đã không hiểu lại còn khóc lóc…”

“Kiều Kiều?” Có người lắc nhẹ vai nàng, giọng nói thật kỳ lạ.

Cuối cùng thì con búp bê vẫn xuất hiện trên đầu giường của
nàng. Nàng từ từ ngẩng đầu lên, trông thấy ánh mắt của y có vẻ gì đó khá kỳ lạ
nhưng ánh nến quá mờ nên nhìn không rõ lắm.

Lưu Triệt than một tiếng, nói: “Nếu Kiều Kiều muốn khóc thì
cứ khóc đi.”

Từng giọt, từng giọt nước mắt ứa ra, lăn trên gương mặt rồi
rơi xuống. Dần dà lệ nhòa gương mặt tựa như nàng đang đi giữa trời mưa tầm tã.
Những người mà nàng gọi là mẹ ở trong vòng trời đất này đều đã mất.

Theo lễ nghi cổ đại, cha mẹ qua đời, con gái đã xuất giá phải
thủ hiếu nửa tháng. Trần A Kiều ở miết trong cung Trường Môn suốt nửa tháng,
khi trở ra thì gió Nam tháng Năm đã thổi tới mang theo hơi nóng hây hẩy. Tháng
Năm, lúc tin quân Hán lần đầu tiên thất trận ở biên cương được báo về đến thành
Trường An thì Nam Cung trưởng công chúa đang nằm trong lòng phu quân Liễu Duệ của
nàng tươi cười nhắm mắt. Chỉ là lần này đã vĩnh viễn không thể mở ra.

Lưu Triệt nhận được tin, cầm nguyên cây bút ngồi lặng lẽ, nước
mực theo thân bút chảy tong tóc xuống trang giấy hoa tiên trắng như tuyết,
loang ra nhòe nhoẹt. Dương Đắc Ý nhìn thấy kinh hãi, khuyên nhủ, “Mong bệ hạ
nén bi thương.”

“Nén bi thương?” Lưu Triệt chậm rãi nói, “Không, trẫm cũng
không bi ai.”

Ít nhất không bi ai như hai lần trước đây. Người vừa mất là
tỷ tỷ của y, tỷ tỷ cùng cha cùng mẹ, thuở nhỏ yêu thương y, đến lúc lớn lại vì
y mà ôm lấy tủi nhục đi sang Hung Nô kết hôn để cầu hòa. Khi đó, y còn cho là cả
đời này sẽ không gặp lại được tỷ tỷ. Nhưng nếu như trời cao đã nguyện ý thành
toàn cho tỷ đệ bọn họ đoàn viên, tại sao không ban cho tỷ tỷ thêm ít năm tuổi
thọ chứ?

“Ngươi có biết”, y không xoay người lại, hỏi, “Hoàng tỷ của
trẫm năm nay bao nhiêu tuổi không?”

Dương Đắc Ý sợ mất mật không dám đáp lời.

“Hoàng tỷ chỉ lớn hơn trẫm có bốn tuổi.”

Tính ra cũng chỉ lớn hơn A Kiều hai tuổi. Sinh mạng còn trẻ
như vậy mà lại bị bão cát của đại mạc vùi dập làm cho héo tàn quá sớm. Vậy A Kiều
thì sao?

A Kiều cũng đã từng bị vùi dập, A Kiều cũng rất yếu ớt. Bây
giờ thân thể nàng lạnh giá, dễ mệt, chỉ cần dính phải một cơn gió lạnh sẽ bị sốt
cao không ngừng.

A Kiều yếu ớt như vậy, có khi nào đến một giai đoạn nào đó
trong cuộc đời sẽ buông tay ra đi không thể ở bên cạnh y nữa không? Những người
mà y coi trọng trong cuộc đời đều lần lượt ra đi, cho tới giờ, bên cạnh cũng chỉ
còn có một mình A Kiều. Trong lòng y đột nhiên dâng lên cảm giác nôn nao khó tả,
đến khi nhìn thấy bóng dáng giai nhân quen thuộc mới dần trấn tĩnh lại.

Thân thể A Kiều tuy gầy nhưng trông sắc mặt vẫn tốt. Nàng cứ
mãi nhìn y qua màn nước mắt lăn dài, nói: “Đàm tỷ đã đi rồi.”

Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm, con gái của Hiếu Cảnh
hoàng đế, chị ruột của Vũ hoàng đế. Khi Vũ Đế còn bé, Thiền vu Quân Thần của
Hung Nô xâm phạm biên ải, Hoàng đế bất đắc dĩ phải gả con gái mình là Nam Cung
để cầu hòa thì Quân Thần mới bãi binh. Thiền vu Quân Thần chết đi, em trai của
hắn là Y Trĩ Tà lên ngôi. Tập tục của Hung Nô là cha chết thì con thừa kế vợ của
cha nên Trưởng công chúa phải ngậm đắng đi theo Y Trĩ Tà.

Vũ hoàng đế mấy lần đánh với Hung Nô đều chiến thắng. Tháng
Tư năm Nguyên Thú thứ hai, Trường Tín hầu dẫn một vạn kỵ binh luồn sâu ngàn dặm
tập kích vương đình ở Mạc Bắc, cứu được Nam Cung trưởng công chúa trở về. Vào
tháng Mười hai mùa đông năm Nguyên Thú thứ hai, Trường Tín hầu Liễu Duệ cưới
Nam Cung trưởng công chúa Lưu Đàm. Từ đó về sau, vợ chồng ân ái mặn nồng. Năm
Nguyên Đỉnh thứ năm, Nam Cung trưởng công chúa qua đời. Hoàng đế đau buồn, cho
tiến hành tang lễ trọng thể, chôn cất tỷ tỷ ở Mậu Lăng.

Còn lúc này, y đột nhiên ôm chặt lấy A Kiều, không nói một lời.
A Kiều không khỏi kinh ngạc, nghĩ tới y đang đau khổ vì Trưởng công chúa qua đời
nên dịu dàng an ủi.

Lưu Triệt còn nhớ, khi hoàng tỷ bệnh nặng nằm liệt trên giường
đã từng hỏi y, “Triệt Nhi có yêu A Kiều không?” Lúc ấy y không trả lời, chỉ khẽ
gật đầu, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Vậy cũng tốt.” Lưu Đàm mỉm cười an tâm, biết rằng nếu là
đáp án khác thì đệ đệ nhất định sẽ không như thế. Khi đó, dù nàng đã rất suy yếu,
nhưng nét mặt vô cùng an tĩnh.

“Vậy thì ta có thể hơi an tâm rồi.”

Nếu như không như thế, nàng sợ rằng một khi ngay cả nàng
cũng xuôi tay thì trên thế gian này sẽ không còn ai đối xử với đệ đệ của mình
thật lòng nữa để rồi sẽ càng ngày càng thêm cô độc rồi cuối cùng thì dù quyền cao
chức trọng nhưng lại tịch mịch đến mức không nhận ra ngay chính bản thân mình.

“Có thể yêu một người cũng là một loại hạnh phúc.” Ít nhất,
còn có chỗ để gửi gắm tâm sự. Phật nói, đời người có tám khổ ải lớn, trong đó
có nỗi khổ yêu thương mà phải xa nhau. Nhất là yêu thương mà phải vĩnh viễn xa
cách, hiện giờ xem như là đau khổ lớn nhất. Nàng có thể yên tâm về đệ đệ nhưng
lại không yên tâm về phu quân. Dù không yên tâm thì cũng biết phải làm thế nào
chứ? Cuối cùng vẫn phải ra đi.

Năm Nguyên Đỉnh thứ năm không phải là một năm tốt cho cả Lưu
Triệt lẫn A Kiều. Trong năm này, bọn họ đều mất đi một người rất quan trọng
trong cuộc đời. Cho dù bọn họ đối với bên ngoài vẫn bình thản nhưng đến đêm
khuya gặp mặt nhau thì mới cảm nhận được sự đau đớn ở trong lòng.

“A Kiều, muội yêu Triệt Nhi sao?”

“Chẳng phải Đàm tỷ đã hỏi vấn đề này từ hồi năm Nguyên Thú
thứ hai rồi sao?”

“Đúng vậy, nhưng hôm nay, ta hỏi lại một lần nữa, hy vọng có
thể nghe được đáp án khác.”

Hôm đó, nàng đã suy nghĩ rất lâu rồi mới đáp, “Đúng vậy, muội
yêu chàng.”

Nàng nghĩ, dần dần bản thân nàng cũng không rõ tình yêu là
gì.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.