Long Hiểu Ất cười, buông tấm bạt xuống rồi quay người nhìn một binh sĩ đang
quỳ bên ngoài, tay cầm tấm kim bài quen thuộc. Hắn vội hỏi binh sĩ đó:
– Bà ấy đang ở đâu?
– Thưa Huyên vương gia, đang ở bên ngoài lều ạ.
– Mau mời bà ấy vào.
– Vâng.
Trang phục màu xám, khăn che mặt màu xám, Huyên phi ăn mặc theo cách của
người phiên thổ được mời vào lều của chủ soái. Ánh mắt bà lướt qua tấm
bản đồ thành Tân Bình được treo trong lều. Những ngón tay thon dài của
bà lộ ra ngoài trên những sợi lông xám của tấm áo choàng nhưng không hề
có ý định vén khăn che mặt. Bà vẫn giữ quy tắc không để người ngoài thấy mặt của hoàng cung phiên quốc. Huyên phi bước đến trước mặt người đàn
ông mặc bộ đồ đen hơi cúi người, định quỳ gối trước hắn. Hắn giật lùi
lại phía sau vì kinh sợ trước nghi thức này, định quỳ xuống hành lễ thì
bị bà ngăn lại:
– Vương gia không cần đa lễ. Tiện thiếp có mấy câu muốn nói. Nói xong sẽ đi ngay.
– … Mẫu phi…
– Xin Vương gia đừng vì tiện thiếp mà khuấy động can qua. Xin hãy thu quân, tiện thiếp xin cúi đầu tạ ơn.
Nói xong, bà chuẩn bị quỳ xuống thì hắn giơ tay ngăn lại nói:
– Mẫu phi, là con cứu giá chậm trễ, người…
– Vương gia nói đùa sao? Tiện thiếp có muốn nhận người con như Vương gia
cũng không nhận được. Tiện thiếp vô phúc nên không thể nhận câu gọi mẫu
phi của Vương gia.
Hắn ngước lên nhìn bà, môi mím chặt, tay nắm chặt. Hắn đã bao lần sang
phiên quốc chỉ mong được gặp mẫu phi một lần nhưng đều không thành, hắn
đã nghĩ rằng hoàng cung phiên quốc quản lý nghiêm ngặt. Thế nhưng bây
giờ bà lại có thể không đem theo một người mà vẫn vào được doanh trại
của hắn. Lẽ nào không phải bà không thể mà là bà không hề muốn gặp hắn
sao?
Bà không hề muốn nhận người con như hắn.
– Tại sao ạ? – Hắn muốn biết nguyên do. Mười năm trước phải rời khỏi kinh thành lang bạt, hắn chưa quên mối thù của mẫu phi. Mười năm sau, trở
lại kinh thành, hắn cũng chưa từng quên nỗi oan của mẫu phi. Bây giờ,
hắn gây chiến với phiên thổ cũng chỉ là muốn cứu bà về.
– Vì ta đã không còn là Huyên phi của trung thổ nữa. Ta không nhớ ở trung thổ có còn thứ gì mình quên mang theo hay không. Ta đã không có quan hệ gì với ông ta, với con trai ông ta cũng không. Phụ hoàng của Vương gia
đã đổi ta lấy lương thực. Vương gia mượn cớ cướp ta về để tuyên chiến.
Một người đổi ta lấy danh tiếng, một người đổi ta lấy lại uy phong cho
trung thổ. Thật không hổ là hai cha con.
– …
– Ta chỉ có một đứa con trai. Năm nay nó mới lên bảy tuổi. Nó vẫn đang
đợi ta ở thành Tân Bình. Ta vì nó dù có chết cũng phải bảo vệ thành Tân
Bình đó. Nếu Vương gia cảm thấy cần giữ thể diện, phải cướp một phế phi
như ta về mới hả giận, để lấy lại lòng tự trọng thì cứ đem ta về đi. Ta
sẽ giơ tay chịu trói nhưng xin Vương gia giơ cao đánh khẽ, thu quân về
triều.
– Mẫu phi… mẫu phi chưa từng đợi con sao?
– …
– Mẫu phi không tin con đến cứu người sao? Con chưa từng cho rằng việc
ông ấy không làm được thì con cũng không làm được. Việc ông ấy không dám làm thì con vẫn có thể làm. Con biết mười năm không phải là ngắn nhưng
con có thể đợi thì sao mẫu phi không đợi cùng con chứ? – Hắn không cam
lòng. Hắn suy nghĩ bao nhiêu năm, tính toán bao nhiêu năm, chỉ mong đến
thời khắc được gặp lại mẫu phi. Hắn có thể cứu bà ra khỏi bàn tay của ác ma nhưng bây giờ bà lại nói trung thổ mới là địa ngục của bà. Bà chỉ
xin hắn tha cho mình. Rốt cuộc là do hắn đến muộn một bước, hay những gì từ trước tới giờ hắn làm đều là phí công?
Bà cắn môi, những chiếc răng trắng đâm sâu vào thịt, rõ ràng là bà vô cùng đau khổ:
– … Đến cứu ta sao? Đến cứu ta là ý gì? Rõ ràng là tuyên chiến. Vương gia giết chồng ta, ức hiếp con ta mà là đến cứu ta sao?
Hắn im lặng, nuốt cay đắng vào trong lòng. Hắn cúi đầu nhìn đất đỏ dưới
chân. Người trước mặt hắn không muốn ở lại thêm nữa. Bà đang xoay người
định đi. Hắn ngẩng đầu lên muốn giữ bà lại nhưng không thể thốt ra lời.
Đúng vậy. Thời gian mười năm, nói dài không phải là dài, nói ngắn cũng chẳng phải là ngắn. Mẫu phi của hắn đã có gia đình mới, cũng như hắn, đã có
những mối bận tâm khác không nỡ vứt bỏ, không nỡ ra đi. Hắn cũng như
vậy. Sao có thể oán trách bà được chứ? Sao có thể bắt bà phải vứt bỏ đứa con trai nhỏ được? Huống hồ, hắn là con trai bà. Nếu không phải do hắn
vô dụng, chỉ có thể trốn trong quốc khố thì đã không xảy ra chuyện như
ngày hôm nay.
Hắn mân mê chiếc bàn tính hạt vuông bằng ngọc xanh. Hắn sờ đến góc bàn tính thì những hạt tính va vào nhau thu hút sự chú ý của người định bỏ đi.
Bà dừng bước quay lại nhìn chiếc bàn tính quen thuộc ở thắt lưng hắn,
ngẩn người trong thoáng chốc.
– … Chiếc bàn tính đó… Vương gia có thể trả lại ta không?
Hắn nghe yêu cầu của mẫu phi xong thì bất giác giữ chặt lấy vật duy nhất có liên quan đến mẫu phi. Đó là món quà bà đã sai người làm riêng cho hắn
năm hắn lên bảy. Chỉ vì hắn bị phụ hoàng ép học làm sổ sách và sử dụng
bàn tính quá nên hắn ghét những hạt tròn trên bàn tính. Hắn không dám
oán trách phụ hoàng mà chỉ dám tâm sự nỗi khổ của mình với mẫu phi.
– Không có nó, Vương gia không cần phải tự trách mình, cũng có thể quên
đi quá khứ, không cần phải nhớ tới phế phi nơi đất khách.
– …
Bà ta giơ tay ra trước mặt hắn, đợi hắn đưa cho bà vật liên quan đến tình
mẫu tử cuối cùng, không cho hắn một chút liên quan gì, quyết tâm cự
tuyệt!
– Con cũng có một thỉnh cầu.
– Điều gì?
– Xin mẫu phi nhận của con ba lạy.
Nói xong, hắn không để bà từ chối thì đã quỳ xuống. Chiếc áo choàng đen của hắn phủ trên mặt đất đỏ. Người trước mặt hắn cúi xuống.
Bà nhìn hắn khấu đầu trước mình, định quay đi thì thấy phía sau tấm rèm có tiếng uống nước. Nhìn qua tấm rèm, thấy lộ ra chiếc mũ hình cún con
quen thuộc, bà hơi nhếch môi, hít một hơi thật sâu, nhận những cái khấu
đầu của hắn.
Hắn tháo chiếc bàn tính ở thắt lưng ra đưa cho bà.
Những hạt tính trên tay bà va vào nhau tạo nên những tiếng lách cách. Bà xoay người bước đi, khi tới cửa lều, lại quay đầu hỏi:
– Ông ấy… có nhắn gì với ta không?
Người quỳ dưới đất bàng hoàng. Hắn cúi xuống khẽ nói:
– Người nói chưa bao giờ quên mẫu phi.
– … Vậy sao? Thế thì cáo từ. – Bà nói xong thì kéo lại chiếc áo lông xám, bước ra khỏi lều tiến vào màn đêm rồi mất hút.
Long Hiểu Ất thở dài. Đầu gối vẫn quỳ dưới đất cọ sát đau đớn. Khóe môi cong cong, hắn tự cười chính mình rồi dứt khoát ngồi xuống. Cách qua cửa lều vừa bị đẩy ra, hắn ngắm nhìn mảnh trăng đang treo giữa tầng không, cảm
giác như bản thân đã chẳng còn gì, còn người bị hút lên, không phải bay
một cách nhẹ nhàng mà là bay rất nhanh.
Hắn đang thấy mình trôi nhanh như một đám mây xanh thì đột nhiên eo lưng bị siết mạnh. Có thứ gì đó đang trêu đùa kéo dây lưng hắn, lại còn không
yên phận, như thể đang muốn bắt nạt hắn vậy.
– Long Tiểu Hoa, nàng còn sức để làm bừa sao?
Cái đầu phía sau nép sát vào lưng hắn.
– Lão gia, người ta rất ngốc, rất ngớ ngẩn, chẳng có bản lĩnh gì. Người
ta không biết làm thế nào để giành được tình yêu của lão gia. Nhưng
người ta tuyệt đối không bao giờ không cần lão gia.
Kẻ phía sau nãy giờ vẫn yên lặng bỗng cất tiếng nức nở, nàng muốn tiến vào hố sâu tâm lý trong lòng hắn, san bằng điều không cam lòng cuối cùng
của hắn, san bằng nỗi oán hận cuối cùng của hắn. Cho dù người trong cả
thiên hạ đều hiểu nhầm hắn thì nàng vẫn nhìn nhận hắn. Cho dù mẹ đẻ hắn
cũng bỏ hắn mà đi thì nàng vẫn cần đến hắn.
Hắn quay mặt lại kẻ đang khóc phía sau:
– Nàng lại mạnh miệng rồi.
– Thiếp không có. Thiếp có khế ước bán thân. – Nàng lôi tờ khế ước bán thân kẹp trong quyển Cha, người ta muốn ra, giơ trước mắt hắn như thể sợ không giữ nổi hắn. Nàng lén nhìn hắn và nói: – Còn cả… cái này nữa.
Nàng cầm một chiếc bàn tính bằng gỗ bình thường đưa ra trước mặt hắn. Chỉ là chiếc bàn tính đó có những hạt tính vuông.
Nàng biết nó không thể bằng chiếc bàn tính ngọc xanh, dùng nó sẽ không quen
tay bằng chiếc kia nhưng nàng đã dùng tiền công đi làm của mình để mua
nó. Nàng đã phải vất vả tích cóp từng đồng, tích ngày tích tháng để có
thể mua nó tặng hắn. Đây cũng là lời hứa của nàng, quyết tâm của nàng.
Nàng tuyệt đối sẽ không nói “không cần hắn” nữa. Nàng sẽ không đòi lại
bàn tính giống như người đó, sẽ không bao giờ không nhận hắn, tuyệt đối
tuyệt đối không bao giờ.
Hắn giơ tay không phải để nhận chiếc bàn tính đó mà là kéo người cầm chiếc
bàn tính đó vào lòng, ấp vào tim mình thật chặt, không chừa lại khe hở
nào cả. Hắn kề môi vào sát tai nàng thì thầm:
– Nàng đúng là kẻ biết chọn thời cơ mua chuộc lòng người. – Nhân lúc hắn
không phòng bị nhất, đánh cho hắn một đòn trí mạng khiến hắn không còn
chiêu nào để chống đỡ mà chỉ có thể ngoan ngoãn nghe theo lời nàng: –
Coi như nàng có được ta rồi. Đợi nàng hết cái đó rồi thì báo với ta một
tiếng nhé.
– Hả? Lão gia, người ta đang cảm động. Lão gia đừng nhắc đến chuyện đó được không?
– Ý nàng là nàng không muốn làm sao? – Hắn cúi xuống, cụng đầu vào trán nàng, nhướng mày nói.
– Ơ! Người ta… người ta… người ta… người ta… Lúc này người ta để lộ bộ dạng thèm muốn ra thì không được thích hợp cho lắm.
– Không sao. Ta quen rồi.
– … – Ý của hắn là nàng luôn giữ bộ dạng như vậy nên nàng không cần phải tỏ ra không như thế cho hắn xem nữa sao?
– Tiểu thư, lúc này tiểu thư còn chần chừ gì nữa, đúng là uổng công em
giữ giúp tiểu thư hai tín vật tình yêu. Vì tiền công và tiền tiêu vặt
của chúng ta, lên đi ạ. – Tiểu Đinh đứng phía sau tấm rèm lên tiếng bất
bình. Làm gì chứ? Lúc này mà tiểu thư đỏ mặt thì không nên. Đáng lẽ tiền công tháng này của cô cũng không cần phải trả cho Tiểu Bính mới đúng.
Nhắc đến Tiểu Bính, tên ngốc này đi lấy sổ sách cho đương gia xem, sao
vẫn chưa thấy về..
Tiểu Đinh đang nghĩ thì thấy Long Tiểu Bính từ bên ngoài xộc vào còn nhanh
hơn cả mình. Hắn nắm lấy vạt áo đương gia và bắt đầu bày tỏ lòng mình:
– Đương… đương gia, Tiểu Bính cũng không bao giờ không cần người. Phì!
Không phải là cũng. Tôi chỉ đến muộn hơn tiểu thư một bước thôi. Thực ra tôi…
– Này! Long Tiểu Bính, đủ rồi đấy. Lão gia là của một mình ta. Từ đầu đến chân là của mình ta. Cậu nên tránh ra đi.
– Cô… cô cô cô, cô đúng là kẻ… lên kinh thành mà chẳng có chút tiến bộ nào. Mở miệng ra là đầy những lời tục tĩu.
– Cậu hiểu cái quái gì chứ? Đây gọi là tình cảm vợ chồng. Tiểu Đinh, lôi
cậu ta ra ngoài. Đừng để cậu ta thèm muốn phu quân của ta!
– Vâng, thưa tiểu thư. Tiểu Bính để cho em thu phục, còn đương gia để tiểu thư thu phục. – Tiểu Đinh A Di Đà Phật.
– Lão gia, tại sao lão gia lại nhìn chúng thiếp bằng bộ mặt đau khổ như
vậy? Ai da, dù sao cũng mất hết không khí rồi, thôi chúng ta dứt khoát
không phải để ý đến kinh nguyệt làm gì nữa. Lúc này chiến đấu càng hăng
hái, thiếp muốn chàng, nhất định phải hành động triệt để.
– …
– Ồ! Không đồng ý thì không đồng ý. Làm gì mà gõ đầu người ta chứ? Híc!
Vừa rồi còn cảm động ôm người ta mà bây giờ đã trở mặt không nhận người
rồi.
– …
– Lão gia đừng trừng mắt như vậy. Á… Phải rồi… Mai lão gia đánh trận… Ờ…
chúng ta nên rộng lượng. Người ta rất hiểu lòng người khác.
– Long Tiểu Hoa! Ra bàn chép phạt cho ta!
– Hả? Nhưng người ta không mang theo cuốn Điều răn nhi nữ. Chẳng lẽ lão gia đi đánh trận mà còn mang theo cuốn sách đó sao?
– …
– Nếu không có thì chép phạt thế nào được?
– Vậy thì nàng chép câu “Lão gia, thiếp bảo đảm tuyệt đối không nghĩ đến chuyện đó trước khi hết đau bụng”.
– … – Tại sao hắn có thể bất chấp thiên thời địa lợi nhân hòa mà nghĩ ra
cách ức hiếp nàng biến thái như vậy chứ? Hu hu!… Nàng cũng thật biến
thái! Bị ức hiếp mà còn cam tâm tình nguyện như vậy, tự mình lao đến cho hắn ức hiếp: – Lão gia à, chép phạt có thể để sau. Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau mà.
– Thế nào đây?
– Có nhớ người ta không?
– … Đừng nói vớ vẩn nữa.
– Nằm ngủ có mơ thấy người ta không? Mơ một chút cũng được.
– … Đi chép phạt ngay!
– Có thể hôn không?
– …
– Vậy người ta không khách sáo nữa.
Chụt!
Trời hừng sáng, sương mù vừa tan không lâu, khói lửa chiến tranh ở biên giới phiên thổ và trung nguyên đã nổi lên. Tướng soái hai bên cưỡi ngựa xông tới, mắt đỏ ngầu. Người ta chỉ thấy Cung Diệu Hoàng, thân là phó soái
tiên phong nhìn chằm chằm vào Long Hiểu Ất cưỡi con Bôn Tiêu đứng trước
đoàn quân. Phiên vương ở phía sau đội quân phiên quốc. Rõ ràng ông ta
muốn “tọa sơn quan hổ đấu” trong trận đấu này. Tốt nhất là chủ soái của
quân địch mất đầu trước, để ông ta có thể đánh nhanh thắng nhanh. Dù sao thành Đồng Khê cũng nằm trong tay ông ta. Ái phi đã về cung, ông ta
hoàn toàn không cần phải lo lắng nữa. May mà Huyên vương gia không nghe
lời khuyên, trận này…
Ừm! Chuyện gì vậy? Tại sao đột nhiên Huyên vương gia đó lại xuống ngựa đi
thẳng đến doanh trại địch? Hắn… hắn làm gì vậy? Hắn định đấu tay đôi với Diệu tiểu vương gia sao?
Long Hiểu Ất sải bước đến bên con Tuyết Câu của Cung Diệu Hoàng, ngẩng đầu
lên nhìn hắn, mãi không nói lời nào. Bỗng nhiên, Long Hiểu Ất khuỵu một
chân, quỳ xuống nói:
– Thần nghênh giá muộn, kính xin tân chủ về triều.
– Ngươi nói gì? – Cung Diệu Hoàng ngồi trên ngựa, không cầm chắc nổi cây
thương. Hắn nắm chặt nắm tay nhìn kẻ đang quỳ bên chân ngựa của hắn. Hắn nghĩ Long Hiểu Ất một mình đến khiêu chiến với hắn, kết quả là như vậy: – Ngươi điên rồi. Ngươi nói tiểu vương…
– Khi Tiên hoàng về trời đã truyền ngôi cho Diệu vương gia. Chỉ là Diệu
vương gia đang ở phiên quốc nên không thể nào nhận phong được. Thật
không ngờ Vương thượng và Tiên hoàng lại cùng nhất trí phò trợ Diệu
vương gia đăng cơ kế vị. Chắc là Vương thượng cũng phản đối để Diệu
vương gia về nước chứ? – Huyên vương gia nói xong liền nheo mắt về phía
vị quân vương phiên quốc đang đứng sau đám binh mã.
Một câu nói thôi mà khiến ông ta chao đảo, muốn phản bác nhưng lại không
thể. Ông ta vốn định phò trợ Diệu vương gia đăng cơ để có cớ tiến vào
trung nguyên. Nếu bây giờ đổi ý, không để Diệu vương gia về nước, ém
nhẹm mọi chuyện, thân là vương thượng, nói mà lại nuốt lời, e rằng lòng
quân sẽ tan rã.
– Long Hiểu Ất, rốt cuộc ngươi có mưu đồ gì vậy. Không phải hoàng gia
gia… – Cung Diệu Hoàng nhìn hắn từ trên xuống dưới, giận dữ nói.
– Người giao ngọc ấn cho thê tử của thần để đưa cho Tân vương. Tân vương còn điều gì không hài lòng ư?
– …
– Nếu người thật lòng muốn thần kế vị thì tại sao lại không giữ ngọc ấn cho thần?
– …
– Tân vương còn muốn gây chiến với người nhà sao? Còn muốn dở tính khí trẻ con sao?
– Ngươi… Tiểu vương đâu có dở tính khí trẻ con.
– Ừm! Thần chỉ để Tân vương dở tính khí trẻ con nốt lần cuối cùng này nữa thôi. – Hắn đứng lên giơ tay dắt con Tuyết Câu, chắp tay chào Vương
thượng.
– Những ngày tân chủ ở phiên quốc được Vương thượng chiếu cố, ngày khác
nhất định sẽ tạ ơn. – Nói xong, hắn dắt phó soái của địch ung dung đi về phía doanh trại bên mình, ngáp một cái.
– Bãi giá hồi cung, chọn ngày đăng cơ. Nếu Vương thượng có hứng thú, có thể phái sứ giả đến chúc mừng. Mời!
– Này… Hiền tế, giao ước của chúng ta…
– Tiểu vương, không… trẫm về cung trước rồi sẽ tính. Mong Vương thượng
chọn ngày thay trẫm đưa Công chúa đến. Thập cửu hoàng thúc, có thể khởi
giá rồi.
– Thần tuân chỉ.
– Có điều… hoàng thúc cố ý làm thế phải không? – Cung Diệu Hoàng nhìn hoàng thúc nhà mình.
– Chuyện gì?
– Hoàng thúc không đến nghênh giá sớm, cũng chẳng đến nghênh giá muộn mà
đợi ta bị ép thành thân rồi mới đến? Hoàng thúc đúng là kẻ tiểu nhân. Rõ ràng là hoàng thúc muốn ta danh chính ngôn thuận từ bỏ cành hạnh đỏ đó.
– … – Có những chuyện, người ta cứ để trong lòng không nói ra sẽ tốt hơn. Nói ra rồi sẽ khiến người khác đau lòng.
– Hừ! Nhưng may mà trẫm đã sớm dự liệu. – Hắn chẳng hề có hứng thú với
nhân vật nam chính khổ vì tình: – Hoàng thúc đợi nhận chiếu chỉ của trẫm đi.
Người nhà rốt cuộc vẫn là người nhà, làm gì có chuyện giúp người ngoài đánh
mình, muốn đánh nhau cũng phải đóng cửa mà động chân động tay. Cho dù
mặt mũi sưng vù thì khi ra ngoài vẫn rất đồng tâm nhất trí.
Trên lầu thành Đồng Khê, Bạch Phong Ninh mở chiếc quạt ngọc phe phẩy:
– Thật là một trận chiến tẻ nhạt! Nhưng phiền Sử quan viết cho kinh hồn
lạc phách một chút. Nếu không thì làm sao thể hiện được sự anh minh thần vũ của Tân hoàng đế chứ? Long Nhi, ta nói có đúng không?
– Ờ… Hả? Sao lại thu quân hết vậy? Vừa rồi chẳng phải vẫn còn đằng đằng
sát khí sao? Tiểu Bạch, trong lúc tôi chợp mắt có chuyện gì xảy ra vậy?
– Không có gì. Chỉ là hai chú cháu họ đã gây gổ xong, quyết định quay về rồi đấu tiếp.
– Ồ… Tuyệt! Khoan đã, cô vợ mới cưới của Tiểu Diệu…
– Phải rồi. Kẻ đó mới lấy vợ, chết chắc rồi. Sau này đã có thể yên tâm về hắn. – Bạch Phong Ninh mìm cười, lấy quạt che miệng nói: – Long Nhi,
muội còn đau bụng không?
– Còn một chút. Sao thế?
– Đây là phương pháp do mẹ ta truyền cho. Muội có muốn thử không?
– Có thể trị loại bệnh này sao?
– Ừm! Không sai. Hơn nữa bảo đảm có thể chữa khỏi bệnh luôn.
– Ồ… Cách gì vậy?
– Tìm một người đàn ông có nội lực thâm hậu để động phòng. Dương khí điều hòa, người sẽ ấm lên, hiệu quả rõ rệt.
– …
– Dù sao Bạch mỗ đang rảnh rỗi lại có nội lực thâm hậu. Ta chẳng muốn
tiếp tục nghiên cứu võ học. Ở lại cũng đã ở lại rồi. Chẳng làm gì cũng
lãng phí thời gian. Ta có thể chữa trị bệnh giúp muội.
– …
– Này! Sao muội lại dùng ánh mắt con gái nhà lành đó để nhìn ta vậy? Muội nghĩ Bạch mỗ dễ dãi, ai cũng có thể cho sao?
– Không phải huynh thường dành nó cho những cô nương lầu xanh sao?
– …
– Nếu ngày nào đó có nữ hiệp với nội lực thâm hậu, võ công cao cường xuất hiện ở lầu xanh thì chắc chắn tôi sẽ không thấy kỳ lạ đâu. Bởi vì cô
nương đó ắt là được huynh truyền cho.
– … – Haizzz, nha đầu lòng dạ hẹp hòi này, những cô nương trong tiểu
thuyết luôn có thể tha thứ cho nhân vật nam chính, thì sao nàng lại
không thể độ lượng một chút chứ?
Bỗng một giọng nói khó chịu từ dưới lầu thành vang lên:
– Long Tiểu Hoa! Ai cho nàng “vượt tường” lên tận lầu thành vậy? Xuống đây cho ta!
– Xì! Người ta có trèo tường đâu.
– Long huynh, ở bên dưới nói không có tác dụng đâu, có giỏi thì lên đây.
– Huynh đừng có bôi nhọ thanh danh của tôi. Tôi chỉ là lo lắng cho lão
gia nên đến xem chút thôi. Huynh xem, huynh xem, chàng ấy mặc kệ chúng
ta, tức giận bỏ đi rồi. Đêm động phòng của tôi, đêm động phòng của tôi
sẽ tiêu mất!
– Long Nhi, Bạch mỗ vẫn hy vọng muội có thể tiếp tục là thiếu nữ mang danh thiếu phụ. Như vậy rất tốt, như vậy rất tốt.
– …
Năm Tân Lịch nguyên niên[1] , Cung Diệu Hoàng đăng cơ kế vị, Bạch Phong Ninh được phục chức hữu tướng ở lại kinh thành phò trợ Tân hoàng đế, khổ không kể hết. Huyên vương
gia từ quan cùng nương tử về định cư ở thành Đồng Khê làm nghề buôn bán, không màng chuyện triều chính.
[1] Tân Lịch nguyên niên: Năm đầu tiên của niên hiệu Tân Lịch.
Nhưng…
– Thánh chỉ tới!
Long Tiểu Hoa từ trong khuê phòng chạy ra, đầu tóc rối bời nhìn công công truyền thánh chỉ, giận dữ nói:
– Khốn kiếp! Tôi đã thấy ngứa mắt với ông từ lâu rồi. Ông cố ý sao? Mỗi
lần tôi sắp thành công thì ông lại ôm thánh chỉ đến. Ông có nhiều giấy
để viết thế sao? Sao ngày nào cũng chạy đến nhà tôi vậy? – Nàng là phụ
nữ, nhịn một chút cũng không sao nhưng lão gia nhà nàng thật tội nghiệp. Mỗi lần gỡ đồ ra được một nửa, mặt đỏ phừng phừng như kẻ say, nói với
nàng: “Nương tử, ta muốn làm…”, thì cái ông công công truyền thánh chỉ
này lại xuất hiện. Nếu cứ thế này sẽ xảy ra án mạng mất.
Long Hiểu Ất chỉnh lại dây lưng từ khuê phòng bước ra, có điều vẫn còn mấy
vết son trên cổ. Hắn hỏi vị thái giám đó, khẩu khí cũng biết là không
lấy gì làm vui vẻ:
– Lần này lại là chuyện gì đây?
– Thưa… thưa Huyên vương gia, Thánh thượng nói… công văn lần trước Vương gia phê chuẩn…
– Có gì sai sao?
– Không… là Thánh thượng không đọc rõ chữ nên bảo Vương gia lên kinh thành một chuyến để đọc… đọc công văn đó lại một lần.
– … – Muốn hắn phi ngựa đến kinh thành để đọc công văn sao? Tên khốn lấy
việc công để trả thù riêng. Hắn vốn tính toán sau khi giúp thằng cháu đó lên ngôi thì sẽ làm công thần về ở ẩn, không màng chuyện chính sự.
Nhưng cháu hắn không chịu để hắn yên. Hắn còn phải lo chuyện sổ sách nhà mình, đâu có rảnh rỗi mà đùa với nó: – Vậy bảo họ Bạch đến đọc giúp
Thánh thượng đi. Nếu không đọc được thì nuốt luôn tờ giấy đó, xem đầu óc có thông minh hơn chút nào không?
– Cái này… cái này… Bạch đại nhân nói… Bạch đại nhân cũng không hiểu…
– … Dám phối hợp để chỉnh hắn sao?
– Còn một thánh chỉ dành cho Huyên vương phi ạ.
– Xì! Đến cả tôi mà cũng không tha sao? Hắn muốn thế sao? Đừng tưởng là
tặng tôi con Tuyết Câu thì muốn gì cũng được nhé. Tôi là gái đã có
chồng, không có hứng thú đâu.
Nhớ lại Cung Diệu Hoàng lúc ly biệt, ánh mắt hắn buồn rầu nhìn nàng. Cứ như hắn và nàng phải mãi mãi cách xa vậy. Hắn đặt dây cương con ngựa tuyết
trắng mà hắn yêu quý nhất vào tay nàng rồi sải bước ra đi.
Tất cả là tại hắn tặng món quà đó khiến cho phu quân của nàng nổi giận. Lão gia ghét nhất là sở thích thích ngựa trắng của nàng. Lão gia đã cho
nàng một trận. Bây giờ hắn còn muốn thế nào đây?
– Vâng… Thánh chỉ mời Huyên vương phi vào cung hầu hạ… hầu hạ Hoàng hậu.
– … Lão… lão gia… cứu thiếp với. Thiếp không muốn vào cung cho hoàng hậu
người phiên thổ đó giày vò đâu. Hoàng hậu đó kinh khủng lắm! Đáng sợ
lắm! Xấu xa lắm! Chẳng có chuyện gì cũng tè vào người thiếp, phun nước
bọt lên y phục thiếp. Ồ, Hoàng hậu còn liếc xéo thiếp, đánh giá từ trên
xuống dưới. Con người ta sinh ra nói câu đầu tiên không phải gọi cha thì là gọi mẹ. Đằng này Hoàng hậu vừa mở miệng ra đã gọi thiếp là Hạnh Hoa. Chắc chắn có người đứng đằng sau thao túng. Thiếp không đi, không đi,
không đi.
– …
Nghĩ đến việc hoàng hậu đó mới chỉ có ba tuổi mà hắn thật đau đầu. Hắn cử
tưởng cô vợ mà cháu hắn lấy về có thể làm cháu hắn vơi bớt nỗi buồn. Kết quả cháu hắn lại chọn công chúa nhỏ nhất nhất nhất của phiên quốc. Hắn
vốn cho rằng cháu hắn thành thân là xong chuyện. Thật không ngờ núi cao
còn có núi cao hơn. Cháu hắn đã bế một cô bé còn tè dầm ra bái đường,
lại còn bắt Long Tiểu Hoa nuôi dạy nữa. Nàng có thể dạy được gì chứ? Dạy vượt tường thế nào? Dạy làm hạnh đỏ ra sao ư?
Nói cháu hắn không muốn làm cái bóng của hắn. Kết quả cháu hắn lại đi đúng
con đường cũ. Làm sao đây? Nó còn muốn làm người cha thứ hai, nuôi dạy
hạnh đỏ cho có đôi sao?
– Thánh… thánh chỉ còn nói. Nếu hai vị không chịu đi thì tiền thuế của
khách điếm Đại Long Môn năm nay sẽ tăng lên gấp ba lần. Không được thiếu một xu.
– Hắn độc ác như vậy từ bao giờ thế. Thiếp biết mà, đây chắc chắn là chủ ý của tên họ Bạch, muốn khiến chúng ta không có cơm để ăn, chỉ có thể đi
ăn cơm hắn cho thôi. Lão gia… Hu hu! Chúng ta không sống nổi những ngày
thế này nữa rồi… Chúng ta phải bỏ trốn mất thôi.
– … Ờ! – Người dưới mái hiên không thể không cúi đầu: – Thu dọn, thu dọn, chuẩn bị lên kinh thành.
Chắc lại phải mất vài tháng mới có thể quay lại Đồng Khê.
Thu dọn hành lý xong, Long Tiểu Hoa trèo lên xe ngựa, mắt chăm chăm nhìn
hai con ngựa một đen một trắng đang kéo xe ở phía trước. Đối với vận
mệnh đau khổ của hai con ngựa tuyệt thế lại phải trở thành ngựa kéo xe
ấy, nàng chẳng chút cảm khái, lại đi than thở cho số phận mình:
– Hu hu!… Bôn Tiêu và Tuyết Câu đã được ở bên nhau. Lẽ nào thiếp thật sự không đáng được hạnh phúc bằng bọn chúng? Hay là…
Nàng đang như con hổ đói bổ nhào lên người lão gia nhà mình, thì thấy hắn né sang một bên, vén vạt áo nhảy xuống xe, ngoái đầu lại nói với nàng:
– Ta đi lấy ít sổ sách của khách điếm mang lên kinh thành kiểm tra.
– Híc! – Nàng đáp rồi nhảy xuống xe ngựa cùng hắn. Vừa mới bước vào khách điếm thì đã thấy chưởng quỹ cúi đầu khom lưng sắp xếp lại sổ sách đã
xem đặt vào tay hắn rồi.
Hắn ôm chồng sổ sách, dặn dò đôi câu, đang định kéo nàng đi thì ngoái đầu
lại thấy vẻ mặt nàng lo lắng nhìn về chỗ nào đó của khách điếm.
Tại chiếc bàn ở một góc nhỏ cách cửa không xa, có một cậu bé chừng bảy tám
tuổi mặc y phục phiên thổ đang lắc lư cái đầu, cầm quyển sách đọc. Cậu
bé không chịu ngồi yên còn đung đưa chân. Chiếc bàn tính bằng ngọc xanh
nơi thắt lưng rung rung. Những hạt tính vuông đã bị mòn góc cạnh vì năm
tháng. Chúng va vào nhau tạo nên những tiếng lách cách trong veo.
Nàng mím môi đi tới đó nói chuyện với cậu bé vài câu. Hắn chỉ đứng bên quầy nghe chưởng quỹ nói:
– Cậu bé đó là người phiên bang nhưng lại thích ăn đồ trung thổ. Mẹ cậu
bé thường đưa cậu bé vào thành để ăn. Mẹ cậu bé ra ngoài mua đồ bảo tôi
trông giúp. Haizzz! Ông chủ chưa đến, tôi còn không để ý. Nhưng cậu bé
đó có vẻ giống ông chủ đấy. Ông chủ có dòng máu của người phiên thổ sao?
Hắn không đáp lại, cứ nhìn chăm chú chiếc bàn tính ngọc xanh đó. Chỉ thấy
đứa trẻ kia cầm bàn tính đặt lên bàn, nhìn Long Tiểu Hoa cười nói gì đó.
Nàng bỗng quay người lại, nhìn hắn nói lớn:
– Lão gia, cậu bé nói chiếc bàn tính này là ca ca nhờ mẹ tặng lại cho cậu ấy.
Hắn sững người nhìn nụ cười hoan hỷ của cậu bé, môi hơi nhếch, nụ cười đẹp như thiên thần.
– Mẹ cậu bé muốn cậu ấy luôn đem nó bên mình, không được làm mất.
– …
Hắn bước về phía đứa trẻ rồi dừng lại dặn vợ mình:
– Nàng nói với cậu bé giúp ta là, hãy hiếu thuận với mẫu thân cả phần của ca ca mình nữa nhé.
– Vâng!
Mọi chuyện đều không thể toàn vẹn được. Việc gì cũng có cái được cái mất.
Tốt cho một số người chứ không thể tốt cho tất cả. Thế này đã là tốt
nhất rồi, việc gì phải mong cầu điều khác nữa chứ? Hắn đi trước một
bước. Bước lên xe ngựa, ngồi đợi nàng chơi đùa với đứa trẻ xong. Sau khi nàng bước lên, hắn không thể ở lại lâu nên bảo phu xe lập tức khởi hành rồi vén rèm cửa xe nhìn lại đứa trẻ đó.
– Lão gia!
– Hả?
– Lão gia có thích trẻ con không?
– Có.
– Vậy sinh một đứa nhé.
– … Sinh ở đây sao? – Con của hắn tạo ra trong xe ngựa này sao? Hắn tuyệt đối không đồng ý.
– Lẽ nào sinh con phải đợi giờ đẹp ngày đẹp? Cứ tự nhiên đi.
– Ta không tùy tiện như nàng được.
– Lão gia lại nói thiếp tùy tiện rồi. Nhưng nếu thật sự muốn sinh con thì tuyệt đối không thể bất tài giống như hoàng hậu đó được. Khủng khiếp
quá! Thiếp nghĩ Tiểu Diệu chẳng có con mắt nhìn người gì cả.
– Ta cũng đang nghi ngờ con mắt nhìn người của chính mình.
– Con chúng ta cũng không thể giống như đệ đệ đó của lão gia được.
– Không phải nàng nói chuyện với cậu bé đó rất hợp sao?
– Ừm, nhưng chàng có biết nó đang đọc sách gì không? Là sách dạy sử dụng
bàn tính. Nó nói nhất định sẽ trở thành một vị quan trông coi quốc khố
cừ khôi.
– Vậy thì sao chứ?
– Sao lại không? Một kẻ mới tí tuổi đã thích tính toán như vậy, nhất định lớn lên sẽ khô khan cục cằn giống như chàng. Sao có thể trở thành bạch
mã hoàng tử dịu dàng như nước, hào hoa phong nhã, người trong lòng những cô nương đáng thương được chứ!
– Long Tiểu Hoa! Nàng thật không biết xấu hổ! Nàng còn muốn lũ trẻ trở
thành những kẻ như nàng và mấy tên cưỡi ngựa trắng đó sao? Chuyện động
phòng, lùi lại một tháng nữa cho ta!
– Xì!
Bôn Tiêu và Tuyết Câu kéo xe nhìn nhau. Càng ngày chúng càng cảm thấy chủ
nhân của mình chẳng có chút tiền đồ gì cả. Chúng quen nhau chưa lâu mà
đã có mầm sống trong mình, còn hai người bọn họ thì sao? Ngay từ đầu đã
nên làm chuyện vợ chồng thế mà đến cuối cùng vẫn chưa làm được.
Thật không bằng cầm thú!
Hả? Bạn thắc mắc về kết cục của câu chuyện ư? Thấy nó không đúng với định
luật bạch mã hoàng tử tất thắng trong tiểu thuyết cấm sao? Cô gái đáng
thương chưa chiến thắng được mẹ kế mà còn cam lòng chịu ngược đãi đến
già, để mặc bạch mã hoàng tử ở kinh thành chịu khổ. Bạn thấy như vậy là
không hợp lẽ?
Thực ra cuộc sống không phải điều gì cũng giống như trong tiểu thuyết. Bất
kỳ kết cục nào cũng có thể khác với tưởng tượng của chúng ta. Dẫu sao
phần cuối của cuốn truyện cũng đã là cái kết đẹp đối với một vài người.
Trong tình yêu, chẳng có ai đúng cũng chẳng có ai sai. Đành phải để bạch mã hoàng tử của chúng ta chịu thiệt thòi thôi!