Văn Bác cảm thấy rất ấm ức, chán chường, vốn dĩ mình
là người hoàn toàn trong sạch nhưng hết lần này đến lần khác bị vợ hoài nghi.
Anh cảm thấy không sao hiểu nổi. Lẽ nào Y Đồng mắc bệnh thần kinh? Một người
đàn bà bình thường, lại là trí thức cao, sao có thể trở nên như vậy chứ? Văn
Bác vô cùng u uất, đầu óc rối bời, đau như búa bổ…
Hết giờ làm, Văn Bác không muốn về nhà sớm. Phải đối
mặt với cả gia đình nhà vợ khiến anh cảm thấy rất khủng khiếp, vì thế, anh liền
ở lại văn phòng, lên mạng chát chít.
Văn Bác có một cái nick yahoo tên là “Đông phương bất bại”,
đương nhiên ý anh không phải chỉ nhân vật giáo chủ “Nhật nguyệt thần giáo”
trong cuốn tiểu thuyết “Tiếu Ngạo giang hồ” của Kim Dung mà ý để chỉ tương lại
sau này của mình sẽ luôn ở trạng thái “bất bại” trước cả gia đình nhà vợ.
Văn Bác đang đọc tin tức thì đột nhiên có một cái nick
là “Viên ngọc nhỏ” add nick của anh. Một lát sau, “Viên ngọc nhỏ” viết: “Hey
guy, có thể nói chuyện một lát không?”
Văn Bác gõ: “Có thể, nói cái gì bây giờ?”
Viên ngọc nhỏ: “Anh có thời gian không?”
Văn Bác: “Có, bạn có chuyện gì à?”
Viên ngọc nhỏ: “Bạn trai tôi chia tay với tôi rồi, tâm
trạng không vui, muốn tìm người thử làm tình một đêm!”
Văn Bác giật nảy mình, hỏi lại: “Hả? Sao bạn lại nghĩ
như vậy?”
Viên ngọc nhỏ: “Anh có muốn thử làm tình một đêm với
em không?”
Văn Bác: “Bạn chớ xúc động, có gì từ từ nói!”
Viên ngọc nhỏ: “Cho anh xem mặt em nhé!”
Viên ngọc nhỏ gửi đến một bức ảnh. Văn Bác liếc qua,
cô gái này khoảng hơn 20 tuổi, tóc dài, đôi mắt to, làn da trắng ngần, rất xinh
đẹp, vừa nhìn là biết đây chính là một người đẹp đạt tiêu chuẩn.
Viên ngọc nhỏ viết: “Nếu như anh đồng ý, tám giờ tối
nay, đợi em ở cửa khách sạn Như Ý. Em sẽ mặc một cái váy hai dây màu hồng.”
Nói rồi Viên ngọc nhỏ out nick.
Tim Văn Bác đập thình thịch, toàn thân nóng bừng lên.
Chuyện này quá đột ngột! Một cô gái xinh đẹp như vậy, sao lại tự chà đạp bản
thân mình như thế? Như vậy là vô trách nhiệm với bản thân, ngộ nhỡ gặp phải
người xấu thì sao? Không được, mình phải khuyên nhủ cô ấy mới được!
Đúng lúc ấy, Y Đồng gọi điện đến:
– Ông xã, sao anh vẫn chưa về? Hết giờ làm lâu lắm rồi
mà?
– Ờ, anh đang còn chút việc chưa xong, giờ đang ở văn
phòng! – Văn Bác nhấn mạnh mình đang ở văn phòng vì sợ vợ sẽ nghi ngờ làm gì
bậy bạ ở ngoài.
– Thế anh về nhanh đi, em đợi anh!
Cúp điện thoại xuống, Văn Bác do dự, không biết rốt
cuộc có nên đi hay không? Anh thực sự rất mâu thuẫn.
Nếu như không đi, có thể cô gái ấy sẽ qua đêm với một
người khác, tự vùi dập bản thân, hủy hoại đời mình. Nếu đi mà chẳng may bị vợ
biết được, hậu quả thật khôn lường. Sau một hồi cân nhắc, Văn Bác quyết định sẽ
mạo hiểm đi gặp cô gái kia, khuyên nhủ cô ấy, chắc sẽ không tình cờ bị vợ anh
biết được đâu nhỉ?
Văn Bác ra khỏi văn phòng, đã là bảy giờ bốn mươi phút
tối rồi. Cô gái đó hẹn lúc tám giờ, chỉ còn hai mươi phút nữa. Văn Bác vội vàng
bắt một chiếc taxi, nhanh chóng đi đến khách sạn Như Ý, trên đường đi, để tránh
bị vợ gọi điện kiểm tra, anh đã tắt máy.
Xe dừng lại trước cửa khách sạn Như Ý, đã gần đến tám
giờ. Cũng may là không đến muộn. Văn Bác xuống xe, đứng ở cửa khách sạn Như Ý
chờ đợi.
Đúng tám giờ, cô gái kia vẫn không thấy xuất hiện. Văn
Bác nghĩ, đàn bà đến muộn là chuyện bình thường. Những cô gái xinh đẹp một
chút, cho dù là có hẹn với bạn trai cũng thường xuyên đến muộn, nếu như không
đến muộn mới là bất thường.
Năm phút trôi qua, cô gái kia vẫn không thấy xuất
hiện, Văn Bác tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi. Mười phút đã trôi qua, vẫn chưa thấy
bóng dáng của cô ta đâu. Văn Bác có chút sốt ruột, trong lòng thầm nghĩ: liệu
cô ta có cho mình leo cây không nhỉ? Anh chuẩn bị quay về. Đúng lúc ấy thì đột
nhiên nhìn thấy Y Đồng và Ngô Liễu đi đến. Văn Bác giật nảy mình, sắc mặt trắng
bệch ra.
Y Đồng lạnh lùng nói:
– Người anh đợi vẫn chưa đến à?
– Cái gì mà đợi với chờ? Anh ra ngoài đi dạo ấy mà!
– Anh còn dám nói dối à? Thế tôi hỏi anh: “Viên ngọc
nhỏ” là ai?
– Anh làm sao biết được? – Văn Bác hơi chột dạ, chắc
chắn vợ anh đã biết chuyện anh nói chuyện với “Viên ngọc nhỏ”. Lần này thì tiêu
rồi, vốn dĩ mình chẳng có cái ý nghĩ ấy, giờ thì có nhảy xuống sông Hoàng Hà
cũng chẳng rửa hết tội.
– Anh còn giả bộ? Ngô Liễu chính là “Viên ngọc nhỏ”,
em cố ý bảo cô ấy thăm dò anh, nào ngờ anh lại đến thật! – Y Đồng đanh giọng
chì chiết, sắc mặt vô cùng đáng sợ.
– Nói thực lòng, anh chẳng có ý gì khác cả, anh vốn
định khuyên cái cô “Viên ngọc nhỏ” ấy thôi! – Văn Bác ấp úng nói.
– Thật không ngờ anh lại lăng nhăng như vậy! Đúng là
vô liêm sỉ!
– Anh thật sự ko có ý gì khác mà!
– Giờ tôi đã nhìn rõ bộ mặt thật của anh rồi! – Nói
rồi, Y Đồng và Ngô Liễu liền bỏ đi.
Văn Bác đứng sững ra đó, hồi lâu sau mới bừng tỉnh.
Giờ phải làm thế nào? Trong lòng anh rối như tơ vò. Nghĩ lại, anh thấy mình
chẳng làm chuyện gì đáng xấu hổ cả, cây ngay không sợ chết đứng. Vốn dĩ anh
không định về nhà vợ, nhưng nếu như không về thì chẳng phải mình có tật giật
mình hay sao? Hay là thôi, cứ về nhà vợ đi.
Văn Bác về đến nhà bố mẹ vợ. Vừa mới vào cửa đã nhìn
thấy hai mẹ con Y Đồng mặt mày hầm hầm đang ngồi trong phòng khách. Anh còn
chưa kịp mở miệng đã nghe mẹ vợ nói:
– Mẹ kiếp, mày còn dám vác mặt về đây à? Chẳng phải đi
tình một đêm rồi sao? Tao biết ngay mà, mày đúng là đồ lăng nhăng!
Y Đồng quát lên:
– Anh là đồ mất nết, sao anh không chết đi cho tôi
nhờ?
Văn Bác biết mình “tình ngay lý gian”, có lý mà chẳng
thể nói ra, đành thôi không biện minh, chỉ im lặng mặc cho hai mẹ con họ muốn
nói gì thì nói. Nhưng anh càng không nói gì thì hai mẹ con Y Đồng càng chửi bới
dữ dội.
– Anh nói cho em biết, anh hoàn toàn trong sạch, anh
hoàn toàn không làm gì bậy bạ với người khác! – Văn Bác thực sự không thể nín
nhịn được nữa.
– Ai mà tin được anh chứ? Nói mau, rốt cuộc anh có bao
nhiêu người đàn bà ở bên ngoài? – Y Đồng chất vấn.
– Sao mày có thể làm ra những chuyện vô liêm sỉ như
thế được cơ chứ? – Mẹ Y Đồng đay nghiến.
Văn Bác quay người định đi, Y Đồng liền nói:
– Anh đi đâu? Lại đi tìm đàn bà phải không?
– Các người mắng chửi đủ chưa hả? – Văn Bác không chịu
nổi nữa.
– Nói cho anh biết, từ nay về sau thì ngoan ngoãn mà ở
nhà, không được đi đâu hết!
– Tôi chẳng phải nô lệ của cô, tôi muốn làm gì thì
làm, tôi xem ai cấm được tôi nào? – Văn Bác vô cùng phẫn nộ.
– Mày còn dám phản kháng à? – Mẹ Y Đồng quát lên.
– Chân tôi mọc trên người tôi, để tôi xem ai ngăn được
tôi?
Văn Bác chẳng buồn ngoảnh đầu lại, đi thẳng một mạch,
phía sau vẫn vang lên tiếng chửi rủa chói tai của hai mẹ con Y Đồng. Trái tim
Văn Bác như bị xé tan thành từng mảnh trước những tiếng mắng chửi ấy.
Anh lại nghĩ đến chuyện ly hôn, những ngày tháng này
thực sự không sao sống nổi, anh cứ như sắp đổ sập đến nơi rồi… Nhưng mà ly hôn
rồi, làm sao qua cửa ải của bố mẹ đây? Làm thế nào mới có thể thuyết phục được
bố mẹ anh đây?
Văn Bác không về nhà, anh biết nếu anh về nhà, Y Đồng
sẽ đến để cãi nhau với anh. Về công ty cũng không được, chắc chắn cô ta có thể
tìm đến tận công ty. Đứng giữa con phố rực rỡ đèn hoa, Văn Bác lại cảm thấy
chán nản. Cả thành phố rộng lớn thế này mà lại chẳng có lấy một chỗ cho anh
dung thân. Thật là thê thảm!
Anh lang thang trên đường, bước chân vô tình lại dừng
lại trước cửa công ty. Anh ngây người nhìn tòa văn phòng cao ngất, đột nhiên
sau lưng anh lại vang lên tiếng gọi:
– Văn Bác, sao muộn thế anh còn qua đây? Lại tăng ca
à?
Văn Bác ngoảnh đầu nhìn, hóa ra là Lương Tuyết:
– Không, anh chỉ đi ngang qua đây thôi, sao em vẫn còn
chưa về nhà?
– Hôm nay em chưa xong việc, ở lại làm thêm chút nữa!
– Lương Tuyết nói.
– Em cần chú ý nghỉ ngơi đấy!
– Cám ơn anh, anh có rảnh không? Em mời anh đi uống cà
phê!
Văn Bác thầm nghĩ, cũng tốt, đúng lúc tâm trạng đang
rối bời, nói chuyện với Lương Tuyết cũng tốt. Thế là hai người liền vào một
quán cà phê ở gần công ty. Không khí ở đây khá tốt, rất thanh tao. Âm nhạc cổ
điển du dương vỗ về bên tai, dịu dàng như cơn gió tháng ba, khiến cho lòng anh
như dịu lại.
– Anh lại không có nhà để về rồi! – Vừa ngồi xuống,
Văn Bác bắt đầu kể lể với Lương Tuyết.
– Sao thế? Hai người lại cãi nhau rồi à? – Lương Tuyết
hỏi.
– Ừ, thường xuyên cãi nhau! Anh thật sự rất mệt mỏi!
– Ly hôn đi, đừng tự giày vò bản thân nữa!
– Anh muốn ly hôn nhưng hiện giờ cô ta đang có bầu!
– Hả? Chị ta có bầu ư? – Lương Tuyết kinh ngạc thốt
lên.
– Ừ, đã gần hai tháng rồi!
– Lần này thì phiền phức to rồi!
Văn Bác bối rối chẳng biết làm thế nào. Nếu như không
cần đến đứa con này… Nhưng cứ nghĩ đến đứa bé vô tội, anh lại thấy mềm lòng.
Nếu như bỏ nó đi, thật sự anh không nhẫn tâm. Mặc dù hiện giờ có thể phá thai,
chuyện này là rất bình thường nhưng anh không thể làm như vậy. Đứa bé là một
sinh mạng nhỏ nhoi, vẫn chưa được nhìn thấy thế giới này đã bị giết chết. Điều
này thật sự quá tàn khốc. Là một người đàn ông, một người cha, anh phải chịu
trách nhiệm về điều đó.
– Anh đã nghĩ đến chuyện bảo chị ta phá thai chưa? –
Lương Tuyết hỏi.
– Rồi, nhưng anh không nhẫn tâm!
– Đàn ông muốn làm việc lớn thì không thể quá nhu
nhược!
– Anh biết, nhưng cho dù anh đồng ý làm vậy thì cô ta
cũng không đồng ý. Cho dù cô ta đồng ý thì bố mẹ anh cũng không đồng ý!
– Anh có thể tạm thời giấu bố mẹ anh!
– Để anh cân nhắc thêm đã!
Hai người nói chuyện một lúc lâu, chẳng mấy chốc đã
đến nửa đêm, Lương Tuyết hỏi:
– Anh đến nhà em đi, bố mẹ em vẫn chưa về!
– Thế thì lại làm phiền em à?
– Không sao, chúng ta là bạn tốt mà!
– Được, anh lại làm phiền em thêm lần nữa vậy!
– Đừng khách sáo!
Ra khỏi quán cà phê, Lương Tuyết và Văn Bác bắt một
chiếc taxi về nhà cô. Đây là lần thứ hai Văn Bác ở nhờ nhà Lương Tuyết, thế nên
anh không còn giữ ý tứ quá mức như lần trước nữa.
Vào phòng, Lương Tuyết cười nói:
– Anh mệt lắm rồi hả? Để em pha nước cho anh tắm một
cái nhé!
Văn Bác bỗng nhiên thấy vô cùng cảm động, bởi vì
thường ngày ở nhà đều là anh pha nước cho vợ tắm, vợ anh chưa bao giờ pha nước
cho anh. Không chỉ có vậy, cô ta còn thường xuyên sai bảo anh, mắng chửi anh,
giơ tay lên là đánh đập. Trước mắt vợ, anh thậm chí còn chẳng bằng một ôsin.
Ôsin bây giờ ngay cả bà chủ cũng không dám tùy tiện đánh chửi! So với Lương
Tuyết, vợ anh chẳng khác gì bà chằn.
Văn Bác tắm xong, Lương Tuyết lại mang một bộ quần áo
ngủ sạch sẽ cho anh thay. Bộ quần áo ngủ gấp phẳng phiu, là bộ quần áo mà Lương
Tuyết đã đến bách hóa mua cho anh vào ngày anh đến lánh nạn nhà cô.
Thay quần áo xong, Văn Bác liền hắt xì hơi một cái,
Lương Tuyết thấy vậy liền nói:
– Cẩn thận kẻo bị cảm đấy! Nào, để em lấy cho anh cái
áo khoác mau mau mặc vào người!
Sự chăm sóc chu đáo và dịu dàng của Lương Tuyết khiến
Văn Bác cảm thấy vô cùng ấm áp. Anh thầm nghĩ: “Nếu mà Lương Tuyết là vợ của
mình thì tốt biết mấy!”
Văn Bác đang nghĩ vơ vẩn thì Lương Tuyết lên tiếng:
– Em làm ít sa lát hoa quả cho anh nếm thử trong lúc
em đi tắm nhé, không anh lại ngồi không thấy chán!
– Không cần đâu, em đừng làm gì cả!
Một lát sau, món sa lát hoa quả đã làm xong. Nhìn điệu
bộ cặm cụi của Lương Tuyết, Văn Bác đột nhiên lại có cảm giác muốn ôm chặt lấy
cô…
Lương Tuyết làm xong liền đi tắm. Văn Bác vừa xem tivi
vừa ăn sa lát, đợi Lương Tuyết. Một lúc lâu sau, Lương Tuyết tắm xong đi ra,
quấn một cái khăn tắm, tóc ướt nhẹp. Thân thể Lương Tuyết rất đẹp, những đường
cong hiện rõ trên thân hình cô, làn da trắng mịn màng không tì vết, sáng loáng
dưới ánh đèn dìu dịu khiến cho cô càng thêm gợi cảm…
Văn Bác nói: “Để anh sấy tóc cho em, kẻo bị cảm lạnh!”
– Ok, cảm ơn anh!
Văn Bác cầm máy sấy, vừa sấy tóc vừa chải đầu cho
Lương Tuyết. Mùi nước gội đầu thơm thoang thoảng phảng phất qua mũi anh, khiến
cho anh cảm thấy rất hưng phấn.
– Tóc em thơm quá! – Văn Bác vuốt ve mái tóc đen óng ả
của Lương Tuyết, không kiềm chế được, thốt lên khen ngợi.
– Thật à? Dạo này em không chăm sóc tốt nên tóc hơi bị
khô.
– Tóc em rất đen, rất thẳng, lại óng ả nữa!
Lương Tuyết vui vẻ mỉm cười, im lặng không nói gì, để
mặc cho Văn Bác vuốt ve mái tóc mình. Chẳng mấy chốc tóc đã khô, Văn Bác và
Lương Tuyết ngồi nói chuyện với nhau một lúc, Lương Tuyết cảm thấy hơi buồn
ngủ, Văn Bác liền nói:
– Em nghỉ sớm đi, mai còn phải đi làm!
– Vâng, anh cũng ngủ sớm đi, nhìn bộ dạng anh có vẻ
không được tốt lắm.
Lương Tuyết về phòng ngủ. Văn Bác nằm trằn trọc trên
giường không sao ngủ được. Cứ nghĩ đến những chuyện ở nhà là trong lòng anh lại
thấp thỏm lo lắng, không sao bình tĩnh được. Cứ nghĩ đến sự sỉ nhục của hai mẹ
con Y Đồng, bao nỗi cay đắng, chua xót và bực bội lại tràn về… Rõ ràng là bản
thân anh hoàn toàn trong sáng, nhưng vợ anh cứ một mực nghi ngờ anh có quan hệ
vụng trộm với người khác, suốt ngày mang ra đay nghiến, chửi bới. Giờ anh đang
nằm trên giường của một người đàn bà khác, hay là ngoại tình một lần cho đỡ
mang tiếng oan!
Nghĩ thế, Văn Bác liền đứng dậy, nhẹ nhàng đi đến
trước giường của Lương Tuyết, lặng lẽ quan sát dáng ngủ của cô. Lương Tuyết mặc
một chiếc váy ngủ, nằm ngửa trên giường, để lộ ra bờ vai và cặp chân nuột nà,
vô cùng xinh đẹp, vô cùng quyến rũ. Văn Bác ngây người ngắm cô, thật sự muốn ôm
lấy cô, muốn nồng nàn âu yếm cô. Nhưng anh cảm thấy như vậy là không công bằng
cho Lương Tuyết, người ta là con gái chưa kết hôn, lại là bạn tốt của mình, còn
giúp mình bao nhiêu việc, có thể nói cô là ân nhân của anh, sao anh có thể làm
cái trò khiếm nhã này với cô được?
Văn Bác đang mải suy nghĩ thì đột nhiên Lương Tuyết
tỉnh dậy, nhìn anh dịu dàng hỏi:
– Sao anh còn chưa ngủ?
– Ờ, anh đang định xem em đã đắp chăn chưa, sợ em bị
cảm lạnh! – Văn Bác trong cái khó ló cái khôn, tìm ngay ra một cái cớ để lấp
liếm.
Trong mắt Lương Tuyết lấp lánh ánh nhìn dịu dàng. Cô
giơ hai tay ra dịu dàng nói:
– Chúng ta cùng ngủ nhé!
Văn Bác nhìn Lương Tuyết, tim anh đập rộn ràng, anh
gần như không thể kiểm soát được bản thân. Nghĩ đến sự đa nghi quá đáng của Y
Đồng, nghĩ đến sự ngang ngược của cô… Văn Bác liền nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh
Lương Tuyết, nhưng anh không dám có những hành động khiếm nhã, chỉ im lặng giữ
một khoảng cách nhất định với cô. Hai người nằm bên nhau và bắt đầu nói chuyện.
Lương Tuyết hỏi:
– Anh định sau này thế nào?
Văn Bác nói:
– Anh còn chưa biết, trong lòng rất hỗn loạn, anh nghĩ
không thể nào sống chung với cô ta lâu dài được!
– Lần đầu tiên em gặp một người đàn bà như chị ta,
thật đáng sợ!
– Nếu như không phải vì bố mẹ thì anh đã ly hôn với cô
ta từ lâu rồi, nhưng bố mẹ anh sống chết cũng không chịu. Anh thì chẳng cần gì
hết, nhưng không thể không cần bố mẹ!
– Chuyện này quả thực rất khó tư tưởng của thế hệ
trước có thể hơi bảo thủ một chút, nhất thời không thay đổi được ngay đâu!
Văn Bác ôm lấy Lương Tuyết, vuốt ve lưng cô, nhẹ nhàng
nói: Nếu như Y Đồng có thể thấu tình đạt lý, dịu dàng, quan tâm bằng một nửa em
thì tốt!
– Thế à? Anh cảm thấy em hơn chị ta ở điểm nào?
– Em biết tôn trọng người khác!
– Có thể chị ta cảm thấy mình có điều kiện tốt, cảm
thấy mình đứng cao hơn người khác nên mới tỏ thái độ như vậy!
– Đúng thế, nếu như cô ta tìm được một người chồng
nhiều tiền hơn cô ta, có lẽ cô ta sẽ chẳng dám hành động như vậy!
– Chắc chắn là thế rồi!
– Đợi khi nào anh có tiền, điều đầu tiên anh làm là đá
cô ta!
Cứ nhắc đến Y Đồng là trong lòng anh lại giận sôi lên.
Giờ trái tim anh đang bị chèn ép đến mức sắp bị vỡ vụn rồi.
Hai người nói chuyện được một lúc lâu sau nhưng càng
nói càng không thấy buồn ngủ. Lương Tuyết mặc một chiếc váy ngủ rộng, bên trong
không mặc gì, có thể thấp thoáng thấy những đường cong nơi bầu ngực cô… Thân
hình trắng nõn của Lương Tuyết dịu dàng hiện lên dưới ánh đèn mờ ảo, làn da của
cô mềm mại và săn chắc. Văn Bác nằm sát vào người cô, cảm nhận rõ ràng nhịp đập
con tim cô.
Ngắm nhìn Lương Tuyết xinh đẹp và gợi cảm, ngửi mùi
hương thoang thoảng trên người cô. Văn Bác không kiềm chế được bản thân, không
tự chủ được mình hôn cô nồng nàn. Cơn khát vọng bùng lên dữ dội, Văn Bác đã
vượt qua “hàng rào” cuối cùng.
Kể từ khi kết hôn đến giờ, đây là lần đầu tiên Văn Bác
có quan hệ với một người phụ nữ không phải vợ mình. Anh vô cùng hưng phấn và
cuồng nhiệt. Áp lực đè nén bấy lâu khiến cho tâm trạng anh luôn không ổn định.
Nhưng hôm nay anh đã hoàn toàn giải phóng được áp lực ấy, không một chút bó
buộc nào nữa. Anh giống như một con ngựa đứt cương, thả sức chạy nhảy trên đồng
cỏ.
Văn Bác không ngờ mình lại có thể quấn quýt với Lương
Tuyết đến hơn một tiếng đồng hồ. Anh vô cùng ngạc nhiên, anh cứ tưởng rằng 30
phút mây mưa với Y Đồng đã là giới hạn của mình, nhưng thật không ngờ, hôm nay
anh lại có thể phá kỉ lục như vậy…
Ngày hôm sau đi làm, tinh thần anh vô cùng sảng khoái.
Để tránh con mắt của thiên hạ, anh đi làm trước. Văn Bác đến công ty một lúc
rồi Lương Tuyết mới chậm rãi bước vào công ty. Hai người nhìn nhau, mỉm cười.
Sáng hôm ấy, Văn Bác đề nghị công ty làm cho mình một
cái thẻ ngân hàng mới, không dùng thẻ cũ nữa. Tiền lương của anh luôn bị Y Đồng
kiểm soát, điều này khiến cho anh cảm thấy bất mãn. Chẳng mấy chốc, công ty đã
phê chuẩn, Văn Bác đã thành công chuyển tiền lương vào thẻ ngân hàng mới. Người
ta nói đúng, đàn ông không thể một ngày không có tiền. Trên người không có tiền
thì chẳng làm được cái gì hết.
Chiều hôm ấy, bộ phận tài vụ phát lương, Văn Bác nhận
được một nghìn tám trăm tệ tiền lương, có tiền rồi, cuối cùng cũng có thể sống
tạm bợ qua ngày. Tối đến về đến nhà mình, Văn Bác thư thái nằm trên ghế sô pha
xem tivi, không quay về nhà vợ nữa. Cùng lắm thì sống cuộc đời độc thân chứ gì.
Anh quyết định sẽ làm chủ mọi chuyện sau này của đời
mình, sẽ không chịu ấm ức thêm nữa, dù gì anh cũng chẳng phải sống nhờ vào
người đàn bà ấy, mình tiêu tiền của mình. Văn Bác còn quyết định trở thành một
người đàn ông “ba không”: Cô có nhà chứ gì? Tôi không ở. Cô có xe chứ gì? Tôi
không đi. Cô có tiền chứ gì? Tôi không cần.
Vừa nằm xuống chưa lâu thì điện thoại đổ chuông, Y
Đồng ngạo mạn nói:
– Sao anh còn chưa về? Lại ở ngoài hú hí không về nhà
chứ gì?
– Tôi sẽ không bao giờ về nhà mẹ cô nữa, cô muốn làm
thế nào thì làm, tôi không quan tâm! – Văn Bác lạnh lùng đáp.
– Anh cũng cứng gớm nhỉ, thích chống đối phải không?
– Đúng đấy, từ giờ tôi sẽ không bao giờ để cô bắt nạt
nữa! – Nói rồi, anh liền thẳng thừng cúp máy.
Y Đồng tức gần chết. Cơn điên của cô lại bắt đầu phát
tác, đang định mắng chửi Văn Bác thì anh đã cúp điện thoại mất rồi. Chẳng còn
chỗ nào trút giận, Y Đồng liền vung tay ném thẳng điện thoại xuống đất. Kết quả
là cái điện thoại hơn bốn nghìn tệ phút chốc tan tành.
Ngày hôm sau, hết giờ làm việc. Văn Bác rảnh rỗi không
có việc gì làm, anh đột nhiên muốn mua cho Lương Tuyết một chiếc áo. Dù gì
người ta cũng đã giúp mình một việc lớn, lại có quan hệ với mình rồi, nói thế
nào thì nói cũng phải quan tâm đến người ta một chút. Nhưng quan tâm thế nào
đây? Dùng vật chất là một phương án tốt nhất.
Văn Bác đến trung tâm mua sắm, nhìn trái nhìn phải,
cuối cùng nhắm được một cái váy, giá 1200 tệ. Anh thầm nhủ, Lương Tuyết mà mặc
nó vào chắc là đẹp lắm, nhất định cô ấy sẽ thích nó. Thế là anh chẳng chần chừ
mà mua chiếc váy ấy luôn.
Sau khi mua chiếc váy, Văn Bác lập tức gọi điện thoại
cho Lương Tuyết, chuẩn bị mang tặng cho cô. Nhưng không may lúc ấy Lương Tuyết
có việc nên phải ra ngoài.
Anh vừa đi vừa ngắm nghía, tâm trạng không tồi. Về đến
nhà vừa vào cửa anh đã sững người. Không hiểu vì sao hôm nay Y Đồng lại về nhà,
khiến cho anh giật mình, tâm trạng có chút căng thẳng. Con đàn bà chết tiệt này
sao tự nhiên lại về nhà? Cô ta muốn làm cái gì đây?
Văn Bác đang do dự thì Y Đồng đã đến bên cạnh, nhìn
thấy cái váy trong tay Văn Bác, vội vàng cười toe toét, dịu dàng nói:
– Ông xã, anh mua quần áo mới cho em à?
– Ờ, ừ… – Văn Bác ngập ngừng.
Văn Bác vốn dĩ mua chiếc váy này cho Lương Tuyết,
nhưng không ngờ Y Đồng lại nhìn thấy, tưởng là mua cho mình. Văn Bác đành phải
ngậm bồ hòn làm ngọt.
– Cảm ơn ông xã, để em thử xem nào! – Vừa nói, cô vừa
đón lấy cái túi trong tay Văn Bác.
Văn Bác không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa cái túi cho vợ.
– Oa, đẹp quá nhỉ, rất vừa vặn! – Y Đồng phấn khởi
nói.
– Thế thì tốt! – Văn Bác mặt chẳng chút biểu cảm.
– Ông xã à, anh thật tốt, nào, lại đây, em hôn cái!
– Thôi đi!
– Không, em muốn hôn mà!
Văn Bác chẳng còn cách nào khác, đành để cho cô hôn
một cái. Sau đó anh u uất bỏ về phòng. Đúng lúc ấy thì Lương Tuyết gọi điện
đến. Văn Bác thầm nghĩ có nên nghe hay không?
– Ông xã à, điện thoại của ai đấy? Sao anh không nghe?
– Y Đồng hỏi.
– Ờ, của đồng nghiệp! – Văn Bác nói.
– Đồng nghiệp nào thế? – Y Đồng hỏi tiếp.
– Em hỏi kĩ thế làm gì? – Văn Bác gắt gỏng.
– Em hỏi thì đã sao? Sao anh nóng thế? – Y Đồng cũng
bực dọc đáp.
– Hỏi nhiều làm người ta bực mình!
– Anh thần kinh à?
– Cô mới thần kinh ấy!
– Sao anh lại mắng người ta?
– Tôi không thích cô xía vào việc của người khác!
– Anh đi đâu đấy?
– Tôi thích đi đâu thì đi, liên quan gì đến cô? – Văn
Bác nói rồi đi thẳng ra cửa.
Y Đồng định ngăn anh lại nhưng làm sao ngăn được. Y
Đồng tức lắm. Đây là lần đầu tiên cô bị Văn Bác đối xử như vậy, trong lòng cảm
thấy không thể chấp nhận được. Nếu là trước đây cô nói gì anh sẽ nghe nấy, cô
chính là chủ nhân. Giờ thì hay rồi, tất cả đã đảo ngược hết cả.
Văn Bác ra khỏi cửa liền gọi cho Lương Tuyết, anh nói:
– Xin lỗi em, lúc nãy không tiện nghe điện thoại. Em
đang ở đâu? Vẫn ổn chứ?
– Em về nhà rồi, anh có rảnh thì qua em đi!
– Anh mua cho em một chiếc váy, nhưng ban nãy về nhà
bị cô ta nhìn thấy, tưởng là mua cho cô ta… anh xin lỗi, anh… – Văn Bác nói
bằng giọng tiếc nuối.
– Không sao đâu, em có nhiều quần áo mà!
– Lần sau anh sẽ mua cho em một cái khác!
– Ok, thế giờ anh có qua đây không?
– Anh qua đó ngay đây!
Văn Bác bắt một cái taxi, vội vàng đến nhà Lương
Tuyết. Lúc đến nơi, Lương Tuyết đang buộc tạp dề, hầm canh ở trong bếp.
Văn Bác hít hà:
– Ôi thơm quá!
– Ha ha, thế à? Anh có biết là canh gì không? Thử đoán
xem nào! – Lương Tuyết mỉm cười, tỏ vẻ bí ẩn nói.
– Canh sườn à?
– Hi hi, anh chỉ đoán trúng một nửa thôi. Em hầm canh
sườn với cải xoong để cho anh bồi bổ đấy!
– Thật à? Cám ơn em! Anh đúng là có phúc, được ăn canh
em hầm!
Văn Bác cảm thấy rất cảm động. Đến vợ anh còn chưa hầm
canh cho anh ăn bao giờ, thế mà Lương Tuyết lại hầm canh cho anh ăn. Lúc này
anh đột nhiên thấy lòng mình ấm áp.
– Thường ngày vợ anh không hầm canh cho anh ăn à? –
Lương Tuyết hỏi.
– Cô ta chưa làm thế bao giờ.
– Xem ra chị ta là một người vợ không làm đúng chức
trách rồi!
– Cô ta lười đến mức chẳng giống một người phụ nữ!
– Mau nếm thử tay nghề của em đi! – Lương Tuyết nói
rồi múc một bát canh, bê đến trước mặt Văn Bác.
– Ai mà lấy được em sau này thì có nằm mơ cũng cười
đến khi tỉnh.
– Thật không? Thế anh có dám ly hôn rồi cưới em không?
– Lương Tuyết hỏi.
Nghe thấy Lương Tuyết nói vậy, Văn Bác giật nảy mình,
anh cứ tưởng mình nghe nhầm, nhưng những lời Lương Tuyết nói rành rành ở bên
tai. Anh nhất thời không biết phải trả lời thế nào, chỉ biết ngồi ngây ra đó.
– Thôi bỏ đi, trông anh hoảng lên kìa, em nói đùa với
anh đấy! – Lương Tuyết nói.
– Nhưng anh thật sự rất muốn lấy em! – Văn Bác nói.
– Thôi được rồi, giờ bảo anh ly hôn cũng không tiện
lắm, em hiểu mà.
Văn Bác càng thấy thích Lương Tuyết hơn, cô không chỉ
xinh đẹp, cởi mở, rất biết tôn trọng người khác mà còn quan tâm, chu đáo, dịu
dàng, lại tâm lí thế này. Đối với một người đàn ông mà nói, có người đàn bà nào
có thể hơn được cô? Lấy vợ phải lấy một người như vậy.
– Đừng có ngồi ngây ra đó nữa, mau ăn canh đi! Nguội
hết cả rồi!
Văn Bác uống một ngụm canh, tấm tắc!
– Ngon thật đấy! À phải rồi, em làm thế nào vậy?
– Anh muốn học à?
– Ừ, em dạy anh đi, hôm nào anh làm cho em thử!
– Món này cũng không khó lắm, đầu tiên phải chuẩn bị
nguyên liệu: nửa cân sườn, một bó cải xoong, gia vị gồm có: một thìa rượu, một
thìa gia vị. Cách làm: Rửa sạch sườn, đun sôi, lọc bỏ nước bẩn, sau đó đổ nước
vào ninh. Cải xoong nhặt lấy ngọn non, rửa sạch rồi để cho ráo nước; phần cuộng
già rửa sạch, sau đó cho vào ninh cùng với xương. Đợi khi xương chín nhừ thì
vớt bỏ cuộng ra, nêm nếm cho vừa miệng rồi thả phần ngọn rau non vào là xong.
Văn Bác vừa ăn vừa gật đầu tấm tắc khen ngon.
– Còn nữa, phải chú ý, mùi vị của món canh chính là
mùi hương của xương ninh nhừ với rau cải xoong, vì vậy xương không cần thiết
phải chọn nạc quá hoặc nhiều thịt quá, chỉ cần chọn xương cục hoặc xương đuôi
là được. Khi ninh xong, nhặt hết cuộng rau già trong nồi ra rồi mới thả ngọn
non vào. Như vậy mới giữ được mùi thơm ngon, hơn nữa rau lại xanh, trông rất
ngon mắt! Rau mà ninh lâu sẽ trở thành màu vàng, trông không được ngon!
Ăn xong canh, Văn Bác liền ôm lấy Lương Tuyết, thì
thầm vào tai cô:
– Nếu anh mà quen em từ sớm thì tốt biết mấy!
– Tại sao anh lại nói vậy?
– Nếu như sớm quen em, giờ anh đã không phải kết hôn
với người đàn bà biến thái kia! – Văn Bác tiếc nuối nói.
– Sao hồi đó anh không nhìn ra con người chị ta thế?
– Lúc yêu cô ta đâu có như thế này. Lúc ấy cô ta rất
tử tế!
– Sau khi kết hôn với anh, chị ta mới thành ra như vậy
hả?
– Đúng thế, đúng là con người hai mặt, chẳng biết đằng
nào mà lần.
– Xem ra những ngày tháng sau nay anh sẽ phải lãnh đủ!
À phải rồi, anh có sợ không? – Lương Tuyết hỏi.
– Có em rồi, anh chẳng sợ, anh thấy rất hạnh phúc!
– Thế anh cảm thấy quan hệ của chúng ta là gì? – Lương
Tuyết hỏi.
Văn Bác nhất thời không biết nói sao, cảm thấy mặt
mình đang nóng bừng lên. Anh không ngờ Lương Tuyết lại hỏi một câu như vậy, thế
nên cảm thấy rất bối rối. Thấy Văn Bác hồi lâu không lên tiếng, Lương Tuyết
cười bảo:
– Anh đừng căng thẳng, em chỉ tiện miệng hỏi thế thôi!
– Anh xin lỗi! – Văn Bác cúi đầu.
– Em ở bên anh chẳng có ý gì khác, là do em tự nguyện
mà!
– Tiểu Tuyết, thiệt thòi cho em quá!
– Không sao, chỉ cần anh vui là được!
– Lúc ở bên cạnh em, anh lại có cảm giác như mình đang
trong mối tình đầu. Đáng tiếc là giờ anh đang trong tình trạng bất đắc dĩ!
Văn Bác ủ rũ và buồn chán như một đứa trẻ làm sai việc
gì đó. Lương Tuyết vội vàng an ủi anh, bảo anh đừng nghĩ đến nhưng chuyện không
vui. Cuộc đời ngắn ngủi, vui vẻ là quan trọng nhất.
Hai người đang nói chuyện thì điện thoại Văn Bác đổ
chuông. Anh nhìn vào màn hình, là mẹ Y Đồng gọi điện đến. Văn Bác đi ra ban
công nghe điện thoại.
Mẹ Y Đồng gầm lên:
– Mày là đồ vô lương tâm, Y Đồng có bầu rồi mà mày vẫn
còn lăng nhăng ở bên ngoài à?
– Tôi không phải là nô lệ của các người, làm cái gì
cũng phải nghe lời, phải chịu sự ràng buộc của các người! Tôi là một con người,
những việc tôi không muốn làm thì chẳng ai ép được tôi cả! – Văn Bác chẳng chút
khách khí nói.
– Y Đồng có bầu rồi, cần có người chăm sóc, tại sao
mày không quan tâm đến nó một chút?
– Quan tâm á? Cô ta đã từng quan tâm đến tôi chưa? Bát
tôi rửa, quần áo tôi giặt, dọn dẹp vệ sinh tôi làm, còn phải hầu hạ cô ta. Còn
cô ta thì sao? Chẳng làm cái gì hết, còn bắt tôi cái gì cũng phải nghe theo cô
ta. Tôi lấy cô ta về có phải làm vợ đâu, làm mẹ tôi thì đúng hơn đấy!
– Anh đừng có nói khó nghe như vậy!
– Tôi chẳng có thời gian cãi nhau với bà! – Văn Bác
nói xong liền gác máy.
Trước đây, trước mặt vợ với mẹ vợ, Văn Bác chẳng dám
nói gì, cũng chẳng bao giờ dám phản bác. Giờ thì anh đã hết sợ rồi, cùng lắm
thì ly hôn, dù gì bản thân anh đã bất cần rồi. Con gái bà ta thì là người, cần
có người quan tâm chăm sóc, còn tôi không phải người nên không cần người quan
tâm chăm sóc chắc? Tôi đi làm cả ngày mệt gần chết, về còn phải phục vụ các
người sao?
Văn Bác vừa vào phòng, Lương Tuyết đã hỏi:
– Điện thoại của ai thế?
Văn Bác tức đến mức thở hồng hộc:
– Cái bà già chết tiệt ấy!
– Mẹ vợ anh ấy á?
– Ừ, tức chết đi được, tôi sẽ cho các người biết tay!
– Sao anh dám mắng bà ấy?
– Không nể bà ấy là bề trên thì anh đã cho bà ta mấy
cái tát rồi! Chuyện gì cũng xía vào, một mực ép anh phải nghe họ!
Lương Tuyết nhíu mày:
– Có một bà mẹ vợ như vậy đúng là khó chịu thật!
Chuyện gì cũng xen vào, rốt cuộc ai sống với ai chứ?
Văn Bác nói:
– Thôi không nhắc chuyện này nữa. Đi thôi, anh mời em
ăn đồ Tây.
– Thôi, nên tiết kiệm thì hơn! Ăn canh em nấu là được
rồi!
– Thế cái váy mua cho em bị cô ta cướp mất rồi, anh
nên làm gì để bù đắp cho em đây?
Lương Tuyết ngẫm nghĩ một hồi, nói:
– Bù đắp à? Uống canh của em trước đi, sau đó ở bên em
tối nay, không được về nhà!
Văn Bác cười nói:
– Chuyện này tuyệt đối không thành vấn đề!
Lương Tuyết vui vẻ nép vào lòng Văn Bác như một con
chim nhỏ. Văn Bác với Lương Tuyết đang quấn quýt với nhau thì điện thoại của
anh đổ chuông. Văn Bác liếc nhìn, là Y Đồng gọi đến, nhưng anh không nghe. Y
Đồng liên tục gọi điện đến. Văn Bác bực mình thẳng tay ấn nút ngắt. Một lúc
sau, Y Đồng lại gọi đến, Văn Bác liền tắt máy luôn.
Nếu như là trước đây, anh đâu dám như vậy. Giờ anh đã
không còn sợ nữa. Một người đàn ông mà bị đàn bà trói chân trói tay thì còn ra
cái thể thống gì nữa, sau này làm sao bước ra xã hội được?
Hôm sau, Văn Bác vừa mới đến công ty, Y Đồng đã hùng
hổ xong vào văn phòng, chỉ vào mặt Văn Bác:
– Anh chết ở đâu hả? Anh có còn cần cái nhà này nữa
không?
– Cô gào thét cái gì? Giữ sức mà ăn cơm đi, tôi không
có thời gian nói chuyện phiếm với cô!
– Đồ khốn, không nói rõ tối qua anh đi đâu thì tôi
quyết không đi!
– Tôi đi đến đâu thì đó chính là nhà của tôi, tôi đâu
có mua nổi nhà!
Hai người đang tranh cãi thì phó tổng giám đốc Trần
Giang bước vào, anh vội vàng nói:
– Văn Bác, cậu lập tức gửi fax đến chi nhánh ở Quảng
Châu mau lên!
– Vâng ạ!
Văn Bác vừa nói vừa đi ra bàn lấy văn bản, chuẩn bị
gửi fax. Y Đồng túm lấy cổ áo của Văn Bác không chịu buông ra. Văn Bác đẩy cô
ta ra, Y Đồng đứng không vững liền ngã ra cửa. Văn Bác gửi fax xong mà Y Đồng
vẫn chưa đi. Văn Bác bực bội nói:
– Tôi cảnh cáo cô, cô còn ở đây làm loạn thì tôi không
khách sáo với cô nữa đâu!
Y Đồng đứng bật dậy, tóm lấy Văn Mác đang định giằng
co thì Văn Bác nổi giận, giang tay cho cô một bạt tai nảy lửa. Y Đồng ngồi trên
nền đất khóc tu tu.
Đúng lúc ấy, thư ký Trần Na của công ty bước vào. Cô
dìu Y Đồng lên, nói:
– Chị về nhà đi, hai người có gì từ từ nói chuyện,
đừng đánh nhau! – Nói rồi, Trần Na quay lưng sang nói với Văn Bác – Anh là đàn
ông sao lại đánh phụ nữ?
– Cô ta thực sự quá đáng ghét!
– Có đáng ghét hơn nữa thì anh cũng không nên đánh phụ
nữ!
Văn Bác nhìn Y Đồng thầm nhủ: “Cô cũng có lúc phải
khóc à? Trước đây chính cô là người ép tôi thành ra như vậy, tưởng rằng tôi dễ
bắt nạt ư? Không ra mặt cho cô thấy cô lại tưởng tôi đần. Hổ không ra oai là
các người tưởng là mèo à? Không cho cô mấy cái bạt tai cô đâu biết phận! Còn cả
bà mẹ biến thái của cô nữa, ông đây sớm muộn gì cũng cho hai người biết tay! Cứ
chờ đấy!”
Mặc dù Y Đồng khóc lóc rất thảm thiết nhưng chẳng ai
tình nguyện đi dỗ dành cô cả. Phần lớn những người trong công ty của Văn Bác
đều biết cô, cũng biết hành vi thường ngày của cô. Y Đồng đã đến công ty làm
loạn mấy lần, mọi người đều hiểu cô là người thế nào. Vì vậy nhìn thấy Văn Bác
đánh cô mà chẳng có ai can ngăn.
Đồng nghiệp Trương Tân lặng lẽ bật một ngón tay lên
khen ngợi Văn Bác:
– Văn Bác, cậu đúng là một trang nam nhi! Loại đàn bà
này cần phải dạy dỗ!
Y Đồng ngồi lì trên sàn không chịu đứng dậy, Trần Na
đành phải dìu cô đứng dậy. Y Đồng không như không cảm ơn mà còn quát lên với
Trần Na:
– Mặc xác tôi, cô cũng chẳng tử tế gì!
– Hả? Tôi làm gì chị nào? – Trần Na nhảy dựng lên.
– Lần trước lúc ở nhà tôi, cô quyến rũ chồng tôi, giờ
còn giả bộ làm người tốt à?
– Con người chị làm sao thế hả? Tôi có lòng tốt thế mà
lại bị chị coi là kẻ xấu bụng!
– Đồ hồ ly tinh! Còn giả bộ gì chứ?
– Hừ, đúng là chó cắn càn, đồ không biết phải trái! –
Trần Na giận tím mặt, tức tối bỏ đi.
Y Đồng lau nước mắt, đứng dậy, cũng giận dỗi bỏ đi.
Văn Bác nhìn theo cái bóng yếu ớt của cô ta đi ra khỏi văn phòng, cũng có vẻ
tội nghiệp, anh thậm chí còn cảm thấy có chút mềm lòng.
Văn Bác thầm nhủ trong lòng: tôi ngoại tình cũng là do
cô ép mà thôi! Vốn dĩ tôi rất trong sạch, chẳng làm gì sai trái hết. Nhưng
chính cô luôn nghi ngờ, luôn ngang ngược, hại tôi thân bại danh liệt, thậm chí
chẳng có nổi một người bạn, chẳng có ai dám liên lạc với tôi, thật quá quắt!
Cứ nghĩ đến sự sỉ nhục và chà đạp của hai mẹ con Y
Đồng với mình là Văn Bác lại nghiến răng trèo trẹo vì tức. Anh cảm thấy mình
chưa bao giờ được tôn trọng, gần như đã mất hết nhân cách.
Tối đó, Văn Bác không về nhà. Anh không muốn về, không
muốn về cái nhà đó. Anh cảm thấy vô cùng áp lực, cứ về đến nhà vợ là anh lại
thấy cả con người mình như muốn sụp đổ.
Văn Bác gọi điện cho Lương Tuyết, muốn đến chỗ cô. Anh
sợ Y Đồng sẽ kiểm tra danh sách cuộc gọi của mình nên đã dùng máy công cộng.
Lương Tuyết nói:
– Hôm nay bố mẹ em về rồi! Anh không đến nhà em được
đâu!
– Ờ, thế thì phải làm thế nào bây giờ?
– Để vài hôm nữa xem tình hình thế nào đã!
– Nhưng mà anh nhớ em, làm sao đây? – Văn Bác nôn nóng
nói.
– Thế thì anh gắng chịu đựng một chút vậy!
– Anh không nhịn nổi!
– Ha ha, thế để em nghĩ cách vậy! – Lương Tuyết cười
bảo.
– Chúng ta đi thuê phòng ở bên ngoài nhé?
– Thế bố mẹ em hỏi thì sao?
– Thì em nói là tăng ca!
– Anh biết nói dối thật đấy! – Lương Tuyết nói.
– Đấy là bởi vì anh muốn ở bên em mà! Chẳng còn cách
nào khác cả!
– Thật không?
– Thế anh thuê phòng ở khách sạn Lâm Tân đợi em nhé!
– Sao không đến khách sạn Như Ý nữa? – Lương Tuyết
ngạc nhiên hỏi.
– Đấy gọi là bắn một phát, đổi một địa điểm!
– Anh thật xấu xa!
– Cứ thế nhé!
– Ok! Anh thuê phòng rồi nói số phòng cho em, em qua
đó tìm anh!
Sau khi thuê phòng ở khách sạn, Văn Bác liền gọi điện
cho Lương Tuyết. Lát sau, Lương Tuyết đã tìm đến khách sạn gặp Văn Bác. Hai
người quấn lấy nhau. Văn Bác vô cùng yêu chiều, nâng niu cô. Anh tìm thấy cảm
giác gia đình ở Lương Tuyết, rất ấm áp, rất dịu dàng.
Sáng hôm sau đi làm, Văn Bác vừa vào văn phòng, Trần
Na đã nói:
– Ban nãy có một người gọi điện mấy lần đòi gặp anh,
nhưng anh không có ở đây!
– Em có hỏi là ai không?
– Em có hỏi nhưng người đó không nói.
– Là đàn ông hay đàn bà?
– Là đàn bà.
Đang nói thì có điện thoại gọi đến, Trần Na nói:
– Chắc chắn là của anh đấy!
Văn Bác vừa nhấc điện thoại, đầu dây bên kia đã vọng
lại tiếng chửi bới chói tai
– Thằng nhà quê mất dạy, thằng khốn nạn kia, Y Đồng
nhà tao có gì không tốt chứ hả? Sao mày dám đánh nó?
Đúng là tiếng của mẹ vợ, Văn Bác vừa nghe thấy giọng
bà ta đã thấy sôi máu, bà ta còn dám gọi điện thoại đến công ty của anh làm
loạn, đã thế còn mở miệng ra là chửi, toàn những lời lẽ bẩn thỉu, tục tĩu. Anh
lớn tiếng quát:
– Anh ngần ấy tuổi đầu rồi mà chẳng có chút văn hóa
nào hết, lẽ nào các người bản năng đã vô giáo dục thế rồi hả?
– Mày giỏi lắm, mày dám chửi lại tao à?
– Bà đi ngay đi, đây là công ty, tôi phải làm việc,
không có thời gian tranh cãi với bà!
Nói rồi, Văn Bác cúp điện thoại. Điện thoại vừa cúp đã
lại đổ chuông. Không cần hỏi cũng biết chắc đó là mẹ Y Đồng gọi đến. Văn Bác
không nghe điện thoại mà đi làm việc của mình.
Điện thoại cứ đổ chuông liên tục, Văn Bác sợ làm nhỡ
việc của công nên đành phải bảo thư ký Trần Na nhận điện thoại. Anh nói:
– Nếu như là mụ già ấy gọi đến, em cứ nói là anh không
có ở đây, ra ngoài rồi. Nếu như là người khác thì hãy bảo anh!
Trần Na đương nhiên hiểu rõ chuyện này. Cô nhấc máy,
nhẹ nhàng hỏi:
– Alô, xin hỏi ai đấy ạ? À, tìm anh Văn Bác ạ, anh ấy
không có ở đây, anh ấy ra ngoài giải quyết công chuyện rồi… Vâng, tôi cũng
không biết anh ấy bao giờ quay lại. Có chuyện gì không ạ? Tôi có thể giúp bà
chuyển lời lại ạ… Dạ, không cần ạ. Chào bà!
Văn Bác đứng ở bên cạnh cười thầm, đúng là mụ già đáng
ghét, dai như đỉa! Cũng may nghĩ ra chiêu này, nếu không thì không biết bà ta
còn dai dẳng đến khi nào.
Hết giờ làm, Văn Bác liền về nhà, vốn dĩ anh chẳng
muốn quay về nhưng anh cần phải thay quần áo, cứ không về nhà mãi cũng không
được. Anh tắm rửa rồi thay quần áo, bắt đầu lên mạng. Vừa ngồi chưa lâu đã nhìn
thấy hai mẹ con Y Đồng đằng đằng sát khí xông vào. Văn Bác thầm nhủ, không cần
hỏi cũng biết chắc chắn là đến để chửi bới mình. Đã thế tôi quyết liều mạng,
xem các người làm gì được tôi?
Văn Bác không nói gì, chuẩn bị rót nước. Nhưng chưa
kịp đi đã thấy mẹ vợ hùng hổ lao đến, vung tay đánh vào mặt mình. Văn Bác nhanh
như cắt né sang một bên, tráng được cái tát trời giáng của bà. Mẹ Y Đồng vẫn
chưa chịu bỏ cuộc, lại xông vào đánh anh, Văn Bác không nhịn được nữa, lấy tay
đẩy mẹ Y Đồng ra, khiến cho bà ngã ngửa ra ghế sôpha.
Lần này thì to chuyện rồi. Mẹ Y Đồng bò dậy, cầm chiếc
ghế đập vào anh. Văn Bác nhanh chóng né tránh, nhưng thật đen đủi, bức hoành
phi treo trên tường trong phòng khách rơi bộp xuống đất và vỡ tan. Văn Bác xót
đứt cả ruột, bức hoành phi ấy có khác gì báu vật của anh. Bức hoành phi “Niệm
nô kiều – Xích Bích hoài cổ” của Tô Đông Pha[1] này anh
đã bỏ ra mất mấy trăm tệ để mua về.
[1]
Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh
danh là một trong Bát đại gia Đường – Tống.
Đang xót xa thì một cái ấm trà bay vèo về phía anh,
Văn Bác cúi đầu, tránh được cái ấm. Lần này càng xúi quẩy hơn nữa, “bốp” một
tiếng, cái laptop của anh lập tức “đình công” luôn. Ruột gan Văn Bác như bị ai
xát muối, đó cũng là báu vật của anh, anh đã phải bỏ ra hơn sáu nghìn tệ để mua
nó về, hơn ba tháng tiền lương của anh chứ có ít ỏi gì đâu, anh mới dùng chưa
được một năm, thế là tiêu rồi.
Mẹ Y Đồng vẫn chưa chịu dừng tay. Bà ta lại cầm một
cái ghế lên định đập Văn Bác. Nhưng anh đã nhanh như chớp lao đến, cướp lấy cái
ghế trên tay bà ta rồi vung tay đẩy bà ta ra. Mẹ Y Đồng giật lùi lại sau mấy
bước rồi ngã xuống trên nền đất. Bà ta bắt đầu điên tiết, chửi bới:
– Văn Bác, mày là đồ mất dạy, mày dám đánh tao thì cả
nhà mày không được chết yên thân!
– Bà giữ mồm giữ miệng cho sạch sẽ một chút! Nếu không
đừng trách tôi không khách sáo!
Y Đồng nhìn thấy mẹ mình bị đẩy ngã liền lao đến giằng
co với Văn Bác. Văn Bác chẳng buồn nhìn mà vung tay đánh ngã Y Đồng. Cô ngồi
bệt dưới đất, gào khóc ăn vạ.
Nhìn thấy hai mẹ con Y Đồng bị đẩy ngã dưới nền nhà,
trong lòng Văn Bác vô cùng vui sướng. Bản thân anh đã phải nhẫn nhục bao lâu
nay rồi, giờ mới có cơ hội trả mối thù này.
Văn Bác sung sướng quay lưng bỏ đi, anh mỉm cười mãn
nguyện.