Đối mặt với sự bạo ngược, chuyên quyền, độc đoán, gây
sự vô cớ của Y Đồng, còn cả sự chua ngoắt, hung tợn đến biến thái của bà mẹ vợ,
Văn Bác luôn cảm thấy vô cùng bất lực, luôn sống trong một cuộc sống cực kỳ tồi
tệ.
Văn Bác nghĩ đến việc trả thù, trả thù họ, ăn miếng
trả miếng. Nhưng, sau khi cân nhắc kỹ càng, anh cảm thấy đó dường như không
phải là những việc mà một người đàn ông chân chính nên làm. Đúng như Trương
Manh đã nói,một người đàn ông chân chính là phải biết mở rộng tấm lòng, phải
khoan dung độ lượng.
Thế là Văn Bác quyết định sau này nhất định phải yêu
thương, quan tâm và chiều chuộng vợ mình, phải biết dỗ dành cho cô cảm thấy
vui, toàn tâm toàn ý phục vụ vợ. Không chỉ thế, bản thân mình còn phải quan tâm
hơn nữa đến bố mẹ cô, dùng tình yêu của mình để cảm hóa vợ.
Văn Bác đi làm về, thấy Y Đồng không có nhà, anh nghĩ
chắc vợ lại sang nhà mẹ đẻ rồi. Kể từ sau khi kết hôn, về cơ bản, Y Đồng gần
như chẳng ở nhà được mấy hôm, ngày nào cũng về nhà mẹ đẻ.
Trước đây, Văn Bác từng oán thán, kết hôn rồi thì phải
sống trong gia đình riêng của mình, phải cho ra dáng đã kết hôn, thế mà vợ từ
sáng đến chiều cứ ở lì bên nhà mẹ đẻ, như thế còn ra thể thống gì?
Mặc dù Văn Bác cảm thấy rất khó chịu trong lòng nhưng
nghĩ đến việc sau này phải tạo mối quan hệ hòa thuận với vợ, anh lại nhẫn nhịn
rồi tìm cơ hội thích hợp để nói chuyện với cô.
Văn Bác tắm rửa một lát rồi chuẩn bị nghỉ ngơi. Vừa
mới ngủ thì điện thoại đổ chuông, liếc nhìn màn hình, hóa ra là Trương Manh gọi
đến. Anh nghe điện, thấy Trương Manh nói:
– Chào bạn cũ, cậu với vợ vẫn ổn chứ?
– Cô ấy về nhà mẹ rồi, tớ chuẩn bị mai sang đón cô ấy!
– Tuyệt đối đừng cãi nhau với vợ nữa, đàn ông nhất
định phải độ lượng, nhường nhịn, yêu chiều cô ấy, đừng có chọc giận cô ấy nữa!
– Đúng, đúng, tôi nhất định sẽ sửa chữa!
Cúp điện thoại, Văn Bác đột nhiên nhớ đến Lương Tuyết,
không biết giờ cô ấy thế nào rồi? Đã ổn hơn chưa? Anh rất lo lắng cho cô, liền
nhấc máy gọi cho Lương Tuyết. Lương Tuyết không nghe điện thoại, Văn Bác đành
phải nhắn tin cho cô, an ủi cô, bảo cô phải chú ý giữ gìn sức khỏe, đừng nghỉ
ngợi nhiều quá.
Ngày hôm sau, Văn Bác chuẩn bị sang đón vợ về. Trước
khi đi, anh đến bách hóa mua cho Y Đồng một chiếc váy liền màu hồng phấn, giá
1500 tệ. Sau đó anh lại đến siêu thị mua một con gà, cá chép và tôm to để chuẩn
bị bồi bổ cho Y Đồng.
Mua đồ cho vợ thì không thể tay không đến nhà mẹ vợ
được! Bố vợ thích uống rượu, vì thế, anh liền mua hai chai Ngũ Lương, lại mua
thêm một hộp sâm tây và một lọ mật ong. Mua quà cho bố mẹ vợ rồi thì không thể
không mua quà cho em vợ. Biết mua gì cho em vợ đây? Con bé thích ăn sô cô la,
vậy thì mua hai hộp, mang ra quầy tính tiền, tổng cộng là 1830 tệ. Ôi trời ơi,
cộng thêm cái váy của Y Đồng nữa là hôm nay loáng một cái đã tiêu hết gần ba
ngàn tệ.
Trước đây, lương của Văn Bác chưa đến hai nghìn tệ,
thường ngày ăn uống rất tiết kiệm. Giờ anh được lên làm giám đốc, lương cũng
sáu, bảy nghìn tệ rồi, có tiêu nhiều một chút cũng có sao đâu, kiếm tiền chẳng
phải để tiêu hay sao? Hơn nữa, những món đồ này cũng là nên sắm mà.
Văn Bác hào hứng đến nhà mẹ vợ, vừa ấn chuông, mẹ vợ
đã mở cửa, thấy Văn Bác xách cả đống đồ đến nhà, mẹ Y Đồng hơi khựng người, vội
vàng hỏi:
– Ơ, chuyển nhà à?
– Mẹ à, con mua đồ cho bố mẹ, Y Đồng với em gái đấy
mà!
– Ô, hôm nay mặt trời mọc từ đằng tây à?
Văn Bác ngại ngùng vào nhà, đặt những thứ đã mua lên
bàn. Sau đó cầm cái váy mới vào phòng Y Đồng.
Y Đồng đang online trong phòng. Văn Bác liền nói:
– Bà xã, mau qua đây xem, anh mua cáy cho em này, em
xem có đẹp không? Đúng 1500 tệ, không bớt đồng nào!
– Đừng giở trò nữa! Nói cho tôi biết nah đã vụng trộm
với những con đàn bà nào rồi về đây dỗ dành hả? – Y Đồng mặt chẳng chút biểu
cảm, nói.
Văn Bác ngây người nói:
– Bà xa, em nói vậy là có ý gì?
– Tự nhiên lại quan tâm đến tôi thế, chắc chắn anh đã
làm chuyện xấu xa gì rồi!
– Em đừng nghĩ oan cho anh!
– Oan cho anh à? Anh xem xem, đây là cái gì?
Văn Bác nhìn lên trên màn hình, trong đó là bảng danh
sách cuộc gọi trong máy điện thoại của anh.
– Nửa đêm nửa hôm vẫn còn gọi điện cho con khác, còn
nhắn cả tin, hơn nữa lại chẳng phải chỉ một tin, anh còn định cãi chày cãi cối
hả?
– Cô, sao cô lại như vậy? Đó là chuyện riêng tư của
tôi, sao cô dám xâm phạm quyền riêng tư của tôi như vậy? – Máu nóng trong người
Văn Bác đang sôi lên.
– Anh vụng trộm với đàn bà sau lưng tôi, còn nói là
xâm phạm quyền riêng tư sao? – Y Đồng chất vấn.
– Con người cô sao mà vô lý thế hả? Tôi cứ liên lạc
với người khác là ngoại tình sao? – Văn Bác khó mà chịu đựng được.
– Thế tại sao nửa đêm nửa hôm anh còn gọi điện cho
người ta? Như thế là bình thường à?
– Có gì không bình thường? Gọi mấy cuộc điện thoại,
nhắn mấy cái tin, đấy đều là phép xã giao thông thường, lẽ nào kết hôn rồi là
tôi không được phép gọi điện, nhắn tin cho người khác?
– Tôi không nói như vậy, nhưng tôi cảm thấy chuyện này
không bình thường!
– Cứ liên lạc với người khác giới là không bình thường
à? Logic kiểu gì vậy? Hơn nữa pháp luật cũng đâu quy định kết hôn rồi là không
được liên lạc với người khác giới?
– Nghe thấy có tiếng cãi cọ, mẹ Y Đồng vội vàng lao
ngay vào phòng, chỉ vào mặt Văn Bác, gắt:
– Cái thằng khốn kia, sao đầu óc mày có vấn đề thế hả?
Y Đồng nhà tao đang mang bầu, sao mày không chịu nhường nhịn nó một chút?
– Nhường nhịn một chút á? Cô ta cưỡi cả lên đầu tôi
đây này! Tôi mà cưỡi lên đầu cô ta, cô ta có chịu không hả? – Văn Bác liền cãi.
– Tao thấy mày vô duyên vô cớ đến đây gây sự thì có! –
Mẹ Y Đồng chửi.
– Tôi chẳng có thời gian tranh cãi với các người, tôi
đi đây! – Văn Bác không muốn tranh cãi nhau tiếp nữa, thật chẳng ra làm sao.
Văn Bác lao ra khỏi nhà mẹ đẻ Y Đồng, chuẩn bị tìm một
nơi để uống rượu. Anh cảm thấy quá uất ức, đây đâu phải là đang sống? Đường
đường là một thằng đàn ông mà chăng còn chút tôn nghiêm nào. Thực ra nói đi
cũng phải nói lại, bởi vì điều kiện gia đình mình không tốt, nếu như mình cũng
là người thành phố, lấy vợ rồi, sống trong nhà của mình thì vợ đâu dám hỗn hào
như vậy.
Ra khỏi nhà, tâm trạng của Văn Bác càng thêm khó chịu,
xem ra kế hoạch cảm hóa Y Đồng là bất khả thi rồi. Đối với một người phụ nữ
nhạy cảm như vậy, cho dù bạn có móc cả tim ra cho cô ta, cô ta cũng chả cảm
động, máu lạnh vẫn là máu lạnh. Làm thế nào đây? Văn Bác tìm đến một nhà hàng
uống rượu. Uống được một lúc thì điện thoại đổ chuông, là Trương Manh gọi đến,
Văn Bác hỏi:
– Cậu có chuyện gì thế?
Trương Manh nói:
– Ban nãy vợ cậu gọi điện, mắng cho tôi một trận, chửi
tôi là đồ tiện nhân, nửa đêm nửa hôm còn quyến rũ cậu, bảo tôi đi chết đi!
– Haiz, cậu cứ coi cô ta như bệnh nhân tâm thần đi! –
Văn Bác thở dài, ngao ngán đáp.
– Haiz, thật không ngờ công sức của tớ lại đổi thành
kết quả này, đúng là làm việc tốt không được trả ơn! – Trương Manh ấm ức nói.
Văn Bác trợn trừng đôi mắt đỏ vằn, hung dữ như một con
sư tử.
Anh ra sức đập mạnh xuống bàn, làm cho những chiếc cốc
trên bàn rung lên bần bật. Những người ngồi bên cạnh ai nấy đều sững sờ, sợ
hãi.
Văn Bác gầm lên:
– Con đàn bà khốn kiếp ấy dám bức tôi vào đường cùng,
tôi muốn giết chết cô ta!
– Này này, cậu hãy bình tĩnh lại, tôi cảm thấy cô ấy
có vấn đề gì đó về tâm lý, cậu phải đưa cô ấy đến bệnh viện kiểm tra xem sao! –
Trương Manh khuyên nhủ Văn Bác.
– Cô ta là một con điên, tôi mặc xác cô ta, chết đi
thì càng tốt! – Văn Bác hầm hè.
– Haiz, lúc nào cô ấy cũng nghi ngờ này nọ như thế
này, sau này biết sống ra sao? – Trương Manh lo lắng hỏi.
Văn Bác như rơi vào một cái hố sâu của sự mơ hồ và đau
khổ, bản thân anh đã lấy phải một người đàn bà như thế nào vậy? Rõ ràng là một
bệnh nhân tâm thần. Suốt ngày gây rối, nghi ngờ hết người nọ đến người kia.
Điều đó khiến cho cô trở thành một con quỷ đáng sợ. Văn Bác đau đầu dữ dội,
trong đầu anh lúc này chỉ nghĩ đến hai chữ: ly hôn.
Trương Manh đưa ra ý kiến:
– Sau này cậu dứt khoát im lặng, xem cô ấy làm được
gì!
Văn Bác thầm nghĩ, cũng phải, sau này không nói gì, cứ
coi như mình bị câm điếc chẳng phải là xong hay sao? Vừa cúp điện thoại xong
thì mẹ Y Đồng đã gọi đến:
– Anh đang ở đâu hả? Mau về ngay, bệnh đau đầu của Y
Đồng lại tái phát rồi!
– Đang ở bệnh viện, bệnh đau đầu của tôi cũng lại tái
phát rồi! – Văn Bác lạnh lùng nói.
– Con người anh sao chẳng có chút thương xót vợ con
thế hả? Vợ anh ốm rồi!
– Tôi cũng ốm rồi, bà bảo tôi phải làm sao?
– Sức khỏe của Y Đồng không được tốt, nó không thể cáu
giận, nhưng anh là cái thằng khốn nạn, suốt ngày làm cho nó tức giận! – Mẹ Y
Đồng bắt đầu chửi bới.
– Bà mới là đồ khốn nạn, con gái bà là người, tôi
không là người à? Sức khỏe của cô ta không tốt, không thể nổi cáu, còn tôi thì
đáng chết nên mới phải nổi cáu phải không? Bà kiếm đâu ra cái lý lẽ thế hả? –
Đầu Văn Bác như bốc hỏa, anh cũng chửi lại.
– Sao mày dám mắng tao? Mẹ kiếp, đồ vô giáo dục!
– Bà mới là đồ vô giáo dục! Bà xem lại nhà bà đi, toàn
là đồ rác rưởi!
Văn Bác chửi xong liền thẳng tay ngắt điện thoại, tâm
trạng vô cùng sảng khoái, dễ chịu, cuối cùng cũng trút được cơn giận. Mẹ Y Đồng
lại gọi đến, nhưng anh thản nhiên không nghe máy. Chắc là mụ già ấy đang tức
phát điên lên đây!
Văn Bác về nhà, tắm nước mát một cái để xả hết nỗi tức
giận trong lòng, sau đó anh leo lên giường định đánh một giấc ngon lành. Anh
nghĩ, con người không thể ngược đãi bản thân mình, nhất định phải sống cho vui
vẻ, nếu không sẽ có lỗi với chính mình.
Đúng lúc ấy, Lương Tuyết đột ngột gọi điện đến. Văn
Bác ngạc nhiên đến sững sờ, hồi lâu sau mới lên tiếng hỏi:
– Tuyết à, em có khỏe không? Có chuyện gì thế?
– Có thời gian thì đến lấy quần áo với đồ dùng của anh
về! – Lương Tuyết nói.
Văn Bác đang định nói thì Lương Tuyết đã cúp máy.
Văn Bác có chút hoang mang, hụt hẫng, nếu như anh chưa
kết hôn, vậy thì chắc chắn anh sẽ ở bên Lương Tuyết. Nhưng điều đáng hận nhất
là anh đã gặp cô sau khi đã lấy vợ.
Văn Bác đau đầu cả đêm, chẳng thể ngủ ngon được. Ngày
hôm sau đi làm, đôi mắt anh đỏ ngầu. Anh tình cờ gặp Lương Tuyết ở đại sảnh
nhưng cô chẳng buồn đoái hoài đến anh.
Vào văn phòng, thư ký Trần Na mỉm cười:
– Giám đốc Lý, mắt anh làm sao thế? Sao mới có một
ngày không gặp mà mắt anh đã biến thành thế kia?
– Không nghỉ ngơi đầy đủ chứ sao. Cái cô này, dám cười
nhạo tôi hả?
– Giám đốc Lý, anh thăng quan rồi, giờ thích ra oai có
phải không?
– Đâu có, cái miệng của em còn ghê gớm hơn cả dao đấy!
– Ha ha, à phải rồi, em vừa qua phòng tài vụ, hình như
chuẩn bị phát tiền thưởng rồi, tháng này anh được nhiều nhất đấy, anh phải khao
bọn em đấy, đừng có mà ki bo nhé!
– Thật không? Nếu như của anh nhiều nhất, anh nhất
định sẽ khao bọn em một bữa!
– Anh nhớ giữ lời đấy! Đừng có lừa bọn em!
– Đương nhiên rồi!
Buổi chiều phát lương và tiền thưởng, quả nhiên Văn
Bác được thưởng nhiều nhát, đến năm nghìn tệ. Văn Bác vui mừng lắm, số tiền này
gần bằng tiền lương cả tháng của anh, nếu như tháng nào cũng được năm nghìn tệ
thì tốt biết mấy! Đương nhiên nhận được tiền thưởng thì phải giữ lời. Văn Bác
liền mời các đồng nghiệp đi ăn cơm. Anh mời cả Lương Tuyết nhưng cô kiếm cớ sức
khỏe không tốt từ chối. Mời bọn Trương Tân và Trần Na, bọn họ ai nấy cũng vui
mừng nhận lời. Thế là cả đám bảy, tám người vui vẻ đến một nhà hàng tên Thiên
Thuận ăn cơm.
Nhà hàng này làm ăn cũng được lắm, vừa vào chỗ ngồi,
Văn Bác liền bảo mọi người gọi món, còn mình thì ra ngoài hít thở không khí.
Lúc đi ra hành lang, anh nhìn thấy cửa phòng kế bên khép hờ, bên trong là một
đôi nam nữ đang hôn nhau, cô gái ngồi lên chân của người đàn ông, quay lưng ra
bên ngoài, nhìn không rõ mặt. Văn Bác thầm nghĩ, cứ đi thuê phòng quách đi cho
xong, còn phải đến nhà hàng để thân mật, thật đúng là hết nói nổi!
Văn Bác đang chuẩn bị về phòng mình thì đột nhiên cảm
thấy người con gái mặc váy liền kia trông quen quen, nhìn kỹ lại, anh chợt rùng
mình. Trời ạ, cái váy liền ấy chẳng phải giống hệt cái của vợ anh hay sao? Lẽ
nào là vợ anh? Lẽ nào Y Đồng dám vượt rào?
Từng sợi thần kinh trong đầu Văn Bác như căng ra. Nếu
như đúng là vợ mình thì anh phải chấp nhận chuyện này như thế nào đây? Trái tim
Văn Bác như bị treo ngược cành cây, anh đang nghĩ phải tìm hiểu xem người trong
ấy rốt cuộc là ai?
Đột nhiên Trần Na chạy đến, lớn tiếng gọi:
– Giám đốc Lý ơi, anh chạy đi đâu thế? Sao không vào
gọi món? Chỉ còn thiếu mỗi anh thôi đấy!
Giọng nói lảnh lót của Trần Na khiến cho Văn Bác giật
nảy mình. Anh sợ ngộ nhỡ Trần Na phát hiện ra người trong phòng bên cạnh này
thật sự là vợ anh thì thể diện của mình coi như mất sạch. Nghĩ vậy anh liền vội
vàng quay người, đi về phòng mình, vừa đi vừa nói:
– Đây đây, anh đến đây, làm gì sốt ruột thế!
Trần Na chạy đến kéo tay Văn Bác:
– Giám đốc Lý, bọn em đợi sốt hết cả ruột lên rồi đây
này, anh không chịu vào ngay mà để em phải đích thân ra mời thế đấy!
– Chẳng phải anh đây rồi hay sao?
Trần Na kéo tay Văn Bác vào trong phòng, Trương Tân
liền nói:
– Cô Trần, cô kéo tay giám đốc Lý thế này mà bị vợ anh
ấy trông thấy là tiêu chắc đấy!
Mọi người liền bật cười, một đồng nghiệp khác lên
tiếng:
– Đúng thế, em làm thế mà để vợ giám đốc Lý nhìn thấy,
chị ấy lại tưởng em là kẻ thứ ba, thế thì em có chạy lên trời cũng không thoát
đâu.
– Mọi người nói phải, nếu như bị vợ giám đốc Lý nhìn
thấy thì giám đốc Lý coi như tiêu, có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa
hết tọi, cô làm thế là hại giám đốc Lý rồi đấy!
– Thế thì có sao? Nếu như tôi hại giám đốc Lý, cùng
lắm thì…tôi lấy anh ấy là xong chứ gì! – Trần Na cười nói.
– Cô lấy giám đốc Lý, thế người yêu cô làm thế nào?
– Chuyện đấy thì dễ, đá thôi!
Mọi người mỗi người một câu khiến cho Văn Bác vô cùng
ngại ngùng, mặt hết đỏ lại chuyển sang trắng. Đầu óc anh hiện giờ vô cùng rối
bời, thật sự anh rất muốn biết người đàn bà đang thân mật với tên đàn ông ở phòng
bên cạnh kia có phải là vợ mình không?
Anh gọi bừa vài món rồi kiếm cớ:
– Tôi đi rửa tay một lát, mọi người xem xem gọi thêm
món gì thì gọi nhé!
Văn Bác nhân cơ hội chuồn ra ngoài, đến phòng bên cạnh
định nhìn vào thì thấy cánh cửa đã đóng lại rồi. Văn Bác thầm nghĩ, chắc tại
ban nãy Trần Na gọi to quá, người ở bên trong nghe tiếng nên đã đóng lại rồi.
Lần này phải làm thế nào đây? Làm thế nào mới biết
được bên trong phòng là ai? Anh ghé tai vào phòng nghe ngóng nhưng chẳng nghe
thấy gì cả.
Thôi thì cứ gõ cửa cho rồi. Nếu như đúng là vợ mình
thật, bị mình bắt trúng quả tang đang ngoại tình với thằng khác, như vậy anh sẽ
quyết tâm dứt tình, hơn nữa như vậy cũng biết được tình địch của mình là ai.
Phải rồi, cứ làm vậy đi! Nghĩ thế, Văn Bác liền giơ tay lên gõ cửa.
Văn Bác gõ cửa rất lâu mà chẳng thấy động tĩnh gì nên
cũng thấy lỳ lạ, lẽ nào bọn họ đã phát hiện ra mình rồi? Nhưng làm gì có chuyện
đó, sao có thể nhanh vậy được?
Văn Bác đang nghi hoặc thì có một cô phục vụ mặc sườn
xám đỏ chạy đến, Văn Bác vội vàng hỏi:
– Xin hỏi khách ăn ở phòng này vẫn còn trong đó chứ ạ?
Nhân viên phục vụ nói:
– Dạ, khách đã thanh toán và về rồi ạ!
– Vừa mới đi à? Tôi là bạn của họ, đang định tìm họ có
chút việc – Văn Bác nôn nóng nói.
– Dạ, vừa mới thanh toán ở quầy phục vụ, không biết đã
đi chưa!
– Cám ơn cô, cám ơn cô!
Văn Bác nói xong liền chạy như tên bắn xuống lầu. Chín
tầng lâu mà dường như anh chỉ mất có mấy phút đã xuống đến nơi, nhanh gấp mười
lần so với bình thường. Đến quầy phục vụ, Văn Bác chẳng nhìn thấy ai. Anh vội
vàng chạy ra ngoài, nhìn quanh quất. Bên ngoài lúc này trời đã tối đen, chỉ có
ánh đèn nhàn nhạt hắt ra từ các cửa hàng xung quanh.
Văn Bác mở to mắt quan sát, phía trước không có người,
anh quay người lại nhìn phía sau, hình như cách đó không xa có hai người, một
nam một nữ, tay người phụ nữ quàng qua eo người đàn ông, tay người đàn ông
khoác trên vai cô ta. Chiếc váy mà cô gái đó đang mặc hình như giống với người
phụ nữ ở trong nhà hàng lúc nãy.
Văn Bác căng thẳng chạy đuổi theo đôi nam nữ. Đang
chuẩn bị đuổi kịp thì cô gái kia liền đưa tay ra bắt một chiếc taxi, chẳng mấy
chốc, hai người họ đã lên taxi và biến mất.
Văn Bác cũng vội vàng bắt một chiếc taxi nhưng đứng
mãi mà chẳng có cái taxi nào. Hơn chục cái taxi đi qua nhưng đều đã chở người
hết cả, chẳng có xe nào trống cả. Giờ mà có chặn được thì cũng chẳng đuổi kịp
họ. Văn Bác tức mình giậm chân huỳnh huỵch xuống đất. Đúng là đen đủi, phải
giương mắt nhìn đôi “cẩu nam nữ” ấy biến mất.
Văn Bác cúi đầu ủ rũ, vô cùng tiếc nuối, đúng lúc ấy
thì điện thoại của anh đổ chuông. Văn Bác nhấc máy, hóa ra là Trần Na gọi đến,
cô sốt ruột hỏi:
– Giám đốc Lý, anh lại chạy đi đâu thế? Mọi người tìm
anh mãi mà chẳng thấy, món ăn đã đưa lên hết rồi, anh không có ở đây thì bọn em
ăn thế nào được?
– Ờ, anh đến ngay đây, mọi người cứ ăn trước đi, không
phải chờ anh đâu!
– Thế sao được? Anh không đến bọn em nào dám ăn? Tại
sao đến lúc quan trọng lại không thấy anh đâu thế? Có phải có chuyện gì không?
Có phải có người đẹp nào đang đợi anh không?
– Đâu, làm gì có! Đừng nói bậy, anh đến ngay đây.
– Haiz, thật là, làm mọi người lo sốt vó! Trương Tân
còn ra tận nhà vệ sinh nam mà không thấy anh đâu. Bọn em còn tưởng anh rơi vào
trong nhà vệ sinh rồi chứ?
– Cái cô này, ăn nói kiểu gì kỳ vậy?
Văn Bác liền lên lầu, đi vào trong phòng. Mọi người
nhìn thấy anh đều lên tiếng trách móc, vặn hỏi anh đã đi đâu. Văn Bác xua tay
nói:
– Không có chuyện gì đâu, ban nãy ở dưới lầu tôi tình
cờ gặp phải một người quen, nói chuyện vài câu ý mà!
Đúng lúc ấy, Trương Tân ghé vào tai Văn Bác thì thầm:
– Anh Lý này, ban nãy tôi mới nhìn thấy có một đôi nam
nữ, cô gái kia trông giống vợ anh lắm!
Văn Bác nghe thấy Trương Tân nói vậy chợt chột dạ,
trong lòng thầm nhủ, liệu có phải cậu ta đã nhìn thấy rồi không? Nghĩ thế, anh
liền thì thầm hỏi:
– Cậu có nhìn kỹ không đấy? Có chắc chắn đấy là vợ tôi
không?
– Không chắc lắm. Tôi chỉ thấy thân hình giống hệt vợ
anh, lại thêm chiếc váy mà cô ấy mặc giống hệt như váy của vợ anh mặc lần trước
đến công ty tìm anh! – Trương Tân nói.
– Thế à? Sao cậu không nói sớm? – Văn Bác nói.
– Ban nãy tôi sợ làm anh mất hứng! – Trương Tân bảo.
– Này, hai người đang thì thầm cái gì đấy? Hai gã đàn
ông lại đi thì thà thì thầm. Đúng thật là…. món ăn nguội hết rồi kia kìa! –
Trần Na nói.
– Ừ đúng đấy, mau uống rượu đi! Hai người lắm chuyện
quá! Nào, phạt hai người mỗi người ba ly! – Các đồng nghiệp đồng thanh nói.
Văn Bác đành phải ngừng nói chuyện riêng với Trương
Tân, tay nâng cốc cạn ly với mọi người:
– Thực ra em quên nói với mọi người, hôm nay là sinh
nhật em! – Trần Na bỗng nói.
– Thế hả? Sao không nói sớm?
– Thế thì càng hay, hôm nay coi như làm sinh nhật cho
em luôn! – Văn Bác hưởng ứng. Nói rồi, anh liền nhân lúc mọi người đnag nói
chuyện vui vẻ để ra ngoài. Anh đi ra ngoài nhà hàng, tìm một tiệm bánh ngọt để
mua bánh ga tô cho Trần Na. Đi được hơn 50m, Văn Bác ngẩng đầu lên nhìn, thấy
một cửa hàng bánh ga tô đang chuẩn bị đóng cửa.
– Ấy bà chủ, khoan đã! – Văn Bác vội vàng gọi – Tôi
muốn mua bánh, còn bánh không vậy?
– Chỉ còn duy nhất một cái thôi, cậu đến thật không
đúng lúc, nếu đến sớm hơn một chút thì tốt hơn rồi! – Bà chủ trẻ tuổi nói.
– Không sao, tôi đang rất vội! – Văn Bác nhìn cái bánh
ga tô, phủ sô cô la, cũng không tồi.
– Bao nhiêu tiền thế? – Văn Bác hỏi.
– 150 tệ.
– Ok, tôi mua cái này!
Văn Bác mang bánh về nhà hàng. Trần Na liền hỏi:
– Anh lại đi đâu thế? Sao cứ mất tích hoài vậy?
Văn Bác nói:
– Cái cô này, nhắm mắt lại, khi nào anh bảo mở mắt ra
mới được mở ra đấy!
– Anh làm trò gì vậy?
– Nhắm mắt lại trước đã!
– Oa, bánh ga tô à? – Mọi người ngạc nhiên reo lên.
Trần Na mở mắt ra, Văn Bác liền nói:
– Chúc mừng sinh nhật!
– Cám ơn anh, giám đốc Lý!
– Chúc mừng sinh nhật! – Mọi người đồng thanh chúc mừng
khiến cho Trần Na cảm động đến đỏ mặt.
Không khí vô cùng náo nhiệt, một bữa cơm mà kéo dài
hươn hai tiếng đồng hồ. Lúc buổi tiệc kết thúc, Văn Bác liền ra quầy thanh
toán. Lúc này mọi người đã cơm no rượu say rồi. Trương Tân liền nói:
– Xin lỗi nhé, tôi đi trước đây! Bà xã nhắn tin giục
tôi về rồi, tôi đi trước, thất lễ nhé!
Tiếp theo đó, những người khác cũng lục tục ra về.
Trần Na gọi điện cho bạn trai, bảo anh đến đón cô về,
nhưng anh ta không nghe máy. Trần Na tức tối nói:
– Thật là quá quắt, hôm nay là sinh nhật em, anh ấy đã
nói sẽ tổ chức sinh nhật cho em, thế mà đến lúc đó lại nói có việc gấp, phải
họp, không thể gặp em được! Giờ đã muộn thế này rồi, thế mà còn không thèm nghe
điện thoại của em!
– Đừng sốt ruột, có thể anh ta đang bận, lát nữa hãy
gọi lại! – Văn Bác khuyên nhủ.
Trần Na lại gọi thêm mấy lần nhưng bạn trai cô vẫn
không nghe điện thoại, cô tức tối ném phăng chiếc điện thoại xuống đất.
Văn Bác cúi xuống nhặt điện thoại lên, đưa cho Trần
Na:
– Đừng giận nữa! Đi thôi, anh đưa em về nhà, đằng nào
cũng tiện đường!
– Cám ơn anh!
– Đừng khách sáo, đi thôi!
Văn Bác bắt một chiếc taxi, đưa Trần Na về nhà. Trên
đường đi, tâm trạng Trần Na có vẻ rất tồi tệ, luôn miệng oán trách người yêu
không những không tổ chức sinh nhật cho cô mà còn không nghe điện thoại của cô.
Văn Bác khuyên nhủ mãi mới khiến cô nguôi giận phần nào.
Đến nhà, Văn Bác liền nói:
– Em nghỉ sớm đi, anh về đây!
– Giám đốc Lý, hôm nay em cám ơn anh nhiều lắm!
– Không có gì, sinh nhật em mà, đó là điều nên làm!
Văn Bác quay người định đi, Trần Na liền nói:
– Giám đốc Lý!
– Chuyện gì thế?
– Tối nay anh ở lại với em được không? – Trần Na nói
rồi lao vào lòng Văn Bác, bật khóc nức nở.
Văn Bác giật nảy mình, ôi trời ạ, nhỡ mà bị người quen
bắt gặp thì chết? Anh vội vàng dìu Trần Na, nhẹ giọng nói:
– Em làm sao thế? Đừng khóc, có chuyện gì không vui cứ
nói ra!
Trần Na dường như rất tủi thân, cứ run rẩy liên hồi
trong lòng Văn Bác, miệng sụt sùi khóc lóc. Trần Na khóc khiến cho Văn Bác bối
rối chẳng biết làm sao:
– Mau về đi! Nào, anh đưa em lên!
Trần Na lúc này mới đứng thẳng dậy, lau nước mắt rồi
lặng lẽ lấy chìa khóa, mở cửa. Văn Bác đi theo Trần Na lên tầng ba tòa chung
cư. Trần Na lấy chìa khóa mở cửa, bảo:
– Phòng ốc chẳng thu dọn gì, anh đừng để ý nhé!
Bước vào cửa, Trần Na liền bật đèn lên, Văn Bác nhìn
qua, căn phòng không rộng lắm, một phòng khách và một phòng ngủ, rất sạch sẽ.
Đồ đạc trong phòng đều xếp đặt ngay ngắn, đệm ghế sa lông cũng được đặt gọn
gàng, trong phòng còn tỏa ra mùi hương dìu dịu.
Đây là lần đầu tiên Văn Bác đến nhà Trần Na, anh nói:
– Em ở đây à?
– Vâng, em vẫn sống ở đây mà, em không sống chung với
anh ấy!
– Thế thì anh ta chăm sóc em kiểu gì? – Văn Bác hỏi,
bởi vì hiện giờ thanh niên cứ yêu nhau sẽ lập tức chuyển đến sống chung, chẳng
có mấy đôi sống riêng như thế này cả.
– Công việc của anh ấy lúc nào cũng bận rộn, cũng
chẳng biết bận thật hay bận giả, thỉnh thỏang mới ghé thăm vài lần! – Trần Na
oán thán.
– Em không đến chỗ anh ta sao?
– Haiz, lúc nào anh ấy cũng ở cùng với một đám người,
suốt ngày rượu chè, bài bạc, rất ồn ào, em không quen, thế nên không ở đấy
được! – Trần Na chán ngán nói.
– Phòng em dọn dẹp rất sạch sẽ, đúng là một người ngăn
nắp! – Văn Bác nói.
– Bình thường em cũng lười biếng lắm!
Trần Na rót một cốc nước, đưa cho Văn Bác:
– Anh uống nước đi!
– Cám ơn em!
Văn Bác và Trần Na nói chuyện một lúc. Anh định đi,
nhưng Trần Na lại bảo:
– Tối nay anh đừng đi, ở lại với em có được không?
– Thế sao được? – Văn Bác ái ngại.
– Tại sao? Anh sợ em không sạch sẽ à? – Trần Na nói.
– Không, không phải, em vẫn còn ít tuổi, sao anh có
thể hại em được?
– Đấy không phải là hại em, em thật sự muốn anh ở lại
với em!
– Như thế không được, anh đã kết hôn rồi, không thể
đối xử với em như vậy được!
– Em tự nguyện, thật đấy! – Nói rồi, Trần Na liền cởi
áo ngoài, để lộ ra phần ngực trắng nõn nà và cái eo thon đầy gợi cảm. Cô ôm
chặt lấy Văn Bác từ phía sau. Toàn thân Văn Bác như mềm nhũn ra, không thể nào
chống cự lại sự cám dỗ dịu dàng của phụ nữ. Chẳng mấy chốc, cả hai cùng ngã lên
ghế sofa, Văn Bác nằm đè lên người Trần Na….
Lúc tỉnh lại đã ba giờ đêm, Văn Bác nhìn Trần Na đang
nằm bên cạnh, một cảm giác tội lỗi và áy náy dấy lên trong lòng anh. Anh lại
hại đời một người phụ nữ vô tội, nói chính xác hơn là một cô gái vô tội, cô ấy
vẫn còn trẻ như vậy, còn chưa kết hôn nữa chứ! Làm sao đây? Làm thế nào đây?
Văn Bác vô cùng hối hận, xấu hổ muốn đập đầu vào tường.
– Yên tâm đi! Em sẽ không nói ra đâu! Em sẽ không nói
cho bất kỳ ai biết đâu! – Trần Na nằm ép vào ngực anh, dịu dàng nói.
– Anh có lỗi với em, anh không nên làm vậy! – Văn Bác
hối hận.
– Không sao, là em tự nguyện chứ có phải anh ép em
đâu!
Thực ra Văn Bác cũng thấy có lỗi với vợ, nhưng người
đàn bà âu yếm với gã đàn ông kia trong nhà hàng tối nay chắc chắn là vợ mình,
có thể cô ấy cũng đã ngoại tình. Bởi vì trước đây cô ta từng nói, nếu như anh
có bồ ở bên ngoài thì cô ta cũng sẽ cho anh “mọc sừng”. Giờ thì suốt ngày cô
hoài nghi anh có bồ, điều này chẳng phải cho thấy cô ta cũng đã ra ngoài tìm
đàn ông hay sao?
Cho dù vợ có ngoại tình, Văn Bác nghĩ mình cũng không
nên làm như vậy. Anh vừa mới đoạn tuyệt quan hệ vụng trộm với Lương Tuyết, giờ
lại vướng phải chuyện tình một đêm với Trần Na. Vừa mới thoát ra khỏi vũng bùn
lại rơi ngay vào đầm lầy, đúng là một hành động ngu xuẩn!
Văn Bác ngồi dậy, định mặc áo quần rồi về, nhưng Trần
Na nói:
– Đã ở đây rồi thì anh cứ ở lại hẵng mai hãy về. Anh
đi rồi, một mình em sẽ càng hụt hẫng!
Văn Bác ngẫm nghĩ, thấy cũng phải, bản thân mình đã
sai lầm rồi, còn để ý đến vài tiếng đồng hồ còn lại làm gì? Hơn nữa nửa đêm nửa
hôm thế này, ra ngoài cũng chưa chắc bắt được xe, thôi thì ở lại chờ trời sáng
rồi đi vậy!
Cả Văn Bác và Trần Na đều không ngủ được, liền nằm
trên giường nói chuyện công việc, chuyện phiếm về các đồng nghiệp trong công
ty. Đang nói chuyện vui vẻ thì đột nhiên có tiếng gõ cửa rầm rầm, có người như
đang say rượu lè nhè gọi:
– Na Na, mở cửa ra, anh về rồi đây!
– Hả? Hỏng rồi, bạn trai em về rồi! – Trần Na mặt mày
thất sắc nói.
Văn Bác cũng giật nảy mình, hoảng loạn:
– Chết rồi, làm thế nào bây giờ? Làm sao đây?
– Trời ơi, biết làm sao bây giờ? – Trần Na cuống quýt
không biết làm thế nào.
– Đừng cuống, từ từ nghĩ cách đã!
– Haiz, thôi bỏ đi, cùng lắm thì em chia tay với anh
ta, dù sao em cũng chẳng còn hy vọng gì với anh ta nữa rồi!
– Cứ tìm cách đã, sau hãy nghĩ những cái này!
Văn Bác lo lắng đi qua đi lại trong phòng. Anh chạy ra
ngoài ban công, nhìn xem có gì có thể trèo xuống được không, nhưng anh thất
vọng phát hiện ra là chẳng có gì cả, nếu như liều mạng nhảy xuống. hậu quả thật
khôn lường. Cho dù không ngã chết thì cũng tàn phế. Đây là lầu ba mà, không thể
nhảy xuống được!
– Na Na, em mau mở cửa ra để anh vào! – Người yêu Trần
Na ra sức gõ cửa rầm rầm.
– Trần Na, em có dây thừng không? – Văn Bác lo lắng
hỏi.
– Để làm gì? – Trần Na ngạc nhiên.
– Anh muốn tụt xuống dưới!
– Em không có!
– Thế thì tìm hai cái ga giường ra đây! – Văn Bác thực
sự đã hết cách.
– Thôi bỏ đi, em thấy nguy hiểm quá. Cùng lắm thì em
mở cửa nói rõ chuyện với anh ta! – Trần Na nói.
– Không được, tuyệt đối không được làm vậy!
– Có rồi, anh trốn ra ban công trước, để em đuổi anh
ta đi!
– Em nghĩ ra cách rồi à? – Văn Bác vui mừng nói.
– Anh cứ để em, mau trốn đi trước đã!
Văn Bác trốn ra ban công. Trần Na chậm rãi đi ra mở
cửa. Đúng lúc ấy, tiếng bạn trai cô nói vọng vào:
– Trần Na, anh biết là em có nhà, mau mở cửa ra, đừng
giận, anh sẽ tổ chức sinh nhật bù cho em, là anh sai, anh đáng chết, anh có lỗi
với em, giờ anh sẽ bù đắp cho em có được không?
– Hừ, bù đắp, anh muốn bù đắp thế nào? – Trần Na nói.
– Em mau mở cửa cho anh vào đi!
– Anh còn biết đường về à? Anh vẫn còn biết sinh nhật
của tôi ư? Tại sao không nghe điện thoại của tôi?
– Chẳng phải anh bận sao? Em phải hiểu cho anh chứ,
anh sẽ bù đắp cho em mà!
– Anh nói dễ nghe nhỉ? Bù đắp cái gì?
– Mai anh sẽ mua quần áo cho em, anh sẽ mua quà, em
muốn mua gì cũng được! Em thấy thế nào?
– Không được, tôi không muốn ngày mai, tôi muốn hôm
nay, anh phải đi mua bánh ga tô và 99 bông hồng ngay!
– Đừng làm khó anh mà, em thấy đấy, giờ đã là nửa đêm
rồi, anh đi đâu để mua những thứ ấy chứ?
– Mặc lệ anh, anh không mua được hoa hồng với bánh ga
tô đến thì đừng hòng tôi mở cửa. Khi nào mua đến tôi mới mở cửa!
– Haiz. Cưng của anh ơi, báu vật của anh ơi, em thương
anh chút đi, tha cho anh đi mà!
– Hừ, còn lâu! Thương anh á? Thế thì ai thương tôi?
– Thôi được rồi, anh đi!
Nghe thấy bạn trai đi rồi, Trần Na liền nói với Văn
Bác:
– Anh ta đi rồi, đợi một lát em mở cửa xem thử. Nếu
như anh ta trốn ở ngoài, vẫn chưa đi, thì đợi anh ta vào nhà, em sẽ dẫn anh ta
vào phòng ngủ, anh nhân cơ hội trốn đi nhé! Nếu như anh ta đi thật rồi thì càng
tốt, anh cũng đi luôn đi! Nhớ là nhất định phải cẩn thận, đừng gây ra tiếng ồn
làm kinh động đến anh ta!
Văn Bác vô cùng hoảng loạn, nếu như chuyện này bị bạn
trai của Trần Na phát hiện ra, làm ầm lên, các đồng nghiệp trong công ty mà
biết được thì hậu quả thật khó lường. Điều quan trọng hơn là, nếu để vợ và gia
đình cô ta biết được, vậy thì hậu quả càng khó tưởng tượng. Có xảy ra bạo loạn
hay không cũng thật khó nói! Cuộc sống trước mắt đã đủ áp lực, đủ rối loạn lắm
rồi, không thể để xảy ra chuyện gì được nữa!
Văn Bác chỉnh lại quần áo, trốn vào ban công, đã chuẩn
bị sẵn sàng mọi việc. Lúc này Trần Na mới trấn tĩnh lại. Đột nhiên người yêu
Trần Na lại lên tiếng cầu xin cô ở ngoài cửa:
– Cưng à, mau mở cửa cho anh đi, cầu xin em đấy!
– Sao anh còn chưa đi? Chẳng phải đã bảo anh đi mua
bánh ga tô với hoa hồng rồi sao? – Trần Na chất vấn.
– Giờ đã là nửa đêm rồi, anh biết đi đâu mua chứ?
– Không mua thì anh chớ có mơ vào đây! Tôi sẽ không mở
cửa đâu, hơn nữa sau này cũng đừng có hỏi han gì đến tôi nữa!
– Thôi được rồi, được rồi, anh đi mua!
Trần Na đợi một lát, thấy ngoài của chẳng có động tĩnh
gì liền e hèm đánh động mấy tiếng nhưng không thấy bạn trai cô có phản ứng gì.
Trần Na vẫn không yên tâm, lại chờ thêm bảy, tám phút nữa, cô lại gọi mấy
tiếng, vẫn không có động tĩnh gì, chắc anh ta đã đi rồi.
Trần Na quay người lại nói với Văn Bác:
– Người yêu em đi rồi, anh có thể ra được rồi!
Văn Bác đi ra, cẩn thận mở cửa, sau đó thì thầm nói
với Trần Na:
– Em nghỉ sớm đi, anh đi đây!
Trần Na vội vàng xua xua tay giục anh đi ngay, tránh
để bạn trai cô quay lại nhìn thấy. Văn Bác không dám chậm trễ, vội vàng bước
nhẹ chân xuống lầu. Đương nhiên, ra khỏi cửa nhà Trần Na, anh mới lấy lại hồn
vía. Bây giờ cho dù có gặp lại bạn trai Trần Na anh cũng chẳng sợ, anh ta làm
sao biết được anh đi ra từ phòng nào? Ở đây có biết bao nhiêu người ở mà!
Văn Bác nhanh chóng ra khỏi khu đô thị chỗ Trần Na ở,
dọc đường anh bắt được một chiếc taxi liền vội vã trở về nhà. Về đến nơi, vợ
anh không có ở nhà, cô ta thích về nhà mẹ đẻ, lấy chồng rồi mà chẳng khác gì
chưa lấy. Chỉ có điều thế cũng tốt, anh đỡ mất công giải thích.
Văn Bác tắm rửa xong, định đi ngủ nhưng chẳng thấy
buồn ngủ gì cả, vì thế, anh liền nằm lên ghế, uống cà phê, nghĩ lại những điều
mắt thấy tai nghe ngày hôm nay, đúng là không thể tưởng tượng nổi. Đây lại là
một đêm dài mất ngủ. Khi trời gần sáng, anh mới mơ màng được một lát trên ghế.
Tám giờ sáng, Văn Bác mới ngồi dậy đánh răng rửa mặt,
chuẩn bị đi làm. Chín giờ mới làm, một tiếng đồng hồ này chắc chắn là đủ. Đến
công ty, anh chạm mặt ngay với Lương Tuyết. Thấy mắt cô đỏ hoe, anh hơi ngây
người, thầm nghĩ, không biết cô làm sao vậy?
Văn Bác chào Lương Tuyết rồi hỏi han cô vài câu, nhưng
Lương Tuyết vẫn không buồn trả lời anh, chỉ cúi đầu vội vàng đi qua. Trong lòng
Văn Bác vô cùng khó chịu, dù sao Lương Tuyết cũng nhiều lần quan tâm, giúp đỡ
anh, giờ anh quan tâm đến cô cũng là điều đương nhiên.
Nghĩ thế, Văn Bác liền vội vàng đuổi theo, ngăn Lương
Tuyết lại, hỏi:
– Em sao thế? Sức khỏe không ổn à?
– Anh tránh ra! – Lương Tuyết tức giận nói!
– Anh thật sự rất lo lắng cho em! Có phải em bị ốm
không? Có cần đến bệnh viện không?
– Anh mới cần đi bệnh viện thì có! Cứ mặc xác tôi –
Tâm trạng của Lương Tuyết cực kỳ bất ổn.
– Em đừng giận, thật sự anh rất lo cho em!
– Tôi nhắc lại lần nữa, anh tránh ra, đừng quấy rầy
tôi! – Lương Tuyết quát lên.
Tiếng quát của Lương Tuyết làm kinh động đến rất
nhiều người, bọn họ đều nhìn về phía hai người. hơn nữa, điều tình cờ là Trần
Na cũng đang đi về phía này, nhìn thấy hai người cứ lôi lôi kéo kéo, lại nghe
thấy Lương Tuyết quát Văn Bác, Trần Na hơi sựng người, trợn tròn mắt kinh ngạc,
không hiểu đã xảy ra chuyện gì.
Văn Bác bỗng thấy xấu hổ đến đỏ mặt, bối rối
không biết phải làm thế nào, đành rụt rè bỏ đi. Cứ giằng co nữa e rằng chỉ càng
thêm xấu hổ, hơn nữa trước mặt đồng nghiệp thế này, thật chẳng còn chút thể
diện nào. Có đôi khi, thể diện của đàn ông quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
Về đến văn phòng, Trần Na liền mang cho Văn Bác
một cốc trà. Lúc Trần Na đến trước mặt, anh liền khẽ giọng hỏi:
– Tối qua em không sao chứ?
– Không sao! – Trần Na khẽ đáp.
– Về sau anh ta có quay lại không?
– Không đâu!
– Thế thì tốt rồi! – Văn Bác thở phào nhẹ nhõm.
– À phải rồi, ban nãy anh với chị Lương Tuyết có
chuyện gì thế? Sao chị ấy lại quát anh? – Trần Na đột nhiên hỏi.
– Ờ, không sao, không có gì, chỉ là một chút hiểu lầm
thôi! – Văn Bác vội vàng nói.
– Thật không? Chị Lương Tuyết thường ngày rất hiền
hòa, sao hôm nay lại nổi cáu thế? Thật không thể tưởng tượng được! – Trần Na
nói.
Trần Na nói chuyện với Văn Bác thêm một lúc nữa. Các
nhân viên đến công ty càng lúc càng đông, Văn Bác không dám nói gì nhiều, chỉ
sợ người khác biết chuyện anh với Trần Na. thêm một chuyện chẳng bằng bớt một
chuyện. Nghĩ vậy, anh liền vùi đầu vào làm việc.
Đúng lúc ấy, đồng nghiệp Trương Tân đi vào nói:
– Văn Bác, vợ anh đang đứng bên ngoài chờ anh đấy!
Cái gì? Bà xã đến công ty tìm anh á? Lại chuyện gì nữa
đây? Văn Bác giật mình thon thót, các sợi dây thần kinh căng như dây đàn. Chắc
lại là một cơn giông bão nữa sắp ập đến.
Văn Bác vừa nghe nói vợ đến, trong lòng đã hiểu rõ
chắc chắn chẳng có chuyện gì tốt đẹp hết. Chỉ có điều anh đã quen rồi. Trước
đây, đã mấy lần Y Đồng đến công ty gây chuyện, mắng anh thậm tệ, khiến cho anh
mất hết thể diện, chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn đồng nghiệp. Nhờ thế mà anh đã
được tôi luyện trở nên điềm tĩnh như bây giờ. Lũ đến thì chặn, có gì mà phải
lo!
Văn Bác ra ngoài đại sảnh công ty, nhìn thấy Y Đồng
đang ngồi trên ghế đợi anh. Để biểu thị sự hòa bình và lịch sự, Văn Bác liền
chủ động rót nước cho Y Đồng, mỉm cười nói:
– Bà xã, từ xa đến công ty anh có chuyện gì vậy?
Y Đồng ngẩng đầu nhìn Văn Bác, đôi mắt ánh lên sát
khí. Cô chậm rãi nói:
– Tôi đến nói chuyện với anh!
– Em phải chú ý nghỉ ngơi, sức khỏe mới là quan trọng
nhất! – Văn Bác tỏ vẻ quan tâm.
– Anh đừng giả bộ tốt bụng nữa, có gì nói thẳng! – Y
Đồng đanh giọng gắt.
– Thôi được rồi, chúng ta đi thẳng vào vấn đề! Em muốn
nói gì thì nói đi! Có chuyện gì?
– Mấy hôm nay anh không về nhà, tôi cũng không biết
anh có bao nhiêu con đàn bà ở bên ngoài, rốt cuộc anh đã vụng trộm với bao
nhiêu đứa? Anh có thể nói cho tôi biết bọn nó là những ai không? Để tôi dễ bề
làm quen. Anh nên hiểu rõ, chúng ta chia tay trong hòa bình, đợi khi nào ly hôn
rồi, anh muốn đi với bao nhiêu con cũng được, chẳng ai quản lý! – Y Đồng bực
bội nói.
– Cô nói cái gì vậy? Tôi có bao nhiêu đàn bà ở bên
ngoài ư? Cô cảm thấy có chuyện này không hả? Tôi chẳng có xe, chẳng có nhà,
nghèo kiết xác, liệu có bao nhiêu người đàn bà chịu theo tôi? – Văn Bác nổi
cáu.
– Anh còn nói anh không có bồ bịch ở bên ngoài ư? Vì
sao tôi phải tin anh? Anh có quan hệ mật thiết với nhiều đàn bà như thế, có thể
không có chuyện gì sao?
– Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, nhưng cô không tin
tôi, tôi cũng đành chịu thôi!
– Cái tin nhắn ong bướm trước kia rốt cuộc là của con
đàn bà nào vẫn còn chưa làm rõ đấy! Còn nữa, dấu son trên cổ anh, cộng thêm với
việc thường xuyên không về nhà vào buổi tối, anh bảo tôi phải nghĩ như thế nào
đây? – Y Đồng liền nhắc lại chuyện cũ.
– Cái tin nhắn ấy thật sự là do người ta gửi nhầm. Sao
cô cứ không chịu tin thế nhỉ? Vết đỏ trên cổ không phải là vết son, là do tôi
bị côn trùng cắn. giờ tôi không về nhà là bởi vì công việc quá nhiều, chứ không
bẩn thỉu như cô nghĩ đâu! – Văn Bác biện minh.
– Cái gì? Bẩn thỉu? Anh mới bẩn thỉu đấy! Đúng là khốn
kiếp, đã lăng nhăng ở ngoài lại còn dám mở miệng mắng chửi người khác! Mẹ kiếp,
anh đúng là đồ rác rưởi! – Y Đồng bắt đầu chửi bới.
– Tôi cảnh cáo cô, giờ cô đang mang bầu, tôi đã nhún
nhường cô lắm rồi. Nếu như không phải vì thế tôi dám đánh cho cô một trận đấy,
cô có tin không? – Văn Bác cực kì ghét người khác chửi bố mẹ anh, thế nên anh
đe dọa trước.
– Được lắm, chúng ta ly hôn đi! Đi, giờ đi làm thủ tục
luôn! – Y Đồng nói.
– Ly hôn thì ly hôn, ai sợ ai chứ? –Văn Bác nói.
– Ok, tôi về nhà lấy đăng ký, mười một giờ gặp nhau ở
Cục dân chính.
Văn Bác cũng về nhà tìm giấy tờ. Sau khi tìm đủ giấy
tờ, anh liền đến thẳng Cục dân chính, vì lúc này đã là mười rưỡi rồi. Y Đồng
vẫn chưa đến. Văn Bác đứng ở cổng Cục dân chính mất hơn nửa tiếng đồng hồ mà
vẫn chưa thấy cô đâu. Văn Bác nhìn đồng hồ, sốt ruột gọi điện giục nhưng điện
thoại của Y Đồng tắt máy. Anh cảm thấy có gì đó kỳ lạ liền quay về tìm Y Đồng.
Đến nhà mẹ Y Đồng, Văn Bác chỉ thấy mẹ vợ đang khuyên
nhủ và ngăn cản Y Đồng. Thấy Văn Bác đến, bà ta đanh giọng nói:
– Chúng mày định ly hôn là ly hôn thật đấy à? Thế đứa
bé trong bụng phải làm sao? Nó là cháu ngoại của tao đấy, chúng mày đã từng
nghĩ đến chuyện đó chưa?
– Là cô ta đòi ly hôn, tôi cũng chẳng còn cách nào
khác cả! – Văn Bác nói.
– Nó đòi ly hôn là mày ly hôn thật à? Thế nó bảo mày
đi chết mày có đi không? – Mẹ Y Đồng bắt đầu chửi.
– Ai bảo anh lăng nhăng với đàn bà ở bên ngoài, trong
mắt anh còn có cái nhà này không hả? Anh có xứng đáng với cái nhà này không? –
Y Đồng quát lên.
– Nhà á? Đây không phải là nhà của tôi! – Văn Bác
thẳng thừng nói.
– Đồ khốn, đây không phải là nhà mày thì là cái gì? –
Mẹ Y Đồng gào lên.
– Bố mẹ tôi ở đâu thì nhà tôi ở đó! – Văn Bác thản
nhiên đáp.
– Giờ mày làm gì có nhà ở đây! – Mẹ Y Đồng lại lấy
chuyện nhà cửa ra để nói.
– Tôi không mua được nhà nhưng tôi thuê được nhà!
– Nhà đi thuê mà cũng gọi là nhà à?
– Cho dù hiện giờ tôi không mua nổi nhà cũng không có
nghĩa tương lai tôi không mua được. Bà tưởng rằng cả đời này ngay cả một căn
nhà tôi cũng không mua được hay sao? Lẽ nào tôi là đồ vô dụng đến thế? Hơn nữa,
tôi là một thằng đàn ông, đâu thể ruồng bỏ bố mẹ mình, không nhận tổ tiên, chỉ
biết mỗi cái nhà? Nếu thế tôi có còn là người không? Tôi nói cho bà biết, tôi
không phải là người như thế, chẳng phải đồ vô dụng! Cho dù bà có cho tôi cả núi
vàng tôi cũng chẳng thèm. Con người có thể nghèo nhưng không thể hèn! – Văn Bác
hùng hồn nói.
Những lời của Văn Bác khiến cho mẹ con Y Đồng nghẹn
họng không nói được gì. Tại sao? Bởi vì chẳng còn biết nói gì nữa, những gì cần
nói Văn Bác đã nói hết cả rồi: nhà của bà mua, người ta không cần; bà có nhiều
tiền hơn nữa người ta cũng chẳng thèm. Người ta nghèo mà không hèn, tự lực tự
cường, sống nhờ vào bản thân chứ không ăn bám vào đàn bà.
Mẹ Y Đồng tức tới tím tái mặt mày:
– Mày giỏi lắm, sau này đừng có hối hận!
– Hối hận? Hối hận thì tôi đã chẳng là đàn ông! Đàn
ông đầu đội trời, chân đạp đất, bà tưởng tôi là kẻ nhìn thấy tiền là quên hết
tất cả hay sao? Bà quá xem thường tôi đấy! –Văn Bác hùng hồn bảo.
– Xem thường mày á? Gớm nhỉ, sao mày không nhìn lại
mình đi! – Mẹ Y Đồng lớn tiếng cười nhạo.
– Vậy thì bà đi mà tìm người nào chấp nhận ở trong nhà
của bà đi nhé, còn tôi thì không! – Anh nói.
– Cứ ly hôn đi, chớ nói nhiều! – Y Đồng cất tiếng.
– Thế thì đi thôi! –Văn Bác giục.
– Mẹ kiên quyết phản đối! – Mẹ Y Đồng lớn tiếng nói
chen vào.
– Đã không sống được với nhau rồi, còn chờ đợi cái gì
nữa chứ? – Văn Bác khó chịu bảo.
– Hai đứa hãy bình tĩnh lại mà suy nghĩ cho kĩ! – Mẹ Y
Đồng nói.
– Cô ta suốt ngày nghi ngờ vớ vẩn, chạy đi khắp nơi
gây chuyện vô cớ. Mười ngày thì chín ngày cãi nhau, còn bình tĩnh cái gì nữa?
Có là ai cũng chẳng chịu nổi cô ta nữa rồi!
– Anh đừng có đổ hết trách nhiệm lên đầu tôi. Chính
bản thân mình không biết tự trọng trước, vụng trộm ở bên ngoài, còn cố tình đỗ
lỗi cho tôi hay sao?
– Mày về nhà trước đi, hai đứa chúng mày hãy nghĩ cho
kĩ, đừng có nông nổi! – Mẹ Y Đồng lại bảo.
Văn Bác và Y Đồng càng nói càng gay gắt. Mẹ Y Đồng vội
vàng khuyên ngăn, để cả hai bình tĩnh lại. Văn Bác thấy Y Đồng ngồi yên chẳng
có ý đến Cục dân chính nữa nên anh đành bực bội ra về. Về đến nhà, anh tắm rửa
rồi trùm chăn ngủ một giấc, trong lòng chỉ thấy ngao ngán, chán chường. Anh hối
hận lúc trước đã kết hôn quá sớm, tự trách cứ tại sao mình không suy nghĩ kĩ
càng hơn?
Buổi chiều, Văn Bác đi thẳng đến công ty làm việc,
cũng may là buổi sáng công việc không bận lắm. Anh đi vào văn phòng, còn chưa
ngồi nóng chỗ thì thư ký Trần Na đã đến, nói:
– Có phải sáng nay anh với vợ đi làm thủ tục ly hôn
không vậy?
– Ơ, sao em biết? – Văn Bác tỏ vẻ ngạc nhiên, làm sao
cô biết được nhỉ?
– Lúc hai người cãi nhau, em đi qua đại sảnh và loáng
thoáng nghe được! – Trần Na bảo.
– Em thấy anh có nên ly hôn không? – Văn Bác hỏi dò.
– Anh là người trong cuộc, anh hiểu rõ nhất là có nên
ly hôn hay không, em là người ngoài, sao dám quyết định thay anh?
– Không phải bảo em quyết định thay anh, mà là bảo em
cho anh một sự tham khảo, anh muốn nghe ý kiến của em, em hiểu không?
– Em không dám nhận cái tội danh thiên cổ này đâu! –
Trần Na lè lưỡi nói.
– Haiz, anh giờ hoàn toàn bó tay, cực kì mơ hồ!
– Đau âm ỉ chẳng bằng đau một lần rồi thôi, anh nên
quyết tâm đi!
Thực ra, kể từ khi Y Đồng có bầu, trong lòng Văn Bác
vô cùng mâu thuẫn, anh không biết phải quyết định như thế nào. Nếu như Y Đồng
không có thai, có khi giờ hai người đã ly hôn lâu rồi. Ấy thế mà Y Đồng lại đột
nhiên có bầu khiến cho mọi chuyện rối tung lên thế này.
Lúc Văn Bác nghe thấy Y Đồng nói mình đã có thai, nghĩ
đến việc mình sắp được làm bố, trong lòng anh bỗng dâng lên tình cảm cha con,
dù gì thì mọi con người đều là những sinh vật có tình cảm, ai có thể thờ ơ, vô
tình với đứa con máu mủ của mình chứ?
Thông thường, nếu như vợ có bầu, là một người chồng,
chắc chắn mỗi tối đều sẽ ghé tai vào bụng vợ, lắng nghe âm thanh nhỏ xíu của bé
yêu. Cho dù không có gì thì ông chồng cũng vẫn khe khẽ thì thầm với bé rồi quan
sát bụng vợ xem có dấu hiệu gì cho thấy bé yêu đang hoạt động hay không. Hai vợ
chồng sẽ cùng nói chuyện về giới tính của đứa bé, tranh cãi xem là trai hay gái
và nghĩ ra cái tên thật hay cho bé.
Đó là một viễn cảnh thật ấm áp và hạnh phúc biết bao!
Dưới ánh đèn, một người đàn ông, lấy vòng tay ôm bụng vợ, áp tai vào bụng vợ
lắng nghe. Văn Bác mơ hồ tưởng tượng ra cái viễn cảnh ấy. Nhưng kể từ khi vợ
mang bầu, giữa hai vợ chồng anh chỉ có chiến tranh, những trận tranh cãi không
bao giờ chấm dứt. Đừng nói là ôm bụng vợ nghe tiếng em bé hoạt động mà ngay cả
nói chuyện bình tĩnh với vợ, anh cũng không làm nổi.
Tranh cãi, tranh cãi liên tục khiến cho hai người sức
cùng lực kiệt, đau khổ vô cùng. Hôn nhân chẳng thấy ngọt ngào chút nào mà chỉ
thấy đau khổ và phiền toái.
Văn Bác đột nhiên lại nhớ đến lúc chưa kết hôn, lúc ấy
anh mới vui vẻ làm sao, gần như vô lo vô nghĩ. Thường ngày, lúc không đi làm,
anh ăn no là đi chơi, đi chơi chán là về ngủ, thỉnh thoảng lại tụ tập với một
đám bạn bè, mọi người vui vẻ cười nói, uống rượu. Những lúc có hứng, anh thường
cắp theo ba lô, lên đường đi du lịch, nào là Bắc Kinh, Nam Kinh, nào là Tô
Châu, Thượng Hải… Muốn đi đâu thì đi đấy. Thế mà hiện giờ, đừng nói là đi du
lịch, ngay cả việc ra ngoài giải quyết công việc cũng đều bị vợ kiểm tra, chất
vấn, thậm chí muốn về nhà muộn cũng không được.
Giờ cũng đến lúc chấm dứt tất cả rồi. Đời người ngắn
ngủi, nếu như cứ sống trong cảnh này chẳng phải uổng phí một đời hay sao? Ly
hôn thôi, không thể do dự được nữa! ý nghĩ ấy cứ ám ảnh trong đầu Văn Bác…
Cái ý nghĩ ly hôn cứ ngày càng mãnh liệt trong lòng
anh. Nhưng nghĩ đến bố mẹ, anh lại thấy khó chịu. Nếu như ly hôn thật, anh biết
ăn nói sao với bố mẹ đây? Hiện giờ, Văn Bác đang rơi vào hoàn cảnh: hôn nhân
bên trái, tình yêu bên phải. Tình cảm vợ chồng giữa anh và Y Đồng đã hết, chẳng
còn chung ngôn ngữ, không sao nói chuyện được với nhau, thậm chí luôn đứng ở
hai phe đối lập. Thật khó mà tưởng tượng ra làm sao để sống tiếp cuộc sống như
vậy.
Văn Bác nghĩ ngợi suốt ba ngày liền, anh gần như rơi
vào vực sâu của sự đau khổ, anh cảm thấy mình đang sụp đổ. Người ta thường nói,
đàn ông sợ chọn nhầm nghề, đàn bà sợ chọn nhầm chồng. Bản thân anh thì chọn
nhầm vợ, đó cũng là một tổn thất lớn nhất trong cuộc đời, mang lại ảnh hưởng
nặng nề đến cuộc sống và sự nghiệp của anh. Chọn nhầm vợ, hận quả thật nghiêm
trọng!
Suốt mấy ngày liền, Y Đồng đều không về nhà. Văn Bác
cũng chẳng buồn đoái hoài đến cô, anh muốn đợi cho Y Đồng nghĩ cho kĩ rồi nhanh
chóng ra tòa làm thủ tục ly hôn với mình.
Kể từ sau khi Văn Bác và Lương Tuyết chấm dứt quan hệ
với nhau, cô thường tỏ thái độ thờ ơ, không ngó ngàng đến anh. Văn Bác nhiều
lần tìm cách tiếp cận cô, muốn nói chuyện với cô nhưng đều không được. Lần này
ngay cả bạn bè cũng chẳng thể làm nổi. Văn Bác bắt đầu âm thầm tự trách mình,
bản thân anh đã vô tình làm tổn thương một người con gái tốt bụng. Anh nợ cô
một món nợ tình cảm.
Một hôm, hết giờ làm, trời đổ mưa to, Lương Tuyết
không mang ô nên không ra ngoài được, đành ngồi ở ghế sô pha trong đại sảnh
công ty chờ mưa ngớt. Văn Bác lấy hết dũng khí, cầm một chiếc ô đi về phía
Lương Tuyết, nhẹ nhàng nói:
– Em cầm lấy mà dùng!
Lương Tuyết chẳng buồn ừ hử, ánh mắt thất thần nhìn ra
màn mưa bên ngoài cửa. Văn Bác thấy cô chẳng có phản ứng gì nên cũng không tiện
nói thêm, lặng lẽ đặt ô lên ghế rồi đứng dậy đi ra ngoài. Mưa to như trút nước,
chẳng mấy chốc, Văn Bác đã ướt đẫm cả người. Anh vừa đi vừa tự trách mình. Đi
không xa thì đột nhiên anh thấy trên đầu không còn mưa nữa, hóa ra là nhờ có
một cái ô.
Văn Bác từ từ quay người lại, nhìn thấy Lương Tuyết
đang đứng ở phía sau, lặng lẽ nhìn anh. Mắt Văn Bác như đỏ lên, anh nắm chặt
lấy tay Lương Tuyết. Lương Tuyết đột nhiêm ôm chầm lấy anh, bật khóc nức nở.
– Tuyết à, anh đã khiến em phải chịu ấm ức rồi! Em có
hận anh không? – Văn Bác hỏi.
– Em không hận anh! Em đã nghĩ kĩ rồi, chúng ta không
làm tình nhân được thì đành làm bạn tốt của nhau vậy! – Lương Tuyết nói.
– Em thật sữ đã nghĩ kĩ rồi chứ? Không hận anh chút
nào sao?
– Em thật sự không hận anh!
Văn Bác vô cùng cảm động, cảm xúc lẫn lộn đan xen
khiến anh không nói lên lời. Mưa càng lúc càng to, gió ào ào thổi tới, mưa làm
ướt quần áo của họ. Văn Bác ôm chặt lấy Lương Tuyết, nước mưa chảy xuống tí
tách theo những lọn tóc của cô.
– Đi nào, anh đưa em về nhà! – Một hồi lâu sao, Văn
Bác nói.
– Vâng! – Lương Tuyết gật đầu đáp.
Văn Bác cầm ô đưa Lương Tuyết về nhà, vừa đi vừa đợi
xe. Mưa rất to, gần như chẳng có cái taxi nào còn trống cả. Anh ngao ngán chẳng
thể làm gì khác.
Lương Tuyết liền bảo:
– Không sao đâu, chúng ta cứ đi bộ một đoạn đã!
– Anh sợ em sẽ bị cảm mất!
– Không sao đâu!
Không bắt được taxi, hai người chẳng còn cách nào khác
đành phải dìu nhau bước thấp bước cao đi bộ, giày dép ướt nhẹp. Đúng lúc hai
người đang đi trong màn mưa thì đột nhiên có một chiếc xe Audi màu đen đi qua.
Trong xã hội hiện giờ, người lái xe hơi đâu đâu chả có, chẳng có gì đặc biệt
cả, điều quan trọng là bên trong có hai người ngồi, đồng thời người phụ nữ
trong xe đã nhìn thấy Văn Bác và Lương Tuyết che chung một cái ô, đi trong màn
mưa dữ dội.
Người phụ nữ ấy không ai khác chính là Ngô Liễu, bạn
thân của Y Đồng. lúc này cô đang ngồi trong xe của tình nhân. Ngô Liễu tình cờ
gặp Lương Tuyết và Văn Bác trên đường, cô lập tức gọi điện cho Y Đồng. đương
nhiên Văn Bác không hề nhìn thấy Ngô Liễu, hoàn toàn không hay biết sự tình…
Y Đồng nhận được thông báo của cô bạn thân liền lập
tức gọi điện cho Văn Bác. Văn Bác vốn không định nghe điện thoại nhưng nghĩ đến
việc không nhận điện thoại, Y Đồng sẽ lại hiểu nhầm, anh đành phải nghe máy. Y
Đồng liền chất vấn:
– Giờ anh đang ở đâu?
– Giờ tôi đang trên đường về! – Văn Bác nói.
– E là anh đang hẹn hò vói con đàn bà khác rồi! – Y
Đồng lạnh lùng nói,
Văn Bác giật nảy mình, nhủ thầm, con đàn bà chết tiệt
này, thính giác sao mà nhanh nhạy thế, chẳng khác gì chó bec giê, chỉ cần anh ở
cạnh người con gái khác là cô ta đánh hơi được ngay. Nhưng anh vẫn cố bình
tĩnh, nói:
– Cô nói vậy là có ý gì? Sao lúc nào cũng không tin
tưởng tôi thế?
– Anh đừng giả bộ nữa, tôi biết hết rồi!
– Sao lúc nào cô cũng muốn gây sự vô cớ với tôi thế
hả?
– Gây sự vô cớ á? Tôi sẽ khiến cho anh hết đường chối
cãi!