TRANG 116
Liesel – Anh gần như đã viết vội câu chuyện này ra.
Anh nghĩ là có thể em đã quá lớn cho một câu chuyện như vậy, nhưng cũng có thể là không ai quá lớn ở đây cả.
Anh đã nghĩ về em, về những quyển sách và từ ngữ của em, và câu chuyện lạ lùng này đã nảy ra trong đầu anh.
Anh hy vọng em có thể tìm thấy cái gì đó có ích từ nó.
Con bé lật sang trang tiếp theo.
Ngày xưa, có một người đàn ông nhỏ bé, kỳ lạ. Hắn ta quyết định rằng cuộc đời hắn sẽ có ba chi tiết quan trọng:
– Hắn sẽ rẽ ngôi mái tóc của mình ngược hướng với tất cả mọi người.
– Hắn sẽ nuôi một bộ ria mép nhỏ, kỳ quặc.
– Một ngày nào đó, hắn ta sẽ thống trị cả thế giới.
Người thanh niên ấy đi loanh quanh trong một thời gian, để suy nghĩ, lập kế hoạch và xác định chính xác xem làm thế nào để biến thế giới này thành vật sở hữu của mình. Rồi một ngày nọ, nó đã đến với hắn – cái kế hoạch hoàn hảo ấy. Hắn nhìn thấy một người mẹ bước đi trên phố cùng với đứa con của mình. Bà cứ luôn mồm nhiếc mắng thằng bé, và sau cùng thì thằng bé bắt đầu khóc. Chỉ trong vài phút, bà ấy lại nói năng với nó một cách rất nhẹ nhàng, và rồi thằng bé nín khóc, thậm chí còn cười nữa.
Người thanh niên lao đến chỗ người phụ nữ nọ và ôm chầm lấy bà. “Lời nói!”, hắn cười.
“Cái gì cơ?”
Nhưng không có câu trả lời.
Hắn đi mất rồi.
Phải, Quốc trưởng đã quyết định rằng hắn ta sẽ thống trị thế giới này bằng lời nói. “Ta sẽ không bao giờ động đến một khẩu súng,” hắn nói. “Ta sẽ không phải làm như thế.” Tuy nhiên, hắn không phải là kẻ thiếu suy nghĩ. Ít nhất hãy cho hắn ta chừng đó. Hắn không hề là một người ngu ngốc chút nào. Kế hoạch tấn công đầu tiên của hắn ta là gieo những lời nói của mình trên càng nhiều mảnh đất của quê hương càng tốt.
Hắn gieo trồng chúng ngày đêm, và chăm bón chúng.
Hắn nhìn chúng lớn lên, rồi một ngày kia, những cánh rừng lời nói bao la đã mọc khắp nước Đức. Đó là một đất nước của những suy nghĩ được gieo vào đầu con người.
— —— —— —— —— —— —— ——
TRONG KHI những lời nói đang lớn lên, thì vị Quốc trưởng trẻ của chúng ta cũng bắt đầu gieo hạt giống để tạo ra những biểu tượng, và những hạt giống này cũng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Giờ thì thời khắc đã tới. Quốc trưởng đã sẵn sàng.
Hắn mời gọi mọi người đến với trái tim toả hào quang của mình, ra hiệu cho họ với những lời nói tuyệt vời nhất, xấu xa nhất, được chính tay hắn nhặt ra từ những cánh rừng của mình. Và người ta đã tới.
Tất cả được đặt trên một băng chuyền và được quét qua một cỗ máy hung hăng sẽ mang lại cho họ cả cuộc đời chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Lời nói được nhồi nhét vào người họ. Thời gian như biến mất, và họ biết tất cả những gì cần biết. Họ đã bị thôi miên.
Tiếp theo, họ được ấn vào những cái biểu tượng của mình, và mọi người đều hài lòng.
Không lâu sau, nhu cầu đối với những lời nói và biểu tượng đã đạt đến một mức độ mà khi những khu rừng mọc lên thì cần có rất nhiều người để duy trì, chăm sóc chúng. Có những người được thuê để leo lên cây và ném những lời nói cho người đứng bên dưới. Sau đó chúng được nhồi trực tiếp cho phần còn lại của nhân dân của Quốc trưởng, ấy là chưa kể đến những người quay lại để được có thêm lời nói.
Những người leo lên cây lời nói được gọi là những người lay từ ngữ.
NHỮNG NGƯỜI lay từ ngữ giỏi nhất là những người hiểu được sức mạnh đích thực của từ ngữ. Họ luôn là những người có thể trèo lên cao nhất. Một trong số những người lay từ ngữ như vậy là một đứa con gái bé nhỏ, mảnh khảnh. Cô bé ấy nổi tiếng là người lay từ ngữ giỏi nhất vùng, bởi cô biết một con người có thể bất lực đến thế nào NẾU KHÔNG CÓ từ ngữ. Cô bé có một niềm khao khát. Cô bé luôn đói khát những từ ngữ.
Dù vậy một ngày kia, cô bé gặp một người đàn ông bị đất nước cô khinh miệt, ngay cả khi anh ta được sinh ra trên đất nước ấy. Họ trở thành những người bạn tốt của nhau, và khi người đàn ông ấy bị ốm, thì người lay từ ngữ đã để một giọt nước mắt rơi lên gương mặt của anh. Giọt nước mắt được làm từ tình bạn – một từ duy nhất – và nó khô đi rồi biến thành một hạt giống. Lần tiếp theo cô đi vào cánh rừng từ ngữ, cô gieo hạt giống ấy giữa những cái cây khác. Cô bé tưới nước cho nó trước và sau mỗi ca làm việc.
Ban đầu chẳng có cái gì mọc lên cả, nhưng rồi một buổi chiều nọ, khi cô bé kiểm tra hạt giống sau một ngày làm công việc lay từ ngữ, một mầm cây nhỏ bé đã đội đất mọc lên. Cô bé đứng đó, nhìn cái mầm cây suốt một lúc lâu.
Cái cây lớn nhanh hơn tất cả những cây khác, cho đến khi nó đã là cây cao nhất của khu rừng. Mọi người đến để ngắm nhìn nó. Tất cả đều thầm thì bàn tán về nó, và họ chờ đợi. Chờ đợi Quốc trưởng. Bị chọc cho điên tiết, hắn lập tức ban lệnh rằng cái cây ấy phải bị huỷ diệt. Đó là khi người lay từ ngữ bước lên trước đám đông. Cô bé quỳ mọp xuống đất. “Xin ngài,” cô bé kêu lên, “ ngài không thể đốn bỏ nó được.”
Dù vậy, Quốc trưởng vẫn không mảy may rung động. Hắn ta không thể cho phép có những ngoại lệ. Khi người lay từ ngữ bị lôi đi, hắn quay sang cánh tay mặt của mình và đưa ra một lời yêu cầu. “Hãy mang đến cho ta một cái rìu.”
— —— —— —— ——–
VÀO KHOẢNH KHẮC ĐÓ, người lay từ ngữ vùng thoát được. Cô bé chạy. Cô chạy đến chỗ cái cây, và thậm chí khi Quốc trưởng giáng những nhát rìu vào thân cây, cô bé vẫn tiếp tục trèo cho đến khi đã lên đến ngọn cây. Những giọng nói và tiếng bổ rìu vẫn tiếp tục vang lên đầy gấp gáp. Vài đám mây trôi ngang qua – như những con quái vật màu trắng. Với những quả tim màu xám. Dù sợ hãi vô cùng nhưng vốn rất bướng bỉnh, người lay từ ngữ vẫn giữ nguyên vị trí của mình. Cô bé chờ cái cây đổ xuống.
Những cái cây vẫn đứng trơ trơ.
Nhiều giờ đồng hồ trôi qua, nhưng cái rìu của Quốc trưởng vẫn không làm thân cây sứt mẻ được miếng nào. Trong một tình trạng gần như muốn đổ gục xuống vì mệt, hắn ra lệnh cho một người khác, tiếp tục đốn cái cây.
Nhiều ngày trôi qua.
Nhiều tuần trôi qua.
Một trăm chín mươi sáu người lính cũng vẫn không thể làm cái cây của người lay từ ngữ tổn hại một chút nào.
“Nhưng cô bé ăn uống ra sao?” người ta hỏi. “Cô bé ấy ngủ thế nào được?”
Điều mà họ không biết là những người lay từ ngữ khác đã ném đồ ăn, nước uống sang cái cây của cô bé, và cô bé đã trèo xuống những cành thấp hơn để nhặt chúng.
— —— —— —— —— —— —— ——
TUYẾT RƠI. Mưa rơi. Xuân rồi hạ rồi thu rồi đông. Người lay từ ngữ vẫn ở trên ngọn cây.
Khi người đốn cây cuối cùng gục xuống, anh gọi vọng đến chỗ cô bé. “Này người lay từ ngữ! Giờ thì cô có thể xuống được rồi! Bây giờ thì không ai có thể đốn gục được cái cây này nữa đâu!”
Người lay từ ngữ, chỉ có thể nghe thấy tiếng mà không nhìn thấy mặt của người đàn ông đó, thì thầm đáp lại: “Không, cảm ơn ông.” Cô bé chuyền từ ngữ của mình xuống qua những cành cây.
— —— —— —— —— —— —— ——
KHÔNG AI biết được đã bao lâu trôi qua rồi, nhưng một buổi chiều nọ, một người đốn cây khác đến thị trấn. Cái túi anh đeo trông thật quá nặng nề so với sức lực của anh. Mắt anh lờ đờ mỏi mệt. Chân anh lê bước nhọc nhằn. “Cái cây”, anh hỏi người ta, “Cái cây ở đâu?”
Một đám đông khán giả đi theo anh, và khi anh đến nơi, những đám mây đã tụ tập lại nơi ngọn cây cao nhất. Người lay từ ngữ chỉ có thể nghe thấy tiếng người ta đang láo nháo rằng một người đốn cây khác đã đến để chấm dứt chuỗi ngày bướng bỉnh bám víu lấy ngọn cây của cô.
“Cô ta sẽ không xuống vì bất cứ ai đâu”, người ta nói.
Người ta không biết người đốn cây là ai, và người ta không biết rằng anh ấy không dễ nản lòng.
Anh mở cái túi mình ra và lấy ra một thứ gì đó nhỏ hơn cái rìu rất nhiều. Người ta cười nhạo anh. “Anh không thể đốn ngã cả cái cây to thế này với một cái búa cũ được!”
Người thanh niên vẫn không bận tâm. Anh chỉ lục lọi trong túi mình để tìm vài cây đinh. Anh ngậm ba cây đinh trên miệng mình và cố gắng đóng cây đinh thứ tư vào thân cây. Cái chạc cây đầu tiên lúc này đã mọc cao lắm rồi, anh ước lượng rằng mình cần phải dùng bốn cây đinh để làm điểm đặt chân để leo được đến chỗ những chạc cây đầu tiên ấy.
“Hãy nhìn tên ngốc kìa,” những người đứng xem kêu ầm lên. “Không ai có thể trèo lên được cái cây này nữa.”
Anh ta vẫn im lặng.
— —— —— —— —— —— —— ——
CY ĐINH đầu tiên cắm vào thân cây và được cố định chắc sau năm cái giáng búa. Sau đó là đến cây đinh thứ hai, và người đàn ông bắt đầu trèo lên.
Đến cây đinh thứ tư thì anh đã với được đến những cành cây, và tiếp tục trèo lên cao nữa. Anh rất muốn cất tiếng gọi vọng lên trong lúc trèo, nhưng anh đã quyết định không làm thế.
Quãng đường anh phải trèo lên tưởng chừng như dài hàng nghìn dặm. Anh mất nhiều thì giờ đồng hồ mới lên được đến ngọn cây, và khi đã lên được đến nơi, anh thấy người lay từ ngữ đang nằm ngủ trong những tấm mền và giữa những đám mây.
Anh ngắm nhìn cô bé trong nhiều phút. Hơi ấm của mặt trời sưởi cho cái nhà đầy mây ấy.
Anh cúi xuống, chạm vào tay cô, và người lay từ ngữ thức dậy. Cô bé dụi mắt, và sau khi ngắm nhìn gương mặt anh một lúc lâu, cô bé nói.
“Có thật là anh đấy không?”
Cô bé nghĩ thầm, có phải là từ trên má anh, em đã lấy hạt giống của cái cây này không?
Người đàn ông gật đầu.
Trái tim anh chao đảo và anh bám chặt hơn vào những cành cây. “Anh đây.”
HỌ cùng nhau ở trên ngọn cây. Khi những đám mây tan biến dần, họ có thể nhìn thấy toàn bộ khu rừng.
“Nó sẽ không ngừng mọc lên.” Cô bé bảo anh.
“Nhưng cái cây này cũng sẽ không ngừng cao lên mãi.” Người thanh niên nhìn vào cành cây đang giữ lấy tay mình.
Khi đã nhìn nhau và nói chuyện với nhua đủ rồi, họ trèo xuống. Họ để lại những tấm mền và thức ăn sau lưng mình.
Người ta không thể tin vào mắt mình, và ngay cái khoảnh khắc mà người lay từ ngữ và người thanh niên nọ đặt chân lên thế giới dưới chân mình thì cuối cùng trên thân cây cũng xuất hiện. Những vết chém xuất hiện. Khe hở hiện ra trên thân cây, và mặt đất bắt đầu run rẩy.
“Nó sẽ đổ”, một phụ nữ hét lên, “Cái cây sẽ đổ!”
Cái cây của người lay từ ngữ, trong suốt chiều dài nhiều dặm của nó, từ từ nghiêng sang một. Nó rền rĩ khi đổ ngục xuống mặt đất. Thế gian như rung chuyển, và khi mọi thứ trở lại bình thường, thì cái cây nằm đó, giữa những cây khác của khu rừng.
Trong khi đi tiếp, họ dừng lại vài lần, để lắng nghe. Họ nghĩ là mình có thể nghe thấy những giọng nói và từ ngữ, đằng sau họ, trên cái cây của người lay từ ngữ.
Trong một thời gian dài, Liesel ngồi ở bàn bếp và tự hỏi rằng Max Vandenburg đang ở đâu, trong những cánh rừng ngoài kia. Bóng tối buông xuống quanh con bé. Nó ngủ thiếp đi. Mẹ bảo nó về giường, và nó đã làm thế, với quyển sổ phác thảo của Max Vandenburg ép chặt lên ngực.
Nhiều giờ đồng hồ sau, khi tỉnh giấc, thì câu trả lời cho câu hỏi của nó đã đến. Dĩ nhiên rồi, con bé thì thầm. Dĩ nhiên là mình biết anh ấy đang ở đâu, và nó lại ngủ tiếp.
Con bé đã mơ về cái cây.
BỘ SƯU ṬẬP TRANG PHỤC CỦA NHỮNG NGƯỜI VÔ CHÍNH PHỦ
NHÀ SỐ 35 PHỐ THIÊN ĐÀNG,
NGÀY 24 THÁNG MƯỜI HAI
Vì sự vắng mặt của hai người cha, gia đình Steiner đã mời Rosa và Trudy Hubermann, và cả Liesel nữa, ghé chơi nhà.Khi họ đến nơi, Rudy vẫn đang giải thích về bộ quần áo của nó. Thằng nhóc nhìn Liesel và mồm nó há ra, nhưng chỉ một chút thôi.
Những ngày tháng dẫn đến kỳ Giáng sinh năm 1942 bị phủ dày đặc và nặng nề bởi tuyết. Liesel đọc quyển Người lay từ ngữ rất nhiều lần, từ bản thân câu chuyện cho đến rất nhiều bức vẽ phác thảo và những lời bình luận ở cả hai bên của bức vẽ. Vào đêm Giáng sinh, con bé đã quyết định một điều về Rudy. Thà chết còn hơn ra ngoài quá muộn.
Con bé đi sang nhà bên cạnh ngay trước khi trời sập tối và nói với thằng nhóc là nó có một món quà muốn tặng, nhân dịp lễ Giáng sinh.
Rudy nhìn vào lòng bàn tay con bé và ở cả hai bên chân của nó.
“Nào, nó ở chỗ quái nào cơ chứ?”
“Thôi, quên đi.”
Nhưng Rudy biết. Nó đã nhìn thấy con bé như vậy trước đây rồi. Những con mắt liều lĩnh và những ngón tay nhớp nháp. Hơi thở nồng nặc mùi ăn trộm phủ đầy xung quanh con bé, và thằng nhóc có thể ngửi thấy cái mùi ấy. “Cái món quà này,” thằng nhóc đoán, “cậu vẫn chưa có đươc nó trong tay, có phải không?”
“Không.”
“Và cậu cũng không mua nó nữa, có phải không?”
“Dĩ nhiên là không rồi. Chả nhẽ cậu nghĩ tớ có xu nào trong người à?” Tuyết vẫn còn rơi. Ở rìa bãi cỏ có một lớp băng như một tấm kính vỡ. “Cậu có chìa khóa không?” con bé hỏi.
“Chìa khóa để mở cái gì kia?” nhưng Rudy không mất nhiều thời gian để hiểu ra. Thằng nhóc đi vào trong nhà rồi quay ra không lâu sau đó. Theo cách nói của Viktor Chemmel, nó nói “Đã đến lúc đi mua sắm rồi.”
Ánh sáng đang biến mất rất nhanh, và ngoại trừ ngôi nhà thờ, cả con phố Munich đã đóng cửa để đón Giáng sinh. Liesel bước vội để theo kịp những bước chân dài và cao lêu nghêu của thằng bạn hàng xóm. Chúng đến được ô cửa sổ cửa hàng mà chúng cần đến. STEINER – SCHNEIDERMEISTER. Trên ô cửa vương một lớp bùn mỏng và bụi bẩn bị gió thổi vào trong suốt những tuần lễ vừa qua, hết tuần này qua tuần khác. Ở phía bên kia căn phòng, mấy con ma-nơ- canh đứng sừng sững như một đám nhân chứng. Trông chúng rất nghiêm trọng và kiểu cách một cách lố bịch. Thật khó để rũ bỏ cảm giác rằng chúng đang quan sát mọi thứ.
Rudy thò tay vào túi.
Đêm đó là đêm Giáng sinh.
Bố của nó đang ở gần Vienna.
Nó không nghĩ rằng ông sẽ thấy phiền khi chúng bước vào cái cửa hàng yêu dấu của ông. Tình thế đòi hỏi điều đó.
Cánh cửa mở ra một cách nhẹ nhàng, và hai đứa đi vào trong. Phản ứng bản năng đầu tiên của Rudy là thò tay bật công tắc đèn, nhưng điện đã bị cắt rồi.
“Có cây nến nào không?”
Rudy mất hứng. “Tớ đã mang chìa khóa đi rồi. Hơn nữa đây là ý tưởng của cậu kia mà.”
Giữa lúc đó, Liesel bước trúng một cái hố trên sàn nhà. Một con ma-nơ-canh ngã xuống cùng con bé. Nó mò mẫm cánh tay Liesel và tuột hết quần áo mặc trên người xuống con bé . “Hãy lấy cái thứ này ra khỏi người tớ đi!” Con ma-nơ-canh ấy có bốn mảnh. Thân mình và đầu, phần hai chân, và hai cánh tay tách rời nhau. Khi đã thoát khỏi vật ấy, Liesel đứng dậy và thở khò khè. “Lạy các đấng Jesus và Maria.”
Rudy tìm thấy một cánh tay của con ma-nơ-canh và lấy bàn tay ấy vỗ lên lưng con bé. Khi con bé sợ chết khiếp và quay đầu lại, thằng nhóc chìa bàn tay ấy ra với một tình cảm bạn bè thân thiết. “Rất vui được gặp cậu.”
Trong vài phút, chúng di chuyển chậm chạp qua những lối đi nhỏ hẹp của cửa hàng. Rudy bắt đầu đi về phía quầy hàng. Khi vấp phải một cái hộp rỗng, thằng nhóc kêu lên và văng tục, sau đó nó tìm được đường quay về chỗ cửa ra vào. “Chuyện này thật là quái gở,” nó nói. “Hãy đợi ở đây một phút,” Liesel ngồi đó, tay vẫn giữ cánh tay của con ma-nơ-canh, cho đến khi thằng nhóc quay lại với một ngọn đèn lồng đã được thắp lên từ chỗ nhà thờ.
Một vòng ánh sáng khoanh tròn lên mặt nó.
“Thế cái món quà mà cậu khoe với tớ đâu rồi? Tốt hơn thì nó không nên là một trong số những con ma-nơ-canh kỳ quặc này.”
“Hãy mang cái đèn lại đây.”
Khi thằng bé đến được chỗ góc xa bên trái của cửa hàng, Liesel lấy cái lồng đèn bằng một tay còn tay kia thì lướt dọc qua những bộ quần áo đang treo trên sào. Con bé rút một bộ ra nhưng rồi lại nhanh chóng thay thế bằng một bộ khác. “Không, vẫn còn to quá.” Sau hai lần thử nữa, con bé giơ một bộ đồ màu xanh hải quân ra trước mặt Rudy Steiner. “Trông bộ này có vừa với cậu không?”
Khi Liesel ngồi trong bóng tối, thì Rudy mặc thử bộ đồ ở đằng sau một trong những tấm rèm. Chỉ có một vòng tròn nhỏ của ánh sáng và cái bóng đang thay đồ.
Khi quay lại, thằng nhóc chìa cái lồng đèn ra để Liesel thấy. Được giải thoát khỏi tấm rèm, luồng ánh sáng trông như một cái cột, chiếu vào bộ quần áo được cắt may tinh tế. Nó cũng chiếu ánh sáng lên cái áo bẩn thỉu bên dưới, và đôi giày đã mòn vẹt của Rudy.
“Giờ thì sao nào?” nó hỏi.
Liesel tiếp tục xem xét bạn mình. Con bé di chuyển vòng quanh thằng bé và nhún vai. “Không tệ lắm.”
“Không tệ lắm à! Trông tớ phải khá khẩm hơn mức không tệ lắm chứ.”
“Đôi giày đã khiến cậu trông xấu xí hẳn di. Và cả cái mặt của cậu nữa.”
Rudy đặt cái lồng đèn lên quầy và bước về phía con bé, vờ tỏ ra giận dữ, và Liesel phải thừa nhận rằng một sự hồi hộp đã bắt đầu níu chặt lấy nó. Con bé vừa cảm thấy nhẹ nhõm đồng thời cũng khá thất vọng khi nhìn thằng bạn vấp ngã vào cái con ma-nơ-canh tội nghiệp nọ.
Ở trên sàn nhà, Rudy phá lên cười.
Sau đó nó nhắm mắt lại, rồi dụi chúng thật mạnh. Liesel lao tới trước.
Liesel lao tới trước.
Con bé quỳ xuống bên cạnh thằng nhóc.
Hãy hôn cậu ấy đi, Liesel, hãy hôn cậu ấy đi.
“Cậu vẫn, ổn chứ, Rudy? Rudy?”
“Tớ nhớ Bố”, thằng nhóc nói, hướng về phía bên kia phòng, ngang qua sàn nhà.
“Frohe Weihnachten”, Liesel đáp. Nó giúp bạn mình đứng dậy, vuốt lại cho thẳng thớm bộ quần áo. “Chúc Giáng sinh vui vẻ.”