Bao gồm:
rượu champagne và những cây đàn xếp – bộ ba –
vài hồi còi báo động – người đánh cắp bầu trời – một lời đề nghị –
chuyến đi bộ dài đến dachau – sự yên bình – một gã ngốc –
và vài người đàn ông mặc áo khoác.
RƯỢU CHAMPAGNE VÀ NHỮNG CY ĐÀN XẾP
Vào mùa hè năm 1942, thị trấn Molching đã được chuẩn bị cho điều không thể tránh khỏi, vẫn có những người không chịu tin rằng cái thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô Munich này có thể là một mục tiêu tấn công của quân địch, nhưng đa số dân cư ở đây đã nhận thức được rất rõ rằng vấn đề không phải là chuyện đó có xảy ra hay không, mà là khi nào thì nó xảy ra. Những căn hầm trú ẩn đã được đánh dấu rất rõ ràng, những ô cửa sổ đang được sơn đen lại trong đêm tối, và mọi người đều biết tầng hầm hay hầm chứa gần chỗ mình nhất ở đâu.
Với Hans Hubermann, sự phát triển không lấy gì làm dễ chịu này thực ra lại là thứ giúp ông tránh được nguy hiểm tạm thời. Trong một quãng thời gian không may, thì sự may mắn đã làm thế nào đó mà tìm được đường vào công việc sơn phết của ông. Những nhà có mành che đã tuyệt vọng đến mức phải dặn ông trước để ông sơn cho họ. Vấn đề của ông là màu sơn đen thường dược dùng làm màu pha, để làm sẫm những màu khác, và nó nhanh chóng cạn kiệt cũng như rất khó tìm. Cái ông có là sự khéo tay của một người làm ăn giỏi, và một người làm ăn giỏi có rất nhiều mánh khóe. Ông đem muội than khuấy lên thật đều để chế sơn đen, và lấy tiền công rất rẻ. Ông đã che ánh đèn cửa sổ của rất nhiều nhà thuộc khu vực của Molching khỏi cặp mắt của kẻ thù.
Thỉnh thoảng Liesel đi cùng ông đến chỗ làm việc.
Hai bố con đẩy chiếc xe đựng sơn đi khắp thị trấn, hít ngửi mùi cái đói trên vài con phố, và lắc đầu ngán ngẩm trước sự giàu có của những người khác. Rất nhiều lần, trên đường về nhà, có những người đàn bà chẳng có gì khác ngoài những đứa con và sự nghèo khổ, đã chạy ùa ra và nài nỉ ông sơn mành che cho họ.
“Bà Hallah, tôi xin lỗi. Tôi không còn sơn đen nữa rồi,” ông hay nói như vậy, nhưng khi đã đi được một đoạn nữa, ông luôn xiêu lòng. Lúc ấy có một người đàn ông cao lớn trên một con đường dài. “Ngày mai nhé,” ông hứa, “đó là điều đầu tiên tôi sẽ làm ngày mai,” và khi bình minh của ngày hôm sau ló dạng, ông đã ở đó, sơn những tấm mành che ấy mà chẳng được gì cả, hay chỉ để được trả công bằng một cái bánh quy hoặc một tách trà ấm. Chiều hôm trước, ông đã tìm ra được thêm một cách nữa để biến màu lam, màu lục hay màu be thành màu đen. Ông không bao giờ bảo họ hãy che cửa sổ của mình lại bằng những tấm chăn thừa cả, vì ông biết rằng họ sẽ cần đến chúng khi mùa đông đến. Người ta còn biết rằng ông thậm chí đã sơn mành che cho người ta chỉ để đổi lấy nửa điếu thuốc. Ông ngồi trên bậc cấp trước một ngôi nhà, chia sẻ một điếu thuốc với chủ ngôi nhà đó. Những tiếng cười và khói thuốc bay lên từ cuộc trò chuyện, trước khi họ tiếp tục công việc kế đến của mình.
Khi đã đến lúc để viết, tôi nhớ rõ những gì Liesel Meminger nói về mùa hè năm ấy. Rất nhiều từ ngữ đã phai mờ sau nhiều thập kỷ. Những trang giấy đã phải chịu đựng lực ma sát của chuyển động trong túi của tôi, nhưng dù vậy, rất nhiều câu chữ của con bé vẫn khiến tôi không thể quên được.
MỘT VÍ DỤ NHỎ CỦA VÀI TỪ NGỮ
ĐƯỢC MỘT ĐỨA BÉ GÁI VIẾT
Mùa hè năm ấy là một khởi đầu mới, một kết thúc mới.
Khi nhìn lại, tôi vẫn nhớ đôi tay trơn tuột đầy sơn của mình và tiếng chân của Bố bước đi trên phố Munich, và tôi biết rằng một khoảng khắc nhỏ của mùa hè năm 1942 chỉ thuộc về một người mà thôi. Liệu còn có ai trên đời này có thể sơn cho người ta cái gì đó với giá nửa điếu thuốc lá cơ chứ? Người đó là Bố, đấy là một việc rất thường thấy, và tôi yêu quý ông biết bao.
Khi họ làm việc cùng nhau mỗi ngày, ông thường kể cho Liesel nghe những câu chuyện của mình. Có câu chuyện về cuộc Đại Chiến, câu chuyện về những nét chữ viết tay nguệch ngoạc của ông đã cứu sống ông như thế nào, và câu chuyện về ngày mà ông gặp Mẹ. Ông nói rằng bà đã từng rất đẹp, và nói năng rất nhu mì. “Khó tin lắm phải không, bố biết, nhưng đúng thế đấy.” Mỗi ngày là một câu chuyện, và Liesel có thể tha thứ cho Bố nếu có khi nào ông kể lại một câu chuyện hơn một lần.
Vào những lúc khác, khi con bé mơ màng giữa ban ngày, Bố hay dùng cọ sơn vỗ nhẹ lên người nó, vào ngay vị trí giữa hai con mắt của con bé. Nếu ông tính toán nhầm và có quá nhiều sơn vẫn còn đọng trên cọ, thì một con đường nhỏ bằng sơn sẽ chảy nhỏ giọt xuống mũi con bé. Con bé sẽ bật cười và cố gắng đáp trả, nhưng Hans Hubermann là một con người rất khó bắt kịp khi làm việc. Đó là lúc mà ông ấy hoạt bát nhất.
Bất cứ khi nào họ nghỉ tay để ăn hay uống, Bố sẽ chơi đàn xếp, và đây là điều mà Liesel nhớ rõ nhất. Mỗi buổi sáng, khi Bố đẩy hay kéo cái xe đựng sơn ra khỏi nhà, Liesel đều mang theo cây đàn. “Chúng ta thà để lại những thùng sơn,” Hans bảo với nó, “còn hơn là để quên âm nhạc ở nhà.” Khi họ ngừng tay để ăn, ông sẽ cắt ổ bánh mì của mình ra và chia cho Liesel, phết lên đó chút mứt còn lại trong phiếu lĩnh khẩu phần ăn cuối cùng. Hay ông sẽ đặt một lát thịt mỏng lên trên miếng bánh. Hai bố con sẽ cùng nhau ăn, ngồi trên những thùng sơn của họ, và khi miệng vẫn còn nhồm nhoàm nhai miếng thức ăn cuối cùng, Bố sẽ chùi sạch những ngón tay của mình rồi mở khóa cái hộp đựng đàn xếp.
Những mẩu vụn bánh mì dính khắp người ông. Hai bàn tay lấm lem sơn của ông di chuyển trên những cái nút và lướt trên những phím đàn, hay bấm giữ một nốt nhạc nào đó một lúc. Tay ông kéo ra đẩy vào cái ống bễ, mang lại cho cây đàn lượng không khí mà nó cần để hít thở.
Liesel thường ngồi đó, tay kẹp vào giữa hai đầu gối, trong suốt cả một ngày dài. Con bé không muốn một ngày nào trong số những ngày như thế chấm dứt cả, và nó luôn rất thất vọng khi quan sát bóng tối dần bao trùm lên vạn vật.
***
Đến chừng mực mà bản thân công việc sơn phết được quan tâm đến, có thể khía cạnh thú vị nhất đối với Liesel là phần trộn sơn. Giống như hầu hết những người khác, con bé cho rằng bố nó chỉ phải đẩy cái xe đẩy của mình đến cửa hàng sơn hay cửa hàng bán dụng cụ và hỏi mua màu sơn thích hợp, rồi ra về. Nó không nhận thấy rằng hầu hết những màu sơn đều được vón thành từng tảng, theo hình dạng một viên gạch. Sau đó, chúng được nghiền ra bằng một chai rượu champagne rỗng. (Những chai rượu champagne, Hans giải thích, là lý tưởng nhất cho việc này, vì lớp thủy tinh của chúng hơi dày hơn những chai rượu thông thường khác). Khi quá trình này đã được hoàn thành, người ta sẽ bỏ thêm nước, vôi bột trắng và hồ keo vào, ấy là chưa nói đến sự phức tạp của việc pha ra đúng màu mà bạn mong muốn.
Kỹ năng nghề nghiệp của Bố đã nâng ông lên một mức độ được tôn trọng cao hơn. Thật tốt đẹp và tử tế biết bao khi bạn được chia sẻ bánh mì và âm nhạc, nhưng Liesel thấy thích thú hơn khi nó biết rằng ông có nhiều khả năng hơn là chỉ giới hạn trong nghề nghiệp của mình. Đối với nó, những khả năng ấy của Bố thật hấp dẫn.
Một buổi chiều nọ, vài ngày sau khi Bố giảng giải cho con bé nghe về quá trình trộn sơn, thì hai bố con đang làm việc ở một trong những gia đình khấm khá ở phía đông phố Munich. Bố gọi Liesel vào bên trong nhà lúc đầu giờ chiều. Hai bố con đang chuẩn bị chuyển sang làm một công việc khác thì con bé nghe thấy âm lượng bất thường trong giọng nói của bố mình.
Khi đã vào trong nhà, con bé được đưa vào nhà bếp, nơi hai người đàn bà luống tuổi và một người đàn ông đang ngồi trên những chiếc ghế thanh nhã, trông rất văn minh lịch sự. Hai người đàn bà ăn mặc rất đẹp. Người đàn ông thì có mái tóc bạc phơ và tóc mai của ông ta dài như bờ giậu. Mấy cái ly cao đứng chễm chệ trên mặt bàn. Chúng được đổ đầy một thứ chất lỏng phát ra âm thanh lụp bụp.
“Chà,” người đàn ông nói, “chúng ta bắt đầu đi thôi.”
Ông ta cầm ly của mình lên và giục những người khác cũng làm giống như thế.
Buổi chiều ngày hôm ấy rất ấm áp. Liesel khựng lại một chút vì luồng hơi mát lạnh tỏa ra từ ly rượu của mình. Nó nhìn Bố để được ông cho phép. Ông cười và nói, “Prost, Madel – cạn ly nào, cô bé.” Ly của họ chạm vào nhau, và ngay khoảnh khắc Liesel đưa ly của nó lên miệng, thì con bé như bị cắn bởi vị ga ngọt đến bệnh hoạn của rượu champagne. Phản xạ đã buộc nó nhổ thẳng ngụm rượu trong miệng vào người bố nó, rồi nhìn ngụm rượu sủi bọt và chảy nhỏ thành giọt. Tiếp theo là một tràng cười vang lên, từ tất cả bọn họ, và Hans khuyến khích nó thử một ngụm khác. Lần này, con bé đã có thể nuốt được ngụm rượu, và thưởng thức hương vị của một quy tắc đầy vinh quang đã bị phá vỡ. Nó đem lại cảm giác thật tuyệt. Đám bọt bong bóng như ăn mất lưỡi của con bé. Chúng đâm kim lên dạ dày của con bé khiến nó đau nhói. Thậm chí, khi họ đã đến ngôi nhà cần sơn tiếp theo, con bé vẫn có thể cảm thấy hơi ấm của những cái đinh ghim và kim khâu bên trong nó.
Vừa kéo lê cái xe đẩy, Bố vừa kể cho nó nghe rằng những người ban nãy nói là họ không có tiền.
“Thế là bố hỏi xem họ có rượu champagne không à?”
“Tại sao không?” Ông nhìn sang, và cặp mắt ông chưa bao giờ có màu bạc tinh khiết đến vậy. “Bố không muốn con nghĩ rằng những chai rượu champagne chỉ được dùng để nghiền sơn không thôi.” Ông cảnh cáo nó. “Nhưng mà đừng có nói với mẹ về việc này đấy. Đồng ý không?”
“Con có thể kể cho Max nghe không?”
“Chắc rồi, con có thể kể với Max.”
Trong tầng hầm, khi viết về cuộc đời mình, Liesel thề sẽ không bao giờ uống rượu champagne nữa, vì nó sẽ không bao giờ có hương vị tuyệt vời như vào buổi chiều ấm áp tháng Bảy ấy.
Điều tương tự cũng xảy ra với những cây đàn xếp.
Đã rất nhiều lần, con bé muốn hỏi bố xem liệu ông có thể dạy nó chơi đàn được không, nhưng luôn có một điều gì đó ngăn nó lại. Có thể một trực giác vô thức nào đó bảo với con bé rằng nó sẽ chẳng bao giờ có thể chơi đàn được như Hans Hubermann. Hẳn là thế rồi, thậm chí người chơi đàn xếp giỏi nhất trên đời này cũng chẳng thể sánh được với ông. Họ không bao giờ có thể có được sự tập trung vô thức trên gương mặt Bố. Hay sẽ chẳng có một điếu thuốc lá đổi được nhờ công việc sơn phết được ngậm hờ hững trên môi của người chơi đàn. Và họ sẽ chẳng bao giờ mắc được một lỗi nhỏ với một tiếng cười gồm ba âm tiết muộn như ông vẫn hay cười. Không phải theo cách của ông.
Có những lúc, trong tầng hầm, con bé tỉnh dậy và nếm được âm thanh của cây đàn xếp trong tai mình. Nó có thể cảm thấy vị cháy bỏng ngọt ngào của rượu champagne trên đầu lưỡi mình.
Đôi khi, nó ngồi dựa lưng vào tường, mong chờ ngón tay ấm áp của sơn đi lang thang, dù chỉ thêm một lần nữa thôi, xuống sống mũi nó, hay nhìn thấy những bề mặt như giấy nhám trên đôi bàn tay bố nó.
Giá mà tâm trí con bé có thể lãng đãng đến như thế một lần nữa, để cảm thấy một tình yêu lớn lao đến vậy mà không hề hay biết, để nhầm lẫn tình yêu ấy với tiếng cười và mấy mẩu bánh mì với chỉ một ít hương mứt được trát đều lên mặt bánh.
Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời nó.
Nhưng đợt ném bom rải thảm oan nghiệt ấy.
Đã không mắc phải sai lầm nào.
Một cách rõ nét và sáng sủa, một bộ ba niềm hạnh phúc sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa hè và sang đến tận mùa thu. Sau đó, nó sẽ bị chấm dứt một cách đột ngột, vì sự sáng sủa này sẽ báo hiệu một con đường u ám phía trước.
Những quãng thời gian khó khăn đang tới.
Như một cuộc diễu hành.
ĐỊNH NGHĨA THỨ 1 TRONG
TỪ ĐIỂN TIẾNG ĐỨC DUDEN[1]
[1] Đây là một từ điển tiếng Đức, được xuất bản lần đầu tiên bởi Konrad Duden vào năm 1880. Từ điển Duden đã ra được 24 bản và được xuất bản thành 12 bộ, mỗi bộ nói về những khía cạnh khác nhau như từ mượn, từ nguyên, phiên âm, từ đồng nghĩa v.v… Bộ đầu tiên trong số này, cuốn Die desutchser echtshreibung (Phát âm tiếng Đức chính xác), đã từ lâu trở thành nguồn tham khảo mang tính quy tắc về cách phát âm tiếng Đức.
Zufriedenheit – niềm hạnh phúc:
Bắt nguồn từ chữ hạnh phúc –
tận hưởng sự dễ chịu và hài lòng.
Những từ liên quan: niềm vui, sự hài lòng, có phúc, phồn thịnh.
BỘ BA
Khi Liesel làm việc, thì Rudy chạy.
Nó chạy nhiều vòng quanh sân Hubert Oval, chạy quanh khu phố, và nó chạy đua với gần như tất cả mọi người từ cuối phố Thiên Đàng cho đến chỗ cửa hàng của mụ Diller, hết chạy xuôi rồi lại chạy ngược.
Có vài lần, khi Liesel đang giúp Mẹ làm việc trong nhà bếp, Rosa nhìn ra ngoài cửa sổ và nói, “Lần này thì cái thằng con lợn ranh ấy lại muốn làm gì nữa đây? Sao nó cứ chạy như rồ lên ngoài kia thế nhỉ?”
Liesel đến chỗ cửa sổ. “Ít nhất thì nó không tự sơn màu đen lên người mình nữa.”
“Thế là đỡ lắm rồi, có phải không?”
NHỮNG LÝ DO CỦA RUDY
Vào giữa tháng Tám, một ngày hội của trung tâm Thiếu niên Hitler sẽ được tổ chức, và Rudy muốn giành chiến thắng trong bốn sự kiện: chạy đua cự li 1.500 mét, 400 mét, 200 mét, và dĩ nhiên, cự li 100 mét. Thằng bé thích những thủ lĩnh Thiếu niên Hitler mới của mình, Và muốn làm họ hài lòng, đồng thời nó cũng muốn cho người bạn cũ của nó, Franz Deutscher, thấy vài điều.
“Bốn huy chương vàng,” một buổi chiều nọ, thằng nhóc nói với Liesel như thế, khi con bé đang chạy với nó vài vòng quanh sân Hubert Oval. “Giống như Jesse Owens hồi năm băm sáu.”
“Không phải cậu vẫn bị anh ta ám ảnh đấy chứ hả?”
Chân của Rudy như hòa nhịp với nhịp đập của trái tim nó. “Không hẳn, nhưng mà điều đó sẽ hay lắm, có phải không? Nó sẽ cho tất cả những kẻ khốn kiếp nói là tớ điên. Bọn chúng sẽ thấy rằng xét cho cùng thì tớ cũng không đến nỗi ngu ngốc như chúng tưởng.”
“Nhưng liệu cậu có thể giành chiến thắng ở cả bốn nội dung thi này không?”
Hai đứa chạy chậm lại ở cuối một vòng chạy, và Rudy chống tay lên hông. “Tớ buộc phải thế.”
Thằng nhóc luyện tập trong suốt sáu tuần lễ, và khi ngày đại hội đến vào giữa tháng Tám, thì bầu trời là một vầng dương nóng bỏng và không hề gợn chút mây. Thảm cỏ bị chà đạp lên đến nát nhừ bởi cả trung tâm Thiếu niên Hitler, những bậc phụ huynh, và một đống những thủ lĩnh vận đồ màu nâu. Rudy Steiner đang có phong độ tốt nhất.
“Nhìn kìa,” nó chỉ tay. “Thằng Deustcher kìa.”
Qua đám đông dày đặc, hình ảnh thu nhỏ với mái tóc vàng của những tiêu chuẩn trung tâm Thiếu niên Hitler đang hướng dẫn cho hai thành viên trong đội của hắn. Hai đứa này đang gục gặc đầu và thỉnh thoảng lại làm động tác co duỗi cơ bắp. Một đứa trong số chúng lấy tay che mắt khỏi ánh nắng chói chang của mặt trời như một động tác chào mừng vậy.
“Cậu có muốn ghé qua chào hỏi không?”, Liesel hỏi.
“Không, cảm ơn. Tớ sẽ làm điều đó sau.”
Khi tớ đã thắng.
Những chữ sau cùng không được nói ra, nhưng rõ ràng là chúng đã có ở đâu đó giữa cặp mắt xanh biếc của Rudy và những cánh tay đang chỉ trỏ khuyên bảo của Deutscher.
Sẽ có một cuộc diễu hành bắt buộc xung quanh sân thi đấu.
Quốc thiều được cử lên.
Heil Hitler.
Chỉ khi đó thì bọn họ mới bắt đầu được.
Khi nhóm tuổi của Rudy được gọi tên để tham gia phần thi chạy cự li 1.500 mét, Liesel chúc nó may mắn theo cách điển hình của người Đức.
“Hals und Beinbruch, Saukerl.”
Con bé bảo nó hãy làm gãy chân và gãy cổ mình đi.
Mấy thằng nhóc bắt đầu tập trung vào góc xa của sân vận động hình tròn. Có đứa vươn vai, có đứa thì ra vẻ tập trung, và số còn lại có mặt ở đó vì chúng buộc phải làm như thế.
Bên cạnh Liesel, mẹ của Rudy, bà Barbra, đang ngồi cùng những đứa con nhỏ nhất của bà. Một tấm mền mỏng đầy ắp những đứa trẻ con và cỏ xốp. “Các con có nhìn thấy anh Rudy không?”, bà hỏi chúng. “Anh là người đứng ở góc xa bên trái ấy.” Barbra Steiner là một người đàn bà rất tử tế với mái tóc luôn trông có vẻ như vừa được chải xong vậy.
“Ở đâu kia ạ?”, một đứa bé gái nói. Chắc hẳn đó là Bettina, đứa nhỏ nhất. “Con chẳng thấy anh ấy đâu cả.”
“Người đứng ngoài cùng ấy. Không, không phải ở đấy. Ở đằng kia kìa.”
Lúc bọn nhóc vẫn còn đang xác định xem đâu là anh mình thì tiếng súng báo hiệu lệnh xuất phát đã khạc ra làn khói và tiếng nổ của nó. Những đứa nhỏ nhà Steiner chạy đến chỗ hàng rào.
Vòng đầu tiên, một nhóm gồm bảy thằng nhóc dẫn đầu suốt sân chạy. Đến vòng thứ hai thì chỉ còn có năm đứa, và ở vòng tiếp theo là bốn đứa. Rudy là đứa chạy thứ tư ở mỗi vòng chạy, cho đến vòng cuối cùng. Một người đàn ông ở bên phải nói là thằng nhóc đang chạy ở vị trí thứ hai trông khá nhất. Nó là đứa cao nhất. “Bà cứ chờ mà xem,” ông ta nói với bà vợ đang bối rối của mình như thế. “Khi chỉ còn hai trăm mét nữa, thì nó sẽ bứt lên cho mà xem.” Người đàn ông ấy đã nhầm.
Một vị quan chức khổng lồ, vận đồ màu nâu, báo cho cả nhóm biết rằng chúng chỉ còn cách đích đến có một vòng chạy nữa. Chắc chắn là lão ta không phải chịu đựng sự khắc nghiệt của hệ thông phân chia khẩu phần. Lão hô to lên khi toán dẫn đầu chạy qua vạch mức, và không phải là thằng nhóc thứ hai tăng tốc, mà là thằng nhóc đang chạy ở vị trí thứ tư. Và nó đã tăng tốc sớm hai trăm mét.
Rudy chạy.
Không lúc nào nó ngoái nhìn lại.
Như một sợi dây thừng, nó kéo dài khoảng cách của mình với toán sau, cho đến khi bất cứ suy nghĩ nào về việc sẽ có một người khác giành chiến thắng bị sụp đổ hết thảy. Nó chạy xung quanh đường chạy khi ba đứa chạy sau nó giành giật ganh đua với nhau từng chút một để được tí thành tích đầu thừa đuôi thẹo, ở chặng cuối cùng của cuộc đua, chẳng có gì khác ngoài mái tóc vàng và khoảng cách, và khi nó vượt qua vạch đích thì thằng bé vẫn không chịu dừng lại. Nó không giơ tay lên ăn mừng chiến thắng. Thậm chí cũng không có một cú người gập xuống để thư giãn. Nó chỉ đi bộ thêm hai mươi mét nữa, và sau cùng nó liếc qua vai để thấy những đứa khác đang vượt qua vạch đích.
Trên đường quay về chỗ gia đình nó, người nó chạm trán đầu tiên là những thủ lĩnh của nó, sau đó là Franz Deutscher. Cả hai đều gật đầu.
“Steiner.”
“Deutscher.”
“Có vẻ như tất cả những vòng chạy mà tao bắt mày phải thực hiện cuối cùng cũng cho thấy kết quả rồi đấy hả?”
“Có vẻ như thế đấy.”
Nó sẽ không cười cho đến khi nó đã thắng cả bốn nội dung thi.