Huyết Thiếp Vong Hồn Ký

Chương 65: Tụ khôi các cam đường ra oai



Cam Đường run lên. Chàng ấp úng hỏi:

– Di mẫu! Tiểu điệt nói gì với biểu đệ, di mẫu đã nghe hết rồi hay sao?

– Hừ! Hài tử! Y đã vì ngươi nên nỗi thân tàn ma dại thế này. Ngươi còn nhẫn tâm ruồng bỏ y hay sao?

– Không phải là… tiểu điệt ruồng bỏ nàng.

– Vậy thì vì lẽ gì?

– Tiểu điệt có chỗ khổ tâm khôn tả…

– Phải chăng ngươi đã yêu một đứa con gái khác xinh đẹp hơn Lâm Vân?

– Không phải thế! Tiểu điệt xin phát thệ là tấm lòng thương yêu đối với biểu thư dù chết cũng không biến đổi.

– Ngươi có nỗi khổ tâm gì thử nói cho ta nghe.

Cam Đường trong lòng khích động vô cùng, nhưng không bề mở miệng. Chẳng lẽ chàng lại đem việc mẫu thân thất tiết và mình không phải họ Cam ra nói với di mẫu?

Có khi di mẫu chàng cũng biết rồi, dù bà chưa biết thì rồi cũng có người nói đến tai.

Cam Đường nhìn Kỳ Môn lệnh chúa bằng con mắt đau khổ, chàng đáp:

– Di mẫu! Rồi di mẫu sẽ biết chuyện này.

Kỳ Môn lệnh chúa hậm hực hỏi:

– Hài tử! Thái độ của ngươi đối với bậc trưởng bối như vậy là không được. Giờ ta hãy hỏi ngươi, Vân nhi tỉnh lại rồi, y biết rõ sự tình, chứng bịnh lại tái phát hoặc y sẽ liều mình thì sao?

Cam Đường buồn rầu đáp:

– Chắc nàng sẽ lượng thứ cho tiểu điệt.

– Hừ! Lượng thứ? Tình trạng này còn chưa cho ngươi thấy rõ hậu quả hay sao?

Ngươi nói là hành động một việc lớn cho phái Thiên Tuyệt chẳng rõ cát hung. Ta chưa bàn tới chuyện đó là chân hay giả, nhưng trong mình ngươi còn mối huyết cừu, còn mẹ già tựa cửa mong chờ, mà ngươi vẫn liều mạng mạo hiểm được ư?

– Huyết cừu nào? Ha ha!…

Cam Đường buông tiếng cười khô khan. Chàng ngửa mặt lên trời muốn khóc mà không có nước mắt.

Thái độ khác thường của chàng khiến cho Kỳ Môn lệnh chúa không nhẫn nại được nữa. Bà có cảm giác là Cam Đường đã gặp một buộc biến thiên rất lớn, nhưng sự biến đổi tính tình này từ đâu mà có thì bà không thể nghĩ ra được.

Bà hỏi:

– Hài tử! Dường như ngươi có tâm sự khó nói lắm phải không?

Cam Đường miễn cưỡng gật đầu đáp:

– Chính thế! Chẳng những khó nói mà lại không nỡ nói ra.

– Hài tử! Ngươi không tiện nói với ta nhưng chắc có thể trình bày với mẫu thân.

Cam Đường thở dài ngập ngừng:

– Mẫu… thân…?

– Ngươi làm sao vậy?

Cam Đường ruột đau như cắt, chính ra chàng phải hỏi mẫu thân xem người đã tư thông với bà là ai? Chàng đúng họ gì? Tại sao bà có hành động vô sỉ?

Nhưng chàng biết rõ để mà làm gì?

Kỳ Môn lệnh chúa lại gạn hỏi:

– Hài tử! Ngươi có chuyện chi mà khổ tâm vậy?

Cam Đường nghiến răng, run lên đáp:

– Xin di mẫu về hỏi gia mẫu, chính người phải biết rõ. Điệt nhi… hận người lắm!

Chàng nói tới hai chữ sau cùng thì sa nước mắt. Đột nhiên chàng băng mình chạy ra phía cửa khe núi.

– Cam Đường! Quay lại đã!

Kỳ Môn lệnh chúa gọi giật giọng, nhưng Cam Đường lờ đi như không nghe thấy.

Chàng tăng gia cước lực chạy thật nhanh, chớp mắt đã mất hút.

Lâm Bằng kinh hãi hỏi:

– Mẫu thân! Biểu ca có chuyện gì vậy?

Kỳ Môn lệnh chúa bâng khuâng lắc đầu đáp:

– Ta cũng không biết. Dường như y có một nỗi khổ tâm ghê gớm nên mới thốt ra lời căm hận mẫu thân. Ta không thể nào hiểu được là chuyện gì. Có khi di mẫu ngươi biết đó, để về hỏi lại y coi.

– Nghe giọng nói của biểu ca thì dường như y có ý đoạn tuyệt thân tình trong nhà.

– Tại sao vậy? Hay là giữa mẹ con y có xảy chuyện phi thường? Chuyện hiểu lầm ngày trước cũng đã sắp gây nên tấm bi kịch tiêu diệt luân thường. Hỡi ôi!…

– Lúc đề cập đến mối huyết cừu, biểu ca dường như đau khổ vô cùng.

– Ngươi phải mau về thông báo cho di mẫu. Ngươi đi trước rồi ta sẽ theo sau.

Nhắc lại Cam Đường đi luôn một mạch ra khỏi khu rừng. Chàng hấp tấp theo đường hướng bắc mà đi. Trái tim chàng tan nát, cơ hồ không còn đủ dũng khí để làm việc báo ơn nghĩa mẫu nữa.

Cam Đường vừa đi vừa hối hận là đã thổ lộ với di mẫu tấm lòng oán hận mẫu thân. Thực ra trong đầu óc chàng chồng chất rất nhiều mối hận.

Chàng sợ đi đường có người nhận ra mình, liều mua một bộ quần áo mộc mạc giả làm một gã thiếu niên ở nông thôn mặc vào mình. Chàng không dám nghĩ tới sau khi Lâm Vân tỉnh lại sẽ có phản ứng gì.

Một hôm chàng đi tới đất Dĩ Thủy, chỉ còn qua sông Hoàng Hà là gần đến nơi.

Chàng ăn uống xong định ra bờ sông thì thấy một gã hán tử mặt vàng như nghệ, quần áo lam lũ, chạy đến bên mình. Gã ngó chàng một lúc dường như có điều muốn nói mà không dám mở miệng.

Cam Đường bất giác dừng bước lại chăm chú nhìn gã.

Gã mặt vàng lặng lẽ đi ngay.

Cam Đường cất bước đi nhanh về phía trước. Không ngờ gã mặt vàng bây giờ lại lùi về phía sau. Cam Đường đi tới chỗ đông người liền quanh theo đường cánh cung để chạy tới sau lưng hán tử.

Hán tử mặt vàng không hay biết. Gã thấy mất bóng chàng vội đuổi theo thật lẹ, nhìn ngang nhìn ngửa chăm chú ngó vào những người qua đường. Vẻ mặt gã ra chiều chán nản.

Cam Đường khẽ vỗ vai hán tử gọi:

– Này ông bạn! Phải chăng ông bạn muốn kiếm tại hạ?

Hán tử mặt vàng tựa hồ bị rắn cắn giật nảy mình. Gã quay đầu nhìn lại thấy Cam Đường thì lộ vẻ vui mừng, nhưng vẫn chưa hết ngờ vực. Gã nói:

– Các hạ có ống tiêu bằng trúc cho tại hạ mượn xem một chút được không?

Cây Long Phụng Trúc Tiêu nguyên là tín vật của Ngọc Nhãn Khất Lương Thượng Thông, thủ tòa trưởng lão Cái Bang tặng chàng vì ơn đức giải tai nạn cho Cái Bang. Đệ tử Cái Bang nhìn thấy trúc tiêu là lập tức chàng sai bảo điều gì cũng được.

Hán tử mặt vàng yêu cầu việc này là phạm vào một điều tối kỵ trong võ lâm.

Cam Đường lạnh lùng hỏi lại:

– Ông bạn là cao nhân phương nào?

Gã mặt vàng ấp úng:

– Tại hạ… là Ngô Tôn Đức.

– Ông bạn hỏi đến trúc tiêu của tại hạ làm chi?

– Vì tại hạ rất quen thuộc ống tiêu đó. Xin các hạ lấy ra cho tại hạ coi một chút.

Cam Đường cầm trúc tiêu giơ lên nói:

– Ông bạn coi đi!

Hán tử mặt vàng khẽ la lên:

– Long Phụng Trúc Tiêu! Phải chăng… các hạ là Thi thiếu chủ?

– Sao ông bạn biết?

– Xin các hạ theo tiểu nhân!

– Ông bạn hãy nói rõ thân thế mình trước đã.

Hán tử mặt vàng đưa mắt nhìn quanh không thấy ai liền nói rất khẽ:

– Tiểu nhân là Ngô Tôn Đức, đệ tử dưới trướng phân đà Nam Chi sông Hoàng Hà.

Cam Đường sửng sốt hỏi:

– Ông bạn là đệ tử Cái Bang ư?

– Chính phải!

– Không đúng rồi.

– Xin thiếu chủ dừng bước lại nói chuyện.

– Cách ăn mặc của ông bạn…

– Vì muốn che tai mắt người ngoài, bất đắc dĩ tiểu nhân phải thay đổi trang phục.

– Vậy ông bạn dẫn đường cho ta.

Hai người một trước một sau đi vào một nơi vắng vẻ. Ngô Tôn Đức quỳ xuống nói:

– Đệ tử xin tham kiếm trưởng lão.

Cam Đường biết đây là lề luật Cái Bang, đệ tử thấy tín vật cũng như thấy người.

Chàng cầm ống tiêu trong tay nhận lễ của đối phương rồi hỏi:

– Có việc gì vậy?

Ngô Tôn Đức đứng dậy, vẻ mặt bi phẫn đáp:

– Hai phân chi Nam Bắc sông Hoàng Hà vừa bị khuynh đảo. Bọn đệ tử mười phần có đến chín bị tử nạn. Còn một ít phải ly tán bốn phương, không ai dám xuất hiện bằng trang phục chân chính. Đêm qua phân đà đã bị phá tan.

– Ai đã gây ra vụ này?

– Tử Vong sứ giả.

– Sao? Tử Vong sứ giả ư?

– Chính phải!

– Tổng đà có phản ứng gì không?

– Sau khi xảy biến cố, ban vụ tổng đà hầu như đình đốn. Các phân đà đều tự lo cho mình. Thiệt là một hiện tượng vô cùng bi thảm, trước nay chưa từng có trong bản bang.

– Ông bạn có kế hoạch gì không?

– Không có! Tiểu nhân thấy thiếu chủ mang ống trúc tiêu và có được nghe người ta mô tả tướng mạo thiếu chủ, nên mạo muội tỏ bày thân phận. Bọn đệ tử còn sống sót cũng được vài chục. Thiếu chủ có sai khiến điều gì không?

Cam Đường trong lòng vô cùng cảm động. Đối phương vừa gặp đại nạn mà vẫn tuân theo mệnh lệnh của tổng đà. Chàng nghĩ tới thế lực Cái Bang ở khắp thiên hạ mà nay bị một phen xiểng liểng. Chàng không nỡ bỏ qua liền hỏi:

– Tại hạ không có việc gì phải nhọc lòng ông bạn. Phải chăng Ngô bằng hữu hiện giờ là người phụ trách ở khu này?

– Đúng thế! Tổng đà có mật lệnh cho tiểu nhân tạm thời phụ trách.

– Ngô bằng hữu có biết gì về Tử Vong sứ giả không?

– Tiểu nhân không biết.

– Liệu hắn còn ở gần đây không?

– Tiểu nhân hoài nghi người chủ trương võ trường trong thành Dĩ Thủy cùng một phe với Tử Vong sứ giả.

– Sao ông bạn biết?

– Đệ tử bản môn phát hiện quái nhân áo trắng vẫn ra vào võ trường, mà võ trường không xảy chuyện gì.

– Võ trường đó có tánh cách gì đặc biệt không?

– Võ trường này thành lập chưa đầy hai năm mà các thị trấn lớn hai mặt Nam Bắc thành Khai Phong đều có mở võ trường.

Cam Đường nghĩ thầm:

– Có lẽ võ trường này là do Bạch Bào quái nhân phái người sáng lập ra để huấn luyện nhân tài phục vụ cho hắn. Hành vi của Bạch Bào quái nhân tựa hồ muốn làm vua thiên hạ. Hắn thu nạp rất nhiều đệ tử, khuếch trương thế lực. Đồng thời phá tan các môn phái lớn để toan bề nhất thống võ lâm. Đó là một việc rất rõ rệt. Tuy mình không muốn can dự vào chuyện thị phi, nhưng đã cầm cây trúc tiêu này thì cũng nên hết sức một phen. Và đây cũng là một cơ hội để trả tín vật về cho Cái Bang.

Nghĩ vậy chàng liền hỏi:

– Chi đà của ông bạn hiện lập ở đâu?

Ngô Tôn Đức trỏ tay về phía đông đáp:

– Hiện ở Tụ Khôi Các ngoài cửa đông thành Dĩ Thủy.

– Được rồi. Bây giờ ông bạn lập tức truyền lệnh cho các đệ tử quay về và cho đồn đại tin tức đêm nay sẽ khôi phục phân đà ra ngoài.

– Cái đó…

– Ông bạn cứ theo lời tại hạ là được.

Ngô Tôn Đức vâng lời tuy lòng vẫn còn lo sợ. Vì Cam Đường cầm trúc tiêu trong tay thì lời chàng nói ra là mệnh lệnh. Y không dám nói gì nữa, thi lễ cáo từ đi ngay.

Thế là Cam Đường vì việc này mà đình lại không qua sông nữa. Chàng quay về quanh quẩn mấy vùng phụ cận rồi vào tửu quán uống rượu để giết thì giờ.

Đến lúc huỳnh hôn, Cam Đường mới đi về phía Tụ Khôi Các ngoài cửa đông thành Dĩ Thủy.

Cách kiến trúc tòa nhà này rất là cổ lỗ. Nơi đây hoang lương tịch mịch, bình thường ít có vết chân người, nên những kẻ hành khất mượn làm nơi ở đậu.

Vào khoảng canh hai, trong Tụ Khôi Các củi cháy bừng bừng. Mấy chục khất cái ngồi rải rác quanh đống lửa. Người nào cũng vẻ mặt hoảng hốt chờ đợi xem vận mạng sẽ ra sao.

Ngô Tôn Đức tạm giữ chức đà chúa ngồi một mình trước hương án.

Trống điểm canh ba. Mười mấy bóng người vọt về phía Tụ Khôi Các rồi ngấm ngầm vây bọc chung quanh. Một bóng người áo trắng nhảy xổ vào trong sân. Mấy chục đệ tử Cái Bang hoảng hốt đến cực điểm, mắt ngó ra ngoài thì chỉ thấy một màu tối đen như mực. Trong lòng đã hồi hộp bây giờ càng khủng khiếp hơn. Kiếp dư sinh của họ làm mồi nhử Tử Vong sứ giả chưa hiểu hung cát ra sao.

Cam Đường vẫn chưa xuất hiện khiến bọn họ càng thêm lo lắng.

Ngô Tôn Đức quay vào hương án thắp đèn nến lên. Trống ngực đánh thình thình.

Y nghĩ rằng nếu Tử Vong sứ giả xuất hiện đột ngột mà Thi thiếu chủ, người mang tín vật của trưởng lão, lại không đến thì hậu quả dĩ nhiên bi thảm vô cùng. Muốn giải quyết bọn họ, Tử Vong sứ giả chỉ cất tay một cái là xong.

Một bầu không khí im lìm nặng trịch phủ Tụ Khôi Các.

– Úi chao!

Một tiếng la hoảng khiến cho mấy chục đệ tử Cái Bang lại kinh hồn táng đởm.

Dưới ánh hỏa quang chập chờn, bóng người áo trắng che mặt lập lờ xuất hiện ngay trước cửa các. Huyết dịch trong người những đệ tử Cái Bang như ngừng cả lại.

Làn kiếm quang trong tay Tử Vong sứ giả đã bức bách mọi người phải ngừng thở.

Mấy chục đệ tử Cái Bang chẳng ai bảo ai đều đứng cả dậy thành hàng chữ nhất.

Mặt người nào cũng xám như tro tàn.

Ngô Tôn Đức hiện giờ là thủ lãnh bọn này, tuy gã mặt mũi thất sắc, nhưng vẫn không hổ là hán tử Cái Bang. Gã thẳng thắn tiến ra mấy bước đứng đối diện với Tử Vong sứ giả, đánh bạo cất tiếng hỏi:

– Các hạ giá lâm có điều chi chỉ giáo?

Tử Vong sứ giả đảo cặp mắt lạnh lẽo sắc như dao nhìn mọi người rồi cất giọng the thé hỏi:

– Các vị mà không sợ chết chắc là đã kiếm được tay viện trợ?

Ngô Tôn Đức mạnh dạn hỏi lại:

– Các hạ muốn gì đây?

Tử Vong sứ giả đáp bằng một giọng lạnh như băng:

– Bản sứ giả đếm từ một đến năm để các vị đủ thì giờ mà tự quyết cho khỏi nỗi đầu một nơi thân một nẻo.

Bang chúng bi thương phẫn uất muốn chết ngay vì họ hiểu rằng không thể nào phản kháng được.

– Một… hai… ba…

Mỗi tiếng ở miệng Tử Vong sứ giả phát ra khác nào thanh âm mở cửa địa ngục.

– Bốn!

Ngô Tôn Đức la lên một tiếng cầm ngang cây đả cẩu bổng nhảy xổ lại.

Đột nhiên, một luồng ám kình nặng như trái núi không biết từ đâu xô đến đẩy gã về chỗ cũ. Đồng thời một thanh âm lạnh như băng cất lên ở phía sau Tử Vong sứ giả:

– Mời ông bạn vào trong các ngồi chơi.

Tử Vong sứ giả băng người nhảy vào trong rồi quay mình lại thì trên thềm cửa chỗ hắn đứng lúc trước có một chàng thiếu niên xinh đẹp ăn mặc ra kiểu nông thôn, tay cầm cây trúc tiêu giơ cao lên.

Chàng chính là Cam Đường.

Mấy chục tên đệ tử Cái Bang quỳ cả xuống đồng thanh hô:

– Tham kiến trưởng lão!

Cam Đường giơ tay lên nói:

– Các vị miễn lễ!

Quần cái đứng lên vẻ mặt đổi thành khích động vui mừng.

Tử Vong sứ giả run lên hỏi:

– Tiểu tử! Ngươi làm trưởng lão Cái Bang ư?

Cam Đường lạnh lùng nói:

– Hiện tại đúng như vậy!

– Trong Cái Bang tựa hồ không có nhân vật nào như ngươi.

– Cái đó ông bạn bất tất phải bận tâm. Bây giờ ông bạn hãy mở tấm khăn che mặt ra đã.

– Ha ha! Ngươi bản lãnh gì mà cũng…

– Bản nhân đếm từ một đến ba để ông bạn tự động lộ chân tướng.

– Một… hai…

Tử Vong sứ giả lạnh lùng quát lên:

– Ta phát lạc ngươi trước.

Kiếm quang lấp loáng vọt ra…

Hự! Ánh kiếm vụt tắt, Tử Vong sứ giả lùi lại nguyên vị. Thanh trường kiếm đã sang tay Cam Đường. Cam Đường cầm lấy chuôi kiếm run tay một cái. Cây kiếm gãy làm mấy đoạn rớt xuống đất.

Một cử động này đủ làm cho bang chúng trợn mắt há miệng.

Tử Vong sứ giả cũng hồn vía lên mây. Không khi nào hắn ngờ Cái Bang lại có nhân vật như thế.

– Pho!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.