Trong bóng mát hàng cây rậm của buổi trưa nhẹ nắng, nơi hậu viên tòa trang viện, một cụ già râu tóc ngả màu tro, nhàn nhã chắp tay sau lưng, đứng xem một thiếu niên đang ngồi xếp bằng tròn trên chiếc kỷ thư sinh, một tay tì lên trang giấy, tay nọ cầm bút viết chữ.
Viết chữ đâu phải là một động tác lạ lùng, thế tại sao cụ già lại chăm chú nhìn, nhìn từ cái ngoặc tay, từ cái dao động của cán bút, từ nét chữ to, ốm, đậm, nhạt.
Đáng nhìn chăng là cây bút kỳ quặc trên tay của thiếu niên, vì nó to bằng một cườm trán đứa trẻ, dài khoảng hai trượng, hình như được chế luyện bằng một kim khí trông khá nặng nề.
Mỗi cái ngoặc tay của thiếu niên, đầu trên cán bút lại quậy vào những cành cây thấp, khua lá động lào xào.
Trên cán bút có khắc ba chữ “Thiên Quân Bút”.
Cán bút đã to, tất nhiên túm lông ngòi bút phải to, nhưng đầu ngòi được vót nhỏ, nhỏ như đầu bút thường, do đấy nét chữ viết ra vẫn nhỏ, vẫn đều. Nếu người cầm bút luyện khí đến được trầm tĩnh đến mức độ cao, thì nét bút càng đều, đều nét và đều màu, không to không ốm sai chỗ, không đậm không nhạt bất thường.
Hay nhất là những nét bút do thiếu niên viết ra, không nguệch ngoạc không run rẩy, dù cán bút quá nặng quá dài.
Có lẽ chàng làm công việc đó từ lâu rồi, bên cạnh chiếc kỷ thư sinh, có một chồng giấy chi chít những chữ, mà quyển kinh ngoài bìa có cái tên “Nam Hoa” mạ vàng, còn một trang cuối cùng.
Thiếu niên chợt hạ bút xuống, thở phào một hơi, ngẩng đầu nhìn cụ già, điểm một nụ cười, giọng nói vừa thân mật lại vừa lễ độ :
– Về cái hội “Huỳnh Trì” sắp đến, chắc hào kiệt anh hùng trong thiên hạ không một ai bỏ qua! Phụ thân có định đi không?
Lão già áo xanh cười nhẹ :
– Con chớ vội hỏi câu đó. Khi nào viết xong toàn bộ Nam Hoa chân kinh, đến lúc đó, con hãy đề cập đến những đại hội quần hùng trên giang hồ. Cha nhận ra phép dưỡng khí của con đã có phần tinh tiến quan trọng nhưng chưa đạt đến mức hữu vi. Con nên hiểu muốn được gọi là hào kiệt anh hùng, ngoài cái đức, cái nhân, còn một yếu tố tối trọng là công lực tu dưỡng.
Thiếu niên cúi đầu nhẹ giọng :
– Con xin tạc ghi lời của phụ thân dạy!
Đột nhiên ngay khi ấy, một bóng người từ một tàng cây rậm lao bắn xuống nhẹ nhàng như chiếc én.
Bóng ấy vận y phục tuyền đen, thân vóc thấp nhỏ, thần thái hết sức khẩn trương, tỏ lộ một cảnh giác được đề cao đến tột độ.
Lão nhân cũng như thiếu niên, trước sự xuất hiện đột ngột của kẻ lạ, vẫn bình thường. Cả hai cha con lặng lẽ nhìn đối phương, không hề thốt lên một tiếng.
Người áo đen vụt cười ha hả :
– Quả nhiên lời đồn không sai! Dù cho trời long đất lở trước mắt, “Lạc Sơn Lão Nhân” Du Phóng Hạc vẫn giữ được sự bình tĩnh như thường. Cha đã vậy, con cũng chẳng kém nào. Công tử mới ngần ấy tuổi, dưỡng khí trầm tĩnh được như thế. Hắc Cáp Tử tôi không thể không kính phục được.
Và đến lúc đó, hắn mới chịu vòng tay, trong ánh mắt ngời lên niềm thán phục vô biên.
Lão Nhân Lạc Sơn Du Phóng Hạc nhẹ điểm nụ cười :
– À! Thế ra các hạ đây là Hắc đại hiệp, một nhân vật trong Khinh Công thất kiệt!
Hắc Cáp Tử gật đầu :
– Chắc tiền bối thừa hiểu, trong Võ lâm Thất cầm, chỉ có Hắc Cáp Tử này là kẻ tồi tệ nhất! Không thể làm một tên cường đạo, cũng không thể đảm nhận một trách vụ trong bất cứ tiêu cục nào, chỉ cậy vào đôi chân khá khỏe làm phương tiện thông tin cho người đời, đổi lấy miếng ăn cái mặc qua ngày…
Du Phóng Hạc cười tươi :
– Bình sanh, Hắc huynh không hề tiếp nhận một món lợi nào không do công sức của mình, cái đức tính liêm khiết đó đáng được người đời noi theo, lão phu ngưỡng mộ từ lâu, không ngờ hôm nay được hân hạnh hội diện. Chẳng hay vị cố nhân nào nhờ Hắc đại hiệp mang thơ đến đây cho lão phu?
Hắc Cáp Tử cũng đáp lại bằng một nụ cười :
– Người gửi tin không muốn tiết lộ thân thế mình, thì tại hạ phải giữ sự bí mật tuyệt đối cho người ta, đó là lương tâm chức nghiệp của kẻ mang tin, mà đó cũng là một đức tin không thể xem thường! Chắc tiền bối không nỡ cưỡng ép tại hạ làm một viện không thể làm? Chẳng qua tại hạ có thể tỏ lộ cho tiền bối biết là: phong thư tại hạ sắp trao cho tiền bối đây, chưa đựng một điều bí mật liên quan hệ trọng đến tiền bối. Chính vì chỗ đó mà người gửi tin bắt buộc tại hạ phải trao tận tay tiền bối!
Dứt lời, Hắc Cáp Tử trịnh trọng lấy phong thư, hai tay trao cho Du Phóng Hạc.
Đón lấy phong thư, trầm ngâm một lúc, Du Phóng Hạc trao trả phong thư lại đối phương, chậm rãi thốt :
– Nếu vậy, nhờ các hạ mở phong thư ra, đọc hộ cho lão phu nghe!
Hắc Cáp Tử kinh ngạc :
– Nhưng… nhưng… phong thư đề cập đến một việc bí mật của tiền bối…
Du Phóng Hạc ngắt lời :
– Chính vì phong thư chứa đựng một sự bí mật mà lão phu phải nhờ các hạ đọc hộ. Lão phu bình sanh chẳng có điều gì bí mật cả, hành vi của lão phu, bất cứ trong trường hợp nào, trong thời gian nào, cũng có thể phô bày trước mắt mọi người, nói lên cho mọi người nghe, không hề giấu diếm một điều nhỏ nhặt…
Hắc Cáp Tử thoáng giật mình, giật mình vì chạm mặt với một con người có đức sáng như gương, thẳng thắn nở nụ cười trọn vẹn với niềm kính phục :
– Trong thiên hạ ngày nay, thắp đuốc mà tìm giữa ban ngày, vị tất có người như tiền bối.
Y tiếp lấy phong thư, bóc ra.
Thư dày ba trang giấy, chữ chi chít, Hắc Cáp Tử đưa ngón tay thấm nước bọt, đoạn rút mấy trang giấy ra khỏi phong bì, trải những phần gấp lại cho thẳng thớm và cao giọng đọc :
– Phóng Hạc nhân…
Chưa kịp buông tiếng huynh tiếp theo, Hắc Cáp Tử đã buông xụi phong thư, rồi buông xụi cả thân hình ngã nhào xuống đất.
Du Phóng Hạc biến sắc, vội bước tới, chụp lấy cổ tay y nghe thử mạch.
Mạch vẫn còn nhảy nhưng đã quá yếu, có thể trong giây lát, nạn nhân sẽ tắt thở.
Du Phóng Hạc hấp tấp hỏi :
– Ai đã trao phong thơ này cho các hạ? Ai?
Hắc Cáp Tử há hốc mồm nhưng không thốt được tiếng nào. Gương mặt y từ xanh biến sang trắng, từ trắng biến sang hồng, rồi từ hồng biến sang tím, cuối cùng biến thành màu xám xịt như màu xác chết.
Thiếu niên tay và trán đều rịn mồ hôi, kêu lên thất thanh :
– Độc thật! Độc thật! Lợi hại quá chừng!
Du Phóng Hạc buông tay Hắc Cáp Tử từ từ đứng lên, thở dài luôn mấy tiếng :
– Kẻ gửi thư này, bổn ý mưu hại cha, không ngờ kẻ bất hạnh lại là Hắc Cáp Tử, y đã hứng cái họa cho cha! Tuy cha không hạ thủ giết y, nhưng y đã vì cha mà chết…
Da thịt của Hắc Cáp Tử từ từ co rúm lại, thân hình của y thun nhỏ, nhỏ dần.
Thân hình càng thun nhỏ, thì những gì bao bọc quanh mình như lỏng khuông nới rộng ra. Và những vật mà y cột dính trên mình cũng tuột mối mà vuột ra ngoài.
Chiếc bao đựng tiền do dây lỏng mối rơi xuống đất. Từ nơi miệng bao nghiêng trút, có mấy đĩnh vàng lọt ra ngoài.
Mấy đĩnh vàng đó là cái giá thù lao công tác của y, cái giá của sinh mạng y!
Mạng con người rẻ rúng quá, dù con người đó là một nhân vật võ lâm, một trong số Khinh Công thất kiệt, mà giới giang hồ gọi là Võ lâm Thất cầm.
Không rõ nghĩ sao, Du Phóng Hạc nhìn thi hài Hắc Cáp Tử một lúc lâu, đột nhiên lão cúi xuống nhặt phong bì lên.
Thiếu niên kinh hoảng, hét to :
– Cha, cha định làm gì thế?
Du Phóng Hạc đã lấy lại bình tĩnh, từ từ thốt :
– Hắc Cáp Tử vì cha mà chết, cha lẽ nào không làm một cái gì báo đáp lại sự hy sinh của y? Huống hồ kẻ muốn hại cha lại có thủ đoạn tàn độc như thế. Đương nhiên hắn nhất định tiêu diệt cha, mưu thứ nhất không thành, hắn sẽ dùng mưu thứ hai, và còn dự trù mưu thứ ba, thứ tư, muôn ngàn mưu khác, cho đến khi nào bại được cha mới thôi. Cứ mỗi lần dụng mưu là hắn sát hại một vài người, hoặc nhiều hơn. Cha mà còn sống đây thì sẽ còn có nhiều người vô tội chết để lót đường cho mưu hắn đến thành tựu. Trách nhiệm tinh thần dù muốn dù không, cũng về phần cha gánh chịu…
Thiếu niên rung rung giọng :
– Cha! Ít ra cha cũng cần biết kẻ nào đã gây nên cái chết cho Hắc Cáp Tử chớ?
Bình sinh cha có gây sự với ai bao giờ? Tại sao lại có người muốn…
Bỗng mấy tiếng pháo bốp, bốp vang lên, như tiếng pháo do kẻ tinh nghịch nào đó đốt lên rồi ném vào chỗ hai cha con đang đứng.
Nhưng thực ra không phải là tiếng pháo, mà chính là mấy đĩnh vàng của Hắc Cáp Tử nổ tung.
Thì ra trong mấy đĩnh vàng đó có đặt chất nổ chậm, kẻ nào đó đã tính đúng giờ đúng khắc, nó sẽ nổ lên tạo cuộc sát hại theo dự định của hắn. Chiếc kỷ thư sinh, cán bút, nghiên mực và giấy bị mấy miểng vụn của đĩnh vàng bắn rơi tung tóe.
Nhìn lại, Du Phóng Hạc vẫn bất động tại chỗ, không việc gì. May mắn cho thiếu nên, không bị mảnh vàng nào chạm phải.
Thực sự, Du Phóng Hạc đã đoán được sự tình như thế nào, nên đúng lúc chất nổ bật ngòi bên trong đĩnh vàng, thì lão nhanh như cắt nhảy lùi về phía hậu hơn ba trượng, và khi tiếng nổ vừa dứt, lão bắn mình trở về vị trí cũ rồi!
Thân pháp của lão quá nhanh, thiếu niên vì không để ý nên không nhận kịp động tác đó, tưởng đâu phụ thân mình chỉ đứng nguyên một chỗ.
Lần này, Lạc Sơn Lão Nhân không còn trầm tĩnh được nữa. Mặt bừng sắc giận, lão cung chặt đôi tay, gằn từng tiếng :
– Con người tàn độc đến thế là cùng! Đã tặng vàng thù lao công tác truyền tin cho người ta, lại không để cho người ta thọ dụng! Đặt chất nổ bên trong, đợi cho người ta làm xong sứ mạng thì sát hại luôn mà diệt khẩu! Chẳng những hắn định giết cha mà hắn còn muốn giết luôn cả Hắc Cáp Tử.
Thiếu niên biến sắc, bằng một giọng căm hờn rít lên :
– Hắn là ai? Vừa độc lại vừa gian ngoan! Con người đó nếu không sớm trừ diệt thì…
Du Phóng Hạc thở dài, chua chát nhếch môi cười chận lời con :
– Ta cũng không nên trách hắn! Hắn đã nuôi dưỡng một mối thù độc như vậy đối với cha, tất nhiên trong dĩ vãng cha đã có làm một chuyện gì khiến cho hắn bất mãn, nên oán hận cha…
Thiếu niên lệ rớm ướt tròng, rung rung giọng :
– Con không tin là ngày trước cha có làm gì, điều gì bất nghĩa đến đỗi có kẻ nuôi hận đến ngày nay! Thậy vậy, cha ạ! Cha đối xử với đời như bao lâu nay, lòng không bao giờ dời đổi, thì còn ai có thể oán trách được cha chứ? Nếu có kẻ hồ đồ, âm mưu hãm hại cha, thì công đạo trên giang hồ gần như hủy diệt rồi!
Du Phóng Hạc khoát tay :
– Con đừng nói thế không nên! Một con người dù sao cũng là người, nào phải thánh đâu mà dám tự hào suốt đời mình không làm điều gì sai quấy! Bất quá… bất quá, thời gian trôi qua, qua lâu lắm rồi, mình không còn nhớ nổi nữa thôi!
Một tiếng quát to đột nhiên vang lên từ xa, tận ngoài cổng viện :
– Du Phóng Hạc ở đâu? Du Phóng Hạc! Ngươi ở đâu?
Tiếng quát thoạt đầu rất xa, nhưng thoáng chốc đã đến gần, kế đến có tiếng hét trả, tiếng quát mắng, tiếng rú thất thanh, lại có tiếng võ khí chạm nhau chan chát. Lại có tiếng ầm ầm, chừng như có kẻ nào phá cửa toan xông vào viện.
Sự kiện đó, chứng tỏ có người đến đây hành hung xô xát với bọn gia nhân, và người trong trang viện.
Thiếu niên biến sắc nhìn cha hỏi gấp :
– Cha! Kẻ nào đến thế? Họ đến đây để làm gì?
Du Phóng Hạc nhẹ giọng :
– Bội Ngọc, con không hiểu à? Người ta đến đây hỏi thăm cha, chúng chẳng cho người ta vào, nên mới có xô xát như thế đó. Hiện tại thì khách đã vào viện rồi, con ra đấy làm chi nữa? Khách sắp đến nơi con ạ…
Đột nhiên lão quay đầu lại cười mấy tiếng :
– Xin các vị lại đây! Lão phu đang chờ các vị!
Vừa lúc đó, năm bóng người vút qua vọng cửa vòng nguyệt bắn thẳng vào hậu viện.
Cả năm người vận y phục bằng gấm, mặt bừng sát khí, tên nào cũng có vẻ cực kỳ hung ác.
Nhưng khi nhìn thấy cha con họ Du vẫn an nhiên trầm tĩnh như không có việc gì xảy ra, cả bọn không dằn được niềm ngạc nhiên ánh ra khóe mắt.
Người đi đầu là một đại hán có bộ râu rồng, tay cầm một thanh Kim Bối Cửu Hoàn đao, sau khi trấn định tinh thần, gã buông tiếng cười điên dại :
– Du Phóng Hạc! Trước sau gì chúng ta cũng tìm được ngươi!
Lồng trong chuỗi cười đượm mùi tử khí, gã vung thanh Kim Bối Bửu Hoàn đao từ từ bên trên chém xả xuống đầu Du Phóng Hạc…
Đường đao được dốc theo với tất cả công sinh lực, quét gió ù ù, một khoảng cành lá gần đấy đều bị tốc độ của kình phong khua rung xào xạc.
Nhưng lạ làm sao, trước thế công như vũ bão của đối phương, Du Phóng Hạc vẫn bất động, không biểu lộ một phản ứng nào, tựa một người chán đời chờ chết, sẵn sàng chết mặc dù có cơ hội để thoát chết.
Nhưng người con trai của lão có khi nào chịu để cho cha chết một cách vô lý như thế?
Du Bội Ngọc dù muốn phản ứng, vẫn giữ bên ngoài thần thái bình thản như thường. Chàng không hề ngẩng đầu lên, mắt vẫn đăm đăm nhìn cha, bàn tay nhẹ nhàng đưa ra búng khẽ vào không gian.
Soạt…
Tiếng vang thật là khẽ, nếu không lưu ý tất không thể nghe lọt. Đấy là tiếng réo của chỉ phong từ ngón tay chàng cuốn đi và vút tới phía địch…
Keng…
Đạo chỉ phong chạm vào Bửu Hoàn đao, đúng lúc lưỡi đao còn cách đầu Du Phóng Hạc dộ ba tấc.
Một thanh đao nặng giáng xuống, lại giáng xuống bằng tất cả công lực của một đại hán từng tập luyện võ công, khí thế ắt phải nhanh vô tưởng, thì với ba tấc khoảng cách kia không có nghĩa lý gì. Nếu Du Bội Ngọc chậm tay một chút, chiếc đầu lâu của cha chàng sẽ bị chẻ làm đôi và chớn đao thẳng đà đi xuống cả thân hình Du lão rồi!
Chẳng qua, những người đã tu luyện võ thuật đến mức độ cao siêu, liệu đoán thời gian rất chính xác, chỉ xuất thủ đúng lúc cần, không sớm quá mà không thể chậm.
Nhờ cách liệu việc rất đúng đó mà ung dung bình thản, hóa giải dễ dàng những tử chiêu, trong khi kẻ khác lo sợ cuống cuồng.
Tiếng keng vừa vang lên, thanh Bửu Hoàn đao bị bật dội lên không, sức dội quá mạnh, đẩy thanh đao lộn vòng luôn bên trên đầu và dội ra phía sau đại hán.
Cổ tay hắn do đấy bị ngoặt theo, thành nghịch thế cầm khiến hắn phải buông luôn, thanh đao rơi xuống đất lại vang thành tiếng keng thứ hai.
Đại hán nghe nửa thân hình tê dại, lùng bùng cả lỗ tai, biến sắc, nhìn trừng trừng lấy thiếu niên.
Lão không dám tiến tới mà chẳng dám thụt lùi.
Quả là một cái khổ cho gã, vì nếu Du Bội Ngọc thừa thế thắng tiếp tục truy công, gã làm sao chống trả với hai tay không tấc sắt?
Đúng như gã đang lo sợ, Du Bội Ngọc khi ấy bỗng ngẩng phắt đầu lên nhìn thẳng và đối phương từ từ nhích tới…
Nhưng Du Phóng Hạc trầm giọng gọi :
– Bội Ngọc con! Không nên vọng động!
Thiếu niên đành dừng chân lại.
Đại hán râu rồng vụt cười lên ha hả, cất cao giọng :
– Khá lắm! Du Phóng Hạc xưa nay tự cho mình có lòng nhân, xử sự đúng với cố nhân, không hề xuất thủ làm tổn thương đến ai cả, ta khen đó! Song! Ngươi nhân với ta, ta lại không nhân với ngươi. Ngươi không làm tổn thương ngươi, ta vẫn hạ sát ngươi như thường. Ha ha! Nếu ngươi động đến chân lông ta thì cái đại danh đại nhân đại đức bại hoại mất còn gì?
Lời của gã râu rồng quả là kẻ vô lý nhất trên đời, được người tha chết đã không ơn lại còn dựa vào lòng nhân của người để khích bác, mỉa mai để rào đón hành động chống trả của người nếu có.
Gã gần như gián tiếp bảo Du Phóng Hạc ngửa cổ cho gã tự do quét qua một đường đao thật ngọt, nếu muốn bảo toàn cái thanh danh thơm nhân đức tù xưa nay.
Du Phóng Hạc thản nhiên điểm một nụ cười :
– Nếu vậy, vô luận thế nào, các vị phải giết lão phu cho bằng được?
Đại hán râu rồng gật đầu :
– Đúng như vậy!
Liền theo câu đáp, gã nhả bộ xoay người về phía hậu nhặt nhanh thanh đao lên, đoạn hướng sang đồng bọn quát to ra lệnh :
– Động thủ!
Và thanh Bửu Hoàn đao trên tay gã chớp lên trước nhất…
Tiếp theo đó, Tang Môn kiếm, Hổ Đầu câu, Phán Quan bút, Luyện Tử thương vùn vụt bủa theo…
Năm món vũ khí chớp ngời như lưới bạc, cùng chiếu thẳng vào người Du Phóng Hạc.
Giả như Du Phóng Hạc chấp thuận thì con lão, Du Bội Ngọc, đã xuất thủ rồi. Và khi chàng xuất thủ, vị tất năm tên hung đồ kia là một trở ngại đối với chàng.
Song lẽ, Hạc Sơn lão nhân chẳng những không phản ứng mà còn ngăn luôn sự phản ứng của con.
Chính vì thế mà hiện tinh của lão cầm như thập tử vô sanh… trừ phi lão mình đồng da sắt.
Tại sao lão không phản ứng? Lão vui lòng nhận cái chết vô lý như thế à? Hay lão có một sở cậy nào, chờ đến phút giây cần thiết lão mới thi thố?
Nhưng phút giây đó hình như không còn nữa. Vì năm món vũ khí đã nhanh như ánh chớp của làn điện, vi vút bọc sát mình lão, làm sao lão thi thố cái sở cậy kịp thời?
Lão vẫn một mực bất động kia mà?
Cùng trong lúc đó, một tràng cười ngạo nghễ vang lên :
– Ha ha! Lũ chuột nhắt! Đừng tưởng vậy mà hạ nổi Du lão tiền bối! Khoan đắc chí vội!
Từ tàng cây xa xa, một bóng người nương theo chuỗi cười bắn bổng tới cục trường, nhanh hơn cả làn điện chớp.
Và chẳng biết bóng đó xuất thủ bằng cách nào, trận trường đột nhiên vang lên những tiếng sắt thép chạm va đinh tai nhức óc.
Keng…
Xoảng…
Bốp bốp…
Lập tức, thanh Kim Bửu Hoàn đao bắn ngược lại sau, rơi xa mấy trượng. Đại hán râu rồng cũng lộn nhào về phía hậu nằm bất động.
Rồi thì thanh kiếm Tang môn cũng gẫy làm hai đoạn, mỗi đoạn bắn đi một phía.
Kế tiếp, đôi phán quan bút văng tút lên không, Hổ Đầu câu bị tạt ngang, móc tét bụng tên cầm Tang Môn kiếm, ngọn Luyện Tử thương lại đâm thẳng vào nách tên sử dụng Hổ Đầu câu!
Năm tên đại hán chỉ còn là năm cái xác chết nhuộm màu hồng.
Cha con Du Phóng Hạc hết sức kinh ngạc trước sự xuất hiện của bóng lạ, và kinh ngạc nhất là thủ pháp và thân pháp hết sức linh diệu của hắn.
Là một cao thủ từng trải trong giang hồ, Du Phóng Hạc cũng phải thầm công nhận bóng nọ là một tay phi phàm trong võ lâm, ít ai sánh kịp.
Sau phút giây trầm định tinh thần, Du Phóng Hạc hất mặt nhìn sang vị ân nhân vừa xuất hiện.
Chàng là một thiếu niên vóc dáng cao ráo, khuôn mặt thanh tú cân xứng với thân hình, vận chiếc áo mỏng màu tím sậm.
Đặc biệt nhất là đôi mắt chàng sáng lạ lùng, chỉ từ nơi đó cũng tỏa ra một uy vũ kinh người rồi.
Rất tiếc là da mặt chàng hơi xanh, một màu xanh lạnh lùng và nghiệt ngã, không thể tìm được một biểu lộ trên khuôn mặt lạnh như đá ấy.
Chàng đường hoàng bước đến trước mặt Du Phóng Hạc, quỳ xuống, lạy hai lạy, giọng nói cũng là cung kính :
– Dọc đường, tiểu sanh tình cờ nghe ngóng, được biết bọn chúng âm mưu kéo đến đây định hạ sát lão tiền bối. Tiểu sanh mới âm thầm theo dõi hành động của bọn chúng xem chúng hành động đến thế nào. May mà tiểu sanh đến kịp, ra sức dọn trừ bọn bạo tàn. Tuy nhiên, tiểu sanh đã gây ra máu đổ tại trang viện này, làm thương tổn đến cái đức hiếu sanh của lão tiền bối. Dám mong lão tiền bối thứ cho!
Đã xuất thủ giải nạn cho người, không kể công lại còn nhận tội, trên đời này, thử hỏi còn mấy ai khiêm nhường như chàng nữa?
Du Phóng Hạc thở dài :
– Lão đệ hành động như vậy, là vì lão phu, chứ có lợi lộc gì cho mình, mà lão phu bắt tội? Hai tiếng thứ cho xin đừng dùng đến.
Chỉ tay về phía năm chiếc xác, lão tiếp bằng một giọng bùi ngùi :
– Năm vị đó! Lão phu nghĩ mãi, không biết mình đã đắc tội với họ từ lúc nào, đã làm gì khiến họ tìm đến trả hận? Hận chưa trả được, họ đã mang mối hận xuống tuyền đài! Lão phu làm sao giải thích cho linh hồn họ vơi oán đây?
Lâu lắm, lão mới chợt nhớ đến thiếu niên còn quỳ dưới đất, lão vội bước tới một bước, đưa tay nâng thiếu niên đứng lên, điểm một nụ cười :
– Lão đệ niên thiếu, anh tuấn, lại tài cao. Nếu đúng là giọt máu của cố nhân, thì hân hạnh cho lão phu biết mấy? Cha truyền con nối, đức nghiệp còn lưu mãi trên đời, nhân loại còn hưởng thụ được sự nghiệp của hạng chân thiện, sự nghiệp cộng đồng, không mảy may vì tư lợi.
Thiếu niên không chịu đứng lên :
– Tiền bối không nhận ra tiểu sinh, nhưng tiểu sinh vẫn nhận ra tiền bối. Cái ơn cứu tử năm xưa, không phút giây nào tiểu sinh quên được.
Du Phóng Hạc nắm tay thiếu niên cười lớn :
– Và đứa bé năm nào đã được lão phu cứu nạn, hiện tại đã trở thành một thiếu hiệp đem tài cao cứu thế độ nhân. Lão phu cứu lão đệ trong trường hợp nào, lão đệ có thể nhắc rõ cho lão phu nghe chăng?
Đột nhiên, lão biến hẳn sắc mặt, buông hẳn tay chàng thiếu niên ra và sụt lùi luôn ba bước, rung rung giọng :
– Ngươi… ngươi… thật sự ngươi là ai?
Thiếu niên đang quỳ dưới đất bất thần lộn ngược người về phía sau, đảo một vòng trên hư không, đáp xuống bật cười ha hả :
– Lão Du! Lòng bàn tay ngươi đã bị Lập Địa Đoạt Hồn Vô Tĩnh trâm của ta cắm sâu vào đấy rồi, cho dù bậc thần tiên giáng phàm, cũng không cứu sống ngươi được! Ngươi muốn biết lai lịch ta? Ha… ha…! Chờ xuống Diêm đình mà biết!
Du Bội Ngọc đến bên cha, cầm bàn tay người lên xem.
Chỉ thoáng trong mắt, hai bàn tay Du Phóng Hạc sưng vù, to lên gấp đôi, đen hoắc như quét sơn, hừng hực tựa lửa nóng.
Chàng nhìn lên khuôn mặt, thấy da mặt cha đã trở lên màu xám xịt, đôi mắt đờ đờ mất thần, thân hình lẩy bẩy rung, đôi chân dường như quá yếu, không còn gượng giữ nổi chiếc xác. Môi ông mấp máy nhưng không thốt được thành tiếng.
Du Bội Ngọc quá đau đớn hét lên :
– Trời! Cha con tôi đã làm gì phi nhân bội đức, tại sao các người nuôi cừu dưỡng hận hạ độc thủ như thế này?
Thiếu niên áo lụa cười sang sảng :
– Ta không cừu hận lão họ Du! Song đó không phải là cái lý do bắt buộc ta để yên cho lão, vì ta thích giết, có thế thôi!
Du Bội Ngọc nhìn năm chiếc xác phơi trên đất nghiến răng :
– Chính ngươi dàn cảnh để lừa cha ta!
Thiếu niên áo lụa rùn vai :
– Ngươi đoán đúng! Muốn lấy tính mạng cha con ngươi không phải ta chỉ phí bao nhiêu xác chết đó mà thôi! Còn nhiều nữa kia…
Và hắn ngẩng đầu lên trời, hú vọng tiếng dài.
Từ nơi bốn đầu tường trang viện, hơn hai mươi đại hán vận y phục đen vọt bắn lên không như những chiếc pháo thăng thiên.
Chúng chỉ sà ngang đà vọt một chút, đã cùng liệng đến cục trường, đáp xuống, tạo ngay vòng vây quanh Du Bội Ngọc thật cẩn mật bằng một đợt trong và một đợt ngoài.
Chân vừa chấm đất, đợt phía trong chợt hét lên một tiếng to và hơn mười loại vũ khí cùng chớp lên, tất cả đều giáng xuống đỉnh đầu Du Bội Ngọc.
Thân pháp và thủ pháp của chúng chứng tỏ toàn là những tay hữu hạng trên giang hồ, có lẽ chúng toàn là những tay quen mặt nên đều dùng lụa bao kín mặt đầu.
Giữa lúc chúng xuất phát thế công, thiếu niên nọ bật cười rộn rã :
– Tiểu tử họ Du! Ngươi và cha ngươi nên chịu trói cho rồi! Ta đến đây chỉ sợ có một điều là môn Kim Ty cầm chưởng của Du lão nhị, một môn công vô địch trong thiên hạ. Hiện tại hai bàn tay của Du lão nhị đã trở thành vô dụng, thì ngươi còn mong gì tạo sự mầu nhiệm thay đổi tình hình?
Du Bội Ngọc đảo mắt nhìn quanh một vòng.
Lòng chàng quặn đau bao nhiêu, niềm phẫn nộ cao bấy nhiêu. Nhưng chàng cũng kinh hãi không ít. Liệu chàng có thể thắng trước số địch thủ quá đông như thế này chăng? Mà chúng lại gồm toàn những tay lợi hại!
Tuy nhiên, tập luyện cầm chiếc cám bút khổng lồ từ mấy năm qua là cốt để dưỡng khí tinh thần. Chàng đã đạt đến mức hữu vi rồi, thì trước tình cảnh này, càng không mất bình tĩnh.
Thực ra, chàng không bình tĩnh cũng thế thôi bởi nhất định chỉ có võ công mới giải quyết được trường hợp, đã nhất định rồi thì bất cứ ai cũng không hoang mang lo ngại nữa.
Chàng nắm hai vạt áo dài của Du Phóng Hạc quấn quanh người chàng, cột đứng bên mình, đoạn nhặt chiếc cán bút dưới đất, vận công tụ khí vòng quanh một vòng.
Lúc đó, bọn đại hán áo den đã đến quá gần. Thấy Du Bội Ngọc trầm tĩnh vô cùng, chúng không khỏi giật mình, hơi chột dạ. Nhưng đường dây cung đã kéo thẳng, chúng phải buông tên, không vì một phút giây sững sờ mà bỏ quên mất đấu chí.
Chúng cùng hét kên một tiếng, tăng gia nội lực, điếu động vũ khí ào ào.
Ánh thép chớp ngời, dù đang giữa ngày mà khí lạnh bốc lên rờn rợn.
Nếu nhìn kỹ, chúng vũ lộng binh khí rất có quy củ, chẳng những không rối loạn vì hỗn chiến mà mỗi món đếu hướng đúng vào cái đích riêng biệt, trên ra trên, dưới ra dưới, tả hữu đúng tả hữu, không món nào chạm vấp phải món nào, dù hơn mười món cũng đổ dồn vào người đối phương.
Do đó, thế công của chúng không ngăn trở nhau, không vướng vấp vì nhau, trái lại còn lợi hại vô tưởng bởi một người phải bảo vệ toàn thân che chở một lúc hơn mười điểm yếu trên cơ thể,không phải là một việc dễ dàng. Mà mỗi một sơ hở sẽ gây nên nguy hại khôn lường, hoặc chết ngay hoặc tàn phế suốt đời.
Nhưng cán bút to vừa chớp lên, một luồng gió lạnh bốc theo, nhiều tiếng thép chạm nhau bật thành một tiếng hỗn hợp vang dội kinh hồn.
Hơn mười món vũ khí gồm đao, thương, côn, kiếm, tiêu chùy, món nào gãy, món nào bay khỏi tay, món nào dội trở lại thì dội, còn mười mấy tên đại hán thì đồng một loạt bị chấn động mãnh liệt, cũng lùi lại, nghe thâm mình tê dại, lâu lắm mà không nâng tay lên nổi.
Chúng không tưởng tượng nổi, một thiếu niên có dáng dấp văn nhu, lại có phần lực kinh hồn như thế.
Chúng ngây người sửng sốt trong một phút, chưa nghĩ đến việc tiếp tục tấn công thì đợt thứ hai lướt tới, thay phiên.
Du Bội Ngọc lại như lần trước, bang cán bút vút quanh một vòng.
Lần này, bọn người trong đợt thứ hai rút kinh nghiệm của đợt một, biết thực lực của đối phương rồi, không dám khinh thường như đồng bọn.
Chúng không dám khinh thường thì không một tên nào dám để vũ khí chạm vào cán bút, chúng chỉ vũ lộng vù vù bên ngoài thừa một sơ hở mới dám thọc vũ khí qua màn bút ảnh.
Mà cuộc đấu càng kéo dài thì bên đông có lợi hơn bên ít.
Ở đây, bọn đại hán áo đen gồm hơn hai mươi tên, phân làm hai đợt, sẵn sàng thay phiên nhau, áp dụng xa luân chiến, không kể thiếu niên đứng bên ngoài.
Còn Du Bội Ngọc thì độc lực đơn thân, muốn thủ thắng cũng phải chật vật lắm.
Tuy nhiên, đã qua một lúc lâu rồi, không một tên nào còn chọc thủng bức màn ảnh. Cán bút luôn luôn tung hoành đảo lộn, thu hẹp thì bảo vệ toàn thân, vung động thì bứt thoái địch ra xa.
Đã mấy lượt chàng suýt phá vỡ vòng vây, song địch đông quá, không trống lỗ hổng nào. Chàng nhào tới thì phía sau chúng nhào theo liền, địch thủ chỉ thay đổi vị trí vòng chiến, chứ chung quanh chàng vẫn còn bị bao vây như thường.
Sức người có hạn, mãi về sau, Du Bội Ngọc cảm thấy khí lực tiêu hao quá nhiều, mồ hôi đã điểm hai góc trán.
Thiếu niên áo lụa đứng bên ngoài vỗ tay cười lớn :
– Phải đó! Các anh em khéo áp dụng chiến pháp vô cùng hiệu nghiệm! Trước hết hãy làm cho hắn tiêu hao công lực, sau đó, sẽ hạ hắn ngã xuống bắt trói hắn như con nai tơ, hắn làm gì thoát khỏi bọn ta chứ? Ha ha! Nào cố gắng lên anh em!
Hắn mang một chiếc mặt nạ, có gương mặt già dặn, song âm thanh của hắn còn non trẻ lắm.
Tuy giao đấu với bọn đại hán áo đen, Du Bội Ngọc luôn luôn lưu ý đến thiếu niên áo lụa, đúng ra là chàng lưu ý đến hai bàn tay của hắn nhiều hơn, biết đâu trong hai bàn tay đó chẳng có một số Vô Tĩnh châm, sẵn sàng bay ra bất cứ lúc nào.
Sau lưng chàng, hơi thở của Du Phóng Hạc mỗi phút mỗi mỏi mòn dần, giờ đây thì hơi thở của lão hết sức yếu, yếu như đường tơ nhện.
Càng đau lòng, càng bối rối, càng cảm thấy sức lực quá kiệt quệ, liệu chàng còn duy trì được bao lâu nữa đây?
Chàng hét lên một tiếng tuyệt vọng :
– Xong!
Chàng biết rõ, trong trường hợp này, nếu bỏ cuộc chiến thoát đi, thì vĩnh viễn không còn dịp nào biết được lai lịch, chân tướng của kẻ thù. Nhưng chàng còn biết làm sao hơn, bởi nếu ở lại thì luôn cả chàng cũng rơi vào tay chúng.
Lâm vào tình trạng bất khả kháng, bắt buộc chàng phải nghĩ đến sinh tồn. Có sinh tồn thì có dịp trả thù, bất quá mau hay chậm tùy truy nguyên tung tích, lai lịch kẻ thùm, chóng có kết quả hay chậm mà thôi, chứ liều lĩnh để bị hại trong lúc này là coi như ôm hận vĩnh viễn nơi âm cảnh.
Do đó, cái ý định thoát đi đã quyết.
Hét lên một tiếng xong, Du Bội Ngọc đảo lộn cán bút theo chiêu thức Hoành Tảo Thích Quân một vòng, bức thoái vòng vây nới rộng ra một bước đoạn bất thình lình quật mạnh cán bút từ bên trên xuống đỉnh đầu một đại hán áo đen cầm đao.
Đại hán hoảng sợ, biết không làm sao phản công kịp, cấp tốc ngã người vọt phía hông nhảy xuống đài, lăn đi mấy vòng.
Đầu cán bút giáng xuống mặt đất, bật lên một tiếng bịch, rung chuyển cả một khoảng rộng.
Không chậm trễ, chàng ấn luôn đầu cán bút xuống đất chỏi đà, nhún chân nhảy qua đầu chúng.
Nhờ chỏi cán bút, chàng nâng bổng người lên tận cành cao, giở thuật khinh công chuyền từ cành cây này sang cành cây khác, nhẹ nhàng như con én, nhanh nhẹn như con vượn.
Thiếu niên áo lụa biến sắc, dậm chân hét :
– Đuổi theo ngay!
Chính hắn đã phóng mình vọt đi như mũi tên lao, dẫn đầu bọn đại hán áo đen.
Nhưng vô ích, hắn đã chậm mất một chút. Nội một phút ngắn ngủi đó, Du Bội Ngọc đã tạo được một khoảng cách xa rồi.
Hơn nữa, thuật khinh công của hắn còn kém Du Bội Ngọc một bậc. Du Bội Ngọc có đèo thân phụ sau lưng, hắn vẫn không tài nào theo kịp. Khi hắn lên đến đầu tường thì bên ngoài tịch mịch im lìm, không một tiếng động, không một bóng người.
Dưới ánh dương quang, bên cạnh chiếc cầu bắt ngang lạch nhỏ, một con chó vàng nằm híp mắt, chốc chốc lại vẩy vẩy chót đuôi.
* * * * *
Du Bội Ngọc chưa đi xa.
Chàng đâu dám chạy xa hơn, giữa ban ngày, để lộ hình tích, đứng trên đầu tường, thiếu niên áo lụa sẽ trông thấy chàng dễ dàng.
Chàng chỉ nấp mình trong một bụi cỏ hoang, chàng nghe rõ thiếu niên áo lụa truyền lịnh :
– Phân tán thành bốn toán, mỗi toán một phương hướng, cấp tốc đuổi theo!
Có kẻ nhắc :
– Dưới cầu!
Thiếu niên quát :
– Gã họ Du có phải là ngốc tử đâu, mà hắn dám nấp dưới cầu!
Một bóng người từ đâu tường lao xuống, rồi kế tiếp những bóng khác, tất cả bọn đại hán cùng xuống, rồi từng tên một chạy qua cầu.
Thiếu niên vượt lên cầu trước. Con chó vàng vụt hự lên một tiếng, nó đã bị hụt chân rơi xuống dòng lạch, nước bắn lên tung tóe.
Ngồi trong bụi cỏ, Du Bội Ngọc lo sợ vô cùng, chàng nín thở, ngầm vận công, sẵn sàng xuất thủ, liều mình tử chiến nếu chúng phát hiện ra chàng.
Trong khi thiếu niên vẫn chạy, bọn đại hán áo đen vẫn chạy, toán nào rẽ theo phương hướng đã định cho toán nấy, không tên nào lưu ý nhìn qua bụi cỏ ven đường.
Du Bội Ngọc căng thẳng thần kinh cực độ.
Đợi một lúc lâu, nghe ngóng bốn phía, không còn một tiếng động nhỏ, Du Bội Ngọc chắc ý là bọn chúng đã đi xa và ít nhất chúng cũng không trở lại trong lúc này, chàng rời bụi cỏ, nhưng không đi nơi nào khác, lại trở vào trang viện.
Chàng trở vào trang viện vì chàng nghĩ là không ai tưởng chàng dám trở vào, bởi sau biến cố vừa rồi, chàng phải tìm nơi nào đó lánh mặt một thời gian, chàng có gan bằng trời cũng không dám liều lĩnh bẹo hình bẹo dạng một cánh ngu xuẩn như vậy.
Biết đâu bọn kia chẳng lưu lại một vài tên thuộc hạ làm tai mắt dẫn hành tung của chàng?
Có lẽ chàng đã nhận thấy thiếu niên không có mưu lược tâm cơ gì như những tay giàu kinh nghiệm giang hồ, hành động chưa đáng sợ chăng, nên chàng mới dám trở lại nhà như vậy.
Bên trong trang viện, vẫn im vắng như thường. Nếu không có sáu xác chết còn nằm kia, không ai tưởng tượng nơi đâu vừa xảy ra một biến cố vô cùng quan trọng.
Chàng vượt qua hậu viện, vào thẳng trong nhà, mở vạt áo, đặt phụ thân lên giường, rồi lấy một chiếc bình, dốc hoàn thuốc bên trong vào miệng lão.
Loại thuốc đó do Lạc Sơn Lão Nhân tự chế luyện theo một phương pháp bí truyền, từng cứu không biết bao nhiêu mạng người.
Nhưng thuốc đó không hiệu nghiệm đối với lão. Uống xong thuốc một hồi lâu, lão vẫn y nguyên, tình trạng không thay đổi chút nào.
Du Bội Ngọc lắc đầu, lệ thảm trào ra ướt đẫm mặt.
Ánh dương quang chiếu nghiêng qua khung cửa sổ, soi rõ gương mặt Lạc Sơn Lão Nhân Du Phóng Hạc đã biến màu sạm đen, trông hết sức thê thảm. Lâu lâu, lồng ngực mới nhô lên một chút, chứng tỏ lão chưa đứt hơi hẳn, lão mở tròn đôi mắt, đôi mắt đó lờ đờ, thất thần, môi lão mấp máy. Khó khăn lắm, lão mới phều phào được mấy tiếng :
– Ta có làm điều gì sai quấy chăng? Ta đã làm gì sai quấy?
Du Bội Ngọc lại dịch thân hình, che bớt ánh dương quang cho lão không chói mắt, lệ thảm quanh tròng, chàng nức nở :
– Không! Gia gia ạ! Gia gia chẳng làm điều gì sai quấy! Bình sanh gia gia không có làm một điều gì để thẹn cho lương tâm!
Lão muốn nở một nụ cười khoan khoái, song sức lực đâu còn để lão để tròn nụ cười, dù là một nụ cười nhẹ nhàng? Lão chỉ nhếch môi, một đốm sáng lóe nhanh trong đôi mắt thay đôi môi biểu tượng một nụ cười, lão tiếp bằng từng tiếng một :
– Ta không làm điều gì sai quấy! Con phải noi gương ta nhé! Luôn luôn con phải ghi nhớ : dung, nhượng, nhẫn là ba điểm rất cần. Dung người, nhượng lợi, nhẫn việc! Con nhé! Được ba điểm đó con mới đáng làm người! Còn ra những thành bại trong cuộc tương tranh… Vô ích! Vô ích!…
Giọng nói nhỏ dần, nhỏ dần, không còn nghe được nữa.
Du Bội Ngọc quỳ tại chỗ, bên cha chàng như một pho tượng gỗ, hai bên má hai dòng nước mắt rỉ mãi rỉ mãi, không khác nào một nguồn vô tận tiếp tế cho dòng nguồn.
Chàng quỳ tại chỗ không rõ được bao lâu nữa, chàng đổ lệ không rõ được bao lâu rồi, lệ vẫn còn đó, gối vẫn còn rung.
Ánh dương quang rọi bóng song thưa, bóng rung rung, bóng di động theo ánh dương quang mỗi phút một nghiêng đầu nhếch dần về phía Tây, và cuối cùng thì bóng song đã tắt, gian phòng chìm trong vùng đen mờ.
Cùng với bóng đêm sắp về, không gian càng nặng đọng tịch mịch, một thứ tịch mịch có tử khí trùng trùng và toà trang viện biến thành nhà mồ giữa bãi tha ma.
Trong cảnh tịch mịch thê lương đó, đột nhiên có tiếng chân người vang lên.
Tiếng chân ngh chầm chậm nặng nề, tiếng chân vọng từ hành lang đến tận gian phòng, tiếng chân của một người không muốn bước nhưng bắt buộc phải đi, mà mỗi một bước đi là bỏ rơi một mảng lông nơi dấu chân.
Nghe tiếng chân cũng có thể ức độ tâm trạng của con người đó một phần nào!
Tiếng chân mỗi lúc mỗi gần, cuối cùng thì dừng nơi cửa.
Rồi cánh cửa phòng từ từ mở.
Du Bội Ngọc vẫn quỳ tại chỗ bất động.
Một bóng người từ ngoài cửa bước vào, từ từ, dè dặt, nhẹ nhàng như một bóng ma, không nặng nề như lúc đầu, bên ngoài hành lang.
Bóng đó, có thân hình thấp nhỏ, không rõ có nhận thấy sự vật gì bên trong phòng hay chăng vẫn cứ bước tới, càng phút càng gần Du Bội Ngọc.
Dù sao thì Du Bội Ngọc cũng phải đứng lên để xem cho biết người khách đột ngột ấy là ai?
Chàng đứng lên.
Động tác của chàng làm bóng đó giật mình. Nhanh như chớp, bóng đó nhảy vọt ra cửa, quát khẽ :
– Ngươi! Ngươi là ai?
Du Bội Ngọc nhếch môi điểm một nụ cười chua chát! Câu hỏi đó phải do chàng nêu lên, nhưng hiện tại thì chính kẻ đột nhập vào nhà hỏi ngược lại chủ nhân!
Nhưng chẳng sao! Bên cạnh cái đau thương ngập trời, tràn biển, có xá gì một sự oái ăm nhỏ nhặt?
Chàng bình lặng nhìn qua bóng tối lờ mờ, nhận ra một thiếu nữ, tóc buông thõng phủ vai.
Thiếu nữ lại hét lên :
– Ác tặc! Thủ đoạn tàn độc thiệt! Ngươi… ngươi còn ở đây à?
Hoành tay ra sau lưng, nàng rút ra thanh trường kiếm, ánh thép chớp lên tiếng gió rít theo liền.
Du Bội Ngọc đảo bộ tránh đủ bảy thế công mà không hề trả đòn. Chàng buột miệng kêu lên :
– Lăng Hoa kiếm!
Thiếu nữ giật mình nhưng lấy lại ngay bình tĩnh, cười lạnh :
– Ác tặc! Đã nhận ra kiếm pháp nhà họ Lâm, sao chưa…
Du Bội Ngọc lùi lại mấy bước, thở dài cất lời :
– Tại hạ là Du Bội Ngọc!
Thiếu nữ lại giật mình lần nữa, buông thõng tay kiếm, gầm đầu ấp úng :
– Du… Du đại ca! Hay là lão bá đã…
Đã quen dần với bóng tối trong căn phòng, nàng vừa thốt vừa đưa mắt nhìn lên giường…
Toàn thân vụt rung lên bần bật và cuối cùng lảo đảo nhào xuống nền nhà, suối bi thương lại được dịp trào ra hai khóe mắt.
Nàng thảm thiết kêu lên :
– Trời! Có thể như thế được sao? Không, tôi không thể tin được! Không, tôi không muốn tin! Không, không…
Du Bội Ngọc đứng lặng thinh để mặc cho nàng khóc, không hề khuyên dứt một câu.
Thiếu nữ khóc mãi, khóc khan cả hơi, chợt ngẩng đầu lên ánh mắt đỏ hoe nhìn Du Bội Ngọc :
– Đủ rồi! Tôi khóc đã nhiều rồi! Bây giờ Du đại ca hãy nói rõ mọi việc cho tiểu muội nghe đi!
Nhưng Du Bội Ngọc không vội lên tiếng, lẳng lặng tìm mồi lửa đốt đèn.
Ánh sáng của ngọn nến vừa bùng lên, một bộ tang phục trên người thiếu nữ như nổi bật hẳn, trắng toát…
Du Bội Ngọc giật bắn người, kêu lên thất thanh :
– Lâm lão bá đã… đã…
Thiếu nữ gật đầu thê thảm :
– Vâng! Còn đâu nữa! Sáng hôm trước đấy thôi! Có kẻ hạ độc thủ…
Du Bội Ngọc càng biến sắc :
– Ai? Ai?
Thiếu nữ lắc đầu :
– Không biết được… Tiểu muội không biết!
Và nàng xoay phắt người lại, đối diện với Du Bội Ngọc. Dưới ánh đèn chao chao, khuôn mặt mỹ miều của nàng giờ đây ảo não làm sao. Đôi mắt tuy đỏ bụp vì chứa đầy bi thương, nhưng vẫn thao láo mở tròn nhìn đối tượng, và tia nhìn vẫn chưa giảm đi ý quật cường, nàng dằn dằn từng tiếng :
– Du đại ca lạ lắm phải không? Cha mình chết mà lại không biết kẻ thù là ai, còn gì đáng mỉa mai hơn?
Nàng cười khẩy lên một tiếng và nói tiếp ngay :
– Cái hôm mà cha tiểu muội chết, tiểu muội có việc đi khỏi, đến lúc trở về thì xác đã lạnh, trong nhà không ai còn sống!
Du Bội Ngọc thật không ngờ, một cô gái trông bề ngoài yếu đuối uỷ mị như một tiểu thư đài các vàng son thế mà qua cơn biến thảm tày trời, còn đủ nghị lực từ ngàn dặm bươn bả đến đây, vẫn bình tĩnh khi cùng chàng đối đáp.
Trong cái thể xác yếu đuối ấy hình như chứa đựng một ý chí bằng sắt thép. Nghị lực của nàng, Du Bội Ngọc thấy mình còn kém xa, con người như nàng có khuyên lơn cũng thừa!
Chàng chỉ còn cách thở dài thay cho những gì mình muốn nói.
Thiếu nữ lại nhìn thẳng vào mắt chàng tiếp lời :
– Du đại ca vẫn còn lấy làm lạ à? Tiểu muội đã nói qua là mình khóc nhiều rồi.
Có lẽ vì khóc quá nhiều nên bây giờ tiểu muội hết muốn khóc nữa. Suốt dọc đường, tiểu muội đã khóc đến năm lần!
Du Bội Ngọc tròn mắt :
– Năm lần?
Thiếu nữ nhếch môi chua chát :
– Phải! Năm lần! Trừ hai lần khóc cho gia phụ và cha của Du đại ca ra, ba lần kia khóc cho Vương lão bá ở cạnh Thái Hồ, Trầm đại thúc ở Nghi Hưng thành và một lần ở Mâu Sơn khóc cho Tây Môn…
Không kịp đợi nàng nói hết, Du Bội Ngọc hỏi cắt ngang :
– Họ đều cùng bị độc thủ, phải chăng?
Thiếu nữ đưa tia mắt nhìn lên ánh đèn, mơ màng, không đáp.
Du Bội Ngọc lại hỏi :
– Chiếc kéo vàng của Thái Hồ Vương lão bá vốn vang danh vô địch trong thiên hạ, ngân thương bạch mã của Nghi Hưng Trầm sư thúc, thủa tuổi trẻ từng ngang dọc khắp giang hồ, một thân nhuyễn công của Mâu Sơn Tây Môn đại thúc ít ai sánh kịp, thế tại sao họ lại bị giết?
Thiếu nữ không đáp mà hỏi lại :
– Vậy Lăng Hoa Thần Kiếm và Kim Ty Cẩm Chưởng thì sao?
Du Bội Ngọc gục đầu ảm đạm :
– Phải lắm! A… hay là họ cũng bị một hung thủ sát hại? Vậy hắn là ai?
Thiếu nữ chợt bổ xung thêm một câu :
– Chỉ có một điều lạ, tiểu muội không tận mắt nhìn thấy thi hài họ.
Du Bội Ngọc ngẩng phắt đầu lên hoài nghi :
– Không nhìn thấy thi hài, sao lại biết họ đã chết?
Thiếu nữ quả quyết :
– Chẳng có một người! Tuy trong nhà không thây chết nhưng không thấy dạng một người, nhà nào cũng vắng tanh như bãi tha ma… giống như nhà anh, như nhà tôi…
Du Bội Ngọc lặng người một lúc, lẩm bẩm mơ màng :
– Nhà?… Chúng ta đả trở thành kẻ vô gia đình rồi!
Thiếu nữ chăm chăm nhìn chàng :
– Du đại ca định đi đâu?
Du Bội Ngọc chậm rãi cất lời :
– Theo sự nhận xét của tôi, thì những việc đã xảy ra kia đều nằm nằm gọn trong một âm mưu thật vĩ đại, vĩ đại đến độ không ngờ được. Tuy hiện giờ tôi chưa nghĩ ra nhưng tôi hứa sẽ có một ngày khám phá ra! Nếu như nàng đứng vào địa vị chủ sử âm mưu, nàng có thái độ nào đối với tôi?
Thiếu nữ đáp không cần suy nghĩ :
– Nhổ cỏ tận gốc!
Du Bội Ngọc cười thảm não :
– Đúng thế! Nếu như nàng là tôi, nàng phải làm thế nào?
– Trốn!…
Nhưng nàng chợt thở dài, lẩm bẩm như hỏi với chính mình :
– Mà trốn đi đâu bây giờ?
Du Bội Ngọc bâng khuâng :
– Thì nơi nào là an toàn thì trốn đến nơi đấy!
Thiếu nữ nhìn chàng, thương cảm :
– An toàn được à?… Cho dù kẻ thù là ai, anh cũng chẳng biết. Dù chúng có ở bên cạnh anh, anh cũng không hay, thì thử hỏi trong khắp thiên hạ, có nơi nào gọi là an toàn với anh được?
Du Bội Ngọc mím môi :
– Nhưng phải có một nơi!
Thiếu nữ chơm chớp mắt :
– Nơi nào?
Du Bội Ngọc buông gọn :
– Huỳnh Trì!
Thiếu nữ thất thanh kêu lên :
– Huỳnh Trì?… Hiện giờ tất cả nhân vật trong võ lâm thiên hạ đều tụ tập nơi đó…
Du Bội Ngọc ngắt lời :
– Chính vì anh hùng khắp thiên hạ đều đổ dồn về đấy, nên ác tặc dù có gan to bằng trời, cũng không dám đến nơi đó ra tay hại người.
Thiếu nữ nhè nhẹ gật đầu :
– Khá lắm! Du đại ca trong giờ phút này mà còn nghĩ được chu đáo ngần ấy, nhắm không ai có thể hại nổi đại ca. Đại ca… đại ca đi ngay đi!
Du Bội Ngọc nhìn nàng :
– Còn nàng?
– Mặc kệ tôi!
Và bằng một thái độ giận dỗi, nàng phắt người lại rảo bước bỏ đi.
Du Bội Ngọc không hề ngăn trở mà lẽo đẽo theo ở phía sau.
Ra đến cửa, thiếu nữ bỗng sụm chân ngã nhào xuống, Du Bội Ngọc nhẹ nâng nàng đứng dậy, thở dài bùi ngùi :
– Hiền muội quá khổ, quá mệt rồi! Hay là nghỉ ngơi trong giây lát đã!
Thiếu nữ mím chặt vành môi, cố ngăn dòng nước mắt đang rưng trào qua hai khóe mắt :
– Đừng vờ vĩnh lo lắng cho tôi. Tôi… tôi từ ngàn dặm đến nhà anh, nào… nào anh có hỏi thăm cho một lời! Cho đến tên tôi anh cũng chẳng gọi…
Du Bội Ngọc nghe như cay cay ở mũi :
– Có hỏi thăm cũng chẳng ích gì!
Thiếu nữ gượng đứng lên, hất mạnh tay chàng ra :
– Bỏ tôi ra… bỏ tôi ra! Anh còn động lên một sợi tóc của tôi, tôi sẽ giết anh ngay!
– Tuy chưa gặp qua hiền muội lần nào nhưng tôi làm sao quên được tên của hiền muội. Cái tên mà cha tôi thường nhắc nhở khi tôi vừa hiểu biết chuyện đời!
Thiếu nữ đôi mắt liền ráo hoảnh, nhẹ nhàng gục đầu xuống, buồn buồn :
– Tiếc thay chúng ta gặp nhau chẳng nhằm lúc…
Từ ngoài ngõ chợt vang lên tiếng chân nặng nề, tiếp theo là một giọng nói khàn khàn, làm vỡ tan đi giây phút tâm sự của hai người :
– Thiếu gia ơi… thiếu gia ơi…
Du Bội Ngọc vội lướt người tới, đứng án trước mặt thiếu nữ, miệng quát khẽ :
– Ai đó?
Giọng khàn khàn nọ đáp :
– Cho đến giọng nói của lão già Du Trung mà thiếu gia không nghe ra nữa à?
Du Bội Ngọc thở phào nhẹ nhõm, thiếu nữ trái lại bám chặt vai chàng, hỏi dồn :
– Ai thế?
Du Bội Ngọc cười trấn an :
– Lão đầy tớ già đã theo hầu gia phụ từ thủa nhỏ.
Thiếu nữ nghi ngờ :
– Nhưng… nhưng lúc tôi đến đây, chẳng thấy một người nào sống cả!
Du Bội Ngọc thoáng rúng động :
– Có lẽ… có lẽ lão đã trốn kín một nơi nào đó!
Giữa sự đối đáp hai người, một lão già áo xanh, tóc râu bạc phếu, lụm cụm bước tới, vái chào người :
– Vương lão gia từ Linh Lăng đến đang đợi thiếu gia trong phòng khách.
Du Bội Ngọc đổi sắc :
– Phải “Nghĩa Bác Vân Thiên” Vương Vũ Lâu nhị thúc không?
Lão gia bộc Du Trung vội đáp :
– Trừ người ra, không lẽ còn ai nữa?
Chẳng kịp nghe câu trả lời của người nghĩa bộc, Du Bội Ngọc đã rảo bước hướng về phía sảnh đường.
Dọc hai bên của dãy hành lang khúc khuỷu, chẳng hiểu ai đã lên đèn từ lúc nào, cảnh tượng y như lúc bình thường.
Du Bội Ngọc lòng càng thêm lạ lùng, chân không dám dừng bước, bươn bả bước về đại sảnh.
Bên trong đã đèn đuốc tỏ rõ, trên chiếc gối dựa bằng gỗ lê, một cụ già áo tìm, mày rậm râu dài, mặt như táo chín, đang chễm chện ngồi, đúng là “Nghĩa Bác Vân Thiên” Vương Vũ Lâu nhị gia.
Du Bội Ngọc vội tiến lên đến trước mặt người, quỳ xuống nức nở :
– Nhị thúc… nhị thúc đến chậm mất rồi!
Vương Vũ Lâu thở dài :
– Chuyện của cháu cùng cha cháu, nhị thúc nghe qua cũng rất xót lòng.
Du Bội Ngọc càng mủi lòng :
– Tiểu điệt không may…
Nhưng chàng chợt ngẩng đầu lên kinh dị :
– Nhị thúc… làm sao mà nhị thúc biết nhanh thế?
Vương Vũ Lâu vuốt nhẹ hàm râu, cười nụ :
– Tất nhiên là nhờ cha của hiền điệt, cái ông anh Du đại ca của chú nói cho biết chứ ai!
Du Bội Ngọc kêu lên thất thanh :
– Cha của hiền điệt? Người… người từ lúc nào?
Vương Vũ Lâu vẫn híp mắt cười :
– Thì lúc nãy người hầm hầm bước ra ngoài, cho đến thấy ta cũng chẳng hỏi han. Tuy chưa rõ cha con hiền điệt cãi nhau chuyện chi nhưng bốn mươi năm nay, ta chưa từng thấy người nổi giận hung như thế, cho nên ta phải nhờ Vân tam thúc ngươi theo khuyên giải người, cùng tránh cho cha con hiền điệt…
Du Bội Ngọc càng nghĩ càng sững sờ như kẻ từ cung trăng rơi xuống, không sao chịu đựng thêm nổi, chàng hét lên cuồng điên :
– Nhưng cha của… cha của tiểu điệt lúc nãy đã… đã bị giết rồi cơ mà!
Vương Vũ Lâu liền sa sầm nét mặt :
– Trẻ con hay cãi lẫy với cha mẹ là chuyện rất thường. Nhưng không vì lẽ đó mà con đi nguyền rủa cha mẹ hay sao?
Du Bội Ngọc như không còn hơi sức, chàng phều phào chẳng trọn câu :
– Nhưng… nhưng rõ ràng cha của tiểu điệt đã… đã…
Vương Vũ Lâu tức giận :
– Câm miệng lại!
Du Bội Ngọc cắn chặt hai hàm răng để tìm lại sự bình tĩnh cho mình :
– Xác của người vẫn còn trong phòng ngủ, nếu nhị thúc không tin, xin theo chân tiểu điệt vào xem thử!
Vương Vũ Lâu hầm hầm đứng dậy :
– Được, đi ngay!
Hai người nhanh bước ra khỏi đại sảnh, nhưng chưa vượt qua khúc hành lang cuối cùng, đã nhìn thấy gian phòng ngủ khi nãy còn âm u tối mù, giờ đây đèn đuốc sáng choang.
Du Bội Ngọc hết sứt hoang mang, xồng xộc bước nhanh vào…
Trên giường, gối mền thẳng nếp, không một vết tích nhăn nheo, thi hài của Du Phóng Hạc cha chàng đã biến mất!
Vương Vũ Lâu to tiếng gạn hỏi :
– Xác chết của cha ngươi đâu?
Du Bội Ngọc toàn thân bỗng run lên bần bật, còn đâu thốt được thành lời.
Thình lình chàng hét to lên một tiếng, chạy nhào ra đình viện.
Dưới cội tàng cổ thụ rợp đen bóng lá, qua ánh đèn từ dãy hành lang hất ra ánh sáng, sáu cái xác người máu me khi nãy không những biến mất, mà cho đến lá cành tơi tả do ngọn bút của chàng quét phải vừa rồi cũng đã bị ai quét dọn sạch sẽ.
Cây Thiên Quân Bút vẫn để ở kia, nghiên mực, quặng bút cũng được sắp xếp chỉnh tề, và qua ánh sáng chao chao của những ngọn đèn, chàng còn lờ mờ nhìn thấy bản sao Nam Hoa Kinh mà mình viết khi trưa.
Du Bội Ngọc chợt nghe tay chân mình lạnh ngắt. Sàn đình, góc viện tĩnh mịch thân yêu, nơi mà chàng thường xuyên ra vào từ lúc mới lũng đũng biết đi, giờ đây chàng bỗng cảm thấy như đã biến thành một vực quỷ âm u kỳ bí.
Tay chấp sau lưng, Vương Vũ Lâu hất hàm lạnh giọng :
– Sao? Hiền điệt còn lời gì nói nữa chăng?
Du Bội Ngọc như kẻ mất hồn, lắp bắp :
– Tiểu… tiểu điệt…
Chợt thấy bóng người con gái lúc nãy thấp thoáng sau cụm hoa, Du Bội Ngọc như gặp cứu tinh, nhoài người bổ tới…
Túm chặt lấy tay nàng, chàng lớn tiếng kêu lên :
– Lúc nãy nàng cũng nhìn thấy… nàng là Lâm Diêu Bình, ái nữ của “Lăng Hoa Thần Kiếm”, chính nàng khi nãy tận mắt thấy rõ xác chết của gia phụ…
Đôi mắt sáng ngời như điện lạnh, Vương Vũ Lâu nhìn thẳng vào mặt cô gái hỏi to :
– Cô có thật thấy không?
Lâm Diêu Bình nhu bị cướp mất tinh thần :
– Tôi… tôi… lúc nãy…
– Ồ, Vương nhị ca đến hồi nào thế? Thật là vừa đúng lúc!
Nơi khúc quanh của hành lang, bỗng hiện ra bốn người cùng niềm nở tươi cười tiến lại.
Đi đầu là một vị áo gầm mão cao, lưng lủng lẳng một thanh trường kiếm chuôi nạm ngọc xanh, mái tóc tuy đã điểm hoa râm nhưng thần thái vẫn phương phi như người trẻ tuổi.
Vừa thấy bốn người xuất hiện, Lâm Diêu Bình cổ họng như nghẹn ngang và thân hình bỗng run lên bần bật.
Du Bội Ngọc cũng trợn tròn đôi mắt, thất sắc kêu lên :
– Trời! Lâm… Lâm lão bá… chẳng phải Lâm lão bá đã chết rồi sao?
Vì bốn người vừa tiến tới kia rõ ràng là Thái Hồ Kim Long Vương, Mâu Sơn Tây Môn Phong, Nghi Hưng Trầm Ngân Thương và người áo gấm mão cao đi trước nhất không ai khác hơn là “Lăng Hoa Thần Kiếm” Lâm Tẩu Các, vị đại hào phú đất Tô Châu, cha ruột của Lâm Diêu Bình.
Chẳng đợi Lâm Tẩu Các mở miệng, Tây Môn Phong đang đi cạnh bên lão liền cười to :
– Ba năm chẳng gặp nhau, người vừa thấy mặt cha vợ đã mở miệng trù ẻo là người chết đi rồi! Cái cậu bé này cũng thật nghịch ngợm hết sức!
Du Bội Ngọc xoay ngoắt người lại, ánh mắt hắn bắn thẳng vào mặt Lâm Diêu Bình :
– Đấy là tại cô nói ra, tại… tại sao cô lại nói dối tôi?
Lâm Diêu Bình chầm chậm ngước đầu lên, ánh mắt còn rươm rướm màn lệ :
– Tôi nói à? Tôi nói với Du huynh như thế hồi nào?
Du Bội Ngọc nghe như mình vừa lọt xuống một hố băng sâu lạnh ngắt, lão đảo thối lui luôn năm bước.
Ngoảnh đầu nhìn lại, năm cao thủ võ lâm ánh mắt lạnh lùng nhìn chàng như thương xót như kinh ngạc…
Lão gia bộc Du Trung chẳng biết đã đứng đó từ lúc nào, gập mình tươi cười :
– Thiếu gia sao chưa mời năm vị lão vào sảnh đường dùng trà?
Du Bội Ngọc vọt người tới, chụp cứng đầu vai người lão bộc lắc lia lịa :
– Ngươi phải nói! Nói rõ sự việc xảy ra như thế nào?
Lão bộc Du Trung sửng sốt nhìn chàng :
– Chuyện lúc nãy? Mà khi nãy có xảy ra chuyện gì đâu?
Du Bội Ngọc càng thiểu não thất sắc, Vương Vũ Lâu chầm chậm cất lời :
– Trừ năm chúng ta, hôm nay còn người nào khác đến đây không?
Du Trung vội lắc đầu :
– Không có ai cả…
Tay từ từ buông đầu vai người lão bộc ra, Du Bội Ngọc từng bước từng bước thụt lùi, rung rung giọng :
– Ngươi… ngươi tại sao cũng muốn hại ta?
Du Trung đăm đăm nhìn theo chàng, thở dài thương hại :
– Thiếu gia gần đây vì học hành nhiều quá, chỉ sợ…
Du Bội Ngọc vụt hất ngược đầu lên cười lanh lảnh :
– Chỉ sợ ta điên rồi, phải chăng? Các ngươi nhìn ta như thế, vì các ngươi đều nghĩ rằng ta đã điên lên rồi phải không? Các người đang muốn cho ta phải phát điên kia mà!
Lâm Tẩu Các bật thở dài thườn thượt :
– Thằng bé có lẽ bị cha nó bức bách quá đáng…
Du Bội Ngọc sằng sặc cười lên :
– Đúng lắm! Ta thật bị bức bách đến phát điên rồi đây!
Ngọn quyền trên tay chàng theo đó vung lên đấm mạnh vào cửa sổ thủng to một lỗ, chân thời dậm mạnh xuống nền sân khoét tròn một dấu.
Vương Vũ Lâu, Tây Môn Phong, Trầm Ngân Thương nhất tề lướt tới chụp nhanh lấy hai đầu vai chàng giữ chặt.
Lâm Tẩu Các móc vội trong người ra một lọ sứ con màu đen, dịu giọng bảo :
– Ngọc con, chịu khổ nghe lời bá bá uống viên thuốc này vào rồi ngủ đi một giấc, sáng mai thức dậy sẽ thấy dễ chịu ngay!
Nút lọ được mở ra và kề ngay vào miệng Du Bội Ngọc, một mùi thơm lạ theo đó xông lên ngây ngất.
Du Bội Ngọc mím chặt hàm răng, thà chết quyết chẳng mở miệng.
Trầm Ngân Thương nhích lại gần hơn khuyên giải :
– Hiền điệt sao đổi tánh thế? Không lẽ nhạc phụ của hiền điệt lại đi hại hiền điệt à?
Đột nhiên, Du Bội Ngọc hét to lên một tiếng, hai cánh tay vung ra với tất cả căm hờn…
Trầm Ngân Thương, Tây Môn Phong dù là bậc cao thủ hữu danh cũng không sao kham nổi với nguồn thân lực trời ban ấy, bàn tay bị hất bật trở về.
Lồng theo tiếng hét như chọc thủng màng tai, thân hình Du Bội Ngọc như chiếc pháo thăng thiên vọt xiêng xiêng lên mái nhà, biến mất sau những tàng cây rậm lá…
Tây Môn Phong hãi hùng thất sắc :
– Thằng bé thật lợi hại, dù Du Phóng Hạc lúc thiếu niên cũng vị tất được thân thủ như nó.
Vương Vũ Lâu chớp chớp ngời ánh mắt thở dài :
– Đáng tiếc là nó đã điên rồi, đáng tiếc đáng tiếc…
Lâm Diêu Bình cúi mặt khóc thầm…
——————————————————————————–
Truyện còn có tên Danh Kiếm Phong Lưu