* * *
“Công chúa, người có muốn ăn kẹo hồ lô không?”
* * *
“Sói Xám” đưa cho “Công chúa Bạch Tuyết” một túi kẹo trái cây và nói: “Cầm lấy, tí nữa anh sẽ cần đấy”.
Khương Dĩ An ngơ ngác nhận lấy, đang định hỏi tại sao thì từ khoé mắt nhìn thấy mấy đứa trẻ nhanh nhảu vây quanh mình, chúng đứng yên và bắt đầu lẩm bẩm: “Công chúa công chúa, đấng thánh thiện và xinh đẹp nhất thế gian, xin người ban cho chúng tiểu nhân một chút kẹo với ạ.”
Sự ngây thơ, đơn thuần luôn khiến chúng ta cảm thấy ấm áp, Khương Dĩ An thầm nghĩ: “Thì ra là thế.” Y mỉm cười mở chiếc túi giấy màu nâu ra, dùng tay giữ đáy túi: “Kẹo đây, các em tự lấy đi.”
Một đứa trẻ nắm lấy một vốc nhỏ trong đó, sau khi cảm ơn xong, bọn trẻ đồng thời quay đầu nhắm vào Văn Khác, vừa bước đến vừa hét: “Ta là Cừu vui vẻ”, “Cừu lười biếng”, “Cừu sôi nổi”, “Cừu ấm áp” “Cừu chậm chạp”, năm cái đầu nhỏ vây quanh Văn Khác, chỉ vào “Sói Xám”, uy hiếp: “Nếu ngươi không cho chúng ta kẹo, chúng ta sẽ không trả lại vợ Sói Đỏ cho ngươi.”
Khương Dĩ An cắn môi nhịn cười, rất muốn nhìn biểu cảm trên mặt Văn Khác. Sau khi phát kẹo xong, y nhìn theo bóng lưng lũ trẻ đang chạy trốn, hỏi: “Con nhà ai vậy?”
“Con của những người bán hàng.” Văn Khác đút hai tay vào túi quần, dẫn Khương Dĩ An đi về phía trước, “Chúng sống ở phố này, hễ nhìn thấy ai đeo mặt nạ là sẽ chạy đến xin kẹo.”
Khương Dĩ An tò mò hỏi: “Vậy lời thoại của Tề Thiên Đại Thánh là gì?”
Văn Khác: “Không cho ta kẹo, ta sẽ đem sư phụ ngươi hầm canh.”
Đã lâu lắm rồi Khương Dĩ An mới trải qua cảnh tượng vui nhộn trước mắt, y đi theo Văn Khác dạo quanh các quầy hàng, đột nhiên nghe Văn Khác hỏi: “Công chúa, người có muốn ăn kẹo hồ lô không?”
Khương Dĩ An cảm thấy may mắn khi có mặt nạ che lại bởi vì khuôn mặt đang nóng như lửa đốt, song, Văn Khác nhìn thấy rõ ràng vành tai y đã đỏ bừng. Khương Dĩ An gật đầu: “Ừ, tôi muốn…”
Văn Khác nói với ông chủ: “Cho tôi một xiên dâu tây.”
Khương Dĩ An ngạc nhiên: “Sao cậu biết tôi muốn ăn dâu tây?”
Sau khi bọc túi xong, Văn Khác hỏi một đằng trả lời một nẻo: “Lát nữa chúng ta tới quán ăn nhé, bây giờ đeo mặt nạ không tiện.” Anh chỉ vào gian hàng trò chơi bắn bia trước mặt, có một dãy thú bông lớn treo phía trên những quả bóng bay: “Anh thích con gấu Pooh kia không?”
Khương Dĩ An phục sát đất: “Văn Khác, sao cậu lại biết rõ sở thích của tôi như vậy?”
Văn Khác cởi mặt nạ xuống, cử động cổ tay phải: “Trả lời đi, anh thích không?”
Khương Dĩ An thành thật đáp: “Tôi thích.”
Khi đến gần quan sát mới thấy những quả bóng bay được sắp xếp thành những vòng tròn đồng tâm, Văn Khác bước tới hỏi: “Ông chủ, quy tắc là gì?”
Ông chủ là một ông chú trung niên rắn rỏi, đầu hói, mặc áo khoác màu xanh quân đội, rất có dáng vẻ uy nghiêm của một người lính đã nghỉ hưu. Ông liếc mắt nhìn Văn Khác rồi nói: “Một trăm tệ mười phát, mười quả bóng ở giữa, có thể chọn con gấu bông lớn nhất.”
Văn Khác: “Khoảng cách là bao nhiêu?”
Ông chú chỉ vào vạch màu vàng trên mặt đất cách đó năm mét, hất cằm: “Cẩn thận một chút, cậu nói xem, chưa đến mười mét đúng không.”
Khương Dĩ An nghe vậy liền nhìn Văn Khác, Văn Khác đưa tiền cầm súng, cười nói: “Được.”
Anh quay người bước ra ngoài khu vực vạch vàng, ra hiệu cho Khương Dĩ An đứng phía sau. Ở khoảng cách mười mét, Văn Khác một tay cầm súng, thử ngắm bắn trước, ước tính có chút sai lệch, phát đầu tiên là để thử, nhưng nếu bắn trượt một lần thì sẽ lỡ mất cơ hội lấy được gấu Pooh.
Đám người tự động chia làm hai phe, người xem càng ngày càng nhiều, Văn Khác không ngừng điều chỉnh góc độ, đột nhiên anh buông tay xuống: “Khương Dĩ An.”
Lòng bàn tay của Khương Dĩ An hơi ướt mồ hôi, lo lắng hỏi: “Sao vậy?”
Văn Khác: “Em căng thẳng.”
Khương Dĩ An tin là thật: “Vậy chúng ta không chơi nữa, tôi cũng không nhất định phải lấy con gấu đó.”
Văn Khác dùng ngón trỏ hé mở mặt nạ của Khương Dĩ An, ánh mắt xuyên qua khe hở bên phải, tìm thấy sự an ủi trong đôi mắt xinh đẹp kia, cười nói: “Em nhất định phải làm được.”
Phát đầu tiên tìm đúng cảm giác, chín phát tiếp theo hoàn thành như nước chảy mây trôi, Văn Khác không nghe thấy tiếng hò reo, chỉ nóng lòng muốn được Khương Dĩ An khen ngợi: “Em đẹp trai không?”
Khương Dĩ An cố gắng làm chậm nhịp tim đang đập quá nhanh của mình, trịnh trọng nói: “Siêu đẹp trai.”
“Đi lấy gấu Pooh của anh đi.” Văn Khác nghiêng đầu về phía gian hàng, Khương Dĩ An sờ lên mặt nạ rồi bước tới, căng thẳng như thể đang lên sân khấu nhận giải thưởng. Y dang rộng hai tay ôm lấy tiểu tổ tông lông nhung beo béo, tâm tình nháy mắt thoả mãn.
Văn Khác bước tới giơ tay vần vò đầu con gấu nọ, thầm nghĩ:
Mạng chú mày tốt đấy
.
Bản edit này chỉ được đăng tải duy nhất tại Wattpad -Cassey-. Những nơi reup khác đều chưa có sự cho phép.
Hai người ra về theo lối cũ, đặt gấu bông lên xe, Văn Khác tìm được một quán ăn vặt trong đường góc hẻo lánh, gọi hai bát hoành thánh và một giỏ bánh bao hấp, sau đó cầm mấy chai gia vị trên bàn lên đổ hai thìa giấm vào bát: “Anh mệt không?”
Sau khi đồ ăn được bưng lên, Khương Dĩ An nuốt một ngụm canh nóng để làm ấm bụng, lắc đầu: “Sao có thể mệt chứ”. Y lật mặt nạ ra, nhìn nụ cười ngọt ngào của công chúa Bạch Tuyết: “Rất vui vẻ, nhớ lại thì lần cuối cùng tôi trải qua chuyện náo nhiệt như thế này là khi còn rất nhỏ “.
Văn Khác khẩu vị nặng hơn, múc từng thìa hành lá cùng ớt trộn đều vào hoành thánh, vừa làm vừa hỏi: “Ăn với nhau mấy bữa cơm, bây giờ em mới nhớ ra chuyện muốn hỏi, anh có chú ý đến chế độ ăn uống của mình không? Có cần đặc biệt bảo vệ cổ họng không?”
Khương Dĩ An gắp một miếng hoành thánh lên, nói: “Tôi thích ăn cay, nhưng quản lý không cho phép, một ngày ba bữa đều giao cho chuyên gia dinh dưỡng, đến giờ này thì phải ăn cái này, phần lớn là ăn thanh đạm.”
Văn Khác đẩy lồ ng hấp đến gần tầm tay của Khương Dĩ An: “Nếu thèm ăn thì phải làm sao?”
Khương Dĩ An nheo mắt: “Thì chịu đựng thôi.” Anh cụp mi xuống, chìm đắm trong hồi ức: “Tuy nhiên, tôi thường xuyên lẻn ra khỏi ký túc xá lúc nửa đêm, cùng đám Lâm Dã tới cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn vặt.”
Văn Khác nhạy bén phát hiện thấy có gì đó không đúng: “Ký túc xá? Anh không có nhà riêng à?”
Tốc độ ăn của Khương Dĩ An chậm lại, đồng tử mờ mịt: “Công ty cung cấp chỗ ở cho tôi, sẽ giúp tôi quản lý tài chính, tuy trong tài khoản không có tiền nhưng tôi chưa bao giờ phải lo về chuyện tiêu xài.” Y c ắn môi dưới, khó khăn kể tiếp, “Sự chú ý của tôi đều tập trung vào âm nhạc, mỗi ngày ở trong phòng thu âm, không để ý đến những thứ khác. Giá như tôi có thể sớm phát hiện ra sự sắp xếp không hợp lý này, thì cũng không đến nỗi bây giờ không có một xu dính túi.”
“Nhà bố mẹ anh ở đâu?” Văn Khác đặt đũa xuống, giữa mày lộ vẻ nghi hoặc, thận trọng hỏi.
Có thể là do sự ấm áp của đêm nay đã khiến Khương Dĩ An cảm động, hoặc có thể vì người hỏi là Văn Khác nên y thậm chí còn muốn nói hết mọi chuyện.
Khương Dĩ An ngước mắt lên, hoạt động yết hầu, nhẹ giọng kể, “Khi tôi lên ba tuổi thì được mẹ nuôi đón ra khỏi cô nhi viện. Hai chúng tôi luôn sống nương tựa vào nhau, nhưng bà ấy… đã bỏ đi ngay trước ngày tôi gia nhập công ty.”
Đây là chuyện Văn Khác chưa từng biết. Có thể dễ dàng tìm hiểu về sở thích của Khương Dĩ An từ các talk show mà y từng tham gia, nhưng về hoàn cảnh gia đình, trong trí nhớ của Văn Khác thì y chưa bao giờ đề cập đến. Văn Khác muốn tiếp tục đề tài, sau một hồi lo lắng, liều lĩnh, do dự, Khương Dĩ An nói: “Cậu hỏi đi.”
Văn Khác cân nhắc, nói: “Em muốn biết mọi chuyện về anh, muốn nói với em bao nhiêu là tuỳ anh quyết định.”
Khương Dĩ An đặt bát xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ, vò nhàu tờ khăn giấy trong tay: “Mẹ nuôi của tôi họ Khương, tôi lấy họ của bà. Bà là… một người câm điếc.” Đôi mắt đỏ hoe, y uống hai ngụm trà để nuốt trôi nỗi khổ sở, cố gắng nói với giọng điệu bình thường nhất có thể: “Tôi muốn học ngôn ngữ ký hiệu. Bà ấy nói làm vậy vì một người như bà sẽ lãng phí thời gian, thay vào đó bà muốn tôi tập trung vào việc học đại học hoặc học cái gì đó tôi thích.”
“Tôi được “Giải trí Hoa Phong” phát hiện và quyết định ra mắt với hình thức là một ban nhạc. Bà ấy sợ sự tồn tại của mình sẽ liên luỵ và gây ra ảnh hưởng xấu đến tôi, vì vậy…” Khương Dĩ An chớp chớp mắt và thở phào một hơi, “Bà ấy để lại một số tiền và bỏ đi.”
“Ngôi nhà thuê mà tôi ở sau đó đã bị phá bỏ, tôi chuyển vào ký túc xá công ty để sinh hoạt cùng các thành viên trong nhóm”.
Văn Khác lấy bao thuốc lá trong túi ra, chọn một điếu, châm lửa rồi đưa cho Khương Dĩ An. Một làn khói mỏng khẽ bay lên, Khương Dĩ An hít sâu hai hơi, tựa như được cứu vớt, giải tỏa bao phiền muộn chồng chất trong lồ ng ngực: “Đôi khi tôi cảm thấy bản thân rất ích kỷ và tàn nhẫn, đặc biệt là với mẹ mình.” Y cau mày nhìn chằm chằm vào khoảng không, tự giễu cười nói: “Tại sao tôi không thích hội họa, viết lách, nhiếp ảnh chứ? Nếu nhất quyết muốn làm nghệ sĩ, tôi thà trở thành diễn viên còn hơn.”
Khương Dĩ An khẽ lắc đầu, hốc mắt vẫn đỏ hoe. Y quay đầu nhìn Văn Khác, không hề che giấu cảm xúc: “Vậy mà tôi lại thành lập ban nhạc và trở thành ca sĩ, nhạc có hay đến đâu mẹ tôi cũng không nghe được…”
Trong cửa hàng rải rác những cuộc trò chuyện, không ai chú ý đến sự bộc bạch chân tình nơi góc nhỏ, hai người mặt đối mặt, Khương Dĩ An liều mạng dùng nicotin để đè nén nỗi bi ai đang cuồn cuộn dâng lên từ đáy lòng. Y không dám nhớ mẹ, mỗi lần nghĩ đến đều đau đến đòi mạng: “Khi tôi nhận ra điều này thì bà đã đi rồi, tôi hiểu rằng mẹ không muốn tôi vì mẹ mà phải hy sinh hay thay đổi gì cả.”
Khung cảnh xung quanh như mờ dần thành hơi nước mù mịt, lông mi run rẩy, Khương Dĩ An cắn điếu thuốc, đôi môi mím chặt hơi trắng bệch. Hồi lâu sau, y mới rút điếu thuốc ra, kẹp giữa các đốt ngón tay thon dài, tùy ý quẹt qua trán hai cái, bình tĩnh nói: “Nhưng bây giờ, tôi mừng vì bà ấy không ở bên tôi.”
– —-
Tác giả có chuyện muốn nói: Cảm ơn các bạn đã đọc.