RIÊNG VÀ KÍN
Cô Rebecca Sharp gửi cô Amelia Sedley, khu Quảng trường Russell, Luân-đôn (miễn bưu phí – Pitt Crawley).
Chị Amelia dịu dàng thân yêu nhất đời của em.
Em cầm bút biên thư cho chị thân yêu mà trong lòng lẫn lộn vừa mừng vừa tủi! Ôi! Ngày hôm nay khác ngày hôm qua biết bao nhiêu. Bây giờ, em cô đơn quá, chẳng có ai bầu bạn; mới hôm qua, em còn như được sống trong khung cảnh gia đình, bên cạnh một người chị dịu dàng mà em suốt đời quý mến.
Em không muốn kể lại chị nghe suốt cái đêm ác nghiệt em phải xa lìa chi, em đã buồn khổ, khóc lóc thế nào. Từ ngày thứ ba, chị đã bước vào một cuộc sống đầy hoan lạc và hạnh phúc, bên cạnh bà mẹ hiền, và người quân nhân trẻ tuổi chung tình của chị. Suốt đêm em nằm nghĩ đến chị, tưởng tượng cảnh chị đang khiêu vũ ở Perkins, và chắc chắn chị là người thiếu nữ đẹp nhất trong buổi dạ hội.
Thằng hầu đánh cái xe ngựa cũ kỹ đưa em đến căn nhà của cụ Pitt Crawley ở tỉnh; thằng Joe đối xử với em thô lỗ, hỗn xước quá chị ạ. (than ôi, sỉ nhục kẻ nghèo khổ và không may này thì dễ dàng quá !); nó giao em cho cụ Pitt. Đêm hôm ấy, em ngủ trong một cái giường cổ lỗ, tối tăm cùng với mụ già làm công cũng có vẻ âm thầm giữ việc dọn đẹp nhà cửa. Suốt đêm em không chợp mắt được lấy một phút chị ạ.
Cụ Pít không giống những vị nam tước mà hai chị em ngốc nghếch chúng mình tưởng tượng hồi hay đọc truyện “Cecilia” ở Chiswick đâu. Không có người nào khác hẳn bá tước Orville như lão ta. Chị cứ tưởng tượng một người có tuổi lùn, béo phị, thô lỗ, và bẩn kinh người, quần áo cũ rích, đi đôi ghệt tồi tàn, ngậm một chiếc tẩu khủng khiếp, và lại tự mình nấu lấy bữa ăn gớm ghiếc của mình trong cái chảo! Lão có cái giọng nói nhà quê lắm, và lại hay văng tục với mụ làm công, văng tục với cả thằng xà-ích đánh xe ngựa thuê chở chúng em đến cái quán chỗ xe đỗ, phần lớn ngày hôm nay, tuy đi xe mà em phải ngồi ngoài trời.
Mới sáng tinh mơ, mụ làm công đã đánh thức em dậy; đến cái quán, em được vào ngồi trong xe. Nhưng khi xe chạy đến một chỗ gọi là Leakington, thì trời bắt đầu mưa to, chị có thể tin được không?…Em bị bắt buộc ra ngồi ngoài trời, bởi vì cụ Pitt cũng là chủ xe, và lúc ấy có một hành khách đi Mudbury muốn vào ngồi trong xe; thế là em phải ngồi ngoài trời mưa, may quá, một chàng trẻ tuổi học ở Cambridge đại học đường có đem theo mấy tấm áo choàng, anh ta thương tình lấy một cái che cho em.
Chàng trẻ tuổi sang trọng này và người hầu hình như biết rõ vụ Pitt thì phải; họ thi nhau mà giễu cợt lão. Họ đồng ý với nhau đặt tên cho lão là “lão vắt cổ chày ra nước” nghĩa là hà tiện, bủn xỉn quá lắm. Họ nói chuyện rằng không bao giờ lão cho ai tiền (em vốn ghét cái tính bần tiện ấy); chàng trẻ tuổi sang trọng ấy còn bảo em rằng sở dĩ trong khoảng hai chặng đường cuối cùng xe đi rất chậm, là vì có cụ Pitt ngồi cạnh bác xà ích, mà đôi ngựa kéo xe trong đoạn đường này lại là của cụ. Anh sinh viên trẻ tuổi nói: lúc nào tôi cầm cương anh có muốn tôi quất vài roi cho nó chóng đến Squashmore không? Bác xà ích đáp: “cậu Jack ạ, cậu cứ quất cẩn thận cho tôi”. Em hiểu ý nghĩa của câu nói; và biết cậu Jack định cầm cương ngựa để trả thù lão, em cũng cười.
Thế cũng có một cái xe đóng hai cặp ngựa rất đẹp chờ chúng em ở Mudbury, cách trại Crawley Bà chúa bốn dặm. Chúng em bắt đầu đi vào trong phạm vi khu vườn riêng của lão nam tước. Một con đường rộng thênh thang rất đẹp cách tòa nhà chính đến một dặm. Người đàn bà ở căn nhà cạnh cổng lớn vội vái chào chúng em lia lịa (mé trên những cột trụ ở cổng có tạc hình một con rắn và một con chim bồ câu, đỡ chiếc huy hiệu riêng của gia đình Crawley) đoạn mở tung hai cánh cổng sắt cũ có chạm trổ ra, trông giống như những cánh cổng ở cái chỗ Chiswick khốn kiếp. Cụ Pitt bảo em: “Con đường lớn này dài một dặm. Cây trồng ở đây trị giá có tới sáu ngàn đồng bạc gỗ. Cũng là một món tiền đấy chứ?”. Lão nói “đường lớn” là “đàng nớn” và “món tiền” là “món tờn”, buồn cười quá. Lão cho ông Hodson, một người tá điền của lão ở Mudbury, lên ngồi trên xe; hai người nói với nhau toàn những chuyện “quyền trữ”, chuyện bán đấu giá, chuyện tháo nước úng, chuyện khai thác, và bao nhiêu là chuyện trong nghề làm ruộng, làm trại…em chịu không hiểu nổi. Một người là Xam Mang săn trộm bị bắt, một người là Pơtơbailê đã bị đưa vào nhà tê bần rồi. Cụ Pitt nói: “Cho nó đáng kiếp, nó và gia quyến đã lừa tôi trong cái trại này có tới một trăm năm mươi năm nay”. Hình như có người tá điền cũ nào đó không trả được nợ thì phải.
Giá cụ Pitt nói “nó và gia đình nó” thì đúng hơn, nhưng các vị nam tước giàu có cần gì để ý đến văn phạm như mấy cô giáo dạy tư nghèo đói!
Xe đang đi, em chợt nhìn thấy một cái nóc nhà thờ rất đẹp vươn lên sau mấy cây du trong vườn trại. Phía trước hàng cây này, giữa một bãi cỏ xanh xung quanh rải rác mấy căn nhà nhỏ, có một nếp nhà cổ quét vôi đỏ, trên nóc nhà ló ra nhiều ông khói lò sưởi lớn bị che kín dưới giàn lá trường xuân, ánh nắng chiếu vào cửa sổ sáng lấp lánh.
Em hỏi: “Thưa cụ, kia là nhà thờ riêng của nhà ta?”
– Phải, kệ mẹ nó! (cụ Pitt đáp vậy; chị ạ, lão lại càng dùng những tiếng thô bỉ hơn trước): Này Hodson, Buty ra sao? Buty là Bute, tên em tôi, cô ạ…lão mục sư em tôi ấy mà. Tôi thường gọi hắn là Buty, là đồ con chó, ha! ha! .
Hodson cũng cười theo, rồi lấy vẻ mặt trầm ngâm gật gù cái đầu nói: “Cháu sợ rằng ông ấy dạo này khá hơn, cụ Pitt ạ. Hôm qua, ông ấy cưỡi con ngựa non ra đồng thăm lúa của chúng ta đấy”.
– Làm thế nào mà truất “mẹ” nó cái khoản thuế thập phân của hắn đi (lão lại cứ dùng mãi cái tiếng thô bỉ ấy). Ma men chưa vật chết hắn à. Hắn sông dai như cụ gì mấy nhỉ? À, cụ Bành tổ.
Ông Hodsonlại cười:
– Bọn thanh niên mới ở trường về nghỉ, họ đánh John Scroggins một trận nhừ tử, suýt chết.
Cụ Pitt gầm lên:
– Đánh người phụ gác của tao!
Ông Hodson đáp:
– Anh ta săn trộm trong trại của ông mục sư, thưa cụ.
Cụ Pitt phát điên lên, thề rằng hễ bao giờ bắt được họ săn trộm trong phạm vi trại mình, lão sẽ bắt họ đi đầy; lão thề độc như vậy. Rồi lão nói: “Tao đã bán quyền kế thừa cai quản rồi, Hodson ạ, bọn con cái nó đừng có hy vọng”.
Ông Hodson bảo rằng lão nói chí phải. Nghe chuyện, em đoán rằng hai anh em đang có hiềm khích…Anh em, chị em ruột thường vẫn thế. Chị còn nhớ hai chị em cô Scratchleys ở Chiswick không? Họ cãi nhau, đánh nhau cứ như cơm bữa và cô Mary Box đấm cô Louisa mới ghê chứ.
Vừa lúc ấy, thấy trong rừng có hai thằng bé con đang nhặt củi khô, cụ Pitt ra lệnh cho ông Hodson nhảy tót xuống xe cầm một cái roi xông tới. Lão nam tước hét: Hodson, quật đi; đánh mất mạng cho tao, rồi đem chúng nó vào trong nhà kia, đồ mất dạy. Tao nhất định sẽ bỏ tù chúng nó chắc chắn như tên tao là Pitt vậy? Em nghe thấy tiếng roi của ông Hodson quật vun vút xuống vai mấy em bé đang gào khóc lạy van. Cụ Pitt thấy hai em bé đã bị nhốt cẩn thận rồi mới đánh xe vào trong nhà.
Toàn thể gia nhân đã sẵn sàng đón chào chúng em và…
Chị thân mến ạ, đêm qua đang viết dở lá thư cho chị, thì có tiếng đập thình thình ở cửa, làm em phải ngừng bút; ai đấy, đố chị đoán ra được? Cụ Pitt Crawley đội mũ ngủ, mặc áo ngủ, chết người không! Trông thấy lão, em sợ quá lùi lại thì lão bước thẳng vào phòng, cầm lấy cây nến, nói: “Cô Becky, quá mười một giờ, không được phép thắp nến. Tối cũng mặc, lên giường mà ngủ đi, đồ nỡm non (lão gọi em như vậy đấy): nhớ kỹ, cứ đến mười một giờ thì phải đi ngủ; nếu không đêm nào tôi cũng vào tắt nến đấy”. Nói xong, lão và bác hầu phòng Horrocks vừa đi ra vừa cười. Dĩ nhiên em chẳng dám khuyến khích họ đến thăm như vậy. Đêm đêm, họ thả rông hai con chó nòi to kếch xù; chúng rít và sủa trăng suốt đêm qua. Lão Pitt bảo: “Tôi đặt tên con chó này là Gorer, nó đã cắn chết một người; nó khỏe lắm, vật nổi cả bò tót, còn con mẹ tôi đặt tên là Flora. Nhưng bây giờ tôi đổi tên nó là Aroarer, vì nó già quá rồi, không cắn được nữa, Hô! Hô!”
Tòa nhà chính của trại Crawley Bà chúa là một ngôi nhà cổlỗxây bằng gạch đỏ, trông thật đáng ghét, có những ống khói lò sưởi to tướng, tường hồi xây theo kiểu thời nữ hoàng Bess. Trước nhà, có một cái nền gạch, mé bên có dựng bức tượng con rắn và con bồ câu tiêu biểu cho gia đình; mọi cửa lớn phòng khách đều nom ra sân. Ôi chao, chị ạ, phòng khách chính to quá mà cũng tôi như gian phòng khách lớn trong lâu đài Udolpho ấy. Có một cái lò sưởi kếch xù, giá ta nhét một nửa cái trường của bà Pinkerton vào cũng vừa; chiếc giàn sắt cũng to, có thể dùng để quay ít nhất là một con bò cũng được. Quanh phòng, treo la liệt hình vẽ các thế hệ của dòng họ Crawley, có người râu ria xồm xoàm, cổ đeo đăng-ten hoa; có người đeo bộ tóc giả rậm rạp, ngón chân cái thò ra ngoài giày; có người mặc bộ áo chèn và áo ngoài dài lượt thượt và cứng nhắc, trông ngay đườn đưỡn như cái cột, có người tóc uốn xoăn lại thành từng chùm nhỏ và dài; chị ạ, cuối phòng có cái cầu thang lớn bằng gỗ sồi đen, trông đến sợ. Hai bên có nhiều cửa lớn, phía trên mỗi cửa có treo một cái đầu hươu. Những cửa này mở sang gian phòng chơi bi-a, phòng sách, phòng khách lớn sơn vàng, và những căn phòng phụ dùng ngồi chơi buổi sáng. Em đoán dưới nhà phải có ít nhất là ba chục phòng ngủ. Nữ hoàng Elizabeth đã từng ngủ trên một cái giường ở đây. Sáng nay, mấy cô học trò mới của em đã dẫn em đi xem qua tất cả những căn phòng đẹp đẽ ấy.
Màn cửa buông im ỉm, phòng nào cũng tối om, Bước vào phòng nào, em cũng sợ phải nhìn thấy một cái bóng ma lù lù hiện ra, lúc có ánh sáng soi vào. Phòng học của chúng em ở tầng hai, một đầu ăn thông sang phòng ngủ của em, một đầu ăn thông sang phòng ngủ của hai cô con gái ông chủ. Rồi đến những gian phòng riêng của ông Pitt, thường gọi là ông Crawley, tức là con trai cả, rồi đến những gian phòng riêng của ông Rawdon Crawley…ông này cũng là một sĩ quan như người ta, thường sống trong trại lính. Ở đây thì không thiếu buồng, giá tất cả mọi người ở công viên Russell dọn đến cũng vẫn còn thừa chỗ.
Em đến độ nửa giờ, thì chuông báo giờ ăn bắt đầu điểm.
Em cùng hai đứa học trò xuống nhà (chúng gầy nhom, hai con nhóc con mặt mũi chẳng ra sao, đứa lên mười đứa lên tám). Em vận chiếc áo lụa quý báu của chị (mà con mẹ Pinner đáng ghét cứ hằn học mãi vì chị cho em). Họ coi em như người trong gia đình, trừ những ngày tiếp khách, khi ấy em và hai cô tiểu thư ăn ở trên gác. Vâng, đã nghe tiếng chiếc chuông to báo giờ ăn điểm; chúng em tề tựu đủ mặt trong gian phòng khách, chỗ Crawley phu nhân đang ngồi. Bà này là bà hai, mẹ đẻ ra hai cô con gái. Bà là con gái một nhà buôn sắt, cuộc hôn nhân này hồi ấy được coi là môn đăng hộ đối lắm.
Nom bà ta thì hình như xưa kia cũng đẹp, mà đôi mắt hình như đã khóc nhiều vì sắc đẹp tàn tạ của mình. Người bà ta gầy, nước da tai tái; hai vai dô cao lên; lúc nào bà ta cũng im lặng. Còn chồng của bà là ông Crawley cũng có mặt trong phòng, ăn mặc chỉnh tề, trông long trọng như một ông chủ cho thuê đòn đám ma. Ông ta người gầy, xấu trai, nước da cũng tái, ít nói; chân thì khẳng kheo, ngực lép kẹp, râu tóc một màu xám xịt như màu rơm khô. Trông ông ta giống hệt bà mẹ trong bức tranh treo trên lò sưởi…tức là bà Griselda trong gia đình Binkie.
Crawley phu nhân bước lên cầm lấy tay em, nói:
– Anh Crawley ạ, đây là cô giáo mới đấy, gọi là cô Sharp.
– Ô!
Ông Crawley vừa nói vừa vươn cổ ra nhìn, rồi lại cúi xuống đọc một bài xã thuyết. Crawley phu nhân lại nói, đôi mắt trông như lúc nào cũng đẫm lệ.
– Tôi mong rằng cô sẽ dịu dàng đối với các em.
Cô con gái lớn nói:
– Kìa, má, dĩ nhiên cô ấy dịu dàng. Con chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ biết cô này không đáng sợ.
– Thưa phu nhân, bữa ăn đã dọn xong.
Anh hầu vào báo; anh ta mặc toàn đồ đen, cổ quấn một cái đăng ten hoa to tướng, trông giông như cái đăng-ten hoa ở cổng hoàng Elizabeth trong bức tranh treo ngoài gian phòng lớn. Phu nhân cầm tay ông Crawley dẫn đầu đi sang phòng ăn; còn em đi sau, hai tay dắt hai cô học trò.
Cụ Pitt đã ngồi sẵn ở đó, tay cầm một cái cốc bạc. Lão vừa mới ở trong hầm rượu ra, cũng ăn mặc rất chỉnh tề, nghĩa là lão đã cởi bỏ đôi ủng, để lộ đôi chân ngắn ngủn đi bí tất len đen. Mặt bàn bày la liệt đĩa cổ, đĩa hoa quả cổ, bình đựng dấm cổ, bằng vàng có, bằng bạc có, sáng choang trông y như trong cửa hiệu Rundell và Bridge vậy. Mọi thứ trên bàn ăn đều bằng bạc, hai bên bàn có hái thằng hầu, tóc đỏ bận chế phục màu vàng thanh, đứng túc trực.
Ông Crawley đọc một đoạn kinh dài, cụ Pitt nói “A men”. Người nhà bắt đầu nhấc những cái vung lớn bằng bạc úp trên các đĩa ăn đem đi.
Lão nam tước nói:
– Betsy, hôm nay có cái gì ăn thế?
Crawley phu nhân đáp:
– Hình như có cháo thịt cừu, ông ạ.
Anh hầu bàn trịnh trọng đáp:
– Mouton aux navets (xin các bạn đọc là mu-tông-ô-na-vê); món súp thì có potage de mouton à l’Écossaise. Các món phụ gồm pommes de terre au naturel và choufleur à l’eau ().
Lão nam tước đáp:
– Thịt cừu vẫn là thịt cừu; ngon tuyệt đấy a. Horrocks, con cừu nào đấy, thịt bao giờ?
– Bẩm cụ, thịt một con cừu mặt đen, giống Scotch. Chúng con thịt hôm thứ ba.
– Có ai mua miếng nào không?
– Bẩm cụ, lão Steel ở Mudbury lấy cái thân và hai đùi; nhưng bẩm cụ, hắn bảo rằng con này non quá, chỉ được cái nhiều lông, thịt gầy lắm.
Ông Crawley nói:
– Mời cô dùng một chút súp…cô…à, cô Blunt.()
Cụ Pít nói:
– Món cháo Scotch ngon tuyệt, cô ạ, tuy rằng họ đặt tên bằng tiếng Pháp.
Ông Crawley kiêu ngạo đáp:
– Thưa ba, con tin rằng trong giới thượng lưu vẫn có phong tục đặt tên các món ăn như ta vừa gọi.
Hai tên hầu mặc áo vàng bưng món “mouton aux navets” ra đựng trong những đĩa ăn súp bằng bạc. Đoạn bọn con gái chúng em được uống rượu bia pha nước lã đựng trong cốc uống vang. Em không sành về rượu bia, nhưng có điều chắc chắn là em thích uống nước lã hơn. Trong khi đang ăn, cụ Pitt tìm dịp hỏi về mấy cái vai cừu. Bà vợ đáp:
– Có lẽ dưới nhà bếp họ ăn rồi.
– Cái con lợn đen nhớn nòi xứ Kent bây giờ chắc béo lắm đấy nhỉ?
– Bẩm cụ, béo múp míp.
Bác quản lý trả lời rất trịnh trọng: nghe nói, cụ Pitt và cả hai cô con gái cũng cười rũ rượi.
Ông Crawley nói:
– Cô Crawley, Rose Crawley, tôi không hài lòng vì cái cười rất không đúng chỗ của cô.
Lão nam tước đáp:
– Đừng để ý đến chuyện ấy, ngài ơi; thứ bảy, ta sẽ hỏi thằng chăn lợn xem thế nào. John Horrocks, sáng thứ bảy giết một con, nghe. Cô Sharp thích ăn thịt lợn phải không cô.
Em nhớ rằng suốt bữa ăn, câu chuyện quanh quẩn chỉ có thế. Ăn xong, họ đặt trước mặt cụ Pitt một cốc lớn nước nóng, và một chai…hình như rượu rum thì phải. Bác Horrocks rót cho em và hai cô con gái mấy cốc rượu vang: phu nhân cũng dùng một cốc đầy. Lúc chúng em rời khỏi phòng ăn, phu nhân lấy trong ngăn kéo ra một mảnh len đan to tướng dài vô tận; còn hai cô con gái bắt đầu giở một cỗ bài “xì” cáu ghét ra chơi với nhau. Chỉ thắp có mỗi một ngọn nến nhưng cắm trên một cái giá nến cổ bằng bạc. Phu nhân hỏi em vài câu chuyện sau đó em có quyền lựa chọn cách giải trí, hoặc đọc một cuốn sách giảng đạo, hoặc đọc bài xã thuyết về đạo luật đánh thuế lúa mì mà ông Crawley đọc trước bữa ăn.
Chúng em cứ ngồi thế đến một tiếng đồng hồ, cho tới khi nghe có tiếng chân bước. Phu nhân hốt hoảng nói:
– Cất bài đi, các cô. Cô Sharp, bỏ quyển sách của Crawley xuống.
Vừa cất xong các thứ thì ông Crawley bước vào, ông ta nói:
– Này, hai cô. Ta tiếp tục cuộc thảo luận hôm qua chứ. Lần lượt mỗi cô sẽ đọc một trang, để cho cô…a, cô Short có dịp nghe xem thế nào.
Thế là hai cô gái đáng thương phải đánh vần nốt bài giảng đạo ghê gớm dài dằng dặc đọc ở nhà thờ Bethesda ở Liverpool, bài văn này biện hộ cho việc truyền giáo cho những người Inđiên ở Chickasaw. Chị xem, một buổi tối như thế có thú vị không?
Đến mười giờ, phu nhân sai bọn đày tớ mời cụ Pitt và toàn bộ gia nhân đi cầu kinh. Cụ Pitít bước vào đầu tiên, mặt đỏ tía dáng đi hơi chếnh choáng. Sau cụ là bác quản lý, hai thằng hầu mặc áo vàng, người hầu riêng của ông Crawley, ba người nữa sặc mùi phân ngựa, và bốn người đàn bà….trong số này có một người mặc quá nhiều quần áo, lúc khuỵu đầu gối xuống lễ cứ gườm gườm nhìn em như nhìn kẻ thù.
Ông Crawley diễn thuyết và giải thích một hồi, đoạn chúng em cầm nến đi ngủ. Thế là sau đó em ngồi viết thư cho chị và bị cản trở như chị đã rõ, chị Amelia thân yêu ạ.
Chúc chị ngon giấc. Hôn chị hàng nghìn, hàng nghìn, hàng nghìn lần.
Thứ bẩy – Sáng nay, lúc năm giờ, em nghe tiếng con lợn đen con kêu rống lên. Hôm qua Rose và Violet đã dẫn em ra xem chuồng lợn, chuồng ngựa, cũi chó, rồi đi thăm người làm vườn; bác này đang hái quả mang ra chợ bán; hai cô con gái cứ nằn nì xin một chùm nho trồng trong “nhà cây”, nhưng bác làm vườn bảo cụ Pitt đã đếm từng quả rồi; bác mà cho ai quả nào thì cứ gọi là mất việc.
Hai cô con gái vớ được một con ngựa non trên bãi cỏ, hỏi em có muốn cưỡi không, rồi cả hai leo lên cưỡi ngựa, thằng bồi ngựa vội kêu ầm lên chạy đến kéo hai đứa đi.
Lúc nào cũng thấy Crawley phu nhân ngồi đan len. Đêm nào cụ Pitt cũng say mèm; hình như cụ uống tay đôi với bác quản lý Horrocks thì phải. Tối nào ông Crawley cũng đọc kinh, và sáng ra thì hoặc ở tịt trong phòng riêng, hoặc cưỡi ngựa đi Mudbury lo công việc hàng quận, vào những ngày thứ tư và thứ năm, ông ta hay đi Squashmore để giảng đạo cho bọn tá điền.
Em xin gửi lời kính chúc hai bác, ông anh của chị đã khỏi say rượu chưa. Ôi, chị thân mến, chị thân mến ơi! Đàn ông phải hết sức tránh xa rượu chè lắm lắm đấy!
Mãi mãi là em của chị Rebecca.
Xét cho cùng thì tôi nghĩ rằng cô Amelia của chúng ta ở công viên Russell phải ly biệt cùng cô Sharp, lại là một việc tốt. Rebecca là người rất kỳ lạ, buồn cười. Cái cách cô ta kể chuyện bà nam tước đáng thương khóc lóc vì sắc đẹp tàn tạ, và chuyện ông con trai có bộ “râu tóc xám xịt màu rơm” thật giỏi, chứng tỏ nhất định cô ta phải rất thạo đời.
Nguyên một việc đang quỳ mà cô ta còn nghe được những chuyện khác hay ho hơn là mấy cái dải đăng ten của cô Horrocks, cũng đủ bắt cả tôi và bạn ngạc nhiên. Song cũng yêu cầu bạn đọc nhớ cho rằng chuyện này có tên là Hội chợ phù hoa; mà Hội chợ phù hoa thì chính là một nơi toàn những chuyện ngu xuẩn, vô nghĩa lý, toàn những chuyện giả dối huênh hoang. Trong khi ấy nhà đạo đức đứng trước tấm màn sân khấu (đúng là hình ảnh của kẻ hèn này) còn đang tuyên bố rằng nhất định không chịu đội mũ đi hia, mà vẫn chỉ mặc bộ áo nhà nghề có hai tai dài của người làm trò hề; song các bạn thấy không, người ta nhìn thấy sự thật thế nào, bắt buộc phải nói y như vậy, dầu phải khoác tấm áo choàng có đính nhạc, hay được đội mũ vành vểnh lên của quan lớn; và dĩ nhiên, việc ấy sẽ đẻ ra lắm chuyện khó chịu.
Tôi nghe nói có một anh ở tỉnh Naples chuyên nghề kể chuyện rong, một bữa thao thao bất tuyệt trước một đám đông thính giả lười biếng vô tích sự gần bờ biển; đang kể chuyện mấy con người quá tồi tệ, anh ta bỗng nổi khùng với đám nhân vật mình bịa ra, đến nỗi cử tọa cũng không nhịn được; và cả diễn giả, cả thính giả cùng lên tiếng ầm ĩ chửi rủa cái con quỷ dữ trong chuyện; thế rồi chiếc mũ đi vòng quanh trước mặt mọi người, và những đồng bajochi mưa xuống tới tấp, giữa tiếng cười tán thưởng của tất cả công chúng.
Trái lại, ở những nhà hát nhỏ tại Paris không những chúng ta chỉ nghe thấy khán giả hét: “A, thằng đểu?A, đồ quỷ!”() và ngồi ngay tại chỗ chửi rủa vai bạo chúa trên sân khấu; mà ngay cả các diễn viên cũng nhất định từ chối không chịu sắm những vai “phản diện”, thí dụ đóng vai “những tên người Anh đểu giả”() những tên “Cossacks tàn nhẫn” chẳng hạn, và còn gì nữa? Thà chịu rút lương mà được sắm vai những người dân Pháp trung thực, họ cũng thích.
Tôi nêu lại hai câu chuyện song song để các bạn đọc thấy rằng không phải vì mục đích lý tài mà kẻ thủ vở này đang muốn trình bày những nhân vật tồi tệ để vùi dập họ. Chính vì hắn ta thực tâm khinh ghét chúng, không thể nhịn được, đành phải dùng những lời thô tiếng nặng thích hợp để cho dịu bớt nỗi căm chất chứa trong lòng.
Tôi xin báo để các “bạn quý” biết trước rằng tôi sắp kể một câu chuyện xấu xa đau lòng và cũng là một tội ác phức tạp… song, tôi tin rằng chuyện cũng khá lý thú. Xin cam đoan rằng bọn lưu manh này không phải là những tay “mèng”. Đi đến những chỗ sang trọng ta cũng phải biết ăn nói lịch sự… nhưng khi đã trở về những nơi thôn quê lặng lẽ thì ta nên yên lặng. Trong một cái thùng giặt, mà lại có bão táp thì thực là vô lý. Những chuyện ấy ta để dành cho đại dương hùng vĩ và đêm tối quạnh hiu. Tấu trò sắp diễn đây cũng chỉ rất nhẹ nhàng. Những kẻ khác…
Song ta không nên nói trước.
Khi đưa các nhân vật ra trò với tư cách là một con người, và một người anh em trong nghề, tôi xin phép không những chỉ giới thiệu họ mà còn thỉnh thoảng được rời sân khấu bước xuống dẫn giải thêm vài lời về họ; nếu họ tốt, xin được phép yêu mến và bắt tay họ; nếu họ tồi, xin được phép che tay áo mà cười; còn nếu chúng đểu quá thì xin được dùng những tiếng thô bạo nhất mà sự lễ độ có thể cho phép để chửi vào mặt chúng.
Ngoài ra chắc các bạn tưởng rằng chính tôi đã phì cười trước cảnh cầu kinh mà cô Sharp cũng cảm thấy là hài hước, cũng chính tôi phải cười cợt một cách thú vị trước hình ảnh lão nam tước già nua lảo đảo say mèm như Silenus ().Thế mà người cười lại là một kẻ không biết kính trọng điều gì ngoài sự giàu có. Không biết nể nang cái gì ngoài sự thành công. Sống và làm ăn phát đạt trong cuộc đời là những con người có tên là…Vô tín ngưỡng, Vô hy vọng, Vô từ tâm. Các bạn thân mến ơi, ta phải ráng hết sức mà choảng cho chúng một trận. Bọn chúng vô khối thằng làm nên khá giả mà thực ra chỉ là bọn lang băm và làm trò hề. Chính trong khi đấu tranh với chúng và lột mặt nạ bọn chúng mà chúng ta được một mẻ cười đấy.