Hội Chợ Phù Hoa

Chương 51



MÀN KỊCH ĐỐ CHỮ

Becky được dự vào hàng những quý khách lựa chọn và thân thiết của hầu tước Steyne, thế là coi như nguyện vọng leo lên địa vị thượng lưu đài các đã được thoả mãn. Nhiều toà lâu đài sang trọng đồ sộ nhất ở kinh đô đã sẵn sàng mở cửa tiếp đón cô ta, những toà lâu đài sang trọng quá, kẻ viết truyện này cũng như các bạn độc giả khó lòng có hy vọng len lỏi vào được. Hỡi các bạn, trước những cánh cửa thâm nghiêm ấy, chúng ta hãy run sợ. Tôi cứ tưởng tượng như ngoài cổng vẫn có những tên hầu phòng cầm xiên bạc xiên vào bụng những kẻ nào không được phép mà cứ len lỏi vào bằng được. Họ đồn rằng cái anh phóng viên nhà báo hiền lành ngồi trong phòng lớn ghi tên các vị tai mặt đến dự tiệc, ít lâu sau bỗng nhiên chết thẳng cẳng. Anh ta không thể chịu đựng nổi làn ánh sáng chói chang của giới thượng lưu đốt cháy anh ta, như xưa kia nàng Semele (), một con thiêu thân dại dột đáng thương, đã bị cháy vì dám vượt khỏi môi trường tự nhiên của mình mà ngó thần Jupiter rực rỡ trong bộ áo lửa. Những kẻ thượng lưu lui tới các phòng khách thính ở công viên Tyburnia hoặc công viên Belgravia hãy lấy đó làm bài học… câu chuyên của Semele cũng rất có thể là câu chuyện của Becky. Ôi, hỡi các bậc mệnh phụ… Hãy hỏi Thurifer tiên sinh xem Belgravia có phải chỉ là một tấm biển đồng gõ kêu loong coong và Tyburnia, một chiếc chũm chọe kêu xoang xoảng không. Những chuyện phù phiếm ấy chỉ được một thời. Rồi một ngày kia (nhưng may thay, đến ngày ấy, chúng ta đã không còn nữa) công viên Hyde sẽ không ai buồn đặt chân tới như vườn ở ngoại ô thành Babylon vậy, công viên Belgravia cũng sẽ vắng vẻ như phố Baker và Tadmor trong cảnh hoang vu.Thưa các bà, các bà có biết rằng Pitt đại nhân đã sống ở phố Baker không? Các cụ bà của chúng ta xưa kia mất gì cũng không tiếc, miễn là được mời đến dự bữa biếc đó do Hester phu nhân tổ chức trong tòa nhà ấy mà giờ đây đã đổ nát. Tôi đã từng có dịp dùng cơm tại đấy… chính tôi là kẻ đang nói chuyện với các bạn đây này(). Tôi tưởng tượng khách khứa trong phòng là những bóng ma của bạn bè nhà quý tộc thế lực đã quá cố. Trong khi chúng tôi ngồi uống rượu vang cùng những người đã chết trở về quây quần xung quanh các bàn ăn lạnh lẽo. Vị thuyền trưởng có tài đã vượt qua cơn bão táp đang nốc những cốc rượu mạnh lớn: bóng dáng của Dundas tiên sinh vẫn không chịu rời khỏi ngấn rượu cặn ma quái; Addington ngồi nghiêng đầu cười gằn một cách quái đản; lúc chai rượu được lặng lẽ chuyền tay nhau, ngài cũng không chịu kém cạnh. Scott với đôi lông mày sâu róm cũng nheo mắt nhìn tô rượu cất để lâu năm. Wilberforce () ngước mắt nhìn trần nhà, không để ý rằng cốc rượu nâng lên môi thì đầy mà lúc đặt xuống đã cạn không còn một giọt… Tiên sinh đang chiêm ngưỡng cái trần nhà mới hôm qua vẫn còn trên đầu chúng ta, và đã được bao nhiêu nhân vật tai mặt nhìn ngắm. Bây giờ tòa lâu đài đã biến thành phòng cho thuê rồi. Thưa vâng, Hester phu nhân có hồi đã sống ở phố Baker, bây giờ đang yên giấc giữa nơi hoang vu vắng lặng. Eothen đã trông thấy phu nhân, không phải là ở phố Baker mà là ở giữa một nơi hoang vắng khác.

Hiển nhiên toàn là những chuyện phù hoa, nhưng ai là người chẳng ưa thích đôi chút? Tôi thách vị nào có tính tình cương nghị, ghét được món thịt bò rán bởi lẽ nó không có giá trị vĩnh cửu đấy. Thịt bò rán cũng là một thứ phù hoa, nhưng tôi vẫn mong các vị đọc truyện này mỗi người có một tảng để xơi, dầu tôi có tới năm mươi vạn độc giả. Vậy mời các ngài ngồi vào bàn và ăn cho ngon miệng, món mỡ, món nạc, rồi nước sốt, gia vị, tùy sở thích… xin lấy thêm một miếng sườn rán nhỏ. Phải lắm, hãy ăn cho kỳ thích những thứ phù hoa này và lấy đó làm sung sướng. Còn Becky, hãy mặc cô ta với những thú vui của giới thượng lưu quý tộc, bởi lẽ cũng như mọi trò giải trí của con người, những thú vui ấy không phải là vĩnh cửu.

Việc Becky đến thăm hầu tước Steyne có kết quả ngay. Hôm sau, nhân gặp trung tá Crawley ở câu lạc bộ, ngài quận công Peterwaradin chộp ngay lấy cơ hội để nối lại mối dây trên lạc với anh ta; không những thế, gặp Becky đi chơi ở công viên Hyde, ngài có ngả mũ chào rất lễ độ. Hai vợ chồng Becky lập tức được ngài quận công mời đến dự một buổi tiếp thân mật tại lâu đài Bình Minh.

Ngài ngụ tạm ở đấy trong thời gian vị quý tộc chủ lâu đài vắng mặt ở nước ngoài. Tiệc xong Becky hát cho đám quan khách chọn lọc nghe. Hầu tước Steyne cũng có mặt bữa ấy, lão rất hài lòng theo dõi sự tiến bộ của cô học trò với thái độ che chở.

Tại lâu đài Bình Minh, Becky được tiếp xúc với một nhân vật thượng lưu phong nhã nhất, và cũng là một chính khách có tài nhất châu Âu, tức là quận công de la Jabotiere, hồi này ngài đang lãnh nhiệm vụ đại sứ đặc mệnh của vị Hoàng đế mộ đạo nhất; sau này ngài được Hoàng đế cử làm thượng thư.

Tôi xin công nhận rằng được cầm bút viết tên của những bậc kỳ tài như thế, mũi tôi phổng lên vì kiêu hãnh. Tôi lại phải nghĩ rằng Becky quả có vinh dự được giao tiếp với những con người cao quý biết bao! Cô ta trở thành người khách quen thuộc của tòa đại sứ Pháp, nơi đây không buổi họp mặt nào được coi là hoàn hảo nếu bà Rawdon Crawley xinh đẹp không đến dự.

Các ngài de Truffigny (dòng dõi gia đình Perigord) và Champignac (cả hai đều là tùy viên đại sứ quán) cùng một lúc bị sắc đẹp của bà vợ ông trung tá bắt mất hồn; cả hai theo đúng phong tục của nước họ cùng tuyên bố rằng họ rất “ăn ý” với bà Rawdon xinh đẹp (bởi vì có bao giờ một người Pháp rời khỏi nước Anh mà không để lại sự khổ sở cho hàng tá gia đình và không mang theo trong sổ tay của họ khoảng ngần ấy trái tim?).

Song tôi không tin lời tuyên bố của họ là đúng sự thực.

Champignac vốn mê đánh bài xì, tối tối hay ngồi sát phạt với viên trung tá trong khi Becky hát cho hầu tước Steyne nghe ở phòng bên, còn de Truffigny thì ai mà không biết. Đố lão dám vác mặt đến tiệm rượu “Người du khách”, vì lẽ lão nợ tiền cả bọn bồi bàn; ví thử lão không đến được tòa đại sứ để ăn cơm thì đến chết đói mất. Vậy nên tôi mới ngờ rằng không lẽ Becky chịu chọn hai vị này để lọt vào mắt xanh làm gì. Hai ngài tha hồ mà chạy việc hộ cô ta, nào sắm bao tay, nào mua hoa tặng, lại đi vay công lĩnh nợ mà chuốc vé “lô” rạp Opera mời người đẹp, tìm trăm phương nghìn kế để lấy lòng mỹ nhân. Họ nói tiếng Anh liều lĩnh một cách đáng phục; Becky và hầu tước Steyne nghe mà tức cười. Cô ta vẫn hay làm điệu bộ bắt chước họ ngay trước mặt, lại nghiêm trang ngỏ ý khen họ học tiếng Anh tấn tới trông thấy, làm cho ông thầy hay giễu cợt của cô ta là hầu tước Steyne không sao nhịn được cười. de Truffigny cho bà Briggs một tấm khăn san, định lấy lòng người bạn thân tín của Becky, lão nhờ bà này đưa hộ một lá thư; người đàn bà không chồng chất phác quá, đưa ngay cho chủ trước mặt mọi người. Ai đọc thư cũng phải phì cười. Hầu tước Steyne cũng đọc; tất cả mọi người đều đọc cả, chỉ trừ có anh chàng Rawdon thực thà, mà đối với anh chàng này thì cũng chẳng cần phải kể lại hết mọi việc xảy ra trong căn nhà nhỏ ở khu May Fair. Không những Becky đã giao thiệp với những “đệ nhất phu nhân” ngoại quốc, theo cách nói lóng của giới quý tộc lịch sự chúng ta, mà còn quen thuộc cả những “đệ nhất nhân vật” người Anh nữa. Tôi không có ý muốn nói cô ta quen toàn những người đứng đắn nhất, hoặc không đứng đắn nhất, những người thông minh nhất, hoặc ngu độn nhất, hoặc những người giàu có dòng dõi cao sang nhất; tôi chỉ muốn nói là những “đệ nhất nhân vật”… nói cho gọn tức là những người không có tai tiếng gì…Thí dụ như bậc mệnh phụ Fitz-Willis phu nhân, người bảo trợ đáng kính của tập san quý tộc, Slowbore phu nhân, Grizzel Macbeth phu nhân tục danh là công nương Glowry, con gái bá tước Grey Glowry, v.v. Một khi bá tước Fitz-Willis phu nhân đã che chở cho ai, thì người ấy trở thành bất khả xâm phạm; (phu nhân vốn thuộc dòng dõi gia đình ở khu phố Nhà vua, xin xem cuốn “Debrett”), không ai còn dám nghi ngờ điều gì về họ nữa. Cũng không phải vì Fitz-Willis phu nhân là người hay ho hơn ai; trái lại, phu nhân đã năm mươi bảy cái xuân xanh, cuộc đời đang ngả màu, không đẹp, chẳng giàu có gì, mà cũng không hấp dẫn nổi ai, nhưng ai ai cũng công nhận phu nhân là một “đệ nhất nhân vật”. Hình như vì có mối hiềm khích giữa Steyne phu nhân (nguyên là hồi chưa chồng còn gọi là công nương Georgina Frederica, phu nhân đã có lần tranh địa vị nâng khăn cho hầu tước Steyne mà không được), con người nổi tiếng phong lưu đài các ấy bèn quyết định nâng đỡ bà Rawdon Crawley; trong một buổi họp mặt do mình chủ tọa, thấy Becky, phu nhân bèn cúi chào thật lịch sự, cốt cho mọi người trông thấy. Con trai phu nhân là St. Kitts được hầu tước Steyne giới thiệu, bắt đầu đi lại nhà Rebecca; không những bà khuyến khích con nên chăm lại chơi, mà còn mời Becky lại nhà, và trong bữa tiệc đã hai lần chiếu cố nói chuyện với cô ta một cách ngọt ngào ngay trước mặt công chúng. Đêm hôm ấy, khắp thành phố Luân đôn ai cũng biết chuyện này. Những người quen dài mõm ra mà chê bai bà Crawley vội im thin thít. Wenham, luật sư riêng và cánh tay phải của hầu tước Steyne, đi khắp mọi chỗ để tán dương Rebecca, vài người còn trù trừ, cũng phải bước lên chào mừng cô ta nốt. Anh chàng Tom Toady có lần đã khuyên Southdown chớ nên đi lại với một người đàn bà quá ư tồi tệ như thế, bây giờ lạy van để được giới thiệu với cô. Tóm lại, Rebecce đã chính thức được công nhận đứng trong hàng ngũ những “đệ nhất nhân vật”. Nhưng thưa bạn đọc thân mến, các bạn chớ vội ghen tị với cô Becky đáng thương làm gì… một sự vinh quang như thế chưa chắc đã bền lâu. Người ta vẫn bảo rằng các vị đánh giá trong chốn thâm nghiêm kín cổng cao tường cũng chẳng sung sướng hơn bọn cùng đinh lang thang ở ngoài mấy tí. Chính Becky, kẻ đã từng len lỏi vào giữa giới quý tộc, mặt đối mặt với Hoàng đế George IV, sau này cũng phải công nhận cái đó chẳng qua chỉ là câu chuyện phù hoa hão!

Xin lướt nhanh quan đoạn đời này của Becky. Mặc dầu tôi vẫn tin chắc rằng “Hội tam điểm” chỉ là một trò bịp bợm, nhưng tôi chịu không sao tả được những sự bí mật của tổ chức này, cho nên một kẻ thường dân như tôi không thể nào mà miêu tả cho chính xác bộ mặt của giới thượng lưu quý phái, tốt nhất là nên giữ những ý kiến ấy cho riêng mình.

Lâu lắm về sau này, Becky còn kể lại đoạn đời mình được ra vào những nơi phong lưu đài các nhất tại kinh đô Luân đôn. Cô ta đã hào hứng say sưa vì thắng lợi, nhưng không bao lâu cũng bắt đầu cảm thấy chán. Hồi đầu, không gì thú bằng được luôn luôn tìm tòi những kiểu áo và đồ trang sức mới (việc tư cung cấp những thứ này đối với Rebecca là một chuyện khá gay go, đòi hỏi nhiều tính toán và sáng kiến bởi vì cô ta không sẵn tiền lắm). Được ngồi xe ngựa đi dự tiệc để tay bắt mặt mừng với toàn những người sang trọng; liên tiếp hết những cuộc gặp gỡ này lại đến buổi họp mặt khác, đi đâu Becky cũng gặp toàn những người đã cùng dự tiệc với mình đêm hôm trước, và chắc chắn sẽ gặp lại ngày hôm sau: đại khái là những anh chàng trai trẻ quần áo bảnh bao, thắt cà vạt thật khéo, đi ủng bóng lộn, găng tay trắng tinh…, những ông đứng tuổi bệ vệ, áo khuy đồng bóng loáng, trông quý phái ra phết, lịch sự, nhưng cũng thật vô vị…, những cô thiếu nữ trẻ tuổi tóc vàng, e lệ, bận áo màu hồng…, những bà mẹ to béo, xinh đẹp, lộng lẫy, trang trọng, khắp mình đầy kim cương. Họ nói chuyện bằng tiếng Anh, chứ không nói bằng tiếng Pháp “bồi”, như tả trong tiểu thuyết. Họ moi chuyện nhà chuyện cửa, chuyện người này người khác ra nói với nhau, chẳng khác gì anh Jonesvẫn kháo chuyện nhà bác Smith. Bạn bè cũ của Becky ghen tỵ với cô ta, rồi thù ghét cô ta; nhưng chính cô Becky đáng thương thì đang ngáp dài vì ngán ngẩm. Cô ta tự nhủ : “Mình chỉ muốn đi quách nơi khác. Thà làm vợ một lão mục sư, phải dạy học ngày chủ nhật kiếm cơm còn hơn; hay là làm vợ một bác đội ngồi xe chở hàng đi theo đơn vị cũng xong; hay mặc áo tua rua mà nhảy múa làm trò trong hội chợ không chừng lại thú hơn cũng nên”. Cô ta thường thẳng thắn kể lại cho hầu tước Steyne nghe những điều đắn đo nghĩ ngợi của mình. Lão thú lắm, cười mà đáp:

– Bà làm trò chắc khéo lắm đấy nhỉ!

Becky có vẻ nghĩ ngợi, nói tiếp:

– Rawdon có thể làm một tay mã phu cừ… hoặc một tay phụ trách khánh tiết… gọi là cái gì nhỉ, cái vai bận chế phục, đi ủng to, chạy quanh sân khấu quất roi đen đét ấy mà? Anh ấy cao lớn, bệ vệ, ra dáng nhà binh lắm. Em còn nhớ hồi bé có lần cha em đưa đi hội chợ Brookgreen xem xiếc. Lúc về nhà, em làm một đôi cà kheo, rồi tập nhảy ngay trong phòng vẽ. Bọn học trò của ba em ai cũng phục lăn.

Hầu tước Steyne đáp:

– Tôi cũng thèm được xem bà đi cà kheo lắm.

Becky lại nói :

– Em cũng đang muốn đi cà kheo đây. Blinkey phu nhân và Grizzel phu nhân hẳn tha hồ mà trố mắt ra nhìn. Suỵt! Yên xem. Pasta bắt đầu hát kia kìa.

Bao giờ Becky cũng tỏ ra hết sức lễ độ đối với các nghệ sĩ nhà nghề biểu diễn trong những cuộc họp mặt của giới thượng lưu. Cô ta đến tận góc phòng, chỗ họ ngồi yên lặng, mỉm cười bắt tay họ, cố ý cho mọi người nhìn thấy. Cô ta thẳng thắn tuyên bố rằng chính mình cũng là một nghệ sĩ; có một cái gì khiêm tốn và thành thực trong cách cô ta công nhận dòng dõi tầm thường của mình, khiến cho người đang chứng kiến phải bực mình và cảm thấy bất lực, hoặc thú vị. Người nói: “Coi bộ bà ta mới trơ trẽn chứ! Lẽ ra nên ngồi im một chỗ, được ai chiếu cố hỏi đến là may, thế mà trông đường hoàng quá”. Kẻ bảo: “Trông cũng có mẽ người đứng đắn đấy”. Một người thứ ba nhận xét: “Xem ra mụ này khôn ngoan ra trò chứ chẳng chơi”. Có lẽ họ nói đúng cả. Nhưng Becky vẫn làm theo ý mình, khiến cho bọn nghệ sĩ nhà nghề phục lăn; họ không quản khan cổ, ra sức hát mua vui cho cô ta, và dạy cô ta hát không lấy tiền.

Vâng, Becky cũng tổ chức tiếp tân ngay tại căn nhà nhỏ bé ở phố Curzon. Hàng tá xe ngựa thắp đèn sáng chói đỗ chật cả phố, tiếng chuông báo khách liên tiếp ầm ĩ làm cho nhà số 200 mất ngủ vì tiếng động và nhà số 202 không nhắm mắt được vì ghen tức. Nhà Becky hẹp quá, không đủ chứa bọn đầy tớ cao lớn theo hầu xe của khách khứa, đành phải cho họ ngồi uống bia chờ trong các quán rượu lân cận; khi nào cần sẽ sai thằng hầu ra gọi. Hàng chục tay phong lưu công tử nổi danh ở Luân đôn chen vai thích cánh nhau lên xuống chiếc cầu thang gác chật chội; lại chạm trán nhau ở đây, họ cùng phá ra cười. Vô khối bậc mệnh phụ lịch sự, vốn có tiếng là đứng đắn, điệu bộ nghiêm trang, cũng ngồi trong căn phòng khách bé nhỏ nghe bọn ca công nhà nghề hát oang oang như muốn làm cho cửa sổ vỡ hết. Thế là sáng hôm sau trên báo “Tin tức buổi sáng” ở mục những cuộc hội họp thượng lưu, thấy đăng đoạn văn này:

“Hôm qua, trung tá Crawley và phu nhân đã tổ chức đãi tiệc các vị tân khách chọn lọc tại nhà riêng ở May Fair; quận công Peterwaradin và quận chúa, Papoosh Pasha đại nhân, sứ thần Thổ Nhĩ Kỳ (có ông Kibob Bey, thông ngôn của sứ quán theo hầu), Steyne hầu tước phu nhân, bá bước Southdown, tôn ông Pitt và công nương Jane, Wagg tiên sinh, v.v… tới dự. Tiệc xong, bà Crawley tổ chức một buổi họp mặt, với sự hiện diện của Stilton công tước phu nhân (quả phụ). Quận công de la Gruyere, Cheshire hầu tước phu nhân, hầu tước Alessandro Strachino, Slingstone bá tước phu nhân, công nương Macadam, bá tước de Brie, nam tước Schapzuger, hiệp sĩ Totsi, trung tướng Macbeth và phu nhân, tử tước Paddington, Horace Fogey tiên sinh, các tôn ông Sands Bedwin, Bobachy Bahawder và v…v…bạn đọc có thể tùy ý điền thêm cho kín một tá dòng chữ in cỡ nhỏ cũng được.

Trong khi giao tiếp với các bậc tai to mặt lớn, cô bạn thân yêu của chúng ta cũng giữ thái độ thoải mái tự nhiên như đối với hạng người tầm thường. Có lần đến chơi một nhà rất quý phái, Rebecca dùng tiếng Pháp nói chuyện với một bác ca sĩ nổi danh người Pháp (có lẽ cốt cho mọi người chú ý). Grizzel Macbeth phu nhân quay lại nhìn hai người, nhăn mặt, rồi nói với Becky:

– Bà nói tiếng Pháp hay quá nhỉ.

Bà này cũng nói được tiếng Pháp nhưng vẫn lơ lớ giọng Anh.

Becky nhìn xuống đất khiêm tốn đáp:

– Tôi biết tiếng Pháp là tất nhiên, vì tôi dạy tiếng Pháp trong một trường học, vả lại bà cụ thân sinh ra tôi là người Pháp.

Thấy cô ta khiêm tốn, Grizzel phu nhân cũng có ý cảm động, không nỡ khắt khe soi mói nữa. Bà chỉ than phiền về nỗi thời buổi bây giờ “cá mè một lứa”, tầng lớp nào cũng leo lên được địa vị thượng lưu, song phu nhân cũng công nhận rằng bà Crawley có tư cách xứng đáng với địa vị của mình lắm. Thật ra bà Grizzel cũng là người tốt, nghĩa là hay thương kẻ khốn khó và cũng nghĩa là đần độn, đứng đắn, tư cách không có gì khả nghi. Có điều bà ta vẫn tưởng rằng mình thuộc một loại người hơn hẳn tôi và bạn nhưng đấy cũng không phải lỗi ở bà ta vì đã hàng mấy thế kỷ nay, người ta vẫn phải hôn gấu áo tổ tiên của bà; họ đồn rằng, cách đây một nghìn năm, các vương công đại thần của Duncan hoàng đế quá cố đã phải hôn gấu áo của ông tổ dòng họ nhà bà, khi ngài lên ngai vàng xứ Xcốtlen.

Nghe Becky chơi dương cầm xong thế là Steyne phu nhân bị chinh phục và đã bắt đầu có cảm tình với cô ta rồi. Hai người con dâu đành phải theo ý mẹ chồng. Cũng có một vài lần họ xúi người khác khiêu khích Becky nhưng thất bại. Công nương Stunnington vốn là người lanh lợi đã thử tấn công Becky, nhưng bị cô bé dũng cảm đó đánh gục chết đứ đừ ngay lập tức. Thường thường khi bị tấn công, Becky vờ giữ một thái độ ngờ nghệch, nhưng thật ra hết sức nguy hiểm cho đối phương. Cô ta nói những lời cay độc một cách tự nhiên nhất đời, rồi lại làm ra vẻ thành thực xin lỗi vì mình lỡ lời, nhưng cho mọi người biết rằng mình cố làm ra thế.

Wagg là người nổi danh mồm mép, nói giỏi, ăn cừ, vốn là tay chân của hầu tước Steyne, bọn đàn bà bèn xúi anh ta tấn công Becky.

Anh chàng liếc nhìn mấy bà, nháy mắt một cái như có ý bảo: “Nào, các vị sắp sửa được một mẻ cười đấy”, đoạn bất thình lình nói kháy Becky một câu trong khi cô ta đang vô tình điềm nhiên ngồi ăn. Bị đánh bất ngờ, nhưng bao giờ cũng sẵn sàng tác chiến, Becky đỡ đòn ngay và giở vài miếng võ cực hiểm đánh bại địch thủ khiến cho Wagg tiên sinh tối tăm mặt mũi. Đoạn cô ta điềm nhiên cúi xuống dùng một món súp, nụ cười không tắt trên môi. Ông chủ đỡ đầu cho Wagg vẫn cho anh chàng ăn tiệc và vay tiền để sai bảo những việc lặt vặt như lo bầu cử và viết báo tán dương mình, bèn trừng mắt lên nhìn anh ta một cách dữ tợn, đến nỗi suýt nữa Wagg chui tụt xuống gầm bàn mà khóc oà lên. Anh ta cứ lấm lét nhìn chủ mãi; suốt bữa cơm hầu tước Steyne không thèm nói gì với người tay chân của mình, bọn đàn bà cũng ra mặt ruồng rẫy anh ta nốt. Cuối cùng, chính Becky phải lấy làm thương hại, bèn hạ cố nói với anh ta vài câu. Suốt sáu tuần lễ sau, anh chàng không được hầu tước gọi đến cho ăn, Wagg vẫn đi lại nịnh hót Fiche là cánh tay phải của hầu tước Steyne; lão này được chủ ra lệnh bảo cho Wagg biết rằng từ rầy trở đi nếu còn táo gan dám hỗn xược với bà Rawdon, hoặc dám châm biếm để đem bà Rawdon làm trò cười thì ngài hầu tước sẽ giao tất cả văn tự nợ của anh ta cho thầy kiện, và bỏ tù ngay lập tức không thương xót. Wagg khóc nức nở lạy van Fiche, xin can thiệp hộ. Đoạn anh ta viết một bài thơ, tán tụng bà Rawdon Crawley đăng ngay lên tạp chí “Lông bông” là tờ báo anh ta chủ trương. Bất cứ cuộc họp mặt buổi tối nào, hễ gặp Rebecca là anh ta tìm mọi cách lấy lòng. Ở câu lạc bộ, anh ta còn ra mặt nịnh nọt, bợ đỡ cả Rawdon. Cứ thế, sau một thời gian, Wagg lại được phép đi lại lâu đài Gaunt. Becky vẫn tốt với anh ta, vẫn vui vẻ chứ không có ý thù hằn gì.

Hầu tước Steyne có một người tay chân cực kỳ thân tín khác là Wenham, lão này có chân trong Quốc hội, là thực khách thường xuyên của gia đình Steyne. Trong cách ăn nói và cư xử lão tỏ ra khôn ngoan hơn Wagg nhiều. Tuy lão cũng rất khinh bọn hãnh tiến (lão thuộc phái Truy, rất đề cao dòng dõi những người có máu xanh, mặc dầu bố đẻ ra lão chỉ là một nhà buôn than quèn ở miền Bắc nước Anh), nhưng không bao giờ tỏ ra ác cảm với người đàn bà được chủ mình che chở. Không những thế, lão còn kín đáo tỏ ra đặc biệt săn sóc tới cô ta; cái lối đối xử lễ độ một cách vụng trộm của lão làm cho Becky khó chịu hơn là bị những người khác thẳng thắn tỏ ra có ác cảm với mình.

Hai vợ chồng Crawley lấy đâu ra tiền để thết đãi những vị khách sang trọng nhỉ? Đó là một điều bí mật, đã có hồi làm cho người ta bàn tán nhiều, và cũng có lẽ vì thế khiến cho những buổi tiếp tân của hai vợ chồng anh ta thêm hấp dẫn. Nhiều người cho rằng ông anh là tôn ông Pitt Crawley trợ cấp cho hai vợ chồng khá đầy đủ; nếu quả thế thì Becky hẳn phải có ảnh hưởng đặc biệt đối với ông nam tước anh chồng, và càng già, anh chàng này càng thay đổi tâm tính. Lại có nhiều người khác nói bóng rằng Becky vẫn có thói quen bắt bẻ bạn của chồng đóng góp cho mình: cô ta đến nhà người này khóc lóc, kể lể rằng sắp sửa bị tịch thu đồ đạc, đến nhà người kia lạy van rằng nếu không thanh toán xong các món nợ thì cả nhà cô đến vào tù hay phải tự tử mất. Nghe đồn rằng bá tước Southdown mất vô khối tiền vì những màn kịch bi đát tương tự. Lại anh chàng Feltham trẻ tuổi thuộc trung đoàn Ngự lâm thứ… (con trai ông chủ hãng Tiler và Feltham, chuyên cung cấp quân trang cho nhà binh) được vợ chồng Crawler dắt díu vào giới thượng lưu, cũng được kể trong số nạn nhân mất tiền cho Becky. Người ta đồn rằng Becky lấy tiền của nhiều người chất phác bằng cách giả vờ hứa hẹn chạy cho họ một chân trong chính quyền. Nào ai rõ người ta đã nói những chuyện gì và chưa nói những chuyện gì về cô bạn thân yêu và ngây thơ của chúng ta? Chỉ biết rằng ví thử Becky được nắm trong tay tất cả số tiền mà thiên hạ đồn là nhờ đi lạy van, vay mượn và ăn cắp của người khác mà có, thì cô ta rất có thể thành nhà tư bản, và sống một cuộc đời lương thiện… nhưng ta đi hơi xa rồi. Trong thực tế thì nếu khéo tằn tiện và thu xếp – nghĩa là biết dè sẻn đồng tiền và chỉ trả nợ khi nào cực bất đắc dĩ – người ta có thể không tốn kém mấy mà vẫn ra vẻ phong lưu, ít nhất là trong một thời gian. Cho nên có thể nói rằng những buổi tiếp tân được nhiều người bàn ra tán vào của Becky cũng không tốn kém mấy tý, ngoài tiền mua nến thắp trong phòng khách. Trại Stillbrook và trại Crawley Bà chúa cung cấp thịt thú rừng và hoa quả thừa mứa.

Becky được toàn quyền sử dụng hầm rượu của hầu tước Steyne. Mấy bác đầu bếp tài nghệ lừng danh của lão coi sóc cả việc nấu nướng hộ cô ta, hoặc theo lệnh chủ đưa sang Becky những món sơn hào hải vị quý lạ nhất. Tôi rất công phẫn vì lẽ người đời vẫn hay xấu miệng gièm pha những con người chân thực, cũng như những người đương thời đã gièm pha Becky vậy: xin các vị đừng có tin lấy một phần mười những chuyện đồn đại nói xấu cô ta. Ví thử hễ ai mắc nợ mà không trả được đều bị truất quyền giao tiếp với xã hội… nếu ta cứ phải soi mói vào đời tư của thiên hạ, tính toán lợi tức của họ, và không thèm đi lại với kẻ nào mình không tán thành lối sống…thì ôi thôi, Hội chợ phù hoa sẽ biến thành một nơi hoang vu gớm ghiếc, sống làm sao nổi ! Trong trường hợp ấy, thưa ngài, thiên hạ sẽ coi nhau là kẻ thù tất, và còn đâu là kết quả của văn minh. Chúng ta sẽ cãi nhau, chửi nhau, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Nhà chúng ta sẽ biến thành những hang đá, chúng ta sẽ bận giẻ rách đi ra đường vì chẳng cần ai dị nghị. Trái phiếu quốc gia sẽ sụt giá, sẽ không còn ai tổ chức tiếp tân làm gì. Các thương gia trong thành phố sẽ phá sản. Rượu vang, nến thắp, thực phẩm, sáp son, váy phồng, kim cương, tóc giả, đồ chơi kiểu Louis XIV, đồ sứ cổ, ngựa cho thuê kéo xe…nghĩa là tất cả những khoái lạc nên đời…tất cả sẽ trở thành vô nghĩa, nếu thiên hạ ai cũng chỉ hành động theo những nguyên tắc ngu ngốc của mình và nhất định tránh mặt kẻ bị mình ghét bỏ. May thay, vì ta vẫn còn chút lòng từ thiện và nể nang đối với nhau, nên cuộc đời cũng vẫn tạm trôi xuôi được.

Chúng ta có thể mặc sức nói xấu tàn tệ một người nào đó, tha hồ gọi hắn là cái gì cũng được… nhưng có cần vì thế mà treo cổ hắn lên không? Không. Gặp hắn ta vẫn bắt tay như thường. Nếu đầu bếp nhà hắn khéo làm món ăn, ta có thể tha thứ cho hắn và cứ đến nhà hắn dùng cơm cũng không sao. Đồng thời chúng ta cũng mong hắn làm như vậy. Có thế, nền thương mại mới phồn thịnh… nền văn minh mới tiến triển…, hoà bình mới bền vững, và mẻ rượu năm ngoái của Lafitte mới đem về cho ông chủ chất phác được món lợi kếch xù chứ.

Vào thời kỳ chuyện này đang xảy ra, Hoàng đế George chí tôn đang trị vì thiên hạ, còn các mệnh phụ thì bận áo có ống tay xoè, gài trên đầu những cái lược đồi mồi to như những cái xẻng, chứ không mặc áo tay thường và gài hoa trên đầu theo “mốt” bây giờ. Tuy nhiên những phong tục trong giới thượng lưu cũng không khác ngày nay bao nhiêu, những trò giải trí thì hầu như tương tự.

Bọn chúng ta là những kẻ đứng ngoài nghểnh cổ ngó qua vài ông đội xếp mà ngắm các mỹ nhân khuynh quốc vào chầu vua hoặc đi dự dạ hội, và chúng ta không sao với tới hạnh phúc của họ được. Cho nên để an ủi các bạn là những kẻ bất hạnh khốn khổ, tôi mới đem những chuyện vật lộn, những thành công và thất vọng của Becky ra kể lại, đó cũng tức là những chuyện thông thường đối với bất cứ một nhân vật thượng lưu nào.

Vào thời đó, lối chơi kịch đố chữ mới du nhập từ Pháp sang, đang trở thành một phong trào. Trò chơi này giúp cho các bà có dịp triển lãm sắc đẹp, lại tạo điều kiện cho số ít bà khác có đôi chút thông minh được dịp thi thố tài năng. Có lẽ Becky nghĩ rằng mình được trời phú cho cả hai ưu điểm trên, bèn xui hầu tước Steyne tổ chức một buổi giải trí tại lâu đài Gaunt, nhân tiện sẽ diễn màn kịch ngắn…Vậy xin được phép dẫn bạn đọc đến dự buổi họp mặt tài hoa này. Chúng tôi cũng hơi lấy làm buồn vì đây là lần cuối cùng được đưa bạn đọc đến những nơi sang trọng như vậy.

Người ta đã thu xếp một phần gian phòng đồ sộ lộng lẫy tức là gian phòng tranh của lâu đài Gaunt, để dùng làm nơi diễn kịch đố chữ. Dưới triều vua George đệ tam, đã nhiều lần tổ chức đố chữ trong phòng này. Trong phòng còn treo một bức tranh vẽ hầu tước Gaunt đội tóc giả rắc phấn có tết dải màu hồng, bận áo dài theo lối La Mã. Hồi ấy hầu tước đã đóng vai Cato trong vở bi kịch cùng tên của ông Addison; khán giả là hoàng tử xứ Wales, giám mục Osnaburgh, Hoàng tử William Henry, cả ba đều còn là trẻ con như người tài tử đóng kịch. Người ta moi trong nhà kho ra vài cái phông cảnh vẫn bỏ xó từ hồi ấy, đem sửa sang lại để dùng nhân dịp này.

Bedwin Sands, một tay phong lưu công tử trẻ tuổi đã từng đi du lịch ở phương Đông, lĩnh nhiệm vụ dàn cảnh. Thời ấy, một du khách đã từng qua phương Đông không phải chuyện tầm thường…anh chàng Bedwin phiêu lưu lại đã cho xuất bản một cuốn ký sự cỡ in quarto đã từng sống mấy tháng trời trong lều vải giữa sa mạc, tất nhiên là một nhân vật quan trọng – trong sách có nhiều tranh vẽ chàng Sands bận các kiểu áo Đông phương; anh ta đi du lịch đâu cũng đem theo một người tuỳ tùng da đen, mặt mũi dữ tợn, y như kiểu Briande Bois Guilbert () ngày trước vậy! Cho nên Bedwin cùng các kiểu quần áo Đông phương và thằng hầu da đen được hoan nghênh nhiệt liệt tại lâu dài Gaunt.

Anh ta điều khiển màn kịch đố chữ đầu tiên. Trên sân khấu, hiện ra một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ đội khăn có đính một túm lông to tướng (người ta cho rằng đội vệ binh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn tồn tại, và túm lông cổ kính lộng lẫy trên đầu những kẻ theo tôn giáo chân chính vẫn chưa bị bỏ đi); lão nằm trên một tấm đi văng, đang hút thuốc lá narghile; vì trong số khán giả có các bà, nên thực ra nhà tài tử chỉ được đốt một miếng kẹo ho cho có mùi thơm. Vị quan lớn Thổ Nhĩ Kỳ ngáp tỏ vẻ uể oải, mỏi mệt. Ngài vỗ tay một cái, thế là Mesrour the Nubian hiện ra, cánh tay để trần, tai đeo vòng khắp mình toàn những đồ trang sức kiểu Đông phương…cao lêu đêu, gầy gò nom đến gớm ghiếc. Nó cúi rạp xuống lạy ông chúa…

Một cảm giác khủng khiếp và thú vị lan khắp mọi khán giả, các bà thì thầm với nhau. Bedwin Sands phải đánh đổi với ba tá rượu hảo hạng cho một viên “pa sa” Ai Cập mới được tên mọi da đen này. Nó đã từng bỏ vô khối thiếp nô của chủ vào trong bị, khâu lại đem quẳng xuống sông Nile.

Viên quan Thổ Nhĩ Kỳ khoát tay sai: “Cho thằng buôn nô lệ vào”. Mesrour dẫn người buôn nô lệ trước mặt chủ, gã này dắt theo một người đàn bà đeo chàng mạng vào, gã lật chàng mạng lên.

Khắp phòng vang lên những tiếng xì xào tán thưởng. Thì ra đấy là bà Winkworth, tục danh là Absolom, có đôi mắt và bộ tóc tuyệt đẹp.

Bà ta bận một bộ áo kiểu Đông phương thật lộng lẫy; mái tóc đen nhánh tết thành bím đính bao nhiêu là ngọc; khắp người đeo toàn những đồng tiền vàng. Viên quan Thổ Nhĩ Kỳ bỉ ổi tỏ vẻ bị quyến rũ trước vẻ đẹp mê hồn của người đàn bà. Người này quỳ xuống, van xin được trả về rừng núi là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà người tình nhân xứ Circassi vẫn đang than khóc vì nàng Zuleikah của mình bị mất tích. Lời cầu khẩn nào mà lay chuyển nổi lòng dạ sắt đá của tên Hassan. Nghe người đàn bà đẹp nhắc đến người chồng chưa cưới của mình, lão phá ra cười. Hai tay bưng lấy mặt, Zuleikah gục xuống trong một dáng điệu tuyệt vọng thật đẹp mắt. Hình như hết mọi hy vọng rồi… những bỗng nhiên Kislar Aga hiện ra.

Kislar Aga đem đến một lá thư của quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, Hassan nhận thư và đưa áp lên trán mình….sắc mặt lão lộ vẻ kinh hoàng khủng khiếp, trong khi tên da đen (cũng chính là tên hầu da đen đã đóng vai Mesrour nhưng thay áo khác) có vẻ hý hửng một cách gớm ghiếc. Lão “pasa” kêu lên “Cảm ơn! Cảm ơn”. Đồng thời tên Kislar Aga mặt nhăn nhở rút ra một dải lụa. Lúc hắn sắp thắt cổ lão kia, thì màn hạ. Hassan bên trong sân khấu kêu ầm lên:

“Phần một, hai vần”. Bà Rawdon Crawley cũng sắp sắm vai bèn tiến đến trước mặt Winkworth và khen bà này khéo chọn đâu được bộ áo đẹp quá.

Phần thứ hai của màn kịch đố chữ bắt đầu. Vẫn là một cảnh Đông phương. Hassan bận một bộ áo khác ngồi cạnh Zuleikah, lúc này có vẻ hoàn toàn phục tùng. Kislar Aga bây giờ là một tên nô lệ rất ngoan ngoãn. Mặt trời phương Đông cúi rạp trên bãi cát. Vì không có lạc đà để đưa lên sân khấu, nên dàn nhạc đành cử bài “Đoàn lạc đà” thay thế vậy. Bỗng nhiên một cái đầu người Ai Cập to tướng hiện ra trên sân khấu. Cái đầu hát một bài hát khôi hài do ông Wagg soạn, làm cho bọn người lưu cư xứ Đông phương rất ngạc nhiên. Bọn này vừa đi vừa nhảy nhót, như Papageno và vua xứ Moore trong vở kịch Ống sáo thần. Chiếc đầu Ai Cập lại hét to:

“Phần hai, hai vần”.

Rồi đến hồi cuối cùng. Cảnh bên trong một lều vải kiểu Hy Lạp. Một người to lớn vạm vỡ nằm trên nệm. Mé trên treo tấm khiên và mũ sắt của hắn. Những vật đó bây giờ đã thành vô dụng.

Thành Illium () bị hạ rồi, Iphigenia () đã bị giết, Cassandra (), đang bị cầm tù. Vị chúa xứ Hy Lạp (tức là trung tá Crawley; anh chàng này nào có biết chuyện giùm bị hạ và Cassandra bị cầm tù là cái quái gì đâu) đang nằm ngủ trong phòng tại Argos. Ánh đèn chiếu hắt bóng người đang ngủ lên mặt tường nom rung rinh chập chờn…bộ khiên giáp của người dũng sĩ thành Troy sáng lấp lánh. Trước khi pho tượng tiến vào sân khấu, dàn nhạc cử bài “Don Juan”.

Aegisthus () rón rén bước vào, mặt tái nhợt. Nhưng cái bộ mặt ma quái ẩn sau tấm thảm vẫn theo dõi hắn là ai vậy? Aegisthus giơ cao lưỡi dao, sắp sửa kết liễu đời kẻ tình địch đang ngủ, người này vô tình trở mình quay lại, như giơ bộ ngực rộng ra sẵn sàng đón lưỡi dao oan nghiệt. Song Aegisthus không thể đang tâm giết viên tướng đang ngủ say. Clytemnestra () nhanh nhẹn lẩn vào như một bóng ma…, đôi cánh tay để trần trắng nõn nà…, mớ tóc màu hung buông xoã phơ phất trên vai…, bộ mặt tái nhợt một cách khủng khiếp…, đôi mắt sáng long lanh, miệng mỉm một nụ cười ma quái; khán giả rùng mình chờ đợi.

Tiếng rì rào lan khắp phòng. Một người thốt lên:

– Trời ơi! Chính là bà Rawdon Crawley.

Clytemnestra khinh bỉ giật lấy lưỡi dao trong tay Aegisthus, tiến lại bên giường. Lưỡi dao sáng quắc lấp lánh trên đầu nàng và đột nhiên đèn tắt phụt…, một tiếng rên phát ra, gian phòng tối như bưng.

Màn kịch và bóng tối làm cho toàn thể khán giả rợn tóc gáy.

Rebecca sắm vai trò của mình khéo quá, y như thật, khiến cho khán giả dường như nín thở; mãi tới lúc đèn trong phòng được thắp lên, mọi người mới vỗ tay như pháo nổ. “Hoan hô! Hoan hô!”

Hầu tước Steyne lớn tiếng hò reo át cả tiếng mọi người; lão lẩm bẩm một mình: “Mẹ kiếp, mụ này giết chồng thật cũng được chứ chẳng chơi.”

Toàn thể khán giả đòi diễn viên ra mắt. Họ hét ầm ầm: “Đạo diễn đâu? Clytemnestra đâu? Agamemnon không dám ló mặt ra trong bộ áo cổ lỗ kiểu Hy Lạp, anh ta đứng ở hậu trường sân khấu cùng Aegisthus và các diễn viên khác. Bedwin Sands dẫn Zuleikah và Clytemnestra. Một vị đại nhân nhất định đòi được giới thiệu với nàng Clytemnestra kiều diễm. Đức ông nói bỡn một câu rất đúng lúc: “Thế nào, đâm thủng tim hả? Bây giờ lấy chồng khác chứ?”

Hầu tước Steyne nói: “Bà Rawdon sắm vai ấy khéo tuyệt. Becky cười; cô ta láu lỉnh nhìn lão, cúi chào một cách lịch sự chưa hề thấy.

Bọn gia nhân bưng những khay thức ăn nguội vào mời khách, các diễn viên lui vào hậu trường để sửa soạn cho màn kịch đố chữ thứ hai.

Ba vần của màn kịch này sẽ diễn bằng kịch câm, theo thứ tự như sau:

Vần thứ nhất: trung tá Rawdon Crawley, hiệp sĩ tuỳ giá, đội một chiếc mũ rộng vành, khoác áo choàng rộng, xách một cái đèn gió mượn dưới chuồng ngựa, vừa đi ngang qua sân khấu vừa hét ầm lên như để báo giờ cho người trong nhà biết. Sau cửa sổ, thấy có hai người khách du lịch hình như đang đánh bài, ngáp luôn miệng. Một tên hầu nom giống hệt thằng Boot bước vào phòng (tức là ngài Ringwood đáng kính, ngài sắm vai này tài lắm); anh ta giúp hai ông khách cởi áo, rồi đến chị hầu phòng (tức là bá tước Southdown) cầm hai cây đèn và một cái lồng ấp bước vào. Chị ta leo lên tầng trên, bắt đầu sửa soạn giường chiếu. Hai vị du khách có ý bờm xơm, chị ta dùng ngay chiếc lồng ấp để trả lời, đoạn đi ra. Hai người khách đội mũ ngủ, kéo màn che cửa sổ xuống. Thằng Boot bước ra đóng nốt cửa sổ phòng dưới lại. Sau đó nghe tiếng nó cài then cửa kêu lạch cạch bên trong. Đèn tắt hết. Dàn nhạc chơi bài “Ngủ cho ngoan, hỡi em yêu”(). Từ sau tấm màn trên sân khấu, một giọng nói vọng ra:

“Vần thứ nhất”.

Vần thứ hai, đèn bỗng nhiên thắp sáng rực. Dàn nhạc chơi bài hát quen thuộc của John Paris: “Ôi, đi du lịch mới sướng làm sao!”(). vẫn cảnh cũ. Giữa khoảng tầng gác và tầng dưới, thấy treo một tấm biển có vẽ bộ huy hiệu của gia đình Steyne. Chuông réo liên hồi. Ở tầng dưới, một người cầm một mảnh giấy dài trao cho một người khác, người này giơ nắm tay lên ra ý đe doạ, kêu ầm lên là quá đáng. Một người thứ ba đứng ngoài cửa gọi vào: “Bồi, đánh xe ra đây cho tao”. Người này đưa tay vuốt má chị hầu gái một cái (tức là bà bá tước Southdown) chị hầu gái có vẻ buồn rầu, y như Calipso () nhớ thương Ulysses vậy, Boot (vẫn là ngài Ringwood đáng kính) bưng một chiếc hộp gỗ đựng toàn chai lọ bằng bạc bước ra rao: “Chai lọ đây?” một cách rất tức cười, khéo như thật, làm cho khắp phòng ran lên tiếng vỗ tay tán thưởng, có người quăng cả một bó hoa lên sân khấu. Tiếng roi ngựa quất kêu đen đét. Chủ quán, chị hầu gái, hầu phòng xô nhau chạy ra cửa. Vừa lúc một vị khách quý sắp xuống xe thì màn hạ. Nhà đạo diễn vô hình lại hét ầm lên: “Vần thứ hai”.

Đại uý Grigg trong đội túc vệ nói: Chắc là tiếng “khách sạn!”.

Mọi người cười ầm lên trước câu nói của viên đại uý thông minh. Ông ta đoán cũng gần đúng.

Trong khi phần thứ ba đang được chuẩn bị, dàn nhạc chơi những bản nhạc của thuỷ quân: “Tất cả xuống bãi cát”, “Gió bấc hãy ngừng thổi”, “Anh quốc thống trị thế giới”, “Trong vịnh Biscay”… Có lẽ sắp trình diễn một cảnh trên mặt bể. Có tiếng chuông réo, màn mở. Một tiếng nói vọng lên: “Các bạn hướng mũi tàu vào bờ”. Thuỷ thủ và hành khách từ biệt nhau. Họ lo ngại chỉ chỏ một đám mây tượng trưng bằng một tấm màn màu sẫm, gật gật cái đầu có vẻ sợ hãi lắm. Công nương Squeams (cũng tức là ngài bá tước Southdown) ôm con chó con, hành lý và ví tay, ngồi xuống cạnh chồng, nắm chặt lấy sợi dây buồm. Đúng là cảnh trên tàu bể rồi.

Viên thuyền trưởng (trung tá Crawley) đội mũ vành tam giác, cầm ống nhòm, bước vào sân khấu; thuyền trưởng đưa tay giữ chặt vành mũ trên đầu, đuôi áo bay phần phật như có gió thổi dữ lắm.

Lúc anh ta buông tay giữ mũ để sử dụng ống nhòm thì mũ bay mất; tiếng vỗ tay ran ran. Gió mỗi lúc một to. Dàn nhạc chơi một điệu mỗi lúc thêm ầm ĩ. Bọn thuỷ thủ đi đi lại lại chệnh choạng trên sân khấu, chiếc tàu đang chòng chành tợn. Viên quản lý tàu (ngài Ringwood) bước xiêu vẹo ngang qua sân khấu, ôm sau chiếc bi đông. Bác ta đặt vội một chiếc xuồng cạnh công nương Squeams…

Công nương Squeams véo con chó con một cái làm cho nó kêu ăng ẳng một cách đáng thương, rồi bịt mùi xoa vào mũi chạy vội vào ca bin. Âm nhạc vẫn ồn ào như bão táp; thế là xong vần thứ ba.

Tiếp theo là một màn vũ kịch nhỏ: Chim hoạ mi (). Montessu và Noblet nổi tiếng nhờ đóng vở kịch này. Wagg đem chuyển thành vũ nhạc kịch, đưa lên sân khấu nước Anh. Anh ta vốn khéo làm thơ, bèn theo điệu nhạc sẵn có mà soạn lời. Diễn viên được phục trang toàn bằng quần áo kiểu Pháp thời cổ. Lần này bá tước Southdown đóng vai một bà lão khập khễnh đi trên sân khấu, chống một chiếc gậy cong queo.

Từ cuối sân khấu một điệu nhạc du dương vẳng ra từ một căn lều xinh xinh bằng giấy hồi phủ hoa hồng. Bà lão gọi:

“Philomele, Philomele!”.

Philomele bước ra.

Lại vỗ tay… vì chính là bà Rawdon Crawley, tóc rắc phấn, mặt có tô nốt ruồi giả, trông rõ ra là một nữ hầu tước tuyệt thế giai nhân. Cô ta bước ra tươi cười, miệng líu lo hát, nhún nhảy đi quanh sân khấu, trông thật trẻ trung và cũng rất kịch… đoạn cô ta cúi chào khán giả. Bà mẹ mắng: “Cái con bé này hư quá, chỉ cười cợt, hát hỏng cả ngày thôi”. Cô gái bước lên, hát:

BÔNG HỒNG TRÊN BAO LƠN

Đoá hồng sớm sớm đưa hương.

Đông về lá rụng, xuân sang nảy chồi

Vì đâu hương ngát, màu tươi?

Vì tia nắng ấm, vì lời chim ca.

Kìa họa mi líu lo trong thẳm

Bặt im khi gió lộng cành khô,

Mẹ ơi, ríu rít sớm trưa

Vì yêu lá biếc, vì ưa nắng hồng.

Trời sinh mỗi vật mỗi thông.

Hoa đua sắc thắm, chim lồng giọng hay

Lòng con rạo rực ban mai

Nên má con đẹp, nên lời con xinh.

Nhân vật mà cô Philomele gọi bằng mẹ có một bộ râu to tướng thò ra ngoài chiếc mũ trùm; lúc cô ta hát xong một đoạn, tạm ngừng, hình như bà mẹ cứ muốn ôm lấy cô con gái mà hôn để tỏ tình mẫu tử. Cứ mỗi một cái vuốt ve lại được toàn thể khán giả ồn ào tán thưởng. Màn kịch kết thúc trong một bản hợp tấu nghe như tiếng một đàn chim ríu rít cùng hót; khán giả đồng thanh đòi diễn lại. Người ta vỗ tay, người ta tung hoa lên sân khấu để hoan hô con chim hoạ mi của buổi tối hôm ấy. Hầu tước Steyne to tiếng cổ vũ hơn ai hết. Becky, “con chim hoạ mi” đỡ lấy bó hoa lão tung cho, ấp vào ngực với một điệu bộ hệt tay nghệ sĩ nhà nghề. Hầu tước Steyne khoái trá không tả được. Khách khứa cũng đồng tình với lão. Lúc này còn ai để ý đến người đàn bà đẹp nõn nà mắt đen láy đã thu hút cảm tình của khán giả trong màn kịch đầu tiên? Người đàn bà ấy đẹp gấp đôi Becky, nhưng đã bị tài năng của cô ta làm cho hoàn toàn lu mờ rồi. Ai ai cũng chỉ chú ý đến Becky. Người ta ví Becky với những nghệ sĩ nổi danh như Stephens, Caradori, Ronzi de Begnis; ai cũng bảo rằng giá cô ta là diễn viên thật thì khó lòng có tay nghệ sĩ nào ăn đứt. Vinh quang đến thế là cùng cực; tiếng hát thanh của cô ta vươn lên trên những tiếng hoan hô ồn ào, say sưa bay cao tít như sự thắng lợi vừa đạt được. Xong mục diễn kịch, có tổ chức khiêu vũ; mọi người vây quanh lấy Becky, coi cô ta như là cái điểm trung tâm quyến rũ của buổi tối hôm ấy. Vị hoàng tử thề độc một câu, rồi tuyên bố rằng cô ta thực là hoàn hảo, ngài sán lại nói chuyện với cô mấy lần. Becky nở từng khúc ruột vì kiêu hãnh và sung sướng, cô ta đã thấy sự giàu sang, danh vọng đang chờ đón mình. Tối hôm ấy, hầu tước Steyne là một tên nô lệ của Becky, lão cứ bám sát lấy cô ta, không buồn nói chuyện với ai nữa, lão đặc biệt săn sóc đến cô ta từng ly từng tí một. Becky vẫn cứ bận bộ áo nữ hầu tước như trước để khiêu vũ với Truffigny tiên sinh, tuỳ viên của quận công de la Jabotiere. Ngài quận công vốn thông thạo những phong tục cổ truyền nơi triều đình, tuyên bố rằng bà Rawdon xứng đáng là học trò của Vestris và rất có thể được đưa vào chầu trong điện Versailles. Sở dĩ ngài không đích thân khiêu vũ với bà Rawdon chỉ vì muốn giữ thể diện, bởi lẽ ở cương vị đặc biệt của mình không tiện làm thế, nhưng ngài công khai tuyên bố rằng một người đàn bà nói chuyện giỏi và khiêu vũ khéo như bà Rawdon rất đáng mặt làm sứ thần tại bất cứ triều đình nào ở Âu châu. Mãi tới lúc được biết cô ta là người lai Pháp, ngài mới thấy dễ chịu đôi chút. Vị đại nhân này tuyên bố rằng: “Nếu không phải là người Pháp, đố sao nhảy được điệu ấy tài đến thể. Sau đó Becky nhảy điệu “van-xơ” với Klingenspohr là tuỳ viên và em họ của quận công Peterwaradin. Ngài quận công vốn không quá giữ gìn () như ông bạn đồng nghiệp người Pháp; đang lúc cao hứng, ngài nhất định đòi quay vài vòng với con người kiều diễm cho vui. Hai người lướt quanh phòng, những viên kim cương đính trên tua ủng và dải áo của quận công cứ bay tung lên; lúc đã mệt bở hơi tai, ngài mới chịu nghỉ. Ngài Papoosh Pasha cũng muốn nhảy với cô ta một điệu, ngặt vì phong tục nước ngoài không cho phép. Mọi người vây quanh Becky, say sưa vỗ tay tán thưởng, dường như cô ta là một Noblet hoặc một Taglioni vậy. Hào hứng không thể tả được; dĩ nhiên Becky là người hào hứng nhất. Cô ta đi ngang trước mặt Stunnington phu nhân, kiêu hãnh ném cho bà này một cái nhìn khinh khỉnh; cô ta bắt đầu lên mặt cả với Gaunt phu nhân, với cả chị dâu cô đang ngẩn người ra vì bực bội…Tóm lại Becky đè bẹp () mọi địch thủ khác. Về phần bà Winkworth đáng thương có mớ tóc dài và đôi mắt huyền mông mênh đã từng hấp dẫn khán giả lúc đầu không biết bây giờ đâu rồi? Ví thử bà này có rứt trụi tóc và khóc sưng mắt vì thất vọng, cũng chẳng ai buồn quan tâm đến. Lúc dự tiệc, sự thắng lợi mới đến tột độ. Becky được xếp ngồi vào một chiếc bàn đồ sộ, dành riêng cho vị quý khách của Hoàng gia đã nói ở trên và những nhân vật đặc biệt khác. Đĩa đựng đồ ăn toàn bằng vàng. Nếu Bêchky muốn… chủ nhà có thể bỏ ngọc vào rượu sâm banh cho cô ta vui lòng… như cách tiếp đãi Nữ hoàng Cleopatra xưa kia. Ngài Peterwaradin quyền thế kia sẵn sàng mất ngay nửa số kim cương đính trên áo, chỉ cầu được đôi mắt long lanh của người đẹp liếc mình một cái. Jabotiere viết tờ trình gửi về Chính phủ Pháp nói về Becky. Các bà ngồi ở bàn khác chỉ được dùng đĩa đựng đồ ăn bằng bạc, thấy hầu tước Steyne tỏ vẻ săn sóc cô ta quá đáng, đồng thanh cho rằng sự say mê của ngài cực kỳ vô lý, và là một sự xỉ nhục đối với giới phụ nữ. quý tộc. Nếu nói kháy mà chết được người thì Stunnington phu nhân đã giết Becky chết tươi ngay tại chỗ.

Thấy vợ thắng thế quá Rawdon đâm hoảng. Hình như điều đó làm cho hai vợ chồng càng thêm xa nhau thì phải. Anh ta có một tâm trạng dường như đau khổ, mỗi khi nghĩ rằng vợ mình so với mình một trời một vực.

Đến giờ ra về, một bọn trai trẻ theo tiễn Becky ra tận ngoài xe; bọn gia nhân cầm đèn đứng hầu ngoài cổng cung kính đón chào từng vị khách một, ngỏ ý hy vọng vị khách được vui lòng trong buổi dạ hội.

Chiếc xe ngựa riêng của bà Rawdon Crawley tiến nhanh vào khu sân lâu đài sáng trưng đỗ trong dãy hành lang có mái che. Rawdon đỡ vợ lên xe, rồi xe chạy. Ông Wenham rủ anh ta cùng đi bộ về nhà, lại mời anh ta một điếu thuốc lá. Hai người ghé vào cây đèn của một người hầu để châm thuốc lá, Rawdon sóng đôi đi với ông bạn Wenham của mình. Trong đám đông có hai người tách ra đi theo họ. Lúc Rawdon và Wenham đi về phía công viên Gaunt được một quãng, thì một người tiến đến vỗ vào vai Rawdon nói:

– Xin lỗi trung tá nhé, tôi muốn nói chuyện riêng với ngài.

Trong khi ấy, người kia huýt lên một tiếng sáo thật to; nhận được hiệu lệnh, một chiếc xe ngựa vẫn đỗ cạnh cổng lâu đài Gaunt băng băng chạy lại…, đồng thời người vừa huýt sáo tiến tới đứng án ngữ trước mặt Rawdon.

Anh chàng sĩ quan hiểu ngay cơ sự, thế là rơi vào tay bọn công sai rồi. Anh ta vội lùi lại thì đụng ngay phải người đã vỗ vai hỏi mình. Người vừa chặn đường tháo lui của anh chàng nói:

– Chúng tôi có ba người đây ạ… Xin đừng kháng cự, vô ích.

Viên trung tá hình như nhận được mặt người này, hỏi:

– A, Moss đây phải không? Bác muốn bao nhiêu?

Ông Moss ở phố Cursitor, đường Chancery phụ tá của vị cảnh sát trưởng quận Middlesex, đáp:

– Không mấy tý. Một trăm sáu mươi sáu đồng, tám mươi sáu pen-xơ, theo đơn kiện của ông Nathan.

Rawdon bảo bạn:

– Wenham, cho tôi giật tạm một trăm đồng. Ở nhà tôi mới có bảy chục.

Ông Wenham đáp:

– Cả gia tài tôi chỉ có mười đồng chẵn… Chào ông bạn quý vậy.

– Chào ông.

Rawdon cáu quá đáp. Thế là Wenham bỏ đi… Rawdon đành lên xe ngựa vừa hút hết điếu thuốc lá, thì xe chạy qua gầm cầu Temple.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.