REBECCA ĐƯỢC GIA ĐÌNH NHÀ CHỒNG CÔNG NHẬN
Được tin bố hấp hối, ông con cả vội trở về trại Crawley Bà chúa và từ lúc đó có thể coi như anh ta nắm mọi quyền hành trong trại Crawley. Lão nam tước già còn sống dai dẳng thêm mấy tháng nữa, nhưng không hoàn toàn tỉnh táo, cũng chỉ ú ớ không nói được thành tiếng rõ ràng; anh con trai phải lo quản lý công việc trong trại. Pitt thấy tình hình làm ăn trong trại không ra sao. Lão Pitt già có thói hay mua bán cầm cố luôn luôn; lão có tới hai chục người cộng sự, người nào cũng có chuyện xích mích với lão; lão cãi nhau với tá điền phát đơn kiện họ, kiện cả thầy kiện, kiện cả Công ty hầm mỏ mà lão có cổ phần, kiện tất cả mọi người có việc làm ăn chung với lão. Gỡ cho xong mớ bòng bong ấy để dựng lại cơ nghiệp cũ thật là một công việc xứng với tài năng của viên nguyên đại diện ngoại giao tại tiểu triều đình Pumpernickel, con người hết sức ngăn lắp và kiên nhẫn; anh ta cần cù bắt tay ngay vào việc. Dĩ nhiên cả gia đình Pitt di chuyển về trại Crawley Bà chúa, và dĩ nhiên Southdown phu nhân cũng về theo. Bà này rắp tâm cải tạo một lũ thầy tu không chính thức, khiến cho bà Bute tức nổ đom đóm mắt. May thay lão Pitt chưa bán lại quyền thừa kế cai quản nhà thờ. Southdown phu nhân định bụng bao giờ lão mục sư chết sẽ đưa một người tay chân vào thay thế. Nhà ngoại giao Pitt không tỏ ý kiến gì về việc này.
Bà Bute chỉ doạ già cô Betsy Horrocks thôi, chứ không làm thật. Sau khi chuồn khỏi trại Crawley Bà chúa, bác Horrocks mở một quán rượu trong làng gọi là “quán huy hiệu Crawley”; trước bác đã thuê lại của cụ Pitt. Viên cựu quan lý bây giờ có cả một cái ấp riêng và từ nay bác có quyền bầu cử đại diện thị trấn. Cử tri thứ hai là ông mục sư cùng bốn người nữa, họ trở thành toàn bộ cử tri có quyền bầu hai đại biểu cho trại Crawley Bà chúa.
Đám phụ nữ bên trại và bên nhà thờ đối đãi với nhau rất lịch sự, đúng hơn là giữa mấy cô thiếu nữ và người đàn bà trẻ tuổi, vì bà Bute và bà Southdown hễ gặp nhau là y như có chuyện cãi cọ; dần dần hai người không nhìn mặt nhau nữa. Mỗi khi mấy mẹ con bà Bute sang trại chơi là bà tước phu nhân đóng kín của ngồi trong phòng. Có lẽ Pitt không lấy làm buồn lắm về chuyện thỉnh thoảng bà mẹ vợ lại đi vắng ít lâu. Theo ý anh ta, dòng họ Binkie vẫn là một dòng họ nổi tiếng đáng được trọng vọng nhất nước Anh vì đức tính khôn ngoan. Từ lâu bà cô anh và bá tước phu nhân vẫn có uy tín đối với anh. Nhưng đôi khi anh ta cũng thấy bà mẹ vợ đàn áp mình hơi quá. Được coi là còn trẻ, kể cũng thú đấy, nhưng bốn mươi sáu tuổi đầu mà cứ bị coi là trẻ con thì cũng hơi nhục. Đối với mẹ, thế nào công nương Jane cũng nhịn được; cô ta chỉ chăm chút nâng niu mấy đứa con… May quá, Southdown phu nhân còn bận bù đầu suốt ngày, nào họp với các linh mục, nào viết thư cho các nhà truyền giáo ở khắp các châu Phi, châu Á, châu Úc, v.v… không có thì giờ nhớ tới cháu gái là cô Matilda và thằng cháu trai là cậu Pitt Crawley. Thằng bé này gầy còm, Southdown phu nhân phải cho nó uống thật nhiều thuốc calomen, nó mới sống.
Cụ Pitt bây giờ sống ngay trong gian phòng, nơi trước kia Crawley phu nhân đã từ giã cõi trần; lão được chị Hester mới vào làm săn sóc chu đáo lắm. Ai mà yêu thương, trung thành, chăm nom chủ đến nơi đến chốn bằng một người làm được trả tiền công hậu hĩ. Họ trải giường, sắc thuốc, nửa đêm không quản thức dậy, nghe người ốm rên rỉ không hề sốt ruột; ngoài trời nắng đẹp, mặc, họ không hề nghĩ đến chuyện bỏ đi chơi; họ ngủ trong ghế bành, lủi thủi ăn cơm một mình; suốt những buổi tối dài đằng đẵng, họ ngồi yên theo dõi những cục than trong lò sưởi làm sôi âm ỉ siêu thuốc của người ốm. Suốt tuần lễ họ chỉ ngồi đọc báo; quanh năm chỉ biết đến máy tác phẩm văn học như “Tiếng gọi thiêng liêng” hay “Nhiệm vụ của con người”. Thế mà chúng ta còn mắng mỏ họ, chỉ vì bố mẹ họ hằng tuần đến thăm con và nhận quà dấm dúi của con là một lọ rượu giấu trong bọc quần áo. Thưa các bà, thử hỏi có người đàn ông nào yêu vợ đến mức săn sóc được hàng năm ròng như thế không? Vậy mà chỉ mất có mười đồng tiền công ba tháng ta đã cho là quá đắt. Pitt Crawley chỉ mất có một nửa số tiền ấy để trả công cô Hester hầu hạ bố mình, thế mà anh ta đã kêu ầm lên là tốn rồi.
Hôm nào nắng ráo, lão nam tước được ngồi trong ghế có bánh xe đẩy ra ngoài sân… chính là chiếc ghế lăn bà Crawley đã có lần dùng ở Brighton. Người ta mang nó về trại Crawley Bà chúa cùng một ít đồ dùng của Southdown phu nhân. Công nương Jane bao giờ cũng đi kèm bên lão, lão cũng có vẻ mến con dâu nhất nhà. Cứ trông thấy con dâu, lão lại gật gật đầu, mỉm cười; cô ta bỏ đi thì lão lại thốt ra những tiếng kêu van lơn ú ớ. Con dâu ra khỏi phòng, đóng cửa lại, lão ngồi thút thít khóc một mình… Lúc bà chủ có mặt, chị Hester nói với ông cụ chủ thật ngọt ngào, dịu dàng; bà chủ vừa ra khỏi, chị ta đổi ngay thái độ, cau mày nhìn lão già, giơ nắm tay ra doạ, và quát: “Im cái mồm, con khỉ già”, rồi xoay cái ghế không cho lão nhìn vào ngọn lửa trong lò sưởi nữa; lão lại càng khóc khoẻ. Sau hơn bảy mươi năm trời mưu mẹo, vật lộn, rượu chè, tội lỗi, vơ vét, chỉ còn lại một lão già ngơ ngẩn, suốt ngày rền rĩ khóc lóc, ăn nằm tắm rửa đều phải có người giúp như một đứa trẻ con.
Cuối cùng, cái ngày lão không còn cần ai phải hầu hạ nó đã đến. Một buổi sớm, Pitt Crawley đang ngồi kiểm soát sổ chi tiêu trong phòng thì có tiếng gõ cửa, rồi thấy Hester bước vào, cúi rạp xuống chào, nói:
– Thưa tôn ông, cụ Pitt… cụ Pitt mất sớm nay rồi, thưa tôn ông Pitt, con đang nướng bánh cho cụ, để cụ ăn cháo, thưa tôn ông Pitt, cụ vẫn quen dùng bữa sáng vào hồi sáu giờ, thưa tôn ông Pitt, cụ Pitt; thế rồi…Con thấy như có tiếng rên, và…và…
Chị ta lại cúi rạp xuống chào một lần nữa.
Vì sao bộ mặt vốn tai tái của Pitt lại bỗng đỏ tía lên? Phải chăng vì anh ta thế là trở thành tôn ông Pitt, chiếm một ghế trong quốc hội và có lẽ còn biết bao nhiêu vinh dự khác sau này? “Bây giờ mình mới có thể thanh toán cho xong hết nợ nần bằng tiền mặt, để khôi phục lại việc làm ăn trong trại” – Pitt nghĩ thầm. Anh ta tính nhẩm rất nhanh các món chi tiêu sẽ phải được hưởng gia tài của bà cô ra tiêu, vì sợ nhỡ lão Pitt khỏi bệnh, thì chẳng hoá ra đem đổ của xuống sông xuống bể hay sao?
Cả bên trại và bên nhà thờ cửa sổ đều đóng kín mít, chuông nhà thờ đổ hồi, cửa nhà thờ căng vải đen báo tang. Bute Crawley không đi xem đua xe ngựa, lão chỉ thản nhiên đi chén một bữa ở Fuddleston với bạn, vừa uống rượu vừa bàn tán về cái chết của ông anh và về tôn ông Pitt con. Cô Betsy đã lấy chồng là một bác thợ đóng yên ngựa; nghe tin, cô cũng khóc lóc thảm thiết. Viên thầy thuốc của gia đình vội cưỡi ngựa đến chia buồn và hỏi thăm sức khoẻ của các bà các cô trong nhà. Khắp Mudbury, và ở quán rượu “Huy hiệu Crawley” ai cũng bàn tán về cái chết này; lão mục sư đã làm lành với bác chủ quán, vì thỉnh thoảng thấy ông ta cũng vào hàng uống chơi một cốc bia.
Công nương Jane hỏi chồng, bây giờ tức là tôn ông Pitt:
– Để em viết thư cho chú ấy… hay là mình viết?
Pittt đáp:
– Dĩ nhiên, phải gọi chú ấy về dự lễ mai táng chứ, cho nó phải đạo. Công nương lên rụt rè tiếp:
– Thế còn… còn thím Rawdon?
Southdown phu nhân nói:
– Jane! Sao cô lại nghĩ chuyện vớ vẩn thế?
Pitt cương quyết đáp:
– Dĩ nhiên phải mời cả thím Rawdon.
Southdown phu nhân phản đối:
– Còn mặt tôi ở đây, không thế được.
Pitt đáp:
– Mong phu nhân nhớ cho rằng trong nhà này tôi là chủ. Jane, mình viết ngay hộ tôi một lá thư gửi thím Rawdon Crawley, mời về dự tang lễ.
Bà bá tước quát lên:
– Jane, tôi cấm cô viết đấy.
Pitt nhắc lại:
– Hình như tôi là chủ nhà này thì phải. Dầu có xảy ra chuyện đáng tiếc, vì vậy mà phu nhân phải rời khỏi gia đình này, tôi cũng đành cứ phải làm cho đầy đủ nhiệm vụ.
Southdown phu nhân đứng phăng ngay dậy kiêu hãnh y như là bà Siddons trong vai Macbeth phu nhân, ra lệnh người hầu lập tức thắng ngựa vào xe. Nếu bà bị con rể và con gái đuổi đi, bà sẽ tìm một nơi vắng vẻ để quên nỗi buồn và cầu nguyện cho họ nghĩ lại.
Công nương Jane, giọng van lơn, rụt rè nói với mẹ:
– Chúng con có đuổi má đi đâu, má.
– Cô mời khách khứa như thế đến nhà, thì người ngoan đạo nào mà muốn giáp mặt cơ chứ. Sáng mai, tôi đi.
– Jane, yêu cầu mình viết theo lời tôi đọc đây.
Đoạn Pitt đứng lên, điệu bộ quyền thế, trông y như trong tranh ở phòng triển lãm, anh ta bắt đầu đọc:
“Trại Crawley Bà chúa, ngày 14 tháng chín, năm 1822…
Chú thân mến…”.
Thật là những tiếng quyết định ghê gớm. Macbeth phu nhân còn đang ngần ngừ đứng chờ xem con rể có ý nhượng bộ hay không, không thấy, lập tức đứng phắt lên, mắt gườm gườm bước ra khỏi phòng. Công nương Jane ngước nhìn chồng, có ý xin chồng cho mình theo ra khuyên giải mẹ, nhưng Pitt bắt vợ ngồi yên.
– Bà cụ không bỏ đi đâu mà sợ. Bà cụ cho thuê lại ngôi nhà ở Brighton và đã tiêu hết sáu tháng tiền nhà rồi. Bá tước phu nhân mà trọ khách sạn thì còn ra thể thống gì. Tôi chờ từ lâu lắm mới có dịp này mình ạ. Mình cũng thấy đấy, trong một nhà không thể có hai người cùng làm chủ, bây giờ ta trở lại bức thư:
– Chú thân mến, tin buồn mà tôi có nhiệm vụ loan báo cho mọi người trong gia đình rõ đây, hẳn chú cũng chờ đợi từ lâu..v.v..”.
Tóm lại, nhờ may mắn, hoặc theo ý Pitt là do trời đền công, nên anh ta đã trở thành chủ nhân tất cả tài sản xưa nay mọi người trong gia đình vẫn khao khát; anh ta định tâm đối xử tử tế với bà con trong họ và gây dựng lại cơ nghiệp trại Crawley Bà chúa. Cứ nghĩ rằng mình là ông chủ mà sướng quá. Anh ta tin rằng nhờ tài năng, nhờ địa vị, mình sẽ mau có thế lực trong quận; anh ta sẽ dựa vào đó mà gây dựng cho em trai và các em họ tử tế, cũng có lẽ vì Pitt hơi hối hận khi nghĩ rằng mình nắm trong tay tất cả mọi thứ các em vẫn hy vọng được hưởng. Mới nắm quyền hành được có ba bốn ngày, mà thái độ anh ta đổi hẳn: kế hoạch đã vạch ra sẵn sàng. Pitt quyết định đối đãi công bằng, vô tư với mọi người, chấm dứt sự thống trị của Southdown phu nhân, và ăn ở thực tốt với bà con họ hàng.
Thế là anh ta bảo vợ viết gửi cho Rawdon một lá thư trịnh trọng, đầy những lời lẽ sâu sắc, tràng giang đại hải; cô thư ký mộc mạc viết theo lời chồng đọc phục quá, nghĩ thầm: “Được vào Hạ nghị viện, chắc anh ấy là một tay đại hùng biện (đêm đêm nằm với nhau trên giường, thỉnh thoảng Pitt vẫn thủ thỉ với vợ về chuyện này, cũng như về thói ngược ngạo của Southdown phu nhân); chồng mình khôn ngoan, tốt bụng quá; thật là một thiên tài! Kể ra anh có hơi lạnh lùng nhưng con người thật tốt bụng và thật là thiên tài!” Thực ra Pitt Crawley đã thuộc lòng từng chữ trong lá thư trước khi đọc cho vợ viết, anh ta đã kín đáo nghiền ngẫm cân nhắc kỹ càng kỳ thật hoàn hảo, đúng kiểu các nhà ngoại giao, trước khi có dịp thuận tiện để đọc cho vợ nghe mà ngạc nhiên.
Pitt Crawley lập tức gửi lá thư báo tang có viền đen to tướng và có đóng dấu cho em trai ở Luân đôn. Nhận được thư. Rawdon Crawley không được vui vẻ lắm. Anh ta tính toán: “Về cái nhà phải gió ấy làm gì? Cơm xong phải ngồi một mình với Pitt thì chịu sao nổi, mà tiền thuê ngựa khứ hồi cũng tốn đến hai mươi đồng bảng”.
Rawdon mang thư cho vợ xem, cùng với cốc sôcôla là cái món mà sáng sáng anh vẫn chuẩn bị rồi bưng lên cho vợ. Bất kỳ khi nào gặp khó khăn anh cũng tìm vợ để vấn kế. Lúc này Becky vẫn nằm trong phòng ngủ trên gác. Rawdon đặt khay sôcôla và lá thư trên mặt bàn trang điểm. Becky đang đứng bên cạnh bàn gỡ món tóc vàng óng. Đọc xong là thư viền đen, cô ta nhảy từ trên gác xuống đất, múa tít lá thư trên đầu, kêu ầm lên: “Hoan hô!”.
Rawdon thấy vợ nhảy cỡn lên trong bộ áo ngủ bằng dạ dài lượt thượt, tóc tung rã rượi, lạ lắm hỏi:
– Hoan hô? Ông lão có chia cho mình tí gì đâu. Hồi mới đến tuổi thành niên tôi đã lãnh phần gia tài của tôi rồi.
Becky đáp:
– Anh sẽ không bao giờ đến tuổi thành niên, khỉ lắm. Chạy mau lên hiệu bà Brunoy hộ một tý! Em phải may một cái áo tang mới được; còn anh cũng phải kiếm một cái băng đen gài vào mũ và một cái áo đen nữa… hình như anh chưa có thì phải. Bảo thợ may ngay sáng mai phải xong, thứ năm ta về.
Rawdon hỏi:
– Thế nào, định về thật à?
– Lại chẳng thật thì dối ư? Như thế nghĩa là sang năm công nương Jane sẽ đưa em vào chầu trong triều; nghĩa là ông anh trai sẽ lo cho anh một chân nghị sĩ quốc hội con khỉ già ạ. Cũng có nghĩa là hai anh em nhà anh sẽ ủng hộ hầu tước Steyne, nghe chưa, anh nỡm; và anh sẽ trở thành bí thư của phó vương Ai len hoặc quan thống đốc ở Tây Ấn Độ, hoặc chủ kho bạc, hoặc lãnh sự, đại khái như thế.
Rawdon càu nhàu:
– Hãy cứ biết tốn khối tiền xe pháo trước mắt đã.
– Sao chúng mình không mượn xe của gia đình Southdown, họ phải đến đưa đám chứ, có họ với nhau cơ mà. Nhưng mà thôi… em nghĩ nên đi xe khách thì dễ coi hơn. Trông có vẻ xuềnh xoàng…
Viên trung tá hỏi vợ:
– Cho cả thằng Rawdy về chứ?
– Cho nó về làm gì, tốn tiền xe vô ích. Nó lớn rồi, không ngồi kèm được đâu. Cứ để nó ở đây. Bà Briggs sẽ may cho nó một cái áo đen để trở. Thôi đi đi, nhớ làm đúng lời em dặn nhé. Anh nên bảo qua thằng Sparks, thằng hầu nhà ta ấy, rằng cụ Pitt vừa mất, anh về lo liệu tang ma xong, sẽ có một món tiền lớn. Nó sẽ kháo với bác Raggles, bác ta đang thúc tiền mình, chắc sẽ yên tâm.
Đoạn Becky bắt đầu nhấm nháp cốc sôcôla.
Tối hôm ấy, vị hầu tước Steyne trung thành đến chơi, lão thấy Becky và người tỳ nữ – chẳng phải ai xa lạ, chính là bà Briggs – đang túi bụi lên mà cắt, mà khâu, mà tháo chỉ, mà xé đủ mọi thứ vải đen dùng may áo tang.
Rebecca nói:
– Ông bố chồng em vừa mất. bà Briggs với em đang đứt từng khúc ruột đây. Thưa ngài, tôn ông Pitt Crawley không còn nữa. Sớm nay, chúng em đã xé đầu, bứt tóc rồi, bây giờ còn cái quần áo cũ nào chúng em lại xé nốt để may tang phục đây.
– Kìa, sao bà lại ăn nói… – Bà Briggs ngẩng đầu nhìn, chỉ nói được có thế. Lão hầu tước nhại lại:
– “Kìa, sao bà lại ăn nói…”. Vậy ra cái lão xỏ lá ấy ngoẻo rồi hả? Nếu khôn ngoan hơn một chút, lão có hy vọng được phong tước “đại quan” cơ đấy. Pitt đã cố gắng để lái lão ta đến mục tiêu ấy, song lão lại làm hỏng việc. Lão thật là một cái hũ rượu không đáy, nhỉ?
Rebecca đáp:
– Suýt nữa em phải là goá phụ của cái hũ rượu ấy đấy. Bà Briggs còn nhớ không? Cái lần bà nhòm qua lỗ khoá, thấy lão quỳ mọp trước mặt tôi ấy mà.
Nhắc đến chuyện cũ, bà Briggs đỏ tía mặt lên vì ngượng. May quá, hầu tước Steyne sai bà xuống nhà lấy một cái ly trà.
Bà Briggs chính là con chó giữ nhà Rebecca nuôi để canh giữ sự trong trắng và tiếng tăm của mình. Bà Crawley có cho bà này ít tiền trợ cấp. Bà Briggs cũng muốn ở lại trong gia đình Crawley với công nương Jane, cô ta đối xử với mọi người rất tốt; nhưng Southdown phu nhân khéo léo tìm cớ đuổi bà đi. Pitt không phản đối hành động tàn nhẫn của mẹ vợ; anh ta thấy chẳng qua trong mấy chục năm trời bà Briggs cũng chỉ là một người đầy tớ trung thành, được bà Crawley cho nhiều tiền là thiệt thòi cho anh ta.
Lĩnh xong phần gia tài của mình, bác Bowls và bà Firkin cũng được mời đi nơi khác. Hai người lấy nhau, mở một quán trọ, đúng phong tục của giới gia nhân.
Bà Briggs định về quê sống với gia đình, nhưng không chịu được, vì bà sống với những người sang trọng quen rồi. Họ hàng của bà Briggs, vốn là người bán hàng vặt ở một thị trấn miền quê, bắt đầu kèn cựa nhau về số tiền bốn mươi đồng trợ cấp đồng niên của bà, còn gay go trắng trợn hơn cả họ hàng bà Crawley tranh nhau cướp nhau gia tài của bà này. Em trai bà Briggs là một bác thợ mũ và bán tạp hoá có tư tưởng tiến bộ kết án bà là một mụ quý tộc hợm của, chỉ vì bà không chịu cấp cho anh ta một ít tiền để mở mang cửa hiệu. Lẽ ra bà cũng không tiếc nếu không có cô em lấy chồng, là vợ một bác thợ giầy không theo tôn giáo chính thống vẫn xích mích với ông anh thợ mũ vì hai người đi lễ hai nhà thờ khác nhau; cô này tố cáo với bà là anh trai sắp phá sản, và một dạo cô cũng đã định nẫng món tiền của bà. Bác thợ giầy muốn bà Briggs nuôi con trai mình ăn học cho nó trở thành một người thượng lưu. Bà chia cho hai gia đình nhà này một ít tiền rồi trốn sang Luân đôn và bị các em nguyền rủa thậm tệ. Thấy đời sống tự do tốn kém quá, bà quyết định lại trở về cuộc sống đời nô lệ vậy. Bà đăng báo trên mục rao vặt thế này: “Phụ nữ đứng đắn, lịch sự, quen thuộc với phong tục trong các gia đình thượng lưu, đang cần… v.v…” rồi đến ở chung với bác Bowls ở phố Nửa Vầng Trăng chờ kết quả.
Thế là bà về ở với Rebecca. Một hôm bà Briggs đến toà báo “Thời báo” ở khu City để đăng quảng cáo xin việc làm lần thứ sáu, vừa đi bộ về đến cửa nhà bác Bowls, người mệt lả, thì gặp bà Rawdon ngồi xe song mã phóng qua phố. Rebecca tự mình đánh xe, nhận ra “người phụ nữ đứng đắn lịch sự” mình vẫn có cảm tình, cô ta lập tức kìm ngựa lại, vứt dây cương cho thằng hầu, nhảy xuống đấy.
Bà này đột nhiên gặp lại bạn cũ còn đang bàng hoàng cả người chưa kịp định thần lại thì cô đã nắm chặt lấy cả hai bàn tay bà.
Bà Briggs khóc, Becky thì cười phá lên; vừa vào đến nhà, Becky ôm ngay lấy bà ta mà hôn. Hai người bước vào phòng bác Bowls; riềm cửa toàn bằng vải nhung kẻ đỏ; một tấm gương tròn to treo trên tường, mé trên có hình một con chim diều hâu bị xích chân hướng ra phía cửa sổ có chiếc biển đề: “Phòng cho thuê”.
Bà Briggs kể lại đầu đuôi chuyện mình giữa những tiếng nức nở và những tiếng nghẹn ngào không cần thiết, đúng kiểu người đàn bà đa cảm khi gặp lại bạn cũ hoặc nhìn thấy người quen qua đường. Lắm người ngày ngày vẫn gặp nhau mà cứ làm như xa cách hàng năm. Đàn bà dù ghét nhau như đào đất đổ đi, nhưng hễ gặp nhau là y như khóc, rồi than thở mãi về chuyện xích mích đã qua.
Tóm lại, bà Briggs dốc hết bầu tâm sự, rồi đến lượt Becky cũng kể lại với đời mình, vẫn với cái giọng ngây thơ, mộc mạc mọi khi.
Bác Bowls gái, là bà Firkin, mò vào lắng nghe hai người sụt sùi với nhau trong phòng khách. Xưa nay bác vẫn ghét Rebecca. Từ hồi hai vợ chồng mở quán trọ ở Luân đôn họ vẫn đi lại với bác Raggles là bạn cũ; bác này đem chuyện vợ chồng viên trung tá ra kể, họ gạt đi không nghe. Bác Bowls nói: “Tôi chả bao giờ tin hắn ta, bác Raggles ạ”. Ra khỏi phòng khách, bà Rawdon chào bác Bowls gái, bác này mỉa mai cúi đầu đáp lại. Bà Rawdon nhất định đòi bắt tay người hầu cũ; bác Bowls gái chìa ra mấy ngón tay cứng đờ như những khúc xúc xích. Rebecca mỉm cười thật tươi, gật đầu chào bà Briggs rồi phóng xe đi Piccadilly; bà này cứ đứng bên chiếc biển quảng cao cho thuê phòng mà nhìn theo gật gật cái đầu mãi; một lúc sau, đã thấy Rebecca ở công viên, có một lũ công tử bột lỏng buông tay khấu sau xe rồi.
Nắm được hoàn cảnh của bà bạn, lại biết bà này có món trợ cấp kha khá của bà Crawley, nên không lo phải trả tiền công. Becky lập tức tính chuyện mướn bà Briggs ở không công cho mình. Thật là một người tỳ nữ rất thích hợp. Cô ta bèn mời bà Briggs đến ăn cơm ngay tối hôm ấy, nhân tiện giới thiệu thằng cháu yêu Rawdy một thể.
Bác Bowls gái ngăn bạn chớ có chui vào hang hùm, “bác vào nơi ấy rồi thì hối không kịp đâu. Nếu sai, cứ đem đầu tôi ra mà chặt”. Bà Briggs hứa sẽ thận trọng. Kết quả là tuần lễ sau, bà ta dọn đến ở với vợ chồng Rawdon, và chưa đầy sáu tháng đã cho Rawdon Crawley vay tất cả sáu trăm đồng trích trong số tiền trợ cấp hằng năm của mình rồi.