CÁI TÚI LỤA XANH
Anh chàng Joe đáng thương mất vía đến hai ba ngày. Trong khoảng thời gian đó, anh ta không đi lại nhà bố mẹ, mà Rebecca cũng không nhắc đến tên anh chàng. Cô chỉ tỏ ra hết sức biết ơn và lễ độ với cô Sedley; được cô thiếu nữ tốt bụng này đưa đi thăm các quầy hàng tạp hóa, cô thích quá, và giả vờ làm như ngạc nhiên vô cùng khi được bước chân vào rạp hát. Một bữa, Amelia bị nhức đầu, nên không thể đến dự một buổi giải trí mà hai người đã được mời: Rebecca nhất định không chịu đi, nếu không có bạn đi cùng. “Kìa? Chị là người đầu tiên trong đời đã dạy cho đứa trẻ mồ côi đáng thương này biết thế nào là hạnh phúc và tình yêu…Bỏ chị ở nhà một mình? Không bao giờ!”
Thế rồi cô ngước đôi mắt xanh đẫm lệ nhìn lên trời. Bà Sedley không thể nào không nghĩ rằng bạn của con gái bà có một tâm hồn vô cùng quý hóa.
Nghe những câu khôi hài của ông Sedley, Rebecca cũng cười một cách nhiệt tình và kiên nhẫn; ông cụ lấy lắm thích và cảm động lắm. Không phải Rebecca chỉ gây được cảm tình với mấy người cầm đầu trong gia đình. Cô lấy lòng bà Blenkinsop bằng cách nhiệt liệt tán tụng phương pháp giữ món mứt quả được lâu ngày; công việc này đang tiến hành trong phòng riêng của bà quản gia; cô cứ một mực gọi Sambo là “ngài” và “ông Sambo”, làm cho bác gia nhân này thú vị quá. Cô ta lại xin lỗi chị hầu gái vì mình đã dám rung chuông làm phiền chị ta, lời lẽ thật ngọt ngào khiêm tốn, khiến cho bọn gia nhân dưới nhà ai cũng phải có cảm tình với cô như mọi người trên phòng khách. Truyện “Hội Chợ Phù Hoa ” được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
Một lần, đang xem mấy bức tranh Amelia vẽ ở trường gửi về nhà, Rebecca nhìn thấy một bức, đột nhiên khóc nấc lên và rời khỏi phòng. Hôm ấy chính là ngày Joe Sedley đến chơi lần thứ hai.
Amelia vội chạy theo bạn xem vì sao bạn khóc; lát sau cô gái tốt bụng quay lại một mình; hình như chính cô cũng cảm động.
– Má biết không, ba chị ấy là giáo sư dạy vẽ ở Chiswick. Những chỗ đẹp nhất trong tranh của chúng con là ông ấy vẽ hộ đấy.
– Này con, má nhớ rõ đã nghe bà Pinkerton nói chuyện rằng ông ấy không vẽ, chỉ sửa lại thôi.
– Thế cũng gọi là sửa đấy mẹ ạ. Chị Rebecca nhìn đến bức tranh, đột nhiên nhớ đến người cha trước kia đã sửa lại bức tranh ấy, và đây…má coi, chị ấy…
Bà Sedley nói:
– Cô bé đáng thương tính tình đa cảm quá nhỉ?
Amelia tiếp:
– Má ạ. Con muốn giữ chị ấy ở chơi đây thêm một tuần nữa.
– Cô ấy cũng gớm chẳng kém cô Cutler tôi thường gặp ở Dumdum, nhưng đẹp hơn. Cô kia bây giờ lấy Lance, thầy thuốc nhà binh. Má có biết không, có lần Quintin ở trung đoàn 14 đánh cuộc với con rằng…
Amelia cười bảo anh:
– Anh Joseph, em nghe mãi chuyện ấy rồi, đừng kể nữa; anh bảo má viết thư cho cái ông Crawley gì gì ấy đi, để xin phép cho chị Rebecca…kìa chị ấy đến kia, khóc đỏ hoe cả mắt.
Rebecca bước vào với một nụ cười tươi tỉnh nhất, cầm lấy bàn tay bà Sedley giơ ra kính cẩn hôn, nói:
– Bây giờ cháu dễ chịu rồi. Tất cả mọi người tất với cháu quá, tất cả mọi người – cô ta cười nói thêm – trừ anh, anh Joseph ạ.
– Tôi? Trời đất ơi? Thượng đế ơi! Cô Sharp! Joseph kêu ầm lên, định đi ngay tức khắc.
– Vâng, sao anh ác thế, bắt em ăn cái món ghê gớm đầy hạt tiêu kia ngay giữa hôm em mới gặp anh lần đầu. Anh không quý em bằng chị Amelia nhé.
Amelia nói ngay:
– Tại anh ấy chưa quen thân với chị đấy.
Bà mẹ thêm:
– Bác thách bất cứ ai dám đối xử không tốt với cháu, cháu yêu quý ạ.
Joe đáp, vẻ mặt trang trọng:
– Món ca-ry tuyệt lắm, thật đấy; có điều, hôm nọ vắt ít chanh quá…phải, quá ít.
– Thế còn món “chi-ly”?
– Lạy Chúa, món ấy làm cho cô kêu ghê quá.
Joe nhớ lại câu chuyện, lại phá ra cười như nắc nẻ, rồi cũng như mọi lần, bỗng nhiên im bặt.
Lúc mọi người cùng xuống nhà dùng cơm, Rebecca nói:
– Lần sau em sẽ chú ý xem anh tiếp cho em món gì. Em không tin rằng đàn ông lại thích bắt những người con gái vô tội phải khổ sở.
– Thề có đức Chúa, cô Rebecca, không khi nào tôi muốn làm khổ cô đâu.
Rebecca đáp:
– Không, em biết anh chẳng bao giờ muốn thế.
Đoạn cô dịu dàng khẽ vịn bàn tay nhỏ nhắn của mình vào cánh tay Joe rồi lại vội vàng rụt lại, sợ hãi, và mới đầu nhìn thẳng vào mặt anh chàng trong khoảnh khắc, sau lại nhìn xuống tấm thảm. Cho nên tôi không hề muốn nói rằng quả tim Joe không đập thình thình trước cái nhìn vô tình, dút dát và dịu dàng của cô con gái giản dị này.
Đấy là một cách tấn công; có thể là mấy bà nào đó quen lịch sự, đứng đắn sẽ lên án cử chỉ ấy là thiếu chín chắn, nhưng các bạn coi, cô Rebecca đáng yêu nhưng đáng thương kia phải đích thân làm tất cả mọi việc cho mình.
Nếu người ta nghèo, không đủ tiền nuôi người ở, thì dẫu xưa nay vẫn quen thói đài các cũng đành phải quét nhà lấy vậy. Nếu có một cô gái quý tộc lại không có một bà mẹ để thu xếp hộ công việc với chàng trai trẻ, thế tất cô ta phải làm lấy. Nhưng may mắn thay, mấy cô gái cũng ít khi phải trực tiếp dùng đến khả năng của mình! Họ mà đã dùng đến, đố ta cưỡng lại được đấy. Chỉ cần họ ngỏ ý một chút xíu thôi, lập tức đàn ông quỳ ngay gối xuống rồi, đẹp hay xấu cũng chẳng khác gì nhau. Điều đó tôi coi là chân lý tuyệt đối. Một người đàn bà có nhan sắc, không có một cái tật gì quá quắt, là có thể muốn lấy ai tùy thích. Tuy nhiên, ta cũng còn cảm ơn trời rằng các cô nàng đáng yêu ấy giống như bầy gia súc trên cánh đồng; họ không biết hết quyền lực của chính họ. Nếu họ biết thì, ôi thôi, chúng ta chỉ còn là nô lệ!
Joseph vừa bước vào phòng ăn, vừa nghĩ thầm: Ôi chao! Mình lại bắt đầu cảm thấy đúng như hồi ở Dumdum, gần cô Cutler rồi đây.
Trong bữa ăn, cô Sharp đã luôn luôn gọi Joseph để hỏi về các món ăn, giọng nói nửa bỡn cợt, nửa nũng nịu; vào hồi này, cô ta đang ở giai đoạn thân mật nhất với gia đình, và hai cô thiếu nữ thì đang coi nhau như chị em ruột. Mấy cô gái non chưa chồng bao giờ chả thế, miễn là họ chỉ sống chung với nhau độ mươi ngày.
Dường như Amelia cũng có ý muốn khuyến khích việc thực hiện kế hoạch của Rebecca, nên mới nhắc người anh nhớ đến lời hứa nhân ngày lễ Phục sinh vừa qua. Cô vừa cười vừa nhắc anh rằng hồi cô còn ở trường, Joseph có hứa sẽ đưa cô đến Vauxhall chơi.
– Bây giờ có cả chị Rebecca cùng đi với chúng mình, thật phải lúc quá, anh ạ.
– Ô thế thì tuyệt!
Rebecca toan vỗ tay nhưng cô ngẫm lại vội im bặt đúng kiểu một cô thiếu nữ chín chắn.
Joe đáp:
– Đêm hôm nay chưa đi được.
– Thế thì mai vậy.
Bà Sedley nói:
– Mai ba và má không ăn ở nhà đâu.
Ông lão đáp:
– Bà Sedley, bà tưởng tôi đi à? Bà có tuổi, lại hom hem, đi ra ngoài ẩm ướt lạnh lẽo thế để bị cảm mà chết à?
Bà Sedley kêu lên:
– Nhưng các cô ấy phải có người đi cùng chứ?
Ông bố cười:
– Cho thằng Joe đi theo. Nó cũng lớn rồi đấy.
Nghe nói vậy Sambo đứng cạnh phá ra cười: anh chàng Joe béo cảm thấy gần như muốn giết phăng ngay ông cụ thân sinh.
Ông già tàn nhẫn vẫn tiếp:
– Cởi áo gi-lê mau. Vã nước vào mặt nó đi, cô Sharp; hay là khiêng nó lên gác; cu cậu đang ngất đi kia kìa. Thằng bé đáng thương quá? Khiêng nó lên gác; nó nhẹ như sợi bấc ấy thôi mà.
Joseph gầm lên:
-Ba còn nói nữa, con đến chết mất!
Ông bố ra lệnh:
– Sambo, gọi dẫn con voi của cậu Joe lại đây. Đưa ngay đến khu Hội chợ; Sambo.
Nhưng thấy Joe gần phát khóc vì giận, ông lão hay đùa thôi không cười nữa; ông giơ bàn tay cho con, nói:
– Joe ở phòng Hối đoái mọi chuyện đều tốt lành cả. Còn Sambo, đừng lo chuyện con voi nữa, hãy rót cho ta và cậu Joe một cốc sâm-banh. Ngay cả Boney () cũng không có được thứ rượu này trong nhà đâu nhé; nào con!
Nhờ cốc vại sâm banh, Joseph lấy lại được sự điềm tĩnh; và trước khi cạn hết chai rượu – với tư cách là bệnh nhân, anh ta chỉ uống có hai phần ba – Joe thuận dẫn hai cô thiếu nữ đi Vauxhall.
Ông cụ nói:
– Con gái là phải có đàn ông cùng đi, thế nào thằng Joe cũng bỏ mặc con Emmy trong đám đông, rồi nó sẽ chỉ chú ý đến Rebecca thôi. Bảo đứa nào lại hỏi xem George Osborne có đi không.
Không biết vì lý do gì nghe ông cụ sắp đặt như vậy, bà Sedley nhìn chồng cười. Mắt ông cụ long lanh có vẻ hóm hỉnh khó tả. Ông lão nhìn sang Amelia. Còn Amelia thì cúi đầu xuống, đỏ ửng mặt lên như chỉ có những cô gái mười bẩy tuổi mới biết đỏ mặt như vậy, và như chưa bao giờ trong đời mình cô Rebecca Sharp đỏ mặt thế, ít nhất là trừ trường hợp hồi cô ta mới lên tám, bị bà mẹ đỡ đầu bắt quả tang ăn vụng một miếng dăm bông trong chạn. Ông bố lại nói:
– Tốt hơn là Amelia viết một mảnh giấy, để cho George Osborne thấy rằng con gái ta học trường bà Pinkerton viết chữ đẹp thế nào. Con còn nhớ không, hồi viết thư nhắn nó tới vào “đêm thứ mười hai”, con đã viết “hai thiếu chữ “h”. ()
Amelia đáp:
– Đã lâu lắm rồi còn gì.
– Thế mà mới như hôm qua thôi, có phải không ông John?
Bà cụ hỏi chồng vậy. Đêm hôm ấy hai ông bà ngồi nói chuyện với nhau trong một căn phòng phía mặt trước ngôi nhà, trên gác hai, dưới một thứ màn quây tròn có riềm bằng vải Ấn Độ loại quý, mầu rực rỡ, lại lót một lần vải bông màu hồng dịu. Mé trong thứ màn quý này, kê một chiếc giường có đệm lông: trên giường có hai cái gối; trên gối có hai bộ mặt tròn đỏ, một cái mặt đội mũ ngủ có quai, một cái đội mũ vải bông thường, có tua. Nhân lúc đọc sách trước khi ngủ, bà Sedley cự ông chồng vì đã tàn nhẫn với thằng Joe đáng thương lúc tối:
– Ông Sedley, ông như thế thật ác quá, ai lại hành hạ thằng bé như thế.
Cái đầu đội mũ có tua cãi lại:
– Bà này, thằng Joe nó còn ưa đỏm dáng gấp mấy bà ngày xưa ấy; mà bà thì đã hay đỏm dáng quá rồi. Tuy vậy, ba mươi năm trước, vào năm một nghìn bảy trăm tám mươi…tám mươi mấy nhỉ?…Hồi đó có lẽ bà còn có quyền đỏm dáng đôi chút, tôi không chối điều đó. Nhưng tôi không thể chịu được thằng Joe với cái thói công tử bột của nó. Thật là quá quắt. Suốt ngày nó chỉ nghĩ đến cái thân hình nó, yên trí mình đẹp trai nhất thiên hạ. Rồi có nhiều chuyện rắc rối vì nó cho mà xem. Cô bạn nhỏ của con Emmy đang ra sức chài thằng bé đấy; điều đó rõ như ban ngày. Mà nếu cô ta không câu được nó thì đã có đứa khác. Giời sinh ra thằng này để làm mồi cho con gái, y như hàng ngày tôi phải đến phòng Hối đoái vậy. Bà ạ, phúc quá, nó còn chưa vác về cho chúng ta một nàng dâu da đen thôi. Nhưng bà cứ tin tôi, đứa con gái thứ nhất nào muốn chài nó là nó cắn câu ngay.
Bà Sedley nóng nảy đáp:
– Ngày mai tống khứ cái con bé láu cá ấy đi cho rảnh.
– Bà Sedley, con bé ấy trông cũng được đấy chứ. Mặt mũi cũng trắng trẻo, xinh xắn. Tôi chẳng biết thằng Joe lấy ai, cứ mặc nó chọn vợ lấy.
Rồi tiếng chuyện trò im bặt, chỉ còn vẳng ra thứ âm nhạc nhẹ nhàng nhưng kém thi vị của mấy cái lỗ mũi. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng chuông nhà thờ đánh chuông báo giờ, và tiếng người gác điểm canh, mọi vật đều yên lắng trong căn nhà của tôn ông John Sedley, ở công viên Russell, làm việc tại phòng Hối đoạt.
Sáng hôm sau, bà cụ Sedley tốt bụng thôi không nghĩ đến chuyện thực hiện lời đe dọa tối hôm trước về việc đuổi cô Sharp đi nữa. Mặc dầu không có cái gì thiết tha, thông thường và cũng hợp lý hơn là lòng người mẹ vì thương con mà ghen với người khác, song bà cụ cũng không sao tưởng tượng được rằng cái cô giáo bé nhỏ tầm thường, biết ơn và dịu dàng kia lại dám ngưỡng vọng một nhân vật cao quý là ngài ủy viên tài phán của quận Boggley Wollah. Hơn nữa, lá thư xin phép gia hạn nghỉ cho cô gái đã gửi rồi, bây giờ đột ngột muốn mời cô ta đi cũng khó tìm được một lý do cho thỏa đáng.
Dường như mọi sự đều phụ họa mà giúp đỡ Rebecca, thời tiết cũng can thiệp để làm lợi cho cô (mặc dầu thoạt tiên cô cũng chưa biết cảm ơn thời tiết đã vì mình). Tối hôm mọi người dự định đi Vauxhall, George Osborne có đến ăn cơm; sau khi hai bậc cha mẹ đã đi dự tiệc cùng viên cố vấn hành chính Bản ở Highbury Barn, thì bỗng một cơn giông nổ ra; những hôm người ta định đi chơi Vauxhall vẫn hay xảy ra những cơn giông tai hại như vậy; mấy cô cậu bắt buộc phải ở nhà. Anh chàng Osborne có vẻ không lấy việc đó làm phiền lắm. Anh ta và Joseph ngồi tay đôi () trong phòng ăn, uống một ít rượu…vừa uống rượu, Sedley vừa kể vài câu chuyện hay nhất của anh ta về Ấn Độ – nếu chỉ có đàn ông với nhau anh chàng cũng rôm chuyện lắm. Một lúc sau, Amelia Sedley chủ tọa phòng khách. Cả bốn cô cậu đã qua một tối cực kỳ dễ chịu; họ nói rằng cơn giông vừa qua đã bắt họ phải hoãn việc đi chơi Vauxhall đến hôm khác; ấy thế mà lại hóa ra vui cơ đấy.
Osborne là con đỡ đầu của ông Sedley; đã hai mươi ba năm nay anh ta vẫn được coi là con cái trong gia đình. Mới chào đời được sáu tuần lễ, anh ta được ông John Sedley cho một cái chén bạc; khi được sáu tháng, lại thêm một cành san hô, có đính theo còi và chuông bằng vàng. Từ bé tới lớn, cứ đến lễ Giáng Sinh, George lại được ông cụ gửi quà cho đều đặn. Vì thế khi trở lại trường anh ta còn nhớ rõ bị Joseph Sedley nện cho một trận cẩn thận; hồi ấy Sedley là một cậu bé khỏe mạnh, hay gây gổ, còn George thì là một thằng oắt mới lên mười nhưng láo xược. Tóm lại George rất thân mật với gia đình này, vì từ nhỏ vẫn đi lại như người nhà và vẫn được cho quà bánh.
– Sedley, anh còn nhớ không, có bận tôi cắt đứt mất mấy cái tua ở đôi ủng của anh, anh phát khùng lên ghê quá; rồi cô hừm? Rồi Amelia cứu tôi thoát khỏi trận đòn, vì đã quỳ xuống khóc mà xin anh Joe đừng đánh cái thằng bé George nữa?
Joe vẫn nhớ như in câu chuyện trên, nhưng lại nói rằng mình quên bẵng mất rồi.
– Phải, anh còn nhớ không, trước khi sang Ấn Độ, anh có đi xe ngựa đến trường của ông Swishtail để thăm tôi, rồi vỗ vỗ vào đầu tôi, cho tôi một đồng nửa ghi nê? Trước tôi vẫn cứ nghĩ rằng anh phải cao tới bảy bộ, thế mà khi anh ở Ấn Độ về, tôi lấy làm lạ quá, vì thấy anh cũng chẳng cao hơn tôi.
Rebecca kêu lên, giọng vui thích:
-Anh Sedley đến tận trường để cho anh tiền cơ à? Tốt quá nhỉ.
-Vâng, mà tôi lại đã cắt mất tua ủng của anh ấy cơ chứ. Ở trường, trẻ con được tiền thì nhớ mãi, mà cũng không quên cả người cho.
Rebecca nói:
– Tôi thích những đôi ủng cao lắm.
Joe Sedley vốn rất tự hào về đôi chân của mình, lúc nào cũng xỏ vào đôi giầy được coi như một thứ đồ trang sức; nghe Rebecca nói anh ta khoái quá, nhưng vội rụt ngay chân cho vào gầm ghế.
George Osborne nói:
– Cô Sharp ạ, cô là nhà nghệ sĩ thông minh thế cô phải vẽ một bức tranh kỷ niệm về chuyện đôi ủng. Cô sẽ vẽ Sedley mặc quần da thuộc, một tay cầm chiếc ủng bị hỏng; còn tay kia túm lấy cổ áo tôi; Amelia sẽ quỳ ở bên cạnh giơ đôi tay bé nhỏ lên. Bức tranh sẽ mang một cái tên tượng trưng long trọng như là những nhãn sách ta vẫn thấy ở các quyển tập đọc.
Rebecca đáp:
– Em không có thì giờ vẽ ngay ở đây, nhưng em sẽ vẽ khi…khi nào em rời khỏi đây ra đi.
Cô hạ thấp giọng xuống, vẻ mặt rầu rĩ, đáng thương, đến nỗi ai cũng thấy xót cho cảnh ngộ của cô và cảm thấy nếu phải xa cô thì đáng buồn quá.
Amelia nói:
– Chị Rebecca thân yêu ơi, giá chị ở chơi với em thêm ít lâu nhỉ?
Rebecca lại càng buồn bã đáp:
– Để làm gì hở chị? Để khi xa nhau, riêng em càng buồn khổ thêm và càng không muốn xa chị ư?
Nói đoạn cô quay mặt đi. Amelia lại bắt đầu nhượng bộ cái tật trời sinh là thói hay khóc của mình; cô gái bé bỏng vớ vẩn này vẫn có cái nhược điểm ấy. George Osborne nhìn hai cô thiếu nữ, lộ vẻ tò mò, động tâm; còn Joe Sedley thì thở hắt ra từ cái lồng ngực to tướng của mình một cái gì giống như một tiếng thở dài; mắt lại tiếp tục nhìn xuống đôi ủng cao chí thiết của mình.
George nói:
– Cô Sedley…Amelia, ta chơi vài bản nhạc đi.
Lúc này anh ta cảm thấy có một sức gì kỳ lạ gần như không cưỡng lại được, nó xô mình muốn ôm ghì lấy cô thiếu nữ vào hai tay, và hôn cô ngay trước mặt mọi người; cô thiếu nữ nhìn anh chàng một lúc lâu; nếu bảo rằng lúc ấy hai người mới yêu nhau thì có lẽ tôi đã nói sai sự thực vì thực tế là đôi thanh niên nam nữ này đã được hai bên cha mẹ nuôi nấng từ bé cốt nhằm mục đích ấy; lễ ăn hỏi của đôi bên đã tuyên bố trong hai họ đến mười năm nay rồi.
Hai người bước lại gần cây đàn dương cầm kê ở cuối phòng khách, bao giờ đàn dương cầm cũng kê ở đấy . Chỗ này hơi tối nên Amelia, một cách tự nhiên nhất trần đời, đặt bàn tay mình vào bàn tay Osborne. Dĩ nhiên anh ta có thể nhìn rõ lối đi giữa những hàng ghế hơn cô nàng nhiều. Thế là họ bỏ Joseph Sedley và Rebecca ngồi với nhau ở phòng khách; Rebecca đang đan một cái túi lụa màu xanh. Cô nói:
– Chả cần phải hỏi, em cũng biết chuyện riêng gia đình nhà ta. Hai người vừa tiết lộ sự bí mật của họ rồi đấy.
Joseph đáp:
– Bao giờ anh ta thăng chức đại úy, tôi tin rằng công việc sẽ thu xếp xong. George Osborne là người tốt lắm.
Rebecca nói:
– Em gái anh cũng là một người đáng quý nhất đời. Sung sướng thay người đàn ông nào chinh phục được chị ấy Nói xong, cô Sharp thở dài thật to.
Khi nào một cặp trai gái chưa lập gia đình ngồi với nhau mà đụng chạm đến cái vấn đề tế nhị này, lập tức họ dễ dàng trở thành thân mật và ưa tâm sự với nhau. Chả cần phải kể lại câu chuyện đang diễn ra giữa Sedley và cô thiếu nữ. Cứ xem đoạn trên đủ biết câu chuyện ấy không có gì là đặc biệt dí dỏm hoặc hùng hồn. Trong những buổi gặp gỡ thân mật ít khi người ta chuyện trò với nhau theo kiểu này, không kể trong những tiểu thuyết kênh kiệu, giả tạo. Vì phòng bên đang chơi âm nhạc, dĩ nhiên họ phải nói chuyện se sẽ phải chăng thôi; tuy rằng đôi trai gái phòng bên cũng đang bận bịu với công việc riêng của họ, giá bên này có nói to, họ cũng chẳng để ý đến làm gì.
Hôm nay hầu như là lần đầu tiên trong đời, Sedley thấy mình nói chuyện với một người đàn bà mà không hề dút dát e dè một tý nào. Rebecca hỏi anh ta rất nhiều chuyện về Ấn Độ; được dịp, anh ta bèn tuôn ra vô khối chuyện lý thú về xứ đó, và về chính anh ta. Và kể lại những cuộc dạ hội ở phủ Toàn quyền và cách họ giữ cho không khí được mát lạnh trong mùa bức, thí dụ dùng chiếu cói và quạt, cùng nhiều phương pháp khác. Anh ta chỉ trích những sĩ quan Scotland được viên toàn quyền Minto che chở. Rồi anh ta kể một chuyện săn hổ, cả cái đoạn lão quản tượng điều khiển con voi của anh bị những con hổ nổi xung lên kéo ngã lăn khỏi lưng voi. Nghe kể chuyện dạ hội ở phủ Toàn quyền, Rebecca có vẻ thú vị lắm; mà nghe kể chuyện những ông sĩ quan hầu cận xứ Scotland cô phá ra cười và gọi Sedley là một người hay châm biếm độc ác; lúc nghe Joe kể chuyện con voi, cô thiếu nữ mới sợ hãi làm sao.
Cô nói:
– Anh Sedley thân yêu ơi, hãy vì thương bà cụ sinh ra anh, hãy vì các bạn của anh mà hứa rằng đừng bao giờ dự những cuộc săn khủng khiếp như thế nữa nhé.
Anh chàng vừa kéo cổ áo lên, vừa đáp:
– Dào ôi! Có nguy hiểm thế cuộc săn mới thú chứ.
Cả đời Joe mới đi săn hổ có một lần, đúng là lần có câu chuyện trên xảy ra; bữa ấy anh ta suýt chết…không phải vì hổ, mà vì sợ quá. Càng nói chuyện nhiều anh chàng càng đâm bạo, và lúc này đã có can đảm hỏi Rebecca rằng cô ta đan cái túi lụa xanh cho ai…Thấy mình trở thành thân mật duyên dáng thế, anh chàng đâm ra ngạc nhiên và khoan khoái ghê.
– Em đan cho người nào thích một cái túi.
Rebecca vừa đáp vừa nhìn anh chàng với đôi mắt rất tình tứ. Sedley đang sắp sửa nói một câu thật sự là hùng hồn, và đã bắt đầu: “Ô, cô Sharp…” thì bản nhạc đang chơi ở phòng bên chấm dứt làm cho anh ta nghe thấy tiếng mình rõ mồn một; anh chàng vội im bặt, rút khăn tay hỉ mũi rầm lên.
Osborne thì thầm với Amelia:
– Có bao giờ em nghe thấy anh Joe hùng biện không? Gớm, cô bạn em làm được một việc kỳ diệu thật.
– Thế thì càng tốt thôi.
Amelia đáp. Cô cũng giống như phần lớn đàn bà con gái hiểu biết tý chút, cũng sính đóng vai ông tơ bà nguyệt; giả thử Joseph có vợ đem theo về Ấn Độ thì cô cũng thích. Thêm nữa, qua mấy ngày sống gần gũi nhau, tình bạn giữa cô và Rebecca trở thành rất đằm thắm, cô đã khám phá ra vô số những đức tính đáng yêu ở bạn mình, mà hồi còn chung sống ở Chiswick cô không nhìn ra. Xưa nay cảm tình vẫn thường nảy nở mau chóng giữa các cô con gái chẳng khác gì cây thần trong truyện cổ tích chỉ một đêm đã mọc cao vút đến tận trời. Không nên trách họ, nếu sau ngày về nhà chồng, nỗi khát khao tình cảm () ấy nguội bớt.
Về điểm này, các nhà tâm lý học quen dùng những danh từ kêu rùm beng thường gọi là sự khát vọng vươn tới lý tưởng; thực ra chỉ có nghĩa là đàn bà con gái thường thường chỉ thỏa mãn khi nào đã lấy chồng đẻ con; khi ấy tình cảm của họ mới có nơi tập trung, còn trước kia thì nó bị tiêu phí vào những chuyện vặt vãnh mất cả.
Amelia đã dốc hết cả kho bài hát ít ỏi của mình lúc nãy, lại đã ở khá lâu trong phòng khách, cô thấy nên mời bạn mình hát. Cô bảo với Osborne thế này (dẫu biết rằng mình đang nói dối) :
– Giá anh nghe Rêbecca hát trước, thì anh sẽ không muốn nghe em hát đâu.
Osborne nói:
– Tuy vậy, tôi cũng xin báo cho cô Sharp biết rằng, dù đúng hay sai, tôi cũng cứ coi cô Amelia Sedley là người hát hay nhất thế giới.
Amelia đáp:
– Rồi anh xem.
Bây giờ Joseph Sedley đã tỏ ra lịch sự, mang mấy cây đèn đến chỗ cây dương cầm; Osborne nói ý rằng mình ngồi trong bóng tối nghe nhạc thấy thích hơn. Nhưng Amelia cười, không chịu cùng ngồi với anh chàng nữa. Thế là cả hai đi theo Joseph. Rebecca hát hay hơn bạn nhiều (dĩ nhiên, Osborne vẫn có quyền tự do giữ ý kiến riêng của mình); cô trổ hết tài năng và quả thực đã khiến Amelia rất ngạc nhiên vì chưa hề bao giờ thấy bạn hát hay đến thế. Rebecca hát một bài tiếng Pháp, Joseph nghe chẳng hiểu gì cả; George cũng thú thực mình không hiểu; đoạn cô lại hát vài “ca khúc” thông thường, đã trở thành “mốt” khoảng bốn mươi năm trước đây; đại khái nội dung nói đến những người lính thủy nước Anh, đức Hoàng đế, cô Susan đáng thương, cô Mary mắt biếc v.v… Người ta bảo rằng, về mặt nghệ thuật âm nhạc, những bài hát này cũng không hay ho gì, nhưng có nhiều đoạn êm ái kích thích cảm tình, thiên hạ nghe dễ hiểu hơn là cái thứ âm nhạc lai căng của những lagrime, sospiri, và felicita trong âm nhạc của Donizetti () đang thịnh hành bấy giờ.
Nội dung bài hát cuối cùng như sau:
Giữa đồng lạnh lẽo cô đơn
Mà cơn bão táp lại đang thét gầm.
Mái nhà kia, tạm trú chân…
Chú em côi cút lại gần nhìn xem.
Trong nhà ấm áp lửa than.
Lò càng rực cháy, gió thêm cóng người
Tuyết càng lạnh buốt rơi…rơi…
Trong nhà nhác thấy chú ngồi co ro,
Ngực thoi thóp, tay cứng đờ.
Ôn tồn bèn nhủ hãy cho chú vào;
Tươi cười, chào đón ngọt ngào.
Sớm mai trở dậy, nắng sao sáng lòa…
Lửa còn rực cháy trong lò
Chú em côi cút bây giờ về đâu!
Lạy trời xót kẻ cơ cầu,
Hãy nghe gió lộng rít cao trên đồi.
Nghĩa là bài hát đã lặp lại nội dung tình cảm của câu:
“Khi nào em đã ra đi…” Rebecca nói lúc nãy. Hãy đến câu cuối cùng, cái giọng trầm trầm của cô Sharp hơi run run, mọi người nghe đều hiểu rằng cô ý muốn nói đến việc mình ra đi và cảnh ngộ mồ côi đáng thương của mình. Vốn thích âm nhạc, lại có tâm hồn đa cảm, Joseph Sedley rất say sưa khi nghe Rebecca hát; nhất là đoạn kết làm anh ta cảm động vô cùng. Giá anh ta có đủ can đảm nhỉ. Giá mà George và cô Sedley ngồi lại văn phòng ăn như lúc nãy George đề nghị, thì cuộc đời trai chưa vợ của Joseph đã chấm dấu hết rồi, mà cuốn truyện này cũng không được viết ra nữa. Nhưng hát xong Rebecca rời cây đàn, đưa tay cho Amelia cầm và cả hai đi sang căn phòng khác tranh tối tranh sáng bên cạnh. Vừa lúc ấy Sambo bước vào, tay bưng một cái khay đầy những bánh sandwich, mứt quả, và mấy cái cốc, mấy cái bình sáng long lanh; lập tức sự chú ý của Joseph tập trung vào đó. Hai vợ chồng ông Sedley đi dự tiệc về thấy mấy cô cậu đang say sưa trò chuyện đến nỗi không nghe thấy tiếng xe ngựa đỗ.
Anh chàng Joseph đang nói:
– Cô Sharp thân yêu, mời cô dùng một thìa mứt cho lại sức sau khi đã cố gắng trổ hết tài năng tuyệt diệu.
Ông Sedley kêu lên:
– Hoan hô Joe ?
Thoạt nghe tiếng nói quen thuộc oang oang, Joe lập tức hoảng hốt, im bặt rồi vội vã bỏ đi. Anh ta không thức trằn trọc suốt đêm tự hỏi mình có yêu cô Sharp hay không; ái tình không bao giờ quấy rối được sự tiêu hóa hoặc giấc ngủ của Joseph Sedley. Nhưng anh ta nghĩ thầm: “Được nghe những bài hát như thế cũng tuyệt…thật là một con người phong nhã…nói tiếng Pháp còn hay gấp mấy so với chính Toàn quyền phu nhân…cô ta mà dự những buổi dạ hội ở Calcutta thì phải biết là nổi danh.
Joe lại tự nhủ: “Rõ ràng cô ả phải lòng mình rồi. Bọn thiếu nữ sang Ấn Độ có giàu có gì hơn cô ta kia chứ. Mình cứ “già kén” rồi đến kẹn “hom” mất. Nghĩ thế rồi Joe lăn quay ra ngủ lúc nào không biết.
Chẳng cần nói ta cũng rõ chính lúc ấy cô Sharp đang nằm trằn trọc nghĩ mãi không biết ngày mai anh ta có lại chơi hay không. Sáng hôm sau, y như có trời run rủi, Joseph Sedley lại mò đến trước giờ điểm tâm. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh ta ban cho căn nhà ở Công viên Russell vinh dự lớn lao này. George Osborne cũng có mặt ở đây rồi, Amelia đang bận viết thư cho một tá bạn còn ở lại Chiswick, Rebecca thì đang thêu nốt cái túi lụa. Nghe tiếng xe ngựa của Joe và trong lúc ngài cựu ủy viên tài phán quận Boggley Wollah đang ỳ ạch leo thang gác lên phòng khách sau khi đã gõ cửa thình lình, và gọi oang oang ngoài cửa một cách long trọng như thường lệ. Osborne và Amelia đưa mắt ra hiệu cho nhau cả đôi mỉm cười láu lỉnh nhìn sang Rebecca; cô này cúi xuống để cho những búp tóc xinh đẹp của mình rủ xuống cái túi đang đan, mặt đỏ lên…Lúc Joseph bước vào, trống ngực cô đập thình thình…Joseph thở phì phò đi ủng bóng nhoáng kêu cọt kẹt. Anh ta mặc một tấm áo mới, cổ áo là cứng, mặt đỏ vì trời bức và vì xúc động mạnh. Lúc này thật là khó xử cho cả mọi người; riêng Amelia còn lo lắng hơn cả người trong cuộc.
Sambo mở tung cửa, lên tiếng báo có ông Joseph đến chơi, đoạn vừa đi theo sau ngài ủy viên vừa nhăn răng cười, tay ôm hai bó hoa rất đẹp. Sớm nay anh chàng lịch sự đến mức ra tận vườn Covent mua hoa. Hai bó hoa không được to bằng hai đống rơm bọc trong giấy bóng như ngày nay các bà, các cô thường mang theo mình, nhưng hai cô thiếu nữ cũng rất sung sướng được Joseph tặng mỗi cô một bó, kèm theo một cái nghiêng mình cúi chào một cách thật trang trọng. Osborne kêu lên:
– Hoan hô Joe.
Amelia nói:
– Cảm ơn anh, anh Joseph thân mến.
Cô sẵn sàng hôn ông anh một cái, nếu ông anh cho phép (Tôi thì tôi nghĩ rằng được một con người đáng yêu như Amelia hôn, tôi sẵn sàng mua tất cả hoa trong vườn kính của ông Lee ngay lập tức).
– Chao ôi! Hoa đẹp tuyệt vời.
Rebecca reo lên, khẽ áp bó hoa vào mũi ngửi rồi ôm vào ngực, mắt ngước nhìn lên trần nhà, điệu bộ có vẻ say sưa vì sung sướng. Có lẽ thoạt tiên đã liếc nhìn ngay vào giữa bó hoa xem có “bức tình thư”() nào dắt trong ấy hay không, nhưng chả có thư từ gì cả.
Osborne cười hỏi:
– Ở Boggley Wollah, dân họ có biết dùng hoa để tỏ tình với nhau không nhỉ, Sedley?
Anh chàng đa tình đáp:
– Ôi dào, chuyện vớ vẩn? Tôi mua hoa ở hiệu Nathan đấy. Rất hân hạnh vì các cô vui lòng. Mà này, Amelia, anh có mua một quả dứa cùng với mấy bó hoa này; anh đã đưa cho Sambo. Để đấy tí nữa ta giải khát. Trời nóng nực, ăn cái ấy mát và ngon lắm.
Rebecca bảo rằng mình chưa bao giờ được ăn dứa, đang thèm được nếm một miếng. Câu chuyện tiếp tục như vậy; không rõ vì sao Osborne rời khỏi gian phòng, và cả Amelia cũng đi ra ngoài, có lẽ để bảo người nhà gọt dứa. Riêng Joe vẫn ngồi lại một mình với Rebecca. Cô thiếu nữ lại tiếp tục đan; sợi lụa xanh và đôi que đan sáng bóng động đậy nhanh thoăn thoắt dưới mấy ngón tay búp măng trắng muốt.
Ông ủy viên tài phán nói:
– Tối hôm qua, cô hát một bài hay quá, ha….a…ấy qua…a.. á? Cô Sharp thân mến ạ. Làm tôi gần phát khóc, tôi xin lấy danh dự mà nói thế.
– Tại anh có một tâm hồn đa cảm đấy, anh Joseph ạ. Em thấy tất cả mọi người trong gia đình ta ai cũng có tâm hồn đa cảm.
– Vì bài hát ấy mà đêm qua tôi không ngủ được. Sáng hôm nay tôi còn nhẩm lại lúc nằm trên giường, xin lấy danh dự mà thề, đúng như thế. Ông Gollop, bác sĩ của tôi, đến thăm tôi hồi mười một giờ (cô biết đấy, tôi vẫn có bệnh, ngày nào ông Gollop cũng phải lại thăm) thế mà chết chưa, tôi vẫn nằm trên giường hát huyên thuyên như…một con sơn ca.
– Ồ, anh vui tính quá. Anh hát cho em nghe một tý nhé.
– Tôi ấy à? Không, cô Sharp; cô Sharp thân mến ơi, cô hát đi cơ.
Rebecca thở dài:
– Anh Sedley ạ, bây giờ thì không được đâu. Em không bình tĩnh lắm, hát sao được. Vả lại, em còn phải đan xong cái túi này chứ. Anh Sedley, anh giúp em một tay nhé?
Thế là trước khi có đủ thì giờ hỏi xem giúp thế nào, ngài Joseph Sedley, tòng sự tại Công ty Đông Ấn Độ đã thấy mình ngồi tay đôi với một thiếu nữ, và đang nhìn cô ta với một vẻ tình tứ nhất trần đời; hai cánh tay anh chàng giơ ra trước mặt với một dáng điệu như cầu xin, còn hai bàn tay thì bị sợi lụa xanh cô nàng đang gỡ dần ra quấn chặt lấy. Lúc Osborne và Amelia bước vào để báo rằng món giải khát đã sẵn sàng, họ nhìn thấy đôi trai gái trong cảnh tượng thi vị như vậy. Cuộn sợi đã cuốn xong vào lõi, nhưng Joe vẫn chưa nói câu gì.
Amelia nắm chặt tay Rebecca bảo:
– Chị ạ, em chắc thế nào đêm nay anh ấy cũng ngỏ lời đấy.
Sedley cũng tự nhủ:
Đến Vauxhall mình phải đặt vấn đề mới được.