MỘT CHƯƠNG KHÁ LÀ TRỮ TÌNH
Chúng ta hãy tạm rời chốn Thiên đường Accady và những người bạn đáng yêu đang cùng sống với những đức tính nơi thôn ổ của họ, để quay về Luân-đôn, xem cô Amelia bây giờ ra sao.
“Tôi để ý đến cô ta làm quái gì” một người vô danh nào đó viết như vậy trong một bức thư gắn xi màu hồng, nét chữ xinh xinh. “Cô ta nhạt nhẽo, vô vị lắm”, và còn thêm một vài nhận xét tốt bụng đại khái như thế, có nhẽ tôi chẳng nên nhắc lại những ý kiến ấy ở đây làm gì, vì thực ra đó chính là những lời lẽ tán tụng vô cùng tốt đẹp đối với Amelia.
Qua những kinh nghiệm sống, hẳn các bạn đọc đáng quý cũng đã có dịp được nghe thấy những nhận xét tương tự từ miệng những cô bạn gái tốt bụng: các cô ấy vẫn thường ngạc nhiên tại sao bạn lại có thể nghĩ rằng cô Smith đẹp mê hồn, hoặc chẳng biết cái gì có thể xui viên thiếu tá John tỏ tình với cái cô Thomson ngớ ngẩn, lúc nào cũng cười một cách vô vị kia; cô ta có gì đáng chú ý đâu, chỉ được cái bộ mặt búp bê bằng sáp. Mà thật ra thì một cặp má hồng, một đôi mắt biếc là cái quái gì? Mấy nhà luân lý học hỏi thế, và ngỏ ý rằng những năng khiếu của thiên tài, một tâm hồn phong phú, sự hiểu biết thấu đáo các vấn đề của Mangnall, và những kiến thức về thực vật học và địa chất học xứng đáng với một bà mệnh phụ, cái tài khéo làm thơ, khéo hát những bài sonate thơ kiểu Herz, và vân vân…đối với đàn bà, những thứ đó còn quý hơn cái sắc đẹp thoảng qua, nó sẽ chỉ trong ít năm là phai lạt. Nếu được nghe đàn bà bàn về cái vô tích sự và cái đặc điểm “sớm nở tối tàn” của sắc đẹp âu cũng là một điều lý thú.
Người ta vẫn cho rằng đạo đức là điều đẹp đẽ hơn nhiều, và cũng là điều những con người bất hạnh không được trời phú cho một bộ mặt xinh xắn thường phải tâm tâm niệm niệm trong suốt cuộc đời họ còn đeo đẳng; và rất có thể đối với các phu nhân thì những đức tính anh hùng của nữ giới còn vinh quang và đẹp đẽ hơn nhiều so với một người đàn bà nội trợ dịu dàng, trẻ trung, tươi tỉnh, thật thà, hiền hậu, mà nam giới vẫn có khuynh hướng chuộng hơn…
Nhưng loại đàn bà thứ hai, những con người kém cỏi ấy, cũng nên tự an ủi rằng rốt cuộc thì đàn ông chúng tôi vẫn mến phục họ; mặc kệ những lời ngăn ngừa phản đối của mấy ông bạn quý, chúng tôi vẫn còn cứ tiếp tục đến cùng những sai lầm và dại dột điên cuồng ấy. Riêng phần tôi, tôi vẫn thường được những người tôi rất kính trọng căn dặn rằng: “Cô Brown chỉ là một con bé vô vị; còn cô White chỉ được có mỗi bộ mặt kháu khỉnh xinh xinh(); bà Black thì chả có điều gì đáng nói”: nhưng trái lại, chính tôi đã được trò chuyện rất thú vị cùng bà Black (dĩ nhiên, thưa bà, những chuyện ấy tôi sẽ không tiết lộ); tôi đã thấy đàn ông xúm xít quanh chỗ cô White ngồi, còn bọn trẻ tuổi thì đánh lộn nhau để được khiêu vũ với cô Brown; do đó tôi đang muốn nghĩ rằng được nữ giới khinh bỉ, thật là vinh dự lớn cho một người đàn bà vậy.
Những cô thiếu nữ quen biết Amelia đã ban cho cô cái vinh dự ấy một cách khá đầy đủ. Thí dụ như mấy chị em nhà Osborne là chị em gái của George, cũng như mấy cô nhà Dobbin; họ không đồng ý với nhau được về điểm nào bằng điểm nhất trí chê bai Amelia; họ cho rằng cô không có được tài đức gì đáng kể. Thấy mấy ông anh của họ cứ khen mãi cô ta đáng yêu, họ lấy làm ngạc nhiên quá. “Chúng mình nên đối tốt với chị ấy”, hai cô Osborne bảo nhau. Hai chị em là một cặp thiếu nữ xinh xắn, lông mày rậm, có đầy đủ cô giáo, thầy giáo dạy tư và thợ trang sức giỏi nhất phục vụ cho họ. Hai cô đối đãi với Amelia tốt quá, săn sóc cô ta cẩn thận quá và cũng với thái độ quá bề trên đến nỗi ngồi với họ cô gái bé bỏng đáng thương này không thể nói được gì nữa, và cứ nhìn bề ngoài, thì quả là ngốc nghếch đúng như họ vẫn nghĩ. Cô đã cố gắng yêu mến họ, vì họ sắp là chị em chồng của cô. Có lẽ những buổi sáng đằng đẵng cô ngồi chơi với họ, cũng như những buổi chiều tẻ nhạt trang nghiêm. Cô đã cùng họ đi chơi trên cái xe ngựa đồ sộ là xe riêng của gia đình họ, cùng bà Wirt, bà giáo lý dạy tư của họ, một bà gái già gầy như que củi.
Họ bỏ tiền mua vé mời cô đi dự những buổi hòa nhạc cổ điển, những đêm ca nhạc, và đưa cô đến nhà thờ St. Paul xem những đứa bé mồ côi; ở đây cô lo sợ mấy cô bạn quá đến nỗi cũng không dám xúc động trước bài đồng ca của các em bé. Nhà họ ở rất đầy đủ tiện nghi; bàn làm việc của ông bố rất đẹp, rất sang, khách khứa ra vào ai cũng có vẻ sang trọng, quý phái; họ tỏ ra hết sức tự trọng; họ có chỗ ngồi riêng đẹp nhất ở Hội bảo vệ trẻ mồ côi; mọi tập quán của họ thì tẻ nhạt và hình thức đến không thể chịu nổi. Cứ sau mỗi lần cô đến thăm viếng chấm dứt, cô Jane Osborne, cô Maria Osborne và bà giáo gái già Wirt lại hỏi nhau, càng ngày càng ngạc nhiên hơn: “Người như thế thì có cái quái gì mà George mê nhỉ?”
Tại sao thế ắt có bạn đọc tò mò hỏi vậy. Tại sao Amelia được rất nhiều bạn ở trường yêu mến, mà bước vào đời lại bị giới mình, cái giới phụ nữ hay xoi mói, ghét bỏ như vậy?
Thưa quý ngài thân mến, ấy là vì ở trường bà Pinkerton, không có ai là đàn ông, chỉ có một ông giáo dạy khiêu vũ thì lại già mất rồi; hẳn ngài không muốn các cô thiếu nữ kia xúm xít bám chặt lấy ông lão chứ? Thấy George, anh chàng đẹp trai, cứ ăn sáng xong là biến đi mất và mỗi tuần ăn cơm ở ngoài có tới sáu bảy lần, thì cô em và cô chị bỏ rơi lẽ dĩ nhiên cũng phần nào cảm thấy khó chịu. Lúc anh chàng Bullock trẻ tuổi (trong ngân hàng Hulker, Bullock và công ty, phố Lombard), người đã sáu tháng nay vẫn đeo đuổi cô Maria, bây giờ lại mời cô Amelia nhảy điệu cotillon, có dễ ngài cho rằng ý trung nhân của anh ta thích đấy hẳn?
Thế mà cô này bảo rằng mình rất vui lòng, y như một con người ngây thơ và rộng lượng. “Em thấy anh quý chị Amelia, em bằng lòng lắm”, sau cuộc nhảy, cô say sưa bảo Bullock như vậy. “Chị ấy là vị hôn thê của anh George nhà em đấy; chị ấy cũng chả có gì đáng chú ý, nhưng được cái tốt bụng và thành thực lắm; ở nhà chúng em ai cũng quý chị ấy quá”. Cô bé quý hóa! Ai mà tính toán nỗi niềm, thương mến của cô ta có chiều sâu bao lăm trong cái tiếng “quá” kia?
Bà Wirt và hai cô thiếu nữ thân thiết ấy luôn luôn hết sức làm cho tâm trí George Osborne bị ám ảnh bởi ý tưởng anh ta đang chịu đựng một sự hy sinh vĩ đại, và cái việc anh ta lao vào yêu cô Amelia say sưa thật là một hành động rộng lượng đầy tính chất lãng mạn; cuối cùng tôi cũng không rõ hẳn có phải anh chàng đã cho mình là một trong số những người đáng chú ý nhất trong quân đội Anh quốc và một cách thoải mái, đành lòng chịu đựng được yêu hay không.
Sáng nào anh ta cũng bỏ nhà ra đi; một tuần lễ thì ăn cơm ngoài tới sáu ngày, cô chị và cô em cứ yên trí là những dịp ấy anh chàng si tình đang bám lấy dải váy của cô Sedley; thiên hạ cứ tưởng anh ta đang quỳ dưới chân Amelia, nhưng đâu phải lúc nào anh ta cũng quanh quẩn bên người yêu.
Có nhiều lần đại úy Dobbin đến chơi tìm bạn, thì cô Osborne (cô này chú ý tới viên đại úy lắm, rất thích nghe anh ta kể chuyện chiến trận, và thích hỏi thăm sức khỏe của bà mẹ yêu quý của anh ta) vẫn vừa cười, vừa chỉ về phía bên kia Công viên bảo: “Ồ, anh muốn tìm George thì phải đến gia đình Sedley chứ. Từ sáng đến tối, chúng em có nhìn thấy mặt cậu ấy đâu”. Nghe câu nói ngọt ngào, viên đại úy chỉ cười xòa một cách khó hiểu và lảng sang chuyện khác ngay; đúng như một con người lịch thiệp hoàn toàn, anh ta đề cập đến những chuyện vặt vãnh, đại khái chuyện ca nhạc ở Opera, chuyện buổi dạ hội mới rồi của Hoàng tử ở điện Carlton, hoặc chuyện thời tiết… tóm lại là những chuyện thông thường vẫn nói trong phòng khách.
Viên đại úy đi rồi, cô Maria bảo cô Jane:
– Cái anh chàng được chị cưng ấy, rõ chẳng biết cái quái gì; chị có thấy lúc ta bảo George bận “làm nhiệm vụ”, anh ta đỏ mặt thế nào không?
Cô chị lắc đầu đáp:
– Maria, thật đáng thương cho Frederick Bullock không có được đôi chút e lệ như anh ta đấy.
– E lệ? Vụng về thì có, chị Jane ạ. Em chẳng muốn Frêđêric giẫm chân lên làm thủng đuôi áo voan của em, như đại úy Dobbin giẫm lên áo chị ở nhà bà Perkin ấy.
– Giẫm lên áo cô! Hi, hi ! Sao lại giẫm lên được? Anh ta chẳng đã khiêu vũ với Amelia là gì?
Thực ra, đại úy Dobbin đờ mặt và luống cuống vì nhớ lại một trường hợp mà anh thấy không cần thiết kể lại cho hai cô thiếu nữ nghe làm gì. Một bữa, anh ta lại chơi gia đình Sedley, dĩ nhiên, lấy cớ đến tìm George; George đi vắng, chỉ có một mình cô bé Amelia đáng thương đang ngồi cạnh cửa sổ phòng khách, vẻ mặt như hơi rầu rĩ; sau vài chuyện bâng quơ, cô này đánh bạo hỏi rằng có thật tin đồn trung đoàn sắp được điều động ra ngoại quốc là đúng không? Và ngày hôm ấy đại úy Dobbin có gặp Osborne lần nào không?
Trung đoàn chưa bị điều động đi đâu hết, mà đại úy Dobbin cũng không gặp George. Viên đại úy đáp rằng chắc anh ta đang ở nhà với cô chị và cô em gái, rồi đề nghị để mình đi tìm George. Thế là cô thiếu nữ dịu dàng đưa tay cho anh ta, tỏ ý biết ơn; anh ta vội đi ngang qua Công viên, nhưng Amelia cứ đợi, đợi mãi nhưng chẳng thấy tăm hơi George đâu.
Cô thiếu nữ bé bỏng dịu dàng đáng thương quá. Cô ta cứ tiếp tục hy vọng, hồi hộp, khát khao và tin tưởng. Các bạn thấy cuộc đời Amelia chẳng có gì đáng miêu tả lắm.
Trong đời cô không có mấy cái mà bạn gọi là những chuyện đặc biệt. Ngày nào cũng chỉ có một chuyện…”Bao giờ thì anh ấy đến chơi nhỉ?” Khi ngủ cũng như lúc thức, chỉ có một ý nghĩ ám ảnh trong đầu. Lúc Amelia hỏi Dobbin về tin tức của George thì tôi tin rằng anh ta đang chơi bi-a với đại úy Cannon ở phố Swallow; George vốn là tay ham vui, thích bè bạn đàn đúm, và rất giỏi trong mọi thú chơi cần đến sự khéo léo.
Một lần, đã ba hôm không không thấy George lại chơi, Amelia đội mũ tìm đến thẳng nhà gia đình Osborne; cô em chồng tương lai hỏi:
– Kìa? Chị lại bỏ mặc anh em mà lại đây ư? Hai người giận nhau phải không, chị Amelia? Nói chuyện chúng em nghe nào?
– Làm gì ra có chuyện giận nhau. Ai mà giận anh ấy được? Amelia nước mắt đầm đìa trả lời. Cô chỉ muốn lại để để thăm hai cô bạn quý thôi; đã lâu quá, chưa gặp nhau. Hôm ấy cô có vẻ ngờ nghệch và vụng về hơn mọi khi; lúc cô buồn bã ra đi, cô Osborne và bà giáo dạy tư trố mắt nhìn theo lại càng ngạc nhiên hơn bao giờ hết, không hiểu Giơrgiơ yêu Amelia về nỗi gì.
Họ ngạc nhiên là phải. Làm sao Amelia có thể ngăn cản không cho những cặp mắt đen láy táo bạo của hai cô gái kia soi mói vào tâm hồn bé bỏng, nhút nhát của mình cho được? Cô ta co mình lại, tự giấu giếm vậy là tốt nhất. Tôi biết, hai cô Osborne rất có tài khi phê bình một cái khăn quàng Casơmia, hay một cái si-líp sa-tanh màu hồng, hoặc khi cô Turner nhuộm cái áo cũ màu đỏ thẫm và chữa thành một cái áo ngoài ngắn, khi cô Pickford phá tấm áo khoác lông chồn để làm cái bao tay và các dải áo. Thì tôi cam đoan rằng không có gì sánh kịp trí thông minh của hai cô thiếu nữ nói trên. Nhưng ở đời có những thứ tinh tế hơn là lông thú và sa-tanh, hơn tất cả các kho châu báu của Solomon, và hơn cả tủ áo của Nữ vương thành Sheba () nữa. Đó là những vật mà nhiều người sành sỏi cũng không tìm được vẻ đẹp. Có những bông hoa dịu dàng kín đáo ẩn trong những chỗ râm mát, yên tĩnh, bạn dừng lại ngắm thì thấy tươi tắn, thơm tho; lại cũng có những bông hoa lớn như cái chậu một dùng để trang hoàng vườn cảnh, tưởng như mặt trời nom xuống cũng phải chói mắt. Cô Sedley không phải là loại hoa mặt trời này; và có thể nói rằng cô là một đóa hoa violet khác thường, to bằng đóa thược dược kép.
Không, cuộc đời của một thiếu nữ từ nhỏ được ấp ủ trong tổ ấm của gia đình không thể có những tình tiết gay go của những nhân vật tiểu thuyết thông thường. Cạm bẫy hoặc tên đạn có thể giết chết những con chim già bay lượn ngoài tổ; những con chim này có thể thoát khỏi móng vuốt của bày chim ưng lượn trên trời, hoặc bị chúng xâu xé, nhưng những con chim non trong tổ ấm thì vẫn sống một cuộc đời không thi vị nhưng êm đềm giữa những sợi lông mềm và những cọng rơm tơ êm ái, cho tới khi nào đến lượt chúng cất cánh bay bổng. Trong khi Becky Sharp đang bay lượn, chuyền trên những nhánh cây non giữa bao nhiêu là cạm bẫy, tha hồ mổ thức ăn một cách khoan khoái, thì Amelia vẫn còn sống trong cảnh gia đình ấm cúng ở khu phố Russell. Nếu cô có bước ra ngoài đời, thì đã có người giàu kinh nghiệm hướng dẫn. Hình như cũng không có sự không may nào đe dọa cô hoặc đe dọa cái gia đình giầu có, đầm ấm trong đó cô đang được nâng niu che chở. “Má” thì sáng vẫn bận rộn việc gia đình; hàng ngày bà vẫn ngồi xe ngựa đi chơi, và vẫn giữ cái lệ thú vị là đi thăm các gian hàng, mua bán vặt vãnh, tức là cái thú giải trí, hoặc nếu các bạn thích thì gọi là cái nghề cũng được, của những bà nhà giàu ở Luân đôn. Còn “ba” thì vẫn điều khiển những công việc bí mật gì ấy trong khu City, hồi đó là một nơi hoạt động sôi nổi, trong khi khắp Âu Châu chiến tranh đang gào thét và bao vương quốc đang ngả nghiêng, trong khi tờ nhật báo “tin tức” có đến hàng vạn độc giả đặt mua, trong khi hôm nay bạn nghe tin có một trận đánh ở Victoria, ngày mai đã có tin Mạc-tư-khoa bị đốt, hoặc luôn luôn đang giờ ăn trưa nghe thấy bác rao tin thổi tù và ở khu phố Russell báo rằng “Trận Lepdich…sáu mươi vạn quân tham chiến… nước Pháp đại bại… hai mươi vạn người chết”.
Có một đôi lần ông Sedley trở về nhà vẻ mặt trầm ngâm; ta không lấy làm lạ thấy những tin tức như trên khuấy động mọi trái tim và tất cả mọi Phòng Hối đoái của Âu Châu.
Trong thời gian đó ở khu phố Russell, Bloomsbury, mọi sự vẫn cứ tiến hành y như không có chuyện gì xảy ra ở Âu Châu. Cuộc thoái quân ở Lepdich không hề làm giảm số bữa ăn hàng ngày của bác Sambo trong phòng ăn của đầy tớ; quân đồng minh ồ ạt tiến vào nước Pháp, song tiếng chuông báo giờ ăn vẫn cứ đúng năm giờ chiều là vang lên như thường lệ. Tôi cho rằng cô Amelia đáng thương chẳng buồn quan tâm đến Brienne và Montmirail (), hoặc đến chiến tranh. Cô Amelia vẫn chắp hai tay lại cầu kinh…và ôi, sung sướng thay! Cô vẫn say sưa lao mình vào trong cánh tay của George Osborne làm cho những người có mặt phải ngạc nhiên vì thấy cô tỏ tình quá lộ liễu. Thực tế thì hòa bình đã trở lại, Âu Châu qua cơn sóng gió, sắp được nghỉ ngơi; tên dân đảo Corxơ () đã bị lật đổ và trung đoàn của trung úy Osborne không còn lo phải điều động đi tham chiến nữa. Cô Amelia lý luận như vậy. Vận mệnh của cả Âu Châu đối với cô tức là trung úy Osborne. Tai họa đe dọa người yêu đã qua, cô hát bài Te Deum (). Anh ta là Âu Châu của cô, là Hoàng đế của cô, là những vị quốc trưởng đồng minh của cô, và là vị Hoàng tử nhiếp chính của cô. Đối với cô Osborne là mặt trời, mặt trăng và theo ý tôi, cô tin rằng cuộc dạ hội hoa đăng vĩ đại tổ chức ở Hoàng cung chào mừng các vị hoàng đế, chính nhằm mục đích đặc biệt chào mừng trung úy George Osborne của cô vậy.
Chúng ta đã nói đến những mánh khóe, đến thói vụ lợi cá nhân và sự nghèo túng, đó là những ông thầy đã giáo dục cô Becky Sharp. Đối với Amelia thì tình yêu là bà giáo giỏi nhất; dưới sự dạy dỗ của bà giáo ai cũng biết tiếng này, cô thiếu nữ đã tấn tới phi thường. Trong khoảng mười lăm hay mười tám tháng, ngày nào cô cũng chăm chỉ học tập dưới sự hướng dẫn của bà, cô ta đã nắm được bao điều bí mật mà bà Wirt và hai cô thiếu nữ mắt đen láy, ngay cả chính bà Pinkerton ở Chiswick nữa cũng không thể hiểu nổi! Thật vậy, những người đàn bà không chồng kênh kiệu và đáng kính ấy biết sao được. Đối với bà Wirt và bà Pinkerton sự say đắm tình tứ không thành vấn đề nữa rồi: tôi sẽ chẳng dám hé môi nói về một chuyện như vậy ở các bà. Cô Maria Osborne thật ra cũng có gắn bó với Frederick Augustus Bullock, trong hãng Bullock và Bullock. Nhưng cuộc tình duyên của cô rất đáng kính; đối với cô, lấy lão Bullock cha hay lấy anh Bullock con làm chồng cũng thế thôi vì, như mọi cô thiếu nữ gia giáo khác, tâm trí cô chỉ bận bịu vì một ngôi nhà ở Công viên Lane, một ngôi nhà nghỉ mát ở Wimbledon, một cái xe ngựa thật là đẹp, một đôi ngựa thật là to, và hai thằng hầu thật là béo, cùng một phần tư số thực lãi đồng niên của hãng Bullock và Bullock; Frederick Augustus chỉ là người đại diện cho tất cả những khoản đó.
Giả thử hồi ấy người ta đã nghĩ lấy vòng hoa cam để tượng trưng cho sự trinh bạch của thiếu nữ (tục này du nhập vào nước ta từ Pháp, nơi tệ bán con gái phổ biến trong việc hôn nhân) thì tôi tin rằng cô Maria rất có thể đội cái vòng hoa trong trắng đó mà bước lên xe hoa ngồi bên cạnh ông già đầu hói, mũi cà chua, bị bệnh thống phong, tức là ông lão Bullock; và cô cũng sẽ kín đáo mà sống trọn cuộc đời đẹp đẽ của mình, vô cùng hạnh phúc.., Chết một nỗi, ông già lại có vợ mất rồi, cho nên cô đành yêu anh con trai vậy. Những bông hoa cam thơm tho tươi tắn làm sao! Hôm nọ, tôi thấy cô Trotter đầu mang vòng hoa cam, líu díu bước lên xe hoa trước nhà thờ St George, ở quảng trường Hanover, có bá tước Methuselah lóc cóc theo sau. Cô e lệ, kín đáo kéo màn che kín cửa xe…Con người ngây thơ đáng yêu thay!
Có đến một nửa số xe ngựa trong Hội chợ phù hoa bị huy động trong việc cưới xin này.
Cô Amelia không được giáo dục lối yêu đương như vậy.
Chỉ trong khoảng một năm trời, cô bé ngoan ngoãn đã trở thành một thiếu nữ ngoan ngoãn…nghĩa là khi được ngày lành tháng tốt, cô sẽ trở thành một người vợ ngoan ngoãn.
Cô gái trẻ trung này đặt hết tâm hồn vào sự gắn bó với chàng sĩ quan thanh niên trong quân đội hoàng gia mà ta đã biết qua (có lẽ cha mẹ cô cũng đã dại dột khuyến khích, giúp đỡ cô trong những sự tơ tưởng lãng mạn như vậy); ngay phút đầu tiên mỗi khi ngủ dậy, cô đã nghĩ đến người yêu rồi; tên anh ta được nhắc đến sau cùng trong lúc cô cầu kinh. Chưa bao giờ cô gặp một con người thông minh, đẹp trai như anh chàng. Con người cưỡi ngựa mới đẹp làm sao, khiêu vũ mới giỏi làm sao; nói chung, thật là một người anh hùng. Cứ ca tụng mãi lối cúi chào của Hoàng tử, so với George thì còn kém xa. Cô đã được nhìn mặt ông Brummell mà thiên hạ khen nức nở; đem một người như thế mà so sánh với chàng George của cô! Trong số những anh kép đẹp trai ở rạp Opera (hồi ấy có nhiều anh kép ở rạp Opera rất xinh trai), chẳng ai có thể bì được với George.
Có khiêm tốn lắm thì anh ta cũng phải là một hoàng tử trong thần thoại. Thế mà, ôi, cao quý vậy thay? Chàng đã hạ mình xuống để lọt vào mắt xanh hình ảnh một cô Cinderella thấp kém như cô. Nếu bà Pinkerton là người thân tín của Amelia, chắc thế nào bà cũng đã tìm cách kiềm chế sự say mê mù quáng của cô, nhưng bạn cứ tin rằng việc ấy cũng chẳng có kết quả lắm đâu. Ở một số phụ nữ, sự say mê ấy là do bản năng; có những người trời sinh ra để tính toán, và có những người trời sinh ra để yêu; mong rằng các bạn chưa vợ đọc những dòng này hãy chọn loại nào thích hợp với mình nhất.
Mải say sưa trong tình yêu, Amelia quên khuấy mất mười hai cô bạn thân ở Chiswick một cách vô cùng tàn nhẫn, như những con người ích kỷ thông thường khác. Cô chỉ chuyên tâm chú ý vào có một chuyện. Cô Saltire tai thì lạnh lùng quá, không tâm tình được; cô cũng không sao đem tâm sự của mình ra ngỏ với cô Swartz, cô gái triệu phú tóc quăn người đảo St. Kitt. Những ngày lễ, em bé Laura Martin thường đến chơi với cô; tôi tin rằng cô đã chọn Laura làm bạn tâm tình của mình, và hứa bao giờ lấy chồng sẽ đem Laura về ở chung; cô đã ngỏ với Laura rất nhiều điều thuộc về chuyện yêu đương đắm say; đối với cô bé, những điều ấy hẳn mới lạ và bổ ích. Chao ôi, tôi e rằng cô Emmy đáng thương, tâm trí không được bình thường cho lắm.
Cha mẹ cô đã làm gì để giữ cho quả tim bé nhỏ kia khỏi đập quá nhanh? Ông lão Sedley hình như không hề chú ý đến câu chuyện. Gần đây ông càng có vẻ đăm chiêu hơn, suốt ngày vùi đầu vào những công việc ở khu City.
Bà Sedley thì vốn tính dễ dãi, không hay soi mói, thành ra bà cũng không cảm thấy khó chịu vì chuyện yêu đương của con gái. Joe thì đi vắng anh ta đang bị một người đàn bà góa Ai len ở Cheltenham tấn công. Một mình Amelia ở nhà… ôi, nhiều khi cô thấy sao căn nhà rộng rãi, trống trải quá, vì George còn bận việc trong đội Ngự lâm kỵ binh, không thể xin phép rời khỏi Chatham về luôn được; vả lại khi nào về tỉnh anh ta cũng còn thăm viếng bè bạn, cô chị và cô em gái ở nhà hoặc đi chơi bời đây đó (người như anh ta là một vật trang sức cho bất cứ một cuộc hội họp nào); khi anh ta trở về trung đoàn thì lại mệt mỏi quá rồi, không muốn viết những bức thư dài nữa. Tôi biết rõ chỗ cô ta giấu tập thư của George; tôi có thể lén lút ra vào phòng riêng của Iachimo… Như Iachimo? Không như vậy tồi quá.
Tôi chỉ muốn làm mặt trăng để được ngó vào tấm giường một cách vô tội, nơi lòng tin, sắc đẹp và sự thơ ngây đang nằm mơ mộng.
Song, nếu những lá thư của Osborne đều cộc lốc một cách rất nhà binh thì ta phải thú thực rằng, giả sử phải đem in cả những lá thư cô Sedley gửi cho Osborne, ắt phải kéo dài cuốn truyện này thành rất nhiều tập, ngay những bạn đọc đa cảm nhất cũng không thể chịu nổi. Không những cô viết kín đặc hàng trang giấy lớn, mà còn dùng những thủ thuật rất lạ; cô chép nguyên văn hàng trang thơ vào lá thư một cách không hề thương xót; cô gạch dưới nhiều chữ, nhiều câu một cách say sưa sôi nổi; tóm lại, cô bộc lộ hết những dấu hiệu về đời sống tâm tưởng hàng ngày của mình. Cô không phải là một nhân vật trong tiểu thuyết thành ra thư cô viết có những đoạn lặp đi lặp lại. Nhiều khi cô viết sai cả ngữ pháp, làm thơ thì hết sức tự do về quy tắc. Song, thưa các bà, nếu thỉnh thoảng các bà không được phép bấm dây tơ lòng mà không cần tuân theo nhạc luật, nếu vì các bà không thuộc lầu cách phân biệt thế nào là “ngắt đoạn ba”, thế nào là “ngắt đoạn bốn” mà không được đàn ông yêu, thì Thi ca có lẽ cũng đến tiêu ma, và các ông giáo thì cũng đến chết đói thảm hạm).