Hoàng Hậu Margot

Chương 37



Trở về Louvre

Khi Catherine nghĩ rằng mọi việc đã xong trong phòng vua Navarre, xác những vệ binh chết đã được đưa đi, Maurevel đã được khiêng về nhà, các tấm thảm được chùi rửa xong xuôi, thì bà cho các phu nhân hầu cận lui vì bấy giờ đã gần nửa đêm, và bà cố chợp mắt. Nhưng cơn sốc quá mạnh và nỗi thất vọng quá lớn. Cái gã Henri đáng căm ghét ấy luôn luôn thoát khỏi những cạm bẫy của bà vốn thường vẫn gây nguy hiểm chết người. Dường như hắn được một thế lực bất khả chiến thắng nào đấy che chở.

Catherine ương ngạnh cố coi thế lực đó là sự tình cờ mặc dù trong thâm tâm đã có tiếng nói mách bảo bà tên đích thực của nó là Định Mệnh. Khi nghĩ rằng tiếng đồn về ý đồ ám hại mới này lan truyền trong và ngoài Louvre sẽ gây cho Henri và những người Tân giáo một niềm tin lường lớn hơn vào tương lai, bà rất tức tối. Và vào lúc này đây, nếu cái sự tình cờ mà bà vẫn chống lại một cách tuyệt vọng ấy rơi kẻ thù vào tay bà, thì chắc chắn bà sẽ dùng con dao găm nhỏ kiểu François mà bà vẫn đeo ở thắt lưng để phá tan cái định mệnh có lợi đến thế cho vua Navarre.

Những giờ khắc trong đêm, chậm chạp đối với kẻ chờ đợi thao thức, lần lượt điểm nhưng Catherine không tài nào nhắm mắt được. Cả một mớ những dự định mới lượn qua đầu óc đầy ảo ảnh của bà trong những giờ đen tối đó. Đến tảng sáng bà dậy, tự mặc quần áo và tới phòng Charless IX.

Các vệ binh vốn quen thấy bà vào cung vua bất kỳ giờ nào nên để cho bà qua. Bà qua tiền phòng và tới phòng vũ khí. Tới đó bà gặp nhũ mẫu của Charles đang thức canh.

– Con ta đâu? – Thái hậu hỏi.

– Tâu lệnh bà. Người cấm không cho ai vào trước tám giờ.

– Nhũ mẫu, lệnh cấm đó không dành cho ta.

– Tâu lệnh bà, lệnh đó là chung cho tất cả mọi người.

Catherine mỉm cười.

– Tâu lệnh bà – Nhũ mẫu nói tiếp – Tôi biết rất rõ rằng ở đây không ai dám ngăn trở lệnh bà, vậy tôi cúi xin lệnh bà nghe lời cầu khẩn của một người đàn bà tội nghiệp và xin Người đừng đi xa hơn nữa.

Nhũ mẫu, ta cần nói chuyện với con ta.

– Tâu lệnh bà, tôi sẽ chỉ mở cửa nếu lệnh bà ban nghiêm lệnh.

– Mở ra, nhũ mẫu, ta muốn thế.

Nghe thấy giọng nói được tôn kính và được e sợ ở Louvre còn hơn cả lời nói của chính Charles, nhũ mẫu dâng chìa khoá cho Catherine. Nhưng Catherine không cần, bà lôi trong túi ra chiếc chìa mở được phòng con trai và ấn nhanh, cánh cửa mở ra.

Phòng trống không, giường ngủ còn chưa ai động tới, con chó nòi Actéon nằm trên tấm da gấu trải dưới chân giường nhổm dậy và tới liếm đôi tay trắng như ngà của Catherine.

– A! Hoàng thượng đi chơi – Thái hậu cau mày nói – Ta đợi vậy.

Đầy vẻ trầm tư tăm tối, bà tới ngồi bên cửa sổ trông xuống sân Louvre và từ đó có thể nhìn thấy cửa ghi-sê chính.

Bà ngồi đó hai tiếng đồng hồ bất động và nhợt nhạt như một pho tượng cẩm thạch, cuối cùng bà chợt nhận thấy một nhóm kỵ sĩ về Louvre và đi đầu đoàn người là Charles và Henri de Navarre.

Khi đó bà hiểu ra tất cả. Thay vì tranh cãi với bà về việc bắt ông em rể. Charles đã đưa ông ta đi và cứu thoát ông ta.

– Ôi mù quáng! – Bà lẩm bẩm.

Và bà chờ đợi.

Lát sau có tiếng những bước chân vang lên trong phòng vũ khí bên cạnh.

– Nhưng thưa bệ hạ – Henri nói – Giờ chúng ta đã về Louvre rồi, xin bệ hạ hãy nói cho biết tại sao bệ hạ đã đưa tôi đi và Người đã giúp tôi việc gì vậy?

– Không, không, Henri – Charles vừa cười vừa đáp – Có ngày chú sẽ biết, nhưng bây giờ thì còn là bí mật. Hãy chỉ nên biết rằng lúc này đây rất có khả năng là chú sẽ khiến ta phải cãi nhau với mẹ ta mất.

Nói tới đó Charles nâng tấm thảm treo cửa và thấy mình đối diện với Catherine.

Mái đầu xanh xao và lo lắng của anh chàng Bearn ló ra sau vai Charles.

– A! Ra lệnh bà ở đây đấy! – Charles cau mày nói.

– Đúng con ạ, ta cần nói chuyện với con.

– Với tôi?

– Với chỉ mình con thôi.

– Thôi được – Charles quay về phía em rể nói – Vì chẳng có cách nào tránh được thì càng sớm càng tốt.

– Thưa bệ hạ, tôi xin lui – Henri nói.

– Được, được – Charles đáp – Lui ra đi, vì chú là Gia tô giáo, Henriot, đi nghe lễ nhà thờ cho ta. Còn ta ở lại với lời thuyết giáo vậy.

Henri cúi chào và đi ra.

Charles đón trước những câu hỏi mà Thái hậu đặt ra cho ông:

– Thế nào, thưa lệnh bà? – Ông vừa nói vừa cố biến câu chuyện thành trò đùa – Quái quỷ! Lệnh bà chờ để mắng tôi có phải không? Tôi đã làm hỏng cái dự định xinh xinh của lệnh bà một cách rất bất kính. Này! Chết chửa! Ấy thế nhưng tôi không thể nào để cho cái người vừa cứu tôi bị bắt và đưa đến ngục Bastille được. Tôi cũng không muốn gây sự với lệnh bà. Tôi là con ngoan. Với lại – Ông hạ giọng nói thêm – Chúa sẽ trừng phạt những kẻ làm con mà lại đi sinh sự với mẹ chúng, bằng cớ là như ông anh François II của tôi đấy. Xin lệnh bà thẳng thắn tha lỗi cho tôi, và hãy thừa nhận là ít ra trò đùa cũng đạt đấy chứ.

– Tâu bệ hạ, bệ hạ nhầm. Đây không phải là trò đùa.

– Có chứ! Có chứ! Và lệnh bà sẽ coi nó như thế, nếu không thì xin quỷ sứ bắt tôi đi.

– Thưa bệ hạ, do lỗi của mình, bệ hạ đã làm hỏng cả một kế hoạch đáng ra đã dẫn chúng ta tới một khám phá lớn.

– Chậc! Một kế hoạch… Mẹ ơi, mẹ mà lại lúng túng vì một kế hoạch bị hỏng ấy ạ? Lệnh bà sẽ đặt ra hai chục kế hoạch khác và tôi hứa là sẽ trợ lực với lệnh bà trong những kế hoạch đó.

– Bây giờ thì dù cho bệ hạ có trợ lực cho ta cũng quá muộn rồi vì hắn đã được báo trước và hắn sẽ cảnh giác.

– Nào, nói cho cùng thì lệnh bà có điều gì phản đối Henri?

– Ta chống y là vì y đang âm mưu.

– Vâng, tôi hiểu, đó là lời tố cáo muôn thuở của lệnh bà nhưng trong cái toà hoàng cung dễ thương mà người la gọi là Louvre này có ai lại không âm mưu ít nhiều nhỉ?

– Nhưng hắn nuôi âm mưu nhiều hơn bất kỳ ai khác và vì không ai ngờ vực nên hắn lại càng nguy hiểm.

– Thấy chưa, lại cái chuyện cái gã Lorenzino ! – Charles thốt lên.

Catherine sầm mặt lại khi nghe tới cái tên gợi lại cho bà một trong những thảm hoạ đẫm máu nhất của lịch sử xứ Florentine, bà đáp:

– Bệ hạ hãy nghe tôi, có cách để chứng tỏ rằng tôi nhầm.

– Cách gì vậy, thưa mẹ?

– Xin bệ hạ hãy hỏi Henri xem ai ở trong phòng hắn đêm qua.

– Ở trong phòng hắn… đêm qua à?

– Vâng, và nếu hắn nói với bệ hạ tên người đó…

– Thì sao?

– Thì ta sẵn sàng thừa nhận là ta nhầm.

– Thế nhưng nếu đó là một người đàn bà thì chúng ta cũng không thể…

– Một người đàn bà.

– Đúng vậy.

– Một người đàn bà mà giết được hai vệ binh của hoàng thượng và làm ông đa Maurevel bị trọng thương nữa!

– Ô hô! Chuyện thành nghiêm trọng rồi đó! Có đổ máu à?

– Ba người đã bị bắn gục trên sàn.

– Thế còn cái kẻ đã gây việc đó thì sao?

– Hắn đã bình yên vô sự trốn thoát

– Trời đất quỷ thần ơi! – Charles kêu lên – Quả là một tay cừ khôi. Đúng rồi đó, thưa mẹ, và tôi muốn biết kẻ đó.

– Này, ta đã nói trước rồi, anh sẽ không btết được hắn đâu, ít nhất là không thể nhờ Henri mà biết được.

– Nhưng còn mẹ thì sao? Kẻ kia chẳng thể trốn được như thế mà không để lại dấu vết gì. Người ta không ghi nhận được điều gì trong y phục của y sao?

– Người ta chỉ nhận thấy y mặc một chiếc măng-tô màu anh đào rất thanh lịch.

– Ái chà! Măng-tô màu anh đào – Charless nhớ lại – Ở triều đình tôi chỉ thấy có một chiếc khá nổi để khiến người ta chú ý thôi.

– Chính thế – Catherine đáp.

– Thế sao?

– Đây này, hãy đợi ta ở đây con ạ, ta đi xem mệnh lệnh của ta đã được thực hiện chưa.

Catherine lui ra và Charless ở lại một mình. Ông lơ đễnh lượn quanh phòng, huýt sáo một điệu nhạc săn, một tay thọc vào áo chẽn, tay kia buông lơi để cho con chó săn của ông liếm mỗi khi ông dừng lại.

***

Về phần Henri, ông ra khỏi cung ông anh vợ trong lòng rất lo lắng. Đáng lẽ đi theo lối hành lang thường ông lại đi lối cầu thang kín nhỏ bé đưa tới tầng hai mà chúng ta đã nói tới nhiều lần. Nhưng Henri vừa leo được bốn bậc, đến chỗ ngoặt đầu tiên ông đã thấy có bóng người. Henri dừng lại, đưa tay sờ vào chuôi dao. Rồi ông nhận ra một người đàn bà và một giọng nói dễ thương quen thuộc, nàng vừa nói vừa nắm lấy tay ông:

– Tạ ơn Chúa, bệ hạ đã bình yên vò sự đây rồi. Tôi lo cho mình quá nhưng chắc Chúa đã nghe theo lời khấn của tôi.

– Có việc gì vậy? – Henri hỏi.

– Mình cứ về nhà rồi sẽ biết. Đừng có lo gì cho Orthon, tôi đón nó về chỗ tôi rồi.

Và thiếu phụ thoăn thoắt xuống thang, lướt qua Henri như thể tình cờ nàng gặp ông trên cầu thang.

“Lạ nhỉ – Henri tự nhủ – Có chuyện gì đây, Orthon bị làm sao?”

Không may là câu hỏi không thể lọt tới tai phu nhân de Sauve vì nàng đã chạy xa.

Tới đầu cầu thang Henri đột nhiên thấy hiện ra một bóng người khác, nhưng đó là một người đàn ông.

– Suỵt! – Người đó nói.

– A! Anh đấy à? François?

– Đừng có gọi tên tôi.

– Có việc gì xảy ra vậy?

– Cứ về nhà rồi anh sẽ biết. Rồi anh lẻn ra hành lang, nhìn mọi phía xem có ai theo dõi không nhé. Sau đó vào chỗ tôi, cửa chỉ khép hờ thôi.

Quận công lại cũng biến vào trong cầu thang giống hệt như những bóng ma trên sân khấu biến đi trong một cánh cửa gập.

“Mẹ khỉ! Sao nhiều chuyện bí ẩn vậy – Anh chàng Bearn tự nhủ – Nhưng vì lời giải đáp là ở chỗ ta, ta cứ về xem rồi khắc biết”.

Tuy nhiên Henri đi tiếp lòng không phải là không xúc động.

– Ông có tính nhạy cảm. Mọi vật đều được phản ánh lại một cách rõ nét trên bề mặt cái tâm hồn nhẵn như một tấm gương này và những điều ông vừa nghe thấy báo trước cho ông biết một tai hoạ.

– Ông tới trước cửa khu phòng mình và nghe ngóng. Không một tiếng động. Vả lại vì Charles đã bảo ông về nhà thì chắc không còn gì phải e ngại khi về đó. Ông nhìn lướt qua tiền phòng.

Tiền phòng trống trải nhưng không có dấu hiệu nào chỉ cho ông thấy có việc gì đã xảy ra.

“Quả thực là Orthon không có đây”.

Và ông sang phòng thứ hai.

Ở đây mọi việc đã rõ ràng. Mặc dù người ta đã đổ nước lênh láng, nhiều vệt đỏ lớn loang lổ trên sàn, một chiếc tủ bị vỡ, rèm treo giường rách tơi tả vì những nhát kiếm, một viên đạn bắn tan tấm gương Venise. Một bàn tay đẫm máu đã tỳ vào tường và dấu vết khủng khiếp còn lại đó tỏ ra rằng căn phòng giờ đây yên tĩnh này đã lừng chứng kiến một cuộc ác chiến.

Mặt thất thần, Henri thâu tóm tất cả những chi tiết đó. Ông đưa bàn tay nhớp mồ hôi lên lau trán và lẩm bẩm:

– A! Ta đã hiểu nhà vua giúp ta việc gì rồi: có kẻ đến ám sát ta… và… Nhưng còn de Mouy? Chúng đã làm gì anh ta? Quân khốn nạn! Chắc chúng đã giết anh ta!

Ông nóng lòng nóng ruột muốn biết tin cũng như quận công d Alençon mong mỏi được báo tin cho ông. Sau khi đưa cặp mắt đờ đẫn nhìn những đồ vật quanh mình một lần nữa, Henri lao ra khỏi phòng, tới hành lang, nhìn trước nhìn sau cho chắc chắn rằng hành lang không có người, ông đẩy cánh cửa khép hờ, đóng lại cẩn thận và lao bổ vào phòng quận công d Alençon.

Quận công đợi Henri trong phòng đầu. Ông hấp tấp nắm tay Henri vừa đặt một ngón tay lên miệng vừa lôi ông này đi tới căn phòng con nhô ra như một chiếc tháp nhỏ, hoàn toàn biệt lập và do vị trí của nó nên có thể tránh được mọi sự rình lén.

– A! Ông anh ơi, đêm gì mà kinh khủngquá! – François thốt lên.

– Có việc gì vậy?

– Người ta định bắt anh.

– Tôi ấy à?

– Ừ anh ấy.

– Vì sao?

– Tôi không biết. Anh ở đâu vậy?

– Đêm qua đức vua đưa tôi đi chơi trong thành phố với Người.

– Vậy là hoàng thượng biết – d Alençon nói – Nhưng anh không ở nhà thì ai ở đấy?

– Vậy ra có ai ở nhà tôi à? – Henri hỏi tựa như ông không biết gì.

– Ừ, có một người. Khi tôi nghe thấy tiếng động, tôi định tới cứu anh, nhưng quá muộn.

– Người đó bị bắt rồi à? – Henri lo lắng hỏi.

– Không, anh ta đã trốn thoát sau khi giết chết hai vệ binh và làm Maurevel bị trọng thương.

– A! De Mouy thật can đảm! – Henri thốt lên.

– Vậy ra là de Mouy? – d Alençon hấp tấp hỏi.

Henri nhận ra là mình hớ. Ông bèn nói tiếp ngay:

– Ít ra là theo tôi đoán thế. Tôi đã hẹn với anh ta để thoả thuận về việc bỏ trốn của anh ta và để nói với anh ta rằng tôi nhường lại cho anh tất cả những quyền của tôi đối với ngai vàng xứ Navarre.

– Vậy nếu việc bị phát giác thì chúng ta nguy mất – d Alençon tái mặt nói.

– Ừ, Maurevel sẽ nói ra.

– Maurevel bị một nhát kiếm vào cổ họng. Tôi đã hỏi nhà phẫu thuật băng bó cho y, y không thể nói gì được trong hơn tám ngày tới.

– Tám ngày! Quá đủ để de Mouy tới nơi an toàn.

– Với lại có thể là người khác chứ không phải ông de Mouy – d Alençon nói.

– Anh nghĩ thế à?

– Ừ người đó biến đi rất nhanh và người ta chỉ nhìn thấy có chiếc măng-tô màu anh đào.

Quả là măng-tô màu anh đào hợp với một anh chàng tán gái hơn là với một người lính – Henri nói – Chẳng bao giờ người ta lại ngờ ông de Mouy mặc chiếc áo măng-tô anh đào cả?

– Không. Nếu người ta có ngờ thì chỉ ngờ… – d Alençon ngừng lại.

– Chắc là ngờ ông de Mole hơn – Henri tiếp.

– Chắc chắn thế, vì chính tôi đây, khi tôi thấy người đó chạy trốn, tôi còn bán tín bán nghi mất một lúc.

– Anh mà cũng phải bán tín bán nghi! Nếu thế thì chắc chỉ có ông de Mole thôi.

– Ông ta không biết gì chứ? – d Alençon hỏi.

– Tuyệt đối không biết gì hết. Ít ra là những chuyện quan trọng.

– Ông anh ạ – d Alençon nói – Bây giờ tôi tin thực đúng là ông ta rồi.

– Quỷ quái thật! – Henri bảo – Nếu đấy là ông ta thì hoàng hậu chắc sẽ phiền lòng đấy, bà ta quan tâm tới ông ấy lắm.

– Anh bảo sao? Quan tâm à? – d Alençon điếng người hỏi.

– Rõ quá đi chứ, François, anh không nhớ chính chị anh đã tiến cử ông ta cho anh à?

– Có chứ – Quận công gằn giọng nói – Vì vậy nên tôi muốn tử tế với ông ta. Bằng chứng là vì sợ chiếc áo làm ông ta mang tiếng, tôi đã lên phòng ông ta đem nó xuống đây.

– Ô hô! Quả là rất thận trọng! Bây giờ tôi không dám đánh cuộc nữa, tôi dám thề rằng đó chính là ông ta.

– Ngay cả trước toà anh cũng thề chứ?

– Thật chứ – Henri đáp – Chắc ông ta đem tới cho tôi một lời nhắn nhủ nào đấy của Marguerite.

– Nếu tôi tin chắc sẽ được lời chứng của anh ủng hộ – D Alençon nói – Thì tôi gần như có thể cáo giác ông de Mole.

– Anh hiểu đấy, François – Henri nói – Nếu anh cáo giác anh ta thì tôi sẽ không phản cung lại lời anh.

– Nhưng còn hoàng hậu thì sao?

– À, ừ nhỉ, còn hoàng hậu.

– Cần phải biết xem hoàng hậu phản ứng ra sao.

– Để tôi lo việc ấy cho.

– Thật phiền! Anh ạ, nếu bà ta phản bác lại rằng chúng ta nhầm. Vì đây là dịp cho chàng trai kia được tiếng là kiên cường, ông ta chẳng mất mát gì nhiều vì ông ta chỉ mua chịu cái tiếng tăm đó thôi. Và quả thực là ông ta có thể trả được cả vốn lẫn lời cho việc mua bán này.

– Đức mẹ ơi! Biết sao được – Henri thốt lên – Ở trần gian này chẳng có cái gì là cho không cả.

Ông mỉm cười vẫy tay chào François rồi thận trọng ghé đầu ra hành lang. Thấy không có ai nghe trộm, ông nhanh nhẹn lách ra và biến vào trong chiếc cầu thang kín dẫn tới phòng Marguerite.

***

Về phần mình, hoàng hậu Navarre cũng chẳng yên tâm gì hơn ông chồng. Cuộc tiễu phạt ban đêm do nhà vua, quận công d Anjou, quận công de Guise và Henri tiến hành chống nàng và quận chúa de Nervers làm nàng rất lo lắng. Chắc chắn là không có bằng chứng nào có thể gây tai tiếng cho nàng. Người gác cổng được De Mole và Coconnas cởi trói khỏi rào sắt khẳng định là chưa nói gì. Nhưng bốn vương hầu thuộc cỡ mà hai quý tộc bình thường như La Mole và Coconnas đã đương đầu với chắc không tình cờ mà đi chệch đường và không phải là không biết họ chịu rắc rối vì ai. Vậy là sau khi qua đêm ở nơi quận chúa de Nervers, Marguerite về nhà lúc tảng sáng. Nàng đi nằm ngay nhưng không ngủ được, bất cứ tiếng động nhỏ nào cũng làm nàng giật mình.

Đang giữa lúc lo âu khắc khoải như thế thì nàng nghe có tiếng gõ ở cánh cửa bí mật, nàng sai Gillonne ra xem ai rồi ra lệnh cho vào.

Henri ngừng lại ở cửa: trông ông chẳng có vẻ gì là một ông chồng bị xúc phạm cả. Nụ cười thường lệ nở trên đôi môi mỏng và không một thớ thịt nào trên gương mặt để lộ những cảm xúc khủng khiếp mà ông vừa phải trải qua.

Dường như ông muốn dò hỏi Marguerite bằng mắt xem nàng có cho phép ông nói chuyện tay đôi với nàng hay không. Marguerite hiểu cái nhìn của chồng và ra hiệu cho Gillonne lui ra.

– Thưa bà – Henri bấy giờ mới nói – Tôi biết bà yêu quý bạn bè của mình như thế nào và tôi e rằng phải đem đến cho bà một tin chẳng lành.

– Tin gì vậy, thưa ông? – Marguerite hỏi.

– Một trong những người phục vụ thân tín nhất của chúng ta lúc này đây đang bị tai tiếng thậm tệ.

– Ai vậy?

– Cái ông bá tước de Mole quý hoá ấy.

– Bá tước de Mole bị mang tiếng! Về việc gì vậy?

– Về việc tối hôm qua ấy mà.

Dù cố tự chủ Marguerite cũng không thể không đỏ mặt. Cuối cùng nàng hỏi:

– Việc gì vậy?

– Sao? – Henri nói – Vậy bà không nghe thấy gì ở Louvre đêm qua à?

– Không, thưa ông.

– Ồ! Tôi xin có lời khen ngợi bà – Henri nói với vẻ ngây thơ thật dễ chịu – Điều đó chứng tỏ là bà ngủ ngon lắm.

– Thế có chuyện gì vậy?

– Chuyện là hiền mẫu chúng ta đã ra lệnh cho ông de Maurevel và sáu vệ binh của Người tới bắt tôi.

– Bắt ông ư, thưa ông?

– Vâng, tôi đấy ạ.

– Và vì lý do gì vậy?

– A! Ai mà biết được những lý do của một đầu óc sâu sắc như đầu óc hiền mẫu của chúng ta? Tôi tôn trọng những lý do ấy nhưng tôi không biết chúng.

– Vậy ông không có nhà à?

– Không, quả thực là do tình cờ. Bà đoán đúng đấy, thưa bà tôi không có nhà. Tối qua đức vua mời tôi đi theo Người. Nhưng nếu tôi không có nhà thì lại có một người khác ở đấy.

– Ai thế nhỉ?

– Hình như là bá tước de Mole thì phải.

– Bá tước de Mole? – Marguerite ngạc nhiên hỏi.

– Chết thật! Anh chàng Provençal nhỏ con ấy quả là tay cừ! – Henri nói tiếp – Bà có biết là ông ta đã giết hai vệ binh và làm Maurevel bị thương không?

– Giết hai vệ binh và làm Maurevel bị thương… Không thể thế được!

– Sao? Bà nghi ngờ lòng can đảm của ông ta ư?

– Không, nhưng tôi nói rằng ông De Mole không thể ở chỗ bệ hạ được.

– Sao ông ta lại không thể ở chỗ tôi được.

– Vì rằng… vì rằng… Ông ta ở chỗ khác – Marguerite lúng túng nói.

– À! Nếu ông ta có được một ngoại phạm thì lại là chuyện khác. Ông ta chỉ cần nói ông ta ở đâu và mọi việc thế là xong.

– Nói ông ta ở đâu ấy à? – Marguerite hấp tấp hỏi.

– Đúng thế… Nội nhật ngày hôm nay thôi ông ta sẽ bị bắt và bị tra hỏi. Nhưng khổ thay người ta có chứng cứ rồi.

– Chứng cứ… Chứng cứ nào?

– Cái người đã chống cự tuyệt vọng đến thế mặc một chiếc áo măng-tô đỏ.

– Nhưng không phải chỉ có ông de Mole là có áo măng-tô đỏ tôi biết một người khác cũng có.

– Chắc chắn là thế, cả tôi cũng biết… Nhưng việc sẽ như thế này: nếu không phải là ông de Mole ở trong phòng tôi thì sẽ phải là cái người khác có áo măng-tô đỏ như ông ta. Vậy cái người kia bà biết là ai rồi chứ?

– Trời ơi!

– Đấy mới là bẫy. Thưa bà, vậy bà cũng biết như tôi rồi, nỗi xúc động của bà chứng tỏ điều đó. Vậy chúng ta hãy nó chuyện với nhau như hai người đang nói chuyện về một điều đáng mong mỏi nhất trên đời: là ngai vàng, và về thứ của cải quý giá nhất: đó là tính mạng. Nếu de Mouy bị bắt chúng ta nguy mất.

– Vâng, tôi hiểu.

Trong khi đó thì ông de Mole sẽ không làm ai mang tiếng cả. Trừ phi là bà lại nghĩ ông ta có thể bịa ra chuyện gì đó, chẳng hạn như đi chơi với các bà các cô nào đó… ai mà biết được?

– Thưa ông, nếu ông chỉ ngại có chuyện đó, xin hãy yên lòng, ông ta không nói đâu.

– Sao! Ông ta sẽ im lặng, dù có phải trả giá bằng cái chết cho sự im lặng của mình ư?

– Ông ta sẽ im lặng.

– Bà tin chắc chứ?

– Tôi đảm bảo.

– Vậy thì tất cả sẽ ổn thôi – Henri vừa nói vừa đứng dậy.

– Ông đi ư, thưa ông? – Marguerite hấp tấp hỏi.

– Lạy Chúa vâng, tôi chỉ muốn bàn với bà có thế.

– Và ông sẽ…

– Tôi sẽ cố gắng đưa chúng ta ra khỏi cái bước khó khăn mà cái thằng cha áo măng-tô đỏ đã lôi chúng ta vào.

– Ôi! Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chàng trai tội nghiệp! – Marguerite đau đớn xoắn tay kêu lên.

– Quả thật ông de Mole quý hoá ấy là một người phục vụ quá tốt.

Henri vừa nói vừa lui ra.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.