Hỏa Thần

Chương 23



JERUSALEM

Varash nhóm họp lần thứ hai trong ngày, lần này là cuộc họp trực tiếp trong văn phòng Thủ tướng. Phần thông tin cập nhật của Lev được trình bày rất ngắn gọn, chỉ trong giây lát, bởi hầu như chưa có gì thay đổi kể từ cuộc họp qua truyền hình của họ lần trước. Chỉ có kim đồng hồ vẫn quay đều. Lúc này đã là năm giờ chiều ở Tel Aviv, và bốn giờ ở Paris. Lev muốn gióng hồi chuông báo động.

“Chúng ta phải giả định rằng trong ba giờ đồng hồ nữa sẽ xảy ra một cuộc tấn công khủng bố lớn ở nước Pháp, có thể là ở Paris, và một nhân viên của chúng ta sẽ mắc kẹt giữa chuyện này. Xét hoàn cảnh hiện tại, tôi e rằng chúng ta không còn con đường nào khác ngoài báo tin cho người Pháp biết”.

“Thế còn Gabriel và vợ anh ấy thì sao?”. Moshe Yariv, người đứng đầu Shabak, hỏi. “Nếu người Pháp cho báo động khủng bố trên toàn quốc, Khaled sẽ coi đó là một lý do chính đáng để giết cả hai vợ chồng họ”.

“Hắn chẳng cần lý do nào cả”, Shamron nói. “Đó chính xác là điều hắn dự định làm ngay từ đầu. Lev nói đúng. Chúng ta phải báo tin cho người Pháp. Xét về cả hai mặt đạo lý lẫn chính trị, chúng ta không có lựa chọn nào khác”.

Ngài Thủ tướng thay đổi tư thế ngồi một cách khó khăn do kích thước đồ sộ của cơ thể. “Nhưng tôi không thể nói với họ rằng chúng ta đã gửi một nhóm điệp viên đến Mác-xây để giết một tên khủng bố người Palestine được”.

“Ngài không cần phải làm thế”, Shamron nói. “Nhưng dù chúng ta có giải thích cách nào thì hậu quả của câu chuyện này cũng sẽ rất xấu. Chúng ta đã thỏa thuận với người Pháp là sẽ không tiến hành bất kỳ một chiến dịch nào trên đất của họ mà không hội ý trước. Tất nhiên là chúng ta vẫn vi phạm thỏa thuận này thường xuyên, với sự ‘thông cảm’ ngầm của các bạn đồng nghiệp người Pháp. Nhưng việc họ lờ đi cho chúng ta là một chuyện, còn việc chúng ta bị bắt quả tang với đầy đủ tang chứng vật chứng lại là chuyện khác”.

“Vậy thì tôi sẽ nói gì đây?”

“Tôi đề nghị bám sát sự thật ở mức tối đa có thể. Chúng ta nói với họ rằng một nhân viên của chúng ta đã bị bắt cóc bởi một tổ chức khủng bố ở Mác-xây. Chúng ta nói với họ rằng người nhân viên đó đến Mác-xây để điều tra về vụ đánh bom tòa đại sứ quán ở Rome. Chúng ta nói với họ rằng chúng ta có bằng chứng chắc chắn để tin rằng Paris sẽ trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công khủng bố vào lúc bảy giờ tối nay. Ai mà biết được? Nếu người Pháp gióng lên hồi chuông báo động, biết đâu nó sẽ buộc Khaled phải hoãn hoặc hủy bỏ cuộc tấn công của hắn”.

Ngài Thủ tướng nhìn Lev. “Tình hình các thành viên còn lại trong nhóm thế nào?”

“Tàu Fidelity đã ra khỏi vùng biển của nước Pháp, và các thành viên còn lại trong nhóm đều đã ở hải phận hoặc địa phận quốc tế. Người duy nhất còn lại trên đất Pháp là Gabriel”.

Ngài Thủ tướng bấm một nút trên máy điện thoại bàn. “Nối máy với ngài Tổng thống Pháp, và bảo một phiên dịch viên sẵn sàng. Tôi không muốn có bất kỳ sự hiểu lầm nào giữa hai bên”.

Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp đang tiếp Thủ tướng Đức tại sảnh Chân Dung trong Điện Élysée, khi một phụ tá thân cận lặng lẽ vào phòng và thì thầm vài lời. Nhà lãnh đạo nước Pháp không giấu được vẻ khó chịu khi đột ngột bị quấy rầy.

“Không thể để lúc khác được sao?”

“Ngài ấy° nói đây là vấn đề an ninh ở cấp ưu tiên cao nhất, thưa ngài”.

Vị Tổng thống đứng dậy và nhìn vị khách của mình. “Xin thứ lỗi cho tôi một lát, ngài Thủ tướng”.

Cao ráo và lịch lãm trong bộ com-lê đen, người đứng đầu nhà nước Pháp theo nhân viên tùy tùng của ông vào một phòng riêng. Giây lát sau, đường dây điện thoại đã được thông.

“Xin chào ngài Thủ tướng. Tôi hiểu rằng đây không phải là một cuộc gọi xã giao?”

“Đúng vậy, thưa ngài Tổng thống. Tôi e rằng tôi phải thông báo với ngài về một mối đe dọa° lớn đối với quý quốc”.

“Có phải mối đe dọa này mang tính chất khủng bố?”

“Đúng vậy, thưa ngài”.

“Chúng tôi có bao nhiêu thời gian? Bao nhiêu tuần? Bao nhiêu ngày?”

“Chỉ vài giờ, thưa ngài Tổng thống”.

“Chỉ vài giờ? Tại sao bây giờ tôi mới được thông báo?”

“Chúng tôi cũng chỉ mới vừa biết được về mối đe dọa này”.

“Ngài có biết chi tiết nào về cuộc tấn công không?”

“Chỉ biết thời điểm sẽ xảy ra thôi. Chúng tôi tin rằng một tổ chức khủng bố Palestine dự định tấn công vào lúc bảy giờ tối nay. Paris là mục tiêu nhiều khả năng nhất, nhưng chúng tôi không biết chắc”.

“Xin ngài Thủ tướng cho tôi mọi điều mà ngài biết”.

Thủ tướng Israel nói trong hai phút. Khi ông dứt lời, Tổng thống Pháp nhận xét, “Hình như tôi có cảm giác rằng tôi mới chỉ được biết một phần của câu chuyện?”

“Tôi e rằng chúng tôi cũng chỉ biết một phần của câu chuyện như ông”.

“Tại sao các ngài không thông báo cho chúng tôi biết rằng các ngài đang truy đuổi một nghi phạm khủng bố trên đất Pháp?”

“Chúng tôi không có thời gian cho một tham vấn chính thức, thưa ngài Tổng thống. Đây là một cuộc truy lùng phải tiến hành rất khẩn cấp”.

“Thế còn người Ý? Các ngài có thông báo với họ rằng các ngài đã tìm ra một nghi phạm đã tiến hành vụ đánh bom trên đất Ý không?”

“Không, thưa ngài Tổng thống, chúng tôi không thông báo”.

“Thật ngạc nhiên”, nhà lãnh đạo Pháp nói. “Các ngài có bức ảnh nào có thể giúp chúng tôi nhận diện những kẻ có khả năng sẽ thực hiện vụ đánh bom không?”

“Tôi e rằng không”.

“Tôi cũng không cho rằng các ngài muốn gửi ảnh của điệp viên bị mất tích”.

“Điều đó còn tùy vào hoàn cảnh…”.

“Tôi coi đó là câu trả lời của ngài”, Tổng thống Pháp nói. “Tôi sẽ gửi đại sứ nước tôi đến Văn phòng của ngài ngay lập tức. Tôi tin rằng anh ta sẽ nhận được toàn bộ hồ sơ đầy đủ và trung thực về vấn đề này”.

“Tất nhiên rồi, thưa ngài”.

“Có điều gì đó mách bảo tôi rằng còn nhiều chuyện khúc mắc trong vấn đề này, nhưng việc quan trọng phải lo trước. Tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với ngài”.

“Chúc ngài may mắn, ngài Tổng thống”.

Vị lãnh đạo nước Pháp dập máy và quay lại nhìn người nhân viên tùy tùng. “Triệu tập khẩn cấp Nhóm Napoleon”, ông ra lệnh. “Tôi sẽ lo liệu ngài Thủ tướng Đức”.

Hai mươi phút sau cú điện thoại bất ngờ, Tổng thống Pháp ngồi vào vị trí quen thuộc bên bàn họp nội các trong Phòng Murat. Tập trung quanh ông là các thành viên Nhóm Napoleon, nhóm các quan chức tình báo và an ninh hàng đầu, cùng các Bộ trưởng trong nội các được lập ra nhằm đối phó với những mối đe dọa cấp thời mà nước Pháp có thể gặp phải. Ngồi ở đầu bên kia chiếc bàn lớn là Thủ tướng Pháp. Chính giữa hai vị lãnh đạo cao nhất của nước Pháp là một chiếc đồng hồ hai mặt kính lộng lẫy bằng đồng thau, được chạm trổ rất công phu. Đồng hồ đang chỉ bốn giờ ba mươi lăm phút chiều.

Ngài Tổng thống mở đầu cuộc họp bằng cách lặp lại chính xác những điều mà ông vừa được biết. Tiếp theo là vài phút tranh luận có phần căng thẳng về tình hình, về nguồn tin, về Thủ tướng Israel, một người không mấy thân thiết với Paris. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi thành viên trong nhóm đều nhất trí rằng mối đe dọa này quá lớn và không thể bỏ qua. “Thưa các ngài, rõ ràng là chúng ta cần nâng mức báo động an ninh lên như một biện pháp đề phòng”, Tổng thống nói. “Chúng ta sẽ nâng lên mức nào?”

Kể từ sau các cuộc tấn công của al-Qaeda vào Trung tâm thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài, chính quyền Pháp đã thiết kế một hệ thống báo động an ninh bốn cấp độ, tương ứng với bốn màu, tương tự như hệ thống báo động của Hoa Kỳ. Trong buổi chiều hôm đó, mức báo động an ninh của nước Pháp đang là màu cam, mức cao thứ hai, chỉ cao hơn màu vàng. Mức thứ ba, màu đỏ, sẽ tự động phong tỏa phần lớn không phận của nước Pháp và triển khai các lực lượng an ninh tăng cường ở những nơi công cộng và các hệ thống giao thông, cũng như những địa điểm mang tính biểu tượng quan trọng của nước Pháp như Tháp Eiffel và Bảo tàng Louvre. Mức báo động an ninh cao nhất, màu đỏ tươi, sẽ thực sự phong tỏa toàn bộ đất nước, bao gồm cả hệ thống cấp nước và lưới điện quốc gia. Không có thành viên nào trong Nhóm Napoleon dự định áp dụng mức báo động cao nhất này chỉ dựa trên một lời cảnh báo của người Israel. “’Có nhiều khả năng mục tiêu sẽ là những cơ sở của người Israel hoặc mang tính chất Do Thái”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu. “Ngay cả khi nó có quy mô như Rome thì nó vẫn chưa đến mức để chúng ta áp dụng mức báo động cao nhất”.

“Tôi nhất trí”, ngài Tổng thống nói. “Chúng ta sẽ nâng lên mức Đỏ”.

Năm phút sau khi cuộc họp của Nhóm Napoleon kết thúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp vội vã rời khỏi Phòng Murat để đối diện với một rừng ống kính và Microphone. “Thưa các quý ông, quý bà”, ông nói với nét mặt u ám, “Chính phủ Pháp vừa nhận được thông tin mà chúng tôi tin là đáng tin cậy, thông tin đó tố cáo một âm mưu tấn công khủng bố vào thủ đô Paris trong buổi tối hôm nay”.

Căn hộ nằm trên đường Saules, ở đầu phía bắc yên tĩnh của ngọn đồi Montmartre, cách khu vực của rất nhiều du khách quanh Sacré-Coeur vài dãy phố. Căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi, một nơi tạm trú hoàn hảo khi công việc hoặc những cuộc phiêu lưu tình ái đưa Paul Martineau từ Provence đến thủ đô. Sau khi đến Paris, hắn ghé qua khu Luých-xăm-bua để ăn trưa với một người đồng nghiệp đến từ Đại học Sorbonne. Sau đó hắn phải đến phố Germain gặp nhà xuất bản tiềm năng của cuốn sách của hắn viết về lịch sử thời tiền La Mã của vùng Provence cổ. Lúc bốn giờ bốn mươi lăm phút, hắn băng qua khoảng sân yên tĩnh của tòa nhà và bước vào tiền sảnh. Bà Touzet, người gác cửa, ló đầu ra từ cửa phòng mình khi Martineau bước vào.

“Xin chào, Giáo sư Martineau”.

Martineau hôn lên hai bên má trát đầy phấn của bà và tặng bà một bó hoa huệ tây mà hắn vừa mua ở một tiệm hoa trên đường Caulaincourt. Martineau không bao giờ đến căn hộ của hắn ở Paris mà quên mang theo một món quà nhỏ cho Bà Touzet.

“Cho tôi à?”, bà hỏi một cách điệu đà. “Lẽ ra ông không nên làm thế, Giáo sư ạ”.

“Tôi không thể bảo mình là không làm thế”.

“Ông sẽ ở Paris bao lâu?”

“Chỉ một đêm thôi, thưa bà”.

“Thật đáng tiếc! Đợi tôi lấy thư cho ông”.

Lát sau bà trở lại với một chồng bưu thiếp và thư từ, được sắp xếp gọn ghẽ và buộc chặt bằng một sợi ruy-băng hồng, như mọi khi. Martineau lên cầu thang để về căn hộ của mình. Hắn bật truyền hình, chọn kênh 2, rồi đi vào bếp để pha cà phê. Giữa tiếng nước chảy, hắn nghe giọng nói quen thuộc của ngài Bộ trưởng Bộ nội vụ Pháp. Hắn tắt nước và bình tĩnh đi vào phòng khách. Hắn đứng đó, bất động trước màn ảnh truyền hình, trong mười phút tiếp theo.

Người Israel đã chọn cách báo động cho người Pháp. Martineau đã dự tính trước phản ứng này của họ. Hắn biết việc mức độ an ninh được nâng lên đồng nghĩa với sự thay đổi về chiến lược cũng như thủ tục an ninh tại những địa điểm quan trọng quanh Paris, một diễn biến đòi hỏi một sự điều chỉnh nhỏ trong các kế hoạch của hắn. Hắn nhấc máy điện thoại và bấm số.

“Tôi muốn thay đổi một vé tàu đã đặt trước”.

“Xin ông cho biết tên?”

“Giáo sư Paul Martineau”.

“Số vé?”

Martineau đọc một con số.

“Lúc này ông đang đặt vé trở về Aix-en-Provence từ Paris vào sáng mai”.

“Đúng vậy, nhưng tôi e rằng đã có một số sự thay đổi và tôi cần trở về sớm hơn dự kiến. Liệu tôi có thể đổi lấy một vé trên một chuyến tàu nào đó khởi hành vào đầu giờ tối nay không?”

“Vẫn còn ghế trống trên chuyến tàu số mười bảy”.

“Hạng nhất chứ?”

“Vâng”.

“Tôi sẽ lấy một vé”.

“Ông đã biết về cảnh báo khủng bố của chính phủ chưa ạ?”

“Tôi không bao giờ quan tâm nhiều đến những chuyện đó”, Martineau đáp. “Vả lại, nếu chúng ta không tiếp tục sống cuộc sống bình thường của mình thì bọn khủng bố đã thắng rồi, phải không?”

“Đúng vậy!”

Martineau nghe tiếng gõ bàn phím máy tính.

“Xong rồi, thưa Giáo sư Martineau. Giờ đặt vé của ông đã được thay đổi. Tàu của ông sẽ rời ga Lyon vào lúc bảy giờ mười lăm”.

Martineau gác máy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.