Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 72



Robert Langdon sững sờ.

Đàn ngựa nhà thờ St. Mark!

Bốn chú ngựa oai vệ này – với những cái cổ vương giả và vòng cổ khỏe khoắn của chúng – làm hiện lên trong Langdon một ký ức bất ngờ, mà giờ đây anh nhận ra nó chứa đựng lời giải thích cho một yếu tố quan trọng trong bài thờ bí ẩn in trên chiếc mặt nạ người chết của Dante.

Langdon đã từng tham dự tiệc cưới của một nhân vật nổi tiếng tại trang trại Runnymede lịch sử ở New Hampshire – quê hương của chú ngựa vô địch giải Kentucky Derby có tên Hình ảnh Vũ công[1]. Là một phần trong chương trình tiếp đón thịnh soạn, các quan khách được xem một màn trình diễn của nhóm kịch ngựa nổi tiếng Behind the Mask – một chương trình tuyệt vời trong đó các kỵ sĩ biểu diễn mặc trang phục lộng lẫy của Venice, giấu kín mặt sau những chiếc mặt nạ volto intero. Đàn ngựa ô Friesian của nhóm là những con ngựa to lớn nhất Langdon từng thấy. Những con vật ấn tượng có vóc dáng cao lớn nhất Langdon từng tháy. Những con vật ấn tượng có vóc dáng cao lớn này phi ầm ầm qua sân, để lộ những tảng cơ bắp cuồn cuộn, cặp vó gắn lông chim, và cái bờm dài gần một mét tung bay phía sau cái cổ dài duyên dáng của chúng.

[1]Nguyên văn: Dancer’s Imagine, là tên một con ngựa đua Mỹ, giống Thoroughbred và là chú ngựa duy nhất trong lịch sử giải đua Kentucky Derby giành chiến thắng nhưng bị truất quyền thi đấu. Chú ngựa này thuộc sở hữu của doanh nhân Peter Fuller, con trai cựu Thống đốc bang Massachusetts Alvan T.Fuller, được Lou Cavalaris, Jr huấn luyện và được kỵ sĩ Bobby Ussery điều khiển trong giải Derby.

Vẻ đẹp của những sinh vật này để lại trong Langdon ấn tượng mạnh mẽ đến mức khi về đến nhà, anh đã ngay lập tức tìm kiếm trên mạng và phát hiện ra rằng giống ngựa đực này từng được các vị vua thời Trung cổ ưa chuộng và dùng làm ngựa chiến, nhưng trong những năm gần đây, chúng đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Vốn được biết đến như là Equus robustus, cái tên Friesian hiện đại của giống ngựa này là món quà tôn vinh quê hương chúng – Friesland, một tỉnh của Hà Lan, cũng là nơi họa sĩ đồ họa xuất chúng M. C. Escher chào đời.

Hóa ra, chính thân hình mạnh mẽ của những chú ngựa Friesian thời xưa đã truyền cảm hứng thẩm mỹ cho Đàn ngựa nhà thờ St. Mark đẹp đến mức được xếp vào hàng “những tác phẩm nghệ thật thường xuyên bị đánh cắp nhất trong lịch sử”.

Langdon trước giờ vẫn tin rằng vinh dự đáng ngờ này thuộc về tác phẩm Ghent Altarpiece và có lướt xem trang web Hiệp hội Nghiên cứu Tội phạm nghệ thuật (ARCA) để xác thực giả thuyết của mình. Hiệp hội không đưa ra xếp hạng tuyệt đối nào, nhưng họ cung cấp một câu chuyện ngắn gọn về cuộc đời phiền toái của những tượng điêu khắc vốn luôn là mục tiêu tranh cướp ấy.

Bốn chú ngựa bằng đồng được đúc trên đảo Chios vào thế kỷ IV bởi một điêu khắc gia Hy Lạp khuyết danh. Chúng nằm nguyên ở đó cho tới khi được Hoàng đế Theodosius II[2] mang tới Constantinople để trưng bày tại trường đua Hippodrome[3]. Sau đó, trong cuộc Thập tự chinh thứ tư, khi binh lực của Venice cướp phá Constantinople, quan tổng trấn đương quyền đã ra lệnh chở bốn bức tượng quý giá bằng thuyền về tận Venice. Do trọng lượng và kích thước chúng rất lớn nên việc vận chuyển là gần như bất khả thi, song cuối cùng, những chú ngựa này cũng được đưa đến Venice vào những năm 1254, và được dựng phía trước mặt tiền của Vương cung Thánh đường St. Mark.

[2]Theodosius II (401-450), thường gọi là Theodosius Trẻ hoặc Theodosius Nhà thư pháp, là hoàng đế Đông La Mã từ năm 408 đến 450. Ông được biết đến nhiều về việc ban hành bộ luật Theodosius và công xây dựng các bức tường thành Theodosius quanh Constantinople.

[3]Hyppodrome là sân vận động để đua ngựa hoặc đua xe kéo. Nhưng Hyppodrome của Constantinople, thủ đô của đế chế Byzantine, là một đấu trường, được xem như trung tâm xã hội và thể thao của thành phố. Hiện nay, đây là một quảng trường mang tên Sultan Ahmet tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, với một số tàn tích của các công trình nguyên thủy từng tồn tại.

Hơn nửa thiên niên kỷ sau đó, vào năm 1797, Napoleon chinh phạt Venice và đoạt lấy những chú ngựa cho mình. Chúng được chở về Paris và kiêu hãnh xuất hiện trên nóc Khải hoàn môn. Cuối cùng, năm 1815, Napoleon bị đánh bại tại Waterloo và chịu đày ải, đàn ngựa đã bị hạ xuống khỏi Khải hoàn môn và vận chuyển bằng tàu ngược trở lại Venice, nơi chúng được dựng lại trên ban công phía trước của Thánh đường St. Mark.

Mặc dù Langdon đã khá quen với câu chuyện về đàn ngựa này, nhưng trang web của ARCA còn có một đoạn thông tin khiến anh giật mình.

“Phần vòng cổ trang trí được người Venice thêm vào cổ ngựa năm 1204 nhằm che đi chỗ đầu bị cắt đứt để dễ chuyên chở bằng tàu từ Constantinople về Venice”

Vị tổng trấn đã ra lệnh cắt đứt đầu Đàn ngựa nhà thờ St. Mark ư? Langdon dường như không tài nào nghĩ ra nổi.

“Robert?”, tiếng Sienna gọi to.

Langdon bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ của mình, quay lại nhìn Sienna đang len qua đám đông cùng với Ferris đi sát bên cạnh.

“Những con ngựa trong bài thơ!”, Langdon hét to đầy phấn khởi. “Anh nghĩ ra rồi!”

“Cái gì cơ?”, Sienna có vẻ ngơ ngác.

“Chúng ta đang tìm kiếm một vị tổng trấn bội bạc chặt đứt đầu những con ngựa đấy thôi!”

“Vâng?”

“Bài thơ không nói đến những con ngựa sống”. Langdon chỉ tay lên cao phía trên mặt tiền của nhà thờ St. Mark, nơi một cột nắng chói chang đang chiếu sáng bốn bức tượng đồng. “Nó nói đến những con ngựa kia kìa!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.