Cơ sở thực tế
Mọi thông tin tham khảo bằng hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học, và lịch sử trong cuốn tiểu thuyết này đều có thật.
“Consortium” là một tổ chức tư nhân có văn phòng đặt tại bảy quốc gia. Tên của tổ chức đã được thay đổi vì những lý do an ninh và quyền riêng tư.
Hỏa ngục (Inferno) là thế giới địa ngục được mô tả trong trường ca Thần khúc (The Divine Comedy) của Dante Alighieri. Bản trường ca này khắc họa địa ngục như một vương quốc có cấu trúc phức tạp, là nơi cư ngụ của những thực thể được cho là “vong linh” – những linh hồn vô hình bị mắc kẹt giữa chốn dương gian và cõi chết.
Khúc dạo đầu
Ta là vong linh.
Qua thành phố buồn đau, ta lẩn tránh.
Qua nỗi thống khổ vĩnh hằng, ta trốn chạy.
Ta lê bước dọc bờ sông Arno, thở không ra hơi… rẽ trái vào Via dei Castellani, lần lên phía bắc, lẩn vào bóng râm của tòa nhà Uffizi[1]..
[1] Uffizi Gallery là bảo tàng ở Florence, một trong những bảo tàng nghệ thuật lâu đời và nổi tiếng nhất. Tòa nhà được Giorgio Vasari xây dựng năm 1560 làm văn phòng cho các quan tòa – vì thế mà thành tên gọi “uffizi” (tức “office” hay “văn phòng”). (Chú thích trong sách này là của dịch giả).
Và chúng vẫn truy lùng ta.
Giờ thì đã nghe rõ bước chân của chúng hơn khi mà chúng quyết tâm săn đuổi đến cùng.
Chúng săn lùng ta đã nhiều năm ròng. Sự đeo bám dai dẳng của chúng khiến ta phải ở dưới hầm… buộc ta phải sống trong cõi luyện hồn… quằn quại bên dưới mặt đất như một con quái vật âm phủ.
Ta là vong linh.
Ở trên mặt đất lúc này, ta nhướng mắt nhìn về phương bắc, nhưng không thể tìm thấy con đường thẳng tới sự cứu rỗi… vì dãy núi Apennine che lấy tia sáng đầu tiên của buổi bình minh.
Ta đi qua phía sau tòa nhà có ngọn tháp với những lỗ châu mai và đồng hồ chỉ có một kim… lách qua những người bán hàng rong buổi sớm ở Quảng trường San Firenze, tiếng rao khàn khàn của họ còn nồng nặc mùi lampredotto và ô liu nướng. Băng qua trước Bảo tàng Bargello[2], ta cắt sang mé tây về phía cầu thang xoắn ốc của Tu viện Badia[3] và đến ngay trước cánh cổng sắt ở dưới chân cầu thang.
[2] Cung điện Bargello, còn gọi là cung điện Nhân Dân (Palazzo del Popolo) vốn là trại lính và nhà tù, nay là bảo tàng nghệ thuật ở Florence, Ý. Đây là công trình công cộng cổ nhất Florence, được xây dựng năm 1255. Năm 1574, gia tộc Medici cho cảnh sát trưởng (bargello) của Florence đóng trụ sở tại tòa nhà này, vì thế thành tên gọi. Từ năm 1865, Bargello trở thành bảo tàng quốc gia (Museo Nazionale del Bargello) trưng bày bộ sưu tập lớn nhất về điêu khắc Gothic và Phục Hưng ở Ý (thế kỷ XVI-XVII).
[3]Badia Fiorentina là tu viện kiêm nhà thờ trên phố Via del Proconsolo ở trung tâm Florence. Người ta cho rằng thi hào Dante, tác giả Thần khúc, lớn lên ngay bên kia phố trong ngôi nhà được xây lại năm 1910 làm Bảo tàng Dante. Hiện nay, Badia là giáo đoàn của các tu sĩ và nữ tu dòng Tín hữu Gerusalemme, với các buổi cầu kinh hằng chiều lúc 6 giờ.
Đến đây, phải gạt bỏ sau lưng mọi sự do dự.
Ta vặn tay nắm và bước vào lối đi ta biết rõ sẽ không có đường trở lại. Ta hối thúc đôi chân nặng như chì bước lên dãy cầu thang hẹp… leo lên theo chiều xoắn ốc trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch mềm, lỗ chỗ và sứt mẻ.
Từ phía dưới vang lên những giọng nói. Đang van nài.
Chúng đang ở phía sau ta, không nhượng bộ, xáp lại gần.
Chúng không hiểu chuyện gì sắp đến… cũng như những gì ta đã làm cho chúng!
Đúng là mảnh đất bạc bẽo!
Khi ta leo lên, tầm nhìn trở nên khó khăn… Những thân hình đầy dục vọng quằn quại trong làn mưa dữ đội, các linh hồn tham lam ngoi ngóp trong phân thối, những kẻ xấu xa xảo trá đông cứng trong vòng tay băng giá của quỷ Satan.
Ta trèo lên mấy bậc thang cuối cùng và lên đến đỉnh, loạng choạng ngã vào bầu không khí ẩm ướt buổi sớm. Ta lao tới bức tường cao hơn đầu người, nhìn qua những kẽ hở. Xa phía dưới là thành phố thiêng liêng, nơi ta đã phải tìm cách trốn tránh những kẻ đày ải ta.
Những giọng nói vang lên, xáp lại gần phía sau lưng ta. “Những điều ông vừa làm thật điên rồ!”
Điên rồ dung dưỡng điên rồ.
“Vì tình yêu của Chúa!”, chúng gào lên, “Hãy nói cho chúng tôi biết ông giấu nó ở đâu!”.
Nhưng chính vì tình yêu của Chúa, ta sẽ không nói.
Giờ ta đứng, bị dồn vào chân tường, lưng tựa vào lớp đá lạnh. Chúng nhìn xoáy vào đôi mắt xanh trong veo của ta, và nét mặt chúng sầm lại, không còn vẻ phỉnh phờ, mà là hăm dọa. “Ông biết chúng tôi có phương pháp của mình mà. Chúng tôi có thể buộc ông nói nó ở đâu.”
Vì lý do đó, ta đã qua nửa chặng đường lên thiên đàng.
Chẳng cần báo trước, ta xoay người và rướn lên, bấu những ngón tay vào gờ tường cao, đu mình lên, bò trên hai gối, rồi đứng dậy… chênh vênh trên vách tường. Xin hãy dẫn dắt ta, Virgil yêu quý, vượt qua khoảng không trống rỗng.
Chúng ngạc nhiên, nhào tới trước như muốn tóm lấy chân ta, nhưng lại sợ rằng chúng sẽ làm ta mất thăng bằng và ngã nhào xuống. Giờ thì chúng van xin, nỗi tuyệt vọng lặng câm, nhưng ta xoay lưng lại phía chúng. Ta biết mình phải làm gì.
Phía dưới ta, xa tít đến chóng mặt, những mái ngói đỏ chạy dài như một biển lửa chốn thôn quê, chiếu sáng mảnh đất thanh sạch nơi những người khổng lồ từng dạo bước… Giotto, Donatello, Brunelleschi, Michelangelo, Botticelli.
Ta nhích từng ngón chân tới mép tường.
“Xuống đây đi!”, chúng gào lên. “Vẫn còn chưa quá muộn mà!”
Ôi, những kẻ ngu dốt ngang ngạnh! Các ngươi không nhìn thấy tương lai ư? Các ngươi không hiểu thấu vẻ huy hoàng ở tác phẩm sáng tạo của ta ư? Sự thiết yếu ư?
Ta sẽ vui vẻ thực hiện sự hy sinh tối thượng này… và bằng việc đó, ta sẽ dập tắt hy vọng cuối cùng của các người hòng tìm ra những gì các người đang lùng kiếm.
Các ngươi sẽ chẳng bao giờ kịp tìm thấy nó đâu.
Sâu dưới kia hàng trăm mét, quảng trường rải đá cuội như một ốc đảo yên bình mời gọi. Ta làm sao đợi thêm được nữa… trong khi thời gian chính là thứ hàng hóa cho dù có bộn tiền ta cũng không thể mua được.
Trong vài giây cuối cùng, ta phóng tầm mắt xuống quảng trường, và nhìn thấy một cảnh tượng khiến ta giật mình.
Ta nhìn thấy gương mặt nàng.
©STENT
Từ trong bóng râm, nàng đang ngước lên nhìn ta. Đôi mắt nàng u sầu, nhưng trong đôi mắt ấy, ta cảm nhận được sự tôn kính dành cho những gì ta đã hoàn thành. Nàng hiểu ta không còn lựa chọn nào khác. Vì tình yêu với Nhân loại, ta phải bảo vệ kiệt tác của mình.
Ngay lúc này nó vẫn phát triển… chờ đợi… âm ỉ bên dưới làn nước màu đỏ máu của cái đầm chẳng bao giờ phản chiếu những ánh sao.
Ta rời mắt khỏi mắt nàng và nhìn về phía chân trời. Phía trên thế giới đau khổ này, ta nói lời cầu khẩn cuối cùng.
Hỡi Chúa kính yêu, con cầu xin thế giới ghi nhớ tên con không phải như một kẻ tội đồ đáng ghê tởm, mà như một vị cứu tinh vẻ vang, người biết thật sự là như vậy. Con cầu xin Nhân loại sẽ hiểu món quà con để lại phía sau.
Món quà của con là tương lai.
Món quà của con là sự cứu rỗi.
Món quà của con là Hỏa ngục.
Nói xong, ta thầm khấn amen… và gieo bước chân cuối cùng vào khoảng không thăm thẳm.
Chương 1
Ký ức chầm chậm phục hồi… như bong bóng sủi lên từ thẳm sâu của một cái giếng không đáy.
Một phụ nữ che mạng.
Robert Langdon đăm đăm nhìn người phụ nữ phía bên kia con sông nước đỏ sánh như máu. Ở bờ bên đó, người phụ nữ đứng đối diện anh, bất động, trang nghiêm, gương mặt ẩn dưới tấm mạng che. Tay cô giữ chặt một mảnh vải tainia màu lam, đang được cô giơ cao lên để tỏ lòng tôn kính với cả biển xác chết dưới chân mình. Mùi tử khí nồng nặc khắp nơi.
Hãy tìm kiếm, người phụ nữ thì thào. Và anh sẽ thấy.
Langdon nghe thấy những từ ấy như thể người phụ nữ nói ngay trong đầu anh. “Cô là ai?”, anh gọi to, nhưng giọng anh không hề phát thành tiếng.
Thời gian đang cạn dần, người ấy thì thào. Hãy tìm kiếm và sẽ thấy.
Langdon nhích một bước về phía sông, nhưng anh nhìn thấy rõ nước đỏ như máu và quá sâu, không thể lội qua. Khi Langdon ngước mắt nhìn lại người phụ nữ che mạng thì những xác người dưới chân cô đã nhân lên vô khối. Giờ có đến cả trăm, có khi hàng nghìn, một số vẫn còn sống, đang quằn quại trong đau đớn, chịu đựng những cái chết không dễ gì nghĩ ra được… bị lửa thiêu đốt, bị vùi lấp trong phân thối, xâu xé lẫn nhau. Anh có thể nghe rõ những tiếng kêu thảm thiết của con người vang vọng trên mặt nước.
Người phụ nữ tiến về phía anh, chìa hai cánh tay mảnh mai như thể đang cầu xin sự giúp đỡ.
“Cô là ai?”, Langdon lại gọi to.
Đáp lại, người phụ nữ giơ tay và từ từ gỡ tấm mạng khỏi mặt mình. Bà ấy đẹp mê hồn, nhưng già hơn Langdon hình dung – có lẽ đã ngoài sáu mươi, oai nghiêm và rắn rỏi, giống như một bức tượng không nhuốm màu thời gian. Bà ấy có cái cằm cương nghị, đôi mắt sâu thẳm có hồn, và mái tóc bạc dài với những lọn quăn buông xõa xuống bờ vai. Cổ bà ấy đeo một miếng bùa bằng lam ngọc hình một con rắn quấn quanh cây quyền trượng.
Langdon có cảm giác mình đã biết bà ấy… tin tưởng bà. Nhưng bằng cách nào? Tại sao lại như vậy?
Lúc này bà ấy chỉ tay vào một đôi chân đang giãy giụa, thò ngược lên từ dưới đất, rõ ràng là chân của một sinh linh bất hạnh nào đó bị chôn ngược đầu tới tận thắt lưng. Phần đùi tái nhợt của người đó có một con chữ duy nhất – viết bằng bùn – R.
R ư? Langdon ngẫm nghĩ, đầy phân vân. Giống như trong… Robert ư? “Không lẽ đó là … mình?”
Gương mặt người phụ nữ không hé lộ gì cả. Hãy tìm và sẽ thấy, bà ấy nhắc lại.
Không hề báo trước, người bà ấy bắt đầu tỏa ra một thứ ánh sáng màu trắng…càng lúc càng sáng hơn. Cả cơ thể bà bắt đầu rung lên dữ dội, và sau đó, kèm theo một tiếng nổ lớn, bà vỡ tan thành cả nghìn mảnh ánh sáng.
Langdon hét lên, choàng tỉnh.
Căn phòng sáng trưng. Chỉ có mình anh. Mùi cồn y tế nồng gắt trong không khí, và đâu đó có tiếng máy phát ra những âm thanh trùng khớp với nhịp tim của anh. Langdon cố gắng nhúc nhích cánh tay phải, nhưng một cơn đau nhói khiến anh đành thúc thủ. Anh nhìn xuống phía dưới và thấy một ống truyền dính chặt lấy lớp da cánh tay mình.
Mạch anh đập rộn, và cỗ máy cũng giữ đúng nhịp, phát ra những tiếng kêu nhanh hơn.
Mình đang ở đâu thế nhỉ? Có chuyện gì không biết?
Gáy Langdon nhói lên một cơn đau buốt. Rất cẩn thận, anh đưa cánh tay còn lại chạm vào mặt mình, cố gắng định vị nguồn gốc cơn đau đầu. Bên dưới mái tóc rối bù, anh sờ thấy những nốt u cứng ngắc của hàng chục mũi khâu đã đóng vảy vì máu khô.
Anh nhắm mắt, cố gắng nhớ lại vụ tai nạn.
Không nhớ được gì cả. Trống rỗng hoàn toàn.
Nghĩ đi.
Chỉ có bóng tối mịt mùng.
Một người đàn ông mặc đồ thanh trùng bước vội vào, chắc chắn vì thấy màn hình cảnh báo nhịp tim đập nhanh của Langdon. Ông ấy có bộ râu dày, ria cũng rậm, và đôi mắt dịu dàng toát ra vẻ điềm tĩnh ân cần bên dưới đôi lông mày rậm.
“Đã có chuyện… gì vậy?”, Langdon gắng gượng. “Tôi bị tai nạn à?”
Người đàn ông râu rậm đưa một ngón tay lên môi và sau đó chạy vội ra ngoài, gọi một ai đó dưới sảnh.
Langdon xoay đầu, cử động đó gây ra một cơn đau nhói lan khắp người anh. Anh hít mấy hơi thật sâu để cơn đau dịu đi. Sau đó, rất nhẹ nhàng và cẩn thận, anh quan sát không gian vô trùng xung quanh mình.
Căn phòng bệnh viện này có một giường đơn. Không hoa hoét gì cả. Không bảng hiệu. Langdon nhìn thấy quần áo mình trên chiếc bàn quầy gần đó, gấp gọn trong một túi nhựa trong. Tất cả đều dính máu.
Chúa ơi. Chắc chắn là rất tệ.
Giờ Langdon chậm rãi xoay đầu về phía ô cửa sổ cạnh giường. Bên ngoài trời tối om. Đang đêm. Tất cả những gì Langdon có thể nhìn thấy trên kính là hình phản chiếu của anh – một kẻ xa lạ nhợt nhạt, xanh xao và mệt mỏi, người đầy ống và dây nhợ, xung quanh là các thiết bị y tế.
Có tiếng nói tiến lại gần trong hành lang, và Langdon đưa mắt trở lại căn phòng. Vị bác sĩ đã quay lại, đi cùng với một phụ nữ.
Cô ấy có vẻ như mới ngoài ba mươi một chút. Cô mặc bộ đồ thanh trùng màu xanh da trời và buộc gọn mái tóc vàng thành một túm đuôi ngựa đung đưa sau gáy theo nhịp chân của cô.
“Tôi là bác sĩ Sienna Brooks”, cô nói, nhìn Langdon mỉm cười ngay khi vừa bước vào. “Tôi sẽ làm việc cùng bác sĩ Marconi tối nay.”
Langdon yếu ớt gật đầu.
Cao ráo và uyển chuyển, bác sĩ Brooks di chuyển với dáng vẻ dứt khoát của một vận động viên. Ngay cả khi trong bộ đồ thanh trung kì cục, ở cô vẫn toát lên vẻ thanh thoát, thướt tha. Mặc dù Langdon có thể thấy rõ là cô không hề trang điểm nhưng nước da của cô vẫn có vẻ mịn màng lạ thường, với khiếm khuyết duy nhất là một nốt ruồi duyên nhỏ xíu ngay phía trên môi. Đôi mắt cô, dù có màu hạt dẻ dịu dàng, dường như sắc sảo đến kỳ lạ, như thể chúng từng chứng kiến nhiều trải nghiệm mà một người trạc tuổi cô hiếm có dịp được tao ngộ.
“Bác sĩ Marconi không nói được nhiều tiếng Anh”, cô lên tiếng và ngồi xuống cạnh anh. “Và ông ấy đề nghị tôi giúp điền mẫu đơn nhập viện cho anh.” Cô lại mỉm cười.
“Cảm ơn cô”, Langdon rền rĩ.
“Được rồi”, cô lên tiếng, giọng toát lên sự tháo vát ân cần. “Tên anh là gì nhỉ?”
Anh phải mất một lúc mới trả lời được: “Robert… Langdon”.
Cô rọi đèn soi vào mắt anh. “Nghề nghiệp?”
Thông tin này được đưa ra còn chậm hơn nữa. “Giáo sư. Lịch sử nghệ thuật… và biểu tượng học. Đại học Harvard.”
Bác sĩ Brooks hạ đèn xuống, vẻ ngạc nhiên. Vị bác sĩ với đôi mày rậm trông cũng bất ngờ không kém.
“Anh là… người Mỹ à?”
Langdon ngơ ngác nhìn cô.
“Chỉ là…”, cô ngập ngừng. “Tối qua lúc anh đến đây, anh không hề có giấy tờ tùy thân. Lúc ấy anh mặc trang phục Harris Tweed và đi giày lười hiệu Somerset, cho nên chúng tôi đoán anh là người Anh.”
“Tôi là người Mỹ”, Langdon quả quyết với cô, nhưng anh quá mệt không thể giải thích được rằng anh rất chuộng quần áo may đo riêng.
“Anh có thấy đau chỗ nào không?”
“Ở đầu tôi”, Langdon đáp, cái đầu vẫn đang nhoi nhói của anh gặp anh đèn rọi sáng quắc càng thêm khó chịu. May thay, bác sĩ Brooks bỏ đèn vào túi, cầm lấy cổ tay Langdon và kiểm tra mạch đập.
“Lúc tỉnh lại, anh la hết dữ dội”, cô nói. “Anh có nhớ tại sao không?”
Langdon vụt nhớ lại hình ảnh kỳ quái về người phụ nữ đeo mạng với những xác người quằn quại xung quanh. Hãy tìm và sẽ thấy. “Tôi gặp một cơn ác mộng.”
“Như thế nào?”
Langdon kể lại cho cô nghe.
Nét mặt của bác sĩ Brooks vẫn thản nhiên khi cô ghi chép trên kẹp hồ sơ. “Anh có nghĩ được điều gì gợi ra một hình ảnh kinh khủng như vậy không?”
Langdon lục lại ký ức rồi lắc đầu, động tác ấy khiến anh đau nhói như bị búa nện.
“Được rồi, anh Langdon”, cô nói, vẫn hí hoáy viết, “có vài câu hỏi thông thường dành cho anh. Hôm nay là thứ mấy trong tuần rồi?”.
Langdon nghĩ một lúc. “Thứ bảy. Tôi nhớ lúc sớm hôm nay mình đang đi bộ qua khuôn viên… chuẩn bị cho một loạt tiết giảng buổi chiều… đó là điều cuối cùng tôi nhớ được. Tôi bị ngã phải không?”
“Chúng ta sẽ nói sau. Anh có biết mình đang ở đâu không?”
Langdon cố phán đoán. “Bệnh viện Đa khoa Massachusetts phải không?”
Bác sĩ Brooks lại ghi chép. “Và chúng tôi có cần gọi ai đó cho anh không? Vợ? Hoặc con cái?”
“Không có ai cả”, Langdon đáp lại theo bản năng. Anh luôn thích sự tĩnh mịch và độc lập mà mình có nhờ lựa chọn cuộc sống độc thân, mặc dù anh phải thừa nhận rằng, trong tình huống hiện tại, anh thèm có được một gương mặt quen thuộc ở bên cạnh. “Tôi có thể gọi cho một vài đồng nghiệp, nhưng tôi ổn mà.”
Bác sĩ Brooks ngừng ghi chép, và vị bác sĩ lớn tuổi hơn tiến lại gần. Ông ấy vuốt vuốt đôi mày rậm về phía sau, móc từ trong túi một chiếc máy ghi âm nhỏ và đưa cho bác sĩ Brooks. Cô gật đầu hiểu ý và xoay lại phía bệnh nhân của mình.
“Anh Langdon, tối nay khi anh đến đây, anh cứ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại một điều gì đó.” Cô liếc nhìn bác sĩ Marconi đang giơ chiếc máy ghi âm kỹ thuật số ra và bấm nút.
Một đoạn ghi âm bắt đầu chạy, và Langdon nghe thấy giọng nói nhát gừng của mình, lặp đi lặp lại cụm từ: “Rấ… xin lỗi. Rấ… xin lỗi.”
“Theo tôi nghe”, người phụ nữ nói, “giống như anh đang nói “Rất xin lỗi. Rất xin lỗi”.
Langdon tán thành, nhưng anh lại không hề nhớ gì về chuyện đó.
Bác sĩ Brooks đăm đăm nhìn anh với ánh mắt cực kỳ đáng ngại. “Anh có ý tưởng gì về lý do tại sao anh lại nói câu này không? Anh xin lỗi vì điều gì đó chăng?”
Khi Langdon lục lại những chỗ tối nhất trong ký ức của mình, anh lại nhìn thấy người phụ nữ che mạng. Bà ấy đang đứng bên bờ một con sông đỏ máu với những xác người xung quanh. Mùi tử khí quay trở lại.
Bỗng nhiên Langdon thấy ngập trong một cảm giác rất bản năng về sự nguy hiểm… không chỉ cho chính anh… mà cho tất cả mọi người. Tiếng máy theo dõi nhịp tim của anh tăng vọt. Các cơ trong người anh cứng lại, và anh gắng ngồi dậy.
Bác sĩ Brooks vội ấn mạnh tay lên ức Langdon, ép anh nằm xuống. Cô liếc nhanh về phía vị bác sĩ râu rậm lúc này đang bước về phía cái bàn quầy kế bên và bắt đầu chuẩn bị thứ gì đó.
Bác sĩ Brooks ghé sát người xuống Langdon, thì thào. “Anh Langdon, tâm lý lo lắng là chuyện rất bình thường với những ca chấn thương não, nhưng anh cần giữ cho mạch đập giảm xuống. Đừng cử động. Đừng kích động. Hãy nằm yên và nghỉ ngơi. Anh sẽ ổn thôi. Trí nhớ của anh sẽ dần dần hồi phục.”
Giờ vị bác sĩ kia quay lại cùng với một ống tiêm và trao cho bác sĩ Brooks. Cô bơm toàn bộ số thuốc bên trong vào ống truyền của Langdon.
“Chỉ là một liều an thần nhẹ để anh bình tĩnh lại”, cô giải thích, “và cũng để giảm đau nữa”. Cô đứng lên. “Anh sẽ ổn thôi, anh Langdon. Hãy ngủ đi. Nếu anh cần gì, hãy bấm cái nút bên cạnh giường.”
Cô tắt đèn và rời đi cùng với vị bác sĩ râu rậm.
Trong bóng tối, Langdon cảm nhận rõ chất thuốc đang ngấm qua cơ thể anh gần như ngay tức thì, kéo thân xác anh chìm trở lại cái giếng sâu mà anh vừa ngoi lên. Anh cố chống lại cảm giác đó, cố mở to mắt trong bóng tối của căn phòng. Anh gắng ngồi dậy, nhưng có cảm giác cơ thể mình giống như cả khối xi măng.
Khi nhúc nhích, Langdon lại thấy mình nhìn ra ổ cửa sổ. Đèn đóm đã tắt cả, và trong ô kính tối đen, hình ảnh phản chiếu của anh đã biến mất, thay vào đó là đường chân trời sáng lên phía xa.
Xen giữa những chóp nhọn và mái vòm nhấp nhô, nổi bật trong tầm nhìn của Langdon là một mặt tiền tráng lệ. Tòa nhà là một pháo đài đá rất uy nghi với lan can hình chữ V và ngọn tháp cao đến gần trăm mét phình ra ở gần đỉnh, tạo thành một khối đồ sộ có lỗ châu mai.
Langdon ngồi thẳng dậy trên giường, cơn đau như nổ tung trong đầu anh. Anh gắng nén cơn đau giần giật dữ dội và đăm đăm nhìn ngọn tháp.
Langdon biết rất rõ công trình trung cổ này.
Nó là thứ độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tiếc thay, nó còn nằm cách xa Massachusetts tới bốn nghìn dặm.
Bên ngoài cửa sổ phòng anh, ẩn kín trong bóng tối của tòa nhà Via Torregalli[1], một phụ nữ có vóc dáng khỏe mạnh thong dong đẩy chiếc mô tô BMW tiến tới với sự tập trung cao độ của một con beo đang rình mồi. Ánh mắc của ả sắc lạnh. Mái tóc cắt ngắn kiểu đầu đinh của ả nổi bật trên phần cổ áo dựng ngược của bộ đồ lái xe bằng da đen. Ả kiểm tra vũ khí giảm thanh của mình, và chăm chú nhìn lên ô của sổ nơi ánh đèn chỗ Robert Langdon vừa tắt.
[1]Biệt thự Torregalli (hay lâu đài Torre Galli) là một phần của hệ thống pháo đài ở vùng Soffiano, thuộc gia tốc Nerli. Đến thế kỷ 17, quyền sở hữu thuộc về gia tộc Galli và đến năm 1868, nơi này trở thành tài sản của Paolo Gentile Farinola, người cho xây lại các phần tường có lỗ châu mai theo phong cách Trung cổ. Năm 1991, nó được công nhận là di tích lịch sử nghệ thuật và hiện nằm trong chế độ công quản.
Chập tối nay, nhiệm vụ ban đầu của ả đã thất bại thảm hại.
Tiếng gù của một con bồ câu lẻ đàn đã làm thay đổi mọi việc.
Giờ ả đến để giải quyết mọi thứ cho êm đẹp.