Liễu Thuấn Anh đi đến một nơi sơn trang cách khỏi thị trấn chẳng bao xa, mặt trời đã xế về chiều trên đường cái ít người qua lại vì đấy giáp gần bờ sông.
Nhìn về con đê phía bờ sông bỗng thấy một tốp hằng mấy chục người cầm giáo mác như định săn đuổi một vật gì. Liễu Thuấn Anh thấy lạ vội chạy đến xem, chỉ thấy bọn người ấy sục sạo trên bờ sông không có vật gì đáng để ý, duy có sự lạ là cái xác chết đặt trên bờ sông, mọi người đứng xúm đông lại sầm xì bàn tán.
Lại chuyện kỳ quái, Liễu Thuấn Anh đến gần xem thì đó là một bà cụ ngoài năm mươi tuổi nằm thoi thóp, hơi thở chưa chết, quần áo ướt sũng như vừa trầm mình gặp người cứu.
Liễu Thuấn Anh liền hỏi một người đứng đấy, họ mới nói mẹ con bà cụ đó đi lễ chùa về qua mặt đê đấy, không ngờ ở dưới sông có con thủy quái nhảy lên vồ lấy con gái bà rồi nhảy xuống sông chạy trốn, bà cụ hô hoán rầm lên nên mọi người trong làng đổ ra lùng bắt thì không thấy đâu. Bà cụ vì thương con liền nhẩy xuống sông quyết chết theo, may gặp được bọn người làng cứu vớt lên được cũng là một sự không ngờ vì mọi lúc đến đêm khuya thủy quái mới dìm thuyền bè bắt người mà hôm nay nó lại bắt người lúc ban ngày.
Sinh nghi, Liễu Thuấn Anh lại hỏi bọn người ấy cô gái bị bắt tên là gì, người có xinh đẹp không? Bọn người ấy trả lời là cô gái họ Kiều tên Nguyệt Mai con một nhà triệu phú nhất vùng sơn trang này, chẳng may bị bọn cường đạo cướp bóc hết của giết chết Kiều lão với người con trai tức chồng con bà lão đây, đến nay nhà cửa khánh kiệt chỉ còn một mẹ một con lại bị thủy quái bắt nốt trách nào bà chẳng uất hận mà trầm mình.
Thấy sự đau đớn, Liễu Thuấn Anh cũng ngậm ngùi thay cho nhà họ Kiều.
Lúc ấy bà lão đã hồi tỉnh nàng bước đến gần an ủi :
– Xin bà chớ thương khóc nữa mà hao tổn tinh thần, bà hãy yên tâm thế nào tôi đây cũng cứu được nàng Kiều Nguyệt Mai về đây.
Kiều lão bà thấy Liễu Thuấn Anh là chàng thiếu niên tuấn tú mà hứa lời chắc chắn sẽ cứu được con gái bà, nên bà sung sướng như điên cuồng vội nắm lấy hai cánh tay Liễu Thuấn Anh năn nỉ :
– Tráng sĩ nói quả tráng sĩ cứu được con tôi? Khó lắm tráng sĩ ơi! Vì loài thủy quái đã tàn hại ở miền nầy từ xưa đến nay biết mấy muôn người, nếu tráng sĩ cứu được con tôi thì ân đức như trời bể trọn đời không quên, vì tôi không thấy con ắt phải chết theo nó.
Nghe lời cầu khẩn, Liễu Thuấn Anh lại càng quả quyết :
– Bà yên tâm, nếu không cứu được nàng Kiều Nguyệt Mai thì Liễu Thuấn Anh này không sống làm người nhưng bà hãy khoan hạn cho tôi trong ba ngày, thì quyết thế nào bà cũng gặp thấy con gái yêu, thôi xin bà hãy tạm an lòng, đây tôi có chút lễ mọn này xin kính tặng bà chi dụng hằng ngày, bà hãy nhận lấy chớ khước từ!
Bọn người ấy thấy Liễu Thuấn Anh móc túi lấy hai mươi lạng bạc đưa cho Kiều lão, bà ta từ chối. Liễu Thuấn Anh không nghe bắt phải nhận lấy, làm ai nấy đều khen ngợi là có lòng trọng nghĩa khinh tài.
Kiều lão bà cũng rất cảm phục mời Liễu Thuấn Anh về nhà dùng cơm, nàng cũng chiều lòng theo về nhà thấy tòa nhà vẫn còn cao rộng nguy nga, duy có những vật quý thì không thấy. Bọn người làng thấy Liễu Thuấn Anh ít tuổi thì đều không tin có tài trừ được thủy quái, song không tiện nói để chờ xem thi thố ra sao.
Liễu Thuấn Anh dám cả quyết cứu được nàng Kiều Nguyệt Mai là có mấy lẽ riêng, một là thủy quái sao chỉ bắt cô gái xinh đẹp sao không bắt cả bà già luôn thể, nếu thủy quái thì nó bắt hết không khi nào để thừa lại một người mà người ấy lại là bà già vô dụng, hai là thủy quái thực khi bắt được người ắt phải lặn xuống đáy sông ăn thịt chứ sao lại nhảy trốn vô bụi lau trên bờ. Ấy thì mấy lẽ đó mà Liễu Thuấn Anh quyết trừ cho được thủy quái để cứu nàng Kiều Nguyệt Mai.
Đêm hôm ấy vào hồi cuối tháng bầu trời thảm đạm, bóng trăng mờ lạt, không còn rõ mặt chị hằng nga đâu, Liễu Thuấn Anh nai nịt gọn gàng cầm thanh bảo kiếm ra đi lần theo con đê trên bờ sông đến bụi lau sậy mà thủy quái chạy trốn lúc trước. Liễu Thuấn Anh đứng núp ở trong đó hồi lâu mà vẫn yên lặng không thấy gì, hồi lâu chờ mãi quá canh ba cảnh vật chung quanh đấy cũng cứ lặng lẽ biểu thị cảnh tịch mịch trong khoảng đêm thâu, có chăng chỉ tiếng giun dế run khóc ri rỉ và tiếng kêu khóc trên mặt sông.
Nóng lòng Liễu Thuấn Anh cũng cố đứng chờ hồi lâu nữa bỗng đâu thấy mấy vật đen lố nhố ở trên bãi lau bờ bên kia sông, đồng thời những vật đen này nhảy xuống sông như đàn vịt làm nước bắn tung tóe rồi thi nhau bơi qua sông sang bụi lau bên này.
Liễu Thuấn Anh cầm sẵn thanh bảo kiếm trong tay chờ khi thấy những vật đen bơi lên bờ thì tức là một đoàn ước chừng mười mấy con vật kỳ dị, lông mướt màu tro xám như loài rái cá, thực đúng như lời ông già nói trong quán rượu là thủy quái.
Lúc này đoàn thủy quái lên bờ rồi không biết có người đứng trong bờ, nhưng lạ thay thủy quái con nào cũng đi hai chân như người, đầu ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi như bảo nhau tìm phương hướng nào, Liễu Thuấn Anh thấy thế liền quát to :
– Thủy quái chúng bây mau đứng lại nạp mạng cho mau.
Dứt lời Liễu Thuấn Anh từ trong bụi lau nhảy tót ra múa thanh bảo kiếm chém đàn thủy quái, chúng cũng giật mình nhảy xả vào bờ.
Liễu Thuấn Anh tia ngang lưỡi kiếm chém một con cụt hẳn đầu khu mình lăn xuống đất giẫy giụa, thuận tay nàng lại chém luôn hai con nữa lăn xuống đất, đàn thủy quái khiếp hãi thi nhau kêu rú lên những tiếng rất lạ lùng, tiếng người không ra tiếng người, vật không ra vật, hình như nó nổi khẩu hiệu cho nhau biết kéo đến tiếp viện.
Hăng hái Liễu Thuấn Anh liền chém chết luôn mấy con nữa, lần này đàn thủy quái luống cuống đều rút cả dao ra nghinh địch, nhưng cũng không thể nào chống nổi thanh gươm xuất quỷ nhập thần của nàng được, nên đều hoảng hồn kéo nhau chạy.
Liễu Thuấn Anh vội theo bắt được một con quật xuống đất, chận chân lên ngực, nào ngờ nó thốt ra tiếng người van nài :
– Trăm lạy tráng sĩ tha chết cho vì không phải tội chúng tôi, chúng tôi chỉ chịu dưới quyền người sai khiến.
Liễu Thuấn Anh biết đích là người giả đội lốt thủy quái thì cả giận mắng :
– Hay cho lũ chúng bây táng tận lương tâm không còn gì là nhân đạo mặt người, mà đội lốt thú hại biết bao sinh linh, phá hoại biết bao gia đình, phải mau xưng tên thằng chúa đảng ra? Sào huyệt chúng bây ở đâu? Mau, mau!
Con thủy quái van lạy ríu lưỡi :
– Trăm lạy tráng sĩ, ngàn lạy tráng sĩ, xin buông tha kẻ tiểu nhân sẽ xưng ngay. À tráng sĩ dậm mạnh quá thì gãy xương con mất. Bẩm, sào huyệt chúng con ở…
Không ngờ lúc ấy lại thấy một con thủy quái ở dưới sông nhảy tót lên bờ, con này to lớn hơn những con kia nhiều, tay cầm hai quả đồng chùy to lớn như hai cái chân, nó đến trước mặt Liễu Thuấn Anh cũng thốt ra tiếng người quát :
– Thất phu, ngươi dám cả gan đến nạp mạng, ngươi chớ hòng khám phá sào huyệt của chúng ta. Hãy coi cạp chùy của ta đây sẽ đưa ngươi về chín suối.
Con thủy quái lực lưỡng ấy múa cặp chùy nhảy đến giáng lên đầu Liễu Thuấn Anh, nàng vội móc chân đá luôn con thủy quái ở dưới chân bật lên hơn trượng rồi vội đưa lưỡi kiếm đỡ cặp đồng chùy nghe “choeng” một tiếng xòe bắn lửa ra, vì hai bên dùng sức mạnh quá cánh tay Liễu Thuấn Anh tê chồn lại mà cũng may là thanh bảo kiếm không thì đã gãy oằn rồi, biết người giả thủy quái ấy là một tên chúa đảng có sức mạnh đến thế.
Tiếp theo người ấy lại đưa thốc một chùy vào ngực Liễu Thuấn Anh, nàng biết là sức kẻ địch mạnh không dám đỡ vội nhảy vọt ra, rồi cũng sấn đến phóng lưỡi kiếm vào yết hầu người giả thủy quái, hắn liền hét lên một tiếng giơ quả chùy đánh ập xuống, lưỡi kiếm phải bị chồn lại, rồi hai bên người múa kiếm, kẻ khua chùy xông vào tranh đấu rất kịch liệt.
Cặp chùy của người giả thủy quái lợi hại vô cùng, lộn lên đảo xuống dữ dội như luồng điện chớp, đường lối biến hóa vô cùng, hai bên hỗn đấu một hồi khá lâu ước trăm hiệp, rốt cuộc thì Liễu Thuấn Anh không thua tài nghệ phải kém khí lực, nên cặp chùy của người giả thủy quái đã làm cho nàng nhọc mồ hôi tháo ra như tắm, nàng đã toan kiếm đường lui ra bỗng đâu lại có một đoàn thủy quái ước chừng mười mấy con nữa kéo đến, bổ vây chung quanh, đều múa binh khí xông vào trợ chiến, kế đó cặp chùy đồng của người giả thủy quái lại áp đảo hơn trước thật ráo riết.
Liễu Thuấn Anh thấy cơ nguy sắp đến nơi thì vội tìm đường tháo thân liền đến nơi chém luôn mấy con thủy quái ngã lăn xuống đất rồi nhảy vọt ra ngoài vòng vây cắm đầu chạy.
Người giả thủy quái hét lên một tiếng dữ dội :
– Tiểu tử, ta đố ngươi chạy dâu cho thoát khỏi tay Tam đại vương Hồng Quang Đạt này, dù ngươi có bay lên trời.
Dứt lời, Hồng Quang Đạt tức người giả thủy quái liền xách cặp chùy đuổi theo sau.
Trời tối, hai cái bóng đen đều trổ tài phi hành chạy nhanh như gió, Liễu Thuấn Anh trong khi kinh hoàng không phân biệt ra phương hướng nào cứ thấy đường là chạy bừa, phút chốc đã xuyên qua mấy khu rừng và mấy dãy núi xa ước chừng năm sáu dặm đường mà Hồng Quang Đạt vẫn không chịu thôi, hình như căm tức nàng giết mất nhiều thủ hạ, cố bắt để trả thù. Liễu Thuấn Anh thấy thế kinh hãi liền vớ hòn đá ở đường ném trở lại.
Trời tối, không kịp đề phòng bị trúng vào giữa mắt, Hồng Quang Đạt kêu rú lên một tiếng vì bị sưng vù nửa mặt nên hắn hăng máu lại càng đuổi dữ tợn, vừa đuổi vừa gầm lên như hổ rống, cứ thế đủ hiểu là hắn tức giận vô cùng, Liễu Thuấn Anh thừa cơ lại ném luôn mấy viên đá nữa, nhưng lần này hắn đều đề phòng đưa quả chùy lên gạt được.
Liễu Thuấn Anh ném không trúng Hồng Quang Đạt lại càng kinh hãi, có lẽ phen này bị chết về tay hắn rồi, nghĩ thế nàng liền đem hết tài phi hành chạy càng nhanh, thì họa chăng thường hòng thoát.
Song lẽ Hồng Quang Đạt cũng là tay phi hành chẳng thường nàng chạy nhanh bao nhiêu hắn cũng theo kịp, hai người đuổi theo lại được mười dặm xa nữa đến nơi một khu rừng khác thì trời đã sáng tỏ thấy đường đi toàn là những giống cây táo mọc um ùm, tức là nơi Tảo Tùng Lâm thuộc quyền chị em Lương Ngọc Tiên, Lương Ngọc Nga chiếm cứ quả núi Ma Vân Lãnh.
Nhắc lại hai chị em họ Lương ghen tuông nhau vì chàng Phương Quang Diệm, từ mấy hôm trước cứ ganh tỵ nhau thành chẳng cô nào xơ múi gì mà chàng Phương Quang Diệm cũng đành chịu tù hãm trong ngục thất.
Tảng sáng hôm ấy nàng Ngọc Tiên vì buồn rầu không thể nào ngủ trưa được bèn xách cặp đồng chùy xuống núi cỡi ngựa đi tuần tra một mình, nàng đang dong cương đi từ từ bước một ngang sườn núi bỗng thấy một con nhìn xuống rặng táo thấy một con quái vật lông lá màu xám tro chạy hai chân đang hung hăng đuổi theo chàng thanh niên hấp tấp, coi bộ chàng thanh niên sợ hãi như sợ con quái vật bắt sống.
Ngọc Tiên cũng lo thay sự nguy hiểm cho người nàng liền thúc ngựa chạy xuống núi phi nhanh như bay xuyên qua mấy rặng táo đến đón đầu thấy rõ hình thù con quái vật ấy, người chẳng ra người, thú cũng không phải thú, vì bộ dạng giống như con đười ươi, mà lông thì giống loài rái cá, mặt thì lông che kín cả, chỉ hở hai con mắt, tay lại cầm hai quả đồng chùy to như hai cái chậu, Ngọc Tiên rất lấy làm lạ vì bình sinh chưa thấy thế bao giờ, nàng liền gò cương đứng chắn đầu quát to lên :
– Nghiệt súc chớ hung hăng, ngươi hãy coi ta đây.
Dứt lời Ngọc Tiên liền móc túi lấy quả phi tiêu nhắm đúng giữa yết hầu con quái vật ném tới.
Con quái vật này là Hồng Quang Đạt hét lên một tiếng bắt lấy quả phi tiêu ném trả lại.
Ngọc Tiên nhanh như chớp liền né đầu tránh khỏi, quả phi tiêu bay vèo qua mang tai, nàng tức giận nhảy xuống ngựa múa cặp đồng chùy xông vào.
Hồng Quang Đạt thấy cô gái mà dùng đồng chùy cũng to xấp xỉ như của mình thì biết là người có sức khỏe vô cùng, hắn vội hô to lên :
– Con tiện tì có can thiệp gì đến ngươi mà dám ngăn cản ta? Ngươi khôn hồn hãy tránh ra khỏi chết uổng mạng.
Kinh ngạc không ngờ quái vật nói tiếng người, có lẽ nó đã thành yêu tinh, Ngọc Tiên cũng không sợ cứ múa chùy nhảy vào.
Hồng Quang Đạt cũng đưa cặp chùy lên nghinh địch tức thì bốn quả chùy đập vào nhau quá mạnh đều quật trở lại, làm bốn cánh tay hai người bị tê chồn, hai người đều kinh ngạc biết nhau có sức mạnh vô cùng nên phải đề phòng cẩn thận, bốn quả chùy quay tít xông vào hỗn đấu, kẻ qua người lại, khi tiến khi lui, coi bộ rầm rộ như vang rừng động đất, vì hai cặp chùy đánh trúng vào nhau kêu chan chát.
Lúc ấy Ngọc Tiên lẹ làng như con én lượn, Hồng Quang Đạt cũng nhanh nhẹn như con vượn nhảy, đường chùy mỗi người biến đổi một khác nhưng toàn là ngọn ác hiểm cả, không ai chịu kém ai, cùng nhau tỉ thí ngoài trăm hiệp mà vẫn không phân thắng bại.
Hoảng hồn Liễu Thuấn Anh đứng lại thở, nàng đã mệt ngất vì chạy qua mấy khu rừng, thấy thiếu nữ kia người nhỏ bé mà tài nghệ cao cường nàng rất kính phục nên đứng ngoài khen để giúp tinh thần nàng :
– Nữ anh hùng cố gắng lên, nó không phải là quái vật chính là người, nó thay hình đổi dạng ám hại biết bao nhiêu nhân mạng, nếu giết được nó thì công đức biết bao.
Ngọc Tiên nghe lời Liễu Thuấn Anh biết không phải quái vật thì nàng lại càng hăng lên múa tít cặp chùy rất dữ dội.
Hồng Quang Đạt nghe lời kể rõ sự bí ẩn của mình thì tức giận như điên cuồng, hắn cũng hăng hái sử cho hai quả chùy ráo riết thêm, thành thử hai người lại chiến đấu kịch liệt hơn trước.
Ngọc Tiên biết dùng sức không thể thắng ngay được, nàng bèn trá bại quay đầu chạy. Hồng Quang Đạt vô tình không biết đuổi theo ráo riết đang khi bất thần Ngọc Tiên đứng dừng buộc giáng hai quả chùy trở lại. Hồng Quang Đạt hốt hoảng vội giơ chùy lên đỡ, không ngờ đà chùy của Ngọc Tiên mạnh quá Hồng Quang Đạt chồn tay bật văng hai quả chùy đi, ngã ngồi xuống đất.
Ngọc Tiên thừa thế tấn luôn vào giáng thêm một chùy nữa vỡ tan óc, xác hắn nhảy tê tê như rắn bị chặt mất đầu. Ngọc Tiên liền giắt hai quả chùy vào bên cạnh sườn rồi cúi xuống lột cái lốt quái vật ở mình Hồng Quang Đạt ra thấy người vạm vỡ mặt đen râu xồm coi rất cổ quái, Ngọc Tiên bất giác bật buồn cười nói :
– Quả thật không ngờ bọn giang hồ lại lắm trò quỷ quyệt đến thế được.
Lúc ấy Liễu Thuấn Anh vội đến trước mặt Ngọc Tiên tạ ơn :
– Kính chào nữ anh hùng, tại hạ nhờ ơn cứu tử, ân đức ấy như tái tạo vậy xin nữ anh hùng ra ân cho biết phương danh quý tánh để tại hạ xin ghi nhớ trong lòng.
Cặp mắt hữu tình của Lương Ngọc Tiên dính chặt vào người Liễu Thuấn Anh.
Nàng không ngờ trên đời còn có một chàng trai diện mạo khôi ngô đến thế, mày ngài mắt phượng, hình dung tuấn tú không thua gì Phương Quang Diệm, mỗi người một vẻ. Ngọc Tiên bỗng thốt ra nụ cười duyên nói :
– Không dám, tráng sĩ chớ dạy quá lời, giúp sự bất bình là lẽ đương nhiên của người anh hùng hiệp nữ. Thiếp đây họ Lương tên Ngọc Tiên, còn tráng sĩ cao danh quý tánh là gì, chẳng hay vì lẽ chi mà bị người này theo đuổi đến đây?
Liễu Thuấn Anh coi rõ dung nhan Ngọc Tiên, thật là một trang sắc nước hương trời, trong làng son phấn dễ mấy ai sánh kịp, nhưng tiếc rằng cặp mắt phượng của nàng có vẻ lẳng lơ, thấy trai đẹp nhìn không chớp mắt. Liễu Thuấn Anh nghe lời nàng nói cũng vội đáp :
– Tại hạ họ Liễu tên Thuấn Anh, nhân đi đến Quần Sơn Trấn thấy bọn cường đạo giả làm thủy quái bắt một cô gái nên tại hạ vì nghĩa vụ vào khám phá đảng phái đó, không ngờ thằng Tam đại vương là Hồng Quang Đạt đây lợi hại, nên tại hạ bị thất bại chạy đến đây, nếu không gặp nữ anh hùng thì còn chi là tính mạng.
Dứt lời Liễu Thuấn Anh thuật rõ đầu đuôi cho Ngọc Tiên nghe, nàng lấy làm lạ cho kế quỷ quyệt của đảng giặc ấy và khen ngợi Liễu Thuấn Anh là người nghĩa hiệp can đảm.
Lúc đó lại thấy một thiếu nữ cỡi ngựa từ trên ngọn núi phóng xuống, cô gái ấy là nàng Ngọc Nga. Nhân thấy vắng mặt chị thì đâm nghi cùng vào mật thất không thấy nên tìm xuống núi, khi nàng đến nơi thấy một xác chết nằm dưới chân chị, và Ngọc Tiên đang nói chuyện với chàng thanh niên lạ mặt. Ngọc Nga ngạc nhiên nhảy xuống ngựa bước đến bên chị hỏi :
– Chị nói chuyện với ai thế, xác chết kia là thế nào, ai mang đến?
Ngoảnh lại Ngọc Tiên tươi cười nói với em hình như đã định riêng một ý kiến cho nhau :
– Ngọc Nga em, đây tức là Liễu Thuấn Anh tráng sĩ người rất phong nhã bị quân cường đạo này đuổi đến đây, may gặp chị đã đánh chết nó cứu được chàng.
Ngọc Tiên lại thuật chuyện vừa rồi cho em nghe.
Ngọc Nga lưu ý nhìn Liễu Thuấn Anh thì giật nẩy mình vì nàng không ngờ lại có người đẹp đẽ như thế, chàng trai này còn hơn Phương Quang Diệm, nghĩ thế Ngọc Nga nhìn Liễu Thuấn Anh không chớp mắt quên hẳn thủ lễ.
Liễu Thuấn Anh nhìn Ngọc Nga cũng khen thầm nàng xinh đẹp không thua chị, riêng ra một vẻ hoa nhường nguyệt thẹn nhưng coi bộ nàng cũng giống chị ở vẻ lẳng lơ.
Ngọc Tiên biết ý em đã vừa lòng nàng liền giới thiệu với Liễu Thuấn Anh :
– Thiếp xin giới thiệu với Liễu tráng sĩ em Ngọc Nga đây cũng là người tài nghệ như thiếp.
Nể lời Ngọc Tiên, Liễu Thuấn Anh cúi đầu chào Ngọc Nga nói :
– Chào cô nương, tại hạ xin có lời bái yết.
Được rồi, Ngọc Nga cũng vội đáp lễ :
– Không dám, thiếp cũng xin có lời kính chào tráng sĩ chẳng mấy khi quý nhân dời gót đến đây mời tráng sĩ lên chơi sơn trại, để chị em thiếp được thơm lây dấu tích của khách anh hùng giáng lâm.
Kế đó Ngọc Tiên củng cố mời, Liễu Thuấn Anh vì cảm ơn cứu mạng nên không dám từ chối cùng chị em nàng lên chơi trên Ma Vân Lãnh.
Khi vào đến Tụ Nghĩa đường thấy bọn đầu mục lâu la đeo gươm cầm giáo đứng hầu sắp hàng hai bên coi rất oai nghiêm trật tự. Chị em họ Lương mời Liễu Thuấn Anh ngồi xuống ghế, lâu la dâng trà, bây giờ Liễu Thuấn Anh mới hiểu ra chị em họ Lương là tà đạo, ai ngờ nàng vừa thoát khỏi tay quân hung bạo lại gặp lũ cường đạo, mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường chắc bọn này cũng chẳng khỏi dùng cái thủ đoạn tàn nhẫn như bọn cướp thủy quái kia, nàng lại lấy tiếc cho chị em họ Lương tài sắc như thế mà lại làm cái nghề táng tận lương tâm.
Sau khi dùng nước xong chị em họ Lương liền sai thủ hạ mau dọn yến tiệc long trọng để thết đãi khách mới nhưng giờ hãy tạm thời mời Liễu Thuấn Anh vào nằm nghỉ ở một gian phòng tịch mịch, vì đêm hôm trước đã phí sức quá nhiều và chưa ngủ ắt bị nhọc mệt.
Liễu Thuấn Anh cũng cảm thấy mệt mỏi nên không từ chối.
Lúc ấy trong tòa Tụ Nghĩa đường, bọn đầu mục lâu la đã giải tán đi hết chỉ còn hai chị em họ Lương. Thừa lúc vắng người Ngọc Tiên liền hỏi Ngọc Nga :
– Thế nào, em coi Liễu Thuấn Anh đã xinh đẹp chưa có bằng Phương Quang Diệm không? Cũng may trời giúp cho chị em ta đó.
Thích ý đã lâu, Ngọc Nga nghe chị hỏi không e lệ đá luôn :
– Chàng xinh đẹp lắm, không kém gì Phương Quang Diệm của chị, mà sao mặt mũi chàng như con gái vậy?
Ngọc Tiên biết em đã bằng lòng thì mỉm cười nói nhạo :
– Gớm nhỉ bây giờ đã biết có người xinh đẹp hơn Phương Quang Diệm thế thì từ nay không còn ghen được nữa chứ? Em đã bằng lòng chàng Liễu Thuấn Anh tức chàng sẽ là chồng em sau này, em muốn chàng là trai hay gái cũng tùy, đấy nhưng em phải biết chị có công đưa chàng Liễu Thuấn Anh về đây cũng như em có công đưa chàng Phương Quang Diệm, thế thì từ nay em không được kể công nữa đấy.
Ngọc Nga cười nhí nhảnh nói :
– Vâng, em đã biết lòng chị, chị đã xây dựng cho em người chồng xứng đáng.
Dứt lời hai chị em nhìn nhau cười khúc khích ra chiều thích lắm vì mỗi cô đã được tấm chồng vừa lòng hả dạ.
Khi yến tiệc đã sắp xong, rất long trọng trong tòa Tụ Nghĩa đường chị em nàng thân hành mời Liễu Thuấn Anh ra dự tiệc, lúc ấy Liễu Thuấn Anh cũng không từ chối cứ đàng hoàng ngồi vào bàn để xem chị em nàng ra sao.
Trong khi chủ khách thù tạc chén rượu câu chuyện, chị em nàng buông ra cái thái độ phong tình mà Liễu Thuấn Anh điềm nhiên giả vờ như vô tình.
Bỗng Ngọc Tiên cười nói :
– Thực là lòng trời dun rủi tráng sĩ quá bộ đến chơi đây vậy nay thiếp muốn yêu cầu một lời tráng sĩ cũng không nỡ từ chối, chẳng nói giấu gì tráng sĩ cha mẹ thiếp mất sớm chỉ được có hai chị em đây mà duyên phận muộn màng vì chưa gặp người xứng đáng để nương tựa, riêng thiếp thì đã có mối lương duyên chỉ còn em Ngọc Nga đây còn chịu phận lẻ loi thì thiếp đâu đành vui duyên mới. Nay ngẫu nhiên được gặp tráng sĩ nên thiếp muốn yêu cầu tráng sĩ cho em Ngọc Nga được nâng khăn sửa túi thì vinh hạnh biết chừng nào, nhưng không hiểu tráng sĩ thế nào xin cho được biết?
Liễu Thuấn Anh vẫn biết rõ tánh tình của chị em họ Lương từ lúc thoạt gặp, nay nghe Ngọc Tiên nói đến việc hôn nhân cho em thì buồn cười thầm, nhưng nàng cũng giả vờ lúc chị em họ nhầm lẫn, một là chọc ghẹo cho chơi, hai là thừa dịp khuyên bảo chị em nàng bỏ nghề cường đạo, như thế đã trả được ơn nàng cứu sống mà mình còn giúp cho dân chúng khỏi bị tay hai nàng cướp bóc, Liễu Thuấn Anh nghĩ thế liền tươi cười trả lời :
– Nếu nữ anh hùng có lòng hạ cố thì Liễu Thuấn Anh này vinh hạnh biết dường nào, vì tôi chịu ơn nữ anh hùng cứu mạng không biết lấy gì đền đáp cho xứng đáng, nên từ lúc nãy vẫn buồn lòng, nay được làm bạn với lệnh muội thì cũng như báo đáp được trong muôn một, mà tôi vẫn mang ơn trong dạ trọn kiếp không quên.
Liễu Thuấn Anh nói rồi đưa mắt nhìn thấy chị em nàng thích chí lắm, Ngọc Nga thì nhìn mình tủm tỉm, cô ả lại vờ thẹn thò cúi mặt xuống, làm Liễu Thuấn Anh cũng cố nhịn cười.
Ngọc Tiên nhìn em cười nói :
– Ngọc Nga em, chàng họ Liễu bây giờ đã là người chồng sắp cưới của em rồi chớ không phải là ông khách lạ nữa, vậy em đừng hổ thẹn hãy rót một chén rượu mời chàng đi, sau này chàng sẽ cùng em chia ngọt sẻ bùi.
Ngọc Nga nghe lời chị nói liền nguýt dài một cái rồi nhìn Liễu Thuấn Anh tủm tỉm cười, sau nàng mới rót một chén rượu hai tay nâng lên trước mặt Liễu Thuấn Anh, cặp mắt tống tình rất lẳng lơ :
– Lang quân! Thiếp xin mời lang quân uống cạn c hén rượu này để tạ ơn rộng thương đến thân cỏ nội hoa hèn, vì nay mai lang quân đã là người thân yêu nên thiếp không cần hổ thẹn.
Lang quân? Liễu Thuấn Anh thấy Ngọc Nga đã vội tặng mình hai chữ “Lang quân” thì cũng bấm bụng cười thầm cô ả không biết trơ. Liễu Thuấn Anh cũng tặng nàng một câu rất thân yêu :
– Cảm ơn ái nương đã ban cho chén rượu này, tôi xin nhớ mãi tấm lòng ái nương trong tiệc vui hôm nay.
Liễu Thuấn Anh đón lấy chén rượu uống cạn, rồi rót mời trả lại nàng một chén.
Ngọc Nga cũng uống cạn rồi nhìn lại bằng đôi mắt tình tứ.
Ngọc Tiên thấy hai người rót rượu mời nhau một cách thân ái thì cũng vui vẻ cười nói :
– Chị rất lấy làm sung sướng vì vợ chồng em tôn quý nhau như thế, nhưng bây giờ chị không gọi Thuấn Anh bằng tráng sĩ nữa, từ đây xin gọi là muội phu tức là người em rể rất yêu quý của chị.
Liễu Thuấn Anh, Ngọc Nga nghe nói cũng đều cười ầm lên. Ngọc Nga lại thừa cơ bảo chị :
– Nhân có Thuấn Anh đây, chị cũng nên mời cả đức lang quân của chị ra đây cho vui, tiện dịp anh em họ quen biết nhau.
Như dò trúng tâm lý, Ngọc Tiên tươi cười nói ngay :
– Lẽ tất nhiên chị vẫn nghĩ thế, thôi để chị đi mời chàng ấy.
Dứt lời Ngọc Tiên đứng ngay dậy đi vào gian mật thất, bấy giờ chàng Phương Quang Diệm ngồi sầu muộn thấy Ngọc Tiên vào thì vờ đổi nét mặt tươi cười hỏi nàng vì sao mấy hôm không đến, nàng giả thoái thác nói là bận việc riêng, rồi thân mật mời chàng ra dự tiệc, thừa thế chàng cũng đi ra để tìm cơ hội tháo thân.
Kinh ngạc, Phương Quang Diệm vừa vào đến Tụ Nghĩa đường thấy Liễu Thuấn Anh mặc giả trai ngồi ở bàn tiệc thì rất thấy làm lạ, không hiểu tại sao nàng lại phiêu bạt tới đây? Chẳng lẽ nàng cũng ra tuồng trăng gió trai lơ như chị em họ Lương, chàng tuy nghĩ vậy bề ngoài vẫn giả bộ làm lơ như không biết sợ chị em họ Lương sinh nghi thì nguy hiểm vô cùng.
Càng lấy làm lạ hơn, Liễu Thuấn Anh thấy Ngọc Tiên đang dắt tay chàng Phương Quang Diệm ra đi, nàng sửng sốt không hiểu vì lẽ gì chàng lại tới đây, vừa toan đứng dậy hỏi thì thấy Phương Quang Diệm lơ đi như không hề quen biết.
Liễu Thuấn Anh thấy chàng cư xử với mình như thế thốt nhiên nổi giận vì nàng nghĩ ngay cho chàng là người bạc tình hiếu sắc. Lẽ tất nhiên một người con trai tuổi trẻ nào chung với hai cô gái hương trời sắc nước không thoát khỏi sự quyến rũ của nhục thể. Nàng chỉ thầm trách trong lòng là thân phụ nàng không biết chọn người đem nàng hứa gả cho phường tiểu nhân ấy. Vì thế Liễu Thuấn Anh tức giận quá cũng làm ngơ đi như không biết, để xem chàng xử trí ra sao rồi sẽ liệu.
Ngọc Tiên lúc ấy dắt tay Phương Quang Diệm vào ngồi cùng bàn tiệc, ra vẻ vui mừng hớn hở, liền giới thiệu chàng Liễu Thuấn Anh :
– Em Thuấn Anh, đây là Phương Quang Diệm người chồng chưa cưới của chị.
Ngọc Tiên cũng muốn khoe khoang, tự đứng lên giới thiệu Liễu Thuấn Anh với Phương Quang Diệm :
– Anh Quang Diệm, đây là chàng Liễu Thuấn Anh, người yêu của em.
Phương Quang Diệm, Liễu Thuấn Anh nghe lời giới thiệu đều lấy làm kinh ngạc, về Liễu Thuấn Anh lại càng yên trí là Phương Quang Diệm đã lấy Ngọc Tiên rồi nên cứ căm tức ngồi yên không nói, về phần Phương Quang Diệm càng lấy làm lạ, nàng là con gái giả trai lấy vợ, chẳng là câu chuyện cổ quái nên Phương Quang Diệm vờ chào Liễu Thuấn Anh trước :
– Chào Liễu tráng sĩ, mừng tráng sĩ đẹp duyên với Ngọc Nga cô nương.
Với vẻ mặt lạnh lùng, Liễu Thuấn Anh thản nhiên đáp :
– Không dám, tôi cũng xin có lời chúa mừng Phương thế huynh phi nguyền với Lương Ngọc Tiên thư thư!
Tê tái trong lòng, Phương Quang Diệm biết Liễu Thuấn Anh đã nghĩ oan là mình tư tình với Ngọc Tiên nên mới nói những lời lạt lẽo và chua cay như vậy.
Nhưng chàng cũng đành lòng chịu mang tiếng hàm oan và để lúc khác bày tỏ.
Đoạn bốn người cùng ngồi dự tiệc duy chỉ có hai chị em họ Lương rất cao hứng còn Phương, Liễu thì mỗi người đều mang một tâm sự riêng nên không hề nói năng gì.
Hôm ấy bọn đầu mục, lâu la đều được dự tiệc rất long trọng, là lần ngày cưới chồng của hai vị nữ trại chủ, âm nhạc nổi dậy, cảnh vật trang hoàng thật là lộng lẫy, bọn lâu la kéo nhau vào chúc mừng vui vẻ.
Đêm hôm ấy, hãy nói riêng về Liễu Thuấn Anh với nàng Lương Ngọc Nga động phòng hoa chúc, Liễu Thuấn Anh định ý chòng ghẹo nàng chơi nên vờ ngồi dưới ngọn đèn cúi đầu xem sách như người thẹn thò không dám nhìn mặt tân nương. Ngọc Nga nằm chờ mãi khó chịu vì ngọn lửa dục đã nổi lên cuồn cuộn, không sao đè nén được, nàng liền bước đến bên cạnh Thuấn Anh, không hề hổ thẹn liền khoác tay lên cổ rồi cúi thấp mặt cạnh tai thỏ thẻ giọng oanh tiếng én :
– Lang quân, xuân tiêu một khắc ngàn vàng nỡ bỏ qua sao được. Phương chi đêm nay là đêm chúng ta động phòng hoa chúc, lang quân còn ngồi lưỡng lự thâu canh làm gì, xin hãy vào màn nằm nghỉ kẻo thiếp nhớ mong lắm rồi.
Tức cười, Liễu Thuấn Anh thấy nàng đã giở thủ đoạn phóng đãng nên làm bộ nói :
– Xuân tiêu một khắc ngàn vàng. Ái nương nói phải lắm. Vì muốn hiểu rõ bụng ái nương có thực yêu ta không nên vờ ngồi gan, chứ thực lòng người ai có phải gỗ đá mà vô tình cho được. Nào chúng ta hãy cùng tính cuộc loan phụng sum vầy kẻo phụ lòng ái nương mong mỏi.
Liễu Thuấn Anh nói rồi liền khoác vai Ngọc Nga dìu vào trong giường, đặt nàng ngồi xuống mơn trớn, vì đời nàng chưa được hưởng ái tình sung sướng như vậy bao giờ, nàng càng thích chí ôm chặt lấy Liễu Thuấn Anh, úp mặt vào vai nũng nịu nói :
– Thực lòng lang quân yêu thiếp chứ? Có lẽ thiếp cũng yêu lang quân nhất đời.
Liễu Thuấn Anh làm bộ thủ thỉ trả lời nàng :
– Yêu lắm. Ái nương hãy nằm xuống đây nhé! Chúng ta sẽ cùng chung nhau giấc mộng uyên ương.
Tuy nói vậy nhưng trong lòng Liễu Thuấn Anh bối rối vô cùng. Nàng lo tìm cách để nghĩ mưu kế vì biết Ngọc Nga không phải tay vừa. Chưa dễ đã hạ thủ ngay được. Liễu Thuấn Anh lại vờ cúi xuống hôn Ngọc Nga mấy lần nữa thật là âu yếm. Làm nàng lại càng vui sướng không còn để ý gì nữa. Liễu Thuấn Anh liền đặt nàng nằm xuống giường rồi thừa cơ hai tay bóp chặt lấy cổ Ngọc Nga và cưỡi phắt lên bụng dùng hết sức bình sinh đè chặt xuống giường.
Bấy giờ Ngọc Nga mới biết kẻ tình chung sinh lòng tàn độc. Nàng tức giận nghiến răng ôm chặt lấy Liễu Thuấn Anh cố quật xuống. Hai người đều có sức mạnh ngang nhau.
Lục đục mãi trên giường nhưng Ngọc Nga vì sa cơ nằm dưới từ trước, nên không thể kháng cự lại được. Liễu Thuấn Anh nhanh trí khôn liền điểm ngay vào huyệt ở hai tay nàng, khiến nàng bị tê buốt không thể cựa quậy chân tay được nữa. Liễu Thuấn Anh vội ôm xốc nàng dậy, cởi ngay dây lưng của mình ra trói chặt vào cột nhà ở giữa phòng.
Thương thay, Ngọc Nga lúc ấy hai tay bị điểm mạch không còn hơi sức đâu mà cựa quậy được. Nàng tức giận đầy mật, liền nghiến răng trợn mắt mắng :
– Hay cho gã bạc tình, mặt người lòng thú kia! Đã không nghĩ đến ơn chị ta cứu ngươi, lại còn sinh lòng độc ác lừa bắt ta trói lại là vì lẽ gì. Ta không ngờ ngươi lấy ân làm oán. Thật là đồ tiểu nhân khốn nạn, không còn gì lương tâm nữa.
Liễu Thuấn Anh nghe lời nàng mắng mình không chút giận dữ, lại bước đến ôm chặt lấy nàng làm bộ hôn ra chiều âu yếm. Ngọc Nga chân tay bị trói chặt không làm gì được liền nghiêng đầu húc vào mặt Liễu Thuấn Anh, nàng liền buông Ngọc Nga ra rồi cười rũ rượi nói :
– Ngọc Nga yêu quý của ta. Ta tiếc rằng không thể yêu nàng được, phỏng có khác gì hoa nở trong gương, trăng tròn đáy nước có làm gì được đâu! Thôi ba sinh xin để kiếp sau, nàng cam lòng vậy.
Hiện rõ vẻ mặt ngạc nhiên, Ngọc Nga không hiểu lẽ gì vội hỏi luôn :
– Mới lạ chứ! Người nói chuyện tình nghĩa gì mà dằng dai mãi?
Liễu Thuấn Anh yên lặng không trả lời, bèn kéo ghế ngồi xuống từ từ tháo chiếc giầy đàn ông ra để hở cái bàn chân con gái nhỏ xíu và trắng muốt rồi cười nói với Ngọc Nga :
– Đó nàng thử coi vì lẽ đó! Tôi chỉ tiếc rằng không biến được làm trai để cùng đính ước trăm năm thế thì nàng đừng nên oán trách ta nữa!
Thấy rõ Liễu Thuấn Anh là con gái, Ngọc Nga không còn hồn vía nàng đổi nét mặt tức giận ra vẻ ngơ ngác rồi lại hỏi :
– Ủa, nàng là con gái đích thực tên là Liễu Thuấn Anh nhưng sao lại thay hình đổi dạng vào lừa dối ta. Ta có thù gì mà nàng nở hạ độc thủ bắt trói?
Liễu Thuấn Anh lại xỏ chiếc giầy vào chân rồi nghiêm sắc nói :
– Tôi là gái tên Liễu Thuấn Anh thật, song tự chị nàng ép tôi lấy nàng, còn như tôi bắt trói nàng đây là có việc cần riêng, hãy chờ khi tôi làm xong việc ấy nàng sẽ biết, rồi tôi xin cởi trói quyết không khi nào nỡ hại nàng.
Ngọc Nga lúc ấy mới oán trách chị vô cùng, vì căm tức khi nhớ đến lúc này Ngọc Tiên đang cùng Phương Quang Diệm hưởng lạc thú ái tình mà nàng thì uất ức đau đớn không ai biết đến.
Việc bất đắc dĩ Liễu Thuấn Anh phải cắt vạt áo Ngọc Nga nhét vào mồm nàng rồi nói :
– Tôi xin bịt mồm nàng lại kẻo khi nàng hô hoán lên làm tôi bị lỡ việc. Thôi nàng hãy bằng lòng chốc nữa tôi sẽ đến cởi trói cho.
Dứt lời Liễu Thuấn Anh lẻn ra khép cửa phòng lại, nàng rút thanh bảo kiếm cầm sẵn tay, rồi đi tìm Phương Quang Diệm quyết giết chết con người bạc tình.
Liễu Thuấn Anh tìm đến phòng Ngọc Tiên, thấy đèn nến thắp sáng choang vẫn còn tiếng trai gái nói chuyện có vẻ lả lơi, nàng liền ghé vào khe cửa xem không ngờ thấy sự chướng mắt thì thốt nhiên nổi giận.
Nguyên khi Ngọc Tiên với Phương Quang Diệm vào phòng, trong phòng đuốc hoa rực rỡ hai người cùng ngồi xuống ghế.
Phương Quang Diệm đã định sẵn kế đối phó với nàng vì nàng là tay võ nghệ lợi hại không dùng bạo lực được.
Hầu như quen nhau đã lâu không biết thẹn, Ngọc Tiên bước đến để cánh tay vào vai Phương Quang Diệm, nói :
– Lang quân, thiếp đã dụng biết bao tâm cơ ngày nay mới được tự quyền gọi chàng là lang quân, lang quân đã biết nỗi khó nhọc của thiếp không? Thiếp vì quá yêu lang quân mà suýt mất tình chị em.
Ngọc Tiên nói đến đấy liền ôm lấy Phương Quang Diệm thật chặt, kề má vào vai chàng nũng nịu “Lang quân” không dứt lời.
Phương Quang Diệm lúc ấy ngửi mùi lan xạ thơm ngào ngạt lại được dựa kề người xinh đẹp như Ngọc Tiên làm tâm thần chàng phải rung động tưởng chừng không cầm lòng được vì chàng đâu phải gỗ đá, nhưng Phương Quang Diệm nhất định không nghe theo dục vọng, chàng vội hất tay nàng ra vờ nói :
– Nương tử làm gì mà vội vàng thế, lòng tôi đây mong mỏi gấp mấy lần ai kia. Nhưng đêm vui còn dài ta hãy cùng nhau uống rượu hợp cẩn đã, vì đêm động phòng hoa chúc cần phải có rượu hợp cẩn, mới đúng lý hôn nhân, lễ nghi không thể nào bỏ qua được.
Sẽ đưa đôi mắt rất tình, Ngọc Tiên nhìn Phương Quang Diệm cười nói :
– Lang quân thật hay cố chấp, ừ thì hợp cẩn càng vui chớ sao.
Ngọc Tiên liền sai mấy con thị tì hợp bàn tiệc bằng các thứ hoa quả rất quý và một hồ rượu hảo hạng rồi đóng chặt cửa phòng lại, hai người cùng ngồi nâng chén.
Thừa cơ Phương Quang Diệm cùng giả bộ yêu đương, chàng rót một chén rượu lớn, một tay bá cổ nàng, một tay nâng chén rượu đưa lên mồm nàng cười nói :
– Đêm nay tôi không ngờ được cái hân hạnh cùng tiên nga hội yến, xin mời nương tử hãy uống cạn với tôi chén rượu này để kỷ niệm tình yêu của chúng ta hôm nay.
Ngọc Tiên vui sướng uống một hớp cạn chén.
Phương Quang Diệm lại rót chén nữa mời :
– Nương tử thật yêu tôi thì uống cạn chén này nữa mới là tấm lòng chân thực.
Ngọc Tiên lại thích chí uống cạn chén.
Phương Quang Diệm cốt ý phục rượu cho nàng say nên rót chén nữa nâng lên nói :
– Ba sinh vì trọn hương nguyền, nương tử xin uống cạn với tôi chén rượu thứ ba này nữa cho trọn tình ân ái!
Nể lòng chàng, Ngọc Tiên lại uống cạn chén thứ ba.
Phương Quang Diệm lại toan rót chén thứ tư thì nàng vội ngăn vì nàng đã say quá cỡ, nàng nói :
– Thôi thế là đủ và đã chứng tỏ lòng thiếp yêu đương lang quân quá lắm.
Vậy giờ lang quân cũng phải uống với thiếp ba chén của người yêu…
– Vậy xin nương tử uống nửa chén trước còn lại tôi sẽ uống.
Phương Quang Diệm nói rồi đưa tay vuốt mái tóc Ngọc Tiên ra chiều yêu đương lắm, làm nàng sướng như nở ruột không còn nghĩ gì nữa lại uống luôn ba chén còn thừa một nửa thì Phương Quang Diệm uống, thành thử nàng đã muốn say rồi cứ thay lượt nhau như thể hàng mấy chục chén nữa, nàng uống mà chẳng hay vì trong khi nàng vô ý chàng đã nhổ đi mà nàng không biết. Và có lạ gì cô gái mê trai bảo sao mà chẳng nghe nên lúc ấy mười phần đã say quá mười, tuy còn ngồi đấy, hai mắt đã mờ, nàng bèn cất giọng say sưa :
– Lang quân ơi! Thiếp say lắm rồi có lẽ đây đến giường chưa chắc đã gượng đi được. Thiếp bắt đền lang quân đấy. Ai bảo cho thiếp uống nhiều rượu.
Dưới ánh đèn sáng, Quang Diệm thấy Ngọc Tiên say rượu, sắc đẹp lộng lẫy, như đóa hoa phù dung, làm chàng cũng phải xúc động ngồi ngây ra ngắm không chán mắt, chưa biết có thể giữ được lòng chính khí không. Nên khi nghe nàng nói thì cũng nói :
– Say thì đi ngủ. Nếu nương tử không đi được đã có tôi bế vào.
Tuy mười phần đã quá say mà nàng vẫn còn nghe rõ lời nói tình tứ của chàng thì sung sướng, nên cầm ở bàn miếng lê lên cắn đỡ, còn lại giơ lên mồm Phương Quang Diệm rồi líu lưỡi nói :
– Lang quân yêu thiếp lắm, xin hãy cùng ăn miếng lê với thiếp đây lang quân.
Ngọc Tiên nói đến đây, hơi men bốc lên choáng váng, nàng ngã gục vào lòng Phương Quang Diệm, chàng biết nàng đã trúng kế, liền bế đặt nàng vào giường, nàng nằm say mê man, tay vẫn còn cầm miếng lê ăn dở.
Phương Quang Diệm cả mừng vì thấy mình sè nhân cơ hội có thể thoát thân được, liền lấy hai thanh gươm treo ở đầu giường rồi giơ lên chém có lẽ nàng phải mất mạng dưới tay chàng…