Hắc Thánh Thần Tiêu

Chương 27: Lòng như rắn rết



Tiết Thiếu Lăng vội bước theo lão.

Gian nhà dọn dẹp hết sức sạch sẽ, vật dụng trang trí thì rất đơn giản, chỉ có một đỉnh lư đồng, nhang tỏa khói nghi ngút. Quanh đỉnh lư là những dụng cụ dùng trong việc bói toán, hai bên có ghế ngồi, mỗi bên hai chiếc.

Cửu Nghi tiên sinh đặt viên đá lên mặt bàn rồi quỳ xuống lạy tám lạy.

Tiết Thiếu Lăng kinh ngạc thầm nghĩ :

– “Lão này làm gì kỳ quái thế? Ai lại đi lạy một viên đá?”

Lạy xong, Cửu Nghi tiên sinh đứng lên, hướng sang Tiết Thiếu Lăng vòng tay thốt :

– Lão phu không hay tiểu huynh đệ thừa lịnh ân sư mà đến nên thất lễ nghinh tiếp mong tiểu huynh đệ tha thứ cho.

Tiết Thiếu Lăng giật mình.

Thế ra, lão tiều phu chính là Vô Nghi tẩu sao?

Cửu Nghi tiên sinh tươi hẳn nét mặt, điểm một nụ cười hòa dịu tiếp nối :

– Hơn ba mươi năm qua rồi lão phu không có dịp trông thấy dung nhan ân sư, bỗng hôm nay tiểu huynh đệ gặp người ở đâu? Vậy tiểu huynh đệ lãnh chỉ dụ đến đây?

Tiết Thiếu Lăng hết sức kỳ quái :

– Lão tiều phu chỉ trao cho chàng một viên đá, bảo chàng quăng vào trận chứ có dặn dò gửi gắm gì đâu, tại sao tiên sanh lại nói có chỉ dụ?

Chàng đem sự việc gặp lão tiều phu bên ngoài cửa động, thuật lại cho tiên sanh nghe.

Cửu Nghi tiên sinh bật cười ha hả :

– Lão phu đã bố trí thạch trận bên ngoài ngôi lều, áng theo cửu cung bát quái, âm lăng tiên thiên hậu thiên, biến hóa vô cùng, tiểu huynh đệ chỉ quăng vào trận một viên đán nhỏ, trận pháp đổ vỡ hoàn toàn, nếu không phải ân sư của lão phu thì còn ai có được cái kỹ năng làm nên việc đó? Tự nhiên lão phu phải nghĩ ngay đến ân sư!

Tiết Thiếu Lăng lắc đầu :

– Nhưng Vô Nghi lão tiền bối chỉ giao cho tại hạ một viên đá thôi chứ chẳng nói gì cả thì làm sao gọi được là có chỉ dụ của người?

Cửu Nghi tiên sinh lại cười :

– Trên viên đá đó, ân sư có lưu ký hiệu, tiểu huynh đệ nhận thức thế nào được?

Tiết Thiếu Lăng trầm ngâm một chút :

– Tiên sanh thấy ký hiệu làm sao?

Cửu Nghi tiên sinh từ từ thốt :

– Trên viên đá đó ân sư có đề cập đến tiểu huynh đệ, người bảo rằng tiểu huynh đệ là đệ tử của đại sư bá, dặn lão phu không nên lấy tư cách tiền bối đối xử với tiểu huynh đệ!

Tiết Thiếu Lăng lấy làm kỳ :

– Ân sư của tại hạ là Hắc Thần Tiêu Du Long…

Cửu Nghi tiên sinh gật đầu, chận lại :

– Thịnh danh của Tang Cửu lão hiệp vang dội khắp sông hồ, lão phu còn lạ gì con người ấy? Lão phu ở đây là muốn nói đến vị đại sư bá Vô Danh đạo trưởng.

Vô Danh đạo trưởng?

Tiết Thiếu Lăng như từ ung trăng rớt xuống. Có bao giờ chàng gặp mặt Vô Danh đạo trưởng? Bất quá, chàng chỉ nghe Trương Quả Lão nhắc lai lịch của Phong Trần tam kỳ, mà đạo trưởng Vô Danh là một.

Vừa rồi, chàng may mắn được gặp Vô Nghi Tẩu, còn vị kia mặt mũi như thế nào, chàng biết làm sao được? Như vậy bảo chàng là đệ tử ký danh của Vô Danh đạo trưởng chàng còn hiểu vào đâu được nữa?

Chàng nhớ ra, trong chiếc bao bố đen, bên cạnh viên minh châu, có mảnh giấy nhỏ, trên mảnh giấy, lão tiều phu ghi mấy chữ, tự xưng là sư thúc. Chàng nghĩ, Vô Nghi Tẩu nhận lầm chàng, chứ làm gì chàng được cái hân hạnh làm đệ tử của một trong Phong Trần tam kỳ?

Chàng ngẩng mặt lên, từ từ phân trần :

– Tại hạ là kẻ chân ướt chân ráo trên giang hồ, chưa từng được Vô Danh đạo trưởng thu nhận, dù chỉ là một ký danh đệ tử.

Cửu Nghi tiên sinh đưa tay chỉ chiếc Trúc tiêu lủng lẳng bên hông chàng, điểm một nụ cười :

– Thử hỏi tiểu huynh đệ, do đâu mà có chiếc Cửu Chuyển tiêu đó chứ?

Tiết Thiếu Lăng giật mình thầm nghĩ :

– Lão đạo nhân hóa duyên ta đã gặp ở góc thành Lạc Dương có tánh điên điên khùng khùng, lại là Vô Danh đạo trưởng, một trong Phong Trần tam kỳ sao?

Cửu Nghi tiên sinh tiếp :

– Chiếc Cửu Chuyển tiêu là vật tùy thân của Đại sư bá nay lại về tay tiểu huynh đệ, thì quả là phúc duyên của huynh đệ không nhỏ vậy!…

Chàng không rõ chiếc tiêu có cái tên là Cửu Chuyển tiêu, chàng đã hơn một lần dùng nó làm vũ khí, nó vừa nhẹ vừa rắn chắc, không ngại bị đao kiếm chạm trúng, chàng đã xem nó là một vật báu rồi. Giờ đây, được Cửu Nghi tiên sinh cho biết tên nó, nó lại là vật tùy thân của Vô Danh đạo trưởng, như vậy nó có giá trị tuyệt đối, có thể sánh với bảo kiếm trên giang hồ.

Nhìn chàng một thoáng, Cửu Nghi tiên sinh hỏi :

– Tiểu huynh đệ đã được Tang Lão Cửu đào tạo thành tài, hạng tuổi trẻ khó có tay nào sánh kịp, đó là một chuyện hy hữu. Đại sư bá lại thương mến, tặng cho chiếc Cửu Chuyển tiêu, thiết tưởng người học võ mà có những tao ngộ như huynh đệ, thì phúc hạnh lớn lao không biết nói sao cho hết. Lão phu nghĩ, đối với tiểu huynh đệ, còn việc gì trên đời không giải quyết nổi lại phải tìm đến đây gặp lão phu.

Tiết Thiếu Lăng đáp :

– Tại hạ đến đây là nhờ Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão chỉ dẫn, có ý tìm tiên sanh để hỏi hai điều, mong tiên sinh nhủ lòng giải thích cho.

Cửu Nghi tiên sinh lấy làm kỳ :

– Cả Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão mà cũng không giải quyết nổi nữa sao! Vậy ra việc gì hệ trọng như thế.

Tiên sanh bất giác động tính hiếu kỳ, muốn biết việc đó quan trọng như thế nào, khiến cho Hắc Thánh Du Long Tang Cửu và Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão nan giải.

Động tính hiếu kỳ, lão nôn nóng muốn nghe, lão giục Tiết Thiếu Lăng thuật nhanh, Tiết Thiếu Lăng trầm giọng đáp :

– Tại hạ đến đây, cốt ý muốn nhờ tiên sanh chỉ điểm cho hai điều. Thứ nhất, là thân thế mơ hồ của tại hạ, còn thứ hai là một biến cố lớn lao trên chốn giang hồ trong mấy tháng gần đây.

Rồi chàng thuật lại rành rẽ cho Cửu Nghi tiên sinh biết tất cả những diễn tiến trên giang hồ, từ việc thất tung của ba nhân tài kiệt liệt, đén sự giả mạo bọn Đông Thông thiền sư, việc chàng và Trương Quả Lão ngộ nạn như thế nào.

Cửu Nghi tiên sinh chú ý lắng nghe. Khi chàng dứt tiếng, lão gật đầu, nhưng không nói gì cả, chỉ nhắm mắt suy tư.

Tiết Thiếu Lăng ngồi im thin thít, không dám khuấy động sự suy tưởng của lão.

Một lúc lâu, Cửu Nghi tiên sinh từ từ mở mắt, hướng sang Tiết Thiếu Lăng, điểm một nụ cười :

– Hắc Thánh Du Long Tang Cửu cùng Nhất Bút Âm Dương Trương Quả Lão biết rõ lai lịch của tiểu huynh đệ, song cả hai không thể tiết lộ cấp thời cho tiểu huynh đệ hiểu, hẳn phải có lý do. Lý do không ngoài cái việc chưa phải lúc tiết lộ đó thôi. Bởi cừu nhân của tiểu huynh đệ cực cao, hoặc có thế lực to lớn, hiện tại tiểu huynh đệ chưa thể đương đầu nổi, nếu biết sớm, chẳng những không làm gì nổi kẻ thù, mà còn chuốc họa vào thân, vì vậy lão Tang và lão Trương phải giấu kín, chỉ khi nào tiểu huynh đệ có thừa sức đối phó với kẻ thù, thì không đợi giục họ cũng nói cho tiểu huynh đệ hiểu. Tiểu huynh đệ phải hiểu là cừu nhân đang truy tìm tông tích của tiểu huynh đệ đó, nếu biết được tiểu huynh đệ là ai rồi, chúng sẽ không bao giờ để yên cho.

Tiết Thiếu Lăng tràn trề hy vọng mà đến, lại nghe Cửu Nghi tiên sinh nói thế, không khỏi thất vọng não nề. Chàng tự hỏi biết đến bao giờ mới biết được lai lịch của mình? Kẻ thù là ai, ghê gớm đến bậc nào, mà luôn cả sư phụ và Trương Quả Lão cũng phải ngán?

Cửu Nghi tiên sinh cười nhẹ :

– Tiểu huynh đệ thừa lệnh ân sư vào đây, tự nhiên lão phu không thể giấu diếm điều gì cả. Song, việc có hại cho tiểu huynh đệ thì nói làm gì? Điều mà lão phu tha thiết là tiểu huynh đệ nên ẩn nhẫn, cố luyện tập cho tài nghệ tiến triển phi thường, đến lúc đó thì có biết kẻ thù là ai cũng không đáng ngại nữa.

Tiết Thiếu Lăng còn biết làm sao hơn? Chàng thất vọng ngồi thừ ra, không nói năng gì hết.

Tuy chàng công nhận lời nói của Cửu Nghi tiên sinh có lý. Tang Cửu và Trương Quả Lão dè dặt như vật là phải, song tuổi trẻ tràn đầy huyết khí, chàng không tránh khỏi bất mãn.

Cửu Nghi tiên sinh tiếp :

– Còn việc thứ hai, thì biến cố đó bất quá chỉ còn trong vòng sơ khởi, chưa lấy gì làm nguy hại cho lắm. Tuy nhiên, cái kỳ vọng của bọn người tạo nên biến cố đó, to lớn và phức tạp vô cùng, không thể dùng một hai lời nói mà giải thích được tận tường. Lão phu chỉ có thể phớt qua ở điểm này là Tiết thần y nghĩa phụ của tiểu huynh đệ, dù hiện tại kẹt trong tay chúng, song vẫn được bình yên vô sự. Tiểu huynh đệ không nên lo ngại quá cho người.

Tiết Thiếu Lăng toan hỏi một câu, nhưng tiên sinh đã đứng lên, điểm một nụ cười :

– Gia sư rất mực quý trọng tiểu huynh đệ, nên chỉ dẫn tiểu huynh đệ vào đây, lão phu không thể không lấy tình chủ nhân đối với khách quý, hướng dẫn tiểu huynh đệ dạo quanh một vòng, cho biết tình thế Cửu Nghi động như thế nào.

Suy qua thái độ của Cửu Nghi tiên sinh, Tiết Thiếu Lăng nhận thấy lão không muốn bàn luận nhiều về biến cố vừa xảy ra trên giang hồ, lão trước sau chỉ mơ mơ hồ hồ đối đáp, cả đến việc chàng hỏi thân thế, lão cũng không chịu giải thích tỏ tường.

Nói chưa hết, lão lại bỏ dở, để mời chàng đi một vòng viếng động, như vậy là lão cố ý tánh né câu chuyện, như vậy là lão có ý đuổi khéo chàng, chàng còn biết làm sao hơn, nên đứng lên, vòng tay thốt :

– Mong ơn tiên sinh không trách cứ tại hạ đã quấy nhiễu sự thanh tu nơi đây, tại hạ hết sức cảm kích, lẽ nào lại còn làm nhọc đến tiên sanh nữa? Tại hạ xin cáo từ!

Cửu Nghi tiên sinh bật cười ha hả :

– Cửu Nghi động là một kỳ tích, cảnh trí u nhàn, không nơi nào sánh kịp. Tiểu huynh đệ đã đến đây rồi, lẽ nào lại bỏ dở dịp may hi hữu không ghé mắt một lần cho biết kỳ công của tạo hóa? Lão phu là chủ nhân, nếu không hướng dẫn tiểu huynh đệ ngoạn thưởng chốn thiên nhiên này thì chẳng hóa ra mình không làm tròn bổn phận sao! Đi! Đi! Đi một vòng tiểu huynh đệ ạ! Đừng khách sáo nữa!

Tiết Thiếu Lăng thấy không tiện khước từ, đành phải nán lại. Nếu nán lại, là phải cùng với lão đi dạo một vòng quanh động.

Cả hai bước ra khỏi thảo lư, Cửu Nghi tiên sinh đi trước dẫn đường, Tiết Thiếu Lăng theo sau, quanh co theo các khối đá.

Nhờ có Cửu Nghi tiên sinh, dời bước đến nơi nào là nơi đó tan biến hẳn sương mù, khi qua khỏi rồi, sương mù mới buông phu trở lại như cũ.

Cửu Nghi tiên sinh vừa đi vừa giải thích từ thạch hình, địa thế, những chứng tích của thần tiên ngày xưa từng canh tác tại thạch điền cho Tiết Thiếu Lăng hiểu.

Đi như thế qua mấy dặm đường, đến một cái hang sâu tối đen, Cửu Nghi tiên sinh dừng chân lại bảo :

– Đây là Phong động, càng vào sâu, lòng hang càng nhỏ hẹp, nhưng gió thổi càng mạnh hơn bên ngoài, trong ấy khí lạnh thấu xương, người thường không ai chịu nổi. Đã có không biết bao nhiêu người thuộc bàng môn tả đạo vào đây lợi dụng âu phong luyện tà công, sau này ân sư dùng tà công vô thượng chế ngự bớt phong thế, cho nên hiện tại gió không còn thổi mạnh như trước nữa.

Tiết Thiếu Lăng bước đến cửa động, nhìn vào, nhưng bên trong đen tối vô cùng, không trông thấy gì rõ ràng cả. Lòng hang sâu lắm, hơi lạnh bốc lên, theo gió thổi vù vù, tuy tiên sanh nói gió đã dịu bớt song khí thế vẫn như bão tố. Cửu Nghi tiên sinh lại tiếp tục đi tới, không bao lâu lại tới một cái động khác.

Từ trong động phát ra, những tiếng ầm ầm quái dị, mường tượng tiếng sấm nổ liên hồi. Tiết Thiếu Lăng cho là tiếng nước đổ từ trên cao xuống, nên không lưu ý cho lắm.

Cả hai tiếp tục đi tới!

Trước mặt một con suối giăng ngang, chận đường.

Cửu Nghi tiên sinh chừng như cao hứng quá, hăng hái lướt trên mặt nước, sang bờ đối diện. Tiên sanh đã đi thì Tiết Thiếu Lăng cũng phải theo.

Cả hai du sơn ngoạn cảnh, song địa phương du ngoạn vẫn còn trong lòng Cửu Nghi động, trong Cửu Nghi động lại còn có động khác, có suối, có ruộng. Đủ biết Cửu Nghi động lớn đến bực nào, đúng là một thế giới thu hẹp trong cái thế giới rộng lớn, nhưng dân cư chỉ có một người, là tiên sanh.

Qua khỏi dòng suối, lại vào một cái động khác, tiếng vang ầm ầm to lớn hơn, đi một lúc lại gặp một con suối nữa. Mặt suối khá rộng, nước không sâu lắm.

Muốn qua bờ bên kia, chỉ có hai cách, hoặc bay hoặc lội.

Cửu Nghi tiên sinh có công phu tu vi rất cao, dùng khinh công đề khí đạp trên mặt nước bước đi dễ dàng như đi trên đất bằng. Còn Tiết Thiếu Lăng, dĩ nhiên võ học kém hơn tiên sanh, không thể sử dụng nổi thuật Thủy Thưởng Hành, đành phải xắn quần khỏi gối, lội sang. Nước đã lạnh dòng suối lại chảy xiết, Tiết Thiếu Lăng suýt bị cuốn băng đi mấy lần.

Đi du ngoạn theo lối này thật không gây cho Tiết Thiếu Lăng một cảm hứng nào cả.

Tiếng chuyển động càng lúc càng to, đáng lý Cửu Nghi tiên sinh nên tránh qua nẻo khác cho được yên tịnh hơn thì lão lại đi sâu vào, và càng đi sâu tiếng động càng vang to hơn, dù đứng gần nhau nhưng muốn nói một chuyện gì thì phải hét lên như đứng cách nhau hằng dặm đường.

Đi mãi như thế thì sẽ đến đâu? Tiết Thiếu Lăng động tính hiếu kì vội hỏi :

– Đây là đâu hở tiên sinh?

Muốn hỏi cho đối phương nghe được Tiết Thiếu Lăng phải vận dụng công phu phát âm.

Cửu Nghi tiên sinh nhìn chàng điểm một nụ cười :

– Lôi động! Tiểu huynh đệ đã mệt rồi chăng? Mình đi tới một chút nữa đi đến con sông thứ chín sẽ dừng lại nghỉ.

Cả hai đi không bao lâu đến một dòng suối cũng khá lớn, cũng như mấy lần trước, Cửu Nghi tiên sinh thì dùng thuật Thủy Thượng Hành còn Tiết Thiếu Lăng xắn quần lội nước.

Qua đến bờ bên kia Cửu Nghi tiên sinh cười thốt :

– Tiểu huynh đệ! Giờ mình có thể nghỉ một chút đó.

Vưa buông dứt câu, lão nhanh tay điểm vào rún Tiết Thiếu Lăng.

Có bao giờ chàng tưởng được là Cửu Nghi tiên sinh bất thình lình điểm vào huyệt mình? Tự nhiên chàng không phòng bị, và tự nhiên phải sụm xuống ngay.

Chàng bị điểm trúng huyệt Khí Hải.

Tiết Thiếu Lăng vừa kinh ngạc, vừa bất bình, trầm giọng hỏi :

– Tiên sanh làm thế là có ý gì?

Cửu Nghi tiên sinh nở nụ cười ngụy dị, tiếp tục xuất thủ điểm nhanh vào chín huyệt nữa trên mình chàng, đoạn thốt :

– Tiểu huynh đệ đã chẳng có ý muốn nghỉ ngơi một chút đó sao? Đây là một nơi lý tưởng, không có một bóng người qua lại, có nghỉ ngơi bao lâu cũng không có ai quấy rầy đâu.

Tiết Thiếu Lăng dù muốn vận khí phòng vệ các huyệt đạo cũng không kịp nữa. Thân hình không thể động đậy, chỉ còn hai tay là cử động được như thường.

May mắn cho chàng là tiên sanh không điểm vào á huyệt, nên chàng có thể nói chuyện.

Bây giờ, chàng mới vỡ lẽ ra. Cửu Nghi tiên sinh mượn cớ dẫn chàng đi viếng động, cố ý đưa chàng vào đây để mưu toan một việc gì, bất giác chàng sôi giận, cao giọng hỏi :

– Tại hạ cùng tiên sanh vốn không thù không oán, vì lý do gì tiên sanh lừa tại hạ vào đây để dồn tại hạ vào tình trạng này?

Chàng vận dụng công lực, bất thình lình tung lên một chưởng, nhắm đúng vào mặt tiên sanh.

Chưởng lực của chàng không còn cái khí thế hùng mạnh như chàng mong muốn, bởi các huyệt đạo bị phong bế cả rồi, dù có vận công cũng vô ích. Cho nên chưởng lực tung ra, không hơn gì một tay tầm thường, thì còn làm gì được Cửu Nghi tiên sinh?

Tiên sanh thản nhiên điểm một nụ cười :

– Lão phu có ý tứ gì? Tiểu huynh đệ đừng nghi ngờ chứ! Nếu nghi ngờ thì sanh giận vu vơ, chẳng ích gì.

Lão không né tránh, chỉ đứng một chỗ, phất nhẹ cánh tay áo. Cánh tay vừa tung chưởng của Tiết Thiếu Lăng bỗng nhói mạnh, đà chưởng chưa tới đích, cánh tay đó liền buông thỏng xuống.

Chàng sôi giận hơn bèn vội cử tay kia đánh tiếp theo.

Cửu Nghi tiên sinh lùi lại một bước lắc lắc chiếc đầu :

– Quân tử động khẩu, tiểu nhân động thủ, tại sao tiểu huynh đệ không học theo quân tử?

Trước khi lão lùi lại, lão đã xuất thủ điểm nhanh vào cánh tay của chàng, động tác đó hết sức nhanh, khi lão lùi lại xong, cánh tay của chàng lại buông thõng xuống như cánh tay kia.

Bây giờ chàng hoàn toàn không còn động thủ được nữa, chàng hoàn toàn biến thành quân tử, chỉ có thể động khẩu.

Nếu lão điểm vào á huyệt, thì chàng không khác nào một chiếc xác chưa tắt thở thôi.

Động thủ không được, thì chàng động khẩu, chàng hét lên không còn nể nang gì nữa :

– Có ai ngờ Vô Nghi lão tiền bối lại có một môn đồ đầy dã tâm như thế này chăng? Người muốn làm gì ta chứ?

Cửu Nghi tiên sinh từ từ bước tới cạnh chàng, cúi xuống rút lấy chiếc Trúc tiêu thản nhiên thốt :

– Từ lâu, lão phu nghe nói đến chiếc trúc tiêu của Đại sư bá, chiếc tiêu đó sản xuất tại Thiên Trúc, cứng rắn như đồng, hơn trăm năm nay, Đại sư bá thổi nó, truyền tinh khí vào, biến nó thành một vật bảo hi hữu trong võ lâm…

Lão vừa thốt vừa vuốt chiếc tiêu, ra vẻ trọng kính. Ánh mắt của lão ngời lên niềm tham lam, không còn tinh anh đáng kính nữa.

Chàng hết sức khinh bỉ, cười thật to :

– A! Thì ra ngươi có ý dòm ngó trúc tiêu! Thảo nào mà ngươi chẳng lừa ta vào đây để tìm cách cướp đoạt! Đời đã gắn cho ngươi cái tiếng thanh cao, họ lầm cái dáng bên ngoài của ngươi, họ có biết đâu ngươi là một kẻ đê hèn, danh không phù thực.

Chàng dừng lại một chút, rồi bĩu môi nói tiếp :

– Hôm nay ta đã thấy cái dã tâm của ngươi, thật ta lấy làm buồn cho Vô Nghi lão tiền bối phí công đã tạo ngươi nên bậc kỳ tài, có tài cao mà ngươi không giúp đời, chỉ mang ra phục vụ cho tham vọng! Trên giang hồ có ai ngờ môn hạ của Phong Trần tam kỳ lại có kẻ tham gian như vậy.

Cửu Nghi tiên sinh cau mày :

– Tiểu huynh đệ nói chi nặng lời như thế? Dù chiếc Cửu Chuyển tiêu có là báu vật trong võ lâm lão phu cũng không cướp đoạt trên tay tiểu huynh đệ đâu!

Tiết Thiếu Lăng hừ lạnh :

– Nếu không cướp đoạt, tại sao lại điểm huyệt chế ngự ta?

Cửu Nghi tiên sinh cười bí hiểm :

– Lão phu cho tiểu huynh đệ biết, phỏng cũng không ngại gì. Trước khi được ân sư thu nhận làm môn đệ, thì lão phu xuất thân từ đám bàng môn tả đạo, tự nhiên hành vi có khác phần nào so với bọn người chủ trương chánh khí. Thủ pháp lão phu vừa thi triển đối với tiểu huynh đệ, có cái tên là “Cửu âm phong huyệt”. Trừ lão phu ra, trên đời này không tay nào giải nổi. Chỉ trong vòng chín hôm, huyệt đạo trong người bế tắc mà chết. Phàm con người lúc chết thì khí tuyệt, khí tuyệt thì kinh mạch bế tắc, chết như vậy là chết thường, như mọi người trên thế gian, còn ai biết sự thể ra sao để truy ra cái lý do?…

Tiết Thiếu Lăng hét lớn :

– Độc thật! Tàn nhẫn thật.

Cửu Nghi tiên sinh đắc ý vô cùng :

– Dù sao thì lão phu và tiểu huynh đệ có chỗ đồng môn, lão phu chờ cho tiểu huynh đệ chết rồi, chiếc tiêu sẽ trở thành vật vô chủ, lão phu cứ nhặt mà giữ làm của báu, bởi ai nỡ bỏ phí một vật báu thành vô dụng chứ? Như vậy lão phu đâu phải mang tiếng cướp đoạt? Hành động của lão phu rất hợp lý ai cũng có thể làm.

Tiết Thiếu Lăng thầm nghĩ :

– “Lão này nham hiểm không thể tưởng nổi!”

Chàng phẫn nộ, gằn giọng :

– Cách cướp đoạt đó kể ra cũng chu đáo lắm, song vẫn không che giấu nổi sự vô sỉ của kẻ bất lương, ngươi đừng tưởng là sẽ tắt trách hành động đê hèn đối với giang hồ!

Cửu Nghi tiên sinh cười nhẹ :

– Tiểu huynh đệ thích mắng quá, mở miệng ra là mắng, mắng không tiếc lời! Được lắm! Cứ mắng cho hả, lão phu không phiền hà gì đâu. Làm, thì lão phu cứ theo ý mà làm, còn mắng, thì mặc tiểu huynh đệ cứ mắng.

Lão lại cúi mình xuống, nhặt luôn hạt minh châu, bước ra xa mấy bước, rồi ngồi lại.

Cầm viên minh châu trong tay, lão mở to đôi mắt, quan sát chiếc trúc tiêu.

Thỉnh thoảng lão gật đầu, ra vẻ lãnh hội một điều gì đó. Lão lẩm nhẩm :

– Đại sư bá đem tâm huyết suốt tám mươi năm dài, chế thành tiêu khúc, một điệu khúc vô cùng huyền diệu, rất tiếc họ Tiết là kẻ phàm phu tục tử, không thấu đáo cái giá trị hi hữu của trúc tiêu, xem nó là một vật thông thường, không hề thổi đến!

Tự nhiên, Tiết Thiếu Lăng nghe lão nói gì, và tự nhiên, chàng phải bất bình, bởi dù sao, chàng đã có chiếc Thiết tiêu, có tiêu là có thổi, nhờ nghĩa phụ huấn luyện, sư phó trau dồi, làm sao chàng lại không biết thổi tiêu, mà tiên sanh dám cho là chàng phàm phu tục tử? Bất qua chàng chưa được rảnh rang mà nghiên cứu tiêu khúc đã ghi trên thần tiêu đó thôi.

Hắc Thánh Du Long nhờ chiếc Thiết tiêu mà thành danh, trên giang hồ tặng cho là thần tiêu, thì môn đệ của thần tiêu há là tay hèn sao?

Chàng không dằn nổi sự bất bình, cao giọng hét :

– Ai bảo ta không biết thổi tiêu?

Cửu Nghi tiên sinh cười mỉm :

– Ít nhất tiểu huynh đệ cũng không thổi nổi khúc tiêu này…

Đúng vậy, Tiết Thiếu Lăng chưa từng nghiên cứu khúc tiêu đó, từ lúc đạo sĩ du phương đổi Trúc tiêu lấy Thiết tiêu trong tòa khách sạn. Đã không nghiên cứu thì còn thổi làm sao được?

Cửu Nghi tiên sinh lau chùi chiếc Trúc tiêu cho bóng hơn, điểm một nụ cười nham hiểm :

– Tiểu huynh đệ từ nghìn dặm tới đây, mang chiếc tiêu tặng lão phu, cái nhã ý đó, lão phu ghi nhớ suốt đời. Để tỏ sự tri ân, lão phu sẽ thổi lên khúc tiêu này, cho tiểu huynh đệ thưởng thức trước khi về bên kia thế giới.

Lão bật cười thành tiếng, tiếp nối :

– Khổng phu tử có nói, sớm được nghe, chiều có chết cũng vui. Tiểu huynh đệ nghe rồi, có chết cũng không tiếc hận gì nữa!

Lão đưa lưỡi liếm ướt quanh môi, rồi kề tiêu vào miệng bắt đầu thổi.

Lạ thay, tiếng động vang ầm ầm như sấm quanh đó làm chát tai, nhức óc, thế mà không át nổi giọng tiêu vừa nhỏ vừa trong, lại dịu hòa, êm ái, nhẹ nhàng.

Giọng tiêu ngân dài trong động, xuyên qua tiến vang ầm ầm, không khác nào một thanh kiếm sắc rọc phải một chất mềm, ngon đà, nhanh thế.

Tiết Thiếu Lăng nghe giọng tiêu, bất giác xuất thần, chăm chú nghe tiêu, quên cả tiếng động chuyển ầm ầm hay tiếng tiêu có cái nhiệm màu phá tan tiếng động, chàng cũng không rõ nữa.

Chàng quên đi là mình bị chế ngự ở mấy huyệt đạo, toan khoa chân múa tay, tỏ vẻ thích thú, nhưng khi sắp sửa động đậy tứ chi, mới thức ngộ mình còn bất động.

Tiêu khúc dứt, tiếng ầm ầm tiếp tục đập vào tai chàng, làm chàng bừng tỉnh cơn mê ly qua âm điệu huyền diệu, chàng nhận thấy tâm thần sảng khoái hơn trước. Điều đó làm chàng kinh dị vô cùng.

Cửu Nghi tiên sinh đứng lên, bước lại bên chàng, đặt hạt minh châu và Trúc tiêu về lại chỗ cũ, đoạn kéo chân chàng xếp bằng tròn thoải mái, vỗ nhẹ vào vai chàng mỉm cười :

– Lão phu đã nói không hề cướp vật trên tay tiểu huynh đệ nên trả những vật này lại cho tiểu huynh đệ đó. Chín hôm sau, lão phu sẽ trở lại đây, kể cũng không muộn gì. Tiểu huynh đệ trân trọng nhé! Lão phu tạm biệt vậy.

Lão rùn vai, xoay người bước đi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.