Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Chương 46: Cùng đường hết lối công danh theo nước chảy Núi hoang chùa cổ kiếm khí bắn hàn tinh



Phùng Lâm cười khanh khách: “Không phải ta mỉa mai ngươi, chính là bản thân ngươi tự mỉa mai mình. Làm người phải biết hối hận, lẽ nào ngươi không hiểu câu này? Ngươi tự làm tự chịu, giờ đây vẫn còn chưa hối hận sao?” Niên Canh Nghiêu trầm ngâm không nói, Phùng Lâm đổi sắc mặt, chợt nghiêm nghị nói: “Nếu có thể nhớ bài học của Chung ân sư, ngươi không có ngày hôm nay!” Niên Canh Nghiêu bất giác ngẩng ra, chỉ nghe Phùng Lâm tiếp tục nói: “Ta đã biết chuyện trước kia, nhà họ Niên đã từng nuôi dưỡng ta, điều này ta không quên”.

Niên Canh Nghiêu chưng hửng nói: “Ngươi đã nhớ lại?” Phùng Lâm nói: “Tuy lúc nhỏ ngươi ngang tàng bá đạo nhưng đối với ta cũng không tệ”. Niên Canh Nghiêu mừng rỡ nói: “Đúng thế! Ta xưa nay coi ngươi như thân muội, đối xử với ngươi tốt hơn hết cả mọi người. Đa tạ ngươi đến thăm ta, dù sao này Niên Canh Nghiêu tan xương nát thịt, có một tri kỷ cũng không hề tiếc nuối”. Phùng Lâm chợt cười lạnh, rồi trầm giọng nói: “Nhưng ngươi càng lớn càng hư, hư đến mức không sửa đổi được! Hừ, ngươi có còn nhớ hay không, ngươi muốn tặng cho Hoàng đế để giữ công danh cho mình? Ta không chịu nghe theo, ngươi âm thầm hảm hại ta, nếu không nhờ Lý Trị ca ca ra tay cứu chữa, cái mạng này đã không giữ được nữa. Thân muội cái gì? Ngươi nói thế không sợ ta buồn nôn hay sao?”

Niên Canh Nghiêu mặt lúc xanh lúc đỏ, gục đầu nói: “Ta biết”. Phùng Lâm nói: “Ngươi đối với ta không tốt, chẳng hề gì. Nhưng ân sư đã dốc hết tâm lực dạy dỗ ngươi thành tài, ngươi dẫn sói vào nhà hại chết người! Nếu chẳng phải ngươi may mắn thoát chết, hôm nay ta đã trừng trị gian đồ cho bổn môn!”

Niên Canh Nghiêu chợt ngẩng đầu lên nhìn: “Ồ, té ra truyền nhân của phái Vô Cực là ả nha đầu nhà ngươi”. Phùng Lâm nhíu mày nói: “Thế nào, ta không xứng sao?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi cứ yên tâm mà làm. Công danh phú quý của ta đều đã mất cả. Chả lẽ ta còn tranh với ngươi cái chức Chưởng môn nhỏ bé ấy?” Phùng Lâm nhíu mày, lắc đầu nói: “Ta thật chưa bao giờ thấy người đã sắp chết tới nơi còn không chịu tỉnh ngộ, mở miệng ra là phú quý, đóng miệng lại là công danh, ngươi bảo không quan tâm nhưng thực sự thì ngược lại. Lữ tỉ tỉ từng nói ngươi coi như cũng là một bậc nhân tài, nhưng bị hai chữ danh lợi kiềm chế. Trước đây ta không hiểu, nhưng giờ đây thấy chẳng sai chút nào”.

Hai người nói chuyện một hồi, sắc trời đã sáng, Lý Trị đứng từ xa huýt một tiếng sáo dài, Phùng Lâm nói: “Ta phải đi đây!” Niên Canh Nghiêu dõng tai lên nghe, chợt nói: “Ai đến đây cùng ngươi?” Phùng Lâm nói: “Ngươi hỏi điều đó làm gì?” Niên Canh Nghiêu nói: “Có phải là tên tiểu tử Lý Trị hay không?” Phùng Lâm tức giận nói: “Cái gì mà tiểu tử? Chàng còn tốt hơn ngươi nhiều!” rồi cao giọng trả lời: “Lý Trị ca ca, muội đến đây!”

Niên Canh Nghiêu lộ vẻ mặt kỳ dị, chợt hỏi: “Lâm cô nương, ngươi có còn nhớ hay không, trong vườn chúng ta lúc trước có một cái ao, trong ao có nuôi một đôi vịt, khi ngươi còn nhỏ, ta đã bế ngươi ra xem đôi vịt ấy giỡn nước”. Phùng Lâm giật mình, sầm mặt nói: “Ngươi cứ nói những lời vô bổ ấy làm gì?”

Niên Canh Nghiêu nói: “Nhớ lại chuyện lúc nhỏ, ta thực sự hối hận vô cùng”. Phùng Lâm trầm giọng nói: “Hối hận cũng đã muộn!” Niên Canh Nghiêu thở dài, làm ra vẻ muốn nói gì đấy nhưng lại thôi, Phùng Lâm nói: “Có việc gì ngươi nói mau lên! Ta phải đi đây”. Lời lẽ đã mềm dịu hơn nhiều, Niên Canh Nghiêu nói: “Ta vốn mong có thể cùng ngươi ở bên nhau. Lúc nhỏ ta đọc binh thư, ít nhiều cũng hiểu đến đạo hành quân, nếu ngày sau các ngươi dấy binh, ta nguyện tự tiến cử”. Phùng Lâm giật mình, thầm nhủ: “Niên Canh Nghiêu là một tướng tài, nếu y thành tâm thành ý, có lẽ cũng nên suy nghĩ lại. Chi bằng để mình bàn với Lý Trị ca ca xem thử thế nào!” Phùng Lâm cúi đầu suy nghĩ, Niên Canh Nghiêu lại nói: “Ngươi không tin ta sao?” Phùng Lâm ngẩng đầu lên, tiếp xúc với ánh mắt của Niên Canh Nghiêu, nàng chợt giật mình, chỉ cảm thấy trong mắt của Niên Canh Nghiêu tựa như chứa đầy sự gian trá, chẳng hề khiến cho người ta tin cậy. Niên Canh Nghiêu lại thở dài nói: “Ngươi thật không tin ta sao?” Phùng Lâm nói: “Ngươi có thể hối hận thì tốt, nhưng việc này ta không thể làm chủ, để ta gặp Lữ tỉ tỉ rồi mới tính”. Niên Canh Nghiêu nói: “Nói thế cũng bằng thừa”. Phùng Lâm dậm bước toan bỏ đi, Niên Canh Nghiêu lại kêu: “Lâm cô nương, còn có một việc nhỏ nữa”. Phùng Lâm quay người nói: “Việc gì, nói mau!” Niên Canh Nghiêu nói: “Chẳng phải ngươi đã làm Chưởng môn của phái Vô Cực rồi sao? Vậy hãy cầm kiếm của ngươi đi thôi, đó là bảo kiếm của Phó sư tổ năm xưa sử dụng, ta đã bị đuổi ra khỏi sư môn, thanh kiếm này không thuộc về ta nữa”. Lời lẽ của y rất thành thật, Phùng Lâm thầm nhủ: “Đúng thế, mình vốn đến đây lấy di vật của sư tổ, sao lại quên bén mất!” nàng bước tới trước mặt Niên Canh Nghiêu, đưa tay nhận kiếm. Không ngờ khi nàng đưa tay ra, trước ngực mở rộng, Niên Canh Nghiêu chợt vung chỉ điểm vào huyệt Toàn Cơ trước ngực của nàng, huyệt Toàn Cơ là một trong nhưng tử huyệt, nếu bị điểm trúng chắc chắn sẽ chết.

Té ra Niên Canh Nghiêu tự biết rằng sẽ chết, chẳng còn hy vọng, đã sắp nổi điên, y hận khôn gthể giết hết tất cả mọi người trên đời này, nhất là nghe Phùng Lâm hai lần nhắc tới “Lý Trị ca ca”, y vừa căm hận vừa đố kỵ, thầm nhủ: “Tiểu cô nương đẹp như hoa như ngọc thế này, nếu không thuộc về mình, mình củng không đế nàng thuộc về người khác. Công phu của mình tuy mất, nhưng thủ pháp điểm huyệt vẫn còn nhớ, chi bằng giết nàng rồi vung kiếm tự sát”.

Nào ngờ Phùng Lâm bị điểm trúng huyệt đạo nhưng người chỉ lảo đảo mấy cái, chứ không ngã xuống chết như ý muốn của y. Té ra công phu điểm huyệt cần phải có kình lực trên đầu ngón tay, lực dồn vào đầu ngón tay mới có thể khiến cho khí huyết của người ta ngừng cạn. Võ công của Niên Canh Nghiêu đã không còn, chỉ có thế lực của người bình thường mà nội công của Phùng Lâm đã có tiến bộ, nếu gặp phải cao thủ, chắc chắn nàng sẽ mất mạng, nay bị điểm trúng huyệt đạo tuy đau nhói nhưng cũng chẳng có chuyện gì lớn.

Phùng Lâm bị Niên Canh Nghiêu bất thần điểm trúng một chỉ, nàng chưng hửng rồi lập tức hiểu ra, tức giận vung tay vỗ bốp bốp hai bạt tai khiến Niên Canh Nghiêu té xoài xuống đất. Niên Canh Nghiêu mắt lộ hung quang, nôn ra một ngụm máu tươi, trong máu có lẫn hai cái răng cửa. Phùng Lâm tức tới nỗi không nói ra lời, một lát sau mới nói: “Ngươi…ngươi đúng là người độc ác nhất trong thiên hạ!” Rồi nàng rút thanh bảo kiếm của Niên Canh Nghiêu, vừa mới rút được một nửa lại nghe tiếng huýt sáo thúc giục của Lý Trị.

Phùng Lâm trừng mắt nhìn Niên Canh Nghiêu, gằng giọng nói: “Ta không giết ngươi, ngươi cũng chẳng sống được lâu nữa!” Rồi phóng người đuổi theo Lý Trị, Lý Trị nói: “Sắc trời đã sáng, mặt trời sắp mọc, mà còn chưa đi, ở đằng kia đã có người rồi!”

Phùng Lâm buồn bã không lên tiếng, theo Lý Trị phóng như bay ra khỏi thành. Chờ mạch ra đến ngoại ô, Lý Trị nói: “Không phải huynh không muốn cho muội nói nhiều với y, huynh nghĩ Niên Canh Nghiêu bị đày đến mức này, không chừng Ung Chính sẽ phái cao thủ âm thầm theo dõi”. Phùng Lâm chậm bước, chợt nói: “Lý Trị ca ca, huynh có thể tha thứ cho muội không?” Lý Trị cười nói: “Nếu huynh là người lòng dạ hẹp hòi cũng không để muội nói chuyện riêng với y”. Phùng Lâm đỏ mặt, khẽ nói: “Không phải điều này. Muội muốn nói, muốn nói là… sáng nay khi gặp Niên Canh Nghiêu, muội còn có chút tiếc nuối…” Lý Trị không đợi nàng nói xong liền cười bảo: “Y vốn là một nhân tài, đi nhằm vào nẽo tà, tự chuốt lấy khổ, huynh cũng tiếc nuối cho y, chuyện đó đâu có gì đáng nhắc!” Phùng Lâm nói: “Nhưng lúc này muội không còn cảm thấy tiếc nuối gì cả!” Khi nói sắc mặt của nàng rất nghiêm túc, khác hẳn với vẻ nghịch ngợm thường ngày, nàng tựa như đã trưởng thành, hiểu được rất nhiều chuyện. Lý Trị ngạc nhiên nhìn nàng, như hiểu màkhông hiểu lời lẽ của nàng, y khẽ gật đầu chứ không nói gì nữa.

Phùng Lâm bỏ đi, Niên Canh Nghiêu bưng nửa bên mặt, gắng gượng đứng dậy, lúc này trong lòng y trống trải, đầu óc đờ đẩn. Gió lạnh buổi sáng thổi tới, Niên Canh Nghiêu rùng mình, hai tay ôm đầu ngửa mặt cười lớn nói: “Cái đầu này tốt quá, nếu bị chém rơi há chẳng phải đáng tiếc hay sao! Tây Sở bá vương vung kiếm tự vẫn ở Ô Giang là anh hùng! Ta há không bằng ông ta! Ngày nay trời cao hại ta, ta còn sống làm gì để chịu nhục!” rồi hai tay ôm đầu lao vào cửa thành!

Chợt có người ôm chặt y lại. Niên Canh Nghiêu không vùng vẫy được, khi mở mắt ra nhìn thì ra đó là Hàn Trọng Sơn và Thiên Diệp Tản Nhân, chỉ thấy hai người này mặt mũi sưng vù, bộ dạng trông rất khó coi. Té ra bọn chúng đuổi theo Ấn Hoằng và Quan Đông tứ hiệp, gặp phải Hoằng Pháp đại sư, thế là bị ông ta nện cho một trận.

Hàn Trọng Sơn và Thiên Diệp Tản Nhân thấy bộ dạng Niên Canh Nghiêu càng khó coi hơn, Hàn Trọng Sơn nói: “Này, râu và chân mày của ngươi bị ai cạo thế? Ai đã đến đây?” Thiên Diệp Tản Nhân nhìn xác Xa Tịch Tà, cũng hỏi: “Ai giết thế? Là ngươi hay là kẻ địch?” Niên Canh Nghiêu cười ha hả, kêu lớn: “Chết sạch cả rồi!” Hàn Trọng Sơn cười lạnh: “Hoàng thượng không cho ngươi chết!” Niên Canh Nghiêu kêu lớn: “Các người không cho ta làm Sở bá vương? Chao ôi! Cả Sở bá vương mà ta cũng không bằng!” rồi y vung tay múa chân, lời lẽ chẳng đầu chẳng đũa, Thiên Diệp Tản Nhân nói: “Niên Canh Nghiêu điên rồi!” Hàn Trọng Sơn khẽ đầy nhẹ, Niên Canh Nghiêu chẳng hề có sức phản kháng, té nhào xuống đất. Hàn Trọng Sơn thất kinh: “Cả võ công cũng chẳng còn!” Thiên Diệp Tản Nhân nói: “Niên Canh Nghiêu đã ra nông nỗi này, chi bằng chúng ta cứ mau áp giải y về kinh sư”. Hàn Trọng Sơn khẽ gật đầu, rồi ngày hôm ấy dùng khoái mã tám trăm dặm phi báo với Hoàng đế, hôm sau áp giải y vào kinh, có hai người áp giải, Niên Canh Nghiêu muốn tự sát cũng không được. Chỉ có điều trên đường cứ kêu la om xòm, lúc thì gọi tên con, lúc thì gọi Phùng Lâm.

Khi Niên Canh Nghiêu nổi điên, Phùng Lâm đã rời thành Hàng Châu sáu mươi dặm, Phùng Lâm không ngờ y nổi điên, nhớ lại bộ dạng đáng ghét, vẫn còn cảm thấy buồn nôn.

Lý Trị và Phùng Lâm muốn từ Triết Giang vào An Huy rồi đến Hà Nam để về Mang Sơn. Hai người đi rất nhanh, mặt trời chưa xuống núi đã đến vùng núi Thiên Mục, đang bước vào đường núi, chợt nghe dưới sơn cốc có tiếng hú quái lạ, tiếng ám khí rít trong gió, Phùng Lâm kêu: “Huyết Trích Tử!” Lý Trị lên tảng đá cao nhìn, nói: “Té ra Quan Đông tứ hiệp đang bị bao vây!” Phùng Lâm vừa nhìn thì nói: “Ồ, còn có cả Phương Kim Minh và Trần Đức Thái, chúng ta đến cứu họ”. Hai người rút kiếm lướt xuống như bay.

Té ra Hoằng Pháp đại sư trừng trị Niên Canh Nghiêu, trên đường trở về lại đánh bọn Hàn Trọng Sơn và Thiên Diệp Tản Nhân bỏ chạy, Ấn Hoằng hòa thượng vốn đi cùng Quan Đông tứ hiệp, nhưng nay mọi việc đã xong nên cùng chụ trì trở về Thiếu Lâm ở Phúc Kiến, Quan Đông tứ hiệp đến Mang Sơn tìm Cam Phụng Trì và Lữ Tứ Nương.

Còn Phương Kim Minh và Trần Đức Thái lại gặp nhau giữa đường, hai người này sau khi dưỡng thương ở Tuyết Hồn cốc đã trở thành một đôi hảo hữu. Lần này Phương Kim Minh tìm Niên Canh Nghiêu là để trả thù cho cố chủ, Trần Đức Thái không cản được, chỉ đành theo tiếp ứng, Phương Kim Minh bị Xa Tịch Tà đuổi đi, rầu rĩ ra khỏi thành Hàng Châu. Rồi hai người lại gặp Quan Đông tứ hiệp, thế là cả bọn cùng nhau quyết định kéo đến Mang Sơn, không ngờ Ung Chính bố trí rất nghiêm ngặt, ngoại trừ phái Hàn Trọng Sơn, Thiên Diệp Tản Nhân và Xa Tịch Tà đi giám sát Niên Canh Nghiêu, còn phái Cáp Bố Đà dắt theo một đám Huyết Trích Tử tuần tra ở các con đường dẫn đến Hàng Châu, thế là hai bên gặp nhau, Quan Đông tứ hiệp bị bọn người ấy đẩy xuống sơn cốc, tình thế giờ đây rất nguy hiểm.

Hai bên đang quần thảo ác liệt, chợt nghe trên núi có tiếng quát, Lý Trị và Phùng Lâm vung kiếm xông tới, Cáp Bố Đà vừa kinh vừa mừng, kêu lên: “Lâm quý nhân!” rồi ném Huyết Trích Tử về phía Huyền Phong, sau đó đảo ngược người vung Lưu Tinh trùy đánh tới Phùng Lâm. Phùng Lâm cười: “Ngươi cũng muốn bức hiếp ta?” rồi nàng vung tay phóng ra một mũi phi đao, mũi phi đao bay tới như điện xẹt, chạm phải các Huyết Trích Tử của Cáp Bố Đà, cả hai cùng rơi xuống, trước tiên giải thế nguy cho Huyền Phong rồi đến nghênh chiến Cáp Bố Đà.

Phùng Lâm vung cây bảo kiếm đánh một chiêu Lực Hoạch Hồng Câu, lia thành một đường vòng cung bạt Lưu Tinh chùy ra, Cáp Bố Đà thất kinh, y vùng tay quét ngang cái Lưu Tinh chùy, Phùng Lâm kéo kiếm vào bên trong chặn lại, lại giải được thế công hung mãnh của Cáp Bố Đà, Cáp Bố Đà càng kinh dị hơn, dùng một truỳ hộ thân, một chùy nghênh địch, đánh gấp về phía Phùng Lâm.

Thực ra công lực của Phùng Lâm không bằng Cáp Bố Đà, nàng tiếp hai chùy, cánh tay đã tê rần, may mà nàng sử dụng thanh bảo kiếm của Phó Thanh Chủ, tuy không bằng du lông kiếm nhưng cũng là loại kiếm quý, không đến nỗi bị đầu chùy chặt gãy, nếu không đã chẳng chống nổi những đòn tấn công mãnh liệt của Cáp Bố Đà. Trong khi đó Cáp Bố Đà vừa đánh vừa thủ, hợp với lộ số của Phùng Lâm, Vô Cực kiếm pháp của Phùng Lâm cương nhu tương tề, thủ rất nghiêm ngặt, lại thêm nàng thông hiểu các loại võ công bàng môn tả đạo, có rất nhiều chiêu thức, trong vòng năm bảy mươi chiêu, Cáp Bố Đà chẳng làm gì được nàng.

Lúc này Lý Trị đã nhảy vào vòng chiến, sau mấy chiêu đã đâm bị thương hai tên Huyết Trích Tử, bọn Huyền Phong phấn chấn tinh thần, quát lớn đồng loạt phản công!

Cáp Bố Đà bị Phùng Lâm chặn lại, bọn Huyết Trích Tử mất đầu não, không chặn được kẻ địch, Huyền Phong tay trái cầm kiếm, tay phải cầm gậy quét ngang bổ dọc, trong lúc kịch chiến đã hạ được hai tên Huyết Trích Tử, Lang Nguyệt thiền sư cũng dùng vòi rượu phun mù mắt một tên Huyết Trích Tử, bọn Huyết Trích Tử hè nhau tháo chạy.

Cáp Bố Đà thấy không xong, vội vàng buông Phùng Lâm kêu lớn: “Phá toán ám khí!” trong khoảng khắc chỉ thấy khí cầu bay khắp trời, phát ra tiếng kêu tu tu, Phùng Lâm kêu: “Thật lợi hại!” rồi hai tay vung ra, mỗi tay phát sáu mũi phi đao, đánh rơi mười hai trái Huyết Trích Tử, còn vài trái đã bị bọn Huyền Phong đánh rơi, lúc này bọn Cáp Bố Đà mới lui ra khỏi cửa cốc.

Thế là bọn Huyền Phong cùng Phùng Lâm cùng kéo nhau lên Mang Sơn.

Lại nói Đường Hiểu Lan trải qua biến cố to lớn, trong lòng rất u uất, sau khi về đến Thiên Sơn trầm mặt chẳng nói, chỉ dốc hết lòng luyện kiếm, Dịch Lan Châu rất lấy làm lạ, mới hỏi Phùng Anh, Phùng Anh không dám giấu kể hết tất cả mọi chuyện. Dịch Lan Châu là người từng trải, cũng không khuyên Đường Hiểu Lan mà chỉ dốc lòng truyền võ nghệ cho chàng, Đường Hiểu Lan sống ở Thiên Sơn hơn một năm, đã học hết võ công của phái Thiên Sơn.

Ngày nọ, Dịch Lan Châu kêu Đường Hiểu Lan, nói: “Con đã học được hết võ công của phái Thiên Sơn, nay ta chính thức nhận con làm đệ tử”. Đường Hiểu Lan cả mừng khấu tạ, Dịch Lan Châu nói: “Đời nào của phái Thiên Sơn cũng là bậc anh kiệt, con đang tuổi tráng niên, không nên quy ẩn. Ngày mai hãy cùng Anh nhi xuống núi giúp Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì”. Đường Hiểu Lan tuy không nỡ nhưng nghe sư phụ nói rất có lý, mười mấy hôm sau cùng Phùng Anh bái biệt sư phụ xuống Thiên Sơn.

Hai người trở về Trung Nguyên. Đường Hiểu Lan tuy không u uất như hai năm trước nhưng vẫn kiên dè, không dám nói chuyện trai gái với Phùng Anh.

Hơn ba tháng sau, bọn họ lại trở về Hà Nam, trên đường nghe người ta nhắc chuyện Niên Canh Nghiêu thất thế, cũng không biết thật hay giả, hai người càng nôn hơn, hận không lập tức gặp Lữ Tứ Nương.

Hôm nay họ đi ngang qua Tung Sơn, Tung Sơn trải qua một trận hỏa hoạn, cây cối đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Đường Hiểu Lan mười phần cảm khá, ngâm rằng: “Cây khô gặp xuân lại nảy mầm, giang sơn gặp nạn còn sầu mới. Cây như thế, người ra sao?” Phùng Anh nói: “Trời đã tối, chi bằng lên Tung Sơn nghỉ ngơi một đêm, muội cũng muốn thăm lại cảnh chùa xưa”.

Đường Hiểu Lan và Phùng Anh lên Tung Sơn, chỉ thấy một đống đổ nát hoang tàn, Đường Hiểu Lan than rằng: “Chùa cổ ngàn năm trải qua kiếp nạn, thật đáng tiếc đáng hận!” Phùng Anh cười chỉ mảng cỏ xanh mọc trước sân: “Cỏ xanh chẳng cháy hết, xuân đến lại nảy mầm, cần gì phải buồn?” Hai người đi một vòng quanh chùa, phát hiện có một gian chỉ bị cháy phân nửa, Đường Hiểu Lan nói: “Chúng ta hãy nghỉ ngơi ở đây, Tung Sơn và Mang Sơn cách nhau không quá ba trăm dặm, đi hai ngày nữa sẽ tới”.

Hai người nhảy vô bức tường, lần dò vào trong điện, chợt có người hỏi: “Các người là ai?” giọng nói run rẫy gấp gáp, rõ ràng trung khí không đủ nhưng cũng rất uy nghiêm. Đường Hiểu Lan đẩy cửa bước vào, chỉ thấy bên đống lửa đỏ có một người đang nằm, sắc mặt như bị bệnh, nhưng hai mắt mở to, sắc rất có thần.

Đường Hiểu Lan nói: “Chúng tôi chỉ là người qua đường, tiên sinh là ai?” người này nhỏm ngồi dậy, nhìn hai người rồi lại nằm xuống, chẳng thèm để ý đến Đường Hiểu Lan. Phùng Anh hỏi: “Tiên sinh bị bệnh gì thế?” người ấy đảo mắt rồi nói: “Ta đang buồn ngủ, các người đừng quấy rầy”. Phùng Anh nói: “Nếu có bệnh, chúng tôi có mang theo một ít thuốc, có lẽ dùng được”. Người ấy nói: “Đã bảo các ngươi đừng lôi thôi, sao các ngươi thích lo chuyện bao đồng thế?” rồi kéo tấm chăn trùm đầu. Phùng Anh thấy y chẳng thèm để ý đến mình, không nói nhiều nữa. Đường Hiểu Lan lưu ý thấy trên đỉnh đầu của y có nhiệt khí bốc ra, thất kinh thầm nhủ: “Nội công của người này thâm hậu, chắc đã bị thương, giờ đang dùng nội công trị thương, mình không nên quấy rầy y”. Rồi kéo Phùng Anh ngồi xuống góc điện nghỉ ngơi.

Một hồi sau, người ấy đã ngáy pho pho, bên ngoài lại có tiếng cười nói, Đường Hiểu Lan nhìn ra, chỉ thấy hai người vượt tường nhảy vào, bất giác kêu lên, cùng Phùng Anh đứng dậy.

Té ra hai người này là Đường Kim Phong và Đường Trại Hoa. Họ vốn muốn đến trấn Chu Tiên lấy hài cốt của Vương Ngạo, định mang trở về Tứ Xuyên ang táng, hôm nay đi ngang Tung Sơn, không có khách điếm nên tìm đến đây nghỉ ngơi.

Đường Hiểu Lan thấy cha con họ thì rất áy náy, cung kính hỏi: “Đường lão tiến bối, ông khỏe chứ?” Đường Kim Phong hừ bằng giọng mũi nói: “Khỏe!” Đường Trại Hoa trừng mắt nhìn họ, tay sờ vào túi ám khí, Đường Kim Phong khẽ nói: “Đại trượng phu nói lời phải giữ, bọn chúng không có ác ý, con đường lắm chuyện”. Tuy nói là thế nhưng Đường Kim Phong cũng làm mặt lạnh với hai người Phùng Đường, chẳng thèm để ý đến họ, tựa như không muốn nói chuyện với họ. Đường Trại Hoa nói: “Cha, ở đây còn có một người nữa”. Phùng Anh nói: “Ông khách này bị bệnh, đang ngủ say, đừng đánh thức ông ta”. Đường Trại Hoa bĩu môi, quay mặt đi, lẩm bẩm: “Ai thèm nói chuyện với ngươi!” Phùng Anh bực dọc, cũng chẳng thèm nói gì. Đường Kim Phong khẽ nói với con gái: “Tiểu nha đầu này nói cũng có lý, đừng quấy rầy người ta”. Rồi đưa mắt nhìn người bệnh, mặt lộ vẻ kinh ngạc.

Đường Trại Hoa khẽ hỏi: “Cha, cha đã nhìn thấy gì ư?” Đường Kim Phong nói: “Người này thân mang tuyệt kỹ, chẳng phải hạng tầm thường”. Đang nghĩ cách làm quan, chợt nghe bên ngoài có tiếng bước chân, chỉ nghe một đứa trẻ nói: “Tôi không ở ngôi chùa hoang này đâu”. Rồi nghe bốp một tiếng, hình như có người vỗ vào mông đứa trẻ, mắng lớn: “Ngươi còn giở trò thiếu gia. Có chùa hoang cho ngươi ở đã tốt, chả lẽ ngươi muốn ở cung điện?” một người nói: “Muốn ở cung điện không khó, nhưng đáng tiếc ngươi chẳng ở được lâu”. Người ấy đá cánh cửa kêu bình một tiếng, đột nhiên phát giác bên trong có người nên đứng sửng sốt.

Ánh mắt của mọi người bên trong đều nhìn ra ngoài, chỉ thấy có hai người bước vào, một người mặc đồ xanh eo mang phác đao, ăn mặc như kiểu võ sĩ, dắt một đứa trẻ trông rất sang trọng, đứa trẻ này khoảng bốn năm tuổi, mắt thanh mày tú rất dễ thương nhưng môi cứ mím chặt tựa như đang chịu ấm ức.

Một võ sĩ mặc áo xanh quát: “Ai trong đó?” Đường Hiểu Lan đáp: “Khách qua đường”. Đường Kim Phong lạnh lùng nói: “Núi hoang chùa cổ, ai cũng có thể ở nhờ, ngươi cứ mặc kệ bọn ta là ai!” hai tên võ sĩ quét mắt nhìn y, Đường Kim Phong cười lạnh ngạo nghễ, trừng mắt ra nhìn lại, hai tên võ sĩ này thấy y mặt hồng hào tóc bạc, tinh thần tráng kiện, hai mắt sáng quắc có thần, rõ ràng là nội công thâm hậu, cả hai đưa mắt nhìn nhau rồi khẽ mắng: “Hay cho lão già già mồm!” nhưng cũng không dám đa sự.

Ngạch Âm Hòa Bố cả giận, vận đủ một nội lực phát ra liên tục mấy chưởng, Đường Hiểu Lan tuy trong màn kiếm quang nhưng cũng bị chấn động đến lắc lư không ngừng, kiếm pháp vẫn không hề lơi lỏng, trong lúc gấp gáp, Ngạch Âm Hòa Bố chẳng làm gì được chàng.

Phùng Anh thoái lui, mũi chân điểm xuống đất, phóng vọt người tới lướt qua đầu bọn lính, nàng đang mặc nhuyễn giáp nên ám khí bắn vào người nàng, rơi xuống lả tả, trong chớp mắt đã hạ xuống bên cạnh cha con Đường Kim Phong.

Bọn lính thấy ám khí chẳng làm gì được nàng, bất giác kinh ngạc, Đường Kim Phong liếc nàng, khẽ gật đầu tựa như rất cảm kích. Phùng Anh không sợ ám khí, thế là múa cây bảo kiếm thành một đường ngân hồng, chặn trước mặt Đường Kim Phong, đánh rơi ám khí của kẻ địch. Đường Kim Phong dùng Táng môn đinh phóng vào huyệt đạo của kẻ địch, thế là bọn lính lại thoái lui thêm mấy bước, đôi bên vẫn giằng co với nhau.

Đường Hiểu Lan một mình đấu với Ngạch Âm Hòa Bố chỉ có thể phòng thủ chứ không thể tấn công, Ngạch Âm Hòa Bố thở phào liên tục phóng ra mấy chưởng, đẩy Đường Hiểu Lan thoái lui mấy bước, y đột nhiên vọt tới, hai chưởng đẩy xéo ra, ám khí đều bị chưởng lực của y đánh rơi, Phùng Anh thất kinh, cây đoản kiếm trở tay đâm lại, Đường Kim Phong cũng biến sắc, dùng thuyết cật loe phóng ra nhưng chỉ thấy Ngạch Âm Hòa Bố hơi lách người, đã lướt tới bên cạnh họ, lao bổ về phía người bệnh nằm dưới tượng Phật. Té ra Ngạch Âm Hòa Bố không phải đến bắt cha con Đường Kim Phong, y lướt tới là bắt người bệnh kia.

Đống lửa dưới tượng Phật đã tắt, khói bốc lên mù mịt, Ngạch Âm Hòa Bố cười lạnh nói: “Bối lạc gia, cần gì phải vất vả thế, hãy theo nô tài về cung!” rồi đưa tay giở tấm mền của người bệnh, chợt nghe bốp một tiếng, Ngạch Âm Hòa Bố đã trúng một đòn trên mặt đau nhói. Ngạch Âm Hòa Bố trở tay chụp vào cổ tay của người ấy, người ấy ngồi bật dậy, nói: “Được, ta đã thừa biết Dận Trinh không buông tha cho ta. Ngươi đến đây có phải là vì ta không?” Ngạch Âm Hòa Bố nói: “Hoàng thượng có thành ý mời bối lạc về kinh”. Người ấy nói: “Đã thế, người hãy thả cha con họ đi thôi!”

Lúc này mọi người đều bất ngờ, cuộc giao phong bằng ám khí giữa hai bên đã tạm thời ngừng lại. Đường Hiểu Lan nheo mắt nhìn lại, chỉ thấy người bệnh kia tuy vẻ mặt tiều tụy nhưng vẫn còn uy nghi, chợt nhớ ra rằng, người ấy chính là Cửu bối lạc Dận Đường.

Chỉ nghe rắc một tiếng, Ngạch Âm Hòa Bố đã bóp gãy cổ tay của Dận Đường, khóa hai tay của y lại, khom người nói: “Chỉ cần chúng không làm khó nô tài, nô tài sẽ tuân lệnh”. Số là sau khi Ung Chính đang ngồi vững trên ngai vàng, bước đầu tiên là cắt bỏ vây cánh của các bối lạc, bước thứ hai là mượn cớ giết từng người đã tranh đoạt ngôi vua với mình, trong đó Cửu bối lạc Dận Đường và Thập bối lạc Dận Nga tinh thông võ công, hai người này nghe tin phong phanh đã bỏ trốn. Ngạch Âm Hòa Bố vốn là đuổi theo Dận Đường chứ không phải đi bắt bọn Đường Hiểu Lan. Ngạch Âm Hòa Bố thầm nhủ: “Kiếm pháp của Đường Hiểu Lan và Phùng Anh tinh diệu lạ thường, ám khí của lão già cũng rất lợi hại, nếu có giằng co nữa e rằng sẽ có chuyện bất ngờ” cho nên khi Dận Đường đề nghị bảo thả bọn họ đi, Ngạch Âm Hòa Bố cũng liền thuận nước đẩy thuyền.

Đường Kim Phong rất ngạc nhiên, thầm nhủ: “Té ra đương kim Hoàng đế lại vô tình đến thế, cốt nhục mà cũng tương tàn huống chi là người ngoài. Trước kia mình cho Vương Ngạo làm công sai, đã đoán được chẳng có kết cuộc tốt”. Y nhìn kỹ lại, chỉ thấy Dận Đường đau đến nỗi mồ hôi tuôn xuống ròng ròng, nhưng vẫn cố nghiến răng chịu đựng, không rên một tiếng. Ngạch Âm Hòa Bố lại khom người nói: “Không còn sớm nữa, xin mời bối lạc lên đường!”

Dận Đường chợt cười thảm, lớn giọng nói: “Các người đã thấy rồi đấy, đời đời kiếp kiếp không nên sinh ra ở chốn hoàng gia!” Đường Hiểu Lan nghe thế, tay đè lên thanh kiếm định xông ra. Phùng Anh khẽ nói với chàng: “Huynh đã không còn là người trong hoàng gia nữa, bọn chúng cũng không coi huynh là bối lạc, cái hận thân thế huynh quên sớm đi thôi, chứ như người này tranh giành ngôi báu với Dận Trinh, cũng chẳng phải thứ tốt lành gì, huynh cần gì phải liều mạng vì y?” Đường Hiểu Lan thở dài nói: “Huynh không phải muốn cứu y… huynhh…” lúc này tâm trạng của chàng rất phức tạp, rất khó giải thích.

Ngạch Âm Hòa Bố kéo Dận Đường chậm rãi bước ra chợt có một tên lính chỉ vào Niên Thọ, nói: “Bẩm đại nhân, đây là con của Niên Canh Nghiêu. Hai người lúc nãy là vệ sĩ tâm phúc của Niên Canh Nghiêu”. Đường Kim Phong càng kinh hãi hơn, nhìn đứa trẻ, chỉ thấy đứa trẻ mặt trắng bệt, kêu: “Công công cứu con, con không đi, con không đi!” Ngạch Âm Hòa Bố cười ha hả: “Thật là một cơ duyên tốt!” rồi đưa mắt nhìn Đường Kim Phong, quát: “Lão già kia, ngươi là người thế nào của Niên Canh Nghiêu?” Đường Kim Phong nói: “Chẳng thế nào cả”. Ngạch Âm Hòa Bố quát: “Thế thì được, trao đứa trẻ cho ta, ta tha chết cho ngươi!” Niên Thọ khóc òa lên, Đường Trại Hoa vội nói: “Cha, đừng!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.