Năm xưa cho rằng sơn
cùng thủy tận, đi đến tình cảnh không có lối thoát, nhưng hiện nay lại
cảm thấy đường đi xa thẳm, phương xa rất xa. Đến sau cùng, du ngoạn chốn phù thế hồng trần, Tsangyang Gyatso đã học được sân vắng dạo bước.
Phải đọc một bài thơ xao xuyến lòng người như thế nào, mới không kinh động
tâm tình đã bình tĩnh? Nên kể lại câu chuyện của một khách qua đường như thế nào, mới không xáo trộn ngày tháng đã đi vào yên ổn? Tình cảm và
vận mệnh của con người tựa như mây trôi bồng bềnh không thể nắm bắt, lúc tụ lúc tan, lúc ly lúc hợp. Chúng ta rốt cuộc hiểu biết bao nhiêu về
nhân quả? Nhân của kiếp trước, quả của kiếp này, nhân của hôm qua, quả
của hôm nay. Lẽ nào nhân quả luân hồi, thật sự sẽ đến một cách chính xác chẳng sai, không xuất hiện mảy may sai sót và lệch lạc?
Nhiều
người từng đọc “Bí truyện” của Ngawang Lhundrup Daji, sẽ không tự chủ
được khiến mình chìm đắm trong nó, vờ như những câu chuyện này Tsangyang Gyatso từng trải qua, dần dà lâu ngày, đã biến thành thật. Đây không
xem là dối mình dối người, con người phải học cách tự mình điều tiết,
mới có thể đạt được càng nhiều vui vẻ và thỏa mãn. Nếu một mực chấp nhất với chân tướng, sẽ mất đi nhiều quá trình tưởng tượng tốt đẹp, mất đi ý nghĩa theo đuổi vốn có.
“Trong khoảnh khắc, tưởng chừng trời
rung đất chuyển, bão tố dữ dội nổi lên, nhất thời tối sầm không phân
biệt được phương vị. Bỗng nhiên, thấy trong gió bão có ánh lửa chập
chờn, ngắm kỹ, lại hóa ra một phụ nữ ăn mặc kiểu người chăn nuôi đi ở
phía trước, tôi đi theo sau bà ta, mãi đến lúc bình minh, người phụ nữ
đó lặng lẽ ẩn đi, gió bão cũng ngưng, mặt đất mênh mang, chỉ sót lại cát vàng và khói bụi vô tận.” Đoạn văn này là ghi chép trong “Bí truyện”
của Ngawang Lhundrup Daji.
Tsangyang Gyatso rời hồ Thanh Hải, một mình đi về phía trước trong gió bụi mênh mang, sau đó đã có lần gặp gỡ
này, còn người phụ nữ này là Thiên Mẫu, chỉ hiện thân giúp Ngài thoát
hiểm. Cuộc gặp gỡ thần kỳ ấy càng thêm ít nhiều sắc thái thần thoại cho
Tsangyang Gyatso vốn đã ly kỳ. Đừng xét nét thật giả của chuyện này, tóm lại Tsangyang Gyatso đã thoát khỏi nguy hiểm, không còn là tù phạm bị
mấy ngàn người áp giải về kinh thành. Xem ra Tsangyang Gyatso kiếp này
thật sự không có duyên với tòa hoàng thành ấy, Ngài thuộc về đất Tạng
bao la, chỉ có ở đây, hồn phách mới chẳng cô độc không nơi nương tựa.
Đây là tự do Tsangyang Gyatso lần đầu tiên có được từ sau khi mười lăm tuổi vào ở trong cung Potala. Ngắm áng mây bồng bềnh trên bầu trời quang
đãng, ngắm chim ưng dang cánh chao liệng, cả đến gió mát lướt qua bên
người, tất cả đều khiến Ngài cảm thấy thoải mái trước giờ chưa từng có.
Mọi thứ của hôm qua đã chết, Ngài chỉ sở hữu hôm nay và ngày mai.
Tsangyang Gyatso không còn là vị Đạt Lai thứ 6 ngồi ngất ngưởng trên
ngai Phật của cung Potala kia nữa, cũng không còn là chàng Dangsang
Wangpo có thể lang thang trên đường phố Lhasa mặc ý uống rượu vui ngông
kia nữa. Giờ đây bản thân Ngài cũng không biết mình là ai, không biết
mình phải làm gì. Ngài chỉ biết mình là người tự do, có thể tùy ý đi lại ở vùng hoang nguyên rộng lớn này, dù chịu hết khổ nạn, cũng không oán
không hối.
Nhiều năm qua, Tsangyang Gyatso tuy thân là thủ lĩnh
chính giáo Tây Tạng, là Phật sống trong lòng trăm ngàn tín đồ, nhưng
Ngài chưa từng thật sự vui vẻ. Bởi vì Ngài đã mất tự do, Ngài chính là
chú chim sẻ lông vàng bị nhốt trong nhà đẹp, được cho ăn gạo ngọc kê
vàng, vẫn tiều tụy trơ xương, u uất kém vui. Nếu không có đoạn nhạc xen
giữa đẹp đẽ kia của quán rượu nhỏ Makye Ame, Tsangyang Gyatso có lẽ đã
khô héo trong cung Potala, đời người chẳng còn vui thú gì. Trải qua một
trận ảo diệt, Ngài cần sống lại, chỉ có sống lại mới có thể khiến Ngài
tìm lại mọi thứ từng đánh mất.
Nhưng sau khi sống lại thật sự có
thể sống theo ý nguyện của mình chăng? Sau khi Tsangyang Gyatso có lại
tự do, việc Ngài nghĩ đến đầu tiên là các tín đồ ủng hộ Ngài, Ngài không quên được tình cảnh mình từ cung Potala bị áp giải ra ngoài, những sư
sãi và tín đồ ấy rơi lệ ròng rã vì Ngài, chiến đấu quên mình vì Ngài,
chảy máu hy sinh vì Ngài. Giờ đây Ngài được giải thoát, cũng là nhờ
người Tạng giải cứu, nhờ Phật tổ từ bi. Ngài nên dùng Phật pháp tu luyện nhiều năm của mình, dùng trí tuệ tỉnh táo của mình, để cứu giúp đám
người hèn mọn như sâu kiến ấy, cứu giúp chúng sinh vẫn chìm đắm trong
ngu muội và khổ nạn ấy.
Phật Đà đã tiếp tục sinh mệnh của Ngài,
nghĩa là đã trao cho Ngài sứ mệnh lớn hơn, trước sứ mệnh to tát, Ngài
không thể lùi lại, đồng thời biết rõ con đường phía trước sẽ không bằng
phẳng.
Trải qua dặm trường rong ruổi, Tsangyang Gyatso đã sức
cùng lực kiệt, dọc đường ăn đói mặc rét, Tsangyang Gyatso lần đầu nếm
được nỗi khổ đi xa. Một vị Phật sống đã sống quen cuộc sống an nhàn, từ
đó trải qua những ngày lưu vong chân trời. Nếu Lha-bzang Khan biết
Tsangyang Gyatso còn tồn tại trên đời, liệu y có tha cho Ngài không? Bị
bức bách bởi thế lực của Lha-bzang Khan, Tsangyang Gyatso chỉ có thể dấu họ chôn tên, lưu đày nơi đất tuyết hoang nguyên. Dù khốn cùng, nhưng
Ngài vẫn xem là đã có tự do, dù không thể xuất hiện với thân phận thật
sự, nhưng Ngài có thể làm một người ẩn đời, làm một nhà sư vô danh vân
du bốn bể. Dù chỉ là một lữ khách chân trời, Ngài cũng có thể vừa tu
hành, vừa độ hóa chúng sinh dọc đường.
Hành trình gian nan, khổ
nạn trùng trùng, Tsangyang Gyatso trà trộn trong dòng người đủ mọi sắc
tộc, trải qua nhiều tao ngộ trước giờ chưa hề có. Thuở bé sống ở làng
quê nhỏ yên bình, chưa từng biết thế giới bên ngoài rộng lớn dường này.
Sau đó vào ở trong cung Potala to đẹp đường hoàng, càng không biết nhân
gian còn có nhiều buồn khổ như vậy. Hóa ra trong hồng trần có nhiều
khách phiêu bạt đến thế, bận rộn như sâu kiến vì sinh tồn mà vẫn không
đổi được yên ổn bình dị nhất. Tsangyang Gyatso đi cùng những người này,
cũng sống những ngày gió mưa lay lắt, Ngài từng ăn cơm thừa, từng ngủ
hang động, thậm chí áo không che nổi thân, lo được bữa sớm, không chắc
lo được bữa tối.
Tsangyang Gyatso từ Thanh Hải di chuyển đến Tứ
Xuyên, du ngoạn Khang Định[1], lại dừng chân nhiều ngày ở Nga My[2], sau đó đến vùng Kham Tây Tạng. Chẳng may nhiễm phải bệnh đậu mùa ở nơi này. Ngài chịu đựng sự dày vò của bệnh tật và đói khát, năm lần bảy lượt
chống chọi với thần chết. Ngài một mình khó nhọc vượt qua rất nhiều khổ
nạn. Ngài không rõ, là ai đã biến nhân gian tốt đẹp thành luyện ngục.
Cuộc sống lưu lạc nhiều năm sau đó khiến Ngài nếm trọn gió thảm mưa sầu
của đời người, trải qua vô số kiếp nạn, Ngài xem tất cả những chuyện này là trừng phạt của Phật tổ đối với ngài, là mài giũa hữu ý của cao xanh.
[1] Khang Định (Dardo, Darzêdo) là một huyện thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư (Garzê), tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
[2] Nga My: một ngọn núi nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là một trong tứ
đại Phật giáo danh sơn, được cho là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Núi
Nga My cùng bức tượng Đại Phật Lạc Sơn được UNESCO công nhận là Di sản
thế giới năm 1996.
Lưu lạc nhân gian, trải qua khổ nạn dày vò
khiến Tsangyang Gyatso cảm thấy, du hý nhân sinh trong quá khứ thật là
không nên. Những kẻ thống trị cấp cao trên võ đài chính trị, vì quyền
lực khiêu khích chiến tranh thật khiến người đời phẫn nộ. Bản thân mình
thật uổng làm Phật sống nhiều năm, uổng đọc mấy năm kinh Phật, lại chưa
từng mảy may giúp đỡ cho những chúng sinh tín ngưỡng Ngài. Lẽ nào sứ
mệnh của Ngài không phải là vì hạnh phúc của chúng sinh? Lẽ nào Ngài có
thể vì thú vui hưởng lạc của mình mà không quan tâm, không chăm lo cho
họ? Lẽ nào Ngài không nên vô tư bước ra, một mình đứng nơi tăm tối và
vẩn đục, gánh chịu khổ nạn vì dân chúng, cho họ ánh sáng và ấm áp?
Mọi thứ ngày hôm qua tựa như trăng trong nước, hoa trong gương, lúc đó Ngài chìm đắm trong mộng đẹp, còn hay oán trời trách người. Ngày nay mới
biết, lẽ ra Ngài nên sớm tỉnh khỏi giấc mộng, đi vào trong chúng sinh,
để đóa sen tinh khiết nỡ giữa chốn bụi trần, mới có thể có sự trình bày
với Phật tổ, trình bày với những tín đồ từng lễ bái Ngài, cũng trình bày với bản thân. Dùng linh tính và tuệ căn của Ngài, độ hóa chúng sinh,
khiến họ thoát khỏi khổ nạn và ngu muội, từ đó khiến linh hồn đạt được
siêu thoát chân chính.
Năm xưa cho rằng sơn cùng thủy tận, đi đến tình cảnh không có lối thoát, nhưng hiện nay lại cảm thấy đường đi xa
thẳm, phương xa rất xa. Đến sau cùng, du ngoạn chốn phù thế hồng trần,
Tsangyang Gyatso đã học được sân vắng dạo bước. Cơm thừa canh cặn, Ngài
nếm ra mùi vị Ban Nhược; gửi thân đất tuyết hoang nguyên, Ngài như ngồi
ngay ngắn trên mây. Vinh hoa phú quý của dĩ vãng đã là mây nước; phong
hoa tuyết nguyệt một thời xem như ảo mộng.