Roran và Eragon chia tay ngoài ngoại ô Carvahall. Eragon thả bộ tới nhà ông lão kể chuyện Brom. Nó vừa đưa tay gõ cửa, một tiếng nói gắt gỏng cất lên:
– Thằng nhỏ, mi cần gì?
Nó quay phắt lại. Phía sau nó, ông lão Brom cúi mình trên cây gậy chạm trổ những hình ảnh lạ kỳ. Lão mặc áo trùm đầu màu nâu như một nhà tu. Một cái túi lủng lẳng ngay thắt lưng da. Trên chòm râu trắng, cái mũi kiêu hãnh, khoằm khoằm như mỏ phượng hoàng. Eragon vội nói:
– Cháu đến hỏi ông một vài việc. Anh Roran đi sửa cuốc, cháu được rảnh, tới nhờ ông cho cháu biết vài điều.
Ông lão càu nhàu, mở cửa. Eragon nhìn thấy cái nhẫn vàng trên ngón tay ông, một viên ngọc sáng ngời, nổi bật một hình chạm kỳ lạ.
Trong nhà tối đen như mực, một mùi chua chua nồng nặc trong không khí. Ông vừa đi lại trong tối vừa nói:
– Những câu hỏi của cháu thì chẳng bao giờ chấm dứt, vào nhà mới nói hết được. Phải châm đèn lên đã. À, đây rồi.
Ông ngồi trong ánh nến chập chờn trước lò sưởi. Từng chồng sách chất trên cái ghế dựa chạm trổ, đặt trước kệ. Mặt ghế và tấm dựa lưng đều bằng da nhồi bông với những hình vẽ hoa hồng. Những cái ghế nhỏ hơn chất đầy những cuộn giấy. Bình mực và bút ngổn ngang đầy bàn viết. Ông bảo Eragon:
– Kiếm chỗ ngồi xuống đi. Nhưng phải thận trọng, toàn đồ quí đó.
Eragon lách qua những tấm da thuộc viết đầy cổ ngữ. Nó rón rén ôm những cuộc giấy đặt xuống sàn. Vừa ngồi xuống, bụi bốc mịt mù, nó cố nhịn hắt hơi.
Ông lên tiếng:
– Tốt rồi. Không gì thú hơn trò chuyện bên lò sưởi.
Ông lật bỏ áo trùm đầu để lộ mái tóc không chỉ trắng mà ánh lên như bằng bạc. Rồi ông treo siêu nước nhỏ trên lửa lò sưởi. Ngồi lại xuống ghế, ông hỏi Eragon:
– Nào, cháu muốn hỏi gì?
– Dạ…cháu thường nghe về những Kỵ Sĩ Rồng và tài năng của họ. Hầu hết mọi người đều mong họ trở lại, nhưng chưa bao giờ cháu nghe kể, họ đã khởi đầu ra sao? Những con rồng từ đâu tới? Và điều gì làm các Kỵ Sĩ khác biệt với những con rồng?
– Quá nhiều vấn đề để kể cho cháu. Nếu ta nói hết lịch sử về họ, thì chúng ta phải ngồi đây tới mùa đông năm sau. Thôi để ta tóm tắt, nói sơ sơ cho cháu nghe. Nhưng trước hết, để ta lấy tẩu thuốc đã.
Eragon kiên nhẫn ngồi chờ ông lão nhồi tẩu thuốc. Nó rất quí ông. Nhiều khi ông lão hay nổi giận, nhưng chưa bao giờ ông tiếc thì giờ với nó. Một lần Eragon hỏi ông từ đâu tới, lão ha hả cười bảo: “Từ một ngôi làng rất giống Carvahall này, chỉ có điều không hoàn toàn thú vị như ở đây.” Nó càng thêm tò mò, hỏi cậu. Nhưng cậu Garrow chỉ có thể cho nó biết, ông lão đã mua căn nhà ở Carvahall gần mười lăm năm trước và sống lặng lẽ tại đó kể từ ngày ấy.
Ông Brom châm tẩu thuốc bằng hộp mồi lửa. Bập vài hơi, rồi nói:
– Bây giờ chúng ta sẽ không phải ngừng câu chuyện nữa, chỉ trừ khi nhấm nháp ngụm trà. Nào, về các Kỵ Sĩ, hay Shur’tugal, như những thần tiên gọi họ. Bắt đầu kể từ đâu bây giờ? Họ đã sống từ vô vàn năm trước và đã chỉ huy hai lần đất đai của triều đình. Biết bao chuyện kể về họ, đa phần là những chuyện phi lý. Nếu cháu tin vào tất cả những chuyện đó, cháu sẽ tưởng họ có quyền lực của những vị thần linh. Các nhà thông thái đã bỏ ra cả đời để phân biệt những chuyện hoang đường và sự thật, nhưng dường như chưa vị nào thành công. Tuy nhiên đó không phải chuyện không làm được, nếu ta chỉ hạn chế tìm hiểu trong ba lĩnh vực. Các Kỵ Sĩ khởi đầu ra sao, tại sao họ được tôn trọng đến như vậy, và rồng đến từ đâu. Ta sẽ bắt đầu nói về đề tài cuối cùng này trước.
Eragon ngồi im, lắng nghe giọng kể êm như ru của ông già.
– Rồng có mặt đồng thời với vùng đất Alagaesia được tạo ra. Nếu chúng có hồi kết thúc, thì chính là khi thế giới này không còn nữa, vì chúng có khả năng chịu đựng như trái đất này. Rồng, người lùn, và một vài sinh vật khác là những cư dân thật sự tại nơi này. Chúng sống tại đây trước muôn loài. Mạnh mẽ và kiêu hãnh từ cội nguồn đầy vinh quang của chúng. Thế giới của chúng không hề thay đổi, cho tới khi những thần tiên đầu tiên vượt đại dương tới đây, trên những con thuyền bằng bạc.
– Những thần tiên từ đâu tới, và tại sao họ lại bị gọi là chuyện hoang đường. Họ có thật sự tồn tại không?
– Cháu có muốn những câu hỏi của cháu được trả lời không?
– Cháu xin lỗi.
Lão Brom trầm ngâm nhìn ngọn lửa liếm đáy siêu, chậm rãi tiếp:
– Nếu cháu biết rằng, thần tiên được cho là chuyện hoang đường là vì, họ thanh nhã, diễm lệ hơn tất cả các loài khác. Họ tới từ một nơi mà họ gọi là Alalea, chẳng ai hiểu nghĩa là gì và nơi đó ở đâu. Khi đó thần tiên rất hãnh diện về dòng giống và phép thuật cao cường của họ. Lúc đầu họ coi loài rồng chỉ là thú vật. Với niềm tin đó mới nẩy sinh một lầm lẫn chết người. Một chàng trẻ tuổi của họ đã đi săn và giết chết một con rồng, như giết một con nai vậy. Loài rồng nổi giận, phục kích và giết hại thần tiên. Bất hạnh là chuyện đổ máu không ngừng lại ở đó. Rồng tập hợp lại và tấn công toàn thể xứ của thần tiên. Khiếp đảm trước sự hiểu lầm như khủng khiếp này, thần tiên cố gắng chấm dứt chuyện oán thù, nhưng không có cách nào liên hệ được với loài rồng. Do đó, những rắc rối nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, dẫn đến một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, mà sau đó cả hai phe đều ân hận. Lúc đầu, thần tiên chiến đấu chỉ để tự vệ, vì họ phải miễn cưỡng leo thang cuộc chiến, nhưng rồi sự tàn bạo của rồng đẩy họ đến chỗ bắt buộc phải tấn công để sống còn. Chuyện này kéo dài suốt năm năm, và còn kéo dài không biết tới bao giờ, nếu không có một vị tiên tên là Eragon nhặt được một trứng rồng….
Eragon chớp mắt đầy kinh ngạc. Ông lão bảo:
– A, ta thấy là cháu không rõ nguồn gốc tên của cháu rồi.
– Dạ, không.
Siêu nước sôi sùng sục. Eragon chẳng hiểu sao tên nó lại được đặt theo tên một thần tiên. Brom xách siêu nước rót vào hai tách. Đưa cho Eragon tách nước trà, ông nói:
– Món này làm cháu thấy chuyện càng thêm phần hấp dẫn. Cánh trà này không cần ngâm lâu trong nước uống đi, để lâu chát lắm.
Eragon vừa nhấp một ngụm, lưỡi nó nóng rát như bị phỏng. Ông lão bỏ tách trà xuống, tiếp tục hút tẩu thuốc:
– Chẳng ai hiểu vì sao quả trứng bị bỏ quên tại đó. Người thì bảo, cha mẹ của trứng bị giết trong cuộc chiến, kẻ lại tin rằng quả trứng bỏ đó có mục đích. Dù sao, Eragon đã nhận ra sự ích lới chăm nuôi một con rồng thân thiện. Ông ta bí mật nuôi nó và theo tục lệ xưa, ông đặt tên nó là Bid’Daum. Khi Bid’Daum trưởng thành, họ cùng du hành với những rồng khác và thuyết phục chúng sống hòa bình với những thần tiên. Những hiệp ước được thành lập giữa hai loài. Để bảo đảm chiến tranh không bao giờ xảy ra nữa, họ quyết định cấp thiết thành lập đoàn Kỵ Sĩ Rồng. Lúc đầu, các Kỵ Sĩ chỉ là phương tiện liên lạc giữa rồng và thần tiên. Càng về sau, họ càng chứng tỏ giá trị và họ được trao nhiều quyền lực hơn. Dần dần họ chiếm đảo Vroengard làm quê hương và xây dựng một thành phố, Doru’ Areaba, tại đó. Trước khi Galbatorix lật đổ họ, các Kỵ Sĩ nắm giữ nhiều quyền lực hơn hầu hết các vua chúa tại Alagaesia. Vậy là ta đã trả lời hai câu hỏi của cháu rồi đó.
– Dạ, nhưng Eragon nghĩa là gì?
– Ta không biết. Tên đó quá cổ xưa rồi. Ta ngờ là chẳng ai còn biết, trừ những thần tiên. Nhưng cháu phải cực kỳ tốt phước mới có cơ may gặp được một người của họ. Dù sao tên cháu rất hay, cháu nên hãnh diện vì cái tên đó. Không phải ai cũng được vinh dự này đâu.
Eragon tạm quên thắc mắc vì sao tên nó lại được đặt theo tên Kỵ Sĩ Rồng đầu tiên, vì nó muốn hỏi thêm một điều còn thiếu trong những lời kể của ông già.
– Cháu không hiểu, chúng ta ở đâu, khi những Kỵ Sĩ được tạo ra?
– Chúng ta?
– Ông biết mà, ý cháu là…nói chung về con người.
– Chúng ta không sinh ra trên đất này trước thần tiên. Ba thế kỷ sau khi có Kỵ Sĩ, tổ tiên chúng ta mới tới đây.
– Không thể như thế được. Từ xưa tới gờ, chúng ta vẫn sống tại thung lũng Palancar này mà.
– Chỉ vài thế hệ thôi, trước đó thì không đúng. Kể cả cháu nữa, Eragon. Dù cháu coi mình là một phần tử trong gia đình Garrow, điều đó cũng có phần đúng, nhưng tổ tiên cháu không phải dân của đất này. Hỏi mọi người quanh đây coi, cháu sẽ thấy, họ cũng không phải là dân ở đây từ xa xưa đâu.
Eragon nhấm ngụm trà vẫn còn nóng bỏng. Nó nhủ thầm, đây là quê hương mình, mà lại không liên quan gì tới người mà mình gọi bằng cha? Nó lại hỏi tiếp:
– Sau khi những Kỵ Sĩ bị tiêu diệt, chuyện gì đã xảy ra cho những người lùn?
– Không ai thật sự biết rõ điều này. Sau mấy trận chiến, khi thấy Galbatorix nắm chắc phần thắng, họ bịt kín lối vào những địa đạo và biến vào lòng đất. Theo ta biết, cho đến bây giờ, không một ai nhìn thấy họ.
– Còn những con rồng? Chắc chúng không bị giết chết hết chứ?
– Cho đến ngày nay, đó vẫn là bí mật lớn nhất tại Alagaesia: Bao nhiêu rồng thoát khỏi sự tàn sát của Galbatorix? Hắn chỉ để lại kẻ nào sẵn lòng phục vụ hắn. Nhưng chỉ những con rồng rồ dại của những gã phản đồ mới trợ lực cho máu điên loạn của hắn. Nếu còn con rồng nào sống sót, chúng cũng đã tự ẩn mình, để thoát khỏi bàn tay của triều đình.
Vậy thì con rồng của mình từ đâu ra? Eragon tự hỏi.
– Khi thần tiên tới Alagaesia, tụi quái Urgals đã có mặt ở đây chưa?
– Chưa. Chúng theo thần tiên vượt biển, như lũ ruồi đi săn máu vậy. Chính chúng là nguyên nhân là các Kỵ Sĩ trở nên giá trị trong cuộc chiến bảo vệ hòa bình đầy dũng cảm. Rất nhiều điều cần học hỏi trong giai đoạn lịch sử này.
– Dạ, lần trước cháu đã được nghe ông kể chuyện….
Ông lão gầm lên, mắt sáng rực:
– Chuyện à? Nếu đó là chuyện, thì lời đồn về cái chết của ta là sự thực rồi, và bây giờ cháu đang chuyện trò với hồn ma chắc? Đó là lịch sử. Phải tôn trọng quá khứ. Cháu không biết quá khứ có thể ảnh hưởng đến cháu cỡ nào đâu.
Eragon chờ ông dịu xuống mới dám hỏi:
– Rồng lớn cỡ nào, hả ông?
– Lớn hơn một ngôi nhà. Ngay một con rồng nhỏ, xòa cánh đã tới khoảng ba mươi thước rồi. Có những con rồng, trước khi bị triều đình giết, có thể vượt qua những đỉnh núi cao chót vót.
Eragon khiếp đảm nghĩ, mấy năm nữa mình biết giấu con rồng vào đâu? Nó phát bực, nhưng ráng bình tĩnh hỏi:
– Chừng bao lâu chúng mới trưởng thành?
– Sau năm sáu tháng tuổi, chúng mới có thể phun lửa, đó là thời gian chúng có thể kết hôn. Càng nhiều tuổi, rồng phun lửa càng lâu. Có con phun hàng mấy phút.
– Cháu nghe nói, vảy của chúng sáng như ngọc.
– Cháu nghe đúng đó. Chúng có đủ lọai màu sắc, đậm lạt. Người ta bảo chúng quần tụ một bầy, trông như một cầu vồng sống. Nhưng ai nói với cháu điều này?
– Dạ…một thương gia.
– Tên người ấy là gì?
Cặp mày bạc của ông nhíu lại, những vết nhăn trên trán hằn sâu.
– Cháu không biết. Ông ta nói chuyện trong quán rượu của chú Morn, nhưng cháu không tìm hiểu ông ta là ai. Ông ta còn nói, một Kỵ Sĩ có thể đọc được ý nghĩ con rồng của mình.
Eragon nói vội, hy vọng gã lái buôn tưởng tượng sẽ làm ông không nghi ngờ nó.
Lim dim ắt, ông già chậm chạp mồi thuốc, hít một hơi rồi mới nói:
– Hắn nói sai rồi. Ta thuộc sử rất rõ, làm gì có chuyện đó. Hắn còn nói gì nữa không?
– Dạ không. Rồng sống lâu lắm, phải không ông?
– Rất lâu. Sống mãi mãi. Thật ra chúng sống cho đến khi bị giết hay khi Kỵ Sĩ cưỡi nó qua đời.
Eragon phản đối:
– Làm sao người ta biết được? Nếu nó chết, khi Kỵ Sĩ cưỡi nó chết, nó chỉ có thể sống được đến sáu bảy chục tuổi là cùng. Ông đã kể rằng, các Kỵ Sĩ sống hàng mấy trăm năm. Điều đó không thể có được.
Nó áy náy, sợ vẫn cứ sống lù lù trong khi bạn bè, gia đình thì chết ráo hết.
Ông già Brom nhếch mép cười tinh quái:
– Điều có thể chỉ là vấn đề chủ quan. Ai có thể nói cháu vượt qua được rặng Spine và vẫn sống? Vậy mà cháu làm được đó thôi. Chỉ là vấn đề trí tuệ. Còn nhỏ mà cháu biết nhiều như vậy, hẳn là cháu phải rất khôn ngoan chứ. Cháu quên rồng rất thần kỳ, gây ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ chung quanh một cách thật lạ lùng sao. Các Kỵ Sĩ gần gũi chúng nhất và quá rõ điều này. Ảnh hưởng mạnh nhất từ chúng là, sự kéo dài tuổi thọ. Nhà vua của chúng ta sống lâu đến thế nào, đủ chứng minh điều đó. Nhưng nhiều người lại cho rằng nhà vua trường thọ là do năng lực phép thuật của chính ông ta. Có những đổi thay mà mọi người ít nhận ra: tất cả những Kỵ Sĩ đều có thể lực cường tráng hơn, tinh thần minh mẫn hơn và thị lực chính xác hơn những con người bình thường. Cùng với những điều này, đôi tai họ cũng dần dần nhọn hơn, tuy không bao giờ nổi rõ hẳn như tai thần tiên.
Eragon suýt đưa tay lên rờ vành tai. Con rồng này còn làm thay đổi đời mình bằng những gì khác nữa không? Không chỉ xâm phạm vào trí óc mình, nó còn có thể thay đổi ngọai hình mình nữa sao?
Eragon hỏi:
– Loài rồng có thông minh không ông?
– Cháu không nhớ những gì ông nói sao? Chẳng lẽ các thần tiên thiết lập những thỏa ước hòa bình với một lũ súc sinh ngu dốt? Chúng thông minh như ông cháu mình vậy.
– Nhưng chúng là loài vật.
– Chúng là lòai vật như chúng ta. Lý do con người tôn vinh các Kỵ Sĩ mà quên đi loài rồng, vì họ cho rằng rồng chỉ là phương tiện chuyên chở người từ nơi này tới nơi khác thôi. Không đúng vậy. Kỵ Sĩ chỉ có thể tạo nên những chiến công hiển hách là nhờ ở rồng. Biết bao kẻ đã buông gươm khi biết một con thằn lằn khổng lồ phun được lửa và vô cùng khôn ngoan thận trọng, sẽ xuất hiện tức thì để ngăn chặn bạo lực hả?
Ông nhả một ngụm khói thuốc thành vòng tròn lơ lửng bay cao. Eragon hỏi:
– Ông đã thấy rồng bao giờ chưa?
– Hừ, những chuyện đó xảy ra trước khi có ta.
Giờ là lúc Eragon tìm cách tìm tên cho con rồng của nó:
– Cháu không thể nào nhớ nổi tên con rồng mà người nhà buôn kia nhắc tới, ông giúp cháu được không?
– Có những cái tên như Jura, Hírado và Fundor, những con rồng đã từng chiến đấu với con rắn biển khổng lồ. Galzra, Briam, Ohen, Gretiem, Beroan, Roslarb….
Ông kể một tràng nhiều tên khác nữa. Cuối cùng ông nói lên một cái tên, thì thầm như hơi thở:
– Và còn có cả Saphira nữa. Cháu đã nghe hắn nhắc đến tên nào?
– Hình như không. Nhưng trễ rồi, anh Roran chắc đã xong việc bên chú Horst, cháu phải về thôi.
– Sao vậy? Ta định trả lời tất cả những câu hỏi của cháu, cho tới khi Roran tới tìm cháu. Không thắc mắc gì về chiến thuật của rồng và những trận chiến nghẹt thở sao?
– Hôm nay cháu được ông chỉ dạy nhiều rồi.
– Tốt lắm, chào cháu. Đừng quên, nếu nhớ ra tên tay nhà buôn đó, báo cho ta biết.
– Cháu sẽ ráng nhớ. Cám ơn ông nhiều lắm.
Eragon vừa chậm rãi bước trong ánh nắng xiên xiên của một ngày dông, vừa nghĩ ngợi về những gì mới được nghe.