Đức Phật Và Nàng

Chương 46



Theo
thói quen thường ngày, tôi đến bên một gốc lựu, khom lưng đánh răng. Tôi mang
theo bàn chải đến đây, chỉ tiếc không có kem đánh răng, vì sợ nhiễm xạ, nên chỉ
có đánh răng bằng nước muối. Tắm rửa xong, Rajiva tựa cửa quan sát. Tôi mỉm
cười với chàng, rồi ngửa cổ lên trời, súc miệng sòng sọc.

Còn nhớ
một phẩm vui mà tôi từng xem. Anh con trai hỏi bạn gái: “Lấy anh nhé!”. Cô gái
lắc đầu từ chối. Anh ta rất ngạc nhiên: “Chúng ta thân mật thế này rồi, sao em
không chịu lấy anh?”. Cô gái đáp: “Vì em không muốn đánh răng, súc miệng trước
mặt anh”.

Đúng
vậy, có câu: “Kẽ sỉ có thể chết vì tri kỷ. Người con gái làm dáng vì kẻ yêu
mình” (Sử kí Tư Mã Thiên). Phụ nữ muốn mình luôn xinh đẹp trong mắt người yêu,
âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng nếu phải giống như phụ nữ Nhật Bản, trang điểm
xinh đẹp trước khi chồng thức giấc, ở nhà cũng phải ăn mặc chải chuốt, trang
điểm dịu dàng. Tôi không nghĩ như thế là đang sống, mà họ đang xem cuộc sống
như một nghề. Nếu bạn không muốn người bạn yêu nhìn thấy bộ dang lôi thôi, lếch
thếch, nhem nhuốc, thảm hại của bạn, điều đó chứng tỏ tình yêu của bạn chưa sâu
sắc và như vậy thì đừng bàn đến chuyện sống chung. Yêu thật sự, không có nghĩa
bạn phải yêu khuyết điểm của người kia. Mà là yêu con người giản dị, chân chất
đằng sau lớp trang sức màu mè bên ngoài.

Tôi thì
sao? Khi hạn nộp luận văn sắp đến, tôi không buồn rửa mặt đánh răng, đầu bù tóc
rối, ngồi ôm chiếc máy tính. Ngày cuối tuần, tôi nằm dài trên giường, ngủ nướng
cho đến khi cơn đói ập đến, khiến đầu óc tôi quay cuồng. Mùa đông giá lạnh, tôi
cắn răng nhìn đống quần áo chất cao như núi, ngâm trong chậu giặt suốt mấy ngày
liền, sau đó xử lí chúng bằng tốc độ nhanh nhất và ẩu nhất có thể. Nhiều lúc
tôi còn ngồi chồm hổm trong nhà vệ sinh, dán mắt vào một cuốn sách cho đến khi
bàn chân tê dại, muốn đứng dậy mà không đứng nổi. Liệu tôi có đủ can đảm để phô
bày sự lôi thôi, lếch thếch, vẻ thảm hại, những tật xấu đó của mình ra trước
Rajiva?

Còn
chàng thì sao? Khi bước xuống từ bục cao, phải chăng chàng cũng có những thói
quen xấu, không muốn bị ai phát hiện? Và liệu chàng có bằng lòng phô bày những
tật xấu đó trước mặt tôi?

Khi màn
ân ái kết thúc, người ta phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống chung.
Chúng tôi phải tìm cách điều hòa lối sống của hai con người ở hai thời đại khác
nhau, mà sự khác nhau ấy đã kéo dài suốt mấy chục năm. Phải tìm ra cách để
thích ứng với nhau, chấp nhận nhau. Mà điều này thì khó hơn ân ái rất nhiều.

Đánh
răng xong. Tôi ngước nhìn bầu trời trong xanh, trong lòng không khỏi dâng lên
những xúc cảm. Chốn lồng son này, vô hình trung đã đặt chúng tôi vào hoàn cảnh
phải suy tính đến những vấn đề của một cuộc sống chung, điều mà trước đó chứng
tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Rajiva lặng lẽ đứng bên tôi, ngước nhìn chàng, chợt
nhớ đến một chuyện, khiến tôi phì cười.

– Có
chuyện gì mà nàng vui thế?

– Em
muốn hỏi chàng câu này.

Tôi
khoác tay chàng.

– Khi
nãy, em không được thơm cho lắm, đúng không?

– Sao lại
không thơm?

– Vì em
chưa đánh răng…

Lúc nãy
tôi đã hôn chàng khi chưa đánh răng, không biết chàng có để ý chuyện này không.

– Không
sao cả…

Chàng
tủm tỉm cười, ngập ngừng:

– Hôm đó,
ta say rượu, còn nôn cả ra nữa, chắc chắn là khó ngửi hơn nhiều. Nàng có khó
chịu không?

– Vâng,
đúng là rất khó ngửi.

Tôi
nghiêng đầu nhớ lại:

– Nhưng
khi ấy em chẳng bận tâm chuyện đó.

Tôi
nhìn chàng, ánh nắng rực rỡ mùa hạ tỏa rạng gương mặt chàng, nụ cười ấy đã quét
sạch những điều bất an, trăn trở trong lòng tôi. Hai chúng tôi sẽ hạnh phúc,
phải không? Cho dù thói quen sinh hoạt và thói quen ăn uống của chúng tôi khác
xa nhau một trời một vực, cho dù quan niệm sống của chúng tôi cách biệt nhau
hàng ngàn năm thời gian, nhưng sợi dây tình yêu kỳ diệu, không có gì có thể phá
vỡ nổi, sẽ gắn kết chúng tôi lại. Chàng, là người em muốn ôm hôn ngay cả khi
chưa đánh răng, là người em sẵn sàng phô bày vẻ lôi thôi, lếch thếch của mình,
là người em muốn ngày rộng tháng dài sẽ thấy hết những tật xấu của em, là người
sẽ nỗ lực kiếm tìm điểm tương đồng, để cân bằng đời sống của hai chúng ta.

Và điểm
cân bằng ấy, bắt đầu từ nhu cầu cơ bản nhất của con người – giấc ngủ.

Chúng
tôi vừa mới bắt đàu cuộc sống chung, nên vẫn còn rất nhiều trở ngại về tâm lý.
Đêm thứ hai, tôi đã thử ngủ trên chiếc giường lớn lộng lẫy, nhường giường nhỏ
cho chàng. Nhưng hai chúng tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. sau cùng không
biết quỷ thầy xui khiến thế nào, tôi đã trở lại chiếc giường nhỏ với chàng. Kể
từ hôm đó, chúng tôi không tiếp tục những giằng có vô nghĩa ấy nữa, mà mặc
nhiên nằm cạnh nhau.

Bởi
vậy, vòng một, tình yêu chiến thắng!

Chúng
tôi đều khao khát cơ thể của đối phương. Nhưng Rajiva đã sống hai mươi tám năm
nơi cửa Phật. Sắc dục vốn là điều đại kị của người tu hành. Quan niệm đó đã ăn
sâu bắt rễ trong tâm trí họ. Bởi vậy, dù chúng tôi cùng nằm trên một chiếc
giường và dù ham muốn của chàng hết sức mãnh liệt, chàng vẫn không nguôi đấu
tranh tư tưởng, nội tâm giằng xé, mâu thuẫn. Tuy vậy, sau cùng thì lí trí vẫn
phải đầu hàng cơ thể. Thời gian khắc chế bản thân của chàng càng ngày càng ngắn
lại. Hết lần này đến lần khác lí trí phải giương cờ đầu hàng dục vọng. Chí ít,
sau mười ngày sống chung, tôi nhận thấy, chàng đã dần đón nhận và chấp nhận
tình dục theo cách riêng của chàng và hoan hỉ tận hưởng nó.

Bởi
vậy, vòng hai, tình yêu chiến thắng!

Sau
những ngày đam mê, quấn quít, chàng dường như không mấy mặn mà. Tôi có thể hiểu
điều này. Vì chàng chưa khi nào dành thời gian tìm hiểu về phụ nữ nên chàng
không biết rằng, khi ân ái, điều người phụ nữ khao khát nhất, không phải là quá
trình, mà là cảm giác gắn kết giữa hai con người, hai linh hồn. Những tri thức
này, tôi sẽ hướng dẫn chàng dần dần. Nhưng, chàng lại muốn nằm riêng một mình
một chăn, điều này khiến tôi rất bực mình. Chàng nói rằng hơn ba mươi năm qua
đã quen ngủ một mình, nay có thêm tôi ở bên, chàng e ngại dáng vẻ khi ngủ của
chàng ảnh hưởng đến tôi. Thế là tôi lại phải kiên nhẫn giải thích với chàng,
hai người yêu nhau, được gối đầu bên nhau mang lại cảm giác hạnh phúc. Tôi cũng
đã ngủ một mình hơn hai mươi năm và bộ dạng khi ngủ cũng rất khó coi. Nhưng tôi
rất thích câu nói “sống chung tổ, chết chung mộ”. Sự gần gũi ấy cho tôi cảm
giác, tôi đã thực sự hòa nhập và trở thành một phần không thể tách rời trong
đời sống của chàng.

Bởi
vậy, vòng ba, Ngải Tình chiến thắng!

Kể từ
khi cuộc tranh luận nho nhỏ đó, chúng tôi ôm nhau ngủ mỗi đêm. Nhưng một vấn đề
khác lại nảy sinh. Điệu bộ của chàng khi ngủ quả rất khó coi. Chàng thích nằm
co người, giống hệt một con tôm khổng lồ. Trong khi tôi lại rất thích được nép
sát vào người chàng, để cảm nhận hơi ấm của cơ thể chàng. Vậy là chiếc giường
đã rất hẹp, hai chúng tôi lại co cụm vào góc nhỏ, khiến nửa đêm, tôi thấy toàn
thân tê lạnh, thì ra chàng đã cuốn hết chăn về phía mình. Tôi ra sức kéo lại,
nhưng dù đã chìm trong giấc ngủ say sưa, chàng vẫn nhất quyết không chịu buông.
Sau vài lần diễn ra cuộc chiến giành chăn, chàng đã phải tìm cách giải quyết
vấn đề này. Chàng cố gằng nằm thẳng người, như thế, tôi vừa có thể thoải mái tự
vào vai chàng, lại vừa có thể tránh được tình trạng chăn bị cuốn đi. Chỉ khổ
cho chàng, mỗi sáng tỉnh dậy lại phải xoa bóp hai vai, vận động xương cổ cho
bớt tê dại. Tôi thấy xót xa, nhưng chàng chỉ cười dịu dàng, nói rằng: sẽ quen
thôi!

Bởi
vậy, vòng bốn, Ngải Tình chiến thắng!

Vẫn còn
một vấn đề nữa cần điều chỉnh, đó là thời gian ngủ nghỉ.

Giống
như nhiều bạn bè ở thế kỷ XXI, tôi đã quen thức khuya dậy muộn. Có lúc tôi thức
trắng đêm để làm luận văn. Nhưng khi trở về thời cổ đại, thói quen sinh hoạt
làm việc và nghỉ ngơi của tôi có nhiều thay đổi. tôi đi ngủ từ mười giờ hoặc
mười một giờ, bởi vì, tôi chỉ có thể ghi chép lại nội dung công việc khảo sát
và buổi tối. Nhưng tật ngủ nướng thì vẫn không sửa được. Bảy, tám giờ sáng vào
thời đại này đã là rất muộn rồi, nhưng tôi vẫn ngủ thêm ngủ nếm, vớt vát được
chút nào hay chút ấy. Rajiva đã quen với thời gian biểu: bảy, tám giờ tối đi
ngủ, bốn giờ sáng thức giấc. Mấy đêm đầu chung sống, Rajiva ngủ trước, tôi ngồi
viết nhật ký đến hơn mười giờ. Nhưng tôi nhận thấy, khi tôi lên giường ngủ,
chàng vẫn còn thức. Gặng hỏi mãi, chàng mới mới nói vì chàng rất mẫn cảm với
ánh sáng và tiếng động, nên phải chờ khi tôi tắt đèn đi ngủ, chàng mới ngủ yên.
Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho chàng, tôi đành theo chàng đi ngủ khi trời
vừa sẩm tối. Rồi tôi xót xa phát hiện ra rằng, mình chẳng thể tiếp tục làm con
mèo lười được nữa. Bốn giờ sáng, Rajiva thức dậy và đặt một nụ hôn nhẹ lên trán
tôi là tôi liền tỉnh giấc, ngủ thêm sẽ nhức đầu. Sau đó thì chàng sẽ vừa tụng
kinh vừa kinh ngạc khi thấy tôi tập thể dục buổi sáng, chạy huỳnh huỵch, thở
hồng hộc trong sân.

Tôi bắt
đầu học theo người cổ đại. thức giấc khi mặt trời mọc và lên giường khi mặt
trời lặn. Tự động viên, rồi sẽ quen thôi!

Bởi
vậy, vòng năm. Rajiva chiến thắng!

Về thói
quen sinh hoạt, cả hai chúng tôi đều cố gắng thích nghi với sự tồn tại của
người kia, quan sát lối sống của người kia một cách hiếu kì, cố gắng hi sinh
một số nhu cầu và nguyện vọng cá nhân mình vì người kia. Tôi thấy rất hài lòng
với cuộc sống chung. Còn Rajiva, tôi cũng có thể cảm nhận được niềm hân hoan
của chàng, những bỡ ngỡ, ngạc nhiên của chàng và những thay đổi mau lẹ trong
thái độ tiếp nhận sự xuất hiện của một người khác ở bên cạnh mình. Chúng tôi
đều đang nỗ lực tạo dựng thế giới của hai người.

Nhưng,
đó chưa phải là toàn bộ cuộc sống. Chúng tôi vẫn còn một vấn đề nữa cần giải
quyết là lại là vấn đề vô cùng bức thiết: chúng tôi sẽ làm gì những lúc rảnh
rỗi trong thời gian bị giam lỏng tại đay? Nếu không bị giam giữ, chắc chắn tôi
sẽ ra ngoài vào ban ngày để tiến hành công việc khảo sát. Mọi khung cảnh thuộc
về đời sống cổ đại, từ ăn ở cho đến đi lại, đều có thể trở thành nội dung khảo
sát của tôi. Còn Rajiva, chàng cũng có rất nhiều việc cần giải quyết khi ở
trong chùa. Chỉ bảo đệ tử, giảng kinh thuyết pháp, truyền thụ giáo láy Phật
pháp; giao lưu, luận chiến với các tăng sĩ đến từ Ấn Độ, Kabul, Tây vực hay các
vùng khác của trung nguyên xa xôi, truyền bá rộng rãi giáo lý Đại Thừa; đi sâu
tìm hiểu đời sống của người dân, tuyên truyền Phật pháp để ngày càng nhiều
người hướng thiện, tín Phật.

Nhưng
chiếc lồng son này đã đảo lộn đời sống thường nhật của chúng tôi. Đôi lúc ánh
mắt chàng nhìn tôi vương chút buồn bã, đôi lúc thấy chàng đứng giữa vườn hoa
ngát hương, lặng lẽ ngước lên khoảng không bao la rất lâu, tôi hiểu rằng, tôi
phải tạo ra công việc gì đó cho chàng.

Vậy
nên, một ngày kia. Sau khi kết thúc bữa sáng, tôi kéo chàng đến bên bàn đọc
sách, sau đó lôi giấy bút trong ba lô ra trước sự kinh ngạc của chàng.

– Cơm
nước no nê rồi, bây giờ phải làm việc thôi!

– Việc gì
vậy?

– Chúng
ta đang trong cảnh tù đày, phải nghĩ ra một công việc gì đó để làm, nếu không
sẽ rất buồn chán. Bây giờ, chàng hãy chép lại kinh văn, sau đó suy nghĩ xem nên
dịch sang tiếng Hán như thế nào.

– Dịch
sang tiếng Hán ư?

– Phật
giáo khởi nguồn từ Thiên Trúc, mọi thư tịch đều được chép bằng tiếng Phạn. Nếu
muốn truyền bá rộng rãi Phật giáo đến Trung nguyên, chàng phải dịch sang tiếng
Hán để người Hán có thể đọc và hiểu được.

Tôi mỉm
cười giải thích:

– Hầu
hết các bộ kinh Phật được sử dụng ở Trung Nguyên hiện nay đều được dịch từ các
ngôn ngữ cả các quốc gia khác nhau ở Tây Vực. Trong quá trình chuyển dịch từ
tiếng Phạn sang ngôn ngữ địa phương Tây Vực, ngữ nghĩa của kính văn vốn đã
không còn trọn vẹn, sau đó lại được chuyển dịch lần hai sang tiếng Hán, mức độ
khác biệt so với nguyên nghĩa lại càng xa hơn. Sai sót trong quá tình dịch
thuật, tam sao thất bản, khiến cho câu chữ trở nên cong vênh, cứng nhắc, ảnh
hưởng rất lớn đến việc tuyên truyền giáo lý Phật pháp… Cả hai ngôn ngữ tiếng
Phạn và tiếng Hán đều rất phức tạp. Các tăng sĩ từ Thiên Trúc và Tây vực đến
Trung Nguyên truyền đạo, muốn phiên dịch kinh Phật đều cần đến sự giúp sức của
tăng sĩ Tây Nguyên. Nghe câu đoán ý, dù có thể bảo lưu nguyên nghĩa, nhưng lại
mất đi ngữ điệu, vần vè. Cho đến nay, vẫn chưa có ai tinh thông cả hai ngôn ngữ
này để có thể thay đổi tình hình. Rajiva, một giáo phái muốn được lưu truyền
rộng khắp, trước hết phải làm cho càng nhiều người đọc được các giáo lý của
giáo phái đó càng tốt. Chàng sẽ là người thay đổi phương pháp dịch từng câu
từng chữ cứng nhắc, thậm chí dịch sai, đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Ánh mắt
chàng bừng sáng, nhìn tôi chăm chú, không giấu giếm sự ngưỡng mộ. Chàng đã
hiểu, muốn truyền bá đạo Phật đến Trung Nguyên, việc phiên dịch những bộ kinh
văn sang tiếng Hán với độ chính xác cao. Lại dễ nghe dễ hiểu có tầm quan trọng
như thế nào.

– Chỉ e
trình độ Hán ngữ có hạn của ta chẳng thể cho ra đời những bản dịch chuẩn xác và
thuận tai được.

Chàng
nắm lấy tai tôi, ánh mắt chứa chan kì vọng.

– Ngải
Tình, giúp ta nhé!

Tôi lắc
đầu, xấu hổ. Tôi không phải tín đồ Phật giáo, những kinh văn đó, tôi chỉ nhìn
thôi đã thấy hoa mắt chóng mặt. Tuy nhiên, kiến thức mà tôi có, không phải
không giúp ích gì cho công việc dịch thuật của Rajiva. Hơn nữa lại được làm
việc cùng chàng, điều này khiến tôi vui hơn tất thảy. Chưa biết chừng, tôi cũng
là một trong những dịch giả của bộ kinh văn đầu tay của Rajiva ấy chứ! Những
thông tin vụn vặt thế này, rất có thể đã bị lãng quên hoặc lắng sâu trong dòng
sông lịch sử và không ai biết được thực hư ra sao!

– Vâng,
chúng ta có thể luyện tập dần dần, bắt đầu từ bộ kinh văn đơn giản nhất.

– Bộ
kinh văn đơn giản nhất?

Chàng
đăm chiêu suy tư, rốt cuộc là bộ kinh văn nào đây?


Rajiva, chàng biết cuốn “Duy Ma Cật kinh” có tên gọi tương ứng với trong tiếng
Phạn là gì không?

Tôi hỏi
chàng, bởi vì tôi không biết tiếng Phạn gọi thế nào. “Duy Ma Cật” là tên gọi
phiên âm và chính chàng là người dịch thành tên gọi này, nên có lẽ chàng sẽ
đoán ra được dựa vào phát âm của tôi.

Duy Ma
Cật là một cư sĩ giàu có, thông hiểu Phật pháp, nhiều vị bồ tát từng đến thỉnh
giáo ngài.

Cuốn
kinh này làm một trong những tác phẩm dịch thật quan trọng của Rajiva, có thể
xem là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo Địa Thừa, bên cạnh
“Địa Bát Nhã kinh”. Cuốn kinh này có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người Hán ở
Trung Nguyên. Bởi vì “tu tại gia” đã trở thành một trào lưu phổ biến ở đất Hán.
Văn hóa Trung Nguyên coi trọng hiếu đạo: “Trong ba tội bất hiếu, không có con
nỗi dõi là tội lớn nhất” (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại). Việc xuất gia tu
hành đã gây nên mỗi xung đột với luân thường đạo lý và lễ giáo truyền thống của
Trung Nguyên. Bên cạnh đó, xuất gia có nghĩa là phải từ bỏ rất nhiều lạc thú
của cuộc đời, điều này đối với người Hán mà nói, sẽ là một sự lựa chọn hết sức
khó khăn. Bởi vậy, trong mắt các tín đồ Phật giáo người Hán, một người vừa có
thể tận hưởng vinh hoa phú quí của đời sống nhân gian, vừa có thể đạt được
những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực Phật học như Duy Ma Cật, một tấm gương
sáng để noi theo.

– A, là
bộ kinh văn này!


Rajiva đọc lên mấy từ tiếng Phạn, cách phát âm rất giống nhau.

– Nhưng
bộ kinh văn này không hề đơn giản!

Tôi chỉ
cười không đáp. Chàng dịu dàng nắm tay tôi, cất giọng trầm ấm:

– Ngải
Tình, ta hiểu ý nàng. Nàng muốn mượn gương đại trí của Duy Ma Cật để khuyên nhủ
ta đúng không?

Chàng
đứng lên, đi đi lại lại trong phòng. Trầm tư giây lát, rồi ngẩng lên nhìn tôi,
ánh mắt rạng ngời vẻ thông tuệ:

– Bồ
Tát từng hỏi Duy Ma Cật: “Ngài là một đại Bồ Tát, nhưng lại có gia đình vợ con,
liệu ngài có được thảnh thơi?” Duy Ma Cật đáp rằng: “Mẹ ta là trí tuệ chói
ngời, cha ta cứu độ chúng sinh, vợ ta là niềm vui tu hành, con gái ta là đại
diện của lòng từ bi, con trai ta là đại diện của tính thiện. Ta có gia đình,
nhưng cửa nhà ta được dựng lên bởi Phật tín. Đệ tử của ta là mọi chúng sinh.
Bạn bè ta là các giáo phái tu hành khác nhau. Ngay cả các ca kỹ quanh ta cũng
là những sứ giả của công cuộc giáo hóa, thu phục chúng sinh”.

Tôi mỉm
cười gật đầu. Quả nhiên, chỉ cần nhắc đến cuốn kinh văn này, Rajiva sẽ hiểu
được ý định của tôi.


Rajiva, Duy Ma Cật có vợ con và sống cuộc đời thế tục, nhưng ông vẫn lưu danh
“không tì vết” và đạt được sự giải thoát.

Ánh mắt
chàng rực sáng, nhưng vương chút thắc mắc:

– Ngải
Tình, nàng biết “Duy Ma Cật” nghĩa là “không tì vết” từ khi nào vậy?

Tôi lại
mắc bệnh “chưa đẻ đã đặt tên” rồi! Huyền Trang cũng từng dịch bộ kinh văn này,
nhưng ngài đặt tên sách là “Thuyết vô cấu xưng kinh[29]”.
Nhưng tôi hiểu được ý nghĩa tên tiếng Phạn của Duy Ma Cật là nhờ vào Vương Duy[30]. Bởi vì Vương Duy rất sùng bái Duy
Ma Cật. Ông tên Duy, tự “Ma Cật” (chính là mượn tên gọi của Duy Ma Cật để đặt
tên cho mình). Tập thơ của ông có tên “Vương Ma Cật tập”. Nhưng Vương Duy không
hiểu tiếng Phạn. Ông không biết rằng, “Duy” trong tiếng Phạn nghĩa là “không
có”, “Ma” nghĩa là “vết bẩn”, còn “Cật” nghĩa là “đồng đều”. Như vậy, Vương Duy
nghĩa là Vương không có, tự “Ma Cật” tức là bẩn đều, bẩn toàn bộ. Khi đọc đến
đoạn giải nghĩa trên đây của Tiền Huyền Trung trong cuốn “Huyền Trang Tây du
ký” tôi đã cười lăn cười bò. Vì thế, tôi đã nhớ rất kỹ biệt danh “không tỳ vết”
này.

– Ngải Tình,
nàng không biết tiếng Phạn, nhưng lại hiểu được một số ý nghĩa tiếng Phạn trong
kinh Phật. Nàng chưa từng đến Kabul, Khotan, nhưng lại biết ở đó có những Phật
tích gì. Dường như nàng có thể biết trước được một vài điều trong tương lai,
nhưng lại không thể mô tả tường tận. Hai mươi năm qua, dung mạo của nàng không
hề thay đổi, ta tin nàng chính là tiên nữ. Nhưng vì sao tiên nữ lại hiểu biết
nửa vời như vậy. Lẽ ra tiên trên trời thì phải thông tỏ mọi điều, biết trước
mọi điều chứ? Hay là…

Chàng
ôm vai tôi, mỉm cười đầy ý tứ:

– Vì nàng
lười nhác, bỏ bê việc tu hành, nên quyền năng yếu kém?

Không
ngờ, trí tưởng tượng của Rajiva lại phong phú đến vậy. Chàng đã lập tức suy
luận ra hình ảnh một nàng tiên lười nhác dựa trên bản tính của tôi.

– Rajiva,
em không phải tiên nữ…

Chàng
lắc đầu, ngắt lời tôi:

– Ngải
Tình, mối nghi hoặc này đã quẩn quanh trong đầu ta suốt hơn hai mươi năm qua.
Nhưng tiết lộ thiên cơ là một trong trọng tội của tiên giới. Thế nên, ta tuyệt
đối không ép nàng nói ra sự thật đâu.

– Rajiva,
chàng là người thân thiết nhất của em, em không muốn giấu chàng thân thế của
mình. Nhưng xin hãy cho em thêm thời gian, được không?

Tôi
ngước lên nhìn đôi mắt sâu thăm thẳm của chàng, trãi bày lòng mình:

Em cần
suy nghĩ thấu đáo xem nên giải thích với chàng như thế nào.

– Không,
không cần đâu…

Chàng
đưa tay ra kéo tôi vào lòng.

– Ta
biết, Phật tổ thương ta, đã gửi nàng đến để cứu ta thoát khỏi kiếp nạn này.

Trong
vòng tay ấm áp của chàng, tôi cảm nhận được âm thanh sống động từ nhịp đập mạnh
mẽ của trái tim chàng. Tôi chắc chắn chàng đã bắt đầu nghi ngờ về thân thế đặc
biệt của tôi từ năm chàng mười ba tuổi. Nhưng dẫu chàng có thông minh tuyệt
đỉnh đến đâu, cũng vẫn chịu sự giới hạn của thời đại, lịch sử. Chàng đã phân
tích và lý giải sự tồn tại của tôi bằng cách riêng của mình và hình ảnh tiên nữ
là cách giải thích hợp lý nhất. Nhưng tôi yêu chàng, tôi muốn sống trọn đời bên
chàng, tôi không nên giấu chàng bất cứ điều gì. Có lẽ đã đến lúc tôi nên nói sự
thật với chàng. Nhưng, phải nói thế nào đây? Liệu chàng có thể chấp nhận lai
lịch ly kỳ của tôi không?

– Rajiva…

Tôi mân
mê chiếc vòng trên cánh tay chàng, chuỗi hạt đã bạt màu và mòn vỡ theo năm
tháng, nhưng vẫn tỏa mùi đàn hương ngào ngạt.

Chúng
ta làm việc đi thôi!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.