Dưa

Chương 13



Tối hôm ấy tôi đi uống nước với Laura.

Để tôi nói thêm ít chi tiết cho phần này nhé.

Laura, Judy và tôi học chung đại học. Tụi tôi thân nhau từ ấy đến giờ.

Judy sống ở London.

Laura ở Dublin.

Từ hôm ở London về, trừ đi một anh chồng và cộng thêm một em bé, tôi vẫn chưa gặp Laura. Nhưng tôi có nói chuyện điện thoại với nó vài lần.

Tôi bảo tôi quá suy sụp không gặp nổi ai, thậm chí cả nó.

Và vì là bạn thân nên nó không giận dỗi, trách mắng gì, chỉ bảo tôi đừng lo lắng quá, rằng rồi tôi sẽ ổn và khi ấy nó sẽ gặp tôi.

Tôi bảo tôi sẽ không bao giờ ổn, rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nó được, nhưng tôi hạnh phúc vì có đứa bạn như nó.

Tôi ngờ là nó đã gọi cho mẹ tôi vài lần trong cái tháng vừa rồi, kín đáo hỏi thăm tình hình tim tôi (lần kiểm tra sau cùng vẫn còn đang vỡ nát), tâm thần tôi (rất bấp bênh) và rằng tôi có thuận hòa với mọi người không (cực kỳ kém).

Nhưng nó không tra vấn tôi, và tôi rất cảm kích điều này.

Giờ tôi đã ổn ổn nên tôi gọi nó, rủ nó xuống phố uống nước.

Nghe giọng Laura thấy rõ là nó rất vui mừng.

– Đi! Không say không về!

Tôi không chắc nó nói vậy là rủ rê hay đã tiên đoán trước tình hình.

Kiểu nào thì cũng đúng mà.

– Chắc chắn rồi! – tôi đồng tình. Nếu những lần la cà của hai đứa suốt mười năm qua vẫn chưa trôi vào quên lãng.

Tôi thấy hơi hoảng.

Tôi đã quên mất Laura là đứa tôn sùng chủ nghĩa hưởng thụ mọi thứ khoái lạc trên đời.

Nó dám cho các ngài Đại đế thời La Mã biết mặt lắm đấy.

Mẹ nói cứ để bà trông cháu, không vấn đề gì.

Sau bữa tối (món thịt băm với khoai tây hầm đông lạnh, thực ra cũng không đến nỗi tệ), tôi lên lầu chuẩn bị cho cuộc giao du đầu tiên kể từ khi chồng tôi bỏ tôi đi. Đúng là một dịp trọng đại.

Hơi hơi giống như lúc tôi bị mất trinh ấy, hay lần đầu tiên được làm lễ ban thánh thể, hay lúc cưới. Những chuyện chỉ xảy ra một lần duy nhất.

Tôi chẳng có lấy một bộ đồ để mặc.

Tôi bắt đầu thấy rất hối tiếc và ngu ngốc đã tự đày ải mình khi bỏ lại hết mớ quần áo đẹp đẽ kia ở London. Làm như thể ta đây là một kẻ đang trên đường ra pháp trường, khóc lóc điên dại, luôn miệng kêu than cuộc đời mình thế là hết, như thể ở cái nơi tôi sắp đến sẽ không cần đến quần áo.

Tôi chỉ đi Dublin thôi mà.

Có phải đi đến thế giới bên kia đâu.

Nói thật, tôi thấy tình cảnh mình sao mà tội nghiệp.

Lẽ ra tôi đã phải biết dù sớm dù muộn tôi cũng sẽ trở lại gần như bình thường.

Dĩ nhiên không hẳn là hạnh phúc điên dại, hay bất cứ thứ gì tuyệt vời như thế.

Nhưng mà rồi chuyện đau khổ cũng phải qua chứ.

Với một sự thật rõ ràng là tất cả quần áo đẹp đẽ của tôi đang ở một thành phố khác, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác là xài đỡ đồ của Helen.

Nó sẽ điên lắm.

Không nghi ngờ gì.

Nhưng đằng nào nó cũng đã điên lên với tôi vì cái tội mà chính nó gán cho tôi là thích bạn trai nó, tôi còn gì để mất nữa? Ăn cắp quen tay, ngủ ngày…

Tôi bắt đầu lao vào lục lọi tủ quần áo của nó. Thật tình, nó cũng có vài món rất xinh. Tôi như nghe được máu me trong người mình cuộn lên ồng ộc.

Tôi yêu quần áo.

Tôi giống như một kẻ chết khát giữa sa mạc bỗng đâm bổ nhào vào một cái tủ lạnh đầy những chai 7-up mát lạnh.

Tôi đã tiêu tốn quá nhiều thời gian ôm cái đầm ngủ ấy.

Tôi chọn được một cái áo đầm dạng đầm yếm nhỏ nhắn màu đỏ sẫm. Mặc đẹp đây, tôi vừa nghĩ vừa sung sướng tuột vào người.

Tôi trở về phòng, nhìn ngắm mình trong gương và lần thứ hai trong hai ngày liền, tôi ngạc nhiên thích thú với hình ảnh của mình.

Trông tôi cao cao dài dài, thanh mảnh và tre trẻ.

Không hề giống một bà mẹ đơn thân.

Hay một cô vợ bị chồng bỏ.

Hay bất cứ kiểu gì tương tự.

Đi thêm đôi tất len và giày bốt vào, tôi trông như còn con gái (ha!) và rất ngây thơ (ha ha!).

Và cái áo đầm của Helen, do hơi ngắn với tôi, khoe ra gần hết chiều dài cẳng chân mà so với tôi, Helen không bằng, trông lại càng thích.

Tôi liên tưởng xa hơn tới hình ảnh đám mây đen và đường viền bạc…

Rồi thêm vài hình ảnh nữa, lần này là của mẹ tôi lúc bà vào nói chuyện trong khi tôi đang sửa soạn: con trâu và chuyện cưa sừng…

Rồi thêm nữa khi tôi dùng tới hình ảnh gậy và đá tảng, chỉ ra rằng chúng thì còn có thể làm gãy xương, chứ nói xấu không thôi thì chẳng làm tổn hại ai đến thế.

Bà tiếp tục bằng vịt với thiên nga, và rằng hoán đổi hai con vật này với nhau là điều không thể.

Tôi cố nghĩ ngay ra thêm một ví von khác nhưng nghĩ không ra.

– Mẹ thôi đi! – tôi hét.

Chừng ấy ẩn dụ ẩn diếc, tục ngữ thành ngữ là quá đủ cho một buổi tối. Đến lúc phải nói chuyện bình thường lại rồi.

Rồi tôi hì hụi trang điểm. Tôi hào hứng quá. Tôi đã quên mất chơi bời, gặp gỡ bạn bè thì vui thế nào.

Tôi luôn thích đàm đúm, lê la với bạn bè. Thường tôi là đứa rất dễ quen, dễ gần.

Hồi chồng tôi còn chưa bỏ tôi, mọi người rất thích đi với tôi.

Tôi chưa từng biết từ chối một lời mời. Mình nên cứ vui đi khi vẫn còn có thể, tôi vẫn nói, bởi vì mình sẽ chết lâu lắm.

Kiếp sau còn khối thời gian để ở nhà ủi đồ đi làm cho cả tuần.

Tôi thường là đứa đến đầu tiên trong các buổi tiệc tùng.

Luôn là đứa về sau cùng.

Thêm một lượng hào phóng phấn phủ dặm nhiệt tình vào mặt, che giấu hết cái lớp da tái nhợt của Nàng Mùa Đông.

Tôi theo cả trường phái “số lượng” lẫn trường phái “chất lượng”.

Và mặc dù làn da rám nắng được xem là biểu tượng của những năm tám mươi đã hoàn toàn nhường chỗ cho vẻ đẹp tự nhiên, nhẹ nhàng của thập niên chín mươi, tôi xấu hổ phải nói rằng tôi vẫn ước có được làn da màu đồng ấy.

Vâng, vâng, thôi được rồi, phơi nắng quá mức sẽ gây ung thư da, và tệ hơn nữa, trông sẽ như dân úc ấy. Nhưng tôi thấy một khuôn mặt nâu nâu mịn màng sẽ trông khỏe khoắn và thu hút.

Mà cứ chăm chăm tự bảo vệ mình khỏi chết vì ung thư da, trốn nắng như trốn giặc để rồi trắng bệch như xác chết để làm gì trong khi ngày mai mình có thể bị xe ủi trúng?

Mà thôi, da tôi không rám nắng thật. Tôi chỉ ước thôi. Chứ nếu có biết đâu cũng tệ chẳng kém lúc không có.

Và tôi rất hào hứng được trang điểm giả rám nắng. Để bạn không phải gọi kiểu trang điểm của tôi là xanh xao, hay hay được.

Hay hay, chắc thế. Nhưng không phải là xanh xao.

Quẹt thêm hai vệt má hồng.

Thực tình trông hơi sợ trước khi tôi tán đều ra.

Tôi chắc mình nghe mẹ lẩm bẩm gì đó như là “Chú hề Coco”. Tôi quay phắt lại nhìn nhưng bà đang mân mê móng tay, mặt trông rất bình thản.

Chắc tôi tưởng tượng.

Thêm ít son đỏ đậm, để mặc dù mặc một cái áo đầm nhí nhảnh, người ta vẫn biết tôi là một người đàn bà.

Đàn bà.

Tôi mê từ này.

Tôi là một người đàn bà.

Tôi muốn la to câu này lắm nhưng ngạc nhiên chưa? Mẹ vẫn không hầm hầm bỏ ra khỏi phòng sau khi tôi đã quát bà kiểu ấy. Bà vẫn ngồi trên giường trong khi tôi đang bôi bôi trét trét. Tôi thấy mình làm bà sợ cả tháng qua đã đủ rồi.

Nhưng từ này đúng là một từ biết nói.

Đàn bà.

Sao mà gợi cảm.

Hay là gợi tình nhỉ?

Tôi cứ hay lẫn lộn hai từ này.

Quay trở lại với các công đoạn rất đỗi quen thuộc.

Kẻ mắt màu xám và chải mascara đen khiến mắt tôi trông xanh thẳm.

Cộng với mái tóc mới gội trông bóng mượt, tôi hoàn toàn vừa ý với tổng thể bề ngoài của mình.

Mẹ, dĩ nhiên, thì không.

– Con mặc váy với cái áo đấy chứ hả?

– Mẹ, mẹ biết rõ nó là đầm mà, không phải áo, – tôi nhỏ nhẹ.

Bà có nói hay làm gì cũng sẽ không làm tôi mất hứng được đâu.

– Con Helen mặc thì chắc là đầm, – bà xác nhận. – Nhưng con mặc thì quá ngắn, ngắn như một cái áo ấy.

Tôi phớt lờ.

– Với lại con đã hỏi mượn con Helen chưa? – bà hỏi, rõ ràng là quyết tâm làm tôi cụt hứng. – Vì mẹ sẽ phải nghe nó xả. Con thì đâu cần quan tâm. Con ở dưới phố vui vẻ với cái lũ bạn ồn ào kia rồi, nốc vào Malibu với Lucozade, bất cứ thứ gì. Còn mẹ thì ở đây, bị con gái mình mắng vào mặt như chó. Mà dù sao thì hình như cả mẹ và con cũng đều đang không nằm trong danh sách ưu ái của nó rồi.

– Thôi mẹ im đi giùm con cái! Con sẽ viết giấy lại bảo Helen là con mượn. Rồi khi nào con lấy lại được quần áo ở London con sẽ cho nó mượn lại.

Bà im lặng.

– Vậy được chưa? – tôi hỏi.

– Được, – bà mỉm cười.

– Trông con xinh lắm! – bà miễn cưỡng nói thêm.

Vừa rời khỏi phòng để xuống nhà, một đốm sáng lóe lên từ chỗ bàn trang điểm khiến tôi ngoái nhìn. Là nhẫn cưới của tôi. Tôi đã quên đeo trở vào sau khi tắm xong. Nó nằm đó, hấp háy nhìn tôi, rõ ràng là rất tha thiết được theo ra ngoài. Thế là tôi quay lại, cầm nó lên. Nhưng tôi không đeo vào. Cuộc hôn nhân của tôi đã hết, tôi nghĩ, và tôi bắt đầu tin rằng nếu mình không đeo nhẫn nữa, có lẽ tôi sẽ bắt đầu tin là nó đã chấm dứt. Tôi đặt lại chiếc nhẫn xuống bàn.

Dĩ nhiên nó rất giận dữ. Nó không tin nổi là tôi không thèm đeo nó nữa. Và rồi nó đau khổ. Nhưng tôi sẽ không để nó làm ảnh hưởng đến mình. Tôi không có khả năng nhận vào mình thêm tí ủy mị nào nữa. Tôi quyết định quay đi trước khi nó bắt đầu lao vào buộc tội. “Rất tiếc!”, tôi nói cộc lốc, với tay tắt điện rồi bước ra khỏi phòng.

Bố đang xem chơi gôn trên truyền hình. Tôi bước lại mượn ông chìa khóa xe.

Mãi một lúc sau tôi cũng dứt được ông ra khỏi mấy cái người chơi gôn mặc quần in hình Gấu Rupert kia, nhưng làm ông hơi giật mình.

– Con đẹp thế! Đi đâu đấy?

– Con xuống phố uống nước với Laura, – tôi đáp.

– Ừ, đừng để cái xe khốn khổ bị đập nhá?

– Ông hoảng.

Bố sinh ra ở một tỉnh nhỏ phía Tây Ireland, và mặc dù đã sống ở Dublin ba mươi năm nay, ông vẫn không tin người Dublin. Với ông, họ chỉ toàn những tên trộm cắp vặt với côn đồ.

Và có vẻ như với ông, trung tâm Dublin cũng như Beirut. Mặc dù Beirut vẫn hay ho hơn nhiều.

– Con không để cái xe bị đập đâu bố, – tôi bảo ông. – Con sẽ gửi trong bãi đàng hoàng.

Nhưng vẫn không làm ông yên tâm.

– Ừm, nhớ lấy xe trước nửa đêm đấy! – giọng ông bắt đầu nghe rất khổ sở. – Giờ ấy các bãi xe đều đóng cửa hết. Nếu con không kịp lấy xe, sáng mai bố sẽ phải cuốc bộ đi làm.

Tôi kịp kìm lại không bảo ông là ông chẳng việc gì phải cuốc bộ đi đâu nếu tôi để chiếc xe bị giữ lại trong bãi. Ai cản ông mượn xe của mẹ hoặc vẫy xe ngoài?

– Bố đừng lo, – tôi trấn an. – Thôi đưa con chùm chìa khóa đi!

Ông miễn cưỡng đưa chùm chìa khóa cho tôi.

– Với lại đừng có đổi kênh radio đấy nhé. Bố không muốn sáng ra bật radio lên là điếc tai với máy cái thứ nhạc nhẽo ấy đâu.

– Nếu con đổi sang kênh khác, con sẽ đổi trở lại như cũ cho bố, – tôi thở dài.

– Rồi nếu con chỉnh lại cái ghế trước nhớ đẩy nó lại như cũ nhé! Bố không muốn sáng ra ngồi vào xe mà nghĩ mình hết một đêm đã tăng lên mấy ký đâu.

– Bố đừng lo mà, – tôi nói, giọng nhẫn nại, rồi cầm áo khoác với túi xách lên. – Con đi đây.

Nhét con voi qua lỗ kim vẫn còn dễ hơn mượn được xe của ông.

Vừa đóng cửa phòng khách lại, tôi nghe ông gọi với theo: “Con đi đâu mà không mặc váy thế kia?” nhưng tôi vẫn cứ bước đi.

Phải xa Kate là điều kinh khủng. Đây là lần đầu tiên tôi đi ra ngoài mà không mang bé theo. Bụng dạ tôi cứ xoắn xít hết cả lại. Thực tình tôi suýt cho bé đi cùng nhưng chợt nhớ ra con bé sẽ có dư thời giờ để giết trong mấy quán bar ầm ĩ, đầy khói thuốc lá kia khi lớn lên, tôi thấy chưa cần thiết phải cho bé làm quen bây giờ.

– Mẹ sẽ vào dòm chừng con bé mỗi mười lăm phút nhé? – tôi bảo mẹ, rơm rớm nước mắt.

– Ừ.

– Cứ mười lăm phút một! – tôi nhấn mạnh, – Ừ – Mẹ không được quên? – tôi lo lắng.

– Ừm, – giọng bà đã nghe hơi khó chịu.

– Nhỡ mẹ mải xem tivi rồi quên mất?

– Mẹ sẽ không quên! – giọng bà đúng là đã rất khó chịu. – Mẹ biết nuôi em bé mà. Mẹ đã nuôi đến năm đứa rồi!

– Con biết. Nhưng vì Kate là đứa rất đặc biệt.

– Claire! – bà cáu tiết. – Đi quách đi giùm cái!

– Dạ, dạ, – tôi kiểm tra xem cái điện thoại thông phòng đã bật lên chưa rồi nói. – Con đi đây.

– Đi chơi vui! – mẹ nói với theo.

– Con sẽ cố, – tôi đáp, môi dưới run run. Suốt đoạn đường xuống phố tôi như bị khủng hoảng.

Bạn có biết nếu bạn căng tai ra nghe, mọi thứ âm thanh đều giống như tiếng em bé khóc?

Tiếng gió thổi qua các tán cây, tiếng mưa trên nóc xe, tiếng máy xe rì rì.

Tôi cứ đinh ninh là mình nghe được tiếng Kate khóc đòi tôi, rất nhỏ, gần như là không thể nghe được.

Thật không chịu nổi.

Tôi suýt quay đầu xe chạy trở về.

Nếu tên Tri Giác không đột nhiên nhảy vào đầu tôi, chắc tôi đã làm thế thật.

– Cô thật là khùng quá! – hắn nói.

– Anh có làm mẹ bao giờ đâu! – tôi vặn lại.

– Không, – Tri Giác thừa nhận. – Nhưng cô phải biết là cô không thể ở bên cạnh con bé từng giây từng phút cho đến hết cuộc đời nó được. Đến lúc cô đi làm lại và con bé phải ở với người trông trẻ thì sao?

Làm sao cô chịu nổi? Phải tập từ bây giờ đi.

– Anh nói đúng, – tôi thở dài, bình tâm lại được một chút. Nhưng rồi nỗi hoảng sợ lại quay trở lại, bấu víu tôi. Thế nếu con bé chết thì sao? Nếu nó chết đúng vào tối nay?

Ngay lúc ấy, như kẻ chết khát tìm thấy một ốc đảo xanh tươi giữa sa mạc, tôi nhìn thấy một buồng điện thoại. Tôi quặt xe tấp vào, khiến cho đám người phía sau nổi xung, bíp còi ầm ĩ và la hét vào mặt tôi. Lũ tàn nhẫn!

– Mẹ! – tôi run rẩy.

– Ai đấy?

– Con mà. – tôi lại sắp khóc.

– Claire? – bà hỏi, giọng giận dữ. – Con muốn cái quỷ gì nữa?

– Có chuyện gì với Kate không? – tôi nín thở hỏi.

– Claire! Có thôi ngay không? Kate hoàn toàn khỏe mạnh!

– Thật hả mẹ? – tôi gần như không dám tin vào tai mình.

– Thật, – bà dịu giọng lại. – Con à, chuyện này rồi sẽ trở nên dễ dàng hơn. Lần đầu tiên bao giờ cũng khiếp nhất. Thôi đi chơi đi! Mẹ hứa sẽ gọi con ngay nếu có chuyện gì.

– Cám ơn mẹ, – tôi thấy nhẹ nhõm lên nhiều.

Tôi quay trở ra xe, chạy xuống phố gởi xe (vâng, tôi đậu xe trong bãi đường hoàng) rồi đi đến chỗ quán bar.

Laura đã ngồi sẵn ờ đấy.

Gặp nó sao mà vui quá. Tôi đã không gặp nó hàng tháng trời.

Tôi bảo trông nó xinh quá, vì nó xinh thật. Nó bảo trông tôi xinh. Mặc dù tôi không chắc mình trông có xinh hay không.

Nó bảo trông nó xấu xí như mụ phù thủy. Tôi bảo tôi giống đười ươi.

Tôi bảo nó đâu giống phù thủy.

Nó bảo tôi đâu giống đười ươi.

Hài hước qua lại đã đủ, tôi lại quầy mua nước cho hai đứa.

Hàng triệu người đang chen nhau trong quán bar. Hay ít ra là nhìn cứ như hàng triệu người đang ờ đây. Nhưng Laura và tôi may mắn kiếm được chỗ ngồi.

Tôi chắc mình già rồi. Từng có lúc tôi vui cười hớn hở đứng trong những quán bar như thế này, tay cầm chai bia, quanh tôi người qua kẻ lại chen nhau, dập dềnh như rong biển theo dòng thủy triều. Tôi chẳng nề hà việc phải gào lên mà nói chuyện với đứa bạn đi cùng bị đẩy đứng dạt ra xa đến vài mét trong khi chai bia thì nhễu gần hết ra cổ tay.

Laura hỏi thăm Kate. Tôi hồ hởi kể ngay. Hồi còn trẻ tôi đã tự hứa sẽ không bao giờ trở thành một kẻ chuyên trị chuyện em bé. Mấy cái người cứ nói liên tu bất tận về con mình – bữa nay lần đầu tiên nó cười với bố mẹ như thế nào, nó xinh đẹp đến nhường nào, cứ thế – trong khi mọi người ngọ ngoạy chân tay rất khổ sở, chán muốn hóa điên. Giờ tôi kinh hoảng nhận ra mình đang làm đúng như thế. Nhưng tôi không ngăn được. Mọi chuyện thật khác khi em bé là con của bạn.

Tôi chỉ có thể tự bào chữa là khi nào bạn có con, bạn sẽ biết.

Laura chắc đã chán lên đến tận óc, nhưng nó rất lịch sự tỏ vẻ quan tâm, hứng thú.

– Nhất định tớ phải đến thăm con bé, – nó bảo. Liều nhỉ? tôi nghĩ bụng.

– Cuối tuần cậu đến đi. Chiều. Rồi cậu chơi với bé.

Rồi Laura muốn biết cụ thể lúc đẻ em bé ra như thế nào. Thế là hai đứa hỏi han và kể lể rất chi tiết một lúc.

Cho đến khi Laura bắt đầu đổ mồ hôi và trông như sắp lả đi.

Rồi sau đó, hẳn nhiên, chúng tôi chuyển sang đề mục chính. Phần chính của chương trình. Nhân vật chính.

James.

James Webster. Anh Chồng Đã Biến Mất Một Cách Ly Kỳ.

Laura biết cả rồi.

Từ đủ các nguồn – mẹ tôi, Judy và rất nhiều bạn bè. Nó chẳng cần phải hỏi tôi thêm làm gì. Nói quan tâm hơn đến chuyện tinh thần tôi thế nào và tôi định làm gì.

– Tớ không biết nữa, Laura à. Tớ không biết nên quay lại London hay cứ ở lại đây. Tớ không biết phải làm gì với căn hộ của mình. Tớ chẳng biết phải làm gì hết.

– Cậu phải nói chuyện với James.

– Ôi tớ biết chứ! – tôi đáp, hơi chua chát. Thế là hai đứa lại nói đến chuyện trách nhiệm của tôi thêm một lúc nữa, còn đánh bạo đoán thử tương lai của tôi sẽ như thế nào.

Rồi tôi thấy căng thẳng quá, nên chuyển đề tài. Tôi hỏi Laura dạo này nó đang đi lại với ai.

Chuyện này vui hơn nhiều, bạn ạ.

Kẻ may mắn được Laura ban ơn “mưa móc” hiện tại là một sinh viên mỹ thuật mười chín tuổi.

– Mười chín tuổi! – tôi rít toáng lên, đến độ mấy cái ly đang nằm yên trong tay các vị khách từ cách đấy nửa dặm giật bắn mình mà bể nát hết. – Mười chín tuổi! Cậu nói thật á?

– Ừ, – nó cười lớn. – Nhưng mà đúng là khổ thật đấy. Cậu ta không một xu dính túi nên tụi này chỉ biết cố thủ ở nhà làm chuyện ấy thôi.

– Nhưng cậu vẫn có khả năng bao cả hai đi chơi mà?

– Có, chắc là có chứ. Nhưng trông cậu ta cứ như dân vất vưởng ấy. Tớ ngại đi cùng lắm.

– Bộ lúc nào người cậu ta cũng dính đầy màu vẽ hả?

– Ừ. Nhưng mà không chỉ vậy. Cậu ta hình như chỉ có độc nhất một cái áo. Không cả tất. Mà càng tránh nhắc đến mấy cái quần đùi của cậu ta càng tốt.

– Ui. Nghe ghê quá!

– À không, không hẳn thế đâu, – Laura trấn an tôi. – Cậu ta chết mê chết mệt tớ, cho là tớ tuyệt vời. Mà cái tôi của tớ thì chịu vụ này lắm.

– Vậy thiệt bọn cậu chỉ có làm chuyện ấy thôi sao? – tôi tò mò. – Ý tớ là, không trò chuyện, không làm gì khác hết?

– Không hẳn. Thực tình mà nói thì bọn tớ không có điểm gì chung. Cậu ta thuộc thế hệ khác. Cậu ta cứ ghé qua thôi, rồi tụi này lên giường, vui vẻ một tí. Cậu ta bảo tớ là người phụ nữ xinh đẹp nhất cậu từng biết – chắc tớ là mụ đàn bà duy nhất cậu ta từng biết – rồi sáng ra lại đi, thường là cầm theo đôi tất của tớ, hỏi xin tớ ít tiền đi xe buýt nữa, rồi biến. Tuyệt vời!

Trời ạ, tôi nghĩ bụng, nhìn Laura đầy khâm phục.

– Cậu đúng là phụ nữ thập niên chín mươi. Cá tính!

– Không hẳn. Tớ chỉ cốt cho khỏi đói khỏi rét thôi. Lúc nghèo tròn méo cũng thấy ngon, kiểu vậy. Cậu biết mà.

– Vậy cậu ấy có phải bạn trai của cậu không? Nghĩa là, cậu có dám tay trong tay với cậu ấy dạo phố không?

– Ôi Chúa ạ, không! – trông nó kinh hãi. – Nhỡ có người quen trông thấy thì sao? Không, không, chàng hoàng tử bé này chỉ là giải pháp tạm thời thôi. Giữ cho cái giường còn chút hơi ấm trong khi chờ hoàng tử thật đến. Mặc dù phải nói là tớ chẳng hiểu sao cậu ta cũng còn vương vào tớ lâu đến thế.

Mặc dù gặp lại Laura rất vui, tôi vẫn rất ỷ thức được đây là cuộc giao du đầu tiên của tôi trong hơn năm năm qua dưới danh nghĩa một phụ nữ độc thân.

Và là lần giao du đầu tiên mà tôi không đeo nhẫn cưới. Tôi cảm thấy rất yếu đuối, trống trải khi không có nó. Chỉ khi không đeo nó tôi mới nhận ra lúc có nó tôi đã thấy tự tin đến thế nào. Nó khẳng định giúp bạn một điều gì đó, như là “Tôi đang không khốn khổ đi tìm trai đâu nhé, bởi vì tôi có một anh rồi. Không, thật đấy. Nhìn cái nhẫn cưới của tôi đây này!”

Laura đã chia tay bạn trai, Frank, khoảng một năm nay.

Nên, dẹp cái người tình con nít của Laura sang một bên, chúng tôi là hai phụ nữ độc thân chính hiệu đang ngồi nhâm nhi từng ngụm rượu trong cái quán bar đông đúc ngay trung tâm thành phố này, vào một tối thứ Năm của tháng Ba.

Tôi tự hỏi lũ đàn ông có “ngửi” thấy mùi tuyệt vọng của hai đứa tôi không.

Tôi tự hỏi liệu có tí mùi tuyệt vọng nào chăng để bọn họ ngửi thấy.

Tôi có đang hoàn toàn tập trung nói chuyện với Laura? Hay một phần tập trung của tôi đang rà soát cái đám đông kia tìm kiếm những anh chàng hấp dẫn? Tôi có đang đếm kỹ xem có bao nhiêu đàn ông ở đây đã liếc nhìn tôi ngưỡng mộ từ lúc tôi bước chân vào?

Không hề, thật đấy.

Không, dĩ nhiên rồi, tôi không đang nhẩm tính hay làm gì hết.

Laura nói gì đó làm tôi cười phá lên. Nhưng tôi cũng không chắc có phải mình đang cười thật không.

Có thể tôi chỉ muốn chứng tỏ với các quý đàn ông trong quán là tôi rất hạnh phúc, rát thoải mái và không hề cảm thấy mình bớt đi chút giá trị nào dù chẳng có một anh bên cạnh.

Trời ạ, nhưng tôi lại bắt đầu xuống tinh thần rồi. Tôi thấy như mình đang đeo một cái bảng đèn neon trên đầu với hàng chữ “Mới Bị Bỏ” chạy nhấp nháy màu hồng và tím, rồi đổi sang “Vô Giá Trị Khi Thiếu Vắng Đàn ông” màu cam và đỏ.

Tất cả sự tự tin đã bay biến hết.

Tôi chưa từng nhận thấy sẽ có ngày mình cảm thấy như bị bêu riếu thế này.

Khi James và tôi còn hạnh phúc, tôi vẫn thường đi bar với máy đứa bạn gái và □ 39% 70986 chưa từng có ý nghĩ này trong đầu.

Sao giờ nó lại đột nhiên thành ra cả một vấn đề?

Laura để ỷ thấy tôi đã bắt đầu rũ xuống như một cái cây héo nên khéo léo chuyển sang hỏi han. Tôi khóc, cố nói cho nó hiểu tâm trạng của mình.

– Đừng lo nghĩ nữa, – nó dịu dàng. – Hồi Frank bỏ tớ chạy theo một con bé hai mươi tuổi, tớ thấy vô cùng tủi hổ. Như thể hắn chạy đi mất là do lỗi của tớ. Rồi tớ cảm thấy mình còn tệ hơn cả vô nghĩa khi thiếu hắn. Nhưng nó cũng qua rồi.

– Thật sao? – tôi hỏi, mắt ngấn lệ.

– Thật đấy, – nó nói chắc như đinh đóng cột.

– Tớ thấy như bị chối bỏ. – tôi cố giải thích cảm giác của mình.

– Tớ biết, tớ biết. Và cậu cảm thấy như ai cũng biết cả.

– Chính xác, – tôi muốn đội ơn trời vì mình không phải kẻ duy nhất cảm thấy thế.

– Thôi, – tôi lau nước mắt. – uống thêm nữa đi.

Sau một hồi chen lấn qua đám người đang vui vẻ, tôi cũng đến được quầy rượu. Tôi đứng đấy, bị đùn đẩy, bị những cái cùi chỏ húc vào mặt và đồ uống nhễu đầy lưng áo trong khi đang cố gọi anh chàng nhân viên phục vụ ở quầy. Vừa lúc tôi nghĩ chắc phải vén váy lên khoe hai ngọn đồi của mình để được chàng để mắt đến thì có ai đó đặt tay lên eo tôi, siết.

Tôi chỉ cần có thế. Kẻ nào đó lợi dụng phụ nữ độc thân.

Tức giận, tôi cố quay lại thật nhanh trong cái không gian chật cứng để xem mặt kẻ quấy rầy.

Mặt tôi chạm ngay lồng ngực, phải thế rồi, của ai đó.

Là cậu Adam đẹp trai.

Adam, người có thể, hoặc cũng có thể không là bạn trai của Helen.

Hội thẩm đoàn vẫn chưa ra mà.

– Chào, – cậu cười duyên dáng. – Em thấy chị từ phía bên kia. Chị cần giúp không?

– Ôi, chào cậu, – tôi cố giữ vẻ mặt bình tĩnh, nhưng trong lòng vô cùng vui mừng được gặp cậu. May thế, Laura chọn đúng cái quán này.

– Mừng quá! Tôi vẫn chưa kêu được nước nữa. Cái anh chàng đó ghét tôi.

Cậu cười.

Tôi cũng cười. Tôi đã quên béng đi mất là lẽ ra chúng tôi phải rất gượng gạo sau cái cảnh ấy trong phòng tôi – cậu hàm ý chúng tôi có em bé.

Adam nói: – Để em kêu giúp chị.

Tôi đưa tiền, bảo cậu lấy hai ly rượu đỏ và bất cứ thứ gì cậu thích.

Tôi tự hào vẫn nhớ gốc gác của mình. Tôi vẫn chưa quên mà. Tôi cũng từng là một đứa sinh viên không xu dính túi. Tôi vẫn nhớ nhìn người ta đốt tờ năm bảng để mồi thuốc mà ước họ mua cho tôi một chai Carlsberg, chỉ cần một chai thôi. Adam lách vào trong. Má tôi nằm gọn trong ngực cậu. Tôi ngửi được cái mùi của cậu. Xà phòng. Người cậu thơm tho, sạch sẽ.

Tôi xấu hổ tự nhủ mình phải biết kiềm chế. Tôi đang bắt đầu cư xử như Blanche Du Bois[10] rồi. Hay như cái con mụ nát rượu điên khùng trong Sunset Boulevard ấy, chẳng nhớ tên gì. Hay như hàng hàng lớp lớp các mụ nạ dòng trong mấy cái chuyện về Beverly Hills, da mặt kéo căng cả thước, đói khát những chàng trai trẻ hơn các mụ ấy rất nhiều. Buồn, thảm hại. Tôi không muốn giống như thế.

[10] Nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết A Streetcar Named Desire của tác giả Tennessee Williams.

Adam nhanh chóng kêu được đồ uống, chẳng khó khăn gì. Mấy tên nhân viên luôn đàng hoàng với những người như cậu. Và chẳng có thời gian cho mấy mụ đàn bà như tôi. Nhất là những kẻ bị chồng bỏ.

Cũng như bao tên đàn ông khác trong cái vũ trụ này, hắn rõ ràng biết tôi là kẻ thát bại.

Adam đưa tôi hai ly rượu.

– Tiền dư của chị đây.

– Thôi, tôi đâu còn tay nào nữa, – tôi dứ dứ hai cái ly.

– Không sao, – cậu nói, và luồn tay vào cái túi bên hông váy.

Chỉ trong một giây, bàn tay cậu nằm gọn trên hông tôi. Tôi có thể cảm thấy hơi nóng qua lớp vải.

Tôi nín thở.

Tôi nghĩ cậu ta chắc cũng thế.

Rồi cậu thả mấy đồng xu, chúng khua loạn xạ trong túi tôi.

Bạn muốn tôi làm gì đây? Cho cậu ta một bạt tai vì tội sỗ sàng ư? Thì cậu ta muốn trả lại tiền thừa trong khi tôi còn tay nào nữa đâu. Cậu ta làm đúng thôi mà.

Mặc dù tôi vẫn nghĩ những người hấp dẫn như thế nên được cấp giấy phép cho làm việc này việc nọ. Họ nên dự một kỳ thi nào đấy để chứng tỏ sẽ cư xử rất mực thước mà vẫn giữ nguyên cái vẻ hút hồn của mình.

Mà cậu ta không chỉ đẹp trai, không chối cãi được điều này, cậu ta còn rất cao lớn và nam tính nữa.

Khiến tôi thấy mình nhỏ bé, mong manh. Lại là triệu chứng của cái đầm ngủ vĩ đại rồi.

Cậu hỏi: “Chị đi với ai?”

Tôi đáp: “Bạn, tên Laura.”

Cậu hỏi: “Em ngồi chung được không?” Tôi đáp: “Dĩ nhiên rồi.”

Tại sao không? tôi nghĩ. Có cậu rất vui, một chàng trai ngọt ngào. Laura sẽ rất thích.

Mặc dù với nó cậu ta có thể hơi già.

Cậu mở lối cho tôi len qua lớp người ken dày. Phải nói là người ta đàng hoàng với tôi hơn khi tôi đi cùng cậu.

Tôi không nghĩ mình bị một giọt rượu nào nhễu vào người trong lúc quay lại chỗ ngồi, trái ngược với cái hành trình đẫm ướt lúc đi.

Vô cùng bất công, dĩ nhiên. Nhưng đời là vậy đó.

Chúng tôi đi ngang một nhóm người dường như là có quen Adam.

– Adam! Anh đi đâu đấy? – một cô gọi. Tóc vàng. Đôi môi phụng phịu tô hồng. Rất trẻ. Rất xinh.

– Anh vừa gặp lại một chị bạn, – cậu đáp. – Anh qua chỗ chị ấy một chút.

Tôi liếc nhanh một vòng, để an tâm là Helen không có trong đấy. Đội ơn trời, không thấy con bé.

Tuy nhiên tôi để ý thấy một phụ nữ lớn tuổi hơn trong nhóm, trông lo lắng vì Adam xé lẻ. Liệu đó có phải cái bà giáo sư Staunton thất tình tội nghiệp?

Tôi cũng cảm thấy vài cái nhìn thù địch. Đều từ đám con gái. Thật buồn cười.

Mặc xác các người, tôi tươi tỉnh nghĩ bụng.

Phải chi họ biết tôi chẳng có gì để họ phải e ngại cả.

Chồng tôi bỏ tôi rồi, tôi muốn nói cho họ nghe, và anh nhà chỉ đẹp trai vừa vừa thôi. Không như Adam đây đâu. Nên mắc gì một thiên thần như Adam phải để tâm đến tôi?

Hơn nữa tôi vẫn còn yêu chồng mình lắm. Dù anh ta là kẻ phản bội.

Tôi dẫn Adam lại chỗ Laura và giới thiệu cậu với nó.

Nó đỏ mặt.

Vậy cậu ta đúng là có cái hiệu ứng này với bất cứ phụ nữ nào cậu gặp. Không phải chỉ với đám phụ nữ nhà tôi.

Adam xoay xở tìm được một cái ghế trống.

Cậu ta là như thế.

– Cậu đúng là giỏi bịa! – tôi mỉm cười.

– Sao cơ? – cậu hỏi, đôi mắt xanh mở to, trông vô cùng ngây ngô, và hơi trẻ con.

– Bảo cô bé đó tôi là bạn cậu, – một chị bạn.

– Ừ thì đúng vậy mà. Chị lớn tuổi rồi.

– “Lớn tuổi” kiểu như trong “lớn hơn tôi” ấy, – cậu ta hấp tấp nói thêm khi nhận thấy tôi nheo nheo mắt lại. – Và em biết vậy cũng là do Helen nói với em chị bao nhiêu tuổi thôi. Em đã nghĩ chị trẻ hơn nhiều.

Tôi chỉ biết nhìn cậu ta.

Phải tôn cậu ấy làm thầy thôi, tôi nghĩ, cậu ta đã tự bào chữa cho mình.

– Với lại, – cậu tiếp. – Mặc dù chỉ mới gặp một lần nhưng em cảm thấy chị như một người bạn ấy.

Phải, tôi nghĩ, cậu ta đã cãi hoàn toàn trắng án cho mình.

Đến đúng cái đoạn này về sau Laura có bảo nó đã tuột quần chip và kéo váy lên, thế nhưng chẳng ai trong chúng tôi để ý thấy cả. Tôi không tin lấy một lời nó nói. Nhưng tôi tin mình hiểu ý nó nói gì.

Buổi tối hôm ấy phấn chấn lên thấy rõ kể từ lúc Adam xuất hiện.

Dĩ nhiên tôi thấy vui hơn rất nhiều.

Tôi xấu hổ phải thú nhận điều này nhưng thực sự tôi thấy vui vẻ, thoải mái hơn rất nhiều khi có đàn ông bên cạnh.

Như thể nó giúp khẳng định giá trị con người tôi, theo một cách nào đó.

Thật lòng, tôi biết nói như vậy nghe buồn và tội nghiệp thế nào. Và tôi thật có ý định phải thay đổi cái kiểu suy nghĩ ấy. Nhưng có Adam ở bên quá tuyệt vời.

Ngoài bất cứ ưu điểm nào trên đời này ra, cậu còn rất có duyên nói chuyện nữa.

Laura hỏi Adam biết tôi như thế nào và cậu đáp: “Em học cùng Helen.”

Laura nhìn tôi một cái đầy ngụ ý, kiểu như: “Ôi trời ạ, không, lại là một tên sinh viên! Tớ lại phải làm bộ quan tâm, say sưa nghe cậu ta huyên thuyên bất tận về bất cứ cái môn học chán ngắt nào cậu ta đang theo rồi.”

Nhưng Adam đã đập tan kế hoạch này của Laura.

Có vẻ như cậu vẫn hay làm thế.

– Không sao đâu, – cậu mỉm cười với Laura. – Chị không phải hỏi em đang học ngành gì đâu.

– Ồ, – nó hơi lúng túng. – Vậy thôi tôi sẽ không hỏi đâu.

Im lặng.

– Thôi, – Laura nói. – Giờ thì tôi muốn biết thật đấy.

– Không phải là em đâu nhé, – Adam cười.

– Nhưng vì chị hỏi nên, ừ, em đang học năm đầu, các môn Ngữ văn, Tâm lý học và Nhân loại học.

– Năm đầu? – Laura nhướng mày, rõ ràng là ý nói cái, nói thế nào nhỉ, cái cách xử sự ít trẻ con của cậu.

– Vâng. Em là dạng sinh viên “đàn anh”. Hay đó là cách người ta gọi em thì đúng hơn. Nhưng em chẳng thấy mình có cái chín chắn của một người đàn anh thực thụ tí nào. Chỉ khi đem so với các bạn cùng lớp thôi, em nghĩ vậy.

– Mấy đứa nó chẳng ra gì phải không? – tôi hỏi, mong cậu đáp phải.

– Không phải là không ra gì. Chỉ là trẻ thôi. Em nghĩ phải có người như thế chứ. Ý em là, bọn họ chỉ toàn mười bảy, mười tám, vừa mới xong trung học và vào đại học chỉ để có thêm vài năm sống vô trách nhiệm, chứ không phải vì ham học gì, hay là vì mê mấy môn học đó.

Laura và tôi lịch sự đưa ra hai cái mặt vô cùng xẩu hổ khi cậu nói đến đây. Laura, Judy và tôi là những ví dụ hùng hồn của cái kiểu lười nhác, biếng lao động, hư hỏng, vô trách nhiệm mà cậu đang mô tả.

– Thế thì chúng chỉ làm cho cậu chán ngấy thôi, – tôi lí nhí.

Laura và tôi liếc nhau cười.

– Mà sao cậu lại vào đại học? – tôi hỏi.

– Ừm, em chưa từng muốn thế. Em chưa từng biết mình muốn làm gì sau khi xong trung học. Em toàn làm những chuyện sai lầm, – cậu nói rất bí hiểm.

– Rồi gần đây em quyết định làm lại mọi thứ. Ngày trước nó đã lộn tung hết cả lên, – cậu tiếp, nghe càng bí hiểm hơn. – Giờ thì em đã sẵn sàng để học thêm. Em thực sự thích đấy.

– Thật sao? – tôi đã bị ấn tượng bởi sự chín chắn và chuyên tâm của cậu.

– Vâng.

Rồi cậu ngập ngừng tiếp: – Em nghĩ mình may mắn đã được đợi cho đến bây giờ. Vì đến bây giờ em mới thực sự biết quý nó. Em nghĩ nên để mọi người lăn lộn đi làm vài năm trước khi quyết định mình có muốn học tiếp hay không.

– Vậy là cậu đã làm thế? – tôi hỏi. – Cậu đã đi làm?

– Cũng kiểu kiểu vậy, – cậu nói cụt ngủn, rõ ràng là không muốn đào sâu thêm. Càng lúc càng thêm tò mò.

Vậy là chàng Adam trong trắng tinh khôi cũng có Một Quá Khứ. ừ thì cái kiểu cậu ta nói nghe có vẻ như thế.

Tôi dám cá cậu đang cố tình tạo ra cho bản thân một sức hút bí ẩn, tôi khắt khe nghĩ. Biết đâu suốt sáu năm vừa rồi cậu ta đã là công chức chính phủ. Chắc là ở cái phòng ít hay ho nhất, như cấp phép nuôi thú chẳng hạn, nếu có một cái phòng làm chuyện đó.

Laura hỏi Adam câu thứ hai nó vẫn hỏi các em sinh viên. (Câu đầu là: Cậu học ngành gì?) – Rồi tốt nghiệp xong cậu muốn làm gì?

Tôi hồi hộp chờ đợi.

Cầu xin Chúa, đừng để cậu ta nói muốn trở thành nhà văn hay phóng viên gì đó. Nghe mòn lỗ tai rồi.

Tôi đã bắt đầu thấy thích và quý cậu. Nên trả lời kiểu này sẽ chỉ nhạo báng hết những ấn tượng về cậu nãy giờ.

Tôi nắm hai tay lại, mắt hướng lên trời, cầu nguyện.

– Em muốn làm gì đó liên quan đến Tâm lý học. (Phù!) Em thấy cách con người ta suy nghĩ rất thú vị. Cũng có thể em thích làm cố vấn. Hay là làm gì đó liên quan đến quảng cáo. Sử dụng kiến thức về Tâm lý học cho công việc đó, – cậu giải thích. – Mà thôi, cũng còn cả một chặng dài phía trước.

– Vậy còn Ngữ văn thì sao? – tôi lo lắng hỏi. – Cậu không thích sao?

– Dĩ nhiên là có chứ. Môn em thích nhất đấy. Nhưng em không thấy có khả năng kiếm được việc làm. Trừ phi em muốn trở thành nhà văn hay phóng viên gì đấy. Mà cứ hai kẻ tốt nghiệp thì đã hết một muốn làm cái nghề này.

Đội ơn trời!

Tôi mừng là cậu thích thế. Tôi không thể nghe thêm một ai nữa lải nhải chuyện họ muốn viết sách.

Thế là chúng tôi nói chuyện vui vẻ. Laura đi lấy thêm nước.

Adam quay sang tôi, mỉm cười.

– Tuyệt quá! Nói những chuyện nghiêm túc như thế này thật thích.

Tôi vui sướng.

Adam xích lại gần tôi hơn một chút.

Vậy là có thể tôi không có cái thân hình của con gái mười bảy, nhưng tôi vẫn có thể làm một tên đàn ông thích thú, tôi tự mãn nghĩ.

Tôi thấy mình như một phụ nữ chín chắn, mạnh mẽ, biết rõ bản thân và vị trí của mình trong cái thế giới này. Tự tin, có chính kiến nhưng hài hước và vui vẻ. Dí dỏm và thông minh.

Rác rưởi, dĩ nhiên rồi.

Chẳng phải mới nửa tiếng trước thôi tôi còn mắt mũi đầm đìa vì đinh ninh mọi người trong cái quán này biết tôi là kẻ bị chối bỏ?

Nhưng vấn đề là thái độ sống thôi.

Ngay lúc này tôi thấy vui.

Tôi thấy vui vì Adam làm tôi thấy vui. Nhưng ai làm tôi vui thì có gì quan trọng không?

Chả phải thế tốt hơn là thấy buồn khổ ư?

– Adam, tụi em đi đây. Anh đi cùng chứ? Cô bé tóc vàng xinh xắn đã từ đâu xuất hiện, sà xuống cạnh Adam.

– Không, Melissa à, chưa. Nhưng sáng mai anh gặp lại mọi người, được không? Rõ ràng còn hơn cả “được” rất nhiều. Melissa trông giận dữ.

– Nhưng mà… em tưởng… anh không đi tiệc sao? – cô hỏi, có vẻ như không tin vào tai mình.

– Không, e là không, – Adam đáp, lần này giọng cương quyết hơn một chút.

– Được thôi! – Melissa nói, cho Adam biết thế là đã quá xa với “được”. – Túi của anh đây, – rồi buông cái túi thể thao to đùng rớt độp xuống sàn.

Cô bé liếc cả tôi lẫn Laura thật dữ tợn.

Bất mãn, nhưng rất dữ tợn.

Cô bé thực sự không hiểu Adam đang làm gì với hai mụ già này trong khi cậu có thể “bốc” bất cứ em nào trong cái đám con gái hấp dẫn, khêu gợi ấy.

Nói thật, tôi cũng không hiểu nổi.

Melissa quày quả bỏ đi. Adam thở dài.

– Em chịu hết nổi mấy cái trò này, – cậu nói giọng chán chường. – Lại thêm một bữa tiệc quậy kiểu sinh viên nữa. Heineken cứ thế nốc vào. Rồi chẳng có đường xả vì có kẻ đang bận làm tình trong toa lét. Rồi cứ bỏ áo khoác trên giường là có đứa ói vào. Rồi ai nấy hôn hít chùn chụt. Em già quá không hợp với mấy thứ ấy nữa.

Tự nhiên tôi thấy thật lòng tội nghiệp cậu ta.

Tôi nghĩ cậu ta rất thật tình lúc cậu nói thích những cuộc trò chuyện nghiêm túc. Lúc nào cũng bị đám con gái mười tám như Helen và Melissa vây quanh đúng là chẳng dễ dàng gì nếu bạn chín chắn hơn chúng nhiều.

Rồi tôi nhận ra có quá nhiều kẻ ngưỡng mộ cũng chẳng dễ chịu gì, nếu bạn là người tử tế, đàng hoàng, như Adam, có vẻ thế, và bạn không muốn làm họ buồn. Đôi khi, không phải vì tôi biết vậy hay sao đó, nhưng không phải cứ đẹp là mọi thứ đều trở nên dễ dàng. Bạn phải biết sử dụng cái lợi thế đó một cách khéo léo và có trách nhiệm.

Suốt mười phút sau đó, từng tốp con gái trẻ trung đều đặn đến chào tạm biệt Adam. À, đấy là cái cớ thôi. Hẳn nhiên Melissa đã báo cáo thông tin và chúng đến để xem tôi với Laura già nua, xấu xí đến cỡ nào.

Nếu trăng với sao kia có đổi cho nhau được, tôi chắc sẽ là đứa đầu tiên chê bai, nhạo báng mẩy đôi giày, quần áo, cách trang điểm và tóc tai của hai mụ đàn bà chen ngang đáng ghét này.

Nhưng Laura trông vẫn xinh đẹp, tóc xoăn nhuộm đỏ, da đẹp như sứ, không một dấu vết của cái tuổi ba mươi của nó. Tôi cũng không nghĩ mình đến nỗi tệ. Nhưng tôi biết chắc điều ấy cũng chẳng cản được những kẻ muốn chê chúng tôi già ngóc. Mà ảnh hưởng gì kia chứ?

Ai đó bỗng thò một cái lon ngay dưới mũi tôi, lắc lắc.

– Chị đóng góp một ít cho trẻ em cơ nhỡ nhé? – một gã đàn ông mặt hiện rõ chữ quấy nhiễu mặc một cái áo khoác sũng ướt lên tiếng.

– Chắc rồi, – nhờ rượu, tôi hào phóng hơn bình thường một chút. Tôi nhét một bảng vào lon.

– Chị nữa? – gã quay sang Laura.

Gã thậm chí chẳng hỏi đến Adam. Rõ ràng gã nhận ra ngay những cô cậu sinh viên không một xu dính túi.

– Ồ, tôi đóng góp trực tiếp rồi, – Laura nói.

– Vậy hả? – tôi ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ biết Laura từng làm gì liên quan đến từ thiện cho trẻ em.

– Ừ thì tớ đều đặn làm tình với con nít.

Nếu thế không phải là đóng góp trực tiếp thì tớ chẳng biết gọi nó là gì.

Gã đàn ông trông khiếp sợ, nhanh chóng lỉnh qua bàn kế bên.

Adam cười sằng sặc.

– Em chưa từng gặp ai quan hệ với trẻ em.

– Tôi đùa thôi. Thật tình tôi không phải đứa chuyên gạ gẫm trẻ em đâu, – nó bảo. – Đứa con nít tôi vừa nói cũng được mười chín tuổi rồi.

Chúng tôi uống hết chỗ rượu rồi mặc áo khoác vào, chuẩn bị về.

Quán bar đã bắt đầu vãn người.

Mấy người xung quanh có vẻ như đang rất cao hứng, ngoại trừ mấy cậu nhân viên đang nài nỉ họ về.

– Tôi làm mười ba đêm liên tục rồi, – tôi nghe một cậu nói với một bàn đang rất ầm ĩ. – Tôi sắp gục đấy. – Công bằng mà nói, cậu này đúng là trông kiệt sức thật, nhưng tôi nghĩ cậu đang phí thời gian khơi dậy lòng trắc ẩn của đám người này.

– Anh làm tụi này muốn khóc quá hà, – một tên trong bọn, đã khá say, nhạo.

– Uống hết chai ấy ngay, không tôi cầm đi luôn đấy! – một cậu nhân viên khác đang đứng ở bàn bên cạnh đe dọa. Rõ ràng cậu này đã quá quen với vai trò một chủ tiệc nhanh gọn.

Thế là tên khách tu một hơi cạn sạch, dưới sự cổ vũ nhiệt tình của đám bạn: “Giỏi!”, “Cấm phí của giời!”, và nhiều tiếng la hò khác.

Thậm chí Laura cũng hò theo: “Cạn!”

Năm phút sau đấy chúng tôi đã đi ngang qua tên này lúc hắn cũng chỉ vừa đi ra. Hắn đang được vài đứa bạn, cũng say khướt không kém, đỡ trong khi bận ói mửa tràn lan.

Bước tới cửa quán bar, chúng tôi mới hay trời vừa bắt đầu mưa.

– Tớ đậu xe ngay đầu phố thôi, – Laura nói. – Tớ chạy đây.

Chúng tôi ôm nhau chào tạm biệt.

– Chủ nhật tớ sẽ đến chơi với Kate. Rất vui được gặp cậu, Adam. – Bóng nó chìm dần trong màn đêm sũng ướt trước khi suýt đụng phải cái tên đang nôn mửa.

– Xin lỗi, – nó nói với theo, giọng nó dập dềnh trong hơi đêm ẩm ướt.

Adam và tôi đứng ngoài cửa một lúc. Tôi không chắc mình nên nói gì, cậu cũng không nói gì nốt.

– Tôi cho cậu quá giang về nhà nhé?

Tôi thấy lời đề nghị của mình hơi kỳ cục. Mặc dù tôi đóng vai người phụ nữ lớn tuổi hơn, có tiền, đang thèm khát tình yêu và chuyện giường gối, và đang gạ gẫm chàng thanh niên đẹp trai không tiền.

– Thế tốt quá! Em nghĩ mình nhỡ chuyến xe buýt cuối rồi.

Cậu mỉm cười.

Tôi thấy nhẹ nhõm.

Tôi đang làm ơn cho cậu ta. Không phải đang tìm cách lợi dụng.

Chúng tôi bước vội qua những con phố ướt át đến bãi đậu xe.

Tin tôi đi, đi bộ dưới mưa chẳng lãng mạn tẹo nào đâu. Vô cùng khổ sở thì đúng hơn. Đôi giày bốt của tôi bằng da lộn. Tôi sẽ phải dành cả phần còn lại của đời mình mà đứng cầm nó hơ trên cái ấm nước đang bốc khói hòng khôi phục lại vẻ huy hoàng cho nó.

Chúng tôi chui vào trong xe. Cậu ném túi xách ra băng ghế sau và ngồi xuống cạnh tôi. Thề có Chúa, cậu ta lấp đầy cả phần trước của xe.

Lên đường.

Cậu bắt đầu ngó ngoáy cái radio.

– Ôi đừng! Bố giết tôi mất!

Tôi kể cho cậu nghe câu chuyện giữa hai bố con trước khi đi. Cậu cười rất vui vẻ.

– Chị lái xe cừ đấy! – một chốc sau đấy cậu lên tiếng.

Thế là tôi bấn loạn và từ lúc ấy trở đi cứ làm chết máy, rồi lại suýt ủi vào cột điện. Cậu chỉ cho tôi đường về nhà mình ở Rathmines. Chúng tôi chạy xe trong mưa. Chẳng ai nói gì.

Âm thanh duy nhất là tiếng bánh xe lướt trên mặt đường và tiếng quét rin rít của cây cần gạt nước.

Nhưng sự im lặng này thật dễ chịu.

Tôi dừng xe trước nhà cậu và mỉm cười tạm biệt. Buổi tối hôm nay sao mà tuyệt vời quá.

– Cám ơn chị.

– Không có gì, – tôi mỉm cười.

– Ờ… ừm… em định nói… chị vào uống tách trà nhé? – cậu lúng túng.

– Khi nào… ừm… bây giờ á? – tôi hỏi lại, cũng bối rối không kém.

– Không, em nghĩ chắc đâu đó tháng Mười hai năm sau, – cậu cười.

Lời từ chối của tôi ở ngay cửa miệng, thậm chí trước khi tôi kịp nhận ra.

Tôi có mấy lý do từ chối. Trễ rồi. Tôi đang ướt sũng. Đây là tối đầu tiên tôi bỏ Kate để ra ngoài. Helen sẽ giết tôi.

– Ừ, – tôi đáp, vô cùng ngạc nhiên vì câu trả lời của mình. – Sao lại không nhỉ?

Tôi đậu xe rồi cả hai vào nhà.

Trống ngực tôi đập loạn xạ. Nỗi lo sợ của tôi có nguồn gốc rất rõ ràng. Tôi đã thấy đủ loại nhà thuê của sinh viên nên chỉ chờ nhìn thấy những cảnh tượng kinh khủng nhất.

Đủ kiểu bố trí kỳ cục. Đấy, sáu, bảy người ngủ ngoài phòng trước, hai trong bếp, phải đi qua phòng ngủ để vào toa lét, phải đi qua toa lét mới ra tới phòng khách.

Phòng ngủ ngăn cách bởi những tấm thảm kẻ ô treo thả xuống từ trên trần, cho có vẻ riêng tư một tí. Tủ quần áo ngoài hành lang. Tủ ngăn kéo đựng quần áo trong nhà bếp. Soong chảo, xô chậu trong nhà tắm. Tủ lạnh ngay dưới chân cầu thang. Và bàn trà trong phòng khách ghép từ bốn cái thùng đựng sữa với một miếng nhựa.

Bạn biết đấy.

Bếp thì trông như thể nếu rủi bị sét đánh trúng, xem như trở về thuở hồng hoang – màn cửa treo lệch, quăn queo, mành gió toàn các mảnh gãy, lon bia móp méo la liệt dưới sàn và bình chứa nước dành để tự chế bia uống.

Ôi đúng thế đẩy, tin tôi đi, tôi đã phải trả tiền để được ở trong những cái nhà trọ sinh viên thế rồi.

Thế nên tôi thở phào nhẹ nhõm khi Adam mở cửa, mời tôi bước vào một căn hộ trông rất bình thường, thực tế tôi còn có thể nói quá một tí là trông rất được.

– Vào bếp đi! – cậu bảo, cởi chiếc áo khoác ướt sũng.

Chúng tôi vào bếp. Adam đặt ấm nước và bật máy sưởi. Không phải máy cái máy sưởi dã chiến gớm ghiếc vẫn bắt vít vào phòng ngủ kiêm nơi tiếp khách, mà là máy sưởi bằng gas thông thường, giống như loại gắn trong căn hộ của chúng tôi ở London ấy. Còn ấm nước thì là ấm nước thật, không phải lon thiếc.

Tôi hơi nghi ngờ.

– Mấy người sống ở đây, – tôi hỏi, – cũng là sinh viên sao?

– Không, – cậu giúp tôi cởi áo khoác rồi treo nó gần chỗ máy sưởi. – Họ đi làm rồi. À, thảo nào.

– Chị có bị ngấm nước mưa không? Em lấy cho chị mượn đỡ cái áo len của em nhé?

– Không, không sao, – tôi đã thấy dạn dĩ hơn. – Cái áo khoác đã che cho tôi khỏi trận mưa dữ dội rồi.

Cậu mỉm cười.

– Vậy để em láy khăn cho chị lau tóc.

Cậu quay đi rồi trở lại, cầm theo một cái khăn to màu xanh. Và tôi mừng là không phải để bạn lo vì, không, cậu ta không tự tay lau khô tóc cho tôi.

Bạn nghĩ mình đang đọc gì? Mấy cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn chăng?

Xin lỗi nhưng nếu bạn thích những dạng tương tự thì tôi nghĩ mình nên đề nghị bạn đọc một cuốn sách khác.

Không. Cậu ta đưa cho tôi cái khăn và tôi tự mình lau tóc. Tôi đâu muốn tóc mình bị dính bê dính bết rồi sau đó khô nham khô nhở.

Nói thật, tôi thà bị mắc chứng viêm phổi. Tôi cởi giày, đặt trước máy sưởi. Adam đưa cho tôi một tách trà. Chúng tôi ngồi bên bàn ăn trong căn bếp ấm áp dễ chịu.

Cậu còn kiếm được một gói bánh quy.

– Của Jenny, – cậu phân trần. – Sáng mai em sẽ nói mình có khách quý. Cô ấy sẽ hiểu.

Có vẻ như cậu ấy có duyên một cách rất tự nhiên. Tôi không hề thấy cậu nịnh nọt hay giả tạo.

– Vậy là chị sanh Kate được lâu chưa? – cậu đặt hũ đường trước tách trà của tôi.

– Hơn một tháng rồi – Chị này, em hy vọng chị không phiền lòng, – cậu bối rối. – Nhưng Helen có nói với em chuyện của chị và anh nhà.

– Gì nữa? – tôi hỏi, có phiền chứ.

– À, cũng không nói gì nhiều, – cậu vội nói.

– Ý em là, em biết đó không phải chuyện của em hay sao hết, nhưng em chắc chuyện không dễ dàng gì cho chị. Bản thân em cũng đã gặp chuyện tương tự nên em hiểu nó kinh khủng thế nào.

– Thật sao? – tôi tò mò.

– Dạ, vâng. Nhưng em không có ý định soi mói chuyện của chị đâu.

Không phải lo, tôi nghĩ, cứ nói ra đi!

Cậu cứ soi mói chuyện của tôi nếu tôi cũng được phép soi mói chuyện của cậu một chút.

– À, – cậu tiếp, – em biết chị cũng có rất nhiều bạn bè ở Dublin nhưng chị đừng ngại nếu muốn nói chuyện với em.

– Cậu đang không đem tôi ra làm thí nghiệm với cái môn Tâm lý học của cậu đấy chứ? – tôi nghi ngờ.

– Không, không phải vậy, – cậu phá lên cười. – Vì em thấy quý chị ngay từ lúc mới gặp thôi. Và sau tối nay thì em thấy quý chị hơn nữa. Em sẽ rất vui nếu mình là bạn bè của nhau.

– Tại sao? – tôi hỏi, càng nghi ngờ hơn. Ừm, tôi hoàn toàn có quyền hỏi tại sao, đúng không? Vì tôi chẳng hiểu tại sao mà. Tôi là một người rất đỗi bình thường. Tại sao Adam lại bảo tôi rất đặc biệt và đáng là bạn tốt?

Tôi không có ý hạ mình xuống. Tôi biết mình cũng có nhiều phẩm chất tốt. Tôi không phải Nữ Hoàng Tự Ti, nhưng rất nhiều người cũng có những phẩm chất tốt. Tôi chẳng có gì đặc biệt khác thường cả. Còn Adam, mặt khác, hẳn đã gặp hàng triệu, triệu phụ nữ, những người phụ nữ dí dỏm, xinh đẹp, thông minh, vui vẻ, giàu có, thon thả, xinh xắn và lôi cuốn.

Tại sao cậu ta lại chú ý đến tôi?

– Bởi vì chị rất dễ mến, – cậu đáp.

Dễ mến! Bạn thấy chưa?

Ai lại muốn một người đàn ông đẹp trai như Adam “chấm” chỉ vì họ dễ mến?

– Chị cũng vui tính nữa. Thông minh, và thú vị.

Vậy nghe được hơn nhiều.

Có cửa nào cho xinh đẹp, hấp dẫn không?

Tôi thậm chí đã nghĩ tới từ “lôi cuốn”. Nhưng không có từ nào cả. Xinh đẹp, hấp dẫn, lôi cuốn.

Thì đã sao chứ? Được trò chuyện với cậu là vui rồi. Tôi thấy rất dễ chịu.

Tôi không mê cậu.

Mặc dầu cũng có thể lắm, nếu ở một hoàn cảnh khác.

Cậu không mê tôi.

Chúng tôi chỉ là hai con người trưởng thành vô tình thích trò chuyện với nhau. Tôi là phụ nữ đã có gia đình.

Thứ Hai tôi sẽ gọi James.

Adam đã có người “canh giữ” rồi. Nếu không phải Helen em tôi thì cũng là một phụ nữ khác, tôi chẳng chút nghi ngờ điều này.

Nên chuyện có gì ghê gớm đâu.

– Mai chị có làm gì không?

– Ừm, chưa biết nữa. Thực sự tôi cũng chưa theo lịch trình gì cụ thể từ lúc về đến giờ. Chắc chỉ chăm Kate thôi.

– Đấy, chính là lý do em hỏi chị sanh Kate được bao lâu rồi. Em đang nghĩ không biết chị có muốn đến phòng tập với em không.

– Tôi á? – tôi kinh hoảng. – Sao cậu hỏi thế?

– Không phải vì em nghĩ chị cần phải tập tành đâu, – giọng cậu ngài ngại. – Em chỉ nghĩ biết đâu chị thích.

Tôi, với cái cơ thể bị mất phom, nhão chùng như bao bột đến phòng tập với một thiên thần. Cậu ta đùa chăng?

Nhưng mặt khác, cơ thể tôi sẽ vĩnh viễn không ra hình thù gì, nhão như bột, nếu tôi không làm gì với nó.

Và tôi đã từng đi tập rất hăng say trước khi có Kate.

Có lẽ đây là lời đề nghị hay ho nhất lâu lắm rồi tôi mới được nghe.

– Ừm… – tôi đắn đo, – tôi không được gọn gàng lắm.

– Thế nên chị phải bắt đầu làm gì đó chứ! – cậu nói ngay.

– Rồi ai sẽ trông Kate?

– Chẳng phải mẹ chị sẽ giúp trông cháu sao? Chỉ vài tiếng đồng hồ thôi mà.

– Cũng có thể, – tôi nói, giọng nghi ngại. Chuyện này hình như đang đi hơi quá nhanh.

Quỷ tha ma bắt, tôi chỉ ra ngoài uống chút ít với Laura thôi, thế mà giờ tôi đang chuẩn bị tham gia vào một chương trình tập luyện với một người chỉ mới gặp hôm qua.

Tối qua.

– Nào chị! Đi nhé? Em dám cá chị sẽ rất thích. Có mất mát gì đâu chị?

Tôi có gì để mất?

Ngoài mạng sống của mình ra, nếu Helen tìm thấy.

– Thôi được, tôi sẽ đi.

Tôi quyết định sẽ gặp cậu dưới phố ba giờ ngày mai dù gần như không tin được là mình đang làm điều này. Tôi uống hết tách trà. Cậu tiễn tôi ra chỗ đậu xe.

Cậu đóng cửa xe cho tôi và đứng ngoài cửa – trong mưa, tôi xin được nói thêm – nhìn theo tôi phóng xe đi.

Tôi đã bắt đầu thấy tội lỗi trước cả khi kịp chạy hết con phố.

Tội bỏ bê Kate.

Tội giao du với bạn trai của em gái mình, mà xét ra thì vô tội.

Tội nghĩ đến chuyện phí thời gian ở phòng tập trong khi tôi nên nói chuyện với luật sư để giải quyết vấn đề tài chính và các thứ khác.

Vừa về đến nhà, tôi chạy lên lầu tìm Kate. Thật nhẹ cả người khi thấy con bé vẫn còn sống và khỏe mạnh. Tôi thấy tội lỗi đến độ cứ đinh ninh có chuyện không hay xảy ra.

Tôi ôm chặt bé vào lòng, chặt đến độ tôi tưởng mình sắp cướp mất hơi thở của bé.

– Mẹ nhớ con quá, bé yêu, – tôi thì thầm, trong khi con bé chật vật thở. – Thứ Hai mẹ sẽ gọi bố, sẽ cố gắng giải quyết chuyện nhà mình. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp, mẹ hứa đấy.

Buổi tối hôm nay thật tuyệt vời.

Tôi chỉ không hiểu sao mình thấy xuống tinh thần quá.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.