Triệu Vô Tuất bị Dự Nhượng đánh vào áo ba lần, khi Dự Nhượng đã chết
rồi, Triệu Vô Tuất giở áo ra xem, thì những chỗ áo bị đánh đều có vết
máu, từ bấy giờ mắc bệnh, đã hơn một năm không khỏi. Triệu Vô Tuất sinh
được năm con, nhân nghĩ đến anh mình là Bá Lỗ vì mình mà bị bỏ, muốn lập con Bá Lỗ là Chu để nối nghiệp; nhưng Chu lại chết trước, mới lập con
Chu là Cán làm thế tử. Khi Triệu Vô Tuất gần mất, bảo Triệu Cán rằng:
– Ta và Hàn, Ngụy cùng diệt họ Trí, mở mang bờ cõi, nhân dân yêu mến, ta nên ước với Hàn, Ngụy thừa cơ chia nước Tấn làm ba, lập ra miếu xã,
truyền cho con cháu đời sau. Nếu để chậm mấy năm, mà nước Tấn lại có vua anh minh, cầm giữ cho quốc chính, thu thập dân tâm, thì dòng dõi họ
Triệu ta, khó lòng bảo toàn được.
Triệu Vô Tuất nói xong thì mất. Triệu Cán trị tang xong, liền đem lời di chúc nói với Hàn Hổ. Bấy giờ là năm thứ tư đời Chu Khảo vương. Tấn Ai
công mất, con là Liễu nối ngôi tức là Tấn U công. Hàn Hổ và Ngụy Câu hợp mưu, để Giáng Châu và Khúc Ốc làm đất ăn lộc của Tấn U công, còn bao
nhiêu chia ba gọi là Tam Tấn (Hàn, Triệu, Ngụy). Tấn U công hèn yếu,
phải đến triều kiến ba nhà, chẳng còn ra thể thống vua tôi gì nữa. Tướng quốc nước Tề là Điền Bàn nghe tin ba nhà chiếm lấy thổ địa nước Tấn,
cũng đem anh em họ hàng ra, cho làm đô ấp đại phu tất cả, lại sai sứ
sang mừng ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy, cùng nhau giao hiếu. Từ bấy giờ Điền, Triệu, Nguỵ, Hàn bốn nhà vẫn sai sứ đi lại với nhau, vua Tề và vua Tấn
chỉ ngồi trơ như tượng gỗ mà thôi.
Bấy giờ Chu Khảo vương phong người em là Yết ở Hà Nam Thành để nối quan
chức Chu công. Con nhỏ của Yết là Ban lại biệt phong ở đất Củng. Nhân
đất Củng ở phía đông Hà Nam Thành, mới gọi là Đông Chu công, mà gọi Hà
Nam Thành là Tây Chu công. Chu Khảo vương mất, con là Ngọ lên nối ngôi,
tức là Uy Liệt vương. Năm đầu đời Uy Liệt vương, Triệu Cán mất, con là
Triệu Tịch nối nghiệp (sau làm Triệu Liệt hầu). Còn Hàn Kiền (cháu Hàn
Hổ, con Hàn Khả Chương, sau làm Hàm Cảnh hầu) nối nghiệp họ Hàn; Ngụy Tư (cháu Ngụy Câu, con Ngụy Độ, sau là Ngụy Văn hầu) nối nghiệp họ Ngụy;
Điền Hoà (cháu Điền Bàn, con Điền Bạch, sau làm Tề Thái công) nối nghiệp họ Điền. Bốn nhà kết ước với nhau, định giúp nhau thành đại sự. Năm thứ 23 đời Chu Liệt vương, bỗng có sét đánh vào sáu cái đỉnh của nhà Chu,
cái đỉnh nào cũng lay động cả. Ba nhà (Hàn, Triệu, Ngụy) bàn riêng với
nhau rằng: chín cái đỉnh là đồ qúi truyền của đời nhà Chu, thế là vận
nhà Chu sắp hết. Chúng ta lập quốc đã lâu mà chưa chính danh hiệu, nên
nhân lúc nhà Chu suy yếu này, sai sứ vào thỉnh mệnh thiên tử, xin làm
chư hầu; thiên tử sợ thế chúng ta thì tất phải cho, như thế thì giữ được phú qúi mà khỏi mang tiếng thí nghịch, chẳng cũng hay lắm ru!
Mỗi nhà liền cùng nhau sai người tâm phúc (Ngụy sai Điền Văn, Triệu sai
Công Trọng Liên, Hàn sai Hiệp Lũy) mang ngọc lụa và thổ sản vật vào tiến cống Chu Uy Liệt vương và xin phong làm chư hầu. Chu Uy Liệt vương hỏi:
– Thổ địa nước Tấn đều về tay ba nhà cả hay sao ?
Sứ họ Ngụy là Điền Văn nói:
– Vua Tấn không giữ nổi quyền chính, khiến trong nước đều nổi loạn; ba
nhà chúng tôi đem binh lực đi dẹp loạn mà chiếm được thổ địa, chứ không
phải là cướp của vua Tấn.
Chu Uy Liệt vương lại hỏi:
– Ba nhà đã muốn làm chư hầu, sao không tự lập còn phải nói với trẫm ?
Sứ họ Triệu là Công Trọng Liên nói:
– Cứ như binh lực của ba nhà chúng tôi thì có thể tự lập được nhưng sở
dĩ còn muốn thỉnh mệnh là vì không dám vượt quyền thiên tử ở trên. Nếu
thiên tử phong cho ba nhà chúng tôi làm chư hầu, để nối đời giữ bụn
trung trinh mà làm phên dậu cho nhà Chu thì chẳng cũng lợi cho nhà vua
lắm ru!
Chu Uy Liệt vương bằng lòng, liền truyền mệnh phong cho Triệu Tịch làm
Triệu hầu, Hàn Kiền làm Hàn hầu, Ngụy Tư làm Ngụy hầu, đều ban cho các
thứ phủ miện, khuê bích. Ba nhà đem vương mệnh tuyên bá cho trong nước
biết, rồi Triệu hầu đóng đô ở Trung Mâu, Hàn hầu đóng đô ở Bình Dương,
Nguỵ hầu đóng đô ở An ấp, đều lập ra tôn miếu xã tắc. Lại sai sứ đi
thông báo với chư hầu. Nhiều nước cũng đến mừng, chỉ có nước Tần từ khi
bỏ Tấn theo Sở, không thông hiếu với Trung quốc, Trung quốc cũng đãi Tần như là di địch, bởi vậy Tần không đến mừng. Chưa được bao lâu ba nhà bỏ Tấn Tĩnh công (cháu Tấn U công), cho ra ở đất Thuần Lưu, còn bao nhiêu
thổ địa, lại chia nhau lấy nốt. Nước Tấn từ đời Đường Thúc đến đời Tĩnh
Công, cả thảy được 29 đời thì tuyệt.
Lại nói chuyện trong ba nhà (Hàn, Triệu, Nguỵ), chỉ có Nguỵ Văn hầu (tức là Ngụy Tư) là giỏi hơn cả. Bấy giờ có một người học trò giỏi của Khổng Tử tên gọi Bốc Thương, tên tự là Tử Hạ, dạy học ở Tây Hà. Ngụy Văn hầu
vẫn theo học Tử Hạ. Ngụy Thành tiến dẫn Điền Tử Phương là người giỏi,
Nguỵ Văn hầu cùng với Điền Tử Phương kết làm bạn. Ngụy Thành nói:
– Đoàn Can Mộc ở Tây Hà là người có đức hạnh, vẫn ở ẩn không chịu ra làm quan.
Ngụy Văn hầu truyền thắng xe để đến yết kiến, Đoàn Can Mộc nghe tiếng xe ngựa đến cửa, trèo qua tường sau mà tránh mặt. Ngụy Văn hầu khen rằng:
– Thế mới thật là bậc cao sĩ!
Bèn ở lại Tây Hà một tháng, ngày nào cũng đến cửa xin yết kiến, mỗi khi
đi gần tới nhà, đã vịn cái ngáng xe mà đứng dậy không dám ngồi nghiễm
nhiên ở trên xe.
Đoàn Ca Mộc thấy Ngụy Văn hầu lòng thành như vậy, bất đắc dĩ phải ra
tiếp kiến. Ngụy Văn hầu mời lên xe đem về cũng tôn kính làm bậc thượng
tân như Điền Tử Phương. Các hiền sĩ ở bốn phương nghe tiếng, đều kéo đến cả. Lại được bọn mưu sĩ như: Lý Khắc, Địch Hoàng, Điền Văn, Nhâm Toạ
đều làm quan ở trong triều. Bấy giờ nhân tài không nước nào thịnh bằng
nước Ngụy. Người nước Tần muốn đánh nước Ngụy, nhưng thấy Ngụy nhiều
nhân tài, lại không dám đánh. Ngụy Văn hầu có hẹn với chức ngu nhân đến
giờ ngọ thì đi săn ngoài cõi. Buổi sáng hôm ấy, trời mưa rét lắm, Văn
hầu ban rượu cho các quan uống. Vua tôi đang cùng nhau uống rượu vui vẻ, bỗng Văn hầu hỏi nội thị rằng:
– Bây giờ đã đến giờ ngọ chưa ?
Nội thị nói:
– Vừa đúng giờ ngọ!
Văn hầu vội vàng sai bãi tiệc, truyền thắng xe ngựa để đi săn. Nội thị nói:
– Trời mưa không thể săn dược, dẫu có đi cũng uổng công mà thôi.
Văn hầu nói:
– Ta có hẹn với chức ngu nhân, tất là ngừơi ta chờ ta ở ngoài cõi, dẫu không săn được, ta cũng phải đi để cho khỏi phụ ước.
Người trong nước thấy Ngụy Văn hầu đang mưa mà đi, đều lấy làm lạ, sau
nghe chuyện biết là Văn hầu giữ lời ước với chức ngu nhân, liền bảo nhau rằng:
– Như thế là chúa không chịu thất tín với ai!
Từ bấy giờ bao nhiêu chính lệnh thi hành không ai dám trái ý. Phía đông
nước Tấn, có nước Trung Sơn là giống Bạch Địch, cũng gọi là Tiên Ngu. Từ đời Tấn Chiêu công, Trung Sơn mới chịu xin hoà; đến khi ba nhà chia
nhau nước Tấn thì Trung Sơn không thuộc vào nước nào cả. Vua Trung Sơn
là Cơ Quật thường thích uống rượu thâu đêm, xa bỏ các quan đại thần, gần gụi với lũ tiểu nhân, nhân dân không làm ăn được, điềm gở thường hiện
ra. Ngụy Văn hầu có ý muốn đánh.
Ngụy Thành nói với Văn hầu rằng:
– Nước Trung Sơn phía tây gần Triệu mà phía nam xa Ngụy, nếu ta đánh được cũng vị tất đã giữ nổi.
Văn hầu nói:
– Nếu ta không dánh mà để cho Triệu được Trung Sơn thì Triệu càng mạnh thế lắm.
Địch Hoàng nói:
– Tôi xin cử một người tên gọi Nhạc Dương là người ở đất Cốc Khâu nước ta. Người ấy văn vũ toàn tài, có thể làm đại tướng được.
Ngụy Văn hầu nói:
– Xem thế nào mà biết ?
Địch Hoàng nói:
– Một hôm, Nhạc Dương bắt được thoi vàng ở dọc đường mang về, người vợ
mắng rằng:”chí sĩ không uống suối “kẻ trộm”, người liêm không ăn cơm
“thương thay! lại mà ăn”. Thoi vàng này không biết lai lịch thế nào, cớ
sao lại lấy, để mang tiếng xấu ?” Nhạc Dương cảm lời nói của vợ, liền
đem thoi vàng vứt ra ngoài đồng, rồi từ giã vợ mà sang học ở nước Lỗ và
nước Vệ. Học được hơn một năm trở về, người vợ đang dệt cửi, hỏi chồng
học đã thành nghề chưa ? Nhạc Dương nói chưa! người vợ cầm dao cắt đứt
khung cửi. Nhạc Dương hỏi:”tại làm sao ?” người vợ nói: “học có thành
nghề thì mới được dùng, cũng như lụa có thành tấm thì mới mặc được, nay
phu quân học chưa thành nghề mà đã về thì có khác gì cái khung cửi đứt
hay không ?” Nhạc Dương tỉnh ngô, lại bỏ đi học, bảy năm không trở về.
Hiện nay đang ở trong nước ta, người ấy có chí lớn không chịu làm nhỏ,
sao chúa công không dùng ?
Văn hầu liền sai Địch Hoàng đem xe đi triệu Nhạc Dương. Mọi người can rằng:
– Chúng tôi nghe Nhạc Dương có người con là Nhạc Thư hiện đang làm quan Trung Sơn, dùng thế nào đuợc ?
Địch Hoàng nói:
– Nhạc Dương là một người muốn làm nên sự nghiệp. Người con ở Trung Sơn, đã vì vua Trung Sơn mà triệu Nhạc Dương; Nhạc Dương cho vua Trung Sơn
là vô đạo nên không chịu theo. Nếu chúa công giao quyền cho Nhạc Dương
thì lo gì không thành công được.
Văn hầu nghe lời. Nhạc Dương theo Địch Hoàng vào yết kiến Văn hầu. Văn hầu bảo Nhạc Dương rằng:
– Ta muốn đem việc đánh Trung Sơn giao cho nhà ngươi, nhưng nhà ngươi có người con làm quan với Trung Sơn thì biết làm thế nào ?
Nhạc Dương nói:
– Kẻ trượng phu đã một lòng vì chủ, khi nào lại đem tình riêng mà bỏ
việc công! nếu tôi không diệt được Trung Sơn thì xin chịu tội chết.
Ngụy Văn hầu mừng lắm, nói:
– Nhà ngươi chắc được như vậy, thì ta cũng tin lời.
Nói xong, liền cho Nhạc Dương làm nguyên suý, Tây Môn Bảo làm tiên
phong, đem năm vạn quân sang đánh Trung Sơn. Vua Trung Sơn là Cơ Quật
sai đại tướng là Cổ Tu đóng quân ở Thâu Sơn để chống nhau với quân Ngụy. Nhạc Dương đóng quân ở Vân Sơn. Hai bên giữ nhau hơn một tháng, chưa
phân thắng phụ. Nhạc Dương bảo Tây Môn Báo rằng:
– Ta đã đoan ở trước mặt chúa công rằng thế nào cũng diệt được Trung
Sơn, nay đem quân ra đây hơn một tháng mà chưa có công trạng chi cả,
nghĩ cũng nên thẹn. Ta xem Thâu Sơn có nhiều cây thâu, nếu được một
người can đảm đem quân lẻn đến, phóng hoả đốt rừng thì quân họ tất lọan, bấy giờ ta thừa cơ tiến đánh, chắc có thể phá được.
Tây Môn Báo xin đi. Bấy giờ đang mùa thu tháng tám, vua Trung Sơn là Cơ
Quật sai sứ đem rượu tiết dê đến Thâu Sơn để ban cho Cổ Tu. Cổ Tu nhân
đem sáng trăng, đem ra uống chơi, vui chén chẳng nghĩ gì đến công việc.
Canh ba đêm hôm ấy, Tây Môn Báo đem quân lẻn đến, mỗi người cầm một bó
đuốc bằng cành cây khô, trong có vật dẫn hoả, đốt cây thâu. Cổ Tu đang
say rượu, thấy ngọn lửa cháy đến dinh trại, đem quân đi cứu hoả, nhưng
khắp vùng Thâu Sơn, chỗ nào cũng có lửa cháy, không thể cứu xiết. Quân
Trung Sơn náo động. Cổ Tu biết ở phía trước có quân Ngụy, liền chạy về
phía sau núi, lại gặp Nhạc Dương đã đem quân đón đánh. Quân Trung Sơn
thua to. Cổ Tu chạy thoát được, trốn về Bạch Dương quan. Quân Ngụy đuổi
đánh. Cổ Tu lại bỏ Bạch Dương quan mà chạy. Nhạc Dương kéo quân thẳng
tiến, đi đến đâu phá vỡ đến đấy. Cổ tu chạy về yết kiến Cơ Quật, nói
Nhạc Dương đem quân đến vây. Cơ Quật giận lắm. Quan đại phu là Công tôn
Tiêu nói với Cơ Quật rằng:
– Nhạc Dương tức là thân phụ Nhạc Thư, Nhạc Thư hiện đang làm quan ở
nước ta, ta nên sai Nhạc Thư trèo lên mặt thành mà bảo thân phụ rút
quân, đó là thượng sách.
Nhạc Thư nói:
– Thân phụ tôi khi trước không chịu làm quan với Trung Sơn, mà nay làm
quan với Ngụy, thì tất có lòng vì Ngụy, tôi nói cũng không nổi.
Cơ Quật ép mãi. Nhạc Thư bất đắc dĩ phải trèo lên mặt thành, xin tiếp kiến Nhạc Dương.
Nhạc Dương mặc áo giáp đứng ở trên xe, trông thấy Nhạc Thư, liền mắng ngay rằng:
– Người quân tử không ở nước nguy, không thờ triều loạn. Mày tham phú
qúi mà theo Trung Sơn, thế là không biết điều nên tới nên lui. Nay ta
phụng mệnh chúa công ta đem quân đến đánh kẻ có tội mà cứu dân, mày nên
bảo vua Trung Sơn mau mau đầu hàng đi, thì cha con còn có thể gặp nhau
được.
Nhạc Thư nói:
– Hàng hay không là quyền ở vua Trung Sơn, con không được biết; nhưng
xin cha hãy tạm hoãn đừng đánh vội, để chúng tôi còn bàn định với nhau.
Nhạc Dương nói:
– Ta hãy tạm hoãn cho một tháng để toàn cái tình cha con. Vua tôi mày nên định bàn cho mau, chớ để lỡ việc.
Nhạc Dương liền truyền lệnh cho quân sĩ chỉ bao vây mà không đánh vội.
Cơ Quật chắc Nhạc Dương là người yêu con, chẳng dám đánh nào, cứ bỏ liều chẳng nghĩ chi cả. Quá một tháng, Nhạc Dương sai người hỏi. Cơ Quật lại sai Nhạc Thư xin một hẹn nữa, Nhạc Dương lại cho một tháng. Như thế đã
ba lần, Tây Môn Báo bèn nói với Nhạc Dương rằng:
– Quan nguyên suý không muốn hạ Trung Sơn hay sao ? sao để lâu mà không đánh làm vậy ?
Nhạc Dương nói:
– Vua Trung Sơn không biết thương dân, vậy nên ta đánh, nếu ta đánh gấp
thì lại hại dân. Ta ba lần khoan hẹn cho, chẳng những là vì tình cha
con, cũng là muốn để thu lấy lòng dân đó.
Các người tả hữu Ngụy Văn hầu thấy Nhạc Dương là người mới mà được làm
quan to, đều có ý bất bình, đến khi nghe tin Nhạc Dương ba lần hoãn
chiến, liền dèm với Nguỵ Văn hầu rằng:
– Nhạc Dương đánh Trung Sơn được luô mấy trận, chỉ vì một câu nói của
Nhạc Thư mà ba tháng nay không đánh nữa, đủ biết tình cha con thấm thía
dường nào. Nếu chúa công không triệu về thì e rằng ta hao quân tốn của
mà không được gì cả.
Ngụy Văn hầu không đáp, rồi hỏi Địch Hoàng. Địch Hoàng nói:
– Tất là Nhạc Dương có mưu kế gì đây, chúa công chớ ngại!
Từ bấy giờ các quan đua nhau dâng thư: người thì nói Nhạc Dương bàn mưu
với Trung Sơn để cùng đánh Ngụy. Ngụy Văn hầu đều gói lại mà bỏ vào
trong tráp rồi thỉnh thoảng lại sai người ra thăm Nhạc Dương, và lập sẵn dinh phủ đợi khi Nhạc Dương về thì ở đấy. Nhạc Dương cảm kích trong
lòng, thấy Trung Sơn không chịu hàng, thân đốc tướng sĩ cố sức đánh.
Thành Trung Sơn dày dặn, lương thực rất nhiều. Cổ Tu và Công tôn Tiêu
ngày đêm tuần phòng, lăn gỗ đá xuống để giữ thành. Nhạc Dương đánh trong mấy tháng mà không phá được bèn nổi giận, cùng Tây Môn Báo thân hành ra đứng ở trước trận thúc quân tiến vào. Cổ Tu đang đứng chỉ bảo quân sĩ,
bỗng bị mũi tên trúng vào đầu mà chết. Trong thành phá nhà, phá tường để lấy gỗ đá, dần dần cũng hết. Công tôn Tiêu nói với Cơ Quật rằng:
– Việc đã nguy cấp lắm rồi! tôi còn một kết, có thể lui được quân Ngụy.
Cơ Quật hỏi:
– Kế gì ?
Công tôn Tiêu nói:
– Nhạc Thư ba lần xin khoan hạn mà Nhạc Dương đều cho cả, thế thì đủ
biết là có bụng yêu con. Nay ta trói Nhạc Thư treo lên cầu, nếu Nhạc
Dương không rút quân thì ta sẽ giết đi. Ta bắt Nhạc Thư phải kêu khóc mà xin, chắc là Nhạc Dương không dám đánh nữa.
Cơ Quật nghe lời. Nhạc Thư ở trên cầu kêu khóc mà gọi Nhạc Dương. Nhạc Dương trông thấy mắng rằng:
– Mày là đứa không ra gì! làm quan ở nước người ta, đã không biết bày
mưu lập kế, để mong chiến thắng, lại không tuỳ cơ ứng biến, để cầu giảng hoà, bây giờ còn kêu khóc nỗi gì!
Nói xong, giương cung toan bắn Nhạc Thư. Nhạc Thư kêu rầm lên, mới được thả xuống, vào nói với Cơ Quật rằng:
– Cha tôi vì việc nước mà chẳng nghĩ gì đến tình cha con! thôi thì chúa
công liệu kế mà chống giữ, tôi xin chết ở trước mặt chúa công để tỏ cái
tội không lui được quân giặc.
Công tôn Tiêu nói với Cơ Quật rằng:
– Cha đánh thành thì con tức là người có tội cũng nên để cho chết.
Cơ Quật nói:
– Không phải là lỗi ở Nhạc Thư.
Công tôn Tiêu nói:
– Hễ Nhạc Thư chết thì tôi có cách lui được quân giặc.
Cơ Quật liền cầm thanh kiếm đưa cho Nhạc Thư. Nhạc Thư tự đâm cổ mà chết. Công tôn Tiêu nói:
– Nhân tình không gì bằng cha con. Nay đem Nhạc Thư nấu xáo mà gửi cho
Nhạc Dương; Nhạc Dương trông thấy bát xáo tất phải thương xót khóc lóc,
không thiết gì đến việc chiến tranh, bấy giờ chúa công sẽ đem quân ra
đánh một trận, may có thể thắng được.
Cơ Quật bất đắc dĩ phải theo, truyền đem thịt và thủ cấp Nhạc Thư nấu xáo đưa sang cho Nhạc Dương mà bảo rằng:
– Chúa công tôi thấy tiểu tướng quân (trỏ Nhạc Thư) không lui được quân
Ngụy, đã giết mà mổ ra rồi, nay đem bát xáo sang dâng ngài. Tiểu tướng
quân còn vợ con, nếu ngài cứ đánh thành thì chúa công tôi sẽ giết nốt.
Nhạc Dương trông thấy thủ cấp kia, liền quát to lên mà mắng rằng:
– Thằng bất hiếu kia, mày theo đứa hôn quân vô đạo thì mày đáng chết lắm!
Mắng xong, cầm ngay lấy bát xáo mà ăn hết cả. Ăn xong bảo sứ giả rằng:
– Vua nhà ngươi cho ta bát xáo, khi phá thành rồi ta sẽ tạ ơn. Ta đây cũng có vạc dầu để đợi vua nhà ngươi đó!
Sứ giả về báo, Cơ Quật biết là Nhạc Dương không có lòng thương con, lại
thấy Nhạc Dương đánh thành gấp lắm, e khi thành phá thì sẽ bị nhục, liền vào hậu cung thắt cổ mà chết. Công tôn Tiêu mở cửa thành xin hàng. Nhạc Dương kể cái tội xiểm nịnh làm hại nước, rồi đem chém đi, lại giao năm
nghìn quân cho Tây Môn Báo đóng giữ ở đấy, rồi thu hết của báu trong kho tàng mà rút quân về Ngụy.
Ngụy Văn hầu nghe tin Nhạc Dương thành công, thân hành ra cửa thành đón rước và úy lại rằng:
– Tướng quân vì nước mà bỏ con, thực là cái lỗi tại ta đó!
Nhạc Dương sụp lạy mà nói rằng:
– Cái nghĩa làm tôi không dám nghĩ tình riêng để đến nỗi phụ lòng uỷ thác của chúa công!
Nhạc Dương triều kiến xong, đệ trìh bản đồ nước Trung Sơn và các thứ của báu. Ngụy Văn hầu bày tiệc ở trên nội đài, tay cầm chén rượu đưa cho
Nhạc Dương. Nhạc Dương nhận lấy mà uống, ý khí dương dương, có vẻ cậy
công. Tiệc xong Ngụy Văn hầu sai nội thị đem hai cái tráp niêm phong rất kỹ đưa cho Nhạc Dương mang về. Nhạc Dương vẫn tuởng là trong tráp có
các thứ vàng ngọc, Ngụy Văn hầu sợ các quan ghen tị, nên niêm phong kín
mà tặng mình. Chẳng ngờ đến lúc mở ra thì toàn là những tờ tấu của các
quan, trong tờ tấu đều nói Nhạc Dương muốn làm phản.
Nhạc Dương sợ hãi mà nói rằng:
– Xem thế này thì biết trong triều nhiều người huỷ báng mình, nếu chúa
công không dốc lòng tin thì mình cũng khó lòng thành công được.
Ngày hôm sau, Nhạc Dương vào triều tạ ân, Văn hầu thưởng công trọng hậu. Nhạc Dương sụp lạy từ chối mà nói rằng:
– Diệt được nước Trung Sơn là nhờ lòng tin cậy của chúa công, tôi dẫu ra sức ở ngoài cũng chẳng có công gì!
Văn hầu nói:
– Phi ta thì không dùng được tướng quân mà phi tướng quân thì cũng không làm nổi được những công việc của ta! nhưng tướng quân đã khó nhọc lắm
rồi, âu là ta phong ấp cho tướng quân, để tướng quân về nghỉ.
Nói xong, liền đem đất Linh Thọ (đất nước Trung Sơn) phong cho Nhạc
Dương, tức là Linh Thọ quân, rồi bãi binh. Địch Hoàng nói với Văn hầu
rằng:
– Chúa công đã biết tài Nhạc Dương sao không sai đem quân ra giữ biên giới mà lại cho về nghỉ như vậy ?
Văn hầu cười mà không đáp. Địch Hoàng lui ra, hỏi lại Lý Khắc, Lý Khắc nói:
– Nhạc Dương đến con còn không có lòng yêu, huống chi là người khác! ngày xưa Quản Trọng nghi Dịch Nha cũng chính là vì lẽ đó!
Địch Hoàng mới hiểu rõ. Ngụy Văn hầu nghĩ Trung Sơn là nơi xa lánh, tất
phải được người thân tín đóng giữ thì mới khỏi lo ngại, liền phong cho
thế tử Kích làm Trung Sơn quân. Thế tử Kích phụng mệnh ra đi, gặp Điền
Tử Phương đang ngồi một cái xe cũ đi đến; thế tử Kích vội vàng xuống xe, chắp tay đứng ở bên đường. Điền Tử Phương cứ nghiễm nhiên đi thẳng,
chẳng thèm ngoảnh lại. Thế tử Kích không băng lòng, sai người nắm xe lại mà bảo rằng:
– Tôi xin hỏi ngài: người phú qúi nên kiêu ngạo hay là người bần tiện nên kiêu ngạo ?
Điền Tử Phương cười mà bảo rằng:
– Từ xưa đến nay chỉ có người bần tiện mới dám kiêu ngạo, chứ người phú
qúi khi nào dám kiêu ngạo! vua mà kiêu ngạo thì mất nước, quan mà kiêu
ngạo thì mất nhà, xem như Sở Linh vương và Trí Bá thì đủ biết cái phú
qúi không thể cậy được. Còn như người bần tiện, ăn chẳng qua rau dưa,
mặc chẳng qua sô vải, thế nào cũng xong, còn phải cần ai! ông vua nào
biết qúi kẻ sĩ mà đến mời, lại biết nghe điều phải chăng, thì mình cố
gắng mà ở lại; nếu không bỏ hết mà đi thẳng ai mà cấm được ? Chu Vũ
vương ngày xưa giết được Trụ mà không khuất được hai kẻ sĩ ở Thú Dương,
thế thì cái bần tiện đáng qúi là dường nào!
Thế tử Kích có ý thẹn, xin lỗi rồi đi. Văn hầu nghe nói Điền Tử Phương không chịu khuất thế tử Kích, lại càng kính trọng lắm.
Bấy giờ chức thái thú ở Nghiệp Đô đang khuyết, Địch Hoàng nói với Văn hầu rằng:
– Nghiệp Đô ở giữa khoảng Thượng Đảng và Hàm Đan tiếp giáp với Hàn và
Triệu, tất phải tìm người giỏi thì mới trấn thủ được. Tôi tưởng nên dùng Tây Môn Báo.
Ngụy Văn hầu cho Tây Môn Báo ra trấn thủ Nghiệp Đô. Tây Môn Báo khi mới
đến Nghiệp Đô trông thấy phong cảnh tiêu điều, nhân dân thưa ít, liền
triệu phụ lão đến để hỏi.
Phụ lão đều nói:
– Dân chúng tôi khổ về một nỗi Hà Bá lấy vợ!
Tây Môn Báo nói:
– Quái lạ! Hà Bá lấy vợ thế nào ? các ngươi nói rõ cho ta nghe.
Phụ lão nói:
– Sông Chương Phát nguyên từ Cô Lĩnh, qua Sa Thành chảy đến Nghiệp Đô
này, gọi là Chương Hà. Hà Bá tức là thần sông Chương, thần thích vợ đẹp, mỗi năm bắt dân phải nộp một người. Chịu nộp thì mưa thuận gío hoà, hoa màu tươi tốt, nếu không thì thần phạt, dâng nước lên làm hại cửa nhà.
Tây Môn Báo nói:
– Đầu tiên ai bày ra việc ấy ?
Phụ lão nói:
– Bọn đồng cốt ở ấp tôi bày ra việc ấy đầu tiên. Dân chúng tôi sợ cái
hại nước lụt, cho nên phải thuận theo. Mỗi năm các hào trưởng trong làng cùng bọn đồng cốt bảo cho dân phải nộp mấy trăm vạn quan tiền, dùng một phần làm phí tổn lấy vợ cho Hà Bá còn thì chia tay nhau.
Tây Môn Báo nói:
– Chúng nó chia tay nhau mà dân lại không nói câu gì hay sao ?
Phụ lão nó:
– Bọn đồng cốt thì để giữ việc cầu cúng, còn các hào trưởng trong làng
có cái công thu bổ thì họ cũng phải ăn vào đấy, chúng tôi đâu dám phàn
nàn! nhưng có một điều rất khổ là cứ về đầu năm, bọn đồng cốt thấy con
gái nhà ai hơi có nhan sắc thì bảo người con gái ấy đáng làm vợ Hà Bá,
có chịu lễ nhiều tiền thì họ mới tha, mà bắt người khác. Kẻ nào nhà
nghèo, không có tiền lễ thì phải nộp con gái. Bọn đồng cốt lập một trại
cúng ở bờ sông màn che trướng rũ, trang hoàng rực rỡ, bắt người con gái
ấy tắm gội, thay áo rồi cho ở đấy, chọn được ngày tốt, đem người con gái ấy để ngồi vào cái bè lau, thả ra giữa dòng, bè trôi được độ vài mươi
dặm thì tự khắc chìm mất. Dân chúng tôi khổ về những sự phiền phí ấy,
cũng có người thương con gái quá, không muốn nộp cho Hà Bá thì đem con
bỏ trốn đi, vì thế mà trong thành cảnh tượng mỗi ngày một vắng vẻ.
Tây Môn Báo hỏi:
– Ấp các ngươi đã bị lụt bao giờ chưa ?
Phụ Lão nói:
– Năm nào dân chúng tôi cũng chịu nộp con gái, cho nên thần không trách
phạt bao giờ. Nhưng ấp chúng tôi đất cao mà đường xa, nước sông khó vận
tới được, dẫu chẳng bị lụt mà mỗi khi hạn hán lại bị khô cháy cũng hại
lắm.
Tây Môn Báo nói:
– Thần đã thiêng như vậy, hôm nào nộp con gái, để ta cũng đến, rồi ta sẽ cầu đảo cho các ngươi.
Khi tới kỳ, phụ lão đến bẩm. Tây Môn Báo đội mũ mặc áo nghiêm chỉnh,
thân hành ra đứng ở bờ sông. Phàm những quan thuộc trong ấp, tam lão và
các hào trưởng lý dịch đều đến tất cả. Dân kéo ra xem, kể hàng nghìn
người. Bọn tam lão và hào trưởng đưa một bà già đồng ra, vẻ mặt kiêu
hãnh. Các đệ tử con gái hơn mươi ngươi, khăn áo sặc sỡ, đều xách lẵng
hương đi theo sau. Tây Môn Báo bảo bà già đồng ấy rằng:
– Dám phiền nhà ngươi gọi vợ Hà Bá ra đây cho ta xem mặt.
Bà đồng sai đệ tử gọi đến. Tây Môn Báo trông thấy người con gái ấy nhan sắc tầm thường, liền bảo bà đồng và tam lão rằng:
– Hà Bá là một bậc qúi thần, phải tìm người con gái rất đẹp thì mới xứng đáng. Người này không được. Ta phiền bà đồng đây xuống nói với Hà Bá
rằng, vâng lời quan thái thú, xin đi tìm người con gái khác đẹp hơn, hôm sau sẽ nộp.
Nói xong liền sai mấy quân lính ôm bà đồng già ném xuống sông. Mọi người chung quanh, ai cũng kinh hãi mất vía. Tây Môn Báo cứ ngồi yên để đợi.
Được hồi lâu, Tây Môn Báo nói:
– Bà đồng tuổi đã già, không được việc, xuống sông bấy lâu mà chưa thấy trở về trả lời. Các cô đệ tử nên đi giục hộ ta!
Tây Môn Báo lại sai quân ôm một cô đệ tử mà vất xuống sông. Được ít lâu Tây Môn Báo lại nói:
– Đệ tử đi mãi chưa về!
Nói xong, lại sai một đệ tử khác đi giục. Tây Môn Báo lại chê là chậm,
lại bắt người nữa đi. Cả thảy ba đệ tử xuống sông đều không thấy trở về. Tây Môn Báo bèn nói với tam lão rằng:
– Bọn ấy đều là đàn bà, nói năng không rõ, phiền ta lão xuống hộ để cho được minh bạch.
Tam lão từ chối. Tây Môn Báo bèn quát to lên rằng:
– Đi mau! thế nào, về trả lời ngay cho ta biết!
Quân lính lôi ngay tam lão, đẩy xuống dưới sông, không cho ai nói năng
gì nữa. Người xem chung quanh ai cũng khiếp sợ. Tây Môn Báo vẫn chấp tay đứng ở bờ sông để đợi, trông rất nghiêm kính. Một hồi lâu nữa, Tây Môn
Báo lại nói:
– Tam lão già cả, cũng chẳng làm nên việc, lại phải phiền đến các hào trưởng mới được.
Bọn hào trưởng mặt như chàm đổ, mình nhường dẽ run, đều sụp lạy kêu van, không dám ngẩng cổ dậy. Tây Môn Báo nói:
– Hãy đợi một lúc nữa!
Mọi người đều run sợ. Lại quá một khắc nữa, Tây Môn Báo nói:
– Nước sông chảy cuồn cuộn, nào thấy Hà Bá ở đâu! chúng bay làm hại bao
nhiêu con gái dân gian, cái tội ấy chúng bay phải đền mạng!
Mọi người lại sụp lạy mà kêu rằng:
– Xưa nay chúng tôi vẫn bị bọn đồng cốt nó lừa dối, chứ không phải là tội chúng tôi.
Tây Môn Báo nói:
– Bà đồng đã chết rồi, từ nay về sau nếu ai còn nói đến việc Hà Bá lấy
vợ nữa thì bắt ngay người ấy làm mối, xuống nói với Hà Bá. Còn bọn hào
trưởng kia thu bao nhiêu tiền của dân thì bây giờ phải đem trả lại hết.
Tây Môn Báo lại truyền cho phụ lão chọ những trai lành, người nào lớn
tuổi mà chưa có vợ thì đem nữ đệ tử mà gả cho. Từ bấy giờ mất thói đồng
cốt. Những dân đi trốn khi trước, lại đem nhau về cả. Tây Môn Báo lại
xem xét địa thế, bắt dân đào mười hai cái ngoài thông với sông Chương để cho thế nước rút bớt đi. Các ruộng ở khoảng giữa, được nước ngòi chảy
vào, tránh khỏi cái hại nắng khô, lúa má tốt lắm, trăm họ làm ăn vui vẻ. Văn hầu bảo Địch Hoàng rằng:
– Ta nghe nhà ngươi sai Nhạc Dương đánh Trung Sơn, sai Tây Môn Báo trị
Nghiệp Đô đều được việc cả, ta lấy làm may lắm. Nay Tây Hà ở về phía tây nước Ngụy ta, tiếp giáp với nước Tần, quân Tần vẫn sang quấy nhiễu, nhà ngươi nghĩ hộ ta xem, người nào có thể ra trấn thủ ở đấy được ?
Địch Hoàng ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi đáp lại rằng:
– Tôi xin cử một người, họ Ngô tên Khởi. Người ấy có tài làm đại tướng,
tự nước Lỗ chạy sang nước ta. Chúa công nên mau mau triệu đến mà dùng
lấy, nếu chậm thì hắn lại đi nước khác mất.
Ngụy Văn hầu nói:
– Có phải Ngô Khởi là người giết vợ để cầu làm tướng nước Lỗ đó không ?
ta nghe nói người ấy tham tài hiếu sắc, tính lại tàn nhẫn, dùng thế nào
được ?
Địch Hòang nói:
– Tôi cử Ngô Khởi là vì người ấy có thể giúp nhà vua thành công được trong lúc này, còn phẩm hạnh của y có kể chi!
Ngụy Văn hầu nói:
– Nhà ngươi hãy thử triệu đến cho ta xem.