Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 71



Đám cưới chàng Camachô giàu có và câu chuyện về chàng Baxiliô nghèo khó

Bình minh. Mặt trời chói chang vừa tỏa những tia nắng sấy khô những hạt sương long lanh như ngọc thì Đôn Kihôtê vùng dậy để xua đuổi sự lười biếng và lên tiếng gọi giám mã Xantrô, chợt thấy bác còn đang ngáy, chàng bèn đứng dậy và nói:

– Ôi, con người sung sướng nhất trên trái đất này! Anh ngủ thanh thản, không phải ghen ghét ai và cũng chẳng bị ai ghen ghét, không bị lũ pháp sư *** hại và cũng chẳng bị pháp thuật quấy rầy. Ta nhắc lại và còn nhắc lại một trăm lần nữa: hay ngủ đi, hỡi con người không bị sự ghen tuông của tình nương day dứt làm con trằn trọc, không bị thức giấc bởi những lo lắng về công nợ hoặc về bữa ăn ngày hôm sau của mình và gia đình nghèo khổ bé nhỏ của mình. Tham vọng không làm cho băn khoăn, hư vinh trên đời không làm cho bận tâm bởi những ước muốn của anh chỉ giới hạn trong việc chăm lo con lừa mà thôi, còn chính bản thân anh lại do ta chăm sóc âu cũng là trách nhiệm mà tạo hóa và tập quán trao cho các ông chủ để tạo thế cân bằng. Tớ thì ngủ trong khi chủ thao thức nghĩ cách nuôi dưỡng ban thưởng cho người hầu. Nhìn bầu trời sắc chì không đem lại giọt sương cho đất đai, người hầu không hề lo phiền, trái lại, chủ lo vì trong khi trời làm đói kém, mất mùa, ông ta vẫn phải nuôi kẻ hầu hạ mình trong lúc phong đăng hỏa cốc.

Đôn Kihôtê cứ việc nói, Xantrô chẳng trả lời vì bác còn đang ngái ngủ, và bác chưa dậy ngay đâu nếu Đôn Kihôtê không lấy mũi giáo thúc bác lên. Còn ngái ngủ, bác quay mặt nhìn tứ bề rồi nói:

– Nếu tôi không nhầm, từ phía lùm cây kia xông lên một mùi thơm ngậy của mỡ thỏ quay chứ không phải của cây trường thọ hay cây bách lý hương.

– Im mồm đi, đồ háu ăn, Đôn Kihôtê bảo. Dậy! Chúng ta sẽ đi dự đám cưới để xem anh chàng Baxiliô bị hắt hủi kia hành động ra sao.

– Anh ta muốn làm gì cũng mặc, Xantrô đáp. Nếu không nghèo, chắc anh ta đã lấy Kitêria rồi. Không đồng xu dính túi thì đừng hòng cưới xin. Thưa ngài, tôi cho rằng kẻ nghèo phải biết an phận, đừng có tơ tưởng hão huyền. Tôi đánh cuộc một cánh tay rằng Camachô có thể nhốt Baxiliô trong một cái túi đầy tiền vàng. Nếu như vậy – chắc chắn như vậy thôi, – Kitêria có là đồ ngốc mới chê châu báu ngọc ngà mà Camachô đã và sẽ tặng để đi lấy anh chàng Baxiliô giỏi ném lao và đấu kiếm vì có ném lao giỏi, đấu kiếm tài thì cũng chẳng có ai mời vào quán thưởng cho cốc rượu nào. Tài hoa mà không có tiền thì tài hoa làm gì. Song tài hoa mà rủng rỉnh tiền thì tôi cũng muốn tài hoa. Muốn xây nhà vững chắc phải có nền vững chãi, và nền vững chãi nhất trên đời là tiền.

– Thôi, hãy kết thúc bài diễn văn của anh đi, Đôn Kihôtê bảo; nếu cứ tiếp tục để anh nhai đi nhai lại cái bài đó, anh sẽ không có thời gian để ăn và ngủ nữa đâu vì anh sẽ nói suốt.

– Nếu ngài có trí nhớ tôi, Xantrô cãi, chắc ngài còn nhớ những chương trong bản giao ước làm khi thầy trò ta xuất hành lần này. Một trong những chương đó có ghi là tôi được phép nói tha hồ một khi không động chạm tới ai hoặc tới uy tín của ngài; cho tới nay, tôi nghĩ rằng mình không vi phạm chương đó.

– Ta chẳng hề nhớ chương đó, Đôn Kihôtê nói, song dù ghi như vậy, ta cũng yêu cầu anh thôi nói và đi theo ta. Những tiếng nhạc mà chúng ta nghe thấy tối hôm qua đã lại vang lên trong thung lũng, chắc chắn lễ cưới sẽ được tiến hành trong buổi sáng mát mẻ để tránh oi bức buổi chiều.

Theo lệnh chủ, Xantrô thắng yên cho Rôxinantê và con lừa, cả hai thầy trò leo lên rồi từ từ đi đến đám cưới. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt Xantrô là cả một con bò xiên vào thân cây tiểu du, lò nướng và một đống củi cao như núi; xung quanh lò đặt sáu cái nồi – chắc những cái nồi này không làm bằng khuôn thường vì chúng to bằng sáu cái thùng, mỗi cái chứa đủ thịt của cả một lò sát sinh; – trong nổi lọt thỏm những con cừu để nguyên chưa pha, nom như chim câu vậy; trên cây cơ man nào là thỏ đã lột da và gà đã làm lông, chờ cho vào nồi; vô số chim muông săn bắn được cũng treo trên cây để hong cho khỏi ôi. Xantrô đếm được trên sáu chục bao rượu, mỗi bao đựng trên ba chục lít, chứa đầy rượu hảo hạng; bánh mì trắng tinh xếp từng đống như đống lúa trên sân; pho mát xếp như gạch đống thành một bức tường dày; hai chảo dầu, to hơn chảo thợ nhuộm, dùng để rán bánh, khi bánh chín, người ta xúc ra bằng hai cái xẻng lớn rồi đổ vào chảo mật ong ở bên cạnh. Có trên năm chục nhà bếp, cả nam lẫn nữ, người nào cũng ăn mặc sạch sẽ, chăm chỉ, mặt mày hớn hở. trong bụng con bò nhồi một tá lợn sữa cho món bò nướng thêm thơm ngon. Đồ gia vị có đủ loại, không phải mua hàng cân mà hàng yến, đựng trong hòm lớn. Tóm lại, những đồ chuẩn bị cho đám cưới tuy quê mùa mộc mạc những rất phong phú, đủ cung phụng cho cả một đạo quân.

Xantrô Panxa nhìn không chán mắt, cái gì cũng thích. Đầu tiên là những nồi hầm làm bác say mê, và bác sẽ rất vui lòng được thưởng thức một bát; những bao rượu rất hấp dẫn, và cả món bánh hoa quả trong chảo nữa – gọi là chảo nhưng thật ra đó là những chiếc vạc lớn. Cuối cùng, cầm lòng không đậu và cũng chẳng biết làm cách nào khác, bác tiến lại gần một anh đầu bếp, dùng những lời lẽ ngọt xớt của một kẻ đói bụng tán ăn, xin được phép nhúng một miếng bánh mì vào nồi. Anh đầu bếp đáp:

– Ông anh ơi, nhờ có chàng Camachô Giàu có, hôm nay không phải ngày cho cái đói hoành hành. Hãy xuống lừa và đi tìm quanh đây một cái môi để vớt một hai con ra ra mà ăn cho thỏa thích.

– Chả thấy có cái nào cả, Xantrô đáp.

– Hãy chờ một chút, đầu bếp nói; chuyện vặt thôi, có gì mà phải làm khách! Nói rồi, anh ta lấy chảo vục vào một cái nồi, vớt ra ba gà mái và hai ngỗng, bảo Xantrô:

– Anh bạn hãy tạm lót dạ bằng cái bọt nước hầm này 1 trong khi chờ đợi ăn cỗ.

– Nhưng tôi không có gì đựng, Xantrô nói.

– Vậy thì mang cả chảo, cả môi đi cũng chẳng sao vì Camachô giàu lắm, chỉ cần vui thôi.

Trong khi Xantrô mải xin ăn, Đôn Kihôtê đứng nhìn một toán mười hai chàng trai nông phu quần áo bảnh bao đang đi tới; họ cưỡi những con ngựa cái rất đẹp có mang những bộ yên cương đắt tiền và đeo rất nhiều nhạc xung quanh ức. Tới nơi, họ nhất tề phi như bay trên đồng cỏ và cùng reo to:

– Camachô và Kitêria muôn năm! Chàng giàu có bao nhiêu, nàng xinh đẹp bấy nhiêu, nàng xinh đẹp tuyệt trần.

Nghe thấy vậy, Đôn Kihôtê tự bảo:

– Rõ là mấy anh này chưa trông thấy mặt nàng Đulxinêa ở Tôbôxô của ta; ví thử được trông thấy, chắc chắn họ chẳng quá lời khen ngợi Kitêria như vậy.

Lát sau, từ bốn phía kéo đến nhiều đội múa khác, trong đó có một đội múa kiếm gồm hai mươi bốn chàng trai trẻ, khỏe, mặc đồ vải mỏng trắng toát, đầu buộc khăn lụa mịn sặc sỡ. Một người trong toán cưỡi ngựa hỏi đội trưởng múa kiếm – một chàng trai nhanh nhẹn:

– Trong đội anh có ai bị thương không?

– Ơn Chúa, cho tới giờ, chưa có ai bị thương cả, đội trưởng đội múa kiếm đáp; chúng tôi đều mạnh khỏe.

Nói rồi, anh ta nhập vào đội múa của mình, vừa đi vừa dùng những đường kiếm hết sức tài tình khiến Đôn Kihôtê, vốn sành sỏi môn này, cũng phải chịu là tay kiếm giỏi.

Một cảnh tượng nữa cũng làm Đôn Kihôtê thích thú, đó là sự xuất hiện của một đám thiếu nữ rất xinh, rất trẻ, tuổi sàn sàn bằng nhau – không dưới mười bốn, tóc nửa tết nửa xõa, màu vàng óng ánh không thua gì ánh nắng mặt trời. đầu đội những vòng hoa nhài, hồng, mồng gà, kim ngân. Đám thiếu nữ đó do một lão ông và một lão bà dẫn đầu, cả hai nom vẻ đạo mạo, tuy đã cao tuổi song còn nhanh nhẹn, vững vàng. Theo nhịp tiếng kèn mục tử, các cô gái có đôi mắt trong sáng và đôi chân lẹ làng tỏ ra là những vũ nữ tài giỏi nhất thế gian.

Tiếp đó là một đội múa khác mà người ta thường gọi là múa có lời. Đội này gồm tám nữ thần đi thành hàng dọc: một hàng do thần Cupiđô 2 dẫn đầu, hàng kia do thần Phúc lợi; thần Cupiđô mang đôi cánh, cung và ống tên, thần Phúc lợi mặc một bộ đồ sặc sỡ dệt bằng tơ và chỉ vàng. Bốn nữ thần đi theo thần Ái tình đeo trên lưng một tấm biển trắng có ghi tên bằng chữ to. Tên thần thứ nhất là “Thi ca”, nữ thần thứ hai là “Ý nhị”, nữ thần thứ ba là “Thế gia”, nữ thần thứ tư là “Dũng cảm”. Bốn nữ thần theo sau thần Phúc lợi cũng vậy: “Hào phóng” là tên nữ thần đi đầu, “Bổng lộc” là tên nữ thần thứ hai, “Bảo vật” là tên nữ thần thứ ba, còn nữ thần cuối cùng là “An hưởng”. Dẫn đầu đoàn múa có bốn người khiêng một tòa lâu đài bằng gỗ, họ mặc quần áo tết bằng lá cây trường xuân đằng và bằng gai nhuộm xanh, hóa trang thành bốn chú mọi, nom như thật, suýt nữa làm cho Xantrô chết khiếp. Bốn mặt lâu đài có ghi: “Bất khả xâm phạm”. Đội múa có bốn nhạc công đánh trống và thổi sáo rất hay.

Thần Cupiđô mở đầu, biểu diễn hai động tác múa, ngước mắt lên, giương cung nhằm vào một thiếu nữ đang đứng dựa tường trên một lâu đài và nói với cô nàng rằng:

“Ta là chúa tể muôn loài trên không trung, mặt đất và biển cả cùng tất thảy những gì nằm sâu trong vực thẳm hãi hùng.

Ta không hề biết sợ, ta muốn gì được nấy dù ta đòi hỏi những điều không thể làm được; mọi sự trên đời do ta điều khiển, xếp đặt, định đoạt”.

Dứt lời, thần Cupiđô bắn một phát tên lên rồi trở về chỗ. Tiếp theo, thần Phúc lợi cũng đi hai động tác múa; những người đánh trống dừng tay, thần Phúc lợi hướng về phía cô gái trên lâu đài và nói:

“Ta tài giỏi hơn thần ái tình dù cho thần ái tình chỉ lối ta đi; ta thuộc dòng giống ưu việt, danh tiếng nhất mà tạo hóa sinh ra trên trái đất này.

Ta là thần Phúc lợi, vì ta mà bao nhiêu người hư hỏng, song thiếu ta mọi việc khó thành. Thần phúc lợi này xin mãi mãi phụng sự nàng, amen”.

Thần Phúc lợi rút lui, thần Thi ca tiến ra, cũng đi mấy bước, ngước mắt nhìn người phụ nữ trên tường cao rồi nói:

“Nương tử ơi, với những ý nghĩ tốt đẹp, cao thượng và trang nghiêm, thần Thi ca dịu dàng này dâng nàng tấm linh hồn phủ bằng cả ngàn bài thơ.

Nếu nàng không phật ý vì ta quá sốt sắng, ta sẽ dùng lời thơ để ca tụng số phận của nàng, một số phận mà nhiều cô gái mong ước”.

Thần Thi ca tránh sang một bên, thần Hào phóng tiến ra, dạo mấy bước rồi cất tiếng:

“Người ta bảo rằng hào phóng không phải là hoang toàng, không phải là biểu thị của thờ ơ, lạnh nhạt.

Song, để làm đẹp ý nàng, ta muốn làm một kẻ hoang toàng; tuy đó là tật xấu nhưng là tật xấu đáng yêu của một kẻ si tình muốn bày tỏ bằng những tặng vật dâng nàng”.

Lần lượt, các nữ thần của hai tốp ra mắt khán giả, múa, đọc thơ rồi rút lui; thơ thì có bài hay bài dở, Đôn Kihôtê chỉ nhớ mấy bài trên mặc dù trí nhớ của chàng rất tốt. Sau đó, hai tốp cùng ra múa, lúc hợp lúc tản, thật nhẹ nhàng uyển chuyển, mỗi khi lượn qua trước mặt tòa lâu đài, thần Ái tình lại bắn mấy phát tên lên, còn thần Phúc lợi thì tung những quả cầu vàng. Sau khi múa một hồi lâu, thần Phúc lợi rút ra một cái túi bằng da mèo vẫn nom có vẻ đầy tiền, quăng mạnh vào tòa lâu đài khiến các thanh ván rung và đổ lả tả, chỉ còn cô gái đứng chơ vơ. Thần Phúc lợi và bốn nữ thần bèn tiến lại tròng vào cổ cô ta một dây xích bằng vàng, làm ra vẻ định bắt mang đi. Lập tức, thần Ái tình và cả tốp xông ra như muốn giữ cô ta lại. Tất cả các động tác của cả hai tốp đều theo nhịp trống, rất khớp. Rồi các chú mọi đứng ra dàn hòa đôi bên, nhanh chóng dựng những tấm ván và cô gái trở vào trong lâu đài. Vở múa kết thúc, người xem tán thưởng nhiệt liệt.

Đôn Kihôtê hỏi một nữ thần xem ai đã soạn và dựng vở múa này, nữ thần đáp: “Đó là một nhà tu hành trong làng, ông ta có tài sáng tác những điệu múa như vậy”.

Đôn Kihôtê nói:

– Tôi cam đoan rằng cái anh chàng tú tài hay nhà tu hành này có thiện cảm với Camachô hơn Baxiliô, và chắc anh ta giễu thiên hạ giỏi hơn đọc kinh. Anh ta khéo ***g vào vở múa những tài mọn của Baxiliô cùng sự giàu sang của Camachô.

Nghe chủ nói vậy, Xantrô Panxa bảo:

– Tôi đứng về phía Đức vua, tôi bênh Camachô.

– Xantrô, hiển nhiên mi phải là một kẻ xấu xa, cùng một giuộc với những ai chỉ biết phù nịnh.

– Tôi biết mình cùng một giuộc với những ai, Xantrô đáp, chỉ biết rằng không đời nào tôi vớt được trong nồi của Baxiliô món bọt nước hầm tuyệt vời này như tôi đã vớt được trong nồi của Camachô.

Nói rồi, bác giơ cao cái chảo đầy gà, ngỗng, cầm một con, ăn với một vẻ đắc chí và ngon lành; bác bảo:

– Baxiliô nghèo thì phải chịu thiệt, con người ta càng có nhiều của càng đáng quý và càng đáng quý lại càng có nhiều của. Ngày trước, bà tôi vẫn bảo rằng trên đời này chỉ có hai hạng người, hạng người có của và hạng người không của, và bà tôi đứng về phía người có của. Thời buổi này, thưa ông chủ Đôn Kihôtê, thiên hạ chuộng người có của hơn có tài; một con lừa đeo đầy vàng còn hơn một con ngựa mang bộ yên thường. Bởi thế, tôi xin nhắc lại là tôi về phe Camachô vì rằng bọt nước hầm trong nồi của anh ta là ngỗng, là gà, là thỏ rừng, còn bọt nước hầm trong nồi của Baxiliô chỉ là nước lã mà thôi.

– Xantrô, mi diễn thuyết xong chưa, Đôn Kihôtê hỏi.

– Tôi xin kết thúc ở đây vì thấy ngài có vẻ không thích nghe, Xantrô đáp; quả thật nếu không phải vì lý do đó thì tôi đã chuẩn bị nói trong ba ngày rồi.

– Lạy Chúa, mong sao ta được nhìn thấy mi cấm khẩu trước khi ta nhắm mắt, Đôn Kihôtê nói.

– Cứ cái đà này thì trước khi ngài chết, tôi đã ăn đất rồi, Xantrô đáp, và khi đó, có lẽ tôi sẽ câm bặt không nói nửa lời cho tới ngày tận cùng của trái đất hoặc ít nhất, cho tới ngày phán xét cuối cùng.

– Ôi, Xantrô! Dù có vậy đi chăng nữa, sự câm lặng của mi cũng không bù lại được những lời mi đã nói, đang nói và sẽ còn nói chừng nào mi còn sống. Vả chăng, theo lẽ tự nhiên, ngày chết của ta phải đến trước ngày chết của mi, cho nên ta không bao giờ hy vọng nhìn thấy mi câm, nói quá đi, kể cả khi mi uống rượu hay ngủ.

– Thật tình, thưa ngài, ta không thể nào tin vào mụ thần Chết xương xẩu 3 được; mụ ăn thịt cà cừu non lẫn cừu già. Tôi có nghe Cha xứ nói rằng mụ vào cả những tòa tháp thâm nghiêm của vua chúa lẫn những túp lều hèn mọn của người nghèo. Mụ ưa thích dùng thức ăn cứng rắn hơn mềm dẻo, mụ không khách khí chút nào, cái gì cũng ăn, việc gì cũng làm và nhét đầy túi mọi hạng người, mọi lứa tuổi, mọi tần lớp. Thợ gặt còn ngủ trưa, mụ thì gặt bất kể lúc nào, gặt cả cỏ khô lẫn cỏ xanh; hình như mụ không nhai mà nuốt chửng các con mồi vì mụ đói cào đói cấu, không bao giờ no; và mặc dù mụ không có bụng, người ta nghĩ rằng mụ mắc bệnh thủy thũng 4 và thèm khát muốn uống cạn cuộc sống của con người ta như uống một vò nước tươi mát vậy.

– Xantrô, anh thốt ra những lời thật khôn ngoan, song nói đến đó thôi kẻo hết khôn lại dồn đến dại đấy. Quả thật những điều anh nói về thần Chết – tuy bằng những danh từ quê kệch – chẳng khác gì những điều mà một nhà truyền giáo giỏi giang có thể nói được. Ta nói thật, anh có năng khiếu, nếu lại có kiến thức nữa thì có thể xách một cái bục trong tay mà đi khắp thế gian đăng đàn thuyết giáo như ai đấy.

– Ai sống lâu thì thuyết giáo giỏi, Xantrô đáp, riêng tôi, tôi chẳng biết lý thuyết nào cả.

– Anh cũng chẳng cần tới, Đôn Kihôtê nói. Có một điều ta không hiểu nổi: người ta thường bảo có biết kính sợ Chúa mới trở thành người hiểu biết; anh sợ một con thằn lằn hơn sợ Chúa, vậy mà sao biết nhiều chuyện thế?

– Thưa ông chủ, ngài hãy bình luận những hành động kiếm hiệp của ngài thì hơn, Xantrô đáp; đừng nên xen vào bình phẩm người khác nhút nhát hay dũng cảm; tôi cũng kinh sợ Chúa như mọi người khác trong làng. Thôi, ngài hãy để tôi thanh toán món bọt nước hầm này, những cái khác đều là chuyện nhảm nhí mà ta sẽ phải trả giá ở thế giới bên kia.

Dứt lời, bác tiếp tục tấn công chảo gà, ngỗng một cách hết sức ngon lành khiến Đôn Kihôtê đâm thèm, và chắc chắn chàng sẽ hỗ trợ cho giám mã của mình nếu không có một sự việc ngăn lại, một sự việc không thể không kể lại dưới đây.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.