Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra

Chương 54



Nói về cuộc đàm thoai tức cười giữa Đôn Kihôtê, Xantrô Panxa và cậu Tú Xanxôn Caraxcô

Trong khi chờ mong cậu Tú Caraxcô tới cho nghe những chuyện về mình ghi trong sách như Xantrô vừa cho biết, Đôn Kihôtê trầm ngâm suy nghĩ. Chàng không thể nào tin được rằng cuốn sách đó đã ra đời. Một khi lưỡi gươm của chàng chưa ráo máu những kẻ thù bị chàng giết, làm sao có thể in thành sách những chiến công lớn lao mà chàng đã giành được trong suốt cuộc đời hiệp sĩ của mình. Tuy nhiên, chàng cho rằng có một pháp sư nào đó, vì yêu hay ghét chàng, dùng pháp thuật in thành sách để đề cao và nâng những chiến công lên trên những chiến công lừng lẫy nhất của ngành hiệp sĩ giang hồ – nếu pháp sư đó là bạn, – hoặc lu mờ và hạ thấp những chiến công đó xuống dưới những hành động xấu xa nhất của một tên giám mã thấp hèn – nếu pháp sư đó là thù.

“Tuy nhiên, Đôn Kihôtê tự nhủ, chưa có ai viết về những chiến công của các giám mã, và nếu cuốn sách về hiệp sĩ giang hồ này có thật, chắc nó phải hùng hồn, xuất chúng, danh tiếng, tuyệt diệu và chính xác”. Nghĩ vậy, chàng thấy yên tâm đôi chút. Nhưng rồi chàng lại băn khoăn khi nghĩ rằng tác giả người Môrô vì mang tên Xiđê, mà đối với dân Môrô thì không thể hy vọng có sự thật vì bọn họ đều là những kẻ lừa lọc, dối trá và hay bóp méo sự việc. Chàng lo ngại người ta viết về mối tình của chàng một cách tục tĩu, làm tổn hại tới tấm lòng trong trắng của nàng Đulxinêa làng Tôbôxô; chàng muốn người ta viết về mối tình chung thủy của chàng đối với nàng, nó khiến chàng đã coi khinh các bà hoàng bà chúa cùng các công nương và kiềm chế được những ham muốn của con người. Còn đang nghĩ quanh quẩn thì Xantrô và Caraxcô tới. Đôn Kihôtê đón tiếp Caraxcô rất lịch sự.

Tuy mang tên Xanxôn 1, cậu Tú không to lớn lắm nhưng lại rất tinh nghịch, nước da tai tái mà rất thông minh, tuổi trạc hai mươi tư, mặt tròn, mũi tẹt, mồm rộng, rõ ràng một anh chàng láu tôm láu cá, thích trêu chọc. Ta hãy xem đây thì biết: thoạt thấy Đôn Kihôtê, cậu ta quỳ ngay xuống trước mặt, mồm nói:

– Xin ngài Đôn Kihôtê xứ Mantra cao cả đưa tay cho tôi hôn. Với bộ phẩm phục mà tôi đang khoác trên người – mặc dù tôi mới chỉ có bốn phẩm chức đẩu – tôi dám nói rằng ngài là một trong những hiệp sĩ giang hồ lừng danh nhất từ trước kia cho tới mãi sau đây trên quả địa cầu này. Quý hóa thay hiền sĩ Amêtê Bênêhêli đã viết ra cây chuyện về những chiến công của ngài, càng quý hóa con người hiếm có đã dịch cuốn sách đó từ tiếng Ẳ Rập sang tiếng Tây Ban Nha tầm thường của chúng ta.

Đôn Kihôtê đỡ cậu Tú dậy và nói:

– Vậy ra cuốn sách về cuộc đời tôi có thật do một pháp sư Môrô soạn ư?

– Thưa ngài, hẳn là có thật, Xanxôn đáp. Tôi biết chắc là tới hôm nay đã in được trên mười hai ngàn cuốn sách đó, nếu không, xin hãy hỏi Bồ Đào Nha, Barxêlôna và Valenxia là những nơi đã in. Lại có tin rằng Ambêrex 2 cũng đang in. Riêng tôi nghĩ rằng không có nước nào không dịch, vì cuốn sách đó được dịch ra các thứ tiếng.

Nghe đến đây, Đôn Kihôtê nói:

– Một trong những điều làm cho một con người có đạo đức cao cả hài lòng nhất là thấy mình được nổi danh trong thiên hạ và được ghi tên tuổi vào sử sách. Tôi nói là được nổi danh, vì nếu ngược lại thì thà chết còn hơn.

– Nếu vấn đề là tiếng tăm và nổi danh, cậu Tú nói, tôi dám chắc ngài là người đứng đầu trong cả đám hiệp sĩ giang hồ, vì rằng người Môrô viết cuốn sách đó bằng tiếng Ẳ Rập cũng như người Kitô giáo dịch ra tiếng Tây Ban Nha đều cố gắng tả đúng sự thật vẻ duyên dáng của ngài, tinh thần dũng cảm trước gian nguy, lòng kiên trì trong hoạn nạn, tinh thần chịu đựng những nỗi bất hạnh và những đau đớn về thể xác, mối tình thanh khiết và mực thước giữa ngài và bà Đônha Đulxinêa làng Tôbôxô.

Nghe thấy vậy, Xantrô Panxa bảo:

– Tôi chưa hề nghe thấy gọi bà Đulxinêa là Đônha mà chỉ gọi là bà Đulxinêa làng Tôbôxô thôi. Về điểm này, sách viết sai đấy.

– Điều ấy không quan trọng, Caraxcô đáp.

– Tất nhiên là không quan trọng, Đôn Kihôtê tiếp lời. Thế nhưng, xin ông Tú cho hay, trong cuốn sách đó, người ta nói nhiều tới thành tích nào của tôi?

– Về điểm này, cậu Tú đáp, có nhiều ý kiến khác nhau cũng như có nhiều nhận thức khác nhau. Có người nhắc tới những chiếc cối xay gió mà ngài tưởng là những Briarêô 3 và những tên khổng lồ; có người lại nhắc tới chuyện những cái chày nện dạ 4; người này thích tả hai đạo quân sau đó biến thành hai đàn cừu 5; kẻ khác thích chuyện khiêng người chết đi chôn ở Xêgôvia 6; có người nói chuyện phóng thích cho đám tội nhân hay hơn cả 7; lại có người cho rằng không có gì hay bằng câu chuyện về hai ông thầy tu khổng lồ dòng thánh Bênitô và cuộc đấu võ với chàng hiệp sĩ dũng cảm ở tỉnh Vixcaia 8.

Xantrô nói chen vào:

– Xin cậu Tú cho biết trong sách có nói tới đám lái la ở Iangca khi thấy chú Rôxinantê của chúng ta định chơi ngông không 9?

– Ông pháp sư không bỏ sót chuyện nào trong lọ mực, Xanxôn đáp. Ông ta nói hết, thuật lại hết, kể cả chuyện Xantrô nhào lộn trong cái khăn trải giường 10.

– Tôi không nhào lộn trong cái khăn trải giường mà lên trời mặc dù tôi chẳng muốn tí nào, Xantrô nói.

– Theo tôi nghĩ, Đôn Kihôtê nói, cuộc đời người ta có thăng, có trầm, nhất là cuộc đời các hiệp sĩ không bao giờ vẹn toàn cả.

– Tuy nhiên, cậu Tú đáp lại, có những bạn đọc muốn rằng tác giả và dịch giả cuốn sách đó đừng nhắc quá nhiều tới những trận đòn mà ngài Đôn Kihôtê phải chịu đựng trong những cuộc đọ sức.

– Việc đó có thật, Xantrô nói.

– Muốn cho công bằng thì không nên nhắc tới làm gì, Đôn Kihôtê nói. Hà tất phải viết những chuyện không làm thay đổi hoặc giảm sút sự chính xác của cuốn sách mà lại có hại cho nhân vật chính ở trong truyện. Chắc Ênêax không quá hiếu thảo như Virhiliô đã tả, cũng như Ôđixê không quá thận trọng như dưới ngòi bút của Ômêrô.

– Đúng vậy, Xanxôn nói, tuy nhiên làm thơ khác với viết sử; khi kể hoặc ca ngợi một sự việc, nhà thơ không nhất thiết phải nói đúng sự thật mà có thể lý tưởng hóa, còn sử gia khi viết không được lý tưởng hóa mà phải trung thực, không thêm bớt một điều gì.

– Nếu ông tác giả Môrô này viết đúng sự thật, Xantrô đáp, chắc chắn là trong số những roi đòn của ông chủ tôi có cả phần của tôi, vì mỗi khi hai vai ông chủ tôi bị đòn thì khắp người tôi cũng ăn đòn. Nhưng ta không nên lấy thế làm lạ vì, như ông chủ tôi đã bảo, khi cái đầu đau đớn thì toàn thân cũng phải đau.

Đồ quỷ quái, Đôn Kihôtê nói. Khi anh muốn, anh cũng có trí nhớ đấy.

– Dù tôi muốn quên những ngọn roi vọt đi chăng nữa, vết tích còn in trên xương sườn sẽ còn luôn nhắc nhở tôi, Xantrô nói.

– Im đi Xantrô, Đôn Kihôtê bảo; chớ ngắt lời ông Tú. Xin ông Tú bỏ qua và hãy nói tiếp những điều về tôi trong cuốn sách đó.

– Về tôi nữa, Xantrô nói, vì nghe đồn tôi cũng là một trong những dân vật chính của cuốn sách.

– Nhân vật chứ, không phải dân vật, anh bạn Xantrô ạ, Xanxôn chữa.

– Lại thêm một ông hay bắt bẻ chữ nghĩa! Xantrô nói. Nếu vậy, xin mời; cứ thể kể hết đời cũng không hết.

– Trời hại tôi nếu bác không phải là nhân vật thứ hai trong sách, cậu Tú đáp. Có người thích nghe bác nói còn hơn nghe nhân vật chính cơ. Lại có người nói rằng bác quá nhẹ dạ khi nghĩ rằng chắc chắn được cai trị một hòn đảo mà ngài Đôn Kihôtê đây sẽ trao cho.

– Ta không nên bi quan, Đôn Kihôtê bảo. Xantrô càng có tuổi càng giàu kinh nghiệm và sẽ có đủ năng lực cộng với sự khôn khéo để cai trị hòn đảo mà lúc này anh ta chưa làm chủ.

– Lạy Chúa, Xantrô nói, tôi ngần này tuổi đầu còn chưa được cai trị một hòn đảo thì chắc đến khi bằng tuổi Matuxalêm 11 cũng chưa được đâu. Có điều tai hại là cái hòn đảo ấy ở đâu, tôi cũng chẳng biết nữa. Riêng tôi chẳng thiếu đầu óc để cai trị nó.

– Xantrô, hãy nhờ Chúa phù hộ cho, Đôn Kihôtê nói. Mọi việc rồi sẽ tốt lành, có khi vượt qua cả lòng mong mỏi của anh. Lá trên cây không rung động nếu Chúa không muốn.

– Đúng vậy thay, cậu Tú nói; nếu Chúa muốn, Xantrô sẽ có cả ngàn hòn đảo để cai trị, nói chi một hòn.

– Tôi thấy vùng này có khối thống đốc không với tới gót giày của tôi, Xantrô nói. Ấy thế mà họ cũng được kêu bằng lãnh chúa và cũng được ăn bằng đĩa bạc đấy.

– Những vị đó không làm thống đốc ở đảo mà ở những nơi dễ cai trị, Xanxôn đáp. Làm thống đốc ở đảo, ít ra cũng phải biết văn phạm.

– Tôi chẳng biết văn phạm, Xantrô nói. Nhưng thôi, ta hãy xếp những vấn đề đó lại và để Chúa định liệu cho; Người sẽ đưa tôi đến một nơi, ở đó tôi phục vụ người tốt nhất. Bây giờ, tôi xin thưa với ông Tú Xanxôn Caraxcô rằng tôi vô cùng khoái trá thấy rằng tác giả đã không làm nhàm tai độc giả khi viết về tôi. Tôi xin lấy danh dự của một giám mã mà nói rằng nếu ông ta nói ra những điều không đúng về một người có đạo gốc như một đây, tôi sẽ gào to tới mức thằng điếc cũng phải nghe thấy.

– Họa là bác có tài thánh, Xanxôn nói.

– Tài thánh hay không, mặc tôi, Xantrô nói; con người ta phải thận trọng khi nói hoặc viết về một nhân vật nào, đừng có viết lung tung, không suy nghĩ.

– Một trong những khuyết điểm của tác giả là đã ***g vào cuốn sách Truyện anh chàng hiếu kỳ khờ dại, cậu Tú nói. Không phải là chuyện đó dở hoặc kể không hay mà là đặt không đúng chỗ và không ăn nhập gì với cuộc đời của ngài Đôn Kihôtê.

– Tôi đánh cuộc là thằng *** ấy kể rặt những chuyện đầu Ngô mình Sở, Xantrô nói.

Đôn Kihôtê có ý kiến:

– Tôi cho rằng kẻ viết sách về tôi không giỏi giang gì mà là một tên ba hoa, ngu xuẩn, viết mà chẳng biết mình viết gì, được tới đâu hay tới đó, giống như Orbahêna, họa sĩ tỉnh Ubêđa vậy. Khi có người hỏi vẽ gì, ông ta đáp: “Để xem giống cái gì”. Có lần ông ta vẽ một con gà trống, trông chẳng ra gà, phải ghi thêm bằng chữ Gôtích 12 ở dưới bức vẽ: “Đây là con gà trống”. Chắc rằng cuốn sách viết về tôi cũng vậy, cần phải có thuyết minh mới hiểu nổi.

– Không phải thế đâu, Xanxôn đáp; sách kể rành mạch, không có gì là khó hiểu cả. Trẻ con cũng giở ra xem, con trai con gái đều đọc, người lớn xem tới đâu hiểu tới đó, ông già bà cả tấm tắc khen. Tóm lại, mọi người, mọi lớp đều đọc, đều biết, đều ham, đến nỗi trông thấy một con ngựa gầy nào là người ta lại bảo: “Đây là Rôxinantê”. Thích đọc nhất là các chú thị đồng, tại nơi tiền sảnh của các lãnh chúa đều có cuốn Đôn Kihôtê; người này vừa đặt cuốn sách xuống, người khác đã cầm lên ngay; người hỏi mượn, người giằng lấy. Thật là một cuốn sách giải trí và vô hại nhất từ xưa tới giờ vì trong đó không hề thấy một lời nói dối trá hoặc một ý tưởng xằng bậy nào.

– Không viết như vậy tức là không viết sự thật, Đôn Kihôtê nói, mà chỉ viết những lời dối giả. Những sử gia nào không tôn trọng sự thật đáng phải chịu tội chết thiêu như những kẻ làm bạc giả. Tôi cũng không biết tại sao tác giả đi tìm những chuyện đâu đâu trong lúc có bao nhiêu điều đáng viết về tôi. Chắc ông ta muốn làm theo câu phương ngôn: “Cứ ăn rơm và cỏ khô cũng no bụng” chứ gì? Thực ra, chỉ cần giới thiệu những ý nghĩ, những lời than thở, những giọt nước mắt, những mong ước tốt đẹp và những cuộc đọ sức của tôi cũng đã được một pho sách lớn bằng tất cả những tác phẩm của TôXantrôađô gộp lại. Thưa ông Tú, theo tôi hiểu, muốn viết sử và sách, bất kỳ loại nào, cần phải có một suy xét kỹ lưỡng và một tri thức già giặn. Những bộ óc lớn mới biết nói năng, viết lách một cách ý nhị. Trong một vở kịch, khó nhất là vai thằng ngốc, ai nghĩ rằng đóng vai đó đơn giản sẽ thất bại. Lịch sử là một cái gì đó thiêng liêng vì nó đòi hỏi sự thật, và ở đâu có sự thật ở đó có Chúa. Ấy thế mà có những kẻ viết sách một cách bừa bãi, cẩu thả.

– Một cuốn sách dở đến đâu cũng chứa đựng một chút gì hay ho, cậu Tú nói.

– Tất nhiên, Đôn Kihôtê đáp, thế những có nhiều người xứng đáng được nổi danh vì những tập bản thảo của mình bỗng dưng bị lu mờ khi đưa in những tập sách đó.

– Là vì người ta có thể đọc kỹ những sách đã xuất bản, Xanxôn nói, do đó dễ nhìn thấy những thiếu sót, và tác giả càng có tiếng tăm thì người đọc càng khắt khe. Những người nổi danh vì tài, những nhà thơ lớn, những sử gia danh tiếng thường phải chịu sự ghen ghét của những người lấy việc nhận xét các tác phẩm của người khác làm thú vui duy nhất, trong khi bản thân họ không đẻ ra được một cái gì.

– Điều đó không lạ, Đôn Kihôtê nói, vì có nhiều nhà thần học lên bục giảng thì tồi nhưng lại rất giỏi phát hiện ra sai sót của những người giảng thay cho họ.

– Tất cả những điều ngài nói đều đúng, Caraxcô nói, song tôi mong muốn các nhà phê bình đó rộng lượng hơn và bớt khắt khe, đừng quá chú trọng tới những thiếu sót vụn vặt trong khi nhận xét một tác phẩm chói lọi như mặt trời. Ômêrô 13 cũng có lúc nhầm lẫn, nhưng phải thấy rằng ông đã cố giữ được tỉnh táo để hạn chế tối đa những thiếu sót trong tác phẩm của mình. Và cũng có thể những điểm họ cho là dở lại giống như những nốt ruồi, đôi khi làm tôn vẻ đẹp của khuôn mặt lên. Cho nên người làm một cuốn sách gặp nhiều may rủi vì không tài nào biên soạn cho vừa lòng mọi độc giả được.

– Chắc là người viết về tôi chỉ làm vừa lòng một số ít người thôi, Đôn Kihôtê nói.

– Trái lại thì đúng hơn, Xanxôn nói. Không sao kể xiết những người yêu thích cuốn sách đó. Cũng có một số người chê trách trí nhớ của tác giả vì ông quên không nêu rõ tên kẻ cắp đã lấy trộm lừa của Xantrô, đoạn trên vừa bảo Xantrô bị mất trộm, đoạn dưới đã thấy bác cưỡi con lừa đó, không hiểu tìm thấy nó lúc nào. Người ta còn nói tác giả quên không cho biết Xantrô đã sử dụng ra sao khoản một trăm đồng tiền vàng bắt được trong cái rương trên núi Môrêna, và ông không hề nhắc lại chuyện đó. Nhiều người muốn biết bác ta đã dùng số tiền làm gì, tiêu pha những món gi, vì đó là một trong những điểm chủ yếu cần nêu.

Xantrô đáp:

– Thưa ngài Xanxôn, bây giờ không phải lúc để tôi kể lể, tính toán tiền nong. Tôi đang đau bụng, nếu không có hai ngụm rượu lâu năm để chữa chạy thì tôi chỉ còn bộ xương. Rượu có sẵn ở nhà, bu cháu đang chờ kia, ăn xong tôi sẽ trở lại đây và làm thỏa mãn ngài cũng như tất cả những ai muốn hỏi, từ chuyện mất con lừa cho đến việc chi tiêu một trăm đồng tiền vàng.

Rồi không chờ ai trả lời và cũng không thèm nói thêm câu nào, bác trở về nhà.

Đôn Kihôtê khẩn khoản mời cậu Tú ở lại xơi bữa cơm nhạt với chàng. Cậu Tú nhận lời ngồi lại. Bữa ăn có thêm đôi chim câu nhỏ; hai người vừa ăn vừa bàn chuyện kiếm hiệp, có vẻ tâm đắc lắm. Xong bữa, họ làm giấc ngủ trưa. Lát sau, Xantrô quay trở lại và cuộc đàm thoại tiếp diễn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.