Chưởng quỹ thấy câu chuyện không thành vội nói :
– Khách quan không nên nóng giận. Tiểu lão mở tiệm, trong sự mua bán có khi phải nói sai một chút. Khách quan là người am hiểu, tiểu lão xin nói thật: thanh kiếm này quả không phải mới đánh mà cũng không phải do tệ điếm chế tạo…
Lão hắng giọng một tiếng rồi nói tiếp :
– Câu chuyện đầu đuôi về thanh kiếm này là tháng trước đây có một tráng sĩ đứng tuổi từ kinh thành lưu lạc đến bản trấn hết cả tiền lộ phí, không lấy gì trả tiền ăn tiền trọ liền đem thanh bảo kiếm tùy thân cầm lấy ít bạc trang trải và nói sau một tháng sẽ đến chuộc…
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Người ta cầm thanh kiếm này bao nhiêu tiền?
Chưởng quỹ đáp :
– Hai chục lạng bạc.
Triệu Tử Nguyên nổi giận hỏi :
– Người ta cầm có hai chục lạng bạc mà bây giờ lão đòi đến năm trăm lạng thì ra trong một tháng lấy gấp hai chục lần vốn. Phải chăng lão coi nó là một thứ hàng hóa kỳ trân?
Chưởng quỹ thủng thẳng đáp :
– Khách quan nói phải đó. Tiểu lão coi nó là một món hàng rất báu mới định giá tiền như vậy.
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Lão nói lý do được không?
Chưởng quỹ đáp :
– Chiều hôm kia có hai hán tử ăn mặc kỳ dị đến tệ điếm đánh khí giới, họ ngẫu nhiên ngó thấy thanh kiếm này, một người mừng quá liền đòi mua bằng giá năm trăm lượng nhưng khi sờ túi thì không đủ số bạc này. Người kia dường như có ý định cưỡng đoạt nhưng bị đồng bọn ngăn lại, cảnh cáo là y không được gây sự làm kinh động đến nhân vật võ lâm…
Triệu Tử Nguyên trong lòng rất lấy làm kỳ, ngấm ngầm phỏng đoán về hai hán tử ăn mặc kỳ dị.
Lại nghe chưởng quỹ nói tiếp :
– Hai người đó lúc ấy liền quyết định sau hai ngày sẽ trở lại đem đủ tiền mua thanh kiếm này, nhưng tới bây giờ vẫn chưa thấy đến. Trong hai bữa nay, khách quan là người đầu tiên vào tệ điếm đánh kiếm. Tiểu lão biết thanh kiếm này không phải vật tầm thường mới ra giá năm trăm lượng. Tiểu lão bất cứ ai trả được giá là bán. Khách quan bảo như thế có hợp lý không?
Triệu Tử Nguyên trong lòng nảy ra cảm giác chán ghét, nhưng nghĩ đến đối phương là nhà buôn ở chốn quê mùa chỉ biết vụ lợi chứ không trọng điều tín nghĩa, và lại chàng không phải là chủ nhân thanh kiếm nên không tiện can thiệp.
Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Chủ nhân thanh kiếm này hẹn bao giờ đến chuộc?
Chưởng quỹ đáp :
– Y hẹn trong một tháng. Bữa nay là ngày cuối cùng.
Đột nhiên trên đường phố có tiếng vó ngựa dồn dập mỗi lúc một gần. Hai tên kỵ sĩ dừng ngựa trước cửa tiệm.
Chưởng quỹ đột nhiên biến sắc, cất tiếng run run nói :
– Bọn họ… đã đến đó… Xin lỗi khách quan, tiểu lão không thể bán thanh kiếm này cho khách quan được.
Lão vươn tay ra muốn lấy thanh bảo kiếm trong tay Triệu Tử Nguyên.
Triệu Tử Nguyên không hiểu vô tình hay hữu ý rụt tay về. Chưởng quỹ chụp vào quãng không. Bất giác trán toát mồ hôi.
Hai tên kỵ sĩ nhảy xuống ngựa cất bước tiến vào. Triệu Tử Nguyên chú ý nhìn xem thấy người mới đến xõa tóc, cánh ăn mặc quả nhiên rất cổ quái. Nhưng chàng trông mặt hơi quen.
Hai người bước vào cửa tiệm thấy một chàng thiếu niên đứng đó tay cầm thanh bảo kiếm. Còn chủ tiệm không ngớt xoa tay ra chiều cấp bách. Chúng liền hiểu rõ vụ này là thế nào.
Hán tử mé hữu chưa nhìn rõ mặt Triệu Tử Nguyên đập tay xuống bàn quầy làm vỡ một miếng. Hắn lớn tiếng la :
– Chưởng quỹ! Lão định đóng cửa tiệm hay sao mà dám ăn lời đem bảo kiếm bán cho người khác? Lão gia nổi nóng thì tiệm của lão phải tan tành.
Hắn lớn tiếng thóa mạ. Mà hán tử không nói sõi nghe rất khó nghe.
Chưởng quỹ sợ quá, sắc mặt xanh lè, lúc trắng bợt, nhìn hai người xá dài, hồi lâu không nói nên lời.
Hán tử khác thân hình bé nhỏ gầy nhom lên tiếng :
– Ngươi làm gì mà nóng thế? Để ta xử trí vụ này cho.
Gã quay lại nhìn Triệu Tử Nguyên nói :
– Tiểu ca! Chúng ta…
Đột nhiên gã dừng lại vì nhìn rõ mặt Triệu Tử Nguyên, gã sửng sốt dừng lại không nói nữa. Triệu Tử Nguyên tươi cười hỏi :
– Noãn Thỏ! Hồng Thỏ! Chúng ta lâu nay không được gặp nhau.
Hai hán tử ăn mặc kỳ dị này đã chạm trán với Triệu Tử Nguyên rồi. Chúng là Noãn Thỏ và Hồng Thỏ người Thổ ở miền Tái Bắc tới đây.
Hồng Thỏ trỏ tray vào mặt Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Tiểu tử! Ngươi… sao lại cũng đến đây?
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Tại hạ đang muốn hỏi hai vị câu này. Hôm ấy tại hạ vô tình nghe được câu chuyện giữa hai vị và biết các vị ở ngoài Trường Thành vào đây.
Hồng Thỏ lại quát lên :
– Câm miệng đi!
Triệu Tử Nguyên vẫn bình tĩnh nói :
– Coi bộ hai vị dường như lén lút vào trong quan ải. Các vị đã không muốn tại hạ nói nữa thì tại hạ bỏ đi là xong.
Hồng Thỏ sa sầm nét mặt tựa hồ muốn nổi nóng. Noãn Thỏ vội đưa mắt ra hiệu cho bạn rồi thò tay vào bọc lấy ra gói bạc rất trầm trọng rồi đặt lên mặt quầy nói :
– Chưởng quỹ. Đây là năm trăm lạng bạc. Lão lấy kiếm giao cho bọn ta.
Chưởng quỹ trợn mắt lên ngó đống bạc trắng ngần lại sờ đầu sờ tai nhìn Triệu Tử Nguyên nói :
– Xin khách quan vui lòng nhường nhịn một chút. Tỏ tình hai vị này hẹn mua từ trước.
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Đã thế thì lão cầm lấy thanh kiếm này. Bảo kiếm tuy là vật khó tìm, nhưng tại hạ vẫn không muốn chiếm làm của mình.
Chưởng quỹ mừng quá nói :
– Khách quan quả là người mau mắn. Tiểu lão xin cảm ơn.
Lão tiến lại định lấy kiếm, không ngờ lão hết sức lôi mà thanh kiếm vẫn nằm trong lòng bàn tay Triệu Tử Nguyên không sao kéo ra được. Chưởng quỹ đổ mồ hôi hỏi :
– Khách quan còn muốn đùa cợt tiểu lão ư?
Triệu Tử Nguyên lạnh lùng đáp :
– Tại hạ thì chẳng có chuyện gì, chỉ sợ chủ nhân thanh kiếm này không chịu.
Hai hán tử kia sa sầm nét mặt. Chưởng quỹ ấp úng hỏi :
– Chủ nhân thanh kiếm này ư? Y…
Triệu Tử Nguyên ngắt lời :
– Bữa nay cũng là ngày tối hậu chủ nhân đến chuộc kiếm. Kỳ hạn chưa hết, sao lão đã tham lam tiền tài tự ý đem bán cho người khác?
Chưởng quỹ không biết nói sao. Hồng Thỏ cười nhạt lên tiếng :
– Chưởng quỹ bán kiếm, chúng ta đến mua. Thằng lỏi này… sao lại xen vào cản trở? Ngươi không muốn sống nữa chăng?
Hai hán tử ăn mặc kỳ dị láo liên cặp mắt cùng vung chưởng nhằm Triệu Tử Nguyên đánh tới.
Triệu Tử Nguyên cảm thấy chưởng lực của đối phương nặng như núi.
Chưởng phong chưa tới nơi đã cảm thấy một luồng chân lực nội gia đè ép ghê gớm khiến chàng ngấm ngầm kinh hãi. Hiển nhiên công lực của Noãn Thỏ, Hồng Thỏ hùng hậu phi thường. Triệu Tử Nguyên vung tay trái phóng ba chưởng đón đỡ mà phải lùi ba bước.
Chàng cực kỳ kinh hãi nghĩ thầm :
– “Võ công của hai người này cao thâm chẳng kém gì quái nhân Địch Nhất Phi ở miền Đại Mạc. Võ công của chúng dường như cùng lộ số với Địch Nhất Phi. Bọn chúng tất còn có sư trưởng. Cứ tình hình này thì trong vùng Đại Mạc còn có một tay cao thủ tuyệt đại mà mình chưa biết tên.”
Chàng càng nghĩ càng kinh hãi. Bóng chưởng tới tấp chàng đã đón đỡ bảy chiêu mà cứ phải lùi hoài cho đến chân tường. Triệu Tử Nguyên hết đất lùi, tay phải chàng cầm kiếm tiện tay đẩy ra. Bỗng nghe đánh véo một tiếng. Kiếm quang mù trời. Một luồng sát khí xô ra.
Triệu Tử Nguyên vì định bảo vệ mình mà vô tình đã sử chiêu “Hạ Tân Phong Hàn”. Kiếm thế nhanh như điện chớp, vỗ như sấm sét khiến người ta phải kinh tâm động phách.
Hai hán tử ăn mặc kỳ dị cả kinh thất sắc. Noãn Thỏ lớn tiếng hô :
– Hồng Thỏ! “Đẩu Chuyển Tham Hoành”!
Gã vừa hô vừa vọt người lên không phóng song chưởng đánh xuống. Đồng thời Hồng Thỏ cũng nhảy lên lưng chừng hai người lướt qua bên nhau, thân hình cong lại như đường cánh cung. Một tả một hữu thành thế giáp công.
Triệu Tử Nguyên không ngờ mình đã sử “Phù Phong Kiếm Thức” và hai người đối phương chẳng những không lui mà còn phóng chưởng tấn công. Chàng biết Noãn Thỏ, Hồng Thỏ phối hợp ra chiêu “Đẩu Chuyển Tham Hoành” là một chưởng pháp tuyệt đỉnh. Ngày trước quái khách Địch Nhất Phi ở Thái Chiêu bảo đã đối phó với Giác Hải thần tăng ở chùa Thiếu Lâm bằng chiêu này. Bây giờ hai tay cao thủ phối hợp, dĩ nhiên khí thế còn ghê gớm hơn.
Chỉ trong khoảnh khắc, Noãn Thỏ, Hồng Thỏ đã đánh ra mười mấy chưởng.
Triệu Tử Nguyên cũng quyết đoán ngay. Chàng biến đổi kiếm chiêu đâm ra ba kiếm. Những tiếng u ú rít lên khủng khiếp. Kiếm quang lóe ra thu lại, Triệu Tử Nguyên bước qua bên phải mấy bước đứng ở giữa cửa lớn.
Noãn Thỏ, Hồng Thỏ đồng thời hạ xuống. Vạt áo chúng bị mũi kiếm quét rách một vệt. Noãn Thỏ lạnh lùng hô :
– Hảo kiếm pháp!
Hồng Thỏ mặt lạnh như băng, liếc nhìn Triệu Tử Nguyên hỏi :
– Gã… gã bị chúng ta tả hữu giáp kích mà không việc gì ư?
Noãn Thỏ đáp :
– Chẳng hiểu gã có việc gì không. Mình chưa từng nghe ai nói đã bị chúng ta thi triển chiêu “Đẩu Chuyển Tham Hoành” mà được vô sự.
Gã vừa dứt lời, người Triệu Tử Nguyên lảo đảo rồi miệng phun máu ra như tên bắn.
Chưởng quỹ sợ tái mặt, cất tiếng run run :
– Tam vị… anh hùng! Xin các vị ra ngoài…
Lão dứt lời, người đã ẩn vào quầy không dám thò đầu ra.
Hồng Thỏ bật tiếng cười âm thầm nói :
– Tiểu tử! Ngươi đã biết rõ điều bí mật của chúng ta lại sính cường can thiệp vào việc người. Bữa nay đừng hòng sống mà dời khỏi nơi đây.
Triệu Tử Nguyên vừa vận khí điều tức vừa thủng thẳng hỏi :
– Bọn ngươi hai người đã dễ làm gì được ta?
Hồng Thỏ chưa kịp đáp thì ngoài cửa đã có tiếng người lên tiếng :
– Tiểu ca đây nói phải đó. Tuy y bị chút nội thương, nhưng kiếm thuật thông thần thì hai tên Thát Đát các ngươi không sát hại nổi y đâu!
Giọng nói trầm trầm mà rõ ràng lọt vào tai mọi người. Bóng người lấp loáng lướt qua bên mình Triệu Tử Nguyên tiến vào. Nhãn lực tinh nhuệ như Noãn Thỏ, Hồng Thỏ chưa nhìn rõ bóng người mà người đó đã đứng sừng sững trong cửa tiệm. Cử chỉ và thái độ của y rất ung dung tựa hồ như đứng trong tiệm từ trước.
Người này vào lối trung niên, võ phục gọn gàng, thái độ ngang tàng, đứng sững như pho tượng sắt giữa ba người.
Hồng Thỏ nhìn rõ người đó rồi, mặt lộ vẻ vui mừng cất tiếng hô :
– Địch đại ca! Đại ca đến vừa gặp dịp.
Hán tử trung niên trầm giọng hỏi :
– Ai là Địch đại ca của ngươi?
Noãn Thỏ, Hồng Thỏ nghe hỏi câu này đều ra chiều sửng sốt. Hồng Thỏ không hiểu hỏi :
– Địch đại ca! Đại ca không nhận ra bọn tiểu đệ ư? Tiểu đệ là Hồng Thỏ.
Y là Noãn Thỏ. Chẳng lẽ đại ca…
Hán tử trung niên lạnh lùng ngắt lời :
– Thỏ sống thỏ chết gì gì ta cũng không biết. Các ngươi nói trăng nói cuội rồi cứ giằng co hoài thì vụ này cho đến bao giờ kết thúc?
Noãn Thỏ vẻ mặt âm trầm bất định hỏi :
– Thế thì đại ca…
Hán tử trung niên ngắt lời :
– Ta là chủ nhân thanh bảo kiếm này. Bữa nay đến đây chuộc về. Sao các ngươi không cút đi, còn đứng đây làm gì?
Noãn Thỏ và Hồng Thỏ ngơ ngác nhìn nhau hồi lâu không nói gì. Hồng Thỏ còn muốn tranh luận, nhưng Noãn Thỏ xua tay một cái, rút lui trước. Hồng Thỏ ngần ngừ một chút, hằn học giậm chân mấy cái rồi cũng lật đật đi theo Noãn Thỏ.
Hán tử trung niên từ từ quay lại Triệu Tử Nguyên chạm mặt hắn, phát giác ra mặt xám như tro tàn, trơ như gỗ. Hiển nhiên hắn mang mặt nạ.
Triệu Tử Nguyên cười nhạt nói :
– Địch Nhất Phi! Địch Nhất Phi! Tuy các hạ ăn mặc y phục của người Hán và đeo mặt nạ, nhưng thanh âm của các hạ khác hẳn người thường thì còn bưng mắt tại hạ làm sao được?
Hán tử nọ nhìn Triệu Tử Nguyên một lúc rồi nói :
– Tiểu ca kiếm thuật thông thần, khiến ta rất khâm phục.
Triệu Tử Nguyên đáp :
– Các hạ quá khen mà thôi.
Hán tử khôi ngô lấy trong túi ra hai thoi bạc nghiêng đầu nói :
– Này chưởng quỹ! Hai chục lạng bạc đây và cả năm trăm lạng của hai tên Thát Đát để lại đều dùng vào việc chuộc bảo kiếm của ta được không?
Chưởng quỹ từ dưới gầm quầy bò ra đứng dậy, nhìn hán tử trung niên từ đầu xuống chân hồi lâu ấp ứng đáp :
– Nhưng quí khách… dường như… dường như không phải là người… đem kiếm đến đây cầm vào tháng trước…
Hán tử trung niên đảo cặp mắt hung dữ nhìn chưởng quỹ. Chưởng quỹ run lên không nói được nữa.
Hán tử trung niên lạnh lùng hỏi :
– Chưởng quỹ hoa mắt rồi. Ta không phải là chủ nhân của thanh kiếm thì ai mới là chủ nhân?
Chưởng quỹ không dám đụng vào thị tuyến của đối phương nữa miệng lắp bắp :
– Dạ dạ! Vừa rồi tiểu lão không trông rõ… thanh kiếm này quả là của quí khách. Nhưng bảo kiếm hiện ở trong tay tiểu khách quan. Xin quí khách tự tiện cầm lấy.
Hán tử trung niên quay lại nhìn Triệu Tử Nguyên :
– Tiểu ca tính sao đây?
Triệu Tử Nguyên sinh lòng nghi hoặc nhưng không lộ ra ngoài mặt. Chàng đáp :
– Bảo kiếm đó của các hạ thì nên trả về cho các hạ.
Chàng liền đưa bảo kiếm cho hán tử trung niên. Hán tử cả mừng nói :
– Tiểu ca quả là người mau lẹ. Nếu thanh kiếm này không có mối quan hệ trọng đại thì ta đã tặng cho tiểu ca rồi…
Triệu Tử Nguyên chau mày hỏi :
– Các hạ biết rõ lai lịch thanh kiếm này ư?
Hán tử trung niên đáp :
– Theo chỗ ta biết thì thanh kiếm này tên gọi là “Thanh Tê” do một tay thợ khéo về tiền triều đúc nên. Quả là thanh thần kiếm chém bể ngọc tan vàng.
Nguyên trước do Trung Châu Nhất Kiếm Kiều Như San cất giữ. Kiều Như San chết rồi liền bị thất lạc. Sau ta ở thành Bắc Kinh vô tình mua được.
Hắn nói mấy câu sau ra chiều miễn cưỡng. Triệu Tử Nguyên làm gì chẳng biết hắn dối trá nhưng chỉ cười thầm chứ không nói ra.
Hán tử trung niên lại nói tiếp :
– Trên chốn giang hồ còn đồn đại cây Thanh Tê thần kiếm này là vật bất tường. Ai giữ nó đều bị chết đột ngột. Cả cố chủ nhân là Kiều Như San cũng vậy.
Hắn bị Chức Nghiệp Kiếm Thủ đâm chết dưới thuyền trong Thúy Hồ. Vì thế mà ta không muốn tặng cho tiểu ca.
Triệu Tử Nguyên khác nào bị trọng vật đánh vào người. Chàng chấn động tâm thần. Trong lúc đầu óc chàng luẩn quẩn mấy tên “Kiều Như San”, “Tạ Kim Ấn” nên những câu nói sau không lọt vào tai chàng.
Hán tử trung niên không để ý đến Triệu Tử Nguyên biến đổi sắc mặt. Hắn ngỏ lời từ biệt rồi cầm bảo kiếm rảo bước ra đi. Hán tử vừa ra khỏi cửa trên môi lộ ra một nụ cười thần bí.
Triệu Tử Nguyên gọi :
– Chưởng quỹ!
Chàng quay đầu nhìn lại mới phát giác ra lão chưởng quỹ không còn vẻ gì là già lụ khụ nữa.
Dường như lão cảnh giác, vội còng lưng khôi phục lại thái độ lụ khụ. Hắn lẳng lặng một chút rồi bảo :
– Khách quan có điều chi dạy bảo?
Triệu Tử Nguyên giả vờ như không có chuyện gì đáp :
– Tại hạ cũng đi thôi.
Đoạn chàng trở gót rảo bước dời khỏi tiệm thợ rèn. Chàng tự hỏi :
– “Lão chủ tiệm này là nhân vật thế nào? Nếu lão không vô tình để lộ sơ hở thì ta cũng bị bưng mắt…”
Chàng lại nghĩ thầm :
– “Hán tử trung niên kia đúng là Địch Nhất Phi không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng lão chưởng quỹ là ai? Tại sao lão phải làm bộ như vậy?”
Chàng nghĩ đến vỡ óc cũng không tìm ra được đáp án, đành tạm thời gác lại, rẽ qua đường ngang tiến vào một tửu lâu ở phía đối diện. Tửu lâu này không rộng mấy, chỉ kê được năm, sáu cái bàn vuông nhỏ. Triệu Tử Nguyên vào ngồi xuống bên bàn ở góc nhà, kêu tiểu nhị lấy rượu.
Tiểu nhị bưng rượu thịt vào. Rèm cửa vén lên, lại ba người nữa đến. Triệu Tử Nguyên ngoảnh đầu trông ra thấy người đi trước là một lão già lối năm mươi tuổi. Hai hàng lông mày đi chênh chếch lên. Đường đường mặt vuông chữ “Quốc” oai phong lẫm liệt, phong độ rất cao ngạo. Y phục lão này bất quá là tấm trường bào thông thường, nhưng đầy vẻ lịch sự, dù là người mặc áo gấm, khí phách cũng không thể bì kịp.
Triệu Tử Nguyên vừa trông qua một cái đã nhận ra lão không phải là nhân vật tầm thường. Lòng chàng không khỏi xúc động tự hỏi :
– “Nhân vật này thân phận cực cao, oai vệ hơn đời, sao lại vào tửu điếm này để uống rượu?”
Phía sau lão già là hai tráng hán, thái độ rất kính cẩn. Triệu Tử Nguyên thấy thái độ của hai hán tử càng cho là mình đoán trúng.
Ba người vào ghế ngồi. Điếm tiểu nhị lại nghinh tiếp. Hán tử mé hữu cầm thực đơn chấm luôn mười mấy món ăn và đều là những món trân quí sang trọng.
Bỗng lão già xua tay cản lại khẽ nói :
– Năm ngoái trời làm đại hạn. Đất Quan Đông mất mùa. Trăm họ sống trong cảnh nghèo khổ mà chúng ta xa xỉ thế này không tiện.
Hán tử dạ một tiếng rồi bớt đi chỉ mấy món thường.
Lão già mỉm cười nói :
– Gọi thêm một hồ rượu cũng được, uống một chút cho ấm bụng, nhưng không nên uống nhiều để lỡ việc.
Hai tên trang hán lại dạ một tiếng.
Điếm tiểu nhị chờ bọn này ăn uống xong rồi vội thu dọn đi.
Hán tử mé hữu hạ thấp giọng xuống nói :
– Sáng hôm nay Trương thái thú ở Hàng Dương báo tin mấy bữa rày trên đường nhộn nhạo lắm, bọn đạo tặc là chưa đáng kể, theo tin mật báo thì Thổ Man Khả Hàn phái mấy tên Thát Đát võ công cao cường, mưu đồ bất lợi cho Thủ phụ.
Nếu tin mật báo đúng sự thực thì Thủ phụ cần phải để ý đề phòng.
Lão già hắng đặng một tiếng chứ không nói gì.
Tráng hán lại nói tiếp :
– Chuyến này Thủ phụ đi hành quân đến biên ải, may mà dọc đường chưa xảy ra chuyện gì, song mấy cao thủ ngoài quan ải mà biết hành tung Thủ phụ thì nguy hiểm vô cùng. Theo ý tiểu tướng chi bằng chúng ta quay về, theo đường Hoa Âm trở lại Kinh sư nên chăng?
Lão già lạnh lùng hỏi :
– Trác Thanh! Ngươi là mãnh tướng của triều đình mà sao nhát thế?
Tráng hán bẽn lẽn đáp :
– Cái mạng của tiểu tướng chẳng có gì đáng tiếc, nhưng tấm thân của Thủ phụ quan hệ đến sự yên nguy của quốc gia…