Bà Tuppy tỉnh giấc từ lúc 5 giờ sáng. Tới 6 giờ sáng, bà đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi chờ Antony và Rose bước vào. Nếu còn khoẻ, bà đã dậy thay đồ, xuống lầu, chân bước nhẹ trong căn nhà còn chìm trong giấc ngủ yên, lặng lẽ làm những công việc hàng ngày, mà thiếu chúng bà không sao thoải mái được. Bà sẽ mở cửa chính cho bọn chó chạy loăng quăng ra ngoài rồi vào trong nhà bếp đặt ấm nước lên chuẩn bị pha trà. Sau đó, bà Tuppy quay lên lầu mở lò sưởi điện trong hai căn phòng đã được chuẩn bị sẵn, kiểm tra xem mọi chuyện đâu đó đã sẵn sàng chưa. Xem dra trải giường có sạch sẽ và được thu xếp ngăn nắp hay chưa. Kiểm tra trong tủ quần áo đã đủ móc áo cho hai người trẻ tuổi hay chưa. Kiểm tra các ngăn kéo trong phòng ngủ có đầy đủ giấy vệ sinh loại thượng hạng hay chưa. Nếu còn khoẻ, bà sẽ lại xuống lầu nhốt chó lại, cho chúng ăn vài cái bánh biscuits. Sau đó là kéo màn cửa ra đón chào những ánh sáng đầu tiên của một ngày mới, chất thêm củi vào lò sưởi dưới tiền sảnh và chỉ như thế bà mới yên tâm rằng tất cả đã sẵn sàng nồng nhiệt chào đón những vị khách sắp đến. Nhưng giờ bà đã già và ốm đau, phải nằm bẹp trên giường trong lúc những người khác vui vẻ thực hiện phần công việc tốt đẹp ấy. Bực tức và chán nản gặm nhấm sức khoẻ bà, nếu không vì thế, bà đã ngồi đậy, ăn bận thật đẹp, mặc cho Isobel, y tá McLeod và bác sĩ Hugh Kely nói gì thì nói. Tuy nhiên, đằng sau sự hờn giận đó là một nỗi sợ hãi thực sự. Bà không muốn Antony trở về nhà lại thấy bà nội mình nằm sõng soài dưới chân cầu thang bởi vì phải làm những việc quá sức. Bà Tuppy thở dài, thấu hiểu câu lực bất tòng tâm. Bà ăn bánh biscuits trong một chiếc hộp thiếc luôn luôn để bên giường, uống trà pha sẵn trong cái phích nhỏ mà mỗi tối bà y tá thường chuẩn bị sẵn cho người bệnh. Bà Tuppy ráng nằm trên giường học chữ nhẫn, bởi người ốm luôn có một bạn đồng hành là sự buồn chán. Lúc này, bà Tuppy thấy mừng vì trước đây chưa khi nào bà phải lâm vào tình trạng khổ sở như thế này.
Bây giờ, trong nhà bắt đầu lục đục. Bà nghe thấy tiếng Isobel ra khỏi phòng, xuống phía dưới, nghe tiếng động của lũ chó và nghe tiếng cửa trước kẹt mở. Kế đến là tiếng lanh canh của then cửa và tiếng khoá xoay trong ổ, một cái khoá to tướng nơi cổng trước. Rõ ràng bà bếp Watty cũng thức dậy và đang cùng Isobel lúi húi trong nhà bếp. Lát sau, mùi hương của bữa sáng từ từ lan toả trong không khí len lỏi lên trên lầu. Rồi tiếng Jason vào phòng tắm, tới tiếng gọi véo von của nó vang khắp nhà:
– Bà trẻ Isobel ơi.
– Ơi.
– Chú Antony và thím Rose đến chưa vậy?
– Chưa, nhưng sắp đến rồi đây.
Bà Tuppy nhìn ra cửa phòng. Có tiếng nắm cửa xoay xoay, rồi cửa mở ra chầm chậm.
– Tôi dậy rồi đây mà.
Bà thông báo. Lập tức cái đầu tóc vàng hoe của thằng Jason ló qua khe cửa.
– Họ vẫn chưa đến nữa, bà ạ.
– Có khi cháu đang thay đồ thì chú thím ấy về rồi đấy.
– Bà ngủ ngon không ạ?
– Chưa bao giờ bà ngủ ngon đến thế. Cháu thì sao? – Bà Tuppy nói dối
– À, ít nhất thì cháu cũng cho rằng mình ngủ ngon bà ạ. Cháu không thấy cái áo thun mặc ở nhà đâu cả, bà ơi. Bà thấy không ạ?
– Chắc đang phơi trên dây mất rồi.
– À, thôi được, để cháu đi tìm.
Thằng bé cứ để cửa mở như vây. Sự kiện thứ hai diễn ra trong cặp mắt chăm chú của bà Tuppy là con chó già Sukey thủng thỉnh bước vào. Sau khi đã chạy lông nhông khắp vườn, con chó già lẩn ngay lên trên lầu. Ả chó ấy cứ lắc lư đi ngang qua nền nhà, nhảy qua đồ đạc rồi leo thẳng lên giường bà Tuppy. Chẳng khó khăn gì, nó tìm được chỗ quen thuộc và rúc ngay vào chiếc chăn lông vịt của bà chủ. Bà Tuppy quát: – Sukey.
Nhưng ả cẩu già kia vẫn lờ tịt đi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Ả ta giương cặp mắt lạnh lùng đầy vẻ bất cần đời lên nhìn bà Tuppy rồi sau đó nằm lim dim ngủ. Người khách kế tiếp là bà y tá. Bà vào vén màn cửa lên, mở cửa sổ, mở lò sưởi làm đồ đạc trong phòng bà Tuppy rung chuyển lên dưới bước chân thình thịch của bà McLeod.
– Cả nhà phải sửa soạn cho bà chuẩn bị đón cháu đích tôn và cô cháu dâu tương lai đấy.
Mắt bà y tá sáng lên lúc nói những lời ấy. Bà lôi đống chăn gối ra để tìm chiếc túi chườm trong giường bà Tuppy, hỏi bà muốn ăn sáng chưa. Bà Watty đang chiên thịt muối. Bà ấy bảo: cứ mỗi khi về đến nhà là Antony lại lùng sục thịt muối trong bữa điểm tâm. Bà có muốn tôi mang món ấy lên cho bà không?
Bà Tuppy bảo: bà đã đói lắm rồi, không muốn chờ thêm phút nào nữa thì chợt có tiếng xe của Antony rồ máy ngay trên con đường trước cửa nhà, băng qua hai cánh cổng mở rộng, nhún nhẩy ổ gà trên đường dành cho xe hơi. Bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm mai vỡ ra bởi hai hồi còi xe của nó. Tiếng thắng gấp rồi đến tiếng những viên sỏi bay tung toé. Đối với bà Tuppy, thằng bé lúc nào cũng lái xe quá nhanh. Thế là bắt đầu một toán những con quỷ sứ bắt đầu nhảy chồm lên sủa inh ỏi. Rồi đến tiếng bước chân đi dọc hành lang và băng qua tiền sảnh, cửa mở rộng. Những tiếng chào hởi vui vẻ nô nức vang trong căn nhà vắng.
– Ồ, con đã về rồi đấy ư, khoẻ không con?
Thằng Jason la lớn: – Thưa chú Antony mới về. Đi đường vui không chú? Chú có mua cho cháu cung tên không ạ?
Tuppy nghe tiếng Antony hỏi: – Bà nội sao rồi?
Tình yêu thương thằng bé tràn ngập trong tim bà.
– Bà dậy rồi đấy ạ.
Tiếng Jason mách: – Bà đang chờ chú đấy.
Bà Tuppy ngồi thẳng người lên chờ đợi. Ngay lập tức, thằng bé ào vào, sau khi nhẩy hai bậc thang một lúc.
– Bà nội.
– Bà đây.
Thằng cháu đích tôn ào vào phòng bà, đứng đó cười toe toét:
– Cháu chào bà ạ.
Antony mặc chiếc áo len hiệu Bedford. Bên ngoài là áo da thường mặc khi lái xe. Khi thằng bé đến bên hôn bà, bà Tuppy thấy ngay cái cằm râu mọc lún phún qua một đêm mất ngủ đang cọ vào má bà. Người thằng bé lạnh ngắt, tóc thì dài thườn thượt. Cho đến lúc này, bà Tuppy không thể nào tin nổi đứa cháu yêu quý hiện đang đứng trước mặt bà. Cả hai ôm choàng lấy nhau. Lát sau, thằng bé buông tay.
– Trông bà tuyệt lắm, đẹp lão quá trời à.
– Thì bà có sao đâu. Cháu đến trễ hơn mọi khi đấy. Lái xe mệt lắm phải không cháu?
– Không, chẳng có gì mệt đâu ạ. Nhưng vì đến nơi, tụi cháu dừng ở quán cô Sandy ở Tarbole để ăn điểm tâm ấy mà. Chúng cháu đã ních đầy một bụng giò với trà nóng rồi bà ạ.
– Rose có đi với cháu không?
– Có, đang ở dưới ấy. Bà muốn gặp cô ấy không?
– Tất nhiên là muốn chứ. Mang con bé lên đây ngay.
Antony ra khởi phòng, bà nghe giọng nó ồ ồ gọi xuống phía dưới.
– Rose.
Không có tiếng trả lời. Lần này Antony gọi lớn hơn:
– Rose ơi! Em lên đây đi, bà nội muốn gặp em nè.
Bà Tuppy ngóng ra cửa khi Antony quay trở vào, thằng bé đã dắt theo Rose bước đến. Bà Tuppy nghĩ đôi trẻ hình như hơi bẽn lẽn, ngượng ngập. Vẻ ngượng ngập ấy mới đáng yêu làm sao. Đây cũng là một nét tinh tế trong cái cách của thằng Antony trình làng cô bạn gái thân thương của nó. Bà nhìn Rose và đã nhớ ra, mặc dù đã 5 năm trôi qua, con bé cũng không còn 17 mà bà cũng không còn 72 tuổi như cái hồi hè năm ấy. Thời gian đã biến đổi một con bé dễ thương nhưng thỉnh thoảng hay sưng sỉa khiến người ta chú ý. Lúc này, nước da con bé rám nắng, khoẻ mạnh, cặp mắt trong sáng và mái tóc nâu óng ả. Đặc biệt là đôi mắt nâu sẫm của Rose, sao bà Tuppy có thể quên đôi mắt ấy, sâu sắc, đằm thắm đến thế nhỉ. Cháu dâu tương lai của bà mặc một bộ quần áo bình thường giống như bọn trẻ ngày nay hay mặc. Chiếc quần jeans bạc phếch, áo len cổ lọ, áo gió màu xanh nhạt, lớp lót của chiếc áo gió ấy óng ánh lên một màu bàng bạc lạ mắt. Rose bẽn lẽn nói:
– Chắc là cháu ăn mặc không được gọn gàng lắm ạ.
– Ôi cháu yêu, làm sao có thể gọn gàng chỉnh tề sau một chuyến đi dài suốt đêm được chứ. Hơn nữa, trông cháu ăn mặc như vậy trông thật rất dễ thương. Nào đến đây hôn bà đi nào.
Rose đi ngang qua phòng, dừng lại hôn bà Tuppy. Mái tóc sẫm mầu của cô chạm vào má bà, gò má mịn màng của Rose gợi cho bà Tuppy nhớ đến hai trái táo mịn màng vừa mới hái ở trên cây xuống.
– Bà cứ tưởng chẳng bao giờ còn được gặp cháu nữa.
Rose ngồi bên thành giường:
– Cháu rất lấy làm tiếc ạ.
– Cháu đã ở Mỹ ư?
– Vâng.
– Mẹ cháu khoẻ không?
– Khoẻ lắm bà ạ.
– Bố cháu thì sao?
– Ông cũng khoẻ, chúng cháu vừa đi chơi dài ngày về đấy bà ạ.
Chợt nhìn thấy Sukey, cô bé reo lên:
– Coi kìa! Chó cưng của bà đấy ư?
– Chết rồi Rose, cháu không nhớ Sukey à? Con chó này vẫn thường đi chơi với ta và gia đình nhà cháu hồi đó mà.
– À, chắc bởi vì nó già nhanh quá cho nên cháu không nhận ra đấy ạ.
– Trời, nó có già gì đâu, mới được có 10 tuổi à. Đời một con chó tới những 70 năm cơ mà. Mà cho dẫu nó có sống tới năm thứ 70 thì nó cũng còn trẻ hơn ta. Mặc dù trong miệng ta có nhiều răng hơn nó, nhưng Sukey còn khôn và đâu có ốm đau triền miên như bà già này. A, lúc nãy cháu nói hai đứa đã ăn sáng rồi phải không?
Antony đáp: – Vâng ạ, chúng cháu ăn ở Tarbole.
– Tụi bay kỳ quá đi. Bà bếp Watty đã chiên thịt nướng chỉ để chờ các cháu về thôi đó. Không ăn thì cũng ngồi vào bàn, ít nhất cũng phải uống một ly cà phê trong bữa điểm tâm sáng với tất cả mọi người chứ.
Bà mỉm cười đôn hậu với Rose. Ánh mắt hoan hỷ ngắm nhìn cô cháu dâu tương lai. Trong lòng bà Tuppy thích mê đi, bởi bà nghĩ thế nào con bé cũng sẽ cưới Antony và ở lại Fernrigg, thế thì tuyệt vời biết mấy. Bà bảo:
– Cho ta xem nhẫn đính hôn của hai đứa nào.
Rose cho bà xem những viên kim cương và đá quý lóng lánh trên ngón tay mảnh mai rám nắng của cô.
– Ồ, đẹp quá. Tuy nhiên bà cũng đoán ra nhẫn đính hôn của các cháu rất tuyệt vời bởi Antony rất có óc thẩm mỹ đấy.
Rose mỉm cười, nụ cười thật thà và rạng rỡ. Bà Tuppy rất yêu quý những người có nụ cười ấy, hàm răng con bé trắng đều như hạt bắp. Hai chiếc răng cửa hơi quặp vào phía trong một chút làm cho Rose có vẻ trẻ và ngây thơ hơn.
– Các cháu có thể ở lại bao lâu?- Bà Tuppy hỏi, không chịu nổi ý tưởng bọn chúng sẽ lại bỏ đi một lần nữa và không bao giờ quay trở lại.
– Tới tối ngày mai ạ. Tụi cháu đều có việc phải quay về ngay.- Antony đỡ lời.
– Hai ngày thôi ư? Ngắn ngủi quá.- Bà vỗ nhẹ vào tay Rose – Đừng buồn, thế cũng đủ chung vui với gia đình rồi. Tối mai nhà ta sẽ tổ chức một bữa tiệc, cũng mời thêm một hai người gì đó thôi. Trong một dịp đặc biệt ấy mà.
Bà Tuppy nói nhanh, ngăn lời Antony – Không, đừng có phản đối gì vội, bà Isobel và cô y tá đã suốt ngày phản đối ta rồi. Con có biết bọn họ đã thuê y tá đến chăm sóc ta chưa? Bà McLeod đến từ hạt Fort William đấy! – Bà Tuppy hạ giọng thì thầm – Mặt bà ấy dài như mặt ngựa ấy.
Rose cười khúc khích.
– Bà ta cũng không được giỏi giang gì cho lắm nhưng ít nhất cũng đỡ chân đỡ tay được cho Isobel. Tất nhiên ta không đến dự tiệc đâu, ta sẽ ngồi đây chờ người ta bưng bữa tối lên, nghe mọi người phía dưới vui vẻ trò chuyện cũng được rồi. – Bà quay sang Rose – Ta cũng đã mời Anna và Brian, cháu nhất định phải nhớ họ, đúng không nào?
– Tất nhiên là nhớ rồi.
– Ta chắc cháu rất mừng nếu lại được gặp họ đấy.
Rose đáp: – Ước sao bà cũng đi dự tiệc cùng chúng cháu.
– Ôi, cháu quan tâm đến bà làm bà vui quá, nhưng nếu bà ở trên giường nghỉ ngơi lâu hơn nữa thì có thể đến lễ cưới của hai cháu, ta có thể tự mình đi dự được và đó mới là điều quan trọng chứ.
Bà cười với họ. Mắt hết nhìn sang cháu trai lại nhìn sang cháu dâu tương lai. Họ nhìn bà bằng hai cặp mắt buồn sâu thẳm. Tuppy nhận thấy đôi mắt đen của Rose tối sầm vì mệt mỏi. Bà hỏi:
– Rose, cháu không ngủ được à?
Rose lắc đầu: – Cháu không sao ngủ được, bà ạ
– Ôi, tội nghiệp cháu yêu của bà, chắc cháu mệt lắm.
– Vâng, cháu hơi mệt ạ. Cũng nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Lúc này cháu buồn ngủ lắm ạ.
– Hay đi nghỉ đi cháu. Cứ ngủ thẳng một giấc cho đến bữa trưa, có lẽ cháu sẽ thấy đỡ mệt hơn. Chắc Antony cũng…
Antony nói nhanh:- Cháu không sao đâu bà ạ. Chút nữa cháu chợp mắt một tí là khoẻ ngay ấy mà.
– Nhưng Rose thì phải đi ngủ. Bà Watty sẽ mang nước nóng vào trong phòng cho cháu, sau đó, cháu nên đi tắm một cái cho khoẻ đi. Cháu thích vậy phải không hả Rose?
– Vâng, cháu thấy thế thoải mái lắm ạ.
– Nếu thế thì làm ngay đi thôi. Giờ xuống dưới ăn qua miếng thịt nướng cho bà Watty khỏi phật ý, rồi bảo với y tá là ta đã sẵn sàng ăn sáng rồi đây. À, còn nữa. – Bà nói thêm khi họ bắt đầu ra khỏi cửa: – Cám ơn các cháu, cám ơn cả hai cháu rất nhiều vì đã đến thăm ta.
Thức dậy, Flora thấy mọi sự đều lạ lẫm, giường lạ, mặc dù rất êm ái và đẹp mê hồn. Trần nhà cũng lạ lẫm và những tấm màn cửa màu hồng sậm mới xa lạ làm sao. Phải mất một lát tự định thần, Flora chống tay lên lớp dra trải giường nhìn đồng hồ. 11 giờ trưa. Cô đã ngủ 5 tiếng đồng hồ và cô đang ở Fernrigg Houre, huyện Arisaig, tỉnh Argyll, nước Scotland, cô là Flora, nhưng lúc này cô là Rose, đã đính hôn và chuẩn bị làm lễ cưới với Antony Armstrong. Cô đã gặp mọi người trong nhà: Isobel, cậu bé Jason, bà Watty, một thiếu phụ to lớn cơ bắp và ông Watty, chồng bà ta bước nặng trịch vào nhà bếp trong lúc họ đang uống cà phê và hỏi hoài về món rau trộn đã chuẩn bị xong chưa. Mọi người hầu như đều rất mừng vì được gặp Rose và thực ra không phải hoàn toàn là họ mừng như thế vì Antony đâu. Suốt ngày hôm đó, người ta ngồi hồi tưởng lại những chuyện cũ khi mẹ con Rose đến đây nghỉ mát. Bà Watty hỏi:
– Bà Schuster có khoẻ không? Ta nhớ mùa hè ấy, mẹ cô thường đi bộ đến vườn nhà vào buổi sáng, ăn trứng tươi, ông Watty thường tặng bà một cây xà lách. Bởi bà bảo một ngày mà bà không ăn rau tươi thì bà không sao chịu nổi.
Isobel thì nhớ một cuộc dạo chơi đặc biệt. Hồi ấy thời tiết ấm áp. Bà Tuppy cứ khăng khăng muốn đi bơi, đã mượn của bà Pamela Schuster một bộ đồ tắm vô cùng thanh lịch. Bà không để cho bất cứ ai thấy bà mặc bộ đồ tắm ấy. Bà bảo như thế trông sẽ quá hở hang, nhưng thực ra trông bà rất đẹp bởi thân hình lúc nào cũng thanh mảnh. Antony chọc ghẹo Isobel:
– Nếu bà Tupy không để cho dì nhìn thấy bà mặc trang phục tắm như thế nào thì làm sao dì biết trông bà rất tuyệt? Vậy là dì nhìn trộm phải không?
– À, dì chỉ muốn chắc là bà không bị mặc áo chật quá rồi loay hoay lại không cởi ra được thôi.
Chỉ có mỗi thằng Jason là phụng phịu, vì chẳng có gì để nhớ.
– Cháu ước sao khi thím đến, cháu cũng có ở đây.
Nó nói với Flora, nhìn chằm chằm vào cô bằng sự ngưỡng mộ không dấu diếm.
– Nhưng cháu lại không ở đây, cháu đang ở nơi khác.
Isobel bảo thằng bé: – Lúc ấy cháu đang ở Beirut, thậm chí nếu cháu có ở đây đi chăng nữa, cháu cũng chẳng nhớ gì nhiều đâu, bởi hồi đó cháu mới có 2 tuổi.
– Cháu vẫn còn nhớ y nguyên mọi chuyện hồi cháu lên hai.
– Ví dụ như thứ gì nào? – Antony hỏi vẻ nghi ngờ.
– Như … như là cái cây thông Noel chẳng hạn – Thằng bé nói, mọi người đều cười thầm nhưng không ai ồ lên khiến thằng bé phải ngượng. Flora nhận thây điểm tế nhị đó và thế là dù cho thằng bé biết thừa là chẳng ai tin nó 100% nhưng nó cũng không bị ai xúc phạm hoặc làm cho phải ngượng chín người. Nó nói thêm:
– Vả lại, cháu nhất định có nhớ thím Rose.
Như thế có nghĩa chuyến về thăm nhà lần này được chào đón nồng nhiệt như vậy, chẳng phải vì Rose chuẩn bị kết hôn với Antony mà vì mẹ con nhà Schuster rõ ràng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của mọi người khi họ đến đây 5 năm về trước. Lúc này, người ta vẫn còn vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm ấy và khiến cho mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn. Flora nhìn đồng hồ đeo tay một lần nữa, 11 giờ 05 rồi. Cô tỉnh ngủ hẳn, nhảy ra khỏi giường, bước tới cửa sổ, kéo rèm cửa, phóng tầm mắt băng qua khu vườn ra tới tận bờ biển. Mưa đã ngưng và sương đã tan. Lúc trước quần đảo ở phía xa xa chỉ là một đường mờ ảo, bây giờ đã bắt đầu thấy rõ. Thuỷ triều xuống để lộ một cầu tàu nhỏ và một bãi biển óng ánh cát vàng thoai thoải dốc. Vườn cũng thoai thoải hướng về phía ấy, nằm gọn sang một bên là sân tennis, phía dưới lá của những bụi cây chuyển sang màu đỏ, và những quả thanh long trà trĩu cành ngay phía dưới. Flora đóng cửa sổ lại, quay ra tìm nhà tắm và rồi cô thấy một cái bồn tắm cổ lỗ sĩ, kiểu từ thời nữ hoàng Victoria, trông giống như cái quan tài, hai thành cao vút ốp gỗ bóng loáng, phải kiễng chân mới bước được vào trong bồn tắm. Nước rất nóng, vẫn hơi đục vì chưa được lọc kỹ, phần còn lại của phòng tắm được xếp đặt rất ngăn nắp. Xà phòng tắm là loại khử trùng thường thấy ở trong các bệnh viện, những chiếc khăn tắm khổng lồ trắng muốt và rất mềm mại. Trên kệ phòng tắm có một cái bình lớn dán nhãn dầu thơm, mọi thứ đều cổ lỗ và rất xa hoa. Tắm rửa sạch sẽ và mặc đồ chỉnh tề, Flora trải giường, treo quần áo trước khi mạo hiểm ra khỏi phòng mình. Cô bước đến cuối hành lang, tới cầu thang rộng dẫn tới tiền sảnh phía dưới. Tới đó cô ngừng lại nghe ngóng xem có tiếng động nào của ai đang làm việc phía dưới nhưng cô chẳng nghe thấy gì. Cô thấy cánh cửa phòng ngủ của bà Tuppy nhưng lại sợ đánh thức bà trong giấc ngủ trưa, hay vào đúng lúc bác sĩ đang thăm bệnh hoặc làm gián đoạn công việc của bà y tá. Cô bước xuống dưới thấy củi đang cháy âm ỉ trong lò sưởi, Flora rất thích ngửi mùi than bùn. Cho tới lúc đó vẫn không có tiếng động nào, vì không rành đường đi lối lại trong nhà nên mãi Flora mới tìm thấy nhà bếp, cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy bà Watty đang đứng vặt lông một chú chim ra xem.
– Chào Rose, cháu nghỉ ngơi có thoải mái không?
– Dạ có, cám ơn cô.
– Cháu uống cà phê nhé?
– Không ạ, cháu không sao đâu ạ. Không hiểu mọi người đi đâu hết rồi ạ?
-Mọi người đi làm việc của mình hết rồi. Ít nhất thì theo cô được biết là như thế. Y tá đang đợi bác sĩ đến thăm bệnh. Bà Isobel đi tới Tarbole chuẩn bị vài việc cho bữa tiệc tối ngày hôm nay. Antony và Jason đi đến Lochgarry tìm Willie Robertson hỏi xem liệu ông thợ nề ấy có đến sửa chữa mấy cái ổ gà trên con đường dẫn vào nhà hay không. Mỗi lần Antony về nhà là dì Isobel lại nhắc nó phải lấp mấy cái ổ gà ấy đi, nhưng cháu cũng thấy rồi đấy, nó chưa làm gì hết. Lần nào về nhà hình như cũng không đủ thời gian để trò chuyện chơi bời, huống hồ… Nhưng sáng nay nó đồng ý sẽ lo chuyện ấy và hai chú cháu Jason đi khỏi nhà cách đây một giờ đồng hồ rồi, họ sẽ về để kịp bữa trưa.
Bà Watty cầm một con dao to và nhọn như con dao chọc tiết lợn bắt đầu làm gà. Flora cố né không nhìn chiếc đầu gà bị cắt rời.
– Cháu có giúp gì được cô không ạ? Có thể cháu sẽ đi dọn bàn ăn hay làm việc gì đó, gọt khoai tây chẳng hạn.
Bà Watty cười ngất: – Cảm ơn, mọi chuyện đã xong hết rồi, không còn gì khiến cháu phải bận tâm đâu. Sao cháu không ra ngoài đi dạo một chút đi? Mưa tạnh, không khí trong lành không làm hại cháu đâu mà, nên đến Beach House ngó một tí thử xem xem sau ngần ấy năm nó đã thay đổi thế nào.
– Vâng. – Flora đáp.
Quả đó là một ý kiến hay. Nàng sẽ biết thêm về Beach House để nói cho khớp với ý của Rose.
– Nhưng cháu chỉ nhớ đường lờ mờ đến ngôi nhà ấy thôi ạ.
– Ồ, không lạc được đâu mà, cứ đi vòng ra sau nhà, xuôi xuống con đường nhỏ trên bãi cát ấy. Nghe này, cháu nhớ mang theo áo khoác nghe chưa, sớm mà mưa thế thì chưa chắc chiều trời đã sáng sủa và tạnh ráo đâu.
Vâng lời bà, Flora lấy áo khoác ở trong phòng, cô bước xuống lầu, ra khỏi cửa chính. Buổi sáng mát mẻ ướt át mùi lá cây rữa và mùi khói bùn lan toả trong không khí, và trên tất cả là mùi mằn mặn ngoài biển. Cô dừng lại một chút vờ như sửa sang quần áo lại cho chỉnh tề, sau đó rẽ sang tay trái, bước ngang qua con đường trải sỏi ngay trước căn nhà. Flora bước trên bãi cỏ rộng thoai thoải để đến rặng cây đỗ quyên, cuối cùng cô ra khỏi rặng cây đỗ quyên ấy. Flora thấy một bãi đất trồng cây linh sam mới ươm ngay sau rặng cây đỗ quyên, có một đường mòn băng ngang qua khu vườn ươm. Flora đi theo cho tới khi đến một cánh cổng của một khu đất có những bức tường xây bằng đá bao quanh, bên trong cổng, những bụi linh sam mọc lúp xúp, rồi đến những dãy đá tảng, sau đó là một bãi cát trắng trải dài. Cát trắng đến nỗi chưa bao giờ Flora nhìn thấy trên đời lại có thứ cát nào mang màu trắng tinh khôi đến thế. Nàng nhận ra mình đang bước đến bờ biển phía nam và trước mặt là một vũng lớn có nước biển tràn vào. Lúc này đang giờ triều xuống, chỉ có một con kênh nhỏ ngăn cách giữa biển cả và hồ. Phía đằng kia hồ, mặt đất dốc ngược dần lên tạo thành một ngọn đồi nhỏ, cây cối xanh tươi chia ra làm nhiều mảnh, nơi thì là bãi nhốt cừu, nơi thì là những bãi ruộng nhỏ. Có những đống rơm và cỏ khô nằm rải rác. Nhìn thấy một cái trại nhỏ có làn khói xanh toả ra từ ống khói, một con chó xích bên cửa vào và cừu. Dường như ở nơi đây không thể thiếu cừu. Lác đác vài con đang gặm cỏ trên sườn đồi. Flora đi xuống dưới mép nước tìm Beach House. Nàng tìm thấy nó ngay lập tức. Bởi căn nhà này rất đặc biệt, nằm nép mình ngay chỗ đường vòng của vịnh và ngay phía sau ngôi nhà là những cây sồi khẳng khiu. Nàng thấy ngôi nhà có những bậc thang bằng gỗ dẫn ra bãi đá ven bờ biển, bờ bên này của cầu thang là mặt tiền cửa đóng im lìm của căn nhà nhỏ bé ấy. Tường sơn màu trắng, mái lợp tôn màu xanh dương, cửa ra vào lẫn cửa trước sơn màu xanh lá cây. Nàng bắt đầu lên những bậc thang gỗ nọ, nhìn thấy một bậc thềm rêu phong, cạnh đó, một chiếc phao được ai đó lôi lên, một chiếc chậu bằng gỗ đầy những hoa lá đã héo khô còn sót lại của một mùa hè từ những cây phong lữ xung quanh rụng xuống. Nàng quay lại, dựa lưng lên cửa của ngôi nhà nhìn quang cảnh xung quanh. Flora lúc này hệt như một nữ diễn viên đang nhập tâm kịch bản, cố nghĩ xem với cương vị là Rose thì nàng sẽ phải làm gì và Rose
Flora quay mặt lại đối diện với ngôi nhà, bước lùi ra xa nhìn chằm chằm vào nó như muốn biết thêm những thông tin về ngôi nhà này, nhưng mặt tiền đóng cửa im ỉm giống như một khuôn mặt đầy bí ẩn chẳng nói cho nàng biết thêm được thứ gì. Nàng bèn bỏ đi ra phía bờ biển, ngay phía dưới bờ cát trắng, nơi đây, nước trong suốt theo những đợt sóng vỗ vào bờ cát mang theo vỏ sò, vỏ hến. Tích tụ qua nhiều năm tháng, những cái vỏ ấy chưa bị bể vỡ nằm yên bình trong con lạch nhỏ. Nàng bắt đầu nhặt hết vỏ sò này đến vỏ sò khác, ngày càng say sưa hơn với công việc vô thưởng vô phạt.
Thời gian trôi qua lúc nào không hay, vì thế nàng không biết mình đã ở bên bờ biển nhặt vỏ sò như thế được bao lâu rồi. Nhưng đột nhiên Flora thấy mình đang bị theo dõi. Rời mắt khỏi tấm thảm sò sặc sỡ đủ màu dưới chân, nàng ngước lên thấy một chiếc xe hơi đậu bên vệ đường phía bên kia, con đường ấy dẫn xuống bờ hồ. Lúc trước nàng đâu thấy cái xe ấy. Và đứng tựa lưng vào xe, hai tay đút túi quần là một người đàn ông xa lạ đang đứng bất động nhìn nàng. Họ đứng cách nhau có dễ đến 30m. Nhưng ngay khi nhận ra Flora biết sự có mặt của mình, anh ta rút tay ra khỏi túi quần, bước vài bước đến bên bờ biển và bắt đầu thong thả đi ngang qua bãi cát tiến về phía nàng. Ngay lập tức, Flora cảm thấy bất an: ở nơi vắng lặng này chỉ có mỗi nàng và người đàn ông đang đi tới, không kể những con chim hải âu đói khát đang kiếm ăn trên trời và biết bao nhiêu ý tưởng lạ lùng vụt thoáng trong óc nàng. Biết đâu anh ta lạc đường và muốn nàng chỉ đường thì sao? Biết đâu anh ta đang tìm kiếm một nơi đến nghỉ trong mùa hè tới cùng vợ và gia đình, và Beach House đã lọt vào mắt xanh anh ta chẳng hạn. Biết đâu anh ta là một con dê già đang bị thả rông thì đáng sợ vô cùng. Flora thấy tiếc vì mình đã không mang theo một con chó, lúc này nó sẽ hữu ích đối với nàng. Nhưng rồi nàng tự trấn tĩnh, vì biết lo sợ như thế thật xuẩn ngốc. Mặc dù đứng khá xa, Flora cũng bắt đầu nhận ra dáng vẻ đầy tự trọng với những bước đi vững chãi và khoan thai làm cho nàng bình tâm trở lại. Cứ nhìn vóc dáng kia cũng đủ biết anh ta là một công dân ưu tú bởi người này rất cao, vai rộng, chân dài, dáng đi tự tin, khoan thai và kiểu rút ngắn khoảng cách với vẻ nhanh nhẹn có thể thấy anh ta đã được luyện tập nhờ vào thói quen tản bộ hàng ngày. Dựa vào bộ quần áo chỉnh tề của người đàn ông nọ, Flora đoán có lẽ ông ta là một chủ trại hay là chủ đất láng giềng. Nhà ông ta là một ngôi nhà lộng gió tháng Tám ở gần đâu đây là một ý tưởng chợt đến trong óc nàng. Đã tới lúc nên tỏ ra hiểu biết một chút hơn là cứ đứng đó với hai bàn tay đầy những vỏ sò, mắt thì trợn trừng trợn trạo nhìn người lạ. Flora cố nở một nụ cười nhưng người kia không đáp lại nụ cười của nàng, đơn giản là anh ta cứ đi đến gần, xông thẳng vào nàng như thể một người lính xông thẳng đến chiếc xe tăng vô tri vô giác của kẻ thù. Người này khoảng 35 tuổi, khuôn mặt cương nghị, từ mái tóc đến bộ đồ vest, đến áo sơ mi và cà vạt đều không mang một màu sắc nào nổi bật thể hiện tính kín đáo của chủ nhân, chỉ riêng cặp mắt là nổi bật, nó quá sáng và sâu thẳm với màu xanh nước biển mà Flora khi nhìn vào đó ngay lập tức phải dè chừng, nàng đã hoạch định rất nhiều khả năng có thể xảy ra nhưng lại không chuẩn bị để đối đầu với một nỗi đau đớn thẳm sâu thể hiện trong đôi mắt sáng và lạnh lẽo ấy, cuối cùng người kia cũng dừng lại cách nàng có nửa mét. Một cơn gió thổi đến làm bay mái tóc xoã xuống má Flora, nàng nghiêng đầu hất mái tóc ra phía sau, người kia lên tiếng:
– Chào Rose!
Tôi đâu phải Rose.
– Xin chào. -Flora đáp
– Cô đang ôn lại những kỉ niệm xưa đấy ư?
– Vâng, chắc là thế rồi.
– Lần này quay trở lại đây, cô cảm giác thế nào hả?
Giọng của anh ta mang nặng hơi hướng của người miền cao nguyên phía tây. Té ra đây là một người địa phương. Mà anh lại biết Rose.
– Cảm giác của tôi rất tuyệt.
Flora nói, ước sao giọng mình nghe có vẻ quả quyết hơn nữa, người kia đút hai tay vào túi quần.
– Cô biết không, không bao giờ tôi tin nổi cô còn định cả gan quay trở lại nơi này.
– Phải chăng đó là lời chào mừng nồng hậu của anh?
– Rose, tôi biết cô không đến nỗi ngốc. Đừng giả bộ làm như không biết tôi sẽ có thể phản ứng ra sao.
– Việc gì tôi phải giả bộ kia chứ?
Anh ta mỉm cười vì câu nói của nàng, nhưng lời nói tiếp theo lại chẳng có gì là vui vẻ cả.
– Thiết nghĩ cả tôi và cô đâu cần hỏi nhau câu ấy.
Đâu đó tận đáy lòng, cơn giận bùng lên. Flora tái mặt. Nàng không thích bị người ta nói vỗ vào mặt như vậy.
– Anh đi suốt dọc bờ biển dài xuống đây gặp tôi chỉ để nói với tôi những lời như thế thôi sao?
– Không, tôi đến để nói với cô hai điều. Thứ nhất, cô không còn là một cô bé 17 tuổi vô tình. Cô đã đính hôn với Antony và sắp trở thành một phụ nữ đứng đắn, tôi hy vọng điều ấy giúp cô sống tốt hơn, chỉ mong cô ráng học cách cư xử sao cho ra dáng một phụ nữ đã có chồng.
Nếu như nàng có cảm giác sợ hãi, nàng cũng quyết định giấu nó đi. Flora cố lấy giọng trêu cợt, nhí nhảnh trả lời: – Nghe như một lời đe doạ vậy.
– Không, tôi chẳng doạ đâu, chỉ là đóng cửa bảo nhau thôi mà. Một lời cảnh báo của một người bạn. Còn bây giờ, chúc cô một ngày tốt lành. Vỏ sò làm cô thích thú mà, phải không?
Nói đến đây, người kia quay lưng bỏ mặc nàng đứng đó. Cũng đột ngột hệt như khi anh ta bước đến gần nàng vậy. Rõ ràng anh ta chẳng vội vã gì, nhưng đôi chân dài sải những bước đi thật nhanh khiến người ta phải kinh ngạc. Flora đứng chôn chân dưới đất nhìn người kia bước đi xa dần. Chỉ thoáng sau, người đàn ông ấy đã đến bên những tảng đá phía xa, lanh lẹ trèo lên nó, đến bên xe, rồ ga phóng trên con đường tiến về Tarbole. Nàng vẫn đứng đó như người chết đứng, tay vẫn nắm chặt những vỏ sò. Bao nhiêu thắc mắc quay mòng mòng trong đầu óc Flora. Từ những câu hỏi ấy chỉ rút ra được một lời giải đáp có thể chấp nhận được mà thôi. Đó là Rose năm 17 tuổi đã cư xử không phải với anh ta. Ngoài ra nàng không thể nghĩ thêm bất cứ điều gì có thể giải thích được một nỗi oán giận sâu sắc đến thế, một nỗi ghê tởm không thèm che đậy của người lạ. Lập tức nàng quăng mấy vỏ sò đi và bắt đầu quay về chốn yên bình Fernrigg. Lúc đầu đi chậm, sau đó càng đi càng nhanh hơn. Nàng nghĩ mình phải tìm Antony, kể cho anh ta nghe chuyện này và hỏi anh ta làm sao để khỏi mất mặt và cả hai phải đối phó với người đàn ông này cũng như ký ức trước kia như thế nào. Sau đó, nàng chợt hiểu mình chẳng có liên quan gì đến chuyện ấy. Nàng là Flora chứ không phải Rose. Nàng ở đây, tại Fernrigg này chỉ hai ngày thôi. Vào đêm ngày mai, họ sẽ bỏ nơi này đi và biết đâu chẳng bao giờ nàng gặp lại những người ở đây nữa. Anh ta biết Rose, nhưng như thế không có nghĩa anh ta là một người bạn bè thân thiện của gia đình Amstrong. Nếu như anh ta là một người quen biết thì không thể nào bà Tuppy Amstrong khả kính lại có thể mời một người vô lý đến như thế vào nhà bà vì bất cứ lý do gì. Kết luận như vậy, Flora thề sẽ quên ngay chuyện vừa xảy ra, và một người kênh kiệu như Rose thì quan hệ với người đàn ông kia là rất khó có khả năng xảy ra. Cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút, ra khỏi rặng đỗ quyên, nàng thấy Antony và Jason bước ngang qua bãi cỏ về phía nàng, cả hai đang tìm nàng đấy. Hai chú cháu đều mặc loại quần Jeans rẻ tiền và những chiếc áo len rộng thùng thình, giầy vải bata của Jason lủng hai lỗ ngay phía trước mũi và dây giày thì chẳng chịu cột gì cả. Khi nhìn thấy Flora, thằng bé chạy ào đến bên nàng. Chợt nó trượt chân ngã sấp mặt xuống đất, nhưng Jason đứng dậy ngay lập tức và lại tiếp tục cắm đầu chạy. Flora ôm chầm lấy thằng bé khi nó đến được bên nàng. Nàng nhấc bổng nó lên và quay nó một vòng trên không trung. Thằng bé nói với nàng:
– Hai chú cháu đang đi tìm thím đấy. Đến giờ ăn trưa rồi, và chúng mình sẽ được ăn món thịt cừu ngon lắm thím ạ.
– Thím xin lỗi, thím không biết là mình lại về trễ đến thế.
Nhìn qua đầu thằng bé, Flora thấy Antony đứng đó.
– Chào em.- Anh nói và thật không ngờ, Antony cúi xuống hôn nàng.- Em thấy trong người như thế nào?
– Rất khoẻ.
– Bà Watty bảo tụi anh rằng em ra ngoài đi dạo. Em thấy Beach House chưa?
– Rồi ạ.
-Mọi chuyện ổn cả chứ?
Antony không hỏi về Beach House, mà hỏi về cảm giác của nàng, hỏi nàng phải xoay xở ra sao với hoàn cảnh trớ trêu mà anh bắt nàng phải đối mặt. Sự quan tâm lo lắng ấy khiến nàng cảm động. Và bởi không muốn anh phải lo lắng với bất cứ chuyện gì rủi ro có thể xảy ra, nàng mỉm cười bảo rằng:
– Mọi chuyện đều rất tuyệt.
Jason hỏi: – Thím đến Beach House ư?
– Phải.
Họ quay về phía nhà Fernrigg. Jason nắm tay Flora.
– Nhưng cửa khoá rồi, nên thím không nhìn thấy bên trong có những cái gì.
– Cháu biết. Cuối mùa hè bà Watty lại xuống dưới đó khoá cửa lại, nếu không bọn con trai đến từ Tarbole sẽ đập phá đồ đạc trong nhà mất. Có lần ai đó đã đập bể kính ở cửa sổ vào bên trong và ăn trộm một tấm mền đấy.
Giọng thằng bé nghiêm trọng như thể nó đang kể một vụ phạm tội nghiêm trọng hay một vụ giết người.
– Suốt buổi sáng nay cháu làm gì thế? – Flora hỏi thằng bé.
– Tụi cháu đến Lochgarry, gặp Willie Robertson nói chuyện về trám những ổ gà trên lối ra vào. Ông Willie sẽ đến vào một ngày gần đây mang theo những chiếc máy trộn nhựa đường và trám hết ổ gà cho thím coi. Ông ấy bảo tuần sau ông ấy sẽ đến đấy.
Antony không chắc lắm. Biết đâu lại chẳng đến sang năm mới đến thì sao. Đây là miền tây Scotland hẻo lánh và người ở đây có thói quen giờ giấc cao su rất là đặc biệt.
-Và rồi bà Robertson cho cháu mấy cái kẹo bơ cứng. Hai chú cháu đến bên cầu cảng ở Tarbole xem một con tàu của Đan Mạch đang chờ người ta chất cá mòi vào đáy khoang. Cháu còn thấy một con chim hải âu ăn một con cá thu nhỏ chỉ cần một phát đớp mà thôi.
– Phải, chim hải âu lúc nào cũng tham ăn.
– Và chiều nay, chú Antony sẽ tự tay làm cho cháu một bộ cung tên nữa đấy.
Antony nhắc nhở: – Này có lẽ chúng ta cũng nên hỏi xem thím Rose muốn làm gì nữa chứ?
Jason nôn nóng nhìn nàng.
-Thím cũng thích làm cung tên phải không thím?
– Phải, nhưng thím nghĩ làm bộ cung tên ấy chắc cũng phải mất nhiều nhiểu thời gian lắm. Thêm vào đó cũng còn nhiều việc chưa giải quyết xong, đại loại như dạo chơi chẳng hạn. Không hiểu bọn chó có thích được dắt đi dạo không nhỉ.
– Có. Con chó Plummer thì thích, nhưng con Sukey thì lười lắm, nó chỉ thích nằm cuộn tròn trên giường của bà nội Tuppy thôi – Jason đáp.
– Đúng rồi, thím cũng thấy thế. Trông nó lên được giường bà là phởn chí ngay.
– Đó là con chó cưng của bà Tuppy, thím biết không? Chỉ có bà Tuppy mà thôi. Bà quý con chó đấy lắm. Nhưng cháu nghĩ cái hơi thở của con Sukey ấy, nó hôi rình đến khủng khiếp.
Trên bàn ăn đã sẵn sàng đĩa bát cho bữa tiệc buổi tối. Thế nên mọi người ăn trưa trong nhà bếp, ngồi quanh một cái bàn lớn kỳ cọ sạch sẽ, bàn trải khăn carô xanh nước biển và trắng, có trang trí thêm một bình hoa cúc màu vàng. Antony ngồi ở cuối bàn, Jason ngồi bên cạnh anh, rồi đến Isobel, bà y tá McLeod, Flora, bà Watty. Quả là có món thịt cừu hầm thật, có cả món táo nấu kem. Tất cả mọi món ăn đều đơn giản, nóng sốt và nêm rất vừa ăn. Khi họ ăn xong, bà Watty pha cà phê. Mọi người ngồi quanh bàn, bàn bạc xem những công việc trong ngày sẽ được giải quyết ra sao. Isobel nói quả quyết:
– Tôi sẽ làm vườn, chiều nay trời rất đẹp. Và đã nhiều ngày nay rồi, tôi dự định sẽ làm một cái hàng rào cho khu vườn nhà ta.
Antony bảo: – Còn chúng cháu chắc sẽ đi dạo thôi ạ.
– Thế thì nhớ dắt con Plummer đi cùng.
Jason nói thêm vào: – Nhưng chú Antony, chú bảo là…
Antony ngăn lời thằng bé: – Nếu cháu lại nhắc đến bộ cung tên nữa, ta sẽ làm ngay một bộ và sau đó, mũi tên đầu tiên sẽ dành cho cháu xơi đấy, trúng tim đó nhé.
Và anh giả bộ nhắm mũi tên tưởng tượng và hướng Jason và buông tay: – Păng.
Bằng một vẻ cực kỳ đứng đắn, nghiêm chỉnh, Jason bảo: – Không bao giờ chú được bắn bất cứ ai, không bao giờ, không bao giờ được chĩa súng vào ngực người khác, chú nghe chưa?
Antony đáp: – Ôi, thực là một bản cáo trạng khiến người ta phải nhớ mãi. Nhưng…
Anh quay sang Flora: – Tụi mình lên lầu thăm bà Tuppy tí đi.
Nhưng bà y tá McLeod đã xen vào:
– Bà Amstrong tối qua không ngủ được chút nào. Thế nên ngay lúc này, nếu hai người không phiền thì theo tôi đừng nên thăm bà vội. Và tôi sẽ trèo lên lầu ngay, chuẩn bị cho bà ngủ trưa một tí, đừng nên để cho bà phấn khích quá.
Với vẻ ngoan ngoãn dễ bảo. Antony chấp nhận lời đề nghị đó.
– Thôi được, vậy cứ theo ý của bác đi. Đứng về mặt sức khỏe của bà Tuppy thì lúc này bác là sếp của tụi cháu rồi.
Bà y tá đẩy ghế đứng dậy có vẻ hãnh diện như thể mình là người chăm sóc bệnh nhân tuyệt vời nhất trên đời.
– Vậy khi nào tụi cháu có thể đến thăm bà nội được ạ? Trước bữa ăn tối ngày hôm nay được không? Khi tụi cháu đã ăn mặc tề chỉnh chuẩn bị đi dự tiệc ấy.
– Ta sẽ sắp xếp dịp may ấy để bà được gặp tất cả mọi người.
– Thôi được, nói với bà nội là chúng cháu sẽ lên thăm bà vào lúc 7 giờ tối. Và sẽ ăn mặc đẹp không chê vào đâu được.
Bà y tá đáp: – Ta cũng thế. Và bây giờ, nếu tất cả cho phép, tôi phải đi thăm bệnh nhân của mình đây. Cám ơn mọi người về bữa trưa. Và bà Watty ạ, nấu rất ngon đấy.
– Rất mừng vì bà ăn thấy ngon miệng, bà bạn ạ. – Bà Watty đáp, đứng lên vươn cánh tay lực lưỡng rót đầy cà phê vào ly của mọi người. Khi bà y tá đi rồi, Antony ngã người trên đôi tay khoanh trên bàn bảo:
– Bà ấy nói chuyện như thể chúng ta sắp sửa dự một bữa tiệc linh đình có giết gà mổ trâu không bằng. Thực ra thì ai được mời đến dự tối nay thế?
– Anna và Brian, ông bà Crowther và…
– Long trọng gớm nhỉ? – Antony lẩm bẩm, ngay lập tức dì Isobel lườm anh một cái sắc lẻm và nói tiếp, giọng quả quyết:
– Và tất nhiên nếu không có gì bận rộn phải giải quyết một ca đẻ khó hay có ai đó bất chợt lên cơn đau ruột thừa hoặc những trường hợp khẩn cấp khác thì người khách kế tiếp của gia đình là Hugh Kyle.
– Giờ thì tuyệt hơn rồi. Cuộc trò chuyện tối nay sẽ rôm rả lắm đây.
– Này, đừng có tự tin quá đấy nhé!
Dì Isobel cảnh cáo Antony. Bà Watty quan sát hồi lâu cũng lên tiếng
– Ôi, thằng bé này mồm miệng sao địch nổi ông Crowther chứ. Ông Crowther luôn nhanh trí và giỏi ứng đối lắm đấy.
Flora hỏi: – Ông Crowther là ai thế ạ?
– Là một mục sư Thanh giáo khả kính.
Antony bảo nàng nhưng bắt chước cái giọng nằng nặng của người dân cao nguyên giống hệt như giọng của bà Watty. Thằng Jason lại nói leo.
– Còn bà Crowther thì dạy giáo lý vào mỗi Chủ nhật ở trường dòng. Và thím không biết đấy thôi, răng bà ấy to lắm.
Isobel bảo: – Jason.
Nhưng Antony đỡ lời: – Thấy không, nếu thế thì bà ấy ăn thịt cháu rất dễ dàng lắm đấy. Cháu cũng vào dự tiệc chứ hả Jason?
Jason đáp: – Không, cháu chẳng muốn đi. Cháu muốn ăn tối ở đây với bà Watty và bà Isobel sẽ mang đến cho cháu một chai Coca Cola.
– Nếu như cuộc trò chuyện trong phòng ăn quá khó nghe thì ta sẽ vào đây nhập bọn với cháu – Antony bảo.
Một lần nữa, dì Isobel lại quát: – Antony!
Nhưng Flora biết ngay là dì Isobel thừa hiểu Antony chỉ nói đùa thôi. Có lẽ từ trước tới nay, anh ta luôn chọc ghẹo dì. Đó cũng là một trong những lý do khi Antony đi rồi, dì luôn nhớ tới anh và mong chờ anh trở về thăm nhà. Làm một bộ cung tên cũng không mất nhiều thời gian. Con dao nhíp của Antony và một sợi dây dài đủ để làm dây cung. Sau đó, họ đã tìm được một cành cây cứng, nhọn và thẳng để đẽo cung tên. Chắc chắn bàn tay có hoa tay ở cả mười ngón như Antony đã làm cái công việc này rất nhiều lần rồi. Thế nhưng anh vẫn chưa hài lòng với tài nghệ của mình. Trước khi hoàn tất bộ cung tên, Antony đã tự cho phép mình tuôn ra hàng tràng những lời nói khó nghe và những tiếng nước ngoài, câu người ta thường chửi khi có ai đó chửi tục trên miệng. Sau đó anh dùng viên phấn nhỏ vẽ một cái bia lên thân cây và Jason cố hết sức bình sinh căng những thớ cơ hiếm hoi trên cơ thể còm cõi của nó để phóng vút những mũi tên đi. Lúc đầu, nó toàn bắn trượt nhưng về sau càng lúc càng nhắm trúng vòng 10 hơn. Tuy nhiên, những mũi tên thường không bay thẳng hướng.
– Phải gắn thêm những cái lông chim thì mũi tên mới bay tốt – Antony bảo Jason.
– Nhưng cháu biết gắn lông vào mũi tên như thế nào đây?
– Mai chú sẽ chỉ cho. Ngồi làm cung tên suốt từ nãy đến giờ chú đã mỏi lắm rồi.
– Nhưng cháu muốn chú chỉ cho cháu xem ngay bây giờ cơ.
– Không, bây giờ chúng ta sẽ đi dạo, đưa cả Plummer đi nữa. Cháu có muốn đi dạo không nào?
– Có ạ.
– Nếu vậy thì đem cung tên cất đi rồi mình đi thôi.
Jason lượm lặt số của cải vừa được sở hữu quay vào trong nhà, xếp gọn ghẽ bộ cung tên kia vào đằng sau cánh cửa chính cạnh bộ đồ chơi bóng chày và một đống ghế xếp lỏng chỏng. Antony đến chỗ Flora và Plummer đang kiên nhẫn ngồi đợi trên bãi cỏ. Cả cô và con chó cưng đều chờ xem khi nào cuộc tập bắn của dũng sĩ trẻ tuổi kia kết thúc. Antony nói:
– Anh xin lỗi đã làm em phải đợi lâu.
– Không sao. Anh cũng biết đấy, ngồi đây chờ hai chú cháu cũng như hóng mát mùa hè thôi mà. Anh nhìn xem, hôm nay thời tiết chợt đẹp lên như đang ở giữa mùa hè ấm áp vậy.
– Anh biết, năm nào cũng thế và hễ hôm nay trời mà nắng như thế này thì ngày mai sẽ mưa tầm tã cho mà xem.
Jason chạy qua bãi cỏ đến bên họ. Antony chìa tay cho Flora: – Đi nào.
Họ đi dọc theo con đường dành cho xe hơi, băng qua cửa chính lên đường nhựa và leo thẳng lên ngọn đồi vươn lên phía sau ngôi nhà. Họ cũng băng qua những cánh đồng cỏ mọc lởm chởm thường dùng làm bãi chăn thả gia súc. Lát sau, cả bốn băng qua một con đê đầy những dấu chân cừu. Con Plummer chúi mũi xuống đất, tai dựng đứng lên rên hư hử. Con đường dốc trên đồi xuống lúc này càng dốc hơn. Phía đàng kia có một khu trại nhỏ bỏ hoang bên cạnh một cây thanh hương trà ra quả đỏ ối. Ngay đằng trước trại có một lạch nước nhỏ. Nước chảy từ trên đồi xuống, mang theo rác và đất đá nhưng có màu nâu sậm. Mặt đất lầy lội và cây chuối đang trổ hoa trắng lắc lư theo gió. Họ bước ngang qua lạch nước nhỏ kia bằng những hòn đá đã được sắp sẵn vừa những bước chân sải dài đến bên căn nhà có những bức tường đã bị hư hỏng nặng. Và như thế họ đang đứng trên đỉnh đồi rồi. Bốn bên mặt đất thoai thoải và rồi một cảnh đẹp mê hồn khiến người ta phải sửng sốt bất ngờ hiện ra trong tầm mắt họ. Phía nam, sau những ngọn đồi rậm rạp là Arisaig, phía bắc là những lạch nước ngoằn nghèo màu xanh da trời của những vũng hồ rải rác trong đất liền. Dòng nước thay nhau chảy vào những thung lũng nhỏ giữa các quả đồi và phía tây là một cảnh đẹp chưa từng thấy. Họ ngồi xuống, vai sát vai ngây ra nhìn cảnh tượng có một không hai. Bờ biển phía tây lúc này rực rỡ một màu xanh huyền ảo đang lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bầu trời không một gợn mây, trong suốt như pha lê, những hòn đảo nhấp nhô trên sóng nước thoắt ẩn thoắt hiện trong tầm nhìn như thể họ đang ở trong một giấc mơ êm đềm. Flora thì thầm:
– Thử tưởng tượng mình được sống ở đây nhỉ, cứ mỗi ngày được ngắm cảnh đẹp như thế này thì cuộc sống lý thú biết bao.
– Phải, cảnh vẫn ở đó chỉ vì người ta không muốn nhìn đó thôi. Tối ngày người dân ở đây lo lắng vì mưa, mà nếu không lo mưa thì lại lo gió bão làm mất cả mùa cá và giật đổ nhà, cứ như thế họ không bao giờ có thời gian mà chiêm ngưỡng những cảnh đẹp như thế này.
– Thôi, đừng làm người ta mất hứng nữa mà.
Antony trích dẫn vài lời thơ của Louis Stevenson đại ý là “một ngôi nhà cô độc bên một đầm lầy trống trải, đứng run rẩy cạnh đó là một vũng nước nằm bên cửa”, những lời thơ ấy bà Tuppy cho anh nghe và cho cả chính bà khi bà nghĩ cuộc sống ở đây quá hoang dã đến độ một chút văn minh cũng không có. Antony chỉ tay: – Hòn đảo nhỏ kia là Muck, rồi đến Eigg, hòn đảo có những ngọn núi lởm chởm kia là Rhum, bên tay phải là đảo Sleat và kế Sleat là Cuillins.
Nhìn những đỉnh núi xa xa màu bạc lấp lánh trên nền trời xanh ngắt, Flora bảo:
– Trông như núi phủ tuyết phải không?
– Đúng rồi, mùa đông tới sẽ khắt nghiệt lắm đây.
– Thế còn cái hồ kia, cái hồ ở giữa những ngọn núi ấy, cái hồ ấy tên là gì?
– Đó là Loch Fhada. Em biết những cái hồ do nước biển tràn vào khi triều lên ở Beach House rồi chứ gì? Hồ Fhada cũng thế đấy. Dòng nước trong xanh từ hồ sẽ chảy ra biển ngay ở chỗ kia kìa, gần cầu ấy. Nơi đó ẩm ướt và cá hồi sinh sống ở đó rất nhiều.
Chợt giọng anh nhỏ lại. Mải nói chuyện, cả hai đã quên mất Jason, thằng bé đang đứng cạnh họ dỏng tai lên nghe, cặp mắt đầy bối rối. Thằng bé hỏi:
– Chú nói những chuyện ấy làm gì? Nghe chú kể khiến người ta có cảm giác như thể chưa bao giờ thím Rose đến đây cả. Chú nói như thể thím ấy chưa từng đến Fernrigg, như thể thím ấy chưa từng đến đây bao giờ.
Antony lắp bắp: – À phải, nhưng mà…
Flora nói nhanh: – Đúng là thím đã đến đây, nhưng chuyện xảy ra lâu quá rồi, khi ấy thím mới có 17 tuổi, chẳng để tâm học những địa điểm của vùng này, nhưng bây giờ thì thím rất thích được nghe để nhớ tên từng ngọn núi và khu hồ nơi đây.
– Cháu đoán chắc bởi vì thím muốn về đây sống với tụi cháu phải không?
– Không, thím sẽ không sống ở đây đâu.
– Thế nếu thím cưới chú Antony thì sao nào?
– Chú Antony của cháu sống ở Edinburgh kia mà.
– Nhưng thím sẽ đến và ở đây với chúng cháu chứ, với bà nội Tuppy nữa.
Cuối cùng, Flora đành phải nhượng bộ: – Ừ, ừ. Chắc có lẽ thím quyết định như thế đấy.
Họ cùng im lặng một lát, sau đó quay sang đề tài bữa tiệc. Đang trò chuyện rôm rả thì con Plummer đáng lý ra đã phải biết điều hơn lại đột ngột quyết định đuổi theo một con thỏ. Nó cứ thế chạy băng qua dãy linh sam, hai tai vẫy vẫy. Jason chạy theo nó, thằng bé biết con Plummer có đủ sức khỏe để chạy theo con thỏ kia đến tận cùng của trái đất mà không cần biết mọi người. Với hai cẳng chân lều khều như con hươu, thằng Jason chạy theo con chó, giọng lanh lảnh của nó theo gió tản đi trong không trung:
– Plummer, Plummer. Mày hư quá, quay về ngay! Plummer, quay về không thì bảo?
Flora bảo: – Anh em mình nên đến giúp nó một tay.
– Không, thằng bé sẽ bắt kịp con Plummer thôi. Chúng ta đang làm mọi chuyện rối tinh lên rồi phải không? Jason quả là một đứa trẻ thông minh.
– Em cũng quên béng mất sự có mặt của thằng bé.
– Liệu tối nay em có thu xếp ổn thoả được không? Ý anh nói em có thể đối đáp cho khôn ngoan trước những người lạ được không hả?
– Nếu có anh ở sát nhắc vở cho em thì em nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi.
– Lúc ăn trưa, anh chỉ giỡn dì Isobel một tí thôi, em đừng có lo nhé. Những người đến dự bữa tối hôm nay đều rất tuyệt.
– Vâng, chắc thế ạ. – Flora mỉm cười làm yên lòng Antony.
Anh nói chậm rãi: – Em biết không? Anh không làm sao quen được với ý nghĩ là em chỉ giống Rose thôi, chứ tính cách thì khác hẳn. Những cảm giác xưa cũ cùng những kỷ niệm khó quên lại trở về trong anh như thể anh mới gặp Rose lần đầu tiên vậy.
– Anh có muốn em trở nên giống hệt Rose hay không?
– Không, anh không có ý định nói thế. Anh nghĩ có cái gì đó giữa hai người rất là khác biệt.
– Có phải anh đang nói anh không thể yêu được em như anh đã từng yêu Rose hay không? Nhưng nếu anh không yêu em thì vì lý do gì nhỉ?
– Bởi vì em chỉ là Flora thôi, nhưng em dễ thương hơn Rose rất nhiều, em biết mà, phải không? Rose không bao giờ để mắt tới Jason, Rose không biết cách trò chuyện với người ta dịu dàng như cái cách em trò chuyện với bà Watty và bà y tá ấy. Phải, đúng là Rose không được nhã nhặn như thế, nhưng cô ấy lại biết cách trò chuyện với một mình anh thôi. Và có lẽ đó mới chính là điều quan trọng nhất – Antony nói thẳng, giọng pha chút cay đắng: – Cô ấy đã nói lời chia tay với anh rồi sau đó đi Spetsai với một gã Hy Lạp trời đánh thánh vật nào đó.
– Ôi, thế mà anh bảo anh cứng rắn lắm cơ đấy.
Antony ngoác miệng ra cười thiểu não: – Nhưng anh vẫn muốn thành vợ thành chồng với Rose. Đó là điều buồn cười nhất mà anh không sao hiểu nổi. Suy cho cùng chẳng qua cũng vì anh khao khát tình yêu. Anh không thể sống cô độc, làm một anh chàng độc thân suốt đời. Anh cũng không giải thích được cảm giác ấy nữa. Anh cho rằng chắc anh đã tìm đúng một nửa của người khác, thế nên giờ anh mới đau khổ thế này.
– Những cô gái hợp với anh thì đầy rẫy ở Edinburgh ấy, thiếu gì những khuôn mặt mới mẻ sống trong những căn hộ sang trọng sẵn sàng dang tay chào đón anh.
Antony cười lớn: – Đó chính là cuộc sống ở Edinburgh trong trí tưởng tượng của em đó sao?
– Đối với em, cuộc sống ở Edinburgh êm ái và thoải mái như được ăn tối với Antony Amstrong trong một đêm đen tối như mực và trời mưa rả rích bên ngoài – Cô nhìn đồng hồ – Anh biết không, khi Jason và Plummer quay trở lại đây, em nghĩ chúng mình nên quay trở về nhà. Lúc này hẳn dì Isobel đang đeo những chuỗi kim cương là đồ gia bảo của gia đình lên tay và cổ, và em cũng phải đi gội đầu nữa chứ.
– Phải, tất nhiên. Về phần mình, anh và Jason đã hứa sẽ làm gà cho dì Watty. Ôi, cảnh gia đình đầm ấm mới hạnh phúc làm sao.
Anh cúi xuống hôn nàng, một nụ hôn đắm đuối thật sự, và hôn lên môi nàng hẳn hoi. Khi Antony lùi lại, nàng hỏi:
– Nụ hôn ấy dành cho Rose hay cho Flora đây?
– Cho cả hai – Antony đáp.
Mặt trời lặn trên đại dương như thể một quả cầu lửa đắm mình trong thứ nước như vàng ròng bị nung đỏ. Flora sau khi gội đầu đang cố sấy tóc với cái máy sấy cổ lỗ sĩ mượn của dì Isobel. Vừa sấy tóc, nàng vừa đến bên cửa sổ với những tấm màn cửa đã được vén lên, nhìn cảnh hoàng hôn đẹp đến độ không sao tin nổi. Ánh sáng dần tắt lịm, màu sắc của thiên nhiên cũng thay đổi, những quần đảo hồng rực phía xa lúc này chuyển sang nền xanh thẫm, mặt biển như một tấm gương phản chiếu nền trời. Và khi mặt trời đã biến hẳn trong tầm nhìn, nước biển đen thẫm như mực, những chiếc thuyền đánh cá thắp ngọn đèn gọi cá tạo ánh sáng lung linh như là những vì sao. Những chiếc thuyền của ngư dân đang lặng lẽ tiến ra biển từ Tarbole, hứa hẹn một đêm dài làm việc nặng nhọc. Khi những thay đổi của thiên nhiên đã hoàn tất trong chu kỳ chuyển từ ngày sang đêm thì cũng là lúc ngôi nhà vang vang những âm thanh dễ chịu chuẩn bị cho buổi lễ diễn ra vào tối ngày hôm ấy. Mọi người lên xuống cầu thang như con thoi, gọi nhau í ới, nhắc nhau kéo rèm cửa, đốt lò sưởi. Tiếng bát đĩa va vào nhau lanh canh trong nhà bếp, mùi thức ăn bốc lên thơm phức bắt đầu theo không khí len lỏi lên những căn phòng trên gác. Flora không lo lắng về chuyện ăn mặc nữa, bởi nàng đã chuẩn bị sẵn một bộ đồ tươm tất, một chiếc váy dài màu ngọc bích bằng ren, áo sơ mi lụa và một sợi thắt lưng to bản ôm sát lấy eo nàng. Flora nhớ lại khi vội vàng thu xếp hành trang ở Luân Đôn, nàng ngạc nhiên thấy mình vẫn còn đủ tình táo để mang theo một bộ đồ đẹp đến thế. Khi chải tóc và kẻ mắt xong, nàng mặc đồ vào, đeo bông tai, xịt nước hoa hiệu Chamade. Chai nước hoa ấy là quà tặng sinh nhật của dì Marcia. Mùi nước hoa khiến nàng nhớ đến cha mình và dì Marcia cùng khung cảnh Seal Cottage và hồi tưởng ấy làm cho Flora đột nhiên cảm thấy lạc lõng, mình đến đây để làm gì thế này. Câu trả lời thật quá sức chịu đựng đối với nàng. Tính chất điên rồ của sự việc khiến Flora ớn đến tận tâm can và cảm giác kinh hoàng dâng lên đến ngực nàng. Đột nhiên tất cả trở nên khó khăn đối với Flora. Hậu quả của việc tự dấn thân vào việc này đang siết chặt lấy nàng. Nàng ngồi trước gương nhìn bóng mình và biết buổi tối dài trước mặt sẽ đầy ắp những lời dối trá khủng khiếp. Flora ước gì mình đang gặp ác mộng chứ không phải sự thực. Rất có thể nàng sẽ biến thành trò cười cho thiên hạ, tự để lộ chân tướng làm cho Antony phải thất vọng. Và rồi những người đáng kính trong ngôi nhà này sẽ phát hiện ra nàng là một kẻ dối trá không hơn không kém, dám làm một trò lừa đảo kinh khủng nhất trên đời. Linh cảm mách bảo nàng nên rút lui khỏi trò đùa nguy hiểm này ngay bây giờ, trước khi mọi người tìm ra sự thật, trước khi có ai đó phải chịu tổn thương. Nhưng rút ra bằng cách nào đây? Nàng biết đi về đâu đây? Chẳng phải nàng đã từng hứa với Antony là giúp anh rồi đó sao? Antony đã tự lao mình vào trò lừa dối điên rồ này với tất cả sự tỉnh táo của anh ta và anh ta làm thế cũng chỉ vì bà Tuppy mà thôi. Nàng cố tự trấn tỉnh: suy cho cùng thì cũng có ai mất gì trong chuyện này đâu? Cả Antony và nàng, chẳng ai phải chứng chịu hậu quả gì ghê gớm, ngoại trừ một lương tâm luôn day dứt suốt cả cuộc đời. Thực ra trò đùa mà họ đang thực hiện chẳng làm hại đến ai. Hay thực sự đây là một trò đùa chẳng hoàn toàn vô hại? Suốt một buổi chiều, Flora cương quyết không thèm nghĩ đến người đàn ông trên bãi biển, nhưng giờ bóng ma của anh ta lại quay trở lại với ánh mắt đau đáu, với mạch máu nơi cổ và hai bên thái dương phập phồng khi anh ta đưa ra lời cảnh báo. Sự có mặt của anh ta trên bãi biển lúc ấy cho thấy câu chuyện giả vờ này chẳng hề đơn giản. Lúc đầu nàng những mong anh ta không có quan hệ gì với gia đình nhà Amstrong. Vả lại, xét cho đến bản chất vấn đề thì đều chỉ tại bà Tuppy. Nếu như vì mục đích tốt mà phải ra tay làm một điều xấu thì điều đó cũng có thể chấp nhận được. Và mục đích tốt luôn hiển hiện bằng xương bằng thịt trước mắt Flora, đó chính là bà Tuppy, một bà lão đáng kính đang nằm trên giường bệnh trong những giờ phút cuối của cuộc đời, đang chờ Flora đến bên chúc bà ngủ ngon. Có thật bà đang chờ Flora đến không? Không, chẳng phải bà chờ Flora đâu, bà ấy chờ Rose cơ. Đúng, nàng hít một hơi dài, quay lưng lại với chiếc gương, kéo màn cửa lại, tắt đèn, bước ra khỏi phòng. Đến bên cửa phòng bà Tuppy, nàng gõ cửa và nghe bà Tuppy gọi với ra:
– Cứ vào đi.
Flora những muốn gặp Antony ở đó nhưng bà Tuppy chỉ có một mình. Căn phòng ngập chìm trong bóng tối, chỉ có những chiếc đèn ngủ gắn cạnh giường là tỏa sáng mờ mờ. Vầng sáng ấm áp chiếu dọc chiếc giường rộng lớn. Trên giường, giữa đống gối vây xung quanh, bà Tuppy ngồi đó, mặc chiếc áo ngủ màu xanh nõn chuối, dây cột chiếc nón kết thành nơ nơi cổ, khoác ra ngoài chiếc áo ngủ mỏng manh là tấm áo khoác mặt trong nhà màu xanh nhạt cột bằng hàng ruy băng sa tanh bóng loáng.
– Rose, bà đang chờ cháu đây. Hãy đến đây để bà nhìn mặt cháu gái một lúc nào.
Flora ngoan ngoãn bước đến bên. Ánh sáng làm rõ từng đường tơ kẽ tóc của nàng trước mặt bà Tuppy.
– Quần áo của cháu không được cực kỳ lộng lẫy. Nhưng đây là bộ đẹp nhất cháu mang theo đấy bà ạ – Nàng đến bên giường để hôn bà Tuppy.
– Bà thích bộ đồ này lắm. Mặc nó, cháu trẻ ra và xinh hẳn lên. Cái thắt lưng làm cho eo của cháu đã thon thả lại càng thon thả thêm, khiến thân hình cháu cao và mảnh mai hơn. Con gái đẹp nhất là ở đường eo đấy cháu ạ.
– Tối nay bà mặc đẹp lắm ạ. – Flora nói, ngồi xuống bên mép giường.
– À, bà y tá mới làm dáng cho bà ấy mà.
– Cái áo khoác của bà cháu thích lắm ạ.
– Chính dì Isobel mua nó cho bà trong mùa Giáng Sinh năm ngoái và hôm nay là lần đầu tiên bà mặc nó đó.
– Antony đã đến thăm bà chưa?
– Nó đã đến và đi cách đây nửa giờ rồi.
– Chiều nay bà ngủ có ngon không?
– Cũng ngủ được một ít. Thế các cháu đã làm gì thế? Trong suốt buổi chiều ấy.
Flora bắt đầu kể cho bà nghe. Trong lúc ấy, bà Tuppy ngả người ra gối, lắng nghe chăm chú. Nét mặt tươi vui dần biến mất trên khuôn mặt bà. Đột nhiên, Flora cảm thấy lo sợ bởi không hiểu sao bà Tuppy trông nhợt nhạt và mệt mỏi đến thế. Dưới cặp mắt bà hiện rõ hai quầng thâm mệt mỏi và bàn tay đầy những đường gân nổi lên như những rễ cây cổ thụ cứ cựa quậy liên hồi, trong khi Flora tiếp tục kể nốt câu chuyện. Cho dẫu thế, bà Tuppy khá đẹp lão, có thể hồi con gái bà không phải là loại sắc nước hương trời nhưng khi về già, với cấu trúc xương mạnh khỏe đã được định hình thì Flora thấy ở bà toát lên một vẻ đẹp lạ lùng. Làn da của bà Tuppy mịn và rám nắng bởi cuộc đời bà phải làm việc ở ngoài đồng, lúc này đã lốm đốm những vết đồi mồi. Chạm vào má bà chẳng khác nào chạm vào một chiếc lá đã héo khô. Mái tóc bạc cắt ngắn đan xoăn hai bên thái dương bà lão. Hai vành tay có xỏ lỗ tai lúc này đã xệ xuống, chứng tỏ cả cuộc đời bà đã đeo những nữ trang nặng nề theo phong cách cổ. Miệng bà có đường nét giống miệng Antony, và hai bà cháu giống nhau ở nụ cười nồng hậu xuất hiện trên môi ở những lúc không ngờ nhất. Nhưng cặp mắt bà Tuppy cực kỳ sắc sảo, ánh nhìn sâu thẳm, con ngươi xanh xám luôn chú ý tới nhất cử nhất động của những người đứng trước mặt bà.
– Thế rồi chúng cháu cùng về nhà, Antony và Jason đi cho gà ăn và thu nhặt trứng, còn cháu thì đi gội đầu.
– Ừ, bây giờ tóc cháu trông đẹp lắm, cứ bóng lên ấy. Lát nữa Hugh sẽ đến thăm bệnh cho bà, và bà sẽ kể hết mọi chuyện về cháu cho cậu ấy nghe. Lúc này cậu ta đang ở dưới lầu ấy, chắc đang uống vài ly với Antony. Hugh đến được, bà rất mừng, nó lúc nào cũng bận rộn, thật tội nghiệp thằng bé. Thật ra cũng chỉ tại nó thôi. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ấy mà. Ta với nó cũng thường hợp chuyện lắm đấy. Những năm gần đây, việc hành nghề bác sĩ của nó bận rộn ghê lắm. Vậy mà nó chỉ sống có một mình, nhưng nó cứ thề sống thề chết rằng nó tự xoay sở được đấy. Ta nghĩ nó thích sống cô độc thế. Lúc này nó chẳng còn thời gian đâu để mà ủ ê hoặc buồn bã nữa.
Flora nhớ những lời Antony nói về Hugh Kyle. Suốt cả cuộc đời, anh ấy đã chứng kiến biết bao cảnh thăng trầm ở đây. Chắc anh ta phải hạnh phúc lắm. Không, mình không cho là như thế, Flora buộc miệng hỏi:
– Anh ấy chưa lấy vợ sao?
Bà Tuppy nhìn cô bằng ánh mắt sắc như sao: – Cháu không nhớ sao, Rose? Hugh góa vợ mà! Nó cũng đã từng kết hôn, vợ nó bị chết trong một tai nạn xe hơi.
– À, à có chứ. Cháu nhớ rồi ạ.
– Chuyện buồn lắm, chuyện của thằng bé không ai là không biết. Nhiều năm trước đây, cha Hugh cũng là bác sĩ ở Tarbole. Hugh được sinh ra và lớn lên như thế nào, ta đều biết cả. Thằng bé sao mà sáng dạ thế không biết. Trước đây nó đã từng làm việc ở Luân Đôn trong một bệnh viện lớn. Nhưng khi vợ chết, nó chẳng còn thiết gì nữa đã quay lại Tarbole để thừa hưởng gia tài cha nó để lại. Lúc ấy nó mới hơn hai mươi chứ mấy. Cứ nghĩ tới đó là ta lại thương thằng bé đến đứt ruột. Một thằng bé tài ba có tương lai đầy hứa hẹn như vậy mà lại chôn vùi tuổi xuân ở cái vùng hẻo lánh thế này thật đáng tiếc thay.
– Chắc có lẽ anh ấy nên đi bước nữa đi ạ.
– Tất nhiên là nó nên đi bước nữa rồi, nhưng nó không chịu. Nó bảo nó không muốn. Nó có một bà quản gia tên là McKenzie, nhưng bà ấy ẩu lắm. Một anh chàng độc thân với một bà quản gia ẩu tả thì cuộc sống của nó liệu có êm đềm được không? – Bà Tuppy thở dài. Nhưng biết làm sao đây. Đó là phong cách sống của mỗi người, ai mà xen vào được. Bà mỉm cười, mắt ánh lên niềm vui sướng. Ngay cả ta cũng chẳng lo liệu được cho thằng Hugh, dù ta có cố gắng đến mấy. Cháu thấy đấy, người ta bảo ta hống hách, thích dí mũi vào chuyện của người khác, nhưng những người thân trong gia đình và bạn bè đều biết thế, và họ chấp nhận ta bằng một vẻ mến thương vô cùng.
– Cháu nghĩ họ còn thích tính nết ấy của bà nữa cơ.
Bà Tuppy chợt trầm ngâm: – Phải, Rose à, cháu biết không? Chiều nay, nằm trên cái giường này, ta chợt nảy một ý hay – Giọng bà nhỏ lại, bà Tuppy nhẹ nhàng cầm tay Flora ấp ủ trong đôi bàn tay khô gầy của bà như thể sự tiếp xúc bằng xúc giác ấy sẽ khiến sức mạnh tuổi thanh xuân có thể truyển sang được thân thể già yếu của bà.
– Cháu nhất định phải quay về với Antony ư?
Flora tròn mắt lên nhìn bà Tuppy.
– Ý ta muốn nói là Antony phải quay lại Edinburgh bởi vì nó còn phải đi làm. Nhưng ta chợt nghĩ không lẽ cháu cũng có việc làm ở Luân Đôn?
– À không. Thực ra thì… nhưng mà…
– Nhưng mà nhất thiết cháu phải quay về ư?
– Vâng. Chắc thế rồi ạ.
Đến lượt Flora ngập ngừng. Nàng chợt thấy hoảng lên vì không sao tìm được từ thích hợp. Bà Tuppy nói tiếp, giọng càng thúc giục hơn:
– Cháu này, bởi vì nếu cháu không cần phải quay trở lại Luân Đôn, cháu có thể ở lại đây, cả gia đình ta đều yêu quý cháu lắm. Hai ngày chưa đủ để chúng ta hiểu thêm về cháu. Còn rất nhiều điều bà muốn biết và bà nên thực sự muốn biết về chuyện đám cưới ấy mà.
– Nhưng chính chúng cháu còn không biết mình nên tổ chức đám cưới vào lúc nào nữa.
– Phải, bà biết, nhưng vẫn phải lên danh sách những người nào cần dự đám cưới, chuyện ấy phải làm trước đấy. Và còn rất nhiều thứ thuộc về Antony, những thứ thằng bé cần sau khi kết hôn để an cư lạc nghiệp. Đó là mấy món đồ bạc của cha nó, và bức hình của nó nữa chứ, rồi thì đồ trang trí nội thất và cả chiếc bàn của ông nội nó để lại cho nó. Mọi thứ đều cần chuẩn bị trước, nếu cứ mặt kệ nước chảy đàng chuôi thì không được đâu cháu ạ.
– Bà Tuppy ơi, bà không phải lo cho cháu và Antony đâu ạ. Nếu tụi cháu về thăm bà mà khiến bà lo lắng nhiều đến thế thì quả thật không phải. Bà cứ nghĩ cho lại sức trước đã, mọi chuyện tính sau.
– Nhưng biết đâu ta chẳng khỏe lên được, biết đâu ta cứ yếu mãi đi thì sao nào? Đừng có nói với ta bằng giọng khách sáo đó nữa, ai rồi cũng phải đối mặt với tình trạng sức khỏe của mình thôi. Nếu như ta không thể nào khỏe lên được thì việc sắp xếp những chi tiết nho nhỏ mà ta vừa nói sẽ làm ta yên lòng, khiến ta yên tâm hơn mà chữa bệnh.
Một sự yên lặng kéo dài khiến Flora với lương tâm day dứt đành phải nói thẳng:
– Cháu thực sự nghĩ mình không nên ở đây, hãy tha lỗi cho cháu, nhưng ngày mai cháu phải đi với Antony thôi.
Thất vọng tràn ngập khuôn mặt bà Tuppy, nhưng chỉ một thoáng thôi. Bà cười vỗ nhẹ vào tay Flora nói:
– Nếu thế thì cháu phải nhớ về thăm Fernrigg thường đấy nhé. Bà cháu mình còn ít dịp để gặp nhau lắm.
– Vâng, cháu sẽ cố ạ. Thực sự cháu vô cùng xin lỗi bà.
– Ôi, cháu yêu của ta. Đừng có sầu thảm như thế chứ. Làm như trời sắp sập không bằng. Chẳng qua bà già rồi nên mới nghĩ lẩm cẩm thế thôi, cháu đừng để ý. Bây giờ thì cháu xuống dưới tầng trệt đi, khách khứa sắp tề tựu đông đủ rồi, cháu phải ở đó để chào họ chứ. Thôi đi đi cháu.
– Mai cháu sẽ gặp bà ạ.
– Tất nhiên rồi, chúc cháu ngủ ngon, cháu yêu.
Flora cúi xuống hôn tạm biệt bà lão. Trong lúc ấy, cánh cửa sau lưng bật mở, Jason đã mặc áo ngủ, cuốn truyện cổ tích kẹp ngay dưới nách nó.
– Cô đi ra ngay đây. – Flora nói, đứng lên khỏi mép giường.
Thằng bé đóng cửa: – Trông thím đẹp quá, bà ơi, trưa nay bà ngủ có ngon không?
– Chưa bao giờ ngủ ngon đến thế.
– Cháu có đem truyện Đảo châu báu thay vì cuốn Con thỏ của Peter, bởi vì chú Antony bảo đã đến lúc cháu phải dũng cảm lên để nghe những chuyện ly kỳ như thế.
Bà Tuppy bảo: – Ôi thôi, nếu truyện ấy quá kinh dị thì nên tìm truyện khác mà đọc.
Thằng bé trao cuốn sách vào tay bà nội và leo tót lên giường, ngồi bên cạnh bà, kéo chăn lên quá đầu gối, rúc vào nách bà. Flora hỏi:
– Cháu ăn bữa tối có tuyệt không?
– Ngon tuyệt thím ạ. Nước Coca Cola cứ làm cháu ợ liên tục đây này.
Muốn cho nàng đi khỏi để bà nội đọc truyện cho nó nghe, Jason nói thêm:
– Chú Hugh đang ở dưới đó. Ngoài ra chưa ai đến cả.
Flora bảo: – Ồ, nếu thế thì thím phải xuống chào chú ấy mới được.
Nàng bỏ đi, đóng cửa lại rồi đứng dựa lưng vào tường phía ngoài cửa, hai tay xoa mặt cố lấy lại bình tĩnh. Nàng có cảm giác mình vừa phải trải qua một cuộc thử thách ghê gớm, nàng ghét cái cảm giác ấy. Nỗi thất vọng trong mắt bà Tuppy sẽ bám riết theo nàng cho đến cuối đời. Nhưng thử hỏi, nàng biết làm gì hơn nữa ngoài việc phải từ chối ở lại Fernrigg này. Tại sao những người khác lại sống cuộc đời vô tư lự đến thế? Còn một số người thì cuộc sống lại vô cùng phức tạp với những cảm xúc, những mối quan hệ chằng chịt bắt đầu chỉ bằng một sự lừa dối vô hại nhằm mục đích rất tốt, giờ lại tự nhiên xoay sang một tình huống tồi tệ, gặp đâu cũng thấy rắc rối. Làm sao Flora biết trước chuyện ra nông nỗi như thế này. Antony không hề chuẩn bị trước tư tưởng cho nàng để nàng phải sững sờ trước tính cách nồng hậu và âu yếm mà bà Tuppy đã dùng nó để đối xử với nàng. Flora hít một hơi dài chuẩn bị vượt qua rào cản kế tiếp, nàng bắt đầu bước xuống tầng trệt. Tấm thảm như đẩy lên dưới gan bàn chân mặc dù nàng đã đi đôi dép cao vàng chói. Trên bệ cửa sổ đã đặt những chậu hoa cúc vàng tươi, tiền sảnh dọn dẹp gọn gàng đón chào khách quý, màn cửa đã được vén lên thắt nơ gọn ghẽ, lửa đã được nhóm lên trong lò sưởi, cửa phòng khách mở hé và có tiếng thì thào khe khẽ vọng ra từ bên trong. Tiếng Antony:
– Có phải cậu đang nói với tụi tớ là bà Tuppy đang hồi phục phải không?
– Tất nhiên, tớ đã nói điều ấy lúc nãy rồi.
Giọng nói trầm trầm nghe sao hơi quen quen. Flora đứng ngây người, không muốn nghe lỏm nhưng nàng cũng không sao nhấc chân cho đặng.
– Nhưng dì Isobel nghĩ rằng…
– Dì Isobel nghĩ sao?
Tiếng dì Isobel đáp vừa ngây ngô vừa lo sợ: – Dì cứ tưởng Hugh cố làm cho dì yên lòng mà thôi, cho nên đã giấu tình trạng sức khỏe của bà Tuppy.
Giọng nói kia trở nên hơi chút gay gắt: – Trời ơi, dì Isobel ơi, đã biết rõ cháu thế rồi mà còn không hiểu cháu ư? Có bao giờ cháu giấu dì điều gì đâu, dì phải hiểu điều ấy chứ. Cháu muốn Antony về chỉ vì muốn bà Tuppy vui thôi.
– Nhưng sao hôm ấy trông mặt cháu ảm đạm thế?
Giọng người kia cố làm ra vẻ vui vẻ: – Ôi, thật không may quá, mặt cháu ảm đạm vì từ hồi nào đến giờ nó đã vậy rồi, cháu biết làm thế nào được. Chắc sinh ra, mặt cháu đã nhăn nhó như vậy rồi.
– Không, dì nhớ là không bao giờ cháu lại ủ ê buồn bã như cái hôm ấy – dì Isobel nói quả quyết – Dì vừa bước ra khỏi phòng khách, còn cháu thì đang bước dở xuống cầu thang. Cháu đứng ngay kia kìa, nhìn vẻ mặt cháu lúc ấy dì phát hoảng lên. Dì nghĩ hẳn là chuyện về bà Tuppy…
– Nhưng không phải vì cháu buồn vì chuyện bà Tuppy mà buồn vì chuyện khác. Đúng là lúc ấy cháu đang lo lắng vô cùng, nhưng không phải về bà Tuppy đâu. Sau đó cháu có bảo với dì là bà sẽ khỏe mà, còn nếu như cháu không lầm thì cháu nói rõ với dì là bà khỏe như rễ cây thạch lam cổ thụ vậy. Và chắc chắn bà còn sống lâu hơn tất cả chúng ta nữa cơ.
Một khoảnh khắc im lặng, sau đó dì Isobel thú nhận:
– Phải, đúng là dì không tin cháu.
Giọng dì ấm ức như thể dì sắp sửa khắp òa lên. Flora không thể chịu đựng hơn được nữa. Nàng bước thẳng qua cánh cửa đang hé mở. Phòng khách nhà Fernrigg hôm ấy trang hoàng rực rỡ như sân khấu. Ánh sáng chan hòa và đồ đạc được sắp xếp theo kiểu nội thất thời Victoria. Thấy Flora bước vào, cả ba ngừng nói chuyện nhìn về phía nàng. Nàng thấy Antony mặc bộ đồ vest màu nâu sậm ngồi bên chiếc bàn phía góc đàng kia của căn phòng đang rót rượu ra ly. Dì Isobel mặc chiếc váy dài màu xanh lá cây bằng len đang đứng cạnh lò sưởi, nhưng cặp mắt của nàng chỉ chú ý đến người còn lại trong phòng, viên bác sĩ Hugh Kyle. Anh ta cách dì Isobel có một tấm thảm trải trước lò sưởi mà thôi. Người này cao đến độ đầu và vai của anh ta hiện trên tấm gương sáng bóng treo trên bệ lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Dì Isobel nói:
– Chào, Rose, đến bên lò sưởi đi cháu. Còn nhớ Hugh không?
– Có ạ. – Flora đáp.
Ngay khi nghe tiếng của anh ta nàng đã biết chắc chắn là người đàn ông ấy rồi, cái người mà nàng gặp trên bãi biển sáng ngày hôm nay.
– Dạ vâng, cháu nhớ rất rõ đấy ạ.