Định Mệnh Là Những Chiếc Giày

Chương 17: Ngọt như kẹo



Tôi đem chiếc cỏ bốn lá đặc biệt ấy ép vào một quyển sổ nhỏ đợi hôm nào đó rảnh rỗi sẽ mang nó đi ép khô. Phải làm như vậy thì may ra tôi mới giữ được nó. Giá như tôi cũng có thể áp dụng cách này với Anh Quân. Tôi sẽ mang anh đi ép khô, sẽ treo anh vào móc khóa hoặc mặt dây chuyền đeo lủng lẳng cạnh mình. Khi nhớ có thể mang ra ngắm rồi sau đó lại bỏ vào túi, quả là một “cao kiến” dở hơi hết mức.

Tháng mười trời trở lạnh, cái lạnh không buốt giá như giữa đông nhưng cũng đủ khiến ta rùng mình. Cuộc thi âm nhạc đang tới gần và lịch tập của tôi cũng dày lên, chen kín gần như toàn bộ thời gian mà tôi có. Cuộc thi này có hai vòng. Vòng một là các học sinh của các trường trong quận sẽ thi đấu với nhau để chọn ra những thí sinh có đủ khả năng thi tiếp. Vòng chung kết sẽ là thí sinh từ các quận huyện thi đấu. Đây mới là vòng loại thôi mà tôi đã cảm thấy căng thẳng thế này thì không biết vòng chung kết tôi sẽ thê thảm đến mức nào nữa.

Cô chủ nhiệm thông báo rằng tôi và tất cả những ai tham gia cuộc thi sẽ phải học theo một chế độ đặc biệt và nhà trường sẽ phải tổ chức một kì thi học kỳ sớm cho chúng tôi bởi khi cuộc thi diễn ra trùng với thời gian chúng tôi thi học kì. Chính vì vậy khoảng thời gian này tôi chẳng khác nào bị đi đày. Ở trường, giờ học thì học ở lớp khác với một chương trình đã được rút gọn, giờ nghỉ thì tập luyện dưới phòng truyền thống. Cả ngày đến trường nhưng chẳng có nổi một phút tôi được ngồi ở trong lớp mình. Dạo này tôi lại rất hay gặp thằng nhóc Minh Hoàng ở phòng truyền thống vào giờ nghỉ. Nó khiến tôi không thể tập nổi. Tôi nói chuyện này với Anh Quân. Anh nói rằng tôi không nên phô diễn toàn bộ mánh khóe hay kĩ năng của mình ra bởi cuộc thi này mang tính cá nhân chứ không phải đồng đội. Thế là toàn bộ việc tập luyện và chuyện học hành của tôi đều do Anh Quân quản lí. Anh vạch ra cho tôi cách luyện mà không phải trực tiếp tập đàn, anh hướng dẫn tôi hoàn thành những bài tập ở trương trình học mới. Anh dạy tôi, truyền lại cho tôi tất cả những gì anh tâm đắc. Anh nói rằng tôi là tâm huyết của anh. Điều này khiến tôi càng thêm quyết tâm, tình cảm dành cho anh cũng lớn lên. Tôi yêu anh trước khi tôi kịp nhận ra mình phải dừng lại. Mà kể cả thế tôi cũng không chắc là mình sẽ dừng được.

Tối nào tôi học cũng phải có Anh Quân. Dường như không có anh thì tôi không học nổi. Cũng vì thế mà giờ đây trong phòng của Anh Quân ngoài những đồ đạc vốn có giờ lại xuất hiện thêm một chiếc bàn nhỏ làm bàn học cho tôi, trên đó là đủ thể loại sách vở thuận tiện cho việc học hành của tôi. Bức tường sau cánh cửa ra vào dần dần bị những tờ giấy ghi chú chi chít chữ che lấp. Nhìn nó đẹp một cách “kinh dị”. Tôi đã đề nghị Anh Quân gỡ hết những mảnh giấy nhớ đó xuống bởi nó làm che mất tường trong phòng anh nhưng anh nói cứ để đó, không được gỡ xuống. Vậy nên tôi không những cứ để kệ đó mà còn dán thêm vào cho nó nhiều. 😀

Hôm nay là ngày tôi có thể trở về lớp học chính vì giáo viên dạy chương trình đặc biệt cho chúng tôi bận việc gia đình. Tôi đến lớp từ sớm, phần vì hôm nay tới phiên tôi trực nhật, phần vì tôi muốn tận dụng lúc phòng truyền thống không có ai để có thể dễ dàng tập một mình với cây piano. Sau khi lau bảng và quét lớp sạch sẽ tôi mò xuống phòng truyền thống và quả nhiên là chẳng có ai ở đây vào cái giờ này cả. Tôi muốn thử tập lại phần sau của bản nhạc “To Zanarkand”. Anh Quân nói trong đợt thi vòng loại tôi sẽ không chơi bản nhạc đó vì hiện giờ tôi mới chỉ gọi là biết đánh phần cuối chứ chưa thành thạo. Bản nhạc ấy nên để khi nào lọt vào bán kết nó sẽ giúp tôi chiến thắng. Đó là trích nguyên lời Anh Quân. Tôi nghe xong thì tự nhủ không biết mình có qua nổi vòng loại hay không mà anh đã vội lo tới vòng bán kết. Tóm gọn lại là anh “ít cho” tôi chơi bản nhạc ấy, anh muốn tôi luyện tập kĩ càng bài nhạc mà tôi sẽ dự thi. Nhưng tôi mà nghe lời thì sẽ chẳng phải là tôi nữa.

Sau một hồi mê mẩn bên những phím đàn tôi vươn vai một cái cho đỡ mỏi. Tiết trời ngày một lạnh. Gió khẽ lay nhẹ mấy cành cây bên cửa sổ khiến tôi hơi giật mình. Tôi chợt nhớ đến Duy Khang, đã lâu rồi tôi không gặp mặt anh. Nghe nói anh bị bố mẹ bắt ép đi du học nước ngoài. Anh đi mà chẳng để lại cho tôi một lời chào, chẳng để cho tôi kịp nói hết lòng mình, cứ vậy mà đi. Tôi nhớ lại hình ảnh bóng anh xa dần, có thể đó sẽ là lần cuối cùng tôi nhìn thấy hình bóng ấy. Khang nói anh tin rằng tôi sẽ đạt được giải nhất trong cuộc thi lần này, Anh Quân cũng chắc nịch như vậy cho nên tôi càng phải nỗ lực hơn nữa. Nhưng mà cố gắng như thế mà chẳng biết kết quả ra sao.

Tôi thở dài thượt rồi đi men theo dãy hành lang vắng lặng về lớp. Đã có bao nhiêu người tôi gặp họ rồi lại phải từ biệt họ? Ngay chính tại dãy hành lang này tôi đã bị Mai Hương lôi xềnh xệch vào wc nữ vào đúng hôm Noel, bị dội nước cho ướt như chuột chù. Cũng vì thế mà Anh Quân hôm đó đã được một phen sợ hết hồn. Cũng từ đợt đó mà tôi biết được Việt Anh và Linh Trang “cảm” nhau. Về gần đến cửa lớp học cũ năm lớp 10 tôi lại nhớ đến buổi tối hôm Valentine Duy Khang đã tỏ tình và cũng từ đó bao nhiêu rắc rối ùn ùn kéo đến. Chuyện xảy ra từ hồi tháng 2, giờ là cuối tháng 10 đầu tháng 11. Mới có từng ấy thời gian mà biết bao nhiêu chuyện xảy ra đến cả tôi cũng còn không ngờ nổi. Đáng sợ thật.

Về đến lớp cũng chỉ có lác đác vài người đến nhưng chúng nó đến rồi lại rủ nhau ra ngoài ăn sáng. Tôi về chỗ, úp mặt xuống bàn, suy nghĩ mông lung một hồi rồi ngủ thiếp đi. Lúc tôi tỉnh dậy thì cũng là lúc trống vào giờ. Cô chủ nhiệm tươi cười thông báo cho chúng tôi một tin khiến cho cả lớp đang nhốn nháo như cái chợ đột nhiên im bặt, ai cũng chăm chú lắng nghe.

– Lớp học chúng ta sắp tới sẽ có một bạn học sinh chuyển đến.

Lớp tôi Ồ lên một tiếng rồi thi nhau hỏi về sơ yếu lí lịch của lính mới. Cô chủ nhiệm cười rồi ra hiệu cho cả lớp im lặng.

– Là một bạn nữ. Bạn này du học ở nước ngoài. Nhưng hiện tại gia đình bạn vẫn chưa thu xếp xong công việc. Có lẽ phải tuần sau mới chuyển về lớp ta. Cô thông báo trước để cả lớp chuẩn bị chào đón bạn mới. Rồi, cô thông báo vậy thôi. Các em mở sách vở ra chúng ta học bài mới.

Tiết học cứ trôi đều đều. Những lời cô giảng đều từ tai này trôi sang tai kia, chẳng đọng lại chút gì. Cũng phải thôi, có bạn mới cơ mà, mà lại là bạn nữ nữa, kiểu gì bọn con trai lớp tôi chẳng “mất ăn mất ngủ” ngóng chờ cô bạn kia. Tôi cũng chẳng tò mò tới mức kinh khủng như thế, dù gì đằng nào cũng sẽ chuyển về đây thôi, đằng nào chả biết.

Trời cuối thu đầu đông, gió mang theo hơi thở lạnh lẽo khiến người ta có chút rùng mình. Chiếc lá thu úa vàng lả lướt theo gió bay vài vòng rồi mới chịu chạm đất. Tôi nép mình vào một góc của phòng truyền thống, mắt hướng nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Trông tôi giống như một cô gái buồn đang chờ đợi một điều gì đó ở phía ngoài cửa sổ xảy ra. Thực chất tôi chẳng biết mình đang làm gì ở đây. Dạo gần đây tôi ít khi lên lớp chính, ít gặp Lam và Thùy hay Việt Anh. Có lẽ vì thế mà tôi cảm giác như mình bị chúng nó cho “ra rìa” nhưng đó chỉ là cảm giác của tôi. Nhưng có lẽ chỉ là do tôi nghĩ nhiều bởi vừa rồi Thùy vẫn rủ tôi xuống canteen mà. Lúc đi ngang qua bảng thông báo nó còn nhắc cho tôi nhớ lịch thi học kỳ của chúng tôi, là vào cuối tuần. Những đứa như tôi chỉ phải thi năm môn học chính gồm toán, lý, hóa, văn, anh còn mấy môn phụ đều được miễn. Mấy môn kia đối với tôi chẳng “xi nhê” gì đâu ngoại trừ môn hóa, tôi vẫn rất sợ môn hóa. Cuối tuần này thi, trong đầu tôi cũng có được vài ba chữ lõm bõm đủ để làm bài tốt, riêng môn hóa nếu như ông trời không quá đày đọa thì tôi có lẽ thoát điểm liệt.

Tôi ngồi nhìn mông lung mãi rồi cũng chán, cũng chẳng muốn lên lớp nữa, lôi điện thoại ra ngồi chơi game. Game cũng chỉ được một lúc. Tôi lại ngồi lục từng cái ảnh trong điện thoại ra ngồi xem, gặm nhấm cái quá khứ, hồi tưởng lại từng kỉ niệm qua lượt ảnh trôi qua trên màn hình điện thoại bé tí teo. Toàn ảnh chụp từ hồi cấp 2, chụp toàn những thứ rất linh tinh và bệnh hoạn. Cái ngày đó chúng tôi mới chỉ là những đứa trẻ không hơn không kém, chơi với nhau một cách vô tư và hồn nhiên nhưng giờ thì mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một góc trên quả đất hình tròn. Nếu như có thể, tôi sẽ chọn trở về với ngày thơ bé, lúc nào cũng chỉ tung tăng chạy nhảy. Nhưng đáng tiếc, cuộc sống lại không tồn tại hai chữ “nếu như”. Cuộc sống hiện tại của tôi cũng khá ổn nhưng ngày xưa đó vẫn có gì đó khiến tôi muốn quay trở lại. Tôi thở dài rồi đi về lớp học. Một cảm giác nặng trĩu bất lực lúc tôi quay lưng đi, như thể đau lòng vì mất đi một thứ gì đó tôi đã từng rất quý trọng. Tôi cũng không hiểu tại sao bản thân lại cảm thấy thế, điềm báo chăng?

. . .

Tôi khoanh tròn chân ngồi trên sân thượng, khoác một chiếc áo nỉ giúp tôi có thể ngồi lặng yên ở trên sân thượng suốt gần hai tiếng đồng hồ. Cuốn vở văn chiếm quá nửa là những nốt nhạc vẽ vời lung tung nằm lăn lóc ở chân tường, một đống những mẩu giấy bị vo tròn rơi đầy xung quanh chỗ tôi ngồi, một chút vụn tẩy vương vãi, vài ba cái bút chì bị mòn. Tôi đã hoàn thành xong kỳ thi học kì sớm của mình từ hai hôm trước, nói chung bài làm của tôi cũng gọi là tạm được, đề thi không dễ mà cũng không phải là quá khó. Có thể thấy được rằng nhà trường đã quá “chiếu cố” cho chúng tôi trong đợt kiểm tra sớm này, nhất là môn hóa. Nhưng dù vậy tôi vẫn hoàn thành bài thi của mình một cách tương đối tốt. Thi xong tôi chỉ cần phải tập piano, thậm chí lười nhác không lên lớp học cũng chẳng sao.

Thi xong đáng lẽ tôi phải dính chặt mông ở những nơi có piano như Back In Time hoặc là phải tổ chức một bữa đi chơi xả “xì-trét” sau thi mới đúng. Nhưng có một lí do đủ để kìm chân tôi ở nhà vào buổi tối như thế này, đó là hôm nay giỗ bố tôi. Đã gần 8 năm nay, năm nào cũng vậy, tiết trời cứ chuyển lạnh là cái ngày ác mộng đó lại trở lại đeo bám tôi. Ngày thường dù có nhớ đến nhưng cũng không thể khiến tôi thương tổn như thế. Tôi cho phép mình được yếu đuối vào ngày này, được khóc, được trở nên điên loạn khi chỉ có một mình. Hôm nay là một ngày cũng dạng hao hao như thế. Buổi sáng tôi dậy từ sớm đi chợ cùng mẹ (nói vậy cho oai chứ thực chất tôi chỉ là đi cùng để xách đồ cho mẹ), sau đó vào bếp phụ mẹ và chị làm cơm. Dù có cả các cô, các thím sang làm giúp nhưng tôi vẫn chỉ quanh quẩn ở đó hóng người lớn nói chuyện. Sau khi họ hàng đã về hết, dọn dẹp xong xuôi mọi thứ, mẹ tôi đi nghỉ, anh chị tôi đi lượn phố, tôi lại giam mình trong phòng gần như cả nửa buổi chiều chỉ để ngủ. Tôi ngủ lăn lóc, ngủ như chết. Mỗi khi lơ mơ tỉnh dậy là tôi lại tự vùi mình xuống gối ngủ tiếp bởi chỉ khi nào ngủ thì tôi mới thôi nghĩ lung tung. Tôi tưởng rằng mình có thể ngủ hết cả buổi chiều cho đến khi Dương Thùy, con bé đáng yêu của mọi thời đại, đạp mở cửa phòng nhảy chồm lên giường tôi. Nó chơi với tôi cũng được 16 năm. Từ khi cả hai mới lọt lòng đã chơi với nhau. Có thể các bạn không tin và sẽ nghĩ rằng, mới lọt lòng thì biết cái quái gì mà bạn với chả bè chơi hay không chơi nhưng thực sự theo lời phụ huynh thì đúng là chúng tôi bám dính lấy nhau từ khi còn bé rồi sau này hai đứa không được học chung nên ít thân hơn nhưng vẫn chơi với nhau. Thùy biết hôm nay là ngày giỗ bố tôi nên ngày này hàng năm nó đều mua kem rồi nhảy vào phòng tôi. Hai đứa vừa nhấm nháp vị lạnh buốt óc của kem tan ra trong khoang miệng trong thời tiết se lạnh, vừa ngồi vẽ ra đủ thứ chuyện linh tinh để giết thời gian. Lần nagy cũng không phải ngoại lệ nhưng chúng tôi chỉ ngồi được một lúc thì tôi phải đi đến Back In Time tập đàn cho cuộc thi âm nhạc diễn ra vào ngay ngày kia. Sau khi Thùy đi rồi Anh Quân nhắn tin nói anh bận đột xuât nên tôi không phải đi nữa. Thật là, lúc anh báo cho tôi thì Thùy cũng về đến nhà rồi, giờ lại bắt nó sang đây cũng quá tội. Đang lúc nhàn rỗi chẳng biết làm gì thì Linh Trang gọi điện, nó kêu tôi xuống mở cửa cho nó. Linh Trang xuất hiện trước mắt tôi với một chùm bóng bay đủ màu sắc. Nó chìa ra rồi nhe răng cười.

– Tặng mày.

Tôi tròn mắt nhìn nó rồi cũng nhận lấy. Sau đó Trang an ủi tôi hồi lâu rồi nó kết một câu.

-Thôi vui lên nha mậy, tao phải đi rồi. Việt Anh đang đợi.

Tôi đấm nó một cái rồi cũng để nó chạy đi với “dzai”. Con hâm tự dưng vác đến một đống bóng bay để an ủi tôi rồi chạy biến khiến tôi chẳng biết xử lí cái đống của nợ ấy kiểu gì, đành lôi tất cả lên tầng 4 để tạm. Khổ sợ vật vã để lôi hết đống bóng bay đó lên tầng 4 mà không làm nổ bất kì quả nào, tôi tự cảm thấy khâm phục mình.

Sau khi tìm được chỗ chứa đống bóng bay tôi đứng thở một lát rồi đi xuống. Lúc bước tới chân cầu thang thì cánh cửa tủ đặt ở góc phòng tự động hé ra tạo nên một tiếng két khiến tôi rợn người. Đây cũng chính là phòng thờ. Như một phản xạ tôi nhìn lên bức di ảnh của bố trên ban thờ. Nét cười trên gương mặt bố vẫn vậy, đôi mắt sáng, mái tóc hoa râm… Trống tim tôi đập thình thịch, chân tay bủn rủn tiến về phía tủ ở góc phòng nhưng đôi mắt thì vẫn nhìn lên phía ban thờ.

Tôi sợ gần chết mà vẫn cố tỏ ra bình tĩnh tiến về phía cái tủ đồ đó. Tôi rất ít khi lên đây, dù có lên cũng chẳng bao giờ mó vào cái tủ này. Tôi vặn vẹo tay rồi hít một hơi thật sâu, tôi đứng sẵn ở tư thế chuẩn bị chạy bất cứ lúc nào, toan mở cánh tủ đó. Cái tiếng “két” đáng sợ phát ra từ cánh cửa cũ kĩ đó lại một lần nữa vang lên. Tôi có thể cảm nhận thấy da gà gai ốc lông vịt lông lợn đang nổi lên rần rần.

Bên trong thực chất chẳng có gì đáng sợ, đó chỉ là đống đồ cũ kĩ không sử dụng nữa thì vứt lên đây, vậy thôi. Ngoài những vật dụng linh tinh vớ vẩn ra thì còn một thứ nữa thu hút sự chú ý của tôi. Đó là một cuốn sổ đã ngả vàng đặt ở trong một chiếc thùng đầy bụi và mạng nhện. Cuốn sổ đó trông quen quen, đó không phải là cuốn sổ vẽ của bố sao? Tôi nhớ là tôi đặt nó ở trong phòng mình cơ mà, sao nó lại ở đây? Trong cái thùng đó? Mọi cảm giác sợ hãi ban nãy giờ bay đâu mất. Trong đầu tôi chỉ toàn là sự hiếu kì về chiếc thùng cũ kĩ kia.

Tôi phủi sạch bụi trên chiếc thùng đó, bê xuống phòng mình rồi khóa trái cửa lại. Đặt chiếc thùng lên bàn, tôi cẩn thận nhấc cuốn sổ đặt sang một bên. Bên trong chiếc thùng đó, ở một góc là chồng ảnh gia đình. Những hình ảnh xưa cũ, hai anh em tôi đứng cạnh nhau lếch tha lếch thếch như vừa đánh nhau, ảnh mẹ bế tôi còn ông anh trai thì được bố bế, ảnh bố đứng cạnh mẹ… Đặt đống ảnh sang một bên tôi kéo cái thùng cũ gần về phía mình. Nhật kí, lưu bút và cả một cuốn sổ. Trời ạ sao mà lắm sổ thế @@ Tôi mở cuốn sổ đó ra… Nằm ngoài với suy nghĩ của tôi, đó không hoàn toàn là sổ vẽ, bên trong cuốn sổ đó có một bản nhạc phổ và một bức tranh chưa hoàn thiện. Bức tranh vẽ một người nào đó nhưng người đó mới chỉ phác họa xong cái khung ngoài. Tôi xoay qua xoay lại tờ giấy cố tìm hiểu nhưng rốt cục cũng phải chịu bó tay. Sau khi đã lục lọi đủ thứ để thỏa mãn trí tò mò tôi lại bê cái thùng đó lên trả lại vị trí cũ. Giá mà tôi biết vẽ tôi sẽ hoàn thiện bức tranh còn đang dang dở kia.

Đúng là thân làm tội đời, tự dưng vác về một đống bóng bay rồi giờ chẳng biết làm gì với nó. Tôi lại nhớ đến mấy bộ phim hoạt hình đã xem, người ta khi buồn thường buộc một mảnh giấy nhỏ vào quả bóng bay rồi thả cho nó bay đi. Nghe thì có vẻ trẻ con và ấu trĩ nhưng cũng không phải là một ý kiến tồi. Tôi vẽ ra giấy những điều khiến tôi buồn thay vì ghi ra chúng bởi chẳng may có ai bắt được quả bóng đó thì những gì mà họ thấy sẽ chỉ là những bức hình nguệch ngoạc.

Tôi cứ mân mê ngồi thả bóng, nhìn thấy những quả bóng sặc sỡ dần bay cao lên bầu trời. Một cảnh tượng đẹp đẽ đến không ngờ. Tôi cũng muốn được bay cao như thế. Như thể cả bầu trời bao la rộng lớn kia chỉ làm nền cho một mình tôi thôi.

– Này cô ngốc kia em làm cái gì thế?

Cái giọng điệu đáng ghét cộng thêm cái cách gọi tôi là “ngốc”, chẳng cần quay lưng lại tôi cũng biết đó là Anh Quân.

– Ơ thầy lên đây làm gì ạ?

– Tôi lên thắp nén hương cho bác. Chưa lên đến nơi đã thấy có con bé đao đao ngồi thả bóng rồi cười một mình.

– Sao thầy cứ thích gây sự thế nhỉ?

– Nhìn thấy em tôi không trêu không chịu nổi.

Anh cười rồi bỏ mặc tôi nhăn nhó hậm hực ngồi ở góc sân mà đi vào phòng thờ. Một lúc sau anh quay ra chỗ tôi ngồi rồi véo nhẹ vào tai tôi.

– Ngày kia thi rồi mà còn ngồi đây mơ mơ màng màng cái gì thế hả? Định buộc bóng bay vào nhà giống trong phim “Up” hả? Không phải là em xem hoạt hình nhiều quá đâm ra điên rồi đấy chứ?

– Vô duyên nhờ. Em làm gì kệ em.

Anh Quân nhìn quanh rồi ánh mắt anh chợt dừng lại ở chỗ tôi. Anh cúi xuống nhặt lên một tờ giấy đã cũ, là bản sheet nhạc mà tôi tìm được trong cái thùng cũ. Tôi để đó, định khi nào rảnh sẽ lôi ra đánh thử, không ngờ anh nhìn thấy, cầm lên xem vẻ ngạc nhiên. Thấy vậy tôi cũng vơ vội mấy mảnh giấy trên sàn, xếp cẩn thận rồi giấu biến. Anh nhìn chằm chằm vào bản nhạc kia, lẩm bẩm gì đó rồi quay sang hỏi tôi.

– Cái này ở đâu ra vậy?

– Em tìm thấy trên kho, định hôm nào đánh thử… Em cũng không biết nó từ đâu mà có.

– Cho tôi nhé. Vì dù sao tôi cũng đảm bảo là em không đánh được khuông thứ 4 và 6 đâu.

– Thầy coi thường em thế.

– Đảm bảo là em chưa đánh được.

Tôi đành ngậm ngùi nhìn anh cất tờ giấy vào túi áo. Thấy mình bị tôi nhìn chằm chằm, anh đành thở dài.

– Thôi được rồi, tối mai sang nhà tôi tập đàn, tôi sẽ đàn cho em nghe thử được chưa. Còn bây giờ thì em có thể dẹp cái trò bóng bẩy này đi được không?

Mặc dù chính miệng anh nói thế nhưng rốt cục anh vẫn cầm lấy trái bóng cuối cùng rồi thả tay. Quả bóng màu tím trong suốt nhẹ bẫng bay vào không trung. Tôi nhìn theo màu tím ấy cho tới khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ trên bầu trời rồi náu mình vào những đám mây vi vu cùng cơn gió. Tôi tò mò không biết Anh Quân đã ước gì bởi lúc ấy tôi thấy khóe miệng anh khẽ nhếch lên tạo thành một nụ cười…

Hôm sau dù không là chủ nhật nhưng cả tôi và Anh Quân cùng không phải đến trường. Thế nên buổi sáng hôm ấy mặc cho ai kia có cố gắng gọi bao nhiêu cuộc, nhắn bao nhiêu tin thì tôi vẫn trung thành với cái giường yêu dấu của mình. Kể cũng phải, tối hôm qua tôi thức rất khuya chỉ để ngồi vẽ. Tự nhiên tôi muốn vẽ. Cái cảm giác muốn được tỉ mẩn ngồi vẽ vẽ tẩy tẩy lại đầy ắp trong tôi. Thế là mặc kệ cho nhiệt độ buổi tối giảm xuống còn có 20°c tôi vẫn khoác một chiếc áo nỉ, leo lên sân thượng ngồi cho tới khi lão anh già dùng bạo lực đe dọa tôi mới chịu lếch thếch về phòng đi ngủ. Ngày mai là ngày cuộc thi vòng loại diễn ra. Tôi là một đứa không có duyên với ba cái trò thi cử như thế này. Bình thường thì chẳng sao nhưng cứ hễ đi thi hay nhắc đến là tôi lại thấy căng thẳng, chân tay run lẩy bẩy, đầu óc trở nên mụ mẫm. Chính vì vậy nên lần cuối tôi tham gia một cuộc thi đó là năm tôi học lớp mẫu giáo lớn. Lần đó tôi được chọn vào đội múa do các cô chọn lựa. Nói là thi chứ thực chất chỉ là đám trẻ con các lớp mầm, lớp hạt, lớp quả thi nhau khua tay múa chân loạn xạ để nhận bim bim và cái bờm công chúa, hết. Tôi vẫn còn nhớ lần đó khi bị đẩy ra đứng giữa sân khấu trong tình trạng vừa ngủ dậy và rất buồn tè trông tôi chẳng khác gì khúc gỗ mục. Cứ đứng yên ở đó nhìn khán giả trân trân trong khi nhạc nổi lên, chúng bạn thì đã vào hàng và bắt đầu múa theo các động tác được dạy. Tôi hồi đó còn hồn nhiên đến nỗi đang đứng giữa khán đài mà còn thản nhiên hét to:

“Cô ơi con buồn tè, con muốn đi tè. Con không múa được. Con mà múa là con tè ra quần mất…”

… -_-

Kể từ đó tôi không hề tham gia bất kì một cuộc thi nào nữa. Tôi không muốn lại tự biến bản thân trở thành tâm điểm của câu chuyện hài tếu lâm cho mọi người rèm pha. Câu chuyện xấu hổ hồi từ mẫu giáo lại một lần nữa được “đào mộ” bởi lão anh trai tôi. Mai là ngày cuộc thi diễn ra, anh tôi muốn Anh Quân đi cùng tới đó nên đã thuật lại câu chuyện đầy xấu hổ kia khi đưa tôi sang Back In Time. Không nằm ngoài dự kiến của tôi, lão anh thầy khi nghe xong thì bò ra cười, lăn ra cười, cười tắc thở… Vừa cười vừa nhại lại khiến cho mấy vị khách ngồi gần đó phải nhìn anh một cách kì thị.

– Ôi trời ơi hahahaha con muốn tè :)))))) trời ạ hahahahahahahahaha ôi chết mất hahahahahahaha

– Anh im đi, cười cái gì. Chủ quán gì mà cười như điên thế này – Tôi xấu hổ tới mức nổi cáu, quên luôn cả cách xưng hô.

– Thì chả đúng à mà còn gào lên – Anh tôi thấy “đồng minh” bị bắt bẻ thì lên tiếng bênh vực.

– Còn anh đi về đi. Em mách mẹ đấy!!

– Tao thách mày mách luôn. Có khi mách xong mẹ còn kể thêm cho thằng Quân với hai bác nghe ấy chứ.

– Em đi về.

Tôi cáu giận xách balô bước ra cửa. Anh tôi vội kéo tôi lại rồi xin lỗi, cả hai lão anh còn ngồi cười chán chê rồi tôi mới được tha. Sau khi anh tôi “nhấc mông” ra về tôi và Anh Quân mới bắt đầu lên tầng luyện tập.

Tập cả buổi chiều không ngừng khiến tôi như cái xác sống. Lưng như sắp gãy, cổ thì đau, vai thì mỏi, đến mười đầu ngón tay cũng đau tới mức không nhắc lên nổi. Thấy tôi liên tục than vãn Anh Quân hẵng giọng rồi đưa ra nhận xét về buổi tập.

– Hôm nay thế này là tạm ổn rồi. Ngày mai cần cố gắng hơn để được chọn vào vòng trong.

– TẠM ĐƯỢC? Bao nhiêu công lao tập luyện cả buổi chiều gần 4 tiếng đồng hồ của em mà thầy gói trong hai từ “TẠM ĐƯỢC”???

– Chứ không thì em đòi thế nào? Tập đi tập lại vẫn còn bị vấp ở đoạn giữa khuông 7 mà còn đòi gì nữa, tạm được là còn may ấy.

– Bị vấp mỗi một chỗ với lại có phải là vấp nhiều lắm đâu, em chỉ chậm hơn có một nhịp thôi. Thầy vẫn muốn trù ẻo em đấy à??

– Thôi thôi đừng có gào lên nữa nhức cả óc. – Anh bịt tai lại rồi xua xua tay vẻ không muốn nghe nữa. – Có thể ở nhà thì không sao nhưng mai là thi rồi, phải tự hoàn thiện chứ.

– Thì biết là thế nhưng hôm nay em tập liên tiếp 4 tiếng liền đấy. Thầy xem tay em sưng hết cả lên rồi đây này, bắt đền thầy đấy.

– Bắt đèn cái gì mà bắt đền. Mai cứ hoàn thành xong phần thi của mình đi. Nếu được lọt vào vòng trong thì sẽ có thưởng.

– Thưởng gì ạ? – Tôi ngừng kêu ca – Mà chắc gì em đã được vào vòng trong, nếu thế thì không được thưởng à?

– Thế thì mới cần cố gắng. Thực chất em là một đứa ngốc nhưng mà thông minh và có tài. Nhưng mà có một điểm yếu là bị tâm lý thi cử.

– Chẳng hiểu sao ngốc lại còn thông minh. Người khác đặt rất nhiều hy vọng vào em, em không muốn làm mọi người thất vọng. Mọi người cũng dành cho em rất nhiều lời tán thưởng chính vì thế nên em cũng rất sợ khi mình bị chê. Em cũng sợ những lời an ủi sáo rỗng như kiểu thương hại em vậy.

– Đúng là ngốc mà. Em cứ suy nghĩ nhiều rồi tự gây áp lực cho mình. Chính điều đó khiến em cảm thấy căng thẳng. Giờ nghĩ ít thôi, chỉ cần em cố gắng hết sức là được. Cứ coi như đó cũng chỉ là buổi tập bình thường giữa hai thầy trò như thế này thôi. Chẳng phải em đã có lần từng nói rằng học với tôi là điều tệ nhất sao?

– Công nhận là không còn gì có thể tệ hơn. – Tôi gật gù công nhận. – Nhưng mà em vẫn sợ lắm. Em không thích tự biến mình thành thảm họa một lần nữa.

– Nói chung trong cuộc thi chiều mai tôi sẽ tới đó cùng em và sau đó chúng ta sẽ đi xem phim, được chưa.

– Thầy hứa nhé? Ngoắc tay.

Tôi chìa ngón tay út của mình ra trước mặt anh. Anh Quân cười nhẹ, gõ nhẹ vào trán tôi một cái rồi ngồi xuống chơi piano một cách thản nhiên. Hành động lạ lùng của anh khiến tôi ngỡ ngàng. Đang nói chuyện mà tự dưng quay sang chơi đàn, thật chẳng hiểu nổi. Dù có hơi bất thường, dù có chẳng giống ai nhưng tôi phải công nhận rằng bản nhạc mà anh đang chơi là bản nhạc dịu dàng nhất mà tôi từng được nghe. Chất chứa trong những nốt nhạc ấy là sự quan tâm ấm áp, là chút gì đó ngọt ngào nhưng cũng có một vị chát khiến người ta giật thót. Cảm giác như đó là giọt nước mắt chuẩn bị rơi nhưng rồi lại hóa ra là một nụ cười. Một cảm giác lưng chừng mấp mé. Ấm áp nhưng chát mặn…

– Đây là bản nhạc tự tôi sáng tác dành tặng cho một người cách đây cũng lâu rồi. Bản gốc đã bị đốt còn bản sao thì không hiểu vì gì nó lại nằm trong kho nhà em.

– Là bản nhạc hôm nọ thầy lấy của em đây ạ?

– Ừ, chính là nó. Nhưng rõ ràng là tôi đã đưa cho cô ấy mà tại sao lại ở nhà em?

Tôi lắc đầu nguầy nguậy. Tôi cũng chẳng rõ đầu cua tai nheo thế nào mà tại sao bản nhạc do Anh Quân tự sáng tác lại nằm ở kho nhà tôi, hơn nữa đó còn là bản nhạc anh sáng tác dành tặng người yêu. Gia đình tôi có quan hệ gì với chị ấy sao? Mà có phải anh nói là sáng tác dành riêng cho người yêu cũ không?

Nghĩ tới đây tôi không thể tránh được cảm giác tủi thân, có gì đó buồn buồn. Nhưng tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần, lại trưng ra nụ cười nham nhở ngu đần của mình nhưng trong đầu vẫn lởn vởn những suy nghĩ không đâu về những lời anh vừa nói.

Anh Quân đứng dậy, thấy tôi vẫn ngồi im tại chỗ thì lấy ngón tay ngoắc ngoắc ngoắc ra hiệu cho tôi đi theo. Tôi đo theo xuống đến phòng của anh. Cửa vừa mở, một mùi hương quen thuộc đã vội ùa vào mũi tôi. Mùi hương này có lẽ tôi chỉ duy nhất được gặp ở phòng anh và trên áo anh, ngọt như mùi kẹo. Đã có lần tôi hỏi anh về cái mùi hương ấy có phải là do anh giấu kẹo trong phòng không. Rốt cục câu trả lời mà tôi nhận được là một cái nhéo má. Anh mắng tôi lắm chuyện, còn bảo đừng nghĩ ai cũng thích ăn đồ ngọt giống mình. Hứ, thích ăn đồ ngọt thì đã sao nào, có phạm pháp đâu mà phải sợ.

Tôi cứ mải mê nghĩ lại chuyện cũ mà chẳng để ý đến Anh Quân đang bận tìm gì đó ở trong laptop. Ngón tay di qua di lại điều khiển con trỏ trên màn hình, vào file này rồi xóa file kia. Một lúc sau anh đặt laptop cuống bàn, hẩy hẩy ra trước mắt tôi, tỏ vẻ không quan tâm nhưng rõ ràng là có một sự mong chờ.

Tôi há hốc mồm nhìn vào màn hình, không tin vào mắt mình. Một đống phim hoạt hình Tom & Jerry xếp theo thứ tự chạy dài từ trên xuống dưới.

– Cái này là…

– Có đầy đủ mấy trăm tập đấy. Không sót tập nào đâu.

– Thầy…thầy tìm hết cả chỗ đó hả?

– Nghĩ tôi rảnh rỗi đến mức như vậy hả. Chẳng qua…chẳng qua là tôi có thằng bạn chuyên về mấy cái phim ảnh, hôm nọ đi cafe nó sưu tập được gửi nhầm cho tôi. Mà mấy trăm tập liền, xóa hết kể cũng tội cho nó mất công gửi nên giữ lại. Vừa hay có con bé ngốc thích xem. Đỡ phải xóa.

Tôi “xì” một cái rồi ngồi ngắm nghía cái đống phim Tom&Jerry, miệng treo tận mang tai. Ai gửi nhầm mà khéo thế không biết.

– Em cảm ơn bạn thầy.

– Thế tôi thì sao?

– Thầy làm sao ạ? Gọi em là ngốc còn đòi gì nữa?

– Được lắm. Con bé này được lắm.

Anh cười nhưng trong lòng thì đang mắng mỏ tôi, tôi biết chứ. Cảm giác trả thù thật là “thung thướng” hahaha.

Hôm nay là cuộc thi vòng loại. Tôi đứng ở trong cánh gà, khẽ vén tấm màn che nhìn xuống dưới hàng ghế khán giả. Ngoài ban giám khảo ngồi trên gàng ghế đặc biệt thì xung quanh chỉ có toàn là giáo viên hoặc các vị phụ huynh. Có bao nhiêu người cũng dự thi giống tôi, người thì chơi piano, người thì lại xách theo đàn violong… Nói chung là toàn đối thủ đáng gờm. Vừa nhắc hai chữ đáng gờm, ánh mắt tôi chạm ngay phải Hoàng Duy, gã bạn thân hồi tiểu học. Từ hôm chia tay ở quán cafe tôi chưa có dịp được gặp lại cậu ấy, nick facebook đã add, số điện thoại đã có nhưng cả hai đều chưa có thời gian nói chuyện. Tôi mạnh dạn chạy tới vỗ vào vai Duy.

– Này, cũng thi à?

– À ừ. Mới đầu định không đi nhưng bị bắt ép ghê quá nên đành phải tham gia.

– Kinh chưa, ai mà có gan bắt ép được Hoàng Duy vậy? Đừng nói là mấy bà giáo ở trường đấy nhé.

– Kinh khủng hơn, bạn gái bắt.

– Thật á? – Tôi cười sằng sặc – Thế cô bạn đấy hôm nay có đến không?

– Không. Hôm nay mọi người phải đi học mà. Tự nhiên lại phải tham gia, cậu có thua cũng đừng trách tôi nhé, do tôi giỏi mà.

– Cậu coi thường bạn bè thế. Yên tâm đi. Nếu tôi mà thua cậu thì cũng là tâm phục khẩu phục.

– Không thể. Chị phải thắng – Thằng nhóc Minh Hoàng từ đâu nhảy bổ vào. Chắc cu cậu hôm nay trốn học tới đây

Duy đang định nói gì đó thì cái loa gọi tên tôi, cậu chỉ kịp cười rồi chúc tôi may mắn. Tôi hít thở thật sâu. Dưới khán đài có mẹ tôi, có Anh Quân nữa. Thi xong tôi sẽ được đi chơi. Nào cố lên. Tôi sẽ làm được. Tôi chậm rãi bước ra giữa sân khấu, cúi chào ba vị ban giám khảo và tất cả mọi người sau đó tôi tiến về phía cây piano ở phía sau. Mọi người vỗ tay sau lời giới thiệu của một người đại diện ban tổ chức. Đột nhiên có một thằng nhóc ở đâu hét to.

– Chị Tú An chắc chắn sẽ đoạt giải nhất. Chị không được mềm lòng trước cái anh kia. Chị cố lên, em tin chị làm được. Saranghae!!!

Trời ơi là trời. Xấu hổ quá đi mất. Giọng nó lẫn với tiếng vỗ tay nên người nghe được người không nghe được. Những người nghe được thì nói là cậu bé này dễ thương, đáng yêu bla bla bla gì gì đó tôi nghe phát ớn. Chẳng hiểu có ai còn nói rằng liệu đây có phải tình yêu học đường hay không. Tôi nguyền rủa cho ai nói câu đó đi ra đường bị xe cán chết. Ai mà yêu cái thằng nhóc Minh Hoàng đó thì chắc chắn đó phải là người đac tuyệt vọng trong tình yêu. Giờ mà có cái hố ở đây tôi đảm bảo là tôi sẽ nhồi thằng ôn Minh Hoàng xuống đó cho nó hết phát biểu linh tinh.

Một vị giám khảo lên tiếng yêu cầu mọi người trật tự để phần thi được phép bắt đầu. Tôi hít thở đều, giữ cho hai tay không run rồi bắt đầu bản nhạc của mình. Là một bản nhạc khác, không phải “To Zanarkand”, không phải bản nhạc tuổi thơ, không phải bản nhạc buồn. Là một bài nhạc về niềm tin, về sự hy vọng mong manh…

Tôi chỉ nghe thấy tiếng đàn của mình, ngoài ra chẳng còn điều gì khác nữa. Tôi có thể cảm nhận độ rung chuyển của từng nốt cao, tôi có thể hòa mình vào sự thâm trầm của những nốt thấp nhất trong bài nhạc. Trong một giây phút nào đó, tôi quên mất mình là ai, tất cả chỉ còn là những giai điệu ấy… Hôm nay dù được đi tiếp hay không, tôi cũng không hề hối hận vì ít nhất tôi đã chơi nhạc bằng cả con tim mình. Nhưng tôi vẫn hy vọng mình lọt vào vòng trong bởi nhiều hơn một người ngồi đươi hàng ghế khán giả đặt trọn niềm tin vào tôi…

Nốt cuối cùng vừa dứt, những tràng pháo tay lại tràn ngập cả căn phòng. Nụ cười ấm áp của ai đó khiến tôi ấm lòng, nét hạnh phúc trên khuôn mặt mẹ khiến tôi cũng hạnh phúc theo.

Kết quả là tôi được lọt vào vòng trong. Khó tin là tôi được xếp ở vị trí đầu bảng, xếp thứ hai là Hoàng Duy. Lúc ra về tôi có gặp cậu ấy. Duy vỗ vai tôi rồi thốt lên.

– Cậu được đó. Xem ra tôi phải cố gắng hơn ở vòng sau nếu muốn giật giải nhất rồi.

– Cậu quá khen rồi.

– Không quá lời đâu. Cậu còn có fan cuồng cơ mà, cái thằng nhóc ý.

– Xin. Tha cho tôi. Tôi còn yêu đời lắm.

– Gì mà kì thị thằng nhóc thế.

– Tú An.

Tôi đang nói chuyện với Hoàng Duy thì nghe tiếng Anh Quân gọi, phía sau là mẹ tôi đi cùng. Hoàng Duy nhìn thấy Anh Quân rồi quay sang tôi cười cười. Tôi gật gật đầu như hiểu cái ẩn ý của Duy.

– Đi trước nhé. – Hoàng Duy vỗ vỗ vai tôi rồi đi thẳng.

Mẹ tôi đi cùng Anh Quân, mẹ cười rồi ôm tôi, nói rằng tôi thi rất tốt và giờ mẹ phải sang nhà bác tôi luôn, nhờ Anh Quân đưa tôi về. Còn Anh Quân thì xin phép cho tôi đi chơi tới tối. Và thế là nghiễm nhiên tôi được đưa đi xem phim.

Đang hí hửng vì được đi xem phim thì ai đó lại chọn ngay phim ma. Tôi gào ầm lên không chịu còn anh cứ thế kéo tôi vào. Vừa đi vừa nói.

– Hàng ngày em xem phim hoạt hình thì sao hả. Vé mua rồi, không đổi được đâu.

Vào trong phòng chiếu, do sợ nên tôi cứ ngồi nép vào một phía. Đã vậy tôi còn ngồi ngay gần cái loa. Mỗi lần con ma trên màn hình rú lên là tôi lại nổi hết cả da gà.

– Đừng sợ.

Anh Quân thấy tôi ngồi nép về một bên thì khẽ thì thầm vào tai tôi, mắt vẫn hướng về màn hình.

– Chốc nữa hãy cẩn thận dưới chân, sẽ có một bàn tay thò ra túm lấy chân em lôi đi đấy.

– Đồ độc ác.

Tôi sợ phát khóc đấm anh một cái rồi toan định đứng lên bỏ ra ngoài nhưng anh đã kịp túm lấy cổ tay giữ tôi lại.

– Đừng có ra. Không sợ ma bắt à?

– Huhu em thề em sẽ không bao giờ đi xem phim với thầy nữa…

Tôi mếu máo nói nhỏ. Trên màn hình cái mặt con ma bất chợt hiện ra, cả rạp gào ầm lên còn Anh Quân thì ngồi cười khanh khách. Đúng là lão dở người. Tôi cũng sợ quá hét ầm lên, mắt mũi nhắm tịt lại, ôm chặt lấy người ngồi cạnh… ~•_•~

Sau khi gào thét chán chê ở rạp chiếu phim Anh Quân đưa tôi đi ăn để đền bù. Đang ngồi ăn dở thì điện thoại tôi reo lên liên hồi. Số lạ.

– Alo? – Tôi nhấc máy.

– Chị Tú An. – Khỏi nói cũng biết là thằng nhóc Minh Hoàng. – Chị ở đâu thế sao em gọi mãi …..bla bla…bla.blaa….

Tôi không hề muốn đáp lại lời thằng nhóc đó. Bí quá không biết làm cách nào tôi dí luôn điện thoại vào tai Anh Quân đang ngồi đối diện. Anh bị bất ngờ nên nhất thời nói năng cũng chẳng ra đâu với đâu.

– Ơ cái gì đấy An?

Nhóc Minh Hoàng vừa nghe thấy giọng Anh Quân thì cúp luôn máy. Tôi cười ầm lên, xem ra có cách cắt cái đuôi khó chịu này rồi. Anh Quân thấy tôi tự dưng ngồi cười thì hỏi, tôi không trả lời lại mắng tôi tâm thần vi dở hơi. Tôi bực bội đá vào chân anh một cái. Nhớ lại cái cảnh trong rạp chiếu phim bất giác tôi đỏ mặt. Cảm giác lúc ấy tuy sợ hãi nhưng lại có chút gì thinh thích. Tôi lại tự cười vu vơ một mình mặc cho người đối diện lại sắp trêu tôi là hâm hay gì đó đại loại thế. Anh đâu có biết anh là nguyên nhân khiến tôi cười…. ~^^~……

—-————————————–

GÓC BÍ MẬT CỦA ANH QUÂN…

Sau khi Tú An vừa ra về, anh đã ngồi ôm laptop tìm trên mạng về phim Tom&Jerry. Anh xem kĩ càng từng tập phim một dù anh chẳng thích xem mấy cái trò trẻ con đó. Ngày nào cũng vậy, liên tiếp trong một tuần liền anh đã down đầy đủ toàn bộ tập phim Tom&Jerry cho ai kia. Anh không biết tại sao anh lại làm thế. Anh làm thế để làm gì? Anh đâu có được trả lương chứ. Vậy mà khi đã down xong hết anh lại còn bịa đó là do bạn anh gửi nhầm chỉ để mong một lời cảm ơn ké từ ai kia vậy mà con nhóc đó vẫn bướng bỉnh không nỡ cảm ơn anh một lời. Một người lạnh lùng như anh, cao ngạo như anh từ bao giờ đã phải làm mấy cái trò như thế này? Đến ngay cả bản thân anh cũng không rõ nữa.

Anh đặt bút xuống bàn làm việc, day day hai bên thái dương, anh bất chợt nhìn lên bức tường đẹp đẽ ngày nào giờ chi chít những tờ giấy ghi nhớ. Bức tường đó là thứ duy nhất nằm trong nhà anh nhưng lại không phải của anh. Bức tường đó là do một con bé cứng đầu, ương bướng và thích đồ ngọt, con bé mà anh rất thích trêu, chính nó đã tỉ mẩn dán từng mảnh giấy màu mè lên bức tường ấy. Nhắc đến đồ ngọt, anh thử bóc một viên kẹo rồi thả vào miệng. Vị ngọt từ viên kẹo dần lan tỏa cùng nụ cười phảng phất trên khuôn mặt anh…


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.