Ngày thứ hai
Khoảng chín giờ sáng, một chiếc xe hơi màu trắng thanh nhã dừng lại ở bãi đỗ ven thành phố nước nóng (xe không có quyền vào thêm) và Klima bước từ trên xe xuống.
Đoạn giữa phố chính của khu điều dưỡng có một khu vườn công cộng trải dài, điểm xuyết nhiều bụi cây, bãi cỏ, những lối đi rải cát và ghế đá nhiều màu. Tứ phía là những ngôi nhà của trung tâm nước nóng, trong số đó có khu nhà ở Karl Marx, nơi nghệ sĩ kèn đêm trước đã trải qua hai giờ đồng hồ định mệnh trong căn phòng nhỏ của cô y tá Ruzena. Trước mặt nhà Karl Marx, ở phía bên kia khu vườn là toà nhà đẹp nhất của khu, toà nhà theo phong cách Nghệ thuật mới hồi đầu thế kỷ, phủ những hoạ tiết trang tri bằng đá hoa và ở lốivào nổi lên một bức đắp nổi. Chỉ mình nó có cái ưu tiên được giữ tên cũ không phải đổi: khách sạn Richmond.
– Ông Bertlef còn ở khách sạn không? – Klima hỏi người gác cổng, và khi anh ta trả lời là có, anh chạy lên, đi qua tấm thảm đỏ lên tầng một và gõ vào một cánh cửa.
Khi bước vào, anh nhìn thấy Bertlef trong bộ pyjama bước ra gặp anh. Anh xin lỗi vì cuộc đến thăm đường đột, nhưng Bertlef ngắt lời anh:
– Anh bạn! Đừng xin lỗi chứ! Anh đã cho tôi niềm vui lớn nhất có thể có dvào cái giờ sớm sủa này!
Ông siết chặt tay Klima và nói tiếp:
– Tại đất nước này người ta không tôn trọng buổi sáng. Họ tỉnh giấc rất đột ngột bằng cách đặt chuông báo thức, nó cắt ngang giấc ngủ của họ như một nhát chém và rồi sau đó thì cứ cuống cuồng lên. Anh có thể nói cho tôi một ngày bắt đầu bằng một hành động bạo lực như thế sẽ đi đến đâu? Điều gì sẽ xảy đến với những người có đồng hồ báo thức đều đặn hàng ngày giống như một cú điện giật như thế? Hàng ngày họ sẽ quen với bạo lực và hàng ngày họ sẽ chối bỏ niềm vui. Hãy tin tôi đi, buổi sáng nó quyết định tâm tính một con người đấy.
Bertlef nhẹ nhàng khoác vai Klima, dẫn anh đến ngồi vào một chiếc ghế bành và nói tiếp:
– Tôi yêu biết bao những giờ phút lười biếng buổi sáng mà tôi trải qua một cách chậm chạp như đi qua một cây cầu hai bên đầy tượng để từ đêm sang ngày, từ giấc ngủ sang cuộc sống thức tỉnh. Đó là khoảnh khắc trong ngày mà tôi thấy biết ơn làm sao một điều kỳ diệu nho nhỏ, một cuộc gặp bất ngờ sẽ thuyết phục được tôi rằng những giấc mơ của đêm vẫn còn tiếp tục và cuộc phiêu lưu của giấc ngủ và cuộc phiêu lưu của ngày về bản chất không hề bị tách biệt.
Nghệ sĩ kèn quan sát Bertlef đi từ phòng ngủ xuống trong bộ pyjama và đưa tay vuốt mái tóc muối tiêu, và anh nhận ra trong giọng nói âm vang mang âm sắc Mỹ không thể xóa đi được và trong vốn từ vựng được trộn vào điều gì đó cũ kỹ đến thích thú, rất dễ giải thích vì Bertlef chưa bao giờ sống tại đất nước tổ tiên của mình và ông nói được tiếng mẹ đẻ chỉ nhờ vào truyền thống gia đình ông.
– Và anh bạn ạ, không một ai – lúc này ông đang cúi xuống Klima với một nụ cười tin cậy – Không ai trong thành phố này có thể hiểu được tôi. Ngay cả các cô y tá, ngoài những cô thích chiều lòng người khác, còn thì ai cũng cảm thấy khó chịu khi được tôi mời đến chia sẻ những giây phút thoải mái của bữa sáng, thế cho nên tôi toàn phải lùi các cuộc hẹn xuống buổi tối, tức là vào cái giờ mà tôi đã hơi mệt mỏi rồi.
Rồi ông tiến lại bàn điện thoại và hỏi:
– Anh đến lúc nào?
– Sáng nay – Klima nói – Bằng xe hơi.
– Chắc anh đang đói – Bertlef nói và ông nhấc máy lên. Ông gọi hai suất ăn sáng “Bốn quả trứng luộc, pho mát, bơ, bánh sừng bò, sữa, jambon và trà”.
Trong lúc đó Klima nhìn quanh phòng. Một chiếc bàn tròn lớn, ghế, một ghế bành, một cái gương, hai đi văng, cánh cửa dẫn vào phòng tắm và một phòng bên cạnh, anh nhở ở đó có phòng ngủ nhỏ của Bertlef. Chính ở đây, trong căn hộ tráng lệ này, tất cả đã bắt đầu. Chính ở đây các nhạc công say sưa của dàn nhạc đã qua đêm, và ông nhà giàu người Mỹ đã mời vài cô y tá về để mua vui cho họ.
– Phải – Bertlef nói, bức tranh anh đang nhìn không có ở đây lần trước đâu.
Chỉ vào lúc này, nghệ sĩ kèn mới nhận ra một bức tranh vẽ một người đàn ông rậm râu, bao quanh đầu là một quầng sáng kỳ lạ màu xanh nhạt và cầm trong tay một chiếc bút lông và một bảng màu. Bức tranh có vẻ vụng về, nhưng nghệ sĩ kèn biết nhiều bức tranh trông bề ngoài vụng về lại chính là những tác phẩm nổi tiếng.
– Ai vẽ tranh này thế?
– Tôi – Bertlef trả lời.
– Tôi không biết là ông có vẽ tranh đâu nhé.
– Tôi rất thích vẽ.
– Thế đây là ai? – Nghệ sĩ kèn hỏi.
– Thánh Lazare.
– Cái gì? Thánh Lazare là hoạ sĩ à?
– Không phải Lazare của Kinh Thánh đâu, mà là thánh Lazare, một thầy tu sống vào thế kỷ IX ở Constantinople. Đó là vị thánh bảo trợ của tôi.
– Thế à! – Nghệ sĩ kèn thốt lên.
– Đó là một ông thánh rất lạ. không phải ông ấy tuẫn nạn vì không tin vào Chúa, mà là bị một số con chiên xấu tính giết chết vì tội yêu hội hoạ quá. Có lẽ anh cũng biết, vào thế kỷ thứ VIII và thứ IX nhánh Hy Lạp của Giáo Hội lên cơn sốt khắc kỷ cực đoan, không chút xót thương nào cho những niềm vui trần thế. Ngay những bức tranh và bức tượng cũng bị xem là đối tượng của thú vui bẩn thỉu. Hoàng đế Théophile ra lệnh phá huỷ hàng nghìn bức hoạ đẹp và cấm Lazare thân thiết của tôi vẽ. Nhưng Lazare biết là tranh của mình ngợi ca Chúa, và không chịu lui bước. Théophile bèn nhốt ông vào tù, buộc Lazare bỏ bút vẽ, nhưng Chúa nhân từ đã cho ông sức mạnh để chịu đựng những hình phạt tàn khốc.
– Một câu chuyện rất hay – nghệ sĩ kèn lịch sự nói.
– Tuyệt diệu ấy chứ. Nhưng chắc chắn anh đến đây không phải để xem tranh của tôi.
Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa và một người phục vụ bước vào cùng một cái khay lớn. Anh ta đặt nó lên bàn và bày biện đồ ăn sáng cho hai người.
Bertlef mời nghệ sĩ kèn ngồi và nói:
– Bữa sáng nhỏ bé này không quá quan trọng để mà chúng ta ngừng nói chuyện. Hãy nói cho tôi anh đang đau khổ về điều gì?
Thế là vừa ăn, nghệ sĩ kèn trompet vừa kể cuộc phiêu lưu tồi tệ, và trong khi anh kể Bertlef nhiều lần đặt ra những câu hỏi.
Trước hết ông muốn biết tại sao Klima không trả lời hai tấm thiệp của cô y tá, tại sao anh lại trốn không trả lời điện thoại và tại sao anh không hề có một cử chỉ thân thiện có thể kéo dài đêm tình ái của họ như một tiếng vang dễ chịu và êm ái.
Klima công nhận cách cư xử của anh vừa không có lý vừa không lịch sự. Nhưng, hãy tin anh, điều đó mạnh hơn anh. Mọi cách tiếp xúc với cô gái đều làm anh kinh hoàng.
– Quyến rũ một người phụ nữ – Bertlef phật ý nói – là ở trong tầm tay một kẻ ngu ngốc vớ vẩn nào đó. Nhưng còn phải biết thoát khỏi cô ta nữa, điều này đòi hỏi phải là một người đàn ông chín chắn.
– Tôi biết – nghệ sĩ kèn buồn bã thú nhận – nhưng ở tôi sự chán ghét, sự chán chường không thể vượt qua còn mạnh hơn tất cả những ý định tốt đẹp.
– Hãy nói cho tôi biết – Bertlef kinh ngạc kêu lên – anh có ghét phụ nữ không?
– Người ta vẫn nói tôi thế đấy.
– Làm sao thế được nhỉ? Anh không có vẻ gì bất lực cũng như đồng tính cả.
– Dĩ nhiên là không cả hai cái đó. Có cái gì đó còn tệ hơn cơ – nghệ sĩ kèn buồn rầu thú nhận – Tôi yêu vợ tôi. Đó là bí mật tình ái mà phần lớn mọi người đều thấy hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Đó là một lời thú nhận cảm động đến nỗi cả hai người đàn ông ngồi lặng im mất một lúc. Rồi nghệ sĩ kèn nói tiếp:
– Không ai hiểu điều đó hết cả, và vợ tôi thì còn ít hơn tất cả. Cô ta tưởng tượng một tình yêu vĩ đại sẽ khiến chúng ta không lăng nhăng dây dưa nữa. Nhưng như thế là nhầm. Điều gì đó cứ thúc đẩy tôi, lúc nào cũng thế, đến một người đàn bà khác, dù rằng ngay sau khi chiếm đoạt được cô ta tôi liền như viên đạn bị bắn đi khỏi, bằng một lò xo cực mạnh, để trở về bên Kamila. Đôi khi tôi có cảm giác nếu tôi tìm kếim những người đàn bà khác thì chỉ là vì cái lò xo đó, cái đà nhảy và cái chuyến bay kỳ diệu đó (tràn ngập sự dịu dàng, ham muốn và nhục nhã), đưa tôi về với vợ tôi, người mà sau mỗi lần không chung thuỷ tôi lại yêu thêm nhiều lần.
– Nghĩa là với anh cô y tá Ruzena chỉ như là để khẳng định thêm tình yêu một vợ một chồng của anh?
– Đúng vậy – nghệ sĩ kèn trả lời – và là một lời khẳng định hết sức dễ chịu. Bởi vì cô y tá Ruzena rất quyến rũ khi người ta thấy cô lần đầu, và cũng thật hay vì sự quyến rũ đó kết thúc sau hai giờ đồng hồ, điều đó không có gì thúc đẩy ở anh và cái lò xo sẽ ném anh vào cái hành trình tuyệt diệu trở về.
– Bạn thân mến, một tình yêu quá đà là một tình yêu tội lỗi, và chắc hẳn anh là bằng chứng tốt nhất cho điều đó.
– Tôi từng tin rằng tình yêu của tôi với vợ là điều tốt đẹp duy nhất mà tôi có được.
– Và anh đã nhầm. tình yêu quá mức mà anh dành cho vợ anh không nằm ở cực đối diện và để bù trừ cho sự gian dối của anh, mà nó chính là nguồn gốc. Tức là vợ anh là tất cả với anh, toàn bộ những người đàn bà khác không là gì với anh, hoặc nói cách khác, tất cả bọn họ đều là phò. Nhưng đó là một sự báng bổ lớn lao và một sự khinh bỉ lớn đối với những gì mà Chúa đã tạo ra. Bạn thân mến, kiểu tình yêu đó là ngoại đạo đấy.
Bertlef gạt cái cốc không của mình ra, đứng dậy khỏi bàn và vào phòng tắm, từ đó thoạt đầu Klima nghe tiếng nước chảy, rồi một lúc sau là giọng Bertlef:
– Anh tin là người ta có quyền giết một đứa trẻ chưa ra đời à?
Lúc nãy, khi ngắm bức tranh người đàn ông râu rậm với vòng hào quang, anh đã hơi chột dạ. Anh vẫn nhớ Bertlef là một người sống động vui tươi, chưa bao giờ anh hình dung người đàn ông đó lại là một người tin đạo. Anh cảm thấy tim mình thắt lại với ý nghĩ sắp phải nghe một bài giảng đạo đức và cái ốc đảo duy nhất của anh tại thành phố nước nóng này cũng sẽ đầy cát. Anh trả lời, giọng tắc nghẹn:
– Ông ủng hộ gọi đó là một vụ giết người à?
Bertlef không trả lời ngay. Một lúc sau ông từ phòng tắm đi ra, mặc âu phục và chải đầu rất cẩn thận.
– Giết người là một từ gợi lên ghế điện. Tôi không muốn nói đến điều đó. Anh biết đấy, tôi tin là cuộc sống thế nào thì phải chấp nhận thế ấy. Đó là lời răn đầu tiên, trước Mười lời răn của Chúa. Tất cả các sự kiện đều nằm trong tay Chúa, chúng ta không biết gì về điều sẽ xảy ra hết. Tôi muốn nói là chấp nhận cuộc sống như nó được trao cho chúng ta, nghĩa là chấp nhận cái không biết trước được. Và một đứa bé, đó là kết tinh của cái không biết trước được. Anh không biết nó sẽ trở nên như thế nào, nó sẽ mang lại cho anh những gì, và chính vì điều đó mà phải chấp nhận nó. Nói cách khác anh chỉ sống một nửa, anh sống như ai đó không biết bơi, lội bì bõm gần bờ, dù đại dương chỉ là nơi người ta chìm nghỉm vào mà thôi.
Nghệ sĩ kèn trả lời đứa trẻ không phải là của anh.
– Cứ cho thế di – Bertlef nói – Chỉ có điều, anh hãy công nhận một cách thẳng thắng rằng anh sẽ cũng sẽ cứ khăng khăng bắt Ruzena phá thai ngay cả khi đứa con đó là của anh. Anh sẽ làm điều đó vì vợ anh và vì cái tình yêu tội lỗi mà anh dành cho cô ấy.
– Đúng, tôi công nhận – nghệ sĩ kèn trả lời – Tôi cũng sẽ bắt cô ấy phá thai dù ha6ụ quả là thế nào đi nữa.
Bertlef đứng dựa lưng vào cánh cửa nhà tắm, và mỉm cười:
– Tôi hiểu anh và tôi sẽ không cố thuyết phục anh thay đổi ý định đâu. Tôi đã quá già nên không muốn răn dạy thế giới nữa. Tôi đã nói với anh những gì tôi nghĩ, thế thôi. Tôi sẽ vẫn là bạn anh dù cho anh có xử sự trái ngược với đức tin của tôi và tôi sẽ giúp anh ngay cả khi anh không đồng ý.
Nghệ sĩ kèn chăm chú nhìn Bertlef, người vừa nói câu nói đó bằng một giọng mượt như nhung của một người giảng đạo thông thái. Anh thấy ông thật đáng ngưỡng mộ. Anh có cảm giác tất cả những gì Bertlef nói đều có thể trở thành một huyền thoại, một phúng dụ, một tấm gương, một chương sách rút ra từ cuốn Phúc Âm hiện đại. Anh những muốn (chúng ta hãy hiểu cho anh, anh đang rất xúc động và dễ có những hành động quá đà) quỳ gối thật thấp trước ông.
– Tôi sẽ giúp anh hết sức có thể – Bertlef trả lời – Một lát nữa chúng ta sẽ đi gặp anh bạn của tôi, bác sĩ Skreta, anh ấy sẽ giúp anh giải quyết vấn đề. Nhưng hãy giải thích cho tôi anh sẽ làm thế nào để khiến Ruzena quyết định được điều mà cô ấy ghê sợ?
Khi nghệ sĩ kèn đã trình bày xong kế hoạch của mình, Bertlef nói:
– Chuyện của anh gợi cho tôi nhớ đến một câu chuyện đã xảy đến với chính tôi thời tuổi trẻ đầy phiêu lưu, khi tôi làm bốc dỡ ở cảng biển, có một cô gái mang đồ ăn cho chúng tôi. Cô ấy rất tốt bụng không từ chối ai bao giờ cả. Thế đấy, sự tốt bụng trong tâm hồn (và cả về cơ thể) khiến đàn ông trở nên tàn bạo hơn là biết ơn, trong số đàn ông đó chỉ có tôi chú ý đến cô ấy với chút tôn trọng, và cũng là người duy nhất chưa từng ngủ với cô ấy. Cô ấy yêu tôi chính vì tôi như thế. Hẳn là tôi sẽ làm cô ấy buồn và cảm thấy nhục nhã nếu không làm tình với cô ấy. Điều ấy chỉ xảy ra một lần duy nhất và tôi giải thích ngay là tôi sẽ vẫn tiếp tục yêu cô ấy với một tình yêu tinh thần lớn lao nhưng chúng tôi không thể tiếp tục là nhân tình của nhau nữa. Cô ấy oà khóc, vừa bỏ đi vừa khóc, cô ấy không chào hỏi tôi nữa và còn hiến thân mù quáng cho người khác hơn trước. Rồi hai tháng trôi qua và cô ấy tuyên bố đã có thai với tôi.
– Thế thì ông từng ở cùng tình thế với tôi! – Nghệ sĩ kèn kêu lên.
– Anh bạn – Bertlef nói – anh không biết rằng những gì xảy đến với anh cũng xảy đến với những người đàn ông khác trên thế giới à?
– Thế ông đã làm gì?
– Tôi đã cư xử chính xác như anh tính làm, nhưng hơi khác một chút. Anh muốn làm ra vẻ anh yêu Ruzena, còn tôi, tôi thực sự yêu người con gái đó. Tôi nhìn thấy trước mặt mình một con người khốn khổ, bị tất cả khinh khi và dày xéo, một người khốn khổ trong đời chỉ duy nhất một lần được một người khác tỏ ra trân trọng, và không muốn đánh mất sự trân trọng đó. Tôi hiểu là cô ấy yêu tôi và tôi không thể trách cô ấy đã bỉêu lộ tình yêu ấy theo cách của mình, nghĩa là với những công cụ mà sự thấp kém vô tội của cô ấy cung cấp cho. Hãy nghe điều tôi nói với cô ấy khi đó “Anh biết rất rõ là em có mang với người khác. Nhưng anh cũng biết em dùng cách này vì tình yêu và anh muốn đáp lại tình yêu của em bằng tình yêu. Đứa con là của ai không quan trọng, nếu em muốn thì anh sẽ cưới em làm vợ”.
– Điên rồ quá!
– Nhưng chắc chắn hiệu quả hơn cả cái chương trình kỹ càng của anh. Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần với cô điếm nghiệp dư là tôi yêu cô ấy và tôi muốn cưới cô ấy cùng đứa con, đến khi cô ấy khóc oà lên và thú nhận đã lừa dối tôi. Cô ấy nói trước sự tốt bụng của tôi, cô ấy đã hiểu ra là không xứng đáng với tôi và sẽ không bao giờ đòi tôi cưới hết cả.
Nghệ sĩ kèn im lặng, suy nghĩ. Bertlef nói thêm:
– Tôi sẽ rất mừng nếu câu chuyện giúp được anh điều gì. Đừng tìm cách buộc Ruzena tin rằng anh yêu cô ấy mà hãy cố thực sự yêu cô ấy. Hãy cố thương cô ấy. Ngay cả nếu cô ấy dẫn anh đến chỗ lầm lạc, thì hãy cố tìm thấy trong sự dối trá đó một hình thức của tình yêu. Tôi chắc rằng tiếp theo đó cô ấy sẽ không kháng cự lại sức mạnh lòng tốt của anh và cô ấy sẽ làm hết sức để không mang lại điều xấu cho anh.
Những lời của Bertlef gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nghệ sĩ kèn. Nhưng ngay khi nhìn Ruzena dưới ánh sáng mạnh hơn, anh hiểu là con đường tình yêu mà Bertlef gợi ý không thể áp dụng được với cô, đó là con đường của các bậc thánh chứ không phải của người phàm tục.
Ruzena ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong phòng lớn của khu tắm, những người phụ nữ sau khi được trị liệu nằm nghỉ trên những chiếc giường xếp dọc tường. Cô vừa nhận thẻ của hai bệnh nhân mới. Cô ghi ngày tháng, đưa hai người chìa khóa phòng thay đồ, khăn tắm và khăn trải giường khổ lớn. rồi cô nhìn đồng hồ và đi vào căn phòng ở góc tường (cô chỉ mặc một chiếc áo blu dính lên da vì những căn phòng lát đá hoa đầy hơi nóng), về phía bể bơi nơi khoảng hai mươi phụ nữ trần truồng đang lội bì bõm trong nước của suối nguồn kỳ diệu. Cô gọi tên ba người, thông báo với họ rằng thời gian tắm quy định của họ đã hết. Những người đàn bà ngoan ngoãn rời khỏi bể bơi, lắc lắc bầu vú khổng lồ của mình cho nước rơi xuống, đi theo Ruzena về phía những chiếc giường và nằm lên đó. Ruzena lần lượt phủ khăn lên người họ, lau mắt cho họ bằng một mẩu vải và quấn thêm cho họ một lớp chăn ấm. Những người đàn bà mỉm cười với cô, nhưng Ruzena không cười đáp lại.
Thật không dễ chịu khi sinh ra tại một thành phố nhỏ hàng năm có mười nghìn phụ nữ đến chữa bệnh nhưng gần như không có chàng thanh niên nào lai vãng, ngay ở tuổi mười lăm một người con gái đã có ý tưởng chính xác về toàn bộ cơ may tình dục mình có thể có trong suốt cuộc đời nếu không nhanh chóng chuyển chỗ khỏi nơi đây. Và làm thế nào để chuyển được chỗ ở? Khu điều dưỡng nơi cô làm việc không sẵn sàng cho nhân viên thôi việc, và bố mẹ của Ruzena cũng phản đối mãnh liệt mỗi khi cô ám chỉ đến việc chuyển nhà.
Không, người phụ nữ trẻ tuổi này, dù nói chung rất cố gắng hoàn thành chỉn chu công việc của mình, không cảm thấy yêu quý những người bệnh cho lắm. Có thể có ba nguyên nhân cho việc đó:
Lòng ghen tị: những người phụ nữ đến đây sau khi từ biệt chồng, người tình của mình, cái vũ trụ mà cô tưởng tượng có ngàn vạn khả năng mà cô không thể xâm nhập dù có có vú đẹp, chân dài và đường nét đều đặn hơn họ.
Ngoài lòng ghen tị, sự sốt ruột: những người đàn bà đến nơi đây có số phận ở đàng xa, trong khi cô ở đây không có số phận, năm tháng trôi đi vẫn là con người đó, cô hoảng sợ với suy nghĩ mình sống ở chốn hẻo lánh này đoạn đời không chút sự kiện, và dù có tuổi trẻ, cô vẫn không ngừng nghĩ mình không được hưởng cuộc đời, vẫn chưa bắt đầu sống.
Thứ ba là sự ghê tởm bản năng mà sự đông đảo của họ mang lại, sự đông đảo làm giảm bớt giá trị của mọi phụ nữ với tư cách một cá nhân. Cô bị bao quanh bởi sự lạm phát đáng buồn những bộ ngực đàn bà, giữa đó ngay cả bộ ngực đẹp như của cô cũng bị lu mờ.
Cô vừa quấn vải cho người đàn bà thứ ba xong, không năn nổi nụ cười, thì đồng nghiệp gầy gò thò đầu vào phòng, hét “Ruzena! Có điện thoại!”
Cô ta có vẻ nghiêm trang đến nỗi Ruzena biết ngay là ai gọi điện. Khuôn mặt ướt đầm đìa vì nóng, cô vào sau mấy cái cabin, nhấc máy điện thoại và nói tên.
Klima xưng tên và hỏi khi nào cô có thời gian để gặp.
– Em xong việc lúc 3 giờ. Chúng ta có thể gặp nhau lúc 4 giờ.
Sau đó phải thống nhất địa điểm gặp mặt. Ruzena đề nghị quán cà phê lớn của khu điều dưỡng, mở cửa suốt ngày. Cô đồng nghiệp gầy gò, vẫn đứng bên cạnh và không rời mắt khỏi môi cô, gật đầu ra vẻ đồng ý. Nghệ sĩ kèn trả lời muốn gặp Ruzena tại nơi nào có thể được ở một mình và đề nghị đưa cô đi đâu đó bằng xe hơi, bên ngoài khu.
– Không cần thế đâu, anh còn muốn chúng ta đi đâu nào? – Ruzena nói.
– Chúng ta được riêng tư bên nhau.
– Nếu anh ngượng vì em thì không việc gì phải đến đâu – Ruzena nói và cô bạn đồng nghiệp lại đồng tình.
– Anh có muốn nói thế đâu – Klima nói – 4 giờ anh sẽ đợi em trước quán cà phê.
– Tốt đấy – cô gái gầy gò nói khi Ruzena dập máy.
– Ông ấy muốn gặp em ở một chỗ kín đáo, nhưng em phải làm thế nào để càng nhiều người nhìn thấy bọn em càng tốt.
Ruzena vẫn còn căng thẳng và cuộc hẹn hò này làm cô hoảng sợ. Cô không còn có thể tái hiện được hình ảnh của anh trong óc. Vẻ ngoài của anh ra sao, nụ cười, dáng đi của anh thế nào? Trong lần gặp nhau duy nhất của họ, anh chỉ để lại trong cô một hình ảnh rất mơ hồ. Các đồng nghiệp của cô đã gặng hỏi cô rất nhiều về nghệ sĩ kèn trompet, anh trông ra sao, anh đã nói gì, khi cởi hết quần áo ra trông anh thế nào và cách làm tình của anh có gì hay. Nhưng cô không tài nào nói được gì và chỉ lặp đi lặp lại câu “như một giấc mơ”.
Đó không phải chỉ là một hình ảnh: người đàn ông cùng cô hai giờ trên giường ngủ đã đi thẳng từ những tấm áp phích đến với cô. Trong một lúc bức ảnh của anh đã mang một thực tế ba chiều, có sức nóng và có trọng lượng, rồi sau đó trở thành một hình ảnh phi vật chất và không màu, được nhân lên hàng nghìn bản, do đó càng trừu tượng và không thật.
Và vì anh rời khỏi cô nhanh đến thế để trở lại là cái hình ảnh trên tường, cô vẫn giữ cảm giác khó chịu về sự hoàn hảo của anh. Cô không thể nghĩ đến một chi tiết dù là nhỏ nhất nào có khả năng hạ thấp anh và đưa anh lại gần hơn. Khi anh ở xa, cô cảm thấy tràn ngập một sự hiếu chiến mạnh mẽ, nhưng giờ đây khi cô đã cảm thấy sự hiện diện của anh, sự dũng cảm đã rời bỏ cô.
– Hãy vững vàng nào – cô gái gầy gò nói – Chị sẽ gập ngón tay cầu chúc cho em.
Khi Klima kết thúc cuộc nói chuyện với Ruzena, Bertlef khoác tay anh dẫn đến khu nhà Kark Marx, nơi bác sĩ Skreta có văn phòng và cũng ở luôn đó. Nhiều người phụ nữ ngồi trong phòng đợi, nhưng Bertlef không chần chừ gõ lên cửa bốn tiếng ngắn. Một lúc sau xuất hiện một anh chàng cao lớn mặc blu trắng, đeo kính, mũi to. “Xin đợi một lát”, anh ta nói và dẫn hai người đàn ông vào hành lang và sau đó là căn hộ của anh, nằm ở tầng trên đó.
– Anh thế nào, bậc thầy? – anh ta nói, nhìn nghệ sĩ kèn trompet khi cả ba người ngồi xuống – Khi nào anh sẽ biểu diễn ở đây nữa?
– Không bao giờ trong đời nữa cả – Klima trả lời – Vì thành phố này đã chơi tôi một vố.
Bertlef giải thích cho bác sĩ Skreta điều đã xảy đến với nghệ sĩ, Klima nói thêm:
– Tôi muốn nhờ anh giúp đỡ tôi. Trước hết tôi muốn biết liệu cô ta có bầu thật hay không. Có thể chỉ là chậm kinh nguyệt bình thường. Hoặc là cô ta định chơi tôi. Điều này đã xảy đến với tôi một lần. Cũng tóc vàng.
– Đừng bao giờ làm gì với những cô gái tóc vàng – bác sĩ Skreta nói.
– Đúng đấy – Klima đồng ý – Gái tóc vàng luôn làm tôi khốn đốn. Bác sĩ, lần đó kinh khủng lắm. Tôi đã buộc cô ta đi khám bác sĩ. Chỉ có điều khi mới mang thai thì khó mà chắc được lắm. Thế là tôi đòi làm test trên con chuột. Người ta tiêm nước tiểu vào một con chuộg và nếu buồng trứng con chuột phồng lên…
– Thì tức là cô ta có thai – bác sĩ Skreta nói nốt.
– Một buổi sáng cô ta mang nước tiểu đến, đựng trong một cái lọ, tôi dẫn cô ta đi và cô ta làm rơi cái lọ xuống vỉa hè ngay trước phòng khám. Tôi lao đến đống mảnh vỡ, hy vọng cứu được dù chỉ một giọt! Nhìn thấy điệu bộ tôi khi đó người ta có thể nói cô ta vừa làm rơi chiếc bình Graal chí thánh. Cô ta đã cố tình làm vỡ cái lọ vì cô ta biết mình không mang thai và muốn kéo dài sự khổ sở của tôi lâu hết mức có thể.
– Thói quen rất đặc trưng của các cô gái tóc vàng – bác sĩ Skreta nói, không chút ngạc nhiên.
– Anh có nghĩ là có sự khác biệt giữa các cô gái tóc vàng và các cô gái tóc nâu? – Bertlef hỏi, nghi ngờ về kinh nghiệm đàn bà của bác sĩ Skreta.
– Sao lại không! – Bác sĩ Skreta nói – Tóc vàng và tóc đen, đó là hai thái cực của bản chất con người. Tóc đen chứng tỏ nam tính, lòng gan dạ, sự thẳng thắn, hành động, trong khi tóc vàng biểu tượng cho nữ tính, sự dịu dàng, yếu đuối và thụ động. Thế nên một cô gái tóc vàng quả thực là đàn bà hai lần. Một nàng công chúa chỉ có thể tóc vàng. Chính vì lẽ đó mà phụ nữ, để chứng tỏ mình có nữ tính hết mức có thể được, sẽ nhuộm tóc vàng chứ không bao giờ nhuộm tóc đen hết.
– Tôi rất tòm ò bằng cách nào các sắc tố lại có ảnh hưởng lớn đến thế lên tâm hồn con người – Bertlef nói giọng nghi ngờ.
– Vấn đề không phải là các sắc tố. Một người phụ nữ tóc vàng tự quen một cách vô thức với tóc của mình. Nhất là khi người phụ nữ tóc vàng đó là một người tóc nâu nhuộm sang vàng. Cô ta muốn trung thành với màu sắc của mình và cư xử như một con người mềm mỏng, một con búp bê nhẹ nhõm, cô ta đòi hỏi được đối xử dịu dàng, được người khác làm cho mọi việc, được hưởng sự chiều chuộng và được nuôi nấng, cô ta không có khả năng tự mình làm được việc gì hết, bên ngoài họ tỏ ra tinh tế nhưng bên trong thực ra rất thô kệch. Nếu tóc nâu trở thành hình mẫu phổ quát, nhất định chúng ta sẽ sống tốt đẹp hơn hẳn ở đời này. Đó sẽ là cải cách xã hội có ích nhất mà con người từng thực hiện.
– Thế thì rất có thể Ruzena cũng đang đóng kịch – Klima chen vào, tìm kiếm trong những lời của bác sĩ Skreta một lý do để hy vọng.
– Không. Hôm qua tôi đã khám cho cô ấy. Cô ấy có mang – bác sĩ nói.
Bertlef nhận thấy nghệ sĩ kèn trompet trở nên tái nhợt. Ông nói:
– Bác sĩ, anh là chủ tịch hội đồng xét phá thai phải không?
– Đúng – bác sĩ Skreta nói – Thứ sáu tới chúng tôi sẽ họp.
– Tuyệt – Bertlef nói – Không còn thời gian để mất nữa, vì thần kinh của anh bạn chúng ta rất có thể sẽ không chịu nổi. Tôi biết là ở đất nước này các anh không cho phép tự tiện phá thai.
– Không được tự tiện – bác sĩ Skreta nói – Trong hội đồng ngoài tôi ra còn có hai phụ nữ bình thường đại diện cho quyền lực quần chúng. Họ xấu xí vô cùng và căm ghét tất cả những người phụ nữ có việc phải tìm đến chúng tôi. Ông có biết ở trần gian này ai ghét phụ nữ nhất không? Là phụ nữ. Thưa các ngài, không một người đàn ông nào, ngay cả ngài Klima đây, người từng bị đến hai người đàn bà tính chuyện đổ vấy cái thai của họ, có thể căm ghét phụ nữ hơn là chính những người phụ nữ đối với giới tính của mình. Các ông nghĩ tại sao họ lại cố gắng q uyến rũ chúng ta? Chỉ là để có thể thách thức và hạ nhục những người đồng giới của mình mà thôi. Chúa đã khắc sâu vào trái tim phụ nữ lòng hận thù dành cho những người phụ nữ khác bởi vì ông ta muốn giống người được nhân lên.
– Tôi tha thứ cho những lời của anh – Bertlef nói – vì tôi muốn trở lại chuyện người bạn của chúng ta. Dù sao trong hội đồng đó chính anh sẽ là người quyết định và những người đàn bà xấu xí đó sẽ làm điều mà anh nói.
– Dĩ nhiên tôi là người quyết định rồi, nhưng dù sao tôi cũng không muốn tiếp tục đảm nhiệm việc đó nữa. Tôi có được đồng xu nào đâu. chẳng hạn anh, bậc thầy, anh kiếm được bao nhiêu TỪ một buổi biểu diễn.
Con số mà Klima nói ra làm bác sĩ Skreta phấn chấn.
– Tôi vẫn thường nghĩ – anh nói – là cần phải kiếm thêm tiền bằng cách chơi nhạc. Tôi chơi trống không tệ đâu nhé.
– Anh chơi trống à? – Klima hỏi, cố tỏ ra quan tâm.
– Phải – bác sĩ Skreta nói – chúng tôi có một chiếc piano và một bộ trống ở nhà văn hoá. Tôi chơi trống để giải trí.
– Tuyệt đấy! – Nghệ sĩ kèn kêu lên, sung sướng vì tìm ra cơ hội nịnh viên bác sĩ một chút.
– Nhưng tôi không có đủ bạn chơi để lập một dàn nhạc thực thụ. Chỉ có tay được sĩ chơi piano khá vững. chúng tôi đã nhiều lần thử song tấu – Anh ngừng lời, tỏ ra suy nghĩ – Nghe này, khi Ruzena đến chỗ hội đồng…
Klima thở hắt ra thật mạnh.
– Chỉ khi cô ta đến thôi…
Bác sĩ Skreta phát một cử chỉ sốt ruột:
– Cô ta sẽ thấy hân hạnh được tới đó, cũng như những người khác thôi. Nhưng hội đồng đòi bố đứa bé cũng phải có mặt tại đó, nên anh sẽ phải đi cùng cô ta. Để anh đến đây không chỉ vì chuyện cỏn con đó, anh có thể đến đây hôm trước đó và chúng ta sẽ biểu diễn nhạc vào buổi tối. một kèn trompet, một đàn piano, một trống. Tres faciunt orchestrum – ba người làm nên một dàn nhạc. Có tên anh trên quảng cáo, chúng ta sẽ có khối khán giả. Anh nghĩ sao?
Klima lúc nào cũng vô cùng gắt gao về chất lượng kỹ thuật của các cuộc trình diễn của mình, và hai ngày trước đó, đề nghị của viên bác sĩ với anh hẳn là cái gì đó vô nghĩa lý lắm. Nhưng lúc này anh chỉ còn quan tâm đến nội tạng cơ thể cô y tá, anh trả lời viên bác sĩ với vẻ hào hứng lịch sự:
– Sẽ tuyệt lắm đấy!
– Thật thế không? Anh đồng ý à?
– Tất nhiên rồi.
– Thế còn ông, ông nói gì về chuyện này? – Skreta hỏi Bertlef.
– Tôi thấy ý tưởng đó hay đấy. Chỉ có điều tôi không biết các anh làm thế nào để chuẩn bị tất cả trong hai ngày đây.
Thay cho câu trả lời, Skreta đứng dậy và chạy về phía chiếc điện thoại. Anh bấm số nhưng không ai trả lời ở đầu dây bên kia.
– Điều quan trọng nhất là phải đặt làm quảng cáo ngay lập tức. Chán quá, chắc tay thư ký đi ăn trưa rồi – anh nói – Còn phòng biểu diễn thì là trò trẻ con thôi. Thứ Năm tới Hội Giáo dục phổ thông sẽ tổ chức một cuộc họp chống nạn rượu chè, một người bạn của tôi sẽ điều hành cuộc họp đó. Anh ta sẽ rất vui sướng nếu tôi đề nghị xin hoãn họp vì lý do sức khoẻ. Nhưng rõ ràng, sáng thứ Năm anh phải đến đây để cả ba chúng ta tập qua. Trừ phi việc đó là vô ích?
– Không, không – Klima nói – Việc đó là nhất thiết. Phải chuẩn bị trước chứ.
– Tôi cũng nghĩ thế đấy – Skreta đồng ý – Chúng ta sẽ chơi cho họ nghe một chương trình ổn nhất nhé. Tôi đánh trống hoàn hảo được bản Saint Louis Blues và When the Saint go marching in. Tôi sẵn sàng được vài đoạn solo rồi đấy, tôi rất muốn biết anh nghĩ thế nào. Chiều nay anh có rỗi không? Anh muốn chúng ta thử qua một lần chứ?
– Không được rồi. Chiều nay tôi phải thuyết phục Ruzena đồng ý nạo thai.
Skreta tỏ vẻ sốt ruột:
– Quên chuyện đó đi! Cô ta sẽ đồng ý mà chẳng cần anh phải cầu xin đâu.
– Bác sĩ – Klima nói giọng cầu khẩn – Để thứ Năm đi.
Bertlef chen vào:
– Tôi nghĩ anh nên chờ đến thứ Năm thì tốt hơn. Hôm nay, bạn của chúng ta sẽ không thể tập trung được đâu. Ngoài ra tôi nghĩ anh ấy không mang theo kèn.
– Đúng vậy! – Skreta công nhận, và anh dẫn hai người bạn đến quán ăn đối diện. Nhưng trên phố người nữ y tá của Skreta chạy đến gọi bác sĩ trở về phòng khám ngay. Bác sĩ cáo từ hai người bạn và đi theo cô y tá quay trở lại với các bệnh nhân hiếm muộn của mình.
Ruzena rời khỏi nhà bố mẹ cách đây khoảng sáu tháng, ngôi nhà nằm ở một ngôi làng lân cận, để đến ở trong một căn phòng nhỏ của khu Karl Marx. Cô từng mong mỏi biết bao căn phòng độc lập này, nhưng cô nhanh chóng hiểu ra là mình tận dụng căn phòng và sự tự do của mình ít thoải mái vài ít mãnh liệt hơn nhiều so với mình từng mơ.
Chiều hôm đó, khoảng 3 giờ khi trở về từ khu tắm, cô bất ngờ song không mấy dễ chịu khi thấy bố mình ở trong phòng, nằm ngửa trên đi văng đợi cô về. Điều này không làm cô dễ chịu lắm, vì cô những muốn thật thoải mái ở chỗ trang điểm, chải tóc và chọn chiếc váy mà cô muốn mặc.
– Bố làm gì ở đây thế? – cô hỏi, cảm thấy khó chịu. Cô thầm trách người gác cổng biết mặt bố cô và lúc nào cũng sẵn sàng mở cửa phòng cô cho ông vào khi cô không có nhà.
– Bố rỗi một lúc – ông bố nói – Hôm nay bọn bố phải làm việc ở đây.
Bố cô là thành viên Hội tình nguyện trật tự công cộng. Vì đám bácsĩ luôn chế giễu những ông già đảo qua đảo lại phố xa, đeo băng ở cánh tay và làm ra vẻ quan trọng, Ruzena rất xấu hổ vì những hoạt động của bố mình.
– Nếu bố thích! – Cô lẩm bẩm.
– Con hãy sung sướng vì có một người bố chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một kẻ vô dụng. Bọn bố đã về hưu, nhưng sẽ cho bọn trẻ các con thấy bọn bố biết làm gì!
Ruzena cho là nên để ông già nói một mình để tập trung vào việc chọn váy. Cô mở tủ.
– Con rất muốn biết bọn bố làm những gì – cô nói.
– Không ít đâu nhé. Thành phố này là khu điều dưỡng nước nóng tầm quốc tế, con gái ạ. Thế mà trông nó nhếch nhác đến sợ! Bọn trẻ con lại còn chạy lên cỏ nữa chứ!
– Thế thì sao? – Ruzena hỏi, lục đám váy của mình lên để lựa chọn. Cô không ưng ý cái nào hết.
– Mà đâu chỉ có riêng bọn nhóc, lại còn lũ chó nữa chứ! Từ lâu nay hội đồng thành phố đã ra lệnh chó chỉ được ra đường khi được buộc cẩn thận và đeo rọ mõm! Nhưng ở đây, chẳng ai chấp hành hết cả. Toàn làm theo ý mình. Con cứ nhìn vườn hoa công cộng thì biết!
Ruzena lôi một chiếc váy ra và bắt đầu cởi quần áo, giấu mình sau cánh cửa tủ khép hờ.
– Chúng bậy ra khắp nơi. Cả trên đống cát vầy của bọn trẻ con nữa! Thử tưởng tượng một thằng bé làm rơi bánh xuống cát! Sau đó lại còn lạ vì nó bị ốm nữa! Này, chỉ cần nhìn là thấy – người bố nói thêm, bước lại gần cửa sổ – Ngay lúc này đã có bốn con chó chạy rông rồi.
Ruzena vừa ra khỏi chỗ nấp thay quần áo và ngắm nghía trước gương. Nhưng cô chỉ một chiếc gương treo tường nhỏ chỉ soi được từ phần thắt lưng trở lên.
– Con không quan tâm à? – Bố cô hỏi.
– Có chứ, con có quan tâm – Ruzena vừa kiễng chân cố nhìn chân mình trông ra sao khi mặc váy vừa trả lời – Chỉ có điều, bố đừng giận nhé, con có hẹn và con đang vội lắm.
– Bố chỉ chấp nhận chó cảnh sát hoặc chó săn – người bố nói – Nhưng bố không hiểu tại sao người ta lại nuôi chó ở nhà. Rồi đây đàn bà không đẻ con nữa mà nuôi chó trong nôi mất thôi!
Ruzena rất không thích hình ảnh mình trong gương. Cô quay trở lại tủ và lục tìm một chiếc váy khác hợp với cô hơn.
– Bọn bố đã quyết định chỉ có thể nuôi chó khi toàn bộ những người trong khu đồng ý trong cuộc họp tổ dân phố. Ngoài đó ra, bọn bố sẽ tăng thuế chó.
– Con thấy bố đang có những mối lo lớn lao đấy – Ruzena nói, và cô cảm thấy hài lòng vì không còn ở nhà bố mẹ nữa. Từ khi còn nhỏ bố cô đã làm cô phát chán vì những bài học luân lý và những cấm đoán. Cô khao khát một vũ trụ nơi mọi người nói thứ ngôn ngữ khác với ông.
– Chẳng có gì đáng cười đâu nhé. Lũ chó thật sự là một vấn đề đấy, mà bố không phải người duy nhất nghĩ thế đâu, nhiều người chức trọng quyền cao cũng nghĩ như vậy. Chắc hẳn người ta đã quên hỏi con điêu gì quan trọng điều gì không. Chắc con sẽ trả lời điều quan trọng nhất trên đời là đống váy áo của con – ông nói, nhận ra con gái mình lại chui vào sau cánh tủ để thay váy.
– Váy của con dĩ nhiên quan trọng hơn chó của bố rồi – cô trả lời, và lại một lần nữa kiễng chân đứng trước gương. Và lại một lần nữa, cô cảm thấy bất mãn với mình. Nhưng sự bất mãn về chính bản thân mình đó chầm chậm chuyển thành sự nổi loạn, cô nghĩ một cách độc địa rằng nghệ sĩ kèn sẽ phải chấp nhận cô như thế, ngay cả trong chiếc váy rẻ tiền này, và cô cảm thấy một sự thoả mãn lạ thường.
– Đó là vấn đề vệ sinh – người bố tiếp tục – Các thành phố của chúng ta sẽ không bao giờ sạch sẽ chừng nào lũ chó còn bậy lên vỉa hè. Và đó cũng là một vấn đề đạo đức. Thật không chấp nhận được việc người ta nựng nịu lũ chó trong những ngôi nhà xây dựng cho con người.
Một điều đang diễn ra, mà Ruzena không hề nghi ngờ: sự nổi loạn của cô hoà lẫn, một cách bí ẩn và không cảm nhận được, với sự phẫn nộ của ông bố. Cô không còn cảm thấy sự chán ngán với ông mới vừa nãy còn choán lấy cô nữa, ngược lại, cô hấp thụ được từ những lời nồng nhiệt của ông một thứ năng lượng mà ông không hề hay biết.
– Chúng ta không bao giờ nuôi chó mà có làm sao đâu – Ông bố nói.
Cô bắt đầu ngắm mình trong gương và nghĩ việc mang thai khiến cô có một lợi thế chưa từng có. Dù cô thấy mình xấu hay đẹp, nghệ sĩ kèn đã phải đi cả chuyến dài để đến gặp cô và mời cô theo cách dễ dhịu nhất trên đời đến quán cà phê. Mặt khác (cô nhìn đồng hồ), vào lúc đó, anh đã đợi cô rồi.
– Nhưng bọn bố sẽ quét sạch hết, con sẽ thấy! – ông bố vừa cười vừa nói vì lần này, cô đáp lại dịu dàng, gần như mỉm cười.
– Thế thì con sẽ thích lắm, bố ạ. Nhưng bây giờ con phải đi đây.
– Bố cũng thế. Sắp phải làm việc rồi.
Họ cùng đi ra khỏi khu nhà Karl Marx và chia tay nhau. Ruzena chầm chậm đi về phía quán cà phê.
Klima chưa bao giờ tự ý thức được hoàn toàn con người nghệ sĩ quen thuộc đang là mốt mà mọi người đều biết đến, và nhất là vào lúc này, với những lo lắng riêng tư, anh cảm thấy điều đó như một khiếm khuyết, một tì vết. Khi anh cùng Ruzena đi vào quán cà phê và nhìn lêN tường, đối diện với chỗ để quần áo, bức ảnh của anh khổ lớn trên tấm áp phích dán ở đó từ lần trình diễn gần đây nhất, anh thấy thật phiền nhiễu. Anh đi qua căn phòng lớn cùng người phụ nữ, máy móc tìm cách đoán xem trong số khách ngồi đó có ai nhận ra mình. Anh sợ những cái nhìn, anh tưởng như nhìn thấy những con mắt đang bóc trần và đang quan sát anh từ khắp nơi, dõi theo từng lời nói và cử chỉ của anh. Anh cảm thấy nhiều cái nhìn tò mò hướng về mình. Anh cố không để ý đến điều đó và đi về cuối phòng, đến một cái bàn nhỏ gần cửa kính từ đó có thể nhìn thấy tán cây của khu vườn công cộng.
Khi họ đã ngồi xuống, anh mỉm cười với Ruzena, vuốt ve bàn tay cô và nói chiếc váy rất hợp với cô. Cô phản đối qua loa, nhưng anh quả quyết và cố nói một lúc về chủ đề sự hấp dẫn của cô y tá. Anh nói anh ngạc nhiên vì vẻ đẹp của cô. Anh nghĩ đến cô trong suốt hai tháng nay, đến mức nỗ lực hình ảnh của trí nhớ anh đã tạo ra một hình ảnh về cô khác hẳn trong thực tế. Điều kỳ lạ, anh nói, là vẻ ngoài thực của cô, dù anh rất thèm muốn khi nghĩ đến cô, lại dẫn anh đến hình ảnh tưởng tượng.
Ruzena lưu ý là nghệ sĩ kèn đã không hề liên lạc với cô trong suốt hai tháng và do đó cô cho rằng anh không nghĩ đến cô nhiều lắm.
Đó là sự phản đối mà anh đã chuẩn bị rất nhiều để ứng phó. Anh phác một cử chỉ mệt mỏi và nói với cô gái trẻ rằng cô không thể hình dung nổi hai tháng vừa rồi với anh tàn khốc đến mức nào. Ruzena hỏi điều gì đã xảy đến với anh, nhưng nghệ sĩ kèn không muốn đi vào chi tiết. Anh chỉ trả lời là anh đã chịu đựng một sự bội bạc lớn và đột nhiên thấy mình cô độc trong đời, không bạn bè, không ai cả.
Anh hơi ngại Ruzena sẽ hỏi chi tiết những lo lắng của anh, vì anh đã sẽ rối tinh trong những lời dối trá của mình. Những lo ngại của anh chỉ mơ hồ thế thôi. Ruzena hẳn vừa biết được, với rất nhiều quan tâm, rằng nghệ sĩ kèn đã phải trải qua những giờ phút khó khăn và cô sẵn lòng chấp nhận lý do hai tháng im lặng của anh. Nhưng cô không màng đến nội dung chính xác của những lo lắng của anh. Trong số những gì thuộc về hai tháng mà anh vừa sống qua, cô chỉ quan tâm đến nỗi sợ đó mà thôi.
– Em đã nghĩ nhiều về anh và em hẳn là sẽ rất hạnh phúc nếu giúp được anh.
– Anh chán ngán đến nỗi sợ phải gặp người khác. Một người bạn đường buồn bã là một người bạn đường tồi tệ.
– Em cũng rất buồn bã.
– Anh biết – anh nói và vuốt ve bàn tay cô.
– Từ lâu nay em vẫn nghĩ là em có một đứa con với anh. Thế mà anh không liên lạc với em gì cả. Nhưng em sẽ giữ đứa trẻ, ngay cả nếu như anh không đến gặp em, ngay cả nếu như anh không muốn gặp em nữa. Em tự nhủ rằng ngay cả nếu em phải sống một mình, thì chí ít em cũng đã có đứa con đó của anh. Em sẽ không bao giờ chấp nhận phá thai. Không, không bao giờ…
Klima lặng ngắt, một nỗi sợ hãi câm lặng xâm chiếm tâm hồn anh.
Thật may mắn cho anh là người hầu bàn trễ nải việc phục vụ khách khứa vừa dừng lại ở bàn họ để hỏi họ dùng gì.
– Một ly cognac – nghệ sĩ kèn nói, và anh sửa lại ngay lập tức – hai ly cognac.
Họ lại ngừng lời, và Ruzena nhắc lại, giọng thấp xuống:
– Không, không bao giờ em phá thai đâu.
– Đừng nói điều đó – Klima đáp lời, đã hoàn hồn trở lại – Em không phải là người duy nhất liên quan. Một đứa trẻ, đó không phải chỉ là chuyện của người phụ nữ. Nó liên quan đến cả hai người. Cả hai phải nhất trí được với nhau, nếu không, tất cả có nguy cơ kết thúc rất tệ hại.
Khi nói xong, anh hiểu anh vừa công nhận gián tiếp mình là bố đứa trẻ. Kể từ nay mỗi khi anh nói với Ruzena, anh sẽ nói dựa trên cơ sở lời thú nhận đó. Anh biết rõ anh hành động theo một kế hoạch vạch trước và sự nhượng bộ này đã được dự đoán từ trước, anh thấy run lên vì lời lẽ của chính mình.
Nhưng người phục vụ đã mang lại cho họ hai ly cognac.
– Ông có phải là Klima – nghệ sĩ kèn trompet không?
– Vâng – Klima nói.
– Mấy cô bé đứng bếp nhận ra ông. Chính là ông trên áp phích đấy à?
– Vâng – Klima nói.
– Có vẻ như ông là thần tượng của tất cả phụ nữ từ mười hai đến bảy mươi tuổi nhỉ! – người phục vụ nói và quay sang Ruzena – Tất cả phụ nữ sẽ chết vì ghen tị với cô mất! Khi đi khỏi bàn họ, anh ta còn quay lại nhìn nhiều lần và mỉm cười với họ vẻ thân mật rất xấc xược.
– Không, không bao giờ em chấp nhận bỏ đứa bé đâu – Ruzena nhắc lại – Và anh cũng thế, một ngày nào đó, anh sẽ hạnh phú vì có nó. Bởi vì, anh có hiểu không, em không hề đòi hỏi gì ở anh hết. Em hy vọng anh không tưởng ra là em muốn ở anh điều gì đó. Anh có thể hoàn toàn thoải mái được. Chỉ liên quan đến em thôi, nếu anh muốn thì anh không phải lo gì hết đâu.
Với một người đàn ông không có gì đáng lo ngại hơn những lời xoa dịu kiểu này. Đột nhiên Klima có cảm giác anh không còn sức để cứu vớt được dù là điều nhỏ nhặt nhất và tốt hơn hết là chịu thua. Anh im lặng và Ruzena cũng im lặng theo, khiến những lời cô vừa nói cắm rễ vào sự im lặng và nghệ sĩ kèn trước cô mỗi lúc càng thấy thêm khốn khổ và trần trụi.
Nhưng hình ảnh người vợ chợt hiện ra trong tâm trí anh. Anh biết mình phải cưỡng lại. Anh bèn dịch tay mình đặt lên mặt đá chiếc bàn, chạm nhẹ vào đầu ngón tay Ruzena. Anh nắm lấy chúng và nói:
– Thôi hãy quên đứa bé đó một phút đi. Đứa trẻ không hề quan trọng. Em nghĩ ngoài nó ra chúng ta không có gì để nói nữa à? Em nghĩ chỉ vì đứa trẻ đó mà anh đến gặp em ư?
Ruzena nhún vai:
– Điều quan trọng nhất là anh thấy rất buồn khi không có em. Chúng ta chỉ mới gặp nhau được trong thời gian quá ngắn ngủi. Tuy thế, không ngày nào anh không nghĩ đến em.
Anh im lặng và Ruzena nhận xét:
– Anh có liên lạc với em lần nào trong suốt hai tháng đâu, mà em viết cho anh hai lần đấy nhé.
– Đừng trách anh chứ – nghệ sĩ kèn nói – Anh đã cố tình không liên lạc với em. Anh không muốn. Anh sợ điều gì đang diễn ra bên trong con người anh. Anh chống cự lại tình yêu. Anh muốn viết cho em một lá thư dài, anh đã viết nhiều lắm rồi đấy chứ, nhưng rồi cuối cùng anh lại vứt chúng đi. Chưa bao giờ anh yêu nhiều thế, anh sợ điều đó. Còn tại sao không thú nhận? Anh muốn khẳng định được tình cảm của mình là cái gì đó không phải thoáng qua. Anh tự nhủ, nếu tiếp tục như thế trong tháng nữa thì những gì mình cảm thấy với cô ấy không phải là ảo tưởng, mà là thực tế.
Ruzena dịu dàng nói:
– Thế bây giờ anh nghĩ gì? Không phải là ảo tưởng chứ?
Nghe Ruzena nói câu đó, nghệ sĩ kèn hiểu là kế hoạch của anh đã bắt đầu thành công. Anh bèn nắm chặt lấy tay cô gái và tiếp tục nói, anh nói mỗi lúc một trơn tru hơn, lúc này ở trước mặt cô, anh hiểu việc thử thách tình cảm dài dặc thế thật là vô ích, vì nó rõ ràng quá rồi. Và anh không muốn nói đến đứa trẻ đó, vì với anh điều quan trọng nhất không phải là đứa trẻ, mà là cô, Ruzena. Đứa trẻ chỉ có ý nghĩa duy nhất gọi anh đến bên cạnh cô. Phải, đứa trẻ mà cô đang mang trong bụng đã gọi anh đến đây, đến thành phố nước nóng nhỏ bé này, và khiến anh phát hiện ra anh yêu Ruzena đến chừng nào và chính vì lý lẽ đó (anh nâng ly cognac của mình lên) họ sẽ uống vì đứa trẻ đó.
Dĩ nhiên anh sợ ngay lập tức ly rượu mừng mà sự nồng nhiệt trong lời nói đã dẫn anh đến. Nhưng lời đã được nói ra. Ruzena nhấc ly cognac của mình lên và thì thầm:
– Vâng, uống vì đứa trẻ – và cô uống một hơi hết ly rượu.
Nghệ sĩ kèn cố công làm quên đi nhanh hết mức có thể được ly rượu không đúng lúc kia bằng những lời mới và khẳng định lại lần nữa là anh nghĩ đến Ruzena hàng ngày, hàng giờ trong ngày.
Cô nói ở thủ đô hẳn nghệ sĩ kèn được vây quanh bởi rất nhiều phụ nữ hấp dẫn hơn cô rất nhiều.
Anh trả lời anh đã quá chán ngán sự hoàn hảo và thói tự phụ của họ. Anh thích Ruzena hơn tất cả những người đàn bà đó, anh chỉ tiếc cô ở xa anh quá. Anh hỏi cô có muốn đến làm việc ở thủ đô không.
Cô trả lời cô rất thích thủ đô. Nhưng tìm được việc làm ở đó không dễ dàng gì.
Anh mỉm cười vẻ hạ cố nói ở đó anh có rất nhiều quan hệ với các bệnh viện, anh có thể tìm được việc cho cô không khó khăn gì.
Anh cứ nói vậy trong suốt một lúc lâu, vẫn cầm tay cô, thậm chí không nhận ra một bé gái đang lại gần chỗ họ ngồi. Không hề cảm thấy bất tiện, cô bé nồng nhiệt nói:
– Ông là Klima! Cháu nhận ra ông ngay tắp lự! Cháu chỉ muốn xin ông một chữ ký thôi ạ!
Klima đỏ mặt. Anh đang nắm tay và nói yêu Ruzena tại một chốn công cộng, dưới con mắt của tất cả những con người đang có mặt tại đây. Anh nghĩ mình đang ở đây như trên sân khấu và tất cả mọi người, biến thành khán giả vui vẻ, cười nhạo báng nhìn anh chống chọi với cuộc đời.
Cô bé chìa một mẩu giấy và Klima muốn ký tên vào đó nhanh hết sức có thể được, nhưng anh không có bút, cô bé cũng không có.
– Em có bút không? – Anh thì thầm hỏi Ruzena và đúng là anh thì thầm để cô bé không nhận ra là anh xưng hô thân mật với Ruzena. Tuy thế, anh hiểu rất nhanh và việc xưng hô thân mật còn ít thân mật hơn việc anh đang nắm tay Ruzena, và nah nhắc lại câu hỏi, lớn giọng hơn:
– Em có bút không?
Nhưng Ruzena lắc đầu và cô bé quay trở về cái bàn cô đang ngồi cùng nhiều đứa bạn của mình, những đứa bé này lợi dụng ngay cơ hội để cùng cô bé lao về phía Klima. Chúng chìa cho anh một chiếc bút và xé từ một quyển sổ mấy trang giấy trắng để anh ký tên vào đấy.
Xét về kế hoạch, mọi việc đang tiến triển rất tốt. Ruzena càng tự thuyết phục mình một cách thoải mái hơn vì số lượng những người chứng kiến sự thân mật giữa họ đã nhiều lên. Tuy thế, anh đã lý luận đúng, tính phi lý của nỗi sợ hãi đã khiến nghệ sĩ kèn trở nên lo âu. Anh cho là Ruzena đã thông đồng với những người này. Bối rối, anh tưởng tượng tất cả những người đó đang đứng về phía chống lại anh trong phiên toà về nghĩa vụ người bố “Phải, chúng tôi đã nhìn thấy họ, họ ngồi đối mặt với nhau như những tình nhân, ông ấy vuốt ve tay cô ta và say đắm nhìn cô ta…”
Sự lo lắng càng nặng nề thêm bởi thói phù hoa của nghệ sĩ kèn, quả thật, anh không nghĩ Ruzena đủ đep để anh tự cho phép mình nắm tay cô. Như thế là hơi bất công với Ruzena. Ở ngoài thực cô cô xinh đẹp hơn rất nhiều so với hình ảnh trong mắt anh. Tình yêu khiến chúng ta thấy người đàn bà ta yêu đẹp hơn nhiều, thì nỗi sợ hãi mà một người đàn bà đáng sợ gây ra cho chúng ta khiến ta nhấn mạnh vào mỗi khiếm khuyết nhỏ nhoi của cô ta…
– Anh thấy chỗ này thật là tệ – Klima nói khi họ ngồi lại một mình – Em không muốn đi chơi một vòng bằng xe hơi à?
Cô tò mò về chiếc xe của anh và chấp nhận. Klima trả tiền và hai người ra khỏi quán cà phê. Đối diện với quán là một cái sân với một lối đi rộng rải cát vàng. Một hàng chừng mươi người đàn ông đang đứng xếp hàng, quay mặt về phía quán cà phê. Phần lớn trong số họ là những ông già, họ đeo băng tay màu đỏ trên tay áo, áo quần nhầu nhĩ và cầm trong tay những chiếc sào dài.
Klima kinh ngạc:
– Cái gì thế này?
Ruzena trả lời:
– Không có gì đâu, chỏ cho em xe của anh đi – và cô vội vã kéo anh đi.
Nhưng Klima không thể rời mắt khỏi những người đó. Anh không hiểu những chiếc sào dài ở đầu buộc một vòng dây thép đó được dùng để làm gì. Có thể nói họ là những người đi nhóm lửa bếp ga, những người câu cá chuyên rình cá nhảy, một đội quân trang bị những thứ vũ khí bí ẩn.
Trong khi dò xét họ, anh nghĩ là một trong số những người đó mỉm cười với anh. Anh sợ hãi, thậm chí an hcòn sợ cho chính mình và tự nhủ anh đã bắt đầu có ảo giác và thấy ai cũng đang theo dõi và quan sát mình. Anh để Ruzena kéo ra bãi đậu xe.
– Anh muốn cùng em đi xa – anh nói. Anh choàng một tay qua vai Ruzena và cầm vô lăng bằng tay trái – Đâu đó ở miền Nam. Chúng ta sẽ đi những cong đường dài lơ lửng dọc bờ biển. Em đã đến Italy chưa?
– Chưa.
– Thế thì hãy hứa là sẽ đến đó cùng anh nhé.
– Anh không phịa đấy chứ?
Ruzena nói điều đó chỉ vì khiêm tốn, nhưng nghệ sĩ kèn lập tức trở nên phòng thủ, như thể câu “anh không phịa đấy chứ?” nhằm vào toàn bộ sự lừa phỉnh của anh mà đột nhiên cô phát hiện ra. Tuy thế, anh không thể lùi bước được nữa:
– Có, anh cũng có hơi quá lời một chút. Lúc nào anh cũng có những ý tưởng rất điên rồ. Anh là như thế đấy. Nhưng khác với những người khác, anh thực hiên những ý tưởng điên rồ của mình. Tin anh đi, không có gì đẹp hơn là thực hiện những ý tưởng điên rồ đâu. Anh muốn cuộc đời mình là một chuỗi những ý tưởng điên rồ. Anh muốn chúng ta không quay cuồng trong thành phố nước nóng nữa, anh muốn đi mãi đến tận biển. Ở đó, anh sẽ tìm được một chỗ trong dàn nhạc và chúng ta sẽ đi dọc bờ biển, từ bãi tắm này đến bãi tắm lạy khác.
Anh dừng xe ở một chỗ có quang cảnh rất đẹp. Họ ra khỏi xe và anh đề nghị đi dạo trong rừng. Họ bước di và, sau một lúc, ngồi xuống một chiếc ghế gỗ có từ thời người ta còn ít đi lại bằng xe và còn thích thú những cuộc dạo chơi trong rừng. Anh vẫn quàng tay qua vai Ruzena và chợt nói, giọng buồn buồn:
– Mọi người đều nghĩ là anh có một cuộc đời vui vẻ. Đó là nhầm lẫn lớn nhất. Thực tế thì anh rất bất hạnh. Không chỉ vài tháng nay, mà từ nhiều năm nay rồi.
Nếu Ruzena cho là ý tưởng đi chơi ở Italy hơi quá đà và hơi nghi ngờ một chút (rất ít người đồng bào của cô có thể đi du lịch nước ngoài), sự buồn bã của những câu Klima vừa nói đối với cô là một thứ nước hoa dễ chịu. Cô hít thở nó như hít thở mùi món rô ti.
– Sao mà anh lại bất hạnh?
– Sao anh lại bất hạnh… – nghệ sĩ kèn thở dài.
– Anh nổi tiếng, anh có xe đẹp, anh có tiền, anh có người vợ đẹp…
– Đẹp, phải, có thể… – nghệ sĩ kèn cay đắng nói.
– Emd biết – Ruzena nói – Chị ấy không còn trẻ nữa. Chị ấy bằng tuổi anh, đúng không?
Nghệ sĩ kèn hiểu ra là Ruzena đã tìm hiểu cặn kẽ về vợ anh. Anh cảm thấy tức giận. Nhưng anh lại tiếp tục:
– Phải, cô ấy bằng tuổi anh.
– Nhưng anh thì không già. Anh có vẻ một chú nhóc nghịch ngợm – Ruzena nói.
– Chỉ có điều, đàn ông cần phụ nữ trẻ hơn – Klima nói – Và nghệ sĩ thì còn hơn bất kỳ ai. Anh cần tuổi trẻ, em không thể biết, Ruzena ạ, anh coi trọng tuổi trẻ của em đến mức nào. anh nghĩ anh không thể tiếp tục như thế nữa. Anh cảm thấy một mong muốn lớn lao tự giải phóng mình. Được bắt đầu lại và làm khác đi, Ruzena, cú điện thoại của em hôm qua…đột nhiên anh chắc chắn đó là một thông điêp mà số phận gửi đến cho anh.
– Thật ư? – cô dịu dàng hỏi.
– Thế em nghĩ tại sao anh gọi lại cho em ngay lập tức như thế? Anh cảm thấy ngay không thể để mất thời gian nữa. phải gặp em ngay, ngay lập tức, ngay lập tức… – anh im lặng và nhìn thật lâu vào mắt cô.
– Em có yêu anh không?
– Có. Thế còn anh?
– Anh yêu em phát điên lên được – anh nói.
– Em cũng thế.
Anh cúi xuống hôn lên môi cô. Đó là một cái miệng tươi tắn, một cái miệng trẻ trung, một cái miệng đẹp với làn môi mềm mại chẻ ra một cách xinh xắn và hàm răng được chăm sóc cẩn thận, tất cả đều chỉn chu, và chính đó là điều khiến hai tháng trước đây anh không chống lại được cám dỗ hôn lên đôi môi đó. Nhưng chính bởi vì cái miệng này quyến rũ anh, anh đã nhìn nó qua lớp sương mù của ham muốn và không biết gì về dáng vẻ thực sự của nó, trong đó cái lưỡi giống như một ngọn lửa và nước bọt là một thứ chất lỏng làm say đắm. Chỉ lúc này, sau khi đã mất đi sự quyến rũ của mình, cái miệng này mới đột nhiên trở về nguyên thể, cái miệng thực, nghĩa là cái hố chuyền cần qua đó người con gái đã ngốn hàng mét khối Knodel[1], khoai tây và súp, những chiếc răng mang nét cạp chì mờ mờ, và nước bọt không còn là thứ chất lỏng làm say đắm mà là chị em với đờm. Trong miệng nghệ sĩ kèn lúc này đầy lưỡi của cô, khiến anh có cảm giác mình đang ngậm một món gì đó không ngon lành lắm mà không thể nuốt đi được và c ũng không dễ dàng nhổ ra.
Cuối cùng nụ hôn cũng chấm dứt, họ đứng lên và đi. Ruzena gần như hạnh phúc, nhưng cô cũng nhận ra động cơ khiến cô gọi điện cho nghệ sĩ kèn vài vì đó l cô đã bắt được anh đến đây vẫn có khoảng cách một cách lạ lùng với cuộc trò chuyện của họ lúc này. Cô không muốn nói nhiều về nó nữa. Ngược lại, giờ đây những gì họ nói cô thấy dễ chịu hơn và quan trọng hơn. Tuy thế cô vẫn muốn động cơ đó, giờ đây đã chìm vào im lặng, lại có mặt trở lại, dù bí mật, kín đáo, nhỏ nhoi. Chính vì thế khi Klima, sau nhiều lần nói yêu cô, tuyên bố sẽ làm tất cả để có thể sống chung với Ruzena, cô nói:
– Anh tốt lắm, nhưng anh cũng phải nhờ là em không còn một mình đâu nhé.
– Đúng – Klima nói – Và anh biết đã đến lúc anh chờ đợi từ phút đầu tiên đến giờ, cái mắt xích yếu nhất của sự phỉnh nịnh của anh.
– Phải, em có lý – anh nói – Em không một mình. Nhưng điều đó hoàn toàn không quan trọng. Anh muốn được ở với em, vì anh yêu em và vì em đang có thai.
– Vâng – Ruzena nói.
– Không có gì tệ hơn là một đám cưới chỉ có một nguyên nhân duy nhất là một đứa con sinh ra vì nhầm lẫn. Và thậm chí, em yêu,nếu anh được nói thẳng thắn, anh muốn em trở lại như ngày xưa. Chỉ có hai chúng ta, không ai xen vào giữa. Em có hiểu anh không?
– Không đâu, không được đâu, em không thể đồng ý, em không thể làm được đâu – Ruzena phản đối.
Cô nói điều đó không phải theo lương tâm của mình. Sự bảo đảm chắc chắn mà hai hôm trước Skreta nói cho cô mới mẻ đến nỗi giờ cô còn bối rối. Cô không theo một kế hoạch được chuẩn bị chu đáo nào hết, nhưng cô bận rộn với ý nghĩ về sự mang thai của mình, mà cô sống qua như một sự kiện lớn và đúng hơn là một cơ may, một cơ hội sẽ không dễ tìm thấy lần nữa. Cô giống như quân tốt trên bàn cờ với xuống được hết đường biên đối phương để biến thành quân hậu. Cô khoái trá nhấm nháp ý nghĩ về quyền lực không ngờ và chưa từng có của mình. Cô nhận ra theo tiếng gọi của cô mọi thứ phải chuyển động, nghệ sĩ kèn danh tiếng từ thủ đô đến gặp cô, đưa cô đi chơi trong chiếc xe huy hoàng và nói yêu cô. Cô không thể không ý thức được mối quan hệ giữa sự mang thai của cô và quyền lực đột nhiên tới này. nếu cô không muốn mất đi quyền lực ấy, cô không được phép bỏ cái thai đi.
Chính vì thế nghệ sĩ kèn phải tiếp tục bài của mình:
– Em yêu ơi, điều mà anh muốn không phải là gia đình, mà là tình yêu. Với anh em là tình yêu, với một đứa con tình yêu sẽ phải nhường chỗ cho gia đình. Cho nỗi buồn chán. Cho những nỗi lo. Cho sự cáu kỉnh. Và người tình sẽ nhường chỗ cho người mẹ. Với anh, em không phải là một người mẹ mà là một người tình và anh không muốn chia sẻ em với ai hết. Ngay cả với một đứa trẻ.
Những lời thật đẹp đẽ, Ruzena vui sướng lắng nghe, nhưng cô vẫn lắc đầu:
– không, em không thể đâu. Dù sau đó cũng là con của anh. Em không muốn mất đi đứa con của anh.
Anh không tìm ra được những lý lẽ mới, anh lặp đi lặp lại những gì mình đã nói và sợ cuối cùng cô sẽ phát hiện ra sự giả dối.
– Dù sao anh cũng hơn ba mươi tuổi rồi. Anh không bao giờ muốn có một đứa con sao?
Đúng vậy, anh chưa từng bao giờ muốn có một đứa con. Anh yêu Kamila đến mức không muốn bận lòng vì sự có mặt của một đứa con bên cạnh cô. Điều anh với khẳng định với Ruzena không đơn thuần là một phát kiến. Quả thật từ nhiều năm nay anh vẫn nói chính xác những lời đó với vợ mình, một cách chân thành không giả dối.
– Anh đã cưới vợ được sáu năm mà vẫn chưa có con. Em sẽ rất vui nếu cho anh được một đứa con.
Anh thấy là tất cả đã quay ra chống lại anh. Tính chất đặc biệt của tình yêu anh dành cho Kamila lại khiến Ruzena nghĩ vợ anh mắc chứng vô sinh, khiến anh phải đi tìm người khác.
Trới bắt đầu mát dần, mặt trời xuống ở chân trời, thời gian trôi đi và Klima vẫn tiếp tục nhắc lại những gì đã nói, và Ruzena vẫn lặp đi lặp lại “không, không, em không thể đâu”. Anh cảm thấy mình đang ở trong một ngõ cụt, không còn biết làm gì và nghĩ thế là tất cả xôi hỏng bỏng không rồi. Anh bồn chồn đến nỗi quên cầm tay cô, quên hôn cô và quên làm cho giọng nói của mình trở nên dịu dàng. Anh hoảng sợ phát hiện ra điều đó và cố gắng trấn tĩnh lại. Anh dừng lại, mỉm cười với cô và ôm cô. Đó là cái ôm của sự mệt mỏi. Anh siết chặt cô vào người, đầu dựa vào mặt anh, theo cách đó tìm kiếm một chỗ dựa, sự nghỉ ngơi, sự hoàn hồn, bởi vì anh thấy mình sẽ phải còn phải đi một chặng đường dài mà lại thiếu sức.
Nhưng Ruzena cũng phải dựa lưng vào tường. Cũng như anh, cô đã hết lý lẽ và cảm thấy không thể cứ mãi tiếp tục nói “không” với người đàn ông mà mình muốn chinh phục.
Cái ôm kéo rất dài và khi Klima thả Ruzena ra khỏi tay, cô cúi đầu nói giọng nhẫn nhục:
– Thế thì nói cho em là em phải làm gì đi.
Klima không thể tin vào tai mình. Đó là những lời bất ngờ, không được chờ đón và là một sự nhẹ nhõm mênh mông. Mênh mông đến nỗi anh phải rất cố gắng mới tự chủ được mình và không tỏ ra điều đó một cách quá rõ ràng. Anh vuốt má cô gái và nói bác sĩ Skreta là bạn anh và tất cả những gì Ruzena phải làm là ba ngày nữa đến hội đồng. Anh sẽ đưa cô đi. Cô không có gì phải sợ hết cả.
Ruzena không phản đối và anh lại có lại mong muốn tiếp tục đóng vai của mình. Anh choàng tay qua vai cô, chốc chốc dừng lại để hôn cô (hạnh phúc của anh lớn đến mức nụ hôn giờ đây đã lại được phủ một lớp mạng sương mù). Anh nhắc lại là Ruzena phải lên sống ở thủ đô. Anh cũng nhắc lại những câu đã nói về cuộc du lịch ven biển.
Rồi mặt trời biến mất sau chân trời, trong rừng bóng tối dày thêm và một vầng trăng tròn hiện ra phía trên đỉnh những cây thông. Họ trở lại xe. Vào lúc họ tiến lại gần đường, họ bỗng thấy mình ở trong một quầng sáng. Thoạt tiên họ tưởng một chiếc xe đi qua rọi đèn vào họ, nhưng ngay lập tức họ thấy rằng cái đèn pha không rời khỏi họ. Quầng sáng đến từ một chiếc xe máy đỗ bên cạnh đường, một người đàn ông đang ngồi trên xe quan sát họ.
– Nhanh lên anh, em xin anh đấy! – Ruzena nói.
Khi họ đến gần xe, người đàn ông ngồi trên xe máy đứng dậy và tiến đến chỗ họ. Nghệ sĩ kèn chỉ nhìn thấy một bóng dáng mờ tối vì chiếc xe máy đỗ đó soi sáng người đàn ông từ phía sau và chiếu thẳng đèn vào mắt anh.
– Đến đây đi! – người đàn ông nói, tiến về phía Ruzena – Anh phải nói chuyện với em. Chúng ta phải nói chuyện với nhau! – anh ta hét lên giọng giận dữ và bối rối.
Nghệ sĩ kèn cũng giận dữ và bối rối như thế, tất cả những gì anh cảm thấy là một cái gì đó điên giận trước sự thiếu phép tắc này.
– Cô đây đi đang đi với tôi, không phải với anh – anh nói.
– Cả ông nữa, tôi cũng cần nói chuyện với ông! – Người lạ mặt hét lên, nhìn nghệ sĩ kèn – Ông nghĩ ông nổi tiếng nên thích làm gì thì làm à? Ông chỉ phỉnh phờ cô ấy thôi! Rồi bỏ đi ngay! Với ông thế dễ dàng quá còn gì! Ở địa vị ông tôi cũng làm được thế!
Ruzena lợi dụng lúc người đi xe máy nói với nghệ sĩ kèn để chui vào xe. Người lạ mặt nhảy về phía cửa xe. Nhưng cửa đã đóng chặt và cô gái đã ấn nút bật đài. Trong xe đầy tiếng nhạc ồn ã. Rồi nghệ sĩ kèn cũng vào xe và sập mạnh cửa lại. Âm nhạc rất ồn. Ngoài cửa kính chỉ còn nhìn thấy bóng người đàn ông đang gào thét và những cử chỉ của tay anh ta.
– Đó là một kẻ điên cứ bám theo em nhằng nhẵng – Ruzena nói – Nhanh lên, em xin anh, nổ máy đi!
Anh đỗ xe, đưa Ruzena về khu nhà Karl Marx, hôn cô và, khi cô đã biến mất sau cánh cửa, anh cảm thấy mệt mỏi như thể vừa qua một đêm thức trắng. Đã muộn. Klima đói và thấy không còn sức để lái xe. Anh muốn nghe những lời êm ái của Bertlef, anh bèn băng qua khu vườn công cộng đến khách sạn toà nhà Richmond.
Khi đến trước lối vào, anh giật mình nhìn thấy một tấm áp phích lớn mà đèn đường đang soi sáng. Trên đó có tên anh viết bằng chữ to tướng vụng về, và ở dưới, chữ nhỏ hơn, tên của bác sĩ Skreta và tên của dược sĩ. Áp phích được vẽ tay, có thêm hình thơm chiếc kèn trompet vàng do một tay hoạ sĩ nghiệp dư vẽ.
Nghệ sĩ kèn coi việc bác sĩ Skreta tổ chức nhanh chóng việc quảng cáo cho buổi trình diễn là dấu hiệu tốt, vì sự mau chóng đó cho thấy Skreta là người có thể trông cậy được. Anh chạy lên thang gác và gõ cửa phòng Bertlef.
Không có ai trả lời.
Anh gõ cửa lần nữa. Vẫn im lặng.
Anh vừa có thời gian để nghĩ mình đã đến không đúng lúc (người Mỹ nổi tiếng vì có nhiều quan hệ trăng gió) thì tay anh đã vô tình xoay nắm đấm cửa. cửa không khoá. Nghệ sĩ kèn bước vào phòng và dừng lại. Anh không nhìn thấy gì hết. Anh chỉ nhìn thấy một chút ánh sáng đến từ một góc phòng. Đó là một thứ ánh sáng lạ thường, nó không giống với màu trắng loá của đèn nê ông, cũng không giống ánh sáng vàng của đèn điện. Đó là một ánh sáng xanh lét, bao trùm lên khắp căn phòng.
Đúng lúc đó, một ít nghĩ muộn màng đến với đầu ngón tay đang run rẩy của nghệ sĩ kèn, nhắc nhở có lẽ anh đang phạm phải một sự bất nhã khi vào nhà người khác vào giờ muôn màng như thế mà không hề được mời. Anh sợ hãi với sự bất lịch sự của mình, quay trở lại hành lang và đóng nhanh cửa lại.
Nhưng anh bối rối đến nỗui đáng nhẽ phải đi thì anh lại đứng lại trước cánh cửa, cố đoán xem ánh sáng đó từ đâu đến. Anh nghĩ là người Mỹ có lẽ đang trần truồng trong phòng ngủ và đang tắm nắng với một ngọn đèn có tia cực tím. Nhưng cửa đã mở ra và Bertlef xuất hiện. Ông không trần truồng, ông mặc bộ trang phục buổi sáng. Ông mỉm cười với nghệ sĩ kèn:
– Tôi rất vui vì anh đến gặp tôi. Vào nhà đi.
Nghệ sĩ kèn bước vào căn phòng, tò mò, nhưng căn phòng đã được chiếu sáng bởi một đèn chùm bình thường treo trên trần.
– Tôi e là đã làm phiền ông – nghệ sĩ kèn nói.
– Nào nào! – Bertlef trả lời, lấy tay chỉ cửa sổ mà nghệ sĩ kèn tin là đã thấy ánh sáng phát ra từ đó. – Tôi suy nghĩ. Chỉ có thế thôi.
– Khi đi vào, xin lỗi là đã đường đột, tôi đã nhìn thấy một ánh sáng rất lạ thường.
– Ánh sáng? – Bertlef đáp, và ông phá lên cười – Đừng coi vụ mang thai đó quan trọng thế. Nó làm anh có ảo ảnh đấy.
– Hoặc có thể bởi vì tôi đến từ hành lang rất tối.
– Có thể đấy – Bertlef nói – Nhưng hãy kể cho tôi nghe việc đó đã kết thúc ra sao!
Nghệ sĩ kèn bắt đầu kể, và sau một lúc Bertlef ngắt lời anh:
– Anh có đói không?
Nghệ sĩ kèn bảo có và Bertlef lấy ra từ một chiếc tủ một hộp bánh, một hộp jambon và bắt đầu mở hộp.
Klima vần tiếp tục kể, anh ngấu nghiến bữa tối và nhìn Bertlef vẻ dò hỏi.
– Tôi nghĩ tất cả sẽ ổn thôi – Bertlef nói, vẻ động viên.
– Thế theo ông, thằng cha đợi chúng tôi gần xe là ai?
Bertlef nhún vai:
– Tôi biết làm sao được? Dù sao chẳng quan trọng gì nữa.
– Chính xác. Tôi phải suy nghĩ để tìm ra lời giải thích với Kamila tại sao cuộc hội thảo này lại kéo dài đến thế.
Đã muộn lắm rồi. Được động viên và yên tâm hơn, nghệ sĩ kèn lên xe và lái về thủ đô. Trong suốt chuyến đi, một vầng trăng tròn vành vạnh bám sát theo anh.
Chú thích
[1] Khoai tây hoặc bột mì viên rưới nước sốt kèm thịt, rau, gia vị