Đạo Ma Nhị Đế

Chương 107: Nguyên lý cư sĩ



Lão nhân bao mặt đã có ý sợ làm kinh động bọn giữ ngục, cho nên nghe người đó thốt như vậy, hết sức đồng tình. Rồi lại thấy Mã Hoằng và Từ Kiệt tuân lời ra khỏi ngục này, định chắc là một vị tôn trưởng của cả hai.

Lão quay đầu nhìn ra.

Người đó là một thanh niên, tướng mạo oai nghi từ bên ngoài bước vào, hỏi lão:

– Tôn giá là ai?

Lão nhân cười lạnh:

– Lão phu là ông ngoại của đứa bé xấu số bị xe cán chết kia. Cái lão cẩu quan này, hành động hồ đồ, bắt giam luôn mẹ nó vào ngục. Lão phu vào đây tìm mẹ con nó cũng chẳng được sao?

Thanh niên đó ôn tồn, thốt:

– Nơi đây chẳng phải chỗ chúng ta đàm thoại, vậy xin lão tiền bối mang lệnh ái, còn tại hạ mang đứa bé kia, ra bên ngoài, mình sẽ giải quyết vụ này. Tiền bối nghĩ sao?

Lão nhân suy nghĩ một chút, rồi gật đầu:

– Được! Chúng ta ra ngoài kia! Phải rời khỏi nơi này gấp rồi hãy tính sau!

Hai đệ tử Cái Bang không nhận ra thanh niên là ai, song bằng vào tướng mạo và sự kính nể của Mã Hoằng và Từ Kiệt đối với y, họ cũng đoán được y có lai lịch bất phàm.

Lão nhân bế thiếu phụ lên rồi đưa tay giải phá trận pháp kỳ môn, phóng thích Trương Phàm và Kim Lập.

Cũng như Mã Hoằng và Từ Kiệt, Trương Phàm và Kim Lập tỉnh trí lại rồi trông thấy Triệu Sĩ Mẫn, cả hai toan tường thuật sự tình. Triệu Sĩ Mẫn khoát tay:

– Muốn nói gì, chờ ra ngoài kia sẽ nói!

Cả hai vâng một tiếng, lướt qua vọng cửa ngục luôn.

Triệu Sĩ Mẫn gọi hai đệ tử Cái Bang:

– Việc gì mà còn ở lại nơi đây, đã có người trong quý bang thương lượng với phủ quan rồi. Hai vị không còn lưu lại đây nữa. Hãy cùng đi với tại hạ!

Hai đệ tử Cái Bang không do dự, đi ngay.

Triệu Sĩ Mẫn ra sau cùng, đúng lúc bọn người canh ngục nghe động kéo tới rất đông.

Khi tất cả cùng tụ lại một chỗ, Triệu Sĩ Mẫn dẫn đầu ra ngoài thành, đến một nơi vắng vẻ.

Lão nhân nhận ra thiếu phụ bị điểm huyệt, liền giải cho bà ta tỉnh lại. Đồng thời lão cũng lấy vuông vải bao mặt xuống.

Thiếu phụ tỉnh lại rồi, thấy lão nhân vội kêu lên:

– Gia gia ơi! Lân nhi đã bị xe cán chết rồi. Xe của các vị đó!

Bà ta nhào vào lòng lão nhân khóc ngất.

Cả hai cha con có cái vẻ thành thật quá, bọn Tứ Khuyết nghĩ rằng lão nhân phải là con người tốt, và lão phải có lai lịch bất phàm.

Triệu Sĩ Mẫn giải huyệt cho đứa bé, khi nó tỉnh lại rồi, y đặt nó xuống đất. Nó mở mắt ra gọi:

– Mẹ! Mẹ!

Nó đứng lên, chạy về thiếu phụ.

Thiếu phụ đưa tay sờ bóp, xoa nắn nó rồi hỏi:

– Có sao không con?

Đứa bé nghe nhột, cười khúc khích.

Lão nhân nắm tay nó, bảo:

– Lân nhi đừng động đậy, để ngoại soát lại thương thế của cháu xem sao.

Lão bắt mạch nghe một lúc, chẳng thấy gì lạ. Lão phát hiện ra, chừng như có còn mạnh khỏe hơn trước. Như vậy là nó vô sự, lão mừng rỡ vô cùng.

Thiếu phụ chớp mắt, hỏi:

– Gia gia nghe sao?

Lão nhân bật cười ha hả:

– Thiếu Lân chẳng việc gì cả. Trái lại nó còn được cái phúc trong cái họa, hiện tại nó đã được tẩy tủy, dịch cân, đó là một điều may lớn cho nó! Thật là cha con ta hồ đồ quá!

Lão sửa dáng nghiêm trang bước đến trước mặt Triệu Sĩ Mẫn, vòng tay chào đoạn thốt:

– Lão phu nóng nảy, không kịp xét suy, nên chẳng thấy kịp nổi khổ tâm của công tử thành toàn cho Lân nhi, đến đổi có hành động lỗ mãng. Xin công tử thứ tội!

Trên con đường truy tầm tam đệ, Triệu Sĩ Mẫn đến phủ Ninh Hương, nghe bọn đệ tử Cái Bang thuật lại sự tình, bất quá y biết bề ngoài sự việc, còn như Triệu Sĩ Nguyên có dụng ý làm sao y chưa thấu đáo.

Bây giờ lão nhân lại lầm tưởng rằng y là Triệu Sĩ Nguyên, nên thốt lời cảm tạ, đồng thời nhận lỗi. Y không tiện hỏi lại Tứ Khuyết, nên hàm hồ đáp lễ, đáp cho xuôi:

– Xé đệ đi xe bất cẩn, thành gây tai nạn cho hiền ngoại tôn, lỗi về xá đệ, chứ lão tiền bối có gì đáng trách đâu?

Lão nhân tiếp:

– Nhà của con gái lão phu ở gần đây, công tử có thể cùng lão phu đến đó dùng chén trà chăng?

Vì nóng tìm Triệu Sĩ Nguyên, không thể phí phạm thời gian, Triệu Sĩ Mẫn từ chối:

– Tại hạ có việc gấp, không thể vâng lời lão tiền bối được.

Lão nhân do dự một chút, đoạn mỉm cười thốt:

– Nhà của con gái lão phu ở trong thôn họ Lý phía trước kia, khi nào công tử trở lại cứ hỏi tên Lý Thiếu Lân là ai ai cũng có thể chỉ cho công tử. Lão phu chờ đợi một ngày nào đó công tử sẽ đến với lão phu. Chứ bây giờ công tử thấy không tiện thì thôi vậy.

Lão bế đứa bé, tay kia nắm tay thiếu phụ, gật đầu chào Triệu Sĩ Mẫn lượt nữa, đoạn quay mình bước đi.

Lão nhân chính là Nguyễn Lý Cư Sĩ họ Văn tên Công Đạo, người mà Thư Tiếu Thiên đưa Triệu Sĩ Nguyên vượt đường dài tìm đến.

Lão vốn là bạn đồng môn của Tào Duy Ngã, bởi mê say trận pháp kỳ môn, nghiên cứu một chiều, không tập luyện võ công, do đó lão không sánh bằng Tào Duy Ngã về quyền cước cũng như xử dụng vũ khí.

Về trận pháp kỳ môn, trong võ lâm hiện đại, chẳng một ai hơn lão nổi. Con gái của lão có một quan niệm nhân sanh khác thường, không chuộng võ, không thích văn, chỉ mong làm chủ phụ bình thường, sống cuộc đời an tịnh cho nên nàng lấy chồng chất phát thật thà, sanh hạ được một đứa con trai đặt tên là Thiếu Lân. Nàng không muốn Lý Thiếu Lân học tập môn trận pháp của cha, điều đó là cho Văn Công Đạo thất vọng vô cùng.

Dọc đường, thiếu phụ trách con về tai nạn vừa qua.

Thiếu Lân tuy còn nhỏ tuổi, song rất thông minh, đối đáp rõ ràng. Hắn thuật lại sự tình, Văn Công Đạo và thiếu phụ không tưởng nổi là có người hãm hại hắn. Thì ra Thiếu Lân bị một người khách qua đường dùng lời ngon ngọt dụ dỗ nó, đưa đến một vùng vắng vẻ, sau đó mang nó luôn đến một con đường lớn, dấu nó trong bụi cỏ rồi chờ cho xe của Triệu Sĩ Nguyên đi ngang qua, xô nó ra giữa lộ.

Người xô đẩy sau đó trốn biệt.

Nguyễn Lý Cư Sĩ Văn Công Đạo cứ tưởng là một kẻ thù nào ngày trước tìm đến đây, trước hãm hại cháu ngoại lão, sau đó mới chạm mặt với lão.

Nhưng cừu nhân là ai?

Để tránh những tai hại trong những ngày sắp tới, Văn Công Đạo bảo con và cháu cùng về ở chung với lão một thời gian. Thiếu phụ bằng lòng, và về nhà tỏ bày sự việc với chồng, để thu xếp gia vụ cho ổn thỏa, sau đó sẽ đến lánh nạn tại nhà Văn Công Đạo, còn lão thì đưa Thiếu Lân đi trước.

Vào trận, dù là trận do lão bố trí, song lại có bọn thuộc hạ của Tào Duy Ngã mai phục, chúng được lịnh của Tào Duy Ngã, cho vào mà chẳng cho ra nên lão không gặp một trở ngăn nào. Lão phát hiện ra có người vào trận, nhưng lại còn lẩn quẩn trong đó, chưa ra được.

Lão không buồn lưu ý đến, cứ để mặc cho kẻ đó khốn khổ một thời gian, dù có chết luôn cũng chẳng sao, khi nào lão rổi rảnh sẽ xem qua cho biết.

Rồi lão lại phát hiện luôn ngọn đèn trong nhà đã tắt. Như vậy chẳng những có người vào trận mà còn xâm nhập gia cư của lão. Đèn của lão là loại đặc biệt, dù có gió bảo cũng không tắt, dù có mưa ướt át cũng vẫn cháy như thường, lão lại đổ dầu vào bình rất đầy, thừa cho một ngày một đêm. Thế mà đèn vẫn tắt, như vậy là rõ rệt lắm rồi.

Lão nhếch nụ cười lạnh, điểm huyệt ngủ cho đứa bé, dấu nó ở một nơi kín đáo, cho được rảnh tay chân, đối phó với kẻ lạ kia. Lão tưởng làm như vậy là chu đáo lắm rồi, ngờ đâu có kẻ nấp trong bóng tối thấy rõ mọi cử động của lão.

Sau đó lão bước đến cửa, bật cười sang sảng, thốt:

– Hẳn bằng hữu đợi đã lâu lắm! Xin thứ lỗi cho lão phu thất lễ tiếp đón!

Lão hoành tay ngang trước ngực, phòng có biến, năm ngón xòe ra phát động năm ngọn chỉ phong, tiên hạ thủ vi cường, lão điều khiển chỉ phong vút về nơi mà lão nghi có người ẩn nấp. Nhưng chỉ phong vút đi không gặp một phản ứng nào. Lão hết sức kinh ngạc, tự hỏi kẻ xâm nhập gia cư của lão ở đâu, sao không xuất hiện. Bỗng bên trong nhà có ánh lửa lóe lên, rồi ngọn đèn được đốt cháy trở lại.

Đồng thời một giọng nói tươi vang lên:

– Sư đệ đã về đó à? Ngu huynh chờ khá lâu rồi!

Văn Công Đạo nghe âm thanh đó, cau đôi mày, nhưng lão lấy ngay bình tĩnh, vừa bước vào vừa bật cười ha hả, thốt:

– Thì ra chính là sư huynh! Sư huynh đùa ác quá, tiểu đệ suýt bay hồn lạc phách!

Tào Duy Ngã đứng giữa thơ phòng, sau lưng lão là Vô Tình công tử.

Văn Công Đạo không thể thất lễ, vén áo cúi mình sắp sửa lạy chào.

Tào Duy Ngã bước tới ngăn chận:

– Sư đệ! Chúng ta cũng già hết rồi, cần chi phải quá thủ lễ!

– Lễ bất cứ ở hạng tuổi nào cũng không được khinh thường. Tiểu đệ phải bái kiến sư huynh!

Rồi lão lạy đủ số.

Tào Duy Ngã thở dài, đành chấp nhận.

Đoạn cả hai cùng ngồi xuống.

Tào Duy Ngã gọi Tào Tuấn Kỳ:

– Tuấn Kỳ con, bước tới ra mắt sư thúc đi!

Tào Tuấn Kỳ không phục, song lịnh cha không thể cãi, hắn bước tới thốt:

– Tiểu điệt tham kiến sư thúc!

Nhưng hắn chưa lạy. Hắn hy vọng Văn Công Đạo sẽ ngăn chận, và hắn nhân dịp đó sẽ gật đầu vừa đủ tất trách thôi.

Ngờ đâu, Văn Công Đạo không làm gì, không nói gì. Chừng như lão chờ hắn làm trọn lễ. Bắt buộc Tào Tuấn Kỳ miễn cưỡng lạy.

Hắn vừa lạy hai lượt, Văn Công Đạo khoát tay:

– Được rồi hiền điệt! Thấm thoát mà đã hơn hai mươi năm rồi! Chúng ta cách mặt nhau mãi đến nay mới tái ngộ!

Tào Tuấn Kỳ bực dọc, đứng lên lùi lại sau lưng cha.

Văn Công Đạo không mời hắn ngồi vì hắn làm sao ngồi chung chỗ với cha và sư thúc?

Điều đó làm cho Tào Tuấn Kỳ thêm tức uất. Hắn quen thói cuồng ngạo từ thưở nhỏ, khi nào chịu nổi sự khinh miệt của người ngoài dành cho hắn. Hắn hận Văn Công Đạo vô cùng.

Tào Duy Ngã đặng hắng một tiếng, thốt:

– Mười năm không gặp, gặp lại rồi ngu huynh nhận ra sư đệ vẫn như ngày nào, chẳng già thêm bao nhiêu. Lại hưởng thú điền viên, sống cuộc đời thanh bạch, ngu huynh hâm mộ vô cùng.

Văn Công Đạo trả miếng ngay:

– Sư huynh tạo thanh danh chấn động giang hồ, làm rạng rở sư môn, tiểu đệ khâm phục lắm đó!

Cái khẩu khí của song phương, ngoài thì hòa, mà ở trong thì khác.

Họ là những tay âm trầm, tự hiên họ rất hiểu dụng tâm của đối phương.

Tào Duy Ngã thở dài:

– Nghe sư đệ nói, ngu huynh đoán ra, chừng như sư đệ không tán thành cái chủ trương của ngu huynh, thống trị thiên hạ võ lâm?

– Đời nào phải chỉ có một sư huynh, mà cao nhân thường gặp cao nhân trị!

– Cách biệt nhau một thời gian dài, ngu huynh hằng mong ước gặp nhau để thỏa mãn hoài niệm, không ngờ gặp nhau rồi, lại phải nghe những lời chau cay của sư đệ! Buồn thay!

– Tiểu đệ sống trong cảnh thanh bần, lòng không nuôi mộng lớn, chỉ mong được vô sự hưởng tràn chuỗi ngày trời. Đang đêm, sư huynh đột nhiên đến đây hẳn phải là không duyên cớ tiểu đệ phải lo ngại, đó cũng là một phương thức tự vệ, sư huynh trách cứ làm chi?

Tào Duy Ngã thở ra:

– Ngu huynh trong con mắt của sư đệ chỉ là một con độc xà, không hơn không kém!

Văn Công Đạo vội phân trần:

– Sư huynh nghi oan cho tiểu đệ! Làm gì tiểu đệ dám có ý nghĩ đó! Bất quá tiểu đệ ước mong sư huynh đừng làm cho việc gì khiến cho cuộc sinh hoạt của tiểu đệ cải biến khác thường thôi.

Tào Duy Ngã lắc đầu:

– Mỗi người đều có chí hướng khác biệt, sư đệ thích thú sơn lâm thì ngu huynh nở nào bức bách sư đệ dấn thân vào trần tục.

– Tiểu đệ biết ơn sư huynh!

– Khoan sư đệ! Ngu huynh đang gặp cảnh khốn đốn, trừ sư đệ ra không ai tiếp trợ sư huynh được cả. Ngu huynh hy vọng sư đệ vì tình đồng môn ra tay một lần nữa.

– Sư huynh anh hùng như vậy còn gặp phải khó khăn thay. Tiểu đệ có tài năng gì giải tỏa nổi nguy cảnh của sư huynh?

Tào Duy Ngã tiếp:

– Sư huynh cũng hiểu là bình sanh ngu huynh thường can thiệp vào những việc bất bình trong thiên hạ, do đó phải chuốc lấy ít nhiều hận thù.

Dừng lại một chút, lão tiếp:

– Gần đây, ngu huynh luôn luôn gặp nhiều phiền lụy liên miên không dứt, và nối tiếp nhau ngày một. Lập nên cơ nghiệp đã là một cái khó, bảo vệ cơ nghiệp lại khó hơn, mà con trai của ngu huynh là Tuấn Kỳ đây, lại còn nhỏ tuổi quá, cho nên ngu huynh hết sức ưu tư…

Văn Công Đạo buông một câu:

– Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc, có làm sao âu cũng là sốt rời.

Tào Duy Ngã cười khổ:

– Mới đây con trai của Long Phụng lệnh chủ là Triệu Sĩ Nguyên ra mặt chống đối ngu huynh công khai, hắn có thành kiến nặng nề với ngu huynh, bất chấp ngu huynh phân trần, giải thích, hắn đã ước hội một số đông người từng bất mãn với ngu huynh lập thành mặt trận, quyết trừ diệt ngu huynh. Dù cho hiện tại ngu huynh có thật tâm thoái bước, bọn người đó vị tất chịu dung tình!

Bởi ẩn cư chốn thâm sơn, Văn Công Đạo từ lâu không hề biết sinh hoạt của giới giang hồ, cho nên nghe Tào Duy Ngã nói thế, lão hơi xúc động, cau mày suy nghĩ một lúc rồi hỏi:

– Hắn không chịu nghe sư huynh giải thích à?

Tào Duy Ngã lắc đầu:

– Đừng nói là hắn có chịu nghe hay không! Hắn chẳng bao giờ để cho ngu huynh có cơ hội phân trần. Ngu huynh nghĩ là nếu quần hùng nghe ngu huynh giải bày ẩn tình, thì niềm công phẫn đó sẽ tiêu tan. Hắn cũng biết thế nên chẳng bao giờ cho ngu huynh mở miệng!

Lão lại dừng, thở một hơi dài, rồi tiếp:

– Ngu huynh định nhờ sư đệ, chẳng phải để tăng cường lực lượng chống đối với họ, làm cách nào bắt buộc họ phải bằng lòng nghe ngu huynh giải thích.

– Tiểu đệ đâu có tài năng gì bắt buộc họ phải nghe theo?

– Nếu sư đệ thật tâm giúp ngu huynh, thì hãy lập thành một trận pháp, dụ bọn Triệu Sĩ Nguyên vào đó rồi ngu huynh sẽ từ từ giải tỏa sự lầm lẫn của họ, đổi chiến làm hòa. Sau khi song phương không còn hiểu lầm nhau nữa, ngu huynh sẽ thoái xuất giang hồ, tìm nơi quy ẩn sống một ngày tàn.

– Sư huynh muốn lập trận đó vào lúc nào?

Tào Duy Ngã mừng thầm, đáp:

– Cứ theo tin tức do ngu huynh tiếp nhận, thì Triệu Sĩ Nguyên sẽ phát động cuộc tấn công trong một ngày rất gần. Chúng ta phải ra tay trước mới mong thủ thắng được. Thắng đây là thắng cái lý chứ không phải thắng trận. Vậy thì sư đệ nên lập trận ngay từ bây giờ.

Văn Công Đạo thốt:

– Gần đây tiểu đệ có việc lo, tâm thần không ổn định, chỉ sợ không đủ sáng suốt để bố trí một trận pháp chu đáo. Sư huynh hãy đợi ít hôm…

– Sư đệ có điều gì lo nghĩ, cứ nói với ngu huynh, ngu huynh xin cán đán cho để sư đệ rảnh tâm lập trận…

– Cháu ngoại của tiểu đệ tên là Lý Thiếu Lân, ra đường bị xe cán…

– Nói vậy đứa bé bị xe cán chết trong ngày hôm nay, trên con đường cái, gần phủ thành đó là cháu ngoại của sư đệ sao? Sư đệ có biết ai gây ra tai nạn đó chăng?

– Tiểu đệ thấy người song không biết thân thế!

– Cho sư đệ biết, chính Triệu Sĩ Nguyên đó! Như thế là chúng ta cùng có chung một kẻ thù rồi. Như thế là sư đệ có lý do giúp ngu huynh.

Văn Công Đạo trố mắt:

– Bọn Triệu Sĩ Nguyên à?

Hỏi như vậy, nhưng lão có một chủ trương rồi. Cái chủ trương đó bất lợi cho Tào Duy Ngã, bởi lão đã hiểu Triệu Sĩ Nguyên không phải là con người do Tào Duy Ngã mô tả, rồi trầm tư thần sắc ngưng trọng.

Tào Duy Ngã không đoán được tư tưởng của Văn Công Đạo, bật cười vang:

– Không phải chúng thì còn ai nữa chứ?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.