Chị em Hồng Lan hạ xong Lữ Phương, liền chặt mỗi người hai khúc câu cột vào chân, đạp nước băng qua sông trở lại.
Khi sợi giây bị đứt, Đoàn San San và số cao thủ nhất lưu còn lại muốn đạp nước qua sông tiếp ứng, nhưng lại sợ Ngũ độc giáo đã chuẩn bị, họ qua sông nửa chừng nếu bị tên hay ám khí bắn ra sẽ nguy hiểm vô cùng. Trong lúc chúng lưỡng lự thì rừng bốc cháy, trong ánh sáng của lửa, chúng thấy mấy chục cô gái phi thân tới. Trên tay mỗi cô gái đều cầm một cây ná nhỏ. Số cao thủ của Thiên long bang lần này đều là cao thủ, chúng chuẩn bị đối phó với Ngũ độc giáo, một môn phái dùng độc nên liền lấy thuốc ngậm vào miệng, dùng khăn ướt bịt mũi và cũng đồng phi thân tới chận đoàn người Ngũ độc giáo. Hai bên cách nhau khoảng vài trượng, những cây ná trên tay các cô gái đồng loạt phóng ra những mũi tên, tên ra khỏi ná bốc cháy. Cao thủ Thiên long bang đều gạt được tên bay xuống đất, nhưng khi tên rơi xuống đất lại nổ lốp bốp, và khói trắng bốc ra. Biết là khói độc, cao thủ Thiên long bang chạy lùi ra phía sau, mấy chục cô gái lại tràn tới và lần này lại ném ra những viên đạn bằng trứng gà, những viên đạn bị đỡ gạt, hay rớt xuống đất lại bể ra và mùi thơm lại bốc lên. Đoàn San San tức giận, phi thân lên cao cây kiếm nhắm vào hai thiếu nữ gần nhất phóng tới. Hai cô gái không chống cự thế kiếm của nàng mà cùng nhau nhảy lùi lại. Từ phía sau chúng bốn người đàn bà xuất hiện và bủa ra bao vây San San vào giữa. Bốn người đàn bà trong đoàn người San San cũng liền nhất tề phi tới. Và họ chia ngay thành năm cặp kịch chiến sống chết. Tất cả bọn thiếu nữ bấy giờ mới rút kiếm phóng tới nhóm cao thủ Thiên long bang, cứ hai ba cô tấn công một. Võ công của nhóm cao thủ Thiên long bang này võ công cao cường hơn bọn thiếu nữ Ngũ độc giáo rất nhiều, nhưng lại ở trong thế một chọi với hai, thành ra trận chiến rất hung hãn. Đoàn San San, so võ công cũng cao hơn Nhất Hoa, người đang đấu với mình, nhưng cũng không thể hạ địch thủ nhanh chóng được. Đánh nhau giây lát, bọn cao thủ Thiên long bang lại thấy thân thể bắt đầu ngứa ngáy, vùng che mặt bằng khăn ướt tẩm thuốc giải độc lại càng ngứa hơn, biết mình bị trúng độc bọn chúng trở nên lo âu, sức chiến đấu giảm thấy rõ. Trong lúc chiến đấu với Tần Nhất Hoa, San San để ý đến chiến trận và cũng nhận thấy da dẻ mình bắt đầu ngứa, nàng dùng hết tất cả công lực tung ra một chiêu trí mạng buộc Nhất Hoa phải tránh né, tung mình lên cao thoát ra ngoài, phóng chạy nhanh như làn khói, trong lúc phóng chạy nàng hú lên ba tiếng, âm thanh lồng lộng vang cả rừng núi. Cao thủ Thiên long bang nhận được lệnh rút lui của nàng, nỗ lực đánh dạt địch thủ và thi nhau bỏ chạy. Bốn chị em Hồng Lan từ bên sông qua, cùng quát lớn và cùng tung kiếm đuổi theo rượt giết.
Tổng kết trận chiến, phía Ngũ độc giáo chỉ có năm người bị thương nhẹ, Thiên long bang bị giết gần năm chục, bị bắt năm người. Và cao thủ hạng nhất của Thiên long bang, Thiết phiến Lữ Phương, phó tổng quản cũng đã giã từ bang hội tàn ác này. Thiết phiến Vương Thành, tân đàn chủ Việt Tây bị thương, Phi Yến vui mừng ôm vai Hồng Lan và Nhã Lan:
– Nếu tiểu muội không nhờ trời thương gặp hai tỷ tỷ và Nhã Lan muội. Đêm nay Ngũ độc giáo là nạn nhân chứ không phải kẻ chiến thắng.
Nhã Lan cười:
– Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Chúng ta thắng nhờ công thám thính của tỷ tỷ đó chứ.
Hồng Lan:
– Thôi cứ cho chúng ta có chút công lao với Phi Yến. Đừng để đêm dài lắm mộng, chúng ta đưa người Bế môn đến đây và qua sông. Ta nghĩ có đi thâm qua ban ngày cũng không sao.
– Tỷ tỷ nói đúng. Nhân sự của tiểu muội đang lo bổn phận. Họ Bế chỉ còn cách đây một sườn núi, và đường đi không cần mở lối nữa. Số bè chuẩn bị cũng nhiều, mờ sáng mai chúng ta đã toàn bộ qua sông. Số ngựa đem tới cũng trên trăm con. Suốt ngày mai, dù chưa tới ranh giới, nhưng đã thuộc vào vùng an toàn của bản giáo. Tối mai chị em ta có thể về Ngũ độc cung.
Đúng như Phi Yến dự tính, buổi sáng hôm sau, tất cả người Bế môn và thuộc hạ của nàng đều được đưa qua sông Hồng. Mọi người ăn uống chút đỉnh rồi sẳn sàng cho cuộc hành trình kế tiếp. Lúc này họ dùng cả trăm con ngựa, có những con ngựa thuộc giống ngựa lùn rất nhỏ, trẻ em mười tuổi có thể cởi được, trẻ em nhỏ hơn được ngồi chung ngựa với cha mẹ. Phụ nữ Bế môn võ công không cao, nhưng vốn là người miền núi ai cũng biết cởi ngựa. Khi có ngựa những cao thủ Bế môn không còn bận bịu cõng con, cõng mẹ nữa, họ tiếp tay với nhóm dũng sĩ và Thiên ưng đội của Phi Yến chia nhau chiếu cố, săn sóc cho mọi người. Trong đường rừng núi nhưng đoàn người ngựa đi với tốc độ rất nhanh. Khi lên đèo, qua suối cũng không trở ngại. Bốn chị em Phi Yến cởi ngựa theo sau, chuyện trò vô cùng tương đắc. Chiều hôm đó sau khi băng qua cầu treo bắt ngang qua một con sông, họ đến một nông trại rộng lớn, nuôi rất nhiều ngựa, trâu bò, gà vịt, trại láng nhà cửa bốn năm cái. Tất cả đều cất bằng gỗ và lợp tranh. Số người trong trại già trẻ gần hai chục người vội vàng ra đón tiếp.
Trên đường đi Phi Yến đã nói cho chị em Hồng Lan biết đây là một trong những hương đàn của mình. Mỗi hương đàn có bốn năm xóm dân cư hay bốn năm trang trại. Hương đàn này trực thuộc Phân đàn Điền châu, tuy chưa vào biên giới tỉnh Quảng tây nhưng đã vào vùng an toàn. Từ Hương đàn này tất cả mọi đường sơn đạo đều nằm trong vùng tai mắt của Ngũ độc giáo.
Có lẽ đã nhận tin từ trước, khi đoàn người vào trại, nước nóng đun cho mọi người lau rửa đã chuẩn bị sẵn. Bên các đống lửa cháy sáng trong sân đất rộng, năm bảy tráng hán đang nấu nướng nào gà vịt, bò nướng, bê thui.. mùi thơm xông ngạt mũi.
Người trong trại ra đoán rước giáo chủ của mình không phải qùy lạy như chị em Hồng Lan nghĩ, họ chỉ cung kính vái chào. Chị em Hồng Lan thấy người hương đàn chủ khoảng lục tuần, trời lạnh vẫn mặc áo ngắn tay. Hai tay bấp thịt nổi vồng chứng tỏ là một cao thủ ngoại công rất khá xưng tên Hạ Diễn. Sau khi bái kiến Phi Yến, Hạ Diễn cung kính mời nàng và chị em Hồng Lan vào căn nhà giữa. Phi Yến cũng đon đả kính cẩn mời Bế Diều và con bà là Bế Thiệu vào chung với mình.
Bữa cơm trong căn nhà chính đêm đó, ngoài Phi Yến ngồi ghế chủ toạ, chị em Hồng Lan, Bế Diều và Nhã Lan ngồi hai bên, sau đó là Hạ Diễn, Bế Thiệu, năm chị em Tần Nhất Hoa, nói sao cho hết những lời vui mừng của Phi Yến dành cho ba chị em kết nghĩa, và những lời cảm kích của Bế Diều và Bế Thiệu dành cho nàng. Bên ngoài sân, các cô gái Thiên ưng đội, dũng sĩ đội vừa ăn uống vừa chuyện trò như bắp rang, ồn áo náo nhiệt kể lại những nguy hiểm, hồi họp và khoan khoái trong đêm qua. Cơm nước xong, Phi Yến được Tần Mai vào trình báo là họ đã nhận được phi vũ truyền thư của người gài lại dọc đường cho biết Thiên long bang không có động tịnh nào. Phi Yến lấy làm an lòng và ngỏ lời muốn cùng chị em Hồng Lan và Nhã Lan cùng mình đi đêm về Ngũ độc cung. Hồng Lan và Tử Lan hiểu Phi Yến nôn nóng là muốn mau tìm ra thuốc giải độc cho mình. Hai nàng nghĩ lại trước đây vì sợ Nhã Lan và Phi Yến cản trở đi Thiên long bang, Hồng Lan đã tự làm cho thời gian tình long độc phát sinh trong người có tính cấp bách, chứ thật tính ra nàng và Tử Lan cũng phải gần hai tháng nữa mới có thể nguy hiểm. Hơn nữa, cho dù sự sống chết của hai nàng có cấp bách. Việc về Ngũ độc cung sớm hơn một đêm cũng không nhanh là bao. Nhưng nhỡ trong lúc người Ngũ độc giáo nghĩ ngơi, Thiên long bang lại đuổi theo truy sát sẽ làm mình ân hận khôn cùng và cũng rất có lỗi với Phi Yến nên nhất quyết từ chối. Khuyên nàng phải cùng đi với đoàn người.
Thấy Phi Yến cũng vẫn nôn nóng Hồng Lan kéo nàng ra ngoài thú thật cho biết thời gian phát độc của mình còn lâu để nàng an tâm. Nhưng Phi Yến bấy giờ lại nghĩ Hồng Lan vì không muốn ra đi trong lúc nguy hiểm của Ngũ độc môn còn đe doạ nên lại khăng khăng hơn. Nhã Lan không biết rõ Hồng Lan nói gì với Phi Yến, nhưng cũng lo Thiên long bang đuổi theo thì Ngũ độc môn sẽ hiểm nguy nên cũng khuyên Phi Yến để họ cùng đi với đoàn người cho đến nơi đến chốn. Phi Yến cho biết nếu họ dùng khinh công thượng thừa đi trong một đêm sẽ về tới Tổng đàn của mình, nhưng đi theo tốc độ của đoàn người ngựa theo đường sơn đạo quanh co thì phải ba ngày nữa. Nhã Lan cho ý kiến dung hoà:
– Chúng ta nghỉ đêm nay, ngày mai hộ vệ cho đoàn người ngựa một ngày nữa. Trong ngày mai vẫn nhận tin Thiên long bang chưa có ý phục thù. Chúng ta sẽ về tổng đàn của Yến tỷ.
Phi Yến:
– Ta rất lo cho an nguy của thuộc hạ. Nhưng không cần thiết ngày mai phải đi theo thêm một ngày nữa. Có hai điều có thể tin chúng tạm án binh, thứ nhất chúng bị thiệt hại nặng nề, thứ hai chúng sợ ta mai phục lại thiệt hại thêm. Chắc chắn muốn tấn công chúng ta chúng phải chuẩn bị thêm một thời gian nữa, lựa lúc bất ngờ. Tuy nhiên, cẩn tắc vô ưu. Chúng ta chậm một đêm, ngày mai chị em ta về tổng đàn. Mong nhị tỷ và Lan muội không còn e ngại nữa và bác bỏ ý kiến ta nữa.
Hồng Lan và Tử Lan thấy Phi yến đã quyết, gật đầu ưng thuận. Nhưng bà cụ Bế Diều lại lắc đầu quầy quậy:
– Con mụ họ Vương gian hoạt khôn cùng. Mụ là con hồ ly sống. Có thể trong lúc chúng ta yên trí như vậy thì mụ sẽ ra tay. Già này biết từ lâu chúng đã muốn tiêu diệt Ngũ độc giáo, nhưng sợ kéo quân tới tổng đàn, độc giăng khắp nơi, cơ quan trùng trùng không chắc gì chắc thắng nên ngần ngại. Bây giờ biết giáo chủ xuất cung, mụ sẽ nghĩ không khác gì cọp đã lìa rừng, giao long lên cạn nên có thể sẽ huy động cao thủ thượng thừa đuổi theo. Nếu số cao thủ có khả năng vượt rừng núi theo đường thẳng mà đi với tốc độ phi hành, dù xuất phát hai ngày sau cũng có thể theo kịp, nếu chúng có khoảng hai mươi người cộng với mụ Vương và Lã Nhượng dẫn đầu, giáo chủ khó bề đối phó.
Nghe mụ Bế Diều nói, Hồng Lan gật đầu khen ngợi:
– Đúng là gừng càng già càng cay. Yến muội không thể coi thường nhận định của Bế tiền bối.
Phi Yến bấy giờ mới thấy mình vụng tính thêm lần nữa. Hỏi Bế Diều:
– Theo tiền bối chúng ta phải làm gì?
– Cẩn tắc vô ưu! Đúng như giáo chủ đã nói. Theo già, mụ họ Vương sẽ không đuổi tới đây trong đêm nay. Mụ muốn chúng ta yên trí không còn lo đề phòng nữa mụ mới ra tay. Có thể đêm mai, hay ngày mốt. Dù vậy, đêm nay chúng cũng phải sẳn sàng. Khinh địch sẽ bị hại. Chuẩn bị đề phòng tuy có mất công nhưng tốt hơn là không. Theo lão, để cho bọn phu nhân và trẻ em Bế môn chúng tôi nghỉ ngơi giây lát, rồi giáo chủ cho vài người hướng dẫn bọn chúng lên đường. Ngày mai bọn chúng cũng phải đi gấp, còn chủ lực chúng ta thì ở đây đêm nay. Đêm mai đến nơi tạm trú khác chúng ta cũng vẫn ngủ lại và chờ đợi. Đêm qua vì bọn chúng mà Bế môn không thể góp tay. Lần này, lão và mấy chục cao thủ Bế môn xin cùng giáo chủ ra sức, bố trí độc trận chờ đợi. Hầu hết các loại độc Bế môn xử dụng chúng đều có thuốc giải. Nhưng lão phụ nhân này đâu đã hết tâm hết dạ với chúng?
Mụ thở dài:
– Số bách độc phi sa lão mang theo lần này định lập công với mụ. Nhưng mụ đã thâm độc quá với Bế môn, thì Bế môn cũng sẽ dâng lên cho mụ khi mụ đến đây.
– Vãn bối xin đa tạ tiền bối. Vậy thì xin phiền Bế huynh sắp xếp Bế môn cho. Tiểu muội sẽ cho mười anh em trong đội dũng sĩ hướng dẫn và hộ vệ mọi người lên đường trong đêm. Khuya nay khởi hành. Trong khi Bế huynh sắp xếp cho Bế môn, vãn bối xin mời tiền bối cùng chị em chung tôi quan sát địa thế chung quanh.
Bế Diều đứng dậy quả quyết:
– Đêm nay phải chuẩn bị, nhưng già tin tưởng đêm mai mới là đêm chúng tới. Nếu giáo chủ tin tưởng, việc canh gát đêm nay giao cho bọn tục tử Bế môn và già này đảm nhiệm. Giáo chủ không phải nhọc lòng.
– Vãn bối tuyệt đối tin tưởng tiền bối. Nhưng làm sao không khỏi áy náy khi tiền bối lo canh phòng còn chúng cháu lại nghỉ ngơi kia chứ? Thôi thế này! Vãn bối giao một đội Thiên ưng, một đội dũng sĩ và nhân sự của Hạ đường chủ cho tiền bối và Bế huynh toàn quyền điều động. Xong việc mời tiền bối về nhà ngơi nghỉ hay điều tức.
Mụ Bế Diều gật đầu:
– Già xin vâng lệnh giáo chủ.
Hạ Diễn sốt sắng:
– Thuộc hạ và anh em hương đàn xin nghe theo lệnh phân phó của Bế tiền bối.
Phi Yến nắm tay bà ta thân mật:
– Tiền bối không phải là người trong bản giáo. Từ nay xin coi Phi Yến như con cháu. Không nên khách sáo làm Phi Yến tổn thọ. Nói gì với vãn bối thay vì giáo chủ tiền bối cứ gọi một tiếng cô nương là được.
Bế Diều cảm động, giọng nghẹn đi:
– Giáo chủ.. cô nương, già .. già sẽ làm theo những gì cô nương nói. Đêm nay những người không phận sự cô nương cứ cho họ ngủ ngon, chỉ không cởi giày, vũ khí không rời thân có động sẳn sàng ứng chiến là được.
– Vãn bối xin vâng.
Phi Yến ra lệnh cho Tần Nhất Hoa giao đội thiên ưng do Tần Muội Tử lãnh đạo, đội dũng sĩ do một thanh niên có tên là Sầm Thang chỉ huy cho Bế Diều. Được sự đồng ý của Phi Yến, Bế Diều nhờ Hạ Diễn dẫn đi quan sát chung quanh trại.
Đêm hôm đó, dù chuẩn bị, Thiên long bang không xuất hiện. Quen với nguy hiểm, số người của Ngũ độc cung, ai có nhiệm vụ canh gác thì canh gác, ai không có nhiệm vụ thì ngủ lấy sức. Sáng hôm sau ai nấy cũng chứng tỏ có tinh thần sung mãn và sau khi ăn sáng, mang theo lương thực, lại tiếp tục hành trình. Trước khi đi Phi Yến căn dặn Hạ Diễn nếu người Thiên long bang đuổi tới, không được chống cự và dù chúng tra gạn thế nào cũng không thừa nhận là người của Ngũ độc giáo. Đừng để thuộc hạ bị chết oan uổng.
Số người họ Bế được hướng dẫn đi trước đã đi với tốc độ khá nhanh, còn hôm nay, dù không phải hộ vệ phụ nhân và trẻ em, đoàn người ngựa Ngũ độc giáo lúc này lại đi với tốc độ chậm rãi. Buổi trưa họ nghỉ trưa ăn uống hơn giờ trong rừng. Khi chiều vừa xuống vừa đến một khu đất trống ven sơn đạo. Trong khu đất trống rộng vài mẫu có dựng sẵn mấy tấm lều vải. Có nhiều người lo nấu nướng và làm việc. Chung quanh khu đất trống chị em Hồng Lan thấy một vòng đai chất đầy rơm khô, cỏ khô và cây khô. Phi Yến sau khi nhận định Thiên long bang sẽ đuổi theo, không muốn ghé vào những hương đàn của mình. Người ở hương đàn có vợ con, võ công tầm thường. Nàng không muốn họ bị chết oan uổng. Đoàn người tới trại, có hơn hai mười người tuổi khoảng từ hai mươi trở lên ra chào đón. Dẫn đầu là một ông già khoảng sáu mươi, tướng mạo quắc thước, khỏe mạnh. Oâng ta xưng tên là Thiệu Hùng và trình cho Phi Yến biết, ông đã tăng cường cho đoàn người Bế môn hai con voi. Những người quá yếu đuối, mệt mỏi được cởi trên bành voi. Họ có thể vừa đi vừa ngủ. Cụ Thiệu Hùng cũng trình cho Phi Yến ông ta đã bố phòng khu vực theo thư chỉ thị của nàng. Mang tới đủ số lượng cung ná và chung quanh cũng gài đủ vật liệu dẫn hoả. Phi Yến an ủi Thiệu Hùng, giới thiệu ông ta với chị em Hồng Lan và Bế Diều. Cơm nước số người Thiệu Hùng chuẩn bị đón rước họ cũng thịnh soạn không khác gì lúc ở hương đàn của Hạ Diễn, nhưng bàn ăn của giáo chủ và khách chỉ là hai tấm ván mỏng kê trên bốn trụ cây, ghế ngồi cũng bằng cây đóng sơ sài và tất cả đều ăn uống ngoài trời.
Sau khi ăn uống, Phi Yến ra lệnh cho Thiệu Hùng đưa người của ông ta rời khỏi chỗ dừng chân, nhưng Thiệu Hùng quỳ gối:
– Giáo chủ đã không muốn ghé hương đàn vì sợ địch nhân làm hại thê tử chúng tôi, ơn đức này Thiệu mỗ xin thụ nhận. Nhưng khi giáo chủ và huynh đệ chuẩn bị chống địch. Thiệu mỗ và anh em, lại an thân về nhà sẽ cảm thấy xấu hổ vô cùng. Khó lòng nhìn mặt anh em bản giáo. Xin giáo chủ cho chúng tôi góp sức. Dù chết cũng mãn nguyện.
Số người theo Thiệu Hùng cũng lần lượt qùy gối sau lưng ông ta.
Phi Yến đỡ Thiệu Hùng lên:
– Bọn địch nhân đến đây võ công cao cường khôn cùng. Số đông không phải là cách thủ thắng. Hương chủ xin hãy vì nguyên khí của bản giáo mà đưa anh em rời khỏi nơi đây.
Thiệu Hùng lại khom lưng:
– Thuộc hạ của bản giáo vì giáo chủ mà sức là vinh dự một đời. Xin giáo chủ không để cho tấm thân già của thuộc hạ cảm thấy quá vô dụng.
Số hảo hán sau lưng ông ta:
– Quyết vì giáo chủ ra sức. Thà chết vinh hơn sống nhục.
Bà Tần Nhất Hoa khuyên Phi Yến:
– Anh em Thiệu hương đàn đã có lòng xin giáo chủ cho họ góp công. Số cung nỏ đem tới giao cho hương đàn xử dụng. Mấy chục chục mũi tên tẩm độc chỉ huyết ngưng hầu cùng hướng về một mục tiêu phải làm cho cao thủ cỡ nào cũng phải úy kỵ.
Thiệu Hùng vội vã:
– Anh em trong hương đàn ai cũng là tay thiện xạ.
Phi Yến thấy khó làm cho Thiệu Hùng về nhà mà vui lòng nên đành chặc lưỡi:
– Thiệu hương chủ đã quyết tâm chống địch ta cũng không dám từ chối nữa. Nhưng số anh em hương đàn chỉ dùng cung nỏ và thuốc độc chống địch, bảo vệ tính mạng. Không nên ỷ vào võ công.
Thiệu Hùng khom lưng vui vẻ:
– Đa tạ giáo chủ ban ân.
Oâng ta đưa thuộc hạ của mình đi lấy cung nỏ, chuẩn bị tên đạn.
Thiệu Hùng đi lo công việc, Phi Yến đưa bọn Hồng Lan và Bế Diều đi quanh khu vực cho biết trong vùng chất rơm khô có đồ dẫn hoả. Khi lửa cháy thuốc độc sẽ bốc lên. Người không nhét thuốc giải sẽ bị choáng váng, tay chân không còn gân sức. Có tác dụng như nhuyễn cân hương của Bế môn. Ngoài vùng lửa cháy, Ngũ độc môn còn bố trí nhiều tổ ong. Khi nghe còi lệnh dù ban đêm giống hắc phong to bằng ngón tay út sẽ bay ra tấn công địch thủ. Nếu không ở dưới nước, thì ở đâu chúng cũng đánh hơi bu tới. Những địch nhân có thể qua khỏi vùng lửa độc, sẽ đối phó với với đội cung nỏ, và bách độc phi sa.
Bà Bế Diều đầy tự tin:
– Bách độc phi sa, không phải là cát tẩm độc, mà là những viên thuốc độc nhỏ như cát. Khi tung mạnh trong gió và gặp kình khí ngăn cản liền bốc cháy. Ai hít phải khói độc này, choáng váng đầu óc ngất xỉu ngay. Dù võ công cao đến đâu trong vòng nửa giờ không có thuốc giải cũng sẽ thất khiếu ra máu mà chết.
Hồng Lan hỏi:
– Chúng ta ở trong chờ chúng đến mới ra tay?
– Ngũ nữ ra ngoài. Khi phát hiện bọn chúng tới phát động hắc phong trận trước.
– Hiền muội bố trí chu đáo thế này, dù Đoàn Hán Thiên đích thân tới nơi, số người của chúng an toàn rời khỏi cũng không mấy người.
Phi Yến thở dài:
– Nếu chúng tới, tiểu muội mong đây là trận cuối cùng. So trên mặt dùng võ công đối địch, Ngũ độc giáo không phải là đối thủ của Thiên long bang.
Đêm hôm đó người Ngũ độc giáo hồi hộp chờ đợi. Mãi đến quá canh tư nghe tiếng còi tre đồn dập, rồi tiếng la hét phá màn đêm vang lên. Tức thì chị em Phi Yến phóng ra khỏi lều vải. Với nhãn lực của mình cùng thấy trên các ngọn cây cao chung quanh, hàng chục cao thủ như cánh chim bằng phóng qua lại. Chúng cùng xử dụng thiết phiến quạt giết và chống đỡ với ong độc của nàng. Với trận hắc phong, Phi Yến biết khó ngăn cản đuợc những cao thủ trước mắt. Tuy nhiên, chỉ trong giây lát, một tiếng hú có công lực rất cao thâm lồng lộng xé vỡ màn đêm vang lên, số cao thủ này lại vội vàng dùng khinh công bỏ chạy, không còn thấy tăm dạng.
Nhiều tiếng cười vui mừng của người Ngũ độc giáo và Bế môn vang lên:
– Chúng bỏ chạy!
– Biết chúng ta chuẩn bị nhất định không dám tới nữa.
Nhưng họ liền bị Phi Yến quát:
– Im miệng! Thiên ưng đội thiết lập ngũ hành trận bảo vệ đội cung thủ. Dũng sĩ đội, Thiệu hương đàn và Bế môn sẳn sàng ứng chiến. Tất cả phải ngậm và che mũi bằng thuốc giải độc.
Ngoài bọn Hồng Lan và Bế Diều không ai hiểu tại sao Phi Yến lại khẩn trương, nhưng giáo chủ ra lệnh chúng răm rắp chấp hành. Và chúng liền thấy ngay tại sao giáo chủ của mình đã khẩn trương như vậy. Khi ngũ nữ vừa về tới, chung quanh khu vực trú đóng đều có lửa dậy. Đối phó với ong là lửa khói. Thiên long bang đang dùng lửa để đối phó với ong trận. Phi Yến biết cao thủ Thiên long bang trở lại, nhưng cũng không ngờ chúng dùng hoả công. Khi chúng chờ cho lửa tắt mới phát động tấn công, thì vòng đai hoả độc của nàng cũng sẽ không còn hiệu dụng. Nàng đã dùng phi vũ truyền thư ra lệnh cho Thiệu Hùng chọn địa điểm có nhiều cỏ khô để giúp nàng có thể bố trí vòng đai hoả dược, thì nó cũng trở thành một nơi mà Thiên long bang có thể dùng lửa dễ dàng. Bây giờ biết ra thì đã muộn. Phi Yến ra lệnh cho mọi người xong, đưa ngọc tiêu lên môi. Giây lát sau hàng ngàn con ong bay về, chúng đậu lên trên mấy tấm lều vải dày đặt, đen kịt.
Nơi dừng chân của Ngũ độc giáo rộng mấy mẫu, nhưng trong trận lửa của Thiên long bang mọi người đều thấy sức nóng hầm hập táp vào mặt. Mãi cho đến khi trời sáng ngọn lửa mới tàn, trên người của ai cũng đầy tro bụi. Trông không còn ai ra hình dạng. Vùng bố trí hoả độc của Ngũ độc giáo cũng bị ngọn lửa đốt sạch. Dĩ nhiên họ không bị độc của mình làm hại chính mình.
Mặt trời vẫn nhô lên cao từ phương đông, ánh sáng toả ra chan hoà, nhưng không phải là một ngày đẹp trời của Ngũ độc giáo. Cả một vùng rộng lớn trở nên tiêu điều. Không nghe một tiếng chim kêu. Đó đây khói còn nghi ngút bốc lên. Cả một khu vực rộng lớn trước mắt chỉ toàn màu đen, chốc chốc trên những thân cây to còn vươn lên lại có ánh lửa bùng cháy lại. Người của Thiên long bang vẫn chưa chịu xuất hiện, nhưng Ngũ độc giáo không thể không sẳn sàng ứng chiến. May mắn là số rượu và số nước uống Thiệu hương đàn mang tới hôm qua cũng còn chút ít. Nếu không thì cái khát còn làm họ thêm điêu đứng. Dù vậy, Phi Yến, chị em Hồng Lan, Nhã Lan và Bế Diều cũng có thể được các cô gái thiên ưng đội dâng lên khăn ướt để lau sạch mặt mũi của mình.
Sự chờ đợi cuối cùng cũng đã tới. Và nhìn số người nhanh nhẹn từ bốn bên tiến lại, trong lòng Phi Yến thầm kêu khổ. Ít nhất cũng ba bốn chục cao thủ. Số cao thủ này, già có, trung niên có. Chân chúng bước thoăn thoắc trên tro tàn, nhưng tro bụi không dính nổi lên quần áo. Dù sao cũng phải sống chết. Đội cung thủ của Phi Yến nỏ ná đều lên giây. Thiên ưng ngũ đội tay kiếm tuốt trần và người của Bế môn, đều mang da tay và cho tay vào túi da mang ngang thắt lưng.
Số cao thủ Thiên long bang đến vùng đất trống thì dừng chân và từ phía sơn đạo ba người lướt như bay tới nơi. Đó là một thiếu phụ cung trang đi đầu, theo sau là Đoàn San San và một người nho sinh. Ba người này đi sâu vào vùng đất trống mới đứng lại. Từ lâu nghe tiếng Vương Tố Thư, và đã kịch chiến một lần trong đêm, nhưng Phi Yến không ngờ bà ta quá đẹp và trông còn quá trẻ đến như vậy. So với Đoàn San San bên cạnh, bà ta trông giống người chị hơn là mẫu thân. Phía hữu Vương Tố Thư là một trung niên, mặc áo nho sinh màu lục hạp, tay cầm cây quạt trắng ngần lóng lánh. Phi yến biết ngay hắn là ai. Người đàn ông mặt trắng, môi hồng, chân mày lưỡi kiếm. Râu đen cắt tỉa như hai con tằm nằm hai bên môi. Thoáng nhìn rất xứng đáng danh hiệu Ngọc phiến tú sĩ. Chỉ đôi mắt hơi nhỏ so với khuôn mặt, và đôi mắt cũng rất sắc lạnh. Aùnh mắt không đen mà xanh biếc. Trông ông ta có mấy phần đẹp tướng thì cũng có mấy phần tà quái.
Vương Tố Thư dừng chân, nhìn Phi Yến cười thánh thót, tiếng cười trong như ngọc vỡ:
– Trương giáo chủ thật đáng là một nhân tài làm cho bản nương kính phục. Hôm nay, bản nương muốn giáo chủ cùng Thiên long bang bỏ hết oán thù hoá địch thành bạn. Chẳng hay giáo chủ nghĩ sao?
Phi Yến biết mình đang lâm nguy, nhưng vẫn bình tĩnh, cười đáp lại:
– Đoàn phu nhân có lới khen xin cảm tạ. Ngũ độc môn mấy năm nay chỉ mong được sống yên ổn. Không muốn xâm phạm tới ai. Nếu Đoàn bang chủ và phu nhân có lòng chung sống hoà bình, bản giáo chủ rất hoan nghênh.
Dù chưa khôi phục Đại Lý, Đoàn Hán Thiên được thuộc hạ xưng hô là Hoàng gia, Vương Tố Thư được tôn xưng là hoàng hậu, gọi là Vương hậu. Nghe Phi Yến gọi mình là Đoàn phu nhân và gọi Hán Thiên là Đoàn bang chủ bà rất ghét, nhưng lại cười nhạt:
– Lâu nay Hoàng gia và bản hậu để cho Ngũ độc giáo các ngươi còn tồn tại là cũng vì đức hiếu sinh. Hôm nay, ngươi chỉ có hai đường, một là đầu thuận. Ngũ độc giáo sẽ vẫn còn. Ngươi vẫn là giáo chủ. Nhược bằng ngoan cố sẽ không còn ai sống sót. Thù giết Lữ phó tổng quản, Đoàn đàn chủ và mấy chục nhân mạng sẽ tính lời gấp chục lần. Ta tin tưởng ngươi đủ thông minh nhận định.
Phi Yến lạnh nhạt:
– Người Ngũ độc giáo không biết chữ đầu thuận. Nhất là đầu thuận Thiên long bang. Ta chỉ sợ hôm nay ngươi cũng chạy tháo thân.
Vương Tố Thư nghe Phi Yến nhắc lại việc bỏ chạy, mặt hoa ửng đỏ, quát:
– Ngươi đã muốn chết, thì bản hậu cho ngươi chết sớm.
Bà ta khoát tay.
Bọn cao thủ Thiên long bang tức thì quạt sắt cầm tay mở rộng ra, có kẻ dùng chiếc dù che thân cùng tràn tới. Cung thủ Ngũ độc giáo liền phát xạ. Những chiếc quạt vung lên, tên rơi xuống đất. Dù số cung thủ làm việc rất nhịp nhàng, tên bay không có chút đứt đoạn. Thế nhưng tên không làm cho số cao thủ Thiên long bang dừng bước tiến. Sau lưng bọn cung thủ và người Bế môn, Thiên ưng đội đứng thành năm hàng thẳng, chấu vào trung tâm. Phía trung tâm, ngũ nữ kiếm tuốt trần. Theo kế hoạch của Phi Yến. Sau khi tên độc, thuốc độc không làm cao thủ Thiên long bang chồn chân. Họ sẽ rút về trong trận. Ngũ nữ cùng Thiên ưng liền phát động trận ngũ hành ngăn địch. Bấy giờ ngũ nữ và Thiên ưng đội vẫn chưa nhích động.
Phía Phi Yến, khi trận chiến mở màn, Ngọc phiến tú sĩ nhấc thân pháp. Chị em Hồng lan tức thì ra tay chận lại. Trao đổi mấy chiêu với Ngọc phiến tú sĩ, chị em Hồng Lan thấy công lực ông ta cao hơn Lữ Phương rất xa. Cây quạt ông ta cầm tay giống như ngọc, nhưng lại là thứ kim loại đặc biệt, chiêu thức vừa hung hiểm, công lực rất trầm trọng. Hồng Lan và Tử Lan cùng suy nghĩ với song kiếm hợp bích của mình, Ngọc phiến tú sĩ sẽ không thể đánh bại hai nàng, nhưng hai nàng cũng khó thể thắng ông ta nổi. Đoàn San San thì đang được Nhã Lan cự chiến. Hai cô này đúng là kỳ phùng địch thủ, hai kiếm choang choang chạm nhau không ai làm ai lùi bước. Phía Phi Yến đang chận Vương Tố Thư, đường kiếm nhẹ nhàng, nhưng kín dáo của nàng không làm cho Vương Tố Thư tìm ra chỗ sơ hở , nhưng Phi Yến cũng không dám để kiếm mình chạm vào cây kiếm trong tay bà ta. Thứ nhất, cây kiếm của Vương Tố Thư là bảo kiếm, cây Thanh long kiếm nổi tiếng giang hồ. Chém sắt như chém bùn. Thứ hai công lực của nàng so với Vương Tố Thư còn kém xa. Phi Yến đã yếu hơn so với Vương Tố Thư, Nàng lại nhìn chung quanh và bắt đầu lo lắng cho thuộc hạ, nên liền bị Vương Tố Thư áp đảo.
Bấy giờ cao thủ Thiên long bang đã xông tên áp sát lại phía Thiên ưng đội. Tên độc không cản trở nổi. Tuy nhiên, khi chúng quạt nhằm bách độc sa tung ra, nhiều hạt dính trên quạt bốc cháy, rơi xuống đất cũng bốc cháy, một vài tên hít phải khói liền ngã ngay đã làm cho bọn cao thủ đang hãm tới phải lui lại phía sau. Sau đó những cây quạt của chúng cùng xử dụng công lực phóng ra những luồng cuồng phong đẩy hơi độc bay về phía Ngũ độc giáo rồi tiến tới nữa. Địch thủ đã tiến quá gần, bọn cung thủ rút vào trong ngũ hành trận. Trận ngũ hành phát động. Phi Yến biết rõ, trận pháp của mình chỉ có thể cản trở vài cao thủ thuộc hạng nhất lưu như Ngọc phiến tú sĩ, Vương Tố Thư, nhưng lại không thể nào chống cự cùng một lúc với mấy chục người đang hãm trận. Dù chúng so với hai người này công lực còn kém xa.
Trong lòng lo lắng, hơi chậm tay một chút cây kiếm trong tay Phi Yến liền bị chặt đứt làm hai đoạn. Bế Diều thấy Phi Yến nguy cấp tung ra một làn độc sa. Vương Tố Thư hừ nhẹ, phất tay bao nhiêu độc sa lại bắn về phía mụ Bế Diều, kình lực làm bà ngã nhào, độc sa rớt lên người bà ta bốc cháy. Làm bà ta phải lăn mình xuống đất để dập ngọn lửa. Nhờ Bế Diều, Phi Yến rút ống tiêu ra chống đỡ. Cây tiêu của nàng cũng trông giống như ngọc, nhưng được làm bằng thứ hợp kim rất rắn chắc. Dù sao, không có kiếm trong tay, cây ngọc tiêu của nàng không thể chống cự lại cây kiếm trong tay Vương Tố Thư. Nhiều lần nàng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Trong lúc Phi Yến đang bối rối, một tiếng hú dài như rồng ngâm vang lên. Tiếng hú và tốc độ của nó, làm mọi người trong trận chợt dừng tay. Và những cặp mắt của họ đang thấy một người đạp các đầu ngọn cây còn bốc khói, lướt trên không như con đại bàng, mỗi cái phóng mình xa hàng chục truợng, thân pháp ngoạn mục vô cùng phi tới, rồi đến nơi lại từ trên không rơi nhẹ như lá rụng xuống đất. Theo sau người này xa xa còn một người khác, thân pháp cũng thuộc hàng nhất lưu, nhưng so với người đi trước thua kém rất xa. Người đi trước vừa đáp chân xuống đất, chị em Hồng Lan và Nhã Lan đều cùng la lên mừng rỡ:
– Nhân đệ!
– Ồ! Nhân đệ!
Người vừa tới là Tích Nhân, vui vẻ:
– Tiểu đệ cũng không đến quá chậm. Tất cả đều ở đây!
Thấy Hồng Lan và Tử Lan mừng đến rơi lệ, Tích Nhân bước lại:
– Tiểu đệ đã làm cho hai tỷ tỷ lo lắng. Mong tha thứ. Việc còn dài tiểu đệ sẽ cho biết vì sao.
Người theo sau Tích Nhân bấy giờ cũng tới nơi, đáp chân xuống đất, liền bái chị em Hồng Lan:
– Trần mỗ xin tham kiến nhị vị chủ mẫu.
Oâng ta không ai khác hơn là Thanh Hồng kiếm khách Trần Ngải.
Trong khi Trần Ngãi bái kiến chị em Hồng Lan, Tích Nhân quay lại Nhã Lan ánh mắt mừng vui, cảm động:
– Nhã Lan tỷ tỷ! Chị em ta lại gặp nhau rồi.
Nhã Lan đang buồn trong lòng thấy Tích Nhân lo lắng cho Hồng Lan, Tử Lan hơn mình, giờ nghe Tích Nhân nói chợt vui vẻ:
– Nhân đệ đến thật đúng lúc.
Đoàn San San từng gặp và từng để ý tới Tích Nhân, có thể nói là thầm yêu trộm nhớ, thấy Tích Nhân bất ngờ xuất hiện, thân mật với ba cô gái xinh đẹp cùng một lúc, trong lòng tức tối, quát:
– Đồ mặt dày kia! Nơi đây là chỗ nào? Tích Nhân! Ngươi hãy lại đây ta quyết cùng ngươi sống chết.
Trương Phi Yến thấy khinh công tuyệt vời của Tích Nhân trong lòng mừng rỡ. Nghe San San tức tối, cười:
– Ta nghe nói gia gia ngươi cũng không đối địch nổi với gã. Vậy liệu ngươi có thắng không? Hình như ngươi đang uất hận điều gì thì phải.
San San không quan tâm tới lời châm biếm của Phi Yến, nàng và kiếm cùng phóng tới Tích Nhân đang quay lưng nói chuyện với Nhã Lan. Phi Yến hốt hoảng la lên:
– Ngươi!
Và tức thì phóng theo. Cây tiêu của nàng chỉa vào lưng San San. Nếu San San đâm được Tích Nhân với đường kiếm bất ngờ của nàng. Cây tiêu của Phi Yến cũng sẽ làm nàng mất mạng.
Tích Nhân đang quay lưng lại, nhưng như sau lưng có mắt, cây kiếm của San San gần chạm lưng, thì Tích Nhơn quơ tay ra sau. Bàn tay đưa ra trông nhẹ nhàng, rất chậm mà cây kiếm thần tốc của San San đang sắp đâm vào lưng liền bị năm ngón tay giữ chặt. Một luồng lực đạo từ bàn tay Tích Nhân xông ra trên thân kiếm làm nàng chấn động toàn thân, như bị điện giật, ngợp thở. Cây tiêu Phi Yến bấy giờ đã đâm vào huyệt đốc du trên lưng nàng, lại thấy từ huyệt đạo San San một luồng kình lực xông ra, tê chồn bàn tay. Phải thối lui lại. Công lực quá thâm hậu của Tích Nhân đã làm San San suýt chết, nhưng cũng đã cứu mạng nàng. Sự việc diễn ra nhanh chóng trong nháy mắt. Khi Tích Nhân lấy cây kiếm khỏi tay San San, nàng liền ngã ra bất tỉnh. Vương Tố Thư thét:
– Gã kia, ngươi là ai? Làm gì con gái ta?
Tích Nhân quay lại đối diện với bà ta, chợt động dung, nhìn chăm chăm vào khuôn mặt bà ta.
Thấy Tích Nhân trong bộ áo quần cũ kỹ, bạc thếch nhưng mi thanh mục tú, quả là một thanh niên muôn người có một. Trong sự xinh đẹp lại có đầy nét oai hùng, và thanh tao khó tả. Ánh mắt của chàng thanh niên như Phan An tái thế này lại nhìn mình chăm chú, làm Vương Tố Thư chợt cảm thấy nhột nhạt, con tim bỗng hồi hộp, một cảm giác khác lạ bỗng uà đến với bà ta, tiếng nói bà ta bỗng trở nên ngập ngừng:
– Ngươi.. ngươi là ai?
Tích Nhân bấy giờ lại hỏi:
– Bà . .. bà làø gì của Trung nguyên đệ nhất mỹ nhân Vương Như Huệ?
Vương Như Huệ, giáo chủ Thần ma giáo năm xưa chính là mẹ ruột của Vương Tố Thư. Vương Tố Thư cũng có thể nói là một giai nhân, bà ta có thuật trụ nhan, trông như thiếu phụ chưa quá ba mươi, nhưng thật sự cũng đã trên bốn chục. Bà có đôi phần giống mẹ, nhưng tự biết không thể xinh đẹp bằng mẹ mình năm xưa. Vương Như Huệ mất tích lúc bà ta chưa đầy mười tuổi. Dung nhan, mặt mũi Vương Như Huệ như thế nào, ngay bà ta cũng không nhớ được, và trên giang hồ cũng không mấy người biết bà ta là con gái Vương Như Huệ, nên khi Tích Nhân nhắc hỏi đến mẹ mình bà lại càng ngẩn ngơ. Làm sao một thanh niên lại có thể biết mặt mẹ mình? Gã thanh niên trước mặt là thanh niên hay là đại cao thủ của mấy chục năm về trước, cùng thời với mẫu thân mình, nhưng trông còn như thanh niên vì luyện thuật trụ nhan đến mức cải lão hoàn đồng? Bao câu hỏi dồn dập trong đầu. Nên thay vì trả lời câu hỏi Tích Nhân bà ta không dấu vẻ buâng khuâng và lại ú ớ:
– Ngươi .. ngươi.. làm sao biết ta giống. .
Những cặp mắt bấy giờ đang nhìn Tích Nhân và Vương Tố Thư không khỏi mở lớn ngạc nhiên, không hiểu giữa hai người có sự quen biết thế nào? Giữa họ có gì với nhau? Tại sao một người đàn bà như Vương Tố Thư lại trở nên dụt dè, ngơ ngác như vậy.
San San ngất đi, bọn Nhã Lan đang để ý tới Vương Tố Thư và Tích Nhân nên nàng tỉnh dậy, không ai để ý, vì thế nàng phóng lại bên mẹ. Và nàng lại không nhìn được thần sắc ngẩn ngơ của Vương Tố Thư, nên la hét:
– Mẫu thân! Phải giết gã cho con!
Tiếng hét của San San như luồng điện làm Vương Tố Thư bừng tỉnh. Bà lấy lại phong độ:
– Xin cho biết tôn giá là ai? Tôn giá đã gặp qua . . đệ nhất mỹ nhân?
San San hét:
– Gã là Lê Tích Nhân. Gã là truyền nhân lão Đằng Tiên. Gã .. gã.. là tên đáng chết.
Không để ý đến sự giận dữ của con gái, đôi mắt Vương Tố Thư nói lên sự chờ đợi câu trả lời thoả đáng.
Tích Nhân bấy giờ gật đầu:
– Vâng, tại hạ là Lê Tích Nhân. Tại hạ . . chưa gặp, nhưng coi như cũng biết qua chân dung Vương Như Huệ và nhận thấy phu nhân có đôi phần giống.
– Tôn giá thấy chân dung ở đâu?
– Điều này không thể thưa cùng.
Và Tích Nhân hỏi:
– Bà ta hiện nay còn sống hay không? Đang ở đâu?
– Tôn giá muốn gặp để làm gì?
– Có chút ân oán cần giải quyết.
– Aân oán với cá nhân tôn giá?
– Không, với người khác.
– Người ấy là ai? Tại sao không tự đi tìm kẻ thù?
– Nạn nhân của sự tàn ác này cũng đã mất. Người mất có ân nặng với tại hạ.
Vương Tố Thư chợt cười, tiếng cười trào lộng:
– Khi Đệ nhất mỹ nhân trung nguyên mất, ngươi chưa sinh ra đời thì phải. Ta cứ tưởng ngươi là cao thủ của mấy chục trước luyện thuật trụ nhan đến độ trẻ mãi không già, hay cải lão hoàn đồng. Làm ta có mấy phần uý kỵ. Ta thật đã quá coi trọng ngươi rồi.
Sau khi cười, bà ta lại hỏi:
– Ngươi muốn can thiệp vào chuyện Thiên long bang?
– Thật không muốn chút nào! Nếu phu nhân đồng ý trả người bị bắt làm con tin cho tại hạ, hưá không xâm phạm vào vùng trời Đại Việt, thì tại hạ chẳng quan tâm tới Thiên long bang làm gì nữa.
Vương Tố Thư cười lớn:
– Ngươi bằng vào gì mà lớn lối như vậy?
– Bằng vào đôi tay tại hạ.
– Ta muốn xem thử đôi tay của ngươi như thế nào!
Vương Tố Thư đưa cây kiếm cho San San, hai bàn tay đưa lên ngực, chưởng tâm hướng ra ngoài. Đôi tay trắng đẹp của mụ lần lần phát ra một luồng ánh sáng tưởng như đôi tay làm bằng ngọc thật, và chung quanh người mụ cũng tưởng chừng bao phủ một làn sương mỏng. Hồng Lan la nhẹ:
– Phật thủ thần công.
Phật thủ thần công không phải là công phu thiền môn, nhưng cũng không phải là công phu tà đạo. Môn công phu này mấy trăm năm trước, vào đời nhà Đường do một nữ ni tiềm tu ở Nga Mi lĩnh ngộ. Dãy Nga Mi là một danh sơn ở Tứ Xuyên, xưa nay thu hút rất nhiều đạo sĩ đến ẩn cư, tu đạo, luyện công và nữ ni nọ là một. Sau khi lãnh ngộ môn thần công này, nữ ni đến Thiếu Lâm ấn chứng. May mắn, trong Thiếu Lâm bấy giờ có một lão tăng tên là Trùng Quang đã luyện thành môn La hán thần công mới đánh bại bà ta. Nữ ni không để lại đời danh tánh, sau trận ấn chứng ở Thiếu Lâm, giang hồ đặt tên cho bà là Phật thủ thần ni. Sau đó Phật thủ thần công biệt tích, rồi Phật thủ lại xuất hiện vào cuối đời nhà Tống. Lần này lại ở trong tay một đại ma đầu tên là Đinh Tích Nhưỡng, tự xưng là Phật thủ thần quân, giáo chủ U linh giáo. U linh giáo tiếp tay với quân Mông nên giang hồ Trung nguyên coi như kẻ thù và U linh giáo chủ đã bị quần hùng vây đánh ở núi Chung Nam thọ thương bỏ chạy. U linh giáo bị tiêu diệt, từ đó, trên trăm năm nay không còn thấy ai xử dụng Phật thủ thần công.
Vương Tố Thư luyện tập Phật thủ thần công cũng đã giữ gìn rất bí mật. Ngay người gần gũi, thân cận như Lã Nhượng, Đoàn San San cũng không biết được. Bà ta tuy làm vợ Đoàn Hán Thiên, nhưng cuộc kết hợp không phải vì tình yêu. Bà ta đến với Hán Thiên chỉ vì nhắm vào võ công và khối nhân sự của họ Đoàn. Bà ta cũng lén lút tư tình với Lã Nhượng, chưởng môn phái Thiết phiến để bù đắp nỗi cô đơn bên cạnh người chồng già lại si mê võ công và có nhiều người đàn bà khác. Cuộc tình tay ba này đã làm bà không biết San San thực sự là con Lã Nhượng hay Hán Thiên. Nhưng với Hán Thiên cũng như Lã Nhượng hai người đều là người bà ta lợi dụng. Lã Nhượng si mê bà, giống như con chó trung thành, bà gần gũi lão không khác gì một thứ ân điển bà ban cho sự trung thành này. Bà ta chưa bao giờ biết cái cảm giác bồi hồi, xao xuyến của một phụ nữ trước một nam nhân. Lúc này bà cũng chưa thấy rõ bà muốn gì ở Tích Nhân, nhưng bà muốn hạ và bắt cho bằng được.
Hồng Lan từng nghe sư phụ nhắc đến võ công trong thiên hạ, nên nhận ra Vương Tố Thư dùng Phật thủ thần công, không hiểu Tích Nhân có thể đối phó nổi không nên la nhắc:
– Nhân đệ! Ra tay mau đi. Đừng để mụ vận hết công lực.
Khi đối thủ đang lúc vận công mà ra tay là thượng sách. Đây là cách chiếm tiên cơ. Nhưng Tích Nhân chỉ ném cây gậy đang cầm trong tay cho Trần Ngải, nhìn nàng mỉm cười rồi bình thản chờ đợi.
Vương Tố Thư vận dụng đầy đủ công lực, lắc mình phóng tới. Hai cánh tay của bà như trở thành trăm cánh tay, những làn chưởng lực tung ra tạo thành một cơn gió như vũ bảo, xoay cuồng. Cả người của Tích Nhân như bị quyện lại, cuốn hút vào vùng ảnh quang phất phới dày đặc của Phật thủ. Trong quang ảnh chỉ còn thấy Tích Nhân như một bóng xám quay cuồng theo, những tiếng bình bình phát ra không ngớt. Họ ra tay quá nhanh, thân pháp quá nhanh. Không ai nhìn ra hai bên giao đấu như thế nào. Chỉ thấy bóng chưởng quang che kín cả thân thế hai người, họ như quyện vào nhau. Khi họ di chuyển, trên mặt đất đã để lại những chiếc hố có hình bàn tay to rộng cả thước. Hình dạng bàn tay là bàn tay nữ nhân, của phật thủ. Làm cho ai cũng lo lắng cho Tích Nhân, nhưng chỉ nửa giờ sau, trong bóng chưởng rợp trời của Phật thủ, tiếng cười của Tích Nhân vang lên:
– Thật mở rộng tầm mắt!
Sau tiếng cười, hai tiếng bình bình vang lên như sét nổ, và vùng ảnh quang chợt tắt, Vương Tố Thư miệng ứa máu, liên tiếp thụt lùi ra sau và ngối bệt xuống đất, còn Tích Nhân đứng yên, trông rất nhàn hạ, như chưa từng đấu qua một trận sinh tử nào.
Ngọc phiến tú sĩ, thấy Tố Thư bị thương vội nhảy ra che chở cho bà. Còn San San thì chạy lại đỡ lấy bà. Số cao thủ của Thiên long bang cũng phóng tới làm thành một hàng sẳn sàng tử chiến. Lúc bấy giờ từ phía đầu sơn đạo, lại có mấy chục cao thủ, do bốn người đàn bà dẫn đầu phóng như bay tới. Vương Tố Thư ra đi lần này, quyết đánh tới tận sào huyệt Ngũ độc giáo. Bà định tiêu diệt được một phần nhân sự của Phi Yến ở dọc đường, rồi thừa thế tiến tới Ngũ độc cung. Số có khinh công cao đi trước, số có khinh công thấp kém đi sau và họ đang gặp nhau. Phi Yến thấy Thiên long bang có thêm người tới, biết cho dù mình có thêm Tích Nhân hỗ trợ đi nữa, cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường. Nàng liền chuẩn bị đối địch.
Vương Tố Thư được San đỡ lên, bà liền vận công điều trị thương thế và thấy tâm mạch không bị tắc nghẽn chỗ nào, liền đứng dậy. Sử dụng Phật thủ thần công, môn công phu đắc ý của mình, hy vọng dựa vào nó sẽ giương uy trên giang hồ sau này. Nhưng mới sử dụng lần đầu đã bị đánh bại, và hơn ai hết bà biết Tích Nhân khi đối địch với mình chỉ tránh né, chiết chiêu, chưa sử dụng hết công lực. Nếu Tích Nhân ra tay mạnh hơn, có lẽ bà không chết cũng đứt kinh mạch. Biết vậy lòng bà nguội lạnh. Thay vì thấy có thêm người, bà có thể cho nhiều người hợp công cầm chân Tích Nhân, mở lại trận đấu sống chết với Ngũ độc giáo. Bà lại khoát tay:
– Chúng ta đi đi thôi!
Bà ta hít một hơi chân khí, rồi quay lưng phi như bay xuống núi. Bọn Lã Nhượng thấy chủ nhân đã đi vội đuổi theo. Phi Yến nhìn đòan người Thiên long bang rút lui, thở ra nhẹ nhõm. Nàng tiến tới Tích Nhân cung kính:
– Đa tạ Lê đại hiệp đã giải nguy cho Ngũ độc giáo.
Nhã Lan la lên:
– Gã là nghĩa đệ của tiểu muội, của Hồng, Tử Lan tỷ tỷ. Yến tỷ cứ coi hắn là nghĩa đệ của mình có được không?
Phi Yến mỉm cười, nhẹ nhàng:
– Ta đâu dám vô lễ như vậy! Thôi thay vì gọi Lê đại hiệp có thể làm cho đại hiệp không vui ta gọi là Lê huynh vậy.
Tích Nhân nhìn nàng, thở dài:
– Tiểu đệ đúng ra là người có lỗi với .. tỷ tỷ. Đáng lẽ phải tìm gặp tỷ tỷ sớm hơn để hoàn thành tâm nguyện của Trương tiền bối.
Phi Yến nhìn trời, buồn bã:
– Người đã mất?
– Tiểu đệ chỉ gặp thánh thể trong một căn nhà trên núi. Đọc di thư, và sau đó theo tâm nguyện của người đã hoả táng lão tiền bối.
Phi Yến rơi nước mắt:
– Ta.. ta không thể biết mặt phụ thân mình!
Tích Nhân thở dài:
– Trương tiền bối nhờ giao lại tam bảo cho tỷ tỷ. Có điều tiểu đệ chỉ còn có một. Aùo thiên ty trong lúc tùng quyền đã cho Thu Hà tỷ mặc đỡ, nàng đang bị Thiên long bang bắt, tiểu đệ sẽ thu hồi. Hùng hoàn châu.. đã chôn vùi trong lòng đất..chắc tìm không được. Mong tỷ tỷ tha tội. Hiện chỉ còn thanh Ngũ độc thần trủy, xin tỷ tỷ thu nhận cho.
Tích Nhân, cúi xuống chân giày, lấy cây thần truỷ, hai tay giao cho Phi Yến.
Phi Yến cũng trân trọng hai tay đón nhận, nàng quỳ gối, rút lưỡi thần trủy dơ cao, vận công lực truyền chân khí vào thân truỷ, tức thì luồng ánh sáng năm sắc xông lên chói lọi. Điều này Tích Nhân chưa bao giờ biết. Người Ngũ Độc giáo thấy cây thần truỷ và luồng ánh sáng xông lên vội vàng quỳ cả xuống, đồng thanh hô to:
Thiên ứng ngũ hành
Ngũ độc bất tranh
Độc vô tâm độc
Dĩ cứu chúng sanh..
Tích Nhân và chị em Hồng Lan nghe những lời hô to như đọc kinh của Ngũ độc giáo cũng rất cảm khái. Thấy rõ họ dùng độc nhưng có mục đích hướng thiện, dùng độc cứu người. Và có lẽ vì có mục đích cao cả như vậy cho nên mới xưng là Ngũ độc giáo.
Phi Yến qùy và dơ cao thần truỷ cho đến khi giáo chúng ngưng đọc và quỳ bái chín lần mới đứng dậy. Giáo chúng của nàng sau đó cùng đứng lên nét mặt ai nấy cũng đầy cảm xúc. Phi Yến Nàng tra thần truỷ vào bao, đưa cho Tần Nhất Hoa, bà này hai tay nâng nó trước ngực rất cung kính. Phi Yến rưng rưng nước mắt, nói với Tích Nhân và chị em Hồng Lan:
– Cũng là tam bảo, nhưng thần trủy là thánh vật của bản giáo, đại diện cho quyền uy của Ngũ độc giáo và quyền uy của giáo chủ. Đây là công đức rất lớn mà Lê huynh đệ đã đem lại cho chúng tôi. Phi Yến không biết sao có thể đền đáp công ơn này.
Nghe nàng nói, Tích Nhân không khỏi buâng khuâng, không ngờ thánh vật của Ngũ độc giáo mà mình cất giữ lâu nay lại không biết, chỉ cột dưới ống giày, chỉ dùng để làm cá, cắt thịt. Thật là xúc phạm.
Hồng Lan cầm tay Phi Yến:
– Nhân đệ không phải người xa lạ. Hiền muội cứ coi như người nhà. Hãy coi như hiền đệ của mình. Đừng khách sáo quá. Ta cũng chẳng thấy vui.
Tích Nhân liền nói theo:
– Tỷ tỷ đã là nghĩa muội của Hồng, Tử Lan tỷ, tỷ tỷ của Nhã Lan tỷ tỷ, xin coi Tích Nhân như nghĩa đệ của mình.
Phi Yến cảm động:
– Phi Yến rất cảm ơn. Đa ta Lê huynh đệ.
Và nàng cười trong giòng nước mắt còn đang chảy:
– Cảm ơn Lê huynh đệ đã mang thánh vật về cho bản giáo. Đã có cây thần truỷ, sẽ có cách tìm ra Hùng hoàn châu.
– Tiểu đệ sẽ không để tam bảo bị thiếu sót cái nào. Cô phụ di mệnh Trương tiền bối.
– Lê huynh đệ không phải quan tâm nhiều đến việc này. Chỉ mong nay mai Lê huynh đệ có thể đưa ta đến nơi phụ thân tạ thế để bái lạy làm tròn hiếu đạo.
– Dĩ nhiên, và tiểu đệ cũng còn phải theo di mệnh Trương tiền bối truyền lại tất cả công phu võ học người đã nghiên cứu, sáng chế cho tỷ tỷ.
– Ồ! Phụ thân ta còn có võ công truyền lại nữa sao?
– Thiên ưng phi đằng, thiên ưng thần trảo của người là những môn võ học tuyệt thế. Có thể nói Trương tiền bối là một kỳ nhân võ học.
Phi Yến nghe Tích Nhân ca tụng phụ thân trong lòng rất an ủi. Từ lúc sinh ra cho đến lớn khôn, nàng chưa biết mặt phụ thân. Mẹ nàng không mấy có lòng tôn kính đối với cha nàng, nhưng không hiểu sao trong tâm tư của nàng luôn hướng đến ông, ngưỡng mộ ông. Từ những mẫu truyện nhỏ, mà một vài người trong Ngũ độc giáo lén kể cho nàng nghe trong tâm tư nàng, người cha của mình là một vị anh hùng, một đại hiệp, rồi hôm nay được Tích Nhân cho biết người cha ấy rất quan tâm đến mình nên lại rưng rưng khóc. Ba chị em Hồng Lan lại phải hết lời an ủi, vỗ về. Khi cầm được nước mắt, Phi Yến ra lệnh cho thuộc hạ đến Thiệu hương đàn nghỉ ngơi một đêm. Truyền lệnh về tổng đàn, các phân đàn, hương đàn chuẩn bị cung nghinh thánh vật về cung.
Trên đường về Thiệu hương đàn, Tích Nhân thuật sơ lại cho Hồng Lan và Tử Lan biết vì sao sau khi đuổi theo quái nhân mình không về được. Tích Nhân chỉ ngậm ngùi và sa lệ cho Hồng Lan và Tử Lan biết Ninh Hồng đã chết. Chết chôn đau thương trong lòng núi. Dĩ nhiên, Tích Nhân không kể Ninh Hồng đã trở thành người yêu của mình. Tình yêu dành cho Ninh Hồng thế nào, Tích Nhân tin tưởng linh hồn nàng cũng biết. Khi nàng không còn, thấy không nói ra chỉ gây thêm hiểu lầm. Nghe Ninh Hồng chết, chị em Hồng Lan không khỏi ngậm ngùi thương tiếc.
Tích Nhân sao lại có thể đến kịp giải nguy Ngũ độc giáo. Sự việc diễn ra như sau. Khi được bí kíp Đồng Cổ Thần Công, nhờ đã có công lực rất cao, nội công Thái Aát và Đồng Cổ cũng có cách vận công tương đồng nên việc luyện hai tầng thứ tám và chín của Đồng Cổ công của Tích Nhân mau lẹ dị thường. Những ngày Tích Nhân luyện công, Ninh Hồng không muốn ở bên cạnh sợ làm ảnh hưởng, và cũng không biết làm gì nàng thường xuyên qua bên dương động để tập luyện võ công Đồng Cổ. Những các tầng đất đá cấu kết bên trên lòng động như Đồng Cổ Minh cảnh cáo nó sẽ đổ xuống bất cứ lúc nào nếu bị chấn động mạnh và vì thế đã căn dặn Tích Nhân phải luyện thành tầng tám và chín Đồng cổ công, có sức hoá thạch thành phấn, mới đào đường ra ngoài. Nếu dùng chưởng lực mạnh, đất đá có thể sẽ sụp đổ xuống và bị chôn sống. Ninh Hồng cũng biết điều ấy, nhưng nàng nghĩ đó là dùng chưởng lực đánh vào đất đá mới có thể xảy ra. Còn tập luyện võ công trong dương động, một lòng động vừa cao, vừa rộng không khác gì một đại sảnh đường to lớn thì không hề gì. Hơn nữa nàng cũng nghĩ công lực của nàng cũng không là bao. Nàng đã lầm. Sau khi luyện thành Thái Aát Thần Công, công lực của nàng lúc bấy giờ ngoài Tích Nhân không ai bì kịp, vì trong người nàng sau khi ăn những đoá hoa lạ đã có công lực tiềm ẩn trong người bằng người luyện nội công nhiều chục năm. Mỗi ngày chưởng lực của nàng đã làm chấn động không khí trong lòng động, và cũng làm chấn động đến các tầng đất đá bên trên. Sau khi luyện hết chưởng pháp, chỉ pháp của võ công đồng cổ, nàng lại tập thử Đồng cổ thiên âm. Sau khi đọc khẩu quyết nàng vận công và đánh lên chiếc trống đồng. Nàng đánh vào chiếc đồng cổ liên tục theo khẩu quyết chỉ dạy. Nàng thích âm nhạc. Aâm thanh làm nàng khoan khoái. Tai nàng nghe âm thanh mình đánh ra không thấy tác dụng mạnh bạo nào với chính mình. Nàng không biết nó có sức như sét giật sóng cồn, có sức làm người nghe nát gan, bể mật, thất khiếu ra máu mà chết. Nàng tập đánh trống chỉ giây lát thì đất đá ầm ầm đổ xuống. Đất đá đổ giây chuyền, cả hòn núi bên trên như ập xuống. Nàng tối tăm mặt mũi, không còn phải biết làm sao, nàng nhào lại thu mình trong một cái hang nhỏ phía vách động, rồi chẳng còn thấy gì nữa.
Tích Nhân hôm ấy lại vừa luyện xong tầng thứ chín Đồng Cổ Công. Khi vừa xả công, thì bên tai nghe âm thanh ầm ầm như thiên băng, địa chấn đổ tới, vội chụp cây đằng tiên Ninh Hồng đã tìm thấy trong hồ nước nóng đem về, chạy đi tìm nàng. Tới con đường hang qua dương động, con đường đang bị đất đá đổ xuống, Tích Nhân phóng tới được được vài trượng, thì đá từng tảng to rơi xuống bịt kín phía trước. Đá lớn đá nhỏ cũng rầm rầm rơi xuống đầu mình, chỉ còn cách dùng hai tay quơ lên chống đỡ và chạy lùi lại. Trong lòng động bấy giờ cũng không khác trời long đất lở. Tích Nhân biết dù công lực cao đến mức nào, những tảng đá to rớt xuống không tránh kịp cũng đè mình dẹp lép, không còn xương cốt, bèn phóng về chỗ luyện công. Cả động chỉ còn chỗ này yên tĩnh. Trước sức mạnh thiên nhiên, Tích Nhân không còn cách gì khác hơn chỉ đành trơ mắt nhìn. Chỗ luyện công cũng lần lần bị thu hẹp lại, đất đá nhanh chóng chài tới và Tích Nhân cảm thấy nghẹt thở, không khí ít dần, bụi bặm còn làm mờ cả mắt, nghẹt cả mũi. Để thoát nguy, Tích Nhân dùng công lực đánh vào vách đá. Phải bảy tám lần ra tay với tất cả công lực, Tích Nhân mới khai thông con đường ra ngoài và khi ánh sáng ùa vào, Tích Nhân lại kịp thời thấy cây truỷ thủ đang còn trên chiếc bàn đá, chụp lấy phóng ra ngoài.
Chỗ ra ngoài, đúng như Đồng Cổ Minh nói là một đáy vực, hai bên vách đá cao vút mắt, và một phía vách đá cũng đang đổ xuống. Không dám chần chờ giây phút, Tích Nhân vội cột cây truỷ thủ vô chân, rối cầm đằng tiên lăng không phóng lên như bay. Tích Nhân vừa lên khỏi lòng vực, cả hòn núi trước mắt sụt mạnh xuống, tiếng động rung chuyển núi non, buị đất bay mờ mịt không gian. Khi đất bụi lắng xuống, không còn thấy con vực ngăn cách hai ngọn núi nữa.
Thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, chỉ trong giây phút, làm Tích Nhân không khỏi bần thần, nhưng biết mình sống liền nghĩ ngay tới Ninh Hồng, vội vã chạy đi tìm. Tích Nhân hy vọng một sự may mắn nào đó, Ninh Hồng cũng thoát nạn như mình. Từ khi gần gũi Ninh Hồng, Tích Nhân thấy nàng là một đoá hoa kỳ lạ. Nàng không những đẹp, mà còn hiền thục và thông minh vô cùng. Trong những người con gái mà Tích Nhân đã gần gũi, Ninh Hồng đã làm cho những hình bóng khác trở nên lu mờ dần. Nhưng hạnh phúc đã quá ngắn. Trong khi những êm ấm, mùi hương da thịt nàng, tiếng cười, tiếng nói của nàng như vẫn còn hiện diện với Tích Nhân, nàng đã vắng bặt, núi rừng im hơi lặng tiếng. Tích Nhân thẩn thờ, thất thiểu tìm kiếm, réo gọi tên nàng liên tiếp ba ngày đêm, vẫn không thấy một dấu vết nào nàng còn trên mặt đất. Cuối cùng Tích Nhân đành qùy gối:
– Nếu hiền muội đã không may, thì nơi linh hiển đã hiểu lòng tiểu huynh đối với hiền muội như thế nào. Tiểu huynh hy vọng hiền muội đã từng gặp kỳ duyên, thì cũng không thể vắn số. Nhưng tiểu huynh đã tuyệt vọng.