Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chương 16



Lindy Gardner còn quấn băng nhiều hơn tôi. Tôi ít nhất cũng được chừa lại một khoảng trên đầu, ở đó tóc tua tủa ta như rặng cọ trong ốc đảo hoang mạc. Nhưng Boris đã ốp toàn bộ đầu Lindy thành một quả dừa vạch các đường vĩ tuyến, chỉ chừa kẽ hở cho mắt mũi miệng. Số phận nào đã đến với mớ tóc vàng rực rỡ ấy, tôi không biết. Tuy nhiên giọng bà không dè dặt như anh tưởng, và tôi nhận ra giọng nói thường nghe những lần bà xuất hiên trên ti vi.

“Thế anh thấy ở đây thế nào?” bà hỏi. Khi tôi đáp rằng cũng không đến nỗi, bà nói: “Steve. Tôi gọi anh là Steve được không? Tôi đã nghe Gracie nói nhiều về anh.”

“Thế à? Tôi hy vọng cô ấy bỏ qua những điểm xấu.”

“À, tôi cũng biết anh chơi nhạc. Và là một người rất có triển vọng.”

“Cô ấy bảo thế à?”

“Steve, anh căng thẳng thế. Tôi muốn anh thoải mái khi ngồi với tôi. Một vài người nổi tiếng, tôi biết, họ thích công chúng căng thẳng khi ở gần họ. Khiến họ càng thấy mình đặc biệt. Nhưng tôi ghét lối đó lắm. Tôi muốn anh đối xử với tôi như bè bạn bình thường của anh thôi. Anh đang nói gì nhỉ? Anh đang bảo tôi anh không thấy ở đây đáng ghét lắm.”

Phòng bà rộng hơn phòng tôi thấy rõ, mà đây mới chỉ là buồng khách của phòng suite. Chúng tôi đang ngồi đối mặt nhau trên bộ xô pha trắng, ở giữa là bàn cà phê thấp bằng kính mờ, qua đó nhìn thấy khối gỗ lũa to đùng đỡ bên dưới. Trên bàn để đầy tạp chí bóng lộn và một giỏ hoa quả vẫn còn bọc ni lông. Cũng như tôi, bà để máy điều hòa ở nấc cao – mặt quấn băng làm cho người rất nóng – và rèm buông thấp trên cửa chặn ánh nắng chiều. Cô phục vụ vừa mang cho tôi một cốc nước và cốc cà phê, cả hai đều bỏ ống hút bập bềnh ở trong – ở đây mọi món đồ đều phải thế – rồi ra khỏi phòng.

Trả lời câu hỏi của bà, tôi nói điều khó khăn nhất với tôi là không được chơi kèn.

“Nhưng anh hiểu vì sao Boris không cho mà,” bà nói. “Cứ tưởng tượng xem. Anh thổi cái tù và ấy một ngày trước khi lành lặn, mặt anh sẽ nổ tung bắn ra khắp phòng!”

Bà có vẻ thấy ý nghĩ đó khá vui, và xua xua tay về phía tôi cứ như tôi mới là người vừa dí dỏm và bà phải bảo: “Thôi đi, thật quá thể!” Tôi cũng cười theo, và hút một chút cà phê qua ông. Rồi bà bắt đầu kể về một loạt bạn vừa làm phẫu thuật gần đây, về những gì họ thuật lại, những chuyện buồn cười họ gặp phải. Bà toàn nhắc những cái tên thuộc hàng sao, nếu không cũng kết hôn với hàng sao.

“Thế là anh chơi saxophone,” bà nói, đột ngột chuyển chủ đề. “Quyết định đúng đấy. Đấy là một nhạc cụ tuyệt vời. Anh biết tôi nói gì với mọi nhạc công saxo trẻ không? Tôi bảo họ nên nghe những người cổ điển. Tôi biết một người, cũng mới nổi như anh, chỉ độc nghe những tay tân tiến. Wayne Shorter và các loại tương tự. Tôi bảo cậu ta, anh sẽ học được nhiều hơn từ những người cổ điển. Có thể không thật là đột phá, tôi bảo cậu ta thế, nhưng các ông ấy rành kỹ thuật. Steve, anh có phiền nếu tôi bật anh nghe một đoạn không? Để anh hiểu chính xác tôi đang nói đến cái gì?”

“Không, tôi không phiền. Nhưng bà Gardner…”

“Làm ơn. Gọi tôi là Lindy. Ở đây chúng ta ngang hàng.”

“Được rồi. Lindy. Tôi chỉ định nói, tôi không trẻ đến thế đâu. Thật ra là, tới sinh nhật sau là tôi đã ba chín.”

“Ồ thật ư? Chà, thế vẫn còn trẻ. Nhưng anh nói phải, tôi cứ nghĩ anh còn trẻ hơn nhiều. Với những mặt nạ đặc quyền Boris ban cho chúng ta thì khó mà đoán được, phải không? Theo như Gracie kể, tôi cứ nghĩ anh là một cậu trẻ mới nổi, và đoán là bố mẹ anh đã trả tiền cuộc phẫu thuật này để cho anh một khởi đầu thuận lợi. Xin lỗi tôi nhầm.”

“Gracie nói tôi ‘mới nổi’ à?”

“Đừng giận Gracie. Cô ấy nói anh chơi nhạc nên tôi hỏi tên anh. Khi tôi bảo tên này tôi không quen, cô ấy bảo ‘Đấy là vì anh này mới nổi.’ Chỉ có thế thôi. Này, nhưng nghĩ xem, anh bao nhiêu tuổi thì quan trọng gì chứ? Lúc nào anh cũng có thể học được từ những người cổ điển. Tôi muốn anh nghe cái này. Tôi nghĩ anh sẽ thấy thú vị.”

Bà đi lại tủ và một lúc sau giơ một chiếc CD lên. “Anh sẽ tán thưởng mà xem. Tiếng saxo ở đây thật hoàn hảo.”

Phòng bà cũng có một bộ dàn Bang & Olufsen như phòng tôi, và chẳng mấy chốc cả phòng đã vang lừng tiếng đàn dây ngọt lịm. Sau vài nhịp, tiếng kèn tenor uể oải, đậm chất Ben Webster nổi lên và nhanh chóng dẫn đầu dàn nhạc. Nếu không nắm rõ những thứ này, anh còn có thể tưởng đây là một trong những khúc dạo của dàn Nelson Riddle dành cho Sinatra. Nhưng giọng hát cuối cùng bắt vào lại là giọng Tony Gardner. Bài hát – mà tôi vừa nhớ ra – là một bài tên “Back at Culver City”, một bản ballad chưa bao giờ thịnh lắm và ngày nay không mấy ai chơi nữa. Suốt trong lúc Tony Gardner hát, tiếng saxophone đuổi theo ông, đối đáp ông từng câu một. Kiểu chơi này khá sáo, và quá ủy mị với tôi.

Tuy thế sau một lúc, tôi không để ý nhiều đến bài hát nữa vì Lindy, trước mặt tôi, rơi vào trạng thái mơ màng, đã chầm chậm nhảy theo tiếng nhạc. Những động tác của bà uyển chuyển và duyên dáng – rõ ràng ca mổ đã không ảnh hưởng đến cơ thể bà – và bà có một thân hình mảnh dẻ, cân đối. Bà đang mặc thứ gì đó nửa như áo khoác mặc nhà, nửa như váy tiệc chiều; nghĩa là nó cùng lúc hơi có vẻ bệnh viện mà vẫn xa hoa. Thêm nữa, tôi đang cố nghĩ cho ra một điều. Tôi có ấn tượng rõ ràng rằng Lindy mới đây đã ly dị Tony Gardner, nhưng với tư cách kẻ mù mờ nhất cả nước về hậu trường showbiz, tôi bắt đầu nghĩ có lẽ mình nhầm. Nếu không thì làm sao bà lại nhảy thế này, chìm đắm trong tiếng nhạc, và rõ ràng là đang thích thú?

Tony Gardner ngưng hát một lúc, đàn dây trội lên khi vào phần nối, và piano bắt đầu một đoạn solo. Đến lúc này, Lindy có vẻ đã trở lại mặt đất. Bà không đu đưa nữa, nhặt điều khiển tắt nhạc đi rồi quay lại ngồi xuống trước mặt tôi.

“Có tuyệt diệu không? Anh hiểu tôi nói gì chứ?”

“Phải, rất là tuyệt,” tôi đáp, không hiểu có phải câu hỏi vẫn chỉ là về saxophone hay không.

“Tiện thể nói thêm, anh không nghe nhầm đâu.”

“Nghĩa là sao?”

“Người hát ấy. Đúng là người anh nghĩ đấy. Không phải vì ông ấy không còn là chồng tôi nữa mà tôi không được nghe đĩa của ông ấy, phải không?”

“Không, tất nhiên là không.”

“Và tiếng kèn mới đẹp làm sao. Giờ chắc anh hiểu tại sao tôi muốn anh nghe chứ.”

“Phải, rất hay.”

“Steve, anh có đĩa nào đã thu rồi không? Ý tôi là, đĩa anh chơi ấy?”

“Có. Thực tình là tôi có vài đĩa CD ở ngay trong phòng.”

“Lần sau anh đến chơi, cưng ạ, tôi muốn anh mang chúng theo. Tôi muốn biết anh chơi thế nào. Anh hứa nhé?”

“Được thôi, miễn chúng không làm bà chán.”

“Ôi không, tôi không chán đâu. Nhưng tôi mong anh đừng nghĩ là tôi tọc mạch. Tony luôn bảo tôi quá tọc mạch, tôi nên để cho người ta yên, nhưng anh biết không, tôi nghĩ chẳng qua là ông ấy hách. Rất nhiều người nổi tiếng, họ nghĩ họ chỉ nên quan tâm đến những người nổi tiếng khác. Tôi thì chưa bao giờ như thế. Tôi nghĩ mỗi người đều có khả năng là một người bạn. Như Gracie chẳng hạn. Cô ấy là bạn tôi. Toàn bộ người làm ở nhà, họ đều là bạn tôi. Giá mà anh thấy tôi khi đi dự tiệc. Mọi người khác, họ đều nói chuyện với nhau về bộ phim mới quay hoặc cái gì đó, riêng tôi là người trò chuyện với cô nhà bếp hay anh đứng quầy. Tôi không nghĩ như thế là tọc mạch, phải không?”

“Không, tôi cũng không nghĩ thế là tọc mạch. Nhưng thế này, bà Gardner…”

“Xin gọi tôi là Lindy.”

“Lindy. Thế này, ngồi với bà chiều nay rất là dễ chịu. Nhưng mấy thứ thuốc men này, chúng thực sự làm tôi mệt. Tôi nghĩ mình phải đi nằm một lúc.”

“Ôi, anh thấy không khỏe à?”

“Không có gì đâu. Chỉ là do thuốc thôi.”

“Tệ quá! Khi nào thấy đỡ mệt nhất định anh phải quay lại đấy. Và mang cả đĩa theo nữa, những bản do anh chơi ấy. Thỏa thuận nhé?”

Tôi phải cam đoan với bà lần nữa rằng chiều nay rất là tuyệt và tôi sẽ trở lại. Rồi trong lúc tôi ra khỏi cửa, bà nói:

“Steve, anh có biết chơi cờ không? Tôi chơi cờ thì tệ nhất thiên hạ, nhưng tôi có bộ cờ xinh tuyệt trần đời. Meg Ryan vừa mang cho tôi tuần trước.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.