Cuộc Đời Của Pi

Chương 7



Cốt lõi của nghệ thuật và khoa học coi sóc vườn thú là làm sao cho động vật quen với sự có mặt của người. Mục đích chính là rút ngắn khoảng cách bỏ chạy của con vật, cái cự li tối thiểu mà nó dám để cho đối tượng có thể là kẻ thù đến gần. Một con hồng hạc ngoài hoang dã sẽ không để ý đến ta nếu ta ở cách xa nó ba trăm mét. Vượt quá giới hạn đó là nó sẽ căng thẳng ngay. Lại gần nó một chút là nó sẽ bay khỏi chỗ đó cho đến khi khoảng cách ba trăm mét kia lại được lặp lại hoặc bay thẳng cho đến lúc kiệt sức. Mỗi loài vật có khoảng cách bỏ chạy khác nhau và chúng ước lượng khoảng cách đó theo các cách khác nhau. Hổ báo thì nhìn, hươu nai thì nghe, gấu ngửi. Hươu cao cổ sẽ cho phép ta đến gần chúng khoảng ba mươi mét nếu ta đi bằng ôtô, nhưng nếu ta đi bộ thì khoảng một trăm năm mươi mét là chúng bắt đầu bỏ chạy. Những con cua một càng chỉ để ta đến gần chúng khoảng mười mét; khỉ bạc má sẽ nháo nhác trên cành khi có ai ở cách chúng hai mươi mét; loài trâu nước Châu Phi phản ứng ở cự li bảy mươi mét.

Phương tiện để ta rút ngắn khoảng cách bỏ chạy là những hiểu biết của ta về con vật, là thức ăn và nơi ẩn nấp mà ta cho nó, và những biện pháp bảo vệ khác mà ta có thể áp dụng. Khi thành công, kết quả là ta có một con vật hoang yên tâm và thoải mái không những sẽ ở yên mà còn khoẻ mạnh, sống lâu, ăn uống ngoan ngoãn, hành xử và giao đãi một cách tự nhiên và hay nhất nữa là bắt đầu sinh con đẻ cái. Tôi không dám so sánh vườn thú của chúng tôi với vườn thú ở San Diego hoặc Toronto hoặc Berlin hay Singapore nhưng cũng không thể không tự hào về một vườn thú như thế. Cha tôi đã vào nghề một cách tự nhiên, như thể ông sinh ra để làm việc đó. Thiếu đào tạo chính quy, nhưng bù lại, cha có năng khiếu bẩm sinh và mắt nhìn sắc sảo. Cha có tài chỉ cần nhìn một con vật là có thể đoán được nó đang nghĩ gì. Cha chăm sóc chúng tận tình, và đáp lại, chúng sinh con đẻ cái, có con hơi nhiều quá là đằng khác.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.