Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu

Chương 33



– Bây giờ – ông Cảnh sát trưởng nói – chúng ta thử khớp các thông tin của chúng ta lại với nhau. Thưa ông Poirot, rất sung sướng được ông cộng tác. Ông thanh tra Kelsey còn nhớ ông rất rõ.

– Chuyện ấy cách đây rất lâu rồi – thanh tra Kelsey tiếp lời – Hồi đó tôi mới là Trung sĩ cảnh sát.

Ông Cảnh sát trưởng khẽ ho rồi nói tiếp:

– Ông Adam Goodman có mặt ở đây hôm nay là người ông thám tử chưa quen, nhưng tôi tin rằng chắc ông thám tử biết rõ thủ trưởng của ông Adam ở cơ quan An ninh?

– Đại lá Pikcaway? – Poirot nói khẽ, dáng suy nghĩ – Đã lâu tôi không được gặp ông ấy. Ông Đại tá vẫn có vẻ lúc nào cũng như ngủ đấy chứ gì?

Adam lộ vẻ thích thú:

– Vậy là ông có trí nhớ rất tốt. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy sếp của tôi hoàn toàn tỉnh táo. Và nếu Đại tá có vẻ tỉnh táo thì tôi lại lo ông ấy không nghe thấy ai nói gì xung quanh nữa.

– Anh tinh ý đấy, anh bạn trẻ ạ – Poirot nói.

– Bây giờ ta đi thẳng vào vấn đề – ông Cảnh sát trưởng nói – Các vụ việc vừa qua diễn ra trên nhiều bình diện, tôi nghĩ chúng ta cần xét chúng trên một bình diện đã.

Ông ngừng lại một chút rồi quay sang thám tử Poirot, nói tiếp:

– Về mặt công khai, đây chỉ là câu chuyện ly kỳ, một em học sinh gái tìm thấy những viên kim cương giả mà em tưởng là kim cương thật, đã đến gặp thám tử nổi tiếng Poirot, đúng vậy không, thưa ông thám tử?

Trong khi nói, ông Cảnh sát trưởng không rời mắt khỏi người thám tử.

– Tôi cũng nghĩ thế – Poirot đơn giản trả lời.

– Đường lối ngoại giao đòi hỏi chúng ta phải hết sức tế nhị. Đây là chuyện dính đến những mỏ dầu lửa ở Trung Đông, và chúng ta phải tính đến chính phủ các quốc gia đó. Cho nên chúng ta không thể công bố toàn bộ sự thật. Chúng ta sẽ chỉ dừng lại ở mức độ một vụ án.

– Tôi đồng ý – Poirot nói.

– Vì lẽ đó – ông Canh sát trưởng nói tiếp – tôi nghĩ rằng tôi sẽ không lầm khi nói rằng Ngài cố quốc trưởng Ramat trước kia là bạn thân thiết của nước ta và tất nhiên chúng ta tôn trọng tất cả những tài sản có thể thuộc quyền sở hữu của Ngài. Trên thực tế, hiện nay chưa ai biết số của cải đó là những gì. Nếu chính phủ đương quyền ở Ramat yêu cầu trả lại họ những tài sản đó, chúng ta sẽ trả lời rằng chúng ta không biết những tài sản đó gồm những gì và hiện nằm ở đâu. Bởi một sự từ chối dứt khoát sẽ gây tổn hại cho mối bang giao giữa hai quốc gia.

– Trên bình diện này – Poirot nói – chúng ta sẽ nói rằng chính phủ Anh không hề biết gì về số “vật báu” mà người ta đồn là vị quốc trưởng quá cố, Hoàng thân Ali Yusuf đã sở hữu. “Vật báu” đó rất có thể vẫn còn nằm trong nước Ramat và được một người bạn thân tín của cố Hoàng thân cất giấu…

Viên Cảnh sát trưởng gật đầu:

– Điều tôi định nói đúng là như vậy. Trên thực tế, thưa ông Poirot, ông có nhiều người bạn nắm giữ những vị trí cao trong chính quyền, và họ rất tin cậy ông. Tôi nghĩ, tôi được phép giả định rằng các quan chức cao cấp kia trên tư cách tư nhân với nhau, có thể đã nghĩ đến chuyện nhờ ông giữ hộ. Nếu như vậy ông không từ chối chứ?

– Hoàn toàn không. Nhưng chúng ta sẽ phải đương đầu với một vấn đề quan trọng hơn.

Poirot đưa mắt nhìn ba người đang ngồi xung quanh:

– Các ông có thấy như vậy không? Dù sao thì một tài sản trị giá sáu bảy triệu bảng Anh cũng không có nghĩa gì, nếu đem so với tính mạng của một vài con người?

– Ông nghĩ rất đúng – viên Cảnh sát trưởng nói.

– Vì vậy – thanh tra Kelsey nói – chúng ta cần tìm ra hung thủ. Thưa ông Poirot, chúng tôi rất muốn được nghe quan điểm của ông. Cho đến lúc này, chúng tôi mới chỉ có thể có những giả thuyết. Và trong lĩnh vực này, không ai sánh được với ông, nhất là qua điều tra, chúng tôi thấy ở đây là cả một cuộn chỉ rối, hết sức khó lần ra được đầu mối.

– Dùng hình ảnh “cuộn chỉ rối” là rất đắt đấy – Poirpt vuốt ria mép nói – Và trong mớ chỉ rối rắm ấy cần tìm ra một hung thủ. Tôi đề nghị các ông cho biết tất cả những gì các ông đã biết cho đến lúc này.

Thanh tra Kelsey, rồi Adam, lần lượt kể, sau đó, ông Cảnh sát trưởng tạm thời tóm tắt. Poirot ngồi tựa lưng ghế, mắt lim dim chăm chú nghe. Sau một phút im lặng, ông bắt đầu nói:

– Hai vụ án mạng xảy ra tại cùng một địa điểm, và trong hoàn cảnh gần giống nhau. Tiếp đó là một vụ bắt cóc. Nạn nhân của vụ bắt cóc, đáng lý có thể là nhân vật trung tâm của vụ âm mưu, nếu có thể nói như thế. Trước hết, chúng ta cần làm sáng tỏ, bọn chúng bắt cóc cô ta để làm gì?

– Tôi xin nhắc lại nguyên văn lời cô học sinh “công nương” ấy khai với chúng tôi – thanh tra Kelsey nói.

Nghe xong, thám tử Poirot lẩm bẩm.

– Thoạt nghe, những lời đó quả là phi lý.

– Nhưng cuối cùng, cô ta bị bắt cóc thật.

– Kẻ bắt cóc đã gửi giấy đòi tiền chuộc – viên Cảnh sát trưởng bổ sung.

– Chỉ đơn giản là chúng tạo ra một cớ giả cho vụ bắt cóc – thám tử Poirot đáp.

– Nghĩa là chúng bắt cóc công nương Shaila vì một động cơ khác. Động cơ nào?

– Chắc để cô ta khai ra chỗ cất giấu kho báu – Adam gợi ý, nhưng giọng không được quả quyết lắm.

Poirot vẩy tay:

– Cô ấy có biết đâu! Nhưng cũng có thể bọn chúng tưởng cô ta biết. Không! Chúng nhằm một động cơ khác…

Trán cau lại, ông ta im lặng một lúc lâu.

– Cặp đầu gối của cô ta… – đột nhiên Poirot thốt lên – Các ông có lúc nào chú ý đến đầu gối của cô Shaila ấy không?

Adam lộ vẻ ngạc nhiên.

– Không! Nhưng tại sao ông lại hỏi đến đầu gối?

– Có rất nhiều lý do khiến người ta chú ý đến đầu gối của một cô gái trẻ – Poirot ngắt lời – Riêng trong trường hợp này, đáng tiếc là các ông đã không chú ý đến đầu gối, một trong những chi tiết rất dễ bị lộ tẩy của cô ta.

– Phải chăng chỗ ấy có một vết sẹo? Nhưng làm sao thấy được vết sẹo ấy? Phụ nữ bao giờ cũng di tất dài che khuất đầu gối.

– Cả khi họ tắm trong bể bơi chăng?

– Tôi chưa có dịp nào quan sát Shaila trong bể bơi. Thời tiết nước Anh quá lạnh đối với cô ta, một công nương sinh trưởng tại một xứ sở quanh năm nóng bức. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao ông quan tâm đến đầu gối cô ta: hay ông nghi cô ta có vết sẹo ở đó thật?

– Hoàn toàn không phải thế. Dù sao thì sơ suất đó của các ông cũng rất đáng tiếc.

Rồi viên thám tử quay sang ông Cảnh sát trưởng:

– Xin ông cho phép tôi gọi điện thoai đến Sở cảnh sát thành phố Geneva Thụy Sĩ. Tôi nghĩ họ có thể giúp được chúng ta.

– Vì công nương Shaila trước đây có học trong một trường nội trú ở đó chăng?

– Đúng thế. Đây chỉ là ý nghĩ thoáng qua của tôi. Nhưng thôi, ta tạm gác vụ bắt cóc lại để xem xét những vụ quan trọng hơn: hai vụ án mạng ở Meadowbank… Hai! – Poirot nhắc lại, vẫn trầm ngâm suy nghĩ.

– Chúng tôi đã kể với ông rồi – thanh tra Kelsey nói – Ông cần hỏi thêm gì nữa không?

– Tại sao lại xảy ra trong Cung Thể thao, ông Adam muốn hỏi như thế chứ gì? Vậy câu giải đáp là thế này: trong Cung Thể thao có một cây vợt tennis chứa bên trong nó một kho báu, gồm nhiều viên kim cương. Bọn chúng biết như vậy. Nhưng “chúng” là ai? Có thể là cô giáo Springer. Các ông đã kể rằng cô giáo ấy có thái độ quan tâm khác thường đến Cung Thể thao kia. Cô ta không muốn người không có trình độ vào đó. Thậm chí cô ta còn nghi họ có những ý đồ xấu. Chẳng hạn cô giáo Blanche, đặc biệt là cô này, đã có lần bị đuổi ra.

– Cô giáo Blanche người Pháp…. – thanh tra Kelsey dướn lông mày thốt lên.

Poirot lại quay sang Adam, nói tiếp:

– Ông còn nhận xét thấy thái độ không bình thường của cô giáo Blanche sau khi bị cô giáo Springer đuổi ra khỏi toà nhà đó thì phải?

– Đúng thế – Adam trả lời.

– Còn một điều nữa, là cô giáo Springer bị giết trong Cung Thể thao vào một thời điểm mà cô không có nhiệm vụ gì để vào đó.

Nói xong, Poirot quay sang hỏi thanh tra Kelsey:

– Trước khi vào làm ở trường nữ học Meadowbank, cô Springer ở đâu?

– Chúng tôi không biết. Cô ta thôi việc tại một trường nổi tiếng từ đầu mùa hè năm ngoái. Từ thời điểm đó đến lúc vào làm ở trường Meadowbank, cô ta ở đâu và làm gì chúng tôi chưa biết. Cô ta lại không có họ hàng gần và, hình như cũng không quan hệ chặt chẽ với ai…

– Không phải không có khả năng cô ta ở Ramat trong khoảng thời gian đó – Poirot ngắt lời thanh tra Kelsey.

Mọi người ngạc nhiên nhìn người thám tử, và từ lúc này, không ai rời mắt khỏi ông ta. Lát sau, Adam lên tiếng:

– Bây giờ tôi mới nhớ ra, trong mùa hè năm nay, có một nhóm giáo viên sang nghỉ mát bên đó, vào đúng thời gian trước lúc xảy ra cuộc đảo chính.

– Vậy ta có thể giả định, Springer đã tham gia nhóm du lịch đó, và rất có thể cô ta nghe thấy nói đến cây vợt có một không hai kia. Ta tiếp tục phỏng đoán. Sau khi đã nắm vững quy luật sinh hoạt của trường Meadowbank, cô ta quyết định một đêm mò vào Cung Thể thao. Đến lúc cô ta gần tìm ra được cây vợt kia thì… một kẻ khác xuất hiện. Có thể kẻ này đã theo dõi cô ta từ lâu, thậm chí từ tối. Kẻ này có súng, bèn giết Springer, nhưng nghe tiếng chân người, hắn vội tẩu thoát, chưa kịp moi ra những viên kim cương giấu trong cây vợt.

– Ông cho rằng sự việc diễn ra đúng như vậy? – Viên cảnh sát trưởng hỏi Poirot.

– Tôi mới phỏng đoán thôi. Một khả năng khác: kẻ kia đến trước và bị cô Springer phát hiện. Một kẻ mà cô đã nghi ngờ từ lâu. Các ông chẳng đã kể với tôi rằng, cô giáo Springer này có tính thích khám phá những bí mật của người khác?

– Còn nạn nhân thứ hai, cô giáo Vansittart? – Viên Cảnh sát trưởng hỏi.

– Hiện giờ, cả các ông cũng như tôi đều chưa biết gì về vụ án mạng thứ hai này. Rất có thể cô giáo Vansittart là nạn nhân của một kẻ thứ ba, từ bên ngoài nhà trường đột nhập vào…

Có vẻ Poirot chờ một câu trả lời. Câu trả lời này do thanh tra Kelsey cung cấp:

– Tôi không tin có kẻ nào bên ngoài lọt vào được trong trường. Chúng tôi đã rà soát cẩn thận khắp vùng lân cận và chú ý đặc biệt đến những người từ nơi xa đến. Chỉ có một phụ nữ tên là Kolinski thuê một phòng khách sạn gần đây, nhưng xét kỹ thì thấy bà ta không liên quan gì đến hai vụ án mạng kia.

– Nếu vậy, chúng ta phải kiếm trong trường. Chỉ có một phương pháp duy nhất ở đây là loại trừ dần.

Thanh tra Kelsey thở dài:

– Vụ án mạng thứ nhất thì diện nghi vấn rất rộng, bất cứ ai cũng có thể là thủ phạm giết cô giáo Springer, chỉ trừ bà giám thị Johnson, bà giáo Chadwick và em học sinh đau tai. Ngược lại, đến vụ án thứ hai thì diện nghi vấn bị thu hẹp rất nhiều. Ba giáo viên có bằng chứng ngoại phạm: cô giáo Rich, cô phụ giáo Blake và cô thư ký Shapland. Cả bà hiệu trưởng Bulstrode cũng được loại ra ngoài vòng nghi vấn vì bà ấy đi nghỉ ở nhà một người bạn, theo như người ta nói với tôi.

– Còn lại cô phụ giáo Rowan và cô giáo Blanche.

– Ông quên là còn đám học sinh – thám tử Poirot nói.

Thanh tra Kelsey bật dậy:

– Ông cho rằng thủ phạm có thể là học sinh?

– Thật ra tôi không cho là như vậy. Nhưng chúng ta không nên bỏ qua bất cứ ai.

Thanh tra Kelsey không trả lời vào câu nói ấy mà ông nói sang chuyện khác:

– Cô phụ giáo Rowan đã làm việc ở đây một năm và tỏ ra là người rất tốt. Chưa thấy có biểu hiện gì có thể nghi cô ấy được.

– Vậy ta xét đến cô Blanche, quân bài cuối cùng của chúng ta.

Mọi người im lặng một lát. Thanh tra Kelsey lên tiếng trước:

– Không có biểu hiện nào. Các giấy chứng chỉ của cô Blanche đều rất tốt.

– Nhưng cô ta chú ý đến mọi thứ – Adam nói – Tất nhiên thói ấy chưa phải đã chứng tỏ cô ta là kẻ tội phạm.

– Khoan đã – thanh tra Kelsey ngắt lời – Có một chuyện dính đến cô ta đấy: chuyện chiếc chìa khoá trong lần đầu tiên tôi thẩm vấn cô ta. Cô giáo Blanche đã nhặt chìa khoá lên nhưng quên chưa cắm lại vào ổ, thế là cô Springer nhìn thấy, liền giật lấy và đuổi cô Blanche ra ngoài Cung Thể thao.

– Người nào muốn đêm khuya lọt vào Cung Thể thao, tất phải có chìa khoá. Mà muốn có chìa khoá cần phải có khuôn hình của nó để đánh.

– Nếu như vậy, thì không đời nào cô giáo Blanche kể ông nghe chuyện kia – Adam bác lại.

– Lập luận của ông chưa phải đã chính xác hoàn toàn. Bởi rất có thể cô Blanche kể để đề phòng cô Springer cũng sẽ kể, và như thế vô cùng tai hại cho cô Blanche. Chính hành động cẩn thận đó cũng đáng cho chúng ta quan tâm – ông Cảnh sát trưởng nói.

– Vậy là vụ án này chúng ta chưa làm rõ thêm được chút nào – thanh tra Kelsey thở dài nhìn thám tử Poirot.

– Nếu như tôi được thông tin đúng – Poirot nói – thì hôm khai trường, bà mẹ của Juila đã nhận ra một người quen cũ và bà ngạc nhiên sao bà kia lại có mặt ở đây. Qua đấy ta có thể rút ra là người đó hiện nay làm việc trong trường Meadowbank, nhưng xưa kia đã từng hoạt động trong ngành mật vụ. Nếu sắp tới, ta liên lạc được với bà Upjohn, mẹ của Julia, mà bà ta nói người bà nhìn thấy hôm đó là cô Blanche thì chúng ta có thêm được một thông tin giá trị để xét cô Blanche đấy.

– Liên lạc với bà Upjohn hết sức khó. Chúng tôi được biết, bà ta du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng “xe ca”, thật ra là xe ca địa phương. Bà ta lang thang từ nơi này đến nơi khác tại đó bằng cách như vậy cho rẻ tiền. Mà Thổ Nhĩ Kỳ đâu phải nước nhỏ…

– Đúng là tìm được bà ta vô cùng khó – Poirot thừa nhận.

– Tôi e ta phải đợi rất lâu đấy – thanh tra Kelsey nói – Liệu cô giáo Blanche có thấy động mà chạy trốn không, hay ta cần có cách giữ chân cô ta lại?

Poirot vẩy tay:

– Cô ta sẽ không trốn đâu.

– Sao ông dám quả quyết như thế?

– Vì nếu chính cô ta là thủ phạm, thì cô ta không dám làm điều gì khiến người ta chú ý đến cô ta, và sẽ ở lại trường này cho đến hết tam cá nguyệt.

– Tôi hy vọng ông nhận định đúng.

– Và ông nên nhớ rằng người phụ nữ bà Upjohn nhìn thấy, không biết rằng mình đã bị nhận mặt . Khi nào bà Upjohn về đây, sự bất ngờ sẽ là hoàn toàn.

Thanh tra Kelsey nhún vai:

– Nhưng từ nay đến lúc đó?

– Dư luận bàn tán đóng một vai trò quan trọng.

– Nghĩa là sao? – Thanh tra Kelsey ngạc nhiên hỏi.

– Khi có một vụ án mạng, sớm hay muộn người ta cũng sẽ xì xào bàn tán…

– Và kẻ có tội sẽ có lúc nói hoặc làm điều gì khiến lộ ra chứ gì?

– Chưa hẳn là như thế. Tôi muốn gặp bà hiệu trưởng hỏi xem ở đây có ai vẽ giỏi không?

Nói xong, thám tử Poirot đứng dậy:

– Tôi xin lỗi, phải ra ngoài một lát.

Poirot ra khỏi, Adam thốt lên:

– Lúc nãy thì nói đến đầu gối, bây giờ lại đến người nào giỏi vẽ. Chịu, tôi không hiểu nổi ông ta!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.