Cú Vọ Và Đàn Bồ Câu

Chương 14



Bà hiệu trưởng Bulstrode vừa tiếp bà giám thị Johnson và câu chuyện giữa hai người suýt làm bà bật cười. Chẳng là bà Johnson phát hiện ra rằng nữ học sinh Shaila mặc một kiểu nịt vú rõ ràng là để nâng bộ ngực lên, cần nói rõ thêm là bộ ngực cô ta rất nhỏ. Shaila chính là công nương nước Ramat, mới vào học đầu năm nay. Bà giám thị Johnsơn nói giọng đầy phẫn nộ: “Mới mười lăm tuổi ranh!”

Khi được bà hiệu trưởng gọi lên để hỏi, “kẻ có tội” đã trả lời nhanh nhẩu rằng vào tuổi cô, cô thấy cần phải chứng minh cho mọi người thấy rằng cô là phụ nữ . Chỉ liếc qua, bà hiệu trưởng Bulstrode đã thấy ngay rằng công nương Shaila, học sinh nội trú này, quả là còn chưa ra khỏi tuổi thiếu niên. Bà thầm nghĩ: “Con gái phương Đông phát triển sớm”. Tuy nhiên bà cũng ra lệnh cấm công nương Shaila đeo kiểu nịt vú “tội lỗi” đó.

Sau khi cô nữ sinh ra khỏi phòng, bà giám thị Johnson kêu lên:

– Sao con bé không noi gương con Julia Upjohn nhỉ? Con Julia rất chi là ý tứ.

– Nếu tất cả nữ sinh trong trường đều bắt chước Julia thì trường nội trú của chúng ta đơn điệu biết bao – bà hiệu trưởng Bulstrode đáp, khiến bà giám thị Johnson há hốc miệng kinh ngạc.

“Đơn điệu…” bà hiệu trưởng lẩm bẩm khi còn lại một mình trong phòng giấy. Rõ ràng tính từ kia không thể áp dụng vào cho trường nữ học nội trú Meadowbank được. Nhà trường đã phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cơn khủng hoảng không ai ngờ có thể xảy ra. Nhưng lần nào cũng vậy, uy quyền và sự khéo léo của bà hiệu trưởng Bulstrode đã vượt qua được hết. Quả là một cuộc sống sôi động! Ngay lúc này đây, mặc dù nhiều lúc phải nín nhịn, bà Bulstrode vẫn chưa muốn nghỉ hưu.

Bà vẫn tràn trề sức khoẻ, vẫn hầu như nhanh nhẹn không kém gì thời bà cùng với bà giáo Chadwick hiện nay dạy toán chung vốn để sáng lập ra cái trường Meadowbank này, lúc đầu chỉ lèo tèo vài mống học sinh.

Với một ý chí kiên cường, bà hiệu trưởng Bulstrode không bao giờ bỏ qua một sáng kiến cải tiến nào. Nhờ đó, bà đã đưa trường nữ học này lên đến một uy tín vượt quá mọi mơ ước ban đầu.

Kết quả về mặt vật chất: đôi bạn gái đã tích luỹ được một khoản tiền khá lớn, đủ đảm bảo cuộc sống cho họ lúc về già. Tuy nhiên, bà hiệu trưởng Bulstrode vẫn tự hỏi, không biết bà Chadwick đã muốn nghỉ hưu chưa? Chắc là chưa. Ngôi trường phần nào đã gần như trở thành gia đình, tổ ấm của bà ta, và nếu bà Bulstrode nghỉ hưu, bà Chadwick vẫn sẽ tiếp tục mang hết sức mình ra hỗ trợ cho người hiệu trưởng mới nào đó thay chân bà, kế tục sự nghiệp cao quý này.

Nhưng tìm người kế tục ở đâu? Thoạt đầu bà Bulstrode đã nhắm một người, nhưng rồi lại thay đổi ý kiến… Bà cho rằng điều quan trọng là mỗi hành động phải chọn đúng thời điểm, và chính bây giờ là thời điểm chính xác nhất: bà cần “ra đi” trước khi sức lực suy giảm, trước khi uy tín sút kém, hoặc trước khi người ta quá ngán mình…

Nghĩ đến lúc phải từ bỏ công việc lãnh đạo cái trường mà bà đã bỏ ra bao công sức xây dựng, bà hiệu trưởng thở dài. Nhưng bà lập tức gạt đi nỗi yếu đuối của mình, cho gọi cô thư ký Shapland lên để đọc cho cô ta thảo một bức thư. Xong công việc bà giữ cô thư ký lại trò chuyện.

– Tôi hỏi thật nhé: tại sao chị chọn nghề thư ký?

– Chính tôi cũng không biết. Có lẽ vì tôi không thấy thích hẳn một nghề nào. Mà khi không thích hẳn một nghề nào, con người ta tự nhiên rơi vào nghề thư ký chăng?

– Chị không thấy nghề thư ký quá đơn điệu ư?

– Thật ra số tôi may mắn, tôi đã từng được làm thư ký ở một số nơi khá lý thú. Thậm chí có lần tôi làm thư ký cho một nữ nghệ sĩ nổi tiếng.

Nhớ lại kỷ niệm đó, cô thư ký Ann Shapland lại cười. Bà hiệu trưởng Bulstrode nói giọng hơi như trách.

– Phải chăng lớp trẻ các cô ngày nay thích liên tục thay đổi nơi làm việc như vậy?

– Cái chính là tôi không thể ở lâu một nơi nào. Mẹ tôi luôn đau ốm, thỉnh thoảng tôi phải về chăm sóc bà cụ.

– Tôi hiểu.

– Tuy nhiên, tôi e rằng tính tôi cũng thích thay đổi nữa kia. Nghĩ đến chuyện phải làm lâu dài ở một nơi nào đó, tôi rất sợ. Luôn chuyển nơi làm việc khiến cuộc sống đỡ đơn điệu.

– Đơn điệu… – bà hiệu trưởng Bulstrode nhắc lại hai chữ đã làm bà suy nghĩ lúc trước.

Cô thư ký Ann Shapland ngạc nhiên nhìn cấp trên.

– Chị đừng chú ý đến câu tôi vừa nói, Shapland. Đôi khi có một ý niệm cứ trở đi trở lại hoài trong trí óc con người. Mà… chị có thích làm giáo viên không?

– Không. Tôi hoàn toàn không thích.

– Tại sao?

Cô thư ký Ann Shapland lúng túng không biết trả lời ra sao. Thấy vậy bà hiệu trưởng Bulstrode vội vã nói:

– Công việc dạy học hoàn toàn không đơn điệu chút nào. Thậm chí, có lẽ đó là nghề lý thú nhất trên đời. Riêng tôi, tôi rất tiếc là sắp tới sẽ phải nghỉ.

– Bà nói sao? Quả thật bà định nghỉ hưu ạ?

– Bởi tôi đã cống hiến cạn kiệt sức lực cho trường này. Và thời gian làm việc ở đây đã đem lại cho tôi một niềm vui hết sức to lớn. Tôi muốn ngừng công việc giữa lúc tôi đang gây được ấn tượng tốt đẹp nhất, chứ không đợi đến lúc sức lực suy giảm…

– Vậy sau khi bà nghỉ, trường ta vẫn tiếp tục hoạt động chứ ạ?

– Tất nhiên. Tôi sẽ chọn một người kế tục tôi.

– Chắc bà chọn cô giáo Vansittart, phải không ạ?

– Có nghĩa chị tán thành cô giáo Vansittart phải không?

Bà hiệu trưởng Bulstrode chăm chú nhìn cô thư ký Shapland thăm dò:

– Tôi rất muốn biết ý kiến của chị.

– Ôi, tôi hỏi thế chỉ vì tôi nghe thấy người ta bàn tán. Riêng ý tôi thì cô giáo Vansittart sẽ làm tròn chức vụ hiệu trưởng một cách xuất sắc. Và chị ấy sẽ theo đúng đường hướng của bà. Vansittart là một phụ nữ có bản lĩnh và tác phong khá lịch lãm. Tôi cho rằng yếu tố thái độ bên ngoài cũng rất quan trọng. Và tôi tin rằng cô giáo Vansittart sẽ gìn giữ được uy tín sẵn có của trường nữ học chúng ta.

Nói xong, cô thư ký Anh Shapland chào rồi đi ra. Còn lại một mình, bà hiệu trưởng tiếp tục suy nghĩ.

“Gìn giữ uy tín hiện nay đâu phải là điều ta mong muốn? Rất có thể cô giáo Eleanor Vansittart muốn giữ nguyên như thế này? Nhưng mình thì lại muốn người kế tục mình sẽ đem đến cho trường Meadowbank này một nét gì mới mẻ. Phải có một người kế tục mình kiểu như… cô Eileen Rich chẳng hạn! Khốn nhưng Eileen Rich còn trẻ quá, chưa có kinh nghiệm, sợ sẽ làm hỏng việc chăng?

Vừa lúc đó, bà giáo Chadwick vào.

– Chào chị Chadwick – Bà hiệu trưởng Bulstrode reo lên mừng rỡ – Đang mong gặp chị.

Bà giáo Chadwick hơi ngạc nhiên:

– Chị làm sao thế, Bulstrode? Có chuyện gì mới phải không?

– Chỉ đơn giản là tôi đang suy nghĩ và mọi ý nghĩ rối tung cả lên. Đang mong có người hỗ trợ đây. Chị đến rất đúng lúc.

– Vậy à? Chị mà cũng có lúc bối rối kia à? Lạ đấy!

– Chính tôi cũng thấy lạ. À, tình hình tam cá nguyệt này ra sao?

– Theo tôi là tốt.

Tuy nhiên câu trả lời của bà Chadwick không có vẻ quả quyết lắm. Thấy vậy bà hiệu trưởng cau mày.

– Chị nói thật đi, có chuyện gì vậy, Chadwick?

– Đúng ra thì chẳng có chuyện gì lớn. Tuy nhiên…

Trán bà giáo dạy toán nhăn lại như võ sĩ quyền Anh lúc đang tính miếng tấn công.

– Một linh cảm thôi! Các học sinh mới đến có vẻ yên ổn cả… Trong khi đó, các cô giáo thì lại…

– Cô giáo nào chẳng hạn?

– Blanche, tôi rất không bằng lòng cô giáo dạy tiếng Pháp này… hơi thâm hiểm thế nào ấy.

Bà hiệu trưởng Bulstrode không quan tâm đến nhận xét này của bạn. Bà Chadwick có tính hay chê các giáo viên dạy tiếng Pháp về tội “thâm hiểm”.

– Cô Blanche có trình độ đấy chứ – bà hiệu trưởng đáp – Các giấy chứng chỉ của cô ấy đều có những nhận xét rất tốt.

Bà Chadwick nói tiếp:

– Ngược lại, tôi thấy cô Springer dạy thể thao mới thật sự là hoàn hảo. Chỉ phải cái tội hơi xấn xổ một chút.

– Nhưng cô Springer làm tròn mọi nhiệm vụ.

– Tất nhiên rồi.

– Bao giờ những người mới đến làm cũng có điều gì đó khiến chúng ta không vừa lòng. Chỉ vì chúng ta chưa quen với tính nết của họ, có vậy thôi.

– Chị nói đúng – bà Chadwick vội vã nói – Còn chuyện này nữa. Anh thợ vườn phụ việc cho bác Briggs trẻ quá và lại đẹp trai quá, cũng là điều đáng ngại cho chúng ta đấy.

– Chúng ta sẽ phải để mắt thường xuyên đến anh ta.

Hai bà rất thông cảm với nhau. Không ai hơn hai bà trong việc nhận biết một thân hình đẹp trai có thể gây tác hại cho trái tim các cô gái trẻ đến mức nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.