“Tay nghề không tệ.”
…
Chưa đợi Quách Tái dâng bên, chén thuốc mỡ kia đã bị Ngụy Dịch bưng đi.
“Đau à?” Hắn trêu đùa hỏi.
Thân thể Lâm Kinh Phác mềm sụp xuống dưới, mặt mày ửng thêm mấy phần khí chất bệnh tật như là đang yếu thế trước hắn: “Đau lắm.”
Ngụy Dịch quét mắt thấy bả vai xanh tím của y, ngón tay đánh vòng lấy một lần thuốc vào bông, thấm đẫm nước thuốc.
Lâm Kinh Phác đã chuẩn bị xong để đau đớn rồi.
“Sợ cái gì, trẫm cũng sẽ không làm ngươi đau.” Ngụy Dịch không dây dưa dài dòng, chỉ bôi đều thuốc nước lên vết thương của y, đến bông thuốc cũng chưa từng dính qua da thịt.
Trên vai chỉ có một trận lạnh lẽo thoải mái.
Môi Lâm Kinh Phác cong lên nụ cười nhạt: “Tay nghề không tệ.”
Ngụy Dịch đưa thuốc mỡ về cho Quách Tái, xua tay ra hiệu người sau lui ra.
Hắn nằm úp sấp xuống bên bả vai Lâm Kinh Phác rồi thổi khí khiến thuốc cao nhanh chóng khô đi, lại trông về vành tai gần như trong suốt của y rồi cười nhẹ: “Trẫm còn có tay nghề càng tốt hơn.”
“Lần sau bộc lộ tài năng cho ta xem.” Lâm Kinh Phác chẳng hề khách khí.
“Cũng được, hôm nay thân vận triều phục, cũng không thoải mái.”
Ngụy Dịch không cam lòng kéo lại xiêm y cho Lâm Kinh Phác. Y không tiện nhúc nhích, cứ lười biếng để lộ bả vai ra, vừa đẹp đẽ vừa câu người.
Có bị đè cũng đáng đời.
Suy nghĩ hạ lưu quẩn quanh trong đầu Ngụy Dịch không xua đi được, lòng hắn lại chẳng hề đồng đều mà nhắc tới chính sự: “Hẳn Quách Tái đã nói với ngươi rồi, An Tri Chấn tiếp nhận chức quan khoa cử. Lúc thượng triều ngày hôm nay, sắc mặt An Bảo Khánh không dễ nhìn lắm.”
Lâm Kinh Phác che mặt ăn điểm tâm lấp bụng, nhã nhặn nuốt xuống rồi mới nói: “Năm ấy, An Bảo Khánh không thể làm kẻ sĩ Đại Ân, vẫn ghim chặt ta và hoàng huynh trong lòng. Hoàng huynh từng nghe qua thanh danh của gã, cũng muốn nhân cơ hội này mà kiềm chế cánh chim thế gia, cho nên loại tên gã từ vòng giữa đi ra. Nếu đổi thành người thường cũng không tới nỗi thù dai cắn ngược lợi hại đến như vậy, đuổi tận giết tuyệt toàn bộ đồng liêu xưa cũ. Nói cho cùng, vẫn là do dã tâm của An Bảo Khánh quá lớn, quyền thế đặt trước mặt, gã đã không thèm để ý tới nghĩa tình nhân luân nữa rồi.”
“Không phải thế nhân đều gọi gã là “Quỷ Sát tiểu vương” sao, trẫm trông cũng chẳng có gì khủng bố.” Ngụy Dịch coi thường, còn nói: “Có điều hôm nay An Tri Chấn nhậm chức trưởng Bác Học khoa, gã bèn tính tội lên đầu ngươi. Nếu ngươi sợ hắn, e là phải thật cẩn thận.”
Lâm Kinh Phác lướt qua rồi thôi, không lấy thêm khối điểm tâm thứ hai nữa, nhàn nhạt nói: “Ta sớm đã trở thành cái đích cho mọi người chỉ trích rồi.”
Ngụy Dịch: “Đến lúc ấy, kẻ địch nhanh như tên bắn trật, đừng lôi kéo trẫm trầm luân theo là được.”
Hương khói trong bếp lò bốc lên nghi ngút, hai người chợt có ảo giác dốc sức đồng lòng.
Vừa đối mắt với nhau, Ngụy Dịch đã thoáng thấy lãnh đạm dưới đáy mắt y, Lâm Kinh Phác cũng trông thấy nghi kỵ của hắn, cho nên thuyền nhỏ này vẫn lảo đà lảo đảo.
Lay động cả người, tâm thần rung chuyển.
Lâm Kinh Phác nhấc nhấc vai, xiêm y càng rũ xuống. Y gọi tên hắn: “Ngụy Dịch.”
Ngụy Dịch nhàn nhạt đáp lại, năm ngón tay quấn quanh khói thoảng trên lư hương, tầm mắt lại như có như không mà rơi vào vai gầy của Lâm Kinh Phác.
“Có thể tạo điều kiện cho ta ra ngoài cung tiếp đón một người không?”
Ngụy Dịch nhíu mày: “Ai?”
“Tạ Thường Thường.”
Ngụy Dịch không hài lòng lắm, kéo dài giọng ra: “Yên tĩnh chút đi Lâm Kinh Phác, nơi này là Hoàng cung Khải triều.”
“Nên không phải ta đang cầu xin chủ nhân Hoàng cung sao?” Lâm Kinh Phác bình tĩnh nói.
Ngụy Dịch vô vị nhấc nắp lò lên, thổi thổi tàn hương, dư quang còn đang liếc bả vai y.
Lâm Kinh Phác: “Muốn ta thoát nốt bên còn lại không?”
“Được, ngươi cởi hết, trẫm sẽ cân nhắc xem sao.”
Ngụy Dịch vui đùa, hầu kết khẽ nhúc nhích, còn nói: “Ngươi muốn gặp Tạ Thường Thường, việc này hình như không liên quan đến chuyện khôi phục khoa cử? Trẫm không phải người lương thiện gì, không muốn bán nhân tình này cho ngươi.”
Lâm Kinh Phác nhẹ nhàng mặc lại xiêm áo, tròng lên bả vai còn thương tổn, dứt khoát cắt đứt nhung nhớ của hắn. Năm ngón tay rõ ràng rành mạch của y khép cổ áo lại, ôn hòa mà nói: “Tạ Thường Thường xem như là mẹ nuôi ta.”
Ngụy Dịch ngẩn người.
“Mười mấy năm trước bà lui khỏi Văn đàn, không gả cho ai khác mà chính là á phụ Ngũ Tu Hiền của ta. Năm ấy, á phụ nuôi bà trong kinh đô và biệt viện ở vùng lân cận, chỉ chừa lại ba, bốn người hầu hạ, cho nên hiếm có ai hay biết. Sau khi Ân vong, bà đã theo chúng ta đồng thời lưu vong tứ hải.”
Tàn hương bay lên, Ngụy Dịch sặc một cái, song lại xì khẽ: “Chẳng lẽ một ngàn binh mã kia của Ngũ Tu Hiền là để hộ tống bà?”
Lâm Kinh Phác cũng không phủ nhận: “Quả thật là á phụ đưa bà tới. Phần cuối sông Ly sát bên một ngọn núi cao chót vót, rời kinh cũng chỉ cách một trăm ba mươi dặm, dễ thủ khó công. Phàm là tiếng gió lọt từ thành Nghiệp Kinh ra ngoài, binh mã tinh nhuệ chỉ cần một ngày là đã đuổi tới nơi rồi.”
“Không ngờ Ngũ Tu Hiền đường đường trung liệt lại là người si tình, còn có thể làm đến nước này vì một người phụ nữ.”
Lời Ngụy Dịch nói đến chỗ này, bỗng cảnh giác hiểu ra được điều gì, chân mày cau lại: “E là người lần này Ngũ Tu Hiền muốn đón từ thành Nghiệp Kinh đi không chỉ có mình Tạ Thường Thường?”
Vai Ngũ Tu Hiền gánh trách nhiệm quốc sĩ nặng nề, từ trước tới giờ vẫn luôn khôn khéo, coi như có tình ý sâu sắc cũng sẽ không tùy tiện điều một ngàn tinh binh vào lúc này. Thủ hạ dưới trướng Ngũ Tu Hiền không còn nhiều lắm, một ngàn tinh binh này e là đã rút khô gia sản của ông rồi.
Thời đại này, binh mã khan hiếm, còn đáng giá hơn nhiều so với hàng hóa hiếm quý tận trời.
Mà thứ càng đáng giá hơn so với binh, chỉ có mệnh Đế Vương.
Lâm Kinh Phác trầm tĩnh không nói.
Ngụy Dịch lạnh lùng đứng dậy, hổ khẩu bấm lên hầu kết y: “Ngươi phải đi?”
Lâm Kinh Phác bị ép ngẩng cằm lên: “Làm sao, không nỡ?”
“Đừng quên những chuyện ngươi đã đáp ứng. Lại nói, trẫm còn chưa đùa bảo bối đủ, nào có cam lòng giao ra?” Ngụy Dịch lạnh lùng trêu đùa, ngón tay thuận thế vuốt nhẹ qua xương sụn dưới cằm y.
Lâm Kinh Phác cũng không trốn: “Chơi, chỉ e ngươi chẳng nỡ mà thôi.”
Nói xong, y cầm mu bàn tay Ngụy Dịch, lạnh lẽo thấm vào tận xương, đáy mắt lại sinh ra một phần tình ý chẳng rõ ràng: “Ngụy Dịch, ngày sau còn dài. Cho nên xin ngươi thương xót, trước mắt ta chỉ cần đi gặp bà một lần thôi.”
Ngụy Dịch nghe câu “ngày sau còn dài” kia, đáy lòng hơi động, cũng không bấm cổ họng y nữa, nửa đường vuốt qua hai bên gò má, cũng đón nhận tình ý của người dưới tay: “Đi sớm về sớm.”
Giữa lúc hoảng hốt, cả hai người đều có chút không nhìn rõ mặt mày đối phương.
Nửa ngày sau, Lâm Kinh Phác mới “ừ” một tiếng.
…
Rừng đêm, ánh sao ảm đạm, chỉ có một vòng trăng tròn. Lâm Kinh Phác vững bước leo lên tường thành Tây Bắc bên ngoài Hoàng cung, cấm quân nơi này đều đã bị dời đi cả, trong vòng trăm thước cũng không có ai canh gác.
Tạ Thường Thường đã đợi sẵn y trên tường thành.
Bà lấy mũ mành xuống, hồng nhan già nua theo năm tháng lại chẳng mài mòn được ngông nghênh từ thuở còn thư hương. Bà quay đầu nhìn Lâm Kinh Phác, đáy mắt sinh ra vẻ bi thương, lại cười đầy từ ái: “A Phác, ngươi gầy rồi.”
Lâm Kinh Phác cúi đầu: “Để phu nhân nhọc lòng rồi.”
Tạ Thường Thường đứng trên nơi cao nhìn về phương xa, từng con cò trắng bay liệng bên trong tầng mây, trắng đen đan xen. Gió dần nổi lên, tay áo lớn của hai người bay lượn phần phật, lại chẳng túm được phong vân biến ảo trong thành Nghiệp Kinh.
“A Phác, lần này ta đáp ứng đến Nghiệp Kinh là để giúp ngươi, cũng là bởi á phụ ngươi muốn ta khuyên ngươi cùng quay về.” Tạ Thường Thường dừng một chút, nhẹ nhàng nắm lấy mu bàn tay hơi lạnh của y: “Mà đi hay ở, đều là ý ngươi cả.”
“Thái vi thái vi, vi diệc tác chỉ. Viết quy viết quy, tuế diệc mộ chỉ.” Lâm Kinh Phác đón gió ngâm thơ, âm giọng vô cùng vững vàng: “Nghiệp Kinh là quê cũ của ta, dưới chân chính là cố hương.”
Thái vi thái vi, vi diệc tác chỉ. Viết quy viết quy, tuế diệc mộ chỉ: Trích Kinh Thi – Tiểu Nhã: Thái Vi 1 – ý nói “hái rau vi, hái rau vi, rau vi mới mọc hái đi kẻo hoài; ngày về ta biết hỏi ai, nhanh ra cũng phải một hai năm trường”.
“Cố hương phong cảnh cũ, xa xôi tế vong người.”
Tạ Thường Thường nhìn đèn đuốc rực rỡ khắp kinh thành, chợt nổi hứng thi thơ, dựa vào lan can mà cười: “Á phụ ngươi lo lắng an nguy Hoàng duệ, sợ ngươi chịu nhục chịu khổ tại Nghiệp Kinh, cuối cùng mất mạng. Có điều ngươi là đứa con mang mệnh trời, đi vào hang sói hang hổ vì nước vì dân, ấy là chức trách của ngươi, nếu ngươi chẳng chịu được chút khổ cực ấy, ngàn vạn người làm sao dám đảm bảo tính mạng cho ngươi, sống chui sống nhủi ở thế gian thì có ích lợi gì? Tuy nói muốn phục quốc cũng không chỉ có con đường này đi được, nhưng đàn sói rình quanh, khó thấy bản sắc anh hùng. A Phác, ngươi lớn rồi.”
Lâm Kinh Phác không thấy Đường Lê môn dưới tường thành mà chỉ nhìn thấy đường chân trời vô tận kéo về Tây Bắc. Giữa chân mày y nổi lên vẻ u sầu, trái lại càng khiến ngũ quan thanh tú như chạm khắc mài ngọc.
“Bảy năm qua, chiến loạn Trung Nguyên đã bắt đầu suy thoái, thế lực phía Bắc nhân cơ hội quật khởi, Tam Quận phía Nam thừa thời Ân vong bèn tự lập là vua, Yến Hồng ở Nghiệp Kinh nắm giữ Khải Đế làm uy, chúng ta thì lại chạy trốn tới nơi tăm tối không có mặt trời, không nơi nương tựa. Thiên hạ này đã lâm vào cảnh người người đều có thể chia cắt, tựa như miếng bánh mặc người xâu xé, thói đời cũng chẳng coi “mệnh trời” là gì.”
Tạ Thường Thường cũng thuận theo tầm mắt y nhìn lại, vui mừng nói: “A Phác, ngươi đứng ở nơi cao, phải biết nhìn xa. Sợ nhất chính là ở trong tối lâu, những người bên cạnh cũng dần dần chết tâm.”
Lâm Kinh Phác dịu dàng nở nụ cười, phủ thêm áo choàng cho bà, hỏi: “Gần đây phu nhân lại có thơ mới rồi?”
Tạ Thường Thường lấy hai bản chép thơ từ trong tay áo ra, đưa cho y: “Viết mấy ngày ngươi không ở bên, đều là thơ ngươi chưa từng đọc. Thơ dùng để phân ưu, có ý tình, lúc rảnh rỗi ngươi có thể lật xem. Lần sau rời kinh, chẳng biết bao giờ mới có thể gặp lại. A Phác, bản chép thơ này coi như là ta lưu lại bên cạnh ngươi, thỏa lòng mong nhớ.”
Tạ Thường Thường đã chuẩn bị lễ vật chia tay từ lâu. Dù bà được Ngũ Tu Hiền giao phó tới đây khuyên y rời kinh, nhưng bà cũng đã định liệu sẵn rằng có thể Lâm Kinh Phác sẽ không đi.
Trước khi rời kinh, bà tới gặp y một lần, cũng là để lót đường cho y.
Lâm Kinh Phác đón lấy hai bản chép thơ kia, đáy mắt chợt sinh ra ẩm ướt. Gió vừa thổi qua, trên mặt y vẫn chỉ là nụ cười.
Y lật hai bản chép thơ, vừa mở miệng, cổ họng đã có hơi khàn đặc lại: “Tại sao lại là hai bản giống nhau?”
Tạ Thường Thường cười: “Một quyển là đưa cho ngươi, một bản khác ta chép lại trong Nghiệp Kinh mấy ngày nay, ngươi cầm cả đi, có cơ hội thì tặng cho nữ quan Khải triều kia một bản.”
“Thương Châu?” Lâm Kinh Phác cố ý oán trách bà: “Hóa ra lòng từ bi của phu nhân chẳng chỉ thương một mình ta.”
Tạ Thường Thường: “Ta mới chỉ gặp nàng một lần, đến lời cũng chưa từng nói, tất nhiên là ta thương ngươi nhất. Ta chỉ niệm tình nàng là hào kiệt, không can hệ tới chuyện nam nữ. Nàng làm được chuyện ta muốn làm thời trẻ mà chẳng thành, đáy lòng cũng thực sự kính phục. Lần này ngươi đi một chuyến cũng coi như nước cờ hay, lấy danh nghĩa của ta bán cho người ta một ân tình, dù sao cũng phải nể ngươi mấy phần phải không?”
Lâm Kinh Phác cười nói: “Phu nhân là trưởng bối, ắt nàng sẽ chịu nhận. Ngươi chịu cho nàng bản chép tay này, nàng hẳn đã cảm động đến rơi nước mắt rồi.”
Tạ Thường Thường coi như y đang thổi phồng mình, chỉ nhẹ nhàng lắc đầu: “Ta lui thân khỏi Văn đàn đã hơn mười năm, từ lâu còn không phổ thi ca thơ mới, thơ sớm đã chẳng còn như trước nữa rồi. Nàng còn trẻ tuổi, thân ở nơi cao, làm sao để ý một quyển lễ vật bản thảo chép tay được.”
Lâm Kinh Phác cất thơ cẩn thận, nói: “Cũng chẳng phải. Ngày ấy ngươi mới tới Nghiệp Kinh, trắng trợn tuyên dương muốn truyền thụ giảng giải cho nữ tử. Thương Châu là ai, nàng là một nữ tử có leo lên vị trí tỉnh trung thư thị lang, tâm tư lại sâu hơn người bình thường, nàng biết rõ mình đi Kết Đường tràng sẽ gây thêm phiền toái cho Yến Hồng, nhưng vì sao nàng vẫn đi chứ?”
Tạ Thường Thường không rõ: “Chẳng lẽ, điều này cũng nằm trong kế hoạch của ngươi?”
Lâm Kinh Phác chắp tay nở nụ cười: “Nói tới đây, Ngụy Dịch mới cho ta biết, Thương Châu vốn không phải người Vi Châu, nhưng tên chữ của nàng vốn là hai chữ Thường Thường.”
…
Tác giả có lời muốn nói: Mấy câu thơ không đánh dấu trích dẫn là tôi viết cả, hành văn rất dở, mong mọi người giả bộ đây là một câu thơ hay.
…