Lương Tiêu thấy cách tính của Lan Á thập phần cổ quái, khác xa với các
phương pháp của Trung Thổ, nhưng các bước tính toán lại rất ngắn gọn chứ không hề phức tạp như cách tính Trung Thổ, nên không khỏi gật đầu khen
ngợi:
– Đây là phương pháp tính của người Hồi phải không? Quả nhiên có chút phương pháp riêng.
Lòng nghĩ dù trước đây mình đã giận dữ với nàng, nhưng giờ cũng nên gạt bỏ
thành kiến, thành tâm thỉnh giáo sự tinh diệu của số thuật Hồi Hồi. Nghĩ vậy, hắn nhất thời bỏ qua cơn giận, thở dài, cùng với A Tuyết kể lại
tình hình gần đây. A Tuyết khi nghe hắn kể việc những ngày qua thì lòng
biến đổi không ngừng. Khi hắn nói đến tính hung hãn của bọn quân Khâm
Sát, bất giác nàng không còn cười nổi; khi nghe đến đọan đại chiến Tống
Nguyên thì nàng trở nên khẩn trương, nắm chặt tay hắn; đến lúc hắn nói
đến việc đã được thống lĩnh quân Khâm Sát, thì trong lòng nàng nhất thời cảm thấy mơ hồ như đang ở trong giấc mộng.
Lan Á vùi đầu tính
toán một vài thời thần, giải đề thứ nhất đến bước thứ hai mươi vẫn không ra, nhìn chằm chằm đề toán đến ngây ngốc. Lương Tiêu lúc này đã nguôi
cơn giận, nhớ lại hồi niên thiếu hắn cũng đã nhức đầu, khổ ải vì các đề
toán, nay nhìn bộ dạng sầu khổ của nàng thì sinh đồng cảm, hạ giọng nói:
– Tính không ra phải không?
Lan Á nghiến răng, nói nhỏ:
– Ngươi… ngươi đưa ra cái đề quỷ không thể giải ra này để hại người mà!
Lương Tiêu cười cười, một tay nắm tay A Tuyết, tay kia cầm kiếm, soạt soạt
soạt một lèo giải ra. Hắn biết Lan Á cũng không tầm thường, cho nên chỉ
giải một cách vắn tắt, đồng thời cũng chỉ cho nàng chỗ quan trọng. Trong khoảnh khắc, đề thứ nhất đã được giải xong; rồi hắn lại đưa ra cách
giải đề thứ hai. Lan Á thấy cách giải tinh diệu, vừa mừng vừa sợ, mày
động mắt chớp, gật đầu liên tục. Đến khi Lương Tiêu giải đến đề thứ ba,
Lan Á nói gấp:
– Thế nào cũng có cách giải khác! Thế nào cũng có cách giải khác!
Lương Tiêu ngạc nhiên hỏi:
– Sao? Nàng cũng tính ra à?
Lan Á đỏ mặt nói:
– Bây giờ tính chưa ra, ta nghĩ từ từ, cuối cùng cũng ra thôi.
Lương Tiêu nghe nói vậy, lòng mừng cảm thấy như gặp tri kỉ, nghiêm mặt nói:
-Tốt, nếu tính không ra, ta sẽ nói với nàng.
Thấy vậy, A Tuyết cười nói:
– Ca ca không mắng chửi người ta à? A Tuyết cũng tính không ra, nhưng mà bị mắng chửi không ngừng.
Lương Tiêu liếc mắt nhìn nàng nói:
– Ta giải chỉ vài bước người ta đã hiểu. Còn muội, thiệt là đầu đá, cho dù ta có giải đến trăm lần cũng chưa chắc đã hiểu.
A Tuyết cong môi đáp:
– A Tuyết vốn ngu ngốc mà!
Lương Tiêu trừng mắt:
– Ngu ngốc thì có gì ghê gớm lắm à?
A Tuyết dựa vào vai hắn cười hì hì.
Lan Á thấy huynh muội họ tình thâm, trong lòng thấy ấm áp, thở dài nói:
-Lương Tiêu, ta nên trở về rồi, không thì cha ta sẽ lo lắng.
Lương Tiêu đứng dậy nói:
– Ta đưa nàng về.
Đoạn quay hắn qua nói với A Tuyết:
– Ngoan ngoãn ở lại dưỡng thương, ngày mai ta quay trở lại gặp muội.
A Tuyết gật đầu:
– Muội đợi ca ca.
Lương Tiêu và Lan Á rời khỏi đại doanh, tới trước trại của Trát Mã Lỗ Đinh.
Lan Á dừng ngựa, trù trừ cả nửa ngày trời, đột nhiên nàng hỏi:
– Lương Tiêu, ngươi là có phải là toán giả vĩ đại nhất Trung Thổ không?
Lương Tiêu lắc đầu nói:
– Không thể nói như thế! Tuy nhiên, thật sự đến giờ ta vẫn chưa gặp ai hơn được ta.
Lan Á hai mắt ngời sáng cười nói:
– Lương Tiêu, ngươi làm khó được ta nhưng chưa chắc đã làm khó được sư phụ ta đâu.
Lương Tiêu bình thản nói:
– Nạp Tốc Lạp Đinh? Ông ta ở đâu?
Lan Á nói:
– Người ở Hồi Hồi, trong đài thiên văn của Mã Lạp Gia. Đó là đài thiên
văn tráng lệ nhất thế giới, tàng trữ không biết bao nhiêu đồ thư, có
những khí cụ thiên văn tốt nhất. Sư phụ ta mỗi ngày đều ở đó, lắng nghe
âm thanh của sao trời.
Nói đến đây, mặt nàng lộ lên vẻ tôn kính vô vàn.
Lương Tiêu im lặng một lúc rồi hạ giọng nói:
– Lan Á, cô quay về Hãn quốc, nói với Nạp Tốc Lạp Đinh rằng một khi xong
việc ở Trung thổ, ta nhất định sẽ đến Mã Lạp Gia (Malaga – ND) thỉnh
giáo người. Lúc đó mới biết ai là tinh học giả vĩ đại nhất, ai mới là
minh giả chi vương.
Lan Á nghe hắn nói thế, trong lòng chấn động, vội nói:
– Ngươi nói nghiêm túc chứ?
Lương Tiêu mỉm cười đáp:
– Tuyệt không hư ngôn.
Lan Á nhìn hắn chằm chằm, rồi đột nhiên cười lộ hai núm đồng tiền, giống như giọt thủy ngân sóng sánh long lanh, lẩm nhẩm:
– Thật muốn ngươi đi ngay bây giờ!
Lương Tiêu ngạc nhiên hỏi:
– Sao cô lại cao hứng thế? Không sợ ta đánh bại sư phụ cô à?
Lan Á cười đáp:
– Sư phụ ta không màng thắng bại, chỉ mong gặp các bậc trí giả mà thôi.
Rồi nàng kín đáo thở dài, trong mắt toát ra vẻ thần bí, nói tiếp:
– Thật muốn thấy ngươi gặp mặt sư phụ. Bậc trí tuệ siêu việt nhất thế
giới Hồi giáo gặp gỡ người có học vấn sâu rộng nhất Trung Thổ, khi đó có thể tạo ra những cảnh tượng kinh hãi thế tục như thế nào đây?
Lương Tiêu quay đầu lại, nhìn ánh đèn rực rỡ từ thành Tương Dương, thần sắc buồn bã, thở dài nói:
– Bây giờ thì không thích hợp!
Lan Á cũng nhìn theo hắn, cười khổ, rồi quay người thúc ngựa đi vào doanh
trại, nhưng được vài bước, vội quay đầu lại, ngây ra nhìn Lương Tiêu.
Lương Tiêu nói:
– Có việc gì nữa à?
Lan Á chợt run lên, hoảng hốt trả lời:
– Không có gì, không có gì.
Vội vàng chạy vào doanh trại, hai má nóng bừng, nàng tự nói với lòng:
– Lan Á, ngươi làm sao thế? Không phải trinh tiết và tính mạng ngươi đã
phó thác cho tinh tú rồi sao? Ngươi sao lại có thể như thế được?
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng trong nàng, tâm trạng vẫn dao động không ngừng, không sao ổn định được.
Ngày hôm sau, Lương Tiêu nhận chức Đại Thống Soái Khâm Sát Quân, rồi trong
suốt mười ngày sau đó hắn chuyên tâm thao luyện binh sĩ. Những lúc rảnh, hắn cũng không ngừng trao dồi tướng sóai chi pháp và học tiếng Khâm Sát với Thổ Thổ Cáp để tiện bề thống lãnh ba quân.
Kể từ ngày hôm
ấy, mỗi chiều Lan Á đều đến chỗ A Tuyết, cùng Lương Tiêu nghiên cứu số
học. Lương Tiêu si mê toán học, không giữ kiến thức làm của riêng, nên
mỗi khi Lan Á không hiểu hắn đều giảng giải tận tình. Lan Á thấy hắn sử
dụng số học vô cùng tinh diệu, nên lại càng kinh phục khả năng của hắn,
thầm than toán học Trung Thổ thật tinh tế, có thể hơn cả thuật toán của
người Hồi. Nhưng rồi lại tự nhủ, sư phụ Nạp Tốc Lạp Đinh trí tuệ bao la, lớn rộng như biển thì sao có thể thua người này được.
Một lần
nói đến toán học, Lương Tiêu không nhịn được hỏi Lan Á về số học của
người Hồi. Qua lời Lan Á, hắn biết được rằng số học của người Hồi vốn
xuất phát từ nơi xa nhất về phía Tây, gọi là Hy Lạp. Hàng ngàn năm trước nơi đó đã có vô số những nhà tóan học lớn với hình học Euclide, đại số
học Pythagoras, thiên văn học Thales, Archimedes vĩ đại, tinh anh tụ
hội, phát triển vô cùng. Nhưng chiến tranh triền miên không dứt,
Archimedes bị người La Mã chém đầu, Hy Lạp cũng bị ngọn lửa chiến tranh
tiêu diệt, nền học vấn quý giá bị xem là tà thuyết dị đoan, bị đốt, bị
mất, đến giờ lưu lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Sau đó, người Hồi trở nên hùng mạnh, thảo phạt La Mã chiếm lấy Hy Lạp, khiến những kiến thức bị
thất lạc đã rơi vào tay các vị học giả Hồi giáo. Người Hồi nghiên cứu
học vấn Hy Lạp, đến giờ phát dương quang đại, xuất hiện các hiền triết
vĩ đại, và người vĩ đại nhất hiện nay là Nạp Tốc Lạp Đinh, là đại thành
giả về học vấn của người Hồi.
Đến đây, Lan Á im lặng hồi lâu rồi nói tiếp:
– Nhưng sau đó, người Mông Cổ trở nên cường đại, vương triều A Bạt Tư của chúng ta bị Húc Liệt Ngột Hãn tiêu diệt. Sư phụ để lưu truyền học vấn,
trong cảnh chiến tranh cửu tử nhất sinh, đã chỉ dạy thuật luyện kim và
thuật chiêm tinh cho giới quyền quý người Mông Cổ, mong được sự che chở. Tuy nhiên, Húc Liệt Ngột Đại Hãn mặc dù tôn trọng lão sư, hắn lập đài
thiên văn, không phải để lão sư nghiên cứu học vấn, mà để hắn dùng thuật chiêm tinh mà xem tương lai của mình là họa hay phúc; đừng tưởng rằng
hắn sẽ chế tạo ra các dụng cụ tinh xảo để xem sao trời, hắn chủ yếu chỉ
tạo ra lợi khí công thành, nhằm phục vụ cho việc chinh phạt các quốc gia không phục tùng mà thôi.
Nói đến đây, hai mắt chợt đỏ, nàng thở dài:
– Kì thật người khác thấy sư phụ ta địa vị tôn quý, nào biết đâu rằng ngài thật sự rất đau khổ trong lòng.
Bất chợt Lương Tiêu nhớ tới lúc khó khăn ở Thiên Cơ Cung, trong lòng cảm
thấy xót xa, nhưng rồi lại chợt vui. Phải biết sáu năm gian khổ đó, hắn
đã học đến tận cùng của toán thuật Trung Thổ, đến không còn gì để học
nữa, giờ phút này biết được ngoài Trung Thổ vẫn còn môn toán học bác đại tinh thâm như thế, hỏi sao lại không vui. Hắn lập tức nhờ Lan Á chỉ
dẫn. Lan Á dĩ nhiên đáp ứng hắn, nhưng toán học của người Hồi đúng là
rất độc đáo. Để hiểu biết học vấn tinh thâm của người Hồi, trước tiên
Lương Tiêu phải học chữ Hồi. Hắn tuy thông minh, nhưng học một ngôn ngữ
của dân tộc khác cũng rất khó, nên chỉ có thể từ từ học mà thôi.
Một ngày nọ, Lan Á dạy toán, ngồi bên sa bàn viết đề bằng chữ Hồi; bên tả
nàng ra đề “Kim tự tháp bút toán”, còn bên hữu là đề “Ni la hà (sông
Nile – ND) điền mẫu trượng lượng”. Đề trước hỏi đến thể tích của đất và
đá xây kim tự tháp (tính bằng hình học không gian – TG), đề sau lại hỏi
về diện tích khai khẩn bên sông Nile. Hai đề này vốn có nguồn gốc từ
hình học cổ điển Euclid. Lan Á để Lương Tiêu dịch đề rồi đưa ra cách
giải.
Lương Tiêu nếu theo toán thuật Trung Thổ vốn có thể dễ dàng giải ra, chỉ là thông dịch thập phần gian khổ; nhưng hắn lại muốn dùng
toán pháp của Hy Lạp nên nghĩ đến nhức cả đầu. Cách giải của Hy Lạp thật ra thì rất khác với Trung Thổ. Cách giải của Trung Thổ thì khá nhũng
tạp, trong khi cách giải của Hy Lạp thì hướng đến sự đơn giản, tinh tế,
lí luận chuẩn mật. Cho nên Lan Á nhận xét rằng:
– Phương pháp của Trung Thổ, tựa như minh châu chuỗi ngọc, làm cho người ta thấy hoa mắt; còn phương pháp của Hy Lạp không có vẻ châu ngọc, có thể không đẹp đẽ
như của Trung Thổ, nhưng từng hạt, từng hạt đều được đặt ở những vị trí
thích đáng nhất.
Nàng nói thì dễ, nhưng Lương Tiêu đã phải bỏ hơn mười ngày, mới có thể nắm được yếu quyết của toán học Hy Lạp. Đó là hắn thông minh tuyệt đỉnh mà còn gian nan như thế, chứ nếu gặp phải người
khác, chỉ sợ còn gian nan hơn nhiều.
Lương Tiêu ước tính và giải bài “Kim Tự Tháp bút toán”, cả kinh nói:
– Cái tháp này to lớn vô cùng, nó dùng để làm gì thế?
Lan Á nói:
– Nó là lăng mộ của vua Ai Cập.
Rồi nhân tiện nàng kể về phong thổ cũng như con người Ai Cập. A Tuyết đang
ngồi bên cạnh vẻ chán nản, đột nhiên nghe Lan Á nói đến thú sự (sự việc
hấp dẫn – BT) liền trở nên hoan hỉ. Những khi Lan Á ngừng nói, nàng hỏi
liên thanh: “Còn gì nữa không? Còn gì nữa không?”
Đợi cho Lan Á nói xong, Lương Tiêu tưởng tượng ra phong cảnh, con người của nước ấy, không khỏi than rằng:
– Dùng hết ngàn vạn nhân công, chỉ để xây dựng mộ phần cho một người.
Thật vua Ai Cập so với Tần Thủy Hoàng Đế của Trung Thổ chúng ta cũng
chẳng khác gì!
A Tuyết cười nói:
– Ca ca, đợi ca ca đánh
trận, báo thù xong, chúng ta qua Ai Cập được không? Đến Kim Tự Tháp mà
Lan Á tỉ tỉ nói, rồi có thể đứng trên Đại Hải Đăng bên bờ biển nữa. (Chú thích: tức ngọn hải đăng Pharos ở Alexandria, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại ở Ai Cập, bị phá hủy vào thế kỷ 13 – TG)
Lương Tiêu cười nói:
– Được thì được, nhưng đi Khâm Sát xong, lại đi Ai Cập, đợi khi đến Kim
Tự Tháp thì chúng ta cũng trở thành lão đầu với lão thái bà rồi!
A Tuyết mỉm cười không nói, thầm nghĩ:
– Nếu được đi với ca ca cả đời, A Tuyết sống cũng đáng mà!
Lan Á liếc trộm A Tuyết, rồi dùng tiếng Hồi hỏi:
– Lương Tiêu, muội tử của ngươi thật khả ái, nhưng sao nàng lại có vết sẹo kia vậy?
Nàng kiềm chế câu hỏi này đã lâu rồi, cuối cùng cũng không nhịn được mà hỏi
như vậy. Lương Tiêu cười khổ, cũng dùng tiếng Hồi đáp lại, lắp bắp mãi
cũng trả lời xong. A Tuyết nghe hai người nói lại tưởng họ trao đổi về
toán học nên cũng không nghi ngờ. Lan Á nghe thế trầm ngâm nói:
– Nàng ấy chỉ là một nữ hài, trên người lại có vết sẹo, tương lai khó mà tốt được.
Nàng nói động đến nỗi khổ trong lòng của Lương Tiêu, hắn đỏ mặt không thể nói gì. Lan Á khẽ nhướn đôi mày, cười nói:
– Ở đây ta có một phương thuốc, nếu tuân thủ đúng theo thì trong vài tháng, vết sẹo đó có thể biến mất được.
Lương Tiêu kinh hỉ nói:
– Lan Á, Lan Á, điều này, điều này…
Thật lòng hắn muốn cầu khẩn, nhưng có quả chút khó mở miệng. Lan Á hé miệng
cười, đưa tay viết ra phương thuốc, chợt nhíu mày nói:
– Thứ này
trước đây sư phụ luyện kim mới có được, nguyên liệu vô cùng đắt tiền,
nếu không giàu có tuyệt không thể mua được, lại khó chế biến. Để ta đi
cầu khẩn cha ta, xem có thể có được số tiền này không.
Lương Tiêu cẩn thận xem phương thuốc, thấy đều là xích kim mĩ ngọc, trân châu bảo
thạch, báo thai linh chi, không khỏi câm lặng. Nhưng hắn bản tính vốn
kiêu ngạo, không chịu nhận ân huệ của người khác, liền nói:
– Có được phương thuốc này, ta đã nhận tấm chân tình của cô, còn đối với dược vật, ta tự có cách lo liệu được.
Lan Á nhìn hắn vẻ dò xét, bán tín bán nghi, đang muốn khuyên hắn thì bỗng
nghe bên ngoài có tiếng chân ngựa đi đến, một tên thân binh của A Thuật
tiến vào. Lương Tiêu ngồi dựa vào sa bàn hỏi:
– Chiến sự thế nào?
Tên thân binh nói:
– Tối nay A Lý Hải Nha đại nhân đột tập Phù Kiều, mời đại nhân đến xem.
Lương tiêu gật đầu đứng dậy. Lan Á nói:
– Ta cũng đi.
Ba người cưỡi ngựa dọc theo bờ sông, sớm có một con thuyền nhỏ bên bờ tiếp dẫn. Khi họ vừa bước lên thì thấy lĩnh quân đại tướng đều đã ở trên
truyền, thoáng thấy Bá Nhan sắc mặt ngưng trọng nhìn về phía trước. Lúc
này bầu trời mây đen mù mịt, che lấp trăng sao, một chút ánh sáng cũng
không có. Đột nhiên, trên chiến thuyền phía xa chợt truyền lại một hiệu
lệnh nghe như tiếng nước rì rầm, hai trăm tử sĩ quân Nguyên ôm túi da
lớn nhảy xuống nước, yên lặng bơi về phía Phù Kiều nằm giữa hai thành
Tương – Phàn.
Lương Tiêu biết túi da này tên gọi “Hồn Thoát”,
cũng gọi là “Hốt Luân Thoát”, được làm bằng kĩ thuật độc đáo: lột da dê
từ trên xuống dưới, sau khi lột như vậy, bộ da dê chỉ có sáu lỗ: ở cổ, ở bốn chân và ở đuôi; sau khi may lại các lỗ, có thể đựng rượu và nước.
Loại Hồn Thoát này, kỵ binh Mông Cổ trên đường viễn chinh mang theo rất
nhiều, bình thường thì đựng rượu, nếu gặp dòng sông có sức chảy lớn,
thổi hơi vào rồi tập trung lại, kết thành cái bè da dê rồi bơi qua. Năm
ấy đại quân của Thành Cát Tư Hãn, một người với hai Hồn Thoát, đã đánh
Nam dẹp Bắc, không ai có thể ngăn cản, tiêu diệt vô số quốc gia. Nguyên
hoàng đế Hốt Tất Liệt chinh thảo Đại Lý, cũng là nhờ Hồn Thoát mà vượt
qua đoạn có dòng nước chảy siết vô cùng của sông Lan Thương để đột tập
Đại Lý.
Lần tập kích này, mỗi tử sĩ quân Nguyên đều mang đến ba
cái Hồn Thoát, hai cái chứa đầy khí, một cái chứa đầy dầu hỏa. Không mất đến một thời thần, họ đã yên lặng vượt qua đám dây sắt mà quân Tống
giăng trên sông. Trên thuyền, quân Nguyên mỗi người đều im lặng, không
khí trở nên căng thẳng tột cùng. Mắt thấy quân Tống trên cảnh giới
thuyền cũng không phát hiện ra, khi chỉ còn cách Phù Kiều chưa tới hai
mươi trượng, nhiều thủy binh đã lên tiếng hoan hô nho nhỏ. Ngay lúc này, bỗng nghe tiếng chuông treo bên cầu vang to. Bá Nhãn khẽ thốt: “Không
tốt!” Các tướng lĩnh khác đều biến sắc.
Trong nháy mắt, tử sĩ
quân Nguyên phát giác bản thân đã nằm trong lưới, tiến thoái đều không
được. Trên lưới nhô ra rất nhiều lưỡi câu, hai bên trên mép lưới đánh cá còn treo đầy chuông, một khi vướng vào là lập tức kêu lên không ngừng.
Trong thành nghe tin, cả hai bờ hỏa quang đều phát sáng, quân Tống thấy quân
Nguyên trong lưới cố sức thoát ra, liền cười lớn, rồi bắn loạn tiễn. Chỉ trong khoảnh khắc, hai trăm người đã chết thảm. Nhưng các tử sĩ được
tuyển chọn này thật vô cùng dũng cảm, tuy rơi vào thế bất lợi, nhưng hơn năm mươi người mạo hiểm, liều mạng vượt qua lưới, bò lên trên Phù Kiều, rút ra bội đao cắt bỏ Hồn Thoát, đổ dầu hỏa lên cầu rồi đốt lửa, Phù
Kiều bắt lửa cháy mạnh.
Lập tức cửa thành Tương Phàn mở rộng, 110 quân Tống từ hai bên chạy lên Phù Kiều, một nhóm giơ thương múa đao
chiến đấu với quân Nguyên, một nhóm quay ra lấy thùng gỗ cứu hỏa. Quân
Nguyên cũng chia thành ba nhóm nhỏ, một nhóm nghênh tiếp quân Tống, giơ
đao giết địch, họ thân thủ nhanh nhẹn phi thường, trong khoảnh khắc đã
giết mười mạng quân Tống; một nhóm khác mở rộng túi da để ngăn cản cung
tên; còn lại một đội cởi bỏ đại chùy trên lưng xuống, hết sức đập phá
những cây cọc gỗ chống giữ Phù Kiều, chỉ giây lát đã chặt gãy mấy cây,
chỉ nghe một tiếng kêu thật lớn, Phù Kiều đã đổ sụp một đoạn.
Lúc này gió sông bắt đầu thổi, trên cầu, lửa cháy mạnh hơn, thiêu rụi mọi
thứ. Thủy sư quân Nguyên hoan hô vang dội, thừa dịp tấn công, hai thành
Tương – Phàn cũng bắn đạn đá vào, âm thanh náo động cả một vùng trời.
Đột nhiên, trong ánh lửa, một đạo bạch ảnh phóng ra, tấn công lên Phù Kiều, kiếm quang sáng chói, đâm ngã một số tử sĩ. Lương Tiêu nhận ra đúng là
Vân Thù, bất giác lòng thấy phẫn nộ. Các tướng lĩnh cũng nhận thấy thế, A Thuật kêu lên:
– Hảo gia hỏa, đúng là hắn!
Vân Thù tay
múa kiếm như gió quét lá, tiến lùi hai lần, lập tức Nguyên quân 10 người dù không chết cũng bị thương. Quân Tống phi thân xông lên, xuống sông
lấy nước dập lửa, lần lượt dựng lên các cọc gỗ, rồi lại lấy các mảnh gỗ
gắn vào thay thế những chỗ bị hư hại. Lưu Chỉnh đánh giá tình hình, thấy rằng hôm nay khó mà đánh thắng được nên chỉ thị cho lui quân.
Vân Thù máu dính đầy áo, quay về thành. Lữ Đức tiếp đón cười nói:
– May là Vân công tử thần cơ diệu toán, đoán trước người Nguyên có thứ
này, thiết lập ngư võng trận, không cho một tên chạy thoát, ha ha, quả
thật là có đi mà không có về!
Vân Thù chắp tay nói:
– Thái Thú nói đùa rồi. Quân Nguyên dùng túi da đó vô thanh vô tức tấn công,
cũng chẳng thể nào phòng thủ được đâu, chẳng qua bọn chúng không gặp may mà thôi. Gia sư hôm đó ngẫu nhiên từng nói với ta phương pháp đó, và
nói cách phòng ngự tốt nhất tuyệt không thể hay hơn Kim Câu Ngư Võng
trận. Vân Thù bất quá chỉ là nghe lệnh thực hiện thôi!
Hắn nói tới đây, chau mày buồn bã, thở dài:
– Gia sư học cứu thiên nhân, Thủy Cầm Ngư Long trận này cũng là sở truyền của người. Trong sáu năm, người truyền thụ cho ta nhiều cách tiến công. Hồi đó Vân thù chẳng biết thâm ý, toàn chú ý học võ, chẳng chịu dụng
công. Giờ mới biết lão nhân gia người đã biết kết cục hôm nay, hao phí
tâm tư thuyết giáo ta, mới được thành công như vầy.
Lữ Đức kinh hãi nói:
– Lệnh sư mưu lược thâm sâu như thế, thật là cao nhân! Nhưng người vì
chuyện gì mà không tự mình đến? Nếu có người tương trợ, bọn quân Nguyên
đó ắt sẽ trở nên khốn đốn vô cùng.
Vân Thù cười khổ nói:
– Điều này thì thật thứ cho, Vân Thù cũng không biết.
Lữ Đức thở dài, trầm ngâm nói:
– Vân công tử đã lập công lớn, Lữ mỗ muốn để ngươi làm Thống Chế, ý ngươi thế nào?
Vân Thù lắc đầu:
– Gia sư đã có nói, không được làm quan Đại Tống. Vân Thù quyết không dám trái lệnh. Tại hạ làm một chức Mạc Liêu nhỏ cũng đã mãn ý rồi.
Lữ Đức nghe hắn nói với khẩu khí quyết liệt, đành bỏ không nói nữa.
————————-
Chú thích về trận chiến Tống – Mông ở thành Tương – Phàn (BT):
Thành Tương – Phàn thật ra là 2 tòa thành ở gần nhau: Tương Dương và Phàn
Thành, được ngăn nhau bởi sông Hán Thủy. Năm 1267, Kublai Khả Hãn bắt
đầu tấn công vào hai thành này (chính xác mà nói thì vào thời điểm này
phải gọi là cuộc chiến Tống – Mông vì năm 1267, Kublai chưa thành lập
triều Nguyên). Quân Tống chiến đấu ngoan cường và giữ vững được cả 2
thành trong khỏang 5 năm. Quân Tống dùng đường thủy là đường tiếp ứng
chính của 2 thành, lại có thêm cầu treo nối liền 2 thành. Tất cả tạo
thành 1 hệ thống phòng thủ vững chắc, tương hỗ nhau để kháng Nguyên.
Trong khỏang thời gian công phá 2 thành, Khả Hãn Mông Cổ cai trị vùng Ba Tư, gọi là Il-khan (cái này là danh hiệu giống như hòang đế bên Trung
Quốc, chứ không phải là tên), có giúp Kublai bằng cách gửi sang chiến
trường Trung Hoa ít nhất 2 kĩ sư giỏi nhất của ông ta để chế tạo những
máy bắn đá khổng lồ (great catapults) cho việc công thành. Trong khi
quân Mông/Nguyên tập trung tối đa vào việc công phá Tương – Phàn, bọn
gian thần nhà Nam Tống lại cố tình bưng bít thông tin nên không đến tai
hòang đế. Cuối cùng, việc phải đến cũng đến, 2 thành Tương – Phàn bị
thất thủ, đầu tiên là Phàn Thành rồi kế đến là Tương Dương. Tướng giữ
thành Tương Dương đầu hàng. Trong khi trận chiến ở Tương – Phàn xảy ra,
năm 1271 Kublai thành lập nhà Nguyên (cũng có nhiều sách nói năm 1279,
triều Nguyên mới được ra đời, dựa trên việc đến năm 1279, triều Nam Tống mới bị tiêu diệt hòan tòan).
Những chi tiết chính về Phù Kiều,
great catapults, cũng như việc đầu hàng của tướng giữ thành Tương Dương
trong Côn Luân đều có thật. Nhân vật Lưu Chỉnh cũng có thật, chính người này đã vấn kế cho Kublai tấn công vào Tương Dương trước rồi sau đó mới
đến những nơi khác của Nam Tống.
Trên phù kiều (1) hỏa quang dần tắt, hai thành Tương Phiền trở về tĩnh
mịch. Bá Nhan nghe tiếng nước sông rì rào, trầm ngâm không thốt một câu, rất lâu sau mới nói :
– Ai có thể hủy được tòa phù kiều này, sẽ được trọng thưởng!
Trên thuyền chợt lặng lại, chúng tướng đối mặt nhìn nhau. Chợt nghe Lương Tiêu hỏi:
– Lời này có là sự thật?
Bá Nhan ngẩn người, hỏi lại:
– Lẽ nào ngươi có phương pháp?
Lương Tiêu nói:
– Ta mới nghĩ đến một cách, tuy rất hao nhân lực vật lực, nhưng lại có
thể không tổn hại một binh sĩ nào. Chẳng những hủy được phù kiều, còn
khiến nó không thể trùng tu được nữa.
– Hao phí nhân lực thì
không thành vấn đề. Người mệt còn có thể nghỉ lấy sức, chứ người chết
thì không thể hồi sinh lại. Chỉ cần ngươi làm được, ngươi muốn gì, miễn
là trong khả năng của ta, ta sẽ cho ngươi cái đó.
Lương Tiêu gật đầu :
– Được lắm. Quan trọng nhất, chính là chặn dòng Hán giang, tích nước thượng lưu.
Mọi người nghe vậy không ai không kinh ngạc.
Sử Thiên Trạch cau mày:
– Ngươi muốn tích nước để đẩy phù kiều ư? Thế thì rất khó. Một là người
Tống khi kiến tạo phù kiều, đem mấy trượng gỗ lớn đóng xuống đáy nước,
rất kiên cố. Hai là vì Hán thủy chậm rãi, mặt sông rộng lớn, không dễ
tích thế nước hủy được phù kiều đâu.
Hắn thân là lão thần danh
tướng, suy nghĩ chu đáo, hơn nữa lại là người chuyên dẫn dắt thủy quân,
thông hiểu thủy tính, những lời này nói ra ai nấy đều gật đầu.
Lương Tiêu lắc đầu:
– Ta không phải dùng nước đẩy cầu, cùng lắm là mượn đỡ thế nước mà thôi!
Bá Nhan hỏi:
– Mượn thế bằng cách nào?
Lương Tiêu cười:
– Khoan, bây giờ ta chưa nói ra vội. Trước hết để ta quan sát thế nước, rồi sẽ gặp và báo cáo với các vị sau.
Lại hướng qua Bá Nhan nói:
– Nhưng không biết Giang Tâm thạch đài là ai xây dựng?
Bá Nhan cau mày:
– Ngươi hỏi cái này làm gì?
Lương Tiêu nói:
– Ngay giữa chỗ nước xoáy mà dựng nên được thạch đài như vậy, nhất định phải có cách riêng ngăn cản dòng nước.
Bá Nhan bảo:
– Người đó ở Đại Đô chứ không ở đây.
Lương Tiêu cau mày, lại nghe Lan Á nói:
– Ta cũng biết chút ít về thủy lợi, có thể đến giúp ngươi!
Lương Tiêu hoan hỉ:
– Được cô tương trợ, hơn hẳn thiên quân vạn mã.
Lan Á không ngờ Lương Tiêu tán thưởng mình trước mặt mọi người như vậy, xấu hổ không chịu nổi, mặt đỏ rần rần, cúi đầu xuống.
Bá Nhan nghĩ ngợi:
– Việc này mất sức quá. Nếu không thành công thì sao?
Lương Tiêu thuận miệng nói:
– Vậy thì chặt đầu ta.
Mọi người đều kinh ngạc, Lương Tiêu nói câu này ra, không nghi ngờ gì đã lập quân lệnh trạng.
A Thuật hơi mấp máy môi, định lên tiếng thì Bá Nhan đã nói:
– Được lắm. Việc quân chẳng thể nói chơi, nếu không thành công, ta cũng
không thể lưu tình. Từ hôm nay về sau, binh hay sĩ giỏi thợ thuyền tất
cả tùy ngươi điều động. Ngươi cần bao nhiêu thời gian?
Lương Tiêu nhẩm tính rồi nói:
– Hai tháng là đủ.
Bá Nhan sang sảng giọng:
– Được, nội trong hai tháng, ta đợi tin ngươi. – Nói rồi lập tức quay mình đi thẳng lên bờ, không hề ngoảnh lại.
Chúng tướng thi nhau đưa mắt nhìn Lương Tiêu, nhiều phần là hạnh tai lạc họa
(2). Họ thấy Bá Nhan luôn nâng đỡ người này, sớm đã bất mãn, lại chứng
kiến Lương Tiêu vì háo hức lập đại công mà dám nhận một việc như vậy,
thảy đều mừng thầm:
– Ngăn sông cách dòng, thời gian hai tháng làm sao mà đủ? Tiểu tử này quá mong lập được công danh, có chết cũng đáng.
A Thuật nhìn hắn một cái, thở dài, cũng phất tay áo bỏ đi.
A Lí Hải Nha và Lương Tiêu đi cùng đường lên bờ, cả hai đều không nói gì, sóng vai đi một lúc. Hồi lâu sau, A Lí Hải Nha nhịn không được hỏi:
– Lương Tiêu, ngươi có mấy phần thành công?
Lương Tiêu nói:
– Bảy tám phần!
A Lý Hải Nha nói:
– Ta tưởng ngươi chắc chắn mười phần, mới dám đại ngôn như thế.
Lương Tiêu cười:
– Thiên hạ đâu có việc thập toàn thập mỹ.
A Lí Hải Nha gật đầu:
– Nói cũng đúng. Nếu cần ta giúp, cứ lên tiếng.
Lương Tiêu nói: “Đa tạ!”, rồi trở về Khâm Sát doanh.
Hôm sau, Lương Tiêu chế tạo được thiết bị đo sóng động, cùng Lan Á đi ra
Hán Thủy kiểm tra, ước lượng độ sâu của từng khúc sông. Quả không uổng
công, ba ngày sau, hai người đã tìm thấy nơi thích hợp để đắp đê. Hôm đó quay về đại doanh, Lương Tiêu suy nghĩ mất một đêm, vẽ ra đồ họa thủy
khố và các loại cơ giới, lại cùng với Lan Á thương nghị định đoạt.
Thương nghị qua hai ngày thì chính thức dùng bản vẽ con đê. Lan Á chiêu tập
thợ, theo đồ bản chế tạo cơ giới, cải tạo hạm thuyền.
Lương Tiêu
không lo không hoảng, ban ngày vẫn thao luyện binh mã, đêm xuống học Hồi Hồi số thuật, sau đó mới nghe Lan Á thuật lại tình hình công trình. Lan Á nghĩ hắn đã lập quân lệnh trạng, trong lòng lo lắng vạn phần, nhưng
Lương Tiêu đã dặn nàng trước mặt A Tuyết đừng đề cập đến chuyện quân
lệnh trạng, nên nàng cũng không tiện nói nhiều. Nhưng khi truyền thụ Hồi Hồi số thuật, trong lòng nàng vẫn thấp thỏm không yên, thường tính sai
đề mục. Lương Tiêu vừa nhìn qua đã biết, không nhịn được trêu ghẹo mấy
câu khiến Lan Á dở khóc dở cười.
Thời gian như tên bay, chớp mắt
đã mười ngày. Hôm nay, Lương Tiêu ở doanh trại thao luyện kỵ binh, lệnh
cho ba quân chơi mã cầu chi hí. Mã cầu hí vốn là trò chơi của giới quý
tộc Hán, có tác dụng khảo sát kỵ thuật của người tham gia. Sau khi người Mông Cổ học được, lấy làm phép luyện kỵ binh. Làm một quả mã cầu và sáu cái cầu môn, kỵ giả phân làm đội thi đấu. Trên lưng ngựa mỗi người cầm
một cây gậy màu, bên nào đánh cầu vào cầu môn nhiều hơn là thắng. Trò
chơi này vốn là hai đội đấu nhau, Lương Tiêu lại có ý muốn khảo nghiệm
trận hình của quân lính, chỉ đặt bốn cầu môn, đem hơn hai ngàn người
phân thành ba trăm bảy mươi đội, mỗi đội sáu người, dùng Lục hoa chi
trận, tranh đánh ba quả mã cầu.
Lương Tiêu đứng trên soái đài,
phát hiệu lệnh. Trên thao trường, hơn hai ngàn người vây quanh ba quả mã cầu màu đỏ bắt đầu tranh đoạt, cứ sáu người một đội, ai nấy đều lo giữ
trận thế không dám loạn chút nào. Trận thế hễ bị loạn, là tính như thua. Nhất thời, chỉ thấy trên giáo trường hơn ba trăm đội nhân mã xuyên qua
xẹt lại, ai nấy biến hóa trận thế, bao vây ngăn chặn, kéo bắn ngáng trở. Tình hình đó thực giống như thi nhân từng nói:
“Bán không thải trượng phiên tàn nguyệt
Nhất điểm phi cầu bính lạc tinh
Thúy liễu tiểu đình huyên cổ xuy
Ngọc tiên kiêu mã túc lôi đình.”
Tạm dịch nghĩa :
Giữa bầu trời treo mảnh trăng khuyết vằng vặc
Một đốm sáng bay vụt qua như sao băng
Liễu xanh nơi tiểu đình lả lơi theo làn gió thổi
Roi ngọc thúc ngựa như sấm sét
Tạm dịch thơ :
Nửa vầng trăng treo lờ lững giữa đêm
Chợt sáng chói một tinh cầu vụt mất
Bên tiểu đình liễu vờn theo gió hát
Tiếng vung roi thúc ngựa động càn khôn
(@BT)
Hoặc :
Nửa vầng trăng giữa đêm sâu
Sáng soi một bóng tinh cầu vút qua
Tiểu đình liễu gió hát ca
Tiếng roi giục ngựa như là lôi giăng
(@Kiếp Nô)
Nói ra thì tiêu sái khôn tả. Nhưng đó vốn là trò chơi của mười mấy người,
mà lúc này lại có hơn hai ngàn người tranh đoạt. Kỹ thuật cưỡi ngựa tinh thông cố nhiên không thể thiếu, nhưng nếu không đem Lục hoa trận biến
hóa ra kỳ lạ, cũng rất khó để đoạt được giải nhất, tức là dùng công phu
của sự khéo léo hơn là dùng sự kỳ diệu của tài phi ngựa.
Lương
Tiêu đứng xa quan sát, chỉ thấy ba chấm mã cầu vào ra không thể đoán
trước được ở bốn cầu môn. Nếu là người bình thường, chắc khó mà nhớ được chỉ trong sát na quả cầu vào ra bao nhiêu lần. Nhưng khả năng tính toán của Lương Tiêu là thiên hạ hiếm có, mã cầu đến đến đi đi tuy nhiễu loạn mất trật tự, hắn vẫn nhìn thấy rõ, tính rõ, không hề để lọt một quả
nào. Vì thế tuy đây là phép luyện binh thiên hạ vô song, nhưng khắp
thiên hạ này e rằng cũng chỉ có mình Lương Tiêu dùng được. Nếu không,
các đội tự mình nhớ được bóng vào bao nhiêu quả, người xem cầu mà tính
thiếu, nhất định có thể gây oán giận, vốn là việc tốt, nhưng lại biến
thành việc xấu rồi.
Một lát sau, hơn hai trăm đội nhân mã đều
phải nhận thua, lui sang một bên. Còn một trăm đội vẫn đang giao chiến.
Lương Tiêu ghi lại rất rõ, hai đội vào cầu nhiều nhất là đội của Thổ Thổ Cáp và Lý Đình, cơ hồ không phân trên dưới. Nang Cổ Ngạt, Dương Giác,
Vương Khả ba người đều ở trong những đội đó. Chỉ vì năm người này theo
Lương Tiêu đã lâu, về Lục Hoa trận lĩnh ngộ tương đối sâu sắc, vì thế
trận thế biến hóa vượt xa quân sĩ Khâm Sát về sự lợi hại. Lại thêm ba
khắc công phu, tại trường đấu chỉ còn mười đội. Lương Tiêu ra lệnh lấy
đi một quả cầu, chỉ lưu lại hai quả cầu để tranh đoạt.
Trong
khoảnh khắc, năm đội kia đều bị đội ngũ của mấy người Thổ Thổ Cáp đánh
tan. Lúc này tính ra, Thổ Thổ Cáp là đội có cầu vào nhiều nhất, Lý Đình
thì ít hơn ba quả cầu. Chỉ một lúc sau, ba đội của Nang Cổ Ngạt, Dương
Giác, Vương Khả lục tục rời đi, trên trường biến thành trận quyết đấu
của hai đội Thổ Thổ Cáp và Lý Đình. Lương Tiêu lại ra lệnh lấy một quả
cầu, trên trường đấu chỉ còn lại một quả mã cầu.
Cả đội Thổ Thổ
Cáp có ba bách phu trưởng, kỵ thuật rất tinh thâm. Đội của Lý Đình tuy
là quân sĩ bình thường, nhưng Lý Đình cơ trí thiện biến, chỉ huy đúng
đắn, trận hình biến hóa đa đoan, rất khó để đánh tan. Nhất thời, hai đội đều chiếm lấy các cứ điểm, đấu đến khó phân cao thấp, người đến kẻ đi,
chỉ một quả mã cầu mà đánh cho bay như phi tiễn.
Lúc này, sĩ tốt
Khâm Sát thấy hai đội đấu mãi mà không phân thắng bại thì hết sức vô vị. Khi luyện binh, Lương Tiêu nghiêm túc ít ai bằng, nhưng thời gian còn
thừa thì mặc cho lười biếng. Cho nên quân sĩ Khâm Sát lúc này thấy tẻ
nhạt quá, bắt đầu bày trò cá độ xem đội nào thắng đội nào thua. Có người còn chè chén ca hát, đại tiện tiểu tiện. Trường đấu một phen trở nên
náo loạn.
Lương Tiêu chú mục rất lâu, thấy Thổ Thổ Cáp hơi thắng
hơn một bậc, Lý Đình cũng không phải loại dễ dàng đối phó, bất giác hơi
gật đầu, cảm thấy rất được an ủi: “Quả không uổng công ta hao tâm tổn
khí, hai người này nếu luyện tập nhiều hơn, sau này nhất định sẽ có thể
trở thành đại tướng chi tài.” Nghĩ tới đây, chợt hơi có cảm giác bèn
liếc mắt nhìn, chỉ thấy Bá Nhan và A Thuật dẫn thân binh ngồi trên mình
ngựa đứng ở đằng xa nhìn lại. Sau lưng hai người có một vị văn quan
người Hán, râu đen dài tới ngực, khuôn mặt thanh tú, đôi con ngươi nhìn
chăm chăm vào trường đấu, lấp lánh tỏa sáng.
Lương Tiêu đứng dậy, roi ngựa lăng không giật một cái, một tiếng lanh lảnh vang khắp toàn
trường, Lý Đình và Thổ Thổ Cáp vội lùi sang bên; lại giật một nhát roi
nữa, Khâm Sát quân hạ xuống những việc trong tay, ngay cả đi đại tiện
cũng không kịp chùi đít, nhấc quần nhảy lên ngựa, cùng chạy điên cuồng
về trước soái đài. Lương Tiêu giật nhát roi thứ ba xong, Khâm Sát quân
đã tập trung ở dưới đài, xếp hàng tăm tắp, một chút cũng không loạn.
Bọn Bá Nhan phi ngựa vào, Lương Tiêu tiến lên nghênh tiếp. Bá Nhan cười điềm đạm:
– Mã cầu hí hay lắm, thật là sôi động! –
Hắn chăm chú nhìn chúng quân, nói:
– Vừa rồi rối bời bời, mà đã đến đủ rồi à?
Lương Tiêu nghe nói giương mắt nhìn, chợt thốt lên một tiếng kinh ngạc nói:
– Tại sao thiếu mất hai người rồi?
Một bách phu trưởng đứng ra khỏi hàng tâu:
– Ngạt Vật Lão bụng đau, Tiết Tư Đà theo hắn đến khám đại phu, vừa rồi
cùng với ta nói qua. Ta không kịp báo, ngươi đã chiêu binh rồi!.
Lương Tiêu gật đầu:
– Ngươi đi xem hắn có trở ngại gì không? Ta lát nữa sẽ đến thăm hắn.
Bách phu trưởng lĩnh mệnh vội vã đi.
Bá Nhan ngạc nhiên nói:
– Ngươi chưa điểm binh, làm sao biết thiếu người?
Lương Tiêu định nói, văn quan người Hán đã đột nhiên cười ha ha:
– “Tam nhân đồng hành thất thập hi
ngũ thụ mai hoa nhập nhất chi
thất tử đoàn viên chỉnh bán nguyệt
trừ bách linh ngũ tiện đắc tri”! (3)
Lương Tiêu tâm niệm chợt động, cung tay cười:
– Dám hỏi tiên sinh đại danh?
A Thuật cười :
– Vị này là Quách Thủ Kính Quách đại nhân, Đô thủy thiểu giám của triều
đình, là người thông minh hiếm có trong số Hán nhân. Lần này ngài phụng
chỉ đến đây, kiến tạo thủy trạm cho đại quân.
Lương Tiêu biết
quân Nguyên đông đến hai mươi vạn người, không chỉ lương thảo vận tải
hết sức gian nan, nước uống cũng thế. nếu uống phải nước không tinh
khiết, dịch bệnh lây nhiễm, sẽ chết hàng ngàn hàng vạn người, tổn thất
không thể tính được. Vì thế việc kiến lập thủy trạm là một việc khá lớn, không tinh thông thủy lợi không làm được.
A Thuật giơ roi chuyển thân, hướng về Khâm Sát quân ra lệnh:
– Các ngươi đi đi!
Nào ngờ chúng quân hoàn toàn không động đậy. A Thuật cau mặt định nói, chỉ thấy Lương Tiêu huy roi giật nhẹ, cười bảo:
– Giải tán đi!
Chúng quân mới hô một tiếng rồi giải tán dần. A Thuật sững người, đấm Lương Tiêu một quyền, mắng:
– Giỏi cho ngươi Lương Tiêu, đã dạy dỗ cái lũ lưu manh này ngoan thế? Đến lời của ta mà họ cũng không nghe.
Lương Tiêu cười:
– Họ nghe lời ta, ta nghe lời huynh vậy!
A Thuật khẽ vỗ một cái lên vai hắn, cười ha hả.
Bá Nhan ho khẽ, hỏi Quách Thủ Kính:
– Bài thơ mới rồi có ý nghĩa gì?
Quách Thủ Kính mỉm cười:
– Bài thơ này là một khẩu quyết toán đề. Đề bài tên là Vật bất tri số,
lại là Tôn Tử toán đề, do Binh thánh Tôn Vũ Tử lưu lại. Toán đề ra rằng: “Vật bất chi số, ba nhân ba thừa hai, năm nhân năm thừa ba, bảy nhân
bảy thừa hai, hỏi vật này có bao nhiêu?” Bài thơ mới rồi, chính là bí
quyết giải đề, cứ theo đó mà giải, cuối cùng khai triển theo nó, ta được vật là hai ba.
A Thuật nói:
– Ngươi nói bóng bẩy ta cũng
không hiểu. Nhưng Tôn Vũ Tử đại danh ta lại có nghe. Chỉ bất quá, đề mục này với điểm binh có quan hệ gì?
Quách Thủ Kính nhìn Lương Tiêu, cười bảo:
– Lương tướng quân, ta thật là “múa búa trước cửa Lỗ Ban” (4) rồi!
Lương Tiêu phẩy tay:
– Ngài nói đi đâu thế!
Quách Thủ Kính tiếp tục:
– Đề này là di pháp của Tôn Vũ, tự nó cũng có ám hợp binh pháp bên trong. Nói ra, đây vốn là phép tính toán rất xảo diệu, chỉ cần binh tốt căn cứ theo ba ba, năm năm, bảy bảy trận thế xếp hàng, là có thể suy ngược lại tổng số binh viên. Hán đại danh tướng Hàn Tín, Đường thái tông Lý thế
dân các vị nhất định phải biết. Hai người đó sở trường dụng binh không
ai bằng, cũng đều là cao thủ về phép này. Vì thế điểm binh thuật lại tên là Hàn tín điểm binh hoặc Tần vương ám điểm binh, chính là cho dù có
bao nhiêu binh mã, chỉ cần theo đúng trận xếp ra, đại tướng lặng lẽ quan sát trận thế, chỉ trong sát na là biết được số mục.
Nói tới đây, hắn chăm chú nhìn Lương Tiêu, nói.
– Đạo lý đó nói ra tưởng dễ, nhưng vận dụng vào thì lại khó càng thêm
khó. Nếu không phải trong lòng tính toán đến xuất thần nhập hóa, rất khó vừa nhìn một cái là ra. Từ Đường Thái Tông và Lý Tịnh tới nay, kỳ thuật điểm binh này cơ hồ đã thất truyền, cận đại chỉ nghe nói có Nhạc Phi
thông hiểu, nhưng cũng chỉ là nghe nói. Nhạc Vũ Mục chết oan trong ngục, không có binh pháp truyền ra hậu thế, phép này cũng chính là không có
người dùng. Không ngờ ở chỗ Lương tướng quân, Quách mỗ lại được nhìn
thấy Tôn Vũ diệu thuật!
Bá Nhan thần sắc nghiêm túc, gật đầu, hướng Lương Tiêu nói:
– Ngươi viết phép này thành chương trình, gủi đến chỗ ta để truyền ra
toàn quân, khiến đại tướng nào cũng biết được. Cái gọi là binh quý thần
tốc, điểm binh chi pháp này rất có tác dụng.
Lương Tiêu đáp ứng. Quách Thủ Kính nghĩ thầm:
– Sợ rằng đại tướng khác cho dù biết cách cũng không thể dùng tốt được.
Mọi người vừa nói chuyện vừa tiến vào trướng. Lương Tiêu cho người dâng lên rượu pha sữa ngựa, Bá Nhan uống một hớp, nói:
– Ngươi lúc trước không phải từng hỏi ta ai xây Giang Tâm thạch đài ư?
Lương Tiêu mục quang khẽ chuyển, nhìn Quách Thủ Kính, cười nói:
– Nghĩ chắc là Quách đại nhân rồi.
Bá Nhan thở dài:
– Việc quân không thể nói chơi được. Ngươi là tiểu tử mà gan to bằng
trời, trước mặt chúng tướng dám lập quân lệnh trạng với ta, không cần
mạng nữa sao? May mà trời còn thương cho Quách đại nhân kịp thời đến
nơi.
Lương Tiêu lại cười, nói:
– Thật là trùng hợp.
Quách Thủ Kính cau mày:
– Lương tướng quân chỉ cần hai tháng kỳ hạn. Bây giờ tính ra chỉ còn chưa đến một tháng rưỡi, tướng quân chắc đã có chuẩn bị rồi?
Lương Tiêu nói:
– Cái này ta cũng không mười phần chắc chắn, đều là Lan Á đang làm.
Ba người còn lại nhìn nhau. Bá Nhan cau mày:
– Đến lúc đó ta sẽ chặt đầu ngươi chứ Lan Á không có liên quan gì cả.
Lương Tiêu khe khẽ lắc đầu, nghiêm sắc mặt:
– Ta tin Lan Á.
A Thuật có vẻ không vui:
– Cô ta là một nữ nhân mà cũng có thể tin ư?
Lương Tiêu trông ra xa, điềm đạm nói:
– Cô ấy là nữ nhân, nhưng cũng là học trò của Nạp Tốc Lạp Đinh.
Bá Nhan, A Thuật nghe lời này, mặt đều trầm xuống. Chưa kịp trách móc, Quách Thủ Kính đã cười nói:
– Bây giờ đã gặp Lương tướng quân rồi, đại nguyên soái việc quân bận rộn, xin cứ về trướng đi!
Bá Nhan nghe vậy, trong lòng hồ nghi nhưng đành đứng dậy. Lương Tiêu tiễn hắn ra khỏi lều, chợt thấp giọng nói.
– Cám ơn.
Bá Nhan hừ lạnh, cũng không đáp lời, nhảy lên ngựa, cùng A Thuật ra khỏi viên môn.
A Thuật cười:
– Hai người đúng là cùng một nhà mà ra. Ngươi thì nói một đằng nghĩ một
nẻo, rõ ràng là việc công, lại âm thầm chiếu cố gã sư điệt ấy rất cẩn
thận. Hắc, với cái danh tu sửa thủy trạm, dùng mấy mươi khoái mã đi suốt ngày đêm, từ đại đô đem Quách đại nhân đưa tới quân trung. Còn tiểu tử
này? Miệng không nói, nhưng trong lòng thì rõ hết.
Bá Nhan cau mày, thở dài:
– A Thuật, hài tử này tài hoa cái thế, ngươi và ta đều không bằng. Nhưng
hắn hay tỏ ra sắc sảo quá mức, ta sợ hắn bị người khác đố kỵ.
A Thuật cười lạnh:
– Kẻ nào muốn động đến hắn, trước tiên phải vượt qua cửa ta đây.
Bá Nhan lắc đầu:
– Nếu trong hai tháng hắn không phá được phù kiều, ai cũng cứu không được hắn!
A Thuật cười:
– Ngươi yên tâm, ta biết tính Lương Tiêu. Đúng là hắn luôn đặt mắt trên đỉnh đầu, nhưng xưa nay chưa từng nói láo.
Bá Nhan ngậm miệng không nói, ngoảnh nhìn Khâm Sát đại doanh, thở một hơi dài.
———————–
(1) Phù kiều : cầu nổi.
(2) Hạnh tai lạc họa : vui mừng trước tai họa của người khác.
(3) Bài thơ này bao hàm lối chơi chữ của người Hoa cổ, dùng những từ vừa có nghĩa cũng vừa là số, nếu dịch số thì mất nghĩa mà dịch nghĩa thì mất
số. Do tiếng Việt không có những từ chức năng tương tự, nên chúng tôi
đành để nguyên.
(4) Nguyên văn : “ban môn lộng phủ”. Ban: Tên
Ban, họ Công Thâu, người nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc, nên thường
được gọi là Lỗ Ban, làm mộc rất giỏi, về sau được tôn là Ông Tổ nghề thợ mộc. Môn: Cửa. Lộng: Múa. Phủ: Cái búa. Câu này nghĩa tương tự như “múa rìu qua mắt thợ”.
Lương Tiêu ra lệnh cho người mời Lan Á nhập
doanh, đưa bản thủy khố ra cùng xem với Quách Thủ Kính. Quách Thủ Kính
cẩn thận xem một lúc lâu, chợt thở ra một hơi, chậm chậm hạ bản thủy khố xuống, Lan Á vội hỏi:
– Quách đại nhân, lẽ nào không tốt ư?
Quách Thủ Kính lắc đầu:
– Đâu có, bản vẽ này thật toàn thiện toàn mỹ, ngay cả chính lão sư ngươi
Nạp Tốc Lap Đinh cũng vị tất đã moi được khuyết điểm nào. Cái ta thở dài là, ta chuyến này là đến không được việc gì rồi. Chẳng làm được việc gì nữa.
Lan Á vui mừng nói:
– Vậy thì tốt quá rồi, ta ngày đêm lo lắng, chỉ sợ bản thủy khố này không ổn.
Nàng lại liếc Lương Tiêu, trách:
– Hắn thì im hơi lặng tiếng, chỉ biết nói không có vấn đề gì, không có vấn đề gì, đúng là khiến người ta lo muốn chết đi!
Quách Thủ Kính cười:
– Lương tướng quân trong lòng đã có dự tính rồi, tất nhiên không phải sợ gì rồi.
Lương Tiêu phẩy tay nói:
– Nói không sợ là nói dối, nhưng thay vì kinh sợ lo lắng, đứng ngồi không yên, chi bằng cứ phóng tay thử một trận. Lan Á là tinh học gia Hồi Hồi, thuật thủy lợi giỏi hơn ta. Bây giờ lại có Quách tiên sinh ngài, một
đại gia thủy lợi tương trợ, tin rằng không hết một tháng là có thể thành công..
Quách Thủ Kính mỉm cười:
– Lương đại nhân quá lời rồi, Quách mỗ gắng sức là được.
Sau đó, Lương Tiêu cáo từ đi ra ngoài, tự mình xử lý các quân vụ, để lại hai người thương lượng cụ thể.
Lương Tiêu biết tin tàu bè đã làm xong, bèn đem quân vụ ủy thác cho A Thuật,
đích thân ra bờ Hán Thủy cùng Quách Thủ Kính chỉ huy việc lắp sườn
thuyền, lắp đặt các loại cơ quan. Sau đó hắn cho đào một hố to dưới mười chiếc thuyền, khiến cự hạm dần dần bị treo lơ lửng, ở bên dưới đặt
những cọc gỗ dài ngắn; xong rồi mới từng bước chặt bỏ cọc gỗ, làm cho cự hạm rơi xuống hố, bằng với mặt đất; lại đem mấy ngàn vạn cân đất đã đào chia làm ba tầng, đẩy vào ba tầng khoang thuyền của cự hạm.
Lan Á thì dẫn người dựng những hàng rào gỗ dọc bờ sông, trong vòng ba ngày
ngắn ngủi, đã phát động đến gần một vạn sĩ tốt, dùng những cơ quan gỗ
tròn, đem đất đá từ trên núi hai bên bờ sông lăn xuống đến trước hàng
rào. Còn Quách Thủ Kính thì ở bên hàng rào, dùng những đất đá này đắp
thành đê sông.
Đất đá đắp xong, Lương Tiêu dẫn người trước các cự hạm đều đào một dòng kênh ngắn, đào sơ một đoạn mương ngắn trước
thuyền, dẫn thông ra dòng Hán Thủy. Nước sông từ con kênh ngắn chảy vào
hố sâu, cự hạm tức thì nổi lên. Sĩ tốt thuận theo thế nước mà đẩy thuyền đi. Tám chiếc cự hạm rộng trước sau lần lượt được hạ thủy. (1) Đến chỗ
đắp đê, chỗ này so với những chỗ chỗ khác thì rất hẹp, Lương Tiêu đã sớm ở trên sông đặt tám cái phao để nhận rõ địa điểm.
Đến gần phao,
Quách Thủ Kính thả neo, neo dừng thuyền lại. Lan Á thì chỉ huy thủy quân chuyển động máy móc, đẩy tấm ván di động dưới đáy thuyền trượt ra khiến nước sông tràn vào rất mạnh. Tám chiếc cự hạm mang theo đất đá, từ
những vị trí đã được đánh dấu bằng phao, chìm xuống dưới sông; bốn trên
bốn dưới, cao đến mười trượng, cắt ngang dòng sông, cấu thành một cơ sở
cho con đê. Còn hai chiếc cự hạm hẹp dài, đặt ở hai bờ đê, Lương Tiêu
cũng lệnh cho đào kênh thẳng, thông với sông, rồi cùng Quách Thủ Kính,
mỗi người dẫn một con thuyền dài tiến ngang ra sông rồi cũng lại rút ván cho nước sông tràn vào. Một trái, một phải từ từ chìm sâu xuống móng.
Hai chiếc thuyền này cách nhau chỉ khỏang mười trượng, ván lát sàn
thuyền thì cao hơn mặt nước mấy trượng. Đến đây, ở giữa hai thuyền, dòng nước có xu hướng xoáy hơn.
Sau đó, Lan Á dẫn mọi người đắp lại
mười con kênh, lấp hết những khe hở của con đê. Lương Tiêu thì cùng
Quách Thủ Kính chia nhau đứng ở hai đầu thuyền, dùng hai mươi dây sắt to đem một cái lồng chu vi mười trượng xếp đầy đá lớn treo vào giữa hai
con thuyền. Lúc này dòng nước bị cản trở, thượng lưu dâng lên mạnh, cao
hơn mười trượng nữa, vị trí nước vượt qua chiếc lồng khổng lồ, xoáy mạnh vô cùng. May có con đê ngăn dòng nước, khiến nó không đến nỗi vỡ tung.
Trên mặt thành, người Tống thấy quân Nguyên cả ngày bận rộn, chỉ cảm thấy
bất diệu, nhưng bất diệu chỗ nào thì lại không nói được. Cho đến khi con đê hợp long, mới biết quân Nguyên muốn cắt đứt Hán Thủy, nhất thời đều
không hiểu ra sao. Lữ Đức nói:
– Người Nguyên cắt dòng làm gì?
Muốn dìm thành à? Nếu chặn hạ lưu, làm nước sông chảy vào Tương – Phàn,
nhưng thành môn Tương – Phàn cách nước rất cao, dìm thành e rằng còn khó hơn cả lên trời. Muốn thả nước đẩy phù kiều của ta ư? Đến chỗ phù kiều, thế nước đã chậm, cuốn được mặt phù kiều thì còn có đạo lý, chứ đẩy cả
trụ cầu thì tuyệt không thể được.
Vân Thù cũng cảm thấy có lý, bèn nói:
– Để tránh nước lớn đẩy mất mặt cầu, Thái Thú nên phái người và vật chở nặng đồ đứng chặn trên phù kiều.
Lữ Đức mừng rỡ, cho rằng kế này thế là hoàn hảo.
Lương Tiêu thấy đê đắp đã xong, liền hiệu lệnh cho quân Nguyên, đem một trăm
khúc gỗ tròn nhọn đẩy xuống nước. Mỗi khúc gỗ tròn dùng da trâu buộc mấy trăm tảng đá lớn, đến nỗi gỗ tròn không thể nào nổi lên mặt nước được,
chỉ có cách chìm xuống đáy nước. Sau đó gỗ tròn nhao nhao theo dòng trôi đi, đến cửa lồng gỗ muốn qua không được, cứ xô tới xô lui. Lương Tiêu
lại lệnh cho chúng quân kéo chiếc lồng lên, thả cho nước trôi ra. Đột
ngột, mấy trăm cây gỗ lớn theo dòng nước lao ra, sau đó dần dần tản ra,
chìm trong những con sóng mạnh mẽ, xông thẳng đến hạ du.
Trong
lúc đó, Tống quân kéo trâu ngựa, phụng mệnh ở trên phù kiều trấn thủ,
nhìn ra xa thấy dòng nước lớn tràn tới, nổi lòng tức giận người Nguyên,
lần lượt cởi áo, nghênh đón dòng nước, hét lên một cách thống khoái. Ai
ngờ cầu gỗ chấn động dữ dội, dưới nước đột nhiên truyền tới những nhiều
tiếng ầm ấm, tựa như có cây cột gỗ sụp đổ. Không đợi chúng nhân bình
tĩnh lại, một trăm cây trụ nâng đỡ phù kiều đã đổ mất một nửa, phù kiều
sụp xuống, người Tống rơi tòm xuống nước.
Trên thành tướng Tống
trố mắt há mồm. Tính toán trăm mưu ngàn kế, nhưng tuyệt không thể ngờ
tới Lương Tiêu khổ sở tích nước, chính là muốn mượn thế nước dẫn đẩy
những cây gỗ tròn, tránh khỏi Ngư Võng trận, từ dưới mặt sông mà xô hủy
cây chống của phù kiều. Chưa kịp nghĩ đến đối sách, Lương Tiêu lại một
lần nữa tích nước, thả nước, đợt cây gỗ lần thứ hai lại trôi tới. Lần
này, phù kiều cây trụ đều đã bị hủy hết, chỉ còn lại mặt cầu bên trên,
bị dòng nước xoáy cuốn vào, trôi xuống hạ du.
Hơn mười vạn quân
Nguyên hoan hô không dứt. Bá Nhan và chúng tướng đứng bên cạnh chỗ lồng
nước, xem đến đây, khó nhịn được niềm vui điên cuồng, bèn hét to:
– Lương Tiêu, ngươi làm rất tốt! Ngươi muốn được thưởng gì? Cứ việc nói đi!
Chúng tướng nhìn Lương Tiêu, trong lòng lo sợ, lại cảm thấy đố kỵ, sợ hắn lại đòi thăng quan tấn tước. Nếu phải để cái tên tiểu tử non kém này cùng
mình đứng ngồi ngang hàng, thì thật khó chịu vạn phần.
Lương Tiêu từ trong ngực lấy ra một trang giấy, đưa cho Bá Nhan:
– Dược liệu trên giấy này, Nguyên Soái có thể vì tôi cung cấp các vị thuốc này chừng nửa năm không?
Chứng tướng vừa nghe, đều hết sức ngạc nhiên. Bá Nhan tiếp tờ giấy quét mắt qua, vô cùng buồn bã:
– Việc này ngươi cứ cầu xin riêng với ta, ta tiện tay làm là được, hà tất phải lấy làm phần thưởng?
Cau mày lại, hắn lại hỏi lần nữa:
– Chỉ thế này thôi hả?
Lương Tiêu nói:
– Chỉ có thế.
Bá Nhan ngấm ngầm thở dài, quay lại bảo thân binh đem giao cho y quan, hỏa tốc bốc thuốc. Lương Tiêu nghĩ tới A Tuyết có thể xóa được các vết sẹo
trên thân thể, khôi phục làn da trong ngọc trắng ngà ngày xưa, trong
lòng có một niềm vui khôn tả, không thể nói nên lời.
Lúc này Bá Nhan mục quang như điện, quét nhìn chư tướng, dõng dạc nói:
– Hôm nay phù kiều đã phá xong, hai thành đã bị cách ly. Phàn Thành thấp
nhỏ, binh cô, thế yếu, chỉ cần Phàn thành bị phá thì Tương Dương sẽ lập
tức trở thành một thành trì cô độc, mau chóng bị hạ. Trừ Lương Tiêu,
chúng tướng hãy quay về vị trí, lập tức thống lĩnh quân đội tiến vào vây Phàn Thành.
Chúng tướng nghe lệnh, nhao nhao tỏa đi. Bá Nhan hướng tới Trát Mã Lỗ Đinh hỏi:
– Hồi Hồi pháo(2) làm xong chưa?
– Đã xong hai pháo, hai ngày sau là có thể dùng được.
Bá Nhan cười dài:
– Đất trời trường tồn bảo hộ Đại Nguyên ta rồi! Thưởng cho ngươi hai trăm lạng vàng. Ngươi dẫn người đem pháo vận chuyển đến Phàn Thành, bắn vào
tường thành, đánh cho nó nát vụn ra.
Trát Mã Lỗ Đinh ứng thanh, vội vã đi ngay.
Bá Nhan ngoảnh đầu lại, cười bảo Lương Tiêu:
– Ta đoán, quân Tống không còn phù kiều, Lữ Đức nhất định sẽ điều thủy sư sang cứu viện Phàn Thành. Tuy chậm hơn một chút, nhưng cũng không dễ
đối phó. Ngươi có cách nào không?
Lương Tiêu trầm ngâm nói:
– Nếu muốn thuyền chiến vận chuyển , thì phải gỡ các lưới đánh cá, nếu không thuyền không thể chèo được.
Bá Nhan hiểu ý:
– Hảo, ta phái ba ngàn người, luân phiên chặt cây gỗ, nếu còn không đủ,
lại cho ngươi năm ngàn người và súc vật. Hãy nhớ, phải làm đứt sự tương
trợ của hai thành.
Lương Tiêu đáp ứng nhận lệnh.
Một lát
sau, tiếng pháo hiệu vang lên, quân lính bắt đầu áp sát Phàn Thành. Bá
Nhan xuống khỏi đê, nhảy lên ngựa, đích thân chỉ huy.
Quả nhiên,
khi thấy Phàn Thành gặp hiểm nguy, Lữ Đức hỏa tốc gỡ lưới, điều thủy sư
chở binh sĩ cứu viện. Vân Thù hiến kế bỏ neo thuyền, dùng xích sắt nối
lại, tự tạo thành phù kiều. Lữ Đức lập tức làm theo, điều động một trăm
thuyền nối thành một chuỗi, nối liền hai thành.
Lương Tiêu thấy
lưới đánh cá đã được gỡ, lập tức hạ lệnh bỏ đi các khối đá buộc, các cây gỗ tròn lần lượt nổi lên mặt nước. Quách Thủ Kính nhấc lồng thả nước,
sóng mạnh lập tức mang theo gỗ tròn xông thẳng xuống, khiến đáy các
thuyền chiến của Tống quân bị đánh nát từng chiếc, từng chiếc một. Nhất
thời nước sông tràn vào, chiến hạm của quân Tống tổn thất nhiều không
sao kể xiết.
Lữ Đức và Vân Thù hoảng kinh thất sắc, vội ra lệnh
cho thủy quân kéo lưới đánh cá ngăn sông. Lương Tiêu không để cho họ có
thời cơ giăng lưới, không ngừng điều gỗ tròn đến, phóng thẳng xuống
dưới, quét hết thủy sư Tống. Chỉ một ngày ra công phu, tàu lớn thuyền
nhỏ của quân Tống bị cọc gỗ đánh chìm vô số, bị bức lui xuống hạ du.
Trương Hoằng Phạm thừa cơ ngược dòng công kích, Tống quân thủy sư đằng trước
có cọc gỗ, đằng sau lại bị pháo bắn, không nghĩ ra được cách gì, nhất
thời nhốn nháo chạy trốn, lại sau một đêm kịch chiến, thủy sư quân Tống
hoàn toàn bị đánh tan, tàu thuyền tan tác khắp Hán Thủy. Từ đó, Tương
Phàn hai thành không thể tương hỗ cho nhau, trở thành cô lập.
Bá
Nhan đích thân đốc trận, quân Nguyên không phân ngày đêm, tấn công Phàn
Thành. Quân phòng thủ Tương Dương hữu tâm vô lực, lại khó cứu viện. Mấy
mươi vạn quân dân thành Tương Dương nhìn sang Phàn Thành, tiếng khóc
chấn động trời đất. Lữ Đức gặp phải thất bại to lớn, bi thống vô cùng,
nhưng thân làm chủ soái, chỉ còn cách gạt lệ nhẫn chịu, cùng Vân Thù
thương nghị một lúc, quyết ý phái mấy tên lính thông thạo thủy tính, lén vượt qua Dĩnh Châu, tiến về triều đình cầu viện.
Ba ngày sau,
Hồi Hồi pháo được vận chuyển qua sông Hán Thủy, lắp đặt bên ngoài tường
thành của Phàn Thành, cách thành lâu khỏang một ngàn bộ. Lương Tiêu
trông ra xa, chỉ thấy cỗ pháo cao chín trượng, dài mười trượng, trong có trụ quay, trước ngắn sau dài, trước dùng xích sắt treo đến mấy vạn cân
cư thạch, sau có răng cưa lớn nhỏ mấy chục cái. Hơn mười mấy người nắm
lấy chuôi, mượn sức răng cưa, mới đem những hòn đá buộc lại, để đuôi
pháo trễ xuống, lắp lên hơn mười tảng cự thạch.
Trong sát na,
Trát Mã Lỗ Đinh một tiếng ra lệnh, chúng nhân đồng thời thả tay, xích
sắt vội thu lại, tiếng như sấm nổ. Lương Tiêu ở ngoài mấy dặm, vẫn có
thể nghe thấy rõ, chỉ thấy trăm cân đá trầm xuống, ba trăm cân đá thì
lại bay lên cao, rơi xuống đầu thành Phàn Thành. Đúng lúc đá rơi, quân
Tống liền trông thấy một chuyện đáng sợ nhất trong đời. Tiễu lâu nguy
nga chỉ trong nháy mắt nát vụn, mấy chục tên lính Tống bị đá đè nát nhừ. Nhất thời, tiếng rung chuyển, tiếng la thảm, tiếng thốt kinh hãi hòa
lẫn vào nhau trên đầu thành.
Hai cỗ pháo Hồi Hồi từ mặt đông luân phiên bắn vào Phàn Thành. Trên thành lâu, tất cả đều tan nát, không ai
còn đứng được. Tướng lĩnh Tống dẫn bộ và kỵ binh đánh ra ngoài thành,
muốn hủy hoaị cỗ pháo, nhưng quân Nguyên đã đề phòng trước hai bên xông
vào huyết chiến, quân Tống ít, không địch được nhiều, phải lùi vào
thành. Quân Nguyên thấy quân Tống không đủ lực để chống trả, liền đưa cỗ pháo thêm năm trăm bộ vào gần chân thành, đá tảng bắn thẳng vào trong
thành, tiếng động như sấm nổ mưa rơi.
Tấn công dữ dội như thế
suốt nửa tháng, Phàn Thành chống trả ngày càng yếu ớt. Quân Nguyên thừa
thắng lắp vân thê đột nhập vào ngoại vi Phàn Thành. Tám ngàn quân phòng
thủ phải lùi vào nội thành. A Lý Hải Nha và Lưu Chỉnh cùng lĩnh đại quân bao vây nội thành.
Lúc này, Lâm An nghe tin Tương – Phàn bị cắt
đứt sự tương trợ, vô cùng khiếp đảm. Giả Tự Đạo vội điều mười vạn lục
quân và mười vạn thủy quân, lệnh cho Hạ Quý và Phạm Văn Hổ dẫn quân lại
cứu viện Tương – Phàn. Bá Nhan nghe được tin tức từ gián điệp bên Đại
Tống, thấy thủy sư đã bị phá, bèn gọi Lương Tiêu về, lệnh cho Khâm Sát
quân trấn giữ Bách Trượng sơn, cản đường Phạm Văn Hổ, lại ra lệnh cho A
Thuật, Sử Thiên Trạch dùng thủy sư phong tỏa thủy đạo bốn mặt, cản trở
Hạ Quý.
Hơn mười ngày sau, Phạm Văn Hổ dẫn mười vạn kỵ binh đến
gần Bách Trượng sơn. Hắn vốn hèn nhát, lại không muốn đến cứu viện, đến
đây chỉ là ra vẻ để sau này báo cáo với triều đình. Tống binh lập tức hạ trại quan sát, cách Tương Phàn năm mươi dặm. Không ngờ Lương Tiêu đã
nhận được tin mật báo, dẫn thẳng Khâm Sát quân đến công kích trong đêm.
Phạm Văn Hổ lúc này chưa ổn định được doanh trại, vừa bị tấn công đã
thất bại. Khâm Sát quân tung hoành trong trận, đánh giết mười vạn quân
Tống dữ dội, làm máu chảy thành sông. Phạm Văn Hổ thu thập bại binh hốt
hoảng rút về Dĩnh Thành.
Lương Tiêu phán đoán tình hình, quyết
định thừa thắng truy đuổi, ra lệnh cho Thổ Thổ Cáp dẫn năm trăm người về trấn giữ Bách Trượng sơn, còn chính hắn thì dẫn hơn một ngàn tinh kỵ
Khâm Sát, mỗi người dắt theo hai ngựa, tên bắn năm mươi túi, ba ngày hai đêm, ngựa không rời yên, giáp không cởi bỏ, vượt núi băng đèo chém giết liên tục, tiến lui như quỷ thần, không sao nắm bắt được. Mười vạn quân
Tống bị hơn một nghìn quân Khâm Sát đánh tan, hầu như toàn quân đều bị
tiêu diệt. Phạm Văn Hổ mặc giả nông dân, ẩn trốn trong núi mới thoát
chết. Số binh sĩ chạy được về Dĩnh Châu còn chưa tới một trăm. Trước
cảnh thất bại thê thảm ấy, lực lượng trấn thủ Dĩnh Châu đều ớn lạnh.
Lương Tiêu dẫn quân đuổi tới chân thành Dĩnh Châu, quân Tống đóng chặt cửa,
chĩa cung nỏ xuống, im lìm lập trận chờ đợi. Lương Tiêu thấy vậy, lại
thêm quân mình đã mệt mỏi, bèn giục ngựa quay về. Tướng Tống là Trương
Thế Kiệt thấy trận thế như vậy, cảm thấy có cơ hội thủ thắng, bèn mở
cổng thành đuổi đánh, nhưng sợ quân Khâm Sát kiêu dũng, bèn đặc phái đến bốn ngàn tinh kỵ, hai ngàn đuổi đằng sau, hai ngàn đánh úp hai cánh.
Lương Tiêu bèn dẫn quân chạy về phía bắc. Quân Tống đeo bám không rời. Quân
Khâm Sát đã mấy lần quay lại chực giao chiến, khổ nỗi ít không chọi được nhiều, dần dần có dấu hiệu tan rã. Mãi cho đến khi cách xa bình nguyên
Dĩnh thành, quân Tống cuối cùng cũng đuổi tới nơi. Tống quân vừa tấn
công là quân Khâm Sát chia làm bốn đội, bỏ chạy tứ tán. Quân Tống xé lẻ
truy sát, vô tình làm hỏng trận thế, lúc này Lương Tiêu bèn quay lại rúc tù và, tướng sĩ Khâm Sát vừa phóng điên cuồng vừa đổi ngựa, từ bốn
hướng phản kích vào, trận thế Lục Hoa bắt đầu chuyển động, tên bắn như
gió táp mưa sa. Ngay tức khắc, bốn ngàn kỵ binh Tống rối loạn, xác
người, xác ngựa la liệt khắp núi đồi.
Trương Thế Kiệt đứng trên
đầu thành nhìn ra xa, kinh hãi vô cùng, gấp rút dẫn đại quân ra khỏi
thành cứu viện. Nào ngờ quân Khâm Sát vẫn rất khí thế. Lương Tiêu vung
roi chỉ, đoàn quân đang trở về bèn xông tới tiếp viện, vừa phi thật
nhanh, vừa theo hiệu lệnh của Lương Tiêu. Quân Khâm Sát chia ra làm các
Lục Hoa trận, sáu tiểu trận kết thành một trung trận, sáu trung trận kết thành một đại trận, đại trận kết thành hình mũi kiếm vươn dài, như một
thanh trường kiếm sắc bén, xuyên suốt trung quân Tống dễ như trở bàn
tay, ra vào như chốn không người. Toàn thể quân Tống thua chạy tan tác,
Trương Thế Kiệt chỉ dẫn được một nhóm sống sót chừng ba ngàn người chạy
về Dĩnh Châu.
Đến đây, Lương Tiêu khua roi thu binh, chỉ thấy năm nghìn túi tên sắp cạn, người ngựa tuy vẫn khỏe mạnh nhưng biết thực
chất đều đã mệt mỏi vô cùng, khó mà đánh tiếp được nữa. Hắn lập tức hạ
lệnh thu binh, trở về đại doanh ở Bách Trượng sơn. Trương Thế Kiệt là
danh tướng đương thời nhưng mới hai trận đã tổn thất nghiêm trọng, đành
trợn mắt nhìn quân địch mệt mỏi chậm rãi rời đi, mà không dám phái thêm
một binh một tốt nào truy đuổi. Sau trận chiến này, quân Tống tổn thất
năm vạn, uy thế của đám “Hoàng Mao Quỷ” chấn động Đại Tống đến độ trên
Hán Giang một dải, dân chúng thường đem Mao quỷ ra để dọa cho trẻ con
nín khóc quấy ban đêm.
Tống tướng Hạ Quý nghe tin bộ binh và kỵ
binh của Phạm Văn Hổ thất bại như thế thì một ngày kinh sợ đến mấy lần.
Hắn trông thấy thủy sư của Trương Hoằng Phạm đến tấn công, chưa bắn một
mũi tên nào đã quay thuyền tháo chạy về Dĩnh Thành, lại thấy thảm trạng
Phạm Văn Hổ, trong lòng nghĩ mình rất là may mắn.
Nửa tháng sau,
quân Nguyên cuối cùng cũng đột nhập được vào Phàn Thành. Đến lúc này,
chiến cuộc giữa hai nước Tống – Nguyên đã duy trì được suốt sáu năm,
Phàn Thành thất thủ, Tương Dương hoàn toàn trở thành một thành trì cô
độc. Cũng trong tháng ấy, triều đình nhà Nguyên hạ chỉ, vì Lương Tiêu
lập được chiến công rực rỡ, lệnh cho làm Khâm Sát quân Tổng Quản. Bá
Nhan lại đưa bốn ngàn tinh kỵ Khâm Sát mới chiêu binh nhập vào Khâm Sát
doanh, đưa tổng số lên bảy ngàn, binh lực mạnh mẽ độc nhất vô nhị.
——————————-
Ghi chú:
(1) Đây là 1 trong 2 phương pháp hạ thủy thông dụng cho tàu bè và cả 1 số
kết cấu khác. Cách thứ nhất là dùng mặt nghiêng, trực tiếp đẩy tàu xuống sông/biển. Cách thứ 2 là đào những con kênh nhỏ để đưa nước vào vị trí
đóng tàu (dry-dock), cho tàu nổi lên rồi đẩy dần tàu ra biển/sông. Lương Tiêu dùng cách thứ 2. Cần lưu ý đây là truyện, có những chi tiết kỹ
thuật không thật hòan tòan chính xác.
(2) Hồi Hồi pháo là great catapult mà trong phần chú chương 1, hồi 2, quyển 4 có đề cập tới.