Con Đầm Pích

Chương 1



Còn vào những ngày mưa gió xấu trời

Họ thường tụ họp;

Tăng gấp đôi số tiền đặt cọc

Từ năm muơi

Lên đến một trăm,

Và họ được thua.

Lấy phấn chép ghi như vậy đó,

Công việc họ làm là như thế.(1)

Hôm ấy có đám bạc ở nhà Narumốp, trung uý trong đội kỵ mã cận vệ. Một đêm đông dài đã trôi qua mà không một người nào để ý đến, và khi dọn bữa ăn khuya ra, thì đã năm giờ sáng rồi. Kẻ được bạc thì vào bàn ăn rất ngon miệng, những người khác thì thẫn thờ ngồi nhìn bát đĩa đã cạn thức ăn. Nhưng rồi rượu sâm-banh dọn ra, chuyện lại nổ ran, ai cũng lên tiếng góp vào. Chủ nhân hỏi một người bạn:

– Xunrin, hôm nay anh có đánh chác gì không?

– Cũng như mọi khi thôi, tôi lại thua. Thực, tôi đen quá. Tôi chơi “mia-răng-đôn”(2), không bao giờ tôi nóng mặt, không bao giờ tôi rối trí, ấy thế mà tôi cứ thua hoài!

– Thế nào, suốt cả đêm, anh không thử đặt tiền vào bên đó một lần nào à?… Thực tôi cũng phục cái gan lì của anh đấy.

Một tân khách chỉ một sĩ quan công binh trẻ tuổi nói:

– Các anh thấy Gherman thế nào? Suốt đời, cậu ta chưa hề cầm một quân bài, chưa hề chơi một ván bài, thế mà chịu khó ngồi xem bọn mình đánh đến năm giờ sáng.

Gherman nói:

– Tôi cũng thích đánh bạc, nhưng tôi không phải là người máu mê đến nỗi mang những đồng tiền cần dùng ra để liều lĩnh mong vơ được những đồng tiền thừa vô ích…

Tômxki nhận xét:

– Gherman là người Đức, anh ta tính chi li, thế thôi. Nhưng bà tôi mới thật là một con người khó hiểu: tôi muốn nói bá tước phu nhân Anna Phêđôtốpna ấy mà.

Tân khách đều thốt lên hỏi:

– Làm sao? Thế nào?

Tômxki tiếp:

– Tôi không thể hiểu tại sao bà tôi lại không bao giờ đánh bài.

Narumốp nói:

– Một bà cụ tám mươi tuổi mà không đánh bài, thì có gì là lạ!

– Thế các anh không biết gì về chuyện bà tôi cả hay sao?

– Không! Quả là chả biết gì cả.

– Ồ, thế thì để tôi kể cho mà nghe. Cách đây khoảng sáu muơi năm, bà tôi có đi Pari, và hồi đó tiếng tăm bà tôi đã vang dậy cả một thời ở đấy. Người ta chạy theo bà tôi để xem mặt la Vénus moscovite *. Risơliơ phải lòng bà tôi, và bà tôi quả quyết rằng chỉ một chút xíu nữa thì hắn phải nổ súng vào óc mà tự tử vì bị bà tôi nghiệt ngã quá.

Thời ấy, phụ nữ thường hay đánh bài pha-ra-ông. Có lần, trong một canh bạc ở Hoàng cung, bà tôi thua công tước Oóclêăng và nợ miệng mất một số tiền rất lớn. Về đến nhà, bà tôi vừa tháo bỏ các nốt ruồi giả, cởi các váy xoè, vừa nói với ông tôi rằng mình vừa bị thua bạc và xin tiền trả nợ.

Nếu tôi không nhớ nhầm, thì hồi sinh thời, ông tôi chỉ là một thứ quản gia cho vợ mà thôi. Ông tôi vốn sợ bà tôi như sợ lửa, nhưng nghe đến số tiền bà tôi thua, ông tôi cũng phát khùng lên, lập tức đem sổ sách tính cho bà tôi thấy rằng trong sáu tháng, bà tôi đã vung phí mất nửa triệu bạc, rằng ở Pari chẳng làm gì có những lợi tức đất cát như ở nhà, trong những quận hạt Mátxcơva và Xaratốp đâu, và thế là ông tôi nhất định không chịu xuất số tiền nọ. Bà tôi tát ông tôi một cái, rồi đêm hôm ấy ngủ riêng giường để tỏ rõ cái phẫn nộ của mình.

Hôm sau bà tôi lại cho gọi ông tôi đến, hy vọng rằng cái hình phạt gia đình vừa rồi có hiệu quả gì chăng, nhưng ông tôi vẫn một mực không lay chuyển. Thế là lần đầu tiên trong đời, bà tôi chịu hạ mình xuống để bàn bạc và giảng giải cho ông tôi nghe. Bà tôi cố cắt nghĩa cho ông tôi hiểu rằng không phải món nợ nào cũng giống món nợ nào, và đối xử với một vị vương công mà như với một thằng đánh xe như thế thì còn gì là thể diện nữa. Nhưng ông tôi đã từ chối: “Đã bảo không là không, thế thôi!” Bà tôi không còn biết ăn nói làm sao được nữa.

May sao hồi ấy, bà tôi lại quen một người rất lỗi lạc. Chắc các anh cũng đã có nghe đến bá tước Xanh-Giécmanh(3) là người mà hồi đó người ta gán cho biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ. Ông ta tự xưng mình là một du sĩ, là kẻ đã phát minh ra nước phép trường sinh và hòn đá luyện vàng. Người ta cười nhạo ông ta là một lão lang bịp, còn Cadanôva(4) thì có viết trong tập Hồi ký rằng ông ta là một tên gián điệp. Nhưng, mặc dầu trong đời Xanh-Giécmanh có những điều bí ẩn như vậy, tướng mạo ông ta vẫn rất đường hoàng bệ vệ, và trong khi giao thiệp, ông ta tỏ ra là rất lịch duyệt hoà nhã. Ngay đến tận bây giờ, bà tôi đối với ông ta vẫn còn giữ được một cảm tình sâu sắc, hễ nghe ai nói đến ông ta một cách vô lễ là bà tôi nổi giận lên ngay. Bà tôi biết rằng bá tước sẵn có rất nhiều tiền. Bà tôi liền quyết định cầu cứu bá tước. Bà bèn viết cho ông ta một phong thư, mời ông ta đến nhà ngay.

Cái lão gàn dở đó quả nhiên đến ngay và thấy bà tôi dáng buồn rầu vô hạn. Bà tôi dùng những màu sắc hết sức thê lương ảm đạm miêu tả cho ông ta nghe sự tàn nhẫn dã man của chồng, và cuối cùng nói rằng chỉ còn hy vọng trông vào tình bằng hữu và lòng tốt hay giúp người của ông ta nữa mà thôi. Xanh-Giécmanh suy nghĩ một lát, rồi nói:

– Thưa phu nhân, tôi rất sẵn sàng ứng ra một số tiền mà phu nhân cần dùng, nhưng tôi biết rằng một khi mà phu nhân chưa hoàn lại được số tiền đó thì phu nhân sẽ cứ thắc mắc không yên tâm. Mà tôi thì tôi không muốn để phu nhân phải mang thêm một nỗi lo âu như vậy. Tôi có một cách khác: phu nhân có thể đánh gỡ lại số tiền đó…

– Nhưng thưa bá tước thân mến, tôi đã có thưa chuyện với ngài rằng tôi không còn một xu nhỏ nào nữa.

Xanh-Giécmanh tiếp lời:

– Phu nhân không cần đến tiền. Chỉ xin phu nhân hãy nghe tôi.

Thế rồi ông ta, truyền cho bà tôi một bí quyết, mà tôi chắc chúng ta đây, ai cũng sẵn sàng mua bằng một giá rất đắt…

Tất cả các sĩ quan trẻ tuổi đều lắng tai nghe hết sức chăm chú. Tômxki ngừng lại để châm lửa lên tẩu thuốc, rít một hơi dài, rồi mới kể tiếp.

– Ngay đêm hôm đó, bà tôi đến Vécxây, au jeu de la Reine **. Công tước Oóclêăng lại cầm cái. Bà tôi xin lỗi qua loa rằng hôm nay chưa đem tiền đến trả nợ được, rồi ngồi vào đặt tiền cửa. Bà tôi chọn ba lá bài: lá thứ nhất được, bà tôi đặt tiền gấp đôi và lá thứ hai, lại được, lại đặt gấp đôi vào lá thứ ba. Rút cục, bà tôi gỡ lại được toàn bộ số tiền đã thua.

Một trong những sĩ quan trẻ tuổi nói:

– Chỉ là gặp may thôi!

Gherman nhận xét:

– Chuyện bịa.

Một người thứ ba tiếp lời:

– Có thể bài có dấu chăng?

Tômxki nghiêm trang trả lời:

– Tôi không tin là có dấu.

Narumốp nói lớn:

– Thế nào, bà cậu biết ba lá bài ăn tiền, thế cậu còn chưa biết xin bà cụ truyền bí quyết lại cho à?

Tômxki đáp:

– Ô! Chính việc kỳ quái là ở chỗ ấy đấy. Bà tôi có bốn người con trai, mà cha tôi là một. Cả bốn người đều là những tay máu mê cờ bạc cả, ấy thế mà không một người nào có thể moi được của bà tôi cái điều bí mật đó. Ô, giá mà biết được thì có phải cả cha tôi, các chú tôi, lẫn tôi nữa đã sung sướng biết chừng nào? Nhưng mà này, các anh hãy nghe tôi kể lại lời của chú tôi, bá tước Ivan Ilích, ông ấy đã lấy danh dự mà nói với tôi như thế này: lúc sinh thời ông Tsáplítxki, người đã chết trong cảnh bần hàn sau khi đã vung phí hàng triệu bạc, ngày còn trẻ có lần đã từng thua bạc (tôi nhớ đâu là thua Dôrích(5) thì phải) đến ba mươi vạn rúp. Ông ta tuyệt vọng. Bà tôi xưa nay vốn rất nghiêm khắc đối với những lối chơi bạt mạng của thanh niên, lần ấy không biết làm sao lại rủ lòng thương hại Tsáplítxki: bà tôi truyền cho ông ta biết ba lá bài, lá nào đánh trước lá nào đánh sau, và bắt ông ta đặt cửa năm mươi ngàn rúp. Được, ông ta đặt cửa gấp đôi. Kết cục với ba lá bài đó, ông ra gỡ được số tiền đã thua mà lại còn được thêm nữa là đằng khác…

Nhưng đến giờ đi ngủ rồi đấy, đã sáu giờ kém mười lăm rồi.

Quả nhiên trời đã hửng sáng. Ai nấy cạn chén, rồi mọi người từ biệt nhau ra về.

*Thần vệ nữ Mátxcơva (tiếng Pháp).

**Đến phòng đánh bạc của Hoàng hậu (tiếng Pháp).


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.